Phố Academy
Tác giả: Mary Costello
Người dịch: Hà Nguyễn
Nhà XB Phụ Nữ 11-2017
11
Sự tồn tại của đứa trẻ khiến một thế giới
đơn sơ hóa thành phong phú. Cuộc sống của Tess được nâng tầm: Thằng bé đưa ra
chủ điểm và mục tiêu mỗi ngày, chăm nom con khiến nàng biến đổi, bao quát và
sâu sắc hơn.
Còn một thứ khác nảy sinh. Ở đâu nàng cũng
thấy thương cảm con người. Những khó chịu vặt vãnh - chiếc xe đẩy di chuyển như
rùa trên vỉa hè giờ cao điểm, một thang máy bị hỏng, hàng người xếp dài trong
quán điểm tâm - bị triệt tiêu. Một vẻ tốt bụng, một nét dịu dàng xuất hiện
trong hết thảy hành vi, tiếng nói của nàng. Tess không sao chịu nổi một lời cao
giọng, một tiếng còi rú, một bàn tay lỗ mãng trên thân thể bệnh nhân. Chỗ nào
nàng cũng thấy những đối tượng yếu nhược, dễ bị thương tổn - mấy cụ bà trên lối
đi khu mua sắm, dân ăn xin hay người say hoặc người sống lang thang dưới tàu điện
ngầm, người đui mù, què quặt, đám chó hoang - những sinh thể không có tiếng nói
và vô phương tự vệ hiện diện ở mọi ngóc ngách. Một hôm, dừng bước trước một
nhành cây gãy nằm trên vỉa hè, nàng ngước nhìn vết thương toang hoác trên cành
mà nhói lòng.
Nàng giờ chỉ còn giao du với mấy người -
Willa, dì Molly, ông Fritz, dăm bạn đồng nghiệp và ở mức độ xa cách hơn, mấy
gia đình Ireland sống cùng tòa nhà. Nàng chỉ tình cờ gặp Anne Beckett duy nhất
một lần, trước khi cô bạn cùng chồng quay về cố hương sống. Không ai đề cập tới
đứa trẻ - điều ấy không cần thiết, họ hẳn sẽ chẳng bao giờ tái ngộ. Tess viết
thư cho chồng chị Claire ở California, ngỏ ý mời hai cháu tới chơi. Thư phúc
đáp của anh rể lịch sự nhưng chẳng hứa hẹn gì, và đằng sau những con chữ, Tess
phát giác bóng dáng một mối tình mới. Nàng nghĩ tới hai cháu mình những năm sau
này, hình dung ra cuộc đời chúng, trong ngôi nhà với người mẹ mới, trên bãi tắm
cạnh đứa em trai mới.
Bên Willa nàng được là chính mình hơn cả. Ở
Willa có một mối đồng cảm nàng không tìm thấy nơi bạn đồng nghiệp hay các bà mẹ
khác trong tòa nhà. Sự thông cảm này hiện diện ngay từ buổi đầu. Tess chứng kiến
cách Willa cư xử với mọi người, sự dịu dàng chị dành cho trẻ - cách chị dỗ dành
chúng - và nàng học làm mẹ từ tấm gương ấy. Tess lưu ý vẻ nhẫn nhịn, lịch thiệp
trong cách Willa ứng xử khi là đối tượng những móc máy, sỉ nhục mang màu sắc
phân biệt chủng tộc, đôi khi do chính đồng bào Tess gây ra. Nàng cũng chịu ảnh
hưởng lớn từ cuộc sống của Willa, niềm khao khát sống, sự tự do không câu thúc,
nếp gọn ghẽ kỷ cương. Căn hộ của Willa ấm cúng, huyên náo, đầy ắp mùi bếp núc
cùng tiếng chuyện trò, tranh cãi và lúc nào chị cũng ở trung tâm. Tess gắng học
bạn nhưng căn hộ của nàng luôn lơ lửng một không khí tĩnh lặng, như thể còn thiếu
thứ gì vô cùng trọng yếu.
Theo ngày một lớn, khỏe mạnh. Nó xinh xắn
quá đỗi. Ý nghĩ này đưa tới một dự cảm mơ hồ, thứ linh cảm xấu. Khi Theo hai tuổi
rưỡi, Willa cho bé đứng áp lưng vào tường bếp để đo chiều cao đoạn tuyên bố
“sáu mươi ba phân rưỡi”*.
- Em biết không, thằng nhỏ sẽ cao gấp ba,
lên 1m9 khi trưởng thành. - Chị nháy mắt. - Bố nó cao hả Tess?
*[Có lẽ tác giả đã nhầm lẫn về chiều cao của đứa trẻ,
đáng lý ở hai tuổi rưỡi, Theo cao khoảng 90 phân - theo tiêu chuẩn tăng trưởng
của WHO]
Hôm sau, Tess viết liền ba lá thư gửi về
Ireland, lời lẽ nồng ấm, có sao nói vậy, không xin tha thứ, mỗi thư kèm một tấm
ảnh Theo. Nàng chẳng để cập tới cha đứa trẻ. Tess không nhận được hồi đáp từ
anh Denis, còn thư của chị Evelyn và Maeve, ngoài đoạn cuối chúc mừng qua loa,
đều vắn tắt, dè chừng và xa cách. Tess biết hai bà chị cuối cùng đã chẳng nhiếc
móc chỉ bởi cuộc đời trái thuần phong của mình quá đỗi xa xôi để không bôi gio
trát trấu vào mặt họ. Đọc thư tim nàng quặn lại, song qua nhiều ngày cũng như hồi
tưởng về xứ sở đã bỏ lại sau lưng ấy và đặt mình vào hoàn cảnh các chị, Tess
thông cảm và tha thứ. Tối nọ trên tàu điện ngầm, nàng ngẫm nghĩ về một cuộc đời
giả định khi quay trở lại nơi đó. Một tấm vải liệm hiện ra, một cảm giác tẻ ngắt
khi nghĩ đến cái nhạt nhẽo, bó buộc, tù đọng từng ngày. Cảm giác vạn sự như
đóng lại, chấm dứt. Nàng sẽ chẳng bao giờ giữ được Theo. Với nàng, giờ nơi đó
như một miền đất không giấc mơ, hoặc một xứ sở mơ mộng bị cấm cản. Còn ở đây,
cuộc sống có thể diễn ra ở tầm mức cao hơn, chân thực hơn. Dẫu hướng nội, kể từ
lúc Theo ra đời, Tess có một khát vọng hướng tới sự vận động, lòng quyết tâm và
hăng hái. Khi bước dọc những đường phố Manhanttan, Tess chợt hào hứng. Nàng bắt
đầu thấy cơ hội nằm ở khắp nơi, và đó là cảm nhận về cái khả dĩ - mặc cho không
phải lúc nào cũng tận dụng chúng - thứ sục sôi và cuồng say rất đỗi thiết yếu
cho đời. Có lẽ đây đích thực là ngọn nguồn lo lắng ở mình, nàng tự nhủ, đặc điểm
mọi nỗi âu lo của mình: Sự nhạy bén trong nhận biết các cơ hội bất tận có thể
cùng lúc mang tới hiểm họa hay đưa ta tiến lên, và hết thảy cơ hội đều có thể
là được hoặc mất. Còn cả thứ áp lực ghê gớm ở khoảnh khắc đắn đo, khi một kẻ hoặc
đánh liều dấn bước hoặc không. Đó là sự lựa chọn, nàng nghĩ thầm, sự tự do lựa
chọn là căn nguyên hết thảy lo lắng.
Khi nàng trực đêm, Theo qua đêm ở nhà Willa
và, đổi lại, thỉnh thoảng Tess đưa hai cậu con trai Willa về ngủ chỗ mình, hai
khuôn mặt da đen nhỏ xíu thức giấc bên Theo, như anh em. Theo theo chân hai đứa
ra sân chơi hoặc cùng tụ tập ngoài hành lang, chạy rầm rầm lên xuống cầu thang
với lũ nhóc nhà Gallagher và O’Dowd. Và đã có một nét cô độc sầu kín bám dính
vào bé. Trong công viên, Tess quan sát ánh mắt con dõi theo quả bóng hay chiếc
đĩa nhựa được ném ra và một chú chó lao tới trước mặt cậu. Tess nhìn thấy phút
giây con ngập ngừng giữa một ý nghĩ và hành động, cái ấp úng trước khi cất tiếng,
bộ mặt nghiêm trang. Nàng ngắm con không chán mắt, ghi nhận khoảnh khắc bé nhận
biết sự tách biệt của bản thân. Những lúc ấy, trong mắt nàng, cậu dường như là
điều không sao tránh khỏi. Sự tồn tại của cậu là tiền định. Điều ngạc nhiên là
chính nàng đã sinh ra cậu. Nữ dâm quỷ.
Nam ác thần.
Những sáng mùa đông tối tăm, Theo mắt nhắm
mắt mở vào phòng Tess, leo lên nằm vắt ngang qua người mẹ, tim hai mẹ con hòa
nhịp qua lớp da thịt, vải vóc. Tess trở dậy, mặc quần áo trong bóng tối rồi nấu
bữa sáng trước khi đánh thức con. Hai mẹ con ngồi bên chiếc bàn bếp khi bầu trời
đã rạng hoặc bên ngoài tuyết đang rơi lặng lẽ, rờn rợn và Theo ngồi đó, ngắm mê
ngắm mải trong thứ sáng trắng lạ lùng của nó.
Tess kể cho con về Easterfield. Nàng dẫn
con đi khắp các gian phòng. Nàng thấy lại hết thảy bàn ghế giường tủ nơi đó, hệt
như xưa. Một cái mền hồng nhồi lông vịt trên giường. Tấm áo khoác xám treo phía
sau cửa phòng chú Mike Connolly. Quang cảnh toàn bộ trang trại nhìn qua ô kính
gợn sóng cũ kỹ. Mùi thơm của táo, mẻ thức ăn cho gà đang ngâm nước sau bếp, cha
gọi Tess dọn ra một tách trà. Nàng chẳng có tấm hình nào của cha cả. Tới sáng nọ,
Tess ngồi vẽ một bức tranh: con đường dẫn vào nhà, hàng cây, mảnh sân rải sỏi.
Bàn tay nàng ngập ngừng trên mặt giấy, không biết làm sao để đến được ngôi nhà.
Vì vậy nàng vẽ cây nguyệt quế. Sau đó, tại căn hộ của Willa, con nàng thêm vào
ngôi nhà, chim chóc, con Thủ lĩnh. Tess nhìn thấy Theo đang ở Easterfield, chạy
ào xuống cầu thang cùng đám con chị Evelyn và Maeve, lao tới tranh đánh cái
chiêng ở sảnh trước, rồi mở tung cửa chính, đâm bổ xuống khoảnh sân trải sỏi và
rượt nhau vào vườn cây hay ra cánh đồng.
Ở chỗ làm sáng nọ, nàng cùng cả nhóm y bác
sĩ đứng bên giường một bệnh nhân già. Tess giật mình bởi có nét gì quen quen ở
khuôn mặt ông. Khi mấy bác sĩ rời qua giường bệnh kế tiếp, nàng bước theo nhưng
vẫn thấy gờn gợn nên ngoảnh lại. Ông cụ đang nhìn nàng. Suốt sáng đó nàng lo sợ.
Tới chiều Tess lại đo huyết áp cho ông.
- Thằng cu thế nào? - Ông hỏi.
Trống ngực Tess đập thình thình.
- Nó khỏe ạ. Cảm ơn ông. - Nàng không dám
nhìn vào mặt ông.
Tess vén ống tay áo ngủ của ông cụ. Trong
lúc nàng bóp quả bóng, ánh mắt họ gặp nhau.
- Bé Theodore có gặp cha không? Đứa bé nào
cũng cần một người cha.
Tess không đáp. Khi quay bước rời đi, cơn bực
bội bởi sự tọc mạch của ông lão bừng bừng trong người nàng.
Sáng sau, ông lão nín thinh. Tên ông là
Boris. Ông làm ngơ trước sự có mặt của nàng. Tess đo nhịp tim, huyết áp, lấy mẫu
nước tiểu của ông. Sau bữa sáng, được một hộ lý khác giúp đỡ, nàng làm vệ sinh
cho ông. Nàng dùng miếng bọt biển cọ rửa các bắp thịt mềm nhẽo trên tay, đùi,
mông. Ông cụ im lặng, ngoan ngoãn phục tùng. Tess nhấc từng bàn tay, lật ngửa
ra, nhìn rõ các mạch máu xanh dưới da. Nàng nhớ lại câu chuyện của ông trên
băng ghế công viên. Tess chà miếng bọt biển lên ngực, trên đám lông bạc lơ thơ,
khung xương ức. Nàng nghe được cả nhịp tim chộn rộn, tựa một chú chim sẻ bị cầm
giữ. Nàng cọ rửa khắp thân thể đoạn lấy khăn khô lau nhẹ nhàng. Đồng hồ treo
trên tường khoa điểm mười hai tiếng. Tess dọn lại chiếc giường, đập mấy cái gối
cho phồng căng. Nàng cảm nhận một sự điềm đạm, bình thản tột độ trong mọi cử chỉ
của mình. Và nàng đứng lặng. Phía cuối hành lang, các xe chuyển suất ăn trưa
kêu lanh canh. Chị y tá đẩy chiếc xe lăn có một bệnh nhân đi ngang. Tess nhìn
khắp khoa điều trị - cái ghế đẩu bên tường, bồn rửa ở góc, ông cụ trên giường,
mấy bóng người qua lại ngoài hành lang. Thế này đây, hết thảy những thứ này,
nàng tự bảo, là thực tại. Đột nhiên Tess cảm thấy vững vàng, hòa hợp với thế giới
xung quanh cùng sự tồn tại của vạn vật.
Hết ca, nàng đến bên giường ông cụ. Chẳng
có ai tới thăm ông. Lát sau ông mở mắt ra.
- À cô đã quay lại, - ông bảo.
- Vâng ạ. - Tess ngồi xuống chiếc ghế.
Ông già cười yếu ớt. Tess cảm nhận gánh nặng
của những năm gần đây, nỗi cô đơn chí mạng, tất cả ập xuống vai nàng. Ông đây hẳn
đã là một người cha mẫu mực. Một cảnh tượng ngày trước với tất cả những gì có
thể đã xảy ra giờ bày ra ngay trước nàng.
- Ông có muốn cháu gọi điện báo tin cho ai
đó - chẳng hạn một người bạn - không ạ? - nàng hỏi.
Ông lão lắc đầu. Ông già quá rồi.
- Tất cả đều đã khuất bóng. - Ông quay qua
nàng. - Trước lão thường đánh cờ với họ, - ông kể. - Lão đây trước giỏi cờ lắm!
Lúc còn thanh niên - tuổi đôi mươi - lão từng suýt đạt đại kiện tướng đấy. - Mặt
ông bừng sáng.
- Cháu chưa từng học đánh cờ, - Tess nói. Một
dòng nước tiểu rỉ xuống túi đựng của ông lão.
- Lão mê môn cờ từ khi còn là một thằng
nhóc - buổi đầu là yêu các quân, quân tượng, mã. Cô biết không, mỗi ván là một
chuyến phiêu lưu đấy. - Ông hắng giọng. - Lão chơi cờ khắp nơi trong bang
California. Một bận, ở kỳ Olympic, lão đấu với một chú thiếu niên châu Phi,
quãng mười ba tuổi, không biết đến cả ngày sinh của mình. Chú ta chẳng bao giờ
đề cập tuổi mình. Dạo lên mười, chú từng mắc sốt rét, chết trong hai ngày nhưng
sống lại. Hồi ở quê, ngày nào cậu chàng cũng phải lăn lộn kiếm miếng ăn.
Ròng rã trong nhiều năm, lão đánh với một
người đàn ông ở Ukraine. Tên là Igor. Hai người gửi thư báo cho nhau nước đi.
Không bao giờ gặp mặt. Một ván có thể kéo dài cả năm. - Ông cười mỉm. - Kiên nhẫn
đích thị là điều lớn lao.
Tess tự hỏi người ta sẽ cảm nhận ra sao khi
có một niềm say mê lớn.
- Quê ông ở đâu ạ? - nàng hỏi.
- Nga. Biển Đen, một thị trấn gọi là Anapa.
Lão chẳng có ký ức gì về nơi ấy. Lão đến đây khi còn nhỏ. Bằng tàu thủy, co ro
nép vào anh trai.
Được một lúc ông hỏi:
- Cô có tin Chúa không?
Ông lão đang nghĩ tới cậu bé châu Phi chết
rồi sống lại, hay về anh con trai đã qua đời. Hoặc có thể chính ông.
- Có ạ, - Tess đáp. - Còn ông?
Ông lão cân nhắc một hồi đoạn chậm rãi thủ
thỉ:
- Trên bàn cờ, ta có thể cảm thấy nó, cô biết
đấy... một điều gì đó. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát - bàn tay lão đưa ra đi các
nước cờ theo ý nguyện của riêng nó trong suốt những tháng năm ấy.
Cái nhìn của ông phiêu diêu ra phía mấy ô cửa
sổ nằm tít trên cao. Vầng dương đã xuống thấp. Cả thành phố nằm quanh họ. Lát
sau ông lại cất lời.
- Ở một số người, lẻ loi là bản chất... Cái
đó cô có.
Tess dời mắt nhìn qua chỗ khác. Hai người
im lặng một lúc lâu. Rồi ông cụ bảo:
- Cô biết không? - Ông nhìn đăm đắm một điểm
ở cuối giường. - Lão có thể nhét cuộc đời mình vào vỏn vẹn một trang giấy. Lão
có thể viết ra mọi sự chỉ trong một trang. - Ông quay qua nhìn vào mắt nàng. - Và
lão kinh ngạc rằng nó kết thúc và lão ở đây, tại điểm cuối.
Vài đêm sau, tới phiên nàng trực, Tess bắt
gặp ông cụ, khi ấy đã mê man, trong gian phòng dành cho các bệnh nhân hấp hối.
Gần nửa đêm, khi ánh đèn đã giảm bớt và các bệnh nhân khác đang yên giấc, nàng
tới ngồi với ông. Tess có nhu cầu được trò chuyện với ông cụ, một người cận kề
cái chết. Tấm thân ông duỗi dài dưới lớp vải đắp, hơi thở mong manh. Tess rờ
bàn tay người bệnh. Ông đã để lại, một sự soi rọi, một vết nhức nhối trong lòng
nàng. Tess cúi sát xuống, xoa đầu, vuốt mấy nắm tóc bạc và đặt tay lên trán
ông. Sẽ chẳng có ai tới rửa ráy hay đánh thức ông. Nàng sờ chót mũi cùng mấy
ngón tay ông, lạnh như băng. Tess tựa lưng vào ghế và chờ đợi. “Chẳng còn bao
lâu nữa”, nàng lẩm bẩm.
Tối hôm tiếp đó, bên chiếc bàn trong bếp,
Tess ngồi cắt các phiếu mua hàng giảm giá trên báo. Theo ngủ trong phòng mình,
chiếc đài đang mở nhỏ. Thỉnh thoảng, đường ống cấp hơi sưởi kêu ro ro, xì xì.
Tess khẽ ngân nga theo lời ca trên đài. Thà
đui mắt chẳng thấy, còn hơn nhìn anh quay bước*. Nàng nghĩ về cuộc đời gói
gọn trong một trang giấy. Tess đã luôn có mong muốn được sống theo những mách bảo
nội tâm và không ngừng chờ mong chúng hiện lên. Không có các chỉ dẫn kia, nàng
tồn tại đui mù, không đổi thay, suy xét chẳng được bao nhiêu.
*[Ca khúc I’d rather go blind của ca sĩ Etta James]
Vậy mà hiện tại, cuộc sống cùng Theo thật
êm đềm. Nàng cảm thấy nó hợp với thiên tư mình. Và ta, Tess thầm nghĩ, là dạng
người có thiên tư giao phó hoàn toàn bản thân cho một thứ. Tess mỉm cười. Trong
kiếp khác nàng có lẽ đã là nữ tu. Một vị hôn thê của Chúa, toàn bộ con người
nàng chuyển qua việc cầu kinh và răn mình, một quá trình tan rã cái tôi hữu
hình ở nàng. Trên đài, một cây Saxophone đang tấu lên. Tess nghiêng đầu, từng nốt
nhạc não nùng chạm tới nàng. Nàng là một người mẹ, một y tá. Đời có những điều
tốt đẹp, có thể tin tưởng, tinh khiết và bất biến. Nàng cần phải không e sợ.
Ngoài kia có cả những thứ tệ hại. Tess nghĩ tới David. Khuôn mặt anh bồng bềnh
phía trước, và cùng với nó là mầm mống nỗi đau. Có khi nào sẽ có một đêm khác,
một thời điểm khác, một người đàn ông khác, tương hợp với cuộc hợp thể ngắn ngủi
thiêu đốt-hết thảy ấy? Cảnh hai người làm tình hiện về. Thứ xúc cảm trong mơ,
buổi tối say đắm, niềm khát vọng đã tan vỡ.
Đột nhiên đèn nhấp nháy và đài kêu lạo xạo.
Tess nghe một tiếng sét ầm vang ngay đâu đây, ánh chớp soi tỏ tòa nhà đối diện.
Đèn lại chập chờn rồi phụt tắt. Nàng vẫn ngồi yên, trong bóng tối, chờ tiếng
sét thứ hai. Giá có lần thứ hai với anh, cơ hội thứ hai để làm tốt đêm ấy, để nắn
lại những sai trật. Nàng đã quá hạnh phúc. Thứ hạnh phúc như thế chứa đựng mối
họa nơi tâm điểm của nó, hạt giống cái chết của chính nó.
* * *
Lên năm tuổi, Theo nhập học ở trường Đấng
Chăn Chiên Lành. Willa nắm tay dẫn cậu cùng hai con mình và con nhà Gallagher -
một dây con nít - đi dọc phố tới tận cổng trường. Những sáng được nghỉ làm,
Tess tự mình đưa con đi và Theo, tóc hoe vàng, khỏe mạnh, xinh xẻo, sải bước đằng
trước mẹ như thể bé đã tỏ tường đường đất. Tan học, những ngày hè, Theo chúi đầu
ở các hàng rào công viên hay dí mặt xuống cỏ khiến Tess nhớ lại cảnh con Thủ
lĩnh sục mũi đánh hơi bụi rậm ở Easterfield và được tiết lộ về những mùi hương,
tiếng động, mọi thứ ẩn khuất gây ngạc nhiên - muôn vạn điều nhỏ bé. Tess nghĩ
thằng bé cũng cảm nhận thấy vậy - cái phong phú, cái mê say, cái bí ẩn của thế
giới vật chất.
Biết đọc nhanh, Theo bị các câu chuyện hút
hết hồn vía. Tess kể cho con những chuyện cổ tích nàng biết từ hồi còn đi học: Chú cá hồi thông thái, Đàn con của vua Lir.
Tess đưa con tới thư viện, chịu lễ misa ngày Chủ nhật. Nàng muốn con biết các
thứ mình yêu thích, thứ sẽ khiến tim cậu bé đập rộn ràng. Chẳng màng tới xung
quanh, Theo bị cuốn vào các trò chơi một mình, bị những điều kỳ lạ mê hoặc. Cậu
có ham muốn được biết hết thảy và theo năm tháng, khao khát ấy ngày càng mãnh
liệt: các loài chim, những giống cây, các vì sao và hành tinh, cuộc đổ bộ lên mặt
trăng, cơ thể người - một vũ trụ vô bờ - mọi loại đề tài theo đam mê tìm tòi của
cậu. Đôi phen, quá kích động và ngợp trước sự xuất hiện một đề tài mới gây
choáng nào đó, người cậu nhợt nhạt rồi nôn mửa. Theo đang bước ra khỏi phạm vi
nhận thức bình thường để tiến vào một địa hạt khác. Tess cảm nhận được các cơn
cuồng tưởng, một trạng thái tâm lý cổ xưa, thứ cảm giác hưng phấn cậu hầu như
không đủ sức tận hưởng. Thỉnh thoảng, lúc con ở giữa chúng bạn, Tess nhìn ra một
vẻ ngần ngại, e dè cẩn trọng khiến nàng âu lo. Rất cảnh giác, háo hức được tham
gia nhưng lại thủ thế, giằng xé và thận trọng với cảm nhận nội tâm - say mê
ngây ngất - của mình là biểu hiện đập ngay vào mắt khiến cậu khác biệt và trở
thành đối tượng của chế giễu hoặc lảng tránh.
- Sách của con viết gì thế? - Một tối Tess hỏi
con, khi Theo lên tám tuổi. Nàng đứng phía sau lưng, vuốt tóc cậu. Rồi sẽ đến một
lúc nào đó, nàng không thể chạm vào con như thế này được nữa.
- Kiến ạ. Một thành phổ kiến, - vẫn đọc mê
mải, Theo đáp, không ngước lên.
Lúc vào tắt đèn cho con, thấy cuốn sách về
kiến còn nằm trên ngực cậu, Tess đoán Theo vừa mới chìm vào giấc ngủ được một
chốc, bầy kiến còn đang chộn rộn trong óc. Tess mang cuốn sách vào bếp. Nàng chẳng
hề biết tý gì những điều kỳ diệu thế này dưới lòng đất. Những sinh vật tý hon
là bậc thầy xây cất. Tess ngắm mấy bức vẽ loài côn trùng nhỏ xíu đang mang trên
lưng những khối lượng khổng lồ, dùng đầu đẩy các vật to như quả núi, sợi râu mảnh
mai của chúng cảnh báo chướng ngại vật đằng trước. Trong bóng tối sa mạc tồn tại
vô vàn mạng lưới đường hầm trong cát, cơ man nhà cửa, đài tháp, phế thải chồng
đống. Tess thán phục trật tự xã hội phức tạp chúng tạo dựng, các giai cấp thợ,
cách phân công lao động, thành phố mê cung. Các
kiến trúc sư của Chúa. Được dẫn dắt, thúc đẩy bởi điều gì? Bản năng chăng?
Thánh thần can dự chăng? Nàng ngắm mãi bức vẽ một con kiến, đôi mắt kép, bộ
hàm, thân trên cùng bụng, đôi cánh rụng sau chuyến bay. Tess đọc mê mải. Ở đây,
nơi gian bếp của nàng tối nay, lãng quên hết thảy, Theo được mang tới lạc giữa
thành phố kiến, chui xuống những đường hầm, chìm vào đời sống loài côn trùng
này, nhìn bằng cặp mắt chúng và ngắm nghía thành phố kiến, Jerusalem của chúng.
Thánh địa kiến trở thành Jerusalem của cậu.
Dạo Theo quãng chín, mười tuổi, một thứ Bảy
Tess đưa con tới Brooklyn dự tiệc sinh nhật ở nhà Priscilla, một chị y tá Mỹ gốc
Ý làm chung. Priscilla cùng chồng và con trai sống trong một phố yên tĩnh có
các thảm cỏ cắt tỉa gọn gàng, ô tô đỗ trên lối vào. Tess đứng chơi chỗ sảnh còn
Theo chạy chơi cùng đám bạn. Nàng ngó ra sân sau, chỗ khách khứa trẻ con vui
đùa. Đến tối, Theo chẳng muốn theo mẹ về. Có gì đó trong ngôi nhà, gia đình
này, khiến cậu thích thú.
- Cứ để nó ở đây, Tess ạ, - chị Priscilla bảo.
- Ngày mai bọn mình khắc đưa cháu qua.
Tess đi dọc phố trở về. Đang là tháng Hai.
Nàng nhìn qua các cửa sổ, những gian phòng có ti vi, đèn đóm, bếp lửa. Cuộc sống
của những người khác. Trước đây nàng chưa từng cảm nhận theo cách này, cách
trong mắt con trai: Thiếu thốn. Nàng
hiểu ra điều con trai thấy, thứ cậu bé bị cự tuyệt, thứ nàng bị lấy mất. Cuộc đời
Theo khuyết hụt. Nàng chưa từng làm một cái bánh sinh nhật hay treo một chùm
bong bóng cho con - sinh nhật Theo luôn được tổ chức tại căn hộ của Willa, sau
giờ học. Nàng mua cho con sách, đưa cậu đến thư viện, nhưng chẳng bao giờ đón
tiếp bạn bè cậu tới chơi nhà. Một lần Tess đưa con tới đảo Coney nhưng hình ảnh
hạnh phúc của con trong làn nước hòa trộn các ký ức về nơi ấy khiến nàng đau khổ.
Tess thôi không đưa con quay lại chốn đó nữa. Nàng cũng chẳng đưa con đi rạp xiếc,
đi xem một trận bóng hoặc tới sân trượt băng. Nàng đã không cho con được một
người bố để cùng đá bóng ở công viên.
Tess trằn trọc nằm hồi tưởng, lúc nửa đêm, ổ
bánh bông lan kem mứt chị Claire đã nướng cho lần sinh nhật duy nhất của nàng
mà mọi người không quên. Tỉnh giấc giữa thứ ánh sáng mùa đông sũng nước cùng
cái im lặng đáng sợ trong căn hộ, khi không tài nào chịu đựng thêm Tess trở dậy,
ra ngoài dưới trời mưa mua báo. Nàng pha cà phê, ngồi bên bàn đọc tờ Thời báo New York. Một cô nàng hưởng quyền
thừa kế bị bắt cóc ngay tại căn hộ ở San Francisco. Tess lật trang, đọc bài
đánh giá một tiệm ăn, ngắm mấy tấm ảnh chụp nhà cửa, vườn tược, và rồi, gần cuối,
như thể định mệnh đã tàn nhẫn kết án buổi sáng cô độc ấy, nàng giở tới trang có
khuôn mặt tươi cười của David, cùng cô dâu rạng ngời kề bên, ở dưới có mấy dòng
thông báo.
Bianca
Rodriquez và David O'Hara đã thành hôn tại nhà thờ Hollỵ Cross, Manhattan ngày
29 tháng chạp. Lễ chiêu đãi sau đó tổ chức ở nhà hàng sân vườn Tavern on the
Green. Cô dâu, 29 tuổi, ái nữ của ông bà Paolo Rodriquez ở Lima Peru, là nữ tiếp
viên dày dạn kinh nghiệm của hãng hàng không Pan Am. Chú rể, 35 tuổi, luật sư cộng
sự ở hãng luật Goldberg và Levine, Manhattan, nơi anh chuyên trách mảng luật
công ty.
Willa là nơi nàng tìm về. Tối ấy, đứng
trong gian bếp của người bạn gái, Tess mở ví lẳng lặng chìa ra mẩu cáo bạch.
Willa đang phục vụ bữa tối cho cả nhà. Chị dừng tay, cúi đọc nhưng chẳng hé môi
mà chỉ tiếp tục múc thức ăn cho chồng, hai cậu con cùng Theo đang ngồi quanh
bàn. Rồi Willa đụng nhẹ vào tay Tess, giúp nàng mặc áo khoác. Họ bước ra, đi dọc
phố, hai mái đầu nghiêng nghiêng kề nhau. Hai người ngồi trong một quán cóc cho
tới lúc cà phê lạnh ngắt. Tess trải lòng với bạn: Bà mẹ đã tạ thế, cô chị vắn số,
tuổi thơ, người đàn ông kia. Qua lời kể, sự tình dường như chẳng đến nỗi nào.
Chốc chốc nàng thậm chí còn cười thành tiếng. Việc không hài hước đến vậy, song
cũng chẳng bi thảm gì. Cứ như nàng đang thuật về đời một ai đó, từ hồi xửa xưa.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét