Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 42

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

42

Laila

Aziza để những thứ này trong một cái túi giấy: áo sơ mi hoa và đôi bít tất duy nhất của mình, một đôi găng tay len cọc cạch, cái chăn màu bí ngô có hình các ngôi sao và sao chổi, một chiếc cốc nhựa đã bị nứt, một quả chuối, bộ xúc xắc của nó.
Đó là một buổi sáng lạnh lẽo tháng Tư năm 2001, vài ngày trước sinh nhật lần thứ hai mươi ba của Laila. Bầu trời màu xám đục, những cơn gió lạnh và ẩm ướt làm mành cửa rung sột soạt.
Đó là một vài ngày sau khi Laila nghe tin Ahmad Shah Massoud đã tới Pháp và nói chuyện với Nghị viện châu Âu. Massoud giờ đang ở miền Bắc, quê hương ông, và lãnh đạo Liên minh Phương Bắc, nhóm duy nhất còn chống lại Taliban. Ở châu Âu, Massoud đã cảnh báo phương Tây về những trại khủng bố ở Afghanistan và xin viện trợ của Mỹ để chống lại Taliban.
“Nếu tổng thống Bush không giúp đỡ chúng tôi”, ông ta nói, “thì một ngày không xa, những kẻ khủng bố này cũng sẽ phá hoại Mỹ và châu Âu”.
Laila được biết rằng một tháng trước đó, quân Taliban đã đặt thuốc nổ TNT vào các khe của những bức tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan và cho nổ tung chúng, gọi đó là các vật biểu tượng cho sự sùng bái và tội lỗi. Sự phản đối lan rộng trên toàn thế giới, từ Mỹ tới Trung Quốc. Các chính phủ, các nhà lịch sử và các nhà khảo cổ trên toàn cầu đã viết thư cầu xin Taliban đừng phá hủy hai tạo tác lịch sử lớn nhất của Afghanistan. Nhưng quân Taliban vẫn không dừng lại và đặt thuốc nổ vào bên trong những bức tượng Phật hai nghìn năm tuổi. Họ hô Allah-u-akbar [Thượng đế chí cao] mỗi khi một quả mìn nổ và hò reo mỗi khi những bức tượng mất đi một tay hay một chân trong đám bụi mù mịt. Laila nhớ đã từng đứng trên đỉnh của bức tượng Phật lớn hơn trong số hai bức tượng này với Babi và Tariq năm 1987, một làn gió thổi nhẹ lên khuôn mặt ngập tràn ánh nắng của họ, và họ ngắm nhìn một con chim ưng đang liệng tròn quanh thung lũng trải dài phía dưới. Nhưng khi Laila nghe tin những bức tượng bị phá hủy, cô trở nên vô cảm. Đó dường như không phải là vấn đề nữa. Làm sao cô còn có thể quan tâm về những bức tượng trong khi cuộc sống của chính cô cũng đang vỡ vụn?
Cho tới khi Rasheed nói với cô rằng đã đến lúc phải đi thì Laila vẫn ngồi ở góc sàn phòng khách, không nói năng gì và khuôn mặt của cô dường như hóa đá, tóc cô xõa xuống mặt từng lọn rối tung. Và dù có hít vào thở ra liên tục thì cô vẫn cảm thấy không có đủ không khí để thở.
Trên đường tới Karteh-Seh, Rasheed bế Zalmai trên tay, Aziza nắm tay Mariam và bước nhanh bên cạnh bà. Một cơn gió nhẹ thổi tung chiếc khăn cáu bẩn quàng dưới cằm Aziza và làm vạt váy nó dập dềnh. Giờ đây, càng đi Aziza càng trở nên buồn hơn, như thể cứ thêm mỗi bước đi, nó lại càng nhận thức rõ ràng hơn rằng mình đang bị lừa dối. Laila không có đủ can đảm để nói với Aziza sự thật. Cô đã nói với nó rằng nó sẽ được tới trường học, một ngôi trường đặc biệt, nơi học sinh được ăn, ngủ và không phải về nhà sau giờ học. Bây giờ thì Aziza bắt đầu dồn dập hỏi Laila những câu hỏi giống như những câu mà nó đã hỏi trong nhiều ngày qua. Học sinh có ngủ tại các phòng riêng biệt không hay tất cả đều ngủ chung ở một phòng lớn? Nó có thể kết bạn không? Và cô, Laila, có chắc rằng các giáo viên ở đấy sẽ tử tế không?
Và, hơn một lần con bé hỏi, Con sẽ phải ở đó trong bao lâu?
Họ dừng lại ở tòa nhà xây theo kiểu doanh trại thấp lùn, cách đó hai khu nhà.
- Zalmai và tôi sẽ đứng đợi ở đây, - Rasheed nói. - À, suýt nữa thì bố quên mất...
Ông ta rút từ trong túi ra một phong kẹo gôm, một món quà chia tay và đưa cho Aziza với vẻ hào hiệp nhưng cứng nhắc. Aziza cầm lấy và khẽ cám ơn. Laila ngạc nhiên trước tấm lòng khoan dung, trước sự bao dung độ lượng của Aziza và nước mắt cô giàn giụa. Trái tim cô như bị siết chặt và cô muốn ngất đi vì đau đớn khi nghĩ đến cảnh chiều nay về Aziza sẽ không nằm ngủ bên cạnh cô, rằng cô sẽ không còn được cảm nhận thấy cánh tay cô bé đặt trên ngực cô, đầu của Aziza rúc vào ngực cô, hơi thở của Aziza ấm áp gần cổ cô, hay gót chân của Aziza chọc vào bụng cô.
Khi Aziza được dẫn đi, Zalmai bắt đầu khóc thét lên và nó gọi Ziza! Ziza! Nó giãy giụa và đá đá cánh tay bố nó, đòi được gặp chị cho tới khi sự chú ý của nó chuyển sang con khỉ của người chơi đàn oóc gan rong bên kia đường.
Ba người bọn họ, Mariam, Laila và Aziza bước qua hai khu nhà cuối cùng. Khi họ đến tòa nhà, Laila có thể thấy những mảng sơn bong ra loang lổ, thấy mái ngói võng xuống, những tấm ván đóng chéo vào khung cửa sổ đã bị mất cánh, đỉnh của một cái xích đu thì được bắc ngang qua một bức tường đổ nát.
Họ dừng lại trước cửa và Laila nhắc lại những điều cô đã từng dặn Aziza lúc trước.
- Nếu người ta hỏi về bố con thì con sẽ nói gì?
- Bọn Chiến binh Hồi giáo đã giết ông, - Aziza trả lời một cách thận trọng.
- Tốt lắm. Aziza, con có hiểu không?
- Bởi vì đây là một ngôi trường đặc biệt, - Aziza trả lời. Bây giờ, khi họ đã đến đây và tòa nhà đã ở ngay trước mắt, con bé trông run rẩy. Môi dưới của nó rung lẩy bẩy và nước mắt chỉ chực trào ra, Laila thấy nó đã phải cố gắng một cách khó khăn thế nào để tỏ ra dũng cảm. - Nếu chúng ta nói sự thật thì họ sẽ không nhận con. Đây là một ngôi trường đặc biệt. Con muốn về nhà. - Aziza nói, giọng nhỏ nhẹ không ra hơi.
- Mẹ sẽ đến thăm con thường xuyên, - Laila cố gắng nói. - Mẹ hứa.
- Ta cũng vậy, - Mariam nói. - Ta cũng sẽ tới thăm con, Aziza bé bỏng, và chúng ta sẽ chơi cùng nhau, giống như mọi khi. Chỉ một thời gian thôi, cho tới khi bố con tìm được việc làm.
- Ở đây họ có thức ăn, - Laila nói giọng run run. Cô mừng vì có chiếc burqa, mừng vì Aziza không thể thấy đằng sau đó toàn thân cô đang rã rời. - Ở đây con sẽ không bị đói. Họ có cơm, bánh mì và nước uống, và có khi cả hoa quả nữa.
- Nhưng mẹ sẽ không ở đây. Cả Khala Mariam cũng sẽ không ở đây với con.
- Mẹ sẽ tới thăm con, - Laila nói. - Thường xuyên. Nhìn mẹ đây, Aziza. Mẹ sẽ tới thăm con. Mẹ là mẹ của con. Nếu mẹ có phải chết, mẹ cũng vẫn sẽ tới với con.
Giám đốc trại mồ côi là một người đàn ông gù, ngực hẹp, khuôn mặt dễ mến. Ông bị hói, có bộ râu rậm và đôi mắt trông như hai hạt đậu. Tên ông là Zaman. Ông đội một chiếc mũ chỏm. Mắt kính bên trái bị nứt.
Trong khi dẫn họ tới phòng làm việc của mình, ông hỏi tên Laila và Mariam, tên và tuổi của Aziza. Họ đi qua dãy hành lang mờ mờ, nơi những đứa trẻ chân trần vừa bước tránh sang một bên vừa dõi mắt nhìn theo họ. Đứa thì xõa tóc, đứa thì cạo đầu. Chúng mặc những chiếc áo len sờn tay, quần bò rách rưới, chỗ đầu gối sờn chỉ còn trơ sợi vải còn những chiếc áo khoác thì được vá bằng băng dính. Laila ngửi thấy mùi xà bông, bột thơm tan, mùi amoniac và mùi nước tiểu, cô cũng cảm thấy sự e sợ đang dâng lên trong Aziza, con bé bắt đầu khóc thút thít.
Laila liếc qua cái sân: cỏ dại um tùm, chiếc xích đu lung lay, những cái lốp cũ nát, một quả bóng rổ đã xẹp hơi. Mấy gian phòng họ đi qua đều tồi tàn xơ xác, cánh cửa sổ được che bởi những tấm nhựa. Một cậu bé lao tới từ một trong những gian phòng đó túm lấy khuỷu tay của Laila và cố trèo lên tay cô. Một người phục vụ đang lau vũng nước trông như nước tiểu, đặt giẻ lau sàn xuống và lôi thằng bé ra.
Zaman dường như rất hòa nhã với đám trẻ mồ côi. Ông xoa đầu và nói vài lời thân mật với chúng khi đi ngang qua, không một chút ngại ngần. Chúng rất thích khi ông làm vậy. Bọn trẻ tất cả đều nhìn ông, Laila nghĩ chúng mong ông để ý tới mình.
Ông chỉ cho họ vào văn phòng, gian phòng chỉ vỏn vẹn có ba cái ghế gấp và một chiếc bàn với hàng đống giấy tờ bề bộn ở trên.
- Bà tới từ Herat, - Zaman nói với Mariam. - Tôi biết điều đó qua giọng nói của bà.
Ông ngả người ra sau ghế, khoanh tay trước bụng và nói ông có một người em vợ đã từng sống ở đó. Laila nhận thấy sự nặng nề trong từng cử động rất bình thường của ông. Và mặc dù ông thoáng cười một cách uể oải nhưng Laila có thể cảm nhận được sự phiền muộn và tổn thương sâu thẳm trong ông, sự thất vọng và thất bại được che đậy bằng bề ngoài vui vẻ.
- Cậu ấy là thợ làm thủy tinh, - Zaman nói. - Cậu ấy đã tạo ra những con thiên nga đẹp tuyệt màu ngọc bích này. Khi ra ánh nắng chúng sáng lấp lánh như thể bên trong là những viên châu báu nhỏ li ti. Bà đã quay về đó chưa?
Mariam trả lời rằng chưa.
- Tôi thì từ Kandahar tới. Bà đã từng tới Kandahar chưa, hamshira? Chưa à? Ở đấy tuyệt lắm. Những khu vườn! Những chùm nho! Ôi những chùm nho ngon đến mê mẩn.
Mấy đứa trẻ tụ tập trước cửa lén nhìn vào trong phòng. Zaman nhẹ nhàng suỵt đuổi chúng bằng tiếng Pashto.
- Tất nhiên tôi cũng rất yêu Herat. Thành phố của những nghệ sĩ và nhà văn, những vị Sufi và những điều thần bí. Chắc bà cũng biết câu nói đùa rằng ở Herat, hễ duỗi chân ra là thế nào người ta cũng đạp phải mông của một nhà thơ.
Bên cạnh Laila, Aziza đang sụt sịt.
Zaman vờ há hốc miệng.
- À, ta vừa làm cháu cười rồi đấy, hamshira bé nhỏ. Đây luôn là phần khó khăn. Bác hơi lo một chút. Bác đang nghĩ mình phải giả tiếng gà con hay tiếng bẹ be của con lừa để làm cháu vui. Cháu thật đáng yêu.
Ông gọi người phục vụ vào trông Aziza một lát. Aziza liền lao vào lòng Mariam và bám chặt lấy bà.
- Con yêu, mẹ chỉ nói chuyện với bác một lúc thôi, - Laila nói. - Mẹ vẫn ở đây. Được không nào? Mẹ ở ngay đây mà.
- Sao chúng ta không ra ngoài một chút, Aziza yêu quý? - Mariam đề nghị. - Mẹ con cần nói chuyện với bác Zaman ở đây. Chỉ một phút thôi. Nào, đi nào.
Khi chỉ còn hai người với nhau, Zaman hỏi cô về ngày sinh của Aziza, lịch sử bệnh lý, có dị ứng với thuốc và thức ăn hay không. Ông hỏi về bố của Aziza và Laila cảm thấy một cảm giác kỳ lạ khi phải trình bày một lời tưởng như dối trá nhưng trên thực tế lại là sự thật. Zaman lắng nghe, vẻ mặt ông chẳng biểu lộ dấu hiệu tin tưởng hay hoài nghi. Ông nói mình điều hành trại trẻ mồ côi này trên nguyên tắc danh dự. Nếu một hamshira nói rằng chồng cô ta đã qua đời và cô ta không thể chăm sóc bọn trẻ, ông sẽ không nghi ngờ điều đó.
Laila bật khóc.
Zaman đặt bút xuống.
- Tôi thật xấu hổ, - Laila thốt lên một cách đau đớn, lấy tay che miệng.
- Nhìn tôi đây, hamshira.
- Tôi là loại mẹ gì mà lại bỏ rơi con mình thế này?
- Nhìn tôi đi.
Laila ngước lên.
- Đó không phải lỗi của cô. Cô có nghe tôi nói không? Không phải. Chính những con người độc ác kia, những wahshi kia, mới đáng bị lên án. Họ làm cho một người Pashtun như tôi đây phải cảm thấy hổ thẹn. Họ bôi nhọ thanh danh dân tộc tôi. Không chỉ riêng cô, hamshira à. Hằng ngày, hằng giờ, chúng tôi đều gặp những bà mẹ như cô tới đây, những người không thể nuôi con mình vì Taliban không cho họ ra ngoài kiếm sống. Thế nên, đừng tự đổ lỗi cho bản thân. Không ai ở đây đổ lỗi cho cô. Tôi hiểu. - Ông ngả về phía trước. - Hamshira à. Tôi hiểu mà.
Laila lau nước mắt bằng chiếc burqa.
- Còn nơi này, - Zaman thở dài, khoát cánh tay ra hiệu, - cô đã thấy nó kinh khủng đến mức nào rồi. Chúng tôi luôn trong tình trạng không đủ kinh phí, luôn phải nhặt nhạnh từng đồng và tùy cơ ứng biến. Chúng tôi được hỗ trợ rất ít hoặc chẳng có gì từ Taliban. Nhưng chúng tôi tự xoay xở được. Cũng như cô, chúng tôi làm những gì phải làm. Đức Allah nhân từ, chừng nào ngài còn ban phước thì Aziza sẽ có thức ăn và áo mặc. Đó là những gì tôi có thể hứa với cô.
Laila gật đầu.
- Thế có được không?
Ông cười trìu mến.
- Đừng khóc, hamshira, đừng để con cô thấy cô khóc.
Laila lại lau nước mắt.
- Cầu xin Thượng đế ban phước lành cho ông, - cô cố gắng nói. - Cầu xin Thượng đế ban phúc cho ông, người anh em.
Thế nhưng, đến lúc chia tay, cảnh tượng diễn ra đúng như những gì Laila đã lo sợ.
Aziza hốt hoảng.
Suốt dọc đường về nhà, vịn vào người Mariam, Laila vẫn còn nghe thấy tiếng Aziza khóc.
Trong đầu cô vẫn còn hiển hiện hình ảnh bàn tay thô ráp, chai sạn của Zaman đặt trên cánh tay Aziza, ban đầu ông kéo cô bé một cách nhẹ nhàng, rồi mạnh dần, sau đó như thể dùng vũ lực để tách Aziza khỏi cô. Cô thấy Aziza đá vào cánh tay Zaman, nghe thấy tiếng con bé thét lên như thể mẹ nó sắp biến mất khỏi mặt đất. Laila thấy mình đang lao ra hành lang, đầu cúi gằm xuống và tiếng gào thét dâng lên trong cổ họng.
- Em vẫn thấy mùi của con bé, - cô nói với Mariam. Cô liếc mắt một cách vô định qua vai Mariam, nhìn qua khoảng sân, những bức tường, tới những rặng núi nhuốm màu nâu như nước bọt của những người hút thuốc. - Em ngửi thấy cả mùi của nó khi đang ngủ. Chị có cảm thấy thế không?
- Ôi, Laila thân mến, - Mariam nói. - Đừng như thế nữa. Như thế thì được ích gì chứ. Ích gì chứ?
Ban đầu, Rasheed chiều lòng Laila và đi cùng với họ - cô, Mariam và Zalmai - tới trại mồ côi, mặc dầu trên đường đi ông ta cố làm cho mắt cô lúc nào cũng phải thấy vẻ khổ sở của ông ta, tai cô phải nghe thấy những lời rỗng tuếch về sự khó nhọc mà vì cô ông ta phải chịu đựng, về những cơn đau ở chân, lưng và bàn chân khi ông ta phải đi tới trại trẻ mồ côi. Ông ta cố làm cho cô thấy ông ta đang ở trong tình trạng tệ hại đến thế nào.
- Tôi không còn trai trẻ nữa, - ông ta nói. - Cô cũng chả quan tâm đâu. Cô sẽ đạp tôi xuống đất nếu như cô có một lối thoát. Nhưng cô sẽ không có đâu, Laila. Cô chả có lối thoát nào hết.
Họ chia ra hai ngả khi còn hai khối phố nữa thì tới trại trẻ mồ côi, và ông ta không bao giờ cho họ quá mười lăm phút.
- Muộn một phút, - ông ta nói, - là tôi sẽ đi. Nói trước đấy.
Laila van vỉ ông ta để kéo dài thêm từng phút với Aziza. Cả cô và Mariam đều rất buồn khi vắng Aziza, dù vậy, Mariam luôn chọn cách chịu đựng một mình, riêng tư và thầm kín. Còn Zalmai, ngày nào nó cũng hỏi về Aziza, sự cáu giận của nó đôi khi biến thành những trận khóc không tài nào dỗ được.
Nhiều lúc, trên đường tới trại trẻ mồ côi, Rasheed dừng lại và phàn nàn về đôi chân đau nhức của mình. Rồi ông ta quay lại và lê những bước chậm rãi về nhà, trông không khác gì một lão què. Khi khác, ông ta lại làu bàu:
- Ôi, phổi của tôi, Laila. Khó thở quá. Có thể ngày mai hay ngày kia mới thấy khá hơn được. Thế đấy.
Ông ta không hề ngại giả vờ buông ra một tiếng thở dài dễ khiến người khác nổi điên. Thông thường, ông ta cứ thế mà quay về, vừa đi vừa châm thuốc hút. Laila buộc phải lẽo đẽo theo ông ta về nhà trong sự bất lực, oán giận đến run người.
Rồi một ngày, ông ta nói với Laila rằng ông ta không thể đi cùng cô thêm nữa.
- Tôi đã quá mệt vì phải đi bộ tìm việc hằng ngày, - ông ta nói.
- Vậy tôi sẽ đi một mình, - Laila nói. - Ông không ngăn tôi được đâu, Rasheed à. Ông nghe tôi nói không? Ông có thể đánh tôi nếu ông muốn nhưng tôi vẫn phải tiếp tục thôi.
- Làm như cô muốn đi. Nhưng cô không thể qua mắt Taliban được đâu. Đừng nói là tôi không cảnh báo trước đấy.
- Tôi sẽ đi với cô, - Mariam nói.
Laila không chấp nhận.
- Chị phải ở nhà với Zalmai. Nếu chúng ta bị chặn lại... Em không muốn thằng bé phải thấy điều đó.
Vậy là đột nhiên cuộc sống của Laila chỉ còn luẩn quẩn với việc tìm cách đến thăm Aziza. Đến một nửa số lần, cô không thể tới được trại trẻ mồ côi. Khi băng qua phố, cô lại bị Taliban phát hiện và tra hỏi bằng những câu như: Tên cô là gì? Đang đi đâu? Tại sao đi một mình? Người thân của cô đâu? rồi mới được tha cho về nhà. Nếu may mắn thì chỉ bị chửi bới mắng mỏ, đá đít một cái. Có lúc thì ăn dùi cui gỗ, cành cây còn tươi, roi da, ăn tát và thường xuyên bị đấm.
Một ngày nọ, một tên Taliban trẻ tuổi đánh Laila bằng một cái ăng ten radio. Sau đó, hắn tung một đòn chí mạng vào gáy cô và nói, “lần sau gặp mày, tao sẽ đánh mày sống dở chết dở.”
Lần đó, Laila về nhà. Cô nằm sấp xuống giường, cảm thấy mình như một con vật ngu xuẩn đáng thương, cô rít lên khi Mariam chườm vải ướt lên lưng và bắp đùi đầy máu. Nhưng thông thường, Laila không chịu khuất phục. Cô làm như thể là đang đi về nhà, rồi lại xuống phố bằng đường khác. Đôi khi cô cũng bị bắt quả tang, tra hỏi, quát nạt hai, ba thậm chí bốn lần trong một ngày. Khi thì roi da, khi thì dùng ăng ten quất và cô lê từng bước chậm chạp về nhà, người be bét máu, chẳng làm được gì ngoài liếc nhìn Aziza một cái. Dần dần, để đề phòng những trận đòn, kể cả khi trời nóng cô vẫn mặc hai, ba cái áo len dưới lớp áo burqa.
Nhưng với Laila, phần thưởng cô giành được nếu như có thể qua mặt được Taliban thật xứng đáng. Cô có thể dành bao nhiêu thời gian cũng được - thậm chí hằng giờ - để ở bên Aziza. Họ ngồi trong sân, bên cái ích đu, giữa bọn trẻ và những bà mẹ đến thăm, nói chuyện về những gì Aziza đã học được trong tuần đó.
Aziza nói Kaka Zaman dạy chúng hằng ngày, chủ yếu là học đọc và viết, đôi khi học về địa lý, một chút về lịch sử hay khoa học, có khi là về động thực vật.
- Nhưng chúng con phải bí mật, - Aziza nói, - để Taliban không biết.
Kaka Zaman chuẩn bị kim đan và những cuộn len để đề phòng trường hợp Taliban khám xét.
- Chúng con sẽ giấu sách đi và vờ như đang đan áo.
Một ngày nọ, trong lúc thăm Aziza, Laila thấy một người đàn bà trung niên, chiếc burqa bị xô về phía sau, đi cùng với ba cậu con trai và một cô gái. Laila nhận ra gương mặt sắc sảo, đôi lông mày rậm, cái miệng hóp và mái tóc hoa râm. Cô còn nhớ chiếc khăn choàng, chiếc váy đen, cái giọng cộc lốc và mái tóc buộc lởm chởm đằng sau gáy. Cô nhớ người đàn bà này đã từng cấm sinh viên nữ che mạng, đã từng nói phụ nữ và nam giới là bình đẳng, và không có lý do gì để người phụ nữ phải che mặt nếu như đàn ông không làm thế.
Có một lúc, Khala Rangmaal ngước nhìn lên và bắt gặp ánh mắt của Laila, nhưng Laila không thấy trong đôi mắt cô giáo cũ của mình một thoáng ngập ngừng nào, không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ bà đã nhận ra cô.

- Có những vết nứt trên bề mặt vỏ trái đất, - Aziza nói. - Người ta gọi đó là sự đứt gãy.
Đó là một buổi chiều thứ Sáu ấm áp của tháng Sáu năm 2001. Họ đang ngồi tại sân sau của trại trẻ mồ côi, bốn người gồm Laila, Zalmai, Mariam và Aziza. Thời gian này Rasheed trở nên dễ tính hơn - đúng là một điều bất thường - và đi cùng họ đến trại trẻ. Ông ta đang đứng trên phố, cạnh bến xe bus.
Những đứa trẻ chân trần chạy láo nháo xung quanh họ. Chúng chạy đuổi nhau, thở hổn hển quanh một quả bóng xịt hơi.
- Và tại hai bên rìa các vết đứt gãy là những lớp đất đá tạo nên vỏ trái đất, - Aziza nói tiếp.
Ai đó đã vén tóc Aziza về phía sau, bện và kẹp gọn gàng trên đỉnh đầu. Laila ghen tị vì ai đó đã ngồi sau con gái cô, bện những lọn tóc này lên lọn tóc kia, và yêu cầu con bé ngồi yên lặng.
Aziza đang say sưa minh họa bằng cách dang rộng hai cánh tay, ngửa lòng bàn tay lên rồi xoa chúng vào nhau. Zalmai quan sát chị nó với vẻ thích thú say mê.
- Đĩa Kectonic, có phải người ta gọi thế không?
- Tectonic, - Laila nói. Cô thấy đau mỗi khi nói. Miệng, lưng, cổ cô vẫn còn đau nhức. Môi cô sưng vù, lưỡi chạm phải cái lợi rỗng của chiếc răng cửa dưới mà Rasheed đấm bay trong trận đòn hai hôm trước. Trước khi Mammy và Babi qua đời và cuộc sống của cô bị đảo ngược hoàn toàn, Laila không thể tin nổi sức chịu đựng và hồi phục của cơ thể con người có thể lớn đến vậy trước những đòn roi khắc nghiệt một cách thường xuyên như thế.
- Đúng vậy. Và khi những mảng lục địa đó gặp nhau, chúng tựa vào và trượt lên nhau. Mammy thấy chưa? Chính điều đó sẽ sản sinh ra năng lượng lan truyền trên bề mặt trái đất và tạo ra những chấn động.
- Con ngày càng thông minh đấy, - Mariam nói. - Thông minh hơn nhiều so với bà khala khờ này của cháu.
Nghe vậy, mặt Aziza sáng lên.
- Bác đâu có khờ, Khala Mariam. Kaka Zaman nói rằng, đôi khi sự dịch chuyển sâu xuống dưới của những lớp đá trượt tạo ra những đợt phóng năng lượng cực lớn nhưng những gì chúng ta cảm nhận được chỉ là các chấn động nhỏ.
Trong lần đến thăm trước là bài học về nguyên tử o xy trong bầu khí quyển làm tán xạ ra những tia sáng xanh từ ánh mặt trời. Nếu trái đất không có bầu khí quyển, Aziza nói, thì sẽ thật khó thở, bầu trời này không có màu xanh và biển chỉ là một màu đen như mực, còn mặt trời như một vì sao sáng khổng lồ trên bầu trời tối đen.
- Hôm nay Aziza có về với mình không? - Zalmai hỏi.
- Sớm thôi, con yêu, - Laila nói. - Sớm thôi.
Laila nhìn thằng bé tha thẩn bước đi, dáng cúi khom về phía trước, các ngón chân xoay vào trong y như bố nó. Nó bước tới chỗ xích đu, đẩy cái ghế trống, rồi cuối cùng ngồi trên tấm bê tông có cỏ mọc lên từ các vết nứt.
Nước bay hơi từ lá, Mammy biết không? Như cách chúng ta hong đồ cho khô ấy. Nước được chuyển từ lòng đất qua rễ cây, lên thân cây qua cành rồi đến lá. Đó gọi là sự thoát hơi nước của cây.
Hơn một lần, Laila tự hỏi không biết Taliban sẽ làm gì khi phát hiện ra những bài học bí mật của Kaka Zaman.
Trong những lần mọi người đến thăm trại trẻ, Aziza không cho phép sự im lặng chen vào nhiều. Con bé tận dụng thời gian tối đa bằng những bài diễn thuyết hăng say, với chất giọng cao và lảnh lót. Nó nói những thứ không ăn nhập với chủ đề, khoa chân múa tay như chim với vẻ bối rối chẳng giống nó chút nào. Ngay cả điệu cười của Aziza cũng khác. Không hẳn là cười mà như một sự kết thúc đầy lo lắng, Laila ngờ rằng đó là cách để nó trấn an mọi người.
Và còn những thay đổi khác nữa. Laila nhận ra lớp đất cáu bẩn dưới móng tay của Aziza, và ngay khi nhận ra mẹ nó đang để ý, con bé bèn giấu hai bàn tay bẩn của mình xuống dưới đùi. Mỗi khi xung quanh họ có một đứa trẻ kêu khóc, mũi dãi chảy ròng ròng, hoặc khi có một đứa nào đó đi chân đất, đầu tóc bẩn thỉu, mí mắt của Aziza lại giật giật và nó nhanh nhảu giải thích. Những lúc ấy, con bé cư xử giống như một bà chủ nhà bối rối trước mặt khách vì sự thiếu ngăn nắp của nhà cửa và sự luộm thuộm của những đứa con.
Khi mọi người hỏi nó đã xoay xở như thế nào khi ở đây thì nhận được ngay câu trả lời vui vẻ nhưng mơ hồ.
Ổn cả, Khala, con ổn mà.
Bọn trẻ con có gây chuyện với con không?
Không Mammy à. Các bạn rất tốt.
Con ăn được chứ? Ngủ ngon không?
Ăn ngủ đều tốt ạ. Thật mà. Tối qua có món thịt cừu. Tuân trước cũng thế.
Nghe Aziza nói như thế, Laila thấy rõ ảnh hưởng của Mariam trong con bé.
Aziza nói lắp. Mariam để ý thấy ngay. Điều đó thoáng qua nhưng cũng dễ nhận ra, nhất là với những từ bắt đầu bởi chữ t. Laila hỏi Zalmai có thấy thế không. Thằng bé cau mày nghĩ rồi nói, “Con nghĩ là chị ấy đã luôn nói như thế.”

Chiều thứ Sáu đó, họ đưa Aziza ra ngoài chơi một lúc và đến gặp Rasheed, lúc ấy đang chờ tại bến xe bus. Khi Zalmai phát hiện ra bố mình, thằng bé thốt lên và lách khỏi tay Laila. Aziza chào Rasheed một cách lạnh lùng nhưng không thù địch.
Rasheed nói họ nên nhanh lên, hai giờ nữa là ông ta phải quay lại làm việc rồi. Đây là tuần đầu tiên ông ta làm gác cửa tại khách sạn Intercontinental. Từ trưa đến tám giờ tối, sáu ngày một tuần, công việc của Rasheed là mở cửa xe, mang vác hành lý và lau dọn chỗ bẩn. Đôi khi, đến cuối ngày, người đầu bếp ở nhà hàng buffet cho phép Rasheed mang thức ăn thừa về nhà, miễn là ông ta kín đáo một chút; những viên thịt viên chao dầu đã lạnh ngắt, cánh gà rán mà phần vỏ đã khô và cứng còng, mì ống nhồi sò đã dai ngoách và cơm có lẫn sỏi. Rasheed đã hứa với Laila rằng một khi ông ta để dành đủ tiền thì Aziza có thể về nhà.
Rasheed mặc đồng phục, bộ vest màu vang đỏ, áo trắng, kẹp cà vạt, mũ lưỡi trai che đi mái tóc đã bạc. Trong trang phục này, vẻ bề ngoài của Rasheed thay đổi hoàn toàn. Trông ông ta dễ mến và hầu như vô hại. Như thể một người không hề phải vật lộn với cuộc sống đầy ô nhục này. Một ai đó vừa đáng nể vừa đáng khinh trong cái vẻ ngoan ngoãn, dễ bảo ấy.
Năm người lên xe bus tới Thành phố Titanic. Họ đi bộ về phía lòng sông với những sạp bán quần áo tạm bợ mọc san sát nhau men theo bờ sông khô ráo. Khi họ đang đi xuống phía bên kia của cây cầu thì thấy gần đó, một người đàn ông chân trần đã chết đang lủng lẳng trên một cái cần cẩu, đôi tai anh ta bị cắt cụt và cái cổ gục xuống ở phía đầu sợi dây thừng. Dưới lòng sông, họ hòa vào dòng người đi chợ đang hối hả, những người đổi tiền, những người làm cho các tổ chức phi chính phủ với bộ dạng chán chường, những người bán thuốc lá dạo, những phụ nữ che mặt đang len lỏi và chìa đơn thuốc kháng sinh giả để xin tiền. Quân Taliban lăm lăm roi da trên tay, miệng nhai naswar, đi tuần trên phố Titanic, canh chừng những tiếng cười vô ý và những khuôn mặt bỏ mạng che.
Từ một sạp đồ chơi nằm giữa sạp bán áo choàng poostin và quầy bán hoa giả, Zalmai nhặt lấy một quả bóng rổ có xoắn vàng và xanh.
- Lấy thứ gì đó đi, - Rasheed bảo Aziza.
Aziza lúng túng từ chối.
- Nhanh lên. Một giờ nữa tao phải có mặt ở chỗ làm rồi.
Aziza chọn một chiếc máy bán kẹo gôm - cho đồng xu vào máy để lấy kẹo, sau đó lấy tiền thừa từ cái cửa mở ở dưới đáy.
Lông mày Rasheed dựng lên khi nghe người bán hàng nói giá. Sau một hồi kỳ kèo, cuối cùng Rasheed gắt gỏng với Aziza, như thể cô bé mới là người đang mặc cả với ông ta vậy:
- Trả lại đi, tao không có tiền mua cho cả hai đâu.
Trên đường trở về, càng đến gần trại trẻ thì bộ dạng của Aziza càng như cái bánh đa nhúng nước, không còn hứng khởi nữa. Tay nó thôi không vẫy tung tăng nữa. Mặt nó xị xuống. Lần nào cũng như vậy. Bây giờ đến lượt Laila, với sự giúp đỡ của Mariam, cố gắng làm chủ cuộc nói chuyện, cô cười một cách căng thẳng và xua đuổi không khí buồn bã bằng những lời nói đùa vu vơ lấp chỗ trống.
Sau khi Rasheed để họ ở lại và bắt xe bus đi làm, Laila dõi mắt theo Aziza vẫy chào tạm biệt và lê bước dọc con đường ở khu sau của nhà trẻ mồ côi. Cô nghĩ về Aziza, về sự đứt gãy và những va chạm mạnh mẽ ở sâu trong lòng đất mà con bé nói, về chuyện đôi khi chúng ta chỉ cảm thấy những chấn động nhẹ trên mặt đất.
- Ông đi đi! - Zalmai gào lên.
- Im nào, - Mariam nói. - Cháu đang la ai vậy?
Cậu bé chỉ tay.
- Đấy. Người đàn ông đấy.
Laila nhìn theo ngón tay của nó. Có một người đàn ông đang đứng dựa lưng vào cửa trước. Anh ta quay đầu lại khi thấy họ tiến đến. Anh ta thả hai cánh tay đang khoanh trước ngực xuống và tiến vài bước về phía họ.
Laila đứng khựng lại.
Một âm thanh nghẹn ngào phát ra từ cổ cô. Đầu gối cô chùng xuống. Laila đột nhiên thấy thực sự cần và muốn tìm đến cánh tay, bờ vai, cổ tay của Mariam hay bất cứ một thứ gì để cô có thể dựa vào. Nhưng cô không làm gì. Cô không dám. Không dám nhúc nhích dù chỉ là một cử động nhỏ. Cô không dám thở mạnh, cũng không dám chớp mắt, sợ rằng anh chỉ là một ảo ảnh lờ mờ từ đằng xa, một ảo giác mong manh có thể biến mất bất cứ lúc nào. Laila đứng bất động nhìn Tariq cho tới khi lồng ngực của cô hết sạch không khí để thở, đôi mắt cô khô nhức cần được chớp. Và thật kỳ diệu làm sao, sau khi cô đã thở, mắt đã chớp thì ảo ảnh đó vẫn không biến mất, anh vẫn đứng ở đấy.
Laila cho phép mình tiến một bước về phía anh. Một bước nữa. Một bước nữa. Và sau đó cô bắt đầu chạy.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét