Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 34

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

34

Laila

Trong tất cả những niềm vui thích trên thế gian này, điều Laila muốn làm nhất là được nằm bên cạnh Aziza, khuôn mặt của cô con gái bé bỏng gần đến nỗi cô có thể nhìn rõ được sự co giãn trong con ngươi của bé. Laila thích được vuốt ve làn da mềm mại, được chạm vào đôi má lúm đồng tiền và cả những cái ngấn trên khuỷu tay con gái. Đôi khi, cô đặt Aziza trên ngực mình và thì thầm qua đỉnh đầu con bé những điều về Tariq, người bố hoàn toàn xa lạ với Aziza, người bố Aziza sẽ không bao giờ biết mặt. Laila kể về khả năng giải câu đố của Tariq, những trò tinh nghịch, mưu mẹo và cả nụ cười dễ chịu của anh.
- Ông ấy có hàng lông mi đẹp nhất, dày như của con. Một cái cằm nhỏ nhắn, mũi cao và vầng trán rộng. Ồ, bố của con rất đẹp trai, Aziza ạ. Ông ấy thật hoàn hảo. Hoàn hảo, như con vậy.
Nhưng cô rất cẩn thận, không bao giờ nhắc đến tên của bố đứa trẻ.
Đôi khi cô bắt gặp ánh nhìn khác thường của Rasheed với Aziza. Một đêm, khi ngồi trên sàn phòng ngủ, cạo những vết chai ở chân, Rasheed chợt hỏi:
- Vậy giữa cô và hắn ta có gì?
Laila nhìn Rasheed với cái nhìn bối rối, như thể cô không hiểu câu hỏi.
- Laili và Majnoon. Cô và yaklenga, cái tên què đó. Các người đã có gì, giữa cô và hắn ấy?
- Anh ấy là bạn tôi, - cô nói, cố gắng giữ cho giọng mình bình thản. Cô vẫn tập trung vào việc lau mấy cái chai. - Ông biết điều đó mà.
- Tôi không biết tôi biết gì nữa. - Rasheed đặt dao cạo lên thành cửa sổ và thả mình xuống giường. Cái đệm lò xo phát ra tiếng cót két. Ông ta xoạc hai chân, đũng quần căng ra, - Thế với tư cách... bạn bè, cô và hắn có làm gì quá giới hạn cho phép không?
- Quá giới hạn cho phép?
Rasheed cười một cách hết sức vô tư, thoải mái, nhưng Laila có thể cảm nhận được ánh nhìn lạnh lùng và thận trọng của ông ta.
- Để xem nào. Ví dụ như hắn đã từng hôn cô chưa? Hoặc có thể chạm vào những nơi không được phép trên người cô?
Laila cau mày với một vẻ mà cô hy vọng là vô cùng phẫn nộ. Cô có thể nghe thấy tiếng tim mình đập trong lồng ngực.
- Anh ấy đối với tôi như một người anh trai.
- Vậy hắn là bạn hay là anh trai cô?
- Cả hai. Anh ấy.
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là anh ấy vừa là bạn, vừa là anh trai của tôi.
- Nhưng anh trai và em gái thì rất hay tò mò về nhau. Đúng vậy. Đôi khi anh trai cho em gái xem chỗ kín của anh ta, và cô em gái thì...
- Ông làm tôi thấy kinh tởm, - Laila nói.
- Thế là không có gì hả?
- Tôi không muốn nói về chuyện này nữa.
Rasheed gật gật đầu và bĩu môi.
- Cô biết đấy, thiên hạ đồn đại này nọ. Tôi vẫn nhớ. Họ nói đủ mọi chuyện về cô và hắn ta. Nhưng cô thì vẫn nói rằng giữa cô và hắn không có chuyện gì.
Cô xoay người lại và nhìn chằm chằm vào Rasheed.
Ông ta nhìn lại cô không chớp mắt khiến cho những ngón tay đang cầm chai sữa của cô trở nên tím tái, và Laila phải cố gắng lắm mới không tỏ ra bối rối.
Cô bất chợt thấy rùng mình khi nghĩ đến những gì ông ta sẽ làm với cô nếu ông ta biết cô vẫn thường ăn cắp tiền. Kể từ khi Aziza chào đời, tuần nào cô cũng nhân lúc ông ta ngủ hoặc đi vệ sinh để mở ví lấy tiền. Có những tuần khi trong ví còn ít tiền thì cô chỉ dám lấy một tờ năm đồng, hoặc không lấy gì cả vì cô sợ ông ta sẽ phát hiện. Còn khi nào ví tiền đầy, cô có thể lấy một tờ mười đồng, hoặc một tờ hai mươi đồng, thậm chí có lúc cô còn mạo hiểm lấy hai tờ hai mươi đồng. Cô giấu số tiền đó vào trong một cái túi nhỏ mà cô đã khâu trong lớp vải lót của chiếc áo khoác mùa đông.
Cô tự hỏi không biết ông ta sẽ làm gì nếu biết cô có kế hoạch chạy trốn vào mùa xuân tới. Hoặc chậm nhất là mùa hè tới. Laila hy vọng sẽ có đủ ít nhất một nghìn đồng để chạy trốn, một nửa trong số đó sẽ dùng để mua vé xe bus đi từ Kabul đến Peshawar. Khi nào gần tới lúc đó, cô sẽ đem cầm chiếc nhẫn cưới và số đồ nữ trang Rasheed tặng cô cách đây một năm, khi cô còn là malika trong tòa lâu đài của ông ta.
- Dù sao, - cuối cùng Rasheed nói, gõ ngón tay lên bụng, - Cô cũng không thể trách tôi. Tôi là một người chồng. Đó là những điều mà một người chồng thường băn khoăn. Nhưng hắn ta đã may mắn khi được chết theo kiểu đó. Bởi vì nếu mà hắn ở đây, và tôi có tóm được...
Ông ta khẽ rít qua kẽ răng và lắc đầu.
- Ông có thể để người đã khuất được yên không?
- Tôi cho rằng với một số người thì chết vẫn chưa phải là hết, - ông ta trả lời.

Hai ngày sau, khi Laila tỉnh dậy vào sáng sớm, cô nhìn thấy một chồng quần áo trẻ con được gấp gọn gàng và đặt ở cửa phòng ngủ của cô. Có một chiếc váy với những hình vân và con cá được thêu trên thân trước, một chiếc váy len màu xanh da trời với tất và găng tay cùng màu, một bộ pyjama màu vàng với những chấm nhỏ màu cà rốt và một cái quần trẻ em màu xanh lá cây bằng vải bông với những diềm xếp nếp chấm bi ở gấu.
- Người ta đồn đại rằng, - bữa tối hôm đó Rasheed nói huyên thuyên một cách sảng khoái mà không để ý đến Aziza với bộ pyjama màu vàng mà Laila mặc cho con bé, - Dostum sẽ về phe với Hekmatyar. Massoud sẽ phải mất thời gian đối phó với hai kẻ đó. Và chúng ta cũng không được quên cánh Hazara. - Ông ta với tay lấy một ít cà tím mà Mariam đã muối trong mùa hè. - Hy vọng đó chỉ là một tin đồn, - vừa nói ông ta vừa vẫy mấy ngón tay còn dính mỡ. - Bởi vì nếu cuộc chiến này xảy ra thì nó sẽ không khác gì buổi dã ngoại thứ Sáu ở Paghman.
Tối đó, ông ta leo lên người cô và tự thỏa mãn bản thân một cách vội vã, chẳng nói chẳng rằng, để nguyên cả quần áo, trừ có chiếc tumban không cởi ra hẳn mà kéo tụt xuống mắt cá chân. Sau khi cơn vật vã điên cuồng đã qua đi, ông ta buông cô ra và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Laila nhẹ nhàng rời khỏi phòng ngủ và thấy Mariam dang ngồi xổm trong bếp, đánh vẩy một cặp cá hồi. Bên cạnh cô là một hũ gạo ngâm. Trong bếp có mùi như mùi thì là trộn với mùi khói, mùi hành phi và cá.
Laila ngồi xuống một góc, kéo váy che đầu gối.
- Cám ơn chị, - cô nói
Mariam không để ý đến Laila. Cô đã chặt xong con cá thứ nhất và bắt đầu sang con thứ hai. Cô cắt vây cá bằng con dao có răng cưa, sau đó lật bụng cá lên và lạng một cách điệu nghệ từ đuôi đến mang cá. Laila nhìn cô cho ngón tay cái vào miệng con cá ngay trên hàm dưới, ấn vào và bằng một nhát dao, cô đã cắt bỏ mang và ruột cá.
- Mấy bộ quần áo rất đẹp.
- Tôi không còn cần đến chúng nữa, - Mariam lầm bầm. Cô đặt con cá xuống một tờ báo còn dính đầy nhớt cá và chặt bỏ đầu cá. - Nếu không đưa cho con gái cô thì tôi cũng để đó cho mối mọt gặm thôi.
- Chị học cách làm cá ở đâu vậy?
- Khi còn bé, tôi từng sống cạnh một dòng suối. Tôi thường tự mình câu cá.
- Tôi chưa bao giờ câu cá.
- Cũng không có gì đặc biệt lắm. Chủ yếu là ngồi đợi...
Laila nhìn Mariam cắt con cá đã bỏ ruột làm ba phần.
- Chị đã tự may mấy bộ quần áo đó à?
Mariam gật đầu.
- Chị may khi nào thế?
Mariam rửa những khúc cá trong một bát nước.
- Khi tôi mang thai lần đầu. Hoặc có thể là lần thứ hai. Mười tám hay mười chín năm trước. Đã lâu quá rồi. Như tôi đã nói với cô, tôi không còn dịp để sử dụng những thứ đó nữa.
- Chị đúng là một người nội trợ giỏi. Có lẽ chị có thể dạy tôi làm những thứ đó.
Mariam đặt những khúc cá đã rửa vào một cái bát sạch. Những giọt nước nhỏ xuống từ đầu ngón tay. Cô ngẩng đầu lên nhìn Laila, như thể đây là lần đầu cô nhìn Laila vậy.
- Vào cái đêm đó, khi ông ta... Trước đây chưa từng có ai đứng ra bảo vệ tôi, - cô nói.
Laila ngắm nhìn khuôn mặt ủ rũ của Mariam, nhìn mí mắt đã hằn sâu những nếp nhăn của sự mệt mỏi và dấu vết thời gian in đậm trên khóe môi của cô - Laila cũng ngắm nhìn Mariam như thể cô đang nhìn Mariam lần đầu tiên. Và, lần đầu tiên, đó không phải khuôn mặt thù địch cô từng thấy mà là khuôn mặt của những nỗi đau thầm kín, của những gánh nặng đè lên vai mà không phản kháng, của một số phận mà Mariam đã chấp nhận và cam chịu. Laila băn khoăn liệu đó có phải là gương mặt của mình hai mươi năm sau, nếu vẫn cứ sống mãi thế này?
- Tôi không cho phép ông ta, - Laila nói. - Tôi không được nuôi dạy trong một ngôi nhà mà người ta làm những điều như thế.
- Bây giờ, đây là nhà của cô. Cô phải quen với điều đó.
- Chuyện đó thì không. Tôi không thể.
- Rồi cũng sẽ đến lượt cô thôi, cô biết không, - Mariam vừa nói vừa lau tay vào một cái khăn. - Sẽ sớm thôi. Cô đã sinh cho ông ta một đứa con gái. Vì thế, cô sẽ thấy, tội lỗi của cô còn khó tha thứ hơn của tôi.
Laila đứng dậy.
- Tôi biết ngoài kia trời rất lạnh, nhưng chị nói sao nếu những kẻ tội lỗi chúng ta cùng ra ngoài sân thưởng thức một chén chai nhỉ?
Mariam ngạc nhiên nhìn Laila.
- Không được. Tôi phải cắt bỏ và rửa sạch chỗ đậu đó.
- Sáng mai tôi sẽ giúp chị làm.
- Và tôi phải dọn sạch chỗ này nữa.
- Chúng ta sẽ cùng làm. Nếu tôi không nhầm thì vẫn còn thừa một ít halwa. Cái đó dùng với chai thì tuyệt.
Mariam để cái giẻ lên bàn bếp. Laila có thể cảm thấy sự lo lắng toát ra từ cách chị ta xắn tay áo lên, chỉnh lại chiếc hijab, ấn lại một lọn tóc xổ ra.
- Người Trung Quốc nói thà nhịn ăn ba ngày còn hơn không uống trà một ngày.
Mariam mỉm cười.
- Câu nói hay đấy.
- Đúng vậy.
- Nhưng tôi không ngồi lâu được đâu.
- Một chén thôi mà.
Họ cùng ngồi xuống một chiếc ghế gấp ở bên ngoài và cùng ăn halwa đựng trong một cái bát. Họ đã uống chén thứ hai, và khi Laila hỏi Mariam xem cô có muốn thêm chén nữa không thì Mariam đồng ý. Trong khi tiếng súng vẫn nổ trên những ngọn đồi thì hai người phụ nữ lặng ngắm những gợn mây trôi dưới ánh trăng và những con đom đóm cuối cùng của mùa hè đang lập lòe một thứ ánh sáng màu vàng trong đêm. Đến buổi sáng, khi Aziza tỉnh dậy và khóc ré lên, còn Rasheed thì hét gọi Laila để cô dỗ con bé thì có một ánh nhìn đầy ẩn ý giữa Laila và Mariam. Cái nhìn của sự đồng cảm. Trong sự trao đổi không lời thoáng qua đó, Laila hiểu cô và Mariam không còn là kẻ thù của nhau nữa.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét