Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

Nhật Ký - Chương 12

Nhật Ký

Tác giả: Nicholas Sparks
Người dịch: Petal Lê
Nxb Văn Học - 03/2011

Chương 12
Mùa Đông Cho Hai Người

Câu chuyện kết thúc ở đó, vậy là tôi gập cuốn sổ lại, bỏ kính ra, lau mắt. Mắt tôi đã mỏi và đỏ ngầu, dù cho đến giờ nó vẫn chưa làm tôi thất vọng. Nhưng chắc sẽ sớm thôi. Cả nó và tôi đều đâu thể sống mãi. Bây giờ tôi đang nhìn bà ấy, nhưng bà ấy không nhìn lại tôi. Bà ấy lại đang chăm chăm nhìn qua cửa sổ ra sân, nơi bạn bè và gia đình của mọi người gặp gỡ.
Mắt tôi dõi theo mắt bà ấy, chúng tôi cùng nhau ngắm nhìn. Suốt ngần ấy năm, những việc hàng ngày vẫn không thay đổi. Sáng nào cũng vậy, cứ sau bữa sáng khoảng một giờ là họ bắt đầu đổ đến. Những người trẻ tuổi, đi một mình hay đi cùng gia đình, đến thăm những người sống ở đây. Họ đem ảnh, quà bánh đến rồi ngồi trên mấy chiếc ghế dài hoặc đi dạo dọc những con đường nhỏ dưới tán cây được thiết kế để tạo cảm giác có thiên nhiên. Một số sẽ ở lại cả ngày, nhưng phần lớn sẽ rời đi sau vài tiếng và khi họ đi, tôi luôn cảm thấy buồn cho những người họ để ở lại. Đôi khi tôi tự hỏi bạn bè của tôi nghĩ gì khi họ nhìn thấy những người yêu thương của mình lái xe đi mất, nhưng tôi biết đấy không phải là việc của mình. Và tôi không bao giờ hỏi họ vì tôi đã học được rằng tất cả chúng ta đều có quyền có những bí mật riêng.
Nhưng tôi sẽ sớm kể cho bạn nghe một số bí mật của tôi.
Tôi đặt cuốn sổ và chiếc kính lúp lên bàn bên cạnh, cảm thấy cái đau từ trong xương khi làm động tác ấy, và một lần nữa tôi lại nhận ra cơ thể mình lạnh thế nào. Thậm chí việc đọc sách dưới ánh mặt trời buổi sáng cũng không giúp gì được. Nhưng điều này không làm tôi ngạc nhiên thêm chút nào, vì dạo này cơ thể tôi có những luật lệ riêng của nó.
Tuy nhiên tôi cũng không hoàn toàn không may. Những người làm việc ở đây biết tôi, biết sự yếu ớt của tôi và họ làm hết sức để tôi được thoải mái hơn. Họ để lại cho tôi trà nóng ở chiếc bàn cuối cùng, tôi với cả hai tay ra lấy. Rót ra một tách trà cũng là cả một nỗ lực, nhưng tôi rót vì tôi cần trà để làm mình ấm lên và tôi nghĩ sự ráng sức đó cũng sẽ giữ cho tôi khỏi bị hoàn toàn hoen gỉ. Nhưng bây giờ tôi đã hoen gỉ rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Hoen gỉ như một chiếc xe cũ nát nằm dưới đầm lầy Everglades hai mươi năm.
Sáng nay tôi đã đọc cho bà ấy nghe, như mọi buổi sáng, vì đó là một việc tôi cần phải làm. Không phải vì nghĩa vụ - mặc dù tôi biết ta có thể tạo ra một lý do như vậy cho việc này - mà vì một nguyên nhân khác, lãng mạn hơn. Tôi ước gì mình có thể giải thích đầy đủ ngay bây giờ, nhưng vẫn còn sớm, và trước bữa trưa mà nói về sự lãng mạn thì thật không khả thi lắm, ít nhất là không khả thi với tôi. Ngoài ra, tôi không biết mọi chuyện sẽ thành thế nào, và nói thật là tôi cũng không muốn mình hy vọng quá nhiều.
Bây giờ ngày nào chúng tôi cũng ở bên nhau, nhưng đêm thì không. Các bác sĩ bảo tôi không được phép gặp bà ấy sau hoàng hôn. Tôi hiểu những lý do, nhưng mặc dù đồng tình với họ, đôi khi tôi vẫn vi phạm quy định. Vào đêm muộn, khi có tâm trạng thích hợp, tôi sẽ lén ra khỏi phòng và đến phòng bà ấy, ngắm bà ấy ngủ. Bà ấy chẳng biết gì về việc này. Tôi sẽ đi vào, ngắm nhìn bà ấy thở và hiểu rằng nếu không phải là bà ấy, tôi sẽ không bao giờ kết hôn. Và khi nhìn gương mặt bà ấy, một gương mặt mà tôi biết rõ hơn gương mặt mình, tôi biết rằng với bà ấy tôi cũng có ý nghĩa nhiều như thế hoặc hơn thế. Và điều đó có ý nghĩa với tôi vô cùng, tôi chẳng mong giải thích được.
Thỉnh thoảng, khi đứng ở đó, tôi nghĩ về việc mình may mắn biết bao khi đã cưới bà ấy gần bốn mươi chín năm trời. Tháng sau sẽ là tròn bốn mươi chín năm. Bà ấy đã nghe tôi ngáy suốt bốn mươi nhăm năm đầu, nhưng kể từ sau đó chúng tôi ngủ khác phòng. Tôi không thể ngủ ngon khi không có bà ấy. Tôi trằn trọc và thèm có được hơi ấm của bà ấy nên cứ nằm đó gần như cả đêm, mắt thao láo nhìn những bóng mờ nhảy múa trên trần nhà như đám cỏ lăn lăn trên sa mạc. Nếu may mắn thì tôi sẽ ngủ được hai tiếng, nhưng dù thế nào tôi cũng sẽ dậy trước bình minh. Chẳng hiểu sao lại thế.
Rồi những việc này sẽ qua hết sớm thôi. Tôi biết thế. Bà ấy thì không. Những mục trong nhật ký của tôi đã ngắn hơn và mất ít thời gian viết hơn. Bây giờ tôi chỉ viết đơn giản, vì hầu như các ngày của tôi đều giống nhau. Nhưng tối nay tôi nghĩ tôi sẽ chép lại một bài thơ mà một y tá đã tìm cho tôi và nghĩ tôi sẽ thích. Nó như thế này:

Trước giờ khác ấy tôi chưa từng gục ngã
Trước mối tình đột ngột và ngọt ngào
Như đóa hoa, em rạng rỡ biết bao
Và tim tôi, em hoàn toàn đánh cắp

Vì chúng tôi được tự do vào các buổi tối, tôi thường được mời đến thăm những người khác. Thường thì tôi đi, vì tôi là người hay đọc sách và mọi người cần tôi, hoặc người ta bảo tôi thế. Tôi đi dọc hành lang và chỉ chọn nơi nào muốn đến vì dù tôi đã quá già không thể theo một lịch trình, nhưng sâu thẳm bên trong tôi luôn biết ai cần mình. Họ là bạn bè của tôi, khi đẩy cánh cửa phòng họ, tôi luôn nhìn thấy những căn phòng trông giống phòng tôi, tranh tối tranh sáng, chỉ được chiếu sáng nhờ chương trình Wheel of Fortune và răng của Vanna*.
*[Wheel of Fortune là phiên bản gốc ở Mỹ của chương trình Chiếc nón kỳ diệu vẫn phát sóng trên truyền hình Việt Nam.
Vanna White (sinh năm 1957) từng là người lật các ô chữ, nổi tiếng với hàm răng trắng bóng]
Đồ đạc trong phòng ai cũng giống nhau, và chiếc ti vi hét om sòm vì chẳng ai còn có thể nghe rõ nữa.
Dù là đàn ông hay đàn bà, khi tôi vào họ đều mỉm cười, tắt ti vi và khẽ nói, “Tôi mừng vì ông có thể đến đây”, họ nói, rồi họ hỏi thăm vợ tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng kể cho họ. Tôi có thể kể cho họ nghe về sự ngọt ngào và duyên dáng của bà ấy, tả cho họ thấy bà đã dạy tôi cách nhìn thế giới để thấy nó đẹp đến thế nào. Hoặc tôi sẽ kể cho họ về những năm đầu chúng tôi sống cùng nhau, về cảm giác có được mọi điều mình muốn khi ôm nhau dưới bầu trời miền Nam đầy sao. Vào những dịp đặc biệt tôi sẽ thì thầm về những cuộc phiêu lưu của chúng tôi, hay về những buổi triển lãm nghệ thuật ở New York và Paris hay những bài phê bình nồng nhiệt được viết bằng những thứ ngôn ngữ tôi không hiểu. Tuy nhiên hầu như tôi chỉ mỉm cười bảo họ rằng bà ấy vẫn thế, và họ quay đi, vì tôi biết họ không muốn tôi nhìn thấy mặt họ. Nó nhắc họ nhớ tới cái chết của chính mình. Vì thế tôi ngồi lại đọc cho họ nghe để làm giảm nhẹ nỗi sợ ấy.

Hãy điềm tĩnh - hãy thư giãn cùng tôi
Tôi sẽ đón nhận em dẫu ánh trời từ chối
Dẫu cây lá không vì em xào xạc
Và mặt trời chẳng lấp lánh vì em
Thì hỡi em vẫn còn lời thơ tôi
Mãi vì em mà xạc xào lấp lánh.

Và tôi đọc, để họ biết tôi là ai.

Tôi lang thang suốt đêm trong ảo ảnh,
Cúi mình xuống với đôi mắt mở to
bên trên đôi mắt nhắm
của những người đang ngủ,
Lang thang và bối rối
Lạc lối trước chính mình
lẫn lộn, mâu thuẫn,
Tạm ngừng, nhìn chăm chú,
cúi xuống, và dừng lại.

Nếu có thể, vợ tôi sẽ đi cùng tôi đến những buổi trình diễn buổi tối đó, vì một trong những tình yêu của bà ấy là thơ ca. Thomas, Whitman, Eliot, Shakespeare, và vua David của những bản tụng ca. Những người say mê từ ngữ, những người tạo nên ngôn ngữ. Khi nhìn lại, tôi ngạc nhiên vì niềm đam mê của mình dành cho nó, và bây giờ đôi khi tôi thậm chí còn hối tiếc. Thơ ca đem lại vẻ đẹp tuyệt vời cho cuộc sống, nhưng cũng đem lại cả nỗi buồn to lớn, và tôi không chắc đó có phải là một sự trao đổi công bằng cho một người ở tuổi tôi không. Một người đàn ông nên thưởng thức những thứ khác nếu có thể: ông ta cần dành những ngày cuối đời mình dưới mặt trời. Còn những ngày cuối đời tôi lại ở bên một chiếc đèn đọc sách.
Tôi lê bước về phía bà ấy rồi ngồi trên chiếc ghế bên giường. Lưng tôi đau nhức khi phải ngồi. Thay nệm mới cho cái ghế này thôi, tôi tự nhắc nhở mình có lẽ phải đến lần thứ một trăm. Tôi với tay nắm lấy tay bà ấy, bàn tay xương xẩu và mong manh. Cảm giác thật dễ chịu. Bà ấy đáp lại bằng cách khẽ giật giật và dần dần ngón tay cái của bà ấy bắt đầu nhẹ nhàng cọ vào ngón tay tôi. Tôi không nói gì cho đến khi bà ấy lên tiếng; tôi đã học được điều này. Phần lớn các ngày tôi chỉ ngồi yên lặng cho đến khi mặt trời lặn, và vào những ngày như thế tôi không biết gì về bà ấy.
Nhiều phút trôi qua trước khi cuối cùng bà ấy cũng quay sang tôi. Bà ấy đang khóc. Tôi mỉm cười, buông tay bà ấy ra, rồi cho tay mình vào túi. Tôi lấy ra một chiếc khăn tay lau nước mắt cho bà ấy. Bà ấy nhìn tôi khi tôi làm việc đó, và tôi tự hỏi bà đang nghĩ gì.
- Đó là một câu chuyện đẹp.
Một cơn mưa nhỏ bắt đầu rơi xuống. Những giọt mưa đập nhè nhẹ vào cửa sổ. Tôi lại cầm tay bà. Đó sẽ là một ngày tốt đẹp, một ngày rất tốt đẹp. Một ngày kỳ diệu. Tôi mỉm cười, không thể đừng được.
- Đúng thế, - tôi bảo bà ấy.
- Ông viết nó ư? - bà ấy hỏi. Giọng bà như một tiếng thì thầm, một cơn gió thoảng qua những chiếc lá.
- Ừ, - tôi trả lời.
Bà quay về phía chiếc bàn đầu giường. Thuốc của bà ở trong một chiếc cốc nhỏ. Thuốc của tôi cũng thế. Những viên thuốc nhỏ, màu sắc như cầu vồng để chúng tôi khỏi quên uống. Bây giờ họ đã đem thuốc của tôi đến đây, đến phòng bà ấy, mặc dù họ không nhất thiết phải làm thế.
- Trước đây tôi nghe chuyện này rồi nhỉ?
- Ừ, - tôi lại nói, cũng như lần nào tôi cũng nói như thế vào những ngày như thế này. Tôi đã học cách kiên nhẫn.
Bà ấy nhìn kỹ mặt tôi. Đôi mắt bà ấy xanh như những làn sóng đại dương.
- Nó khiến tôi cảm thấy bớt sợ hơn, - bà ấy nói.
- Tôi biết, - tôi gật đầu, lắc lư đầu mình nhẹ nhẹ.
Bà ấy quay đi, và tôi lại chờ thêm chút nữa. Bà buông tay tôi ra và với lấy cốc nước. Nó ở trên bàn đầu giường, bên cạnh chỗ thuốc. Bà nhấp một ngụm.
- Đó có phải là một câu chuyện có thật không? - Bà ấy hơi nhấc người lên và nhấp một ngụm nữa. Cơ thể bà vẫn khỏe mạnh. - Ý tôi là ông có biết những người ấy không?
- Có, - tôi lại nói. Tôi có thể nói nhiều hơn, nhưng thường thì tôi không nói. Bà ấy vẫn thật xinh đẹp. Bà hỏi:
- À, cuối cùng thì cô ấy lấy ai?
Tôi trả lời:
- Người phù hợp với cô ấy.
- Đó là người nào?
Tôi mỉm cười.
- Rồi bà sẽ biết, - tôi khẽ nói, - đến cuối ngày. Rồi bà sẽ biết.
Bà ấy không biết phải nghĩ gì về điều này. Nhưng bà không hỏi tôi nữa. Bà bắt đầu cựa mình. Bà đang nghĩ cách hỏi tôi một câu hỏi khác, dù chưa biết cụ thể sẽ hỏi thế nào. Bà trì hoãn một lúc và với tay ra lấy một trong hai chiếc cốc giấy.
- Cái này của tôi à?
- Không, cái này cơ. - Và tôi với tay ra đẩy cốc thuốc của bà về phía bà. Ngón tay tôi không thể cầm chắc được nó. Bà ấy đón lấy và nhìn. Qua cái cách bà ấy nhìn chỗ thuốc, tôi có thể thấy bà chẳng biết chúng để làm gì. Tôi dùng cả hai tay mới nhấc nổi cốc thuốc của mình lên đổ vào miệng. Bà ấy cũng làm y hệt. Hôm nay bà không cưỡng lại chút nào. Như thế khiến cho việc này thật dễ dàng. Tôi nâng tách trà của mình lên làm động tác cụng ly rồi nhấp trà làm sạch vị sàn sạn trong miệng mình. Trời đang ngày càng lạnh. Bà nuốt chỗ thuốc với sự tin tưởng và chiêu thêm một ngụm nước nữa.
Một chú chim cất tiếng hót ngoài cửa sổ, và cả hai chúng tôi cùng quay đầu lại. Chúng tôi cùng yên lặng một lúc, thưởng thức một điều gì đó đẹp đẽ cùng nhau. Thế rồi nó biến đi, và bà thở dài.
- Tôi phải hỏi ông một điều nữa, - bà nói.
- Bất kể điều gì, tôi sẽ cố gắng trả lời.
- Nhưng mà hơi khó.
Bà ấy không nhìn tôi, nên tôi không thể nhìn thấy mắt bà ấy. Đây là cách bà che giấu những suy nghĩ của mình. Có những thứ chẳng bao giờ thay đổi.
- Cứ từ từ, - tôi nói. Tôi biết bà sẽ hỏi gì.
Cuối cùng bà quay sang nhìn vào mắt tôi. Bà mỉm cười với tôi thật dịu dàng, kiểu nụ cười mà bạn dành cho một đứa trẻ, chứ không phải với một người yêu.
- Tôi không muốn làm tổn thương tình cảm của ông vì ông đã thật tốt với tôi, nhưng...
Tôi chờ đợi. Lời bà sắp nói sẽ làm tôi đau đớn. Nó sẽ xé một phần trái tim tôi và để lại một vết sẹo.
- Ông là ai?
Đến giờ chúng tôi đã sống ở Trung tâm Điều trị Mở rộng Creekside được ba năm. Chính bà ấy đã quyết định sống ở đây, một phần vì nó gần nhà chúng tôi, nhưng cũng vì bà nghĩ sẽ dễ dàng hơn cho tôi. Vì cả hai đều không chịu nổi nếu phải bán nhà, chúng tôi bịt kín nó lại bằng ván, ký một vài loại giấy tờ, và thế là chúng tôi nhận được một nơi để sống và chết, chỉ mất chút tự do mà vì nó chúng tôi đã lao động suốt đời.
Dĩ nhiên bà ấy đã đúng khi làm vậy. Tôi chẳng thể xoay xở một mình, vì bệnh tật đã đến, cả hai chúng tôi đều ốm đau. Chúng tôi đang sống những phút cuối cùng trong đời, đồng hồ đang kêu tích tắc. Rất to. Tôi tự hỏi không hiểu có phải chỉ mình tôi nghe thấy âm thanh ấy.
Một cơn đau nhói giần giật chạy qua những ngón tay của tôi, nhắc tôi nhớ rằng từ khi chuyển đến đây chúng tôi chưa từng đan ngón tay vào nhau thế này. Tôi buồn vì điều này, nhưng đó là lỗi của tôi, không phải của bà ấy. Đó là bệnh khớp ở thể nặng nhất: thấp khớp và biến chứng. Hai bàn tay tôi giờ đã biến dạng, trông kỳ quặc, cứ đau nhói suốt những giờ tôi thức. Tôi nhìn chúng và muốn chúng biến đi, cắt quách đi, nhưng như thế tôi sẽ không thể nào làm được những việc nhỏ mà tôi phải làm. Vậy là tôi sử dụng bộ móng vuốt của mình, thỉnh thoảng tôi gọi chúng như vậy, và ngày nào cũng nắm tay bà ấy bất chấp cái đau, và tôi cố hết sức để giữ chặt đôi tay ấy vì đó chính là điều bà ấy muốn tôi làm.
Dù Kinh Thánh có nói con người có thể sống đến 120 tuổi, tôi cũng chẳng muốn thế, mà kể cả tôi có muốn thì có lẽ cơ thể tôi cũng chẳng thể sống đến tuổi đó. Nó đang rời ra từng mảnh, chết mỗi lúc một mảnh, dần dần mục ruỗng từ bên trong và ở các khớp. Tay tôi thật vô dụng, những quả cật của tôi đang bắt đầu hư hỏng, nhịp tim của tôi đang giảm dần mỗi tháng. Tệ hơn nữa, tôi lại bị ung thư, lần này là ở tiền liệt tuyến. Đây là cuộc chiến đấu thứ ba của tôi với kẻ thù không nhìn thấy ấy, và nó sẽ dần dần chiếm được tôi, mặc dù nó sẽ không làm thế được cho đến khi tôi nói đã đến lúc. Các bác sĩ lo ngại cho tôi, nhưng tôi thì không. Tôi chẳng có thời gian đâu mà lo lắng trong buổi hoàng hôn của cuộc đời này.
Trong số năm đứa con của chúng tôi, bốn vẫn đang còn sống, và mặc dù rất nặng lòng khi đến thăm, chúng vẫn đến thường xuyên, điều này khiến tôi cảm thấy thật biết ơn. Nhưng kể cả nếu chúng không ở đây, ngày nào chúng cũng đến thật sống động trong tâm trí tôi, từng đứa một, chúng đem đến cho tâm trí những nụ cười và những giọt nước mắt đi song hành với việc nuôi một gia đình. Một tá ảnh viền quanh trên tường phòng tôi. Đó là di sản của tôi, sự cống hiến của tôi với thế giới. Tôi rất tự hào. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi vợ tôi nghĩ gì về chúng khi bà mơ mộng, hay liệu bà có nghĩ gì về chúng không, hay liệu bà thậm chí có mơ mộng không. Có quá nhiều điều về bà ấy mà tôi không còn hiểu được nữa.
Tôi tự hỏi cha tôi sẽ nghĩ gì về cuộc đời tôi và ông sẽ làm gì nếu ông là tôi. Tôi không gặp ông đã năm mươi năm, bây giờ trong những suy nghĩ của tôi ông chỉ còn là một cái bóng. Tôi không thể hình dung ra hình ảnh ông rõ ràng nữa; gương mặt ông bị sấp bóng như thể có một cây đèn chiếu từ phía sau ông vậy. Tôi không chắc liệu việc này là do tôi không nhớ hay đơn giản chỉ là vì thời gian trôi qua. Tôi chỉ có một bức ảnh của ông, và ngay cả nó cũng đã mờ nhạt. Mười năm nữa nó sẽ không còn và tôi cũng thế, ký ức về ông sẽ bị xóa đi như thông điệp trên cát. Nếu không có nhật ký của tôi, tôi sẽ thề là tôi mới sống được nửa quãng thời gian mình đã sống thôi. Nhiều khoảng thời gian dài trong đời tôi có vẻ như đã tan biến. Và kể cả bây giờ đọc nhiều đoạn văn, tôi vẫn tự hỏi mình là ai khi viết ra chúng, vì tôi không thể nhớ nổi những sự kiện của cuộc đời tôi nữa. Có những lúc tôi ngồi và tự hỏi tất cả những thứ ấy đi đâu hết cả rồi.
- Tên tôi, - tôi nói, - là Duke. - Tôi lúc nào cũng là một người hâm mộ John Wayne.
- Duke, - bà thì thầm với chính mình, - Duke. - Bà nghĩ một chút, trán nhăn lại, đôi mắt nghiêm trang.
- Đúng, - tôi nói. - Tôi ở đây là vì bà. - Và sẽ luôn như thế, tôi tự nghĩ với mình.
Bà đỏ mặt lên với câu trả lời của tôi. Đôi mắt bà trở nên ướt và đỏ, rồi nước mắt bắt đầu rơi. Trái tim tôi đau nhói vì bà, và có lẽ dễ đến lần thứ một nghìn tôi ước gì mình có thể làm điều gì đó. Bà nói:
- Tôi xin lỗi. Tôi không hiểu bây giờ điều gì đang xảy ra với tôi nữa. Kể cả ông. Khi tôi lắng nghe ông nói, tôi cảm thấy như tôi lẽ ra phải biết ông, nhưng tôi lại không biết. Tôi còn không biết tên tôi là gì nữa.
Bà ấy lau nước mắt và nói:
- Hãy giúp tôi, Duke, giúp tôi nhớ ra tôi là ai. Hay ít nhất, tôi đã là ai. Tôi cảm thấy lạc lối quá.
Tôi trả lời một câu từ tận đáy lòng, nhưng tôi nói dối bà về tên bà. Như tôi đã nói dối về tên tôi. Có lý do cho việc này.
- Bà tên là Hannah, một người yêu cuộc sống, một nguồn sức mạnh cho những ai có được bà làm bạn. Bà là một giấc mơ, một người kiến tạo hạnh phúc, một nghệ sĩ từng làm rung cảm hàng nghìn tâm hồn. Bà đã sống một cuộc đời viên mãn, bà đã có mọi điều mình muốn vì mọi nhu cầu của bà đều là về tinh thần, và bà chỉ phải nhìn vào trong chính mình là đủ. Bà tốt bụng và trung thành, bà có khả năng nhìn thấy vẻ đẹp ở nơi những người khác không thấy được. Bà là người thầy luôn có những bài học đẹp đẽ, một người luôn mơ mộng về những điều tốt đẹp hơn.
Tôi ngừng lời một chút để lấy lại hơi. Rồi tôi tiếp tục:
- Hannah, chẳng có lý do gì để cảm thấy lạc lối cả, vì:
Chẳng có gì từng thật sự mất đi,
cũng chẳng gì bị ai làm mất:
sinh ra, bản sắc, dạng hình - bất cứ gì thuộc về thế giới,
cuộc sống, sức mạnh - bất cứ gì nhìn thấy hữu hình;...
Cơ thể, lờ đờ, già nua, lạnh giá - đám tro tàn sau ngọn lửa thanh xuân,
...vẫn sẽ lại cháy lên đúng lúc.

Bà nghĩ về điều tôi nói một lúc. Trong lặng im, tôi nhìn về phía cửa sổ và nhận ra giờ mưa đã tạnh. Ánh sáng mặt trời đang bắt đầu rọi vào phòng bà. Bà hỏi:
- Ông viết bài thơ đó à?
- Không, đó là thơ của Walt Withman.
- Ai cơ?
- Người yêu từ ngữ, người tựu hình ý tưởng.
Bà không đáp lại ngay. Bà nhìn chăm chăm tôi một lúc, cho đến khi hơi thở chúng tôi nhịp cùng nhau. Vào. Ra. Vào. Ra. Vào. Ra. Những hơi thở sâu. Tôi tự hỏi không hiểu bà có biết tôi nghĩ bà thật đẹp không.
- Ông sẽ ở lại với tôi một lúc chứ? - cuối cùng bà cũng yêu cầu.
Tôi mỉm cười gật đầu. Bà mỉm cười đáp lại. Bà với tay ra nắm lấy tay tôi thật nhẹ nhàng và kéo nó lên hông bà. Bà nhìn chăm chăm những khớp đốt cứng đờ làm biến dạng các ngón tay tôi và nhẹ nhàng vuốt ve chúng. Tay bà vẫn là tay của một thiên thần.
- Nào, - tôi nói khi đứng lên với một nỗ lực ghê gớm, - mình cùng đi dạo nào. Không khí khô và lạnh, lũ ngỗng đang chờ. Hôm nay trời đẹp. - Tôi nhìn bà chăm chú khi nói những câu cuối này.
Bà đỏ mặt lên. Điều này khiến tôi lại thấy mình trẻ lại.
Dĩ nhiên bà rất nổi tiếng. Một trong những họa sĩ miền Nam giỏi nhất của thế kỷ 20, có người nói thế, còn tôi đã và vẫn tự hào về bà. Không như tôi, phải vật vã để viết dù là những vần thơ đơn giản nhất, vợ tôi có thể tạo ra cái đẹp dễ dàng như Chúa Trời đã tạo ra trái đất. Những bức vẽ của bà ấy có trong các bảo tàng trên khắp thế giới, nhưng tôi đã giữ lại hai bức cho mình. Bức đầu tiên bà đưa cho tôi và bức cuối cùng. Chúng được treo trong phòng tôi, tối muộn hôm đó tôi ngồi xuống và nhìn chăm chú, đôi khi khóc khi nhìn chúng. Tôi chẳng biết tại sao.
Vậy là bao nhiêu năm đã trôi qua. Chúng tôi đã sống đời mình, làm việc, vẽ, nuôi con, yêu nhau. Tôi đã được thấy những tấm ảnh Giáng sinh, những chuyến đi của cả gia đình, những ngày lễ tốt nghiệp và những lễ cưới. Tôi được thấy các cháu và những gương mặt hạnh phúc. Tôi được thấy những tấm ảnh chúng tôi, tóc dần bạc đi, những đường nhăn trên mặt sâu hơn. Một cuộc đời có vẻ thật điển hình, ấy thế nhưng lại hiếm thấy.
Chúng tôi không thể thấy trước tương lai, nhưng ai có thể chứ? Tôi bây giờ không sống như tôi từng mong đợi. Mà tôi đã trông đợi gì nhỉ? Về hưu. Con cái mang các cháu đến thăm, có lẽ là du lịch nhiều hơn. Bà ấy luôn rất thích du lịch. Tôi từng nghĩ có lẽ mình sẽ bắt đầu một thú vui nào đó, không biết là gì, có lẽ là lắp ráp tàu. Trong chai. Nhỏ, nhiều chi tiết, bây giờ là bất khả với đôi tay tôi. Nhưng tôi không cay đắng.
Cuộc đời chúng tôi không thể đánh giá bằng những năm cuối cùng, về điều này tôi chắc chắn, nhưng tôi cho là lẽ ra từ lâu tôi phải thấy trước điều gì đang chờ mình ở cuối. Giờ nhìn lại thì thấy nó có vẻ rõ ràng, nhưng lúc đầu tôi nghĩ sự bối rối của bà là có thể hiểu được và thường gặp. Bà quên chỗ để chìa khóa, nhưng ai lại không bao giờ quên? Bà quên tên một người hàng xóm, nhưng không phải là ai đó chúng tôi biết rõ hay người chúng tôi hay giao thiệp. Thỉnh thoảng bà viết sai năm khi bà viết séc, nhưng lại một lần nữa tôi cho nó chỉ là kiểu nhầm lẫn đơn giản mà người ta vẫn mắc phải khi bận nghĩ về những điều khác.
Không phải đến tận khi những sự việc rõ ràng xảy ra tôi mới bắt đầu nghi ngờ về điều tồi tệ nhất. Bàn là trong tủ lạnh, quần áo trong máy rửa bát, sách trong lò nướng. Cả những việc khác nữa. Nhưng cái ngày tôi tìm thấy bà trong chiếc xe ở cách nhà ba dãy phố, đang khóc bên vô lăng vì không thể tìm ra đường về nhà là ngày đầu tiên tôi thật sự cảm thấy kinh sợ. Cả bà cũng hoảng sợ, vì khi tôi vỗ vào kính cửa của bà, bà quay sang tôi và nói, “Ôi trời ơi, điều gì xảy đến với em thế này? Xin hãy giúp em”. Dạ dày tôi thắt lại, nhưng tôi vẫn không dám nghĩ đến điều tồi tệ nhất.
Sáu ngày sau bác sĩ khám cho bà và bắt đầu một loạt xét nghiệm. Lúc đó tôi không hiểu chúng lắm và bây giờ cũng thế, nhưng tôi cho là vì tôi sợ phải biết. Bà ấy dành cả tiếng đồng hồ với bác sĩ Barnwell, hôm sau lại tới khám. Đó là ngày dài nhất mà tôi từng trải qua. Tôi lật qua hết các cuốn tạp chí mà không thể đọc, chơi đủ trò giải trí mà chẳng để tâm. Cuối cùng ông ấy gọi cả hai chúng tôi vào văn phòng và mời chúng tôi ngồi xuống. Bà ấy nắm lấy tay tôi đầy tin cậy, nhưng tôi nhớ rõ ràng khi ấy chính tay tôi thì đang run lên.
- Tôi rất tiếc phải cho ông bà biết điều này, - bác sĩ Barnwell bắt đầu, - nhưng có vẻ như bà đang ở giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer...
Tâm trí tôi trở nên trống rỗng, tất cả những gì tôi có thể nghĩ tới là bóng đèn sáng rực trên đầu chúng tôi. Những lời ấy vang vọng trong đầu tôi: giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer...
Thế giới của tôi quay cuồng chao đảo, tôi cảm thấy bà ấy siết chặt cánh tay tôi. Bà thì thầm, gần như với chính mình: “Ôi, Noah... Noah...”.
Và khi nước mắt bắt đầu rơi, từ ấy lại quay lại với tôi: ... bệnh Alzheimer...
Nó là một căn bệnh mang lại sự cằn cỗi, trống rỗng và chết chóc như một sa mạc. Nó là kẻ chuyên đánh cắp trái tim, tâm hồn và ký ức. Tôi không biết phải nói gì khi bà thổn thức trong lòng tôi, vì thế tôi chỉ ôm lấy bà mà khẽ đung đưa.
Ông bác sĩ ngồi im. Ông ta là một người tốt, và việc này thật khó khăn với ông. Ông ta trẻ hơn cả đứa con út của chúng tôi, và tôi cảm thấy tuổi ác của mình trong sự hiện diện của ông ta. Tâm trí tôi bối rối, tình yêu của tôi đang run lên, và điêu duy nhất tôi có thể nghĩ đến là:
Không kẻ chết đuối nào biết đâu là giọt nước nơi...
Hơi thở cuối cùng của mình ngưng lại...
Lời của một nhà thơ thông thái, nhưng cũng chẳng đem lại cho tôi chút thư thái nào. Tôi không biết nó có nghĩa gì, hoặc tại sao tôi lại nghĩ về nó.
Chúng tôi cứ đung đưa một lúc, và Allie, giấc mơ của tôi, người đẹp mãi mãi của tôi, nói với tôi rằng bà ấy xin lỗi. Tôi biết mình chẳng có gì mà tha thứ, và tôi thì thầm vào tai bà. “Mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi”. Tôi thì thầm, nhưng sâu thẳm bên trong tôi lo sợ. Tôi là một kẻ trống rỗng chẳng có gì để cho bà, trống trơn như một chiếc ống khói bỏ đi.
Tôi chỉ còn nhớ vài phần trong những lời giải thích tiếp theo của bác sĩ Barnwell.
“Đó là một rối loạn thoái hóa não làm ảnh hưởng đến trí nhớ và tâm tính... không có cách chữa trị... Không có cách nào biết được nó sẽ tiến triển nhanh hay chậm ra sao... Một số ngày sẽ tốt hơn những ngày khác... Nó sẽ trở nên rất tệ theo thời gian... Tôi rất tiếc là người phải nói cho ông bà...
Tôi rất tiếc...
Tôi rất tiếc...
Tôi rất tiếc...
Ai cũng rất tiếc. Các con chúng tôi tan nát cõi lòng, bạn bè tôi lo sợ cho bản thân họ. Tôi không nhớ đã rời khỏi văn phòng bác sĩ như thế nào, cũng không nhớ đã lái xe về nhà như thế nào. Ký ức của tôi về ngày hôm đó đã biến mất hết, về việc này vợ tôi và tôi như nhau.

Đã bốn năm rồi. Kể từ đó chúng tôi luôn cố gắng hết sức, nếu có thể. Allie tổ chức cũng như sắp đặt mọi thứ. Bà sắp xếp để rời khỏi căn nhà và chuyển đến đây. Bà viết lại di chúc và niêm phong nó. Bà để lại những lời hướng dẫn về chuyện chôn cất rất cụ thể, chúng đang ở trên bàn tôi, trong ngăn kéo cuối cùng. Tôi vẫn chưa xem. Khi đã xong xuôi, bà bắt đầu viết. Những bức thư gửi bạn bè và con cái. Những bức thư gửi anh chị em và họ hàng. Những bức thư gửi cháu trai cháu gái và hàng xóm. Và một lá thư cho tôi.
Đôi khi tôi đọc nó khi có tâm trạng, và lúc đó, tôi nhớ lại một Allie trong những buổi tối mùa đông lạnh giá, ngồi bên lò sưởi rừng rực lửa với một cốc rượu vang ở bên, đọc những lá thư tôi viết cho bà ấy từ nhiều năm trước. Bà giữ chúng, những bức thư ấy, và bây giờ tôi giữ chúng, vì bà đã bắt tôi hứa sẽ làm thế. Bà nói tôi sẽ biết cần phải làm gì với chúng. Bà đã đúng; tôi thấy mình vui thích đọc từng phần trong nó cũng như bà đã từng vui thích. Chúng làm tôi suy nghĩ, những bức thư ấy, vì khi tôi xem xét chúng, tôi nhận ra rằng sự lãng mạn và đắm say luôn khả thi dù ở bất kỳ tuổi nào. Tôi thấy Allie bây giờ và thấy mình chưa bao giờ yêu bà ấy nhiều hơn lúc này, nhưng khi đọc những bức thư ấy, tôi nhận ra rằng lúc nào tôi cũng cảm thấy như thế.
Tối ba hôm trước tôi đã đọc chúng, rất lâu sau khi tôi lẽ ra phải đi ngủ rồi. Lúc ấy là gần hai giờ, tôi đi đến chỗ bàn và tìm thấy tập thư, dày và cao và cũ nát. Tôi cởi nút buộc, chính nó cũng đã năm mươi năm tuổi, và thấy những bức thư mẹ bà đã giấu bao nhiêu năm trước và những bức thư sau đó. Một đời của những bức thư, những bức thư bày tỏ tình yêu của tôi, những bức thư từ trái tim tôi. Tôi liếc nhìn qua chúng với một nụ cười trên môi, cầm chúng lên và chọn, và cuối cùng mở lá từ lần kỷ niệm một năm ngày cưới của chúng tôi.
Tôi đọc một đoạn trích:

Khi anh nhìn em bây giờ - cử động từ từ với một sự sống mới đang lớn lên trong mình - anh mong rằng em biết em có ý nghĩa với anh biết bao, và năm nay đã thật đặc biệt như thế nào. Không có người nào được trời thương như anh, và anh yêu em với cả trái tim mình.

Tôi đặt nó sang một bên, lướt qua xấp thư, và tìm thấy một lá khác, lá này từ một buổi tối lạnh lẽo ba mươi chín năm trước.

Ngồi cạnh em, trong khi con gái út của chúng ta đang hát lạc điệu trong buổi biểu diễn Giáng sinh của trường, anh nhìn em và thấy một niềm tự hào chỉ đến với những người cảm động sâu sắc trong tim, và anh biết rằng không ai có thể may mắn hơn anh.

Và sau khi con trai chúng tôi chết, đứa con trai giống hệt mẹ nó... Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất mà chúng tôi từng trải qua, và những câu chữ ấy vẫn còn rung lên rất thật ngày hôm nay:

Trong những khoảng thời gian của buồn đau và thương tiếc, anh sẽ ôm em vỗ về, lấy đi nỗi buồn thương của em và biến nó thành của anh. Khi em khóc, anh khóc, và khi em đau, anh đau. Và cùng nhau, ta sẽ cố gắng ngăn lại dòng lũ nước mắt và tuyệt vọng này và sẽ vượt qua những con phố cuộc đời lắm chông gai.

Tôi dừng lại một lúc, nhớ tới con trai. Lúc ấy nó mới bốn tuổi, chỉ là một đứa bé. Tôi sống lâu hơn nó hai mươi lần, nhưng nếu được hỏi, tôi sẽ đổi cuộc đời tôi cho nó. Thật là một điều kinh khủng khi sống lâu hơn con mình, một bi kịch mà tôi ước gì không ai phải chịu.
Tôi làm hết sức để giữ cho nước mắt khỏi dâng lên, chọn lọc thư thêm một chút để tâm trí mình rõ ràng hơn, và tìm thấy bức thư tiếp theo từ lễ kỷ niệm ngày cưới thứ hai mươi của chúng tôi, nghĩ tới nó sẽ dễ dàng hơn:

Khi anh nhìn em, em yêu của anh, với mớ tóc rối bù và đôi mắt mệt mỏi vào buổi sáng trước khi đi tắm hay trong studio phủ đầy những màu vẽ, anh biết rằng em là người phụ nữ đẹp nhất trên đời này.

Chúng cứ tiếp tục, những bức thư của cuộc sống và tình yêu ấy, tôi lại đọc thêm chục lá nữa, một số đau đớn, phần lớn làm ấm lòng. Đến ba giờ sáng tôi đã mệt nhoài, nhưng tôi với lấy cuối xấp thư. Còn một lá thư, lá cuối cùng tôi viết cho bà ấy, và đến lúc đó tôi biết tôi cần phải đọc tiếp.
Tôi nhấc dấu niêm phong lên và nhấc cả hai trang lên. Tôi đặt trang thứ hai sang một bên và cầm trang thứ nhất lên chỗ có nhiều ánh sáng hơn và bắt đầu đọc:

Allie thương yêu của anh,
Hàng hiên đang yên lặng, chỉ còn tiếng vọng đến từ bóng đêm, và lần đầu tiên anh thấy bất lực với ngôn từ. Đó là một trải nghiệm kỳ lạ đối với anh, vì khi anh nghĩ về em và cuộc đời mà chúng ta đã cùng chia sẻ, có thật nhiều điều để nhớ lại. Những ký ức của cả một đời người. Nhưng để diễn đạt chúng bằng ngôn từ ư? Anh không biết anh có thể làm thế không nữa. Anh không phải là một nhà thơ, mà phải cần đến một bài thơ mới có thể diễn đạt đầy đủ cảm giác của anh về em.
Vậy là tâm trí anh phiêu dạt, anh nhớ là ban sáng khi pha cà phê anh đã nghĩ về cuộc sống bên nhau của chúng ta. Kate cũng ở đó, cả Jane, và cả hai đứa trở nên lặng im khi anh đi vào trong bếp. Anh thấy chúng đang khóc, không nói một lời nào, anh ngồi xuống cạnh chúng bên bàn và nắm lấy tay chúng. Và em có biết anh thấy gì khi nhìn chúng không? Anh thấy em của ngày xưa, cái ngày chúng ta nói lời chia tay ấy. Chúng giống hệt em hồi đó, xinh đẹp và nhạy cảm, bị tổn thương vì nỗi đau khi một điều đặc biệt bị tước đi. Và vì lý do nào đó mà chính anh cũng không chắc mình có thể hiểu, anh thấy mình khao khát muốn kể cho chúng nghe một chuyện.
Anh gọi Jeff và David vào bếp, vì chúng cũng ở đó cả, khi các con đã sẵn sàng, anh kể cho chúng nghe về chúng ta về việc em đã trở lại với anh như thế nào cái thời xa xưa ấy. Anh kể cho chúng nghe về cuộc đi dạo của chúng mình, bữa tối với món cua trong bếp, chúng lắng nghe với nụ cười khi nghe về chuyến đi thuyền, về chuyện ngồi trước lò sưởi khi cơn bão ngoài trời đang gầm thét. Anh cũng kể cho chúng nghe về việc ngày hôm sau mẹ em đến cảnh báo cho chúng ta biết về Lon - chúng cũng có vẻ ngạc nhiên như chúng ta hồi đó - và đúng, anh còn kể cho chúng nghe điều gì đã xảy ra sau đó vào ngày hôm ấy, sau khi em trở lại nhà trọ.
Phần câu chuyện đó chưa bao giờ rời khỏi tâm trí anh, kể cả sau này biết bao nhiêu thời gian đã qua như thế. Mặc dù anh không có ở đó, sau này em đã tả lại cho anh nghe, và anh nhớ mình đã kinh ngạc đến thế nào trước sự mạnh mẽ mà em đã thể hiện hôm ấy. Anh vẫn không thể hình dung ra điều gì đã xuất hiện trong tâm trí em khi em bước vào sảnh và nhìn thấy Lon, cảm giác của em khi nói chuyện với anh ta thế nào. Em kể cho anh nghe rằng hai người rời quán trọ ra ngồi bên một chiếc ghế dài bên cạnh ngôi nhà thờ Giám lý cũ kỹ, rằng anh ta nắm tay em, kể cả khi em giải thích rằng em cần phải ở lại.
Anh biết em quan tâm đến anh ta. Phản ứng của anh ta đã chứng minh cho anh thấy anh ta cũng quan tâm đến em. Không, anh ta không thể hiểu được việc vì sao lại mất em, nhưng làm sao anh ta có thể hiểu được chứ? Thậm chí kể cả khi em giải thích rằng em vẫn luôn yêu anh, rằng như thế sẽ không công bằng với anh ta, anh ta vẫn không buông tay em ra. Anh biết anh ta đau đớn và tức giận, và cố gắng suốt cả tiếng đồng hồ để làm em đổi ý, nhưng khi em đứng thẳng dậy và nói, “Em không thể trở về với anh, em xin lỗi”, anh ta biết rằng em đã quyết định. Em kể khi ấy anh ta chỉ gật đầu và cả hai người bọn em ngồi đó cùng nhau thêm một lúc lâu mà không nói gì. Anh luôn tự hỏi anh ta đã nghĩ gì khi ngồi bên em lúc đó, nhưng anh chắc đó cũng chỉ như những gì vài tiếng trước anh vừa cảm thấy thôi. Và khi cuối cùng anh ta cũng đưa em ra xe, em kể rằng anh ta bảo anh là một gã may mắn. Anh ta đã cư xử như một quý ông, lúc đó anh hiểu tại sao sự lựa chọn của em lại khó khăn đến thế.
Anh nhớ khi anh kể xong câu chuyện ấy, căn phòng đã yên lặng cho đến khi Kate cuối cùng đứng lên để ôm chầm lấy anh. “Ôi, bố”, con bé nói, mắt lấp lánh nước, và mặc dù anh đã chờ đợi việc phải trả lời những câu hỏi của chúng, chúng không hề hỏi câu nào. Thay vì thế chúng lại trao cho anh một thứ còn đặc biệt hơn nhiều.
Suốt bốn tiếng sau đó từng đứa một đã nói với anh rằng chúng ta, hai chúng ta, đã có ý nghĩa thế nào trong sự trưởng thành của chúng. Từng đứa một kể lại những câu chuyện mà anh đã từ lâu lãng quên. Đến cuối cùng, anh đã khóc vì anh nhận ra chúng ta đã nuôi dạy con thật tốt. Anh thật tự hào về các con, tự hào về em, hạnh phúc về cuộc đời mà chúng ta đã sống. Sẽ chẳng có gì có thể lấy đi những điều đó cả. Chẳng có gì. Anh chỉ ước gì em có thể ở đây để hưởng niềm vui ấy với anh.
Sau khi các con đi rồi, anh ngồi đung đưa trong lặng im, nghĩ lại cuộc sống mà chúng ta đã cùng nhau chia sẻ. Em đã luôn bên anh khi anh sống ở đây, ít nhất là trong trái tim anh, anh không thể nhớ nổi một quãng thời gian nào mà không có em trong đó. Anh không biết anh sẽ ra sao nếu ngày hôm ấy em không trở lại, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn anh sẽ sống và chết với những nuối tiếc mà ơn trời thực tế là anh sẽ không bao giờ phải biết nữa.
Anh yêu em, Allie. Anh là anh bây giờ nhờ có em. Em là tất cả lý lẽ sống, hy vọng và giấc mơ mà anh có, và dù có gì xảy đến với chúng ta trong tương lai, mỗi ngày ta bên nhau đều là một ngày tuyệt vời nhất cuộc đời anh. Anh sẽ luôn luôn là của em.
Và, em yêu, em sẽ luôn luôn là của anh.
Noah.

Tôi đặt bức thư sang một bên và nhớ lại lần ngồi bên Allie trên hiên khi lần đầu tiên bà đọc nó. Đó là một buổi chiều tà với những dải đỏ cắt ngang bầu trời mùa hạ, những gì còn lại của ban ngày đang dần mờ nhạt đi. Bầu trời từ từ đổi màu, và khi ngắm nhìn mặt trời lặn xuống, tôi nhớ mình đã nghĩ về cái khoảnh khắc ngắn ngủi lập lòe khi ngày bỗng nhiên biến thành đêm.
Lúc ấy tôi nhận ra bóng tối chỉ là một ảo ảnh vì mặt trời vẫn tồn tại, hoặc là ở phía trên, hoặc là ở phía dưới đường chân trời. Điều đó có nghĩa rằng ngày và đêm đang nối với nhau theo một cách mà rất ít thứ trên đời có thể; không thể nào thiếu vắng nhau, nhưng cũng không thể cùng đồng thời xuất hiện. Tôi nhớ mình đã tự hỏi cái cảm giác ấy thế nào, cảm giác khi luôn bên nhau mà muôn đời xa cách?
Giờ nghĩ lại, tôi thấy thật mỉa mai là bà đã chọn đọc bức thư ấy vào chính cái khoảnh khắc câu hỏi đó lóe lên trong đầu tôi. Dĩ nhiên thật là mỉa mai, vì bây giờ tôi đã biết câu trả lời rồi. Giờ tôi đã biết làm ngày và đêm thì thế nào; luôn bên nhau, muôn đời xa cách.
Nơi chúng tôi ngồi chiều nay thật đẹp, Allie và tôi. Đây là đỉnh cao của cuộc đời tôi. Tất cả chúng đều ở chỗ con lạch: lũ chim, lũ ngỗng, các bạn của tôi. Thân chúng nổi trên làn nước mát phản chiếu bóng những sắc màu của chúng đã khiến chúng to lớn hơn kích cỡ thật sự. Allile cũng bị cuốn hút bởi sự kỳ diệu của chúng, dần dà, chúng tôi lại thấy thân thiết với nhau.
- Thật vui khi nói chuyện với bà. Tôi thấy nhớ rồi đấy, dù mình cũng chỉ vừa nói chuyện cách đây không bao lâu.
Tôi rất chân thành và bà ấy biết thế, nhưng bà vẫn thận trọng. Tôi là một người lạ.
- Đây có phải là việc chúng ta vẫn thường làm không? - bà ấy hỏi. - Chúng ta thường ngồi đây và hay ngắm lũ chim lắm à? Ý tôi là, chúng ta có biết nhau rõ lắm không?
- Vừa có vừa không. Tôi nghĩ ai cũng có bí mật, nhưng chúng ta đã biết nhau nhiều năm rồi.
Bà ấy nhìn tay mình, rồi đến tay tôi. Bà ấy suy nghĩ một lúc, ở góc này gương mặt bà như trẻ lại. Chúng tôi không đeo nhẫn. Lại một lần nữa, việc này cũng có lý do. Bà ấy hỏi:
- Ông đã bao giờ lấy vợ chưa?
Tôi gật đầu.
- Rồi.
- Cô ấy như thế nào?
Tôi kể sự thật.
- Cô ấy là giấc mơ của tôi. Cô ấy đã tạo ra con người tôi như ngày hôm nay, đối với tôi việc ôm cô ấy trong vòng tay còn tự nhiên hơn là nhịp đập tim mình. Lúc nào tôi cũng nghĩ về cô ấy. Kể cả bây giờ, khi ngồi đây, tôi cũng đang nghĩ về cô ấy. Chẳng bao giờ có một người nào khác.
Bà ấy tiếp nhận thông tin đó. Tôi không biết bà ấy cảm thấy thế nào. Cuối cùng bà nói rất khẽ, giọng bà ấy như của một thiên thần và đầy rung cảm. Tôi tự hỏi liệu bà ấy có biết tôi nghĩ như thế không.
- Cô ấy chết rồi ư?
Cái chết là gì nhỉ? Tôi tự hỏi, nhưng tôi không nói ra. Thay vì thế tôi đáp.
- Vợ tôi vẫn sống trong tim tôi. Sẽ luôn như thế.
- Ông vẫn yêu cô ấy, đúng không?
- Đương nhiên là thế. Nhưng tôi yêu nhiều thứ lắm. Tôi yêu việc ngồi đây với bà. Tôi yêu việc được chia sẻ vẻ đẹp của nơi này với ai đó mà tôi quan tâm. Tôi yêu việc ngắm nhìn lũ chim ưng nhào xuống phía con lạch và tìm thấy bữa tối của mình.
Bà ấy im lặng một lúc. Bà nhìn đi chỗ khác nên tôi không thấy được mặt bà. Đó là thói quen của bà ấy nhiều năm rồi.
- Tại sao ông lại làm việc này?
Không sợ, chỉ là tò mò. Như thế tốt. Tôi biết ý bà muốn nói gì, nhưng tôi vẫn hỏi.
- Việc gì cơ?
- Tại sao ông lại dành cả ngày bên tôi?
Tôi mỉm cười.
- Tôi ở đây vì đây là nơi tôi cần phải ở. Có gì phức tạp đâu. Cả bà và tôi đều đang thư giãn và vui vẻ. Đừng bỏ đi thời gian tôi bên bà - nó không bị phí hoài đâu. Đó là điều tôi muốn. Tôi ngồi đây, chúng ta nói chuyện và tôi thầm nghĩ: Có gì có thể hay hơn việc tôi đang làm đây?
Bà ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, và trong một thoáng, chỉ một khoảnh khắc thôi, mắt bà ánh lên. Một nụ cười nhẹ nhàng hình thành trên môi bà.
- Tôi thích ở bên ông, nhưng nếu điều ông muốn là làm tôi tò mò thì ông đã thành công rồi đấy. Tôi thừa nhận là tôi thích ở bên ông, nhưng tôi sẽ chẳng biết gì về ông cả. Tôi không hề trông đợi ông sẽ kể cho tôi nghe chuyện của đời ông, nhưng tại sao ông lại có vẻ bí ẩn thế?
- Tôi đã có lần đọc thấy rằng phụ nữ ưa những người lạ bí ẩn.
- Đấy, ông thật sự không trả lời vào câu hỏi. Ông không trả lời phần lớn các câu hỏi của tôi. Thậm chí sáng nay ông còn không kể cho tôi nghe xem câu chuyện đó cuối cùng kết thúc thế nào nữa.
Tôi nhún vai. Chúng tôi ngồi im lặng một lúc. Cuối cùng tôi hỏi:
- Thế có thật không?
- Cái gì có thật không?
- Rằng phụ nữ thích những người lạ bí ẩn?
Bà ấy suy nghĩ về điều đó và cười to. Rồi bà trả lời đúng như tôi nghĩ.
- Tôi nghĩ một số phụ nữ như vậy.
- Bà có thế không?
- Đừng có nhằm vào tôi như thế đi. Tôi đâu có biết rõ ông mà trả lời câu đó.
Bà ấy trêu tôi và tôi thích thế.
Chúng tôi ngồi lặng lẽ ngắm thế giới xung quanh. Chúng tôi đã phải mất cả đời để học được điều này. Dường như chỉ có những người già mới có thể ngồi bên nhau, không nói gì mà vẫn cảm thấy bằng lòng. Thanh niên, táo tợn và không kiên nhẫn, hẳn sẽ luôn phá vỡ sự im lặng. Đấy là một sự lãng phí, vì sự yên lặng thật tinh khiết. Sự yên lặng thật trong sạch. Nó kéo người ta lại gần nhau vì chỉ có những người cảm thấy thoải mái với nhau mới có thể ngồi bên nhau mà không nói gì. Đó là một nghịch lý vĩ đại.
Thời gian trôi qua, dần dần hơi thở của chúng tôi hòa cùng một nhịp cũng giống như sáng nay. Những hơi thở sâu, thư giãn, rồi trong một thoáng bà ấy chợp mắt lơ mơ như những người cảm thấy thoải mái bên người khác thường làm. Tôi tự hỏi liệu bọn thanh niên có thể thưởng thức điều ấy không nhỉ. Cuối cùng, khi bà tỉnh giấc, một điều kỳ diệu xuất hiện.
- Ông có nhìn thấy con chim kia không?
Bà chỉ vào nó, và tôi căng mắt ra nhìn. Thật kỳ diệu khi tôi nhìn thấy nó, nhưng tôi nhìn được là nhờ ánh mặt trời rất sáng. Tôi cũng chỉ tay theo.
- Chim Caspian Stern, - tôi nói khẽ, rồi chúng tôi tập trung chú ý vào con chim và nhìn chăm chú khi nó lướt qua lạch Brices. Và, như một thói quen cũ được khám phá lại, khi hạ thấp cánh tay xuống, tôi đặt bàn tay lên đầu gối bà nhưng bà ấy không bắt tôi phải bỏ tay ra.
Bà ấy đúng về việc tôi hay lảng tránh. Vào những ngày như thế này, khi chỉ có trí nhớ của bà ấy ra đi, tôi trả lời thật mơ hồ vì suốt bao nhiêu năm qua tôi đã vô tình làm tổn thương vợ tôi bằng nhiều lần lỡ lời vô ý, và tôi quyết tâm không để điều đó xảy ra nữa. Vậy là tôi tự giới hạn chính mình và chỉ trả lời những gì được hỏi, đôi khi chỉ trả lời cho qua, và tôi không tự động kể chuyện gì.
Đó là một quyết định hai mặt, vừa tốt vừa xấu, nhưng cần thiết, vì cùng với nhận thức, nỗi đau sẽ đến. Để hạn chế nỗi đau, tôi tự hạn chế các câu trả lời của mình.
Sẽ có những ngày bà ấy chẳng bao giờ nhận ra các cháu của mình hay nhận ra rằng chúng tôi đã cưới nhau. Tôi rất đau lòng khi chứng kiến điều ấy, nhưng tôi sẽ không đổi ý đâu.
Việc này có làm tôi trở nên thiếu trung thực không? Có lẽ có, nhưng tôi đã từng nhìn thấy bà ấy tan nát dưới dòng thác thông tin về chính cuộc đời bà. Tôi có thể nào nhìn mình trong gương mà mắt không đỏ và hàm không run lên khi biết rằng mình đã quên hết mọi điều quan trọng trong đời? Tôi không thể làm thế, và bà ấy cũng vậy, vì khi cuộc vạn lý trường chinh này bắt đầu, tôi sẽ lại khởi đầu như thế. Cuộc đời của bà ấy, cuộc hôn nhân của bà ấy, các con của bà ấy. Bạn bè của bà ấy và công việc của bà ấy. Những câu hỏi và trả lời trong một dạng trò chơi truyền hình có tên là “Đây là đời bạn”.
Những ngày ấy thật khó khăn với cả hai chúng tôi. Tôi bỗng trở thành một cuốn bách khoa thư, một vật thể không có cảm giác, từ điển giải đáp những câu hỏi ai, cái gì và ở đâu về những sự kiện trong đời bà ấy, trong khi trên thực tế chính những câu hỏi tại sao, những gì tôi không biết và không thể trả lời, mới là điều khiến tất cả những điều ấy có giá trị. Bà ấy sẽ nhìn chằm chằm vào những bức ảnh của đám con cháu mà mình đã quên, cầm những cây cọ vẽ giờ đã chẳng hề gợi cảm hứng, đọc những bức thư tình chẳng còn đem lại niềm vui. Bà ấy sẽ yếu dần đi từng giờ, càng ngày càng xanh tái, trở nên cay đắng, và mỗi ngày lại kết thúc tồi tệ hơn lúc khởi đầu. Tháng ngày của chúng tôi đã mất, bà ấy cũng thế. Và thật ích kỷ làm sao, tôi cũng vậy.
Vậy là tôi thay đổi. Tôi trở thành Magellan hay Columbus, một nhà thám hiểm những bí ẩn của tâm trí, và tôi nhận thức được, tuy chậm chạp và vụng về, nhưng dù sao cũng vẫn nhận thức được rằng mình cần phải làm gì. Và tôi nhận thức ra cái điều vốn rất rõ ràng đối với một đứa trẻ. Rằng cuộc đời chỉ đơn giản là một tập hợp những cuộc đời nhỏ, mỗi ngày ta sống hết một cuộc đời ấy. Rằng ta nên dành mỗi ngày để tìm ra vẻ đẹp ở hoa lá, thơ ca và chuyện trò cùng động vật. Rằng một ngày dành cho việc mơ màng, cho hoàng hôn và những cơn gió nhẹ trong lành sẽ tuyệt đến không thể tuyệt hơn. Nhưng trên hết, tôi nhận ra rằng cuộc sống là ngồi trên ghế dài bên những con lạch cổ xưa với bàn tay đặt trên đầu gối bà ấy, và đôi khi, vào những ngày đẹp trời, sống là để yêu.
- Ông đang nghĩ gì thế? - bà ấy hỏi.
Lúc này trời đã chạng vạng tối. Chúng tôi rời khỏi chiếc ghế dài và đi dọc theo những con đường mòn sáng đèn chạy quanh co quanh khu nhà. Bà ấy đang khoác tay tôi, tôi hộ tống bà ấy. Chính bà ấy nảy ra ý đó. Có lẽ bà ấy bị tôi mê hoặc. Có lẽ bà ấy muốn giữ tôi khỏi ngã. Dù thế nào đi nữa thì tôi cũng tự mỉm cười với chính mình.
- Tôi đang nghĩ về bà.
Bà ấy không đáp, chỉ siết chặt cánh tay tôi, rõ là bà thích điều tôi nói. Những năm sống bên nhau đã khiến tôi có thể thấy những dấu hiệu thể hiện cảm xúc của bà ấy, kể cả khi chính bà ấy cũng không để ý. Tôi tiếp tục:
- Tôi biết bà không thể nhớ ra bà là ai, nhưng tôi thì có thể, và tôi nhận ra rằng khi nhìn bà, tôi cảm thấy thật dễ chịu.
Bà ấy vỗ nhẹ vào cánh tay tôi và mỉm cười.
- Ông là một người tốt với một trái tim giàu tình yêu. Hy vọng là trước đây tôi cũng thích ông như bây giờ.
Chúng tôi đi thêm vài bước. Cuối cùng bà ấy nói:
- Tôi phải nói cho ông biết một điều.
- Nói đi.
- Tôi nghĩ tôi có một người hâm mộ.
- Một người hâm mộ?
- Phải.
- À há.
- Ông không tin tôi à?
- Tôi tin bà.
- Ông phải tin chứ.
- Tại sao?
- Vì tôi nghĩ đó chính là ông.
Tôi nghĩ về điều này trong khi chúng tôi đi dạo trong lặng im, khoác tay nhau đi qua các phòng, đi qua sân. Đến chỗ khu vườn toàn hoa dại, tôi giữ bà ấy lại. Tôi hái một bó hoa - đỏ, hồng, tím, vàng. Tôi đưa bó hoa cho bà ấy, bà dưa lên mũi. Bà ngửi chúng, mắt nhắm lại và thì thầm, “Đẹp quá”. Chúng tôi lại đi dạo tiếp, một tay bà khoác tay tôi, một tay cầm hoa. Mọi người nhìn chúng tôi, vì chúng tôi là một điều kỳ diệu bằng xương bằng thịt, hay ít nhất thì người ta cũng bảo tôi vậy. Cũng đúng, theo cách nào đó, mặc dù thường thì tôi cũng chẳng lấy thế làm may mắn.
- Bà nghĩ đó là tôi ư? - cuối cùng tôi cũng hỏi.
- Ừ.
- Tại sao?
- Vì tôi đã tìm thấy thứ ông giấu.
- Cái gì thế
- Cái này, - bà ấy nói, đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ. - Tôi tìm thấy nó dưới gối.
Tôi đọc, và tờ giấy ghi thế này:

Dù thân thể chậm chạp đi
cùng nỗi đau khủng khiếp,
Dẫu tháng ngày chúng ta khép lại,
lời hứa tôi vẫn sẽ còn nguyên
Dịu dàng chạm tay, một nụ hôn
Tình yêu sẽ lại hân hoan thức giấc.

- Còn gì nữa không? - tôi hỏi.
- Tôi tìm thấy cái này trong túi áo khoác của tôi.
Linh hồn ta là một,
và sẽ không tách rời
Cùng bình minh huy hoàng
gương mặt em bừng sáng
Ta vươn tay tìm em
Tim mình ta tìm thấy.
- Tôi hiểu, - đó là tất cả những gì tôi nói.
Chúng tôi đi dạo khi mặt trời lặn xuống thấp hơn trên bầu trời. Dần dần, ánh chạng vạng màu bạc là thứ duy nhất còn lại của ban ngày, nhưng chúng tôi vẫn nói chuyện về thơ ca. Bà ấy say mê sự lãng mạn.
Đến khi chúng tôi về đến cửa thì tôi đã mệt phờ. Bà ấy biết thế, vì thế bà dùng bàn tay ngăn tôi lại rồi xoay tôi ra đối diện với bà. Tôi quay ra và nhận ra rằng mình đã còng xuống đến mức nào. Bây giờ bà ấy và tôi cao bằng nhau. Đôi khi tôi mừng vì bà không biết tôi đã thay đổi đến nhường nào. Bà ấy quay sang tôi và nhìn chăm chú một lúc lâu.
- Bà đang nhìn gì thế? - tôi hỏi.
- Tôi không muốn quên ông hay quên ngày hôm nay, và tôi đang cố lưu giữ lại ký ức về ông.
Lần này có hiệu quả không? Tôi tự hỏi, rồi biết rằng không. Không thể. Tuy nhiên tôi không thẻ cho bà biết những suy nghĩ của mình. Tôi chỉ mỉm cười vì những câu nói của bà thật ngọt ngào.
- Cảm ơn bà, - tôi nói.
- Tôi thực sự cảm thấy thế. Tôi không muốn lại quên ông. Ông rất đặc biệt đối với tôi. Tôi không biết hôm nay tôi sẽ làm gì nếu không có ông.
Cổ họng tôi nghẹn lại một chút. Có cảm xúc đằng sau những gì bà ấy nói, những xúc cảm mà tôi cảm thấy mỗi khi nghĩ về bà. Tôi biết điều này là lý do tại sao tôi sống, và lúc này đây tôi yêu bà ấy tha thiết. Tôi ước gì mình đủ mạnh khỏe để bế bà ấy trong vòng tay đến tận thiên đường.
- Đừng cố gắng nói gì, - bà ấy bảo tôi. - Mình cùng nhau cảm nhận khoảnh khắc này đi.
Tôi làm theo, cảm thấy cả thiên đường.
Bệnh của bà ấy bây giờ nặng hơn lúc đầu, mặc dù Allie khác với hầu hết những người bệnh khác. Ở đây có ba người khác cũng mắc Alzheimer, ba trường hợp này là toàn bộ kinh nghiệm thực tế của tôi về nó. Họ, không như Allie, đều đang ở những giai đoạn nặng nhất và gần như hoàn toàn lạc thần. Họ thức giấc trong tình trạng bị ảo giác và lẫn lộn. Họ lặp đi lặp lại các câu nói của mình. Hai trong số họ không thể tự ăn và sẽ sớm qua đời. Người thứ ba có xu hướng đi lang thang rồi bị lạc. Có lần người ta đã tìm thấy bà này trong xe của một người lạ cách đó gần nửa cây số. Kể từ đó bà ấy bị cột vào giường. Bọn họ đôi khi rất cay nghiệt, đôi khi lại như những đứa trẻ lạc đường, buồn bã và cô đơn. Hiếm hoi lắm họ mới nhận ra nhân viên trong viện hay những người yêu quý họ. Đó là một căn bệnh khó chịu, đó là lý do tại sao con cái họ và cả con tôi thấy chuyện thăm viếng thật khó khăn.
Dĩ nhiên Allie cũng có những vấn đề của riêng bà ấy, những vấn đề chắc sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Sáng nào bà ấy cũng thấy sợ hãi khủng khiếp và khóc không nguôi. Bà ấy nhìn thấy những người bé tí xíu, như lũ quỷ lùn, chắc thế, ngắm nhìn bà ấy, và bà la hét đuổi chúng đi. Bà sẵn lòng đi tắm, nhưng ăn không đều đặn lắm. Bây giờ bà ấy gầy guộc, quá gầy guộc, theo ý tôi là thế, và cứ có cơ hội là tôi lại cố hết sức vỗ cho bà ấy béo lên.
Nhưng bà ấy chỉ tương đồng với những bệnh nhân kia đến đó thôi. Đó là lý do tại sao Allie được coi là một điều kỳ diệu, vì đôi khi, chỉ đôi khi thôi, sau khi tôi đọc cho bà ấy nghe, tình trạng của bà ấy lại bớt tệ đi. Chẳng có lời giải thích nào cho việc này. “Không thể nào”, các bác sĩ nói, “chắc bà ấy không bị Alzheimer rồi”. Nhưng đúng là bà ấy mắc bệnh thật. Vào hầu hết các ngày và vào tất cả các buổi sáng, chẳng có gì để nghi ngờ về điều đó. Về việc này chúng tôi đồng tình với nhau.
Nhưng thế thì tại sao tình trạng của bà ấy lại khác? Tại sao đôi khi bà ấy thay đổi sau khi tôi đọc cho bà ấy nghe? Tôi nói cho các bác sĩ biết lý do - tôi biết lý do ấy từ trái tim, nhưng họ không tin tôi. Thay vào đó, họ viện đến khoa học. Bốn lần các chuyên gia từ Chapel Hill đã đến để tìm câu trả lời. Bốn lần họ đã trở về mà không giải thích được. Tôi bảo họ, “Có lẽ các vị sẽ chẳng hiểu đâu nếu chỉ sử dụng kiến thức trong trường học và sách vở”. Nhưng họ lắc đầu và trả lời:
- Bệnh Alzheimer không như thế này. Ở giai đoạn bệnh như bà ấy, bà ấy sẽ không thể nói chuyện bình thường hay thấy khá hơn sau buổi sáng. Không bao giờ.
Nhưng bà ấy đã có thể. Không phải ngày nào cũng vậy, không phải phần lớn thời gian đều như vậy, và chắc chắn là ít hơn trước đây. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có thể. Và tất cả những gì bà ấy đánh mất trong những ngày này chỉ là trí nhớ, cứ như thể mắc chứng quên. Nhưng những xúc cảm cùa bà ấy rất bình thường, những suy nghĩ của bà ấy vẫn bình thường. Và đó là những ngày tôi biết tôi đang làm đúng.
Khi chúng tôi về lại phòng bà ấy thì bữa tối đã chờ sẵn. Nó đã được bố trí để chúng tôi có thể ăn luôn ở đây, như mọi khi vào những ngày như thế này, lại một lần nữa tôi không thể đòi hỏi gì hơn. Những con người ở đây đã chăm sóc mọi việc. Họ tốt với tôi, và tôi thấy thật biết ơn.
Ánh sáng dìu dịu, căn phòng được chiếu sáng nhờ hai cây nến trên bàn ăn, âm nhạc đang cất lên nhè nhẹ. Chén đĩa đều bằng nhựa, và bình rượu chỉ chứa đầy nước táo - quy định là quy định - nhưng bà ấy có vẻ chẳng mấy để tâm tới mấy chi tiết đó. Bà khẽ hít một hơi trước toàn bộ cảnh tượng. Mắt bà mở to.
- Ông làm việc này đấy à?
Tôi gật đầu và bà đi vào trong phòng.
- Trông đẹp quá.
Như một quý ông, tôi giơ cánh tay ra cho bà bám và dẫn bà đến chỗ cửa sổ. Bà không buông tay tôi ra kể cả khi chúng tôi đến đó. Thật dễ chịu khi bà chạm vào tay tôi, cứ thế chúng tôi đứng sát vào nhau giữa một buổi tối mùa xuân trong vắt. Cửa sổ hơi mở, tôi cảm thấy một làn gió nhẹ thổi qua má. Trăng đã lên, chúng tôi đứng ngắm một lúc lâu giữa bầu trời đêm rộng mở.
- Tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì đẹp như thế, tôi chắc chắn thế, - bà ấy nói, và tôi đồng tình với bà.
- Tôi cũng thế, - tôi nói, nhưng tôi đang nhìn bà.
Bà biết ý tôi muốn nói gì, tôi thấy bà mỉm cười. Một lúc sau bà thì thầm:
- Tôi nghĩ tôi biết Allie đã đến với ai ở đoạn cuối câu chuyện ấy rồi, - bà ấy nói.
- Bà biết ư?
- Ừ.
- Ai?
- Cô ấy đến với Noah.
- Bà có chắc không?
- Hoàn toàn chắc chắn.
Tôi mỉm cười và gật đầu.
- Đúng thế. - Tôi nói khẽ, và bà ấy mỉm cười đáp lại. Gương mặt bà ấy rạng rỡ.
Với một chút gắng sức, tôi kéo ghế mời bà ngồi. Bà ngồi xuống và tôi ngồi đối diện bà. Bà chìa bàn tay qua bàn và tôi nắm lấy nó, cảm thấy ngón cái của bà ngọ nguậy y như nhiều năm trước. Không nói gì, tôi nhìn bà chăm chú suốt một lúc lâu, sống và sống lại những khoảnh khắc của cuộc đời tôi, nhớ lại tất cả và làm cho nó sống động. Tôi cảm thấy cổ họng mình bắt đầu nghẹn lại, và lại một lần nữa tôi nhận ra mình đã yêu bà ấy đến thế nào. Giọng tôi run run khi cuối cùng tôi cũng cất tiếng.
- Bà thật đẹp, - tôi nói. Tôi có thể nhìn thấy trong mắt bà rằng bà biết tôi cảm thấy thế nào về bà, và tôi thật sự chân thành khi nói thế.
Bà không đáp. Thay vào đó bà cụp mắt xuống và tôi tự hỏi không biết bà ấy đang nghĩ gì. Bà ấy không cho tôi manh mối nào cả, tôi nhẹ nhàng bóp tay bà ấy. Tôi chờ đợi. Với tất cả những giấc mơ của mình, tôi biết trái tim bà ấy, và tôi biết tôi đã gần đến nơi rồi.
Và rồi, một điều kỳ diệu đã chứng minh rằng tôi đúng.
Khi Glenn Miller chơi nhạc khe khẽ trong căn phòng thắp nến ấy, tôi ngắm nhìn bà ấy dần dần nhượng bộ cảm giác bên trong mình. Tôi thấy một nụ cười ấm áp bắt đầu hình thành trên môi bà ấy, một nụ cười khiến cho mọi công sức đều xứng đáng, và tôi ngắm bà ấy ngước đôi mắt mơ màng lên nhìn mình. Bà ấy kéo lấy tay tôi.
- Ông thật tuyệt vời... - bà ấy nói khẽ, rồi ngừng lại, và vào chính khoảnh khắc ấy bà ấy lại yêu tôi, điều này tôi biết, vì tôi đã nhìn thấy những dấu hiệu ấy hàng nghìn lần rồi.
Bà ấy không nói gì thêm nữa, không cần phải nói, và bà ấy lại nhìn tôi với một cái nhìn từ một đời người nữa, cái nhìn khiến tôi lại sống trọn vẹn trở lại. Tôi mỉm cười lại với bà, với tất cả những đắm say mà tôi có thể tập hợp được, chúng tôi nhìn nhau đắm đuối với những cảm xúc trong lòng trào dâng như sóng đại dương. Tôi nhìn quanh phòng, rồi nhìn lên trần nhà, rồi lại nhìn Allie, cái cách bà ấy nhìn tôi khiến tôi thấy ấm lòng. Bỗng nhiên tôi lại cảm thấy mình trẻ trung trở lại. Tôi không còn lạnh hay đau nữa, hay bị còng xuống, hay bị biến dạng, hay mù dở vì đôi mắt bị đục thủy tinh thể.
Tôi lại khỏe mạnh, tự hào, là người đàn ông may mắn nhất còn sống, tôi cứ tiếp tục cảm thấy thế suốt một lúc lâu.
Đến khi nến đã cháy hết một phần ba, tôi mới sẵn sàng phá vỡ sự im lặng. Tôi nói:
- Anh yêu em sâu sắc, và anh hy vọng em biết điều ấy.
- Dĩ nhiên là em biết, - bà ấy không kịp thở - em luôn yêu anh, Noah.
Noah, tôi lại nghe thấy cái tên ấy, Noah. Từ ấy vẳng lại trong đầu tôi. Noah... Noah. Bà ấy biết, tôi nghĩ thầm, bà ấy biết tôi là ai...
Bà ấy biết...
Nó thật nhỏ bé, cái sự nhận biết ấy, nhưng đối với tôi, đó là một món quà từ Chúa Trời, và tôi lại cảm thấy cuộc đời chúng tôi sống cùng nhau, việc ôm bà ấy, yêu bà ấy, và ở bên bà ấy trong suốt những năm tháng tốt đẹp nhất của đời tôi.
Bà ấy thì thầm:
- Noah... Noah ngọt ngào của em...
Và tôi, kẻ không chấp nhận những lời của bác sĩ, lại đã chiến thắng vang dội, ít nhất là trong một lúc. Tôi thôi giả vờ bí ẩn, rồi hôn tay bà, áp bàn tay ấy lên má rồi thì thầm vào tai bà:
- Em là điều tuyệt vời nhất từng xảy đến với anh.
- Ôi... Noah, - bà ấy nói, mắt ngấn lệ, - em cũng yêu anh.
Giá như có thể kết thúc như thế này, tôi sẽ là một người đàn ông hạnh phúc.
Nhưng không như thế. Về điều này tôi chắc chắn, vì khi thời gian trôi qua, tôi bắt đầu thấy được các dấu hiệu lo lắng trên mặt bà.
- Có gì không ổn ư? - tôi hỏi, và câu trả lời của bà ấy đến thật khẽ khàng.
- Em sợ lắm. Em sợ sẽ lại quên anh. Thật không công bằng... em không thể chịu nổi việc phải từ bỏ những điều này...
Giọng bà ấy vỡ òa khi nói xong, nhưng tôi chẳng biết phải nói gì. Tôi biết buổi tối đang dần kết thúc, và tôi chẳng thể làm gì để ngăn cái điều tất yếu sẽ xảy ra. Về việc đó tôi là một sự thất bại. Cuối cùng tôi nói với bà ấy:
- Anh sẽ không bao giờ rời xa em. Những gì ta có là mãi mãi.
Bà ấy biết đó là tất cả những gì tôi có thể làm, vì cả hai chúng tôi đều không muốn có những lời hứa sáo rỗng. Nhưng tôi có thể đoán ra theo cái cách bà ấy đang nhìn tôi rằng một lần nữa bà ấy muốn nhiều hơn thế.
Lũ dế đã tấu lên khúc nhạc đêm, chúng tôi bắt đầu bữa tối. Không ai trong chúng tôi đói, nhưng tôi ăn làm gương, và bà làm theo. Bà ăn những miếng nhỏ và nhai rất lâu, nhưng tôi mừng khi nhìn thấy bà ấy ăn. Ba tháng qua bà ấy đã sụt cân quá nhiều.
Sau bữa tối, dù đã cố cưỡng lại nhưng tôi vẫn trở nên lo sợ. Tôi biết tôi nên vui tươi, vì sự tái hợp này là bằng chứng cho tình yêu vẫn có thể là của chúng tôi, nhưng tôi biết tối nay chuông đã điểm. Mặt trời đã lặn từ lâu và tên kẻ trộm đang sắp đến, mà tôi chẳng thể làm gì để ngăn cản. Vì thế tôi nhìn bà trân trân và chờ đợi, tưởng như sống cả một đời người trong những khoảnh khắc còn lại cuối cùng ấy.
Không có gì xảy ra.
Đồng hồ tích tắc.
Không có gì xảy ra.
Tôi choàng tay ôm lấy bà ấy và chúng tôi ôm nhau.
Không có gì xảy ra.
Tôi cảm thấy bà ấy run lên và tôi thì thầm vào tai bà ấy.
Không có gì xảy ra.
Tôi lại nói với bà ấy lần cuối cùng của tối nay rằng tôi yêu bà ấy.
Và tên trộm đã đến.
Việc điều đó diễn ra nhanh đến thế luôn làm tôi kinh ngạc. Thậm chí cả bây giờ, sau biết bao nhiêu thời gian như thế. Vì khi bà ôm tôi, bà bắt đầu chớp mắt rất nhanh và lắc lắc đầu. Thế rồi, quay về phía góc phòng, bà ấy chăm chú suốt một lúc lâu, sự lo âu hằn sâu trên gương mặt.
Không! Tâm trí tôi gào thét. Chưa! Không phải bây giờ... không phải khi chúng tôi đã gần gũi đến thế! Không phải đêm nay! Đêm nào cũng được, không phải đêm nay... Làm ơn! Những từ ấy đang ở bên trong tôi. Tôi không thể chịu được nữa! Thật không công bằng... không công bằng...
Nhưng lại một lần nữa, không có kết quả.
- Những người kia, - cuối cùng bà ấy nói, chỉ tay, - đang nhìn tôi chằm chằm. Làm ơn bảo họ thôi đi.
Những người lùn.
Một cái hố đào sâu trong dạ dày tôi, cứng và đầy ứ. Tôi ngưng thở một khoảnh khắc, rồi lại bắt đầu thở, lần này nông hơn. Miệng tôi khô ran, và tôi cảm thấy trái tim mình đang đập thình thịch. Thế là hết, tôi biết, và tôi đã đúng.
Khoảnh khắc ấy đã tới. Điều này, sự lẫn lộn của tâm trí khi tối trời vẫn đi kèm với chứng Alzheimer cho vợ tôi, chính là phần khó khăn hơn tất cả. Vì khi nó đến, bà ấy đi, và đôi khi tôi tự hỏi liệu bà ấy và tôi có bao giờ yêu nhau trở lại không.
- Chẳng có ai ở đấy đâu, Allie, - tôi nói, cố gắng ngăn chặn điều tất yếu. Bà ấy không tin tôi.
- Họ cứ nhìn tôi chằm chằm.
- Không đâu, - tôi vừa lắc đầu vừa thì thầm.
- Đấy, họ ở ngay kia kìa, - bà ấy nói, đẩy tôi ra chỗ khác, - và họ đang nhìn tôi chằm chằm.
Với câu nói ấy, bà bắt đầu tự nói chuyện một mình và một lúc sau, khi tôi cố gắng làm bà dịu đi, bà rụt người lại, mở to mắt.
- Ông là ai? - bà kêu lên với sự kinh hoàng trong giọng nói, mặt tái đi. - Ông đang làm gì ở đây?
Có một nỗi sợ đang lớn lên trong bà, và tôi đau đớn, vì tôi chẳng thể làm gì được. Bà di chuyển ra xa tôi hơn, quay lưng lại, tay ở vị trí tự vệ, và khi đó bà nói những câu nói làm tan nát tim tôi hơn hết.
- Cút đi! Tránh xa tôi ra! - bà ấy hét lên. Bà ấy đang đẩy những người lùn ra xa mình, kinh hoàng, bây giờ rõ ràng là trước sự có mặt của tôi.
Tôi đi ngang qua phòng đến giường bà. Bây giờ tôi đã yếu, chân tôi đau, rồi một bên hông tôi bỗng đau lạ. Tôi không biết cơn đau đến từ đâu. Để bấm được nút gọi y tá là cả một cuộc vận lộn, vì những ngón tay tôi đang đau nhói và có vẻ như đã đông cứng, dính chặt vào nhau, nhưng cuối cùng tôi cũng thành công. Họ sắp đến đây bây giờ, tôi biết, và tôi chờ họ. Trong khi chờ, tôi chăm chú nhìn vợ mình.
Mười...
Hai mươi...
Ba mươi giây trôi qua, tôi tiếp tục nhìn chăm chú, mắt tôi không bỏ sót điều gì, nhớ lại những khoảnh khắc chúng tôi vừa mới chia sẻ cùng nhau. Nhưng trong suốt thời gian đó bà ấy không quay lại, và tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh bà đang vật lộn với những kẻ thù vô hình.
Tôi ngồi bên giường với cái lưng đau và bắt đầu khóc khi tôi cầm cuốn sổ tay lên.
Allie không hề để ý. Tôi hiểu, vì tâm trí bà ấy đã ra đi rồi.
Một vài trang giấy rơi xuống sàn nhà, tôi cúi xuống để nhặt chúng lên. Bây giờ tôi đã mệt, vì thế tôi ngồi xuống, một mình và cách xa vợ tôi. Khi y tá đến, họ chỉ thấy hai con người cần họ an ủi. Một người phụ nữ đang run lên vì sợ những kẻ thù trong tâm trí mình, một ông già yêu bà ấy sâu sắc hơn chính cuộc sống của mình, đang khe khẽ khóc trong góc phòng, mặt giấu vào lòng bàn tay.
Tôi dành phần còn lại của buổi tối đó ngồi một mình trong phòng mình. Cửa phòng khép hờ và tôi có thể nhìn thấy người ta đi qua, một số người lạ, một vài người bạn, và nếu tập trung, tôi có thể nghe thấy họ nói chuyện về gia đình, công việc và các chuyến đi công viên. Những cuộc nói chuyện bình thường, không có gì hơn, nhưng tôi thấy mình ghen tị với họ và sự dễ dàng trong giao tiếp của họ. Lại một tội lỗi chết người khác, tôi biết, nhưng đôi khi tôi không thể nào nhịn nổi.
Bác sĩ Barnwell cũng có mặt, đang nói chuyện với một y tá, và tôi tự hỏi ai ốm đến mức được ông ấy phải đến thăm vào giờ này. Ông làm việc quá nhiều, tôi bảo ông ấy. Hãy dành thời gian cho gia đình, tôi nói, họ sẽ không ở bên ông mãi đâu. Nhưng ông ấy không nghe tôi. Ông ấy bảo ông ấy quan tâm đến các bệnh nhân của mình và phải đến đây khi được gọi. Ông ấy nói ông ấy không còn sự lựa chọn nào khác, và điều này khiến ông ấy thành một người bị giằng xé trong mâu thuẫn. Ông muốn là một bác sĩ hoàn toàn cống hiến cho bệnh nhân và là một người đàn ông hoàn toàn cống hiến cho gia đình mình. Ông ấy không thể là cả hai, vì không đủ thời gian, nhưng ông ấy vẫn chưa nhận ra điều ấy. Tôi tự hỏi, khi giọng ông ấy chìm dần vào đám đông, rằng ông ấy sẽ chọn vai trò nào, hoặc đáng buồn hơn, liệu số phận có lựa chọn thay ông.
Tôi ngồi bên cửa sổ trong một chiếc ghế bành thoải mái và nghĩ về ngày hôm nay. Nó vừa vui vừa buồn, vừa tuyệt vời vừa làm tim tôi tan nát. Những cảm xúc trái ngược khiến tôi im lặng nhiều giờ liền. Tối hôm đó tôi không đọc sách cho ai nghe; tôi không thể, vì nhìn sâu vào nội tâm mình qua thơ ca sẽ khiến tôi đầm đìa nước mắt. Dần dần các hành lang trở nên yên lặng, chỉ còn tiếng bước chân của những nhân viên ca tối. Đến 11 giờ đêm, tôi nghe thấy tiếng động quen thuộc mà vì lý do nào đó tôi trông đợi. Tiếng bước chân mà tôi đã biết rõ.
Bác sĩ Barnwell nhòm vào.
- Tôi thấy đèn phòng ông còn bật. Ông có phiền không nếu tôi vào?
- Không, - tôi nói, lắc đầu.
Ông bước vào nhà và nhìn quanh phòng trước khi ngồi xuống cách tôi vài mét.
- Tôi nghe nói, - ông ta nói, - ông đã có một ngày tốt lành với Allie.
Ông mỉm cười. Ông bị chúng tôi và mối quan hệ của chúng tôi làm cho kinh ngạc. Tôi không biết liệu sự quan tâm của ông ta có phải hoàn toàn do nghề nghiệp hay không.
- Tôi cho là thế.
Ông ta hếch đầu lên khi nghe câu trả lời của tôi và nhìn tôi.
- Ông có khỏe không, Noah? Trông ông hơi suy sụp.
- Tôi bình thường. Chỉ hơi mệt thôi.
- Allie hôm nay thế nào?
- Bà ấy bình thường. Chúng tôi đã nói chuyện gần bốn tiếng đồng hồ.
- Bốn tiếng? Noah, việc đó thật... không thể tin được.
Tôi chỉ có thể gật đầu. Ông ta nói tiếp, lắc đầu.
- Tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì như thế, hay thậm chí nghe nói về nó. Tôi đoán rằng nó liên quan đến tình yêu cả thôi. Hai ông bà sinh ra để dành cho nhau. Bà ấy hẳn là yêu ông lắm. Ông biết điều ấy, đúng không?
- Tôi biết, - tôi nói, nhưng tôi chẳng thể nói thêm gì nữa.
- Điều gì làm ông khó chịu thế, Noah? Allie đã nói hay làm gì động chạm đến cảm xúc của ông à?
- Không. Thật sự thì bà ấy rất tuyệt vời. Chỉ là đúng lúc này tôi đang cảm thấy... cô đơn thôi.
- Cô đơn?
- Đúng.
- Chẳng có ai cô đơn cả.
- Tôi cô đơn. - Tôi nói khi nhìn vào đồng hồ và nghĩ về gia đình ông ta đang ngủ trong một ngôi nhà yên tĩnh, một nơi lẽ ra ông ta đang có mặt, - Cả ông cũng vậy.

Vài ngày tiếp sau đó qua đi không có gì đặc biệt. Allie không thể nhận ra tôi dù vào lúc nào, và tôi thừa nhận thỉnh thoảng khả năng tập trung của tôi lại suy yếu, vì đầu óc tôi hầu như chỉ toàn những suy nghĩ về cái ngày chúng tôi mới bên nhau. Mặc dù kết cục luôn đến quá sớm, nhưng hôm đó chẳng có gì mất cả, chỉ được mà thôi, và tôi vui vì đã lại nhận được điều may mắn ấy một lần nữa.
Đến tuần tiếp theo, cuộc sống của tôi đã gần như trở lại bình thường. Hay ít nhất bình thường hết mức mà nó có thể. Đọc sách cho Allie nghe, đọc sách cho những người khác nghe, đi vẩn vơ trong hành lang. Nằm thức suốt đêm và ngồi bên máy sưởi vào buổi sáng. Tôi thấy dễ chịu kỳ lạ trong sự dễ đoán của đời mình.
Vào một buổi sáng mát mẻ đầy sương tám hôm sau cái ngày chúng tôi ở bên nhau ấy, tôi tỉnh giấc rất sớm, theo thói quen, loanh quanh bên bàn, hết xem ảnh lại đọc những lá thư viết từ nhiều năm trước. Ít nhất thì tôi cũng cố gắng làm thế. Tôi không thể tập trung lâu và bị đau đầu, vậy là tôi để chúng sang một bên và đến ngồi vào chiếc ghế bên cửa sổ ngắm mặt trời lên. Vài tiếng nữa Allie mới tỉnh dậy, tôi biết, và tôi muốn thư giãn trước, vì đọc sách suốt cả ngày sẽ chỉ khiến đầu tôi thêm đau.
Tôi nhắm mắt lại vài phút trong khi những cơn đau đầu thay phiên giã thình thịch rồi lắng xuống. Rồi khi mở mắt ra, tôi ngắm nhìn người bạn cũ, con lạch trôi qua cửa sổ phòng mình. Không như Allie, người ta cho tôi ở một phòng có thể nhìn ra con lạch và nó chưa bao giờ thất bại trong việc gợi cảm hứng cho tôi. Nó là một sự mâu thuẫn - cái con lạch này - một trăm ngàn năm tuổi nhưng với mỗi cơn mưa đổ xuống là lại như được làm mới. Sáng nay tôi chuyện trò với nó, thì thầm thành tiếng để nó có thể nghe. “Bạn ơi, cầu Chúa ban phúc lành cho bạn, cho tôi, và cùng nhau chúng ta sẽ đón chào những ngày đang tới”.
Những con sóng lớn nhỏ cứ xoay tròn và cuốn vào nhau nhịp nhàng, ánh ban mai nhàn nhạt làm hiện lên thế giới mà chúng tôi cùng chia sẻ. Con lạch và tôi. Tuôn chảy, chảy xa, xa mãi. Đấy chính là cuộc sống, tôi nghĩ, chính cái việc ngắm dòng nước này. Một người có thể học được biết bao nhiêu.

Việc ấy xảy ra khi tôi ngồi trên ghế, ngay khi mặt trời mới nhô lên khỏi đường chân trời. Tôi nhận ra tay mình bắt đầu có cảm giác như bị kim châm, một việc chưa từng xảy ra trước đây. Tôi bắt đầu nhấc nó lên, nhưng buộc phải ngừng lại khi đầu lại nhức, lần này như búa bổ. Tôi nhắm mắt lại, day day mắt. Cảm giác kim châm ngừng lại nhưng tay tôi lại bắt đầu tê cứng, rất nhanh, như thể các dây thần kinh ở cẳng tay bỗng nhiên bị cắt đứt. Cổ tay tôi cứng đờ trong lúc một cơn đau nhói làm đầu tôi xây xẩm và có vẻ như nó trườn xuống cổ vào từng tế bào cơ thể tôi, như một cơn sóng thủy triều, đập tan tành và cuốn đi mọi thứ trên đường đi của nó.
Tôi không còn nhìn thấy gì nữa, chỉ còn nghe thấy một âm thanh như tiếng tàu hỏa đang gầm thét cách đầu mình vài xăng ti mét, tôi biết mình đang bị đột quỵ. Cơn đau xuyên dọc cơ thể tôi như một tia sét, và trong khoảnh khắc tỉnh táo cuối cùng, tôi hình dung ra Allie, nằm trên giường bà ấy, đang chờ câu chuyện tôi sẽ không bao giờ còn đọc cho bà ấy nghe, bơ vơ và bối rối, hoàn toàn không có khả năng tự giúp bản thân mình. Cũng như tôi.
Và khi mắt tôi nhắm lại lần cuối, tôi thầm nghĩ, “Ôi Chúa ơi, tôi đã làm gì?”.
Tôi lúc tỉnh lúc không suốt nhiều ngày liền, và trong những khoảnh khắc tỉnh lại ngắn ngủi, tôi thấy mình bị buộc vào đủ thứ máy móc, mũi và cổ họng đầy những ống nọ ống kia và treo bên giường là hai túi chất lỏng. Tôi có thể nghe thấy tiếng máy móc chạy ầm ì, kêu o o, thỉnh thoảng phát ra những âm thanh mà tôi không biết là tiếng gì. Một chiếc máy, kêu bíp với mỗi nhịp tim của tôi, khiến tôi thấy dễ chịu một cách lạ lùng, liên tục ru tôi vào cõi mơ.
Các bác sĩ rất lo lắng. Qua đôi mắt khép hờ tôi có thể thấy sự lo âu trên gương mặt họ khi họ chăm chú xem các biểu đồ và điều chỉnh máy móc. Họ thì thầm những suy nghĩ của mình, nghĩ rằng tôi không nghe thấy. “Những cơn đột quỵ có thể rất nghiêm trọng”, họ nói, “nhất là với những người ở tuổi ông ấy, và hậu quả có thể rất nặng nề”. Nét mặt nghiêm nghị mở màn cho những dự đoán của họ - “mất khả năng nói, mất khả năng cử động, bại liệt”. Thêm một ghi chú vào biểu đồ nữa, một tiếng bíp nữa của chiếc máy kỳ lạ nào đó, và thế là họ đi, không bao giờ biết rằng tôi đã nghe thấy hết. Sau đó tôi cố gắng không nghĩ về những điều ấy mà tập trung vào Allie, mường tượng ra hình ảnh của bà ấy trong tâm trí bất kỳ khi nào có thể. Tôi cố gắng hết sức để đưa cuộc sống của bà ấy vào cuộc sống của tôi, để chúng tôi lại có thể là một. Tôi cố gắng cảm nhận lại cái chạm tay của bà ấy, nghe giọng bà ấy, nhìn gương mặt bà ấy, và khi tôi làm thế, nước mắt lại dâng đầy mắt tôi vì tôi không biết liệu mình còn có thể lại ôm bà ấy, thì thầm với bà ấy, dành cả ngày nói chuyện, đọc sách và đi dạo với bà ấy nữa hay không. Đây không phải là kết cục mà tôi hình dung, hay hy vọng. Tôi vẫn luôn cho rằng muốn là người ra đi sau. Chuyện lẽ ra không nên thế này.
Tôi dật dờ lúc tỉnh lúc không nhiều ngày liền cho đến một buổi sáng mờ sương thì lời hứa của tôi với Allie bỗng nhiên lại thôi thúc cơ thể tôi lần nữa. Tôi mở mắt và nhìn thấy một phòng đầy những hoa, mùi hương của chúng lại càng thôi thúc tôi. Tôi tìm nút chuông, cố vật lộn để bấm, ba mươi giây sau một y tá xuất hiện, theo sát sau là bác sĩ Barnwell, ông gần như ngay lập tức mỉm cười với tôi.
- Tôi khát, - tôi nói bằng giọng khò khè, và bác sĩ Barnwell mỉm cười còn tươi hơn nữa.
- Chào mừng ông quay trở lại, - ông ta nói, - tôi biết là ông sẽ làm được mà.

Hai tuần sau, tôi đã có thể ra viện, mặc dù bây giờ tôi chỉ còn giống con người một nửa thôi. Nếu tôi là một chiếc xe Cadillac, tôi sẽ chỉ biết chạy vòng vòng, chỉ có một bánh xe quay, vì phía bên phải người tôi yếu hơn bên trái. Họ bảo tôi rằng đó vẫn là tin tốt lành, vì tôi có thể đã bị liệt cả người. Đôi khi có vẻ như xung quanh tôi toàn là những người lạc quan thì phải.
Tin xấu là tay tôi không cho phép tôi dùng cả gậy lẫn xe lăn, vì thế bây giờ tôi phải diễu qua diễu lại với một nhịp chân độc đáo của riêng mình thì mới không ngã. Không phải nhịp trái-phải-trái như hồi trẻ tôi vẫn đi, hay kể cả cái nhịp lê chân như gần đây, mà là nhịp lê chân rất chậm chạp-hơi ngả sang bên phải-lê chân rất chậm chạp. Giờ thì mỗi lần đi qua hành lang là cả một cuộc phiêu lưu hoành tráng với tôi. Nhưng ngay cả với tôi, kẻ mới hai tuần trước còn chẳng đi nhanh hơn một con rùa, thì như thế vẫn là quá chậm.
Khi tôi quay lại thì trời đã tối, khi đến được phòng mình, tôi biết tôi sẽ không ngủ. Tôi thở sâu và ngửi hương mùa xuân phảng phất trong phòng. Cửa sổ phòng tôi mở sẵn, và trong không khí có một chút se lạnh. Tôi thấy mình được tiếp xúc nhờ sự thay đổi nhiệt độ này. Evelyn, một trong nhiều y tá ở đây, trẻ bằng một phần ba tuổi tôi, đỡ tôi đi đến chỗ chiếc ghế đặt bên cửa sổ rồi đóng lại. Tôi ngăn cô và mặc dù lông mày của cô nhướng lên, cô vẫn chấp nhận quyết định của tôi. Tôi nghe thấy tiếng một ngăn kéo mở ra, lát sau một chiếc áo len được choàng lên vai tôi. Cô chỉnh lại chiếc áo như thể tôi là một đứa trẻ, và khi làm xong, cô đặt tay lên vai tôi vỗ nhẹ. Cô không nói gì khi làm thế, với sự im lặng ấy, tôi biết cô đang chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ. Cô không cử động suốt một lúc lâu, và tôi tự hỏi không biết cô đang nghĩ gì, nhưng cũng không hỏi cô. Cuối cùng tôi nghe thấy cô thở dài. Cô xoay người chuẩn bị rời phòng, và rồi ngừng lại, cúi xuống nhẹ nhàng hôn lên má tôi, như cháu gái tôi vẫn thường làm. Tôi ngạc nhiên, cô khẽ nói, “Thật mừng khi lại có ông ở đây. Bà Allie rất nhớ ông và tất cả chúng tôi cũng thế. Tất cả chúng tôi đều cầu nguyện cho ông vì khi ông đi ở đây không còn giống như trước nữa”. Cô mỉm cười với tôi và chạm nhẹ vào gương mặt tôi trước khi đi. Tôi không nói gì. Sau đó tôi nghe thấy tiếng chân cô bước lại gần, đẩy một chiếc xe, nói với một y tá khác, giọng họ như thì thào.
Đêm nay những vì sao đi vắng, thế giới đang tràn ngập một màu xanh lơ kỳ lạ. Lũ dế đang gáy vang, âm thanh ấy át hết mọi thứ khác. Khi ngồi xuống, tôi tự hỏi không biết có ai ngoài kia nhìn thấy tôi không, kẻ tù nhân của thể xác này. Tôi nhìn rặng cây, cái sân, những chiếc ghế băng gần lũ ngỗng, cố tìm những dấu hiệu của cuộc sống, nhưng chẳng có gì cả. Thậm chí con lạch nước cũng lặng. Trong bóng tối trông nó như một khoảng trống rỗng, tôi thấy mình bị thu hút bởi sự bí ẩn của nó. Tôi ngắm nhìn hàng giờ, và khi ngắm, tôi thấy bóng của những đám mây khi chúng bắt đầu gợn lên trên làn nước. Một cơn bão đang đến, dần dần bầu trời sẽ chuyển sang màu bạc, lại giống như lúc nhập nhoạng ban chiều.
Sét cắt ngang bầu trời hoang dại, và tôi cảm thấy tâm trí mình trôi dạt trở lại. Chúng tôi là ai, Allie và tôi? Chúng tôi có phải là cây thường xuân già nua bò trên một cây bách, tua và cành lá xoăn xuýt đan xen gần gũi đến mức cả hai chúng tôi sẽ chết nếu bị buộc phải tách rời? Tôi không biết nữa. Một tia chớp nữa khiến chiếc bàn bên cạnh tôi được chiếu sáng đủ để có thể thấy một tấm ảnh Allie, tấm đẹp nhất mà tôi có. Tôi đã đóng khung nó nhiều năm trước với hy vọng rằng lớp kính sẽ giúp nó tồn tại mãi mãi. Tôi với tay ra lấy nó và giơ lên sát mặt. Tôi nhìn nó chăm chăm thật lâu, không thể đừng được. Khi chụp ảnh này bà ấy mới có bốn mươi tuổi, bà ấy chưa bao giờ xinh đẹp hơn thế. Có quá nhiều điều tôi muốn hỏi bà ấy, nhưng tôi biết tấm ảnh sẽ không trả lời, vì thế tôi đặt nó sang một bên.
Đêm nay, với Allie nằm ở căn phòng phía cuối hàng lang, tôi chỉ có một mình. Từ giờ tôi sẽ luôn có một mình. Đây là điều tôi nghĩ khi tôi nằm trong bệnh viện. Tôi chắc chắn như vậy khi nhìn ra ngoài cửa sổ và ngắm nhìn những đám mây bão kéo tới. Bất chấp nỗ lực của bản thân, tôi vẫn buồn vì cảnh ngộ tuyệt vọng của chúng tôi, vì tôi nhận ra rằng vào ngày cuối cùng chúng tôi ở bên nhau, tôi đã không hôn môi bà ấy. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ hôn nữa. Không thể nói gì trước với căn bệnh này được. Tại sao tôi lại nghĩ đến những điều ấy nhỉ?
Cuối cùng tôi đứng lên, đi đến bên bàn và bật đèn lên. Việc này khiến tôi mất sức nhiều hơn tôi nghĩ, tôi bị căng cơ nên không quay lại chỗ bên cửa sổ nữa. Tôi đành ngồi xuống và dành vài phút nhìn những tấm ảnh trên bàn. Những tấm ảnh gia đình, những tấm ảnh bọn trẻ và các kỳ nghỉ. Những tấm ảnh Allie và tôi. Tôi lại nhớ lại những khoảng thời gian chúng tôi chia sẻ cùng nhau, chỉ riêng chúng tôi hay với cả gia đình, và lại một lần nữa nhận ra mình già nua biết bao.
Tôi mở một ngăn kéo ra và tìm thấy những bông hoa tôi từng tặng cho bà ấy rất lâu rồi, đã cũ kỹ, nhợt nhạt héo úa và được buộc lại bằng ruy băng. Cũng như tôi, chúng đã khô héo và mong manh, khó có thể đụng đến mà không làm nát vụn. Nhưng bà ấy đã cất giữ chúng. “Anh không hiểu em muốn làm gì với chúng”, tôi sẽ nói thế, nhưng bà ấy chỉ lờ tôi đi. Và đôi khi vào các buổi tối, tôi sẽ thấy bà ấy cầm chúng, gần như sùng kính, cứ như thể chính bản thân chúng đã trao cho ta bí mật cuộc sống vậy. Ôi phụ nữ.
Vì đêm nay có vẻ là đêm của ký ức, tôi tìm và tìm thấy chiếc nhẫn cưới của mình. Nó nằm trong ngăn kéo trên cùng, được đóng gói trong giấy mềm. Tôi không thể đeo nó được nữa vì các khớp đốt ngón tay tôi đã sưng phồng lên còn các ngón tay thì tê cứng. Tôi mở gói giấy ra và thấy nó vẫn không hề thay đổi. Nó là một biểu tượng, một vòng tròn đầy quyền năng, và tôi biết, tôi biết, sẽ không bao giờ có chiếc nào khác. Ngày ấy tôi đã biết thế, bây giờ tôi cũng biết thế. Và trong khoảnh khắc ấy, tôi thì thầm thành lời, “Anh vẫn là của em, Allie, nữ hoàng của anh, người đẹp mãi mãi của anh. Em vẫn là, luôn luôn là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời anh”.
Tôi tự hỏi không biết bà ấy có nghe thấy tiếng tôi khi tôi nói vậy không, và tôi chờ đợi một dấu hiệu. Nhưng chẳng có gì cả.
Đó là 11 giờ 30, và tôi đi tìm bức thư bà ấy đã viết cho tôi, bức thư tôi đọc mỗi khi có tâm trạng. Tôi tìm thấy nó ở chỗ lần trước tôi cất. Tôi lật đi lật lại vài lần trước khi mở, và khi mở ra, tay tôi bắt đầu run lên. Cuối cùng tôi đọc:

Noah thương yêu,
Em viết lá thư này dưới ánh nến khi anh đang nằm ngủ trong căn phòng mình vẫn ở chung kể từ ngày cưới. Mặc dù không nghe thấy những âm thanh khe khẽ của giấc ngủ anh, em vẫn biết anh ở đó, và rồi ngay lát nữa thôi em sẽ nằm xuống bên anh như mọi khi. Em sẽ lại cảm thấy hơi ấm cùng sự dễ chịu từ anh, hơi thở anh sẽ chầm chậm hướng em đến nơi em sẽ mơ về anh và người đàn ông tuyệt vời là anh.
Em nhìn thấy ngọn lửa bên cạnh em và nó nhắc em nhớ lại một ngọn lửa khác từ nhiều chục năm trước, khi ấy em đang mặc bộ quần áo mềm mại của anh còn anh thì mặc chiếc quần jean của mình. Lúc ấy em đã biết chúng ta sẽ mãi mãi ở bên nhau, mặc dù em đã từ biệt ngày hôm sau đó. Tim em đã bị một nhà thơ miền Nam cầm tù, bị trói chặt, và trong tâm khảm, em biết nó vẫn luôn là của anh. Em là ai mà dám nghi ngờ một tình yêu đến trên những ngôi sao băng và dữ dội như những con sóng ào ạt xô bờ. Vì đó chính là điều đã xảy ra với chúng ta và đến hôm nay nó cũng vẫn vậy.
Em nhớ ngày em trở lại với anh hôm sau đó, cái ngày mà mẹ em đến. Em đã rất sợ hãi, chưa bao giờ sợ hãi đến thế vì em chắc anh sẽ không bao giờ tha thứ cho em vì đã rời bỏ anh. Em đã run bắn lên khi ra khỏi xe, nhưng anh đã làm nỗi sợ ấy tan biến hết bằng nụ cười và cái cách anh chìa tay ra với em. “Một chút cà phê thì sao nhỉ?”, là tất cả những gì anh đã nói. Và anh không bao giờ nhắc lại việc ấy nữa. Trong suốt ngần ấy năm trời chúng ta bên nhau.
Anh cũng không hề hỏi gì em khi em cứ ra ngoài đi dạo một mình suốt những ngày sau đó. Mỗi lúc em bước vào với đôi mắt ngấn lệ, anh luôn biết em có cần anh ôm lấy không hay cứ để kệ em. Em không hiểu làm sao anh biết, nhưng anh đã biết, rồi khiến mọi việc dễ dàng hơn cho em. Sau này, khi chúng ta tới ngôi nhà thờ nhỏ, trao nhẫn và thề ước, em đã nhìn vào mắt anh và biết mình đã quyết định đúng. Còn hơn thế, em biết em thật ngốc nghếch khi đã có lúc còn xem xét có nên chọn lựa một ai đó khác anh. Kể từ đó em không bao giờ còn dao động nữa.
Ta đã có một cuộc sống tuyệt vời bên nhau; bây giờ em đang nghĩ rất nhiều về cuộc sống ấy. Đôi khi em nhắm mắt lại và nhìn thấy anh với mái tóc lốm đốm bạc, ngồi trên hàng hiên và chơi ghi ta trong khi bọn trẻ chơi đùa và vỗ tay theo tiếng nhạc. Quần áo của anh lấm bẩn sau nhiều giờ làm việc, anh rất mệt, và mặc dù em luôn nhắc anh dành thời gian nghỉ ngơi, anh vẫn mỉm cười và nói, “Thì anh đang nghỉ ngơi đây”. Em thấy tình yêu anh dành cho các con của chúng ta thật cảm động và thú vị. “Anh là một người cha tốt hơn anh nghĩ đấy”, sau đó, khi lũ trẻ đã ngủ em bảo anh vậy. Rồi mình đã cởi bỏ quần áo, hôn nhau và gần như đánh mất chính bản thân trước khi kịp trườn vào giữa lớp chăn ga vải flannel.
Em yêu anh vì nhiều thứ, nhất là những đam mê của anh, vì chúng đã và luôn là những gì đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Tình yêu và thơ ca và tình cha con và tình bạn và cái đẹp và thiên nhiên. Em vui vì anh đã dạy cho bọn trẻ những điều ấy, vì em biết cuộc sống của chúng sẽ tuyệt vời hơn với những điều ấy. Chúng đã nói với em anh đặc biệt đến thế nào với chúng, và mỗi khi chúng nói điều ấy, em lại cảm thấy mình là người phụ nữ may mắn nhất còn sống trên đời này.
Anh cũng đã dạy em, tạo cảm hứng cho em, ủng hộ em trong nghiệp vẽ của mình, và anh sẽ không bao giờ biết điều ấy có nghĩa đến thế nào với em đâu. Bây giờ thì các tác phẩm của em đã được treo trong các bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân, và mặc dù có những lúc em mệt rã rời và bị sao nhãng vì những buổi trưng bày và những lời chỉ trích, anh đã luôn ở đó với những lời nói tốt đẹp khích lệ em. Anh hiểu việc em cần studio riêng của em, không gian riêng của em, và nhìn thấy được nhiều điều hơn là những vệt màu vẽ trên quần áo em, trên tóc em và đôi khi cả trên những đồ đạc trong nhà. Em biết điều ấy không dễ dàng. Phải cần một người đàn ông đích thực mới chung sống được với những điều đó, Noah. Và anh đã sống với những điều đó. Cho đến bây giờ đã bốn mươi năm rồi. Những năm tháng tuyệt đẹp.
Anh cũng là người bạn thân nhất, người tình tuyệt vời nhất của em, em không biết mình thích nhất khía cạnh nào ở anh. Em trân trọng mỗi khía cạnh ấy, cũng như em đã trân trọng cuộc đời ta sống cùng nhau. Anh có gì đó trong con người anh, Noah ạ, có gì đó thật đẹp đẽ và mạnh mẽ. Lòng tốt, đó là điều em thấy khi nhìn anh lúc này, đó là điều ai cũng thấy. Lòng tốt. Anh là người vị tha và điềm tĩnh nhất mà em biết. Chúa luôn ở rất gần anh, hẳn là thế, vì anh là người giống một thiên thần nhất mà em từng gặp.
Em biết anh nghĩ em điên khi muốn chúng ta ghi lại chuyện của chúng mình trước khi rời nhà vào viện, nhưng em có lý do riêng, và em biết ơn sự kiên nhẫn của anh. Và mặc dù anh đã hỏi, em vẫn chưa bao giờ cho anh biết tại sao, nhưng giờ em nghĩ đã đến lúc cho anh biết.
Ta đã sống một cuộc sống mà hầu hết các đôi lứa không biết đến, ấy vậy mà khi em nhìn anh, em vẫn lo sợ vì biết rằng tất cả những thứ này rồi sẽ sớm kết thúc. Vì cả hai chúng ta đều tiên lượng được căn bệnh của em và điều đó có nghĩa là gì với chúng ta. Em nhìn thấy những giọt nước mắt của anh và em lo lắng cho anh hơn là cho em, vì em sợ nỗi đau mà em biết anh sẽ phải chịu. Không có lời nào diễn tả nổi nỗi buồn của em về điều ấy, và em bây giờ không biết viết gì nữa.
Em yêu anh sâu sắc và nhiều không tả xiết, đến mức em sẽ tìm được cách để trở lại với anh bất chấp căn bệnh của em, em xin hứa với anh điều ấy. Và đây chính là điểm bắt đầu câu chuyện. Khi em lạc lối và cô đơn, hãy đọc câu chuyện này - đúng như anh đã kể cho bọn trẻ nghe - và hãy biết rằng theo một cách nào đó, em sẽ nhận ra rằng câu chuyện ấy là về chúng ta. Và có lẽ, chỉ có lẽ thôi, ta sẽ tìm ra một cách để lại ở bên nhau.
Xin đừng cáu giận với em vào những ngày em không nhớ ra, cả hai ta đều biết rằng những ngày ấy sẽ đến. Hãy biết rằng em yêu anh, rằng em sẽ luôn yêu anh, và dù bất cứ điều gì xảy đến, hãy biết rằng em đã sống một cuộc đời tuyệt vời nhất có thể. Cuộc đời của em bên anh.
Và nếu anh cất lá thư này đi để đọc lại, lúc ấy hãy tin vào những lời em đang viết cho anh lúc này. Noah, dù anh ở đâu và dù vào bất cứ lúc nào, em cũng yêu anh. Lúc viết lá thư này em yêu anh, và lúc anh đọc lá thư này em cũng yêu anh. Và em thật lòng xin lỗi nếu sau này em chẳng thể nói với anh điều ấy nữa. Em yêu anh sâu sắc, chồng của em. Anh luôn là giấc mơ của em, như anh đã từng.
Allie.

Khi đọc xong lá thư, tôi đặt nó sang một bên. Tôi đứng lên khỏi bàn và tìm đôi dép lê. Nó ở ngay gầm gường, tôi phải ngồi xuống mới đi dép vào được. Rồi đứng lên, tôi đi ngang qua căn phòng và mở cửa ra. Tôi nhìn xuống cuối hành lang và thấy Janice đang ngồi ở chiếc bàn lớn. Ít nhất thì tôi nghĩ đó là Janice. Tồi đi qua chiếc bàn ấy mới đến được phòng Allie, nhưng vào giờ này thì tôi không được phép rời khỏi phòng mình, Janice chưa bao giờ là một người chịu bẻ cong luật lệ. Chồng cô ta là một luật sư.
Tôi chờ để xem liệu cô ta có đi không, nhưng cô ta chẳng có vẻ gì sắp đi cả, và tôi trở nên mất kiên nhẫn. Cuối cùng tôi cũng đi ra khỏi phòng mình, lê châm chạp-hơi nghiêng sang phải-lê chậm chạp, nhưng chẳng hiểu sao cô ta không nhìn thấy tôi đang lại gần. Tôi là một con báo lặng lẽ bò qua cánh rừng, tôi vô hình như lũ bồ câu non.
Cuối cùng tôi cũng bị phát hiện, nhưng tôi không ngạc nhiên. Tôi đứng trước mặt cô ta.
- Noah, - cô ta nói, - ông đang làm gì thế?
- Tôi đang đi dạo, - tôi nói, - tôi không ngủ được.
- Ông biết là ông không được phép đi thế này cơ mà.
- Tôi biết.
Tuy nhiên tôi không nhúc nhích. Tôi đã quyết định rồi.
- Ông không đi dạo, đúng không nào? Ông đi gặp Allie.
- Đúng, - tôi trả lời.
- Noah, ông biết lần trước ông gặp bà ấy lúc nửa đêm điều gì đã xảy ra rồi đấy.
- Tôi nhớ.
- Vậy là ông biết ông không nên làm thế này rồi.
Tôi không trả lời thẳng. Tôi nói:
- Tôi nhớ bà ấy.
- Tôi biết ông nhớ, nhưng tôi không thể để ông gặp bà ấy được.
- Hôm nay là kỷ niệm ngày cưới của chúng tôi, - tôi nói.
Đúng là thế. Một năm nữa là được kỷ niệm lễ cưới vàng. Hôm nay là kỷ niệm bốn mươi chín năm.
- Tôi biết.
- Thế thì tôi có thể đi chứ?
Cô ta nhìn đi chỗ khác một chút, bỗng giọng cô thay đổi. Giờ giọng cô nhẹ nhàng hơn khiến tôi ngạc nhiên. Tôi chưa bao giờ có ấn tượng cô ta thuộc típ người đa cảm.
- Noah, tôi đã làm việc ở đây năm năm và trước đó cũng đã làm việc ở một trại dưỡng lão khác. Tôi đã thấy hàng trăm cặp vợ chồng vật vã với sự thương tiếc và nỗi buồn, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai đối mặt với nó như ông. Không có ai ở đây, dù là bác sĩ hay y tá, từng thấy chuyện như thế.
Cô ta ngừng lại một chút, và lạ lùng thay, mắt cô bắt đầu ngấn lệ. Cô ta lấy ngón tay lau đi và nói tiếp:
- Tôi cố gắng nghĩ xem ông cảm thấy thế nào, làm thế nào mà hết ngày này đến ngày khác ông vẫn tiếp tục được, nhưng tôi không thể nào hình dung nổi. Tôi không biết làm thế nào ông làm được thế. Đôi khi ông còn đánh bại được cả căn bệnh của bà ấy. Mặc dù các bác sĩ không hiểu nổi, chúng tôi các y tá lại hiểu. Đó là tình yêu, chỉ đơn giản vậy thôi. Đó là điều phi thường nhất mà tôi từng được chứng kiến.
Một cục nghẹn dâng lên trong cổ tôi, và tôi không thể nói được gì.
- Nhưng Noah, ông không được làm điều này, và tôi không thể để ông làm việc này. Vậy nên ông quay lại phòng mình đi. - Rồi, mỉm cười dịu dàng và sụt sịt mũi, di di mấy tờ giấy trên bàn, cô ta nói, - Tôi đi xuống tầng dưới lấy ít cà phê đây. Tôi sẽ không quay lại kiểm tra xem ông thế nào trong một lúc, thế nên đừng có làm điều gì dại dột đấy.
Cô ta đứng lên nhanh chóng, chạm vào tay tôi và đi về phía cầu thang. Cô ta không nhìn lại, và bỗng nhiên tôi chỉ có một mình. Tôi không biết phải nghĩ gì nữa. Tôi nhìn chỗ cô vừa ngồi và thấy cốc cà phê của cô, một cốc đầy, vẫn còn bốc khói, lại một lần nữa tôi nhận ra rằng có những người tốt trên thế giới này.
Lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi lại thấy ấm áp khi bắt đầu chặng đường gian khổ của mình đến phòng Allie. Tôi bước những bước ngắn như bước của người lùn trong truyện cổ, nhưng kể cả với những bước như thế cũng nguy hiểm, vì chân tôi đã mỏi rồi. Tôi thấy mình phải bám vào tường để khỏi khuỵu xuống. Bóng đèn sáng chói trên đầu, ánh sáng huỳnh quang khiến mắt tôi đau nhức nên tôi hơi nheo mắt lại. Tôi đi qua khoảng một chục căn phòng tối đen, những căn phòng nơi tôi từng đến đọc truyện, nhận ra mình nhớ những người ở trong đấy. Họ là bạn tôi, tôi biết rõ từng gương mặt họ. Ngày mai tôi sẽ gặp tất cả bọn họ. Không phải đêm nay, vì không có thời gian để dừng lại trong chuyến đi này. Tôi đi tiếp, và cử động này dồn máu xuống qua những động mạch, dường như đã lâu không dùng tới. Tôi cảm thấy mình mạnh lên sau mỗi bước đi. Tôi nghe thấy tiếng một cánh cửa mở ra sau lưng, nhưng không nghe tiếng bước chân, tôi tiếp tục đi. Bây giờ tôi đã là một kẻ lạ mặt. Tôi không thể nào dừng lại được nữa. Điện thoại kêu reng trong văn phòng y tá, tôi đi nhanh hơn vì không muốn bị bắt gặp. Tôi là một kẻ cướp lúc nửa đêm, đeo mặt nạ và đang trên lưng ngựa trốn khỏi những thị trấn xa xôi chìm ngủ, lao mình vào ánh trăng vàng với bụi vàng trong túi đeo bên yên. Tôi trẻ trung và mạnh mẽ với niềm đam mê trong tim và tôi sẽ phá cửa và nâng nàng trong đôi tay mình và mang nàng đến thiên đường.
Tôi đang đùa ai vậy?
Bây giờ tôi chỉ đang sống một cuộc đời giản đơn. Tôi chỉ là một gã ngốc, một ông già đang yêu, một kẻ mơ mộng chẳng mơ gì ngoài việc đọc sách cho Allie nghe và ôm bà ấy mỗi khi có thể. Tôi là một kẻ phạm nhiều tội lỗi và là một người tin ở điều kỳ diệu, nhưng tôi đã quá già để có thể thay đổi, và quá già để quan tâm.
Khi cuối cùng tôi cũng đến được phòng bà ấy, người tôi yếu lả. Chân tôi loạng choạng, mắt tôi mờ đi, tim tôi đập một cách kỳ lạ trong lồng ngực. Tôi đánh vật với tay nắm cửa, và cuối cùng tôi phải dùng đến cả hai tay và ba cú huých. Cánh cửa mở ra và ánh đèn từ hành lang tràn vào, chiếu sáng giường bà ấy đang nằm. Khi nhìn thấy bà ấy, tôi nghĩ mình chẳng là gì, chỉ là kẻ đi ngang qua một con phố thị thành đông đúc, mãi mãi bị lãng quên.
Phòng bà ấy yên lặng, bà ấy đang nằm, chăn đắp lên nửa người. Sau một lúc tôi thấy bà ấy trở mình nằm nghiêng, những tiếng động bà ấy gây ra gợi cho tôi ký ức về thời hạnh phúc hơn. Trông bà ấy thật nhỏ bé trên chiếc giường ấy, và khi tôi ngắm bà ấy, tôi biết giữa chúng tôi thế là đã hết. Không khí tù đọng, và tôi rùng mình. Nơi này đã trở thành ngôi mộ của chúng tôi.
Tôi không cử động, vào ngày kỷ niệm này của chúng tôi, trong suốt gần một phút, và tôi tha thiết muốn kể cho bà ấy biết tôi cảm thấy thế nào, nhưng tôi vẫn im lặng để khỏi đánh thức bà ấy. Vả lại điều đó đã được viết trên mẩu giấy mà tôi sắp luồn xuống dưới gối bà ấy. Nó ghi rằng:

Trong giờ khắc cuối cùng này dịu dàng
Tình yêu vẫn thật mong manh thuần khiết
Ánh ban mai cùng quyền lực nhẹ nhàng
Đánh thức tình ta hằng tin chắc.

Hình như tôi nghe thấy có tiếng người đang đến nên liền vào phòng bà ấy và đóng cánh cửa lại sau lưng. Bóng tối lại phủ xuống, tôi đi ngang qua căn phòng theo trí nhớ và với tay ra cửa sổ. Tôi mở rèm, và mặt trăng nhìn lại tôi chăm chú, to và tròn đầy, người canh gác buổi tối. Tôi quay sang Allie và mơ cả ngàn giấc mơ, và mặc dù nghĩ mình không nên làm thế, tôi vẫn ngồi bên giường khi luồn mảnh giấy vào dưới gối bà ấy. Rồi tôi với tay ra và nhẹ nhàng chạm vào gương mặt bà ấy, mềm mại như phấn. Tôi chạm vào tóc bà ấy, nín thở. Tôi cảm thấy điều thần kỳ, tôi cảm thấy tuyệt diệu, như một nhà soạn nhạc lần đầu khám phá ra các tác phẩm của Mozart. Bà ấy cựa mình và mở mắt, hơi nheo lại một chút, bỗng nhiên tôi hối tiếc vì sự ngốc nghếch của mình, tôi biết bà ấy sẽ bắt đầu la hét và khóc lóc, vì đó là điều bà ấy luôn làm. Tôi thật bốc đồng và yếu ớt, điều này tôi biết, nhưng tôi cảm thấy có một sự thôi thúc phải thử điều bất khả và tôi cúi xuống bà ấy, gương mặt chúng tôi áp lại gần nhau.
Và khi môi bà ấy gặp môi tôi, tôi cảm thấy một cảm giác nhoi nhói háo hức mà trong suốt ngần ấy năm chúng tôi sống bên nhau tôi chưa bao giờ cảm thấy, nhưng tôi không lùi lại. Và bỗng nhiên, một điều thần kỳ, tôi cảm thấy miệng bà ấy mở ra và tôi khám phá ra cả một thiên đường bị lãng quên, nhưng vẫn không hề thay đổi sau bao nhiêu năm tháng, vĩnh cửu như những vì sao. Tôi cảm thấy hơi ấm thân thể bà ấy, khi lưỡi chúng tôi gặp nhau, tôi tự cho phép mình trôi đi, như bao nhiêu năm trước ấy. Tôi nhắm mắt lại và trở thành một con tàu khổng lồ trong vùng nước xoáy, mạnh mẽ và không sợ hãi, còn bà ấy là cánh buồm của tôi. Tôi nhẹ nhàng lần tìm đường nét cằm bà ấy, và lắng nghe khi bà ấy hít một hơi sâu. Bà ấy thì thầm khe khẽ, “Ôi, Noah... em đã nhớ anh biết mấy”. Lại một điều thần kỳ khác - điều thần kỳ tuyệt vời nhất! - tôi không thể nào ngăn những giọt nước mắt khi chúng tôi bắt đầu trượt dần về phía thiên đường. Vì chính tại khoảnh khắc ấy, thế giới như tràn ngập những điều kỳ diệu khi tôi cảm thấy những ngón tay của nàng với tới những khuy áo trên sơ mi của tôi, và chầm chậm, từ từ hơn bao giờ hết, nàng bắt đầu cởi từng khuy.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét