Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 16

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

Phần Hai

16

Kabul, Mùa Xuân 1987

Cô bé chín tuổi Laila trèo ra khỏi giường, và cũng giống như những buổi sáng khác, cô mong ngóng được gặp cậu bạn Tariq. Tuy nhiên, sáng nay cô bé biết rằng Tariq sẽ không xuất hiện.
- Cậu sẽ đi bao lâu? - cô bé đã hỏi như vậy khi Tariq nói với cô rằng bố mẹ cậu sẽ đưa cậu đến miền Nam, thành phố Ghazni, để thăm ông bác đằng nội.
- Mười ba ngày.
- Mười ba ngày ư?
- Không lâu đâu. Cậu đang nhăn mặt kìa, Laila.
- Mình không có.
- Cậu sẽ không khóc chứ?
- Mình sẽ không khóc! Không khóc vì cậu. Không, cả nghìn năm nữa cũng không.
Cô bé đá vào ống chân cậu bạn, không phải bên chân giả mà là chân thật và cậu bé cũng đánh đùa vào sau đầu cô.
Mười ba ngày. Gần hai tuần lễ. Và chỉ năm ngày trôi qua, Laila đã hiểu thế nào là thời gian: Giống như chiếc đàn accordion bố Tariq thỉnh thoảng vẫn dùng để chơi các bài hát Pashto cũ, thời gian có thể co giãn ngắn dài tùy thuộc vào sự hiện diện hay vắng mặt của Tariq.
Dưới cầu thang, bố mẹ cô bé đang cãi nhau. Lại cãi nhau. Laila thừa biết diễn biến cuộc cãi vã: Mammy, hung dữ, ngoan cố, vừa hùng hổ đi tới đi lui vừa nguyền rủa; Babi thì ngồi đó, trông ngượng ngùng và mụ mị, gật đầu một cách ngoan ngoãn, chờ cơn giông bão qua đi. Laila đóng cửa và thay đồ. Nhưng cô bé vẫn nghe thấy tiếng của họ. Cô bé vẫn nghe thấy tiếng của mẹ. Cuối cùng, có tiếng cánh cửa đóng sầm. Tiếng bước chân huỳnh huỵch. Tiếng giường của Mammy kẽo kẹt mạnh. Có vẻ như Babi sẽ sống sót đến ngày tiếp theo.
- Laila! - ông gọi. - Bố sắp trễ giờ làm rồi!
- Một phút thôi ạ!
Laila đi giày, vừa soi gương vừa chải vội những lọn tóc vàng dài đến ngang vai. Mammy luôn bảo rằng cô bé đã được thừa hưởng mái tóc vàng của bà - cùng với đôi mắt xanh ngọc và hàng mi dày, đôi má lúm đồng tiền, gò má cao và bờ môi dưới hơi trề ra mà bà được thừa hưởng từ cụ của cô bé, bà ngoại của Mammy. Mammy kể rằng, cụ ngoại là một pari, một phụ nữ quyến rũ. vẻ đẹp của bà được truyền tụng khắp thung lũng. Nó đã bỏ qua hai thế hệ phụ nữ trong gia đình ta, nhưng chắc chắn nó đã không bỏ qua con, Laila. Thung lũng mà Mammy nói đến chính là Panjshir, khu vực nói tiếng Farsi của người Tajik, cách Kabul một trăm cây số về phía Đông Bắc. Cả Mammy và Babi, vốn là anh em họ, đều được sinh ra và lớn lên ở Panjshir. Đôi vợ chồng trẻ với hy vọng tràn trề về một tương lai tươi sáng chuyển đến sinh sống ở Kabul cuối năm 1960, sau khi Babi được nhận vào học tại trường Đại học Kabul.
Laila lò dò xuống cầu thang, thầm mong Mammy sẽ không ra khỏi phòng để cãi nhau thêm một trận nữa. Cô bé thấy Babi đang quỳ bên rèm cửa.
- Laila, con đã thấy cái này chưa?
Tấm rèm đó đã bị rách hằng tuần nay. Laila ngồi xuống bên bố.
- Chưa ạ. Vết rách này hẳn là mới có.
- Bố đã nói với Fariba như vậy đấy. - Ông trông thật nhỏ bé, run rẩy như mọi lần sau khi Mammy cãi nhau với ông. - Bà ấy nói rằng bọn ong đang chui vào qua lỗ này.
Trái tim Laila luôn đứng về phía Babi. Babi là người nhỏ bé, đôi vai hẹp và bàn tay gầy gò, mềm mại như tay phụ nữ. Buổi tối, mỗi khi bước vào phòng Babi, cô bé luôn thấy ông đang cúi xuống tra cứu sách, cặp kính mắt trễ xuống mũi. Đôi khi ông thậm chí không nhận ra sự có mặt của cô bé. Và khi đã nhận ra thì ông đánh dấu trang sách lại, mím môi cười mỉm, nụ cười của một người bạn. Babi có thể đọc thuộc lòng gần hết các ghaza* [Một thể loại thơ ca thường kết cấu bởi các đối ngẫu và điệp khúc] của Rumi và Hafez. Ông có thể nói không ngừng về cuộc chiến tranh giữa người Anh và nước Nga Sa hoàng nhằm xâm chiếm Afghanistan. Ông còn phân biệt được sự khác nhau giữa nhũ đá và măng đá và có thể nói cho cô biết khoảng cách giữa trái đất và mặt trời gấp 1,5 triệu lần quãng đường từ Kabul tới Ghazni. Nhưng nếu Laila cần một bàn tay mạnh mẽ để mở nắp hộp kẹo, cô bé phải đến tìm Mammy, điều này làm cho cô cảm thấy mình như một kẻ phản bội. Những vật dụng thông thường lại biến Babi thành người ngớ ngẩn. Dưới sự chăm sóc của ông, những chiếc bản lề cửa kêu kẽo kẹt không bao giờ được tra dầu. Trần nhà liên tục bị dột sau khi ông bít lại. Kệ giá trong bếp thì mốc meo. Mẹ nói rằng trước khi ra đi cùng với Noor gia nhập lực lượng chiến đấu chống Xô Viết vào năm 1980 thì Ahmad là người có ý thức trách nhiệm và tháo vát trong những chuyện như thế.
- Nhưng nếu con có quyển sách cần phải đọc ngay, - bà nói, - thì Hakim là người thích hợp nhất để con lựa chọn.
Tuy nhiên, Laila không thể giũ bỏ được cảm giác rằng một thời gian nào đó, trước khi Ahmad và Noor tham gia cuộc chiến chống lại quân Xô Viết - trước khi Babi để họ tham gia cuộc chiến - Mammy cũng thấy vẻ mọt sách của Babi thật đáng yêu, hay, từ ngày xửa ngày xưa, bà cũng từng bị quyến rũ bởi sự đãng trí và vụng về của ông.
- Thế hôm nay là ngày thứ mấy rồi? - ông hỏi và mỉm cười ý nhị. - Ngày thứ năm? Hay thứ sáu?
- Con quan tâm làm gì? Con không đếm, - Laila nói dối, nhún vai và thấy thật yêu Babi vì ông đã nhớ. Còn Mammy thì không hay biết Tariq đã đi xa.
- À, ánh đèn pin của cậu ta sẽ lại tắt trước khi con kịp nhận ra đấy, - Babi nhắc đến trò gửi tín hiệu hằng đêm của Laila và Tariq. Hai đứa đã chơi trò đó từ rất lâu rồi, đến mức trở thành một thói quen trước giờ đi ngủ, giống như việc phải đánh răng vậy.
Babi luồn ngón tay qua vết rách.
- Bố sẽ vá lại ngay khi có thể. Chúng ta nên đi thôi. - Ông cất cao giọng nói với lại đằng sau, - Bố con tôi đi đây, Fariba! Tôi sẽ đưa Laila đến trường. Đừng quên đón con bé nhé!
Bên ngoài, khi trèo vào giá chở đồ trên xe đạp của bố, Laila nhìn thấy một chiếc ô tô đang đỗ bên đường, đối diện ngôi nhà của người thợ đóng giày Rasheed và người vợ ẩn dật. Đó là một chiếc xe Benz, loại xe rất ít gặp trong khu vực này, màu xanh với sọc trắng lớn cắt đôi mui xe, nóc xe và cả phần thân. Laila có thể nhìn rõ hai người đàn ông đang ngồi trong xe, một người ngồi sau tay lái và người kia ngồi ở ghế sau.
- Họ là ai thế ạ? - cô bé hỏi.
- Không phải việc của chúng ta, - Babi trả lời. - Trèo lên đi, không con sẽ muộn học đấy.
Laila nhớ lại một lần cãi nhau, Mammy đã đe nạt Babi và chì chiết, Đó là việc của ông, đúng nhỉ, ông anh họ? Coi mọi thứ chẳng phải việc của mình ấy. Thậm chí ngay cả khi những đứa con trai của chính ông ra mặt trận. Tôi đã van nài ông ra sao hả. Nhưng ông chỉ chúi mũi vào đống sách đáng nguyền rủa đó mà để chúng ra đi như hai đứa harami vậy.
Babi đạp xe xuống phố, Laila ngồi đằng sau, vòng tay ôm bụng bố. Khi họ đi qua chiếc xe Benz màu xanh, Laila thoáng nhìn người đàn ông ngồi ghế sau: người gầy, tóc bạc trắng, diện bộ com lê nâu sẫm, trên túi áo ngực cài một chiếc khăn tay hình tam giác. Ngoài những cái đó thì điều duy nhất mà cô bé có thời gian để chú ý đến là chiếc xe mang biển số thành phố Herat.
Hai bố con im lặng trong suốt quãng đường còn lại, trừ lúc tới khúc ngoặt, Babi cẩn trọng phanh lại và nói:
- Giữ chặt nhé, Laila. Đang dừng. Đang dừng. Đến nơi.
Trong lớp học, suốt cả ngày hôm đó, Laila thấy thật khó tập trung, đầu óc cô bé chỉ lẩn quẩn nghĩ về sự vắng mặt của Tariq và cuộc cãi vã của bố mẹ. Do vậy, khi cô giáo yêu cầu cô bé đọc tên thủ đô của Romania và Cuba, Laila đã bị bất ngờ.
Cô giáo tên là Shanzai, nhưng sau lưng cô học sinh vẫn gọi cô là Khala Rangmaal, Bà dì Họa sĩ, ám chỉ điệu bộ cô thể hiện khi đánh vào lòng bàn tay học sinh, rồi mu bàn tay, mặt trước rồi mặt sau, giống như người họa sĩ đang quét chiếc bút lông. Khala Rangmaal là một phụ nữ trẻ có khuôn mặt sắc sảo với hàng lông mày rậm. Ngày đầu tiên lên lớp cô đã tự hào nói với cả lớp rằng cô là con gái của một người nông dân nghèo đến từ Khost. Dáng người cô thẳng, mái tóc đen nhánh được búi gọn đằng sau và khi Khala Rangmaal đứng quay lưng, Laila có thể nhìn thấy những sợi tóc đen lún phún trên cổ cô. Khala Rangmaal không trang điểm hay đeo đồ trang sức. Cô không đeo mạng che mặt và cũng cấm luôn các nữ sinh làm việc đó. Cô nói nam nữ bình đẳng trên mọi phương diện, vì thế người phụ nữ không việc gì phải che mặt nếu đàn ông không làm thế.
Cô còn nói Liên bang Xô Viết là quốc gia tốt đẹp nhất trên thế giới, cùng với Afghanistan. Thật tuyệt khi công nhân và tất cả người dân đều được bình đẳng. Mọi người dân Xô Viết đều vui vẻ và thân thiện, không giống như ở Hoa Kỳ, nơi tội ác khiến con người đến ra khỏi nhà cũng sợ. Và mọi người ở Afghanistan cũng đều hạnh phúc, cô nói tiếp, một khi những kẻ phản tiến bộ và những tên cướp nước bị đánh bại.
- Đó là lý do vì sao các đồng chí Xô Viết đã đến đây năm 1979. Để giúp đỡ đất nước anh em. Để giúp chúng ta đánh bại những kẻ hung tàn muốn biến nước ta thành thuộc địa và đưa chúng ta trở về thời nguyên thủy. Và các em cũng cần phải chung tay góp sức vào cuộc chiến đó. Các em cần báo lại bất kỳ ai có thể biết về những kẻ phiến loạn đó. Đó là nhiệm vụ của các em. Các em phải nghe ngóng, rồi báo lại. Thậm chí cho dù đó là cha mẹ hay cô dì, chú bác của các em. Bởi vì không ai trong số họ yêu các em bằng đất nước ta yêu các em. Hãy nhớ lấy, đất nước là trên hết! Tôi sẽ rất tự hào về các em, và đất nước cũng tự hào vì các em.
Trên bức tường phía sau bàn của cô Khala Rangmaal có treo một tấm bản đồ Liên bang Xô Viết, một tấm bản đồ Afghanistan và bức ảnh đóng khung của vị Lãnh đạo Cộng sản mới đây nhất, Najibullah, người mà theo như Babi nói, đã từng là người đứng đầu của KHAD* khét tiếng, tổ chức cảnh sát mật của Afghanistan. Ở đó còn treo nhiều bức hình khác, chủ yếu là hình ảnh những người lính Xô Viết trẻ đang bắt tay nông dân, đang trồng các cây táo con, đang xây nhà với nụ cười thân ái thường trực.
*[Tên viết tắt của Cơ quan Thông tin Quốc gia Afghanistan]
- Chà, - Khala Rangmaal nói, - ta đã phá vỡ cơn mơ mộng của em hả, Cô gái Inquilab?
Đó là biệt danh của Laila, Cô gái Cách mạng, bởi cô bé được sinh ra vào đêm diễn ra cuộc đảo chính tháng Tư năm 1978 - chỉ có điều Khala Rangmaal sẽ nổi giận nếu bất kỳ ai trong lớp nhắc đến từ đảo chính. Cô kiên quyết cho rằng những gì diễn ra đúng là một inquilab, một cuộc cách mạng, cuộc nổi dậy của giai cấp công nhân chống lại sự bất công. Thánh chiến Hồi giáo cũng là từ bị cấm. Theo cô, không hề có cuộc chiến tranh nào ở các tỉnh, chỉ là những cuộc giao tranh nhỏ lẻ chống lại bọn nổi loạn bị những kẻ chống phá nước ngoài xúi giục. Và tất nhiên, trước mặt cô, không ai, không một ai, lại dám nhắc đến những tin đồn đang rộ lên rằng sau tám năm chiến đấu, quân Xô Viết đang dần thua cuộc. Cụ thể là hiện nay Tổng thống Mỹ Reagan đã bắt đầu chuyển đến cho lực lượng Chiến binh Hồi giáo các tên lửa Stinger nhằm bắn hạ máy bay trực thăng Xô Viết, hiện nay tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đang đổ về tham gia mục tiêu này: người Ai Cập, Pakistan và cả người Ả rập Saudi giàu có đã bỏ lại tất cả tiền của để đến Afghanistan tham gia cuộc thánh chiến.
- Bucharest. Havana, - Laila trả lời.
- Các quốc gia đó có phải là bạn của chúng ta không?
- Họ là bạn chúng ta, thưa moalim*. Đó là các nước bạn.
*[giáo viên, thầy, cô giáo]
Khala Rangmaal gật đầu cụt lủn.
Tan học, Mammy lại một lần nữa không đến đón như đã hẹn. Laila đành đi bộ về nhà cùng Giti và Hasina, hai bạn cùng lớp.
Giti là một cô gái nhỏ bé, xương xương, hai bím tóc buộc hai bên bằng dải ruy băng. Cô bé lúc nào cũng cau có và vừa đi vừa ôm quyển sách trước ngực như đeo khiên. Hasina mười hai tuổi, lớn hơn Laila và Giti ba tuổi nhưng một lần học đúp lớp ba và hai lần đúp lớp bốn. Mặc dù học hành không được sáng dạ nhưng bù lại Hasina rất láu lỉnh và mồm mép, đến nỗi Laila vẫn ví miệng Hasina hoạt động như một chiếc máy khâu. Chính Hasina đã đặt ra cái biệt danh của cô Khala Rangmaal.
Hôm nay, Hasina đang chia sẻ lời khuyên làm sao để cắt đuôi những anh chàng theo đuổi kém quyến rũ.
- Cách thức cực kỳ đơn giản nhưng đảm bảo hiệu quả. Tớ hứa đấy.
- Thật ngớ ngẩn. Tó còn nhỏ tuổi, không thể có một anh chàng theo đuổi được, - Giti nói.
- Đằng ấy không còn quá bé đâu.
- Dù sao thì vẫn chưa có ai đến cầu hôn tớ hết.
- Đó là bởi vì cậu có một bộ râu, bạn thân mến ạ.
Giti bất chợt đưa tay lên cằm, rồi lườm Laila lúc này đang mỉm cười ái ngại và lắc đầu trấn an, Giti đúng là đứa kém hài hước nhất mà Laila từng gặp.
- Dù sao thì các quý cô cũng muốn biết việc gì cần và việc gì không cần làm chứ hả?
- Nói đi nào, - Laila nói.
- Hạt đậu. Ít nhất là bốn hộp. Vào đúng buổi tối hôm con khủng long ấy đến cầu hôn các cậu. Nhưng các cậu ạ, thời điểm, thời điểm mới là tất cả. Các cậu phải kìm nén “pháo hoa” lại cho tới lúc mời hắn ta uống trà.
- Tớ sẽ nhớ điều này, - Laila nói.
- Hắn ta cũng thế.
Laila lẽ ra có thể nói rằng cô bé không cần đến lời khuyên đó bởi vì Babi không hề có ý định để cô bé lấy chồng sớm. Mặc dù làm việc tại Silo, một nhà máy làm bánh mì cực lớn ở Kabul, quần quật suốt ngày giữa hơi nóng và tiếng rền rĩ của máy nạp nhiên liệu cho lò nướng và máy nghiền ngũ cốc, Babi là người có trình độ đại học. Ông đã từng là giáo viên trung học trước khi bị những người cộng sản sa thải - chỉ một thời gian ngắn sau cuộc đảo chính năm 1978, khoảng một năm rưỡi trước khi quân Xô Viết đến xâm chiếm. Babi đã nói cho Laila rõ từ khi cô còn bé rằng sau sự an toàn của cô, điều quan trọng nhất trong cuộc đời ông chính là việc học hành của cô.
Bố biết con vẫn còn nhỏ, nhưng bố muốn con hiểu và học được điều này ngay từ bây giờ. Cưới xin có thể chờ đợi nhưng việc học thì không. Con là cô gái rất rất thông minh. Thực sự là như vậy. Con có thể đạt được những gì con muốn, Laila à. Bố biết con mà. Và bố cũng biết rằng khi chiến tranh kết thúc, Afghanistan sẽ cần đến con như cần những người đàn ông, thậm chí có thể còn hơn ấy chứ. Bởi lẽ xã hội sẽ không thể phát triển nếu người phụ nữ không được đi học. Không thể phát triển, Laila ạ.
Nhưng Laila không nói cho Hasina biết những gì Babi đã dạy, hay chuyện cô bé hạnh phúc thế nào khi có được người bố như ông, hoặc chuyện cô bé tự hào đến thế nào vì những lời nhận xét ông dành cho mình, hoặc chuyện cô bé rất quyết tâm theo đuổi sự nghiệp học hành như ông đã từng làm. Hai năm vừa rồi, Laila đều nhận được giấy khen awal numra trao hằng năm cho các học sinh xếp loại cao nhất mỗi khối lớp. Tất cả những điều này cô bé đều không nói với Hasina, vốn có ông bố lái taxi hay gắt gỏng, có thể trong hai hoặc ba năm nữa ông sẽ tìm chồng cho Hasina. Trong một giây phút nghiêm túc hiếm hoi, Hasina đã nói với Laila rằng mọi người đã xếp đặt cho nó kết hôn với người anh họ hơn nó hai mươi tuổi và làm chủ một cửa hàng ô tô ở Lahore. Hasina kể, Tớ đã gặp anh ta hai lần. Cả hai lần anh ta đều đang phùng mang trợn má mà ăn.
- Hạt đậu, các cậu ạ, - Hasina nói. - Các cậu nhớ nhé. Tất nhiên trừ khi, - tới đây nó nở nụ cười tinh quái và huých khuỷu tay vào Laila - đó là chàng hoàng tử một chân đẹp trai trẻ trung của cậu gõ cửa. Và rồi...
Laila hất khuỷu tay cô bạn. Cô bé sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu bất kỳ ai khác nói như thế về Tariq. Nhưng cô bé biết Hasina không hề có ác ý gì. Hasina vẫn hay xỏ xiên - đó chính là trò của nó - và con bé xỏ xiên không chừa một ai hết, ngay cả chính mình.
- Cậu không nên nói như thế về người ta! - Giti nói.
- Người nào cơ?
- Những người bị thương bởi chiến tranh, - Giti nghiêm nghị nói, không nhận ra Hasina đang đùa.
- Tớ nghĩ Giáo sĩ Giti đây đã phải lòng Tariq. Tớ biết mà! Ha! Nhưng cậu ta đã có người nhận rồi, cậu không biết sao? Đúng không, Laila?
- Tớ không phải lòng. Với bất kỳ ai!
Hai đứa tách khỏi Laila, rẽ sang đường khác về nhà và tiếp tục tranh cãi theo kiểu đó.
Laila đi bộ một mình qua ba dãy nhà cuối cùng. Khi đang đi trên đường, cô nhận ra chiếc xe Benz màu xanh vẫn còn đỗ ở đó, bên ngoài nhà Rasheed và Mariam. Ông già diện bộ com lê nâu đang đứng cạnh mui xe, chống gậy, ngước nhìn ngôi nhà.
Đúng lúc đó, Laila nghe thấy một giọng nói phía sau:
- Này, Tóc Vàng. Hãy nhìn đây.
Laila quay người lại và thấy một nòng súng đang chĩa vào mình.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét