Phố Academy
Tác giả: Mary Costello
Người dịch: Hà Nguyễn
Nhà XB Phụ Nữ 11-2017
3
Hồi Tess lên mười, trong nhà em có một đám
cưới đích thực. Khi ấy cũng là hè, sau một mùa đông đằng đẵng với súc vật chết
trên đồng cùng tuyết rơi giữa tháng Năm và bé Oliver quay về nhà. Giờ đây mỗi
ngày đều có điều gì khiến Tess trân quý. Việc Oliver trở về là một, hay cảm nhận
của em khi quỳ trên giường giữa đêm đông, hà hơi mở một lỗ trên mặt kính cửa sổ
đóng băng để ngắm vạn vật trong tuyết - bãi cỏ và cây cối, bờ tường cùng kho
chuồng và dãy nhà phụ, thảy đều im ắng, diễm lệ dưới ánh trắng - cảm giác em đã
lớn khôn lên, khỏe khoắn an toàn hơn, thế giới vẫn tồn tại và trở nên đáng yêu
thêm chút đỉnh.
Sáng hôm chị Evelyn cưới, anh Denis chở mọi
người tới nhà thờ bằng chiếc ô tô bốn chỗ mới hiệu Hillman Minx cha mua hồi mùa
xuân. Maeve, từ trường nội trú về chơi, và Tess đều bận váy xòe mới. Trên án thờ
nhà nguyện để mấy nhành hoa lan nhật quang. Chú rể ngồi ở hàng ghế đầu cùng người
em trai. Đây mới là lần thứ hai Tess nhìn thấy anh rể, nom già chả khác cha em
mấy nỗi.
Tiệc mặn được tổ chức tại Easterfield.
Khách khứa ngồi quanh cái bàn dài trong phòng ăn. Các phần ăn đã hết nhẵn và
Tess chẳng nhớ đã dịp nào trong nhà có thức ăn ê hề cùng tiếng chuyện trò, cười
đùa rôm rả hơn thế. Hôm nay mẹ cháu mà còn thì hãnh diện lắm đây, có người bảo
chị Evelyn như vậy. Gần đây Tess không mấy khi nghĩ tới mẹ. Gương mặt mẹ phai
nhạt dần trong ký ức. Em gắng hình dung bóng hình mẹ trong các căn phòng, đang
thu dọn, phủi bụi vật dụng, các tấm rèm, nệm ghế, hay khép nhẹ cửa. Em lướt
nhìn khắp phòng. Một cảm giác đôi lúc gợn lên: Em cảm thấy mọi vật đều đang sống.
Khi bước vào nhà để xe hay chuồng bò, Tess thấy như vừa làm gián đoạn điều gì.
Dạo này ý nghĩ rằng vạn vật xung quanh, những thứ nhiều ý nghĩa và lay động tim
em - cây cối, ruộng vườn, các con vật - cũng có sinh mệnh, có suy nghĩ, đã tự
bén rễ trong Tess. Có sự sống ắt có trí nhớ, em thầm nhủ. Vậy là ký ức và vết
tích về mẹ quyết còn vương khắp nhà - trong phòng, sảnh, cầu thang. Vết lõm
chân mẹ in trên thảm. Trên cái ly nước có dấu tay mẹ. Em thầm hỏi liệu trong những
đêm ấm áp, lúc toàn bộ ngôi nhà say ngủ, người mẹ dịu dàng của em, hay các hồi ức
về bà có trở lại, mang an ủi cùng hứa hẹn đến cho mọi thứ, bù đắp những nhẫn nại
đợi chờ. Cả ngoài kia nữa, khoảng sân, chuồng vịt có nhớ mẹ chăng? Cây bạc hà
còn nhớ từng tỏa bóng mát che cho mẹ? Tess nhìn xuống đôi bàn tay. Dẫu có ôm ấp
những ý nghĩ như vậy, em biết chúng chẳng thể rành rọt viết ra được.
Sau khi chị Evelyn đi lấy chồng, cô Tannian
ghé qua thường xuyên hơn, mang theo các loại bánh trái tự tay làm, đôi lần tới
ngay trước giờ ăn khiến cả nhà phải mời cô cùng dùng bữa. Cô xắt nhỏ thức ăn
cho Oliver hoặc phết bơ vào bánh mì của em, khăng khăng giành lau mặt cho thằng
bé đến nỗi nó phải xua cô đi. Ai cũng thấy phiền. Tess thương cho cô. Cha làm
thinh nhưng thường chau mày và vào một tối khi cả nhà chưa xong bữa, ông chợt đứng
phắt dậy, lao ra ngoài. Sau đó, lúc cô Tannian ra về, Tess thấy cha đứng nói
chuyện với cô bên kia sân. Nom cô Tannian bối rối, cúi gằm và như co rúm lại rồi
sau đó chui vào xe. Qua nhiều tuần mới trở lại nhưng kiểm tra lông tơ cho lũ gà
mái xong cô cũng chẳng ở nán hay vào nhà chơi. Sau này thảng hoặc lắm cô mới
ghé. Có lần cha hỏi “Lần cuối cô ta đến
là hồi nào nhỉ?”
Đã là tháng Sáu, Tess đang ở tuần cuối của
lớp sáu, năm sau cùng trong trường công lập. Tan học, em cùng Oliver theo con
đường trước nhà bước vào sân. Một tốp người đang vây quanh cái giếng cũ nơi góc
sân. Đã lâu lắm, nhiều năm trước khi Tess ra đời, cái giếng bị đậy lại bằng đá
phiến, bởi e ông già bà cả trong làng tới lấy nước có thể ngã xuống. Theo những
gì Tess còn nhớ, nhà em chỉ ăn uống bằng nước từ máy bơm trong làng. Những tối hè,
thanh niên nam nữ trong làng tụ tập quanh giếng, không khí nơi này luôn có gì
đó chuếnh choáng ngất ngây. Một tối cha ra kéo em cùng chị Claire về nhà. “Vào nhà ngay”. Cha đỏ mặt bực bội. Ông
không muốn mấy chị em đến đây đàn đúm. Còn lúc này phiến đá đậy giếng đã được
nhấc ra. Cha sẽ thả cái bơm của nhà xuống để bơm mẫu nước lên cho người ta mang
đi xét nghiệm.
Chú Mike Connolly đang nắm một đầu sợi thừng
thả thòng xuống màn tối. Vòng người dịch sát quanh bờ giếng. Cha kêu tên anh
Denis, chờ một tẹo rồi lại gọi to, Denis.
Một nỗi im lặng kỳ lạ bao trùm. Chú Mike Connolly khom người, ngó chằm chằm xuống
dưới. Tess cảm nhận một nỗi lo lắng đang dấy lên trong mỗi người, các hơi thở
như ngưng lại. Rồi có một sự xáo động, những bàn chân và thân thể xê dịch. “Thằng nhỏ đang lên kìa”, cha kêu lên.
Luôn tràn đầy giận dữ, bực dọc, vậy mà giờ mặt cha giãn ra, sáng bừng, giọng đầy
nhẹ nhõm và lần đầu em hiểu ra chút ít về ông trong vai trò người cha. Tess
chen vào nhìn mấy bậc đá dẫn xuống giếng, ngó sâu hơn em bắt gặp anh mình hiện
ra từ bóng tối. Leo từng bước từng bước, mái đầu đen, khuôn mặt trắng, tấm thân
thon dài của anh Denis dần nhô khỏi giếng cho đến khi lên ngang mặt đất, nhợt
nhạt và váng vất, anh hấp háy mắt dưới ánh mặt trời. Chú Mike Connolly chìa tay
cho Denis nắm lấy để leo khỏi giếng, bước ra mặt sỏi. Bàn tay anh run run đưa
chai nước cho một người, đoạn lẳng lặng băng qua sân rời đi.
Tháng Chín, cùng chị Maeve, Tess sẽ tới học
một trường nội trú của tu viện nữ tại thị trấn cách nhà hai mươi dặm. Từ mấy tuần
trước, các bước sửa soạn cho việc này đã được tiến hành, quần áo mới cũng đã
mua. Tess cảm tưởng đây là những ngày cuối cùng của mình. Em loanh quanh trong
nhà, ngoài sân, lòng trĩu nặng. Tess ước cha để mắt tới mình, muốn ông nhận ra
em sắp đi. Tess mong làm được gì đó khiến cha vui lòng, dù chỉ một lần.
Ở trường, đồng hành khắp nơi cùng Tess là
những tiếng chuông ngân, mùi sáp cùng tiếng vọng bước chân em trên mặt sàn bóng
lộn. Những giai điệu thánh ca vọng ra từ gian nhà nguyện in vào tâm trí một nỗi
buồn man mác. Trong lớp, các giáo viên bận áo choàng đứng trên bục giảng, và một
số người, chỉ bằng một từ hay một bàn tay đặt lên sách, đã mang đến những khơi
gợi về tương lai, hay về một thế giới rộng lớn hơn khiến Tess như bay lên, thấy
sáng tỏ và nhiều hứa hẹn. Đêm ở ký túc xá, tiếng động của bốn mươi cô bé đang
ngon giấc hòa trộn cùng các suy nghĩ về nhà mình, về bé Oliver, chị Claire,
cha, anh Denis trong vẻ im lìm cố hữu. Có những tối em nằm khóc. Tess ước gì
đưa được mọi người cùng đi, đem tất cả hòa nhập vào thế giới mới mẻ này. Hóa ra
nhớ nhà là thế này đây, em nghĩ. Nhưng nỗi buồn này không hoàn toàn tệ. Trong
đó có gì thực tế, chính đáng và mang tác dụng thanh tẩy khiến Tess muốn tiếp tục
được chịu đựng. Đây là một cuộc sát hạch em phải vượt qua, một bức tường em phải
phá vỡ. Em cảm thấy được an ủi trong suy nghĩ rằng chị Maeve đang ở đây, đâu đó
tại tòa nhà này cũng có một người cùng chung dòng máu với em, tỏ tường quãng đời
trước của em.
Tess yêu tất cả các môn học, ngoại trừ toán
- đại số, lượng giác với công thức rối rắm của nó - và làm tốt các bài kiểm
tra. Nhưng em luôn thận trọng, dè chừng. Chỉ giờ ngữ văn, lúc giáo viên đọc thơ
Wordworth hay John Donne, là em tạm quên bẵng mình đang ở đâu và được âm thanh,
hình ảnh đưa tới những làng mạc, dòng sông xa xôi, các nhà thờ vươn cao chạm đến
thiên đường. Vào những thời khắc ấy, Tess cảm giác có gì đó ngay tầm tay, em
đang tới gần một thứ chưa hẳn chạm tới được, nhưng chắc mẩm là đúng đắn, đẹp đẽ.
Trong lớp Tess không ưa phát biểu và ở các dịp hiếm hoi khi được hỏi hay yêu cầu
đọc một bài thơ khiến em xúc động, người Tess cứng đờ do e ngại sẽ phát ngôn điều
gì ngốc nghếch và tự làm nhục mình. Tới lượt Tess đọc bài, các giáo viên chỉ hất
đầu cho phép. Tess cầm chắc không ai trong số họ biết tên em.
Tess dần dà yêu gian nhà nguyện trong trường
với ngọn đèn chầu* và những cửa sổ kính màu. Chủ nhật hay các ngày thánh linh
thiêng - Ngày cầu vong, Tuần thánh, Ngũ tuần - linh mục cao giọng đọc kinh, những
bài tụng ca Thiên Chúa, tiếng La-tinh dội xuống em giờ đã dễ hiểu hơn nhiều. Dominus vobiscum [Chúa ở cùng các anh chị
em]. Et cum spiritu tuo [Và ở cùng
Cha]. Lư hương rung rinh theo tiếng nguyện, mùi hương, tiếng ngân vang từ các
chùm chuông nhỏ. Song chính dàn đồng ca - các giọng hát trong trẻo thuần khiết
- và những nốt nhạc buồn vang vọng của đàn organ đã khuấy động tâm can em. Bài Panis Angelicus [Bánh thiên thần]. Tantum Ergo [Đây bí tích diệu kỳ], O Salutaris Hostia [Ôi Mình Thánh cứu độ].
*[Đèn nến, có chụp bằng thủy tinh màu đỏ, được thắp suốt
ngày đêm, là biểu tượng tình yêu vĩnh cửu của Chúa Kitô]
Năm thứ hai, cô giáo dạy môn La-tinh bị ốm
và một thầy mới tên Brown tạm thay. Dáng thầy cao, tóc hoa râm, không bận áo
choàng đen như các giáo viên khác. Dẫu sống ở thị trấn tỉnh lẻ, tiếng Anh của
thầy không pha giọng Ireland - thậm chí có lẽ là giọng Anh thuần chất. Thầy
luôn nói năng nhẹ nhàng. Tess nhận thấy tác phong lịch thiệp ở thầy: Không nhìn
chằm chằm khi nữ sinh trả lời câu hỏi nhưng vẫn nghe chăm chú. Một hôm, giờ tan
lớp, thầy bảo Tess nán lại.
Em đứng trước mặt thầy.
- Hóa ra nhà em cùng một chỗ với nhà tôi,
trò Lohan ạ, - thầy bảo. - Địa chỉ của em trong danh sách học sinh khiến tôi
chú ý.
Tess điếng người. Nỗi sợ lan khắp người: Thầy biết cha em; cha đã không trả học phí;
em ở đây được là do lừa dối. Em là kẻ mạo danh.
Thầy nhìn em bên trên cặp kính, chờ đợi.
Tess chẳng rõ thầy trông đợi chuyện gì. Thầy Brown ngả người dựa lưng vào ghế rồi
bỏ kính ra.
- Tôi sinh ra trong ngôi nhà Easterfield, -
kể tới đây thầy ngưng lại. - Tôi ở đó tới khi lên tám. Gia đình tôi đã bán nơi ấy
đi, và mấy năm sau cha em mua căn nhà và một phần mảnh đất.
Tess không thốt nên lời. Em chưa từng để
tâm đến quá khứ Easterfield. Tess khó bề tưởng tượng con người này trong các
gian phòng Easterfield, trên những cái giường ở đó, chạy băng băng qua các thửa
ruộng đằng ấy.
- Ngôi nhà cũ giờ sao rồi em? - Thầy mỉm cười,
tựa như đang hỏi thăm tin tức một người họ hàng.
- Thưa thầy tốt ạ.
- Mái nhà vẫn dột chứ? Thỉnh thoảng lượng
nước mưa ứ tại phần mái giao nhau sẽ tràn xuống trần.
- Thưa thầy vâng, quả có một bận như vậy, dạo
em còn bé xíu. Trần tầng hai đã bị hư hại. Em không nhớ nhưng vệt loang trên trần
vẫn còn đó.
- Và cha em vẫn canh tác trên đất đai nơi ấy
chứ? Nuôi gia súc gia cầm hả?
- Thưa thầy vâng.
- Em có nhiều anh chị không? Một ông anh,
người hẳn sẽ thừa hưởng chỗ đó?
- Vâng ạ. Denis, anh trai em.
Thầy nhìn Tess một chặp, dường như lâu lắm.
Em nghĩ thầy sửa soạn thông báo về thăm Easterfield. Ngày mai thầy sẽ đưa em đi
bằng ô tô và hai người sẽ đến không hề báo trước. Tess bắt đầu hoang mang.
- Tình cờ gặp em ở đây quả thú vị. - Nói đoạn
thầy đưa mắt sang hướng khác, lặng im giây lát. - Em có biết lịch sử của
Easterfield không? Em có biết ngôi nhà được xây hồi nào chăng?
- Dạ, có ạ. Chị em kể nhà xây vào năm 1678.
Tess nhớ lại ngày ấy, hồi lớp năm, khi thầy
Clarke ngưng bài giảng lịch sử giữa chừng và bảo em đứng lên kể cho cả lớp về
Easterfield khiến Tess ngượng chín. Cha em mua ngôi nhà và một trăm mẫu đất hồi
năm 1911, em kể lí nhí, rồi cha mẹ làm đám cưới năm 1925. Em không thuật lại
chuyện có lần mẹ nói với em là ngôi nhà có 365 cửa sổ, mỗi cửa dành cho một
ngày trong năm. Điều này không đúng; một bận em đã đếm và chỉ có cả thảy 37 ô cửa
sổ.
- Nhà em có một khu vườn cây ăn trái và hai
cầu thang. - Tess kể, và chẳng thể nghĩ ra thêm điều gì khác.
- Thế thôi hả? Đấy là tất cả những gì em biết
sao? Ngồi đi, trò Tess Lohan. - Thầy Clarke bảo, và nhìn cả lớp trước khi nói
tiếp.
- Ngôi nhà Easterfield cùng phần điền sản
thuộc sở hữu gia đình Cannon từ năm 1678 đến những năm 1800. Vua Charles Đệ Nhị
ban cho họ năm trăm mẫu đất. Ngôi nhà đóng cửa vào khoảng những năm 1830 nhưng
rồi được mở lại làm bệnh xá làm phúc cho những kẻ ốm đau, đói khát giai đoạn
1840. Các dân địa phương. - Thầy ngừng lại, nhìn vào mắt từng đứa trẻ. Tess chỉ
lo thầy chú ý tới em lần nữa.
Còn giờ đây thầy Brown thò tay vào cặp lôi
ra một quyển sách.
- Em biết rằng ngôi nhà từng là trạm xá
trong nạn đói chứ?
- Dạ vâng.
- Và rằng hàng trăm bệnh nhân đã chết ở đó?
Chỉ mới gần đây thầy mới phát hiện ra điều này. Vài năm trước thầy có biên soạn
một sử liệu về tất cả các ngôi nhà lớn và khu đất rộng trong vùng. Thầy khá sửng
sốt với những gì tìm hiểu được về Easterfield. Nhiều bộ xương vô thừa nhận đã
được chôn trên mảnh đất đó. Trong các mương rãnh, dưới mỏ đá, dưới các gốc cây
sồi, dẻ gai, ở khắp nơi. Những nơi thầy nhớ mình từng chơi đùa... Họ đổ vôi bột
lên xác người để ngăn mùi hôi thối. - Thầy chìm dần vào suy tư. - Mãi sau này
gia tộc thầy mới sở hữu Easterfield. Tôi tin chắc họ từng đối xử khá tốt với tá
điền.
Tess gật đầu. Giờ thứ duy nhất em muốn là rời
đi. Thầy đưa cuốn sách cho Tess.
- Có lẽ em thích mượn cuốn này. Mai mang trả
nhé.
Sau đó, nằm trên giường, Tess hồi tưởng lại
cuộc chuyện trò ở trường và những lời kháo của dân địa phương bên cái máy bơm
nước của làng về việc từng nghe văng vẳng tiếng người đã khuất than khóc khi đi
ngang Easterfield buổi đêm. Tess nhớ chiếc đu anh Denis buộc vào cái cây mọc
trên điểm khai thác đá cho em với Oliver chơi, tiếng cười hai chị em khi bay
qua đống đá. Trong tâm trí, em đang lướt khắp nông trại, ghi nhớ từng khoảnh ruộng,
từng bụi cây. Em thấy các nhành cây trơ trụi giữa trời đông. Tess ớn lạnh, quấn
chăn quanh người thật chặt và gắng thiếp đi.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét