Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Britt-Marie Đã Ở Đây - 3

Britt-Marie Đã Ở Đây

Tác giả: Fredrik Backman
Người dịch: Hoàng Anh
NXB Trẻ - 3/2018

Ba

Đã 16 giờ 55 phút. Britt-Marie đứng đợi một mình trên phố phía ngoài văn phòng giới thiệu việc làm, bởi vì nếu xuất hiện quá sớm so với giờ hẹn thì sẽ không được lịch sự. Cơn gió làm mái tóc bà bay nhè nhẹ. Bà nhớ cái ban công của mình ghê gớm, nội việc nghĩ đến nó thôi cũng làm bà đau đớn - bà phải nhắm mắt lại, chặt đến nỗi hai thái dương nhức nhối. Bà thường làm chuyện này chuyện kia trên ban công trong những đêm thức chờ Kent. Ông luôn bảo bà đừng chờ cửa. Nhưng bà luôn luôn làm điều đó. Bà thường nhận ra chiếc xe hơi của Kent từ trên ban công, và lúc ông bước vào nhà thì bữa ăn của ông đã nóng sốt sẵn sàng trên bàn. Sau khi ông ngủ thiếp đi trên chiếc giường của họ, bà nhặt cái áo sơ mi của ông vứt dưới sàn phòng ngủ và bỏ nó vào trong máy giặt. Nếu cổ áo bị bẩn, bà sẽ vò qua nó với giấm và natri bicarbonate. Sáng hôm sau, bà sẽ dậy sớm, chải đầu tóc và dọn dẹp nhà bếp, rắc natri bicarbonate vào các chậu hoa ngoài ban công và lau chùi tất cả các cửa sổ trong căn hộ với Faxin.
Faxin là thương hiệu chất tẩy rửa kính cửa sổ ưa thích của bà Britt-Marie. Thậm chí nó còn tốt hơn cả natri bicarbonate. Bà cảm thấy mình chưa là một con người hoàn chỉnh khi chưa có một chai Faxin trong tay. Thiếu nó ư? Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong trường hợp đó. Thế nên bà đã thêm “Faxin” vào danh sách mua hàng chiều nay (bà đã nghĩ đến việc thêm một dấu chấm than vào phía sau để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó, nhưng rồi kìm lại được). Sau đó bà đi đến siêu thị mà mình không thường đến, nơi chẳng có thứ gì được sắp xếp như bình thường cả. Bà hỏi một cậu trai làm việc ở đó xem Faxin được bày ở đâu. Cậu ta thậm chí không biết nó là cái gì. Khi Britt-Marie giải thích rằng đó là một thương hiệu chất làm sạch kính cửa sổ, cậu ta chỉ nhún vai và đề nghị một thương hiệu khác. Đến đây thì bà điên tiết đến nỗi rút ngay cái danh sách mua hàng ra và thêm vào đó một dấu chấm than.
Đã vậy, cái xe đẩy mua hàng còn chọc tức Britt-Marie khi cán qua bàn chân bà. Britt-Marie nhắm mắt lại, hóp má và nhớ đến Kent. Bà tìm thấy một ít cá hồi giảm giá, mua vài thứ rau quả và khoai tây. Ở kệ “văn phòng phẩm”, bà lấy một cây bút chì, hai cái đồ chuốt và bỏ chúng vào xe đẩy.
“Bà có thẻ thành viên không ạ?” Một cậu trai trẻ đã hỏi Britt-Marie khi bà tiến đến quầy tính tiền.
“Để làm gì?” Bà hỏi lại với giọng nghi ngờ.
“Cá hồi chỉ giảm giá cho người có thẻ thành viên thôi ạ”.
Britt-Marie mỉm cười một cách kiên nhẫn.
“Tôi không hay đi mua sắm ở siêu thị này, cậu thấy đấy. Ở siêu thị quen của tôi thì chồng tôi có làm thẻ thành viên”.
Cậu thanh niên giơ ra một tờ bướm.
“Bà có thể đăng ký làm thẻ, chỉ mất có vài giây thôi ạ. Bà chỉ cần điền tên và địa chỉ vào đây...”
“Không đời nào”, Britt-Marie đáp luôn. Cái gì cũng phải có giới hạn chứ? Không lẽ người ta cứ phải khai tên tuổi và địa chỉ như một nghi phạm khủng bố chỉ để mua một chút cá hồi hay sao?
“Dạ, nếu vậy thì bà phải mua chỗ cá hồi này nguyên giá”.
“A”.
Cậu thanh niên có vẻ hoang mang.
“Bà ơi, nếu bà không đem theo đủ tiền thì cháu...”
Britt-Marie trừng mắt nhìn cậu ta. Bà muốn cất cao giọng, nhưng mấy cái sợi dây thanh quản không chịu hợp tác.
“Dạ thưa cậu, tôi có tiền. Rất nhiều tiền là đằng khác”.
Britt-Marie muốn hét lên và dằn mạnh cái ví xuống bàn thu ngân, nhưng giọng nói của bà giống như một lời thì thầm, và cử chỉ của bà giống như một cái đập khẽ.
Cậu thu ngân nhún vai và nhận tiền. Britt-Marie muốn nói cho cậu ta biết chồng bà là một doanh nhân, và bà hoàn toàn đủ khả năng để mua cá hồi nguyên giá. Nhưng cậu ta đã bắt đầu phục vụ người khách hàng kế tiếp. Như thể bà chẳng là cái đinh gì.

Đúng 17 giờ, Britt-Marie gõ cửa văn phòng. Khi cô gái ra mở cửa, cô đã mặc áo khoác sẵn.
- Cô định đi đâu thế? - Britt-Marie hỏi.
Cô nhân viên hình như đã nhận thấy một chút đe dọa trong giọng điệu của bà.
- Cháu... dạ... đã đến giờ đóng cửa ạ... như cháu đã nói với bác, cháu không...
- Thế cô sẽ quay lại chứ? Tôi phải đợi cô bao lâu đây?
- Sao ạ?
- Tôi muốn biết khi nào tôi nên nấu món khoai nghiền.
Cô gái đưa tay giụi mắt.
- À, vâng, đúng rồi. Cháu rất xin lỗi bác. Nhưng như cháu đã cố gắng nói với bác, cháu không có thời...
- Mấy cái này tôi mua cho cô đây. - Bà Britt-Marie đưa cây bút chì cho cô gái.
Khi cô gái nhận lấy nó với vẻ mặt khá hoang mang, bà đưa tiếp hai cái đồ chuốt viết chì, một màu xanh và một màu hồng. Bà hất hàm về phía chúng, rồi ngước nhìn kiểu đầu nam tính của cô.
- Cô biết đấy, thời buổi này thật khó mà xác định được đâu là đâu, thế nên tôi mua cả hai màu cho chắc.
Cô gái dường như không hiểu lắm.
- C... cảm ơn bác.
- Bây giờ thì tôi muốn được cô chỉ chỗ nhà bếp, nếu cô không phiền, vì nếu không thì tôi sẽ không có thời gian để kịp làm món khoai tây.
Cô gái trông như sắp sửa thốt lên: “Bếp á?” nhưng kịp kìm lại ở giây cuối cùng và, giống như một đứa trẻ ở trong bồn tắm, có vẻ như cô ta đã hiểu rằng phản đối sẽ chỉ làm kéo dài tình cảnh hiện tại, khiến nó càng cực hình thêm. Cô đầu hàng, chỉ tay về phía góc bếp của nhân viên và cầm lấy túi thực phẩm từ tay bà Britt-Marie. Hai người nối gót nhau đi trên hành lang. Britt-Marie quyết định ghi nhận tính văn minh của cô gái bằng một lời khen tặng.
- Cái áo khoác của cô đẹp đấy. - Bà nói sau khi ngẫm nghĩ một lúc.
Bàn tay cô gái kinh ngạc lướt nhẹ trên lớp vải áo.
- Cảm ơn bác! - Cô mỉm cười thành thật trong lúc mở cửa bếp.
- Cô thật can đảm khi diện màu đỏ vào thời gian này trong năm. Dụng cụ nấu bếp để ở đâu nhỉ?
Với sự kiên nhẫn đã tụt giảm mất một chút, cô gái mở một ngăn kéo. Một nửa ngăn là các dụng cụ làm bếp. Nửa kia có một cái khay nhựa cất dao nĩa ăn.
Một khay duy nhất.
Nĩa, dao, muỗng.
Nằm lẫn lộn.
Sự khó chịu của cô gái chuyển thành mối lo lắng chân thành.
- Bác có... sao không? - Cô hỏi.
Britt-Marie phải tiến đến chỗ một cái ghế để ngồi xuống. Nom bà như sắp ngất.
- Mọi rợ. - Bà thì thào, răng cắn chặt mặt trong của má.
Cô gái buông mình xuống chiếc ghế đối diện, bối rối ra mặt. Ánh mắt cô tập trung vào bàn tay trái của bà Britt-Marie. Mấy đầu ngón tay của bà đang căng thẳng chà xát lằn da màu trắng tựa hồ nó là một vết sẹo đoạn chi. Khi nhận ra cô gái đang quan sát, bà giấu bàn tay bên dưới cái túi xách, như thể vừa bắt gặp một người nhìn trộm mình trong lúc tắm.
Thật rón rén, cô nhân viên nhướng mày.
- Cháu xin phép hỏi bác câu này... xin lỗi bác... nhưng... thật ra bác đang làm gì ở đây vậy?
- Tôi muốn có một công việc. - Britt-Marie đáp và lục lọi tìm cái khăn tay trong túi xách để có thể lau bàn.
Cô gái ngọ nguậy người trong một nỗ lực lúng túng tìm một tư thế thoải mái.
- Cháu nói thế này mong bác bỏ quá cho. Bác đã không làm việc trong bốn mươi năm qua. Tại sao bây giờ chuyện đó lại quan trọng đến thế?
- Tôi có làm việc trong bốn mươi năm qua. Tôi quán xuyến nhà cửa. Chính vì thế nên bây giờ nó rất quan trọng. - Britt-Marie đáp, tay phủi vài mẩu bánh tưởng tượng khỏi mặt bàn.
Thấy cô gái không đáp, bà nói thêm:
- Cô biết đấy, tôi đã đọc trên báo về một phụ nữ nằm chết trong căn hộ của mình vài tuần lễ. Họ bảo bà ta chết do nguyên nhân tự nhiên. Bữa tối của bà ta vẫn còn nguyên trên bàn. Thật ra như thế không tự nhiên chút nào. Không ai biết bà ta qua đời cho đến khi hàng xóm ngửi thấy mùi thối.
Cô gái bối rối nghịch tóc.
- Vậy là... bác... muốn có một công việc, để...
Britt-Marie thở hắt ra với một sự kiên nhẫn vô cùng lớn.
- Bà ta thất nghiệp và không có chồng con. Không ai biết bà ta sống ở đó. Nếu bà ta có một công việc thì người khác đã để ý khi bà ta không đi làm.
Cô gái, người vẫn đang phải làm việc sau khi ngày làm việc của mình đã kết thúc, ngồi đó hồi lâu, mắt nhìn người phụ nữ đang giữ mình ở lại. Britt-Marie ngồi thẳng lưng giống như những lần ngồi trên ban công đợi Kent. Bà không muốn lên giường khi ông vắng nhà, vì bà không muốn đi ngủ trừ phi có người biết bà ở đó.
Bà hóp má, tay chà xát lằn da màu trắng.
- À. Cô nghĩ chuyện này thật lố bịch, rõ ràng là thế. Tôi biết đối thoại không phải là thế mạnh của mình. Chồng tôi bảo tôi là người giao tiếp kém.
Câu nói cuối cùng bật ra nhỏ hơn hẳn. Cô gái nuốt khan và hất hàm chỉ ngón tay không còn đeo nhẫn của bà Britt-Marie.
- Chuyện gì đã xảy ra với chồng của bác ạ?
- Ông ấy bị đau tim.
- Cháu rất tiếc. Cháu không biết bác trai đã qua đời.
- Ông ta không chết.
- Ơ, cháu...
Britt-Marie đứng dậy để chặn đứng câu nói của cô gái và bắt đầu sắp xếp lại ngăn kéo cất dao nĩa, như thể nó vừa gây ra một tội ác.
- Tôi không dùng nước hoa, nên tôi luôn nhắc ông ta bỏ áo sơ mi vào máy giặt ngay khi về đến nhà. Ông ta không bao giờ làm theo. Lại còn ca cẩm là máy giặt quá ồn ào vào ban đêm.
Bà đột ngột ngừng lời và liếc mắt quở trách nhanh cái bếp vì tội không xoay nút đúng chiều. Nó có vẻ xấu hổ. Britt-Marie gật đầu và nói tiếp:
- Cô bồ của ông ta đã gọi cho tôi sau khi ông ta lên cơn đau tim.
Cô nhân viên đứng lên định giúp một tay, nhưng lại rón rén ngồi xuống khi bà Britt-Marie lấy từ ngăn kéo ra một con dao lọc xương.
- Hồi mấy đứa con của Kent còn nhỏ và mỗi hai tuần lại đến ở với chúng tôi, tôi đã đọc truyện cho chúng nghe như một thói quen. Câu chuyện ưa thích của tôi là “Người thợ may”. Đó là một câu chuyện cổ tích, như cô đã biết. Bọn trẻ muốn tôi tự bịa chuyện để kể, nhưng tôi thấy chẳng việc gì phải làm thế khi đã có những câu chuyện quá tuyệt vời được viết ra bởi những cây bút chuyên nghiệp. Kent bảo chẳng qua tôi không có óc tưởng tượng, nhưng thật ra óc tưởng tượng của tôi rất tốt.
Cô gái không đáp. Britt-Marie cài đặt nhiệt độ lò nướng. Bà đặt cá hồi vào một cái đĩa nướng, rồi đứng yên tại chỗ.
- Phải có óc tưởng tượng cực tốt thì người ta mới giả vờ không biết gì hết năm này sang năm nọ, mặc dù luôn giặt áo cho chồng và bản thân mình không hề sử dụng nước hoa. - Bà nói khẽ.
Cô gái lại đứng dậy. Cô lúng túng đặt tay lên vai bà Britt-Marie.
- Cháu... rất tiếc, cháu...
Cô ngừng lời dù không bị cắt ngang. Bà Britt-Marie chắp tay lại trước bụng và nhìn vào trong lò nướng.
- Tôi muốn có một công việc, vì tôi không nghĩ làm phiền hàng xóm bằng mùi hôi thối là một điều tích cực. Tôi muốn có người biết tôi sống ở đó.
Cả hai người không nói gì thêm.
Khi món cá hồi đã chín, họ ngồi vào bàn và dùng bữa mà không nhìn nhau.
- Cô ta rất đẹp. Trẻ nữa. Tôi không trách ông ta, thật đấy. - Một lúc lâu sau bà nói.
- Có thể đó chỉ là một con đào mỏ. - Cô gái phỏng đoán.
- Chữ đó nghĩa là gì vậy? - Britt-Marie hỏi lại với vẻ mặt không mấy thoải mái.
- Nó có nghĩa là... ý cháu là... nghĩa rất xấu.
Britt-Marie lại nhìn xuống đĩa ăn của mình.
- À. Cô thật tử tế.
Bà cảm thấy mình nên nói gì đó đáp lại, nên theo một cách rất miễn cưỡng, bà nói:
- Cô... tóc cô hôm nay đẹp lắm.
Cô gái mỉm cười.
- Cảm ơn bác!
Britt-Marie gật đầu.
- Hôm nay trán cô không bị lộ ra nhiều như hôm qua.
Cô gái gãi trán, ngay dưới phần tóc mái. Britt-Marie nhìn xuống cái đĩa ăn và cố cưỡng lại bản năng thúc đẩy mình để dành một phần cho Kent. Cô gái nói gì đó. Bà ngẩng lên và nói khẽ:
- Cháu nói gì?
- Nó rất tuyệt, bữa ăn tối nay. - Cô đáp.
Mặc dù Britt-Marie không hề hỏi chuyện đó.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét