Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 2

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

2

- Đối với Jalil và những bà vợ của ông ta, mẹ chỉ là một cây dâu dại. Một cây ngải. Và con cũng thế. Thậm chí khi đó con chưa được sinh ra nữa.
- Cây ngải là gì hả mẹ? - Mariam hỏi.
- Một thứ cỏ dại, - Nana nói. - Một thứ mà ta nhổ lên để rồi quăng đi.
Trong lòng Mariam cảm thấy không đồng tình. Bố Jalil chưa bao giờ đối xử với cô như một thứ cỏ dại. Chưa bao giờ. Nhưng Mariam nghĩ tốt hơn hết là nên giấu kín sự phản kháng này trong lòng thôi.
- Nhưng khác loài cỏ dại, mẹ được người ta mang đi trồng lại, con thấy đấy, được cho thức ăn và nước uống. Vì con đấy. Đó là những gì Jalil đã thỏa thuận với gia đình ông ta.
Nana nói bà đã từ chối sống ở Herat.
- Để làm gì? Để xem ông ta ngày ngày đưa các bà vợ kinchini* của mình đi dạo phố ư?
*[Gái điếm]
Bà nói rằng bà cũng không muốn sống trong ngôi nhà bỏ không của bố mình ở làng Gul Daman, trên một sườn đồi cách Herat hai cây số về phía Bắc. Bà muốn sống ở một nơi nào đó tách biệt để hàng xóm không nhìn chằm chằm vào cái bụng của bà mà chỉ trỏ, châm chọc, hay tệ hơn cả, làm tổn thương bà bằng lòng tốt giả tạo.
- Và hãy tin mẹ, - Nana nói, - bố con thấy nhẹ nhõm lắm khi mẹ đi khuất mắt ông ta. Ông ta cảm thấy rất sung sướng.
Chính Muhsin, người con trai cả của Jalil với Khadija, bà vợ đầu tiên, đã gợi ý về khu đất hoang. Nó nằm ở rìa ngoài Gul Daman. Để đến được đó, người ta phải băng qua một con đường mòn dốc ngược, rẽ nhánh từ con đường chính nối Herat và Gul Daman. Dọc hai bên đường, cỏ dại mọc cao đến đầu gối và lốm đốm những bông hoa màu vàng xen lẫn trắng. Con đường trườn lên ngọn đồi và dẫn tới một cánh đồng bằng phẳng, với những cây bạch dương vút cao và đám cây dại mọc thành từng bụi. Từ trên cao đó, nhìn bên trái người ta có thể thấy mấy đầu cánh quạt gỉ sét của chiếc cối xay gió làng Gul Daman, còn bên phải là toàn cảnh Herat trải rộng phía dưới. Cuối đường mòn là một con suối rộng, đầy cá hồi, bắt nguồn từ rặng núi Safid-koh bao quanh Gul Daman. Hai trăm mét ngược lên phía đầu nguồn là một cụm liễu rủ quây thành vòng tròn. Ở ngay giữa, khuất trong bóng liễu, là khu đất trống.
Jalil đã đến đó xem qua. Nana kể rằng khi quay trở lại, ông ta trông giống như một tên coi ngục khoe khoang về những bức tường sạch sẽ và sàn nhà sáng bóng trong cái nhà tù của mình.
- Và thế là bố con xây cho chúng ta cái ổ chuột này.
Năm mười lăm tuổi, Nana thiếu chút nữa thì đã kết hôn. Vị hôn phu là một anh chàng bán chim két đuôi dài, dân vùng Shindand. Mariam được nghe câu chuyện này từ chính Nana. Và dù mẹ không kể chi tiết nhưng Mariam có thể thấy từ đôi mắt buồn và tiếc nuối của bà một niềm hạnh phúc. Có lẽ những ngày chuẩn bị cho lễ cưới đó là khoảng thời gian duy nhất trong đời mẹ Nana cảm nhận được niềm hạnh phúc thực thụ.
Khi Nana kể chuyện, Mariam ngồi trong lòng mẹ và hình dung ra bà trong chiếc váy cưới vừa vặn. Cô bé mường tượng cảnh mẹ mình ngồi trên lưng ngựa, mỉm cười bẽn lẽn sau chiếc mạng che mặt của bộ lễ phục màu xanh, lòng bàn tay được sơn đỏ bằng cây lá móng, tóc tết thành bím nhỏ phủ nhũ bạc, những bím tóc được kết lại với nhau bằng nhựa cây. Cô bé thấy các nhạc công đang thổi sáo shahnai và gõ trống dohol, còn đám trẻ trên phố thì la hét và chạy đuổi nhau.
Thế rồi, một tuần trước ngày cưới, jinn đã nhập vào người Nana. Mariam không cần nghe kể lại cũng có thể hình dung ra được. Cô bé đã từng nhiều lần chứng kiến tận mắt cảnh mẹ đột ngột ngã xuống, cơ thể mẹ trở nên cứng đờ, mắt trợn lên, tay chân co giật như thể có thứ gì đang bóp nghẹt bà từ bên trong, miệng bà sủi bọt trắng và đôi khi còn thấy cả máu đỏ tươi. Rồi bà rơi vào trạng thái vô thức, mất phương hướng đến kinh sợ và miệng lầm bầm những thứ không rõ ràng.
Khi tin đó lan đến Shindand, gia đình anh chàng bán chim đã hủy bỏ đám cưới.
- Họ đã được một phen sợ chết khiếp, - Nana chốt lại.
Chiếc váy cưới được cất đi. Từ đó về sau, không có người nào đến cầu hôn nữa.
Trên khu đất hoang, Jalil cùng hai cậu con trai là Farhad và Muhsin dựng lên một kolba nhỏ, nơi Mariam sống suốt mười lăm năm đầu đời. Kolba được làm bằng gạch phơi khô, trát bùn và cỏ khô. Trong nhà có hai cái giường, một bàn gỗ, hai ghế tựa, một cửa sổ và vài chiếc giá được gắn vào tường, ở đó Nana để những chiếc bình được làm bằng đất nung và bộ đồ trà sứ Trung Hoa yêu thích của bà. Jalil cũng đặt một chiếc lò sưởi mới bằng gang dùng cho mùa đông và chất vài chồng củi sau kolba. Ông đặt thêm một lò đất ở bên ngoài để làm bánh mì và một cái chuồng gà có hàng rào xung quanh. Ông mua một vài con cừu và xây máng ăn cho chúng. Ông sai Farhad và Muhsin đào một cái hố sâu cách khoảng một trăm mét sau rặng liễu và xây nhà xí phía trên đó.
Nana nói Jalil lẽ ra có thể thuê người dựng kolba nhưng ông ta đã không làm điều đó.
- Đấy là ông ta muốn hành xác để sám hối đấy.
Nana kể lại rằng ngày Mariam chào đời, không có ai đến giúp đỡ. Đó là một ngày mùa xuân ẩm ướt và u ám năm 1959, năm thứ hai mươi sáu trong bốn mươi năm cai trị bình lặng của đức vua Zahir Shah. Bà nói rằng Jalil không buồn mời bác sĩ hay thậm chí một bà đỡ đến, cho dù ông ta biết rằng jinn có thể nhập vào người bà và khiến bà ngất đột ngột trong khi đang đau đẻ. Nana nằm một mình trên sàn kolba, bên cạnh là một con dao, mồ hôi đầm đìa toàn thân.
- Khi những cơn đau hành hạ, mẹ phải cắn vào gối và la hét cho đến khi lạc cả giọng. Vậy mà vẫn chẳng có ai đến để lau mồ hôi trên mặt mẹ hay rót cho mẹ một cốc nước. Và con, Mariam bé bỏng, con cũng chẳng vội gì. Con đã để cho mẹ nằm trên sàn nhà cứng lạnh gần hai ngày liền. Mẹ không ăn, không ngủ, tất cả những gì mẹ làm được là cố rặn và cầu nguyện để con sớm chui ra.
- Ôi, con xin lỗi mẹ.
- Mẹ phải tự cắt dây nhau nối mẹ con ta. Đó là lý do mẹ cần tới con dao.
- Con xin lỗi.
Đến đây, Nana lần nào cũng từ từ nở một nụ cười nặng nhọc mà Mariam không bao giờ hiểu được là sự buộc tội ngần ngại hay sự tha thứ miễn cưỡng của mẹ. Mariam bé nhỏ không hề nghĩ đến sự phi lý khi phải cầu xin sự tha thứ cho cái cách mình có mặt trên cõi đời này.
Nhưng khi Mariam lên mười thì cô bé bắt đầu băn khoăn tự hỏi về chuyện đó và không còn tin vào câu chuyện mẹ kể về cái ngày mình chào đời nữa. Cô tin vào câu chuyện của bố Jalil, rằng mặc dù đang ở xa nhưng ông vẫn thu xếp để Nana được đưa đến bệnh viện ở Herat, nơi bà được các bác sĩ chăm sóc cẩn thận. Bà đã được nằm trên một chiếc giường tốt, sạch sẽ, trong một căn phòng sáng sủa. Jalil lắc đầu buồn bã khi Mariam kể cho ông nghe về con dao.
Mariam cũng trở nên hoài nghi về việc cô bé đã khiến mẹ phải chịu đau đớn trong suốt hai ngày trời.
- Người ta nói với bố là mẹ con mất chưa đến một tiếng đồng hồ, - Jalil nói. - Con là một bé gái ngoan, Mariam thân yêu. Ngay từ khi chào đời con đã là một đứa con ngoan ngoãn.
- Ông ta thậm chí còn không có mặt ở đó! - Nana nhổ nước bọt. - Lúc đó ông ta còn đang mải cưỡi ngựa cùng mấy người bạn quý hóa ở Takht-e-safar.
Nana kể rằng khi người ta báo cho Jalil biết là ông ta vừa có thêm một đứa con gái, ông ta chỉ nhún vai, tiếp tục chải bờm ngựa và ở lại Takht-e-safar thêm hai tuần nữa.
- Sự thật là ông ta thậm chí còn không thèm ẵm con cho đến khi con đầy tháng. Mà lúc đó ông ta cũng chỉ cúi xuống nhìn con có một lần, nhận xét về khuôn mặt dài của con và bế trả con cho mẹ.
Về sau Mariam cũng không còn tin chuyện này. Đúng thế, bố Jalil thú nhận, ông đã cưỡi ngựa ở Takht-e-safar, nhưng khi được báo tin, ông không hề nhún vai. Ông vội nhảy lên lưng ngựa quay trở về Herat. Ông đã tung cô trên tay, vuốt ve đôi lông mày như hai bông tuyết của cô và còn hát ru cho cô ngủ nữa. Mariam không nghĩ bố Jalil nói mặt cô dài, mặc dù quả là nó dài thật.
Nana nói bà chính là người đặt cho cô bé cái tên Mariam bởi vì đó là tên bà ngoại của cô, còn Jalil lại khẳng định chính ông chọn cái tên này: bởi vì Mariam, hoa huệ, là một loài hoa rất đáng yêu.
- Đó là loài hoa bố yêu thích phải không ạ? - Mariam hỏi.
- Ừ, một trong những loài bố yêu thích, - ông nói và mỉm cười.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét