Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - 29

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ

Tác giả: Khaled Hossenini
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội 2010

29

Mariam

- Tôi rất lấy làm tiếc, - Rasheed nói với cô gái trong lúc nhận lấy bát cơm có masiawa và thịt bò viên từ tay Mariam mà không nhìn vào cô. - Tôi biết các em đã là... bạn... rất thân. Từ khi còn nhỏ xíu, các em đã luôn quấn quýt bên nhau rồi. Những điều xảy ra vừa rồi thật khủng khiếp. Bây giờ có quá nhiều thanh niên Afghanistan phải chết như vậy.
Rasheed vẫn nhìn cô gái và liên tục vặn vẹo các ngón tay, vậy là Mariam đưa cho ông ta một chiếc khăn ăn.
Bao năm nay, Mariam đã quan sát thấy khi Rasheed ăn, các cơ trên thái dương ông ta giật giật, một tay ông vê cơm thành những viên nhỏ, mu bàn tay kia thì lau mỡ và quệt những hạt cơm dính quanh miệng. Bao năm nay, ông ta ăn mà chẳng bao giờ ngẩng mặt lên, chẳng bao giờ nói năng gì, sự im lặng của ông ta như đang kết tội, như thể một phán quyết gì đó sắp được đưa ra, và rồi cái không khí ấy vỡ òa chỉ bởi một tiếng cằn nhằn chỉ trích, một tiếng chậc lưỡi không tán thành hay một lời yêu cầu lấy thêm bánh, thêm nước.
Giờ Rasheed đã dùng thìa để ăn cơm. Đã sử dụng khăn ăn. Đã nói “lotfan”* khi yêu cầu nước. Và đã nói chuyện. Đầy hào hứng và không biết mệt mỏi.
*[Nghĩa là “Làm ơn/Xin vui lòng]
- Nếu em hỏi tôi, thì người Mỹ đã sai lầm khi trang bị vũ khí cho Hekmatyar. Tất cả số súng CIA đã trao cho ông ta để chống lại Xô Viết những năm tám mươi ấy. Người Xô Viết đã rời khỏi nơi này nhưng hắn vẫn còn súng trong tay, và bây giờ, hắn chĩa chúng vào những người dân vô tội giống như bố mẹ em vậy. Và hắn gọi đó là cuộc Thánh chiến. Thật nực cười! Thánh chiến mà lại bắn giết trẻ em và phụ nữ à? Lẽ ra CIA nên trang bị số súng đó cho tướng Massoud thì hơn.
Lông mày Mariam nhướng lên. Tướng Massoud ư? Mariam vẫn còn nhớ như in những lời huênh hoang thiếu thiện chí mà Rasheed dành cho Massoud, rằng ông ta là một kẻ phản bội và là một người cộng sản như thế nào. Nhưng tất nhiên, Massoud là một người Tajik. Giống Laila vậy.
- Giờ thì đã có một người đồng chí biết lẽ phải. Một người Afghanistan đáng kính. Một người thực sự quan tâm đến các giải pháp hòa bình.
Rasheed nhún vai và thở dài.
- Nói cho các cô biết, bọn Mỹ thì tốt gì chứ? Họ quan tâm gì đến chuyện những người Pashtun, Hazara, Tajik và Uzbek đang chém giết lẫn nhau? Có bao nhiêu người Mỹ phân biệt được sự khác nhau giữa những nhóm người đó? Đừng mong chờ sự giúp đỡ từ họ, nói cho các cô biết nhé. Giờ đây, Liên Xô đã sụp đổ, chúng ta không còn giá trị gì đối với họ. Chúng ta chỉ có thể vì mục đích của chúng ta mà thôi. Còn đối với họ, Afghanistan là một kenarab, một cái hố phân. Thứ lỗi cho lời tôi vừa nói, nhưng đó là sự thật. Em nghĩ thế nào, Laila thân mến?
Cô gái lầm bầm một điều gì đó khó hiểu và đẩy viên thịt di chuyển xung quanh bát.
Rasheed gật đầu ngẫm nghĩ như thể cô gái vừa nói điều gì đó thông minh nhất mà ông ta từng được nghe. Mariam phải quay đi chỗ khác.
- Em biết không, bố em, xin Thượng đế phù hộ cho ông ấy, bố em và tôi đã từng có những cuộc thảo luận như thế này. Từ trước khi em được sinh ra, tất nhiên. Chúng tôi cứ bàn luận mãi về chính trị. về sách vở nữa. Đúng không nhỉ, Mariam? Em còn nhớ chứ?
Mariam nhấp một ngụm nước.
- Dù sao, tôi hy vọng tôi không làm em chán với những câu chuyện về chính trị này.

Một lúc sau, Mariam ở trong bếp, ngâm đống bát đĩa vào trong nước xà phòng, lòng cô như thắt lại.
Không hẳn vì những gì ông ta nói, những lời dối trá rành rành, sự đồng cảm giả tạo, hay thậm chí bởi cái sự thật rằng ông ta đã không còn mảy may để ý đến cô kể từ khi ông ta lôi được cô gái kia ra từ dưới đống gạch vụn.
Mà là vì cái cách ông ta diễn kịch. Không khác gì một vở diễn. Một nỗ lực của ông ta, vừa quỷ quyệt vừa đáng khinh, để gây ấn tượng. Để quyến rũ.
Rồi đột nhiên Mariam biết rằng những nghi ngờ của cô đều đúng. Cô hiểu ra với nỗi sợ hãi như bị một cú đấm thình lình giáng vào bên đầu rằng những gì cô vừa chứng kiến chính là một sự ve vãn không hơn không kém.
Khi cuối cùng cũng lấy lại được can đảm, Mariam vào phòng Rasheed.
Rasheed châm thuốc và nói:
- Tại sao không?
Ngay lúc đó, Mariam biết rằng cô đã bị khuất phục. Cô đã nửa mong đợi, nửa hy vọng rằng ông ta sẽ phủ nhận mọi thứ, sẽ tỏ vẻ ngạc nhiên, thậm chí có thể nổi giận trước những gì cô muốn nói. Như thế cô có thể đã có ưu thế hơn. Cô có thể khiến cho ông ta cảm thấy hổ thẹn. Nhưng sự thú nhận hết sức bình tĩnh của ông ta, giọng nói thản nhiên của ông ta đã lấy đi hết sự can đảm của cô.
- Cô ngồi đi, - Rasheed nói. Ông ta đang nằm trên giường, quay lưng vào tường, đôi chân to dài mở rộng trên chiếu. - Ngồi xuống đi trước khi cô ngất và vỡ tung đầu ra.
Mariam cảm thấy mình rơi người xuống cái ghế xếp bên cạnh giường ông ta.
- Đưa cho tôi cái gạt tàn kia được chứ? - ông ta hỏi.
Cô ngoan ngoãn làm theo.
Bây giờ Rasheed chắc đã phải sáu mươi hoặc hơn - mặc dù Mariam và thực ra ngay cả Rasheed cũng không biết tuổi chính xác của ông ta. Tóc ông ta đã bạc trắng, nhưng vẫn dày và thô. Giờ đây, đã thấy xuất hiện nếp nhăn trên mí mắt và trên da cổ ông ta, vốn nhăn nheo và thô ráp. Gò má của ông ta sệ xuống hơn so với trước đây. Cứ mỗi sáng, người ông ta lại còng thêm một chút. Nhưng ông ta vẫn có đôi vai vững chắc, thân hình to lớn, đôi tay khỏe mạnh và cái bụng to phệ khiến ông ta lúc nào cũng bụng đi trước người bước theo sau.
Nói chung Mariam nghĩ rằng Rasheed đã chống chọi với sự tàn phá của thời gian tốt hơn cô rất nhiều.
- Chúng ta cần phải hợp pháp hóa tình cảnh này, - ông ta nói và đặt cái gạt tàn thăng bằng trên bụng. Đôi môi ông ta chụm lại một cách hài hước. - Người ta sẽ nói ra nói vào. Để một phụ nữ trẻ chưa lập gia đình sống ở đây dường như là điều đáng hổ thẹn. Điều này không tốt cho danh tiếng của tôi. Và của cô ấy. Và tôi có thể nói là cả cô nữa đấy.
- Mười tám năm, - Mariam nói. - Em chưa từng đòi hỏi anh một điều gì. Không gì cả. Và giờ em muốn cầu xin anh.
Rasheed ngậm khói thuốc trong miệng rồi nhả ra một cách chậm rãi.
- Cô ấy không thể cứ thế mà ở lại đây, nếu như đó là lời cầu xin của cô. Tôi không thể tiếp tục cho cô ấy ăn, sắm quần áo cho cô ấy và cho cô ấy một nơi để ngủ. Tôi không phải Hội Chữ Thập Đỏ, Mariam ạ.
- Nhưng chuyện này?
- Chuyện này thì sao? Sao nào? Cô nghĩ cô ấy còn quá trẻ sao? Cô ta mười bốn tuổi rồi. Khó có thể coi là trẻ con được. Hồi đó cô mười lăm, nhớ không? Mẹ tôi mười bốn tuổi khi bà ấy có tôi. Mười ba tuổi bà ấy đã lấy chồng.
- Em... Em không muốn chuyện này, - Mariam nói, chết lặng đi vì sự khinh thường và bất lực.
- Đó không phải là quyết định của cô. Đó là quyết định của tôi và cô ấy.
- Em đã quá già.
- Cô ấy quá trẻ, còn cô thì quá già. Điều này chẳng có ý nghĩa gì.
- Em đã quá già. Quá già để anh làm chuyện đó đối với em, - Mariam nói, túm chặt chiếc váy đến nỗi hai bàn tay run lên bần bật. - Thế nên sau ngần ấy năm, anh biến em trở thành một ambagh*. [Người phụ nữ chung chồng với người khác]
- Đừng làm ra vẻ bi kịch như thế. Đó là điều bình thường và cô biết quá rõ. Tôi có những người bạn có tận hai, ba, thậm chí là bốn bà vợ. Ngay cả bố cô cũng có tới ba bà vợ. Ngoài ra, những gì tôi đang làm bây giờ chỉ là chuyện mà những người tôi biết đã làm từ lâu rồi. Cô biết đó là sự thật.
- Em không cho phép điều đó xảy ra.
Đến đây, Rasheed mỉm cười buồn bã.
- Cũng có một cách khác, - vừa nói Rasheed vừa cọ lòng bàn chân bên này vào cái gót chân bị chai ở bên kia. - Cô ấy có thể đi. Tôi sẽ không ngăn cản cô ấy. Nhưng tôi ngờ rằng cô ấy sẽ không đi xa được đâu. Không thức ăn, không nước uống, không một xu dính túi, đạn và rocket thì bay khắp nơi. Cô nghĩ cô ấy sẽ trụ được bao lâu trước khi bị bắt cóc, bị cưỡng hiếp, hay bị ném vào rãnh nước bên đường với một vết cứa ở cổ? Hoặc cả ba thứ?
Ông ta hắng giọng và chỉnh chiếc gối phía sau đầu.
- Những con đường ngoài kia đầy rẫy hiểm họa, Mariam, cứ tin tôi đi. Chó săn và lũ kẻ cướp ở mọi ngả. Tôi không thích những cơ hội của cô ấy, không chút nào. Cứ cho rằng nhờ có điều kỳ diệu nào đấy, cô ấy tới được Peshawar. Nhưng rồi sao? Cô có biết những trại tị nạn đó thế nào không?
Rasheed nhìn Mariam qua làn khói thuốc.
- Người ta phải sống dưới những mảnh bìa các tông. Bệnh lao, bệnh lỵ, nạn đói, tội phạm. Và đó là trước mùa đông. Rồi đến mùa đông giá. Bệnh viêm phổi. Người ta biến thành cột băng. Và những khu trại đó sẽ trở thành nghĩa trang bị đóng băng.
- Tất nhiên, - ông ta làm động tác trêu chọc, xoay xoay bàn tay, - cô ấy có thể được giữ ấm trong một nhà thổ ở Peshawar. Tôi nghe nói nghề này đang phát triển mạnh ở đó. Một cô gái xinh đẹp như cô ấy có thể sẽ kiếm được số vốn nho nhỏ, cô có nghĩ vậy không?
Rasheed đặt gạt tàn lên chiếc bàn ở đầu giường và vắt hai chân qua thành giường.
- Xem nào, - ông ta nói, giọng bây giờ có vẻ hòa nhã hơn, giống như điệu bộ của một kẻ chiến thắng. - Tôi biết cô khó có thể chấp nhận điều đó. Tôi thực sự không trách cô. Nhưng đây là cách tốt nhất. Cô sẽ thấy. Mariam, cô hãy nghĩ như thế này. Tôi đang cho một sự hỗ trợ việc nhà và cho cô ấy một nơi trú chân. Một ngôi nhà và một người chồng. Ngày nay, mọi thứ vẫn như nó vốn thế, một người đàn bà cần một người chồng. Cô không để ý tất cả các góa phụ đang ngủ ngoài đường à? Họ sẽ làm mọi thứ để có được cơ hội này. Thực tế, điều này... ừm, tôi có thể nói rằng đây là việc làm hết sức nhân đạo của tôi.
Rasheed mỉm cười.
- Theo như cách nhìn của tôi, tôi xứng đáng nhận được một tấm huy chương.

Lát sau, trong bóng đêm, Mariam nói chuyện với cô gái. Suốt một lúc lâu, cô gái không nói gì.
- Ông ấy muốn có câu trả lời vào sáng mai, - Mariam nói.
- Ông ấy có thể có ngay bây giờ, - cô gái cất tiếng. - Tôi đồng ý.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét