Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 1

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

Phần Một

1

Lần đầu tiên nghe thấy từ harami, Mariam mới năm tuổi.
Đó là một ngày thứ Năm. Chắc là thế rồi, vì Mariam nhớ hôm đó mình rất bồn chồn và lo lắng, mà cô bé chỉ như vậy vào thứ Năm, ngày bố Jalil đến kolba* thăm cô. Trước đó, trong lúc chờ đợi đến khoảnh khắc khi cuối cùng cô cũng được nhìn thấy bố vẫy tay băng qua cánh đồng cỏ rập rờn cao ngang gối, Mariam bắc ghế để lấy bộ đồ trà Trung Hoa của mẹ xuống. Bộ đồ uống trà này là di vật duy nhất mà mẹ Mariam, Nana, được thừa hưởng từ người mẹ đã qua đời khi Nana mới tròn hai tuổi. Nana yêu quý từng chiếc tách sứ màu xanh trắng, đường cong duyên dáng của vòi ấm, những con chim sẻ, những bông cúc vẽ bằng tay và cả con rồng, biểu tượng xua đuổi cái ác, trên chiếc bát đựng đường.
*[Túp lều hoặc căn nhà được dựng lên một cách sơ sài, tạm bợ]
Rồi chiếc bát đựng đường đó đã trượt khỏi tay Mariam, rơi xuống sàn gỗ của kolba và vỡ tan.
Khi Nana nhìn thấy chiếc bát, mặt bà đỏ bừng, môi trên run rẩy, còn đôi mắt, cả con mắt nhìn kém và con mắt còn tinh, nhìn Mariam trừng trừng. Nana trông tức giận đến mức Mariam sợ rằng jinn* sẽ lại nhập vào người bà lần nữa. Nhưng jinn không xuất hiện, lần đó thì không. Thay vì vậy, Nana chộp lấy cả hai cổ tay Mariam kéo lại gần mình, và cô bé nghe thấy từng lời mẹ nói qua hàm răng nghiến kèn kẹt: “Mày là đồ harami hậu đậu. Phần thưởng cho những gì tao phải chịu đựng là thế này đây. Một harami vụng về, làm vỡ vật gia bảo”.

*[Jinn: Một nhân vật trong quan niệm của người Hồi giáo, không tồn tại trên dương gian mà sống dưới lòng đất, có hình hài như người]

Lúc đó Mariam không hiểu. Cô bé không biết harami - con hoang - nghĩa là gì. Cô bé cũng chưa đủ lớn để nhận thức được sự bất công, để hiểu rằng chính những kẻ tạo ra harami mới có lỗi chứ không phải harami, người chỉ có mỗi một tội là đã được sinh ra. Nhưng qua cách nói của mẹ Nana, Mariam đã đoán ra harami là thứ gì đó xấu xa và đáng kinh tởm, giống như lũ côn trùng, như những con gián luôn bị mẹ Nana vừa nguyền rủa vừa quét cho chạy tán loạn ra khỏi kolba.
Khi Mariam lớn hơn một chút, cô bé đã hiểu ra. Chính cái cách mẹ Nana thốt ra từ đó - không phải nói ra mà là phun nó vào mặt Mariam - khiến cô bé cảm nhận được đầy đủ sự đau đớn của harami. Và rồi cô bé cũng hiểu được mẹ Nana muốn nói gì, rằng harami là một thứ không được mong muốn; rằng cô, Mariam, là một con người không được pháp luật công nhận và sẽ chẳng bao giờ được biết đến những thứ người khác có một cách danh chính ngôn thuận, như sự yêu thương, gia đình, tổ ấm hay được mọi người chào đón.
Bố Jalil không bao giờ gọi Mariam bằng cái tên đó. Ông nói cô bé là bông hoa nhỏ của ông. Ông thích đặt cô vào lòng và kể chuyện cho cô nghe, như có lần, ông kể rằng Herat, thành phố nơi Mariam được sinh ra vào năm 1959, từng một thời là chiếc nôi của nền văn hóa Ba Tư, là quê hương của nhiều nhà văn, họa sĩ và các vị Sufi*.
*[Nhà tu theo đạo Sufism, nhánh thần bí của Hồi giáo]
“Ở đó, hễ duỗi chân ra là con không thể không đạp phải mông của một nhà thơ”, Jalil cười lớn.
Bố Jalil còn kể cho cô bé nghe về Gauhar Shad, một hoàng hậu sống ở thế kỷ mười lăm đã cho xây dựng nhiều tháp thờ nổi tiếng, coi đó như những vần thơ ca tụng đầy yêu thương mà bà dành cho Herat. Ông miêu tả những cánh đồng lúa mì xanh tươi của Herat, những vườn cây trái, những vườn nho trĩu quả và cả những khu chợ mái vòm nhộn nhịp trong thành phố.
“Ở đó có một cây hồ trăn”, một hôm Jalil nói, “và được chôn dưới đó, Mariam thân yêu ạ, chính là thi thể của nhà thơ vĩ đại Jami”. Ông cúi xuống thủ thỉ, “Jami sống cách đây năm trăm năm. Thật đấy. Bố đã đưa con đến đó một lần, tới chỗ cái cây ấy. Hồi đó con còn bé lắm. Con không nhớ được đâu”.
Đúng thế. Mariam không nhớ gì thật. Và mặc dù đã sống mười lăm năm đầu đời ngay gần Herat, cô chưa bao giờ nhìn thấy cái cây được nghe kể ấy. Mariam chưa từng được thấy ngọn tháp nổi tiếng nào từ khoảng cách gần, chưa từng được hái quả từ những khu vườn sai trĩu và cũng chưa từng lang thang trên những cánh đồng lúa mì xanh mướt của Herat. Nhưng mỗi khi bố Jalil kể những câu chuyện như thế, Mariam luôn lắng nghe một cách say sưa. Cô bé thán phục Jalil vì ông có vốn hiểu biết thật bao la và phong phú tuyệt vời. Cô muốn run lên vì tự hào khi có một người bố hiểu biết đến vậy.
- Những lời dối trá mới hay ho làm sao chứ! - Nana nói sau khi Jalil đi khỏi. - Một kẻ giàu có nói những lời dối trá mê ly. Ông ta chưa bao giờ đưa con đến cái cây nào hết. Đừng có để ông ta mê hoặc. Ông ta, ông bố đáng kính của con đấy, đã phản bội chúng ta. Ông ta đã xua đuổi chúng ta. Ông ta đã xua đuổi chúng ta ra khỏi ngôi nhà rộng lớn sang trọng của ông ta như thể chúng ta chả là cái thá gì với ông ta hết. Làm thế ông ta sung sướng lắm.
Mariam thường ngoan ngoãn lắng nghe những lời ấy. Cô bé không bao giờ dám nói với mẹ Nana rằng cô không thích bà nói về bố Jalil như vậy. Sự thật là khi ở bên bố Jalil, Mariam không cảm thấy mình giống một harami chút nào. Thứ Năm hằng tuần, khi bố Jalil đến thăm cô một hoặc hai tiếng, mang cho cô những nụ cười, những món quà và cả sự trìu mến, Mariam lại cảm thấy mình xứng đáng được hưởng tất cả vẻ đẹp và sự hào phóng mà cuộc sống trao tặng. Và, vì vậy, Mariam yêu quý bố Jalil.
Ngay cả khi cô bé phải chia sẻ ông với người khác.
Jalil có ba bà vợ và chín người con, chín người con hợp pháp, tất cả đều xa lạ đối với Mariam. Jalil là một trong những người giàu có nhất ở Herat. Ông sở hữu một rạp chiếu phim, và mặc dù chưa từng thấy nó, nhưng vì đã được nghe ông kể lại sau khi Mariam cứ năn nỉ mãi nên cô bé biết rằng mặt tiền của rạp được ốp gạch sành màu xanh đồng, rằng rạp có lô riêng ở tầng trên và trần nhà được trang trí họa tiết kiểu mắt cáo. Những cánh cửa xoay hai chiều dẫn đến một hành lang lát gạch, ở đó có treo áp phích quảng cáo những bộ phim Hindu lồng trong khung kính. Một hôm, Jalil kể rằng, cứ thứ Ba hằng tuần, trẻ con đến xem phim được phát kem miễn phí ở quầy bán đồ ăn.
Nana cười thầm khi nghe Jalil kể. Đợi đến khi ông đã đi khỏi, bà mới cười khẩy mà nói, “Con cái nhà người lạ thì được cho kem. Con thì được cái gì hả Mariam? Những câu chuyện về kem”.
Ngoài rạp chiếu phim, Jalil còn sở hữu đất ở Karokh, đất ở Farah, ba cửa hàng bán thảm, một cửa hàng quần áo và một chiếc Buick Roadmaster màu đen mẫu 1956. Ông là một trong những người có nhiều mối quan hệ nhất ở Herat, ông là bạn bè với thị trưởng và tỉnh trưởng. Ông có một đầu bếp, một lái xe và ba quản gia.
Nana từng là một trong số những quản gia đó. Cho đến khi bụng bà bắt đầu to dần.
Nana kể, khi chuyện ấy bị lộ, sự sôi sục của gia đình Jalil khiến cả Herat nghẹt thở. Họ hàng đằng vợ ông thề sẽ có đổ máu. Các bà vợ yêu cầu ông phải đuổi Nana ra khỏi nhà. Người bố của Nana, một thợ đẽo đá thấp hèn ở làng Gul Daman gần đó, đã tuyên bố từ con. Cảm thấy nhục nhã, ông gói ghém đồ đạc và bắt xe bus đến Iran, kể từ đó không ai gặp lại hay nghe nói gì về ông nữa.
Một buổi sáng sớm, khi đang cho gà ăn bên ngoài kolba, Nana nói, “Đôi khi mẹ ước sao ông ngoại con có đủ dũng khí để mài sắc một trong những con dao của ông ấy rồi làm cái việc vì danh dự dó. Như thế mọi chuyện đối với mẹ có thể đã tốt hơn”. Bà tung thêm một nắm hạt vào trong chuồng gà rồi ngừng tay và quay lại nhìn Mariam, “Cũng có thể tốt hơn cho cả con nữa. Con sẽ không phải chịu nỗi đau đớn khi biết mình thực sự là cái gì. Nhưng ông bố của ta là một kẻ hèn nhát. Ông không có dil, dũng khí, để làm điều đó”.
Jalil cũng vậy, Nana nói, ông ta cũng không có dil để làm cái việc danh dự ấy. Để đương đầu với gia đình mình, với các bà vợ cùng họ hàng của họ và để chịu trách nhiệm với những gì ông ta đã làm. Thay vào đó, đằng sau những cánh cửa đóng kín, ông ta đã nhanh chóng bày ra một kế hoạch nhằm cứu vớt thể diện của mình. Ngày hôm sau, ông ta buộc cô gái gói ghém số đồ đạc ít ỏi của mình ở khu nhà ở dành cho gia nhân và đuổi cô đi.
- Con có biết ông ta đã nói gì với các bà vợ để bào chữa cho mình không? Rằng mẹ đã quyến rũ ông ta. Rằng đó là lỗi của mẹ. Didi? Con thấy chưa? Đó là thân phận của người phụ nữ trên cõi đời này.
Nana đặt bát thức ăn cho gà xuống. Bà đưa ngón tay nâng chiếc cằm bé nhỏ của Mariam lên.
- Nhìn mẹ này, Mariam.
Mariam miễn cưỡng làm theo.
Nana nói:
- Hãy nhớ lấy điều này và nhớ cho kỹ, con gái ạ: Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn. Con hãy nhớ lấy điều ấy, Mariam.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét