Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Mục Tiêu Cuối Cùng - 10

Mục Tiêu Cuối Cùng
(The Last Dead Girl)

Tác giả: Harry Dolan
Dịch giả: Đỗ Phi
NXB Lao Động - 2018

10

Đồn cảnh sát trung tâm của Rome nằm trong trụ sở tòa án cũ trên phố North James. Những bậc thềm rộng rãi phía trước đồn dẫn xuống một quảng trường có hồ nước cùng đài phun. Những cây anh đào được trồng quanh hồ và những băng ghế đá.
Tôi đã từng tới đó và biết được rằng đài phun nước là một thứ rất đáng để chiêm ngưỡng, nhất là sau hoàng hôn và đèn xung quanh hồ đều đã được bật lên. Nhưng vào lúc 3 giờ sáng thì chẳng có ai thưởng thức quang cảnh này: Ánh đèn tối lờ mờ và mặt nước phẳng lặng.
Tôi bước xuống những bậc thềm của trụ sở tòa án, băng qua quảng trường và đi ngang một biển hiệu có ghi Không lảng vảng sau khi trời tối. Tôi không lảng vảng. Tôi bước ra đường và nghĩ tới chiếc xe tải của mình, có lẽ vẫn còn đang để ở nhà Jana. Tôi có thể bắt taxi tới đó nhưng lúc này chẳng thấy chiếc nào.
Tôi cuốc bộ qua một tòa nhà tới điểm dừng xe buýt và ngồi xuống một đầu băng ghế. Ngồi ở đầu bên kia là một ông lão da đen mặc áo choàng. Trên vai áo ông ta có một vết rách dài và đã được vá lại bằng băng dính.
- Ông có biết chuyến tiếp theo bao giờ thì đến không? - tôi hỏi ông ta.
- Tầm khoảng 6 giờ sáng, tôi đoán vậy.
- Ông đang chờ chuyến đó phải không?
- Chờ chuyến đó cũng như chờ bất cứ thứ gì khác.
Có một bản đồ tuyến xe buýt trên tường nhà chờ và chỉ cần xem lướt qua, tôi đã có thể xác nhận rằng chẳng có chuyến xe buýt nào đưa tôi đến gần căn hộ của Jana, ngay cả nếu tôi muốn chờ tới tận 6 giờ. Lưng tôi đau ê ẩm vì phải ngồi trong căn phòng ốp gạch trắng kia, còn vết cắt trên thái dương thì râm ran ngứa. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Tôi rút điện thoại ra gọi một chiếc taxi và thấy trên màn hình hiển thị tới 7 cuộc gọi nhỡ, tất cả đều là của Sophie.
Tôi cố hình dung xem mình có thể nói gì với cô ấy nhưng không nghĩ được gì nên đành đặt điện thoại xuống băng ghế. Rồi tôi tựa đầu lên bức tường bằng kính acrylic* của nhà chờ xe buýt và nhắm mắt lại chỉ là để cho chúng nghỉ ngơi.
[Plexiglass: một loại nhựa nhiệt dẻo, khó vỡ, trong suốt thường được sử dụng thay thế cho kính và thủy tinh.
Ông lão mặc áo choàng nói:
- Cậu không nên làm vậy, con trai, ngủ ở bến xe buýt ấy. Cảnh sát chắc chắn sẽ tới dựng cậu dậy.
- Tôi sẽ không ngủ đâu.
Ông ta bật cười:
- Tôi nghĩ mình biết một người sắp ngủ trông như thế nào.
Tôi ngủ thật. Còn nằm mơ nữa, dù tôi không nhớ được mấy. Tôi chỉ biết rằng trong giấc mơ của mình có ánh nến lung linh và Jana Fletcher vẫn còn sống.
Tôi thức giấc khi ông lão mặc áo choàng lay vai tôi gọi dậy.
- Nào, con trai, xe của cậu đến rồi kìa, - ông ta nói.
- Cậu đúng là một anh chàng may mắn, - ông ta nói. - Được ngồi xe như thế kia.
Tôi nhìn quanh tìm kiếm một chiếc taxi, rồi nhớ ra mình không gọi xe.
Ông lão mặc áo choàng đang cố đưa tôi cái điện thoại.
- Tôi đã tự ý thu xếp vài chuyện, - ông ta nói. - Và nghĩ rằng cậu sẽ không thấy phiền.
Trên lề đường phía bên kia, có một chiếc ô tô đang đỗ. Đèn báo hiệu khẩn cấp nhấp nháy và cánh cửa bên ghế lái bật mở. Một người phụ nữ đang đứng ngay cạnh cánh cửa. Cặp kính mắt mèo và mái tóc được cặp gọn. Sophie.
-Điện thoại đổ chuông trong khi cậu đang ngủ, vậy nên tôi đã tự ý nghe máy, - ông lão mặc áo choàng nói. - Thật tốt vì tôi đã làm như vậy vì người đang gọi đến chính là bạn gái cậu.
Sophie đang nhìn tôi nhưng cô ấy vẫn đứng yên.
- Đi đi, - ông lão nói. - Anh đúng là ngốc nếu không đi cùng một cô gái như thế.

* * *

Chiều hôm sau, tôi thức dậy trên chiếc giường của mình lần đầu tiên trong suốt 10 ngày qua.
Mành đóng nhưng tôi vẫn nhìn thấy ánh sáng len qua. Tôi ngồi dậy, lật chăn ra rồi đặt chân xuống sàn. Tôi đưa tay lên thái dương và cảm thấy những mũi khâu Sophie đã thực hiện sau khi chở tôi về nhà.
Cô ấy đã bình tĩnh một cách bất thường khi ngồi trong ô tô.
- Em đã gọi cho anh 7 cuộc liền, - cô ấy nói.
- Anh xin lỗi.
- Em đã nghe chuyện về cô gái đó trên thời sự. Bản tin địa phương lúc 11 giờ. Em không biết anh đang ở đâu, gọi điện thì anh không bắt máy.
- Cảnh sát đã lấy điện thoại của anh.
- Em tưởng anh đã chết.
- Tại sao...
- Em nghĩ anh đang ở cùng với cô gái đó và anh cũng đã chết, giống như cô ta vậy. Tin tức không đề cập đến anh, nhưng em nghĩ có lẽ họ sẽ không... Có lẽ, họ sẽ chờ cho đến khi cảnh sát thông báo cho người thân của anh trước. Và đó không phải là em, em chỉ là hôn thê của anh. Họ đang cố gắng gọi cho mẹ anh ở Florida...
- Sophie, anh vẫn còn sống mà.
- 7 cuộc gọi cuối cùng thì một viên thanh tra nào đó đã bắt máy, rồi anh ta chuyển máy cho một thanh tra khác, nhưng ông ta chẳng nói gì với em, ngoại trừ việc anh không thể nghe điện thoại vì đang bị thẩm vấn.
- Chắc đó là Moretti...
- Vậy là em biết anh còn sống và em tự hỏi liệu anh có phải là nghi phạm trong vụ án mạng kia hay không.
- Không.
- Đó là lý do họ giữ anh ở đây đến gần sáng?
- Chắc thế, - tôi nói. - Nhưng nó đã qua rồi. Anh không làm chuyện đó.
Sophie nắm tay lại và thụi vào vai tôi mà không dời mắt khỏi con đường. Rồi cô ấy thụi thêm một cú nữa nhưng lần này mạnh hơn. Và lại một cú nữa.
- Anh không làm chuyện đó, - cô ấy lặp lại câu nói của tôi. - Vậy anh tưởng em nghĩ anh làm chuyện đó sao?

* * *

Về đến nhà, cô ấy bóc miếng băng cá nhân khỏi thái dương của tôi và nhìn vào vết cắt. Tôi đã không làm gì nhiều để làm sạch nó nên vẫn còn máu khô bám xung quanh.
- Chuyện gì đã xảy ra? - cô ấy hỏi.
Tôi kể cho cô ấy nghe về tay cảnh sát tuần tra trẻ tuổi ở căn hộ của Jana.
- Anh không được động chạm đến vết thương, Dave. Nó sẽ không thể lành hoàn toàn và có khi còn bị nhiễm trùng nữa.
- Khâu nó lại đi, - tôi bảo cô ấy.
Cô khẽ nhướn mày.
- Giờ anh đã tin tưởng để em khâu nó lại cho anh sao?
- Cứ làm đi. Em có đồ nghề ở đây phải không?
- Em có một bộ dụng cụ khâu vết thương, - cô ấy nói, - nhưng sẽ đau đấy. Em không có thuốc tê.
- Làm đi. Nó có thể tệ đến thế nào chứ?
- Thử xem nhé.
Tôi vẫn ổn trong khi cô ấy dùng nước và cồn lau sạch vết cắt. Sau đó, cô ấy lấy dụng cụ và bắt đầu khâu mũi đầu tiên một cách chậm rãi và cẩn thận, rồi giật mạnh sợi chỉ.
- Chúa ơi, đau quá, - tôi nói.
Sophie khẽ cắn môi.
- Chỉ hai mũi nữa thôi.
- Em hứa chứ?
- Có lẽ là ba.
- Chúa ơi.
- Anh ngừng nhăn mặt đi.
- Một cái kim, - tôi nói, - đang xuyên vào da thịt anh.
- Cứ việc tưởng tượng xem chuyện này đang khiến em cảm thấy như thế nào.
Cô ấy khâu mũi cuối cùng, buộc nó lại và cắt đứt sợi chỉ.
- Giờ thì đừng động vào nó, - cô ấy nói. - Và đừng để người khác đập mặt anh vào tường nữa.

* * *

Tôi mở bức mành che trong phòng ngủ, không hề cảm thấy choáng váng trước ánh sáng ban ngày, vậy nên tôi đi một vòng quanh căn hộ và mở tất cả mành che chúng tôi có. Sophie đã rời khỏi nhà nhưng cô ấy để lại cho tôi một món quà: một hộp băng cá nhân chống thấm nước cỡ lớn trên bàn bếp. Tôi pha cà phê và thưởng thức một tách. Rồi rót thêm tách nữa và mang nó vào phòng ngủ trống mà tôi dùng làm phòng làm việc.
Hiện tại đang là năm 1998 và tôi có một chiếc máy tính chiếm trọn cả bàn làm việc: một màn hình to như một cái rương, CPU, bàn phím và chuột - tất cả được kết nối với nhau bằng một mớ dây cáp rối rắm. Tôi bật máy tính lên và xem lịch trình làm việc. Tôi đã ngủ quá lịch kiểm tra tình trạng một căn nhà tới một tiếng đồng hồ và một cuộc kiểm tra khác lúc 5 giờ. Lúc này đã gần 4 giờ rồi. Quá muộn để hủy lịch, vậy nên tôi phải nhanh lên mới được. Tôi cần tắm táp và phải qua nhà Jana lấy xe tải.
Tôi đã ra tới cửa trước khi quay trở lại. Tôi bước đến chỗ bàn làm việc, mở ngăn kéo giữa và nhìn thấy mảnh giấy đã được gấp lại: danh sách những cái tên mà tôi đã chép được trong danh bạ địa chỉ của Jana. Tôi đã quăng nó vào đây 10 ngày trước.
Trong khoảng hơn chục cái tên, chỉ có một cái duy nhất là quen quen: Roger Tolliver, một trong những giảng viên của Jana. Tôi có số điện thoại của ông ta nhưng không có địa chỉ.
Tôi không có thời gian xử lý danh sách này nếu như muốn giữ đúng lịch hẹn. Vậy nên tôi sẽ phải chọn 1 trong 2.
Tôi lưỡng lự rồi quyết định mình có thể tra thông tin về một cái tên và để số còn lại xử lý sau. Roger Tolliver - đó sẽ là cái tên được chọn. Tôi có thể sử dụng máy tính nhưng thời đó cần phải có đường dây điện thoại mới kết nối được Internet. Sử dụng niên giám điện thoại sẽ nhanh hơn.
Và tôi đã tìm ra ông ta. Tolliver, R. Ngay giữa Tolliver, PaulTollman, Julia. Và khi tìm thấy ông ta, tôi đã đưa ra quyết định. Tôi quên bẵng mất cuộc hẹn. Roger Tolliver trên đường Quaker Hill.

* * *

Những căn nhà trên đường Quaker Hill đều nằm cách nhau một đoạn. Hầu hết đều là di tích của những năm 40 với ống khói bằng đá và ván ghép màu trắng. Nhưng căn nhà của Tolliver lại khác: mới xây, mặt tiền bằng gạch phía trước, ván nhựa vinyl.
Phải hơn 5 giờ tôi mới đến được đó vì mất thời gian tắm táp, ăn uống và gọi một chiếc taxi chở mình đi lấy xe tải. Tôi tưởng có khi Tolliver đang ở nhà nhưng khi tôi gõ cửa, chẳng ai trả lời. À không, để tôi sửa lại: Chẳng có ai ra mở cửa. Bởi tôi có nghe tiếng trả lời. Tolliver có một con chó - một con chó to lớn, lồng ngực rộng và dữ dằn, xét theo tiếng sủa của nó. Loại chó mà bạn có thể bắt gặp trong một trại giam, kéo căng sợi dây xích, nhe răng ra và táp không khí như nhắc bạn nhớ rằng sẽ thật là điên khùng nếu cố gắng vượt ngục.
Con chó bắt đầu cất tiếng sủa ngay lúc tôi gõ cửa và dai dẳng không ngớt ngay cả khi tôi đã bước xuống khỏi hiên nhà. Tôi đi vòng ra phía sau lách qua bờ giậu bên dưới một khung cửa sổ, và khi tới gần tấm kính, tôi có thể nhìn thấy nó đang ở trong đó. Không giống sói như tôi tưởng tượng, mà là một con chó chăn cừu giống Anatolia, màu nâu nhạt với chiếc mõm đen. Nó vẫn đang sủa như điên, như thể bắt được quả tang một tên tù nhân cắt lỗ trên hàng rào, cố gắng tẩu thoát.
Nhưng hóa ra nó đang bị nhốt trong cũi. Tolliver đã nhốt nó trong một cái lồng thưa bằng kim loại, chỉ vừa đủ rộng để trở mình - có lẽ nhằm ngăn nó không gặm đồ đạc.

* * *

Con người ta thường hay bất cẩn.
Khi Roger Tolliver rời khỏi nhà hôm ấy, ông ta đã chắc chắn rằng cả cửa trước lẫn cửa sau đều khóa. Và cửa sổ nữa, ít ra là những cái dưới tầng trệt. Nhưng ai thèm bận tâm kiểm tra cửa sổ tầng trên chứ?
Tôi có một cái thang trong xe tải. Vậy là tôi đi lấy nó, kéo dài ra và dựa nó vào mặt tiền gara. Phía bên trên gara, một phần mái dốc thẳng lên tới một khung cửa sổ đôi trên tầng hai và tôi có thể nhìn thấy cánh cửa bên trái đang mở hé vài phân.
Đi trên mái nhà dốc nghiêng có thể rất nguy hiểm nếu không có kinh nghiệm. Nhưng tôi có đầy. Đôi lúc khi kiểm tra nhà, bạn không cần phải trèo lên mái mà vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ từ dưới đất. Nhưng tôi luôn luôn trèo lên. Bởi khách hàng thích vậy. Khi bạn làm được những việc mà khách hàng không muốn tự mình làm, điều đó sẽ khiến họ nghĩ đồng tiền mình bỏ ra là xứng đáng.
Tôi trèo lên mái nhà, tháo khung lưới cửa sổ và nhấc khung kính trượt lên. Sau đó, tôi lẻn vào trong một căn phòng trông giống như phòng ngủ dành cho khách rồi lắp lại khung lưới. Con chó đang sủa to hơn bao giờ hết.
Tôi tìm thấy cầu thang và đi xuống chỗ nó. Căn nhà của Tolliver có một gian phòng lớn với lò sưởi, xung quanh đáy lò là mặt sàn bằng đá và chiếc cũi chó đang đặt ngay trên đó. Tôi quỳ xuống bên cạnh chiếc cũi và để con chó chăn cừu ngửi ngửi mu bàn tay của mình, tiếng sủa của nó liền chuyển thành tiếng gầm gừ ư ử trong cổ họng - điều này rất có khả năng cho thấy chúng tôi sẽ trở thành bạn bè.
Khi tôi lùi lại để bước tới cửa chính, nó gầm gừ nhiều hơn. Tôi mở cửa và bước ra bên ngoài, tháo chiếc thang xuống rồi gập nó lại trước khi đặt vào trong xe tải. Lúc tôi quay trở vào, con chó đã quên hết tất cả về tình bạn giữa chúng tôi. Chúng tôi lại đang ở tù và nó vừa bắt quả tang tôi cưa cổng.
Tôi để mặc nó sủa, hy vọng nó sẽ thấy mệt. Thật khó để có thể ước đoán tôi có được bao nhiêu thời gian trước khi Tolliver trở về nhà, bởi giảng viên Đại học thường tự lập ra lịch làm việc của mình. Tôi nghĩ ông ta sống một mình dựa trên những gì quan sát được từ nãy đến giờ. Những khung ảnh treo dọc trên bức tường cạnh cầu thang chụp một người đàn ông cùng hai đứa trẻ, một trai và một gái - có lẽ là Tolliver và hai đứa con của ông ta. Không thấy xuất hiện người vợ trong bất cứ tấm ảnh nào. Tôi kiểm tra phòng để đồ gần lối vào và thấy treo toàn áo khoác nam giới, không có quần áo phụ nữ hay trẻ con. Ngoài ra, còn có đồ chơi và trò chơi trong đấy nhưng tất cả đều đã được đóng gói lại, như thể con cái Tolliver có ghé thăm ông ta song không sống ở đây.
Bắt tay vào việc nào. Tôi có hai lý do để đột nhập bất hợp pháp vào nhà Roger Tolliver và có thể dễ dàng tóm tắt chúng như sau: Những chiếc cúc áo và que kem.
Tôi xử lý cái thứ hai trước. Tôi tìm thấy tủ lạnh của Tolliver trong phòng bếp và mở cửa ngăn lạnh ra. Trong đó có pizza và cá đông lạnh, không có kem que nhưng ông ta thích kem. Ông ta có mấy hộp kem Häagen-Dazs, bánh sandwich kẹp kem, kem sữa que*.
*[Kem sữa trên những chiếc que bằng gỗ]
Điều đó chẳng chứng minh được gì, dĩ nhiên rồi. Có đến bao nhiêu người có kem sữa que trong tủ lạnh nhà mình chứ?
Tôi đóng cửa tủ và đi tìm kiếm những chiếc cúc áo.

* * *

Hãy nhớ: Vào cái Đêm con hươu cái, khi tôi gặp Jana Fletcher trên đường Quaker Hill, cô có một vết bầm trên má. Giờ thì dường như có khả năng vết bầm đó là do giảng viên của cô, Roger Tolliver, gây ra. Nhưng nếu tôi hỏi, ông ta có thể phủ nhận. Ông ta có thể nói rằng cô đã có vết bầm trước cả khi gặp ông ta vào đêm đó, hoặc rằng cô chưa từng ghé qua nhà ông ta. Tôi chẳng thể chứng minh được rằng ông ta nói dối.
Trừ khi tôi có thể tìm thấy những chiếc cúc áo của cô ấy.
Vào cái đêm mưa gió kia, Jana mặc một bộ đồ màu đen. Cổ áo của cô ấy mở rộng và bị thiếu mất hai chiếc cúc.
Tôi lục lọi khắp mọi ngõ ngách trong nhà Tolliver để tìm kiếm chúng. Tôi có thể hình dung ra chúng: màu trắng sữa như những viên ngọc trai trên nền áo đen. Tất cả thảm trải nhà của Tolliver đều có màu trắng hoặc trắng nhạt, vậy nên tôi nằm bò trên sàn nhà ông ta, thỉnh thoảng dò dẫm bằng tay. Con chó vẫn sủa. Tôi lục lọi trong đống đệm ghế và dưới gầm những nội thất trong nhà. Bắt đầu từ tầng trệt rồi di chuyển lên tầng trên và dù đã tìm kiếm mọi ngõ ngách trong nhà, tôi vẫn không thu được kết quả gì.
Rồi tôi nghĩ đến việc xem xét trong tủ quần áo và đã tìm thấy thứ đó trong tủ quần áo của phòng ngủ dành cho khách: máy hút bụi của Tolliver.
Tôi vòng lên phòng tắm trên cầu thang, vớ lấy một cái khăn rồi mang nó trở lại và trải lên sàn phòng ngủ.
Con chó vẫn đang sủa điên cuồng ở dưới nhà. Từ tiếng sủa của nó thì xem ra chúng tôi đang sắp đi truy nã. Tôi hình dung ra cảnh những người lính đi ủng đen đang chạy và ánh đèn pha rọi khắp khu vực xung quanh.
Tôi cạy nắp máy hút bụi, đánh vật để lấy chiếc túi đựng. Sau đó, lấy con dao bỏ túi của mình rạch nó ra rồi thò tay vào cái đống màu xám đầy tóc, bụi bẩn và đất kia. Tất nhiên cái túi đã gần đầy. Tôi bắt đầu bốc ra từng nắm rác rưởi một, trải nó ra sàn nhà và dùng ngón tay tìm kiếm.
Đám bụi xám trôi nổi trong không khí. Tôi cố không hít vào. Con chó vẫn cứ sủa. Tôi với tay vào cái túi và bốc thêm một nắm nữa, ngón tay chạm phải một vật gì đó tròn nhẵn. Chẳng hiểu vì sao tiếng sủa càng ngày càng lớn hơn và cuồng nhiệt hơn.
Những ngón tay để hụt mất vật tròn tròn kia rồi lại tìm thấy nó. Tiếng sủa đang di chuyển tới gần tôi hơn, trèo lên những bậc thang. Tôi rút tay ra khỏi chiếc túi và trong khi đang phủi bụi những chiếc cúc áo của Jana, tôi bỗng thấy con chó đã đứng ngay ở cửa, còn Roger Tolliver thì đang nắm dây xích giữ nó lại.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét