Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 23

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

23

Tháng Tư, 1992

Ba năm đã trôi qua.
Trong khoảng thời gian đó, bố của Tariq đã trải qua rất nhiều cơn đau tim. Chúng khiến cánh tay trái của ông trở nên lóng ngóng và giọng nói thì có phần líu nhíu. Khi ông bị xúc động, điều vốn xảy ra khá thường xuyên, thì tật nói nhịu đó càng trở nên tệ hơn.
Tariq lớn lên và một lần nữa chiếc chân giả lại không vừa với cậu và rồi cậu được tổ chức Chữ Thập Đỏ thay cho một cái chân mới, mặc dù phải chờ sáu tháng mới được nhận.
Giống như Hasina đã lo sợ, gia đình đã đưa nó đến Lahore, ở đó nó phải cưới người anh họ có một cửa hàng bán ô tô. Buổi sáng ngày họ đưa Hasina đi, Laila và Giti tới nhà nó để nói lời tạm biệt. Hasina nói với hai đứa rằng, người anh họ đó, người chồng sắp cưới của nó, đã bắt đầu chuẩn bị thủ tục để hai người chuyển tới nước Đức, nơi những người anh em trai của anh ta đang sinh sống. Nó nghĩ trong vòng năm nay là hai người sẽ ở Frankfurt rồi. Ba đứa đã khóc khi ôm nhau tạm biệt. Giti buồn vô cùng. Lần cuối Laila nhìn thấy Hasina là khi nó được bố nó giúp chui vào hàng ghế sau chật cứng người của một chiếc taxi.
Liên bang Xô Viết sụp đổ một cách nhanh chóng đến kinh ngạc. Laila thấy dường như cứ khoảng một vài tuần, Babi lại trở về nhà mang theo tin một nước cộng hòa tuyên bố ly khai. Lithuania. Estonia. Ukraina. Lá cờ Xô Viết đã được hạ xuống ở điện Kremlin. Cộng hòa Liên bang Nga ra đời.
Ở Kabul, Najibullah thay đổi chiến thuật và cố thể hiện bản thân mình như là một người Hồi giáo mộ đạo. “Quá nhỏ nhoi, chẳng đáng kể gì và đã quá muộn rồi”, Babi nói. “Một người không thể là đầu sỏ của KHAD trong ngày này rồi ngày hôm sau lại đến cầu nguyện ở một thánh đường cùng với họ hàng thân thích của những người đã bị ông ta tra tấn và giết chết”. Cảm thấy chiếc dây thòng lọng đang ngày càng siết chặt xung quanh Kabul, Najibullah cố gắng để đạt được một hòa ước với lực lượng Chiến binh Hồi giáo, nhưng lực lượng Chiến binh Hồi giáo đã lờ đi.
Từ trên giường, Mammy nói:
- Đấng tối cao phù hộ cho họ.
Bà thức đêm để trông ngóng Chiến binh Hồi giáo và chờ đợi cuộc diễu hành của bà. Chờ đợi thời khắc mà những kẻ thù của các con trai bà sụp đổ.
Và cuối cùng, họ đã sụp đổ. Vào tháng Tư năm 1992, năm Laila mười bốn tuổi.
Najibullah cuối cùng đã đầu hàng và được cấp chỗ ở trong một căn cứ của Liên Hợp Quốc, gần cung điện Darulaman, phía Nam thành phố.
Cuộc thánh chiến đã kết thúc. Các chính quyền cộng sản lên nắm quyền kể từ cái đêm Laila được sinh ra đã bị đánh bại. Những người anh hùng của Mammy, những đồng đội của Ahmad và Noor đã giành chiến thắng. Và bây giờ, sau hơn một thập kỷ phải hy sinh mọi thứ, rời bỏ gia đình để lên sống trên những vùng núi cao, chiến đấu cho quyền tự chủ của Afghanistan, những chiến binh Hồi giáo đang trở lại Kabul trong thân hình rã rời vì chiến trận.
Mammy biết tên tất cả bọn họ.
Đó là Dostum, vị chỉ huy ăn mặc lòe loẹt người Uzbek, thủ lĩnh của nhóm Junbish-i-Milli, người nổi tiếng với việc khơi dậy lòng trung thành. Là Gulbuddin Hekmatyar nóng nảy và hay cáu kỉnh, thủ lĩnh của nhóm Hezb-e-Islami, một người Pashtun theo học chuyên ngành kỹ thuật, đã từng giết chết một sinh viên theo tư tưởng Mao Trạch Đông. Rồi Rabbani, một thủ lĩnh người Tajik của nhóm Jamiat-e-Islami, người từng giảng dạy đạo Hồi ở trường Đại học Kabul thời còn dưới chế độ quân chủ. Sayyaf, một người Pashtun từ Paghman có liên hệ với người Ả rập, một người Hồi giáo dũng cảm và là thủ lĩnh của nhóm Ittehad-i-Islami. Abdul Ali Mazari, thủ lĩnh của cánh quân Hizb-e-Wahdat, người được những chiến binh người Hazara của mình gọi là Baba Mazari, có mối liên hệ mật thiết của những người dòng Shi’a với Iran.
Và, tất nhiên, còn có một người anh hùng của Mammy, đồng minh của Rabbani, thủ lĩnh người Tajik rất có uy tín, Ahmad Shah Massoud, Sư tử vùng Panjshir. Mammy đã treo một bức áp phích hình của ông ở trong phòng mình. Khuôn mặt điển trai, suy tư của Massoud với hàng lông mày nhướng lên và chiếc pakol đội nghiêng đặc trưng đã trở thành hình ảnh thường gặp khắp Kabul. Đôi mắt sâu lắng màu đen của ông nhìn chăm chú từ những tấm áp phích, từ những bức tường, từ cửa kính cửa hàng, từ những lá cờ gắn trên ăng ten của xe taxi.
Mammy đã mong ngóng cái ngày này biết bao lâu. Sau tất cả những năm tháng chờ đợi, giờ đây bà cũng đã được thỏa nguyện.
Cuối cùng thì bà đã có thể chấm dứt những đêm thức trắng chờ đợi, và những đứa con trai của bà giờ đây đã có thể yên nghỉ.
Một ngày sau hôm Najibullah đầu hàng, Mammy ra khỏi giường và thành một người đàn bà khác hẳn. Lần đầu tiên trong vòng năm năm kể từ khi Ahmad và Noor trở thành shaheed, bà không mặc đồ đen nữa. Bà khoác một tấm áo dài vải lanh màu xanh cô ban với những chấm hoa tròn màu trắng. Bà lau các cửa sổ, quét sàn nhà, đón khí vào nhà và tắm một lúc lâu. Giọng bà cứ rổn rảng vô cùng phấn khởi.
- Chuẩn bị có một bữa tiệc, - bà tuyên bố. Bà sai Laila đi mời hàng xóm. - Nói với họ rằng chúng ta sẽ có một bữa trưa thịnh soạn vào ngày mai!
Ở trong bếp, bà đứng hai tay chống nạnh, nhìn quanh và trách yêu:
- Con đã làm gì với cái bếp của mẹ thế hả Laila? Wooy. Tất cả mọi thứ đều không còn ở chỗ cũ.
Bà bắt đầu di chuyển xoong nồi loanh quanh, điệu bộ màu mè, như thể bà đang tuyên bố lại chủ quyền, lấy lại lãnh địa của mình, khẳng định rằng bây giờ bà đã trở lại. Laila tránh ra để bà làm. Thế là tốt nhất. Lúc Mammy có hứng bà có thể cũng sẽ bất trị y như lúc bà đang nổi điên lên. Với sức lực tưng bừng, Mammy chuẩn bị cho các món: xúp aush nấu đậu và thì là khô, kofta, mantu hấp hơi nóng trộn sữa chua và rắc bạc hà lên trên.
- Con tỉa lông mày phải không? - Mammy vừa hỏi vừa mở một bao tải gạo lớn cạnh cái bàn bếp.
- Chỉ một chút thôi ạ.
Mammy đổ gạo từ cái bao sang một xoong nước to màu đen. Bà xắn tay áo và bắt đầu vo gạo.
- Tariq thế nào?
- Bố cậu ấy bị bệnh, - Laila nói.
- Bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
- Con không biết. Có lẽ sáu mươi tuổi, con đoán thế.
- Ý mẹ hỏi Tariq kia.
- Ồ. Mười sáu.
- Cậu ấy là một cậu bé tốt đấy. Con có nghĩ thế không?
Laila nhún vai.
- Thực ra cũng chẳng còn là một cậu bé nữa rồi, phải không? Mười sáu. Sắp trở thành một người đàn ông rồi. Con có nghĩ thế không?
- Mẹ đang ám chỉ điều gì thế, Mammy?
- Chả có gì, - Mammy nói, mỉm cười vẻ ngây thơ. - Chả có gì cả. Chỉ là con... À, không. Tốt hơn là mẹ không nên nói.
- Con thấy là mẹ muốn nói đấy, - Laila nói, cáu tiết bởi sự trêu chọc lòng vòng này.
- Được rồi. - Mammy nắm tay vào thành xoong. Laila nhận ra một vẻ không tự nhiên, gần như là diễn tập, cái cách mà bà nói “Được rồi” và nắm hai bàn tay. Cô sợ sắp sửa có một bài diễn thuyết.
- Đó là chuyện khi còn nhỏ các con chơi đùa bên nhau. Không có gì có hại cả. Như thế thật hay. Nhưng bây giờ. Bây giờ. Mẹ thấy là con đã mặc áo ngực rồi Laila.
Laila bị bắt quả tang.
- Và dù sao con cũng nên nói cho mẹ biết, về cái áo ngực ấy. Mẹ đã không biết. Mẹ thất vọng vì con đã không nói với mẹ. - Nhận thấy mình đang có ưu thế, Mammy gia tăng sức ép. - Dù sao, chuyện này cũng không phải về mẹ hay về cái coóc-xê. Nó là về con và Tariq. Nó là con trai, con thấy đấy, và như thế, sao nó phải quan tâm tới chuyện danh tiếng? Nhưng đối với con? Danh tiếng của một cô gái, đặc biệt là một cô gái xinh đẹp như con, là một thứ rất mỏng manh, Laila ạ. Giống như một con chim yểng ở trong tay con. Lỏng tay buông thì nó sẽ bay đi mất.
- Thế còn tất cả những trò trèo tường, lẻn trốn trong vườn với Babi của Mammy thì sao? - Laila hỏi lại, sung sướng với sự phản đòn mau chóng của mình.
- Bọn ta là anh em. Và chúng ta đã cưới nhau. Còn cậu đó đã cầu hôn con chưa?
- Cậu ấy là một người bạn. Một rafiq. Chuyện của chúng con không phải thế, - Laila nói giọng biện hộ và không mấy thuyết phục. - Cậu ấy giống như một người anh trai của con, - cô bé thêm vào một cách sai lầm. Và cô biết mình đã sai, thậm chí trước cả khi mặt Mammy tối sầm lại.
- Cậu ta không phải thế, - Mammy nói thẳng thừng. - Con không được so sánh thằng bé một chân con ông thợ mộc đó với các anh của con. Không có ai như các anh của con cả.
- Con không nói rằng cậu ấy... Đó không phải là điều con định nói.
Mammy thở dài và nghiến chặt hàm răng.
- Dù sao, - bà lại tiếp tục, nhưng lần này không với vẻ ý tứ như một phút trước đây, - điều mẹ muốn nói là nếu con không cẩn thận thì người ta sẽ bàn tán đấy.
Laila mở miệng định nói. Không phải là Mammy không có lý. Laila biết rằng những ngày ngây thơ, hồn nhiên được tự do trên đường phố với Tariq đã qua đi. Bây giờ thỉnh thoảng Laila đã bắt đầu cảm thấy sự khác lạ khi hai đứa đi cùng nhau tới chỗ đông người. Cái cảm giác bị người ta nhìn ngó, soi mói và thì thầm với nhau mà Laila chưa từng cảm thấy trước kia. Và có một điều cốt yếu mà thậm chí đến lúc này cô vẫn chưa nghĩ tới: Cô đã phải lòng Tariq. Một cách khôn cưỡng và tuyệt vọng. Khi anh ở gần, cô không thể gạt đi được những ý nghĩ đáng hổ thẹn về tấm thân gầy, không quần áo của anh quấn lấy thân cô. Buổi tối, nằm trên giường, cô tưởng tượng cảnh anh đang hôn lên bụng mình, tự hỏi mình về sự mềm mại của đôi môi anh, về cảm giác của đôi tay anh trên cổ, trên ngực, trên lưng mình và thấp hơn nữa. Khi nghĩ về Tariq theo cách đó, cô thấy thật tội lỗi, nhưng cũng có những cảm giác kỳ lạ và ấm áp lan tỏa từ bụng cô lên trên, cho tới khi mặt cô ửng hồng.
Không. Mammy có lý. Thực ra, có lẽ còn có lý hơn cô biết. Laila ngờ rằng, đã có vài người, nếu không phải là hầu hết hàng xóm đã tán chuyện về cô và Tariq. Laila đã nhận ra những cái cười ranh mãnh, đã để ý thấy những lời thì thào của hàng xóm gọi họ là một đôi. Chẳng hạn, một ngày nọ, khi cô và Tariq đang đi cùng nhau trên đường phố thì tình cờ gặp Rasheed, người thợ đóng giày, với cô vợ mặc burqa của ông ta, Mariam. Khi đi ngang qua hai người, Rasheed nói đầy châm chọc, “Chẳng phải đó là Laili và Majnoon sao”, ý bóng gió tới đôi tình nhân bất hạnh trong một bài thơ tình nổi tiếng của Nezami ở thế kỷ mười hai - một phiên bản tiếng Farsi của Romeo và Juliet, Babi đã nói như vậy, dù ông thêm vào rằng Nezami đã viết câu chuyện về đôi tình nhân bất hạnh này trước cả bốn thế kỷ so với Shakespeare.
Mammy có lý.
Điều giày vò Laila là Mammy không có quyền để nói thế. Nếu Babi là người đưa ra vấn đề thì lại là chuyện khác. Nhưng còn Mammy? Tất cả những năm tháng tách biệt, tự giam mình đó của bà, chẳng hề quan tâm Laila đi đâu, gặp ai và suy nghĩ gì... Thật không công bằng. Laila cảm thấy như thể cô chẳng hơn gì những thứ xoong chảo đó, những thứ người ta có thể lờ đi, rồi lại quay lại khẳng định chủ quyền một khi có hứng thú.
Nhưng ngày hôm đó là một ngày tuyệt vời, một ngày quan trọng đối với tất cả bọn họ. Không nên để cho những cái nhỏ nhặt làm hỏng nó. Với suy nghĩ đó, Laila để cho nó qua đi.
- Con hiểu ý mẹ, - cô nói.
- Tốt! - Mammy nói. - Thế là mọi việc đã được giải quyết. Bầy giờ thì xem Hakim ở đâu nhỉ? Ở đâu, ôi, ông chồng bé nhỏ đáng yêu của tôi ở đâu?
Đó là một ngày nắng rực rỡ, bầu trời không một gợn mây, thật là một ngày tuyệt hảo cho tiệc tùng. Cánh đàn ông ngồi trên những chiếc ghế xếp ọp ẹp ở trong sân. Họ uống chè, hút thuốc và chuyện trò tếu táo ầm ĩ về kế hoạch của lực lượng Chiến binh Hồi giáo. Laila đã được nghe Babi nói sơ sơ về cái kế hoạch đó: Afghanistan giờ đây được gọi là Nhà nước Hồi giáo Afghanistan. Một Hội đồng Thánh chiến Hồi giáo được thành lập ở Peshawar bởi một vài nhóm Chiến binh Hồi giáo và nằm dưới sự lãnh đạo của Sibghatullah Mojadidi sẽ quán xuyến mọi việc trong vòng hai tháng. Sau đó nó sẽ được tiếp tục bởi một hội đồng lãnh đạo do Rabbani đứng đầu, người sẽ tiếp quản vị trí này trong vòng bốn tháng. Trong sáu tháng đó, một loya jirga* [Hội đồng Hồi giáo] sẽ được thành lập, một hội đồng lớn bao gồm những nhà lãnh đạo và những người lớn tuổi, họ sẽ hình thành một chính phủ lâm thời và nắm giữ quyền lực trong vòng hai năm, hướng tới tuyển cử dân chủ.
Một người đàn ông đang quạt những xiên thịt cừu xèo xèo trên một cái lò nướng tạm. Babi và bố của Tariq đang chơi cờ dưới bóng mát một cây lê già. Gương mặt họ đầy vẻ tập trung. Tariq cũng ngồi ở bàn cờ, xem ván cờ rồi sau đấy lắng nghe những bàn tán về chính trị từ bàn bên cạnh.
Cánh đàn bà tụ tập ở phòng khách, ở hành lang và ở trong bếp. Họ vừa bế con vừa tán chuyện, vừa lắc hông một cách tài tình né tránh bọn trẻ con đang lùa nhau chạy huỳnh huỵch xung quanh nhà. Một bài ghazal của Ustad Sarahang đang phát ra om sòm từ đài cát xét.
Laila ở trong bếp, đang cùng với Giti làm một bình dogh* [Sữa chua]. Giti không còn hay xấu hổ hoặc nghiêm trọng như trước nữa. Khoảng một vài tháng trở lại đây, vẻ cau có thường trực đã biến mất trên trán cô bạn. Dạo này cô cười thoải mái và thường xuyên hơn và Laila thấy ở đó có một vẻ gì lả lơi. Cô cũng đã vứt bỏ cái đuôi ngựa tẻ nhạt, để tóc dài ra và thêm vào mấy dải tóc màu đỏ. Laila cuối cùng cũng biết được rằng động lực thúc đẩy những thay đổi đó là một chàng trai mười tám tuổi, Giti đã phát hiện ra anh ta đang để ý mình. Tên anh ta là Sabir, thủ môn trong đội bóng đá của anh trai Giti.
- Ôi, anh ấy có điệu cười đẹp lắm, và mái tóc đen dày, dày chừng này! - Giti khoe với Laila. Tất nhiên là không ai biết họ để ý đến nhau. Giti đã bí mật gặp chàng trai hai lần để uống trà, mỗi lần mười lăm phút, ở một quán trà nhỏ nằm ở Taimani, đầu kia thành phố.
- Anh ấy sẽ cầu hôn tớ, Laila ạ! Sớm thì có thể vào ngay mùa hè này. Cậu có tin không? Tớ thề là tớ không tài nào không nghĩ về anh ấy.
- Thế còn chuyện học hành thì sao? - Laila hỏi. Giti nghiêng đầu và nhìn cô một cái nhìn kiểu như Chúng ta đều biết mà.
Hasina vẫn thường nói, Khi chúng ta hai mươi tuổi, Giti và tớ, mỗi đứa bọn tớ đã cho ra lò bốn, năm đứa trẻ con rồi. Nhưng cậu, Laila ạ, cậu sẽ làm cho hai đứa ngu ngốc chúng tớ tự hào. Cậu sẽ trở thành người có tên tuổi. Tớ biết rằng một ngày nào đấy, tớ sẽ cầm một tờ báo và thấy hình cậu ở trang đầu.
Giti giờ đang đứng bên cạnh Laila và thái dưa chuột, với một vẻ mơ mộng, lãng đãng, xa xôi trên khuôn mặt.
Mammy ở gần đấy, trong bộ váy áo mùa hè rực rỡ, đang bóc trứng luộc với Wajma, bà đỡ của Laila, và mẹ của Tariq.
- Tôi sẽ đến gặp Thủ lĩnh Massoud với tấm hình của Ahmad và Noor, - Mammy nói điều đó với Wajma và bà này gật đầu, cố tỏ ra hứng thú và chân thành.
- Chính ông ấy là người đã coi sóc việc chôn cất. Ông ấy đã cầu nguyện tại mộ của chúng. Đó sẽ là biểu hiện của sự cám ơn cho sự chu tất của ông ấy. - Mammy đập một quả trứng luộc nữa. - Tôi nghe nói ông ấy là một người thấu hiểu, một người cao quý. Tôi nghĩ ông ấy sẽ cảm kích trước hành động này.
Xung quanh họ, những người phụ nữ liên tục ra vào bếp, mang theo bát đựng qurma, đĩa masiawa, bánh mì và bày tất cả trên tấm sofrah trải ở nền phòng khách.
Thi thoảng, Tariq lại thong thả đi vào. Anh nhặt cái này, cắn cái kia.
- Đàn ông không được phép ở đây, - Giti nói.
- Đi ra, đi ra, đi ra, - Wajma gào lên.
Tariq mỉm cười với những lời đuổi trêu của đám phụ nữ. Dường như anh không để ý gì đến việc mình không được chào mừng ở nơi này, việc anh làm vẩn bầu không khí của đàn bà này với nụ cười nửa miệng và sự bất kính của đàn ông.
Laila cố hết sức để không nhìn anh, không để cho những người đàn bà này có thêm cơ hội buôn chuyện. Bởi thế cô cứ cụp mắt xuống và không nói gì với anh, nhưng cô lại nhớ về một giấc mơ cô đã mơ vài đêm trước, về gương mặt của anh và của cô bên cạnh nhau ở trong gương, dưới một tấm mạng mềm màu xanh. Và những hạt gạo rơi xuống từ tóc anh, nảy trên mặt kính thành từng chuỗi.
Tariq với sang lấy một miếng thịt bê nấu với khoai tây.
- Ho bacha!* [Này, hư thân!] - Giti đánh vào mu bàn tay anh. Dù sao Tariq cũng đã lấy được nó và cười lớn.
Bây giờ anh đã cao hơn Laila đến mấy phân. Anh đã cạo râu. Gương mặt anh gầy hơn, có phần góc cạnh hơn. Vai anh nở nang hơn. Tariq thích mặc quần có ly, đi giày đen bóng và mặc áo ngắn tay khoe hai cánh tay nổi lên những cơ bắp mới - quà tặng của những quả tạ gỉ sét mà hằng ngày anh nâng ở trong sân nhà mình. Gương mặt anh gần đây đã có thêm những nét ngỗ ngược vui vẻ. Anh cũng có thêm một chút e dè, cái đầu hơi nghiêng về một bên khi nói chuyện và hàng lông mày nhướng lên mỗi khi cười. Anh để tóc và đã nhiễm thói quen hất mớ tóc bồng bềnh một cách thường xuyên và không cần thiết. Nụ cười nửa miệng cũng là một thú mới nữa.
Lần cuối cùng Tariq bị đuổi ra khỏi bếp, mẹ anh bắt gặp Laila liếc trộm anh. Trái tim Laila nhảy múa trong ngực và đôi mắt cô bối rối vẻ tội lỗi. Cô vội làm mình bận rộn bằng việc bỏ dưa chuột đã thái vào trong bình nước có hòa lẫn muối và sữa chua. Nhưng cô có thể cảm thấy mẹ Tariq đang nhìn mình với nụ cười nửa miệng đầy thấu hiểu và hài lòng.
Đám đàn ông lấy thức ăn, đồ uống rồi mang ra ngoài sân ngồi. Sau khi họ đã lấy phần của mình, tới lượt đàn bà và trẻ con ngồi xuống dưới sàn, xung quanh chiếc sofrah và bắt đầu ăn uống.
Rồi sau khi chiếc sofrah đầy ắp đã được xử lý sạch sành sanh, đống đĩa đã được xếp thành chồng ở trong bếp và sau một hồi cứ loạn cả lên để pha trà, nhớ người này uống chè xanh, người kia uống chè đen, Tariq hất đầu ra dấu cho cô và lẻn ra khỏi cửa.
Laila đợi năm phút rồi ra theo.
Cô tìm thấy anh cách đấy ba nhà, đang đứng tựa vào tường ở một ngõ nhỏ giữa hai ngôi nhà. Anh đang hát khe khẽ một bài ca Pashto cũ của Ustad Awal Mir:
Da ze ma ziba watan,
da ze ma dada watan.
Đây là mảnh đất tươi đẹp của chúng ta,
đây là mảnh đất chúng ta yêu quý.
Và anh đang hút thuốc, cũng là một thói quen mới, học được từ mấy anh chàng mà Laila nhìn thấy thường tụ tập cùng anh dạo gần đây. Laila không chịu được họ, những người bạn mới của Tariq. Tất cả bọn họ đều ăn mặc cùng một kiểu, quần gấp ly, áo bó sát làm nổi bật cánh tay và ngực. Cả hội đều dùng quá nhiều nước hoa và ai cũng hút thuốc. Họ đi thành nhóm khệnh khạng khắp nơi, cười đùa ầm ĩ, đôi khi còn gọi trêu các cô gái với cùng một điệu cười nhăn nhở, ngu ngốc và tự mãn trên mặt. Một trong những người bạn của Tariq, thoáng nhìn có nét giống Sylvester Stallone, cứ đòi thiên hạ gọi mình là Rambo.
- Mẹ anh sẽ giết anh nếu bà ấy nhìn thấy anh hút thuốc, - Laila nói, nhìn quanh rồi lẩn vào trong ngõ.
- Nhưng mẹ anh sẽ không thấy, - anh nói. Rồi anh dịch sang một bên để có chỗ cho cô đứng.
- Có thể sẽ khác đấy.
- Ai sẽ nói nào? Em à?
Laila nhịp nhịp bàn chân.
- Hãy nói bí mật của bạn với gió, nhưng đừng buộc tội gió kể cho cây.
Tariq mỉm cười, một bên mày nhướng lên.
- Ai đã nói thế?
- Khalil Gibran.
- Em là người khoe khoang.
- Cho em một điếu thuốc.
Anh lắc đầu và khoanh tay trước ngực. Đây cũng là một món mới trong các tiết mục tạo dáng của anh: dựa người vào tường, hai tay khoanh lại, điếu thuốc hờ hững ở khóe miệng, cái chân thật chùng xuống.
- Sao lại không?
- Không tốt cho em, - anh nói.
- Thế nó tốt cho anh à?
- Anh làm thế là vì các cô gái.
- Các cô nào?
Anh cười điệu.
- Bọn con gái thấy như thế rất hấp dẫn.
- Không phải thế.
- Không phải ư?
- Em đảm bảo với anh.
- Không hấp dẫn á?
- Anh nhìn như là khila, giống như một thằng ngốc ấy.
- Đau lòng, - anh nói.
- Nhưng là các cô nào cơ?
- Em đang ghen.
- Em tò mò một cách thờ ơ thôi.
- Em không thể có cả hai thứ ấy cùng một lúc. - Anh rít một hơi nữa và nheo mắt qua làn khói. - Anh cá là mọi người bây giờ đang bàn tán về chúng mình.
Trong đầu Laila, tiếng Mammy vọng lên. Giống như một con chim yểng trong tay con. Lỏng tay buông thì nó sẽ bay mất. Cảm giác tội lỗi gặm nhấm cô. Rồi Laila dập tắt tiếng của Mammy. Thay vì đó cô nhấm nháp sự dễ chịu với cách Tariq nói từ chúng mình. Lời nói đó mới hồi hộp làm sao, bí ẩn làm sao khi được thốt ra từ anh. Và nghe anh nói như thế, cô cảm thấy thật yên dạ làm sao - thật thân thuộc, thật tự nhiên. Chúng mình. Nó là sự thừa nhận, sự kết tinh mối liên hệ giữa họ.
- Vậy họ nói gì?
- Rằng chúng mình đang bơi thuyền trên Dòng sông Tội lỗi, - anh nói. - Đang ăn một lát của Chiếc bánh Nghịch đạo.
- Đang cưỡi trên cỗ xe Đồi bại? - Laila phụ họa.
- Đang làm món Qurma Báng bổ.
Cả hai cùng cười. Sau đó Tariq nhận xét rằng tóc cô đang dài ra.
- Trông rất đẹp, - anh nói.
Laila hy vọng rằng mình đã không đỏ mặt.
- Anh chuyển đề tài rồi.
- Từ cái gì nhỉ?
- Những cô gái đầu óc trống rỗng nghĩ rằng anh thật hấp dẫn ấy.
- Anh biết mà.
- Biết gì?
- Là em chỉ có tình cảm với anh thôi.
Laila ngây ngất. Cô nhìn mặt anh cố đoán xem anh đang nghĩ gì, nhưng chỉ gặp một vẻ không thể thấu được: một điệu cười toe toét vừa hớn hở vừa ngu ngốc, cùng một vẻ là lạ với cái nhìn có một chút tuyệt vọng trong mắt anh. Một vẻ thông minh, vừa mang nét khôi hài vừa thể hiện sự chân thành.
Tariq di di điếu thuốc dưới gót cái chân thật.
- Thế em nghĩ thế nào về tất cả những điều này?
- Về bữa tiệc á?
- Bây giờ thì ai là người ngu ngốc nhỉ? Anh nói về Lực lượng Chiến binh Hồi giáo, Laila ạ. Họ đang tiến vào Kabul.
- Ồ.
Khi cô bắt đầu kể cho anh nghe điều Babi đã nói, về những rắc rối giữa súng đạn và bản ngã, thì cô nghe thấy tiếng ầm ĩ từ nhà mình. Những giọng lớn tiếng. Những tiếng gào thét.
Laila vội vã chạy về. Tariq tập tễnh theo sau cô.
Đang có một cuộc loạn đả ở trong sân. Ở giữa sân, hai người đàn ông đang lăn lộn trên mặt đất, miệng gầm gừ, một con dao ở giữa họ. Laila nhận ra một người là người ở bàn kế bên khi nãy nói chuyện chính trị. Người còn lại là người đứng quạt lò nướng thịt. Mấy người đàn ông đang cố lôi họ ra. Babi không ở trong số đó. Ông đứng gần bức tường, ở một khoảng cách an toàn cách xa chỗ đánh nhau, cùng với bố của Tariq lúc này đang khóc.
Từ những giọng nói kích động xung quanh, Laila chắp nối những mẩu thông tin rời rạc lại với nhau: ông ngồi nói chuyện chính trị ở bàn, một người Pashtun, đã gọi Ahmad Shah Massoud là kẻ phản bội vì đã “thỏa thuận” với người Liên Xô vào những năm 1980. Ông nướng thịt, một người Tajik, coi những lời lẽ đó là một sự xúc phạm và yêu cầu ông kia phải rút lại lời nói. Ông Pashtun không nghe. Ông Tajik nói rằng nếu không nhờ có Massoud thì những chị em gái của ông kia có lẽ bây giờ vẫn còn đang phải “hiến cái ấy” cho lính Xô Viết. Rồi họ xông vào đấm nhau. Một trong hai người đã lôi một con dao ra; mọi người chưa thống nhất được chuyện ai đã là người lôi dao ra.
Laila hoảng sợ khi thấy Tariq cũng xông vào chỗ đánh nhau. Cô thấy một vài người vào can bây giờ cũng đang vung nắm đấm. Cô nghĩ rằng mình đã nhìn thấy một con dao nữa.
Tối đó, Laila nhớ lại cuộc đánh nhau đã kết thúc thế nào, với những người đàn ông ngã nhào lên nhau, giữa những tiếng kêu khóc, la hét và những quả đấm, và ở giữa mớ hỗn độn đó, một Tariq mặt mũi nhăn nhó, đầu tóc rối bời, cái chân giả long ra, đang cố gắng bò ra ngoài.

Mọi thứ thay đổi nhanh đến hoa mắt chóng mặt.
Hội đồng lãnh đạo được thành lập một cách hấp tấp. Họ cử Rabbani làm tổng thống. Những phe cánh khác thì hô hào đòi quyền lực. Massoud kêu gọi hòa bình và sự kiên nhẫn.
Hekmatyar, vốn bị gạt ra rìa, đã nổi điên lên. Những người Hazara, vốn đã luôn bị đàn áp và coi thường trong quá khứ, giờ đây cũng trở nên sôi sục.
Những lời xúc phạm được tuôn ra. Những ngón tay trỏ vào nhau. Những lời buộc tội không chút e dè. Những cuộc hội họp bị ngừng lại một cách giận dữ cùng với những cánh cửa đóng sầm. Cả thành phố nín thở. Trên núi, những băng đạn cũng đã được nạp vào các khẩu AK.
Những chiến binh Hồi giáo vốn được vũ trang đến tận răng, giờ đây khi không còn kẻ thù chung nữa thì lại quay ra coi nhau là kẻ thù.
Cái ngày được dự liệu của Kabul cuối cùng đã tới.
Và khi những quả rocket vãi như mưa xuống Kabul, người ta chạy đi tìm chỗ trú ẩn.
Mammy cũng đi trú, thực sự thế. Bà mặc lại bộ đồ đen, chui vào phòng mình, đóng rèm cửa lại và kéo tấm chăn trùm qua đầu.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét