Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 50

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

50

Đối với Laila cuộc sống ở Murree thật dễ chịu và thanh bình. Công việc không có gì khó khăn. Những ngày nghỉ, cô và Tariq đưa lũ trẻ đi cáp treo ở đồi Patriata hoặc lên đỉnh Pindi, hôm nào đẹp trời thì đứng ở đó, họ có thể phóng xa tầm mắt đến tận Islamabad và trung tâm thành phố Rawalpindi. Họ trải khăn lên cỏ, ngồi ăn sandwich thịt viên với dưa chuột và uống rượu gừng ướp lạnh.
Đây là một cuộc sống tốt, Laila tự nhủ, một cuộc sống đáng để ta biết ơn. Trên thực tế, nó chính là cuộc sống cô hằng mơ ước trong những ngày tháng đen tối sống cùng Rasheed. Mỗi ngày Laila đều nhắc nhở mình về điều đó.
Rồi vào một đêm tháng Bảy ấm áp năm 2002, cô và Tariq đang nằm trên giường thì thầm nói chuyện về tất cả những thay đổi ở quê nhà. Đã có quá nhiều thay đổi. Lực lượng liên minh đã đẩy lùi Taliban ra khỏi tất cả những thành phố chính, đẩy họ qua biên giới Pakistan và lên những vùng núi ở phía Nam và phía Đông Afghanistan. ISAF, lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, đã được cử tới Kabul. Đất nước giờ đây đã có một tổng thống lâm thời, Hamid Karzai.
Laila quyết định đây chính là thời điểm để nói với Tariq.
Một năm trước, cô sẽ rất sung sướng nếu được thoát khỏi Kabul. Nhưng vài tháng gần đây, cô thấy nhớ thành phố tuổi thơ của mình. Cô nhớ sự ồn ào của khu chợ Shor, Vườn Babur, tiếng rao của những người chở nước đang kéo lê túi da dê. Cô nhớ những người mua bán quần áo, mặc cả ồn ã ở phố Gà và những người bán dưa hấu ở Karteh-Parwan.
Nhưng điều khiến cho Laila nghĩ nhiều đến thế về Kabul trong những ngày này không chỉ đơn thuần là nỗi nhớ nhà hay một niềm hoài cổ. Cô trở nên mệt mỏi bởi sự bồn chồn. Cô nghe tin những ngôi trường được dựng ở Kabul, những con đường được lát lại, những người phụ nữ trở lại làm việc, và cuộc sống của cô ở đây, vẫn dễ chịu như thường ngày, vẫn đáng để biết ơn như cô luôn cảm thấy, dường như đã... không đủ đối với cô. Tầm thường. Tệ hơn nữa, nó thật phí phạm. Gần đây, cô bắt đầu nghe thấy tiếng của Babi từ trong đầu mình. Con có thể đạt được những gì con muốn, Laila à. Bố biết con mà. Và bố cũng biết rằng khi chiến tranh kết thúc, Afghanistan sẽ cần đến con.
Laila cũng nghe thấy tiếng của Mammy. Cô nhớ lời Mammy đáp lại Babi khi ông gợi ý rằng họ nên rời khỏi Afghanistan. Tôi muốn nhìn thấy giấc mơ của các con trai mẹ trở thành hiện thực. Tôi muốn được ở đó khi điều này xảy ra, khi người dân Afghanistan được tự do, vì như thế các con trai tôi cũng sẽ trông thấy. Chúng sẽ nhìn thấy qua mắt tôi. Có gì đó trong Laila thúc giục cô quay trở lại Kabul, vì Mammy và Babi, để họ được nhìn thấy thành phố qua đôi mắt cô.
Và, điều thúc giục Laila mạnh mẽ hơn cả chính là vì Mariam. Có phải Mariam đã chết cho điều này? Laila tự hỏi mình. Có phải bà đã hy sinh bản thân mình để cô, Laila, có thể trở thành một cô hầu ở trên xứ người? Có thể Mariam sẽ không bận tâm Laila làm gì, miễn sao cô và những đứa trẻ được an toàn và sống hạnh phúc. Nhưng đối với Laila điều này lại rất quan trọng. Đột nhiên, nó trở nên rất quan trọng.
- Em muốn trở về, - cô nói.
Tariq ngồi dậy nhìn xuống cô.
Laila lại một lần nữa choáng ngợp bởi vẻ đẹp của anh, bởi đường cong hoàn hảo của vầng trán, những bắp thịt nhỏ trên cánh tay, đôi mắt suy tư và thông minh của anh. Một năm đã trôi qua nhưng vẫn có những lần, những khoảnh khắc như thế này, khi Laila không thể tin rằng họ đã tìm thấy nhau, rằng anh thật sự đang ở đây với cô, rằng anh là chồng cô.
- Trở về? Về Kabul? - anh hỏi.
- Chỉ khi anh cũng muốn thế.
- Em không hạnh phúc ở đây à? Em đang hạnh phúc mà. Và cả bọn trẻ nữa.
Laila ngồi dậy. Tariq dịch ra một chút, lấy chỗ cho cô ngồi.
- Em hạnh phúc, - Laila nói. - Tất nhiên là em hạnh phúc. Nhưng... chúng ta tới đây từ nơi nào, Tariq? Chúng ta sẽ ở đây bao lâu? Đây không phải quê hương của chúng ta. Là Kabul cơ, và ở đó đang có quá nhiêu điều đang diễn ra, có rất nhiều điều tốt đẹp. Em muốn trở thành một phần trong đó. Em muốn làm một điều gì đó. Em muốn được cống hiến. Anh hiểu chứ?
Tariq chậm rãi gật đầu.
- Đó là điều em muốn phải không? Em chắc chắn chứ?
- Em muốn thế, vâng, em chắc chắn. Nhưng hơn thế. Em cảm thấy mình phải quay về. Cứ ở mãi đây cũng không phải là đúng đắn.
Tariq nhìn xuống tay mình, rồi lại nhìn cô.
- Nhưng chỉ khi, chỉ khi anh cũng muốn đi.
Tariq mỉm cười. Những nếp nhăn trên mặt anh biến mất, và trong một thoáng anh lại trở thành Tariq của ngày xưa, một Tariq không có những cơn đau đầu hành hạ, người đã từng nói rằng ở Siberia nước mũi biến thành cột băng trước khi nó kịp rơi xuống đất. Có thể đó chỉ là tưởng tượng của cô, nhưng Laila tin rằng dạo gần đây cô thấy ở Tariq nhiều hình ảnh của anh ngày xưa hơn.
- Anh à? - anh nói. - Anh sẽ theo em đến tận cùng thế giới, Laila ạ.
Cô kéo anh lại gần và hôn lên môi anh. Cô tin mình chưa bao giờ yêu anh như giây phút này.
- Cám ơn anh, - cô nói, gục đầu vào anh.
- Trở về nhà nào.
- Nhưng trước tiên, em muốn tới Herat, - cô nói.
- Herat?
Laila giải thích.

Cần phải dỗ dành bọn trẻ, mỗi đứa theo một cách riêng. Laila phải ngồi xuống nói chuyện với một Aziza bị kích động, đứa vẫn có những cơn ác mộng hằng đêm, đứa đã giật mình hoảng hốt và bật khóc khi ai đó bắn một tràng đạn lên trời trong một đám cưới gần đó tuần trước. Laila phải giải thích cho Aziza rằng khi họ trở lại Kabul thì Taliban sẽ không còn ở đó, sẽ không còn đánh nhau và con bé sẽ không phải trở lại trại trẻ mồ côi.
- Chúng ta sẽ sống cùng nhau. Bố con, mẹ và Zalmai. Và con, Aziza. Con sẽ không bao giờ, không bao giờ còn phải xa mẹ nữa. Mẹ hứa đấy. - Cô cười với con gái. - Cho tới khi nào con muốn. Cho tới khi con yêu một chàng trai và muốn lấy anh ta làm chồng.

Ngày họ rời Murree, Zalmai buồn không tả xiết. Thằng bé vòng đôi tay quanh cổ con Alyona và không chịu rời ra.
- Con không thể lôi em ra khỏi nó được, Mammy, - Aziza nói.
- Zalmai. Chúng ta không thể mang dê lên xe bus được, - Laila giải thích một lần nữa.
Chỉ tới khi Tariq quỳ bên cạnh thằng bé và hứa rằng sẽ mua cho nó một con dê giống như Alyona ở Kabul thì Zalmai mới miễn cưỡng bước đi.
Cuộc chia tay với Sayeed cũng đầy nước mắt. Để cầu chúc bình an, ông cầm một cuốn kinh Koran đứng bên bậc cửa cho Tariq, Laila và lũ trẻ hôn ba lần, rồi giơ lên cao để cho họ đi qua dưới đó. Ông giúp Tariq xếp hai chiếc va li lên cốp xe của ông. Và cũng chính Sayeed là người lái xe đưa họ tới bến xe rồi đứng trên lề đường vẫy chào tạm biệt khi chiếc xe nổ máy rồi lăn bánh đi.
Khi Laila ngả người và nhìn Sayeed đang lùi dần trong gương chiếu hậu của chiếc xe bus, cô nghe thấy một giọng thì thầm nghi hoặc trong đầu mình. Cô tự hỏi có phải họ đang dại dột bỏ lại sau lưng sự yên ổn ở Murree? Dại dột khi quay trở lại mảnh đất nơi bố mẹ và các anh trai mình đã bỏ mạng, nơi khói đạn bom mới chỉ lắng xuống?
Và rồi, từ những vòng xoáy ký ức tối tăm của Laila hiện lên hai dòng thơ mà Babi đã đọc để ngợi ca Kabul:
Không ai có thể đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng
Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng.

Laila ngả người trên ghế, chóp đôi mắt đẫm lệ. Kabul đang chờ đợi. Đang cần cô. Chuyến trở về nhà này là một việc đúng đắn.
Nhưng trước tiên cần nói lời vĩnh biệt.

Cuộc chiến ở Afghanistan đã tàn phá con đường nối Kabul, Herat và Kandahar. Cách dễ nhất để tới được Herat bây giờ là đi qua Mashad ở Iran. Laila và gia đình mình tới đó lúc quá nửa đêm. Họ nghỉ lại ở một khách sạn và buổi sáng ngày hôm sau, họ lên một chuyến xe bus khác.
Mashad là một thành phố đông đúc và hối hả. Laila ngắm những công viên, những nhà thờ và những cửa hàng ăn bán chelo kebab lướt ngang tầm mắt. Khi xe đi qua lăng mộ của Imam Reza, nhà tiên tri dòng Shi’a thứ tám, Laila thò đầu ra ngoài để nhìn rõ hơn những mái ngói sáng lấp lánh, những mái tháp giáo đường, những mái vòm dát vàng nguy nga tráng lệ của nó, tất cả đều được lưu giữ một cách đáng yêu và không chê vào đâu được. Cô lại nghĩ về những bức tượng Phật ở đất nước mình. Bây giờ chúng đã trở thành bụi đất, bị cuốn đi cùng những cơn gió trong thung lũng Bamiyan.

Chuyến xe tới biên giới Iran-Afghanistan đi mất gần mười tiếng đồng hồ. Khung cảnh trở nên hoang tàn, cằn cỗi hơn khi họ đến gần Afghanistan. Ngay trước khi vượt biên giới để vào Herat, họ đi qua một trại tị nạn của người Afghanistan. Hiện ra trước mắt Laila là một vệt mờ của bụi vàng, những túp lều màu đen và những kết cấu chật chội làm bằng các tấm thép đã gỉ sét. Cô với tay qua ghế nắm lấy bàn tay Tariq.
Ở Herat, hầu hết đường phố đều được trải nhựa, hai bên đường là hai hàng thông tỏa mùi thơm ngát. Công viên và thư viện đang được sửa chữa lại, những khu vườn nhỏ được cắt tỉa và những ngôi nhà có nước sơn còn mới. Đèn giao thông đã hoạt động và cái khiến Laila bất ngờ nhất là điện đóm ở đây đã ổn định. Laila nghe nói thống soái của Herat, Ismail Khan, đã giúp xây dựng lại thành phố bằng một lượng lớn tiền của mà ông ta thu được ở vùng biên giới Afghanistan-Iran, Kabul cho rằng số tiền này không thuộc về ông ta mà là của chính quyền trung ương. Khi nói đến cái tên Ismail Khan, trong giọng nói của người lái taxi chở họ về khách sạn Muwaffaq có cả vẻ tôn kính lẫn sợ hãi.
Hai đêm ở khách sạn Muwaffaq làm họ tiêu tốn hết gần một phần năm số tiền dành dụm, nhưng họ không còn cách nào khác vì hành trình từ Mashad quá dài và mệt mỏi, còn lũ trẻ thì đã kiệt sức. Khi Tariq lấy chìa khóa, người thư ký già phía sau quầy nói với anh rằng Muwaffaq rất nổi tiếng với giới phóng viên và những nhân viên làm việc cho các tổ chức phi chính phủ.
- Bin Laden cũng đã ngủ ở đây một lần cơ đấy, - ông ta khoe khoang.
Căn phòng có hai giường và một phòng tắm nước lạnh. Ở trên tường, giữa hai chiếc giường có treo một bức chân dung của nhà thơ Khaja Abdullah Ansary. Từ cửa sổ, Laila có thể nhìn thấy phố phường tấp nập bên dưới và công viên phía bên kia đường với những lối đi bằng gạch màu lam xuyên qua những bụi hoa lớn. Aziza và Zalmai vốn đã quen với việc có ti vi giờ đang thất vọng vì trong phòng chẳng có cái nào. Dù vậy, ngay sau đó, chúng đã lăn ra ngủ. Không lâu sau, Tariq và Laila cũng mệt rã rời. Laila ngủ ngon lành trong vòng tay của Tariq, chỉ trừ một lần cô thức dậy vào nửa đêm bởi một giấc mơ mà cô không nhớ rõ là gì.
Hôm sau, khi đã ăn xong bữa sáng với trà và bánh mì, mứt quả mộc qua và trứng luộc, Tariq gọi cho cô một chiếc taxi.
- Em có chắc là em không muốn anh đi cùng không? - Tariq hỏi. Aziza nắm lấy bàn tay anh. Zalmai không nắm tay Tariq, nhưng nó đứng sát vào anh và tựa vai vào hông anh.
- Em chắc.
- Anh thấy lo.
- Em sẽ ổn thôi, - Laila nói. - Em hứa. Hãy đưa lũ trẻ đến chợ. Mua cho chúng thứ gì đó.
Zalmai bắt đầu khóc khi chiếc taxi chạy đi xa, và khi Laila quay lại, cô thấy nó đang với tay tới Tariq. Nó bắt đầu chấp nhận Tariq, điều đó vừa xoa dịu vừa làm trái tim Laila tan nát.

- Cô không phải người Herat, - người tài xế nói.
Anh ta có mái tóc tối màu dài ngang vai, một dấu hiệu cho thấy sự dính dáng với Taliban trong quá khứ, Laila biết điều đó, và hình như có một vết sẹo ở phía bên trái hàng ria của anh ta. Trên tấm kính chắn gió, cùng phía anh ta ngồi, có gắn một tấm ảnh. Đó là ảnh một cô gái với đôi má hồng và mái tóc được rẽ ngôi ở giữa, tết thành hai bím đuôi sam.
Laila nói với anh ta rằng năm ngoái cô đã ở Pakistan và giờ đang trên đường trở về Kabul.
- Deh-Mazang.
Qua kính xe, cô nhìn thấy những người thợ làm đồ đồng đang hàn tay nắm bằng đồng vào bình, những người thợ làm yên cương đang trải những miếng da đã cắt để phơi khô dưới ánh mặt trời.
- Anh đã sống ở đây bao lâu rồi, người anh em? - cô hỏi.
- Ồ, cả cuộc đời tôi. Tôi sinh ra ở đây. Tôi đã nhìn thấy mọi thứ. Cô có nhớ cuộc nổi loạn chứ?
Laila nói có nhớ, nhưng anh ta đã tiếp tục.
- Đó là vào tháng Ba năm 1979, khoảng chín tháng trước khi Liên Xô xâm lược. Một vài người Herat giận dữ đã giết chết mấy cố vấn Liên Xô, bởi vậy Liên Xô đã gửi xe tăng và máy bay trực thăng tới tấn công vùng này. Trong vòng ba ngày, hamshira ạ, họ đã nã đạn vào thành phố. Họ phá đổ những tòa nhà, phá hủy một trong mấy ngọn tháp của giáo đường, giết hại hàng nghìn người. Hàng nghìn. Tôi đã mất hai người chị em mình trong ba ngày đó. Một trong hai người mới có mười hai tuổi. - Anh ta gõ lên tấm ảnh trên kính xe. - Cô ấy đấy.
- Xin chia buồn với anh, - Laila nói, tự hỏi làm thế nào mà tất cả những câu chuyện của người Afghanistan lại đều được đánh dấu bằng những chết chóc, mất mát và đau thương không thể tưởng tượng nổi như thế. Nhưng rồi cô thấy con người vẫn tìm ra được cách để tồn tại, để tiến lên. Laila nghĩ về cuộc đời của chính mình và về tất cả những gì đã xảy ra đối với cô, cô thực sự ngạc nhiên khi thấy mình cũng hãy còn tồn tại, vẫn còn sống và ngồi đây, trong chiếc taxi này, lắng nghe câu chuyện của người đàn ông này.

Gul Daman là một ngôi làng với lác đác vài ngôi nhà có tường xây nhô lên giữa các kolba được dựng lên bằng bùn trộn rơm. Bên ngoài kolba, Laila nhìn thấy những người phụ nữ da rám nắng đang nấu nướng, khuôn mặt họ nhễ nhại mồ hôi lẫn với hơi nước bốc lên từ những chiếc nồi lớn, đen sì đặt trên lò đốt củi được đặt tạm bợ. Những con la ăn trong máng. Lũ trẻ đang lùa gà chuyển sang lùa theo chiếc taxi. Laila nhìn thấy những người đàn ông đang đẩy mấy cái xe cút kít chất đầy đá. Họ dừng lại nhìn chiếc xe đi qua. Người lái xe đánh tay lái và đi qua một nghĩa trang với một cái lăng đã bị thiên nhiên bào mòn ở ngay chính giữa. Người lái xe nói với cô rằng một vị Sufi của làng được chôn ở đấy.
Có một cái cối xay gió nữa. Trong bóng râm của cái chong chóng gió lười biếng màu gỉ sắt có ba đứa trẻ con đang ngồi xổm, nghịch đất. Người lái xe đánh xe lại và thò ra ngoài cửa sổ. Đứa có vẻ lớn tuổi nhất trong ba đứa con trai trả lời. Nó trỏ tới một ngôi nhà xa xa phía cuối con đường. Người lái xe cám ơn nó và vào số xe.
Anh ta đỗ chiếc xe ở phía ngoài một ngôi nhà xây một tầng. Laila nhìn thấy ngọn của cây sung vươn cao lên phía trên bức tường, một vài cành ngả ra bên ngoài.
- Tôi sẽ không đi lâu đâu, - cô nói với người lái xe.
Người đàn ông trung niên ra mở cửa là một người thấp lùn, gầy, với mái tóc màu nâu đỏ. Bộ râu của ông ta được rẽ dọc bằng những dải song song màu xám. Ông mặc một chiếc chapan bên ngoài chiếc pirhan-tumban.
Họ chào nhau “salaam alaykums”.
- Đây có phải là nhà của Giáo sĩ Faizullah không, thưa ông? - Laila hỏi.
- Vâng. Tôi là con ông ấy, Hamza. Tôi giúp gì cho cô được không, hamshireh?
- Tôi tới đây vì một người bạn cũ của bố ông, Mariam.
Hamza chớp mắt. Một thoáng bối rối trên khuôn mặt của ông ta.
- Mariam...
- Con gái của Jalil Khan.
Ông lại chớp mắt. Rồi ông đặt lòng bàn tay lên má và gương mặt ông bừng sáng với một nụ cười làm lộ ra những chiếc răng sâu.
- Ồ! - ông nói. Nó buột ra nghe như Ohhhhh, như bật ra một hơi thở. - Ồ! Mariam! Cô là con gái của bà ấy à? Bà ấy... - Ông ngoái cổ háo hức ngó nhìn, tìm kiếm phía sau cô. - Bà ấy có ở đây không? Đã lâu quá rồi! Mariam có ở đây không?
- Bà ấy đã chết rồi, tôi rất tiếc.
Nụ cười lịm dần trên khuôn mặt Hamza.
Trong một thoáng, họ đứng đó, trên lối đi, Hamza nhìn xuống đất. Một con lừa đang be be đâu đó.
- Mời vào, - Hamza nói. Ông mở rộng cánh cửa. - Xin mời vào.
Họ ngồi trên sàn nhà, trong một căn phòng trống trải. Sàn được trải thảm, có những tấm nệm đính hạt để ngồi, trên tường là một bức ảnh thánh địa Mecca đóng khung. Họ ngồi bên cạnh chiếc cửa sổ để mở, ở hai bên có những vệt nắng hình chữ nhật. Laila nghe thấy những giọng phụ nữ từ một căn phòng khác. Một đứa bé trai chân trần đặt trước mặt họ một đĩa có trà xanh và kẹo nougat gaaz hồ trăn. Hamza gật đầu với nó.
- Con trai tôi.
Đứa bé lặng lẽ đi vào trong.
- Cô kể tôi nghe đi, - Hamza nói một cách mệt mỏi.
Laila nói. Cô kể cho ông nghe tất cả mọi điều. Mất nhiều thời gian hơn rất nhiều so với cô hình dung. Tới gần cuối, cô phải cố gắng để giữ được sự bình tĩnh. Sau một năm trời, cô vẫn không hề thấy dễ dàng chút nào khi nói về Mariam.
Khi cô đã kết thúc, Hamza không nói gì một lúc lâu. Ông chậm rãi xoay chén trà trên chiếc đĩa, theo một chiều, rồi chiều ngược lại.
- Bố của tôi, cầu cho ông được yên nghỉ, đã rất yêu quý bà ấy, - cuối cùng ông nói. - Ông chính là người đã hát azan vào tai bà ấy khi bà ấy mới sinh ra, cô ạ. Ông đến thăm bà ấy hằng tuần, không bao giờ lỡ cả. Đôi lần ông đưa tôi cùng đi với ông. Ông là một người giảng kinh, đúng thế, nhưng ông cũng là một người bạn nữa. Ông ấy, bố tôi, là một người đàn ông nhân từ. Ông gần như suy sụp khi Jalil Khan gả bà ấy đi.
- Tôi rất lấy làm tiếc khi nghe tin về bố ông. Cầu Thượng đế phù hộ cho ông ấy.
Hamza gật đầu cám ơn.
- Ông sống rất thọ. Thật ra ông còn sống lâu hơn cả Jalil Khan. Chúng tôi chôn ông trong nghĩa địa của làng, không xa nơi chôn mẹ của Mariam. Bố tôi là một người đáng quý, một người đàn ông đáng quý, người có trái tim nhân từ.
Laila đặt chén của mình xuống.
- Tôi có thể nhờ ông một điều được không?
- Tất nhiên rồi.
- Ông có thể chỉ cho tôi nơi Mariam đã sống không? Ông có thể đưa tôi tới đó được không?
Người lái xe đồng ý sẽ chờ lâu hơn một chút nữa.
Hamza và Laila ra khỏi làng và đi xuống đồi trên con đường nối liền Gul Daman và Herat. Sau mười lăm phút hoặc khoảng chừng đó, ông chỉ tới một lối hẹp bị che mất bởi đám cỏ cao ùa ra từ hai bên.
- Đó là đường tới đó, - ông nói. - Có một lối dẫn lên.
Lối mòn gồ ghề, quanh co và tối tăm, khuất những cây cao và bụi rậm. Một cơn gió làm những búi cỏ cao quật vào bắp chân Laila khi cô và Hamza trèo lên phía trên. Hai bên họ là muôn màu sắc biến ảo của những bông hoa dại đang đung đưa trong gió, một vài bông vươn cao với những cái cánh cong cong, một số khác ở dưới thấp có những chiếc lá hình dẻ quạt. Đây đó có một vài bông mao lương rải rác nhô ra từ các bụi cây thấp. Laila nghe thấy tiếng ríu rít của chim nhạn phía trên đầu và tiếng gọi nhau không ngớt của lũ cào cào ở dưới chân.
Họ cứ đi lên đồi như thế khoảng hai trăm mét hoặc hơn. Sau đó thì lối đi bằng phẳng và mở ra một vùng đất cao. Họ dừng lại lấy hơi. Laila lấy vạt áo chấm mồ hôi trên trán và xua từng đàn muỗi đang quay vòng trước mặt. Từ đây cô nhìn thấy những dãy núi thấp phía chân trời, một vài cây dương đen và bạch dương cùng vô số bụi cây dại mà cô không thể gọi tên.
- Trước kia thì có một dòng suối ở chỗ này, - Hamza nói, có vẻ hơi hụt hơi. - Nhưng giờ thì nó đã cạn lâu rồi.
Ông nói ông sẽ đợi ở đây. Ông bảo cô đi ngang qua lòng con suối cạn đi về phía dãy núi.
- Tôi sẽ đợi ở đây, - ông nói và ngồi trên một phiến đá phía dưới một cây dương. - Cô cứ tiếp tục đi đi.
- Tôi không...
- Đừng lo. Cứ từ từ. Đi đi, hamshireh.
Laila cám ơn ông. Cô ngang qua lòng suối, bước từ phiến đá này sang phiến đá kia. Cô nhìn tháy một vỏ chai xô đa vỡ nằm giữa những tảng đá, vài cái hộp đã gỉ và một cái thùng bằng kim loại phủ đầy rêu với nắp bằng kẽm, một nửa bị vùi trong đất.
Cô hướng về phía dãy núi, về phía rặng liễu mà bây giờ cô có thể nhìn thấy những cành dài rủ xuống uốn lượn theo từng cơn gió. Trái tim đập thình thịch trong lồng ngực cô. Cô nhìn thấy rặng liễu được trồng như Mariam đã nói, thành một vòng tròn và khu đất trống ở giữa. Laila đi nhanh hơn, bây giờ thì gần như là chạy. Cô ngoái nhìn lại và thấy Hamza chỉ còn là một đốm nhỏ, cái chapan của ông nổi bật giữa màu nâu của vỏ cây. Cô vấp phải một hòn đá và suýt ngã, rồi lại đứng vững lại. Cô bước vội trên đoạn đường còn lại với hai ống quần kéo cao. Cô thở hổn hển khi tới được chỗ rặng liễu.
Kolba của Mariam vẫn còn ở đây.
Khi lại gần nó, Laila nhìn thấy ô cửa sổ trơ trọi và trống trơn, cửa chính thì không còn. Mariam có miêu tả về chiếc chuồng gà và một cái bếp lò, một cái nhà xí bằng gỗ nữa, nhưng Laila không thấy dấu vết nào của chúng. Cô dừng lại ở lối ra vào của kolba. Cô có thể nghe thấy tiếng ruồi vo ve bên trong.
Để bước vào bên trong cô phải tránh những mạng nhện lớn đang đung đưa. Trong này khá tối. Laila phải đợi một lúc để mắt mình thích ứng với bóng tối. Khi đã quen, cô nhìn thấy những đồ vật trong nhà thậm chí còn nhỏ hơn so với hình dung của cô. Chỉ còn một nửa tấm ván sàn mục nát còn nằm trên sàn. Số còn lại, cô nghĩ rằng đã bị lột ra làm củi đun. Sàn nhà bây giờ được phủ kín bằng lá khô, chai lọ vỡ, vỏ kẹo cao su, nấm dại, những mẩu thuốc lá ngả vàng. Nhưng chủ yếu vẫn là cỏ, chỗ thì còi cọc, chỗ thì lơ lửng ở giữa bức tường.
Mười lăm năm, Laila nghĩ. Mười lăm năm ở chỗ này.
Laila ngồi xuống, tựa lưng vào tường. Cô lắng nghe tiếng gió thổi qua rặng liễu. Trên trần nhà còn có nhiều mạng nhện hơn. Ai đó đã sơn xịt cái gì lên trên tường nhưng nó bị tróc ra gần hết và Laila không thể luận ra điều gì. Rồi cô nhận ra những chữ cái đó là tiếng Nga. Có một tổ chim bỏ không ở một góc nhà và một con dơi treo mình lộn ngược ở một góc nhà khác, nơi bức tường chạm vào trần nhà.
Laila nhắm mắt lại và ngồi đó một lúc.
Ở Pakistan, đôi khi cô cảm thấy khó khăn khi muốn nhớ từng chi tiết trên khuôn mặt của Mariam. Có nhiều lần, giống như những lời ở đầu lưỡi, khuôn mặt của Mariam lẩn tránh cô. Nhưng bây giờ đây, ở nơi này, sau hàng mi khép lại, cô dễ dàng hình dung ra Mariam: tia sáng mềm mại từ cái nhìn của bà, cái cằm dài, lớp da thô sần ở cổ bà, nụ cười với đôi môi mím chặt. Ở đây, Laila lại có thể áp má mình vào lòng Mariam thật dịu dàng, có thể cảm thấy Mariam đung đưa người và đọc những vần thơ từ kinh Koran, có thể cảm thấy những câu chữ lan truyền xuống thân thể của Mariam, xuống hai đầu gối của bà và đi vào trong hai tai cô.
Rồi, đột nhiên, đám cỏ bắt đầu hạ xuống, như thể có cái gì đó ở dưới đất kéo rễ của chúng vậy. Chúng chìm xuống thấp dần, thấp dần cho tới khi mặt đất trong kolba nuốt chửng những chiếc lá gai góc cuối cùng. Những cái mạng nhện tự động gỡ ra một cách kỳ diệu. Cái tổ chim tự động rời ra, những nhánh que bật rời từng chiếc, từng chiếc một, bay ra ngoài kolba. Một cái tẩy vô hình xóa hết những dòng chữ tiếng Nga sơn ở trên tường.
Các ván sàn nhà đã nối liền lại. Laila nhìn thấy hai chiếc giường ngủ, một cái bàn bằng gỗ, hai cái ghế, một cái lò gang đặt ở góc nhà, những cái giá dựng dọc theo tường, trên đó đặt những chiếc nồi đất và những cái chảo, một cái ấm trà muội đen, những chiếc chén và thìa. Cô nghe tiếng gà kêu cục cục ngoài kia, và tiếng róc rách của dòng suối vọng lại từ phía xa xa.
Một cô bé Mariam ngồi ở chiếc bàn đang kết một con búp bê dưới ánh sáng của chiếc đèn dầu. Cô bé đang lẩm nhẩm điều gì. Gương mặt cô mịn màng và trẻ trung, mái tóc cô đã được gội sạch và chải ra phía sau. Cô có hàm răng còn nguyên vẹn.
Laila nhìn Mariam gắn những sợi rễ khoai lên đầu con búp bê. Mấy năm sau, cô gái bé nhỏ này sẽ trở thành một người đàn bà, sẽ chỉ có những nhu cầu nhỏ nhặt trong cuộc sống, người không bao giờ làm nặng gánh người khác, người không bao giờ để lộ ra rằng mình cũng từng có những nỗi đau buồn, thất vọng, những giấc mơ đã bị đem ra chế nhạo. Người đàn bà ấy như một tảng đá dưới lòng suối, chịu đựng tất cả mà không một lời ta thán, lòng khoan dung của bà không bị bào mòn mà được định hình sau từng dòng nước xiết chảy qua đời bà. Laila đã nhìn thấy phía sau đôi mắt của cô gái trẻ, sâu thẳm bên trong cô, một cái gì đó mà cả Rasheed hay Taliban đều không thể phá hủy. Một cái gì đó cứng chắc như những khối đá vôi. Một điều gì đó cuối cùng sẽ giải phóng chính bà và cứu rỗi Laila.
Cô gái nhỏ ngước nhìn lên. Đặt con búp bê xuống. Mỉm cười.
Laila thân yêu?
Laila choàng mở mắt. Cô thở hổn hển, người đổ về phía trước. Cô làm con dơi giật mình, bay vèo từ góc này sang góc khác của kolba, tiếng vỗ cánh của nó nghe như tiếng lật giở các trang sách, rồi nó bay ra ngoài cửa sổ.
Laila đứng lên, phủi những chiếc lá bám phía sau quần. Cô bước ra ngoài kolba. Ở bên ngoài, bóng nắng đã dịch chuyển một chút. Một cơn gió thổi qua làm cho đám cỏ gợn sóng và những cành liễu va vào nhau xào xạc.
Trước khi rời khỏi khu đất hoang, Laila nhìn lại kolba lần cuối cùng, nhìn lại nơi Mariam đã từng ngủ, từng ăn, từng nhịn thở dể được ở bên Jalil lâu hơn. Trên những bức tường xiêu vẹo, đám cành liễu rủ xuống tạo thành những hình thù uốn cong, hạ xuống nhấc lên theo mỗi cơn gió. Một con quạ đậu trên cái mái phẳng. Nó mổ một cái gì đó, kêu quàng quạc rồi bay đi.
- Tạm biệt, Mariam.
Và rồi Laila bắt đầu chạy xuyên qua đám cỏ, không để ý rằng mình đang khóc.
Cô thấy Hamza vẫn dang ngồi trên phiến đá. Khi trông thấy cô, ông đứng dậy.
- Hãy quay trở về nào, - ông nói. - Tôi có cái này cho cô.
Laila đợi Hamza trong khu vườn gần cửa trước. Cậu bé lúc trước đã mời họ uống trà đang đứng dưới một cây sung, tay cầm một con gà và nhìn cô bình thản. Laila nhác thấy hai khuôn mặt, một người phụ nữ có tuổi và một cô gái trẻ trong chiếc hijab đang kín đáo quan sát cô từ một cửa sổ.
Cửa nhà mở và Hamza bước ra. Ông cầm một cái hộp.
Ông đưa nó cho Laila.
- Jalil Khan đưa vật này cho bố tôi khoảng một tháng trước khi ông ấy chết, - Hamza nói. - Ông ấy yêu cầu bố tôi giữ nó cho Mariam cho đến khi bà ấy quay lại nhận nó. Bố tôi đã giữ nó trong hai năm. Sau đó, ngay trước khi sắp ra đi, ông đưa lại cho tôi và yêu cầu tôi giữ gìn nó cho Mariam. Nhưng bà ấy... cô biết đấy, bà ấy đã không bao giờ tới.
Laila nhìn xuống cái hộp thiếc hình ô van. Nó nhìn giống như một hộp kẹo sô cô la cũ. Chiếc hộp màu xanh ô liu với lớp mạ đã mờ ở xung quanh chiếc nắp có bản lề. Nó bị gỉ đôi chút ở những mặt xung quanh và có hai vết lốm nhỏ ở mặt trước của chiếc nắp. Laila cố mở chiếc hộp, nhưng cái lẫy đã bị khóa lại.
-Trong này là gì thế? - cô hỏi.
Hamza đặt một chiếc chìa khóa vào bàn tay cổ.
- Bố tôi chưa từng mở nó. Cả tôi cũng vậy. Tôi nghĩ rằng Thượng đế muốn cô là người làm việc đó.
Khi Laila quay trở lại khách sạn, Tariq và lũ trẻ vẫn chưa về.
Laila ngồi trên giường, chiếc hộp đặt trong lòng cô. Một phần trong cô không muốn mở chiếc hộp, để cho những dự định của Jalil mãi mãi là bí mật. Nhưng cuối cùng, nỗi tò mò trở nên quá mạnh. Cô đút chiếc chìa khóa vào. Mất mấy lần xoay và lắc cô mới mở được chiếc hộp.
Trong đó, cô tìm thấy ba thứ: một cái bì thư, một cái bao vải và một băng video.
Laila mang cuốn băng xuống dưới bàn lễ tân. Người thư ký già đã đón gia đình cô ngày hôm trước cho cô biết rằng khách sạn chỉ có một đầu video ở trong phòng lớn nhất. Phòng đó hiện tại không có người và ông đồng ý dẫn cô tới đó. Ông giao bàn lễ tân lại cho một người thanh niên có ria mép mặc com lê đang nói chuyện bằng điện thoại di động.
Người thư ký già dẫn Laila lên tầng hai, đến một cánh cửa ở cuối một hành lang dài. Ông mở khóa và để cô vào trong. Laila nhìn thấy chiếc ti vi ở một góc phòng. Ngoài ra không có gì khác.
Cô bật ti vi và đầu video lên. Cô đút cuốn băng vào và nhấn nút Play. Màn hình trống không một lúc, và Laila bắt đầu tự hỏi tại sao Jalil lại sơ ý gửi một cuộn băng trắng cho Mariam như vậy. Nhưng sau đó có tiếng nhạc và những hình ảnh bắt đầu hiện lên trên màn hình.
Laila nhăn mặt. Cô xem thêm khoảng một hai phút. Sau đó cô bấm nút dừng, rồi tua nhanh đoạn băng và lại bấm Play lần nữa. Cũng vẫn là phim đó.
Người thư ký nhìn cô vẻ hơi chế nhạo.
Cuốn phim đang chiếu trên màn hình là phim Pinocchio của hãng Walt Disney. Laila không hiểu.

Tariq và lũ trẻ quay về khách sạn sau sáu giờ. Aziza chạy lại với Laila và cho cô xem bộ khuyên tai Tariq mới mua cho nó, bộ khuyên tai bằng bạc với một con bướm tráng men sứ trên mỗi chiếc. Zalmai thì nắm chặt một con cá heo có thế bom hơi được và khi bị bóp vào cái mũi thì nó sẽ kêu chút chít.
- Em thế nào? - Tariq hỏi, choàng tay qua vai cô.
- Em ổn, - Laila nói. - Em sẽ kể cho anh nghe sau.
Họ ăn tối trong một quán kebab ở gần đó. Đó là một quán nhỏ, với tấm khăn trải bàn bằng nhựa vinyl dinh dính, nhiều khói và tiếng ồn. Nhưng thịt cừu thì mềm và ẩm, còn bánh mì thì nóng. Sau đó, họ tản bộ trên phố một lúc. Tariq mua cho lũ trẻ kem nước hoa hồng từ một ki-ốt dọc đường. Họ ăn kem, ngồi trên ghế, dãy núi phía sau lưng họ đổ bóng vào trong ráng đỏ tía của hoàng hôn. Không khí ấm áp và thơm ngát mùi hương của cây tuyết tùng.
Laila đã mở chiếc phong bì từ trước đó, lúc cô quay trở lại phòng sau khi xem cuốn băng video. Trong đó có một lá thư, được viết bằng mực xanh trên một tấm giấy có dòng kẻ màu vàng.
Trong đó viết:

Ngày 13 tháng Năm, 1987.

Mariam thân yêu của bố

Bố cầu mong lá thư này đến tay con nguyên vẹn.
Như con biết, bố đến tìm con ở Kabul một tháng trước đây để nói chuyện với con, nhưng con đã không gặp bố. Bố rất thất vọng nhưng bố không thể trách cứ gì con. Ở vào hoàn cảnh của con, có lẽ bố cũng sẽ làm như thế. Từ lâu, bố đã đánh mất cái đặc quyền được con tha thứ và vì thế bây giờ bố chỉ có thể trách cứ bản thân mình. Nhưng nếu con đang đọc lá thư này thì con hẳn đã đọc lá thư bố để lại cho con ở cửa nhà con. Con đã đọc nó và con đã tới gặp Giáo sĩ Faizullah như bố đã yêu cầu. Bố vui sướng vì con đã làm điều đó, Mariam ạ. Bố cảm thấy được an ủi vì đã có cơ hội này để nói một vài lời với con.
Bố sẽ bắt đầu như thế nào đây?
Bố của con đã chịu quá nhiều đau buồn kể từ lần cuối cùng chúng ta nói chuyện với nhau, Mariam yêu quý. Mẹ kế Afsoon của con đã bị giết chết trong ngày đầu tiên của cuộc bạo loạn năm 1979. Một viên đạn lạc cũng đã giết chết em gái Niloufar của con trong cùng ngày. Bố vẫn có thể nhìn thấy con bé, Utile Niloufar của bố, đang trồng cây chuối để gây ấn tượng với khách. Anh con, Farhad đã tham gia cuộc Thánh chiến vào năm 1980. Người Liên Xô giết chết nó vào năm 1982, ngay bên ngoài Helmand. Bố không bao giờ dược nhìn xác nó. Bố không biết con có con hay không Mariam thân yêu, nhưng nếu con có thì bố cầu Thượng đế trông nom chúng và tránh cho con khỏi những đau thương mà bố đã gặp phải. Bố vẫn mơ thấy chúng. Bố vẫn mơ thấy những đứa con đã chết của mình.
Bố cũng có những giấc mơ về con nữa, Mariam thân yêu. Bố nhớ con. Bố nhớ giọng nói của con, nhớ tiếng cười của con. Bố nhớ những lần đọc sách cho con nghe và tất cả những lần chúng ta câu cá cùng nhau. Con có nhớ tất cả những lần chúng ta cùng câu cá đó không? Con là một đứa con gái ngoan của bố, Mariam thân yêu, và bố không thể nghĩ về con mà không cảm thấy hổ thẹn và hối tiếc. Hối tiếc... Khi nghĩ về con, Mariam thân yêu, bố có cả một đại dương những điều đáng hối tiếc. Bố hối tiếc rằng đã không gặp con ngày con tới Herat. Bố hối tiếc đã không mở cánh cửa đón con vào. Bố hối tiếc đã không để con trở thành một đứa con gái của bố, bố hối tiếc rằng đã để con sống ở nơi đó trong bao nhiêu năm như vậy. Và để làm gì? Sợ mất thể diện? Sợ làm hoen ố cái được gọi là thanh danh của bố? Những chuyện đó tầm thường đối với bố biết bao sau tất cả những điều tồi tệ mà bố đã chứng kiến từ cái cuộc chiến chết tiệt này. Nhưng bây giờ, tất nhiên, đã quá muộn. Có lẽ đây là sự trừng phạt cho những người đã từng sống nhẫn tâm, làm cho họ hiểu ra khi không còn gì họ có thể làm lại được nữa. Bây giờ đây, tất cả những gì bố có thể làm là nói rằng con là một đứa con gái ngoan, Mariam thân yêu, và rằng bố sẽ không bao giờ xứng đảng với con. Bây giờ, tất cả những gì bố có thể làm là cầu xin sự tha thứ của con. Bởi vậy hãy tha thứ cho bố, Mariam thân yêu. Tha thứ cho bố. Tha thứ cho bố. Tha thứ cho bố.
Bố không còn là người thương gia giàu có mà con đã từng biết. Những người cộng sản đã tịch thu phần lớn đất đai, cũng như tất cả các cửa hiệu của bố. Nhưng sẽ là nhỏ nhen khi phàn nàn về việc đó, bởi vì Thượng đế, vì một nguyên do nào đó mà bố không hiểu được, Người vẫn ban phước cho bố nhiều hơn nhiều người khác. Bố đã tìm cách bán đi những gia sản còn lại của mình. Bố đã đưa cả con vào trong phần chia quyền thừa kế. Con có thể thấy nó còn xa mới được gọi là một gia tài, nhưng nó cũng là chút gì đó. Nó là một chút gì đó. (Con cũng sẽ nhận thấy rằng bố đã chọn đổi tiền sang đồng đô la. Bố nghĩ như thế là tốt nhất bởi chỉ có Thượng đế mới biết được số phận đồng tiền của chúng ta rồi sẽ như thế nào)
Bố hy vọng rằng con sẽ không nghĩ rằng bố đang cố gắng dùng tiền mua sự tha thứ của con. Bố mong rằng con sẽ tin rằng bố hiểu sự tha thứ của con không phải để mua bán. Không bao giờ như thế cả. Bố chỉ trao cho con, dù chậm, cái phần mà con có quyền được hưởng. Bố đã không là một người bố có trách nhiệm đối với con khi còn sống. Có lẽ bố sẽ làm được điều đó khi đã chết đi rồi.
À, cái chết. Bố sẽ không làm nhọc lòng con với những điều vặt vãnh, nhưng cái chết bây giờ đã ở trước mắt bố rồi. Tim yếu, bác sĩ nói thế. Đây là một điều phù hợp với cái chết, bố nghĩ như vậy, một người đàn ông ốm yếu.
Mariam thân yêu,
Bố dám, bố dám cho phép bản thân mình hy vọng rằng, sau khi đọc lá thư này con sẽ trở nên khoan dung hơn với bố, hơn là bố đã từng làm với con. Rằng con sẽ tìm thấy sự khoan dung đó trong trái tim mình và đến gặp bố của con. Rằng con sẽ gõ cửa nhà bố một lần nữa và cho bố cơ hội để mở nó lần này, để đón con, để dắt con vào, con gái của ta, vì đáng ra bố đã phải làm điều đó bao nhiêu năm trước đây. Niềm hy vọng đó cũng yếu ớt như trái tim của bố vậy. Bố biết điều đó. Nhưng bố sẽ vẫn chờ. Bố sẽ lắng nghe tiếng con gõ cửa. Bố luôn hy vọng như vậy.
Cầu mong Thượng đế ban phước cho con sống lâu và thịnh vượng, cầu Thượng đế ban cho con những đứa trẻ thật khỏe mạnh và xinh đẹp. Cầu mong cho con tìm thấy hạnh phúc, sự bình yên và sự công nhận mà ta đã không dành cho con. Khỏe mạnh con nhé. Ta để con lại trong vòng tay yêu thương của Thượng đế.

Người bố không xứng đáng của con,
Jalil.

Đêm hôm đó, sau khi họ đã quay trở lại khách sạn, sau khi lũ trẻ đã chơi và lên giường đi ngủ, Laila nói với Tariq về lá thư. Cô chỉ cho anh số tiền đựng trong cái bao vải. Khi cô bắt đầu bật khóc, anh hôn lên mặt cô và ôm cô trong vòng tay mình.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét