Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 11

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

11

Trước kia Mariam chưa từng mặc burqa. Rasheed phải giúp cô mặc nó. Cái mũ độn bông gây cảm giác vừa chật vừa nặng ở trên đầu, và cô thấy thật lạ khi nhìn thế giới qua tấm mạng. Cô tập đi xung quanh phòng trong bộ áo đó nhưng liên tục giẫm vào viền áo và vấp ngã. Cảm giác không thể nhìn rõ mọi thứ xung quanh thật khó chịu, và cô không thích sự ngột ngạt khi mép vải cứ ép chặt vào miệng.
- Rồi em sẽ quen thôi, - Rasheed nói. - Tôi dám chắc rằng rồi dần dần em sẽ còn thích nó nữa kia.
Họ đi xe bus tới một nơi mà Rasheed gọi là Công viên Shar-e-Nau, ở đó có những đứa trẻ đẩy xích đu cho nhau và đập bóng chuyền qua những cái lưới rách buộc vào thân cây. Họ cùng nhau đi lang thang ngắm nhìn các cậu bé đang thả diều, Mariam đi bên cạnh Rasheed, thỉnh thoảng lại vấp phải gấu áo burqa. Tới bữa trưa, Rasheed dẫn cô tới ăn ở một quán kebab nhỏ gần một nhà thờ mà ông ta gọi là Haji Yaghoub. Sàn nhà thì nhớp nháp còn không khí thì sặc sụa mùi khói. Các bức tường thoảng mùi thịt sống, còn âm nhạc, thứ mà Rasheed miêu tả là logari, thì quá ồn ào. Đầu bếp là những chàng trai gầy gò, một tay quạt những xiên thịt nướng còn một tay thì đập muỗi. Mariam chưa bao giờ tới quán ăn cho nên lúc đầu cô cảm thấy thật kỳ cục khi phải ngồi trong một căn phòng đông đúc với rất nhiều người lạ, rồi lại phải nhấc burqa lên để đút từng miếng thức ăn vào miệng. Một cảm giác lo lắng y như hôm ở lò nướng bánh chợt xuất hiện, nhưng sự có mặt của Rasheed xoa dịu cô được phần nào, và sau một thoáng cô không còn để ý nhiều đến âm nhạc, đến khói và thậm chí cả những người xung quanh nữa. Và cô ngạc nhiên khi nhận ra rằng cái burqa cũng thật thoải mái. Nó giống như cửa sổ một chiều. Từ bên trong, cô có thể quan sát xung quanh nhưng lại được che chở khỏi những ánh mắt soi mói của người lạ. Cô không còn phải lo lắng rằng những người kia chỉ bằng một cái liếc mắt sẽ phát hiện ra tất cả những bí mật đáng xấu hổ của cô trong quá khứ.
Trên phố, Rasheed chỉ tên nhiều tòa nhà công vụ; đây là tòa Đại sứ quán Mỹ, ông ta nói, còn kia là trụ sở Bộ Ngoại giao. Ông ta chỉ những chiếc xe hơi, đọc tên và xuất xứ của chúng: xe Volga của Liên Xô, Chevrolet của Mỹ, Opel của Đức.
- Em thích cái nào? - Rasheed hỏi.
Mariam lưỡng lự rồi trỏ vào một chiếc Volga, và Rasheed cười lớn.
Kabul đông đúc hơn nhiều so với Herat nhỏ bé mà Mariam từng được thấy. Ở đây ít cây cối và gari hơn, nhưng lại nhiều ô tô hơn, các tòa nhà cũng cao hơn, có nhiều đèn giao thông và nhiều con đường được lát gạch hơn. Và ở đâu, Mariam cũng nghe thấy phương ngữ khác biệt của thành phố: như “thân mến” thì được gọi là jon thay vì jo, “chị” thì là hamshira thay cho hamshireh và còn nhiều nữa.
Rasheed mua cho cô một bát kem từ một người bán hàng rong. Đó là lần đầu tiên cô được ăn kem và Mariam chưa bao giờ tưởng tượng ra được những trò vui thích như thế lại có thể được chơi ở trong vòm miệng. Cô ăn ngấu nghiến hết cả bát, từ lớp hạt hồ trăn xay nhỏ ở trên mặt, đến lớp sợi bún gạo mỏng ở dưới đáy. Cô ngạc nhiên trước những hoa văn kỳ thú và cái vị ngòn ngọt của nó.
Họ đi đến một nơi được gọi là Kocheh-Morgha, phố Gà. Đó là một cái chợ nhỏ đông đúc trong một khu mà Rasheed nói là một trong những nơi giàu có nhất Kabul.
- Xung quanh đây là nơi ở của quan chức ngoại giao, thương gia giàu có, hoàng thân quốc thích và những người tương tự. Đây không phải là chỗ dành cho chúng ta.
- Em không nhìn thấy con gà nào cả, - Mariam nói.
- Đó là thứ em không thể tìm thấy được ở phố Gà, - Rasheed bật cười.
Con phố ken kín các cửa hiệu, các quầy hàng nhỏ bán mũ da cừu và những chiếc chapan sặc sỡ bảy sắc cầu vồng. Rasheed dừng lại, ngắm nghía con dao nạm bạc ở một cửa hàng và một khẩu súng cổ ở một cửa hàng khác mà người bán hàng đảm bảo với Rasheed rằng nó là di vật còn lại từ cuộc kháng chiến chống quân Anh lần thứ nhất*.
*[Kéo dài từ năm 1839 tới 1842, khi người Anh tiến vào để tranh giành ảnh hưởng với người Nga trong khu vực]
- Còn tôi là Moshe Dayan*, - Rasheed lầm bầm. Ông ta cười nửa miệng, dường như đối với Mariam thì nụ cười đó chỉ dành riêng cho cô. Một nụ cười riêng tư, của một cặp vợ chồng.
*[Một vị tướng và cũng là chính khách của Israel, biểu tượng của cuộc đấu tranh cho sự ra đời của nhà nước Israel mới, sau này trở thành bộ trưởng Bộ Quốc phòng và bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel]
Họ đi qua các hàng thảm, cửa hiệu bán đồ thủ công mỹ nghệ, cửa hàng làm bánh, cửa hàng hoa, những cửa hàng bán com lê cho đàn ông và váy áo cho phụ nữ, và bên trong đó, phía sau những tấm rèm có viền đăng ten, Mariam nhìn thấy những cô gái trẻ đang đơm cúc áo và là phẳng cổ áo. Hết lần này tới lần khác, Rasheed chào hỏi các chủ cửa hàng mà ông ta quen biết, đôi lúc bằng tiếng Farsi, thỉnh thoảng bằng tiếng Pashto. Khi họ bắt tay và hôn má nhau thì Mariam đứng cách xa mấy bước. Rasheed không vẫy tay gọi cô lại và cũng không giới thiệu cô.
Ông ta bảo cô đứng đợi ở ngoài một cửa hàng thêu.
- Tôi biết chủ cửa hàng. Tôi sẽ chỉ vào trong một phút thôi, để chào salaam*.
*[Một kiểu chào của người đạo Hồi, áp tay vào trán và cúi thấp]
Mariam đứng đợi bên ngoài trên vỉa hè đông người. Cô ngắm nhìn những chiếc xe hơi bò trên phố Gà, luồn lách giữa đám bán hàng rong và khách bộ hành, nhấn còi đuổi đám trẻ con và lũ lừa đứng lì trên đường. Cô quan sát những thương gia vẻ mặt buồn chán đang ở trong các quầy hàng nhỏ của mình, hút thuốc lá hoặc khạc nhổ vào những chiếc ống đồng, thỉnh thoảng họ ló mặt ra khỏi bóng râm để rao bán các thứ hàng dệt và áo poostin cổ lông thú với người qua đường.
Nhưng những người đàn bà mới làm cho Mariam chú ý hơn cả.
Đàn bà ở khu này khác với đàn bà ở các khu nghèo hơn quanh đó - chẳng hạn như khu mà cô và Rasheed sống, nơi có rất nhiều người trùm kín từ đầu đến chân. Những người phụ nữ này - Rasheed dùng từ gì ấy nhỉ? - “hiện đại”. Đúng vậy, những người phụ nữ Afghanistan hiện đại cưới những người đàn ông Afghanistan hiện đại, những người không quan tâm tới chuyện vợ mình đi giữa những người lạ, với son phấn trên mặt và không có gì trên đầu. Mariam ngắm nhìn họ đi lại thoải mái trên phố, có khi thì với một người đàn ông, có khi đi một mình, hoặc đôi khi đi cùng với những đứa trẻ má ửng hồng, đi giày bóng loáng và đeo đồng hồ có quai da, tay dắt những chiếc xe đạp có ghi đông nhô cao với những chiếc nan hoa màu vàng, không giống với trẻ con ở Deh-Mazang với những nốt mụn ruồi trên má, tay cầm que lăn những chiếc lốp xe đạp cũ.
Phụ nữ ở đây ai cũng vung vẩy túi xách tay và xúng xính váy áo. Mariam thậm chí còn nhìn thấy một bà vừa lái xe vừa hút thuốc. Móng tay họ dài và được sơn nhũ hồng hoặc da cam, và môi họ đỏ như những bông hoa tuy líp. Họ đi giày cao gót, và tất bật như thể bận việc liên miên. Họ đeo những cặp kính chống nắng sẫm màu và khi họ lướt qua, Mariam ngửi thấy mùi nước hoa thoang thoảng. Cô tưởng tượng rằng tất cả họ đều có bằng đại học, rằng họ làm việc trong các tòa nhà văn phòng, bên chiếc bàn của riêng mình, nơi họ đánh máy chữ, hút thuốc và gọi những cuộc điện thoại quan trọng tới các nhân vật quan trọng. Những người phụ nữ ấy làm cho Mariam cảm thấy hoang mang. Họ khiến cô nhận thấy sự thấp kém, vẻ ngoài thô kệch, sự thiếu khát vọng và thiếu hiểu biết của mình.
Rồi sau đó Rasheed vỗ nhẹ vào vai cô và đưa cho cô một vật gì đó.
- Này.
Đó là một chiếc khăn choàng màu hạt dẻ có tua rua đính hạt và viền thêu chỉ vàng.
- Em thích không?
Mariam ngước nhìn. Lúc đó, Rasheed đã làm một việc khiến cô cảm động. Ông ta nháy mắt và ngoảnh đi tránh cái nhìn của cô.
Mariam nghĩ về Jalil, về cái vẻ mạnh mẽ mà vui nhộn mỗi khi ông ta tặng cho cô những món đồ nữ trang, về niềm vui sướng không thể cưỡng lại hòa trộn với sự biết ơn. Mẹ Nana đã đúng về những món quà của Jalil. Chúng chỉ là những biểu hiện miễn cưỡng của sự ăn năn, giả dối, và ông ta làm để xoa dịu lương tâm mình thì hơn là mong muốn điều tốt đẹp cho cô. Còn cái khăn này, Mariam thấy, nó là một món quà thực thụ.
- Nó đẹp lắm, - cô nói.
Đêm đó, Rasheed lại đến phòng cô. Nhưng ông ta không ngồi hút thuốc lá ở cửa mà bước hẳn vào trong và đến ngồi bên cạnh cô khi cô nằm trên giường. Những chiếc lò xo kêu cọt kẹt khi chiếc giường bị trũng xuống bên ông ta.
Sau một thoáng do dự, bàn tay của ông ta đặt lên trên cổ cô, những ngón tay thô kệch ngửa ra từ từ ép xuống cổ họng cô. Ngón tay cái trượt xuống và bây giờ đã chạm vào khoảng hõm trên xương đòn, rồi sau đó là vùng da thịt phía dưới. Mariam bắt đầu run lẩy bẩy. Bàn tay ông ta vẫn trườn xuống sâu hơn, sâu hơn nữa, móng tay của ông ta cạo vào lớp vải áo cô.
- Em không thể, - cô rền rĩ, nhìn thân hình ông ta dưới bóng trăng, bờ vai u dày, vòm ngực nở rộng với những đám lông xám nhô ra từ ngực áo để mở.
Bàn tay ông ta bây giờ đang ở trên ngực phải của cô, bóp mạnh nó từ bên ngoài lớp áo, và cô có thể nghe thấy ông ta thở mạnh.
Ông ta trườn vào tấm chăn cạnh cô. Cô có thể cảm thấy bàn tay ông ta đang cởi thắt lưng của ông và dây quần của cô. Hai tay cô ghì chặt tấm chăn. Ông ta đè lên người cô, quằn quại và trườn lên trườn xuống, cô bật khóc thút thít. Mariam nhắm nghiền mắt, răng nghiến chặt.
Cơn đau đến đột ngột và khủng khiếp. Hai mắt cô choàng mở. Cô rít không khí qua kẽ răng và cắn vào đốt ngón tay cái. Cô choàng cánh tay kia qua lưng Rasheed và những ngón tay của cô bấu vào áo ông ta.
Rasheed vùi mặt xuống chiếc gối của cô, còn Mariam mở to mắt nhìn trừng trừng vào trần nhà phía trên vai ông ta, toàn thân cô run rẩy, môi mím lại và cảm thấy sức nóng từ hơi thở dồn dập của ông ta trên vai mình. Khoảng không khí giữa họ sực mùi thuốc lá, mùi hành, mùi thịt cừu nướng mà họ đã ăn trước đó. Thỉnh thoảng tai ông ta cọ vào má cô, và cảm giác dặm dặm cho cô biết rằng ông ta mới cạo liền.
Khi đã xong xuôi, ông ta lăn xuống khỏi người cô, thở hổn hển. Ông ta vắt thõng cánh tay trước trán. Trong bóng tối cô có thể nhìn thấy những chiếc kim đồng hồ dạ quang từ chiếc đồng hồ đeo tay của ông ta. Họ nằm đó một lúc, ngửa mặt lên, không ai nhìn ai.
- Không có gì phải ngượng cả, Mariam, - ông ta nói líu nhíu. - Đó là điều mà mọi cặp vợ chồng đều làm. Đấng tiên tri và các bà vợ của người cũng đã làm như thế. Không có gì đáng xấu hổ cả.
Một lát sau, ông ta đẩy cái chăn và bước ra khỏi căn phòng, bỏ lại cô với vết hằn của cái đầu ông ta trên gối, bỏ lại cô nằm chờ cho nỗi đau đớn dịu xuống, nhìn lên những vì sao đông cứng trên bầu trời và một đám mây bao quanh mặt trăng như chiếc mạng che mặt cô dâu trong ngày cưới.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét