Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 7

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

7

Jalil và các bà vợ của ông ta ngồi đối diện Mariam, phía bên kia cái bàn dài màu nâu thẫm. Ở giữa họ, chính giữa của chiếc bàn, là một bình pha lê cắm hoa cúc vạn thọ và một bình nước đang tỏa hơi nước lên thành. Người đàn bà tóc đỏ, người đã tự giới thiệu là mẹ của Niloufar, tên là Afsoon, ngồi bên phải Jalil. Hai người khác, Khadija và Nargis, ngồi bên trái. Mỗi bà vợ đều mang một cái khăn đen mỏng, họ không đội nó trên đầu mà buộc hờ quanh cổ như là một thứ phụ trang, vốn dĩ không thể tưởng tượng được rằng họ lại mặc đồ đen để để tang cho Nana nên Mariam cho một trong số bọn họ, mà cũng có thể là Jalil, đã gợi ý điều đó ngay trước khi họ gọi cô xuống.
Afsoon rót nước từ cái bình và đặt một cốc trước mặt Mariam, trên cái khay vải kẻ ô vuông.
- Mới mùa xuân mà trời đã ấm rồi, - bà nói. Bà làm điệu bộ quạt tay.
- Cháu có cảm thấy thoải mái khi ở đây không? - Nargis hỏi, bà có cái cằm nhỏ và mái tóc màu đen lượn sóng. - Chúng ta hy vọng cháu cảm thấy thoải mái. Sự... thử thách này... hẳn là rất nặng nề đối với cháu. Rất khó khăn.
Hai người kia gật đầu. Mariam thấy những hàng mi được tỉa tót của họ, những cái cười khẽ và thương cảm họ dành cho cô. Có tiếng ong ong khó chịu trong đầu cô. Cổ họng cô khô cháy. Cô uống một chút nước.
Qua ô cửa sổ rộng phía sau Jalil, Mariam có thể nhìn thấy một hàng táo đang trổ hoa. Sát bức tường cạnh cửa sổ có một cái tủ gỗ tối màu. Trong đấy có một cái đồng hồ, một bức ảnh đóng khung chụp Jalil và ba đứa con trai đang nâng một con cá. Ánh nắng chiếu lấp lánh trên vẩy cá. Jalil và mấy đứa con trai đang cười toe toét.
- Ừm, - Afsoon bắt đầu. - Tôi... thế này, chúng tôi... gọi cháu xuống đây bởi vì chúng tôi có một vài tin tức rất tốt lành cho cháu.
Mariam ngước lên.
Cô bắt gặp cái liếc mắt của những người đàn bà về phía Jalil, lúc này đang ngồi thõng người trên ghế nhìn đờ đẫn vào cái bình nước trên bàn. Sau đó Khadija, bà vợ có vẻ lớn tuổi nhất, quay sang nhìn Mariam chằm chằm, và Mariam có cảm giác rằng ngay cả cái nhiệm vụ này nữa cũng đã được họ bàn bạc trước, phân công nhau trước khi gọi cô.
- Cháu có một người tới cầu hôn, - Khadija nói.
Mariam rụng rời.
- Một gì ạ? - cô nói qua đôi môi đã đột nhiên tê cứng.
- Một khastegar. Một người cầu hôn. Tên anh ta là Rasheed, - Khadija tiếp tục. - Anh ta là bạn của một người làm ăn quen với bố cháu. Anh ta là người Pashtun, sinh ra ở Kandahar, nhưng sống ở Kabul, ở quận Deh-Mazang và có một căn nhà hai tầng ở đó.
Afsoon gật đầu:
- Và anh ta cũng nói tiếng Farsi như chúng ta, như cháu. Bởi vậy cháu sẽ không phải học nói tiếng Pashto.
Ngực Mariam thắt lại. Căn phòng nghiêng ngả, đất sụt xuống dưới chân cô.
- Anh ta là thợ đóng giày, - bây giờ thì là Khadija nói. - Nhưng không phải cái kiểu moochi làm giày bình thường bên lề phố đâu, không, không phải thé. Anh ta có cửa hiệu riêng, và là một trong những người đóng giày đắt hàng nhất ở Kabul. Anh ta làm giày cho các nhà ngoại giao, các thành viên của gia đình tổng thống - cho những người thuộc tầng lớp đó. Cháu thấy đấy, anh ta sẽ không khó khăn gì trong việc chu cấp cho cháu.
Mariam dán chặt mắt vào Jalil, trái tim cô lộn nhào trong lồng ngực:
- Có phải thế không? Những điều bà ấy nói có phải thật không?
Nhưng Jalil không nhìn cô. Ông ta tiếp tục cắn môi chăm chăm nhìn cái bình nước.
- Anh ta thì lớn tuổi hơn cháu một chút, - Afsoon nói xen vào. - Nhưng anh ta không thể nhiều hơn... bốn mươi. Cùng lắm là bốn mươi lăm. Có phải thế không, Nargis?
- Đúng thế. Nhưng tôi còn thấy các cô gái chín tuổi được gả cho những người đàn ông lớn hơn hôn phu của cháu hai mươi tuổi cơ, Mariam ạ. Tất cả chúng ta đều đã gặp những trường hợp đó. Cháu thì sao nhỉ, mười lăm à? Tuổi đó với con gái là thích hợp để lấy chồng rồi.
Những người khác hăng hái gật đầu phụ họa. Nhưng Mariam không thể thoát khỏi ý nghĩ rằng không ai đả động gì đến những người chị em cùng cha khác mẹ của cô, Saideh và Naheed, những người cũng cùng độ tuổi với cô, đều đang học tại trường Mehri ở Herat và đều đang có dự định theo học trường Đại học Kabul. Mười lăm hiển nhiên không phải là cái tuổi thích hợp để họ cưới chồng.
- Còn gì nữa nào, - Nargis tiếp tục, - anh ta cũng có những mất mát lớn trong cuộc sống. Chúng tôi được biết là vợ anh ta đã chết khi sinh con mười năm trước đây. Và sau đó, cách đây ba năm, đứa con trai của anh ta chết đuối trong một cái hồ.
- Chuyện đó thật buồn, đúng thế. Anh ta đã tìm vợ suốt mấy năm, nhưng chưa kiếm được nơi nào phù hợp.
- Con không muốn, - Mariam nói. Cô nhìn Jalil. - Con không muốn chuyện này. Đừng bắt con làm thế. - Cô ghét cái tiếng sụt sịt, cái giọng van nài của mình nhưng không thể không làm vậy.
- Hãy cư xử đúng mực nào, Mariam, - một trong các bà vợ nói.
Mariam không còn quan tâm ai đang nói nữa. Cô quay sang nhìn chằm chặp vào Jalil, đợi cho ông ta cất tiếng, để nói rằng không có gì trong số những điều này là thật.
- Cháu không thể sống cả đời ở đây được.
- Cháu không muốn có một gia đình của riêng mình à?
- Đúng thế. Một căn nhà, những đứa trẻ của riêng cháu?
- Cháu phải tiến bước chứ.
- Đúng ra thì sẽ tốt hơn nếu cháu lấy chồng ở đây, một người Tajik, nhưng Rasheed rất khỏe mạnh, và anh ta cũng quan tâm tới cháu. Anh ta có nhà và có công việc. Tất cả vấn đề là ở đó, có phải không nào? Còn Kabul thì là một thành phố xinh đẹp và sôi động. Có thể cháu sẽ không có cơ hội như thế này lần thứ hai đâu.
Mariam lại hướng về phía các bà vợ.
- Cháu sẽ sống với Giáo sĩ Faizullah, - cô nói. - Ông ấy sẽ cho cháu ở cùng. Cháu biết ông ấy sẽ làm thế.
- Như thế thật không tốt, - Khadija nói. - Ông ấy già và quá... - Bà cố tìm một từ thích hợp và Mariam hiểu điều bà thực sự muốn nói là ông ấy ở quá gần đây. Cô biết ý họ muốn gì. Cháu có thể sẽ không có cơ hội tốt như thế này lần nữa đâu. Và cả họ cũng thế. Họ cảm thấy xấu hổ nhục nhã bởi việc cô ra đời, và đây là cơ hội để họ xóa bỏ, một lần cho mãi mãi, cái dấu vết cuối cùng của vụ tai tiếng ầm ĩ mà chồng họ gây ra. Cô đang bị người ta tống đi bởi vì cô là hiện thân biết đi đứng và hít thở của nỗi hổ thẹn của họ.
- Ông ấy quá già và yếu, - cuối cùng thì Khadija nói. - Và cháu sẽ làm gì một khi ông ấy qua đời? Cháu sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình ông ấy.
Giống như cháu đang là gánh nặng đối với bọn ta. Mariam hầu như có thể nhìn thấy những ẩn ngữ không được nói ra từ miệng Khadija, giống như hơi thở đọng thành sương trong một ngày lạnh giá.
Mariam hình dung mình đang ở Kabul, một thành phố lớn, xa lạ và đông đúc, thành phố mà có lần Jalil đã nói với cô là nó nằm cách Herat sáu trăm rưỡi cây số về hướng Đông. Sáu trăm rưỡi cây số. Nơi xa nhất mà cô từng đi tới là hai cây số đi bộ từ kolba tới nhà Jalil. Cô tưởng tượng cảnh mình sẽ sống ở đó, ở Kabul, ở đầu kia của cái khoảng cách không thể tưởng tượng ra đó, sống trong ngôi nhà của một người lạ, chịu đựng tính khí và những yêu cầu, đòi hỏi của ông ta. Cô sẽ phải dọn dẹp, nấu ăn, giặt quần áo cho người đàn ông đó, Rasheed. Và còn nhiều công việc lặt vặt khác nữa - mẹ Nana đã nói cho cô biết những gì các ông chồng thường làm đối với các bà vợ của mình. Chỉ riêng những suy nghĩ về việc ân ái vợ chồng, mà cô tưởng tượng như những hành động hư hỏng và gây đau đớn, cũng đã làm cho cô cảm thấy vô cùng sợ hãi và mồ hôi toát ra khắp người.
Cô lại quay về phía Jalil.
- Hãy nói với họ đi. Nói với họ rằng bố không cho phép họ làm thế đi.
- Thực ra thì bố cháu đã trả lời với Rasheed rồi, - Afsoon nói. - Rasheed đang ở đây, tại Herat; anh ta đã vượt qua bao nhiêu dặm đường từ Kabul tới đây. Nikka* [Lễ cưới] sẽ diễn ra sáng ngày mai, và rồi sẽ có một chuyến xe bus đi Kabul vào buổi trưa.
- Nói với họ đi! - Mariam gào lên.
Đám đàn bà bây giờ cũng đều im lặng. Mariam cảm thấy họ cũng đang quan sát ông ta. Chờ đợi. Một sự im lặng bao trùm khắp căn phòng. Jalil vẫn ngồi xoay chiếc nhẫn cưới ở ngón tay, khuôn mặt tối sầm và bất lực. Từ bên trong tủ, tiếng đồng hồ vẫn tích tắc đều đều.
- Jalil yêu quý? - cuối cùng thì một bà lên tiếng.
Mắt Jalil nhướng lên chậm rãi, gặp ánh mắt của Mariam, chần chừ trong giây lát, rồi lại cụp xuống. Miệng ông ta mở ra, nhưng tất cả những gì thoát ra từ đó chỉ là một tiếng rên đau đớn.
- Hãy nói gì đi, - Mariam nói.
Rồi thì Jalil nói, với một giọng yếu ớt và buồn tẻ.
- Trời ạ, Mariam, đừng làm thế với bố, - ông ta nói như thể chính ông ta mới là người phải chịu trận.
Và, sau khi ông ta nói vậy, Mariam cảm thấy sự căng thẳng trong căn phòng đã biến mất.
Khi các bà vợ của Jalil bắt đầu một đợt trấn an mới - hoạt náo hơn - dành cho cô, Mariam nhìn xuống bàn. Mắt cô lần theo nét tròn trịa của chân bàn, đường cong hình sin ở các góc bàn, ánh sáng mờ mờ phản chiếu từ mặt bàn màu nâu thẫm. Cô nhận ra rằng mỗi khi cô thở ra, trên mặt bàn sẽ đọng lại một lớp sương mỏng, rồi cô biến mất khỏi cái bàn của bố mình.
Afsoon đưa Mariam lên phòng của cô trên lầu. Khi bà đóng cửa, cô nghe thấy tiếng chìa khóa lách cách quay trong ổ.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét