Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

Phố Academy - Chương 4

Phố Academy

Tác giả: Mary Costello
Người dịch: Hà Nguyễn
Nhà XB Phụ Nữ 11-2017

4

Sau ba năm, việc học hành của Tess đột ngột chấm dứt. Chị Maeve đã đi học để làm cô giáo tại cao đẳng Carysfort ở Dublin và tiền nong giờ eo hẹp. Song không chỉ vậy. Trong dịp hè, Tess xa nhà sáu tuần tới đỡ đần chị Evelyn sau khi chị sinh đứa thứ ba. Việc nhà và gánh nặng chăm nom mấy đứa cháu khiến em mỏi mệt triền miên. Tess rơi vào tình trạng kiệt quệ lúc chập tối, mỗi hơi hít vào ngực lại nhói đau. Em càng lúc càng ho nhiều khiến chị Evelyn lo lắng phải mời bác sĩ.
Không lời nào đề cập em bị lao phổi nhưng đấy là căn bệnh mọi người đều lo ngại. Ở tu viện nữ, các cô gái biến mất một cách bí ẩn, để trở lại sau sáu tháng hoặc chẳng bao giờ. Dẫu lao phổi chẳng bao giờ được nhắc tới, nhưng nó, Tess ngờ, là căn nguyên khiến mẹ qua đời. Nó là lý do vì sao phòng mẹ được tẩy uế và cả nhà phải kiểm tra sức khỏe.
Rốt cuộc Tess bị viêm màng phổi; không phải lao phổi. Tuy nhiên, em vẫn phải nằm ba tháng trong bệnh viện ở Galway. Lúc vừa đặt chân vào khoa điều trị gồm toàn các khuôn mặt phụ nữ gầy rộc, xanh xao, tâm trạng Tess trầm hẳn. Em ngồi xuống giường mình, nhìn ra ngoài bầu trời một ngày lặng gió, thời gian phía trước như dài dằng dặc. Một bầy sáo đá bay lên tối sầm cả khoảng trời. Nỗi nhớ nhà, nhớ trường ùa đến. Lúc đó em hiểu ra và bắt đầu xót xa cho những thứ bị mất. Mệt rã rời, Tess nằm xuống, nhìn lên trần, chờ phổi khô bớt và hơi thở êm hơn. Sau khi đã nghỉ ngơi, em đi kiếm sách đọc. Thư viện bệnh viện, nằm cuối một hành lang, là hai kệ xếp đầy những cuốn sách bìa mềm cũ rích. Đời các vị Thánh, Romeo và Juliet, Đỏ và Đen, Thế Giới thực vật. Tess vùi đầu đọc toàn bộ. Em đếm từng ngày chờ tới dịp anh Denis, chị Claire và cha vào thăm. Nhưng lúc người nhà tới lại chẳng có bao nhiêu chuyện để nói và chuyến thăm trôi qua chóng vánh. Khi mọi người ra về, Tess đứng trên cửa sổ trông xuống đám bệnh nhân đang lê gót dạo quanh dưới đất.
Người bệnh phần lớn là dân thị thành. Tuy nhiên có một thiếu niên, mấp mé thanh niên, cả thẹn, sải chân dài, tên Tony, là người thôn quê. Cậu cao ngộc, đầu luôn cúi, có đôi bàn tay to của nông dân. Tess thấy một sức mạnh kéo mình về phía cậu đồng thời cảm nhận cậu bị hút lại với em và càng lúc suy nghĩ của em càng hay xoay sang Tony. Nhưng đến một chiều có vụ việc om sòm xảy ra ở cuối phòng sinh hoạt chung. Một phụ nữ kêu thét lên: Có chuột. Bà thoáng thấy một con vật thân dài, nâu-trắng-loang-lổ như ngựa khoang của dân lang thang, đuôi dài bằng thân, bụng quét sàn, vừa phóng vút qua rồi mất hút vào lỗ nhỏ trong góc. Tony, mắt long sòng sọc, hùng hổ đuổi theo, lom khom thò ngón giữa rất dài vào cái lỗ. Hết lần này tới lần khác, cậu thọc ngón tay vào, moi móc, khua khoắng, điên cuồng tìm đủ cách bắt bằng được con chuột.

Quay về gia đình, dưới cùng mái nhà với cha, anh chị em, chú Mike Connolly, Tess trở lại nếp sống ở Easterfield, bị cuốn vào vòng xoay việc nhà và những tất bật bộn bề của nông trại. Dầu tự thấy mình chẳng hề yếu ớt, cách nhìn nhận này vẫn gắn liền với em và Tess được miễn các nhiệm vụ nặng nhọc cũng như việc đồng áng. Em bắt đầu ghi lại các dấu mốc - sinh nhật các con chị Evelyn, Oliver rời trường công lập, cha thắng cá ngựa hai trăm bảng, điện về làng. Tess viết ngày tháng những sự kiện này lên bức tường quét vôi dưới gầm tối cầu thang sau. Tròn mười tám, em được anh Denis dạy lái xe và từ đó thường chở cha tới các hội chợ hay đám tang. Một ngày hè oi bức, cùng chị Maeve đang về chơi nhà nhân dịp được nghỉ dạy trên Dublin, Tess đánh xe đưa cha tới hội chợ mua bán cừu ngoài thị trấn và thả ông xuống giữa những khoảnh đất thả gia súc có rào quây, các xe chuyên chở cùng đám thương nhân. Chúi mũi ở dãy hàng quán cả tiếng đồng hồ, mặt mày đỏ gay, mệt nhoài và khát khô cổ, hai chị em bước vào khách sạn trên quảng trường. Trong phòng khách trải thảm gần chính sảnh, Maeve cùng Tess đang đứng trước quầy bar gọi hai cốc nước cam thì chợt thấy cha ngồi giữa một đám đàn ông trong góc phòng, đang trao đổi, cụng ly, cò kè ngã giá. Khi bắt gặp hai cô con gái, mặt cha sa sầm. Tỏ ra chẳng hề quen biết, ông không để mắt tới hai chị em lúc họ rời khỏi đó. Trên đường về, cái im lặng chất chứa giận dữ của cha choán đầy xe. Vào đến nhà, cơn thịnh nộ của ông bùng phát. Hai chúng bay không có chút liêm sỉ khi ngang nhiên vào quán bar, ngồi vắt vẻo trước lũ đàn ông hau háu. Hệt bọn gái bán hoa ngoài phố. Cười nói hơ hớ, ngồi phơi ra đó. Đem cha mình ra nhạo báng. “Sao mọi sự đều chống lại tao thế nhỉ?”
Con người cha đầy tràn bực dọc. Con cái đã học được cách không phản ứng lại tính bẳn gắt, cái im lìm cục cằn cùng tiếng thở dài thườn thượt của cha. Cả nhà, mỗi người mỗi kiểu, đều biết cách xét đoán ông, cách tránh né cơn thịnh nộ của ông, cách trông trước ngó sau lợi dụng những lúc cha lơi lỏng quản lý. Suốt hè năm ấy, ba chị em gái, cùng Denis bên vô lăng, đã tham dự nhiều vũ hội do Hội Tiền phong* hay Liên đoàn Cày thi** tổ chức hoặc các cuộc hội hè trong nhà rạp ở mấy thị trấn quanh vùng. Trăm lần như một, sáng hôm sau sẽ có một cuộc điều tra: Chúng mày gặp gỡ những ai? Chuyện trò với quân nào? Lũ con nhà Burke có đó không? Tess luôn để anh chị trả lời. Em nhớ cảnh đám con trai xếp thành hàng một bên sàn nhảy còn con gái đứng phía đối diện. Tess nhảy với tất cả những ai mời mình, không phải bởi ham hố gì, mà do cảm nhận được nỗi sợ hãi mà những chàng trai đầy âu lo nhưng cũng tràn trề hy vọng này phải gánh khi bước tới mời, cũng như mặc cảm bẽ bàng ghê gớm họ phải hứng chịu nếu bị cự tuyệt.

*[Pioneer Association: Một hiệp hội thờ phụng Thánh Tâm Jesus, được thành lập năm 1898 ở Ireland với mục đích giảm thiểu và ngăn chặn nạn rượu chè. Hiện tại có hơn 100.000 hội viên]

**[Ploughing Association: Thành lập năm 1931 với mục đích khuyến nông]

Bỗng đâu có một lá thư của dì Molly, em gái mẹ hiện sống tại Mỹ, gửi về mời Claire qua. Ban đầu Tess cho đây là một lời mời đi chơi. Nhưng tên gọi, và hình ảnh xứ sở ấy, nước Mỹ, lại gợi lên cảnh đày ải biệt xứ và nỗi cô tịch triền miên. Những tuần tiếp sau, khi các khía cạnh thực tế của lời mời đã sáng tỏ - dì Molly kiếm được cho chị Claire một chỗ ở công ty điện thoại Cái Chuông nơi dì làm việc - và ngày khởi hành được ấn định, thì một nỗi lo sợ lại phủ lên Tess.
Tess không cùng anh Denis, Oliver và cha tới Cobh* để tiễn chị Claire. Em không muốn có ký ức về cuộc chia ly. Cảm giác mọi thứ tốt đẹp trong đời đều đang dần biến mất thật khôn kham. Sáng sáng, Tess ngồi lặng trong không khí quạnh quẽ của ngôi nhà. Tess lôi ra tập giấy viết thư cùng phong bì rồi ngồi viết cho cả hai bệnh viện tại Dublin em từng nhiều lần nghe nói đến. Bằng nét chữ rõ ràng, Tess mô tả nỗi lòng thiết tha mong được đào tạo thành y tá. Em kê khai chi tiết học vấn của mình, khẳng định bản thân phù hợp với công việc ấy. Người mẹ đã khuất của tôi trước là y tá và tôi có nguyện vọng được tiếp tục truyền thống gia đình trong nghề này.

*[Thị trấn duyên hải miền Nam Ireland. Hải cảng nơi đây là điểm khởi hành của hơn 2,5 triệu người Ireland đáp tàu di cư qua Bắc Mỹ trong hơn một thế kỷ (1848-1950)]

Một tháng trước sinh nhật thứ hai mươi, Tess nhận được thư của bệnh viện Mater, thông báo có thể dành cho em chân y tá tập sự, tùy thuộc kết quả cuộc phỏng vấn cũng như các giấy xác nhận tư cách và phải đóng một khoản phí. Một sáng tháng Chín, tại ga Woodlawn, Tess lên chuyến tàu hỏa chạy cắt ngang đất nước* tiến vào nơi chưa biết. Tới giữa vùng trung du, bầu trời bỗng tối sầm, đoàn tàu giảm tốc rồi dừng hẳn tại một địa phương nào đó. Trong toa có một sự im lặng huyền bí. Đột nhiên một tia sét ngoằn ngoèo xẻ bầu trời làm đôi. Giật mình khiếp hãi, Tess ngắm bầu trời sáng lòa khi từng tia chớp giận dữ vụt hiện, chói lòa rồi biến mất.

*[Từ ga Woodlawn, thành phố Galway miền Tây Ireland, tàu vượt hơn 200km sang Dublin nằm ở phía Đông]

Tess trú trong ký túc xá dành cho y tá cùng các cô gái đến từ khắp miền đất nước. Hằng sáng nàng bận bộ đồng phục hồ bột, đi giày trắng tới nơi làm việc. Buổi tối, Tess tham dự các lớp học. Nàng hăng hái, và tiếp thu rất nhanh, cả lý thuyết lẫn thực hành. Ban đêm nàng ngồi trên giường, miệt mài với các giáo trình, thảng hoặc lại giật mình bởi tiếng còi tầm lanh lảnh bên ngoài. Cứ hai tuần Tess lại biên thư về cho cha, còn thư gửi chị Claire ở New York thì hầu như tuần nào nàng cũng viết. Vào ngày nghỉ, Tess dạo dọc phố O’Connell, ngắm các ô kính trưng bày, thảng hoặc mới đặt chân vào cửa hiệu Clerys để sắm tất da chân hay áo len và một bận, nhân đợt giảm giá mùa đông, nàng mua một tấm áo khoác vải tuýt dệt họa tiết xương cá, cổ áo và cổ tay viền lông. Dù có cùng đi xem phim với một cô bạn quê ở Cork, nhưng Tess tránh hầu hết các dịp tụ tập giao lưu hay chơi tối. Nỗi thẹn thùng giữa chúng bạn và nhu cầu bức thiết cần hòa nhập đã gây nhiều âu lo tới nỗi khi bóng tối buông xuống, viễn cảnh sắp đi chơi cùng mọi người làm Tess tê liệt đến bất động, đôi khi thực sự phát ốm. Mỗi dịp có thể, nàng đều chọn làm ca đêm, ánh sáng dịu và cái yên tĩnh ở khoa điều trị mang lại điều thật gần với nỗi cô độc có thể có trong cuộc đời đi làm. Lúc bắt gặp ánh mắt đăm đăm của một bác sĩ trẻ trung quyến rũ cạnh giường bệnh, nàng đỏ mặt ngoảnh đi, lòng khát khao được đáp trả bằng một nụ cười hay lời nhận xét ve vãn, giống các cô gái khác vẫn làm. Tess làm thẻ ở thư viện Phibsborough, mỗi tuần tới mượn hai cuốn tiểu thuyết và dạo bộ dọc các nẻo đường trong thành phố hay xuống tận bờ sông. Một ngày nọ, dừng chân trước cổng một tòa nhà mới xây có bể bơi trên phố Townsend, nàng đọc tờ thông báo mở các lớp dạy bơi. Tess thấy hình ảnh mình đang cắt qua làn nước xanh tĩnh lặng bằng một đường bơi đơn độc. Suốt hai năm đào tạo, và sau đó ở cương vị một y tá, tuy niềm nở và lịch thiệp với đồng nghiệp nhưng nàng không tạo dựng được một tình bạn lâu bền nào.
Thỉnh thoảng, vào thứ Bảy ngày nghỉ, chị Maeve từ phòng trọ ở Blackrock vào chơi và hai chị em dạo quanh thành phố. Một bận, tháng Hai, khi đang ở trên lối ngoài Bưu điện Trung tâm, một tay thợ ảnh dạo đã xuất hiện trước mặt và chụp họ. Khoác tay nhau bước, cả hai đều mang trang phục đang là mốt thời bấy giờ, áo khoác vải tuýt và giày đen mũi nhọn. Sau này, nhìn lại mình trong tấm ảnh, lần đầu Tess nhìn ra người con gái mà những người khác hẳn vẫn thấy - trẻ trung, khuôn mặt ưa nhìn với đôi mắt đang cười - một dáng dấp không ăn nhập với những gì nàng cất giữ trong lòng. Tess cho bức ảnh vào phong bì, viết mấy dòng và gửi cho chị Claire, qua địa chỉ của dì Molly, nhà số 731 mạn Tây Phố 183, New York. Nàng nhìn dòng địa chỉ hồi lâu. Phố 183. Tess đọc to dòng địa chỉ. Nàng nom thấy chị Claire ở đó, đang ngồi trên ghế. Chính thời khắc này, nàng cảm nhận được một điều gì, một con suối yêu thương từ nơi kia chảy vắt qua tới mình.
Ở mỗi chuyến về thăm Easterfield, các biến động như gom tụ lại. Thủ lĩnh đã ra đi. Một ngày nọ, nó len lén lết từ bóng râm ra nằm dưới bánh chiếc ô tô đang chạy vào sân. Cảnh tượng ấy cứ mãi hiện lên trong tâm trí nàng và Tess bồi hồi nhớ cặp mắt đen nhỏ chăm chắm vào mắt mình những đêm đưa nó lên phòng. Đã già lại đau ốm nên không còn đảm đương nổi các nhiệm vụ ở Easterfield như suốt gần ba lăm năm qua, chú Mike Connolly giờ chuyển về sống với người nhà ở Connemara.
Oliver đổi thay nhiều hơn bất kỳ ai. Điển trai, dong dỏng với mái tóc dày màu vàng cùng đôi mắt xanh láu lỉnh - quá khác diện mạo anh Denis đen đúa ưu tư. Em quyến rũ được cả lũ chim đậu trên cành đấy, Tess bảo em vậy. Và vẻ bảnh trai ở em sẽ bỏ bùa người ta cho mà xem, nàng thầm nghĩ. Oliver đã học lái xe. Việc tối tối em nàng lấy xe đi quán rượu hay vũ hội bộc lộ chất hoang dã rành rành, thứ thường chẳng được dung thứ tại Easterfield, nhưng chả rõ vì đâu cha như không thấy. Quay về nhà, Tess trượt vào tâm lý hồi xưa trong quan hệ với cha mình - tôn kính, khép nép, phục tùng. Giờ nàng nhìn ra cha đã có tuổi. Một đêm trong bếp, ký ức chợt hiện về. Tess mới hai, ba tuổi, được cha đặt lên lưng ngựa. Thấy con gái sợ hãi, khóc thút thít, cha hạ em xuống, ghì vào khuôn mặt ấm áp của mình.
Một khoảng lặng yên bình bao trùm gian bếp, Tess quay qua cha hỏi:
- Để con cắt tóc cho cha nhé?
Ông ngoảnh sang, còn nàng chờ ý mình bị gạt đi. Cha nhìn nàng ngỡ ngàng, sửng sốt, như thể chợt phát hiện bản thân xuất hiện ở một nơi nào khác. Cằm run run, ông cụp mắt xuống. Tess thấy lòng ngập tràn thương yêu. Lần đầu nàng nhận ra tất thảy những gì cha đã gánh vác. Giữ cho trong ấm ngoài êm, giữ cho cả bản thân ông được vững vàng, luôn sẵn sàng chống chọi với một cơn phong ba nữa.
Tess đứng lên, phủ cái khăn lên vai cha và bắt đầu cắt tóc. Cả hai không nói một lời. Cái lặng yên đồng tình ở cha khiến nàng rưng rưng. Tess nhẹ nhàng bới từng lọn tóc lên cắt, tiếng kéo xoèn xoẹt ở khoảng không giữa họ, tóc lả tả mặt sàn. Và nỗi đau của cha, cho tất cả những gì đã mất, nằm lặng trong ông.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét