Phố Academy
Tác giả: Mary Costello
Người dịch: Hà Nguyễn
Nhà XB Phụ Nữ 11-2017
Phần 3
14
Qua nhiều năm, trong dằng dặc những đêm
đông hay chiều hè, Tess tìm thấy một cuộc đời mới nơi trang sách. Tựa như sở hữu
thứ bản năng tự tìm về mái ấm, bàn tay bà lắm bận đặt lên một tựa sách, ở giá
trong thư viện hay khay chứa đặt ngoài cửa hiệu, khi lúc ấy bằng một cách huyền
diệu thấy nó phù hợp với mình. Chỉ nội việc gặp một cuốn sách nằm trên bàn ở tiền
phòng căn hộ hay kệ đầu giường lúc đi ngang, nom tên tác giả hay tựa đề in ở
gáy, hồi ức về nhân vật - các thử thách, tai ương anh ta gặp phải - sẽ bứt bà
khỏi đời thường, khiến lòng bà xao động, hòa đồng cùng người viết.
Kế đến, một
thiên hướng nữa là việc đọc: Bà nghĩ nó na ná, thậm chí giống hệt, để phải
lòng, để khuấy lên như đã từng, những xúc động mãnh liệt và dữ dội bà thèm được
có, thứ cảm giác của tuổi ngây thơ và nỗi khát khao mang bà quay về trạng thái
hoàn mỹ từng nếm trải ngày còn bé. Giờ đây Tess cho rằng thiên hướng này, kiểu
sống-trong-mơ này là đủ, và có lẽ, với cái hoàn hảo của nó, còn đáng ưa hơn thứ
hi vọng hão huyền gắn chặt nơi thực tại.
Những khao khát khi trưởng thành - gặp điều
tốt đẹp, có tình yêu, đôi khi ước được chứng kiến thánh thần hiển linh - bà đều
tìm thấy trong các cuốn sách. Vốn e dè ngại ngần chủ đề xấu xa thô tục, nhưng
Tess chẳng khi nào lưỡng lự trước đớn đau tủi hổ và bà nhìn rõ nỗ lực trong tâm
hồn tác giả hòng vượt qua các thống khổ tinh thần kia, nhằm chắt lọc, từ tổn
thương hay đau đớn, sự soi rọi, thấu cảm để đưa cả nhân vật lẫn người đọc đến cứu
rỗi. Bà đau nỗi đau của nhân vật, của cả tác giả. Tess sống trong một thế giới
bị phân chia, phần lõi tách rời vành ngoài. Chính cuộc đời-thứ hai ở phần lõi
đã đem lại ý nghĩa cho cuộc đời vành ngoài và là nơi bà thấy phù hợp và ý vị nhất.
Tess trở thành chính mình, thực sự là mình hơn cả, trong những giờ phút cùng
sách. Ta sinh ra để cho sách, bà thầm nhủ. Trong tán lá một con chim cất tiếng
hót, Tess rời mắt khỏi cuốn tiểu thuyết đang đọc dở, ngẩng lên, lòng bâng
khuâng vấn vương nơi trang giấy. Bà tháo kính, tỉnh táo trở lại, thoát khỏi cơn
bần thần để bước vào thế giới của nhóm người đang tập chạy, của đám học trò và
mấy ông già bà cả khoác tay đi ngang dưới bóng râm hay ngoài khoảng trống loang
lổ nắng, cái thế giới giờ khiến bà choáng ngợp theo cách thức mới mẻ.
Trong các cuốn tiểu thuyết, điều Tess tìm
thấy quyết không phải những câu trả lời hay niềm an ủi mà chính là thứ không gặp
được ở đâu khác - sự cảm thông giúp bớt cô đơn. Hoặc cô đơn mãnh liệt hơn, tựa
như có thứ gì trong bản ngã bà - bản ngã cô đơn - hiện diện ngay sát bên, lăm
le hiện thân. Ý nghĩ từng có ai đó - một người xa lạ ngồi viết bên bàn - biết cặn
kẽ cái mình biết, cảm nhận điều con tim mình cảm nhận, đã củng cố niềm tin ở
bà, khiến bà kiên cường hơn. Tác giả cũng giống ta. Ông ấy chia sẻ các cảm xúc
của ta.
Phần đời còn lại dường như không đủ để bà đọc
hết mọi thứ mình muốn. Tess sống với lòng biết ơn, tâm hướng về lẽ phải và cái
đẹp. Ở lễ misa bà cảm thụ một niềm sướng vui mới mẻ khi nghe lời kinh, các bản
phúc âm hay giai điệu thánh ca. Tess chọn dự một số lễ misa nhất định, tại vài
nhà thờ, chỉ bởi âm nhạc, để được gột rửa. Tham dự các buổi trình tấu, thưởng
thức hòa nhạc phát trên đài, bà như trải qua quá trình giúp con tim vị tha hơn,
tâm hồn trong sáng hơn, bằng tất cả những âm điệu tinh khôi, tách bạch vang đến
mình.
Thảng hoặc Tess đi ăn tối, hay nghe hòa nhạc,
cùng Willa hoặc Priscilla. Vào dịp sinh nhật bà, hay mỗi khi thuận tiện, Theo
và Jennifer tới đón mẹ đi chơi. Hai năm sau lễ cưới, Jennifer sinh hạ cậu con
Alex, rồi năm kế tiếp tới cô em Rachel. Khoảnh khắc đầu tiên thấy hai đứa cháu,
bà lặng đi tự hào. Da thịt, máu mủ trước mặt đây là của bà. Thật kỳ diệu. Tess
có một cảm nhận mới về vị trí của bản thân trong đời, vị trí của một sinh thể
không ngừng sinh sôi. Nghĩ đến việc Theo, nếu lúc trước chưa làm, giờ đây có thể
đang kiếm tìm cha, Tess bị giằng xé giữa nỗi tò mò và lo lắng trước viễn cảnh
nhận được tin ông ta.
* * *
Ở tuổi sáu mươi hai, Tess nghỉ việc tại bệnh
viện và chuyển từ căn hộ phố Academy đến tòa nhà có một thang máy, cách đó ba
mươi dãy phố về phía Nam. Trước khi đi, Willa tặng bà món quà chia tay, một chú
mèo con. Giây phút cuối trong gian bếp cũ, hai người phụ nữ ôm nhau thật chặt.
Tess thầm hỏi sao ở Willa luôn có thứ gì giúp gom tụ, thắp sáng phẩm hạnh mình.
Bà hồi tưởng thời khắc, nhiều năm trước, của đam mê nhục cảm ngùn ngụt tại gian
bếp nhà bạn. Từng có khoảnh khắc ấy, và chỉ thế, thứ bản năng nọ chẳng bao giờ
thức dậy nữa. Cũng không hề có lo lắng, dằn vặt, tủi hổ. Tess biết rõ đấy một
phần là bởi Willa, với tầm hồn khoáng đạt, lòng bao dung hồn hậu ở mọi khía cạnh
liên quan đến con người. Tình yêu đó lặng thầm. Và Tess biết, giá có khi nào bà
mở lời đề cập chuyện đó, Willa sẽ bảo: Thế
này em yêu ạ, khi đã chạm đến con tim, thì chẳng còn câu nệ nam hay nữ bởi đều
là con người.
* * *
Căn hộ mới của bà nằm trên một con đường
yên tĩnh thuộc đoạn từ phố 170 đến 179, cách chỗ xưa dì Molly trú ngụ chẳng bao
xa. Dân cư nơi đây già hơn, điềm đạm hơn đằng Academy. Có một ngôi trường nằm
cuối đường mà chỉ cần mở cửa sổ, Tess có thể nghe được lũ trẻ la hét ở sân
chơi. Bà đặt tên cho chú mèo là Khỉ con, do các trò tinh nghịch của nó. Tess bắt
đầu nói chuyện với mèo. Bà không nỡ để nó cô đơn lâu. Cho mèo ngủ trên giường của
mình, Tess thức giấc lúc tinh mơ với tấm thân mềm mại, phập phồng, gừ gừ áp vào
trán mình. Thảng hoặc bà hôn con mèo. Trước đây Tess không hề biết một phần thưởng
lớn nhường ấy có thể đến từ sinh vật quá đỗi nhỏ nhoi thế này.
Trong vài năm sau khi hai cháu ra đời, Tess
thường chợt thèm được gặp chúng, song bản tính dè dặt - và ngại làm phiền - đã
ngăn bà chẳng bao giờ tới chơi với con khi không được mời. Tess dự các lễ sinh
nhật và Lễ Tạ ơn ở nhà con nhưng ngoài ra bà không nghĩ mình có quyền đòi hỏi.
Thỉnh thoảng, không hề hẹn trước, Theo ghé qua cùng hai con. Chuông cửa chính sẽ
reo vang, tiếp theo là giọng Theo. Chào mẹ.
Tim bà đập rộn khi nghĩ tới gương mặt con trai, tới mấy đứa trẻ. Tess sắm cho
các cháu nào đồ chơi, quần áo, sách. Phần mình, Tess cũng đều đặn nhận về nhiều
món quà, hơn tất thảy lượng quà từng nhận trước đây - áo rét, khăn quàng, sách
và một lần là dàn máy nghe nhạc, thứ đem lại diện mạo mới và làm phong phú cuộc
sống của bà. Những tối cuối tuần, Tess bật nhạc, nấu nướng rồi dùng bữa với một
ly vang đỏ và thấy mãn nguyện. Hình ảnh Theo lúi húi lắp mấy cái loa trong
phòng khách thường hiện lên trong đầu bà. Và hình ảnh con trai trong cửa hàng,
chọn cho mẹ bộ máy nghe nhạc nữa. Nghĩ đến
bà. Trong vài phút, trong một đỗi, đứa con đã nghĩ tới mẹ. Đôi lần, xuất hiện
khoảng trống vài tuần khi bà bặt tin con. Bà liền trở nên mất tự tin về vị trí
của bản thân trong cuộc đời con trai rồi nghĩ rằng, giữa bao bề bộn thường nhật,
Theo và Jennifer hẳn đã quên bẵng mình. Tess luôn thấy tách biệt với mọi người,
và gần đây bà có suy nghĩ mình sẽ hoàn toàn tan biến trong tâm trí kẻ khác khi ở
ngoài tầm mắt họ. Những lúc đó, Tess lôi các hình ảnh trong quá khứ ra, dùng
chúng để đưa bản thân hiện trở lại.
* * *
- Hoàng đế Ba Tư sắp chết rồi. Ôi Tess
ơi... chị biết phải làm sao đây?
Bà về thăm khu phố cũ, ngồi trong quán cóc
với Willa như hồi xưa thỉnh thoảng vẫn làm, lúc đám trẻ còn thơ. Giờ đây, bên
nhau, họ cùng khóc.
- Ung thư phổi. Bởi những điếu thuốc chết
giẫm... và suốt nhiều năm làm dưới xe điện ngầm. Không ở ngoài thiên nhiên, cái
nghề đó... - Willa lắc lắc đầu. - Người của lòng đất - anh Darius ấy. - Willa
nhìn Tess. - Sáu tháng, người ta bảo thế. Ôi Tess ơi.
Tess quàng tay ghì chặt bạn. Bà viện ra những
lý lẽ mang lại hi vọng. Bà để cập những liệu pháp mới, những ca biến chuyển khả
quan ở bệnh viện. Willa lắc đầu.
- Không Tess ơi, hỏng rồi. Chị biết chứ. - Willa
nhắm nghiền mắt, thở dài thườn thượt. - Chị chung sống với anh ấy bao năm - từ
hồi chị mới mười sáu tuổi. Bọn chị chưa đêm nào ngủ riêng, trừ hồi đi đẻ. - Willa
nhìn qua cửa sổ ra ngoài phố. - Chị biết sống ra sao khi không có anh ấy?
* * *
Một chiều tháng Chín, Tess bắt gặp một tập
thơ mỏng trong thư viện trên phố 179. Ngoài bìa là chân dung một chàng thanh
niên có cặp mắt chằm chằm đầy ám ảnh. Nhiều năm trước, Tess từng nghĩ thơ vượt
quá khả năng của mình. Bà đọc phần tóm lược tiểu sử và lời giới thiệu. Rồi
trang nối trang - các bài thơ sonnet về Orpheus, về sự tích Lazarus đội mồ sống
dậy, một bản cầu hồn. Tất cả chạm tới các dây thần kinh sâu kín nhất của Tess,
những bí ẩn thình lình được khai mở. Ngoài trời ánh sáng nhạt dần. Tess ngước
lên, nhìn ra bên ngoài ô cửa sổ cao vút. Ước gì được sống mãi nơi đây, bà nhủ
thầm, bên chiếc bàn này, trong ánh sáng này, với tập thơ này. Người thủ thư đụng
vào tay bà, thì thào, “hết giờ rồi”. Tess mượn cuốn sách mang về và bước xuống
phố. Trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng, mọi đường nét lặp đi lặp lại. Ai, vị nào trong các thần sẽ lắng nghe tôi
than khóc?* Tess bước đi trong giai điệu thơ, câu chữ hòa cùng nhịp bước,
bước chân lại hòa với trái tim bà.
*[Câu mở đầu bài thơ Bi khúc thứ nhất của thi hào Rainer
Maria Rilke (1875-1926)]
Có thứ gì quệt qua tay, ép mạnh bà. Cảm thấy
bị xô đẩy, Tess nhớn nhác ngẩng lên. Bà đã lạc bước vào một phố lạ. Một khoảng
tối bao trùm bà, và nhiều khuôn mặt, đều đen xì, bủa kín xung quanh. Một lũ
choai choai hiện ra trên đầu bà, lố nhố chồm tới. Một cái mồm nham nhở, răng lợi
ghé sát mặt bà, đang rít lên những lời tục tĩu. Tess gắng sức cất lời. Những
tròng mắt lạnh lẽo trợn trừng, Tess co rúm bước trở lui nhưng một tấm thân
khác, giống bức tường, đã ở ngay phía sau. Chúng kéo mạnh tay bà, chiếc túi bị
giật phăng. Đừng, Tess van vỉ, sách của tôi. Bà cuống quýt đưa tay giằng
quai túi. Con mẹ này. Một cú giật
hung tợn, Tess mất thăng bằng loạng choạng, và khi ngã ra bà thấy một chiếc
giày ống, đen, cao cổ, đang nhấc lên. Tess giơ tay che mặt và đầu. Bà chờ đợi.
Và nó giáng xuống, không phải vào đầu hay bụng, mà lên eo, đè ép một lúc lâu, rồi
xéo mạnh xuống. Tess mím chặt môi, chết lặng, đến khi nghe những bước chân chạy
xa dần.
Một người đàn ông và một phụ nữ quỳ xuống cạnh
bà. Người phụ nữ lấy điện thoại di động ra gọi. Toàn thân lẩy bẩy, bà gượng dậy.
Ở yên đây, cứ ở yên đã, cả hai giục rối
rít. Tess gắng lồm cồm lật người quỳ trên mặt đất rồi nhỏm lên, rời đi. Bà loạng
choạng men theo vỉa hè, hết rẽ phải lại sang trái, không rõ phải đi hướng nào.
Tess ngước nhìn quanh, kiếm biển báo, điểm mốc. Dừng ở một góc phố có xe cộ vùn
vụt qua lại, bà bước ra sát lề đường, giơ bàn tay vô lực vẫy một chiếc taxi.
Willa đưa Tess vào bệnh viện, chờ bác sĩ chụp
X-quang xong rồi chở về nhà và còn ở bên bà suốt đêm ấy, khi giấc ngủ chờn vờn
đến lại đi. Tess nghe một tiếng còi văng vẳng, mơ thấy những chiếc tàu thủy,
cơn mưa rào, một bụi cây đang cháy phừng phừng. Sáng ra bà đứng trước gương
phòng tắm và khóc.
Tess ngủ vùi suốt hôm sau. Chiếu tối Theo tới.
Thấy con trai bước vào phòng, bà gượng nhỏm dậy.
- Suỵt, - Theo thì thào. - Cứ ngủ đi mẹ ạ.
Tess lại nằm xuống. Trong bóng tối nhập nhoạng
lúc chiều tà, hai mẹ con cùng im lặng. Tess cảm nhận, cực kỳ rõ ràng, sự hiện
diện của con trai trong gian phòng.
- Mẹ nằm đây... và nghĩ, - bà nói. Tess
không tài nào nhìn thẳng vào con. - Có quá nhiều thứ mẹ ân hận, quá nhiều điều
mẹ ước gì mình làm khác đi.
Hai người im lặng một hồi lâu.
- Con từng muốn mình có một người mẹ mạnh mẽ,
- Theo nói. - Giống như cô Mary O’Dowd. Hay bác Willa. - Cậu đang nói với bóng
tối. - Con đã không có bố... còn mẹ muôn đời... dè dặt e sợ.
Giọng Theo đau đớn, tựa một con thú hoang bị
thương.
- Con là tất cả những gì mẹ có, - Tess biện
hộ. - Mẹ đã làm hết sức.
Bà bật khóc. Theo vuốt nhẹ lên tay mẹ, lần
đầu.
- Suỵt, mẹ đừng khóc nữa... Con đã không hiểu.
Dạo ấy con chỉ là một đứa trẻ. Con chẳng biết được bao lăm... mà mẹ thì không mấy
khi nói gì. Hai mẹ con đã không tâm sự được.
- Giờ mình có thể nói chuyện.
Theo nhún vai, nhìn qua hướng khác. Quá khứ
tràn về. Tess tươi tỉnh.
- Con biết không, mẹ nghĩ đã hiểu chưa đúng
con, - bà nói. - Mẹ cứ cho là mình hiểu con tận chân tơ kẽ tóc. Chẳng hạn, mẹ
thường nghĩ con sẽ chọn một nghề - một cuộc đời - gắn với nghệ thuật, hay khoa
học. Hồi nhỏ con mê sáng tạo lắm. Rồi con lại chọn kinh doanh! - Tess mỉm cười
nhìn con trai, giống như hồi Theo còn là một cậu nhóc. - Liệu nó có hợp với con
chăng? Con có thích không?
Theo lại nhún vai lần nữa, song mềm mỏng
hơn.
- Con mua và bán. Việc không thuần túy là
kinh doanh... Con mua bán rủi ro. Cơ hội. Toán xác suất. Vâng, con thích công
việc này.
- Có lần, trong buổi họp phụ huynh ngày
xưa, thầy giáo toán bảo con có thể giải cả những bài chưa được dạy.
Theo mỉm cười.
- Con chẳng bao giờ hiểu nổi vì lẽ gì các bạn
khác lại không thể! Chả rõ nữa... Có lẽ con làm được nhờ trực giác. Mẹ nghĩ mà
xem... trong toán học có tính logic và chân lý. Cả cái đẹp. Các bạn không nhìn
ra cái đẹp ấy. Họ không biết rằng Toán học mô tả cái đẹp.
Tess thích nghe con trai nói chuyện thế
này.
- Ý con là sao? Như thế nào? Cái đẹp ấy được
biểu đạt ra sao?
Theo ngưng lại một thoáng để tìm cách diễn
đạt.
- Hãy lấy thí dụ từ rủi ro và cơ hội. Trong
toán học, đó là xác xuất. Theo xác suất, kết cục được chỉ ra rành rành. Cái đẹp
của xác suất là ở chỗ, kết cục, dù mù mờ, nhưng có tính logic. Khi một kết cục,
trong vô số phương án, xảy đến, mọi người đều sửng sốt! Sửng sốt bởi tính ngẫu
nhiên ấy. Nhưng sao lại không cơ chứ. Rốt cuộc mọi khả năng đều có thời điểm trở
thành hiện thực. Mọi thứ đều có lúc sẽ xảy ra.
Đêm càng lúc càng dày đặc quanh họ. Tess chập
chờn giữa ngủ và thức. Khi mở mắt, bà thấy con trai vẫn ngồi trên ghế.
- Mấy giờ rồi thế? - Giọng bà trẻ trung,
như của một cô gái. Tess nhớ lại những đêm ngày xưa, bừng tỉnh khi ai đó nhón
chân đi vào phòng mình lấy một vật gì. Theo thì thào đáp lời mẹ. Giờ cậu tựa
như ông nội, đang trông chừng, bảo vệ cho mẹ.
Nhiều giờ trôi qua. Nửa đêm Tess giật mình
choàng tỉnh, bàng hoàng, người đẫm mồ hôi. Theo vẫn ở đó.
- Con có tìm thấy ông ta không? Bố con ấy.
Cậu nhìn vào mắt mẹ, gật đầu.
- Khi nào?
- Vài năm trước ạ.
Có vô số câu hỏi. Sự tàn nhẫn trong mọi
chuyện, trong cuộc đời Theo, ập vào tâm trí bà.
- Con sẽ khoan thứ cho mẹ thế nào đây? -
Tess lẩm bẩm.
Nỗi im lặng sâu thêm. Tess có thể cảm được
con trai đang hồi tưởng lại hết thảy. Cậu ngả về trước, tay chống gối, đầu gục
xuống, và mỗi lúc nỗi lo lắng của bà một dâng cao hơn. Khi Theo ngẩng lên,
khuôn mặt cậu ôn hòa, rạng ngời.
- Mẹ là mẹ con, - cậu nói. - Tha thứ cho mẹ
mình dễ lắm.
Tess ngả đầu xuống gối. Theo đứng dậy, cởi
giày và nằm lên tấm vải phủ giường, bên cạnh bà.
- Suỵt, giờ lại ngủ đi mẹ. Mai ta nói chuyện.
Tess không hiểu mình đang mơ hay tỉnh. Bà
nhắm mắt lại, cảm thấy hơi thở của con trai trên mặt, ngọt ngào, dấu hiệu báo
hòa bình. Theo đặt tay lên tay bà. Đêm cứ thế trôi đi và cả thế gian say giấc.
* * *
Sáng ra, Theo đã đi rồi. Con mèo chễm chệ
trên ghế cậu ngồi. Theo đã rót một cốc nước cam để trên chiếc kệ đầu giường bà.
Tess nghiêng tai nghe ngóng những động tĩnh ngoài hành lang, tiếng đinh-đoong
thang máy. Bà trở dậy, cho Khỉ con ăn, loanh quanh trong căn hộ. Cả tòa nhà tịch
mịch lạ lùng. Tess bị nỗi cô quạnh bủa vây. Bà ước giá gì được trở về phố
Academy, nghe các cánh cửa đóng rầm rầm, tiếng la hét ở những hành lang. Trong
gian bếp, bà gắng kiếm việc để bận bịu. Tess pha cà phê, ngồi xuống bên bàn. Phút
giây chậm chạp trôi. Bà thấy mình già và đơn độc, những năm tháng buồn tẻ phía
trước, một bà già ảm đạm, người mềm nhẽo, da lạnh toát. Một bà già đang tàn lụi.
Chẳng có gì cản nổi điều này. Ngày mai cũng không khác gì.
Khỉ con nhảy lên lòng bà, phục xuống và bắt
đầu rên gừ gừ. Tess vuốt ve cái đầu nhỏ, khum tay bao lấy khuôn mặt bé xíu. Con
vật nhỏ đáng thương, bà nói. Cặp mắt nó nhìn sâu vào mắt bà, trong trẻo, xanh lục,
long lanh. Theo nói phải. Bà đã quá yếu bóng vía. Bà đã luôn chờ để được một thứ
gì cuốn đi, chờ những tấm mạng hư ảo vén lên để lộ ra cuộc đời dành cho mình. Từng
có lần, dạo Theo còn tấm bé, bà đã nghĩ cậu sẽ giúp mình sửa được cái tật ấy.
Chỉ mình cậu là đủ.
Tess dần nghĩ quẩn. Theo sẽ quên sạch những
gì xảy ra trong phòng đêm qua. Sẽ chẳng có đột phá nào cả. Ở lần tới, cậu sẽ lại
là con người thường lệ, và bà sẽ tự hỏi phải chăng mình đã mơ. Sự thật vô
phương nắm bắt. Vô vàn cảm xúc trong đối thoại giữa con người với nhau được mã
hóa trong các cử chỉ và cái im ắng, bởi ngôn từ không đủ. Có thể sẽ đến thời điểm
câu chữ mai một đi và mọi giao tiếp đều trong lặng yên. Gạch nối giữa âm thanh
và thinh lặng có thể sẽ hoàn toàn tiêu tán.
Sẽ đến một thời điểm. Sẽ đến một thời điểm.
Linh cảm bắt đầu dâng lên. Bà cảm nhận được rõ ràng có gì đó chẳng lành. Tess để
tay lên ngực trái. Bà đếm nhịp tim. Bà nắn từng bầu ngực, ấn mạnh, dò tìm, tự
khám xem có u bướu nào không.
Chiều muộn, Willa tới chơi.
- Cảm giác ấy là bình thường, Tess ạ, - chị
bảo, - sau những gì em trải qua, vụ hành hung. Em sẽ chẳng chết đâu! Em từng vượt
qua thứ còn tệ hơn. - Willa đặt một phần ăn tối nóng hổi trước mặt Tess.
- Anh Darius sao rồi? - Lúc này bà cần nhớ
tới những người khác.
Willa thở dài sườn sượt.
- Sáng nay bọn chị đi dạo chút đỉnh. Hai thằng
con trai khuân xe đẩy có cả bố ngồi trên xuống đất.
Tess nghĩ về hết thảy những điều đang chờ
Willa. Chúng ta có thể chung tay dựng một ngôi nhà, chị và em, như hai chị em
gái già ế chồng, bà nghĩ. Chăm nom nhau, gọi nhau khi hãi sợ lúc tối trời.
* * *
Đêm ấy bà hầu như không chợp mắt. Lúc hừng
đông Tess thiếp đi được một chốc. Sau đó, tiếng chuông điện thoại vang lên ngay
bên đầu khiến bà choàng tỉnh. Một giọng đàn ông vui vẻ chào mời bà nâng cấp lên
dịch vụ truyền hình trả tiền xem được nhiều kênh. Tess cắt máy, bỏ ống nghe ra.
Điện thoại kêu o o rồi im bặt. Bà ra khỏi giường, mở tấm che cửa sổ. Sáng nay
trời rạng ngời, xanh ngắt, không một gợn mây. Tess hy vọng Theo lại tới. Hiện tại
bà biết rằng trong suốt một đời người, sẽ chỉ có ở vài khoảnh khắc ta được
thông cảm. Tess nhớ tới một cuốn tiểu thuyết từng đọc. Michael K, một người đàn
ông câm lặng, dị dạng, lủi thủi đẩy bà mẹ đau ốm của mình rời khỏi thành phố bằng
chiếc xe cút kít dùng tạm, hầu như chẳng còn phương kế mưu sinh nào. Hôm đó đầu
óc anh mỗi lúc một thêm trống rỗng. Tess thấy lo cho anh, cứ như anh có thực, tồn
tại trong đời bà. Bà ước giá gì có anh là con trai, chăm nom, khóc than tiếc
thương mình.
Bà đang sống quá nhiều với những cuốn sách
cùng hồi ức, và căn phòng này đã trở thành phòng bệnh. Lát nữa, Tess sẽ ra
ngoài, tới cửa hàng thực phẩm, đi thư viện. Hôm nay sẽ đánh dấu một sự trở lại.
Tess sẽ ngồi ở quán cà phê ưa thích, ăn một miếng bánh muffin với thạch lý chua
đen. Song trước tiên bà phải chợp mắt một chút. Tess quay về giường. Ngay khi
bà ngả lưng, tấm màn đen tối hôm trước liền trở lại. Tess thấy mình đang trôi nổi
tới gần mối hiểm họa. Một cảnh báo mơ hồ, một linh cảm, rằng nhiều tai ách sẽ tới,
cái kết đã gần kề và bà sắp chết. Tess nhoài người mở ngăn kéo, uống hai viên
thuốc ngủ bằng một ngụm nước cam rồi lại nằm xuống.
Nhiều âm thanh hỗn độn hòa vào các giấc mơ
của bà. Tiếng xe cộ văng vẳng, cửa đóng sập, ai đó xướng tên bà. Tess đang đứng
tại một giao lộ trung tâm. Một giọng sau lưng bảo “Nhìn kìa!”. Bà ngước lên thấy
nước - một trụ nước phun ra từ vòi hoa sen ở giữa mặt trời, dày đặc muôn giọt
nước lấp lánh được bao bọc bằng lớp màng nhỏ xíu, và Tess sững sờ trước vẻ đẹp
của chúng. Chợt có ai đó cười phá lên và Tess ngoảnh lại, nghĩ họ cười mình, sợ
rằng mình đã mất trí. Trên hết thảy, bà nghe thấy tiếng biển.
Tess tỉnh dậy trong một màn tối gớm ghiếc
và tiếng gõ cửa. Giấc ngủ khiến bà đờ đẫn. Không khí đặc quánh, tù đọng, cái
nóng buổi chiều nặng trịch kéo căn phòng chìm xuống. Bên ngoài, vòm trời vẫn
xanh.
Tess cảm giác có ai đó trong căn hộ, tiếng
bước chân ở tiền phòng, giọng nói lao xao. Lòng bất an, bà gắng nhỏm dậy.
Willa đứng ngay cửa phòng ngủ, viên quản lý
tòa nhà ở sau lưng. Thần sắc chị nghiêm nghị.
- Anh Darius, - Tess nói. Willa lắc đầu,
nhăn mày, bước tới ngồi lên giường.
- Willa. Chị làm em sợ. Nói cho em nghe có
chuyện gì đi? - Trí não bà trì độn, nặng nề. Bà quay qua viên quản lý. Tess
nghĩ ắt có chuyện gì đã xảy ra.
Willa nắm lấy hai bàn tay bà, nhìn sâu vào
mắt.
- Em có xem chương trình thời sự chưa, trên
ti vi ấy?
Ngơ ngác, Tess lắc đầu. Cảm giác nôn nao cuộn
dâng.
- Theo, - bà thì thào.
* * *
Điều tồi tệ nhất, mối tai ương bà luôn chờ
đợi, cuối cùng đã xảy ra. Sau nó là một cảm giác gần như nhẹ nhõm - việc phải đợi
chờ chấm dứt. Tess thấy bình tĩnh lạ lùng, giống trong mơ, khi ngồi trước màn
hình ti vi suốt tối ấy. Bà xem đi xem lại cảnh hai chiếc máy bay với đôi cánh lấp
lóa lao vào hai tòa nhà chọc trời. Giữa một bầu trời xanh ngằn ngặt đến thế, cảnh
tượng không thực chút nào. Hai tòa nhà oằn lại, sụp xuống, gãy gục. Ngoài phố
người ta bịt miệng, mắt ngước trông, tâm trạng không sao tin nổi. Tất cả bỏ chạy,
người đầy tro bụi, những dòng sông khói truy theo họ trên đường phố. Ai ai cũng
chạy, người quay phim cũng chạy, đám đông chen chúc qua cầu, rời đảo. Bà muốn
ra ngoài đi tìm nhưng họ không cho. Tess không sao rời mắt khỏi màn hình. Bà thấy
tất cả đều bỏ chạy. Hết lần này tới lần khác, những chiếc phi cơ bay lượn, những
tòa tháp đổ nhào, đất rung chuyển.
Giá khi ấy, bản thân bà có thể chết, việc sẽ
ổn. Đó, thực ra, là giải pháp toàn mỹ. Bà đã luôn cảm thấy nhất thời, tạm bợ, tựa
như đang gửi thân trong một khu trú tạm. Giờ việc chờ đợi kết thúc. Ý nghĩ ấy
mang tới bình an. Bà muốn níu giữ ý nghĩ ấy, cái an tịnh ấy, nhưng mọi người cứ
tiến vào phòng, cúi xuống, chuyện trò, chạm vào bà. Họ ghé vào suốt tối. Vài
người sụt sịt. Mọi đường dây điện thoại đều ngưng hoạt động. Cả hai con trai của
Willa cũng tới rồi rời đi để gia nhập nhóm tìm kiếm. Nghe tiếng chuông thang
máy, tim Tess đập nhanh và bà ngoảnh lại, chờ Theo tiến vào. Bà đã chuẩn bị một
tấm khăn, đã sẵn sàng để lau mặt, rửa chân cho cậu. Tess lật đật đi lấy ví tiền.
Dớ dẩn quá, bà cứ nghĩ Theo sẽ tới đây! Cậu hẳn sẽ về nhà đằng phố Academy bởi
cứ tưởng gặp được bà bên đó. Willa dịu dàng dìu bà từ ngoài cửa trở vào.
- Tess ơi, chúng ta hãy chờ đã. Hãy đợi người
ta nhắn tin. Phải kiên nhẫn. Phải hi vọng.
Jennifer tới, tái nhợt và quẫn trí, cùng
người em trai. Cô ôm chầm lấy bà. Theo đã gọi cho vợ - cậu nói chuyện với cô
lúc ở đoạn cầu thang giữa tầng 77 và 76. Cô chắc Theo đã thoát được khỏi đó.
Quá nửa đêm Tess xua mọi người về nhà, kể cả
Willa. Bà tắt ti vi và lắng nghe cái tĩnh mịch bốn bề. Bà đứng ở bồn rửa tay
nhìn ra bóng đêm. Chúng đã đóng đinh thấu
tay chân ta, bà thì thào, chúng đã đếm
xương ta từng lóng ngắn dài.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét