Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 17

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

17

Khẩu súng màu đỏ, có vòng cò súng màu xanh sáng. Lờ mờ hiện ra đằng sau khẩu súng là khuôn mặt toe toét của Khadim. Khadim mười một tuổi, bằng Tariq. Nó to cao và thường hay chơi xấu ngầm. Bố nó là tay đồ tể ở Deh-Mazang, thế nên đôi khi người ta bắt gặp Khadim ném nội tạng của bê vào người qua đường. Khadim thỉnh thoảng đi theo Laila ở sân trường vào giờ giải lao, liếc mắt nhìn đểu và phát ra những tiếng rên rỉ nhỏ khi cô bé không có Tariq ở bên. Một lần, thằng bé đó vỗ vai Laila và nói, Mày thật xinh đẹp, Tóc Vàng ạ. Tao muốn cưới mày.
Lúc này đây, nó đang vung vẩy khẩu súng.
- Đừng lo, - nó nói. - Thứ này không nhìn thấy được đâu. Không nhìn thấy được trên tóc mày.
- Mày không được làm thế! Tao cảnh cáo mày đấy.
- Mày sẽ làm gì nào? - thằng bé nói. - Mách với thằng què à? “Ôi, Tariq thân yêu. Ôi sao anh không về nhà để cứu em khỏi gã badmash [xấu xa] này!”
Laila bắt đầu lùi lại nhưng Khadim đã bóp cò súng. Nhưng tia nước ấm liên tục bắn ra dính vào tóc Laila và cả bàn tay khi cô bé đưa tay lên che mặt.
Đến lúc ấy, những thằng bé khác mới ra khỏi chỗ nấp, cười sằng sặc.
Một câu chửi Laila đã nghe được trên đường phố giờ đây bật ra khỏi miệng cô bé. Cô bé không thực sự hiểu câu chửi đó - không thể hình dung được sự logic của nó - nhưng những từ ngữ trong đó chất chứa sự giận dữ sục sôi và bây giờ cô tuôn chúng ra.
- Mẹ mày ăn b...!
- Ít nhất thì mẹ tao không phải là con điên như mẹ mày, - Khadim không mảy may bận tâm, tiếp tục bắn. - Bố tao ít nhất cũng không ẻo lả! Mà này, sao mày không thử ngửi tay mày xem?
Mấy đứa con trai khác cùng đồng thanh hô.
- Ngửi tay đi! Ngửi tay đi!
Laila làm theo, nhưng thậm chí trước khi làm vậy cô bé đã biết thằng nhóc đó có ý gì khi nói rằng thứ này sẽ không thấy ở tóc cô bé. Cô bé kêu lên the thé. Thấy vậy, bọn con trai la hét càng dữ hơn.
Laila quay lưng, khóc thét và chạy về nhà.
Laila múc nước từ giếng lên, đổ đầy vào chậu tắm và cởi phăng quần áo ra. Cô bé xoa xà phòng lên tóc, vừa dùng ngón tay cào điên cuồng lên da đầu vừa thút thít khóc trong sự căm phẫn. Cô bé xả lại tóc bằng một gáo nước và xoa tiếp xà phòng thêm lần nữa. Mấy lần cô bé đã suýt nôn ra. Cô không ngừng thút thít và run rẩy khi chà đi chà lại chiếc khăn mặt thấm nước xà phòng lên mặt và cổ cho đến khi da đỏ ửng lên.
Nếu có Tariq ở bên cạnh thì chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra, cô bé vừa nghĩ vừa mặc quần áo sạch vào. Khadim sẽ không dám làm gì. Và tất nhiên, chuyện cũng không xảy ra nếu như Mammy đến đón cô như đã hẹn. Đôi lúc Laila băn khoăn tự hỏi không biết Mammy có cảm thấy phiền phức vì đã sinh ra cô không. Giờ thì cô bé tin rằng người ta không nên sinh thêm một đứa con nào nếu như họ đã dành hết tình yêu thương của mình cho những đứa con trước đấy. Thật không công bằng. Một cơn tức giận trào lên trong cô bé. Laila đi vào phòng mình và nằm sập xuống giường.
Khi cảm thấy mọi thứ tồi tệ nhất đã qua, cô bé đi ngang hành lang đến cửa phòng Mammy và gõ cửa. Hồi còn bé, Laila thường ngồi hằng giờ ngoài cánh cửa này. Cô bé sẽ gõ cửa và thì thầm lặp đi lặp lại từ Mammy, giống như một câu thần chú nhằm phá giải bùa mê: Mammy, Mammy, Mammy, Mammy... Nhưng Mammy không bao giờ mở cửa. Bây giờ đây, bà cũng không mở cửa. Laila xoay nắm cửa và bước vào.
Thỉnh thoảng Mammy cũng có những ngày dễ chịu. Bà ra khỏi giường, mắt sáng ngời và vui vẻ. Làn môi dưới hơi trễ căng ra nở một nụ cười. Bà tắm. Bà mặc quần áo mới và chuốt lông mi. Bà để Laila chải tóc cho mình, công việc mà cô bé rất yêu thích, và đeo khuyên tai. Hai người cùng nhau đi mua sắm ở Mandaii Bazaar. Laila rủ bà cùng chơi trò Con rắn và cái thang, cùng ăn sô cô la bào từ những thanh sô cô la đen lớn, một trong những sở thích chung hiếm hoi của hai mẹ con. Điều Laila thích nhất vào những ngày vui vẻ của Mammy là khi Babi trở về nhà, hai mẹ con ngước lên từ bàn ăn và toét miệng cười khoe hàm răng nâu với bố. Một không khí ấm áp, hạnh phúc bao trùm cả căn phòng, và sau đó, Laila bắt gặp những cái nhìn thoáng qua đầy dịu dàng, lãng mạn đã từng nối kết bố mẹ khi ngôi nhà còn đông vui và ồn ã.
Đôi lúc, vào những ngày tươi đẹp đó, Mammy nướng bánh và mời các bà hàng xóm sang dùng trà và bánh ngọt. Laila phải lau sạch bát đĩa trong khi Mammy xếp ra bàn tách trà, khăn ăn và bát đĩa sạch. Tiếp đến, Laila sẽ chiếm một chỗ tại bàn phòng khách, cố gắng hóng hớt và tham gia cuộc trò chuyện khi các bà hàng xóm vừa nói chuyện hăng say vừa uống trà và khen ngợi tài nướng bánh của Mammy. Mặc dù Laila chẳng có gì mấy để nói, cô bé vẫn thích ngồi đó lắng nghe, bởi vì hiếm khi cô bé cảm thấy dễ chịu như trong những buổi tụ tập này: Cô bé được nghe Mammy nói về Babi đầy âu yếm.
“Anh ấy đã từng là giáo viên hạng nhất”, Mammy kể. “Học sinh rất quý trọng anh ấy. Không chỉ vì anh ấy không bao giờ dùng thước kẻ đánh học sinh như những giáo viên khác. Các bà thấy đấy, bọn chúng quý trọng anh nhà tôi vì anh ấy tôn trọng chúng. Anh ấy thật tuyệt vời”.
Mammy rất thích kể về chuyện mẹ đã cầu hôn bố ra sao.
“Khi đó tôi mười sáu tuổi, còn anh ấy mười chín. Hai gia đình chúng tôi sống sát nhà nhau ở Panjshir. Ôi, tôi đã phải lòng anh ấy, các hamshira ạ! Tôi thường trèo qua bờ tường ngăn cách giữa hai nhà và chúng tôi cùng chơi đùa trong khu vườn của bố anh ấy. Hakim lúc nào cũng lo sợ chúng tôi sẽ bị bắt quả tang và anh ấy sẽ bị bố tôi cho ăn đòn. “Bố em sẽ đánh đòn anh mất”, anh ấy luôn nói thế. Anh ấy rất cẩn thận, rất nghiêm túc, thậm chí ngay từ hồi đó. Và rồi một ngày nọ, tôi đã nói với anh ấy, nói rằng, “Anh à, rồi chuyện gì sẽ đến đây? Anh có định cầu hôn em không hay anh để em phải khasiegari anh đây?”. Tôi đã nói như thế đấy. Giá mà các bà nhìn thấy bộ mặt anh ấy lúc đó!”
Rồi Mammy cũng vỗ tay rộn ràng như mấy bà kia còn Laila thì phá lên cười.
Nghe Mammy kể những cầu chuyện đó, Laila biết rằng đã từng có thời Mammy luôn nói về Babi như vậy. Khoảng thời gian mà bố mẹ cô bé không ngủ riêng phòng. Laila ước ao giá mình được chứng kiến quãng thời gian đó.
Theo lẽ tất nhiên, câu chuyện tỏ tình của Mammy lại được lái sang chuyện mai mối. Khi đất nước Afghanistan được giải phóng khỏi quân Xô Viết và các chàng trai trở về nhà, họ sẽ đi tìm vợ, vậy nên, lần lượt từng người, các bà hàng xóm thay nhau giới thiệu tất cả các cô gái, có cả người thích hợp lẫn không thích hợp cho Ahmad và Noor. Laila luôn có cảm giác mình bị ra rìa khi các cuộc nói chuyện quay sang chủ đề về các anh trai cô bé, cũng giống như khi các bà bàn tán về một bộ phim yêu thích mà chỉ có cô bé là chưa xem. Laila được hai tuổi khi Ahmad và Noor rời Kabul đi lên vùng Panjshir phía Bắc để gia nhập quân đội của Tổng chỉ huy Ahmad Shad Massoud và chiến đấu vì cuộc thánh chiến. Laila hầu như không nhớ gì về họ. Một sợi dây chuyền có mặt là chữ ALLAH sáng lấp lánh trên cổ của Ahmad. Một khóm lông đen ở một bên tai của Noor. Tất cả chỉ có thế.
- Azita thì sao?
- Con gái của ông thợ làm thảm đó à? - Mammy vừa nói vừa vỗ má với vẻ coi thường. - Con bé còn nhiều ria mép hơn cả Hakim!
- Còn Anahita. Chúng tôi nghe nói nó học giỏi nhất lớp ở Zarghoona đấy.
- Thế các bà đã nhìn thấy bộ răng của nó chưa? Những tấm bia mộ thì đúng hơn. Con bé che đậy cả một bãi tha ma đằng sau đôi môi.
- Vậy thì chị em nhà Wahidi?
- Hai đứa lùn đó à? Không, không, không. Ôi không. Không phải dành cho con trai tôi. Không dành cho những ông hoàng của tôi được. Chúng xứng đáng hưởng những điều tốt đẹp hơn.
Cuộc nói chuyện cứ tiếp diễn, còn Laila thì để tâm trí vẩn vơ đi chỗ khác, hầu như lúc nào cũng vậy, nó lại trôi về với hình bóng Tariq.
Mammy đã kéo những chiếc rèm màu vàng nhạt lại. Trong bóng tối, căn phòng sực lên bao thứ mùi quyện vào nhau: mùi ga trải giường chưa giặt, mùi mồ hôi, mùi của bít tất bẩn, mùi nước hoa, mùi qurma ăn thừa tối hôm trước. Laila đợi cho mắt quen với bóng tối rồi mới đi ngang qua phòng. Mặc dù vậy, chân cô bé vẫn vướng vào đống quần áo bày la liệt dưới sàn.
Laila kéo rèm ra. Ở cuối chân giường có một chiếc ghế gấp bằng kim loại đã cũ. Laila ngồi xuống đó nhìn đống chăn không nhúc nhích, chỗ mẹ cô bé đang nằm.
Các bức tường trong phòng Mammy treo kín ảnh của Ahmad và Noor. Laila nhìn vào đâu cũng thấy hình ảnh hai người lạ mặt đang mỉm cười với cô. Chỗ này là hình Noor đang cưỡi trên xe đạp. Chỗ này lại là Ahmad đang cầu nguyện bên cạnh chiếc đồng hồ mặt trời do Babi và anh ấy làm khi anh mới mười hai tuổi. Và chỗ kia, hai anh trai cô, họ đang ngồi tựa lưng vào nhau dưới gốc lê già ngoài sân.
Dưới gầm giường của Mammy, Laila có thể thấy một góc chiếc hộp giày của Ahmad thò ra ngoài. Thỉnh thoảng, Mammy lấy cho cô xem những mẩu báo cũ cắt rời, nhàu nát từ trong hộp ra, cả những quyển sách nhỏ mà Ahmad đã sưu tầm được từ những nhóm nổi dậy và các tổ chức kháng chiến có trụ sở đóng tại Pakistan. Laila nhớ lại một bức ảnh có hình một người đàn ông mặc áo khoác dài màu trắng đang đưa chiếc kẹo que cho một cậu bé bị cụt chân. Dưới bức hình có đề chú thích: Trẻ em là những nạn nhân chính của chiến dịch mìn của quân Xô Viết. Bài báo còn nói thêm rằng người Xô Viết cũng hay giấu chất nổ vào bên trong các đồ chơi màu sắc sặc sỡ. Nếu bọn trẻ nhặt chúng lên, đồ chơi sẽ phát nổ và cướp đi những ngón tay, thậm chí là cả một bàn tay. Làm như thế để các ông bố không thể tham gia cuộc thánh chiến được, họ phải ở nhà chăm sóc con cái. Ở một bài báo khác trong chiếc hộp của Ahmad, một chiến binh Hồi giáo trẻ nói rằng quân Xô Viết đã phun xăng vào làng anh và đốt cháy da, làm mù mắt người dân. Anh ta kể đã nhìn thấy mẹ và em gái chạy ra dòng suối và ho khạc ra đầy máu.
- Mammy.
Đống chăn khẽ cựa quậy. Từ đó phát ra tiếng rên khe khẽ.
- Dậy thôi, Mammy. Đã ba giờ chiều rồi.
Thêm một tiếng rên nữa. Một bàn tay giơ lên, như một chiếc kính tiềm vọng tàu ngầm đang trồi lên khỏi mặt nước, rồi lại thụt xuống. Lần này, đống chăn chuyển động rõ rệt hơn. Lớp chăn đệm kêu sột soạt. Mammy dần dần hiện ra: ban đầu là mái tóc rối bời, tiếp đến là khuôn mặt nhăn nhó, trắng nhợt, đôi mắt nheo lại vì ánh sáng, một bàn tay đang lần tìm thành giường, tấm chăn trượt xuống khi bà càu nhàu vươn dậy. Mammy cố gắng ngước nhìn, chưa quen với ánh sáng, rồi gục đầu xuống ngực.
- Buổi học thế nào? - bà thì thầm.
Lại bắt đầu. Những câu hỏi và câu trả lời hời hợt chiếu lệ. Cả hai đều đang giả vờ. Hai mẹ con là cặp đôi trong điệu nhảy cũ rích và mệt mỏi.
- Buổi học tốt ạ, - Laila trả lời.
- Con học được gì không?
- Như thường lệ.
- Con ăn chưa?
- Rồi ạ.
- Tốt rồi.
Mammy lại ngẩng đầu lên, hướng về phía cửa sổ. Bà nhăn mặt lại và chớp chớp mi mắt. Má phải của bà ửng đỏ, tóc bên đó cũng xẹp xuống.
- Mẹ bị đau đầu.
- Con mang cho mẹ mấy viên thuốc aspirin nhé.
Mammy xoa bóp hai bên thái dương.
- Thôi để lát nữa. Bố con có nhà không?
- Mới ba giờ mà mẹ.
- Ờ. Phải. Con đã nói rồi. - Mammy ngáp. - Mẹ vừa nằm mơ, - bà nói, giọng bà chỉ to hơn một chút xíu so với tiếng quần áo cọ vào chăn mền sột soạt. - Vừa xong, ngay trước khi con bước vào. Nhưng mẹ không tài nào nhớ lại được. Con có gặp chuyện đó không?
- Ai cũng có lúc như vậy mà Mammy.
- Quả là điều lạ lùng nhất.
- Con phải nói cho mẹ biết rằng trong khi mẹ đang nằm mơ thì một thằng bé đã bắn nước tiểu vào tóc con.
- Bắn gì? Cái gì cơ? Nói lại mẹ nghe.
- Nước tiểu. Nước đái.
- Thật là... thật là kinh khủng. Thượng đế ơi, mẹ xin lỗi. Tội nghiệp con. Mẹ sẽ nói chuyện với thằng bé đó ngay sáng ngày mai. Hoặc mẹ của nó. Đúng rồi, mẹ nghĩ như thế thì tốt hơn.
- Con còn chưa nói cho mẹ biết nó là ai mà.
- À. Ừ, nó là đứa nào?
- Thôi bỏ đi.
- Con đang tức giận.
- Lẽ ra mẹ phải đến đón con.
- Mẹ phải đến, - Mammy rên rỉ.
Laila không biết đó có phải là một câu hỏi hay không. Mẹ bắt đầu bứt tóc. Với Laila, việc tại sao thói quen bứt tóc của Mammy không làm cho đầu bà bị trọc lốc như một quả trứng vẫn luôn là một trong những điều bí hiểm lớn của cuộc sống.
- Gì nhỉ... Tên cậu ta là gì, bạn con đó, Tariq phải không? Đúng rồi, thế lúc đó cậu ta ở đâu?
- Cậu ấy đã đi xa được một tuần rồi.
- Chà, - Mammy thở dài bằng mũi. - Con đã gội đầu chưa?
- Rồi ạ.
- Vậy là giờ con đã sạch sẽ. - Mammy hướng cái nhìn chăm chú đầy mệt mỏi ra ngoài cửa sổ. - Con đã sạch sẽ và mọi chuyện đều ổn.
Laila đứng dậy.
- Con phải làm bài tập bây giờ.
- Tất nhiên rồi. Khép rèm cửa lại trước khi đi ra ngoài nhé, con yêu, - Mammy nói, giọng chìm dần. Bà đã nằm gọn dưới tấm chăn.
Khi Laila với rèm cửa, cô bé nhìn thấy một chiếc ô tô đi qua phố, nhả lại đằng sau một đám khói bụi. Đó chính là chiếc xe Benz màu xanh lục mang biển số Herat đến giờ mới dời đi. Cô bé đưa mắt dõi theo cho đến khi chiếc ô tô biến mất ở khúc ngoặt, cửa sổ sau xe lấp lánh dưới ánh mặt trời.
- Ngày mai mẹ sẽ không quên nữa, - tiếng Mammy vang lên đằng sau lưng cô bé. - Mẹ hứa đấy.
- Hôm qua mẹ cũng nói thế.
- Con không biết đâu, Laila.
- Biết gì cơ ạ? - Laila xoay người lại đối diện với mẹ. - Con không biết gì?
Mammy đặt tay lên ngực và vỗ.
- Ở đây. Thứ ở đây này. - Rồi tay Mammy trở nên mềm nhũn. - Con không biết được đâu.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét