Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

Rửa Hờn - Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng

Rửa Hờn

Tác giả: Vũ Trọng Phụng

Ngay khi nhảy lên yên chiếc xe đạp, thầy đội Chín Tư đã có một ý nghĩ “Ta quyết chẳng đánh đập ai hôm nay”.
Thầy vẫn biết: làm cái nghề phụ bạc này, không bị nguyền rủa thì lại không trọn bổn phận, nhưng hôm nay, mùng Một Tết, trước cảnh quang đãng của bầu trời, vẻ rộn rịp tưng bừng của tiếng pháo, sự hớn hở của người quần nâu áo vải cũng như của kẻ ngọc dát vàng đeo, - bao nhiêu cái nó khiến ngày Tết là ngày của sự tha thứ chung, - thầy Chín Tư bất giác cũng có những ý nghĩ thương đời.
Được thương đời rồi, thầy rất vui, và vui rồi, thầy lại thấy một cách kinh ngạc rằng người ta muốn có những phút mà tâm hồn thư thái lâng lâng cũng không khó gì: chỉ việc không đểu với ai là được! Thầy hớn hở coi điều ấy như một sự phát minh.
Chao ôi! Sao mà cuộc đời lại có thể tốt đẹp như thế!
Xác pháo trông đẹp, mùi thuốc pháo ngửi thơm. Ai cũng có quần áo đẹp, ai cũng tươi cười. Ăn mày chẳng cần lè nhè nhiều, phu xe không phải giở giọng vòi vĩnh. Cả đến bọn xúc xắc, bọn cò quay, được ngày “tháo khoán” nên chi cũng vênh váo vác những bộ mặt “ta đây kẻ giờ”.
Ông xếp Tây cưỡi xe đi trước, thầy Chín Tư theo sau.
Đoành một cái, thầy chỉ quay lại, mỉm cười tha thứ cho cậu bé tinh nghịch ném pháo trúng giữa lưng thầy.
Còn ông Xếp thì cứ việc khoan thai đạp bàn đạp, cũng không thấy có những dáng điệu lăm lăm như mọi ngày, chỉ tựa hồ như một nhà văn sĩ quan sát cái vui vẻ của một dân tộc ở một nước lạ xứ xa.
Đến một góc phố kia, bỗng thấy đám người xúm lại đông quá...
Thì ra trên vỉa hè chật hẹp có một đám cò quay, một gánh bánh tôm, một hàng cam với hai đứa ma cà bông đấm đá nhau, chửi bới nhau đến vỡ trời. Người xem xúm quanh như đám kiến quây quần một giọt mỡ.
- A lê đi!
Ông Xếp tây gác vào bờ hè cái xe đạp, cho mỗi chú một cái bợp vào gáy rồi giải tán đám đông người. Mấy bác hàng rong vội quẩy gánh ra đi. Riêng bác hàng cam, còn lúng túng buộc lại hào bao nên chửa đi ngay được.
Giọng gắt gỏng của ông Xếp tây đã có vẻ hứa mọi sự ác nghiệt:
- A lê đi!
Thầy Chín Tư run lập cập cả người. Bác hàng cam ấy, nào phải ai xa lạ, lại chính là vợ thầy ta. Thầy vội vàng xuống xe, giơ cao cái roi da, hòng những che mắt ông Xếp:
- Có mau không? Ông lại vụt cho một cái bây giờ!
Nhưng bác gái, thưa các ngài, tôi đã cam đoan là về cái ngu thì bác ta chiếm kỷ lục đấy. Vì rằng không những bác không biết ý tứ mà quẩy ngay gánh, lại còn liếc chồng một cái mà cười tủm, ngây thơ một cách rất khả ố, vẫn lần chần tháo rồi buộc buộc rồi lại tháo cái ruột tượng, thật đủng đỉnh hơn cái chĩnh trôi sông..., mà chung quanh chỗ ngồi, đống vỏ cam đã đủ là chứng cớ cho việc làm trái luật lệ, mất vẻ mỹ quan của hè thành phố.
Ông Xếp tây, sốt tiết, đã sấn đến sừng sộ nắm lấy cái quang...
Nhanh hơn, thầy Chín Tư đã giơ cao roi vụt cho chị hàng cam một cái, thì ông Xếp cũng thôi, không lật úp thúng hàng.
Bác hàng cam nhăn nhó, nguýt chồng, cất gánh lên vai.
Thầy Chín Tư cũng nhẩy lên xe đạp.
Ông Xếp lại khoan thai đạp bàn đạp, đi trước.
Thầy lính lại đạp theo sau...
Thầy Chín Tư đã có những ý nghĩ khác trước.
Khi thầy đã không thể tử tế được với vợ thầy, vạ gì thầy còn tử tế với ai.
Nhất là hôm nay, mồng Một Tết, vợ thầy ta đã bị “rông” rồi.
Một cái vụt tuy đã gỡ lại nổi một thúng hàng song một cái vụt cũng là một sự đáng đau xót. Tất nhiên đêm nay, về nhà, vợ thầy thế nào cũng giơ ra cái cánh tay tím bầm, cái cánh tay trắng nõn và ẻo lả mà thầy chỉ nắn một cách âu yếm, những lúc đêm khuya. Rồi thầy sẽ phải cắt nghĩa rõ: nếu không thế, thúng cam đã bị tung tóe khắp đường. Chẳng thà vợ thầy chịu đau đớn một tí còn hơn...
Ấy thế là thầy Chín Tư bất giác có những cảm tưởng chua chát về nghề. Thầy thấy tự mình đã làm một nghề khó khăn quá!
-  Chó thật! Chó thật!
Thầy lầm bầm như thế rồi nhìn đến cái roi da.
Đã muốn vui, người ta không cho thầy vui. Đã muốn tử tế, người ta không cho thầy tử tế. Phải chăng lỗi đó ở thầy? Mà đã không muốn để thầy tử tế thì, đối với đời, với tất cả mọi người, nếu thầy cứ tử tế, thầy sẽ là thằng ngu mà thôi!
Đây, mấy cái xe tay nghênh ngang. Mấy anh phu tưởng cứ ngày Tết thì không cần e gì đến luật đi đường nữa.
- Mở hàng! Phải đánh mở hàng!
Thầy Chín Tư tháo cái roi mắc ở gọng xe ra cầm vào tay, vượt xe ông xếp, lên trước. Vút! Vút! Vút! Một anh phu được một cái roi vào giữa cổ, anh khác vào cánh tay, anh thứ ba, vào cạnh sườn... Lại còn lão già này nữa... Vút! Lại một cái quật làm gẫy gập cái chắn bùn ở chiếc xe...
Rồi thầy lính lại lên xe, đi...
Đi sau, ông xếp Tây chắc hài lòng, sẽ cho thầy nốt tốt.
Đây kia... một đám đông. Hàng mía, hàng kẹo, hàng bún chả.
- Chỗ chúng bay họp chợ đây đấy à.
Vút! Vút! Vút! Cái roi cứ lần lượt đến hỏi tội vai cô hàng mía, cổ bác hàng kẹo, bà cụ hàng bún chả, nhanh chóng và có hiệu lực biết bao!
- Mở hàng! Phải đánh mở hàng!
Thầy lính lên xe, vẫn còn lẩm bẩm.
Ông xếp Tây cứ khoan thai đi sau, không phải ra một câu hiệu lệnh nào cả.
Kia, lại một đám ăn mày.
Một thằng què chống nạng, một con mẹ mặt mũi sù sì như mắc bệnh phong, một lão mù tóc bạc phơ, gầy hơn cái ống sậy, với hai thằng bé hở ngực, hở đít, tuy có quần áo song lại quá cởi truồng. Chúng quây nhau quanh một cái lá sen. Khố tải, chiếu rách chúng giải la liệt. Thật là một cái núi trấn lừng lững cả bờ hè. Chung quanh chúng, ruồi với nhặng vừa bay vo ve loạn xạ hơn cuộc thao diễn về nghề hàng không ở nước Nga La Tư... Chao ôi! Còn đâu là vẻ mỹ quan của thành phố!
Thầy Chín Tư ghếch xe đạp vào vỉa hè.
- Chỗ chúng mày ngồi đây à?
Cái roi da lại được giơ cao. Mà bàn tay trái, không có roi, cũng giơ cao.
Thằng què nhăn nhó xoa cánh tay. Con mụ hủi bưng lấy mũi, cố ngăn hai giải máu đào. Ông lão lòa thì... đầu râu tóc bạc, chả nỡ đánh, thì... phốc một cái, gói lá sen đựng bữa tiệc trong tay ông lão té nhào xuống rãnh! Mấy mẩu bánh chưng góc, mấy củ dưa hành chìm lỉm vào dòng nước đen và hôi.
Rồi thầy cảnh sát lại lên xe đi...
Rồi cái roi da lại cứ việc... mở hàng.
Chiều đến, về đến nhà, thầy được vợ nhìn mình một vẻ rất oán hận. Chả biết nói gì cả, thầy chỉ xoa cánh tay tím bầm của vợ mà rằng: “Thôi, chịu vậy. Nghề tao phải thế, mà chả cứ mình mẹ mày rông ngày Tết đâu”. Sau cùng, thầy ngửa cổ cả cười.
Cái cười ròn, kêu ha hả ấy chính là sự sung sướng.
Vì nó giống cái sung sướng của đấng cứu thế, khi bị đóng đanh câu rút, vì nó giống cái sung sướng của một đôi trai tài gái sắc yêu nhau rồi lấy được nhau, vì nó chính là cái sung sướng riêng của một ông lính cảnh sát, thưa các Ngài!
Cái sung sướng ấy phát tự đáy lòng phát ra.

Nguồn: Loa, Hà Nội, số 52 (7.2.1935)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét