Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 39

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

39

Mariam

Tháng Chín, Năm 1997

- Bệnh viện này không điều trị cho phụ nữ nữa, - người gác cổng quát. Anh ta đứng trên đầu cầu thang, lạnh lùng nhìn xuống đám đông đang tụ tập ở trước bệnh viện Malalai.
Một tiếng rên lớn phát ra từ trong đám đông.
- Nhưng đây là bệnh viện của phụ nữ! - một người phụ nữ phía sau Mariam hét lên. Những người khác cũng la hét ủng hộ theo.
Mariam chuyển Aziza sang tay bên kia. Với cánh tay còn lại cô đỡ Laila đang rên rỉ, một cánh tay của Laila đang quàng qua cổ Rasheed.
- Bây giờ không thế nữa, - người lính Taliban nói.
- Vợ tôi sắp sinh rồi! - một người đàn ông đậm người hét lên. - Chẳng nhẽ anh nỡ bắt cô ấy phải sinh nở ngoài đường hay sao, người anh em?
Vào tháng Một năm đó, Mariam đã được nghe thông báo rằng đàn ông và đàn bà sẽ phải nằm ở những bệnh viện khác nhau và tất cả nhân viên nữ sẽ bị sa thải khỏi các bệnh viện của Kabul và được dồn đến làm việc trong một khu trung tâm. Không ai tin vào thông báo ấy. Taliban cũng không bắt buộc thực thi chính sách đó. Cho đến tận bây giờ.
- Thế còn bệnh viện Ali Abad thì sao? - một người đàn ông khác hét lên.
Người gác cổng lắc đầu.
- Wazir Akbar Khan?
- Chỉ dành cho đàn ông thôi, - anh ta trả lời.
- Vậy thì chúng tôi phải làm thế nào?
- Đến bệnh viện Rabia Balkhi, - người gác cổng nói.
Một phụ nữ trẻ tiến về phía trước, nói rằng cô đã từng ở đó. Họ không có nước sạch, cô ấy nói, không có bình ô xy, không thuốc men và cũng không có điện.
- Ở đó chẳng có gì cả.
- Đó là nơi mọi người phải đến, - người gác cửa nói.
Có thêm nhiều tiếng than vãn và la hét, một hay hai lời lăng mạ. Một số người thì ném đá.
Tay lính Taliban nâng khẩu AK lên và lia một tràng vào không trung. Một tay lính Taliban khác đằng sau anh ta vung roi lên.
Đám đông nhanh chóng giải tán.

Phòng chờ ở Rabia Balkhi đông nghẹt những phụ nữ mặc burqa và con cái họ. Không khí nồng nặc mùi mồ hôi, mùi cơ thể không được tắm gội, mùi chân, mùi nước tiểu, mùi thuốc lá và mùi chất khử trùng. Bên dưới cái quạt trần đứng im, đám trẻ con rượt đuối nhau, nhảy qua những đôi chân duỗi dài của các ông bố đang gà gật.
Mariam giúp Laila ngồi dựa vào tường, những mảng thạch cao giống như hình các nước ngoại quốc đã bong ra. Laila cứ lắc lư người ra đằng trước rồi về đằng sau, hai tay ấn chặt lấy bụng.
- Tôi sẽ tìm cách để cô được khám, Laila thân mến. Tôi hứa.
- Nhanh lên, - Rasheed nói.
Trước cửa sổ phòng đăng ký là một đám đông phụ nữ đang xô lấn, chen đẩy nhau. Một vài người vẫn bế cả con. Có người tách ra khỏi đám đông và lao về phía cửa dẫn tới phòng khám. Một tay lính Taliban có vũ khí đứng chặn trước lối đi và bắt họ quay trở lại.
Mariam hăng hái tiến đến. Cô cương quyết lách qua khuỷu tay, hông và vai của những người lạ. Có ai đó thúc vào xương sườn cô và cô thúc trở lại. Một bàn tay chộp mạnh vào mặt cô. Cô gạt đi. Để có thể tiến lên phía trước, Mariam phải vồ lấy cổ, cánh tay, khuỷu tay và tóc người khác và khi một người phụ nữ gần đấy rít lên giận dữ, cô cũng rít lại.
Giờ đây Mariam đã thấy sự hy sinh mà một người mẹ phải thực hiện. Sự đứng đắn chỉ là một. Cô buồn rầu nghĩ về mẹ Nana, về những hy sinh bà cũng đã chấp nhận. Lẽ ra bà đã có thể từ bỏ cô, hoặc có thể vứt cô ở một cái rãnh nào đó rồi bỏ đi. Nhưng bà đã không làm vậy. Thay vào đó, bà đã phải chịu đựng nỗi nhục nhã khi mang trong mình một harami, bà đã gắn cuộc đời mình vào một nhiệm vụ bạc bẽo là nuôi lớn Mariam và yêu thương cô theo cách riêng của bà. Để rồi cuối cùng, Mariam lại chọn Jalil chứ không phải bà. Khi giành giật lối đi với một quyết tâm trơ trẽn để vượt lên trước cái mớ hỗn độn này, Mariam ước gì cô đã là một đứa con gái ngoan ngoãn hơn của mẹ Nana. Cô ước rằng lúc đó cô có thể hiểu được điều mà bây giờ cô đã hiểu về tình mẫu tử.
Cô nhận thấy mình đang đứng trước một bà y tá - người trùm một cái burqa xám, bẩn từ đầu đến chân. Bà y tá đang nói chuyện với một người phụ nữ trẻ mặc chiếc burqa mà mũ đã thấm đẫm máu.
- Con gái tôi đã bị vỡ ối rồi mà đứa bé không ra được, - Mariam gào lên.
- Tôi đang nói chuyện với bà ấy! - người phụ nữ trẻ mình đầy máu kêu lên. - Hãy đợi đến lượt của bà!
Đám đông dạt từ bên này sang bên kia, giống như đám cỏ cao mọc quanh kolba khi có cơn gió thổi qua bãi đất trống. Một người phụ nữ sau lưng Mariam hét lên rằng con gái bà bị gãy khuỷu tay do ngã từ trên cây xuống. Một người phụ nữ khác thì la lên rằng cô ấy đang chảy rất nhiều máu.
- Cô ấy có bị sốt không? - bà y tá hỏi. Phải mất một lúc Mariam mới hiểu rằng bà ấy đang nói chuyện với mình.
- Không, - cô trả lời.
- Có chảy máu không?
- Không.
- Cô ấy đâu?
Mariam chỉ qua những cái đầu nhấp nhô chỗ Laila đang ngồi với Rasheed.
Y tá nói:
- Chúng tôi sẽ đến chỗ cô ấy.
- Bao lâu nữa? - Mariam kêu lên. Có ai đó chộp lấy vai cô và kéo cô lại.
Bà y tá nói, “Tôi cũng chưa biết”. Bà nói họ chỉ có hai bác sĩ và vào lúc này, cả hai đều đang tiến hành phẫu thuật.
Mariam lại nói:
- Nhưng con bé đang đau.
- Tôi cũng thế! - người phụ nữ bị chảy máu đầu gào lên. - Hãy đợi đến lượt bà!
Mariam bị lôi về phía sau. Giờ đây bà y tá đã bị che lấp bởi vai và đầu của những người khác. Cô ngửi thấy mùi ợ sữa của trẻ con.
- Hãy dắt cô ấy đi bộ, - người y tá la lên. - Và đợi.

Khi cuối cùng một y tá gọi họ vào thì trời đã tối. Phòng hộ sinh có tám giường, trên đó những người phụ nữ nằm rên rỉ và quằn quại đang được các nữ hộ sinh trong trang phục che kín người chăm sóc. Hai người phụ nữ đang sinh. Không có rèm che giữa các giường. Laila được xếp vào giường trong cùng, dưới một ô cửa sổ sơn đen. Gần đó có một cái bồn rửa, đã bị rạn nứt và khô cong, có một cái dây vắt ngang để treo găng tay phẫu thuật bẩn. Ở giữa phòng, Mariam nhìn thấy một cái bàn nhôm. Ngăn trên cùng có một cái chăn màu bồ hóng, ngăn cuối cùng thì trống rỗng.
Một phụ nữ nhận thấy Mariam đang nhìn.
- Họ đặt những đứa còn sống ở trên cùng, - cô ta nói một cách mệt mỏi.
Bà bác sĩ mặc burqa màu xanh đậm là một phụ nữ nhỏ bé, dáng vội vã với những chuyển động như chim. Mọi điều bà nói ra đều nghe có vẻ sốt ruột, khẩn cấp.
- Con so. - Bà nói như thể đó không phải một câu hỏi mà là một lời khẳng định.
- Đứa thứ hai, - Mariam trả lời.
Laila kêu lên một tiếng và co người lại. Những ngón tay cô bám chặt vào tay Mariam.
- Có vấn đề gì xảy ra trong lần sinh đầu hay không?
- Không.
- Bà là mẹ?
- Vâng, - Mariam trả lời.
Bác sĩ nâng nửa dưới tấm áo choàng lên và lấy ra một đồ khám bằng kim loại có hình nón.
Bà nâng cái áo của Laila lên và đặt đầu rộng của thiết bị ấy vào bụng cô, còn đầu hẹp để lên tai mình. Bà nghe khoảng gần một phút, thay đổi các vị trí và nghe lại, rồi lại chuyển sang vị trí khác.
- Bây giờ tôi phải sờ vào đứa bé, hamshira.
Bà đeo một cái găng tay được kẹp trên cái bồn rửa. Bà ấn một tay vào bụng Laila còn tay kia thì luồn vào bên trong. Laila rên lên. Khi bác sĩ đã làm xong, bà đưa găng tay cho một y tá giũ ra và kẹp lại dây.
- Con gái bà cần phải được mổ. Bà có biết đó là gì không? Chúng tôi phải mổ dạ con của cô ấy để lấy đứa bé ra, bởi vì cái thai bị ngược.
- Tôi không hiểu, - Mariam nói.
Bác sĩ nói đứa bé nằm ở tư thế như vậy sẽ không tự ra được.
- Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian rồi. Giờ cần phải đi đến phòng mổ ngay.
Laila gật đầu nhăn nhó, đầu cô rũ sang một bên.
- Có một số việc tôi cần phải trao đổi với bà, - bác sĩ nói. Bà lại gần Mariam hơn, nghiêng người và nói bằng giọng nhỏ nhẹ hơn, kín đáo hơn. Bây giờ có một chút gì đó ngại ngùng trong giọng nói của bà.
- Bà ấy nói gì vậy? - Laila rên rỉ. - Có gì xảy ra với đứa bé hay sao?
- Nhưng làm thế nào mà con bé chịu đựng được điều đó? - Mariam nói.
Từ sự thay đổi mang tính chất che chở trong giọng nói của Mariam, bác sĩ hẳn phải thấy sự buộc tội trong câu hỏi này.
- Bà nghĩ tôi muốn điều này hay sao? - bác sĩ nói. - Bà muốn tôi phải làm gì? Họ không cung cấp cho tôi những thứ tôi cần. Tôi cũng không có máy chụp X-quang, không ống hút, không có bình ô xy, thậm chí đơn giản là thuốc kháng sinh cũng không có. Khi các tổ chức phi chính phủ đề nghị trợ cấp tiền thì Taliban lại từ chối hoặc rót số tiền đó đến những nơi phục vụ đàn ông.
- Nhưng thưa bác sĩ, bác sĩ không thể cho con bé thứ gì ư? - Mariam hỏi.
Laila rên lên:
- Chuyện gì đang xảy ra vậy?
- Bà có thể tự đi mua thuốc, nhưng...
- Hãy viết tên thuốc ra, - Mariam nói. - Bác sĩ cứ viết tên thuốc ra là tôi sẽ đi mua ngay.
Dưới tấm khăn trùm mặt, bác sĩ lắc đầu.
- Không còn thời gian nữa, - bà nói. - Và một điều nữa, không một hiệu thuốc nào gần đây bán thuốc đó cả. Vì thế bà sẽ phải đi xa hơn, đến hỏi từng hiệu thuốc, có thể phải tìm khắp thành phố mới có khả năng mua được thuốc đó. Bây giờ đã gần tám giờ rưỡi rồi, vì vậy có thể bà sẽ bị bắt vì vi phạm lệnh giới nghiêm. Thậm chí nếu như tìm thấy thuốc thì có thể bà không đủ tiền để mua đâu. Hoặc cũng có thể bà sẽ bị kéo vào một cuộc tranh giành với một ai đó cũng đang cùng quẫn như bà. Không còn thời gian nữa đâu. Đứa bé cần được ra ngay bây giờ.
- Hãy cho tôi biết chuyện gì đang diễn ra! - Laila nói. Cô chống tay nâng người dậy.
Bác sĩ hít một hơi dài rồi nói với Laila rằng bệnh viện không có thuốc gây mê.
- Nhưng nếu chúng tôi chậm trễ, chị sẽ mất đứa bé.
- Vậy hãy mổ cho tôi, - Laila nói. Cô thả người xuống giường và co gối lên. - Hãy mổ bụng tôi và lấy đứa bé ra.

Trong phòng mổ cũ kỹ và bẩn thỉu, Laila nằm trên một cái giường cáng trong khi bà bác sĩ rửa tay trong chậu. Laila đang run rẩy. Cô hít không khí qua kẽ răng mỗi khi người y tá lau bụng cô bằng một miếng vải nhúng trong một thứ chất lỏng màu vàng nâu. Một y tá khác đứng ở cửa. Cô giữ cửa mở he hé để lén nhìn ra ngoài.
Giờ bác sĩ đã cởi chiếc burqa ra, Mariam thấy đỉnh đầu bà đã lốm đốm hoa râm, mí mắt nặng trĩu và vẻ mệt mỏi hằn lên ở khóe miệng bà.
- Họ muốn chúng tôi phải mặc áo choàng trong khi phẫu thuật, - bác sĩ giải thích và hất đầu về phía cô y tá đang đứng cạnh cửa. - Cô ấy phải trông chừng. Nếu cô ấy thấy họ đến, tôi sẽ choàng áo vào.
Bà nói điều này bằng giọng ngoan cố gần như thờ ơ, và Mariam hiểu rằng người phụ nữ này đã từng phải trải qua nhiều lần bị xúc phạm. Cô nghĩ, đây là một người phụ nữ hiểu được rằng mình thật may mắn khi vẫn được làm việc, rằng luôn luôn có những thứ, những thứ khác mà người ta có thể tước đi.
Có hai thanh kim loại được đặt dọc theo vai của Laila. Cô y tá, người đã lau bụng cho Laila, dùng những cái kẹp để kẹp một tấm khăn phủ lên đó.
Nó tạo thành tấm rèm giữa Laila và bác sĩ.
Mariam đứng ngay sau đỉnh đầu của Laila và ghé sát mặt xuống để má họ chạm vào nhau. Cô có thể cảm thấy hàm răng của Laila đang va vào nhau lách cách. Bàn tay họ lồng vào nhau.
Qua bức rèm, Mariam nhìn thấy bóng bác sĩ di chuyển về phía bên trái của Laila, cô y tá thì chuyển sang bên phải. Môi Laila căng ra hết sức. Bọt sùi ra qua hàm răng nghiến chặt. Cô bật lên những tiếng rên nhỏ và gấp gáp.
Bác sĩ nói:
- Can đảm nhé, em gái.
Bà cúi xuống Laila.
Mắt Laila trợn ngược. Rồi miệng há hốc ra. Cô cứ như vậy, run rẩy, gân cổ căng ra, mồ hôi trên mặt nhỏ ròng ròng, những ngón bấu chặt tay của Mariam.
Mariam luôn luôn khâm phục Laila về ngần ấy thời gian cô đã cố gắng chịu đựng trước khi cô hét lên.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét