Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 38

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

38

Laila

Khi chế độ Taliban bắt đầu vận hành, Laila mừng vì Babi không ở đây để chứng kiến. Điều này sẽ làm ông suy sụp mất.
Người ta cầm cuốc chim trèo lên Bảo tàng Kabul xiêu vẹo và đập tan thành mảnh vụn những bức tượng thời tiền Hồi giáo mà lực lượng Chiến binh Hồi giáo chưa kịp cướp đi. Trường đại học bị đóng cửa và sinh viên bị đuổi về nhà. Những bức tranh được gỡ xuống, rồi bị đâm toạc bằng dao. Màn hình ti vi bị đập nát. Sách, trừ kinh Koran, đều bị thiêu rụi từng đống, các hiệu sách bị đóng cửa. Những bài thơ của Khalili, Pajwak, Ansari, Haji Dehqan, Ashraqi, Beytaab, Hafez, Jami, Nizami, Rumi, Khayyam, Beydel và nhiều người khác đều tan theo khói bụi.
Laila nghe kể về những người đàn ông bị kéo lê trên đường vì tội chểnh mảng cầu nguyện và bị đẩy vào các thánh đường. Cô được biết quán Marco Polo, gần phố Gà, đã bị biến thành trung tâm tra khảo. Thỉnh thoảng người ta nghe thấy tiếng la hét vọng ra từ các ô cửa sổ sơn đen. Đội tuần tra Beard Patrol lái những chiếc xe tải Toyota lùng sục khắp các phố để tìm kiếm những khuôn mặt đã được cạo sạch sẽ và trừng trị họ thật đẫm máu.
Taliban cũng đóng cửa các rạp chiếu phim. Rạp chiếu phim Công viên. Ariana. Aryub. Phòng chiếu phim bị lục soát rất kỹ và các cuộn phim đều bị đốt. Laila nhớ những lần cô và Tariq ngồi trong những rạp chiếu phim này xem phim Hindu, nhớ lại tất cả những bộ phim thống thiết về những người yêu nhau bị chia rẽ bởi định mệnh bi thương, một người trôi dạt đến một miền đất xa xôi, còn người kia thì bị ép phải kết hôn, những giọt nước mắt, những bài ca trên cánh đồng hoa cúc, niềm khát khao về ngày đoàn tụ. Cô nhớ Tariq đã cười vì cô khóc khi xem những bộ phim này.
- Tôi băn khoăn không biết họ đã làm gì với rạp chiếu phim của bố tôi, - một hôm Mariam nói với cô. - Nếu như nó vẫn còn ở đó. Hoặc nếu như ông ấy vẫn sở hữu nó.
Kharabat, khu âm nhạc cổ truyền của Kabul cũng trở nên lặng lẽ. Nhạc công bị tra tấn và bị giam cầm, những rubab, tamboura và đàn đạp hơi của họ bị giẫm nát. Taliban tới bên mộ người ca sĩ yêu thích của Tariq, Ahmad Zahir, và nã đạn lên đó.
- Ông ấy đã chết cách đây gần hai mươi năm rồi, - Laila nói với Mariam. - Chết một lần còn chưa đủ hay sao?
Rasheed không lấy làm phiền cho lắm về Taliban. Tất cả những gì ông ta phải làm là nuôi bộ râu sẵn có và đến nhà thờ Hồi giáo, điều mà ông ta vốn vẫn làm. Rasheed nhìn nhận Taliban với một sự kinh ngạc đầy tha thứ và yêu thương, như nhìn nhận một người anh họ tính khí thất thường, khi thì có những hành động vui nhộn, lúc lại làm những chuyện đáng xấu hổ, không ai đoán trước được.
Tối thứ Tư hằng tuần, Rasheed thường nghe Đài Tiếng nói Shari’a khi Taliban công bố tên những người sẽ bị trừng phạt. Rồi vào thứ Sáu, ông ta tới sân vận động Ghazi, mua một lon Pepsi và xem màn biểu diễn. Trên giường, ông ta buộc Laila phải nghe ông ta kể với một niềm hồ hởi lạ lùng về những cánh tay bị chặt đứt lìa, rồi cảnh đánh đập, cảnh treo cổ, cảnh chém đầu mà ông ta đã thấy.
- Hôm nay tôi đã nhìn thấy một người đàn ông tự tay cắt cổ kẻ đã sát hại anh trai ông ta, - một đêm ông ta nói, miệng nhả những vòng khói thuốc.
- Họ là những kẻ tàn bạo, - Laila nói.
- Cô nghĩ vậy sao? - ông ta nói. - So với cái gì? Quân Liên Xô đã giết một triệu người. Cô có biết bao nhiêu người đã bị Chiến binh Hồi giáo sát hại riêng ở Kabul trong bốn năm qua không? Năm mươi ngàn người. Năm mươi ngàn! So ra thì việc chặt tay vài thằng trộm có dáng gì? Nợ máu phải trả bằng máu. Kinh Koran đã dạy như vậy. Ngoài ra, hãy nói cho tôi biết: Nếu có ai đó sát hại Aziza, cô không muốn có cơ hội để trả thù cho nó hay sao?
Laila ném cho ông ta một cái nhìn phẫn nộ.
- Tôi chỉ đang lấy đó làm ví dụ thôi, - ông ta nói.
- Ông cũng chỉ giống như họ mà thôi.
- Con bé có màu mắt mới thú vị làm sao. Cô có nghĩ thế không? Đó không phải màu mắt của cô mà cũng không phải màu mắt của tôi.
Rasheed nghiêng người về phía Laila, nhẹ nhàng chà vào đùi cô bằng cái móng tay ngón trỏ cong queo.
- Để tôi giải thích nhé, - ông ta nói. - Nếu tôi mà thích - tôi không nói là nó sẽ xảy ra, nhưng cũng có thể, cũng có thể lắm - thì tôi có đủ khả năng để tống cổ con bé Aziza đi. Cô có mong muốn điều đó không? Hoặc có thể một ngày nào đó tôi sẽ tới gặp Taliban, tới đó và nói với họ về nghi ngờ của tôi đối với cô. Chỉ cần như thế thôi. Cô nghĩ họ sẽ tin lời của ai? Cô nghĩ rồi họ sẽ làm gì với cô?
Laila dịch đùi ra khỏi tay ông ta.
- Nhưng tôi sẽ không làm thế, - ông ta nói. - Tôi sẽ không làm thế. Không. Có lẽ là không. Cô hiểu tôi mà.
- Ông thật đê tiện, - Laila nói.
- Cô quá lời rồi, - Rasheed nói. - Tôi luôn không thích điều này ở cô. Ngay khi cô còn nhỏ, khi cô còn chạy loăng quăng với thằng què đó, cô đã nghĩ là cô rất thông minh, với mớ sách vở và những thứ thơ thẩn của cô. Bây giờ tất cả sự thông minh của cô đem lại cho cô cái gì? Cái gì giúp cô không phải lăn lóc ngoài đường: sự thông minh của cô hay là tôi? Tôi đê tiện ư? Một nửa phụ nữ tại cái thành phố này sẽ xin được chết để có người chồng như tôi. Họ khao khát điều đó.
Ông ta quay người lại và nhả khói thuốc lên trần nhà.
- Cô thích dùng những từ đao to búa lớn phải không? Tôi sẽ cho cô những từ này: nhìn xa trông rộng. Đó là điều mà tôi đang làm ở đây, Laila ạ. Hãy chắc chắn rằng cô không tỏ ra thiển cận.
Từng lời Rasheed thốt ra, kể cả những lời cuối cùng, đều đúng, và chính điều đó làm cho Laila cảm thấy rối bời cho đến tận khi trời sáng.
Nhưng sáng hôm sau và một vài buổi sáng sau đó nữa, cảm giác rối bời này vẫn tiếp tục đeo đẳng cô, thậm chí nó trở nên tồi tệ hơn và thành một điều quen thuộc đến khủng khiếp.
Một buổi chiều lạnh giá, u ám ít lâu sau đó, Laila nằm trên sàn phòng ngủ. Mariam thì đang ngủ trưa với Aziza trong phòng mình.
Trong tay Laila là một cái nan hoa bằng kim loại mà cô đã dùng kìm để tháo ra khỏi một cái bánh xe đạp bỏ đi. Cô tìm thấy nó trong chính con hẻm nơi cô đã từng hôn Tariq ngày xưa. Laila nằm trên sàn rất lâu, hít không khí qua kẽ răng, chân giạng ra.
Cô yêu Aziza ngay từ giây phút đầu tiên khi cô lờ mờ về sự hình thành của đứa bé. Không hề có sự nghi ngờ về bản thân như thế này, không có sự thiếu chắc chắn như thế này. Giờ đây, Laila nghĩ, thật khủng khiếp làm sao khi người mẹ lo sợ rằng cô ta không thể dồn tình yêu thương cho chính đứa con của mình. Thật trái với tự nhiên. Nhưng khi cô nằm trên sàn nhà, hai bàn tay đẫm mồ hôi được giữ thăng bằng để điều khiển cái nan hoa, cô vẫn băn khoăn rằng liệu cô có thể yêu đứa bé của Rasheed như cô đã yêu đứa bé của Tariq hay không.
Nhưng cuối cùng, Laila không thể làm được điều đó.
Không phải do nỗi sợ hãi bị chảy máu đến chết khiến cô làm rơi cái nan hoa, hay thậm chí do cái suy nghĩ rằng đó là một hành động đáng ghê tởm - mà cô ngờ rằng nó đúng là như vậy thật. Laila làm rơi cái nan hoa bởi vì cô không thể chấp nhận được những gì mà Chiến binh Hồi giáo sẵn sàng làm: cướp đi sự sống của những đứa trẻ ngây thơ, vô tội. Cuộc chiến của cô là sự đối đầu với Rasheed. Đứa trẻ không có tội tình gì. Và đã có đủ sự giết chóc rồi. Laila đã chứng kiến quá đủ những sinh mạng vô tội bị tàn sát giữa làn đạn của những kẻ thù địch nhau.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét