Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

Vasily Grossman - Nhà văn chiến trường (P5)

Vasily Grossman - Nhà văn chiến trường
(Sách viết về người phóng viên Soviet đi cùng Hồng quân trong suốt WW2, từ năm 1941 đến 1945)

Biên dịch: Antony Beevor (Tác giả cuốn “Stalingrad”) và
Luba Vinogradova

Phần Năm
Giữa đống đổ nát của chế độ Quốc Xã
1945

25
Warsawa và Lodz

Sau cuộc tổng tấn công mùa hè năm 1944 buộc Wehrmacht rút từ Beresina về Vistula, Hồng quân cần 1 chút thời gian để bổ sung nhân lực và trang bị. Cuối tháng 7, khi Phương diện quân Belorussia 1 của Rokossovsky đến được ngoại ô phía đông Warsaw, các trạm phát thanh Soviet đã loan báo về cuộc khởi nghĩa của người Ba Lan trong vùng Đức chiếm đóng. Nhưng Stalin không có ý định tới giúp đỡ họ hay thậm chí là để cho Đồng minh tiếp viện cho họ bằng đường không. Lý do là vì cuộc khởi nghĩa này do Armia Krajowa (Quân đội Quốc gia) tổ chức và chỉ huy - đây là lực lượng trung thành với chính phủ lưu vong tại London chứ không phải Ủy Ban Giải Phóng Quốc gia, tổ chức cộng sản bù nhìn được thành lập tại Lublin. Cuộc khởi nghĩa Warsaw anh hùng và bất hạnh đã chỉ diễn ra từ ngày 1/8 đến ngày 2/10 là bị dập tắt. Không hề có 1 dòng ghi chép nào của Grossman đề cập đến sự kiện này, điều đó cho thấy nhà cầm quyền Soviet đã hoàn toàn ỉm đi tin tức về nó. Sau khi quân Đức nghiền nát cuộc nổi dậy, chúng đã phá hủy 1 cách có hệ thống 1 phần thành phố như sau này Grossman mô tả.
Để chuẩn bị cho đợt tấn công tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng 10/1944, Stavka lập kế hoạch tiến hành đồng thời 3 cuộc tấn công với 4 triệu quân. Tháng 1/1945, 2 phương diện quân Soviet đánh vào Đông Phổ từ hướng nam và hướng đông, trong khi đó Nguyên soái Zhukov giờ đây nắm quyền chỉ huy Phương diện quân Belorussia 1 và Nguyên soái Konev chỉ huy Phương diện quân Ukraina 1 tấn công tây Ba Lan và Silesia từ các đầu cầu qua sông Vistula ở phía nam Warsaw. Khó khăn trong việc tiếp tế đạn dược và đồ hậu cần cho 1 chiến dịch quá lớn như vậy lại càng gặp nhiều trở ngại do chính sách đốt sạch, phá sạch của người Đức, trong đó có cả việc phá hoại hệ thống đường tàu hỏa Soviet trên đường chúng rút lui. Grossman rời Moscow vào trung tuần tháng 1/1945 để đi theo Phương diện quân Belorussia 1, xe của ông dừng tại Kaluga, cách Moscow chừng 250km về phía tây nam.

1 cụ già Kaluga suy đoán hợp lý và thành thạo như mọi nhà quan sát nói khi đóng nắp thùng xăng đằng sau chiếc jeep của chúng tôi: “Ra thế, các anh đang tới Warsaw. Chiến tranh giờ đã chuyển tới đó, đã từng có 1 mùa đông tôi phải mở bồn để cho dầu chảy xuống rãnh, đó là lúc trước khi bọn Đức tới Kaluga. 10 năm nữa lũ nhóc sẽ học về điều đó ở trường rồi hỏi tôi: “Thật hả Dedka (ông nội), bọn Đức đã tới Kaluga à?”.

Chiến dịch Bagration mùa hè vừa qua đã cực kỳ thành công, nhưng chiến dịch mới này đã nhanh chóng cho thấy đây mới là cuộc tiến công nhanh nhất của Hồng quân. Zhukov và Konev bị Stalin thúc giục đã chỉ còn tập trung vào tốc độ tiến quân, chọc thủng các phòng tuyến và làm quân đội Đức hoàn toàn mất phương hướng. Họ lại được sự giúp đỡ to lớn nhờ tính cố chấp của Hitler, hắn đòi hỏi mọi mệnh lệnh phải được chính hắn kiểm tra trước khiến cho các chỉ huy tại chiến trường không còn 1 chút tự do trong hành động, và đến khi họ nhận được quyết định từ Berlin thì tình hình tại chỗ đã thay đổi trên mọi phương diện.
Grossman, chưa bao giờ quên những thất bại khủng khiếp và nhục nhã năm 1941, đã rất được các chỉ huy tối cao Hồng quân ưa thích. Từ 1 người say mê các tay bắn tỉa Stalingrad, ông giờ đã chuyển sang 1 kiểu anh hùng mới - lính tăng, những người đã mạo hiểm xông vào tận hậu phương quân Đức, khiến quân thù không bao giờ có cơ hội để tái tập hợp lực lượng.

Lính tăng. 1 số vốn là lính kỵ binh, nhưng lính tăng đồng thời cũng là pháo thủ và thợ cơ khí. Họ thừa hưởng tính táo bạo của kỵ binh và văn hóa của pháo binh. Trình độ cơ khí của họ thậm chí còn cao hơn cả cánh pháo binh. Nếu bạn muốn kiếm 1 chỉ huy tiền phương vừa là chuyên gia về tăng vừa là chuyên gia về pháo, bạn chỉ việc kiếm 1 lính tăng tuyến đầu, anh ta đã được trui rèn để trở thành 1 chỉ huy cho mọi loại binh chủng.

Vấn đề chính, đặc biệt là đối với các đơn vị mũi nhọn tiến quá xa các đơn vị hậu cần và kỹ thuật, là phụ tùng thay thế để kịp thời sửa chữa cho những chiếc xe tăng đang hành tiến. Những chiếc ô tô thường xuyên bị làm thịt để phục vụ cho mục đích này.
Cuộc tấn công của Phương diện quân Belorussia 1 bắt đầu ngày 14/1/1945 từ 2 đầu cầu Magnuszew và Pulawy. Tuyến phòng thủ của quân Đức bị các tập đoàn quân 5 Xung kích và 8 Cận vệ chọc thủng, Tập đoàn quân 8 Cận vệ chính là Tập đoàn quân 62 tại Stalingrad trước đây, chỉ huy vẫn là tướng Chuikov. Mục tiêu chính là vượt sông Pilica, 1 nhánh của sông Vistula, để làm bàn đạp cho các tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 và 2 chọc thủng tuyến phòng ngự và đột phá vào hậu tuyến quân Đức. Đại tá Gusakovsky, 2 lần Anh hùng Liên Xô, người mà Grossman biết rất rõ, đã không đợi có cầu để chuyển trang thiết bị qua sông. Sau này ông kể với Grossman ông đã lệnh cho những chiếc xe tăng của mình phá vỡ mặt băng bằng đạn pháo rồi bò qua đáy sông như thế nào. Đó quả là 1 cơn ác mộng với cánh lái tăng.

“Vượt sông Pilica. Chúng tôi bắn vỡ mặt băng và bò qua đáy sông, nhờ đó tiết kiệm được 2 - 3h. Đám băng vỡ to như những quả núi trôi trước mũi xe tăng và đập vào vỏ phát ra những tiếng động khủng khiếp. Khi những chiếc tăng còn đang bò dưới đáy sông gồ ghề, lính bộ binh Đức trang bị những khẩu Panzerfaust* là thứ đáng sợ nhất... Chúng tôi tiến cực kỳ nhanh; có những ngày đi được 115-120km trong 24h. Xe tăng quân ta tiến về Berlin còn nhanh hơn cả tàu hỏa.

*[Panzerfaust là súng phóng hỏa tiễn vác vai được nền công nghiệp phát xít Đức sản xuất với số lượng lớn vào giai đoạn cuối chiến tranh, đây là 1 vũ khí chống tăng rẻ tiền].

Cánh phải của họ là Lữ đoàn tăng 47 Cận vệ, được tăng cường quân của 1 số binh chủng khác, đã tiến thẳng tới chiếm sân bay ở nam Sochaczew, 1 vị trí then chốt ở tây Warsaw. Các trung đoàn Không quân Soviet đã thiết lập căn cứ mới tại đây chỉ trong vòng có 24h.

Những điểm đặc sắc trong cuộc tiến công của quân ta. Các chiến sĩ xe tăng đã chiếm được những sân bay của bọn Đức, điều đó cho phép Không quân ta có điều kiện hỗ trợ các đơn vị cơ động. 1 bước phát triển mới nữa là phối hợp bộ binh với pháo tự hành. Cánh bộ binh ngày càng yêu mến những cỗ pháo tự hành, chúng khiến họ không còn cảm thấy trần trụi.

Ngay khi Phương diện quân Belorussia 1 tấn công từ các đầu cầu, Tập đoàn quân 47 bố trí tại cánh phải đã tiến vòng qua Warsaw, trong khi đó Tập đoàn quân Ba Lan 1 dưới quyền chỉ huy của quân đội Soviet đã tiến vào ngoại ô thành phố. Chỉ huy quân Đức trong thành phố chỉ còn trong tay có 4 tiểu đoàn được trang bị rất không phù hợp với việc phòng thủ nên đã quyết định di tản thủ đô Ba Lan. Hitler nộ khí xung thiên vì quyết định này và ra lệnh cho Gestapo thẩm vấn toàn bộ các sĩ quan có liên quan, kể cả tướng Guderian tham mưu trưởng OKH trực tiếp điều phối các hoạt động trên Mặt trận phía Đông.
Quân Soviet tiến vào thành phố đã gần như bị phá hủy hoàn toàn và không còn dân cư. Từ 1 thành phố có dân số 1.310.000 người trước chiến tranh, nay chỉ còn 162.000 dân còn ở lại. 1 sĩ quan đã tả lại thành phố chỉ hơn “1 đống đổ nát và tro tàn phủ tuyết” chút xíu.
Grossman là 1 trong những phóng viên đầu tiên vào thành phố, không có gì đáng ngạc nhiên, nơi đầu tiên ông muốn tới thăm là khu tập trung người Do Thái (ghetto) tại Warsaw.
Ngày 15/10/1941, bọn Nazi đã làm hàng rào vây kín khu ghetto và dùng nó làm trại tập trung dân Do Thái Ba Lan và các nước khác. Có những thời điểm có tới 380.000 người Do Thái đã bị giam giữ tại đây trước khi bị đưa đến chỗ chết. Phần lớn họ bị chuyển từ ga Umschlagplatz nằm ở góc đông bắc ghetto tới Treblinka. Vào ngày 19/4/1943, khi trong ghetto chỉ còn lại 40.000 người Do thái, 1 bộ phận nhỏ trong số họ đã nổi dậy chỉ với 1 ít vũ khí mà những người Ba Lan bên ngoài tuồn vào theo đường cống ngầm. Cuộc nổi dậy đã bị nghiền nát không thương tiếc. Tuy vậy điều đáng ngạc nhiên là những người nổi dậy đã chiến đấu chống các đơn vị SS trong suốt gần 2 tháng.
Đối với Grossman, tới Warsaw rõ ràng là 1 khoảnh khắc xúc động, điều này được ông ghi lại trước hết trong sổ, sau đó là trong 1 bài viết trên tờ Krasnaya Zvezda.

Warsaw! Lời đầu tiên tôi nghe được tại Warsaw là khi đang trèo qua 1 cây cầu gẫy, 1 người lính lộn trái túi ra và nói với tôi: “Xem đây, tôi chỉ còn mỗi mẩu bánh mì khô này”.

Ortenberg mô tả chuyến đi tới Warsaw của Grossman hơi khác. Sông Vistula không hoàn toàn đóng băng, chỉ có những tảng băng trôi trên mặt nước. Grossman bỏ xe lại ở Praga, ngoại ô Warsaw nằm trên bờ đông sông Vistula và tìm cách vượt qua khúc sông nằm giữa 2 mố còn lại của cây cầu Poniatowsky. Ạnh ta tới được khối bê tông ở đỉnh trụ cầu, 2 người lính trung niên hạ 1 cái thang cứu hỏa để Grossman trèo sang từ trên trụ cầu cao 8m, vẫn còn thiếu 2m nữa mới tới mặt băng, 2 người lính buộc dây vào đầu thang để hạ nó xuống thêm. Grossman trèo qua bằng thứ dụng cụ tự tạo nguy hiểm lúc lắc trong gió liên tục đó, cám ơn 2 người lính đã giúp mình rồi đi bộ vào thành phố.
“Đây là lần đầu tiên trong đời”, cậu ta nói, “tôi phải dùng 1 cái thang cứu hỏa để vào 1 thành phố”. Grossman và nhiều phóng viên khác, những người vốn là dân thường trước chiến tranh, đã thay đổi như lời nhận xét của Ilya Ehrenburg. “Cái cách mà con người ta thay đổi khi đến với mặt trận mới kỳ diệu làm sao! Thời bình không ai có thể nhầm lẫn giữa Grossman và 1 người lính, nhưng tại mặt trận anh ta tạo ấn tượng giống như 1 vị trung đoàn trưởng nào đó”.

Trèo dọc theo những tấm dầm thép cong vẹo của cây cầu đã bị đánh mìn, chúng tôi tới được trụ cầu xây bằng đá cao nằm trên bờ trái Vistula. Người lính gác già đứng bên đống lửa nhỏ.
Ông nói với người lính tiểu liên đứng gần đó bằng giọng rất thật thà: “Xem này, người anh em, thật tốt là tôi vừa tìm thấy 1 mẩu bánh mì khô trong túi”. Đó là những lời đầu tiên tôi nghe được tại Warsaw. Sau đó tôi được biết người lính già khoác áo choàng xám tả tơi này là 1 trong những người đã bảo vệ Moscow trong cái năm khủng khiếp đó (1941) và đã vượt qua 12.000km để tham gia vào nhiệm vụ vĩ đại này: chiến đấu để giải phóng.
Khi chúng tôi đến nơi, thành phố mới giải phóng Warsaw trông thật hùng vĩ và buồn, thậm chí có vẻ thảm thương. Phố xá đầy những đống gạch vụn. Những quảng trường rộng và các đại lộ dẫn thẳng tới trung tâm thành phố nằm giữa 1 mạng lưới các con phố nhỏ rắc rối, khúc khuỷu. Nó nhắc tôi nhớ tới những con đường mòn mà những người thợ săn vạch ra trong những cánh rừng rậm rạp hay trên những rặng núi. Những cư dân địa phương giờ đang dần trở về Warsaw phải trèo qua những đống gạch vụn; chỉ có rất ít phố mà ô tô hay xe ngựa kéo có thể đến được.
1 đám người cả già lẫn trẻ đầu đội mũ, mình khoác áo choàng hoặc áo mưa rách tả tơi đang đi bộ hay kéo những cái xe nhỏ chất đầy hòm xiểng. Các cô gái trẻ vừa đi vừa hà hơi vào những ngón tay lạnh giá, nhìn những đống đổ nát bằng con mắt buồn thảm. Họ là 1 đám đông tới hàng trăm, hàng nghìn người.
Vladislava và Sofia Kobus là 2 cô gái người Ba Lan đã từng sống trong hầm với những người Do Thái - những người Do Thái này đã trốn xuống đất, sống hàng năm trời dưới hệ thống cống ngầm Warsaw và trong những căn hầm. Họ là Yakov Manzhitsky, công nhân nhà máy bít tất Lodz và người em trai Aron, Isai Davidovic Ragozhek, kế toán viên, Abram Klinker, 1 người bầm dập tả tơi làm công việc thiêu xác tại sở chỉ huy Gestapo Warsaw, anh ta vốn là thợ giày. Tôi đến gần những con người đó giữa phố xá vắng lặng, mặt họ trắng bệch như tờ giấy, hình dáng họ gây shock cho bất cứ ai nhìn thấy. Người thợ làm bít tất nhỏ thó đã mang từ khu ghetto về cái hố nơi anh ta trốn cả 1 xô đầy tro xương người Do Thái, anh ta đã lấy số tro này từ sân nhà thờ Do Thái trong ghetto. Anh ta sẽ đi bộ tới Lodz ngày mai, mang theo xô tro.
Ghetto Warsaw. 1 bức tường cao gấp rưỡi thân người xây bằng 2 hàng gạch đỏ, đỉnh tường bằng xi măng gắn mảnh chai. Những viên gạch được đặt rất ngay hàng thẳng lối, bàn tay nào đã làm ra nó?
Trong ghetto: đó là cả 1 biển những đá và gạch vụn, không còn 1 bức tường nào nguyên vẹn - hãn hữu lắm mới tìm thấy 1 viên gạch còn nguyên. Sự tức giận của lũ quái vật thật là khủng khiếp.
Cuộc gặp gỡ với những người trốn dưới hầm nhà 95z phố Zhelyaznaya. Họ đã bị biến thành chuột cống hay khỉ. Câu chuyện về 2 người Do Thái đến từ Lodz đã chạm trán nhau trong bóng tối của căn bếp 1 căn nhà đổ, nơi chuột và người Do Thái tìm tới uống nước mỗi đêm. Klinker kêu lên khi nghe thấy tiếng động: “Tôi là người Do Thái, nếu anh là 1 người nổi dậy thì xin hãy cho tôi theo”. Tiếng trả lời vọng ra từ bóng tối: “Tôi cũng là người Do Thái”. Họ nhận ra cả 2 đều đến từ Lodz, họ lần tìm nhau trong bóng tối và ôm chầm lấy nhau.
Nơi họ lẩn trốn nằm ngay giữa Sở sen đầm và Gestapo, trên tầng 4 một ngôi nhà đã bị phá huỷ 1 nửa. 1 cô gái tóc quăn người Ba Lan che chở cho họ. Bố cô gái khi biết đã chỉ đòi họ trả 1 zloty để mua rượu, “nếu không tôi sẽ tố cáo các anh”. Anh chàng Abram Klinker đã định tặng tôi thứ tài sản duy nhất còn lại - 1 cây bút máy.

Grossman kể lại trong 1 bài báo trên tờ Krasnaya Zvezda câu chuyện về cái “boongke” giấu mình trong tầng 4 của 1 ngôi nhà đổ.

Chúng tôi tới thăm “boongke” - nơi lẩn trốn bí mật của 6 người Ba Lan và 4 người Do Thái trong nhiều tháng. Trí tưởng tượng phong phú nhất của con người cũng không thể nghĩ ra 1 cái hốc đá nằm trên tầng 4 của 1 ngôi nhà đổ lại chính là nó. Để tới được đây, người ta phải trèo lên những bức tường dốc đứng của 1 cầu thang sụp, leo qua 1 vực thẳm nhờ 1 cái xà nhà vốn là 1 phần của sàn nhà, và trườn qua 1 con rãnh hẹp tối đen nằm trong 1 nhà kho. Chúng tôi được 1 cô gái Ba Lan dẫn đường, cô đã từng sống ở đây. Cô ta bình thản đi trên chiếc xà nhà, và tôi phải thú thực rằng mặc dù tôi đã trải qua 3 năm rưỡi trên mặt trận, tim tôi thỉnh thoảng vẫn đông cứng lại trong chuyến du hành này, mồ hôi vã ra và mọi thứ trở nên đen tối trong mắt tôi. Vậy mà những người sống trong “boongke” đã từng chỉ dám di chuyển trong bóng tối, trong những đêm không trăng.
Ghetto. Ai mà tưởng tượng nổi những tòa nhà ở đây đã từng cao đến thế nào nếu chỉ nhìn vào những đống gạch vụn khổng lồ này. Giữa biển gạch vụn là 2 nhà thờ công giáo Ba Lan*.

*[Có lẽ Grossman đang nhắc tới Nhà thờ Máu Trinh Nữ ở 24 phố Lechno, trung tâm Công giáo nằm trên con dốc giữa khu dành cho người Do Thái]

1 cái đầu phụ nữ được tạc bằng đá nằm lẫn trong đống gạch vụn đỏ. Những khu phố thảm hại như 1 khu rừng hoang dại làm bằng các tàn tích xây dựng. Tòa giáo đường Do Thái trông tối tăm và xám xịt. Trong sân trong là những tay vịn lan can bằng gỗ đỏ cháy thành than, chúng từng được dùng để đốt xác những người nổi dậy tại khu ghetto Warsaw này. 1 đống tro ở góc sân - tro của những người Do Thái*. Những cái bình, những mảnh quần áo, 1 chiếc giầy phụ nữ, 1 cuốn sách kinh Do Thái rách nát nằm lăn lóc.

*[Không phải tất cả đều là tro người Do Thái. Bọn Nazi cũng sử dụng khu ghetto đổ nát này làm nơi hành quyết những người Công giáo Ba Lan]

Cuộc kháng cự tại khu định cư Do Thái bắt đầu ngày 19/4 và kết thúc vào ngày 24/5, người đứng đầu cuộc nổi dậy là Chernyakov đã tự sát ngày 23/7/1942. Các thành viên Hội đồng người Do Thái trong ghetto - Gustav Tselikovsky, Sherishevsky, Alfred Stegman, Maximilian Lichtenbaum - đều bị bắn vào đầu tháng 5.
Trong cuộc nổi dậy tại ghetto Warsaw, Shmul Zigelbaum (thường gọi là Đồng chí Arthur) sống tại London cũng đã tự sát để tạo sự chú ý của dư luận thế giới đối với tấn thảm kịch của người Do Thái*.

*[Ông là thành viên Ủy ban Quốc gia thuộc Chính phủ Ba Lan lưu vong đóng tại Exile]

Từ Warsaw, Grossman tiếp tục đi theo làn sóng thắng lợi của Hồng quân tới thành phố Lodz, nơi bọn phát xít từng sử dụng khu ghetto tại đây làm trại tập trung. Lodz được Tập đoàn quân 8 Cận vệ của Chuikov giải phóng ngày 18/1, chỉ 4 ngày sau khi cuộc tấn công bắt đầu. Bước tiến thần tốc của quân đội Soviet đã không cho phép nhà cầm quyền Đức có đủ thời gian phá hủy thành phố.

Có tới 500 nhà máy to nhỏ tại Lodz. Các giám đốc và ông chủ đã chạy mất nên lúc này chúng do các công nhân quản lý. Nhà máy điện, xe điện, tàu hỏa đều đang làm việc hết công suất. 1 cụ già lái tàu hỏa chạy điện nói: “Tôi đã lái tàu 50 năm, tôi sẽ là người đầu tiên lái tàu đến Berlin”.
Sở chỉ huy Gestapo: tòa nhà vẫn nguyên vẹn, mọi thứ đâu vẫn ở đấy. Ảnh các lãnh tụ Đảng Công nhân Xã hội Quốc gia Đức bị vứt xuống đất, những đữa trẻ dận ủng nỉ đang nhảy nhót trên mặt Goering và Hitler.
Các nhà máy sản xuất đạn dược: có tất cả 3 cái, 2 đã bị Không quân Anh phá hủy, cái thứ 3 tại Lodz đang được chúng tôi nghiên cứu hôm nay - 1 tổ hợp khổng lồ để sản xuất ngư lôi. Nó được xây dựng từ năm 1944 nhưng chưa bao giờ sản xuất được hết công suất. Có những con hào nhỏ trong sân đào song song các phân xưởng. Những chiếc bàn trong căng tin, vài chiếc trên ghi dòng chữ: “Dành riêng cho người Đức”. 1 công nhân Ba Lan nói: “Trong khi tôi làm được 8 quả (ngư lôi), 1 người Đức có thể làm 45 quả”. Ngày làm việc kéo dài 12 tiếng. Có 2 bếp ăn trong căng tin - 1 cho người Đức và 1 cho người Ba Lan, có 2 loại vé ăn - Đức và Ba Lan. 1 bích chương to tướng bằng tiếng Đức treo trong mỗi phân xưởng ghi: “Bạn chẳng là gì cả, đất nước mới là tất cả”.
Trừng phạt: khi 1 công nhân đi làm muộn, đánh rơi dụng cụ hoặc tỏ ra lười biếng, đốc công sẽ cho họ ăn bạt tai và tống vào xà lim phạt nằm dưới hầm các phân xưởng.
Lodz đã bị đổi tên thành Litzmannstadt để tưởng nhớ 1 viên tướng Đức*.

*[Trung tướng Karl Litzmann chết năm 1915 khi đang cố đánh chiếm Lodz trong WW1. Ông ta được tặng thưởng “Pour le Mérite”].

Chúng tôi, 4 người Do Thái, giới thiệu về nước Nga cho gia đình 1 viên tướng Nga đã quá cố tên là Shepetovsky. Con gái viên tướng tên là Irena không biết 1 chút tiếng Nga nào, bà chỉ nói được tiếng Đức và tiếng Ba Lan. Gekhtman hát những bài dân ca vùng Volga cho bà nghe bằng giọng run run rất diễn cảm.
Tại ghetto Lodz. Bài hát của ghetto là: “Đừng nên buồn khóc, ngày mai mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, mặt trời cũng sẽ mọc”.
Khu ghetto được thiết lập ngày 1/5/1940. Mỗi tuần tại đây có 3 ngày đẫm máu - thứ tư, thứ năm và thứ sáu. Trong 3 ngày này bọn Đức Volkdeutsche* giết hại người Do Thái ngay trong nhà họ.

*[Volksdeutsche là những người Đức sinh sống ngoài lãnh thổ Đế chế. Họ có thể là người thuộc chủng tộc Đức vốn sinh sống tại địa phương hay người Đức được chính quyền Nazi đưa tới để thiết lập nên quận Gau hay Warthegau nằm ở tây bắc Ba Lan, sau đó sáp nhập vào Đế chế Đức, người Ba Lan tại đây bị thanh lọc sắc tộc. Các chỉ huy Đức như tướng Guderian được chính phủ bù nhìn tại đây trao những điền trang lớn để tỏ lòng biết ơn].

Mới đầu trong khu ghetto có 165.000 người Do Thái Lodz, 18.000 người Do Thái đến từ Luxembourg, Áo, Đức và Tiệp Khắc, 15.000 người Do Thái Ba Lan đến từ các khu định cư Do Thái khác - thí dụ như Kamish và 1 vài nơi nữa - và 15.000 người đến từ Chenstohova. Số lượng người Do Thái trong ghetto vào thời điểm đông nhất là 250.000 người. Nạn đói xảy ra, có khoảng 150 người chết mỗi ngày, bọn Đức lấy làm không vui vì tỷ lệ chết quá thấp này*.

*[Trong tổng dân số gần 5.000.000 người của Warthegau vào năm 1939 có 380.000 người Do Thái và 325.000 người gốc Đức bản địa].

Trong đợt Aktion đầu tiên vào tháng 12/1942, 25.000 thanh niên nam nữ khỏe mạnh đã bị đem đi, giả như đi làm việc nhưng thực ra họ bị giết sạch. Đợt Kinder - Aktion đầu tiên thì đã diễn ra từ tháng 9 cùng năm, tất cả trẻ em từ mới lọt lòng cho đến 14 tuổi cùng với người già, người bệnh tật đều bị giết (tổng số là 17.000 người). Những chiếc xe tải chở đám trẻ đi và 2h sau đã thấy quay lại để nhận chuyến hàng mới. Bọn giết người đã làm việc 1 cách có hệ thống, lấy mỗi lần 800 - 1.000 người để “đi làm” và giết họ. Đến ngày 1/1/1944 chỉ còn 74.000 người còn lại trong ghetto, 1 tay lái buôn trà tên là Hans Biebow là chỉ huy ghetto.
Trước khi xóa sổ khu ghetto*, Oberburgermeister (thị trưởng) Bratvich và Hans Biebow loan báo rằng để bảo vệ những người Do Thái tại Lodz đã làm việc cho đất nước suốt 4 năm qua, Lãnh tụ đã quyết định sơ tán họ về tuyến sau.

*[Himmler ra lệnh xóa sổ khu ghetto ngày 10/6/1944, vài ngày sau D - Day].

Không 1 người Do Thái nào tập trung tại ga xe lửa. Biebow phải kêu gọi tập hợp 1 lần nữa và cho bắt nhiều người Do Thái đến nhưng rồi lại cho họ về, nói rằng hắn tin vào lòng thành của họ. Sau đó họ lại bị bắt đem đi bằng vũ lực, 2.000 - 3.000 người/ngày. Những giấy tờ tìm thấy trong các toa hàng trống cho biết họ bị đưa tới Maslovitsy* và Oswencim (Auschwitz).

*[Maslovitsy cũng là nơi thiếu tá Sharapovich phát hiện ra kho sách quý mà bọn Đức đã lấy từ Thư viện Turghenev ở Paris. Số sách này được chở về Thư viện Lenin ở Moscow]

Sau khi ghetto Lodz bị xóa sổ hoàn toàn, vẫn còn 850 người sót lại. Mũi thọc sâu của xe tăng ta đã cứu được họ.
Tổ chức tại ghetto Lodz. Nó có tiền riêng, bưu điện và tem thư riêng, trường học, nhà hát, xưởng in và 40 nhà máy may mặc, nhiều nhà máy nhỏ khác, vài viện điều dưỡng, 1 thư viện ảnh, 1 viện sử học, vài bệnh viện và trung tâm cấp cứu, nông trại, đồng ruộng, vườn rau, 100 con ngựa. Nó còn có cả huân huy chương riêng để thưởng cho những người lao động. Chaim Rumkowsky, giám đốc ghetto, 1 người Do Thái có học thức, là người nắm được các số liệu*.

*[Mordechai Chaim Rumkowsky là 1 nhân vật gây tranh cãi sau này. Vốn là 1 doanh nhân phá sản, ông ta được người Đức coi là Judenalteste, hay Bố Già Do Thái, vì có được quyền lực tuyệt đối tại ghetto thông qua quyền điều phối nguồn cung cấp lương thực. 1 cách độc đoán, ông ta không chỉ điều hành ghetto như thể nó là thái ấp của riêng mình mà còn quyết định ai phải chết và ai sẽ được sống bằng cách lựa chọn những người sẽ bị chuyển tới Chelmno và sau này là Auschwitz]

Lời kể của Grossman có lẽ còn quá lạc quan, có năm thậm chí có tới 20% dân số ghetto chết vì bệnh tật và đói khát.

Rumkowsky tự tuyên bố mình là Giáo trưởng Do Thái, đầu đội chiếc khăn cầu nguyện rất xịn, lão chỉ đạo mọi hoạt động từ trong giáo đường, ra các giấy chứng nhận kết hôn và li hôn, trừng phạt những người bồ bịch lăng nhăng. Lão cưới 1 nữ luật sư trẻ* khi đã 70 tuổi và có nhiều bồ bịch là các nữ sinh**. Những bài thánh ca được soạn để ca tụng lão. Lão tự tuyên bố mình là người lãnh đạo và vị cứu tinh của người Do Thái. Lão là trợ thủ đắc lực của Gestapo.

*[Tên cô ta là Regine Weinberger].
**[“Bồ” của Rumkowsky là những cô gái trẻ bị buộc phải trở thành tì thiếp của ông ta].

Trong những lúc giận dữ, Rumkowsky thường đánh người bằng gậy hoặc cho họ ăn bạt tai. Trước chiến tranh lão ta là 1 nhà buôn thất bại và phá sản. Câu chuyện về cái chết của lão: khi người em trai cũng bị tống lên tàu hỏa, Rumkowsky vẫn còn ảo tưởng về quyền lực của mình đã tuyên bố với đám Gestapo là nếu không thả tự do cho ông em thì chính lão sẽ lên tàu theo. Thế là lão bị tống luôn lên tàu đưa tới Auschwitz, cô vợ trẻ cũng bị đưa đi chết cùng. Rumkowsky đã từng rất tự hào vì chuyện 1 bức thư được gửi từ Berlin cho Chaim Rumkowsky nhưng không đề địa chỉ, vậy mà bức thư đó vẫn đến được tay lão ở Lodz.
Lodz là Manchester của Ba Lan. 15.000 thợ may đã từng may quần áo cho quân đội Đức tại đây. Họ được cấp 400gr bánh mì mỗi ngày và 900gr đường mỗi tháng. Trong khi đó, những người sống tại khu ghetto Warsaw chỉ được cấp 80gr bánh mì mỗi ngày.
Genicksschuss - 1 viên đạn vào gáy*.

*[Nghĩa đen trong tiếng Đức là bắn vào cổ nhưng thực tế là chỉ việc bắn vào gáy hướng lên sọ]

Niềm tin tôn giáo của những người Do Thái trong ghetto sụt giảm thảm hại; thực tế những công nhân Do Thái vốn không sùng đạo lắm. Biebow thường gửi nhiều vitamin cho dân ghetto. Trợ lý của Rumkowsky, 1 người Do Thái tên là Gertler có quan hệ với Gestapo nhưng đã làm được nhiều việc tốt, ông là người rất tốt và mọi người đều rất yêu mến ông.
Khi Gertler trở nên có quyền thế và người Đức tỏ ra rất tôn trọng ông, Rumkowsky trở nên thù ghét ông.
Bệnh viện của ghetto khiến các bác sĩ khắp Châu Âu phát sợ, 1 giáo sư nói: “Tôi chưa từng thấy 1 cơ sở y tế nào kiểu này ở Berlin”.
Cái chết anh dũng của bác sĩ Weisskopf tại khu ghetto Lodz - ông định cắn cổ tên phát xít Bibach.
Cuộc nổi dậy tại ghetto Lodz do Kloppfisch lãnh đạo, ông vốn là 1 kỹ sư người Lodz.

Lodz và Poznan là 2 thành phố quan trọng nhất của Warthegau, phần đất phía tây Ba Lan bị bọn Nazi thôn tính và đặt tên theo con sông Warthe. Hitler chỉ định Arthur Greiser là người đứng đầu phần đất này. Hơn 70.000 người Ba Lan đã bị giết trong quá trình thanh lọc sắc tộc để lấy chỗ cho người Đức tới định cư tại đây. Hàng trăm ngàn người khác bị tống vào các trại lao động và trại tập trung. Sau người Do Thái, người Ba Lan là dân tộc bị thiệt hại với tỷ lệ lớn nhất trong WW2, thậm chí còn cao hơn cả Liên Xô.

Bọn Đức buộc tất cả nông dân Ba Lan rời bỏ nhà cửa, ruộng đất, mùa màng, nông cụ, bắt họ sống trong những khu nhà tạm và buộc họ làm việc như nông nô. Những người Đức phần lớn vốn sinh trưởng tại địa phương nhưng cũng có 1 số đến từ Ukraina (160.000 người). Trẻ em con nhà nông dân Ba Lan không được đến trường và phải làm việc từ lúc 12 tuổi. Nhà thờ bị đóng cửa, chỉ để lại 1/20 số nhà thờ, số còn lại bị biến thành kho. Những người nông nô được trả 20 mark mỗi tuần và được cho ăn, trẻ em là 6 mark/tháng. Nông dân người Đức được đặc quyền giữ lại đủ sản phẩm để nuôi sống gia đình mình.
1 nông dân Ba Lan đã bị tống đến Dachau chỉ vì nói với người hàng xóm Đức của mình (trước khi người Đức thôn tính vùng đất này vào tháng 9/1939) rằng: “Sao anh cứ nói tiếng Đức thế, anh có ở Berlin đâu?”. Trước chiến tranh, bọn phát xít thường tụ tập trong các buổi mít tinh của Đảng quốc xã dưới lớp vỏ là các buổi cầu nguyện.
Người định cư Đức đến thành 2 làn sóng - 1 vào năm 1941 và lần còn lại vào năm 1944. Người Đức bán lậu bánh mì cho người Ba Lan với giá 5 mark/kg, bột mì là 25 mark/kg, mỡ lợn 200 mark/kg. Hàng ngàn giáo viên, bác sĩ, luật sư, cha cố Ba Lan đã bị đưa đến Dachau và bị giết.
“Bọn Đức gọi vùng đất của chúng tôi là Warthegau, chúng cấm nông nô đi bất cứ đâu. Chúng tôi là những kẻ nô lệ”.
Người Ba Lan bị cấm tới cửa hàng, công viên và vườn tược, bị cấm đi tàu điện vào chủ nhật còn ô tô thì cấm tiệt.
Bauerfuhrer* Schwandt có 3 nông nô và 3 phụ nữ, hắn béo khủng khiếp và không trả cho nông nô gì hết. Trước chiến tranh hắn có 1 quán bar, 1 kho hàng tạp hóa và 4 morgen đất (mẫu, mỗi mẫu tương đương khoảng 0,4ha). Giờ hắn sở hữu 50 morgen đất.

*[Bauerfuhrer là thủ lĩnh Đảng Quốc xã tại mỗi địa phương đồng thời là người tổ chức nông dân]

1 trong các nhiệm vụ của nông dân người Đức là đảm bảo cho việc trưng thu nông sản luôn được đầy đủ. Người Ba Lan không được cấp vodka còn người Đức thì được vào những ngày nghỉ lễ. Người Ba Lan sẽ lĩnh án 3 tháng tù nếu sử dụng bật lửa xăng.
1 số người Đức không tin rằng người Nga sẽ tới và cười nhạo những người đóng những cỗ xe ngựa lớn để chất tài sản lên đi chạy loạn. Họ không tin điều đó cho đến tận ngày cuối cùng.
Bộ binh Hồng quân di chuyển bằng xe ngựa, xe bò và cả xe mui trần bóng lộn. Các chú lính rít makhorka, ăn uống và đánh bài. Các toa tàu hàng được trang hoàng bằng các tấm thảm, lái tàu ngồi trên những chiếc giường lông chim êm ái. Binh sĩ không thèm ăn khẩu phần quân đội nữa, họ có đủ thịt lợn, gà. Đã xuất hiện những khuôn mặt tròn xoay hồng hào trong đám lính, điều chưa từng xảy ra trước đây*.

*[Lính Hồng quân cũng cướp bóc của nông dân Ba Lan gần bằng người định cư Đức]

Dân thường Đức bị xe tăng ta bắt giờ đã được thả và đang quay lại. Họ hay bị ăn đòn dọc đường, người ta tháo yên cương ngựa của họ, người Ba Lan đang cướp bóc họ. “Các người đang đi đâu thế?”. Tôi hỏi. Họ trả lời bằng tiếng Nga: “Tới Nga”. Tại đây có 5 loại người Đức: dân tới từ Biển Đen, từ Balkan, từ các nước Baltic, Volksdeutsche và Reichsdeutsche*.

*[Ở trường hợp này Volksdeutsche có nghĩa là người dân tộc Đức thiểu số tại Ba Lan. Reichsdeutsche tất nhiên là người Đức sống tại lãnh thổ Đức trước 1939]

Grossman sớm nhận ra rằng tư cách của lính Hồng quân thay đổi khi sang nước khác. Ông vẫn cố lý tưởng hóa những người lính tiền tuyến, đẩy mọi trách nhiệm về những việc làm sai trái cho các đơn vị tuyến sau như hậu cần hay vận tải. Trong thực tế, chính lính tăng mà ông rất sùng bái mới là những tay cướp bóc và hiếp dâm tồi tệ nhất.

Những người lính tuyến đầu hành quân suốt ngày đêm dưới làn đạn, họ thật thánh thiện và trong sạch. Cánh lính hậu tuyến đem theo nạn hãm hiếp, rượu chè, cướp bóc.
250 cô gái Nga đang làm việc trong nhà máy Focke - Wulf, bọn Đức đã bắt họ tới đây từ Voroshilovgrad, Kharkov và Kiev. Theo chỉ huy Chính trị tập đoàn quân, những cô gái này không có quần áo, đầy rận và phù thũng vì đói. Tuy nhiên theo nhà báo phụ trách tờ báo của tập đoàn quân, những cô gái này vẫn còn sạch sẽ và ăn mặc đầy đủ cho đến khi quân ta tới, đám lính đã trói họ lại, bịt mắt và lấy đồng hồ đeo tay của họ. Các cô gái Soviet mới được giải thoát thường phàn nàn rằng họ đã bị lính ta hãm hiếp. 1 cô vừa nói với tôi vừa khóc: “Ông ta là 1 lão già, còn nhiều tuổi hơn cả bố tôi”.

26
Vào hang ổ của con quái vật Phát-Xít

Trong chuyến hành trình, Grossman tiếp tục đi cùng với sở chỉ huy Tập đoàn quân Cận vệ 8 của tướng Chuikov. Chuikov rất tức giận khi Nguyên soái Zhukov ra lệnh cho Tập đoàn quân Cận vệ 8 của ông phải chuyển hướng sang thành phố pháo đài Poznan, trong khi các tập đoàn quân khác đang ào ạt tiến về phía sông Oder. Zhukhov chính là người đã từng bị Chuikov ghét cay ghét đắng vì giành được quá nhiều vinh quang trong trận Stalingrad. Trận công phá Poznan là trận chiến đường phố khó khăn nhất mà Hồng quân phải đối mặt kể từ sau trận Stalingrad.

Một chỉ huy trung đoàn phàn nàn: “Vậy đấy, chúng tôi xông vào phố, đám thường dân chạy về phía quân ta và kêu lên: “Những người giải phóng của tôi! Những vị cứu tinh của tôi!”. Ngay lúc đó bọn Đức phản kích và đẩy lùi quân ta. 1 khẩu pháo tự hành của chúng xuất hiện. Và tôi nhìn thấy vẫn những thường dân đó chạy ngược trở lại và bắt đầu ôm chầm lấy bọn Đức. Vậy là tôi lệnh cho bắn thẳng vào chúng bằng đạn ghém”.
Trận chiến đường phố vẫn đang tiếp diễn. Những khu phố không có chiến sự đầy chật người. Những quý bà quý cô đội những cái mũ kiểu cách, mang túi sách điệu đà đang xẻ thịt 1 con ngựa chết nằm trên vỉa hè.
Chuikov đang tổ chức cuộc chiến đường phố tại Poznan. Sau trận Stalingrad, ông được xem là chuyên gia số 1 về tác chiến đô thị. Về mặt lý thuyết, bản chất của trận Stalingrad là bộ binh ta đóng những cái nêm vào giữa các đơn vị cơ giới Đức và những điểm yếu của bộ binh Đức. Còn bây giờ, hoàn cảnh đưa đẩy Viện sĩ hàn lâm (Grossman dựa theo 1 câu đùa cũ của chính Chuikov khi ông này nói rằng mình đã tìm ra 1 Viện hàn lâm về chiến tranh đường phố tại Stalingrad) Chuikov vào tình thế không thể từ chối giải quyết cùng 1 tình huống như ở Stalingrad, nhưng đây là Poznan, vai trò của ông hoàn toàn ngược lại. Ông đang tấn công dữ dội quân Đức tại các con phố Poznan bằng lực lượng cơ giới khổng lồ và chút ít bộ binh. Và ngày càng có nhiều tên Đức lì lợm chống trả trong 1 cuộc chiến với chúng là vô vọng.
Chuikov đang ngồi trong căn phòng lạnh lẽo, sáng đèn dưới tầng 1 của 1 villa 2 tầng. Điện thoại đang reo trên bàn, các chỉ huy đơn vị báo cáo về trận chiến đường phố Poznan. Trong những quãng tạm nghỉ giữa các cuộc điện thoại và báo cáo, Chuikov nói với tôi về trận đánh chọc thủng tuyến phòng ngự Đức tại khu vực Warsaw.
“Chúng tôi đang học tập người Đức cách đặt lịch trình làm việc từng ngày cho mỗi tháng. Ban ngày, quân địch thường bỏ tuyến chiến hào đầu tiên và quay lại đó vào ban đêm. Vì vậy trước khi tiến công, chúng tôi gửi các thông điệp vô tuyến suốt đêm, bật nhạc và nhảy nhót, làm mọi thứ trở nên hỗn độn đồng thời đưa tất cả các đơn vị lên các vị trí tuyến đầu.
“Vào 8h30, thời điểm mà quân địch thường rời khỏi tuyến đầu, chúng tôi khai hỏa 1 loạt 250 khẩu pháo. Ngay ngày đầu tiên quân ta đã chọc thủng tuyến đầu. Chúng tôi nghe được điện đài Đức, trong đó viên chỉ huy Tập đoàn quân 9 gọi các sư đoàn trực thuộc mà chẳng nhận được câu trả lời c... nào. Vào lúc đó quân ta đã đập tan 2 sư thiết giáp ngay tại chỗ tập trung của chúng ở tuyến sau. Tổng thể thì chúng tôi làm theo cách sau: 1 đợt không kích, 1 đợt pháo kích và sau đó là tiến công. Sáng hôm đó có sương mù. Chúng tôi đã giữ chúng trên 1 cái đe là tuyến đầu quân ta và đập chúng bằng cái búa là lực lượng pháo binh. Nếu chúng tôi chỉ cần chậm 1h, quân ta sẽ bắn vào những vị trí trống. Và bọn Đức có vẻ như đã kiệt sức ở tầm chiến lược, chỉ có toàn Landwehr và Volkssturm ở đó*.

*[Thực ra không có Landwehr, đây là tên lực lượng dự bị địa phương trong WW1, Volkssturm là lực lượng thay thế cho lực lượng trên dưới thời Nazi. Các sĩ quan thường gọi lực lượng gồm những người già và trẻ con này là “món hầm”, 1 thứ hỗn hợp khó nhai gồm thịt thiu và rau xanh]

Chuikov nghe điện thoại, lại gần bản đồ để xem và nói: “Tôi sắp phải đeo kính đến nơi rồi”. Ông đọc 1 báo cáo, cười mãn nguyện và rê bút chì trên tờ lệnh. Ông nói: “Cánh phải của Marchenko có lẽ đã cảm nhận được sức mạnh hỏa lực của Glebov. Đó là kiểu bắn gối đầu, cũng sẽ sớm có liên lạc thôi”. Ông quát vào telephone: “Nếu chúng định thọc về phía tây hãy để chúng ra chỗ trống rồi nghiền nát chúng như thịt băm, bọn chó chết”.

Sau đó Chuikov tiếp tục nói chuyện với Grossman.

“Lính tráng tỏ ra buồn chán khi phải phòng ngự. Họ khao khát được kết thúc chiến tranh. Họ khởi động trong 2 - 3 ngày, và sau đó tiến 30 - 50km mỗi ngày.
“Thực sự là có những vụ cướp bóc trong lúc hành tiến: 1 chiếc tăng đang đi, 1 chú lợn sữa ngồi vắt vẻo trên chắn xích. Chúng tôi dừng lại để cho quân ăn, thức ăn của ta chưa bao giờ đủ ngon đối với binh lính. Cánh lái xe đang chạy quanh các toa hàng, chơi accordion y như trong quân đội của Makhno*.

*[Nestor Makhno lãnh đạo 1 lực lượng du kích lớn theo chủ nghĩa vô chính phủ ở Ukraina trong thời Nội chiến, đánh cả 2 phe Bạch vệ và Hồng quân. Họ di chuyển rất nhanh bằng những cỗ xe ngựa loại nhỏ, 1 số có gắn súng máy]

“Pháo đài Poznan... Quân ta đang di chuyển trên đỉnh pháo đài, bọn Đức bắn lên từ trong pháo đài. Thế là công binh đổ vào trong khoảng hơn 200 lít dầu lửa rồi đốt, bọn Đức nhảy vọt ra như chuột. Và anh biết điều ngạc nhiên nhất là gì không, với tất cả kinh nghiệm chiến tranh và những trinh sát hoàn hảo, chúng tôi đã bỏ sót 1 điều vặt vãnh. Chúng tôi đã không để ý rằng Poznan là pháo đài hạng nhất, 1 trong những pháo đài mạnh nhất Châu Âu. Chúng tôi nghĩ nó chỉ như các thị trấn khác và định chiếm nó trong hành tiến, và thế là chúng tôi kẹt ở đây”.

Poznan đã không thất thủ hoàn toàn cho đến tận khi Chuikov ra lệnh tổng tấn công pháo đài ngày 18/2, sau 9 ngày pháo kích nặng nề. Vào lúc đó những lính phòng thủ trong vòng vây đã bị bỏ cách quân nhà 200km. Lựu pháo 203mm bắn thẳng vào tường ở tầm trực xạ để đục thủng nó, sau đó đến lượt súng phun lửa và lựu đạn được sử dụng để quét sạch hết phòng này đến phòng khác. Đêm 22/2, thiếu tướng Ernst Gomell chỉ huy quân Đức tại pháo đài nằm lên lá cờ chữ thập ngoặc trong phòng mình rồi tự sát bằng súng. Lính phòng thủ pháo đài đầu hàng.
Grossman đã không đợi đến lúc cuộc công phá pháo đài kết thúc, ông đi theo các đơn vị tiền tiêu của Tập đoàn quân 8 Cận vệ tiến vào lãnh thổ Đế chế Đức. Mặc dù rất muốn lý tưởng hóa những người lính Hồng quân bình thường, ông cũng cảm thấy ghê sợ với tệ nạn rượu chè của họ.

Cái chết dớ dẩn của Đại tá Anh hùng Liên Xô Gorelov, chỉ huy lữ đoàn tăng Cận vệ. Đầu tháng 2, ông chọn 1 điểm dừng chân dọc đường cách biên giới Đức vài km, tại đây ông bị 1 lính Hồng quân say rượu bắn chết. Katukov* đã từng rất quý mến Gorelov; khi ra lệnh cho Gorelov và Babadzhanyan ông thường gọi họ bằng tên thân mật: Volodya và Arno. Đây không phải ví dụ duy nhất về những vụ say rượu tồi tệ.

*[Đại tướng M. I. Katukov, chỉ huy Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 1 đã chiến đấu cùng Tập đoàn quân Cận vệ 8 trên mọi nẻo đường từ Vistula đến cuộc tấn công cuối cùng vào Berlin]

Tất cả công dân Soviet, bất kể lính hay dân thường, đều cảm thấy choáng váng với sự thay đổi khi vượt qua biên giới Đức. Số lượng lớn kỳ lạ của các công trình hoàn hảo và sự phồn hoa ở nơi này khiến họ không hiểu sao những người sống ở đây lại muốn rời bỏ nó để đi xâm lược nước Nga.

Mờ sáng, sương mù và mưa phùn. Mùi ẩm mốc phát ra từ rừng cây. Có những vũng nước trên đường. Những cây thông đen, trang trại, kho thóc, những ngôi nhà chóp nhọn. 1 khẩu hiệu lớn: “Hỡi những người lính, đây chính là hang ổ của con quái vật Phát xít”.
Phong cảnh nơi đây thật mê hoặc. Cây cối thấp nhưng to và rất đẹp, những con đường trải nhựa hoặc láng xi măng cũng đẹp. Những cỗ xe của pháo binh, pháo tự hành, xe tham mưu của quân ta chất đầy chiến lợi phẩm đang đi từ Poznan tới trông thật thảm hại.
Một cô gái Nga mới được giải thoát tên là Galya nói với tôi về cách đối xử khác nhau giữa những người bị bắt từ những nơi khác nhau trên thế giới: “Có quy định khác dành riêng cho người Pháp”.

Từ Poznan đến biên giới Đức trước năm 1939, tuyến đường nối Kustrin và Berlin dẫn họ qua thị trấn Schwerin. Khi tới đây Grossman nhận thấy Tập đoàn quân Cận vệ 8, đơn vị mà ông từng rất ngưỡng mộ ở Stalingrad, đang cướp bóc và hãm hiếp. Sau chiến tranh, Grossman xác nhận với con gái rằng “Hồng quân đã biến thành 1 đạo quân xấu xa ngay sau khi vượt qua biên giới Soviet”.

Mọi thứ bốc cháy, cảnh cướp bóc diễn ra khắp nơi. Gekhman và tôi được cấp 1 ngôi nhà còn sót lại. Mọi thứ còn chưa bị động tới, bếp lò vẫn còn ấm, 1 cái ấm nước nóng vẫn đang đặt trên bếp, chủ nhân ngôi nhà chắc vừa chạy khỏi đây không lâu, những cái đĩa vẫn còn đầy.
Tôi dứt khoát cấm động vào chúng (cả với chính tôi). Sĩ quan chỉ huy thị trấn tới đề nghị tôi cho một đại tá vừa từ Bộ Tổng tham mưu tới ở cùng. Tất nhiên tôi đồng ý. Vị đại tá thật oai vệ, khuôn mặt tốt bụng đặc Nga. Suốt đêm chúng tôi phải nghe tiếng ngáy vẳng ra từ căn phòng nơi vị đại tá mệt mỏi đang ở. Sáng hôm sau ông ta bỏ đi không nói không rằng. Chúng tôi vào phòng ông: thật hỗn độn, vị đại tá đã vét sạch những cái đĩa như 1 tên kẻ cướp chính hiệu.
1 bà già lao mình ra khỏi cửa sổ 1 ngôi nhà cháy.
Chúng tôi vào nhà, có 1 vũng máu trên sàn, giữa vũng máu là 1 ông cụ, bị 1 tên kẻ cướp bắn chết. Có vài cái chuồng thỏ và chim ngoài sân, chúng tôi mở cửa để cứu chúng khỏi ngọn lửa, 2 con vẹt đã chết trong lồng.
Sự khiếp sợ hiện rõ trong mắt những người phụ nữ già trẻ.
Tại nhiệm sở của sĩ quan chỉ huy thị trấn. 1 nhóm tù binh Pháp phàn nàn rằng 1 số lính Hồng quân đã lấy đồng hồ của họ, chỉ đưa cho họ 1 rub cho mỗi chiếc.
1 phụ nữ Đức vận đồ đen, cặp môi khô nẻ, đang nói bằng giọng thì thào. Bà ta đến cùng cô con gái vị thành niên trên mặt và cổ đầy vết thâm tím, mắt sưng húp, tay có vết bầm tím ghê sợ. Cô gái này bị 1 lính đại đội thông tin của sở chỉ huy tập đoàn quân hiếp. Hắn cũng đang ở đây, má đỏ hồng, mặt phị mỡ, mắt lờ đờ. Viên chỉ huy thị trấn cật vấn hắn mà không có vẻ nhiệt tình lắm.
Những điều đáng sợ đang diễn ra với phụ nữ Đức. 1 trí thức Đức đang nói bằng thứ tiếng Nga lắp bắp kèm cử chỉ kích động rằng vợ anh ta đã nhận mấy “người khách mới” - tức là lính Hồng quân - vào ở nhờ và đã bị 10 người hiếp ngày hôm nay. Người vợ cũng đang có mặt ở đó.
Nhiều tiếng thét của phụ nữ vọng ra từ cửa sổ. 1 sĩ quan người Do Thái đã bị bọn Đức giết hết cả nhà được yêu cầu ở lại trong tầng hầm nhà 1 tên Gestapo đã đào tẩu. Đám phụ nữ còn lại trong nhà được an toàn khi anh ta còn ở đó, khi anh ta đi, tất cả họ đều khóc lóc van xin anh ở lại.
Những cô gái Soviet được giải thoát khỏi các trại tập trung giờ cũng phải chịu đựng nhiều đau khổ. Đêm xuống, vài cô trốn nhờ vào phòng dành cho phóng viên của chúng tôi. Cả đêm chúng tôi bị đánh thức vì những tiếng thét: 1 trong số các phóng viên đã không thể cưỡng được sự cám dỗ. Sự ầm ĩ này gây nên 1 cuộc tranh luận và sau đó trật tự được tái lập.
Câu chuyện về 1 người mẹ đang cho con bú đã bị hiếp trong nhà kho. Họ hàng của cô tới bên nhà kho yêu cầu kẻ đang hãm hiếp cô buông tha cho cô 1 lúc vì đứa trẻ cứ khóc suốt vì đói.
Ban đêm vẫn sáng tỏ, mọi thứ bốc cháy.
Khi đại tá Mamaev bước vào 1 ngôi nhà Đức, 4 - 5 đứa trẻ im lặng đứng dậy giơ tay hàng.

Việc giải phóng nước Đức dẫn tới nhiều số phận đảo ngược 1 cách kịch tính. Những tù nhân và nô lệ giờ cướp bóc lại những tên chủ cũ. Nhiều phụ nữ Liên Xô trẻ đã bị gửi tới Đức từ các vùng tạm chiếm để làm việc trong các nông trại hay nhà máy. Những tù binh Hồng quân thì còn phải chịu đau khổ hơn cả nô lệ trong các trại tù binh.

Những đám đông khổng lồ đang đi trên đường. Tù binh từ mọi quốc gia: Pháp, Bỉ, Hà Lan..., tất cả đều mang theo đồ cướp được. Chỉ có người Mỹ là đi bộ mà không mang gì, thậm chí không có cả mũ, họ không cần gì hết ngoại trừ rượu, 1 số chào đón chúng tôi bằng cách vẫy những cái chai. Thường dân đến từ các nước châu Âu khác đi những con đường khác, phụ nữ mặc áo hở ngực, cả đám kéo theo hàng ngàn chiếc xe đẩy chất đầy đồ cướp được. Thật là 1 cảnh hỗn loạn điên rồ và buồn cười. Đâu là người phương Đông? và đâu là người phương Tây?
Những thương phế binh - tù binh Hồng quân được giải phóng. 1 người trong số họ có vẻ buồn rầu và ốm gần chết nói: “Tôi sẽ chẳng bao giờ về được tới nhà”. Khi bọn Đức định thủ tiêu họ, những thương phế binh này đã cắt dây thép gai, cướp được 1 khẩu tiêu liên và 1 cây súng trường, và quyết chiến.
Một cô gái Nga bị đưa tới Đức làm nô lệ nói: “Bọn Frau (Đức) xuống địa ngục hết đi. Tôi chỉ tiếc là đã bỏ sót đứa con trai 6 tuổi của mụ ấy”.

Sau Schwerin, Grossman tới Landsberg, hạ lưu sông Warthe, con sông này đổ vào sông Oder tại Kustrin. Theo cách tính toán gắn với ý tưởng của Stalin, đại quân Soviet có trách nhiệm đánh cướp số tài sản Đức tương ứng với những gì mà Liên Xô bị tàn phá trong chiến tranh. Các nhân viên kế toán dân sự ăn vận oai không kém 1 đại tá Hồng quân, những người Đức ngoan ngoãn mở các két sắt trước mặt họ. Sẽ có vấn đề thực sự tồi tệ với lính Hồng quân nào định mở két để lấy tiền cho riêng mình. Họ thường xài 1 cây Panzerfaust, kết quả là két sắt bị phá tan cùng với mọi thứ bên trong.

Một két sắt tại Landsberg. Nhiệm vụ của chúng tôi là mở nó. Bên trong có vàng, trang sức, nhiều bức ảnh chụp trẻ con, phụ nữ và người già. Một thành viên đội tháo két nói với tôi: “Chúng giữ mấy bức ảnh ở đây làm cái ccc gì nhỉ?”.
Sư trưởng nói với sư phó, người vừa tới để chỉ đạo việc bắn pháo sáng được chuẩn hơn: “Tôi ị vào đống pháo sáng của anh. Ngồi xuống và ăn tối với tôi nào”.
Trong cửa hàng văn phòng phẩm của 1 tên Đảng viên Nazi béo ị, vào ngày mà hắn tan tành sự nghiệp, một cô bé đến vào buổi sáng, yêu cầu hắn cho xem mấy tấm bưu thiếp. Lão già to béo, âu sầu, thở khó khăn ném 1 tá bưu thiếp lên bàn trước mặt cô bé. Cô bé cẩn thận lựa chọn rất lâu rồi lấy 1 tấm in hình 1 cô gái mặc váy đẹp đứng bên 1 quả trứng vỡ, 1 chú chim đang bay ra khỏi quả trứng. Lão già nhận 25 xu của cô bé, bỏ vào máy thu tiền. Tối đó hắn chết trên giường, tự sát bằng thuốc độc. Cửa hàng vừa đóng cửa, 1 đám người ồn ã vui vẻ đã ào vào mang hết đồ đạc tài sản ra khỏi căn hộ của hắn.

Ngay khi bắt kịp những người bạn và người quen cũ, Grossman lại hỏi han về những câu chuyện của họ. Babadzhanyan, giờ là chỉ huy Quân đoàn xe tăng cận vệ 11 trong Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 1 của Katukov, vị chỉ huy dũng cảm mà Grossman tưởng đã hy sinh năm 1941.

Câu chuyện của Babadzhanyan: “Chúng tôi xuất phát tại Vistula tối 15/1 qua 1 lỗ thủng trên tuyến phòng ngự địch đối diện khu vực do Chuikov phụ trách và tới Oder ngày 28/1. 1 viên đại úy Đức đang tới Poznan lấy thuốc lá đã bị chúng tôi thộp cổ ngay trên biên giới. Có 1 hôm quân ta tiến được tới 120km. Tất cả các việc chính đều được tiến hành trong đêm, ban đêm xe tăng sẽ được an toàn hơn. Xe tăng ta là lực lượng đáng sợ vào ban đêm, họ có thể thọc sâu tới 60km dù không có người dẫn đường địa phương giống như những gì họ đã làm trên đất Ba Lan. Tuy nhiên người dẫn đường địa phương cũng rất quan trọng, 1 đêm có 1 ông già người Đức đã dẫn xe tăng ta thọc sâu rất thành công.
“Một viên tướng Đức bình thản cởi quần áo chui vào giường sau khi đánh dấu trên bản đồ là đối phương còn cách 60km, và hắn bị chúng tôi xông vào nhà lúc nửa đêm”.

Grossman cũng tới gặp Gusakovsky lần nữa, viên sĩ quan tỏ ra không biết khiêm tốn là gì.

Lữ đoàn của Gusakovsky đã thành công rực rỡ. Mặc dù cầu cống đều bị phá hủy và khắp nơi đầy chướng ngại vật chống tăng nhưng vẫn còn 1 con đường nguyên vẹn. Bọn Đức định dùng nó cho 1 cuộc phản công. Gusakovsky đã xông theo con đường này, vòng qua tất cả các điểm phòng ngự của địch. Lữ đoàn của ông ngao du trong vùng hậu phương địch suốt 2 ngày trong khi các lữ đoàn khác phải đi vòng vèo hoặc tấn công trực diện vào các cứ điểm địch.
Đại tá Gusakovsky, 2 lần Anh hùng Liên Xô, chỉ huy lữ đoàn tăng: “Thành phố (chắc là Landsberg) bị 1 đại tá chiếm, trong khi lệnh của Tổng tham mưu trưởng (Nguyên soái Zhukov) đã giao việc này cho 10 viên tướng”.

Khi Hồng quân tiến tới Berlin, từ sĩ quan đến binh lính đều ước mơ bắt sống được Hitler. Họ tin tưởng mình sẽ được thưởng Sao Vàng Anh hùng Liên Xô và trở nên nổi tiếng suốt đời. Trong khi đó các sĩ quan tình báo trong các sở chỉ huy miệt mài bên những tài liệu thu được từ các phòng lãnh sự Đức với hi vọng tìm ra thêm nhiều điều nữa về những kẻ lãnh đạo Nazi. “Trong 1 phòng phụ trách tình báo, tôi được cho xem 1 tờ lệnh có chữ ký của Hitler, bên dưới có dòng chữ và chữ ký: “Xác nhận đúng bản gốc, Đại úy Sirkis”.
Đầu tháng 2, Grossman tới Oder, con sông cuối cùng trước Berlin. Lính Hồng quân tính đường sang hướng tây theo đơn vị “con sông”, bắt đầu bằng sông Volga ở Stalingrad, và Grossman cũng vậy.

Chúng tôi tới Oder trong 1 buổi sáng đẹp trời, nơi này đã gần Berlin lắm rồi. Cảm giác thật kỳ lạ khi đi trên con đường nông thôn đầy bùn, giữa những bụi gai nhỏ, cây thấp mọc lố nhố, những quả đồi nhỏ dốc xuống sông, những ngôi nhà nhỏ nằm rải rác đây đó trên cánh đồng phủ đầy cỏ sau vụ đông - tất cả cảnh vật này đã từng hiện ra nhiều lần dưới mắt tôi trên suốt quãng đường 80km tới Berlin.
Và bất thần, trong buổi sáng mùa xuân đó, bên dòng sông Oder, tôi nhớ tới những gì xảy ra trong mùa đông sắt máu 1942, trong cơn bão tuyết tháng 1 dữ dội, trời đêm đỏ thẫm vì ánh lửa phát ra từ những ngôi làng bị bọn Đức đốt, 1 chú đánh xe ngựa quấn mình trong chiếc áo khoác da cừu bất thần kêu lên: “Hey, đồng chí, đến Berlin đi đường nào?”. Cánh lái xe ô tô và xe ngựa cười ran. Tôi tự hỏi không biết anh chàng vui tính đó, người hỏi đường tới Berlin ở gần Balakleya, còn sống hay chăng? Và cả những người đã bật cười vì câu hỏi 3 năm về trước đó? Tôi muốn gào lên, thét lên với tất cả những người anh em binh sĩ, những người đã nằm lại mãi mãi trên đất Nga, Ukraina, Belorussia, Ba Lan rằng: “Các đồng chí, có nghe thấy chúng tôi nói gì không? Chúng tôi đã làm được!”.
Ngày thứ 2 sau khi Hồng quân xâm lược nước Đức, chúng tôi bắt gặp 1 đoàn 800 trẻ em Soviet đang đi bộ về hướng đông thành hàng dài tới vài km. 1 số binh lính và sĩ quan đứng bên đường, chăm chú và câm lặng nhìn kỹ từng khuôn mặt đám trẻ. Họ là những người cha đang đi tìm con bị bọn Đức bắt đi. Một viên đại tá đã đứng đó suốt 4h, lưng thẳng, mặt đanh lại tối sầm và buồn bã. Đến chập tối ông mới trở lại xe: ông đã không tìm thấy con.
Tôi xem những cuốn vở của học sinh ở trường. Ngay từ lớp nhất phần lớn là các bài tập, tiểu luận, văn miêu tả, được viết bằng nét chữ xiên xẹo của trẻ con, tất tật đều về đề tài chiến tranh và thành tựu của Đảng quốc xã. Chân dung, tranh cổ động, slogan trên tường lớp học đều chỉ nhằm 1 mục đích - tôn vinh Hitler và chủ nghĩa phát xít.
Những người dân Đức đã chối bỏ mọi tội lỗi, sự tàn phá khủng khiếp cùng những nỗi đau khổ mà nước Đức phát xít và đội quân của nó đã gây ra cho đất nước Liên Xô.

27
Trận Berlin

Đầu tháng 1, ngay sau khi các tập đoàn quân của Zhukov tiến tới sông Oder, cách Berlin chưa đầy 100km, hàng quân đã dừng lại. Chỉ huy Tập đoàn quân Cận vệ 8 Chuikov chỉ trích Zhukov vì thất bại trong việc tấn công Berlin ngay. Thực tế là chính Stalin đã cấm mở rộng tiến công vì các đơn vị xe tăng cần được tái trang bị còn bộ binh đã quá kiệt sức. Stavka lệnh cho Zhukov và Rokossovsky quét sạch cánh phải là vùng Pomerania trên bờ biển Baltic. Nhiệm vụ này cùng với việc tái bố trí các tập đoàn quân sau đó có nghĩa là chiến dịch cuối cùng đánh vào Berlin phải lùi lại đến giữa tháng 4.
Vào lúc này Grossman đã quay về Moscow nhưng ông cương quyết đòi quay lại Berlin để chứng kiến giờ phút tận số của nó. May mắn thay, các đồng đội phóng viên của ông bao gồm cả chiến hữu cũ Troyanovsky đều yêu cầu ông có mặt ở đó và tờ Krasnaya Zvezda đã cho ông đi đúng lúc. Sau này Troyanovsky kể: “Hôm 14/4, các phóng viên tờ Krasnaya Zvezda được tướng K. F. Telegin thành viên Hội đồng quân sự Mặt trận mời đến”. “Tôi sẽ viết giấy giới thiệu cho các anh qua sông Oder”, ông nói. “Các anh có thể chọn bất kỳ tập đoàn quân nào, chỉ có điều tôi đề nghị các anh đừng tập trung hết vào tập đoàn quân của Chuikov”. Có lẽ Nguyên soái Zhukov không muốn viên chỉ huy đã chỉ trích mình giành được mọi sự quảng cáo.
Chiến dịch mở màn ngày 16/4, Phương diện quân Belorussia 1 của Zhukov tấn công về hướng tây từ Oder nhằm thẳng vào Berlin, trong khi đó Phương diện quân Ukraina 1 của Nguyên soái Konev tấn công lệch về phía nam từ tuyến sông Neisse. Sau đó Stalin cho phép Konev chuyển hướng về phía Bắc nhằm vào Berlin, ông muốn tạo ra 1 cuộc đua quyết liệt giữa 2 vị nguyên soái nhằm nhanh chóng bao vây tiêu diệt Berlin. Sau khi người Mỹ chiếm được cầu Remagen ngày 7/3, Stalin sợ rằng họ có thể đến Berlin trước.
Các lực lượng của Zhukov đã phải trải qua 1 thời gian khó khăn hơn dự định khi tiến công ồ ạt vào các điểm cao tại khu vực Seelow nằm trên vùng đồng bằng ngập nước của sông Oder, họ chịu nhiều thương vong trong khi các chỉ huy liên tục thúc ép tiến lên. Pháo binh đến tận tối 20/4 mới di chuyển được tới vị trí đủ sức bắn tới Berlin nhưng trận công phá thành phố chỉ bắt đầu 4 ngày sau đó. Tập đoàn quân Cận vệ 8 của Chuikov và Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 1 của Katukov đánh từ phía đông nam, Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 2 và Tập đoàn quân Xung kích 3 đánh từ phía bắc, Tập đoàn quân Xung kích 5 đánh từ phía đông. Quân của Konev là các Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 3 và Tập đoàn quân 28 cũng tiến về thành phố từ hướng nam và các đơn vị bạn đã bắt đầu pháo kích vào nhau. Vào lúc này Grossman đang trên đường từ Moscow tới Berlin, ông rời thủ đô Soviet để thực hiện chuyến đi cuối cùng với tư cách là phóng viên chiến tranh ngày 20/4, ngày sinh nhật cuối của Hitler. Sau này ông kể lại trong 1 bài viết về những gì nhìn thấy và suy nghĩ trên đường tới Berlin.

1 ngôi làng đã bị bọn Đức đốt. Tất cả những gì còn lại là những đống gạch vụn, 1 cái giếng đã bị lấp và 1 số khung nhà thép gỉ sét. Khói vẫn bốc lên từ 1 chỗ đất thấp cách đó không xa, đó là nơi các cư dân trước đây của ngôi làng đang sống trong những công sự do Hồng quân đào trong quá trình chiến đấu. 1 bà già tóc bạc trắng, các con trai đều đã chết trong chiến tranh, đưa cho chúng tôi 1 gáo nước và nói bằng giọng u uất: “Chúng ta có hồi sinh được không?”, và bà chỉ ngôi làng đã cháy trụi với 1 cái lắc đầu.
Xa hơn nữa trên con đường cái quan là Neva, rồi Volkhov, rồi Terek, rồi tới những cánh rừng Karelia xum xuê, những núi non Caucasus, những đồi, những gò, đâu đâu cũng đầy mộ lính.
Những đứa trẻ, những binh lính, hạ sĩ quan, sĩ quan Hồng quân, những chàng trai tốt bụng đã vĩnh viễn ngủ say. Suốt dọc con đường chúng tôi đi đầy những nấm mộ của những người con đã hy sinh được đóng 1 tấm bia gỗ với mấy nét chữ khắc vội. Những cơn mưa bào mòn dần những cái tên, tập hợp tất cả họ thành 1 cái tên duy nhất.
Chiếc xe bị hỏng máy gần biên giới Ba Lan và chúng tôi phải chờ nhiều giờ ngoài đồng trống. Trong khi chờ sửa xe, tôi tới thăm một căn nhà nhỏ, hôm đó là chủ nhật, bà chủ nhà và các con đã đi nhà thờ, chỉ còn một bà cụ và một khách qua đường đang ở nhà, anh ta là một người lính đã được cho giải ngũ vì bị thương. Anh kể giờ anh không còn phải đi bộ quá xa nữa, anh sắp tới đích là vùng Orel rồi. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Người khách tên là Alexei Ivanovich, tuổi ngoài 40. Anh đã chiến đấu trên tiền tuyến từ ngày đầu chiến tranh và đã 3 lần bị thương, anh là lính 1 đơn vị cối. Áo khoác của anh rách tả tơi vì mảnh đạn và dính đầy dầu mỡ, anh đội mũ ushanka mùa đông, quấn xà cạp và đi một đôi ủng nặng nề, đồ đạc mang theo là chút ít thứ có thể xách được về nhà. Anh đã ở nhờ tại đây khoảng 2 tuần, giúp bà chủ nhà gieo hạt để được trả công 3 pút lúa mạch và sẽ được đi nhờ ngựa ra ga chiều tối nay, hy vọng sẽ lên được một toa hàng rỗng nào đó đang trên đường từ tiền tuyến về để đỡ 1 quãng đường về nhà. Alexei Ivanovich hết sức vui mừng vì kiếm được số lúa mạch này, anh còn dẫn tôi lên đồi và mỉm cười khi thấy tôi vỗ vỗ lên những túi lúa căng đầy.
Sau đấy anh kể tôi nghe bọn Đức đã đốt làng anh như thế nào, gia đình anh hiện đang phải sống trong những căn hầm đào dưới đất. “Sẽ rất tốt nếu tôi không trở về nhà với 2 bàn tay trắng”, anh nói. “Tôi sẽ mang về cho mọi người chút lương thực, tôi đã thấy họ khó khăn thế nào khi tôi được về phép sau lần bị thương thứ 2. Không hiểu họ sống kiểu gì trong những căn hầm? Nó tối tăm ẩm ướt, nhiều sâu bọ. Mùa hè thì mọi sự không quá tồi tệ nhưng mùa đông thì quả thật là khó khăn”.

Grossman cũng có nhiều ghi chép trong chuyến ra mặt trận cuối cùng này.

Trên chiếc jeep Willy rời Moscow, đi qua Minsk chúng tôi nhìn thấy có lửa cháy, người ta đang đốt cỏ dại mọc trên đồng trong chiến tranh.
Bầu trời xám xịt, mưa suốt 3 ngày. 1 mùa xuân sắt máu tiếp theo những năm chiến tranh sắt máu. 1 thời kỳ hòa bình khó khăn đang đến sau những năm chiến tranh khó khăn: những trại tù binh đang được xây dựng khắp nơi, dây thép gai được rải, tháp canh được xây để trông giữ những tên tù binh Đức đang được những đội hộ tống đưa tới. Sau khi chiến tranh kết thúc chúng sẽ phải sửa những con đường bị tàn phá vì sự di chuyển của quân đội.
Quãng đường từ Brest đến Warsaw cũng bị tàn phá nặng nề. Nhưng đi quá về phía tây thì đường xá khô ráo hơn và trời cũng đẹp hơn. Những hàng cây bên đường - táo vào sơ ri, đều đang trổ hoa. Trong những nhà nghỉ thôn dã của dân Berlin phủ đầy hoa - tulip, tử đinh hương, hoa hồng, táo, sơ ri và mơ, chim hót véo von. Tự nhiên không hề tỏ vẻ tiếc thương cho ngày tàn của chủ nghĩa phát xít.
Tại thị trấn Landsberg gần Berlin, trẻ con đang chơi đùa trên nền các ngôi nhà. Các chiến sĩ ta vào lúc này đang dứt điểm đế quốc Đức tại Berlin, còn tại đây lũ trẻ với gươm giáo gỗ, chân khẳng khiu dài nghêu, tóc cắt ngắn sát đầu, ngón tay vàng sỉn, đang gào thét chói tai, đâm chém nhau, nhảy nhót man dại, như thể nơi đây đã phát sinh một cuộc chiến mới, bất tận, vĩnh cửu.
Vòng xoay trên xa lộ Đức. Các câu chuyện kể rõ ràng đã phóng đại độ rộng của nó.
Con đường cao tốc dẫn tới Berlin. Những đám đông người mới giải phóng. Hàng trăm nông dân Nga râu ria xồm xoàm đang cuốc bộ qua cùng 1 số phụ nữ và rất nhiều trẻ con. Gương mặt các nông dân phủ đầy râu và những người lớn tuổi hơn trông có vẻ tối tăm ảm đạm. Họ là các starosta*, những tên cảnh sát địa phương hạ tiện, chúng đã chạy tới tận Berlin và giờ buộc phải bỏ nơi đó. Người ta nói Vlasov đã tham gia trận đánh cuối cùng tại Berlin cùng với người của hắn**.

*[Starosta: già làng hoặc trưởng làng do bọn Đức chỉ định, họ có lý do để sợ sự trừng phạt của NKVD và đã chạy sang Đức để trốn chạy những bước tiến của Hồng quân].
**[Lời đồn này sai, tướng Vlasov và phần lớn quân của hắn ở Tiệp Khắc và vào thời điểm cuối cùng đã chuyển sang phe những người nổi dậy Czech chống bọn Đức tại Praha, tuy nhiên điều này không giúp hắn trốn được số phận khi rơi vào tay những người báo thù NKVD. Vlasov đã bị 1 đơn vị xe tăng Soviet bắt sống và đưa về Moscow, tại đó hắn bị tra tấn và xử tử]

Càng gần tới Berlin, cảnh vật xung quanh trông càng giống vùng ngoại ô Moscow.
1 bà già đang cuốc bộ theo hướng ngược với Berlin, đầu trùm khăn. Trông bà chính xác như đang đi hành hương - cuộc hành hương về những miền đất Nga. Bà mang 1 cái ô trên vai, cán ô treo 1 cái nồi nhôm vĩ đại.
Weissensee - ngoại ô thành phố. Tôi dừng xe. Vài chú bé táo bạo và ranh mãnh đến xin sô cô la khi nhận thấy tôi đeo túi bản đồ.
Trái với suy nghĩ cho rằng Berlin là 1 trại lính khổng lồ, tại đây có rất nhiều khu vườn đang trổ hoa. Dù trên không vẫn vang lên tiếng đại bác nhưng trong những phút tạm ngừng người ta vẫn có thể nghe thấy tiếng chim.

Grossman đi theo 1 trong những vị chỉ huy nổi tiếng nhất của Zhukov, tướng Berzarin*. Nguyên soái Zhukov đã kế tục truyền thống có từ thời Nga Sa hoàng khi chỉ định Berzarin, chỉ huy Tập đoàn quân Xung kích 5, làm chỉ huy quân quản Berlin vì đơn vị của ông là đơn vị đầu tiên tiến vào thành phố. Thực tế đây là 1 sự lựa chọn sáng suốt. Berzarin đã không chờ đến lúc chiến sự kết thúc. Ông đã có nhiều nỗ lực để khôi phục lại các hàng hóa dịch vụ thiết yếu ngay khi có thể - 1 nhiệm vụ khổng lồ sau khi Berlin sụp đổ - và đảm bảo cho không người dân nào phải chết đói. Nhiều người dân Berlin kính trọng ông, và khi ông chết vài tuần sau đó trong 1 tai nạn mô tô đã có tin đồn lan truyền rằng ông bị NKVD ám sát.

*[Thượng tướng Nikolai Erastovich Berzarin (1904 - 1945)].

Chỉ huy quân quản, tướng Berzarin, đang có buổi phỏng vấn với tờ Burgermeister. Phóng viên hỏi những người bị điều chuyển đi làm việc theo yêu cầu của quân đội sẽ được trả bao nhiêu. Thực chất câu hỏi này là để biết chính xác quyền của họ ra sao.
Thượng tướng Berzarin, chỉ huy quân quản Berlin, là 1 người béo, mắt nâu, hóm hỉnh, tóc bạc trắng mặc dù còn trẻ, thông minh, rất bình tĩnh và tháo vát.
Buổi tối trong công viên Schloss Treskow. Trong những căn phòng tối tăm có nhiều đồ sứ, tiếng chuông đồng hồ bính boong. Đại tá Petrov đang ngồi bên bếp lửa, khốn khổ vì đau răng. Qua cửa sổ có thể nghe tiếng đại bác bắn và Katyusha rít lên. Bất thần có tiếng sấm vang trên trời. Bầu trời vàng ánh lửa và có mây. Thời tiết ấm, mưa nhỏ, có mùi hoa tử đinh hương. Trong công viên có 1 cái ao, những bức tượng soi bóng xuống đó. Tôi đang ngồi trên 1 cái ghế bành bên bếp lửa. Chuông đồng hồ vẫn bính boong suốt với giai điệu du dương buồn bã, nghe giống 1 bài thơ.
Trên tay tôi có 1 cuốn sách, in chữ nhỏ, có dòng chữ viết tay run run, có lẽ của 1 người già: “von Treskow”. Chắc ông ta từng là chủ nhân nơi đây*.

*[Gia tộc Tresckow (thêm 1 chữ cái “c”) là 1 gia tộc Phổ cổ, thành viên được biết tới nhiều nhất là Thiếu tướng Henning von Tresckow (1901 - 1944), người đã bí mật gài 1 quả bom vào máy bay của Hitler ngày 13/3/1943, nhưng nó không nổ. Tresckow tự sát bằng lựu đạn ngày 21/7/1944. Công viên Schloss Treskow mà Grossman đang trú ngụ rất có thể là Schloss Friedrichsfelde nằm ở khu đông Berlin, tài sản của 1 nhánh vốn là con hoang nhưng giàu hơn nhiều trong gia tộc này, tên viết không có chữ cái “c”. Nhánh gia tộc này kiếm tiền nhờ bán ngựa cho kỵ binh khắp Châu Âu. Munthe von Treskow, chủ nhân cuốn sách mà Grossman đang xem, đã bị lính Soviet tống ra khỏi nhà và theo gia đình kể lại là sau đó chết vì đói]

Một ông già Đức 61 tuổi có cô vợ 35 tuổi rất đẹp, ông ta là lái buôn ngựa. Họ có 1 con chó bull tên là Dina, “Sie ist ein Fraulein”. Chúng tôi được nghe kể rằng binh lính đã lấy đi mọi thứ của họ. Người vợ khóc nức nở nhưng ngay sau đó bình thản nói với chúng tôi rằng mẹ và 3 chị em của cô ta đã chết vì bom Mỹ ở Hanover. Cô ta cũng kể, với sự thích thú rõ ràng, những chuyện ngồi lê đôi mách về đời sống tình dục của Goering, Himmler và Goebbels.
Sáng ra, chúng tôi đi cùng Berzarin và Tham mưu trưởng của ông là trung tướng Bokov tới trung tâm Berlin. Tại đây chúng tôi thấy được những trận bom của người Mỹ và người Anh đã hoàn thành nhiệm vụ tốt thế nào: Tất cả chỉ còn là địa ngục!
Chúng tôi vượt qua sông Spree và bắt gặp hàng nghìn người Berlin trên đường phố. 1 phụ nữ Do Thái và chồng, 1 người Do Thái già, đã bật khóc khi biết được số phận những người bị đưa tới Lublin.
Một quý cô Đức khoác áo lông cừu tỏ ra rất thích tôi, cô nói: “Nhưng chắc anh không phải 1 chính ủy Do Thái chứ?”.
Trong 1 sở chỉ huy Quân đoàn Bộ binh*, chỉ huy là tướng Rosly. Quân đoàn vẫn đang chiến đấu tại trung tâm Berlin. Rosly nuôi 2 con chó (gọi vui là đồng chí), 1 con vẹt, 1 con công, 1 con gà Nhật Bản, tất cả chúng đều đi theo ông mọi nơi mọi lúc. 1 không khí náo nhiệt trong sở chỉ huy của Rosly, ông nói: “Giờ chúng tôi sợ cả các đơn vị bạn chứ không chỉ quân địch”. Ông vừa nói vừa cười: “Tôi đã được lệnh kéo xác xe tăng ra đường dẫn tới Reichstag và Reichschancellery để chặn các đơn vị bạn. Điều đáng thất vọng nhất ở Berlin này là khi hay tin 1 đơn vị bạn nào đó thành công”.

*[Đây là Quân đoàn 9 Bộ binh, chỉ huy là trung tướng I. P. Rosly, trực thuộc Tập đoàn quân 5 Xung kích của thượng tướng Berzarin].

Grossman đã rất quan tâm đến các hoạt động của đất nước thù địch bại trận - cách họ sẵn sàng tuân lệnh các chủ nhân mới, cách các nhóm nhỏ tiếp tục kháng cự, tất cả đều không giống như ở Liên Xô. Minh họa của ông về những người cộng sản Đức già thường xuyên lặp lại. Khi những đảng viên này xuất hiện họ mong muốn được Hồng quân chào đón như những người đồng chí, nhưng thay vào đó họ bị khinh rẻ, nếu không thì cũng bị công khai nghi ngờ. Những công dân Soviet đã không nhận được chỉ dẫn nào từ những nhà lãnh đạo, họ không thể hiểu tại sao giai cấp cần lao Đức lại không chiến đấu chút nào để chống lại bọn Nazi. Mật vụ SMERSh và NKVD thậm chí còn bắt 1 số đảng viên cộng sản Đức vì tội gián điệp. Theo quan điểm của những người Stalinist, chỉ nội thực tế là họ đã không làm du kích chiến đấu chống bọn phát xít đã đủ để nghi ngờ.

Một ngày tại nhiệm sở của Berzarin, nơi Sáng tạo Thế giới. Người Đức, người Đức, toàn là người Đức - phóng viên Burgermeisters, giám đốc sở điện Berlin, sở cấp nước Berlin, thoát nước, công trình ngầm, tàu điện, gas, các chủ nhà máy và đủ loại nhân vật khác. Họ đều mới tiếp nhận vị trí tại nhiệm sở. Phó giám đốc lên giám đốc, lãnh đạo địa phương thành toàn quốc. Tiếng bước chân lạo sạo, tiếng trao đổi xì xào.
Một ông cụ vốn là thợ quét vôi giơ tấm thẻ đảng (cộng sản), ông ta là đảng viên từ năm 1920. Tuy nhiên điều này không gây ấn tượng gì lớn, ông được mời ngồi.
Ôi, bản chất con người mới yếu ớt làm sao! Tất cả những quan chức tai to mặt lớn này từng được Hitler nuôi dưỡng đến béo mượt, vậy mà họ đã nhanh chóng và nhiệt thành từ bỏ chế độ của họ, lãnh đạo của họ, Đảng của họ và quay sang chửi bới nó. Tất cả họ đều nói cùng 1 điều: “Sieg!”, (Chiến thắng), đó là câu khẩu hiệu lúc này.
2/5, ngày Berlin đầu hàng. Thật khó để mô tả nó. Cảm xúc dâng lên cao trào. Lửa và lửa, khói, khói, và khói. Những đám tù binh Đức khổng lồ. Nét mặt chúng đầy vẻ bi kịch, nhiều khuôn mặt lộ rõ nỗi buồn không chỉ của cá nhân mà của cả 1 dân tộc. Hôm nay là 1 ngày u ám, lạnh lẽo, lất phất mưa và chắc chắn là ngày nước Đức sụp đổ. Trong khói bụi, giữa những đống đổ nát, những đám cháy là hàng trăm xác chết nằm trên các con phố.
Những xác chết bị xe tăng nghiến lên, cuốn lại chỉ còn như những cái ống. Hầu hết chúng vẫn còn nắm chặt lựu đạn hoặc tiểu liên trong tay. Chúng đã chết trong trận chiến, phần lớn đều mặc áo sơ mi nâu, đó là những cán bộ Chính trị của Đảng Quốc xã tham gia bảo vệ những tuyến đường dẫn tới Reichstag và Reichschancellery.
Tù binh bao gồm cảnh sát, cán bộ chính quyền quốc xã, người già và cả học sinh, hầu hết vẫn còn là trẻ con. Nhiều tù binh đi cùng vợ, những phụ nữ trẻ và đẹp. Một số phụ nữ đang cười, cố làm vui lòng chồng. Một tên lính trẻ đi cùng 2 con, 1 trai 1 gái. Một tên lính khác ngã xuống và không thể đứng dậy được, hắn khóc. Những người dân tỏ ra tốt bụng với hắn, khuôn mặt họ lộ vẻ xót thương. Họ đưa cho đám tù binh nước và những khoanh bánh mì họ đang cầm trên tay.
Một bà già chết nửa nằm nửa ngồi trên 1 tấm đệm trước ngưỡng cửa, đầu tựa vào tường. Khuôn mặt bà hiện vẻ cam chịu và buồn bã, bà đã chết trong ngày tai họa này. Một đôi chân trẻ con đi giày và tất nằm trong vũng bùn, chắc 1 mảnh đạn đã cắt nó ra hoặc 1 chiếc xe tăng đã nghiến qua cô bé. (Đó là chân của 1 cô bé).
Sự tĩnh lặng đã trở lại các con phố, các đống đổ nát đang được dọn dẹp. Phụ nữ Đức đang quét vỉa hè và các căn phòng trong nhà bằng chổi xể.
Quân địch đã yêu cầu đầu hàng suốt đêm bằng radio. Viên tướng chỉ huy phòng thủ thành phố đã ra lệnh: “Hỡi các binh sĩ! Hitler, người mà các anh đã tuyên thệ trung thành, đã tự sát!”*.

*[Tướng Helmuth Weidling, chỉ huy Quân đoàn 56 Thiết giáp, được Hitler chỉ định làm chỉ huy Berlin ngày 23/4 ngay sau khi ra lệnh bắt ông ta vì tội hèn nhát với lý do không ai hiểu nổi].

Tôi đã được chứng kiến những phát đạn cuối cùng tại Berlin. 1 nhóm SS trong 1 tòa nhà bên bờ sông Spree, cách Reichstag không xa, đã không chịu đầu hàng. Những khẩu đại pháo nã đạn lửa và đạn xuyên vào tòa nhà, mọi thứ đổ sụp thành 1 đống đá vụn và khói đen.
Reichstag, tòa nhà khổng lồ đầy quyền lực. Lính tráng đốt 1 đống lửa chào mừng giữa đại sảnh và gõ lưỡi lê vào những vỏ đồ hộp.
Có 1 cuộc trò chuyện gần như vô bổ lưu lại trong trí nhớ của tôi. Đó là câu chuyện với 1 anh đánh xe có cỗ xe ngựa như từ thời trung cổ, anh ta có bộ râu rậm mầu nâu sẫm được uốn vểnh. Anh ta đang đứng cạnh mấy con ngựa ở góc Leipzigerstrasse. Tôi hỏi anh về Berlin, và không rõ anh có thích thành phố này không.
“Oh, anh thấy đấy”, anh ta nói, “hôm qua là 1 ngày ầm ĩ, có đánh nhau ngay tại con phố này. Đạn pháo Đức nổ suốt, tôi đang đứng bên lũ ngựa thì xà cạp bị lỏng, tôi cúi xuống định quấn lại và 1 mảnh đạn bay vút qua đầu! 1 con ngựa hoảng sợ bỏ chạy mất, nó là 1 con non và khá nghịch. Tôi nghĩ không biết mình nên làm gì bây giờ, quấn lại xà cạp hay chạy theo con ngựa. Vâng, tôi đã xem qua Berlin! Tôi chạy suốt 2h trên mỗi 1 con phố mà vẫn chưa hết! Vừa đi tôi vừa nghĩ - vậy đấy, đó là Berlin. Chính xác đây là Berlin nhưng cuối cùng tôi cũng bắt lại được con ngựa!”.

Sát phía tây tòa nhà Reichstag, Grossman lang thang trong Tiergarten, công viên trung tâm Berlin, nơi mà mọi cây cối đã bị phạt trụi trong trận đánh, mặt đất bị cày xới vì bom đạn. Cây cột lớn mừng chiến thắng Seigessaule, được lính Soviet trong trận đánh gọi là “quý bà cao” vì trên đỉnh cột có bức tượng thiên thần chiến thắng, được dân Berlin gọi là “Elsa vàng”. Cái “pháo đài” mà ông đề cập dưới đây là khu chuồng thú lớn đồng thời là tháp pháo phòng không, 1 công trình khổng lồ bằng xi măng với nhiều pháo đội phòng không trên nóc, bên trong ẩn núp hàng nghìn người. Đây từng là sở chỉ huy của Goebbels khi hắn nắm giữ chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng Đế chế, nhưng hắn đã không chết ở đây. Goebbels và vợ là Magda đã tự bắn mình trong vườn hoa tòa nhà Reichschancellery sau khi Magda đầu độc chết 6 đứa con.

Đài kỷ niệm chiến thắng Siegessaule, những tòa nhà và pháo đài khổng lồ và vị trí của lực lượng phòng không Berlin. Đây là sở chỉ huy bố phòng của các lực lượng phòng thủ dưới quyền Goebbels. Người ta nói hắn đã ra lệnh đánh thuốc độc gia đình mình rồi tự sát. Hôm qua hắn đã tự bắn mình, thân xác hắn vẫn nằm đó, chân vặn vẹo phi tự nhiên, đeo cà vạt trắng.
Chiến thắng bạo tàn. Bên đài kỷ niệm khổng lồ, 1 lễ mừng tự phát đang diễn ra. Những tấm giáp tăng biến mất dưới hàng đống hoa và cờ đỏ. Những nòng pháo cũng nở hoa như 1 thân cây mùa xuân. Mọi người đang nhảy nhót, cười đùa, ca hát. Hàng trăm quả pháo sáng đủ màu được bắn lên trời, mọi người chào đón chiến thắng bằng những loạt tiểu liên, súng trường và súng ngắn. (Sau này tôi được biết nhiều người tham gia buổi chào mừng đó là những xác chết còn sống vì đã uống phải thứ thuốc độc ghê gớm chứa trong các thùng ở nhà máy hóa chất Tiergarten. Thứ thuốc độc này phát tác 3 ngày sau khi uống và khiến người ta phải chịu 1 cái chết tàn khốc).
Cổng Brandenburg được phủ 1 lớp gỗ súc và bao cát dày 2 - 3m. Vòm cổng trông như 1 cái khung ảnh, qua đó có thể thấy toàn cảnh Berlin đang bốc cháy. Thực sự tôi chưa bao giờ được xem 1 hình ảnh như vậy dù đã thấy hàng nghìn vụ cháy.
Những người nước ngoài (bị bắt tới lao động khổ sai hoặc là tù binh chiến tranh) đã chịu nhiều đau khổ. Họ vừa đi vừa mắng chửi và đe dọa những tên lính Đức và vẫy mũ với lính Nga. 1 người Pháp trẻ bảo tôi: “Monsieur, tôi yêu quân đội của các anh, đó là lý do tôi thấy khốn khổ cho mình khi nhìn thấy các anh chú ý tới các bà các cô. Điều đó sẽ có hại cho các anh về mặt tổng thể”.
Nạn cướp bóc: Những thùng chứa, đống gạch, đồ da, rượu vang, rượu champagne, quần áo - tất cả đều đang được chở trên những xe cộ hoặc trên những đôi vai.
Người Đức: 1 số đặc biệt dễ gần và tử tế, số khác quay đi với vẻ rầu rĩ. Có rất nhiều cô gái trẻ đang khóc. Hình như họ đã phải trải qua những sự khó chịu với cánh lính tráng quân ta.
Đây là nước Đức, chi tiết hơn là Berlin, các chiến sĩ ta thực sự bắt đầu tự hỏi không hiểu sao bọn Đức lại phải thình lình tấn công chúng ta như vậy? Tại sao người Đức lại cần phải tiến hành cuộc chiến khủng khiếp và bất công này? Hàng triệu binh sĩ ta giờ đã được thấy những nông trại giàu có ở Đông Phổ, hoạt động nông nghiệp được tổ chức cao, kho lúa xây xi măng, những phòng rộng trải thảm và tủ đầy quần áo.
Hàng triệu chiến sĩ ta đã thấy những con đường tuyệt đẹp dù chỉ là nối làng này với làng khác, những xa lộ Đức... Lính ta đã thấy những căn nhà 2 tầng ở ngoại ô có đủ điện, gas, nhà tắm và khu vườn xinh xắn. Lính ta đã thấy villa của đám tư sản giàu có Berlin, những lâu đài, điền trang, biệt thự xa xỉ không thể tin nổi. Vậy là hàng nghìn chiến sĩ ta đã phải tức giận đặt câu hỏi này khi nhìn thấy những gì xung quanh: “Thế này mà tại sao chúng lại phải đến nước ta? Chúng còn muốn gì nữa?”.

Hầu hết lính tráng đều đến tụ tập tại Reichstag vào ngày chiến thắng. Chỉ có 1 số ít mà phần lớn là sĩ quan xuất hiện quanh Reichschancellery, họ được cho phép vào tầng trệt nhưng các tầng trên và hầm bị các đặc vụ SMERSh dưới quyền tướng Vadis ngăn lại, họ đang tìm kiếm xác Hitler. Grossman đi cùng Efim Gekhman kiếm các kỷ vật của bọn Nazi. Theo Ortenberg, Grossman kiếm được kỷ vật cuối cùng cho bộ sưu tập của mình vào ngày 2/5/1945 tại Berlin. Grossman và Gekhman đã vào nhiệm sở của Hitler buổi sáng, mở xem 1 bản vẽ trên bàn và thấy bên trong có những con dấu ghi “Quốc trưởng đã xác nhận!” hay “Quốc trưởng đã chấp thuận”, v.v... Grossman lấy 1 số con dấu đó và giờ chúng đang được lưu giữ cùng các bài báo của ông.

Tòa nhà mới Reichschancellery. Nó là 1 đống đổ nát khổng lồ tượng trưng cho 1 chế độ, 1 tư tưởng, 1 kế hoạch, mọi thứ, tất tần tật. Hitler kaputt...
Nhiệm sở của Hitler. Phòng tiếp tân. Trong phòng chờ rất lớn có 1 người Kazakh trẻ, da sẫm và gò má cao, đang tập đi xe đạp, ngã lên ngã xuống. Ghế và bàn làm việc của Hitler.
1 quả địa cầu kim loại khổng lồ bẹp dúm, dính đầy mẩu gỗ nằm trên thảm. Mọi thứ lộn tùng phèo. Thật là lộn xộn. Các kỷ vật, sách vở có dòng đề tặng của Quốc trưởng, con dấu, v.v.

Grossman cũng tới xem vườn thú Berlin nằm tại góc tây nam Tiergarten.

Những con hổ và sư tử đói khát... đang cố bắt đám chim sẻ và chuột chạy nhốn nháo trong chuồng.
Vườn Bách Thú. Đã có 1 trận chiến tại đây. Những khu chuồng tan hoang. Xác khỉ, chim nhiệt đới, gấu. Trong hòn đảo dành cho khỉ đầu chó, lũ khỉ nhỏ vẫn đang ôm xác mẹ bằng những cánh tay bé tí.
Nói chuyện với 1 ông cụ từng là người trông coi lũ khỉ trong 37 năm. Có 1 cái xác gorrilla trong chuồng.
“Nó là 1 giống thú dữ tợn à?”, tôi hỏi.
“Không. Nó chỉ hay gào lên thôi. Con người đáng sợ hơn nhiều”, ông cụ trả lời.
Trên 1 chiếc ghế dài, 1 lính Đức bị thương đang ôm chặt 1 cô y tá. Họ không nhìn ai. Khi tôi đi qua chỗ đó 1h sau, họ vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Thế giới xung quanh họ không tồn tại, họ đang hạnh phúc.

Grossman quay lại Moscow đầu tháng 6 và ở ẩn trong 1 nhà nghỉ nông thôn. Đầu tiên ông không thể viết gì. Ông sụp đổ vì căng thẳng thần kinh, 1 phản ứng thường gặp giống như rất nhiều người khác trở về từ cuộc chiến. Nhưng sau đó, với chế độ nghỉ ngơi, không khí trong lành, câu cá và đi bộ, ông đã cảm thấy lại sẵn sàng bắt đầu công việc mà ông tự hứa với mình - tôn vinh chủ nghĩa anh hùng của những chiến sĩ Hồng quân và tưởng nhớ vô số nạn nhân trong cuộc xâm lược của bọn Nazi.

Lời bạt
Sự dối trá của chiến thắng

Niềm tin của Vasily Grossman vào “sự thật trần trụi của chiến tranh” bị giới chức Soviet từ chối không thương tiếc, đặc biệt khi họ muốn ém nhẹm thông tin về các vụ thảm sát người Do Thái (Holocaust). Đầu tiên là việc phủ nhận sự tồn tại của chủ nghĩa bài Do Thái trong xã hội Soviet. Grossman phải làm ra vẻ hòa hợp với Sholokhov, người đã xúc phạm cả ông lẫn Ehrenburg khi nêu 2 ông như những ví dụ điển hình của các tư tưởng phản động còn sót lại từ trước cách mạng. Sau chiến tranh, ông sớm phát hiện ra rằng bản thân những người Stalinist còn bài Do Thái hơn nhiều so với tưởng tượng của ông. Nhiều năm sau đó, khi viết cuốn “Cuộc đời và Số phận”, ông đã bộc lộ điều này công khai khi mô tả cuộc chiến nhưng cuốn sách đã ra đời quá sớm. Mặc dù có những cảnh báo nhưng tư tưởng bài Do Thái trong hệ thống chính quyền Soviet đã không bộc lộc 1 cách rõ ràng cho đến tận năm 1948. Nó bộc phát 1 cách đáng sợ năm 1952 trong chiến dịch “bài trừ chủ nghĩa quốc tế” của Stalin và việc tung ra giả thuyết về âm mưu của các bác sĩ Do Thái định sát hại các nhà lãnh đạo Soviet. Tuy chưa phải người bài Do Thái thực sự nhưng Stalin có những tư tưởng không khác mấy bọn Nazi, xuất phát từ tư tưởng bài ngoại hơn là phân biệt chủng tộc.
Ủy ban người Do Thái chống phát xít được thành lập tháng 4/1942 theo yêu cầu từ 1 năm trước đó của “những người anh em Do thái” trên toàn thế giới nhằm giúp đỡ nhau trong cuộc chiến, lúc này nổi lên như 1 đối tượng nghi ngờ của Stalin. Trong cuộc Đại thanh trừng những năm 1937 - 1938, chỉ 1 dấu hiệu mơ hồ về việc có liên lạc với người ngoại quốc đã đủ để kết tội vô số nạn nhân. Chỉ đến những tháng đầu của cuộc chiến, khi đất nước đối mặt với mối đe dọa sống còn, Stalin mới suy nghĩ lại về ý tưởng để người Do Thái Liên Xô thiết lập quan hệ trực tiếp với người Do Thái tại Mỹ và Anh. Tuy thế đề nghị thành lập các Lữ đoàn quốc tế của những người nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, trong đó người Do Thái tập trung thành các đơn vị độc lập chiến đấu trong thành phần Hồng quân, đã bị chính thức bác bỏ. Có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhất là ngay sau khi bảo vệ thành công Moscow tháng 12/1941, 2 nhân vật chính yếu đưa ra đề nghị trên là Henryk Erlich và Viktor Alter, 2 người Do Thái Ba Lan, đã bị bắt. Erlich sau đó tự sát trong tù còn Alter bị xử tử.
Nhà cầm quyền Soviet không tỏ ra phản đối Ủy ban người Do Thái chống phát xít trên mặt trận tuyên truyền khi Thỏa ước Lend - Lease với người Mỹ vẫn còn rất quan trọng với sự sống còn của đất nước. Tuy nhiên hoạt động của Ủy ban ngày 1 mở rộng và khiến họ xung đột với chủ trương của những người Stalinist muốn che đậy các vụ Holocaust. 1 ý tưởng khác xuất phát từ Mỹ mà trong nhóm đề xướng có cả Albert Einstein, 1 người Do Thái Mỹ nổi tiếng, là lập ra cuốn Sách Đen. Ý tưởng này thậm chí còn bị những người Stalinist phản đối nhiều hơn, ngay cả khi Thông tấn xã Soviet đã chấp thuận đưa vào kế hoạch xuất bản năm 1943. Grossman, 1 người Nga yêu nước và Ehrenburg, 1 người gốc Pháp đều được xem là những người Do Thái dù cả 2 vốn không bao giờ quan tâm đến những nghi lễ Do Thái giáo Chính thống. Giờ đây họ gắn mình với số phận của những người Do Thái trên khắp Châu Âu. Cũng trong mùa hè năm 1943, khi xu thế chiến cuộc đã chuyển hướng 1 cách quyết định sang bất lợi cho phe phát xít, cả Ehrenburg và Grossman đều phát hiện ra rằng các cơ quan xuất bản chính đã cắt bỏ hầu hết các bài viết của 2 ông về đề tài tội ác chống người Do Thái của bọn Nazi. Chỉ còn lại 1 số nhỏ nhà báo người Do Thái, khoảng 20 người trên toàn Liên Xô, là chấp nhận đề tài này, họ tập trung nỗ lực vào dự án xuất bản cuốn Sách Đen*. Sau này Grossman có đề nghị đích thân Konstantin Simonov tham gia viết 1 chương về Majdanek nhưng ông này từ chối, lấy lý do là quá bận, rõ ràng ông ta không muốn hứng chịu rủi ro của việc gây thù chuốc oán với giới chức cầm quyền.

*[Để biết chi tiết về những vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện cuốn Sách Đen có thể xem các ấn bản của Garrard & Garrard trang 199 - 221, của Rubenstein trang 212 - 217 và chi tiết nhất là của Rubeinstein & Naumov. Bản tiếng Anh của cuốn Sách Đen do NXB Vad Yashem ấn hành năm 1981].

Cuối năm 1944, giữa Ehrenburg và các thành viên khác trong nhóm văn sĩ của Ủy ban người Do Thái chống phát xít phát sinh mâu thuẫn, vì vậy Grossman phải lãnh trách nhiệm biên tập cuốn sách. Tuy nhiên tháng 2/1945, Thông tấn xã Liên Xô phê phán việc nhấn mạnh các hành động của những kẻ phản bội tại các vùng tạm chiếm khi cộng tác với bọn Đức thảm sát người Do Thái. Đây chính là điểm đã làm Grossman phản đối mạnh mẽ con người nhìn xa trông rộng Ehrenburg. Đối với nhà cầm quyền, mục đích duy nhất của cuốn Sách Đen là 1 bằng chứng trong các phiên tòa diễn ra liên tục để xét xử bọn phát xít Đức.
Sau chiến tranh, Ủy Ban Do Thái chống phát xít nhận ra rằng không thể xin được giấy phép xuất bản cuốn Sách Đen từ giới chức cầm quyền. Tháng 11/1946, Ehrenburg, Grossman và người đứng đầu Uỷ ban là Solomon Mikhoels đã đồng gửi 1 lá đơn thỉnh nguyện tới Andrei Zhdanov, Bí thư Dân Ủy Trung ương*.

*[Andrei Aleksandrovich Zhdanov (1896 - 1948), sinh tại Mariupol, gia nhập Đảng Bolshevik năm 1915 và trở thành đệ tử trung thành của Stalin. Sau vụ ám sát Sergei Kirov năm 1934, Zhdanov trở thành thị trưởng Leningrad. Ông đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thanh trừng và lãnh đạo cuộc phòng thủ Leningrad năm 1941. Sau đó ông trở lại với vai trò cũ là phụ trách an ninh văn hóa cho Stalin, trông nom hoạt động của Thông tấn xã Liên Xô và sau đó là Cục thông tin Quốc tế CS từ năm 1947. Học thuyết của ông được biết đến dưới cái tên “chủ nghĩa Zhdanovism” lấy căn bản là khái niệm partiynost, hay “tính Đảng”, phải là 1 kim chỉ nam cho các văn nghệ sĩ. Sau này giới chức Soviet có cho rằng cái chết của ông năm 1948 là 1 phần vụ “âm mưu của các bác sĩ” nhưng cũng có thể chính Stalin, do lo ngại sự gia tăng quyền lực của nhóm quan chức gốc Leningrad dưới trướng Zhdanov, đã nhúng tay vào cái chết phi tự nhiên này]

Mãi không nhận được câu trả lời nào. Cuối cùng, sau 11 tháng tức tháng 10/1947, Ủy ban mới được thông báo rằng cuốn sách mắc “những sai lầm chính trị nghiêm trọng” và bị cấm xuất bản. Chiến Tranh Lạnh vừa mới bắt đầu tháng 9 năm đó, và Ủy ban Do thái chống phát xít trở thành đối tượng rất đáng ngờ vì có quan hệ với nước Mỹ, 2 tháng sau nó bị giải tán, các nhà văn tham gia viết cuốn Sách Đen tứ tán mỗi người 1 nơi. Tháng 1/1948, Solomon Mikhoels bị 1 chiếc xe tải nghiền nát ở Minsk, vụ này sau đó được chứng minh là 1 hành động của KGB nhằm loại trừ ông. Grossman chính là người đã đưa Mikhoels ra ga trong chuyến đi định mệnh này nên chắc cũng có nhiều nghi ngờ khi nghe được tin dữ, phương pháp ám sát quá thô thiển để có thể tin là 1 vụ tai nạn bình thường.
Trong các năm 1945 và 1946, sự nghiệp văn chương của Grossman vẫn tiếp tục tiến triển ngoại trừ cuốn Sách Đen. 1 số bài viết của ông đăng trên tờ Krasnaya Zvezda được tập hợp và tái bản thành 1 cuốn sách nhỏ mang tên “Gody Voiny” (Những năm tháng chiến tranh), cuốn sách sau đó còn được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Bản mới của cuốn “Nhân dân bất diệt” cũng được in và thậm chí chuyển thể thành kịch. Tuy nhiên những thành công này không kéo dài quá 1 năm. Tháng 8/1946 bắt đầu thời kỳ trấn áp văn hóa và ý thức hệ do Andrei Zhdanov khởi xướng, nó được đặt tên là Zhdanovschina bắt chước theo tên gọi cuộc Đại Thanh trừng là Yezhovschina. Kể cả không tính tới những việc đã làm cho cuốn Sách Đen, 1 nhà văn chân thực như Grossman cũng vẫn bị buộc phải đối mặt với quãng thời gian hậu chiến khó khăn. Tháng 9, vở kịch “Nếu chúng ta tin vào Pythagor” của ông đã bị tờ Pravda chỉ trích 1 cách ác ý. Sau đó là những lời cạnh khóe khác về các tác phẩm của ông viết trong chiến tranh, tuy nhiên điểm chính yếu khiến cho các nhà chức trách không ưa ông vẫn là cuốn Sách Đen.
Đòn tấn công tiếp theo vào Grossman nằm trong chiến dịch “bài trừ chủ nghĩa quốc tế” của những người Stalinist, nó bắt đầu tháng 11/1948 với việc giải tán Ủy ban Do thái chống phát xít. (Theo logic quái gở của những người Stalinist, việc này ít nhiều trùng hợp với việc Liên Xô công nhận Nhà nước Do thái, 1 cuộc phân chia hoàn toàn chỉ nhằm mục đích làm hỏng kế hoạch của nước Anh). 3 tháng sau, tháng 1/1949, truyền thông Soviet bắt đầu cuộc tổng tấn công “bài trừ chủ nghĩa quốc tế” theo lệnh của Kremlin. 15 thành viên Ủy ban bị bắt, bị thẩm vấn, tra tấn và cuối cùng bị xét xử vào tháng 5/1952. Các phiên tòa đều được xử kín, 13 bị cáo bị xử tử vào tháng 8. Tháng 1/1953, 1 nhóm bác sĩ hầu hết là người Do Thái bị buộc tội là âm mưu sát hại các nhà lãnh đạo Soviet. Chiến dịch bài Do Thái trắng trợn này chỉ chấm dứt sau cái chết của Stalin vào tháng 3.
Viktor Komarev, Phó Giám đốc cơ quan điều tra thuộc MGB đã thẩm vấn các thành viên Ủy ban Do Thái chống phát xít và khoác lác trong 1 bức thư gửi Stalin rằng “tôi căm ghét những kẻ thù của nhân dân này biết bao”. Ông ta khoe khoang về những việc làm tàn bạo của mình và sự sợ hãi của các nạn nhân.
“Tôi đặc biệt căm ghét và đối xử không thương xót với những tên quốc gia Do Thái, những kẻ mà tôi xem như kẻ thù nguy hiểm và hung ác nhất. Vì lòng căm thù đối với chúng mà tôi tự cho mình là người bài Do Thái không chỉ với những bị cáo này mà cả với các cựu nhân viên MGB người Do Thái”. Một trong các bị cáo, Boris Shimeliovich, đã bị tra tấn đến mức phải ra tòa trên cáng.
Vasily Grossman và Ilya Ehrenburg đã cực kỳ may mắn khi không bị liệt vào số những kẻ hợp tác với Ủy ban Do thái chống phát xít bị bắt đợt đầu.
Họ bị triệu đến thẩm vấn tháng 3/1952 để chuẩn bị cho phiên xét xử nhưng được để ngồi 1 mình tự viết bản cung.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Grossman về Stalingrad “Vì Chính Nghĩa” đã được xuất bản dài kỳ trong năm đó sau khi ông bị buộc phải sửa đổi nhiều đoạn liên quan đến chính trị. Cuốn tiểu thuyết được đề cử Giải thưởng Stalin nhưng ngay sau đó Grossman đã bị phê phán dữ dội.
Những tay bồi bút của Đảng đã phát hoảng khi nhận ra Grossman viết cuốn tiểu thuyết về trận Stalingrad mà không hề nhắc tới Stalin. Danh sách những điểm đáng phê bình ngày càng mở rộng. Ông bị cho là đã làm giảm thắng lợi và vai trò của Đảng CS trong chiến thắng. Grossman đã buộc phải viết 1 bức thư sám hối nhưng ông chỉ thoát khỏi trại cải tạo Gulag nhờ cái chết của Stalin tháng 3/1953.
Mặc dù ghê tởm những tín điều Stalinist mà vì nó ông phải liên tục dối trá và phản bội chính mình, Grossman vẫn không bao giờ đánh mất niềm tin vào những người lính Nga bình thường và thành công to lớn của cuộc Chiến tranh Vệ Quốc Vĩ đại. Con gái ông kể lại trong hồi ký ông đã thúc giục mọi người trong gia đình hát những bài hát chiến tranh trong nhà mình.

Trong căn phòng trống lớn, trời đang chạng vạng, không hiểu vì sắp tối hay sắp có mưa, có 3 người chúng tôi: bố, em cùng cha khác mẹ Fedya và tôi... chúng tôi đang hát vài bài hát thời chiến. Cha tôi bắt nhịp bằng giọng vang và ồm ồm, đôi tai kém thẩm âm của ông không quan tâm nhiều đến chuyện đó, những câu hát rất quen thuộc với chúng tôi:
Chiếc máy bay đang quần lượn quanh quanh
Nó đang gầm rú, lao vào lũ quỷ trên mặt đất... *

*[Grossman viết bài hát về những phi công Soviet anh hùng này khi đến thăm trung đoàn Không quân của Vasily Stalin, con trai nhà độc tài, gần Stalingrad vào đầu mùa thu năm 1942].

Bất ngờ cha tôi đứng dậy, Fedka và tôi cũng đứng lên. Cha tôi khom mình, tay để 2 bên như trong 1 cuộc duyệt binh, mặt trang nghiêm.
Tiến lên đất nước vĩ đại
Tiến lên trong cuộc chiến sống còn
Trước đám mây đen phát xít
Trước lũ hung tàn đáng nguyền rủa...
Cha tôi coi việc hát này như 1 nghi lễ: ông nói rất nhiều và rất thành kính... Ông lúc nào cũng đứng khi hát.

Grossman vẫn còn hứng thú với những câu hỏi về lòng dũng cảm và tính hèn nhát. Con gái ông ghi lại 1 cuộc nói chuyện trong nhà với vài khách khứa, câu chuyện xoay sang chủ đề các hoạt động trong chiến tranh. 1 người nói khi ai đó có những tình cảm mạnh mẽ như yêu nước hoặc tức giận, sự sợ hãi sẽ biến mất. “Grossman trả lời rằng điều đó không đúng. “Chỉ giống như là có 2 kiểu dũng cảm thôi, tôi nghĩ anh cần phân biệt 2 kiểu sợ hãi khác nhau - nỗi sợ vật chất ví dụ như sợ chết, và nỗi sợ tinh thần ví dụ như sợ bị người khác ghét bỏ trên mặt trận. Như trường hợp Tvardovsky bẩm sinh là 1 người cực kỳ dũng cảm, còn những người khác như Simonov chẳng hạn thì không sở hữu tính cách đó vì anh ta vốn là thường dân, mặc dù vậy Kostya Simonov vẫn tỏ ra vô cùng dũng cảm trong chiến tranh”.
Grossman không hoàn toàn bị bỏ rơi về mặt chính trị, thậm chí trong những lúc khó khăn nhất ông vẫn nhận được sự ủng hộ từ 1 số tướng lĩnh Stalingrad. Rodimtsev, người ông luôn tôn kính, đã đứng bên ông khi cuốn “Vì Chính Nghĩa” bị công kích, đó là 1 hành động thực sự dũng cảm. Năm 1955, sau cái chết của Stalin, khi mọi sự đã không còn quá tệ với Grossman, ông đã gặp 1 người bạn chí cốt của Stalin là Nguyên soái Voroshilov, người đã cố thuyết phục ông vào Đảng nhưng Grossman khăng khăng từ chối. “Ờ, với tôi vẫn rõ ràng thôi”, Voroshilov trả lời với vẻ tốt bụng, “anh là 1 người Bolshevik ngoài Đảng”.
Năm 1954, cuốn “Vì Chính Nghĩa” được tái bản, lần này dưới dạng sách và lại 1 lần nữa được ngợi ca. Trong thời gian nghỉ viết những năm 50s, Grossman vẫn tiếp tục làm nhiều việc để chuẩn bị cho kiệt tác của mình, cuốn “Cuộc đời và Số phận”. Cuốn sách được kính cẩn đề tặng Tolstoy, tác giả cuốn “Chiến tranh và Hòa bình”, và cũng là 1 thiên anh hùng ca, nhưng ở đây trung tâm là trận Stalingrad. 1 trong những khác biệt căn bản giữa 2 cuốn tiểu thuyết là cách Grossman đặt vấn đề với những câu chuyện và nhân vật gần gũi với ông. Thực tế cuốn sách hầu hết lấy chất liệu từ đời thực nhưng vẫn không làm mất đi tính tiểu thuyết. Ngược lại, những chất liệu thực tế làm cho cuốn sách có sức hấp dẫn lớn.
Grossman đã tưởng rằng dưới thời Nikita Khrushchev, cựu Chính ủy Stalingrad và là người phê phán Stalin tháng 2/1956 tại Đại hội Đảng 20, sự thật cuối cùng cũng đã có thể nói ra. Nhưng sự thiếu óc xét đoán chính trị đã làm hại Grossman. Ông đã không nhận thấy rằng sự tương đồng ngấm ngầm giữa Nazism và Stalinism trong cuốn sách của ông vẫn là rất khó nghe. Huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng trong cuộc Chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại đã quá ăn sâu bén rễ. Ông chỉ nhận ra đầy đủ sự thật khi chứng kiến số phận của cuộc nổi dậy tại Hungary năm 1956, nó đã bị tướng Babadzhanyan, người anh hùng trong cuốn “Nhân dân bất diệt” của ông, nghiền nát không thương tiếc.
Grossman hoàn thành cuốn “Cuộc đời và Số phận” năm 1960 và đưa đi đánh máy. Những người biên tập làm ra vẻ bất tài và lười biếng nhưng thực ra là họ sợ hãi vì những gì viết trong tác phẩm. Việc cấp phép xuất bản bị đá lên cấp trên và ngày 14/2/1961, 3 sĩ quan cao cấp KGB đã tới tịch thu tất cả các bản đánh máy. Họ lục soát căn hộ của cả Grossman lẫn những người đánh máy cho ông, lấy đi các bản chép tay và cả giấy than cũng như những băng chữ trên máy đánh chữ. Bản thảo cuốn sách được chuyển tới trưởng ban tư tưởng Đảng CS Mikhail Suslov, nhà lãnh đạo đầy quyền lực của Ban Văn hóa Ủy ban TW*.
Suslov tuyên án cuốn sách sẽ không được xuất bản trong ít nhất 200 năm nữa, đây cũng chính là 1 lời khẳng định rõ ràng về tầm quan trọng của cuốn sách.

*[Mikhail Suslov (1902 - 1982) Ủy viên TW Soviet phụ trách tư tưởng, từng tham gia giám sát các cuộc thanh trừng thời năm 1937 - 1938 tại Ukraina và Ural. Trong những năm 1944 - 1945 ông ta trực tiếp tham gia các chiến dịch hành quyết và trục xuất tàn bạo đối với các phần tử dân tộc chủ nghĩa trong các dân tộc thiểu số Liên Xô do người Đức chỉ huy tại các vùng tạm chiếm].

Tiếp theo là 1 sự tàn phá toàn diện, các cuốn sách trước đây của Grossman bị ngừng lưu hành. Ông rơi vào cảnh cơ hàn và chỉ còn lại 1 số ít bạn bè sẵn sàng chia sẻ rủi ro với ông, không lâu sau ông bị phát hiện ung thư dạ dày. Grossman mất vào mùa hè năm 1964, cho đến khi chết ông vẫn nghĩ rằng các tác phẩm vĩ đại của mình sẽ bị cấm xuất bản vĩnh viễn. Ehrenburg đề nghị đưa các tác phẩm của ông ra trước 1 ủy ban đánh giá nhưng bị Hội Nhà văn từ chối. Trong con mắt của giới chức cầm quyền Soviet, Vasily Grossman đã hoàn toàn không còn sinh mạng chính trị.
Tuy nhiên, Grossman vẫn còn 1 bản thảo đánh máy cuốn sách gửi nhờ 1 người bạn. Người bạn đó đã bỏ bản thảo của ông vào 1 cái túi vải bạt và bỏ quên nó khi treo trên móc dưới 1 cái áo khoác trong nhà nghỉ nông thôn của ông ta. Sau này bản thảo đó mới được tìm thấy và copy thành microfilm nhờ công của Andrei Sakharov, 1 nhà vật lý vĩ đại và 1 người bất đồng chính kiến. Vladimir Voinovich, tiểu thuyết gia trào phúng, tác giả cuốn “Binh nhì Chonkin” (1 tác phẩm về Hồng quân tương tự cuốn “Chú lính Schwejk tốt bụng”), đã bí mật chuyển bản microfilm khỏi Liên Xô, tới Thụy Sĩ*. Cuốn “Cuộc đời và Số phận” đã được xuất bản tại Thụy Sĩ và nhiều nước trên thế giới. Nó chỉ xuất hiện tại Nga sau khi chủ nghĩa CS sụp đổ. Lời hứa với mẹ mà Grossman chưa bao giờ nói được với bà đã hoàn thành. Bà đã sống lại trong cuốn tiểu thuyết của ông với nhân vật Anna Shtrum. Bản thân Grosman đã bị cuốn vào 1 thế kỷ chó sói nhưng tình người và lòng can đảm của ông vẫn sống mãi trong các tác phẩm.

*[Vladimir Nikolayevich Voinovich, sinh năm 1932, bắt đầu làm thơ khi còn trong quân đội Soviet từ 1950 - 1955. Sau đó ông chuyển sang văn xuôi và trở thành 1 người bất đồng chính kiến. Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là “Cuộc đời và những chuyến phiêu lưu của binh nhì Ivan Chonkin” đã khiến ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn năm 1974. Ông vượt biên năm 1980 và bị Brezhnev tước quyền công dân]

Hết
 Tài liệu tham khảo

Paul Adair, “Hitlers Greatest Defeat - The Collapse of Army Group Centre, June 1944” (Thất bại lớn nhất của Hitler - Sự sụp đổ của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, tháng 6/1944), London, 1994.

Paul Addison và Angus Calder, “Time to Kill, The Soldier’s Experience of War 1939 – 1945” (Thời chết chóc, kinh nghiệm người lính trong chiến tranh 1939 - 1945), London, 1997.

Antony Beevor, “Stalingrad”, London, 1998.

Antony Beevor, “Berlin - The Downfall, 1945” (Berlin sụp đổ, 1945), London, 2002.

Anatoly Bocharov, “Vasily Grossman, zhizn, tvorchestvo, sudba” (Vasily Grosman, cuộc đời, sự nghiệp, số phận), Moscow, 1990.

Vassily I. Chuikov, “The Beginning of the Road”. (Sự bắt đầu của 1 con đường), London, 1963.

Vassily I. Chuikov, “The End of the Third Reich”. (Sự kết thúc của Đế chế thứ 3), London, 1967.

Norman Davies, “Rising 44”. (Cuộc nổi dậy năm 44), London, 2003.

Ilya Ehrenburg, “Lyudi. Gody. Zhizn”. (Con người, năm tháng, cuộc đời) tập 2, Moscow, 1990.

Frank Ellis, “Vasily Grossman, The Genesis and Evolution of a Russian Heretic”. (Vasily Grossman, sự khởi đầu và phát triển của 1 kẻ dị giáo Nga), Oxford, 2004.

John Erickson, “The Road to Stalingrad”. (Đường tới Stalingrad), London, 1975.

John Erickson, “The Road to Berlin”. (Đường tới Berlin), London, 1999.

John Garrard và Carol Garrard, “The Bones of Berdichev, The Life and Fate of Vasily Grossman”. (Những nắm xương tàn ở Berdichev, cuộc đời và số phận của Vasily Grossman), New York, 1996.

David M. Glantz và Jonathan House, “When Titans Clashed, How the Red Army Stopped Hitler”. (Cuộc chiến giữa những người khổng lồ, cách Hồng quân chặn đứng Hitler), Kansas, 1995.

Vasily Grossman, “V gorode Berdicheve”. (Ở thị trấn Berdichev), Moscow, 1934.

Vasily Grossman, “Gliukauf!”. (Chúc may mắn!), Moscow, 1934.

Vasily Grossman, “Stepan Kolchugin”, Moscow, 1937 - 1940.

Vasily Grossman, “Narod Bessmerten”. (Nhân dân bất diệt), Moscow, 1942 và 1962.

Vasily Grossman, “Esli verit pitagoreitsam”. (Nếu chúng ta tin vào Pythagore), Moscow, 1946.

Vasily Grossman, “Za pravoye delo”. (Vì Chính nghĩa), Moscow, 1952.

Vasily Grossman, “Vsyo techyot”. (Mãi nổi trôi), New York, 1972.

Vasily Grossman, “Tovarishchi”. (Đồng chí), trong tuyển tập “Zhurnalisty na voine”. (Nhà văn chiến tranh) tập 2, Moscow, 1974.

Vasily Grossman, “Zhizu i sudba”. (Cuộc đời và số phận), Geneva, 1981 và 1985.

Vasily Grossman, “Gody voiny”. (Những năm tháng chiến tranh), Moscow, 1989.

Fyodor Guber, “Pamyat i pisma”, Daugava, 1990.

Raul Hilberg, “The Destruction of the European Jews”. (Cuộc hủy diệt người Do Thái châu Âu), New York, 1985.

Simon Markish, “Le cas Grossman”, Paris, 1983.

Catherine Merridale, “Night of Stone”. (Đêm của đá), London, 2000.

D. I. Ortenberg, “Vremya ne vlastno”. (Thời gian không có quyền), Moscow, 1979.

D. I. Ortenberg, “God 1943”. (Năm 1943), Moscow, 1982.

D. I. Ortenberg, “Iyun - Dekabr Sorok pervogo”. (Tháng 6-12/1941), Moscow, 1984.

D. I. Ortenberg, “Sorok trety”. (1943), Moscow, 1991.

Richard Overy, “Russia’s War” (Cuộc chiến của nước Nga), London, 1998.

Donald Rayfield, “Stalin and his Hangmen”. (Stalin và những tên đao phủ của ông), London, 2004.

Joshua Rubenstein, “Tangled Loyalties - the Life and Times of Ilya Ehrenburg”. (Những niềm tin phức tạp - Cuộc đời và những sự nghiệp của Ilya Ehrenburg), New York, 1996.

Joshua Rubenstein và Vladmir P. Naumov, “Stalins Secret Pogrom, The Postwar Inquisition of the Jewish Anti - Fascist Committee”. (Cuộc tàn sát bí mật người Do Thái của Stalin, cuộc điều tra thời hậu chiến của Ủy ban người Do Thái chống phát xít), New Haven, 1996.

Simon Sebag Montefiore, “Stalin: the Court of the Red Tsar”. (Stalin: triều đại của Sa hoàng Đỏ), London, 2004.

Konstantin Simonov, “Days and Nights”. (Ngày và đêm), New York, 1945.

Tsvetan Todorov, “Mémoires du Mal, Tentations du Bien”., Paris, 2000.

P. I. Troyanovsky, “Navosmi frontakh”. (Tại 8 Phương diện quân), Moscow, 1982.

Dmitri Volkogonov, “Stalin: Triumph and Tragedy”. (Stalin: Thành công và bi kịch), London, 1991.

A. I. Yeremenko, “Stalingrad - Zapiski komandujuscego frontom”, Moscow, 1961.

V. I. Zaitsev, “Za Volgoi Zemli dlya nas ne bylo”. (Vì chúng ta không còn chỗ nào lùi, phía sau là Volga), Los Angeles, 1973.

Tuyển tập “Zhurnalisty na voine”. (Nhà văn chiến tranh), Moscow, 1966.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét