Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 6

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

6

Họ chôn Nana ở một góc nghĩa địa làng Gul Daman.
Mariam đứng bên cạnh Bibi jo cùng với những người đàn bà khác trong khi Giáo sĩ Faizullah đọc lời cầu nguyện bên huyệt còn cánh đàn ông hạ thi thể được bọc vải liệm của Nana xuống đất. Rồi Jalil đi với Mariam về kolba. Ở đó, trước sự chứng kiến của những dân làng đi cùng, ông ta trình diễn một màn kịch hết sức lâm ly về sự quan tâm chăm sóc đối với Mariam. Ông ta thu nhặt một số đồ đạc của cô, bỏ vào trong một chiếc va li. Ông ta ngồi cạnh giường, nơi cô nằm, và quạt cho cô. Ông ta xoa trán cho cô, và, với vẻ mặt thiểu não, ông ta hỏi liệu cô có cần bất cứ thứ gì không? bất cứ thứ gì? - ông ta đã hỏi như thế, hai lần.
- Con muốn Giáo sĩ Faizullah, - Mariam nói.
- Tất nhiên là được rồi. Ông ấy đang ở ngoài kia. Để bố tìm ông ấy cho con.
Khi bóng dáng mảnh khảnh, còng còng của Giáo sĩ Faizullah xuất hiện ở ngưỡng cửa kolba, Mariam bật khóc lần đầu tiên trong ngày hôm đó.
- Ôi, Mariam yêu quý.
Giáo sĩ ngồi xuống cạnh cô và đưa hai tay ôm lấy khuôn mặt cô.
- Cứ khóc đi con, Mariam yêu quý. Khóc đi. Không có gì phải hổ thẹn. Nhưng con hãy nhớ, con gái ta ạ, rằng kinh Koran đã dạy, “Đức Cao Cả, bàn tay Người là Vương quốc, và Người có quyền lực đối với vạn vật, Người tạo ra cái chết và sự sống, và Người có thể làm điều đó với mọi người chúng ta”. Kinh Koran nói đúng, con gái ạ. Trong mỗi thử thách và mỗi sự đau khổ mà Người đặt lên vai chúng ta, Thượng đế đều có lý do của mình.
Nhưng Mariam không thể tìm thấy sự an ủi trong những lời về Thượng đế. Không phải trong ngày hôm ấy. Không phải sau đó. Tất cả những gì cô có thể nghe thấy là lời mẹ Nana, Mẹ sẽ chết nếu con đi. Mẹ sẽ chết. Và tất cả những gì mà cô có thể làm là khóc, khóc và khóc, để những giọt nước mắt của mình rơi xuống làn da đồi mồi mỏng dính trên đôi tay Giáo sĩ Faizullah.
Trên chuyến xe quay trở lại nhà mình, Jalil ngồi ở ghế sau cùng Mariam, tay ông ta quàng qua vai cô.
- Con có thể ở với bố, Mariam thân yêu, - ông nói. - Bố đã yêu cầu người ta dọn dẹp phòng cho con. Phòng đó ở trên tầng. Bố nghĩ con sẽ thích nó. Từ trên phòng con có thể nhìn thấy khu vườn.
Lần đầu tiên Mariam có thể nghe thấy những lời ông ta nói bằng đôi tai của mẹ Nana. Bây giờ thì cô có thể nghe thấy một cách rõ ràng sự giả tạo luôn ẩn chứa trong đó, những lời không thành thật, sự dối trá trơ trẽn. Cô không sao nhìn ông ta được.
Khi xe dừng lại trước cổng nhà Jalil, người lái xe mở cửa cho họ và mang va li của Mariam vào nhà. Jalil đỡ cô vào, hai bàn tay ôm lấy vai cô, dẫn cô đi qua cũng những cánh cổng mà hai ngày trước đây, Mariam đã phải ngủ bên ngoài, trên lề đường, để đợi ông ta. Hai ngày trước đây - khi Mariam không thể nghĩ ra được trên đời này lại có bất kỳ điều gì mà cô mong muốn hơn là được đi cùng với Jalil trong khu vườn này - dường như đã thuộc về một đời sống khác. Tại sao cuộc đời cô có thể đảo ngược một cách nhanh chóng đến như vậy, Mariam tự hỏi bản thân mình. Cô nhìn chằm chặp xuống đất, xuống hai bàn chân mình, xuống lối đi lát đá xám. Cô cảm nhận thấy sự có mặt của nhiều người trong khu vườn, đang thì thầm, đang bước tránh sang bên khi cô và Jalil đi qua. Cô cảm nhận thấy những ánh mắt từ các cửa sổ tầng trên đang đè nặng lên mình.
Cả khi ở trong nhà cũng thế, Mariam cứ cúi gằm mặt xuống đất. Cô bước đi trên một tấm thảm màu hạt dẻ với các hoa văn hình bát giác màu xanh và vàng lặp đi lặp lại, loáng thoáng nhìn thấy những chiếc đế tượng bằng cẩm thạch, nửa dưới của những chiếc bình, những mép sờn của các tấm thảm màu sắc sặc sỡ treo trên các bức tường. Cầu thang nơi cô và Jalil đi rộng rãi và được phủ bằng những tấm thảm cùng loại, đóng đinh vào mỗi bậc cầu thang. Tới đầu cầu thang, Jalil dẫn cô rẽ sang bên trái, theo một hành lang dài trải thảm. Ông dừng lại trước một cánh cửa, mở nó ra và đưa cô vào trong.
- Các em gái Niloufar và Atieh của con thỉnh thoảng chơi ở đây, - Jalil nói, - nhưng thường thì chúng ta để dành phòng này cho khách. Bố nghĩ con sẽ cảm thấy thoải mái ở đây. Căn phòng đẹp, phải thế không?
Trong phòng có một cái giường trải tấm chăn màu xanh in hoa được dệt chặt theo kiểu tổ ong. Rèm cửa đồng màu với tấm chăn, được kéo sang một bên để lộ ra khu vườn phía dưới. Bên cạnh giường là một cái tủ ba ngăn với một bình hoa đặt ở trên. Dọc quanh tường là những chiếc giá, trên đó đặt những bức ảnh đóng khung chụp những người mà Mariam không biết. Trong một cái giá, Mariam thấy một bộ sưu tập những con búp bê gỗ giống nhau, được sắp xếp theo thứ tự kích thước giảm dần.
Jalil thấy cô đang nhìn chúng.
- Đó là búp bê Matryoshka. Bố mua chúng ở Moskva. Con có thể chơi với chúng nếu con muốn. Sẽ không ai để ý đâu.
Mariam ngồi xuống giường.
- Con có muốn gì không? - Jalil hỏi.
Mariam nằm xuống. Nhắm mắt lại. Sau một chốc, cô nghe thấy tiếng Jalil khẽ đóng cánh cửa.
Ngoại trừ khi phải dùng nhà tắm ở dưới sảnh, còn lại Mariam ở lì trong phòng. Cô gái có hình xăm, người đã mở cửa cho cô bữa trước, mang thức ăn đến cho cô trong một cái khay: kebab thịt cừu, sabzi, xúp aush. Hầu như Mariam không đụng đến thứ gì. Jalil ghé qua vài lần trong ngày, ngồi trên giường cạnh cô và hỏi xem cô có ổn không.
- Con có thể ăn ở dưới nhà với chúng ta, - ông ta nói, nhưng giọng không chắc chắn lắm. Ông ta đồng ý một cách hơi quá nhiệt tình khi Mariam nói cô muốn ăn một mình hơn.
Từ cửa sổ, Mariam dửng dưng nhìn những gì mà cô đã từng tò mò và mong muốn được nhìn thấy nhất trong cuộc đời mình: những việc xảy ra trong đời sống thường nhật của Jalil. Những người phục vụ hối hả vào ra qua cổng trước. Một người làm vườn không ngơi tay cắt tỉa các bụi cây và tưới cây trong nhà kính. Những chiếc xe có mui dài, bóng láng đỗ ở trên phố. Từ trong đó chui ra những người đàn ông mặc com lê, chapan và đội mũ da cừu, những người đàn bà choàng hijab, những đứa trẻ con đầu tóc chải gọn gàng. Và khi Mariam nhìn thấy Jalil bắt tay những người lạ kia, khi cô nhìn thấy ông đặt tay trước ngực và cúi đầu chào các bà vợ của họ thì cô hiểu rằng mẹ Nana đã nói đúng. Cô không thuộc về nơi này.
Nhưng mình thuộc về đâu? Mình phải làm gì bây giờ?
Mẹ là tất cả những gì con có trên thế gian này, Mariam ạ, và khi mẹ chết đi con sẽ chẳng có gì cả. Con sẽ chẳng có gì cả. Con cũng chẳng là gì hết!
Giống như những cơn gió thổi qua rặng liễu xung quanh kolba, từng đợt bóng tối mơ hồ cứ ào qua Mariam.
Trong ngày thứ hai Mariam ở nhà Jalil, có một đứa bé gái bước vào phòng cô.
- Em phải lấy cái này, - nó nói.
Mariam ngồi dậy khoanh chân trên giường, kéo tấm chăn vào lòng.
Cô bé vội vã băng qua phòng và mở cửa tủ quần áo. Nó lấy ra một cái hộp vuông màu xám.
- Chị có biết đây là cái gì không? - nó hỏi. Nó mở chiếc hộp. - Nó là cái máy hát. Máy. Hát. Nó quay đĩa. Chơi nhạc ấy. Một cái máy hát.
- Em là Niloufar. Em tám tuổi.
Đứa bé gái mỉm cười. Nó có điệu cười của Jalil và cái cằm chẻ của ông.
- Sao chị biết?
Mariam nhún vai. Cô không bảo với nó rằng có lần cô đã lấy tên nó để đặt cho một viên sỏi.
- Chị có muốn nghe một bài hát không?
Mariam lại nhún vai.
Niloufar cắm điện cho cái máy hát. Nó lấy ra một cái đĩa hát nhỏ từ cái túi da bên dưới nắp hộp. Nó bỏ đĩa vào và hạ thấp kim máy hát. Bản nhạc bắt đầu nổi lên.
Em sẽ lấy cánh hoa làm giấy,
Và viết cho anh bức thư ngọt ngào nhất,
Anh là quốc vương của trái tim em,
Là quốc vương của trái tim em.
- Chị có biết bài này không?
- Không.
- Nó ở trong một bộ phim của Iran đấy. Em đã xem phim đó ở rạp của bố em. Này, chị có muốn xem cái này không?
Trước khi Mariam kịp trả lời, Niloufar đã chống tay và trán xuống dưới sàn. Nó đẩy chân lên và sau đó trồng cây chuối, đầu cắm xuống.
- Chị làm được không? - nó hỏi một cách khó khăn.
- Không.
Niloufar hạ chân xuống và kéo áo lại.
- Em có thể dạy chị, - nó nói, rẽ tóc ra khỏi vầng trán đỏ ửng. - Thế chị sẽ ở đây trong bao lâu?
- Chị không biết.
- Mẹ em nói chị không phải là chị thật của em như chị nói.
- Chị chưa bao giờ nói thế cả, - Mariam nói dối.
- Mẹ em bảo chị đã nói thế. Em không quan tâm. Ý em là, em không quan tâm có phải chị đã nói thế không, hay là chị có phải chị em thật không. Em không quan tâm.
Mariam nằm xuống.
- Chị thấy mệt.
- Mẹ em nói jinn đã làm cho mẹ chị treo cổ tự tử.
- Em có thể thôi được rồi, - Mariam nói và xoay lưng lại. - Ý chị là cái đĩa hát ấy.
Ngày hôm đó, Bibi jo cũng đến thăm cô. Khi bà đến thì trời đang mưa. Bà hạ tấm thân phục phịch xuống chiếc ghế bên cạnh giường và nhăn mặt vì đau.
- Cơn mưa nó hành hạ cái hông của ta, Mariam yêu quý ạ. Thật là quái ác. Ta mong rằng... Ôi, lại đây nào, con gái bé bỏng. Lại đây với Bibi jo. Đừng khóc. Thế, được rồi. Con thật tội nghiệp. Thật tội nghiệp.
Đêm đó, Mariam trằn trọc mãi mà không ngủ được. Cô nằm trên giường nhìn lên bầu trời, lắng nghe tiếng bước chân ở phía dưới, những âm thanh bị nghẹn lại bởi các bức tường và từng làn nước mưa tạt vào cửa sổ. Đang lơ mơ ngủ thì cô choàng tỉnh dậy bởi tiếng la hét. Âm thanh vọng từ dưới cầu thang, chói tai và giận dữ. Mariam không nghe rõ được tiếng nào. Có ai đó đóng sầm cánh cửa.
Buổi sáng ngày hôm sau, Giáo sĩ Faizullah đến thăm cô. Khi nhìn thấy người bạn của mình ở trước cửa, thấy chòm râu bạc và nụ cười móm mém hiền hậu của ông, Mariam lại có cảm giác nước mắt chực trào ra ở khóe mắt. Cô vung chân qua giường chạy ào tới. Cô hôn tay ông như vẫn thường làm và ông hôn lên trán cô. Cô kéo ghế cho ông ngồi.
Ông chỉ cho cô cuốn kinh Koran mà ông mang theo và mở nó ra.
- Ta thấy là không có lý gì mà bỏ qua bài học của chúng ta, phải không?
- Ông biết là con không cần đến những bài học này nữa mà, thưa Giáo sĩ. Ông đã dạy con tất cả những surrah* [Chương] và ayat*[Đoạn] trong kinh Koran từ mấy năm rồi.
Ông mỉm cười giơ cánh tay lên làm điệu bộ đầu hàng.
- Thế thì ta đành thú nhận vậy. Ta đã lấy cớ thôi. Nhưng ta không tìm được lý do nào tốt hơn để tới thăm con.
- Ông không cần phải có lý do đâu ạ. Đối với ông thì không cần.
- Con thật tốt khi nói những lời đó, Mariam yêu quý ạ.
Ông đưa cho cô quyển kinh Koran. Và như ông đã dạy, cô hôn nó ba lần, cứ sau mỗi lần hôn cô lại chạm nó vào trán, rồi đưa trả lại ông.
- Con thế nào, con gái của ta?
- Con cứ... - Mariam cất tiếng. Cô phải dừng lại, cảm thấy như có một khối đá chèn trong cổ họng. - Con cứ nghĩ mãi về những điều mẹ con đã nói trước khi con bỏ đi. Mẹ...
- Không, không, không. - Giáo sĩ Faizullah đặt bàn tay lên đầu gối cô. - Mẹ của con, mong đức Allah tha thứ cho bà ấy, là một phụ nữ rắc rối và bất hạnh, Mariam yêu quý ạ. Bà ấy đã làm một điều tồi tệ đối với bản thân mình. Với bản thân bà ấy, với con và với cả đức Allah nữa. Người sẽ tha thứ cho bà ấy, vì Người tha thứ cho tất cả, nhưng Allah rất buồn lòng bởi việc bà ấy đã làm. Người không đồng tình với việc lấy đi một mạng sống, dù là mạng sống của người khác hay là của chính bản thân, bởi vì Người nói rằng cuộc sống là thiêng liêng. Con biết đấy... - Ông kéo ghế lại gần hơn, nắm bàn tay Mariam trong hai tay mình. - Con biết đấy, ta biết mẹ con từ trước khi con ra đời, từ khi mẹ con còn là một cô bé, và ta có thể nói với con ngay từ hồi đó mẹ con đã bất hạnh rồi. Ta e rằng cội rễ cho những việc bà ấy làm đã nảy nở từ rất lâu. Điều ta muốn nói đó là chuyện đó không phải do lỗi của con. Nó không phải do lỗi của con, con gái ạ.
- Lẽ ra con không nên rời bỏ mẹ. Lẽ ra con...
- Đừng nghĩ như thế nữa. Những ý nghĩ đó là không tốt, Mariam ạ. Con nghe ta nói không? Không tốt. Chúng sẽ hủy hoại con. Đó không phải lỗi của con. Đó không phải lỗi của con. Hoàn toàn không.
Mariam gật đầu, nhưng dù mong muốn đến tuyệt vọng thì cô cũng không thể ép mình nghe theo những lời nói của ông.
Vào một buổi chiều của tuần lễ tiếp theo, có tiếng gõ cửa và một người phụ nữ dáng người dong dỏng bước vào. Bà có làn da trắng, mái tóc hung đỏ và móng tay để dài.
- Tôi là Afsoon, mẹ của Niloufar, - bà nói. - Cháu tắm rửa rồi xuống nhà dưới nhé.
Mariam nói rằng cô muốn được ở trong phòng hơn.
- Không, na fahmidi, cháu không hiểu rồi. Cháu phải xuống. Chúng ta có chuyện muốn nói với cháu. Đó là chuyện quan trọng.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét