Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 12

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

12

Lễ Ramadan đến vào mùa thu năm đó, năm 1974. Lần đầu tiên trong đời Mariam nhận thấy hình dáng của con trăng lưỡi liềm có thể làm thay đổi cả một thành phố như thế nào, thay đổi cả nhịp sống và tính cách của nó. Cô nhận thấy một sự im lặng uể oải xâm chiếm Kabul. Giao thông lừ đừ, thưa thớt, thậm chí là tĩnh lặng. Cửa hàng cửa hiệu trống không. Nhà hàng tắt đèn đóng cửa. Mariam không còn nhìn thấy người đứng hút thuốc dưới phố, những tách trà nghi ngút khói trên các bậu cửa sổ. Và đến iftar*, khi mặt trời lặn xuống phía Tây và khẩu đại bác từ trên núi Shir Darwaza gầm lên, cả thành phố chấm dứt thời gian nhịn đói, và Mariam cũng vậy, với bánh mì và một quả chà là, cô nếm vị ngọt ngào của lần đầu tiên trong mười lăm năm cuộc đời mình được chia sẻ cảm giác hòa mình với cộng đồng.
*[Thời gian được phép ăn tối trong dịp lễ Ramadan, cũng là lúc mặt trời lặn]
Trừ chừng mươi ngày trong dịp lễ, còn thì Rasheed không tuân thủ việc ăn chay. Những ngày hiếm hoi ăn chay, ông ta trở về nhà với tâm trạng bực dọc. Cái đói khiến ông ta ăn nói cộc lốc, dễ cáu kỉnh và hay sốt ruột. Một tối, khi Mariam chuẩn bị bữa tối muộn vài phút, ông ta bèn ăn bánh mì với củ cải. Thậm chí khi Mariam đã đặt đĩa cơm với thịt cừu và món qurma mướp tây trước mặt ông ta thì ông ta cũng chẳng đoái hoài. Ông ta chẳng nói gì và tiếp tục nhai bánh mì, hai thái dương động đậy, những mạch máu trên trán căng phồng giận dữ. Ông ta tiếp tục nhai và nhìn chằm chằm về phía trước, rồi khi Mariam nói với ông ta thì ông ta đưa mắt về phía cô nhưng cũng chẳng buồn chú mục vào mặt cô rồi lại tiếp tục đút một miếng bánh mì khác vào miệng.
Mariam cảm thấy nhẹ cả người khi tháng Ramadan kết thúc.
Nhớ lại hồi ở kolba, trong ngày đầu tiên của ba ngày lễ Eid-ul-Fitr theo sau lễ Ramadan, Jalil sẽ tới thăm Mariam và Nana. Mặc com lê và thắt cà vạt, ông đem theo những món quà của lễ Eid. Có năm ông tặng Mariam một cái khăn quàng cổ bằng len. Ba người bọn họ ngồi uống trà rồi sau đó Jalil xin lỗi phải đi.
- Về dự lễ Eid cùng với gia đình thật của ông ta, - Nana nói thế khi ông vượt qua con suối và vẫy tay tạm biệt.
Giáo sĩ Faizullah cũng đến. Ông mang cho Mariam những viên kẹo sô cô la bọc trong giấy bạc, một giỏ trứng luộc nhuộm màu và bánh quy. Sau khi ông đi rồi, Mariam trèo lên một cây liễu cùng với bữa tiệc của mình. Ngồi vắt vẻo trên một cành cao, cô bé ăn những viên sô cô la mà Giáo sĩ Faizullah mang cho và thả những chiếc vỏ giấy bạc cho đến khi chúng nằm rải rác xung quanh thân cây như thể cái cây đang nở ra những bông hoa màu bạc. Ăn hết sô cô la, cô bé lại bắt đầu với bánh quy, và với một chiếc bút chì, cô bé vẽ những khuôn mặt lên các quả trứng Giáo sĩ Faizullah mang cho. Mariam cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến lễ Eid, đấy là khoảng thời gian của lòng hiếu khách và các nghi lễ, khi các gia đình trong những bộ cánh đẹp nhất đi thăm viếng lẫn nhau. Cô hình dung bầu không khí ở Herat như đang vỡ ra với niềm vui sướng, và ai nấy đều ánh mắt bừng sáng, hân hoan bày tỏ niềm yêu mến và thiện chí đối với nhau. Nỗi cô độc phủ xuống Mariam như một tấm vải liệm và nó chỉ được nhấc ra khi Eid đã qua đi.
Năm nay, lần đầu tiên Mariam được tận mắt nhìn thấy Eid mà thời thơ ấu cô đã hình dung.
Rasheed đưa cô ra phố. Mariam chưa bao giờ được đi giữa một chốn sôi động như vậy. Chẳng sợ thời tiết lạnh giá, người người tràn ra trên những nẻo đường náo nhiệt để đi thăm viếng họ hàng. Trên phố nhà họ, Mariam nhìn thấy Fariba và cậu con trai Noor diện com lê. Fariba choàng một chiếc khăn màu trắng đi phía sau một người đàn ông dáng người nhỏ nhắn, trông có vẻ hơi rụt rè với cặp kính trên mắt. Cậu con trai cả của bà cũng ở đó, tự nhiên Mariam nhớ ra hôm ở lò nướng, Fariba đã nói tên cậu ta là Ahmad. Cậu ta có cặp mắt sâu ủ ê, khuôn mặt suy tư và nghiêm trang hơn so với cậu em, một khuôn mặt cho thấy sự trưởng thành sớm ở nơi cậu trong khi ở đứa em là nét trẻ con. Quanh cổ Ahmad đeo sợi dây chuyền có mặt là chữ ALLAH sáng lấp lánh.
Fariba chắc hẳn đã nhận ra Mariam đang đi bên cạnh Rasheed trong bộ burqa. Bà vẫy tay gọi to “Eid mubarak!”* [“Chúc mừng lễ Eid!”]
Từ bên trong chiếc burqa, Mariam khẽ gật đầu.
- Thế em biết bà ta à, bà vợ ông giáo ấy? - Rasheed hỏi.
Mariam nói cô không biết.
- Tốt nhất là em nên tránh xa. Bà ấy là người ưa buôn chuyện, hay thọc mạch. Còn ông chồng bà ta thì tự xem mình là học giả. Nhưng ông ta là một con chuột. Em nhìn xem. Có phải ông ta trông như một con chuột không?
Họ đến Shar-e-Nau, nơi bọn trẻ con đang nô đùa trong những bộ quần áo mới, những chiếc áo vest sáng màu có đính hạt, và so quà tặng Eid với nhau. Phụ nữ thì bày các đĩa kẹo. Mariam nhìn thấy đèn lồng ngày hội treo ở cửa sổ các cửa hàng và nghe thấy tiếng nhạc om sòm phát ra từ loa phóng thanh. Những người lạ chào “Eid mubarak” khi cô đi ngang qua.
Buổi tối hôm đó họ tới Chaman, và đứng đằng sau Rasheed, Mariam ngắm nhìn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời lóe ánh sáng màu xanh, hồng và vàng. Cô lại nhớ những khi cùng ngồi với Giáo sĩ Faizullah ở bên ngoài kolba, nhìn pháo sáng bắn lên xa xa từ Herat, những màu sắc bùng lên một cách đột ngột phản chiếu vào đôi mắt hiền dịu, mờ đục và bí ẩn của ông. Nhưng cô nhớ mẹ hơn mọi thứ. Mariam ước gì bà còn sống để bà có thể nhìn thấy cảnh tượng này. Và hơn hết là để được nhìn thấy cô. Để được thấy rằng cuối cùng thì sự mãn nguyện và vẻ đẹp không phải là những gì không thể đạt tới. Thậm chí là cho những kẻ như họ.
Họ có khách khứa tới thăm trong lễ Eid. Tất cả đều là đàn ông, bạn của Rasheed. Khi có tiếng gõ cửa, Mariam biết rằng mình phải lên tầng trên, vào phòng đóng cửa lại. Cô ở yên đó, trong khi đám đàn ông uống trà ở dưới nhà với Rasheed, hút thuốc và tán chuyện. Rasheed bảo Mariam không được xuống nhà cho đến khi khách khứa đã về hết.
Mariam không bận tâm. Trái lại, cô còn cảm thấy thật hãnh diện. Rasheed đã cho thấy sự ràng buộc thiêng liêng trong mối quan hệ của họ. Danh dự, phẩm giá của cô, namoos của cô là một điều ông ta thấy đáng giữ gìn. Cô cảm thấy vinh dự bởi sự bảo vệ đó. Cảm thấy mình được nâng niu và thật quan trọng.
Trong ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của Eid, Rasheed tới thăm một vài người bạn. Mariam bị đầy bụng suốt cả tối hôm trước nên cô đun một ít nước và pha cho mình một chén trà xanh rắc bột hạt đậu khấu. Trong phòng khách, cô dọn dẹp mớ chiến trường mà những vị khách để lại tối hôm qua: cốc chén nằm lăn lóc, hạt dưa cắn dở găm vào trong nệm, đĩa thức ăn tối qua đóng bánh ở ngoài viền. Mariam vừa dọn dẹp đống lộn xộn vừa tự hỏi những người đàn ông lười biếng đó không biết đã chè chén say sưa tới chừng nào.
Cô không chủ ý tới phòng của Rasheed. Nhưng công việc dọn dẹp đã đưa cô từ phòng khách tới cầu thang, rồi từ đó tới hành lang ở trên lầu và tới cửa phòng ông, và điều tiếp theo mà cô biết là cô đã ở trong phòng ông ta lần đầu tiên, ngồi trên giường của ông ta và cảm thấy mình như một kẻ phạm tội.
Cô nhìn thấy một tấm rèm nặng nề màu xanh, những đôi giày được đánh sáng bóng xếp ngay ngắn dọc bức tường, cánh cửa buồng bong tróc lớp sơn xám, để lộ thớ gỗ bên trong. Cô nhìn thấy một gói thuốc lá trên mặt tủ quần áo phía sau giường. Cô đặt một điếu vào môi mình và đứng trước cái gương nhỏ hình ô van treo trên tường. Cô nhả không khí vào gương và làm động tác gảy tàn thuốc. Sau đó cô đút điếu thuốc lại. Cô không bắt chước được cái vẻ thanh nhã của những người phụ nữ Kabul hút thuốc. Ở cô, trông điệu bộ đó thật thô thiển và buồn cười.
Cô kéo ngăn trên cùng của tủ quần áo với cảm giác tội lỗi.
Cô nhìn thấy khẩu súng trước tiên. Đó là một khẩu súng lục màu đen báng gỗ nòng ngắn. Mariam phải đảm bảo mình đã nhớ rõ tư thế, vị trí của nó trước khi cầm lên. Cô lật đi lật lại khẩu súng trên tay. Nó nặng hơn cô tưởng nhiều. Cô cảm thấy cái báng gỗ nhẵn thín trong tay còn nòng súng thì lạnh. Cô cảm thấy không an tâm khi Rasheed sở hữu một vật mà mục đích duy nhất là để giết người. Nhưng chắc chắn ông giữ nó vì sự an toàn của họ. Sự an toàn của cô.
Bên dưới khẩu súng là vài tờ tạp chí quăn mép. Mariam mở một cuốn ra. Có cái gì đó trong cô hẫng xuống. Miệng cô tự dưng há hốc.
Trên mỗi trang đều có hình phụ nữ, những phụ nữ xinh đẹp, không mặc áo, không mặc quần, không tất hay quần lót. Họ không mặc gì cả. Họ nằm trên giường, giữa đống chăn đệm nhàu nhĩ và nhìn chằm chặp vào Mariam với những cặp mắt hé mở. Trong hầu hết các bức ảnh, chân của họ đều giạng ra, và Mariam có thể nhìn thấy toàn bộ khoảng tối ở giữa chúng. Ở một vài bức, những người phụ nữ nằm phủ phục như là - xin Thượng đế tha tội cho ý nghĩ này - tư thế sujda* của người cầu nguyện. Họ ngoảnh nhìn về phía sau với vẻ buồn chán và khinh miệt.
*[Tư thế quỳ phủ phục]
Mariam vội đặt tờ tạp chí trở lại nơi cô tìm thấy nó. Cô cảm thấy mụ mị. Những người phụ nữ đó là ai? Tại sao họ lại có thể để cho người ta chụp ảnh mình kiểu đó? Trong lòng cô trỗi dậy sự buồn chán. Đó có phải là việc ông ta làm, những đêm mà ông không đến phòng của cô không? Có phải cô đã làm ông ta cảm thấy thất vọng trong chuyện này không? Và còn về tất cả những điều mà ông nói về phẩm giá và sự đứng đắn, về sự miệt thị những khách hàng phụ nữ mà nói cho cùng chỉ đưa chân ra để ông thử giày thì sao? Ông đã nói Khuôn mặt người phụ nữ là dành cho chồng của cô ta thôi. Chắc chắn những người phụ nữ trong các trang báo đã có chồng, một vài người ắt hẳn phải có. Hoặc ít ra họ cũng có anh em trai. Nếu thế, tại sao Rasheed cứ khăng khăng rằng cô phải che mặt trong khi ông không nghĩ gì cả khi nhìn những vùng riêng tư của vợ, chị em gái những người đàn ông khác.
Mariam ngồi trên giường, cảm thấy bối rối và hổ thẹn. Cô úp tay lên mặt và nhắm mắt lại. Cô cứ thở và thở cho đến khi thấy bình tâm hơn.
Rồi từ từ một lời giải thích cũng nảy ra. Rốt cuộc thì ông là đàn ông và đã sống một mình trong nhiều năm trước khi cô chuyển tới. Những nhu cầu của ông khác cô. Đối với cô, trong suốt bao nhiêu ngày tháng ấy, chuyện giường chiếu vẫn là một nỗi đau mà cô âm thầm chịu đựng. Đối với ông thì lại khác, ham muốn mãnh liệt, đôi khi gần như bạo lực. Cái cách ông dằn cô xuống, bàn tay bóp mạnh vào bầu ngực cô và cái hông hoạt động một cách dữ dội. Ông là một người đàn ông. Tất cả những năm đó ông đã sống mà không có người phụ nữ nào bên cạnh. Làm sao cô có thể trách ông vì đã sống theo cái cách mà Thượng đế đã tạo ra ông?
Mariam biết rằng cô sẽ không bao giờ có thể nói chuyện với ông về điều này. Không thể nhắc đến nó được. Nhưng liệu đây có phải là điều không thể tha thứ? Cô chỉ phải nghĩ về một người đàn ông khác trong cuộc đời mình. Jalil, một người chồng của ba bà vợ và người bố của chín đứa con nhưng vẫn có quan hệ ngoài giá thú với Nana. Điều gì là tồi tệ hơn, tờ tạp chí của Rasheed hay những gì Jalil đã làm? Và dù sao thì cô là gì mà phán xét chứ? Một kẻ quê mùa, một harami?
Mariam thử xem ngăn tủ dưới cùng.
Ở đó cô tìm thấy bức ảnh một bé trai, là Yunus. Đó là một tấm ảnh đen trắng. Cậu bé khoảng bốn tuổi, mà cũng có thể là năm. Nó mặc một chiếc áo kẻ sọc có đeo nơ bướm. Nó là một cậu bé xinh xắn với chiếc mũi thon thả, tóc nâu và đôi mắt đen hơi lấp lánh, đang lơ đãng nhìn đi đâu đó, như thể là nó vừa nhìn thấy một cái gì ngay khi đèn máy ảnh lóe sáng.
Ở dưới đó, Mariam thấy một cái ảnh khác, cũng là ảnh đen trắng, cái ảnh này thì hơi sần hơn một chút. Đó là ảnh một người phụ nữ đang ngồi, phía sau chị ta là một Rasheed gầy hơn và trẻ trung hơn với mái tóc đen. Người phụ nữ đó khá đẹp. Có lẽ không đẹp bằng những người phụ nữ trong cuốn tạp chí, nhưng chị ta đẹp. Và hiển nhiên xinh đẹp hơn nhiều so với cô, Mariam. Chị ta có chiếc cằm thanh tú, mái tóc đen dài rẽ ngôi ở giữa. Xương gò mà cao và vầng trán thanh mảnh, cao quý. Mariam tự hình dung ra khuôn mặt mình với đôi môi mỏng và cái cằm dài, cô cảm thấy thoáng chút ghen tị.
Cô nhìn bức ảnh này lâu hơn một chút. Cô cảm thấy một nỗi lo lắng mơ hồ về cái cách mà Rasheed dường như áp chế người đàn bà. Hai tay ông đặt lên vai chị ta. Ông cười mãn nguyện, môi căng ra, còn chị ta không cười, khuôn mặt ủ ê. Cái cách mà chị ta hơi nghiêng người về phía trước như thể đang muốn lẩn tránh hai bàn tay ông.
Mariam đặt mọi thứ vào vị trí cũ.
Sau đó, lúc giặt quần áo, cô thấy hối hận vì đã lén lục lọi phòng ông. Để làm gì chứ? Thực chất thì cô đã biết gì về ông? Rằng ông có một khẩu súng, rằng ông là một người đàn ông với những nhu cầu của đàn ông? Và cô lẽ ra đã không nên xem bức ảnh của ông và bà vợ cũ chừng nào còn có thể. Trước mắt cô hiện ra những hình ảnh ngẫu nhiên từ các tấm hình cô đã thấy.
Điều mà bây giờ Mariam cảm thấy, khi cái dây phơi đầy quần áo đang đung đưa một cách nặng nề trước mặt cô, là một sự thương cảm dành cho Rasheed. Ông cũng đã có một cuộc sống khó khăn, một cuộc sống đánh dấu bởi mất mát và những bước ngoặt định mệnh nghiệt ngã. Ý nghĩ của cô quay lại với cậu con trai Yunus của ông, hẳn đã từng đắp người tuyết trong cái sân này, bàn chân đã từng giẫm lên cũng những bậc thang này. Cái hồ đã cướp đi đứa con từ tay Rasheed, nuốt lấy nó, giống như con cá voi đã nuốt một tín đồ trùng tên với thằng bé trong kinh Koran. Mariam đau đớn, rất đau đớn, khi hình dung cảnh Rasheed đau khổ, hốt hoảng và tuyệt vọng đi trên bờ hồ và cầu xin hồ nước đưa con ông trở lại bờ đất khô ráo. Và lần đầu tiên cô cảm thấy đồng cảm với chồng mình. Cô tự nhủ rồi cuối cùng họ sẽ hình thành một mối quan hệ tốt đẹp.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét