Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Mục Tiêu Cuối Cùng - 21

Mục Tiêu Cuối Cùng
(The Last Dead Girl)

Tác giả: Harry Dolan
Dịch giả: Đỗ Phi
NXB Lao Động - 2018

21

Đến khoảng đầu giờ chiều, tôi từ biệt Gary Pruett. Hôm đó đang là tuần thứ hai của tháng Năm, không khí vì thế trở nên khô lạnh trên vùng phía bắc này. Tôi dùng bữa trưa tại một nhà hàng Ý đối diện nhà tù và chọn một chiếc bàn có tầm nhìn sang bức tường cao xám xịt.
Hơn 6 giờ, tôi về tới Rome và gọi điện cho luật sư của Pruett - một người phụ nữ tên là Emily Beal - hỏi xem chúng tôi có thể cùng nhau đi uống chút gì đó khoảng 8 giờ được không. Sau khi chúng tôi đã nhất trí về địa điểm, tôi cúp máy và lái xe đến căn hộ của Jana Fletcher.
Tôi dùng chìa khóa để vào nhà. Cảnh sát đã xé bỏ giấy niêm phong dán trên cửa sau khi thu thập được tất cả bằng chứng mà họ cần. Vậy nên căn hộ hiện giờ là của tôi, ít nhất là trong một tháng nữa. Tôi đã thỏa thuận với Agnes Lanik.
Tôi đã tới gặp bà ấy vào sáng thứ Năm, không lâu sau khi đọc được mẩu giấy nhắn của Sophie. Có lẽ một trong hai chúng ta nên nghĩ tới chuyện chuyển ra ngoài. Tôi biết cô ấy đang ám chỉ đến ai. Agnes đã ra mở cửa ngay khi tôi gõ. Trông bà ấy có vẻ như miễn cưỡng gặp tôi. Tôi nói với bà ấy điều mình muốn và bà ấy chấp nhận. Tôi bảo tôi sẽ trả mức giá giống như Jana và bù đắp những khoản Jana còn thiếu. Bà ấy cau mày, như thể bị tôi xúc phạm.
- Cô gái đó chẳng nợ gì tôi cả, - bà ấy nói.
Tôi tắm rửa thật kỹ để gột sạch mấy tiếng đồng hồ đi đường. Sau đó, tôi đứng lau người trước tấm gương mờ hơi nước và nghĩ mình đã nghe thấy thứ gì đó chuyển động bên ngoài cửa phòng tắm. Tôi đi ra đó và chầm chậm mở cánh cửa trên những tấm bản lề han gỉ. Nhưng không thấy có ai trong phòng khách. Cũng chẳng có ai trong phòng ngủ hay nhà bếp. Chỉ có mỗi mình tôi, sự lo lắng và trí tưởng tượng của tôi mà thôi.
Tôi sợ rằng có lẽ mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn và nghĩ mình sẽ không thể ngủ ở đây. Nhưng đêm đầu tiên lại cho tôi một cảm giác an tâm. Phòng ngủ có cảm giác giống như ở nhà. Agnes đã thuê người tới dọn dẹp căn hộ, nhưng đồ đạc của Jana vẫn được giữ nguyên vị trí.
Tôi cảm thấy thật kỳ lạ khi đi qua chỗ mình đã tìm thấy thi thể của Jana trong phòng khách, nhưng tôi nghĩ như thế là hợp lý. Chắc chắn đôi lúc tôi vẫn sẽ hoảng sợ, cho đến khi quen dần với việc ở đây một mình.
Vào lúc 8 giờ, tôi đỗ xe ở trung tâm thành phố và đi qua nửa dãy nhà đến một nhà hàng tên là The Savoy. Tôi nói cho bà chủ tên mình và bà ấy dẫn tôi đến một bàn nằm khuất trong một góc xa. Emily Beal đang ngồi đó với một mục trong tờ tạp chí New York Times gấp gọn thành hình chữ nhật đặt trên khăn trải bằng vải lanh màu trắng và chơi trò điền ô chữ.
Bà ta đứng dậy từ chỗ ngồi của mình để bắt tay tôi. Nghe giọng bà ta trên điện thoại, tôi đoán bà ta tầm 30, 40 tuổi, nhưng trông bà ta già hơn thế, ít nhất là 50 dựa vào các đường nếp nhăn trên khuôn mặt. Bà ta có mái tóc vàng nhạt đang phai dần sang trắng. Bà ta đáng uống một ly cappuccino và hỏi tôi có muốn gọi một tách không. Tôi nói là có.
- Anh nghĩ gì về Gary Pruett? - bà ta cất tiếng hỏi sau khi tôi đã yên vị.
- Thật khó nói. Còn phụ thuộc rất nhiều vào việc anh ta có nói sự thật hay không.
- Lúc nào cũng vậy. Tôi cho rằng anh ta đã kể cho anh về giả thuyết của mình, về cặp anh em họ kia.
Tôi gật đầu.
- Luke và Eli Daw.
- Những kẻ sát nhân thực sự, - Emily Beal nói. - Phiên bản về gã đàn ông chỉ có một cánh tay* của anh ta.
[Nhân vật trong bộ phim The Fugitive (Kẻ đào tẩu) của Mỹ, về bác sĩ Richard Kimble, bị oan sai là đã giết chết vợ mình và đang bị tạm giam chờ nhận án tử hình. Kimble sau đó đã tẩu thoát và bắt đầu hành trình đi tìm kiếm kẻ giết người thực sự - gã đàn ông chỉ có một cánh tay nhằm chứng minh mình vô tội]
- Bà không nghĩ chúng đã sát hại vợ anh ta sao?
Bà ta nhấp một ngụm từ tách cappuccino của mình.
- Tôi nghĩ anh sẽ gặp khó khăn khi tranh luận điều đó trước tòa, - bà ta nói. - Đấy tất nhiên là những gì Gary muốn tôi làm.
- Nhưng bà đã không làm vậy.
- Không có cách nào để kết nối chúng với tội ác kia. Chúng đã theo học tại trường Trung học nơi Cathy Pruett giảng dạy, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì. Chúng đã tham gia tìm kiếm thi thể của cô ấy, nhưng rất nhiều người khác cũng vậy. Nếu chúng là người phát hiện ra cái xác, thì có lẽ anh có thể lập luận được. Anh có thể cho rằng ngay từ đầu chúng đã biết vị trí của cô ấy, vì chính chúng đã đặt cô ấy ở đó. Nhưng chúng lại không tìm thấy cô ấy.
- Vậy ai đã tìm thấy?
- Một người phụ nữ tới từ Schenectady đang trên đường lái xe vào thành phố thăm gia đình. Cô ta mang theo con chó của mình và tấp vào vệ đường để cho nó ra ngoài - không thì nó sẽ tiểu bậy trong xe. Nó chạy vào một cánh đồng và bắt đầu sủa loạn lên, không chịu quay trở ra. Cô ta đi kéo nó về và thấy nó đang đứng bên thi thể của Cathy Pruett.
Emily Beal để vài giây trôi qua. Sau đó, một nụ cười mệt mỏi nhếch lên trên khóe miệng bà ta.
- Nếu có thể gán vụ án mạng cho người phụ nữ có con chó, thì tôi đã làm rồi. Nhưng cảnh sát đã kiểm tra thông tin của cô ta và cô ta chẳng có liên quan gì đến gia đình Pruett, cũng như không có tiền án tiền sự nào.
- Cảnh sát đã bao giờ thẩm vấn Luke và Eli Daw về Cathy Pruett chưa? - tôi hỏi.
- Chưa. Gary chỉ bắt đầu nghi ngờ anh em nhà Daw sau khi Eli Daw chết. Anh ta đã chia sẻ những nghi vấn của mình với tôi và tôi đã nói với thanh tra phụ trách vụ án của Cathy...
- Frank Moretti.
- Đúng vậy. Moretti không thể nói chuyện với Luke Daw, vì Luke đã bỏ trốn ngay đêm Eli chết. Theo như tôi biết, họ vẫn đang tìm kiếm hắn ta. Đến lúc đó, thi thể Cathy đã được phát hiện và Gary bị buộc tội sát hại vợ mình. Vì vậy, tôi không mong đợi Moretti sẽ đổi ý và cố gắng chứng minh anh em nhà Daw đã sát hại cô ấy. Nhưng tôi cho rằng ông ta sẽ xem xét khả năng đó, điều mà bất kỳ một cảnh sát chính trực nào cũng sẽ làm.
- Vậy ông ta có làm thế không?
Emily Beal tìm kiếm câu trả lời trong cốc cà phê của mình.
- Ai mà biết được? Vụ kiện chống lại Gary đã có tiến triển, đó chính là mấu chốt. Nhưng tôi không chắc mình đặt bao nhiêu niềm tin vào giả thuyết của Gary: rằng anh em nhà Daw đã sát hại Cathy và sau đó, Luke Daw đã giết chết Eli nhằm bịt đầu mối. Tôi đã tự mình kiểm tra một vài thứ. Cả hai anh em nhà Daw đều có tiền án tiền sự. Tàng trữ ma túy mức độ nhẹ. Điều đó có nghĩa là chúng có thể dính líu tới một tội ác nghiêm trọng hơn, nhưng công tố viên không chắc mình có thể khởi tố được, nên ông ta đã cho hắn một thỏa thuận điều đình.
[Plea bargain: Một sự thương lượng hoặc thỏa thuận được tiến hành giữa công tố viên và luật sư biện hộ của bị cáo, theo đó bị cáo sẽ thay đổi lời biện hộ từ vô tội sang có tội để đổi lại một mức độ khoan hồng nào đó]
- Bà nghĩ rằng chúng buôn bán ma túy?
- Đúng vậy. Và nếu chúng làm ăn với nhau - loại làm ăn đó - thì không cần phải tưởng tượng quá nhiều mới giải thích được lý do Luke Daw bắn chết em họ mình. Bọn tội phạm vẫn thanh toán lẫn nhau vì tiền suốt đấy. Anh không cần phải tìm kiếm những lý do khác.
Bà ta uống một ngụm cappuccino. Đúng lúc đó, cô phục vụ mang cho tôi một tách và tôi cũng uống. Tôi cố quyết định xem chuyện nào có nhiều khả năng hơn: Eli Daw bị giết chết vì Cathy Pruett hay vì tiền buôn ma túy. Tôi không đưa ra được bất cứ kết luận nào.
- Hãy nói về Moretti, - tôi nói.
Emily Beal gật đầu:
- Chắc chắn rồi.
- Bà nói bà cho rằng ông ta sẽ hành động như một viên cảnh sát chính trực. Vậy ông ta có phải người như thế không?
Bà ta đẩy cốc cà phê của mình sang một bên.
- Theo những gì tôi biết thì đúng.
- Bà có tin tưởng ông ta không?
- Có chừng mực. Nhiều như tôi tin tưởng bất kỳ thanh tra nào.
- Bà có tin rằng có thể ông ta đã cố khép tội Gary Pruett? Bà có tin ông ta đã lợi dụng Napoleon Washburn - khuyến khích lão ta bịa ra chuyện lời thú tội?
- Tôi cũng nghĩ tới chuyện đó, - bà ta nói với một cái nhún vai. - Nhưng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bất cứ luận điểm nào để củng cố quan điểm đó. Tôi đã tìm kiếm một khuôn mẫu từ các vụ án khác Moretti phụ trách dựa vào những nguồn tin trong tù. Nhưng tôi không phát hiện được gì cả.
- Điều ấy chỉ cho thấy trước đó, ông ta chưa từng làm như thế, - tôi nói. - Có lẽ đây là lần đầu tiên.
- Được rồi. Giả sử đó là thật. Vậy anh phải hỏi xem làm thế nào Moretti thuyết phục được Washburn giúp đỡ mình. Ông ta vào tù thăm lão sao?
- Tại sao lại không chứ? - tôi nói.
- Chuyện đó chưa từng xảy ra. Nhà tù hạt giữ hồ sơ về khách khứa đến thăm. Không có ghi chép nào về việc Washburn được Moretti - hay bất kỳ viên cảnh sát nào khác - đến thăm cả. Tôi đã kiểm tra rồi.
- Có lẽ ai đó đã thay đổi hồ sơ.
Emily Beal giữ vẻ mặt trung lập:
- Như thế này là anh đang sa vào thuyết âm mưu đấy, - bà ta nói. - Chúc may mắn. Nhưng nếu anh hỏi tôi, thì không có khả năng ấy đâu. Gary Pruett không đáng để phải âm mưu thế đâu.
Tôi di ngón tay vòng tròn trên tấm khăn trải bàn.
- Tôi có cảm giác bà không thích anh ta lắm.
- Tôi cố gắng không nghĩ thế, - bà ta nói. - Khi bào chữa cho những người như anh ta, tốt nhất là không đánh giá họ. Anh không muốn tự hỏi mình liệu họ có xứng đáng được bào chữa hay không. Nhưng nói thật, không, tôi không thích anh ta. Chẳng cần biết anh ta có sát hại vợ mình hay không. Hãy nghĩ tới Angela Reese, cô gái anh ta có quan hệ tình ái. Cô bé ấy chỉ mới 18 tuổi. Anh ta lại là thầy giáo của cô bé. Anh có thể nói rằng chuyện đó không phạm pháp. Được thôi. Nhưng nó đã đi quá giới hạn. Tôi cũng có con gái bằng tuổi cô bé ấy. Tôi cầu Chúa cho con bé tránh xa những gã đàn ông giống như Gary Pruett.
Vẻ mặt trung lập của bà ta đã biến mất và được thay thế bằng sự khinh miệt. Tôi chợt nhận ra rất nhiều người cũng sẽ có cảm giác như vậy về Pruett. Đặc biệt là các bậc cha mẹ.
- Frank Moretti có con gái không? - tôi hỏi.
Emily Beal với lấy cây bút bà ta đã sử dụng khi chơi trò ô chữ.
- Tôi tin rằng ông ta đã có một đời vợ và một cậu con trai học Đại học đâu đó ở miền Nam. Nhưng không có con gái. - Rồi bà ta gõ bút vu vơ trên tờ báo của mình. - Anh không nên nghĩ nhiều về Moretti, - bà ta nói. - Danh tiếng của ông ta rất vững. Tôi đã tìm kiếm những hạt sạn trong lý lịch của ông ta nhưng không tìm thấy gì cả: không nghiện ma túy, không cờ bạc hay bạo lực. Điều tồi tệ nhất tôi nghe được là có lẽ ông ta quá thân thiết với những nạn nhân nhất định trong các vụ án.
- Điều đó có nghĩa là gì? Những nạn nhân nào?
- Những nạn nhân nữ, nhất là những người hấp dẫn, - bà ta nói. - Nếu một người đàn ông bị sát hại và bỏ lại một góa phụ xinh đẹp. Moretti có thể sẽ nhận trách nhiệm an ủi cô ta. Và tôi dùng từ “an ủi” ở đây giống y như cách anh đang nghĩ tôi sẽ dùng.
- Tôi hiểu.
- Vậy đó, - bà ta nói và vẫy vẫy bàn tay cầm chiếc bút của mình. - Thanh tra Moretti cũng có những khiếm khuyết, nhưng chúng dường như không dính líu gì đến việc ghép tội người khác hay mua chuộc khai man trước tòa.

* * *

Đêm đó, tôi ngủ thiếp đi trên giường của Jana Fletcher với cửa sổ để mở và thức giấc trong cảm giác lạnh giá khi đồng hồ chỉ 3 giờ 58 phút. Những con số hiện lên màu xanh lá trong bóng tối.
Tôi đứng dậy đóng cửa sổ và nhớ ra tập hồ sơ màu xanh lá. Tập hồ sơ của Jana, những ghi chép của cô ấy về vụ Cathy Pruett. Tôi đi tới bàn làm việc của cô ấy và bật đèn lên. Rồi mở ngăn kéo và tìm thấy tập hồ sơ vẫn đang nằm ngay chỗ tôi đã nhìn thấy nó lần trước. Nó đã từng có đầy giấy tờ nhưng giờ này lại trống không.
Tôi ngồi xuống và cầm bút chì viết lên giấy một danh sách các khả năng:

Moretti đã lấy những ghi chép của Jana vì ông ta nghĩ chúng có thể giúp tìm ra kẻ đã sát hại cô ấy. Hoặc Moretti lấy chúng đi nhằm che đậy những gì Jana biết.

Gary Pruett đã giết chết vợ mình, Cathy. Hoặc Luke và Eli Daw đã sát hại cô ấy. Hoặc một kẻ khác.

Napoleon Washburn đã nói thật về lời thú tội của Pruett. Hoặc lão ta đã bịa ra nó.

Việc bịa đặt kia chính là sáng kiến của lão ta. Hoặc Frank Moretti đã xúi giục lão ta làm thế.

Moretti biết Pruett vô tội. Hoặc biết rằng anh ta có tội. Hoặc ông ta không chắc chắn.

Moretti đã khép tội cho một người vô tội. Hoặc ông ta đã khép tội một kẻ có tội, để đảm bảo gã đó phải đi tù.

Ý định của Moretti là xấu xa. Hoặc tốt đẹp.

Có quá nhiều khả năng. Tôi thả bút chì xuống mặt bàn làm việc và thơ thẩn bước ra chỗ lò sưởi. Mặt lò trông thật trống trải vì thiếu đi tấm ván gỗ mà Jana dùng làm giá cắm nến. Cảnh sát đã mang nó đi làm vật chứng. Không còn gì trên mặt lò sưởi ngoài cái bát bằng đất sét và đồng xu kia. Đồng 25 xu của Jana. Tôi nhặt nó lên, chạm ngón tay cái vào chỗ đã bị mài nhọn trên cạnh đồng xu. Tôi chưa từng hỏi cô ấy tại sao nó bị như thế.
Lại thêm một điều nữa tôi không biết.
Tôi đặt trả đồng xu vào chiếc bát, rồi tắt đèn và quay lại giường ngủ.

* * *

Thứ Bảy, tôi có thể đi gặp Frank Moretti. Tôi có thể đối chất với ông ta bằng một lời cáo buộc điên rồ, chỉ để xem ông ta phản ứng thế nào. Nhưng tôi lại đến thăm Angela Reese.
Cô ấy sống trong một căn hộ bên lề khuôn viên trường Đại học Bellamy, một căn hộ trên tầng ba đi thang bộ, cùng hai phụ nữ khác - một nơi có cá tính nếu cá tính có nghĩa là những căn phòng chật chội với trần thấp, vải sơn lót sàn bong tróc cùng đồ đạc từ những năm 1960.
Bạn cùng phòng của cô ấy đang theo học tại trường Bellamy, nhưng Angela không tin vào nền giáo dục chính quy. “Quá nhiều cấu trúc”, cô ấy nói với tôi. “Thỉnh thoảng, tôi có lên lớp nhưng những thứ như là bài tập và điểm số thì tôi không cần. Tôi không học theo cách đó”.
Cô ấy là một họa sĩ. Cô ấy chỉ cho tôi xem nơi làm việc của mình, gian phòng ngủ lớn nhất của căn hộ mà cũng chẳng nói lên được điều gì. Mặc dù vậy, căn phòng ánh sáng tuyệt vời từ hai ô cửa sổ nằm về hướng bắc. Cô ấy có một chiếc giường hẹp đã được gập lên tường và một giá vẽ đặt ở vị trí bắt ánh sáng.
Những mẫu vẽ của cô ấy để rải rác trong phòng, đó là những bức tranh sơn dầu nhỏ, có kích thước 11x14. Chúng được vẽ bằng sơn acrylic và có chung một khuôn mẫu: một đường màu đen chạy dọc xuống trung tâm với hai khối màu ở hai bên. Vàng và xanh. Đỏ và cam. Tím và xám.
- Chúng nói về tính hai mặt, - Angela nói với tôi.
- Tôi có thể thấy được điều đó, - tôi nói.
- Bởi vì tất cả chúng ta đều không chỉ là một thứ. Không ai chỉ có một màu.
Cô ấy tiếp tục nói về tính hai mặt thêm một lúc nữa, về việc chúng ta bắt đầu là cái này và rồi biến thành cái kia và chúng ta mang trong mình những hạt giống đổi thay ra sao. Nó mang chút hơi hướng của phong trào New Age*, không như những gì tôi mong đợi. Tôi đã tưởng mình sẽ thấy một người ít bình tĩnh hơn, một người bị tổn hại vì khoảng thời gian có quan hệ tình ái với Gary Pruett. Nhưng Angela Reese dường như vẫn còn nguyên.
*[Một phong trào tinh thần và xã hội rộng khắp, phát triển mạnh ở phương Tây suốt nửa cuối thế kỷ XX, góp phần định hình bộ mặt của thế giới Âu - Mỹ trong giai đoạn này. Đặc điểm nổi bật của phong trào là tự cá nhân làm cuộc thám hiểm tinh thần]
Tôi có thể đoán được lý do tại sao Pruett lại theo đuổi cô ấy. Angela có một kiểu vẻ đẹp rất khỏe khoắn, làn da sáng màu và mái tóc nâu. Cô ấy nhắc tôi nhớ đến những cô gái đã cùng mình lớn lên.
Cô ấy sẽ không bao giờ trở thành người mẫu nhưng nếu gặp cô ấy trên đường, bạn sẽ không thể dời mắt.
Tôi không chắc chắn về tương lai sự nghiệp họa sĩ của cô ấy. Rốt cuộc, về cơ bản, cô ấy chỉ đang tô màu những hình chữ nhật. Có lẽ tôi đã để lộ vẻ hoài nghi trên gương mặt mình.
- Anh nghĩ rằng tất cả chúng đều giống nhau, - cô ấy nói.
- Không, không phải, - tôi nói.
- Không sao đâu. Mọi người đều nói vậy. Sandy và Ginny còn chế nhạo tôi nữa nhưng tôi chẳng bận tâm. Tôi đang làm những gì mình muốn và những bức tranh vẫn có người mua.
- Thật sao?
Cô ấy cười:
- Đừng ngạc nhiên đến vậy chứ. Có một nơi bày bán chúng dưới trung tâm thành phố. Tôi không kiếm được nhiều, chỉ đủ sống thôi.
Rồi cô ấy tìm một tấm danh thiếp và đưa nó cho tôi: Phòng tranh Woodmere.
- Nhưng anh không đến đây vì những bức tranh, - cô ấy nói. - Anh muốn nói chuyện về Gary.
Cô ta nói đúng nhưng chưa đủ. Tôi còn đến đây vì Jana đã từng tới đây - điều tôi vừa biết khi gọi điện hỏi liệu Angela có thể gặp mình không.
- Tôi đã tới gặp Gary ngày hôm qua tại Dannemora, - tôi nói - Cô đã bao giờ đến đó chưa?
- Chưa. Tôi chia tay với anh ta rồi. Khi chúng tôi còn ở bên nhau, tôi ngây thơ nhưng không mù quáng. Khi anh ta bị bắt vì sát hại vợ mình, tôi nghĩ rằng thượng đế đang gửi cho mình một thông điệp. Đã đến lúc thử một điều gì đó khác.
Cô ta dẫn tôi đến chỗ một bức tranh treo trên tường giữa hai ô cửa sổ.
- Tất cả đều nằm ngay ở đó, - cô ta nói với tôi. - Tất cả những gì anh cần biết.
Bức tranh sơn dầu được vẽ bằng hai sắc độ của màu đỏ. Phía bên trái của đường màu đen là sắc đỏ trầm tính và xám xịt, còn bên phải tươi thắm và rực rỡ.
- Nó đại diện cho Gary sao? - tôi nói.
- Nó đại diện cho cuộc sống của tôi với anh ta và cuộc sống của tôi sau này. Khi nó đã trở nên tốt đẹp hơn.
- Nếu cô không thấy phiền, tôi có thể hỏi chuyện giữa hai người bắt đầu như thế nào?
Angela nấn ná bên một khung cửa sổ, ánh nắng mặt trời buông rơi trên làn da trắng trẻo trên khuôn mặt. Những hạt bụi trắng lửng lơ trong ánh sáng.
- Hai người cứ như là một cặp song sinh, - cô ấy nói.
Một nhận xét lạ lùng. Nó cũng đang lửng lơ trong không khí cùng những hạt bụi kia.
- Ai? Tôi và Gary ư?
- Chúa ơi, không phải, - cô ta bật cười và nói. - Anh và Jana, cô ấy cũng đã đứng ngay chỗ anh đang đứng và hỏi tôi điều tương tự, cũng tế nhị như vậy. Tựa như tôi có thể sẽ vụn vỡ nếu phải nói về một tuổi thơ khốn khổ, bị cha mình ngược đãi và làm thế nào tôi lại sa chân vào mối quan hệ với một gã đàn ông nhiều gấp đôi tuổi mình.
- Tôi xin lỗi.
- Chúa ơi, thoải mái đi. Chẳng có chuyện gì như thế xảy ra đâu. Cha tôi có uống rượu, nhưng ông ấy chưa bao giờ chạm vào tôi. Ông qua đời vì tai nạn ô tô khi tôi 12 tuổi. Tôi biết đó chắc chắn có liên quan tới việc tôi dính líu với Gary. Tìm kiếm hình bóng một người cha. Tôi không phải một đứa ngốc. Tôi đã từng đi gặp bác sĩ trị liệu. Nhưng chuyện của tôi với Gary không rùng mình chút nào. Anh ta không bắt tôi phải thắt bím, mặc đồng phục cổ vũ hay gì. Mọi chuyện bắt đầu hết sức bình thường, vào một ngày nọ, sau giờ tan học lúc trời đang đổ cơn mưa. Anh ta đã đề nghị chở tôi về nhà.
- Vậy chuyện đó bắt đầu trước khi cô tốt nghiệp?
- Gần hết năm cuối cấp. Nhưng nếu anh muốn chính xác hơn, thì quan hệ thân mật chỉ bắt đầu sau khi tôi tốt nghiệp. Gary muốn đợi. Tất nhiên, anh ta chỉ phải chờ có vài tuần. Nếu phải đợi lâu hơn, có lẽ anh ta không đạo đức được đến vậy.
- Anh ta có bao giờ nói với cô về vợ mình không? - tôi hỏi.
- Anh ta nói hai người họ không hạnh phúc, - Angela nói. - Tôi đại loại cũng đã biết, nếu không thì anh ta định làm gì với tôi?
- Anh ta không bao giờ nói đến chuyện bỏ vợ sao?
- Không. Anh ta không đời nào vì tôi mà bỏ vợ. Chúng tôi biết mình không hề nghiêm túc, mà chỉ vui qua đường.
Rồi cô ấy rời khỏi ô cửa sổ và bước về phía giá vẽ đặt một bức tranh sơn dầu. Cô ấy đã vẽ một đường màu đen chạy dọc xuống giữa, nhưng phần còn lại vẫn để trắng.
- Tôi biết chuyện đó là sai trái, - cô ta nói. - Tôi nghĩ mình đã biết từ lúc ấy và Gary cũng thế. Khi Jana đến đây, cô ấy đã hỏi tôi anh ta có phải người tốt không. Tôi nói có. Cả tốt lẫn xấu. Chúng ta không chỉ là một thứ. Anh ta chưa bao giờ bắt tôi làm những điều tôi không muốn. Anh ta rất tốt với tôi. Anh ta khen tôi xinh đẹp và tài năng. Có lẽ anh ta chỉ làm thế để có thể có được những gì mình muốn ở tôi. Nhưng lúc đó, tôi không nghĩ như vậy và tới giờ cũng thế.
Cô ta dịch chuyển bức sơn dầu đôi chút trên giá vẽ.
- Và còn có một Gary khác nữa, một kẻ đã lừa gạt vợ mình và nói dối cô ấy. Đó cũng là sự thật mà tôi không thể phủ nhận.
- Cô có nghĩ anh ta đã sát hại vợ mình không? - tôi hỏi.
- Tôi không biết. Buồn cười là tôi chưa từng nhắc đến chuyện đó với anh ta. Có một lần anh ta gửi cho tôi một bức thư ngắn thông qua luật sư của mình. Trong đó viết rằng anh ta muốn tôi biết mình vô tội. Nhưng thật ra, anh ta còn nói điều gì khác được? Tôi không bao giờ hồi âm. Ban đầu, tôi đã thấy lo lắng. Tôi nghĩ bằng cách này hay cách khác, mình cũng cần phải biết. Nhưng Gary Pruett không phải vấn đề của tôi. Tôi có cuộc sống của riêng mình. Tôi không phải chịu trách nhiệm với anh ta dù anh ta có tội hay là không. Có lẽ điều đó nghe thật cay nghiệt.
- Với tôi thì nghe có vẻ hợp lý.
Cô ấy rời khỏi giá vẽ rồi đến ngồi dưới chân giường.
- Còn anh? Anh có nghĩ anh ta vô tội không?
Tôi ngồi lên bậu cửa sổ.
- Đó là một câu hỏi lớn. Anh ta vẫn luôn khẳng định mình vô tội. Anh ta nghĩ mình biết ai là thủ phạm thực sự, nhưng tôi không thể quyết định được liệu mình có nên tin hay không. Anh ta nói rằng đó là hai anh em họ tên là Luke và Eli Daw.
Tôi nhìn vẻ mặt cô ta ấy sầm đi.
- Cô có biết họ không? - tôi hỏi.
- Tôi biết vừa đủ, - cô ta nói. - Chúng tôi cách nhau 2 năm thời Trung học. Họ là học sinh năm cuối, còn tôi học năm nhất.
- Tôi biết họ có tiếng tăm ở trường. Chuyện gì đó liên quan tới một cô gái trong phòng chứa nồi hơi.
Angela gật đầu:
- Tôi đã nghe nói về chuyện đó. Và những chuyện khác nữa. Tôi nhớ mình đã từng được cảnh báo về họ - nhất là về Luke.
- Cảnh báo?
- Tôi được bảo phải tránh xa hắn. Luke thường thích đưa một cô gái đến trận bóng bầu dục tối thứ Sáu rồi cùng cô ta trốn xuống dưới khán đài. Và nếu cô gái chịu đi theo - ừm, hắn sẽ coi đó như là sự ưng thuận.
- Nghe cũng hấp dẫn đấy.
Cô ấy nhìn vào mắt tôi.
- Tôi không bao giờ đi cùng hắn xuống dưới khán đài. Cảm ơn Chúa. Nhưng tôi học cùng lớp nghệ thuật với hắn ta.
- Thật sao?
- Và lạ là tôi thấy hắn khá dễ thương. Hắn rất thân thiện. Hắn sẽ khen tác phẩm của tôi nếu thấy thích.
Tôi nhướng mày.
- Cậu ta có phải họa sĩ giỏi không?
- Hắn có thể vẽ, bằng chì hoặc than, - cô ấy nói. - Nhưng tôi chưa bao giờ bị ấn tượng bởi những bức vẽ của hắn - tôi không nghĩ hắn ta có khiếu cảm nhận màu sắc. Mặc dù vậy, tôi nhớ hắn ta đã từng làm mô hình.
- Mô hình gì?
- Những tòa nhà, như đền Parthenon hoặc Monticello*. Hắn làm bằng gỗ balsa và chúng thực sự rất chi tiết. Hắn đã có thể trở thành kiến trúc sư. Hắn từng thử làm đấu trường La Mã.
*[Đồn điền chính của Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson]
- À.
Đột nhiên, cô ta lắc đầu:
- Không phải bằng gỗ balsa. Cái gì nhỉ? Hắn đã làm bằng những que kem.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét