Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 19

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

19

- Ta cần nói chuyện với bố mẹ cháu, dokhtar jan, - ông ta nói khi Laila ra mở cửa. Đó là một người đàn ông rắn chắc, khuôn mặt xương xương, dạn dày sương gió. Ông ta khoác chiếc áo màu khoai tây và đội mũ pakol len nâu.
- Cháu có thể nói với bố mẹ là ai đang ở đây ạ?
Rồi Laila nhận thấy bàn tay Babi đặt lên vai mình và ông nhẹ nhàng kéo cô bé ra khỏi cửa.
- Con lên gác đi Laila. Đi đi.
Khi đi về phía cầu thang, cô bé nghe thấy vị khách nói với Babi rằng ông ta mang tin từ Panjshir đến. Bây giờ thì Mammy cũng đang có mặt ở trong phòng. Bà đưa một tay lên bụm miệng, đôi mắt hết nhìn Babi lại đưa sang người đàn ông đội mũ pakol.
Laila lén nhìn xuống từ trên đầu cầu thang. Cô bé quan sát người lạ mặt đang ngồi cùng bố mẹ. Ông ta ngả người về phía họ. Nói nhỏ vài từ. Sau đó khuôn mặt Babi biến sắc, trắng bệch và ông nhìn chăm chằm xuống bàn tay, còn Mammy thì thét lên, la hét, vò đầu bứt tóc.
Sáng hôm sau, ngày fatiha*, đám đàn bà hàng xóm tập trung tại nhà Laila và chịu trách nhiệm chuẩn bị bữa tối khatm, một nghi lễ sau đám tang.
*[Kinh cầu fatiha, ở đây dùng trong nghi lễ cầu siêu cho người chết]
Mammy ngồi trên đi văng cả buổi sáng, các ngón tay vần vò chiếc khăn, mặt bà sưng lên. Bà được hai người phụ nữ đang sụt sùi ở bên chăm sóc, được họ thay nhau vỗ nhè nhẹ vào bàn tay, như thể bà là con búp bê mỏng manh nhất, hiếm có nhất trên thế giới này. Mammy dường như không hề để ý đến sự hiện diện của họ.
Laila quỳ gối trước mặt mẹ và cầm tay bà.
- Mammy.
Mắt bà hướng xuống. Bà chớp mắt.
- Chúng ta sẽ chăm sóc bà ấy, Laila à, - một người đàn bà ra vẻ trịch thượng nói. Trước kia, Laila đã từng dự nhiều lễ tang nơi mà cô bé đã nhìn thấy những người đàn bà giống như vậy, những người đàn bà ưa thích các thủ tục cần làm với người đã chết, những kẻ an ủi chính thức và không cho phép ai xâm phạm đến nhiệm vụ tự giao của họ.
- Mọi thứ vẫn ổn. Giờ cháu làm gì cứ làm đi, cô bé, làm một việc gì đó. Để mẹ cháu được yên.
Bị xua đuổi, Laila cảm thấy mình thật vô dụng. Cô bé chạy từ phòng này sang phòng khác. Cô bé lăng xăng quanh bếp một lát. Một Hasina dịu dàng khác thường và bà mẹ đến thăm. Rồi cả Giti và mẹ cũng đến. Khi nhìn thấy Laila, Giti lao đến, quàng cánh tay xương gầy quanh người Laila và cứ thế ôm rất lâu và chặt đến không ngờ. Khi cô bé lùi lại, nước mắt đã lưng tròng. Cô bé nói, “Laila à, mình rất lấy làm tiếc”. Laila cám ơn nó. Ba đứa ngồi với nhau ngoài sân cho đến khi một người đàn bà đến giao cho chúng nhiệm vụ rửa cốc và chồng đĩa trên bàn.
Babi cũng quanh quẩn đi ra đi vào căn nhà một cách vô định, nhìn quanh, như thể đang tìm kiếm việc gì đó để làm.
- Bảo ông ta tránh xa tôi ra. - Đó là lần duy nhất Mammy nói trong suốt buổi sáng.
Cuối cùng Babi ngồi xuống một mình trên chiếc ghế gấp ở hành lang, trông ông thật cô độc và nhỏ bé. Sau đó, một người trong đám đàn bà nhắc nhở ông rằng ông đang ngồi giữa lối đi của mọi người. Ông xin lỗi và đi ngay vào phòng làm việc.
Chiều hôm đó, đàn ông đi đến hội trường mà Babi thuê ở Karteh-Seh để làm lễ fatiha. Phụ nữ thì đến nhà. Laila ngồi cạnh Mammy, gần lối vào phòng khách, theo tục lệ là chỗ ngồi dành cho gia đình người mới mất. Những người đến viếng tháo giày ở cửa, gật đầu chào người quen khi đi qua phòng và ngồi lên những chiếc ghế gấp xếp dọc theo tường. Laila nhìn thấy Wajma, bà đỡ già đã đỡ cô bé chào đời. Cô bé còn nhìn thấy cả mẹ của Tariq, bà phủ chiếc khăn choàng đen qua bộ tóc giả. Bà gật đầu với Laila, mím môi chậm rãi nở nụ cười buồn bã.
Từ đài phát ra giọng âm mũi của đàn ông đang ngâm các câu xướng trong kinh Koran. Giữa chừng các câu xướng, những người đàn bà thở dài, thay nhau ra vào và khóc sụt sịt. Xung quanh có tiếng ho nhẹ, tiếng thì thầm và cứ từng lúc ai đó lại gào lên nức nở đau khổ một cách thái quá.
Mariam, vợ của Rasheed, bước vào. Cô quấn một cái hijab đen. Vài sợi tóc tuột ra ngoài xòa xuống trán. Cô ngồi xuống cạnh tường, đối diện với Laila.
Bên cạnh Laila, Mammy liên tục lắc người từ trước ra sau. Laila kéo tay mẹ vào lòng mình và ấp ủ bằng cả hai tay nhưng Mammy dường như chẳng để ý.
- Mammy, mẹ có muốn uống nước không? - Laila nói vào tai bà. - Mẹ có khát không?
Nhưng Mammy không nói gì. Bà không làm gì ngoài việc đu đưa người từ trước ra sau và nhìn chằm chằm xuống thảm một cách thờ ơ, lãnh đạm.
Lúc này, ngồi bên cạnh Mammy, chứng kiến những ánh mắt ủ rũ, sầu não khắp căn phòng, Laila dần cầm nhận tầm nghiêm trọng của tai họa đã giáng xuống gia đình mình. Những khả năng đã bị phủ nhận. Những hy vọng đã bị dập tắt.
Nhưng cảm giác đó không tồn tại lâu. Thật khó để cảm nhận, thực sự cảm nhận những mất mát của Mammy. Thật khó để gợi lên nỗi buồn, để đau thương trước cái chết của những người mà Laila không bao giờ nghĩ đến trước tiên ngay cả họ khi còn sống. Đối với cô bé, Ahmad và Noor chỉ giống như câu chuyện. Giống như những nhân vật trong truyền thuyết. Những ông vua trong sách lịch sử.
Chính Tariq mới là người thực, con người bằng xương bằng thịt. Tariq, người đã dạy cô bé những lời thề bằng tiếng Pashto, người thích ăn món cỏ ba lá ướp muối, người lúc nào cũng nhăn mặt và rên lên khe khẽ khi nhai, người có một vết bớt hồng nhạt ngay dưới xương đòn trái hình một cây đàn mandolin lộn ngược.
Vì thế Laila ngồi cạnh Mammy và than khóc Ahmad và Noor theo bổn phận, nhưng từ sâu thẳm trái tim cô bé, người anh trai thực sự vẫn còn sống và khỏe mạnh.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét