Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

Britt-Marie Đã Ở Đây - 1

Britt-Marie Đã Ở Đây

Tác giả: Fredrik Backman
Người dịch: Hoàng Anh
NXB Trẻ - 3/2018


Tặng mẹ, người luôn bảo đảm có thức ăn trong bụng và có sách trên kệ cho con.

“Bạn yêu bóng đá vì điều đó thuộc về bản năng. Khi một quả bóng lăn tới trên đường, bạn sẽ đá nó. Bạn yêu bóng đá bởi cùng một lí do như khi bạn yêu ai đó. Vì bạn không thể làm khác được”.

Một

Nĩa. Dao. Muỗng.
Theo đúng thứ tự đó.
Britt-Marie tuyệt đối không phải là loại người đi phán xét người khác. Không hề.
Nhưng rõ ràng không một người văn minh nào nghĩ đến chuyện sắp xếp một ngăn kéo cất dao nĩa theo một cách khác so với cách mà lẽ ra nó phải được sắp xếp.
Chúng ta đâu phải loài thú, đúng không nào?
Đó là một ngày thứ Hai của tháng Giêng. Britt-Marie đang ngồi trước một cái bàn giấy của văn phòng giới thiệu việc làm. Đúng là không có cái ngăn kéo cất dao nĩa nào ở quanh đấy, nhưng hình ảnh đó xuất hiện trong đầu bà vì nó tổng kết cho tất cả những thứ đã đi sai đường dạo gần đây. Dụng cụ ăn uống cần phải được sắp xếp như mọi khi, bởi vì cuộc sống nên tiếp tục như cũ. Cuộc sống bình thường phải coi sao cho đàng hoàng. Cuộc sống bình thường là người ta dọn dẹp nhà bếp, giữ ngăn nắp ban công và chăm sóc con cái. Đó là một công việc khó khăn - khó khăn hơn người ta tưởng nhiều. Trong cuộc sống bình thường chắc chắn bạn sẽ không thấy mình ngồi ở văn phòng giới thiệu việc làm.
Cô nhân viên ở đây có mái tóc ngắn phát sợ, Britt-Marie tự nhủ, chẳng khác nào tóc đàn ông. Không phải chuyện đó có gì sai trái, tất nhiên rồi - hiện đại mà, hẳn là thế. Cô gái chỉ vào một tờ giấy và mỉm cười, rõ ràng cô đang vội.
- Bác vui lòng điền tên, số bảo hiểm xã hội và địa chỉ vào đây.
Người ta lập hồ sơ về bà. Như thể bà là một tên tội phạm. Như thể bà ăn cắp một công việc thay vì đi tìm nó.
- Sữa và đường ạ? - Cô gái vừa hỏi vừa rót một ít cà phê vào cái ly nhựa.
Britt-Marie không phán xét ai cả. Không hề. Nhưng ai lại đi hành xử như thế? Ly nhựa? chúng ta đang ở trong thời chiến hay sao? Bà muốn nói điều đó với cô nhân viên, nhưng bởi vì ông Kent luôn giục bà tỏ ra “khéo léo hơn trong giao tế”, nên bà chỉ mỉm cười một cách nhã nhặn hết mức có thể, và chờ được đưa một cái lót ly.
Kent là chồng của Britt-Marie. Ông là một chủ doanh nghiệp. Nó thành công một cách cực kỳ đáng kinh ngạc, ông làm ăn với người Đức và cực kỳ, cực kỳ giỏi giao tế.
Cô nhân viên đưa cho bà hai hộp giấy be bé đựng thứ sữa mà người ta không cần phải bảo quản lạnh. Sau đó cô giơ ra một cái ly nhựa có cái muỗng nhựa ló lên. Có được mời ăn thịt của một con thú bị xe cán chết thì bà cũng không thể kinh ngạc hơn.
Britt-Marie lắc đầu và lướt bàn tay trên mặt bàn như thể trên đó có nhiều vụn bánh vô hình. Giấy tờ nằm bừa bộn khắp nơi. Rõ ràng cô nhân viên không có thời gian để thu dọn chúng, Britt-Marie đã hiểu - cô quá bận với sự nghiệp của mình.
- Được rồi. - Cô gái nói với giọng dễ chịu và hướng sự chú ý vào mẫu đơn trở lại. - Bác chỉ cần điền địa chỉ vào chỗ này.
Britt-Marie nhìn xuống đùi. Bà nhớ ngôi nhà và cái ngăn kéo cất dao nĩa của mình. Bà nhớ Kent, vì ông luôn là người điền vào mọi biểu mẫu.
Khi cô gái có vẻ như sắp nói tiếp, bà ngắt lời cô.
- Cô đã quên đưa cho tôi cái đĩa lót tách. - Britt-Marie nói và mỉm cười với tất cả khả năng giao tế mà bà huy động được. - Tôi không muốn để lại vết bẩn trên bàn làm việc của cô. Phiền cô đưa tôi thứ gì đó để tôi đặt cái... tách cà phê lên, có được không?
Britt-Marie dùng giọng điệu đặc biệt mà bà luôn dựa vào mỗi khi phải huy động toàn bộ sự tử tế trong lòng, để gọi nó là một cái “tách”, mặc dù nó là một cái ly nhựa.
- Ồ, bác đừng lo, cứ đặt nó ở chỗ nào cũng được.
Như thể cuộc sống đơn giản đến thế. Như thể việc sử dụng cái đĩa lót tách và sắp xếp ngăn kéo cất dao nĩa theo đúng thứ tự chẳng hề quan trọng. Cô gái - người rõ ràng không bận tâm đến giá trị của những cái đĩa lót tách, những cái tách tử tế, thậm chí cả những cái gương, căn cứ theo kiểu tóc của cô ta - tiếp tục gõ cây bút vào tờ giấy, bên cạnh mục “địa chỉ”.
- Nhưng lẽ nào chúng ta lại đặt ly tách lên bàn? Nó sẽ để lại vết bẩn, cô thừa biết như thế mà.
Cô gái liếc nhìn bề mặt của cái bàn trông như đã bị một đứa trẻ con trây trét khoai tây nghiền lên. Bằng một cái nĩa. Trây trét lung tung.
- Có gì quan trọng đâu ạ, nó đã cũ kỹ và trầy xước sẵn rồi! - Cô gái mỉm cười đáp.
Britt-Marie gào thét trong lòng.
- Tôi không tin cô hiểu được chuyện đó là do cô đã không dùng đĩa lót tách. - Bà lẩm bẩm.
Britt-Marie hoàn toàn không dùng lối nói “hung dữ thụ động” như chữ dùng của hai đứa con ông Kent, khi chúng nghĩ bà không nghe thấy. Thật ra bà không hung dữ thụ động. Bà là người chu đáo. Sau khi nghe thấy hai đứa nói mình là người hung dữ thụ động, Britt-Marie đã trở nên “siêu chu đáo” trong suốt mấy tuần lễ liền.
Cô nhân viên ở văn phòng giới thiệu việc làm tỏ ra hơi căng thẳng.
- Được rồi... bác vừa nói tên bác là gì nhỉ? Britt, đúng không ạ?
- Britt-Marie. Chỉ có chị tôi mới gọi tôi là Britt.
- Dạ vâng, bác Britt-Marie, bác vui lòng điền vào mẫu đơn nhé.
Britt-Marie ngó xuống tờ giấy đang đòi hỏi bà phải cam đoan về nơi bà sống và nhân thân của bà. Thời buổi này người ta phải đối phó với một số lượng phi lí các loại giấy tờ để được làm người. Một số lượng ngớ ngẩn các thủ tục hành chính để xã hội tiếp nhận một con người. Cuối cùng, bà miễn cưỡng điền tên, số bảo hiểm xã hội và số điện thoại di động. Dòng địa chỉ bị bỏ trống.
- Chuyên môn được đào tạo của bác là gì vậy, Britt-Marie?
Bà siết chặt cái túi xách.
- Xin cam đoan với cô là việc học hành của tôi rất xuất sắc.
- Nhưng không có chuyên môn ạ?
- Nói cho cô biết nhá, tôi đã giải hàng đống ô chữ. Người không có học còn lâu mới làm được như thế.
Bà nhấp một ngụm cà phê. Chẳng giống mùi vị cà phê của ông Kent chút nào. Kent pha cà phê rất ngon, mọi người đều công nhận điều đó. Bà phụ trách đĩa lót tách, còn ông lo pha cà phê.
- Được rồi... Bác có kinh nghiệm gì rồi ạ?
- Công việc gần đây nhất mà tôi làm là phục vụ bàn. Tôi được người ta rất tín nhiệm.
Cô gái khấp khởi ra mặt.
- Đó là năm nào vậy ạ?
- 1978.
- À... thế từ đó đến nay bác không làm việc ạ?
- Tôi vẫn làm việc hàng ngày đó chứ. Tôi giúp đỡ chồng tôi với công ty của ông ấy.
Cô gái lại khấp khởi hỏi tiếp:
- Thế bác đảm trách công việc nào trong công ty đó?
- Tôi chăm sóc con cái và lo liệu sao cho nhà cửa luôn tươm tất.
Cô nhân viên mỉm cười để che giấu sự thất vọng, giống như người ta thường làm khi không thể phân biệt được “một nơi để sống” và “một tổ ấm”. Thật ra chính sự quan tâm mới tạo ra sự khác biệt. Bởi có quan tâm thì mới có đĩa lót tách, có những tách cà phê đàng hoàng, và cái giường được dọn phẳng phiu đến nỗi, như ông Kent thường nói đùa với bạn bè, nếu chẳng may bị vấp chân ở ngay ngưỡng cửa phòng ngủ, người ta sẽ “ít có nguy cơ bị gãy chân khi ngã xuống sàn hơn so với ngã vào giường”. Bà không thích ông nói như vậy. Người văn minh chắc chắn phải nhấc chân khi đi qua ngưỡng cửa phòng ngủ chứ?
Mỗi khi hai ông bà đi vắng, bà rắc natri bicarbonate lên nệm hai mươi phút trước khi dọn giường. Còn được gọi là thuốc muối, nó có công dụng hấp thu chất bẩn và hơi ẩm, làm cho nệm sạch hơn. Nó gần như hữu ích trong mọi trường hợp, theo kinh nghiệm của Britt-Marie. Ông Kent thường xuyên phàn nàn về sự chậm trễ, nhưng bà chỉ chấp tay trước bụng và đáp: “Em phải dọn xong giường trước khi chúng ta lên đường, Kent à. Thử tưởng tượng nếu chúng ta đột ngột qua đời thì sao!”
Đây chính là lí do bà ghét đi du lịch. Chết. Ngay cả natri bicarbonate cũng vô tác dụng đối với cái chết. Kent cho rằng bà chỉ nói quá, nhưng người ta có thể chết bất cứ lúc nào khi không có nhà, và người chủ nhà sẽ nghĩ như thế nào nếu phải phá cửa ra vào để rồi trông thấy một tấm nệm bẩn thỉu? Chắc chắn người ta sẽ cho rằng hai ông bà là những kẻ ăn ở mất vệ sinh.
Cô gái xem đồng hồ.
- Thôi... được. - Cô nói.
Bà Britt-Marie cảm thấy trong giọng điệu của cô có một chút chỉ trích.
- Hai đứa con sinh đôi và một cái ban công. Việc có một cái ban công, nó hiệu quả hơn cô tưởng đấy.
Cô gái ngập ngừng gật đầu.
- Con cái bác bao nhiêu tuổi rồi ạ?
- Chúng là con của ông Kent. Ba mươi.
- Vậy là họ đã ra ở riêng rồi ạ?
- Dĩ nhiên.
- Còn bác đã sáu mươi ba tuổi?
- Phải. - Bà Britt-Marie xẵng giọng, như thể đó là một chi tiết cực kỳ không liên quan.
Cô gái hắng giọng như thể đó là một chi tiết rất liên quan.
- Thế này, bác Britt-Marie ạ, nói thật lòng với bác, do khủng hoảng kinh tế, cháu... có một sự khan hiếm các công việc dành cho những người... ở vào hoàn cảnh của bác.
Giọng điệu của cô gái nghe giống như cô ta không định kết thúc câu với cụm từ “hoàn cảnh của bác”. Britt-Marie mỉm cười một cách kiên nhẫn.
- Ông Kent bảo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đã trôi qua. Là một doanh nhân, Kent nắm rõ những thứ như thế, những thứ có lẽ hơi nằm ngoài tầm hiểu biết của cô.
Cô nhân viên chớp mắt mất một lúc. Rồi cô xem giờ. Cô tỏ ra không thoải mái, và điều này làm bà Britt-Marie bực bội. Bà nhanh chóng quyết định tặng cho cô gái một lời khen để tỏ rõ thiện ý của mình. Bà nhìn quanh phòng, tìm kiếm một thứ gì đó để khen ngợi, và rốt cuộc cũng nói nên lời, với một nụ cười bao dung nhất mà mình có thể trưng ra:
- Cô có một kiểu tóc rất hiện đại.
- Sao ạ? Ồ, cảm ơn bác. - Cô gái đáp, mấy đầu ngón tay bất giác đưa lên da đầu.
- Cô rất can đảm khi để kiểu tóc ngắn đến thế với một cái trán rộng như vậy.
Tại sao cô ta tỏ ra bị xúc phạm như thế nhỉ, Britt-Marie tự hỏi. Rõ ràng đây là điều sẽ xảy ra khi cố kết thân với bọn trẻ thời bây giờ.
Cô nhân viên đứng lên khỏi ghế.
- Cảm ơn bác đã đến. Bác đã được ghi nhận trong hệ thống. Chúng ta sẽ liên lạc với nhau nhé!
Cô gái đưa tay ra để bắt tay bà. Britt-Marie đứng dậy và đặt cái ly nhựa vào tay cô ta.
- Bao giờ?
- Ơ, chuyện đó hơi khó nói ạ.
- Vậy thì tôi nghĩ mình nên ngồi đợi. - Britt-Marie đáp với một nụ cười nhã nhặn. - Cứ như thể tôi không có chuyện gì hay ho hơn để làm ấy nhỉ?
Cô gái nuốt khan.
- Dạ, đồng nghiệp của cháu sẽ liên hệ với bác để trao đổi về một khóa học dành cho người tìm việc, nó...
- Tôi không cần học. Tôi cần việc làm.
- Vâng ạ, nhưng rất khó để nói khi nào sẽ có việc...
Bà Britt-Marie lấy từ trong túi ra một cuốn sổ tay.
- Ngày mai được không?
- Sao ạ?
- Ngày mai có thể có gì đó được không?
Cô gái hắng giọng.
- Ơ, có thể, nhưng mà cháu...
Bà Britt-Marie lấy ra một cây bút chì, liếc nó với ánh mắt không hài lòng, rồi nhìn cô gái.
- Cảm phiền cô cho tôi mượn một cái đồ chuốt được không?
- Đồ chuốt viết chì ấy ạ? - Cô nhân viên hỏi lại với giọng điệu như thể đó là một món đồ huyền bí hàng ngàn năm tuổi.
- Tôi cần thêm cuộc gặp của chúng ta vào danh sách.
Một số người không hiểu được giá trị của các danh sách, nhưng bà Britt-Marie khác họ. Bà có nhiều danh sách đến nỗi phải lập một bản liệt kê toàn bộ chúng. Nếu không thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Bà có thể lăn đùng ra chết. Hoặc quên mất không mua natri bicarbonate.
Cô nhân viên đưa cho Britt-Marie một cây bút bi và nói gì đó đại loại như: “Thực sự là cháu không rảnh ngày mai”, nhưng bà mải nhìn cây bút bi đến nỗi không nghe thấy câu nói đó.
- Lẽ nào chúng ta có thể dùng mực để viết các danh sách? - Bà thốt lên.
- Cháu chỉ có bút bi thôi ạ. Hôm nay cháu còn giúp gì được bác nữa không đây, Britt-Marie?
- À. - Bà đáp sau vài giây.
Britt-Marie thường nói như thế. “À” như trong “à há”, với một giọng điệu cực kỳ thất vọng. Giống như khi người ta thấy một cái khăn mặt ướt trên sàn phòng tắm.
- À. - Ngay sau khi nói ra, Britt-Marie lập tức ngậm chặt miệng lại, để nhấn mạnh rằng đó là lời cuối cùng của bà về chủ đề này. Mặc dù hiếm khi nào đúng là như thế.
Cô nhân viên ngần ngừ. Britt-Marie nắm chặt cây bút bi, làm như nó trơn nhẫy. Bà nhìn vào danh sách của thứ Ba trong cuốn sổ, rồi ở phía bên trên các mục “Dọn dẹp” và “Đi chợ”, bà thêm “Văn phòng giới thiệu việc làm liên hệ với tôi”.
Đoạn bà trả lại cây bút.
- Rất vui được gặp bác. - Cô gái nói như cái máy. - Chúng ta sẽ liên lạc sau nhé!
- À. - Britt-Marie gật đầu.
Britt-Marie rời văn phòng giới thiệu việc làm. Cô nhân viên rõ ràng đang cho rằng đây là lần cuối họ gặp nhau, bởi vì cô không biết bà tuân thủ các danh sách của mình đến thế nào. Cô ta hẳn nhiên chưa bao giờ nhìn thấy cái ban công của bà.
Nó là một cái ban công tươm tất một cách vô cùng đáng kinh ngạc.
Đang là tháng Giêng, không khí mùa đông giá lạnh nhưng dưới mặt đất không có tuyết. Nhiệt độ ẩm dù không có bất cứ biểu hiện nào chứng tỏ. Khoảng thời gian tồi tệ nhất trong năm đối với đám cây cối trên ban công.
Sau khi rời văn phòng giới thiệu việc làm, Britt-Marie đi đến một siêu thị khác với siêu thị thường ngày của mình, nơi bà mua mọi thứ trong danh sách. Bà không thích đi chợ một mình, vì bà không thích đẩy cái xe đẩy hàng. Kent luôn là người đẩy nó, trong khi bà đi bên cạnh ông và bám vào một góc xe. Không phải vì bà muốn lèo lái, chỉ vì bà thích nắm vào những thứ mà Kent cũng đang nắm. Để có cảm giác rằng họ đang đi cùng nhau.
Britt-Marie ăn tối lúc sáu giờ đúng. Bà đã từng thức cả đêm ngồi đợi Kent, nên bà cố đặt phần ăn của ông vào tủ lạnh. Nhưng cái tủ lạnh ở đây đầy ắp những chai rượu bé tí. Bà ngả người trên chiếc giường không phải của mình, trong khi vuốt ve ngón tay đeo nhẫn, một thói quen của bà những khi căng thẳng.
Vài ngày trước đó bà còn đang ngồi trên chiếc giường của mình, xoay xoay chiếc nhẫn cưới sau khi đã làm sạch nệm một cách cực kỳ cẩn thận bằng natri bicarbonate. Giờ thì bà chỉ sờ soạng lằn da màu trắng nơi từng có cái nhẫn mà thôi.
Nơi này có địa chỉ, nhưng chắc chắn nó không phải là một nơi để sống, cũng không phải một tổ ấm. Trên sàn là hai cái chậu nhựa để trồng cây ngoài ban công. Nhưng căn phòng khách sạn rẻ tiền này không có ban công. Britt-Marie cũng chẳng có ai để chờ đợi cả đêm.
Nhưng bà vẫn đợi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét