Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Phố Academy - Chương 5

Phố Academy

Tác giả: Mary Costello
Người dịch: Hà Nguyễn
Nhà XB Phụ Nữ 11-2017

Phần 2

5

Cuối mùa hè năm 1962, Tess đi New York trên chuyến bay của TWA* khởi hành từ sân bay Shannon.
*[Trans World Airlines: Hãng hàng không Mỹ, hoạt động trong giai đoạn 1925-2001]
Sáng đó trước khi đi, cha đưa nàng một tờ năm mươi bảng rồi trịnh trọng bắt tay, vẻ ngượng nghịu. Anh Denis và Maeve, cùng chị Evelyn đội mũ và lại đang có mang, đã ngồi đợi sẵn trong ô tô. Khi xe chuyển bánh, Tess quay lại ngắm ngôi nhà, mắt nàng nấn ná ở những cửa sổ tầng trên, rồi chuyển qua cánh đồng. Đi được phân nửa con đường trước nhà, anh Denis dừng xe lấy thứ gì đó trong cốp. Tess quay qua ngắm cây tần bì nằm lẻ loi giữa vạt dẻ gai và thấy, lần đầu tiên, một vòng dây thép gai cắm ngập vào thân cây làm sinh ra nhiều nếp cuộn cùng đoạn phình đau đớn phủ lên các ngạnh sắt. Denis trở vào xe, họ đi tiếp. Làm sao trước đây nàng không thấy thứ nọ nhỉ? Ai đã làm việc ấy? Đây là đất nhà Lohan, cây nhà Lohan. Vậy đó hẳn do bàn tay nhà Lohan.
Ở sân bay, ngọn gió mùa hè thổi bay mũ của Evelyn khiến chị phải đuổi theo, và tất cả bật cười. Đây sẽ là ký ức của mình, Tess thầm nhủ. Khi chia tay, mọi người rẩy nước thánh vào Tess còn nàng thì cầu nguyện. Anh Denis cúi gằm, cánh tay dài buông thõng, và Tess lại nhớ tới cây tần bì bị thương kia.
Trước lúc cất cánh, Tess bị một phen khiếp đảm. Chiếc máy bay gầm rú dọc đường băng khiến nàng chúi xuống, co rúm lại. Đây không phải đang bay, Tess kinh hãi nghĩ, mà đi chết. Khi càng bánh rút lên, máy bay nâng độ cao, Tess bịt chặt tai. Sực nhớ ra hôm nay là 15 tháng Tám, ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, nàng thôi không sợ nữa. Chúa sẽ chẳng để một chiếc máy bay rơi vào ngày lễ của Đức Mẹ đâu. Tess tràn trề niềm tin, giống đứa trẻ vừa được vỗ về an ủi. Tiếng rú đã tắt, phi cơ bay theo mặt phẳng ngang, nàng mở choàng mắt. Người ta đang bay trên Trái Đất. Họ đã phá không, chui vào trong xanh. Chói chang. Huy hoàng. Nhất thời mọi nghĩ suy đều ngưng đọng, chỉ còn một thứ: một lóe hiện, một thấp thoáng, cảm giác cách cái thuần khiết, siêu phàm chỉ một nháy mắt, gần sát thánh thần trong đường tơ kẽ tóc. Rồi cái trong trẻo, niềm hân hoan chớp nhoáng ấy vụt biến mất. Tess ngẩng lên và thấy các hành khách khác ngồi đọc báo, gà gật hoặc lặng lẽ thưởng ngoạn cảnh vật.
Chồng chị Claire, anh Peter, một chàng Mỹ gốc Ireland cao lớn, đẹp trai, đang chờ Tess ở sân bay Idlewild. Ngượng nghịu, nàng leo lên xe để anh rể chở tới Peekskill bên dòng Hudson, nơi Peter có thuê một căn nhà nghỉ mùa hè. Hết thảy đều khác lạ - đường cao tốc, bầu trời, những cánh rừng xa xa. Một đất nước mênh mông, xanh, sạch và hoàn mỹ. Những chiếc xe tải, với bánh xe crôm khổng lồ và người tài xế vô hình ngồi trên khoang lái cao ngất, ầm ầm vút qua. Trong một thoáng, nàng quên phắt mình đang ở đâu. Các cây kia là giống cây tùng, Peter bảo. Răng anh trắng, sáng bóng. Cây tùng, Tess thầm nói. Cái tên đẹp, loài cây đẹp. Họ dừng xe trước một thanh chắn và trả phí, để được đi trên con đường.
Kia rồi, đứng giữa bãi cỏ trước ngôi nhà nghỉ thấp tè dựng nhô ra mặt sông là chị Claire, cùng một đứa trẻ dưới chân, và đứa khác trong bụng. Không thốt nên lời, họ ôm ghì lấy nhau. Lúc tách ra, mắt hai người ướt đẫm. Dì Molly, dáng vóc đồ sộ, phong thái sôi nổi, mái tóc trắng xù quăn tít, đã từ thành phố lên mừng đón Tess. Họ bước ra sân sau. Lát sau, cả gia đình họ mạc của Peter kéo tới và anh nhóm cái bếp nướng thịt ngoài trời rồi rót đồ uống còn mọi người dạo quanh bể bơi. Bên ngoài, những chiếc ô tô Mỹ to kềnh lướt ngang. Trong những giờ phút, tháng ngày sau đó, Tess thỉnh thoảng lại ngỡ ngàng ngó quanh vào bọn trẻ, xe cộ, bể bơi, những ô kính lấy sáng và cái thế giới tràn-trề-nắng nàng thình lình sa vào. Một đôi lần Tess nhớ nhà cồn cào, nhớ chiếc mũ của chị Evelyn, cây tần bì bị thương. Rồi nàng dần quên. Chiều tối lũ dế cất tiếng hát. Anh Peter tiến lại từ đằng sau, xoa lưng chị Claire và âu yếm ngắm cái bụng ễnh ra của vợ. Đấy là điều anh ấy đã làm với chị mình, Tess thầm nghĩ. Hành động của yêu thương, của dục tình, trên người chị nàng. Trong một cuốn sách, có bận, Tess đọc thấy câu đứa con dứt ruột đẻ ra. Nàng nhớ lại những đêm trèo lên giường của Claire và thiếp đi trong vòng tay chị. Giờ hai chị em nhìn nhau. Trong ánh mắt có một sự thừa nhận, một lời tuyên bố, một câu khẳng định rằng mọi thứ cuối cùng đã an bài, và cuộc đời nơi đây là đáng sống, là lý tưởng.
Những tháng kế tiếp, Tess chậm chạp dần hòa nhập với nhịp điệu của thành phố, với các chất giọng và mạng lưới phố xá cùng hệ thống tàu điện ngầm, những khuôn mặt da đen trên vỉa hè, tiếng còi hú trong đêm, những cửa hiệu bán đồ năm-xu-một-hào ăm ắp hàng hóa, các tòa nhà mọc lên từng ngày từ những mảnh đất còn trống trên phố. Với cả những cụm từ mới - sách bỏ túi, thịt xay tẩm gia vị nướng sẵn đóng bánh, đậu ngự, thạch trái cây. Vị cà phê, áo quần dễ thương, rẻ và ôm lấy người. Sự dồi dào có ở mọi thứ.
Tháng Chín, Tess bắt đầu đi làm ở Bệnh viện Presbyterian trên phố 68 mạn Đông, và ở các tuần đầu, ngày nào nàng cũng đẩy xe phát thuốc dọc những hành lang dài đầy bóng đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm để lấy máu, lắng nghe, học hỏi, thực hiện các nhiệm vụ được trông đợi khi chúng đến tay, với con tim rộn rã. Từ lúc nào chẳng hay, Tess đã sửa giọng để người ta hiểu được mình, và chỉnh cách viết cho tới khi đạt cái thanh thoát, nghiêng nghiêng của nét chữ dân Mỹ. Ở căng tin, nàng thường ngồi một mình. Cái lẻ loi đơn côi mỗi sáng vẫn theo nàng từ nhà và chỉ bị phận sự che mờ chốc lát, giờ lại phủ xuống. Tối tối, trong căn hộ của dì Molly, Tess học miệt mài hòng giành chứng chỉ y tá hay cùng dì và một vị khách trọ - ông Fritz, người Đức ở độ tuổi sáu mươi - ngồi ở phòng khách quạt quay vù vù, xem chương trình tivi Tôi yêu Lucy hay The Jack Parr. Khi khán giả phá lên cười, Tess thấy mình lạc lõng, giữa những người lạ. Mệt nhoài và nhớ nhà da diết, nàng lên giường, lầm rầm đọc Kinh Mân Côi rồi co ro, thao thức rất lâu dưới tấm mền vải bông. Tess choàng tỉnh sau giấc ngủ ngắn ngủi như chỉ được vài phút đồng hồ bởi tiếng xe tải chở rác lọc cọc dưới phố và mối lo âu mơ hồ luôn nếm trải khi ánh bình minh ló rạng.
Ông Fritz là thợ cơ khí ở một xưởng máy khu trung tâm. Trong căn hộ của dì Molly, ông đảm nhiệm sửa chữa, đỡ đần việc vặt và cứ thứ Sáu lại giúp khuân về các nhu yếu phẩm từ cửa hàng Safeway trên phố 183. Tối thứ Bảy hằng tuần, ông và dì Molly ngồi ở phòng khách nhấm nháp whisky - ông Fritz, từng ly nhỏ, dì, whisky pha soda trong cốc vại. Các chiều muộn ngày thường, cả ba quây quần dùng món thịt om hoặc đùi lợn muối xắt miếng ăn với khoai lang. Sau khi cùng Tess thu dọn, ông Fritz dò đài tìm một chương trình phát nhạc Jazz nghe suốt tối. Một lần, lúc ông đang lúi húi dò sóng, Tess chợt gặp một khúc hát quen rồi chìm vào giai điệu của nó đến quên cả bản thân cho tới khi nhận ra ánh mắt ông Fritz đang nhìn. Tối sau, ông bước vào trao cho nàng một chiếc hộp. “Có cái này cho cháu đây”, ông bảo, bằng giọng rầu rĩ của mình. Bên trong là một cái đài bán dẫn. Ấm đun nước trên bếp lò cất tiếng reo vang. Tess đăm đắm nhìn những đuôi lửa dưới ấm, cái đẹp xanh lè mong manh của chúng, rồi lúc ngước lên ông Fritz nàng bị ký ức về mái nhà xưa và chú Mike Connolly nhấn chìm.
Một ngày thứ Bảy, họ bắt xe buýt qua cầu George Washington sang New Jersey dự lễ rửa tội đứa con mới lọt lòng của chị Claire. Ông Fritz xách mấy cái túi đựng gà rán, salát đậu và bia. Tess đã mua mấy món quà cho cậu con trai nhỏ xíu của chị, cháu Patrick, và cả cho Elizabeth, em bé sơ sinh được đặt tên theo bà ngoại. Anh Peter đón mọi người tại bến xe và chở tới một con phố toàn nhà có hàng hiên, lối xe ô tô chạy vào tận nhà cùng mặt cỏ thoai thoải, kiểu nhà giờ trở nên quen thuộc với Tess qua ti vi.
Dì Molly và ông Fritz phụ trách việc bếp núc. Chị Claire dẫn Tess lên tầng trên thăm em bé. Nhìn đứa trẻ, Tess nghẹn ngào. Nàng nghĩ đây quả là một điều kỳ diệu. Từ Claire, cháu ra đời, phôi thai từ máu thịt mẹ. Thật gần gũi về bản chất sinh học với chính nàng, trong các huyết quản bé cũng đang chảy dòng máu nàng. Dòng máu kia gắn kết tất cả chúng ta, Tess nhủ thầm, trong hiện tại và quá khứ. Tess cúi nhìn đứa nhỏ, ngó xuống cặp mắt nhắm nghiền. Một tấm bảng đá trong sáng, thanh khiết, không tì vết. Vừa chào đời, vừa đi ra từ lãnh địa của người khác.
Có tiếng thút thít nhỏ, rồi giọng o oe và chị Claire bế đứa trẻ lên dỗ dành. Tess dợm bước chực đi nhưng Claire thì thào giữ lại. Mấy tấm rèm đã buông và ngọn đèn nhỏ tỏa một quầng hồng trong căn phòng. Tess thoáng bắt gặp bộ ngực trần trắng ngần và núm vú căng mọng của chị hướng vào miệng con.
- Chị phải báo với em việc này, - Claire nói, không hề ngước lên. - Bọn chị sắp chuyển tới California. Người ta thuyên chuyển anh Peter qua đó.
Có tiếng chân ngoài hành lang, một giọng trẻ con cất lên. Bé Patrick đẩy cửa chạy vào.
- Dì có ra ngoài này xem cái này với cháu không nào?
Bàn tay Claire run run khi đưa ra xoa đầu cậu con trai.
Họ lên ô tô tới nhà thờ làm lễ đặt tên. Buổi chiều, khách khứa đến đầy nhà, lũ trẻ nô giỡn khắp nơi. Người lớn tụ tập trong các gian phòng không vách ngăn, tràn ra cả khoảnh sân sau. Tới chạng vạng, mọi người đã chếnh choáng, ngả ngốn dựa tường, cười nói. Tess đứng riêng, nhấm nháp chút bia và trông chừng lũ trẻ ở bể bơi. Nàng nhìn đồng hồ, thầm cộng thêm năm tiếng. Trong óc nàng hiện ra bản đồ nước Mỹ, đường viền duyên hải phía tây, cảnh các đoàn xe ngựa băng qua thảo nguyên rộng lớn trên ti vi từng chiếu. Peter đang chuyện trò với mấy đồng nghiệp, hai người đàn ông và một cô gái. Hút xì gà, tay cầm ly rượu chát, anh ngả người đụng nhẹ vào cô gái rồi nói điều gì đó. Mấy ngọn đèn trong vườn đã được bật. Tess rời sang một góc yên ắng. California có nhiều động đất. Chú nàng, em ruột cha, đã chuyển tới đó ba năm trước và chẳng bao giờ còn trở về được nữa.
Cô gái nọ giờ đã tách khỏi Peter, lượn lờ từ tốp này sang tốp khác, nắm níu những cánh tay đàn ông. Chị Claire bước ra, đứng bên Tess, mỉm cười. Dường như dáng vóc chị nhỏ bé, gầy mòn hơn. Rồi Claire quay nhìn đi chỗ khác, nụ cười phai nhạt. Tess ngoảnh lại, thấy Peter sải bước ngang sân rồi lẳng lặng bê thốc cô ả nọ ném xuống bể bơi.
Trong thành phố, Tess cảm nhận được tâm trạng lo âu trên mỗi nẻo đường, và ngày qua ngày, cái thấp thỏm ấy ngấm vào nàng. Trên ti vi, các dàn tên lửa, các đầu đạn, tàu chiến, đang hướng về phía Cuba. Dấu chấm hết của thế giới. Ông Fritz ngồi im lìm, ủ rũ. Mỗi sáng Tess lại cảm giác có một tai họa đang tới, ngày tận thế sắp xảy ra, những vụ nổ kinh hoàng và các cơn bão lửa lóe lên trong óc nàng. Tess nghĩ về mái nhà mình, về cha, cảnh chị Evelyn trong ngôi nhà đầy trẻ con và mối hiểm họa đang trôi lại gần. Chẳng còn ai an toàn nữa. Ngày nọ nàng thấy một bà nhà giàu dẫn bầy trẻ nhà mình ra taxi để chở đi. Chỗ nào cũng tản cư, người người nín thở, ngó trông nhau. Tựa như tất cả chúng ta là anh chị em, Tess nghĩ thầm. Một tối ngài tổng thống có bài diễn văn gửi cả nước. Nàng bị thu hút bởi vẻ đẹp của ông, nỗi đau ông mang, tựa như chính câu chữ cũng làm ông tổn thương vậy. Xin đa tạ và chúc quý vị ngủ ngon.
Và rồi các hạm đội quay đầu trở về. Nỗi sợ và ước vọng chung đã gắn kết mọi người với nhau, nàng viết cho cha, và giờ việc chúng qua đi mang đến thứ khác cho phố phường: hi vọng tình yêu. Tess tìm thấy ngôn ngữ mới - đất nước này cho nàng một cách nghĩ, cách nói mới. Chiểu thứ Bảy, ông Fritz đưa nàng tới rạp Thiên Đường của Loew ở quận Bronx. Giữa sảnh giải lao có một đài phun nước làm bằng đá hoa cương từ Ý, trên khắp mặt tường trang hoàng các bức bích họa và dây leo che phủ. Ngồi lút ở chiếc ghế bọc nhung trong rạp chiếu tối đen như mực, ngước lên Tess thấy cả một vòm trời sáng trăng, muôn vàn vì sao lấp lánh cùng những đám mây bay ngang. Một tuần sau, nàng quay lại quận Bronx mua liền năm cái váy từ một cửa hiệu thời trang, cái sau đẹp và điệu đà hơn cái trước, bởi giờ nàng hoàn toàn có thể làm vậy. Rời chuyến tàu điện ngầm đưa nàng trở lại phố 181, Tess lâng lâng trôi trên hè phố, dưới mặt trời mùa thu, và chợt thấy hạnh phúc giữa cuộc sống ồn ào, hối hả nơi đây.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét