Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Mục Tiêu Cuối Cùng - 31

Mục Tiêu Cuối Cùng
(The Last Dead Girl)

Tác giả: Harry Dolan
Dịch giả: Đỗ Phi
NXB Lao Động - 2018

31

Thứ Tư là một đêm không ngủ.
Khoảng 8 giờ, Roger Tolliver gọi di động cho tôi. Tôi không trả lời. Ông ta đã để lại một tin nhắn thoại: Tôi nghe Frank Moretti nói chuyện rồi. Ông ta thúc tôi kiềm chế khách hàng của mình. Tôi nghĩ tôi và anh cần nói chuyện.
Đến 9 giờ, tôi chợt nhớ ra mình chưa có gì vào bụng kể từ bữa trưa. Tôi tìm thấy một hộp mỳ spaghetti trong tủ và một lọ nước sốt của Jana bỏ lại. Tôi hâm nóng nước sốt trên bếp, cho thêm ít nước sôi rồi thả mỳ vào và hẹn giờ 10 phút. Sau đó, tôi lọc mỳ qua một cái chao rồi đổ ra đĩa và lấy thìa múc thêm ít nước sốt. Nó trông cũng được và có mùi rất thơm. Tôi chẳng muốn ăn gì.
Tới 10 giờ, tôi quyết định rằng đi ngủ sớm cũng chẳng có hại gì. Đến 11 giờ, tôi vẫn còn thức. Tôi đứng dậy và đi tắm nước nóng nhất mà mình chịu được. Sau đó, tôi bước vào phòng khách, vừa đi chân trần trên mặt sàn gỗ vừa lau người.
Tôi giẫm phải sáp khô và nó nhắc tôi nhớ tới đêm Jana qua đời. Cô ấy đã cố dùng tấm gỗ 2x4 làm vũ khí chống lại kẻ sát nhân. Giá đựng nến. Bốn ngọn nến trà đã bị hất văng ra. Một trong số chúng đã rơi xuống theo chiều thẳng đứng trong khi những cái khác văng ra sàn.
Đó là đêm thứ Tư của hai tuần trước.
Tôi quỳ xuống và lần ngón tay trên những dòng sáp kia. Một ngày nào đó sẽ có người cạo chúng đi, nhưng người đó sẽ không phải là tôi.
Tôi đã lau người xong, mặc quần áo và đi ra ngoài sân. Không khí thật mát mẻ. Tôi bước ra bãi cỏ và nhìn sang phần nhà của Agnes Lanik. Bà ấy đang để đèn sáng trong bếp. Tôi có thể nhìn thấy những chậu hoa mình để lại vẫn đặt trên sân.
Tôi bước về phía rừng và nhìn thấy một tia sáng màu đỏ mờ nhạt phía đằng xa. Nó treo lửng lơ trong không khí một giây rồi lóe lên. Sau đó là một tia sáng khác. Rồi thêm hai tia sáng nữa, bay lên như pháo hoa không tiếng nổ. Tôi đứng theo dõi buổi trình diễn, những đốm sáng hiện ra rồi biến mất. Tôi nghe thấy một âm thanh từ sau lưng: tiếng cửa lưới nhà Agnes Lanik đóng lại. Bà ấy bước ra ngoài với một chiếc khăn choàng quấn quanh người và lần bước xuống bãi cỏ như thể đang đi trên một bãi đá. Bà ấy dừng lại cách tôi một chút và chúng tôi cùng nhau ngắm nhìn những đốm sáng.
- Světlušky, - bà ấy nói.
Đom đóm.
- Tôi từng bắt chúng cho vào một cái lọ khi còn nhỏ, - tôi nói với bà ấy.
- Simon cũng vậy. Anh có nhớ đục lỗ trên nắp không?
Giọng địa phương của bà ấy nghe rất nặng. “Nắp” nghe như “nập” vậy.
- Có chứ, - tôi nói.
- Đôi khi, Simon cần phải được nhắc nhở. - Bà ấy quấn chặt khăn choàng quanh người và nhún vai. Một cái nhún vai mang đậm chất châu Âu.
- Tôi lấy làm tiếc vì những gì đã xảy ra với anh ấy, - tôi nói.
Thêm một cái nhún vai nữa. Lần này có nghĩa thế giới là một nơi khắc nghiệt. Agnes liếc nhìn lại mảnh sân của mình và nói thêm, như mới chợt nghĩ ra:
- Hoa đẹp lắm.
Ánh sáng di chuyển chậm lại và dường như đang lùi dần về phía rừng cây. Giờ tôi mới ngấm cái mệt mỏi của cả một ngày và ngáp ngủ.
- Có lẽ anh đang khát, - Agnes nói. Tôi nghĩ đã có hiểu nhầm, như thể ngáp có ý nghĩa khác ở quê bà ấy.
Bà ấy đột ngột xoay người lại và bắt đầu quay về nhà.
- Cứ vào nếu anh muốn, - bà ấy nói. “Muốn” nghe như “Muộn” vậy.
Nhà bếp của bà ấy chính là hình ảnh phản chiếu nhà bếp của Jana, với các thứ đồ dùng tương tự, thậm chí cả bàn ghế cũng giống nhau. Bà ấy mời tôi uống một loại rượu đắng ngắt gọi là Becherovka. Nó có vị hơi giống quế và rất giống nước súc miệng. Bà ấy uống rượu với đá và pha vào cốc của tôi ít nước có ga.
Bà ấy mở bếp ngay sau khi chúng tôi bước vào và trong lúc tôi giảng hòa với ly Becherovka thì bà ấy đổ đầy đĩa bằng những món ăn các vị khách mang tới: khoai tây nướng, món ragu Hungary thịt lợn, dưa cải bắp Đức và pierogi. [Món ăn có vỏ làm bằng bột nhão với nhân là pho mát, khoai tây, hành, cải bắp, nấm, thịt, trông giống bánh gối của Việt Nam].
Bà ấy hâm nóng chiếc đĩa trong lò trước khi đặt xuống trước mặt tôi. Lúc đầu, tôi chọc chọc đĩa thức ăn rồi ngấu nghiến như chết đói và bắt bản thân chậm lại. Agnes dọn bếp, rửa bát rồi lau khô và chùi bàn bếp. Chúng tôi không nói chuyện. Có lẽ tôi đang được đóng vai một du khách nước ngoài bị lạc đường vào ban đêm. Còn bà ấy là vị chủ nhà đã cho tôi vào, cho tôi ăn uống rồi tiễn tôi ra về.
Tôi không biết bà ấy đang muốn gì, có lẽ chỉ là một người để bầu bạn, giúp vơi bớt mất mát. Tôi nghĩ bà ấy bằng lòng với im lặng thế này nhưng tôi vẫn có điều cần nói.
- Frank Moretti đã nói chuyện với bà ngày hôm qua.
Lúc này, bà ấy đang lau bếp lò và chỉ gật đầu mà không quay nhìn lại.
- Ông ta có nói với bà giả thuyết của mình về cái chết của Simon - rằng đó có thể chỉ là một vụ cướp của đã đi quá giới hạn?
- Có.
- Tôi không tin điều đó, - tôi nói. - Còn bà thì sao?
- Không.
- Đêm đó, tôi đã nói chuyện với Simon.
- Tôi biết.
- Anh ấy nói rằng mình có một khẩu súng, nhưng tôi chưa từng nhìn thấy nó. Tôi thắc mắc không biết anh ấy có thực sự có súng không.
Bà ấy đã lau xong bếp lò và thả miếng giẻ vào bồn rửa. Tôi nhìn bà ấy lật đật bước qua cửa vào phòng khách và khuất khỏi tầm nhìn. Một phút sau, bà ấy quay trở lại cùng với một khẩu súng lục nhỏ bán tự động màu đen. Bà ấy đặt nó lên mặt bàn, cạnh chiếc đĩa đã hết sạch của tôi.
- Viktor, chồng tôi - cái này là của ông ấy. Và còn một khẩu giống hệt thế này, Simon giữ.
Tôi với tay lấy khẩu súng nhưng lại thôi.
- Nó có được nạp đạn chưa?
Agnes giờ đã ngồi xuống, trông như một con chim đậu trên thành ghế. Bà ấy uống một ngụm từ cốc Becherovka của mình rồi cẩn thận đặt nó xuống. Bà ấy cầm khẩu súng lên, dùng ngón cái gạt một cái lẫy để tháo băng đạn. Đôi tay gầy gò, thấy rõ cả gân chậm rãi di chuyển đầy duyên dáng. Bà ấy đặt băng đạn sang một bên rồi chĩa súng xuống sàn nhà và kéo thanh trượt lại phía sau. Một viên đạn đầu tròn vụt bắn ra từ buồng đạn và nảy qua sàn nhà. Bà ấy đưa khẩu súng cho tôi.
Tôi nhìn mặt bên của nòng súng và thấy vài ký tự Kirin*, cùng các chữ cái Latin quen thuộc hơn ghép thành cái tên Makarov. Giống như Simon đã khẳng định.
*[Cyrillic: bảng chữ cái được sử dụng cho nhiều ngôn ngữ ở miền Đông Âu, Bắc và Trung Á]
Tôi nhớ ra một chuyện khác.
- Simon bảo tôi rằng ông mình có dính líu đến chợ đen thời còn ở Tiệp Khắc. - Tôi giơ khẩu súng lên. - Ông ấy bán thứ này sao?
Bà ấy uống thêm một ngụm Becherovka nữa rồi lắc đầu:
- Nghe đến chợ đen là anh nghĩ ngay đến súng. Hay ma túy. Nhưng đó là sau thời chiến. Thứ này do Đảng Cộng sản kiểm soát. Viktor của tôi chỉ bán thực phẩm, quần áo và đài bán dẫn xách tay. Đó chính là chợ đen, là những thứ mà cánh đàn ông thường bán giấu bán giếm cho nhau. Và họ cũng tàn sát nhau vì những thứ ấy. - Bà ấy cau mày và quay gương mặt tiều tụy của mình ra chỗ khác.
- Simon không còn súng trên người khi họ tìm thấy anh ấy, - tôi nói. - Moretti không tin rằng Simon có một khẩu...
Bà ấy ngắt lời tôi bằng một cái phẩy tay.
- Moretti là một cảnh sát. Ông ta tin những gì mình muốn.
Bà ấy đã đúng một nửa, tôi nghĩ. Moretti muốn tin rằng cái chết của Simon chỉ là một tội ác ngẫu nhiên. Nhưng theo tôi nghĩ, ông ta không thể thực sự tin vào điều đó. Ông ta quá thông minh và cũng quá trung thực. Thật bực bội khi cố hiểu được ông ta. Tôi nhận ra mình đang kể cho Agnes Lanik nghe về việc tôi bám theo ông ta về cuộc trò chuyện của chúng tôi trên băng ghế sau xe tuần tra.
- Tôi đại loại đã cáo buộc ông ta khép tội cho một người đàn ông vô tội, -  tôi nói với bà ấy. - Nhưng đó không phải điều khiến ông ta bận tâm. Ông ta lo sợ tôi có thể sẽ nói cho Angela Reese biết rằng chính ông ta đã mua tranh của cô ấy. Và ông ta tức giận vì tôi đã bám theo. Chuyện đó kéo theo một câu hỏi.
- Câu hỏi gì? - bà ấy hỏi.
- Ông ta đã định đi đâu ngày hôm nay? Ông ta đang giấu giếm điều gì?
Những nếp nhăn trên gương mặt già nua của Agnes Lanik xếp lại thành vẻ không tán đồng. Bà ấy đứng dậy và mang cốc ra bồn rửa. Rồi bà ấy cúi người như một cái cây cong đang từ từ đổ xuống nhặt viên đạn dưới sàn nhà. Bà ấy mang nó trở lại bàn, ngồi xuống ghế và chìa tay ra lấy khẩu súng. Tôi đưa nó cho bà ấy.
- Anh là một đứa trẻ, - bà ấy nói. - Simon cũng là một đứa trẻ. Nó tin vào ảo tưởng.
Bà ấy giơ khẩu súng lên giữa chúng tôi.
- Viktor của tôi từng khoe khoang về những khẩu súng lục Makarov của mình. Ông ấy bảo mình đã đoạt được chúng từ hai binh lính Nga đã bị ông ấy giết trong chiến tranh. Simon tin ông ấy. Sau khi ông ấy qua đời, tôi đã nói cho nó biết sự thật. Viktor của tôi chưa từng giết bất cứ người Nga nào. Ông ấy đã mua những khẩu súng này từ một zastavárna. Anh sẽ gọi đó là một cửa hiệu cầm đồ.
- Một cửa hiệu cầm đồ.
- Đúng vậy. Và chúng không phải những khẩu Makarov thật. Chúng chỉ là đồ giả. Giống như tiền giả vậy. Hàng nhái. Được sản xuất tại Đông Đức. Tôi đã nói điều đó với Simon. Nó không tin tôi. Nó thà tin vào tưởng tượng còn hơn. Giống như một đứa trẻ.
Agnes đặt khẩu súng xuống.
- Anh cũng rất ngốc, - bà ấy nói. - Tay cảnh sát này, Moretti, ông ta đe dọa anh. Ông ta nói rằng mình sẽ khiến anh đổ máu.
- Đúng vậy.
- Nhưng anh lại muốn biết ông ta đã đi đâu. Để bám theo một lần nữa.
- Chắc thế.
- Để biết được bí mật của ông ta.
- Đúng thế.
Những nếp nhăn không tán đồng của bà ấy hằn sâu hơn.
- Vậy anh nghĩ bí mật của ông ta là gì?
- Tôi không biết.
- Vậy ông Moretti của anh có biết ma thuật không? Ông ta có thể mang người chết sống lại không?
- Không.
- Vậy thì bí mật của ông ta có ích gì cho tôi và anh chứ?
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét