Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 32

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

32

Laila

Laila nhớ lại một lần tụ họp diễn ra nhiều năm trước ở nhà cô, vào một trong những ngày Mammy có tâm trạng thoải mái. Những người đàn bà ngồi trong vườn, ăn dâu tươi do Wajma hái trong sân nhà. Những trái dâu to màu trắng hồng, vài quả có màu tím sẫm như những mạch máu nhỏ nổi trên mũi Wajma.
- Các bà có biết thằng con trai hắn chết như thế nào chưa? - Wajma nói, hăng hái nhét thêm một nắm dâu nữa vào cái miệng móm mém của mình.
- Cậu bé bị chết đuối, đúng không? - Nila, mẹ của Giti, nói. - Chết ở hồ Ghargha có phải không?
- Nhưng các bà có biết, có biết là Rasheed đã... - Wajma giơ một ngón tay lên, đầu gật gù, miệng nhóp nhép, bắt họ đợi cho bà nuốt xong. - Các bà có biết là hồi đấy ông ta thường uống sharab, và ngày hôm đó ông ta say xỉn, gào thét lung tung không? Thật đấy. Gào khóc trong cơn say, tôi nghe nói thế đấy. Đó là giữa buổi sáng. Đến trưa, ông ta nằm lăn quay trên một cái ghế dài. Bà có bắn đại bác kề bên tai ông ta cũng không chớp mắt đâu.
Laila nhớ rõ Wajma đã che miệng, ợ lên như thế nào, cái lưỡi của bà cử động giữa vài cái răng còn lại ra sao.
- Các bà có thể tưởng tượng ra phần cuối rồi đấy. Thằng bé đi tới hồ nước mà không ai để ý. Một lúc sau, người ta nhìn thấy nó đang nổi lềnh phềnh, mặt sấp xuống. Mọi người vội lao tới cứu, một nửa cố gắng hồi tỉnh thằng bé, nửa kia thì cố đánh thức ông bố. Có người cúi xuống, làm... cái chuyện miệng-kề-miệng mà người ta cần phải làm đó. Nhưng vô ích. Ai cũng thấy thế. Thằng bé chết rồi.
Laila nhớ Wajma đã giơ ngón tay lên và giọng bà run rẩy vì lòng mộ đạo.
- Đó là lý do tại sao Thánh kinh Koran lại cấm sharab. Bởi vì những người tỉnh luôn phải trả giá cho tội lỗi của người say. Thế đấy.
Câu chuyện này cứ lởn vởn trong đầu Laila sau khi cô thông báo cho Rasheed tin cô đã mang thai. Ông ta ngay lập tức nhảy lên xe đạp, phi đến nhà thờ và cầu nguyện một đứa con trai.
Tối hôm đó, trong suốt bữa ăn, Laila thấy Mariam cứ đẩy đẩy miếng thịt quanh đĩa. Laila đã ở đó khi Rasheed thông báo cho Mariam bằng giọng cao vót, xúc động - trước đây Laila chưa bao giờ được chứng kiến một nỗi vui mừng tàn nhẫn đến như vậy. Hàng lông mi của Mariam run rẩy khi cô nghe thấy tin này. Khuôn mặt cô thoáng đỏ bừng. Cô ngồi im vẻ hờn dỗi, trông như bị bỏ rơi.
Sau đó, Rasheed đi lên tầng nghe đài, Laila giúp Mariam dọn sojrah.
- Tôi không thể tưởng tượng được bây giờ cô sẽ là gì đây, - vừa nói Mariam vừa nhặt những hạt cơm và mẩu vụn bánh mì, - nếu trước đây cô đã là một chiếc xe Benz.
Laila cố tỏ ra nhẹ nhàng và hài hước.
- Một chiếc tàu hỏa? Cũng có thể là một chiếc máy bay phản lực cỡ lớn.
Mariam đứng thẳng dậy.
- Tôi hy vọng rằng cô không nghĩ điều này sẽ miễn cho cô phải làm việc nhà.
Laila mở miệng ra định nói gì đó nhưng lại thôi. Cô tự nhắc mình rằng Mariam là người duy nhất vô tội trong cuộc dàn xếp này. Mariam và đứa bé.
Lúc sau, khi nằm trên giường, Laila bật khóc.
Có chuyện gì thế? Rasheed muốn biết, nâng cằm Laila lên. Cô ấy ốm sao? Hay là đứa bé, có chuyện gì không hay xảy ra với đứa bé hay sao? Không phải chứ?
Hay là Mariam đã đối xử tệ với cô ấy?
- Có phải vậy không?
- Không.
- Wallah o billah, tôi sẽ xuống dạy cho cô ta một bài học. Cô ta tưởng mình là ai chứ, con harami đó, nó đối xử với em...
- Không!
Ông ta đã dợm đứng dậy và Laila phải chộp lấy cẳng tay ông ta, níu ông ta ngồi xuống.
- Đừng làm thế! Không phải vậy đâu! Chị ấy rất tốt với em. Em chỉ cần nghỉ một chút thôi, chỉ thế thôi. Em sẽ ổn thôi mà.
Rasheed ngồi bên cạnh cô gái, vuốt ve cổ cô và thì thầm, bàn tay ông chầm chậm lần xuống lưng cô gái, rồi lại lần lên. Ông ta ghé sát vào, khoe cái hàm đầy răng.
- Thế thì chúng ta hãy xem, - ông ta rên rỉ, - tôi có thể giúp em cảm thấy khá hơn không.

Đầu tiên, những cái cây chưa bị đốn làm củi đã trút những chiếc lá vàng điểm màu đỏ đồng xuống mặt đất. Rồi đến những cơn gió lạnh buốt xương tràn qua thành phố. Chúng cuốn phăng những chiếc lá cuối cùng còn bám trên cây, làm cho cây cối trông như những bóng ma trên nền nâu im lìm của mấy ngọn đồi. Đợt tuyết đầu mùa thật nhẹ nhàng, những bông tuyết chưa kịp rơi xuống đã tan biến mất. Rồi đường phố đóng băng, tuyết chất đầy trên các mái nhà, ngập lên cao lưng chừng các cửa sổ đã đóng băng. Cùng với tuyết là những con diều, từng có thời thống trị trên bầu trời mùa đông của Kabul, giờ lại trở thành kẻ xâm phạm rụt rè vào cái lãnh địa đã được khẳng định chủ quyền bởi những quả rocket và những chiếc máy bay chiến đấu.
Rasheed liên tục mang tin tức chiến tranh về nhà và Laila cảm thấy bối rối trước những bổn phận đối với đất nước mà Rasheed cố gắng giải thích cho cô. Sayyaf đang đánh cánh Hazara, ông ta nói. Còn Hazara thì đánh lại Massoud.
- Và tất nhiên ông ta thì đang đánh Hekmatyar, ông này có sự hậu thuẫn của Pakistan. Hai cánh đó, Massoud và Hekmatyar, là những kẻ thù không đội trời chung. Sayyaf thì đứng về phe Massoud. Còn Hekmatyar bây giờ thì ủng hộ cho Haraza.
Về thủ lĩnh người Uzbek, tướng Dostum, vốn là kẻ nay thế này mai thế kia, Rasheed nói rằng chẳng ai biết ông ta đứng về phe nào. Hồi những năm 1980, Dostum lúc đầu đi theo lực lượng Chiến binh Hồi giáo chống lại Xô Viết, nhưng rồi ông ta đào ngũ và gia nhập chính quyền cộng sản bù nhìn của Najibullah sau khi quân Xô Viết ra đi. Ông ta thậm chí còn được đích thân Najibullah trao huân chương danh dự trước khi lại phản bội lần nữa, quay trở lại phe của lực lượng Chiến binh Hồi giáo. Hiện tại, Rasheed nói, Dostum đang ủng hộ Massoud.
Ở Kabul, đặc biệt là phía Đông Kabul, các cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, những màn khói đen kịt bao trùm lên các tòa nhà phủ tuyết trắng. Đại sứ quán đóng cửa. Trường học thì sập. Trong phòng đợi của bệnh viện, người bị thương chờ chết vì bị mất máu. Còn trong phòng mổ, chân tay bị cắt bỏ mà không có thuốc gây tê.
- Nhưng đừng lo lắng, - ông ta nói. - Em sẽ an toàn khi ở bên anh, bông hoa của anh, gul của anh. Ai mà muốn hại em, anh sẽ moi gan nó ra và bắt nó phải nuốt cho bằng hết.

Mùa đông đó, dù quay sang đâu, Laila cũng thấy bước chân mình đã bị các bức tường chặn đứng. Cô thèm khát nghĩ về bầu trời tuổi thơ rộng mở, về những ngày đi xem các giải buzkashi* với Babi và đi mua sắm ở Mandaii với Mammy, về những ngày chạy nhảy nô đùa trên đường phố và tán gẫu với Giti và Hasina về các cậu con trai. Những ngày cô với Tariq ngồi trên thảm cỏ ba lá bên bờ sông, trao cho nhau những cái kẹo và câu đố, cùng nhau ngắm hoàng hôn.

*[Một môn thi đấu truyền thống của Afghanistan và là môn thể thao quốc gia của nước này. Người chơi chia thành các đội, thi đấu trên lưng ngựa, đội nào đoạt được con dê hoặc con bê đã bị cắt đầu để dưới đất, sau đó chạy thoát về vạch đích sẽ chiến thắng]

Nhưng trước khi cô có thể dừng những ý nghĩ về Tariq lại, chúng đã phản bội cô, khiến cô nhìn thấy Tariq đang nằm trên một chiếc giường, ở một nơi nào rất xa, những cái ống xiên vào cơ thể cháy đen của anh. Cùng với sự khó chịu đang thiêu đốt cổ họng cô những ngày này, một sự cay đắng sâu thẳm dồn ứ lên trong ngực Laila. Đôi chân cô như tan thành nước. Cô phải vịn vào một thứ gì đó mới đứng vững nổi.
Laila trải qua mùa đông năm 1992 đó cùng với việc quét dọn nhà cửa, lau chùi lại những bức tường màu bí ngô trong phòng ngủ của cô và Rasheed, giặt quần áo trong một cái chậu đồng lớn ở bên ngoài nhà. Thỉnh thoảng cô thấy mình như đang bay trên chính cơ thể mình, thấy mình đang ngồi trên mép của cái chậu đồng, tay áo xắn tới khuỷu, đôi tay ửng đỏ vắt nước xà phòng khỏi những chiếc áo lót của Rasheed. Rồi cô cảm thấy như bị lạc lối, như người sống sót sau một vụ đắm tàu đang tìm cách xoay xở, quay đâu cũng không thấy bờ, chỉ thấy hàng dặm, hàng dặm nước.
Khi trời quá lạnh không đi ra ngoài được, Laila chỉ đi lại nhẹ nhàng quanh nhà. Cô bước xuống cầu thang, kéo rê móng tay dọc theo tường, rồi quay trở lên, rồi lại đi xuống, rồi đi lên, mặt không rửa, tóc cũng không chải. Cô đi cho đến khi chạm phải Mariam, người ném cho cô một cái nhìn lạnh lùng rồi quay trở lại cắt cuống ớt chuông và tách mỡ ra khỏi thịt. Một sự im lặng nặng nề bao trùm lên căn phòng và Laila gần như có thể thấy sự căm ghét không nói nên lời từ Mariam như những đợt nóng phả ra từ nhựa đường. Cô quay trở về phòng, ngồi trên giường ngắm tuyết rơi.
Một ngày, Rasheed đưa cô tới cửa hàng đóng giày của ông ta.
Khi họ ra ngoài cùng nhau, ông ta bước đi bên cạnh, một tay nắm lấy khuỷu tay cô. Đối với Laila, ra ngoài đường đã trở thành một bài tập tránh bị thương. Đôi mắt cô vẫn đang làm quen với tầm nhìn hạn chế qua những khe hở hẹp của chiếc burqa, đôi chân cô vẫn còn vấp vào vạt áo. Cô bước đi mà luôn sợ có thể vấp ngã hoặc làm bị thương mắt cá chân khi giẫm phải ổ gà. Nhưng cô thấy một chút thoải mái khi giấu mình trong burqa. Như thế này cô sẽ không bị nhận ra nếu gặp người quen cũ. Cô sẽ không phải chứng kiến sự ngạc nhiên trong mắt họ, sự thương hại hoặc niềm hân hoan khi thấy cô đã trượt dốc đến nhường nào, khi những khát vọng cao xa của cô đã bị vứt bỏ ra sao.
Cửa hàng giày của Rasheed to và sáng sủa hơn Laila tưởng tượng. Ông ta để cô ngồi đằng sau bàn làm việc, nơi bày la liệt những cái đế cũ và các mảnh da còn thừa. Ông ta chỉ cho cô những cái búa, giải thích cái bánh mài giấy ráp hoạt động ra sao, giọng dõng dạc và tự hào. Ông ta luồn tay xuống dưới áo xoa bụng cô, những đầu ngón tay của ông lạnh và thô ráp như vỏ cây chạm vào da bụng căng phồng của cô. Laila nhớ lại bàn tay của Tariq, mềm mại nhưng mạnh mẽ, những đường gân trên bàn tay khỏe khoắn, uốn khúc mà cô luôn thấy thật nam tính và hấp dẫn.
- Nó lớn nhanh thật đấy, - Rasheed nói. - Nó sẽ là một cậu bé khỏe mạnh. Con trai tôi sẽ là một pahlawan! Giống như bố nó vậy.
Laila kéo áo xuống. Cô luôn cảm thấy sợ hãi khi ông ta nói như vậy.
- Mọi chuyện với Mariam như thế nào?
Cô nói đều ổn.
- Tốt. Tốt.
Cô không kể với ông ta họ đã trải qua trận chiến thực thụ đầu tiên như thế nào.
Cuộc chiến này xảy ra cách đây vài ngày. Laila đi vào trong bếp và thấy Mariam đang kéo mạnh các ngăn kéo rồi đóng sầm chúng lại. Mariam nói cô đang tìm cái thìa gỗ dài để nguấy cơm.
- Cô để nó ở đâu thế? - cô vừa nói vừa quay lại nhìn Laila.
- Em ư? - Laila nói. - Em có lấy nó đâu. Chả mấy khi em vào đây.
- Tôi đã để ý thấy.
- Đó có phải là lời buộc tội không? Chính chị muốn như thế, chị nhớ không? Chị nói chị sẽ nấu ăn. Nhưng nếu chị muốn thay đổi...
- Vậy ý cô là nó tự dưng mọc ra chân mà chạy đi chắc. Teep, teep, teep, teep. Đấy là những gì xảy ra đấy hả, degeh*? [Hay là sao?]
- Em muốn nói là... - Laila nói, cố gắng kiềm chế. Thường thì cô tự buộc mình chịu đựng sự chế nhạo và những cái chỉ tay của Mariam. Nhưng ngày hôm đó hai mắt cá chân của cô đã bị sưng, đầu thì nhức và chứng ợ nóng thật tồi tệ. - Em muốn nói là có thể chị đã để nó không đúng vị trí.
- Không đúng vị trí ư? - Mariam kéo cái ngăn kéo ra. Dao bay và các loại dao khác bên trong kêu loảng xoảng. - Cô đã ở đây được bao lâu rồi, mới vài tháng thôi có phải không? Còn tôi, tôi sống trong ngôi nhà này đã mười chín năm rồi, dokhtar jo. Tôi luôn để cái thìa đó trong cái ngăn kéo này từ thời cô còn quấn tã đấy.
- Nhưng dù sao, - Laila nói, răng nghiến chặt, bây giờ đã quá sức chịu đựng rồi, - cũng có thể chị để nó ở đâu đó rồi quên mất.
- Và cũng có thể cô đã giấu nó ở đâu đó, để chọc tức tôi.
- Chị đúng là một người đàn bà đáng thương, - Laila nói.
Mariam chùn bước, nhưng sau khi đã định tâm lại, cô lại dướn môi lên.
- Còn cô là một con đĩ. Một con đĩ. Một con đĩ ăn cắp, cô là thế đấy!
Sau đó là những tiếng hét. Nồi niêu xoong chảo bị khua loảng xoảng, dù chẳng được ai dùng để ném ai. Họ gọi nhau bằng những cái tên, những cái tên giờ đây khiến Laila ngượng ngùng. Kể từ hôm đó họ chưa nói chuyện với nhau. Laila vẫn thấy bất ngờ vì cô lại dễ mất kiểm soát như thế, nhưng sự thực là, một phần trong cô lại thích điều đó, thích cái cảm giác được hét vào mặt Mariam, được chửi rủa chị ta và có một mục tiêu trút cơn giận đang sục sôi và nỗi cay đắng của mình.
Laila tự hỏi, với chút gì đó như thấu hiểu, không biết Mariam có cảm thấy giống cô hay không.
Sau lúc đó, cô chạy lên tầng, và nằm vật ra giường của Rasheed. Ở dưới tầng, Mariam vẫn la hét, “Đồ đầu đất! Đồ đầu đất!”. Laila nằm trên giường, vùi đầu vào gối và thổn thức. Bỗng nhiên cô nhớ bố mẹ, một cảm xúc mãnh liệt không cưỡng lại được mà cô đã không còn thấy lại kể từ những ngày khủng khiếp ngay sau vụ tấn công đó. Cô nằm đấy, nắm chặt tấm khăn trải giường, cho tới khi đột nhiên hơi thở của cô chững lại. Cô ngồi dậy, vội sờ tay xuống bụng.
Lần đầu tiên, đứa trẻ vừa đạp mạnh.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét