Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Britt-Marie Đã Ở Đây - 7

Britt-Marie Đã Ở Đây

Tác giả: Fredrik Backman
Người dịch: Hoàng Anh
NXB Trẻ - 3/2018

Bảy

Britt-Marie thức trắng đêm. Bà đã quen với việc này, giống như những người phải sống cả đời vì một người khác.
Bà ngồi trong bóng tối, dĩ nhiên rồi, nếu không thì người ngoài sẽ nghĩ gì nếu đi ngang qua và trông thấy ánh đèn như thể trong nhà đang diễn ra một hoạt động mờ ám?
Nhưng Britt-Marie không ngủ, vì bà nhớ đến lớp bụi dày trên sàn của nhà văn hóa trước khi dọn dẹp, nếu chết trong khi ngủ bà chắc chắn không muốn đối diện nguy cơ nằm đây cho đến khi bốc mùi và bị bụi bao trùm. Ngủ trên một trong những cái sofa nằm trong góc thì không đáng để nghĩ tới, vì chúng bẩn đến nỗi bà phải đeo hai lớp găng tay cao su khi rắc natri bicarbonate lên đó. Hay là ngủ trong xe hơi? Có thể, nếu bà là một con thú.
Cô gái ở văn phòng giới thiệu việc làm đã nhắc đi nhắc lại là có một cái khách sạn ở thành phố cách đó hai mươi cây số, nhưng Britt-Marie thậm chí không thể nghĩ đến việc ngủ thêm một đêm nữa trên một chiếc giường được người khác sửa soạn cho mình. Bà biết có một số người chỉ mơ đến chuyện đi đâu đó và trải nghiệm một thứ gì đó khác biệt, nhưng bà luôn ao ước được ở nhà, nơi mọi thứ luôn ổn định. Bà muốn tự sửa soạn giường ngủ cho mình.
Bất cứ khi nào bà và Kent ngủ khách sạn, bà luôn gắn tấm bảng “Xin đừng làm phiền” trước cửa, rồi tự mình dọn phòng và chuẩn bị giường ngủ. Không phải vì bà hay phán xét người khác, không hề. Chỉ vì bà biết đám nhân viên dọn phòng rất có thể là loại người ưa phán xét người khác, mà bà thì chắc chắn không muốn bị họ bàn tán về tình trạng kinh tởm của căn phòng 423 trong cuộc họp buổi tối.
Có lần, Kent đã đặt nhầm chuyến bay về nhà, và hai ông bà phải ra sân bay giữa đêm mà không kịp cả tắm rửa. Thế là ngay trước khi lao ra khỏi phòng, Britt-Marie đã chạy vào buồng tắm và mở vòi sen vài phút để trên sàn phòng có vệt nước. Như vậy khi nhân viên dọn phòng sẽ không nghĩ rằng hai người khách thuê phòng 423 đã lên đường mà không buồn tắm rửa.
Kent đã hừ mũi chế giễu và bảo rằng bà luôn quan ngại quá mức trước những gì người khác nghĩ về mình. Britt-Marie đã gào thét trong lòng suốt chặng đường đi ra sân bay. Thật ra bà chỉ lo người ta sẽ nghĩ về ông như thế nào.
Bà không biết từ khi nào Kent đã ngừng quan tâm đến những gì người khác nghĩ về bà.
Bà biết ông đã từng quan tâm. Đó là hồi ông còn nhìn vào bà với ánh mắt cho thấy bà đang hiện diện. Thật khó để biết lúc nào tình yêu nảy nở, đột nhiên một ngày nọ khi bạn thức giấc nó đã nở đầy hoa. Và khi nó úa tàn cũng vậy, một ngày kia mọi chuyện bỗng trở thành quá trễ. Tình yêu do vậy rất giống với những cái cây trồng trên ban công. Đôi khi ngay cả natri bicarbonate cũng không thay đổi được gì.
Britt-Marie không biết từ khi nào cuộc hôn nhân của họ tuột khỏi tay bà. Từ khi nào nó trở nên cũ kỹ và trầy xước bất chấp việc bà đã dùng bao nhiêu là đĩa lót tách. Kent từng có lúc nắm tay bà khi hai người đi ngủ, và bà mơ những giấc mơ của ông. Không phải vì bà không có bất kỳ giấc mơ nào của riêng mình, chỉ là các giấc mơ của ông lớn lao hơn, và những người có ước mơ lớn nhất sẽ luôn thắng ở cái thế giới này. Bà đã học được điều đó. Thế nên bà ở nhà để chăm sóc hai đứa con của ông mà không màng đến việc sinh một mụn con cho mình. Bà ở nhà thêm vài năm nữa để chăm chút cho một tổ ấm tươm tất và hỗ trợ sự nghiệp của ông, mà không màng đến sự nghiệp riêng của mình. Bà phát hiện ra những người hàng xóm gọi mình là “con mụ già lắm chuyện” khi bà lo ngại đối tác Đức của Kent nghĩ rằng tòa căn hộ không được dọn rác sạch sẽ hoặc cầu thang bốc mùi pizza. Bà không có bạn riêng, chỉ có những người quen biết thường là vợ các đối tác làm ăn của ông Kent.
Một người trong số họ từng đề nghị giúp Britt-Marie dọn dẹp sau một buổi tiệc tối, nhưng rồi cô ta nhét bừa dao nĩa vào ngăn kéo cất dụng cụ bàn ăn mà bà đã thu xếp theo thứ tự nĩa, dao muỗng, từ trái qua phải. Khi bà thất kinh hỏi cô ta đang làm gì, cô ta chỉ cười và nói: “Chuyện này quan trọng lắm à?”. Sau đó họ không còn qua lại nữa. Kent bảo bà giao tiếp xã hội kém, thế là bà ở nhà thêm vài năm nữa để ông đi ra ngoài giao tiếp thay mặt cả hai. Vài năm trở thành nhiều năm, và nhiều năm trở thành rất nhiều năm. Năm tháng có thói quen hành xử như vậy. Không phải Britt-Marie quyết định không kỳ vọng gì, chỉ là một sáng nọ khi thức giấc, bà nhận ra đã quá trễ để làm điều đó.
Hai đứa con của Kent thích bà, Britt-Marie cho là vậy, nhưng trẻ con rồi cũng thành người lớn, mà người lớn thì coi loại phụ nữ như bà là “những mụ già lắm chuyện”. Khi có bọn trẻ con nhà người khác xuất hiện trong khu phố, lâu lâu bà lại mời chúng ăn tối nếu chúng phải ở nhà một mình. Nhưng bọn trẻ con vẫn có mẹ hoặc bà của chúng ở nhà, và khi chúng lớn lên, Britt-Marie trở thành một mụ già lắm chuyện.
Kent cứ nói mãi rằng bà là người giao tiếp kém, và bà chấp nhận là ông nói đúng. Rốt cuộc, tất cả những gì bà mơ đến là một cái ban công và một người chồng không đi giày đánh golf trên sàn gỗ, bỏ áo sơ mi vào giỏ đồ giặt mà không đợi bà nhắc, tuyên bố thích đồ ăn bà nấu mà không đợi hỏi. Một tổ ấm. Những đứa con dù không phải con đẻ của bà nhưng vẫn ghé thăm bà khi Giáng sinh về, bất chấp mọi thứ, hoặc ít ra cũng vờ như chúng có lí do chính đáng để không làm điều đó. Một ngăn kéo cất dao nĩa theo đúng thứ tự. Thi thoảng một buổi tối đi xem kịch. Những ô cửa sổ cho phép bà quan sát thế giới sáng trong bên ngoài. Một người nào đó nhận ra bà đã chăm chút đặc biệt cho mái tóc hoặc ít nhất cũng giả vờ nhận ra. Hoặc ít nhất cũng để cho bà tiếp tục giả vờ.
Một người nào đó đến nhà chơi, thấy sàn nhà vừa lau, bữa tối nóng sốt trên bàn và nhận ra nỗ lực của bà. Có lẽ một quả tim rốt cuộc chỉ tan nát sau khi rời khỏi căn phòng bệnh viện có một cái áo sơ mi bốc mùi pizza và nước hoa, nhưng nó sẽ tan nát dễ dàng hơn nếu đã từng rạn vỡ vài lần trước đó.

Britt-Marie bật đèn vào sáu giờ sáng hôm sau. Không phải vì bà cần ánh sáng, mà bởi vì có thể người khác đã trông thấy ánh đèn tối qua, và nếu họ nhận ra bà đã ngủ lại trong nhà văn hóa thì bà không muốn họ nghĩ rằng bà vẫn còn ngủ vào cái giờ này.
Britt-Marie có thể bật cái tivi cũ nằm bên cạnh mấy chiếc ghế sofa để bớt cô quạnh, nhưng bà không muốn làm thế, vì nhiều khả năng trên truyền hình lại chiếu bóng đá. Thời buổi bây giờ truyền hình toàn chiếu bóng đá, với lựa chọn như thế thì thà chịu đựng sự cô quạnh còn hơn. Nhà văn hóa bao vây bà bằng một sự im lặng thận trọng. Chiếc máy pha cà phê nằm nghiêng không còn nhấp nháy đèn với bà nữa. Britt-Marie ngồi trên chiếc ghế đẩu đối diện với nó, nhớ lại cách mà hai đứa con của Kent bảo bà là “hung dữ thụ động”. Kent thì cười đúng kiểu vẫn thường làm sau khi uống vodka và nước cam trong lúc xem một trận bóng đá trên truyền hình, cái bụng dập dềnh lên xuống và cơn cười phọt ra ngoài qua lỗ mũi thành những tiếng khụt khịt, sau đó ông ta nói: “Dì của tụi con không phải là hung dữ thụ động, mà thụ động hung dữ!”. Rồi ông ta cười cho đến khi phun cả rượu vodka xuống tấm thảm san hô.
Đó là cái đêm Britt-Marie quyết định như thế là quá đủ và dời tấm thảm sang phòng dành cho khách mà không nói tiếng nào. Không phải vì bà là người hung dữ thụ động, dĩ nhiên rồi. Chỉ là cái gì cũng có giới hạn.
Bà không buồn vì điều ông Kent đã nói, vì nhiều khả năng ông ta không hiểu mình đã nói gì. Nhưng mặt khác, bà thấy tổn thương vì ông ta thậm chí không buồn xem xem bà có đứng đủ gần để nghe thấy hay không.
Britt-Marie nhìn cái máy pha cà phê. Trong một khoảnh khắc phù du và thảnh thơi, bà chợt nảy ra ý nghĩ mình có thể tìm cách sửa nó, nhưng rồi bà sực tỉnh và tránh xa nó. Kể từ lúc lập gia đình bà chưa từng tự mình sửa chữa bất cứ cái gì. Chờ Kent về nhà là tốt nhất, bà cảm thấy như thế. Ông luôn nói “Phụ nữ đến lắp ráp đồ IKEA cũng không làm được” khi hai người xem các bà các cô trong những chương trình truyền hình về xây dựng hoặc cải tạo nhà cửa. “Góp mặt cho đông đủ thôi”, ông ta thường nói như thế. Britt-Marie thích ngồi cạnh ông ta trên ghế sofa và giải ô chữ. Lúc nào bà cũng ngồi gần cái điều khiển tivi đến nỗi có thể cảm thấy cạnh của nó chạm vào đầu gối mình khi Kent vớ lấy nó để đổi sang kênh bóng đá.
Nghĩ đến đây, Britt-Mare lấy thêm natri bicarbonate và lau chùi nhà văn hóa một lần nữa. Bà vừa mới rắc hết một gói natri bicarbonate trên mấy chiếc ghế sofa thì có tiếng gõ cửa. Britt-Marie phải mất một khoảng thời gian kha khá mới ra mở cửa được, bởi vì chạy vào nhà vệ sinh để chỉnh lại đầu tóc mà không có ánh đèn là một việc khá phức tạp.
Người nào đó đang ngồi ngoài cửa với một hộp rượu trong tay.
- A. - Bà Britt-Marie nói với cái hộp.
- Rượu vang ngon, bà biết đấy. Rẻ nữa. Rơi ra từ thùng của một cái xe tải! - Người nào đó nói với giọng khá tự mãn.
Britt-Marie không hiểu lắm.
- Nhưng bà biết đấy, tôi phải rót nó vào trong một cái chai có dán nhãn và những thứ linh tinh khác, phòng trường hợp bị bên thuế hỏi đến. - Người nào đó nói. - Nó gọi là “nhà đỏ” ở tiệm pizza của tôi, nếu sở thuế hỏi, OK?
Người nào đó nửa trao nửa ném cái hộp cho bà Britt-Marie trước khi điều khiển xe lăn tiến qua ngưỡng cửa để vào ngó nghiêng bên trong nhà văn hóa.
Britt-Marie nhìn vệt nước lẫn đá dăm mà hai bánh xe để lại với một sự kinh hoàng chỉ kém hơn chút xíu so với trường hợp đó là những vệt chất thải.
- Xin phép hỏi cô liệu việc sửa chữa cái xe của tôi có đang tiến triển hay không? - Bà thắc mắc.
Người nào đó hớn hở gật đầu.
- Tốt cực! Tốt cực ấy chứ! Nhưng mà này, bà cho tôi hỏi một cái: bà có bận tâm đến màu sắc không?
- Xin lỗi cô, tôi chưa hiểu.
- Bà biết đấy, cái cánh cửa tôi kiếm được ấy mà. Cửa xinh cực. Nhưng có vẻ không cùng màu với chiếc xe. Có lẽ... nó hơi vàng.
- Cánh cửa xe của tôi bị làm sao? - Britt-Marie thất kinh hỏi lại.
- Không sao! Không sao! Chỉ là câu hỏi thôi mà! Cửa vàng được không? Không được à? Nó... nói sao nhỉ? Bị oxy hóa rồi! Cửa cũ. Gần như không còn màu vàng nữa. Sắp thành màu trắng rồi.
- Tôi tuyệt đối không chấp nhận một cánh cửa màu vàng trên cái xe màu trắng của tôi!
Người nào đó khoát tay thành vòng tròn.
- Được rồi, được rồi. Bình tĩnh nào. Sẽ lắp cánh cửa màu trắng. Không sao hết. Đừng có nổi cáu lên như thế. Nhưng cửa trắng sẽ cần... nói sao nhỉ? Một khoảng thời gian chờ đợi!
Chị ta gật gù với cái chai.
- Bà có thích rượu không, Britt?
- Không. - Britt-Marie đáp, không phải vì bà không thích rượu, mà bởi vì nếu bạn nói mình thích, người khác sẽ kết luận rằng bạn là một bợm rượu.
- Mọi người đều thích rượu mà, Britt.
- Tên tôi là Britt-Marie. Chỉ có chị gái tôi mới gọi tôi là Britt.
- Chị gái? Thế ra, nói sao nhỉ? Có một người nữa giống như bà á? Thật tốt cho thế giới này.
Người nào đó nhăn nhở cười như thể đó là một câu đùa. Nhằm vào Britt-Marie, bà đoán vậy.
- Chị tôi qua đời khi chúng tôi còn nhỏ. - Bà nói, mắt không rời hộp rượu.
- Chết cha... Tôi... nói sao nhỉ? Xin chia buồn. - Người nào đó lắp bắp.
Britt-Marie co ngón chân lại trong giày.
- Vâng. Cô thật tử tế. - Bà nói khẽ.
- Rượu thì ngon nhưng hơi, nói sao nhỉ? Đục. Bà phải lọc nó vài lần bằng giấy lọc cà phê, sau đó mọi thứ sẽ ổn! - Người nào đó giảng giải một cách rành rẽ, trước khi đưa mắt nhìn túi hành lí và mấy cái chậu hoa đang nằm dưới sàn của bà Britt-Marie.
- Tôi muốn tặng nó cho bà, bà biết đấy, như một món quà mừng bà nhận công việc mới. Nhưng giờ thì tôi có thể thấy nó giống với một món quà mừng bà nhận... nơi ở mới thì đúng hơn!
Chạm tự ái, Britt-Marie giữ hộp rượu trước mặt mình như thể nó đang phát ra tiếng tích tắc.
- Tôi muốn nói rõ với cô là tôi không sống ở đây.
- Thế đêm qua bà ngủ ở đâu?
- Tôi không ngủ.
Nom Britt-Marie giống như chỉ muốn ném hộp rượu ra khỏi cửa và bịt tai lại.
- Có một cái khách sạn, bà biết đấy. - Người nào đó nói.
- À, tôi đoán cô cũng kinh doanh cả khách sạn nữa. Tiệm pizza, tiệm sửa xe, bưu điện, tiệm tạp hóa, giờ thì khách sạn. Như thế cô chẳng phải mất công lựa chọn.
Khuôn mặt của Người nào đó cúi xuống với một sự ngạc nhiên không che giấu.
- Khách sạn á? Sao tôi lại phải có một khách sạn kia chứ? Không, không, không, Britt-Marie. Tôi tập trung vào, nói sao nhỉ? Những hoạt động cốt lõi!
Britt-Marie dồn trọng lượng cơ thể từ chân trái sang chân phải, trước khi đi tới chỗ cái tủ lạnh và cất hộp rượu vào trong đó.
- Tôi không thích khách sạn. - Bà vừa nói vừa đóng sập cửa tủ lạnh.
- Chết tiệt! Không được bỏ rượu vào trong tủ lạnh, nó sẽ bị vón cục! - Người nào đó la lên.
Britt-Marie quắc mắt nhìn chị ta.
- Có cần thiết phải văng tục luôn mồm như thể chúng ta là một lũ mọi rợ hay không?
Người nào đó di chuyển chiếc xe lăn tới trước và kéo các ngăn tủ bếp cho tới khi tìm thấy giấy lọc cà phê.
- Chết tiệt, Britt-Marie! Để tôi chỉ bà. Bà phải lọc. Nó không sao cả. Hoặc bà có thể pha nó với Fanta. Tôi có Fanta loại rẻ tiền, nếu bà muốn. Của Trung Quốc!
Chị ta khựng lại khi trông thấy cái máy pha cà phê. Hay đúng hơn là những gì còn lại của nó. Ngượng ngùng, Britt-Marie chắp hai tay lại trước bụng và tỏ vẻ như đang muốn phủi vài hạt bụi trên miệng một cái hố đen trước khi nhảy luôn vào trong đó.
- Chuyện... gì đã xảy ra vậy? - Người nào đó hỏi, mắt nhìn cây lau nhà trước, rồi đến những dấu vết có kích cỡ khớp với cây lau nhà trên chiếc máy pha cà phê.
Britt-Marie im lặng không nói gì, đôi má đỏ ửng. Có lẽ bà đang nghĩ tới ông Kent. Cuối cùng bà hắng giọng, đứng thẳng người lại và nhìn thẳng vào mắt Người nào đó, rồi đáp:
- Tai bay vạ gió.
Người nào đó nhìn bà, rồi nhìn chiếc máy pha cà phê. Và nhìn cây lau nhà.
Chị ta bắt đầu cười lớn. Rồi ho rũ rượi. Và càng cười lớn hơn. Britt-Marie cảm thấy bị tổn thương sâu sắc. Chuyện này có gì đáng cười đâu. Ít nhất bà cũng nghĩ như thế. Đã nhiều năm nay bà không hề nói điều gì buồn cười cả, theo như bà nhớ được. Thế nên tràng cười của Người nào đó làm bà bực bội, vì bà nghĩ nó nhắm vào mình. Đó là điều bạn cảm thấy nếu như sống một khoảng thời gian đủ lâu bên cạnh một người chồng suốt ngày tìm cách tỏ ra hài hước. Trong mối quan hệ của họ chỉ có đủ chỗ cho sự hài hước của Kent mà thôi. Ông ta là người tỏ ra vui vẻ, còn Britt-Marie thì ở trong bếp loay hoay với những thứ cần cọ rửa. Họ phân chia nhiệm vụ như thế.
Nhưng lúc này Người nào đó đang cười lớn đến nỗi chiếc xe lăn của chị ta có nguy cơ lật nhào. Chuyện đó làm bà Britt-Marie cảm thấy bất an, và phản ứng tự nhiên của bà trước sự bất an là bứt rứt. Bà cầm lấy chiếc máy hút bụi với một cung cách rất khoa trương để tấn công vào bộ ghế sofa, lúc này đang bị bao phủ bởi một lớp natri bicarbonate.
Tràng cười của Người nào đó từ từ chuyển thành một tiếng cười khúc khích, rồi thành một tiếng lầm bầm gì đó về tai bay vạ gió.
- Buồn cười chết lên được, bà thấy đấy. Mà này, bà biết trong xe của bà có một cái thùng to vật chứ hả?
Như thể chuyện đó có thể làm bà Britt-Marie ngạc nhiên vậy. Bà vẫn có thể nghe thấy một chút khúc khích trong giọng nói của chị ta.
- Tôi biết. - Britt-Marie đáp với giọng căng thẳng, tai nghe thấy tiếng chiếc xe lăn di chuyển về phía cửa ra vào.
- Bà có cần giúp đỡ để mang nó vào bên trong không?
Britt-Marie bật máy hút bụi lên thay cho câu trả lời. Người nào đó hét lên để át tiếng ồn:
- Tôi không phiền gì đâu, Britt-Marie!
Bà ấn phần đầu hút của chiếc máy mạnh hết cỡ vào đệm ghế sofa, tiếp tục hút cho đến khi Người nào đó bỏ cuộc và la lên:
- Này, bà biết không, tôi có Fanta nếu bà muốn pha với rượu! Cả pizza nữa!
Đến đây thì cửa ra vào đóng lại. Britt-Marie tắt máy hút bụi. Bà không muốn tỏ ra không thân thiện, nhưng rõ ràng bà không muốn được giúp đỡ với cái thùng đồ đó. Lúc này đối với bà không có gì quan trọng hơn việc từ chối nhận sự giúp đỡ với cái thùng đồ.
Bởi vì bên trong thùng có một món đồ IKEA.
Và Britt-Marie sẽ tự mình lắp ráp nó.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét