Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

Vasily Grossman - Nhà văn chiến trường (P2)

Vasily Grossman - Nhà văn chiến trường
(Sách viết về người phóng viên Soviet đi cùng Hồng quân trong suốt WW2, từ năm 1941 đến 1945)

Biên dịch: Antony Beevor (Tác giả cuốn “Stalingrad”) và 
Luba Vinogradova

Phần Hai
Năm của Stalingrad
1942

8
Ở phía Nam

Tháng 1/1942, Grossman được cử đi theo dõi các chiến dịch ở đông nam Kharkov theo yêu cầu của chính ông. “Vasily Grossman thuyết phục tôi cử anh ta tới Phương diện quân Tây Nam”, Ortenberg viết không lâu sau đó. “Đó là nơi anh ta đã từng sống”. Grossman, mặc dù không sinh ra và lớn lên tại đó, biết rõ vùng này nhờ thời gian làm kỹ sư mỏ ở Donbass. Trong mọi trường hợp, những bài viết của Grossman trong giai đoạn này cũng làm Ortenberg mở mắt trước năng lực của ông.
“Sự thật tàn nhẫn của chiến tranh!”, Ortenberg viết. “Vasily Grossman, khả năng viết lách của anh ta ngày 1 tiến triển ngay trước mắt tôi, thực sự là thế”.
Ortenber có lẽ hơi ngạc nhiên vì lời đề nghị của Grossman. Các phóng viên khác đều mong mỏi được ở gần Moscow vì mọi người đều nghĩ các trận đánh then chốt sẽ diễn ra trên hướng trung tâm. Có lẽ là do Grossman bị cuốn hút bởi vùng đất đó và kẻ địch - Tập đoàn quân 6 Đức - nên đã đề nghị như vậy, việc này sẽ tạo ra 1 giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời ông: thời kỳ ở Stalingrad.
Khi Thống chế Von Rundstedt yêu cầu OKH (Bộ chỉ huy tối cao Đức) chấp thuận cho rút về phòng tuyến sông Mius, Hitler cảm thấy bị sỉ nhục vì ý tưởng rút lui này. Rundstedt khăng khăng rằng việc này là cần thiết và xin từ chức nếu không được chấp thuận. Hitler cách chức ông ta luôn và chỉ định Thống chế Von Reichenau, chỉ huy Tập đoàn quân 6 và là người tin tưởng nhiệt thành vào chủ nghĩa Nazi, thay thế. Nhưng rồi Reichenau cũng khăng khăng đòi rút về sông Mius. Hitler đã phải đích thân đến xem xét và kinh ngạc nhận thấy ngay cả Sepp Dietrich, chỉ huy Sư đoàn SS “Quốc trưởng Adolf Hitler”, cũng có cùng suy nghĩ đó.
Tập đoàn quân 6 của Reichenau là đơn vị đã chiếm thủ đô Kiev của Ukraina. Cuối tháng 9 năm 1941, quân của hắn đã hỗ trợ việc chuyển 33.771 người Do Thái tới hẻm núi Babi Yar bên ngoài thành phố, tại đó họ bị đơn vị SS Sonderkommando 4A tàn sát 1 cách có hệ thống. Tập đoàn quân 6 cũng đóng giữ Kharkov, và Tập đoàn quân 38, đơn vị mà Grossman được cử theo dõi vào tháng 1/1942, đã phải đối mặt với nó.

Sư trưởng Lazko ở cùng vợ là Sofya Efimovna*. Đêm trong izba rất ấm. Bukhovsky và tôi bước vào nhà sau khi trải qua 1 đêm dài chịu rét trên đường.
*[Thiếu tướng Grigorii Semenovich Lazko (1903 - ?)]
Cả 2 vợ chồng đều cực kỳ mến khách. Có cả 1 dãy đồ ăn tự làm: bánh nhân táo, bánh ngọt, dưa muối. Trong khi chúng tôi rửa sạch tuyết bám trên người, Lazko đã khoác cho chúng tôi những tấm khăn tắm dày màu trắng thêu kiểu Ukraina. Polyak là tham mưu trưởng sư đoàn, trước chiến tranh là quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao, anh ta là 1 người thô lỗ và khinh khỉnh.

Grossman đi xem công tác chuẩn bị tấn công vào làng Zaliman mà địch đang chiếm giữ, ngôi làng nằm cách Statovo khoảng 20km về phía nam. 1 báo cáo kết quả trinh sát ban đầu cho biết bọn Đức đã buộc ngỗng sống vào cọc đóng quanh khu vực như là 1 biện pháp cảnh báo, chúng sẽ quang quác tướng lên khi có tiếng động.

Đêm, bão tuyết mù mịt, xe pháo âm thầm di chuyển. Bất đồ 1 giọng nói khàn khàn cất lên ở chỗ ngã 3 đường: “Này, đường nào là đường dẫn tới Berlin đấy?”. Những tiếng cười vang lên khắp nơi.
Chúng tôi có thể quan sát cuộc phản công của bọn Đức từ trên 1 quả đồi nhỏ. Chúng chạy vài bước rồi nằm xuống. Một bóng người nhỏ thó chạy phía sau, vừa chạy vừa vẫy tay, đó là tên sĩ quan. Bọn Đức tiến thêm vài bước nữa rồi bỗng chạy ngược trở lại, tên sĩ quan lại xuất hiện. 1 lần nữa, bọn Đức lại tiến lên thêm vài bước rồi lại bỏ chạy về phía sau, lần này còn nhanh hơn. Cuộc phản công vậy là đã thất bại.
Giấc mơ đã trở thành sự thật. Ngay khi bọn Đức tập hợp lại: Bang! 1 phát đại bác ngay chóc. Đó là tác phẩm của Morozov, pháo thủ phụ trách chỉnh súng (gun-layer). Đúng lúc bọn Đức tụ lại 1 chỗ và mọi người bắt đầu nghĩ rằng thật tuyệt nếu ai đó nã pháo vào đầu chúng lúc này thì: Bang! 1 phát đại bác! Chúng tôi thậm chí nhảy dựng lên vì sửng sốt.

Hồng quân rất thích lăng xê bất kỳ người lính nào chứng tỏ được khả năng đặc biệt của vũ khí mà anh ta sử dụng, đó có thể là 1 lính bắn tỉa, 1 tay ném lựu đạn vô địch hoặc 1 pháo thủ như Morozov. Họ được tôn vinh giống như những công nhân xuất sắc và thành tích của họ thường được cường điệu quá mức trong các bản báo cáo.

Ngày thứ 2 trận đánh ở Zaliman. Thời tiết rất lạnh, khói bụi mù mịt. Tiếng pháo bắn như quất vào tai. Trung đoàn của Trung tá Elchaninov đang chiến đấu vì Zaliman. Họ kéo pháo thẳng vào làng và giấu chúng sau những ngôi nhà. Khi phát hiện ra 1 ổ súng máy, họ lăn pháo ra, bắn thẳng vào chúng rồi lại kéo vào sau nhà.
Vấn đề cho pháo binh là: trận đánh diễn ra ngay trong làng. Quân 2 bên trộn trấu với nhau. Nhà này là của ta, nhà khác lại là của địch.
Nói chuyện với 1 phụ nữ: “Có 40 tên Đức đang đi - tôi thậm chí nhắm tịt cả mắt, ôi, lạy Chúa - chúng tiến thẳng vào làng, và khi tôi mở mắt ra, 1 số trong chúng đang nằm lăn trên đất, số khác bỏ chạy”. (Đó cũng là tác phẩm của pháo thủ Morozov)
Zaliman đã được chiếm lại như thế nào? Quân ta xông bừa vào làng đúng lúc bọn Đức đang tái tập hợp. Một số đơn vị lạc đường mà chẳng có đơn vị nào khác thay chỗ họ. Thật may là ta chỉ mất có 3 người, bị thương. Nếu quân ta chọn cách khác thì có thể đã thương vong hàng nghìn. Bọn Đức có hàng rào dây thép gai, boongke làm bằng gỗ súc, lô cốt bê tông, hầm hào đầy đủ. Thậm chí có cả những hỏa điểm đặt trong trong các boongke làm giống như nhà dân. Đại đội trinh sát đã lập báo cáo chi tiết về các lô cốt. Khi quân ta chiếm xong Zaliman thì thấy các báo cáo này hoàn toàn chính xác, cứ như thể chính tay họ đã xây những lô cốt đó.

Grossman đã tình cờ phát hiện ra “những hỏa điểm đặt trong trong các boongke làm giống như nhà dân” vì lính Hồng quân thường tỏ ra hết sức ngạc nhiên trước việc lính Đức thường cố làm các vị trí phòng thủ giống như nhà ở. Điều đó có vẻ phù hợp với những người ở yên 1 chỗ hay thường dân chứ không phải 1 quân đội tin vào các giá trị thượng võ và chiến thuật Blitzkrieg. Grossman tới gặp chỉ huy và tham mưu trưởng trung đoàn đã tiến hành cuộc tấn công.

Sở chỉ huy trung đoàn là 1 izba đã bị cướp phá trơ trụi, bọn Đức đã lấy khỏi đây mọi thứ, chỉ còn lại mấy cái ghế, giường, ghế đẩu, chổi quét nhà. Đại tá Pesochin là người to béo, trông rất trí thức, nhưng mọi người đều nói ông ta có thể đấm giữa mặt thuộc cấp, ông ta cũng đã từng đánh tổng biên tập tờ báo của sư đoàn.
Chính ủy sư đoàn Snitser cũng to béo. Ông làm mọi người vui vẻ suốt và luôn ôm người khác rất chặt hay cài lại khuy cổ cho họ. Những câu chuyện cười tuôn ra liên tục. Pháo hạng nặng của bọn Đức đang bắn.
“Sao các đồng chí không tiêu diệt chúng?”.
“Thật khó để tóm được chúng”, vị chính ủy vui tính trả lời ngay. “Nhưng cũng còn dễ hơn là tóm được 1 phụ nữ”.

Grossman ghi chép lại nhiều lời trao đổi bông đùa kiểu lính tráng.

“Anh đang ngày càng béo lên đấy, thiếu úy Kostyukov”.
“Tôi đang thi đua với chỉ huy của tôi, đồng chí Sư trưởng”.
“Tôi chắc chắn anh sẽ thắng trong cuộc thi đua đó”.
“Không. Trọng lượng của tôi đã ổn định từ năm 1936”.
“Mọi người ở trung đoàn anh đều béo”.
“Thật quá vinh dự cho bọn Đức nếu chúng ta bị giảm cân vì chúng”.
Ăn tối tại sở chỉ huy trung đoàn.
“Anh nuôi, cậu đã mất bao lâu để làm ra cái mằn thắn bé tí thế này?”
“Tớ đang bắt đầu làm thì máy bay Đức bổ nhào xuống đầu chúng ta. Lũ rắn rết đó không để tôi hoàn thành chỗ pelmeni này”.
1 đại úy chạy vào khi chúng tôi đang ăn tối.
“Tôi xin báo cáo, hơn 300 tay tiểu liên địch đã được phát hiện”.
Snitser giơ cao ly vodka:
“Ha - ha - ha! Chia số đó cho 10 đi”.
Nếu Pesochin có thể đấm các chính ủy thì chính ủy sư đoàn Serafim Snitser cũng có thể đấm các chính trị viên dưới quyền. Mỗi người trong số họ lại trở thành 1 mắt xích trong chuỗi chỉ huy bằng phương pháp đấm đá. Cả 2 người đều to béo và có những quả đấm to, nung núc thịt. Những báo cáo chống lại cả 2 người được gửi cho Đảng ủy Quân đội nhưng cũng không ngăn được họ. Họ đã hứa hẹn nhưng không thể kiềm chế được, cứ như bị nghiện. Họ đánh các thuộc cấp của mình bất kỳ lúc nào. Snitser đã đấm 1 lính tăng hôm qua trong 1 cuộc tranh luận về chiến lợi phẩm.

Grossman mặc dù vỡ mộng trước những huyền thoại Hồng quân kiểu đó nhưng vẫn hầu như không thoát được sự mê tín đối với họ, ông vẫn lạc quan vào tình hình mới đang tiến triển thuận lợi.

Tinh thần của quân ta đã lên cao. Đó là sự thật.

Ông đánh giá sự thay đổi này qua các biện pháp cứng rắn mới được áp dụng trong quân đội Đức, (mặc dù chúng không tàn nhẫn bằng các biện pháp do đặc vụ NKVD đi kèm đội hình quân đội Soviet thực hiện).
Diễn văn của Hitler đọc trước binh sĩ: “Không lùi 1 bước khỏi những vùng đất đã chiếm được”. Mệnh lệnh này đã được đưa ra để buộc các binh sĩ ký vào: “1 bản án tử hình đã được đưa cho chúng tôi, và chúng tôi đã ký vào nó”. 1 tù binh Đức nói.
Grossman chắc chắn đã được Trung tá Elchaninov cho phép xem báo cáo của trung đoàn trong những tháng trước đó. Cũng như các ví dụ về chủ nghĩa anh hùng Soviet, Grossman viết cả về các “sự kiện bất thường”, đó là cách nói trại đi về những hành động hèn nhát, đào ngũ, phản bội, các hoạt động chống chính quyền Soviet và tất cả các loại tội phạm có thể nhận án tử hình khác. Grossman hoàn toàn bị mê hoặc bởi ngôn ngữ nhà binh và sự phức tạp đến kỳ quái của các cơ quan theo dõi. Các ghi chép của ông vì vậy trở nên quá nguy hiểm, ông ghi lại cả các sự việc về đào ngũ hay bất tuân lệnh. Nếu bất kỳ cuốn sổ ghi chép nào của ông bị Cơ quan đặc vụ trực thuộc NKVD - cơ quan phản gián quân đội được tái tổ chức thành lực lượng SMERSh vào mùa xuân năm 1943 - phát hiện ra, ông sẽ gặp phải rắc rối lớn.

8/10/1941. Kravtsov của Đại đội Cối 3 đã liên tục tìm cách dừng lại nghỉ trên đường hành quân mặc dù đã bị chỉ huy cấm, hành động này đã đẩy đại đội của anh ta vào tình thế nguy hiểm.
13/10. Lính Hồng quân Matrosov đã tự để lộ mình khi thi hành nhiệm vụ trinh sát bằng ngựa. Anh ta đã bị giết. 1 người trong nhóm trinh sát đầu hàng địch và chịu đứng dưới tấm biểu ngữ “Ngày tàn của Nhà nước Soviet”.
19/10. 1 lính Hồng quân thuộc Đại đội 8 bị bắn vì đã giúp sức cho 1 kẻ đào ngũ chạy sang phía địch*.

*[Bất cứ người lính nào không tố cáo hoặc bắn đồng đội định đào ngũ đều bị coi là đồng lõa]

24/10. Chỉ huy phân đội Marchenko không tin vào thắng lợi hiển nhiên của Hồng quân. Anh ta đã nói: “Hitler chắc chắn sẽ đẩy chúng ta trở lại Siberia”.
15/11. Một xạ thủ súng máy tuyên bố: “Thông cáo của đồng chí Stalin đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta”. Lính Hồng quân Oska cũng tuyên bố: “Tôi xin nói với đồng chí Stalin rằng tôi sẽ chiến đấu với quân thù cho đến khi nào tim tôi còn đập”.

Tại các buổi mít tinh do các chính ủy hay “politruk” điều hành, các binh sĩ kể lại các hành động anh hùng và được động viên để đưa ra các khẩu hiệu và tuyên bố phù hợp với từng người.

Chính ủy Glyanko xông vào làng Kupchinovka, hô lớn “Ura!”.
Người đánh xe ngựa Klochko bị bọn Đức bắt. Chúng đẩy ông tới 1 ngôi nhà nơi quân Soviet đang đóng. Khi bước tới ngưỡng cửa, Klochko hét lên: “Đồng chí hạ sĩ! Bọn Đức!”.
“Tôi yêu cầu xử tử 2 tên Đức đã chính tay giết 1 chiến sĩ của Đại đội 9 Bộ binh, thưa đồng chí Gorelov”.
Lính Hồng quân Pilyugin nói: “Mùa Đông Tướng quân đã vui lòng giúp chúng ta. Bọn Đức đang hấp hối”.
Lính Hồng quân Ryaboshtan tuyên bố: “Tôi sẽ đào 1 con hào ngay bây giờ và không 1 hỏa lực nào của địch có thể đẩy tôi rút lui khỏi đó”.
Lính Hồng quân Kozyrev thuộc Đại đội 9 nói: “Thật khó để rời bỏ mảnh đất đã gắn bó với mình. Trừ phi là để tiến lên”.
Lính Hồng quân Zhurba nói: “Chết còn hơn là bị bọn phát xít giam cầm”.

Mặt khác, 1 số binh sĩ lại tỏ ra ngây thơ đến mức nguy hiểm khi buông ra những lời than phiền. Họ có thể bị chuyển cho Đặc vụ như những kẻ chủ bại hoặc kẻ kích động theo địch.

Lính Hồng quan Manyuk phát biểu: “Chúng tôi không được nghỉ ngơi chút nào dù đã chiến đấu suốt từ ngày này qua ngày khác”.
Lính Hồng quân Burak từ chối nhận 1 khẩu tiểu liên: anh ta nói mắt anh ta kém. Đại đội trưởng Kovalenko nguyền rủa anh ta bằng những lời tục tĩu.

Grossman ghi chép nhiều ví dụ về việc lính tráng và thậm chí các sĩ quan bày tỏ niềm tin tôn giáo của họ. Mặc dù vậy cũng không rõ điều binh lính nói rằng Stalin đã thừa nhận Nhà thờ Chính thống giáo trong những giờ khắc đất nước lâm nguy có đúng không.

Lính Hồng quân Golyaperov tuyên bố: “Tôi sẽ chỉ tuyên thệ nếu có 1 cây thánh giá”.
Đặc vụ bắt Manzhulya, 1 binh sĩ đã đào ngũ nhưng rồi tự nguyện quay lại.

Mặc dù quay lại 1 cách tự nguyện, Manzhulya vẫn có thể bị coi là phần tử chậm tiến, đỡ hơn là 1 kẻ đào ngũ, và có thể phải đối mặt với đội xử bắn hay bị đưa vào 1 shtrafbat, tiểu đoàn trừng giới, nơi hầu như chắc chết vì đơn vị này bị buộc phải nhận những nhiệm vụ nguy hiểm nhất, trong 1 số trường hợp bao gồm cả việc tấn công xuyên qua các bãi mìn và đi đầu các mũi tấn công*.

*[Theo tài liệu của quân đội Nga, đã có 422.700 binh sĩ trong các đơn vị trừng giới chết trong suốt cuộc chiến]

“Bản lĩnh chính trị của binh sĩ là tốt. Kẻ đào ngũ Toropov đã bị bắn trước mặt đại đội của hắn”.
Bác sĩ Dolenko. Chồng cô ta đã trốn theo du kích nhưng cô ta lại theo bọn Đức.

Sự tương phản khắc nghiệt giữa 2 hành động anh hùng và hèn hạ này đặt ra nhiều câu hỏi. Bác sĩ Dolenko, 1 người Ukraina căn cứ theo tên của cô, có lẽ chỉ muốn đoàn tụ với gia đình đang ở sau chiến tuyến Đức, tuy nhiên theo góc nhìn Soviet đó là hành động phản quốc.
Cũng như trong mọi quân đội khác, việc nhận thư nhà là nguồn động viên tinh thần quan trọng.

Dư luận rộng rãi trong binh lính cho rằng các trạm thư chiến trường không thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Trong Hồng quân, hơn bất kỳ 1 quân đội nào khác, tệ uống rượu gây nên những mối đe dọa lớn nhất cho kỷ luật, nó khiến người ta mất khả năng giữ mồm giữ miệng 1 cách nguy hiểm.

Lính Hồng quân Kazakov nói với Trung đội trưởng: “Súng của tao đã nạp đạn từ lâu để chờ đến lúc bắn mày”.
Lính Hồng quân Evsteev từ chối đến chốt gác với lý do anh ta đang bị ướt. Ngày 20/10 anh ta rời chốt không phép, bỏ lại các thành viên khác của tổ súng máy. Anh ta tới chỗ Đại đội 7 và nói với các binh sĩ tại đó: “Các chỉ huy của tôi chửi tôi, hút máu tôi đến giọt cuối cùng, và nhồi thức ăn đầy bụng”. Khi phải nói chuyện với chính trị viên, anh ta bắt đầu cãi lại, tuyên bố rằng: “Rồi sẽ sớm đến lúc chúng tao xiên mày trên lưỡi lê”. Chính trị viên bắn anh ta bằng súng ngắn.

Suốt cuộc chiến, nỗi ám ảnh chính của nhiều binh sĩ Hồng quân là làm thế nào để kiếm được rượu hoặc bất kỳ thứ gì giông giống rượu.

Trung đội phó Anokhin và hạ sĩ Matyukhin uống những thứ đựng trong chai thuốc chống chất độc Yperite. Trung đội phó chết ngay, hạ sĩ chết trên đường đến bệnh viện.

Grossman ghi lại các ví dụ về ngôn ngữ trong các báo cáo quân sự chính thức.

Podus, chỉ huy trạm cấp phát thuốc, thực hiện hành vi tham ô cồn của trạm thuốc, pha loãng số cồn còn lại bằng nước lã.

Rượu cũng là nguyên nhân của phần lớn các vụ vi phạm về dâm ô và yêu đương, có lẽ 1 phần vì nó làm giải tỏa tâm hồn khỏi những đè nén nhu cầu tình dục trong thời đại Stalinist, khi 1 lời gợi ý mang tính quấy rối cũng bị xem là “chống Đảng”.

Trung úy Boginava rời bỏ trung đội của anh ta trong đêm để tới chỗ 1 cô gái tên là Marusya, cô này cự tuyệt không làm bất kỳ điều gì với anh ta. Boginava đòi cô phải cưới anh ta và dọa bắn cô.

Cũng có nhiều lúc các quan điểm cao thượng, chân thật và có văn hóa được bộc lộ, dù rằng điều đó thường được các chính trị viên định hướng thành lòng căm thù giặc và tình yêu đất nước Liên Xô.

Một buổi hòa tấu được thực hiện tại Đại đội Súng máy 1... lính Hồng quân tổ chức các buổi biểu diễn nhạc kịch trong các tiểu đoàn của họ. Sân khấu của vở kịch “Ở trang trại Fyodorovka” đang được dựng... Một buổi thuyết trình về triết học cũng được tổ chức cho các sĩ quan.
Một đội văn công Hồng quân... “Buổi hòa nhạc của đội văn công này là 1 phát đạn chính xác nhằm vào bọn phát xít”. Đội văn công này đã hoạt động từ 2 tháng trước, họ học hát cùng với các binh sĩ những bài hát kiểu như “Ôi, có 1 thằng cha đang gào lên bên đường”. Kalisty, 1 người trước làm việc tại tòa án, hát: “Ôi, Dnepr, Dnepr, sông cứ trôi xa, nước trong như nước mắt”. Khi bài hát cất lên, không chỉ có thính giả khóc mà người hát cũng khóc. Các binh sĩ thành viên đội văn công - bộ binh, pháo binh, lái tăng - ăn mặc tồi tàn, 1 trong số họ vừa trải qua 1 lần suýt chết cóng. Họ tới đây dưới làn đạn và thường biểu diễn ngay trước 1 trận đánh mới. Tại làng Dubrova, người xem phải chạy thật nhanh, từng người 1, đến chỗ biểu diễn văn nghệ trong rừng. Một bà già tên là Vasilisa Nechivoloda tới và khiêu vũ với Kotlyarov trong tiếng đàn accordeon. Bà đã 75 tuổi. Sau buổi biểu diễn bà nói: “Cám ơn các con trai, hãy sống thật nhiều, thật nhiều năm nữa để đánh bọn phát xít nhé”.

Các dân làng không phải lúc nào cũng thân thiện.

Bà chủ căn nhà bị Đại đội 6 trưng dụng làm nơi đóng quân tỏ ra thù địch với những người lính - bà ta đổ tro vào trà của họ, nấu bếp khiến trong nhà ngập ngụa khói.
Chỉ huy trung đoàn pháo là Thiếu tá Ivanov, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, pháo được bôi mỡ và tra dầu vào các bộ phận. Một tốp săn tăng được thành lập và luyện tập. Tiểu đoàn của Chính ủy Malyshev có 1 dàn đồng ca tuyệt vời. Họ tự làm 1 cái nhà tắm hơi (banya).
Báo cáo chính trị mới nhất: “Trong trận đánh tại làng Zaliman, 1 lính Hồng quân bị thương đã lọt vào vườn sau nhà công dân Yakimenko. Galya Yakimenko đã chăm sóc y tế cho anh ta. Một tên Đức phát xít xông vào vườn bắn chết cả người lính và Galya, hắn còn định bắn vào cậu con trai 14 tuổi nhà Yakimenko. Hàng xóm là cụ Semyon Belyavtsev đã vớ lấy 1 cây gậy phang vào đầu tên phát xít. Binh sĩ Petrov kịp lao tới bắn chết hắn”.

Trong hầu khắp các đơn vị Soviet, thương vong do tai nạn súng ống ở mức rất cao.

Thiếu úy Evdokimov (sinh năm 1922, trình độ văn hóa lớp 10, Đoàn viên Komsomol) làm thiếu úy Zorin bị thương vào bụng. Đó là 1 tai nạn, thiếu úy Evdokimov sau đó định tự sát nhưng không thành công.

Phía Soviet thường thổi phồng thương vong của đối phương đến mức quá quắt.

“Đồng chí Myshkovsky đã chiến đấu như 1 anh hùng và tiêu diệt 1 trung đội phát xít bằng súng máy. Anh đã hy sinh sau khi bị thương nhiều chỗ”.
“Naum Moiseevich Mahomed đã chiến đấu dũng cảm và cùng trung đội của mình chiếm được nhiều vũ khí địch, Mahomed đã hy sinh. Pháo thủ súng cối Sivokon đã đập tan quân thù không khoan nhượng. Đồng chí Trung đoàn trưởng Avakov đã được chôn cất vào hồi 15h, ông đã hy sinh như 1 vị anh hùng, toàn thể đơn vị nói lời vĩnh biệt vị chỉ huy, có cả cư dân địa phương tham dự lễ tang”.
“Chính ủy Usachev ném lựu đạn vào bọn Đức và khởi xướng 1 cuộc xung phong bằng lưỡi lê. Usachev đã hy sinh như 1 vị anh hùng”.
Khi nghe báo cáo từ mặt trận, Sư trưởng Pesochin nói với giọng du dương: “Ôi, lạy Chúa tôi”.

Việc quay lại Zaliman và nhiều làng khác đã làm Grossman suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống dưới ách chiếm đóng của bọn Đức. Những tin đồn từ phía bên kia chiến tuyến gây lo lắng cho mọi người.

Các cô gái sống trong các làng bị chiếm đóng phải quấn giẻ rách lên người và bôi tro lên mặt.

Đó là cách để bọn lính Đức không chú ý tới họ.
Phụ nữ Đức cũng phải dùng biện pháp tương tự vào năm 1945 để hy vọng thoát khỏi bị Hồng quân hiếp. Grossman cũng như nhiều người khác đôi khi đã tác động tạo nên ấn tượng xấu về sự chiếm đóng của đối phương.

6 cô gái xinh đẹp của làng Zaliman đã bỏ đi theo bọn Đức.

Đó rất có thể chỉ là 1 lời đồn đại độc ác. Hầu hết các cô gái hấp dẫn đều bị bắt phục vụ tại các nhà chứa của Wehrmacht (quân đội Đức quốc xã), 1 số phận còn tệ hơn là bị hãm hiếp vì như vậy là họ bị hiếp thường xuyên. Các cô gái trẻ phải giả bộ thích thú việc đó hoặc đối mặt với những hình phạt hà khắc.
Đối với phần lớn người dân đã bắt nhịp được với tình trạng chiến tranh, sống sót là tất cả. Tuy nhiên đôi khi 1 chú nhóc nông dân tỏ ra láu cá để có được những thứ tốt hơn.

Một chú bé phát hiện dấu vết của bọn Đức, đêm xuống, cậu ta báo lại mọi thứ cho trung đoàn trưởng đang ở trong 1 izba. “Cho tôi 1 ít vodka, tôi lạnh”, cậu ta nói bằng giọng khàn khàn. Trung đoàn trưởng đang ăn tối, ông bắt đầu nói lớn: “Vanya, Vanya, có ít thịt gà này”. Cậu bé được cho 1 ít vodka và thịt gà, sau đó mẹ cậu ta thình lình xuất hiện và quật cho cậu 1 trận ra trò. Hóa ra cậu ta đã bịa ra mọi chuyện.

Grossman góp nhặt những chi tiết vụn vặt từ các chính trị viên để hoàn thành bài báo. Nhiều khi là từ các cuộc thẩm vấn tù binh hoặc các thư từ, tài liệu thu được, nhưng không phải tất cả đều chính xác.

1 bức thư của lính Đức: “Đừng lo buồn. Vì càng sớm xuống lỗ ngày nào tôi càng đỡ phải chịu khổ ngày đó”.

Câu cuối như thế đã trở nên thông thường trong các binh lính Đức chán ngán chiến tranh, những từ ngữ này xuất hiện nhiều đến mức đáng ngờ trong các thư từ mà nhà cầm quyền Soviet tuyên bố thu được. Tuy nhiên chúng không bao giờ xuất hiện trong các bộ sưu tập thư chiến trường thu được tại Đức. Có lẽ các chính trị viên nghe được ở đâu đó những điều này rồi tuyên bố họ tìm thấy trong những bức thư. Grossman sau đó trích dẫn lại 1 cách thường xuyên như 1 ví dụ lặp đi lặp lại, tuy nhiên điều này còn phải nghiên cứu cẩn thận.

“Chúng tôi thường nghĩ: “Rồi, giờ thì nước Nga chắc chắn sẽ đầu hàng”, nhưng tất nhiên bọn dốt nát đó quá ngu để hiểu điều đó”.
Cũng trong 1 bức thư: “Tình hình lương thảo không đến nỗi tệ. Hôm qua chúng tôi thịt 1 con lợn nặng 150kg cho 7 người ăn. Chúng tôi đã bỏ đi 30kg mỡ”.
1 bức thư khác: “Chúng tôi hấp bánh táo. Lúc đầu chúng tôi cho quá nhiều bột, sau đó là quá nhiều khoai tây. Tổng cộng chúng tôi làm được 47 cái bánh táo, đủ cho 3 người chúng tôi. Giờ tôi đun cải bắp và táo. Tôi không biết mùi vị của chúng sẽ ra sao nhưng dù sao chúng tôi cũng không có phiếu thực phẩm. Chúng tôi lấy mọi thứ từ dân địa phương. Không có thời gian để viết thư, chúng tôi nấu nướng suốt ngày. Cuộc sống quân đội thật tốt đẹp. 4 người chúng tôi thịt 1 con lợn sữa để ăn với nhau. Tôi tìm thấy nhiều mật ong ở đây, đó chính xác là thứ tôi cần”.
1 bức thư của 1 cô gái Đức: “Em đang dần phát điên, về đi, tình yêu của em. Em mong anh sẽ sống sót vì chiến tranh chẳng là gì cả với em nếu anh không còn. Tạm biệt, kho báu của em, tạm biệt. Mizzi”.
Hitler tuyên bố với binh lính của hắn (trong 1 bản báo cáo lấy được từ 1 tên Đức bị bắt):
“Các binh sĩ của tôi! Tôi yêu cầu các bạn không lùi 1 bước khỏi những vùng đất các bạn đã chinh phục được bằng máu của chính các bạn. Hãy đốt cháy các làng mạc Nga để soi đường cho các đơn vị dự bị của tôi đang tiến tới và truyền niềm vui cho họ. Các binh sĩ của tôi, tôi đã làm mọi thứ vì các bạn, giờ các bạn hãy làm những gì có thể cho tôi”.

9
Cuộc chiến tranh trên không ở khu vực phía Nam
 
Trong ngày đầu năm mới 1942, Grossman lại viết thư cho vợ trong tâm trạng phởn phơ vì quân Đức đang rút lui trên khắp các mặt trận.

Lyusenka yêu quý nhất của anh, chúng ta hãy chúc mừng năm mới: em ở Chistopol, anh ở mặt trận... Tương lai đã trở nên rõ ràng với chúng ta. Cảm giác tin tưởng và mạnh mẽ lan truyền trong toàn thể quân đội, và mỗi ngày trôi qua lại đem chiến thắng đến gần hơn...

10 ngày sau, ông lại viết 1 bức thư khác.

Các bài viết của anh hiện đã được đăng thường xuyên hơn, và Tổng biên tập đã trở nên tốt bụng hơn với anh. Anh mới nghe về cái chết của Gaidar* hôm qua. Anh ấy đã hi sinh trong 1 trận đánh... Lyusenka, em có nhớ Gaidar? Bạn bè chúng ta đang ở đâu? Anh vẫn không thể tin vào sự thật là Vasya Bobryshev đã chết. Anh vừa đọc bức thư cuối cùng của anh ấy mới đây xong, và tim anh đau nhói. Anh thường nhớ tới Roskin với tâm trạng đau khổ. Anh nghĩ về Mẹ. Anh vẫn không tin là Mẹ đã mất, anh không thể chấp nhận điều đó. Nỗi đau về Mẹ vẫn sẽ túm chặt lấy anh sau này...

*[Arkady Gaidar, nhà văn nổi tiếng và được yêu thích chuyên viết cho trẻ em. Từng là Trung đoàn trưởng vào năm 18 tuổi trong cuộc Nội chiến Nga. Năm 1941, sau khi phát xít Đức xâm lược, ông ra chiến trường làm phóng viên chiến tranh]

Đến cuối tháng 1, Grossman đến thăm 1 sân bay ở Svatovo, đó không phải là 1 chuyến đi dễ dàng trong tiết trời mùa đông lúc đó.

Có bão tuyết khi chúng tôi rời Zaliman đi Svatovo. Con đường biến mất dưới lớp tuyết. Chúng tôi sớm bị kẹt đến mức vô vọng. May mắn thay, 1 chiếc tank đi qua đã nhận thấy chúng tôi. Chúng tôi trèo lên ngồi trên xe tăng và nó đưa chúng tôi quay về lại Zaliman, kéo theo cả chiếc ô tô của chúng tôi.

Ông kể lại chuyến đi này trong bức thư sau đó gửi cho cha.

Ở đây trời vẫn lạnh buốt. Con vừa bị 1 trận bão tuyết giữa thảo nguyên và 1 chiếc xe tăng đã cho con đi nhờ về làng nếu không con có thể chết cóng ngoài đó. Có rất nhiều việc ở đây và công việc thật hấp dẫn. Tinh thần của con đang rất cao. Chỉ là con hơi lo lắng cho tất cả những người con yêu quý, tất cả đã phải sơ tán mỗi người 1 nơi. Con thường mơ về Mẹ. Điều gì đã xảy ra với Mẹ? Mẹ còn sống không?

Trong suốt cuộc chiến, Grossman luôn bị hấp dẫn bởi những tay chuyên gia. Trong giai đoạn đầu, các phi công chiến đấu là những người thu hút ông nhất; sau đó khi ở Stalingrad, các tay bắn tỉa gây cảm hứng với ông; và trong 6 tháng cuối cùng của cuộc chiến là những lính xe tăng.
Đầu tháng 2, ông tới thăm trung đoàn không quân chiến đấu Hồng quân yểm trợ cho Phương diện quân Tây Nam đóng tại sân bay Svatovo, phía bắc Donets. Trung đoàn được trang bị các máy bay chiến đấu Yak. Trong thời kỳ đầu cuộc chiến, không quân Soviet mặc dù có số lượng lớn nhưng không thể đọ nổi kỹ thuật hơn hẳn của không quân Đức (Lufwaffe) đối thủ, vì vậy 1 số phi công đã phải chọn cách đâm thẳng vào máy bay Đức. Chỉ 1 số ít thoát được sau những vụ như vậy.

Salomatin: “Đâm thẳng - đó là tính cách Nga, là cách giáo dục Soviet”.
Mikhail Stepanovich Sedov, sinh năm 1917: “Đâm thẳng không phải hành động anh hùng. Anh hùng nghĩa là bắn hạ chúng càng nhiều càng tốt”.
Skotnoi: “Cái kiểu anh hùng gì mà lại mang 1 chiếc máy bay đầy đạn nhưng không tìm cách bắn (máy bay địch) mà đến nỗi phải đâm chúng?”.
Skotnoi không nói nhiều, anh đang rất buồn. “Tôi sẽ rất bối rối khi tới các câu lạc bộ. Tôi quá nhát để nói chuyện với các cô gái”.

1 số phi công mà Grossman phỏng vấn, đặc biệt là các chỉ huy đơn vị, bị các nguyên tắc của Đảng giới hạn chặt chẽ nên không bao giờ đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về các vụ tai nạn rơi máy bay hoặc hỏng động cơ, dù chỉ là để nêu lên vấn đề. Trong 1 số giai đoạn của cuộc chiến, không quân Hồng quân mất số máy bay do tai nạn nhiều gần như do chiến đấu với địch.

Thiếu tá Ivan Sidorovich Fatyanov: “Người của tôi làm việc theo từng cặp. Họ thậm chí sẽ bỏ qua con mồi để bám sát đồng đội. Lòng tin vào người đi cùng là điều quan trọng nhất. Chúng tôi giúp đỡ những người khác khi họ gặp vấn đề. Truyền thống đó đã có từ trước và chúng tôi bao giờ cũng tuân theo. Chúng tôi tin tưởng vào những gì được trang bị cho chúng tôi. Chẳng bao giờ có chuyện động cơ hoặc bản thân chiếc máy bay làm ai đó bị rơi”.
Với đề tài về bọn Đức:
“Chúng yểm hộ những chiếc Junker tiến tới, tách ra và tấn công. Nhưng chúng không thể chống cự khi tình hình thay đổi mau lẹ. Không có nhiều tình đồng đội giữa chúng với nhau. Các cặp máy bay ta dễ dàng xé toang đội hình chúng. Chúng bỏ chạy hết tốc lực. Chúng có thể chạy tán loạn trước 1 đối thủ lanh lợi nhưng không bao giờ bỏ qua 1 chiếc máy bay ta đã bị thương. Tôi không dám nói tôi là người giàu kinh nghiệm”. (Anh ta tỏ ra khiêm tốn).
1 viên tướng không quân đang nói chuyện trên điện thoại mặt trận về bom, việc cất cánh các máy bay ném bom, việc bắt đầu công kích, vân vân và vân vân. Bất thần ông nói: “một đứa trẻ đang khóc ở đâu đó sát chiến tuyến bên kia, chắc là trong 1 izba”.

Grossman xem ra đã bị hấp dẫn bởi những tiểu tiết trong các ghi chép của mình.

Aleksandr Vasilievich Martynov, sinh năm 1919: “Mọi người có thể nhận ra toàn bộ tính cách của 1 phi công theo cách anh ta di chuyển chiếc máy bay. Tôi có thể nhìn thấy đâu là tên địch mạnh mẽ và kiên trì. Bọn Đức cũng tìm những người khờ khạo, chúng sẽ hạ gục họ từ phía sau. Là 1 phi công, bạn sẽ nhận ra tính cách đồng đội của mình là như thế nào, và toàn bộ bản chất anh ta được thể hiện theo cách anh ta lái cỗ máy. Trong 1 trận không chiến, rất khó phân biệt giữa các phi công với nhau... Tôi phải bảo vệ đồng đội của mình hơn là bắn hạ bọn Đức khát máu... Bạn nhìn thấy 1 tên Fritz, cách hắn lúc lắc đầu, và bạn cho chúng xơi vài viên đạn nóng bỏng! Cận chiến trên không hơi khó khăn với bọn Fritz, đó là kiểu đánh nhau đến giọt máu cuối cùng. Quân địch không thích đánh nhau trên cùng 1 mặt phẳng, ngang hoặc nghiêng, chúng thường cố đánh trên 1 trục thẳng đứng. Chúng làm mọi thứ 1 cách êm ru, tránh những cú nghiêng cánh gấp. Điều đó có nghĩa là chúng có thể thoát khỏi 1 mặt phẳng chỉ bằng 1 cú lượn. Chúng bắn mà không ngắm kỹ”.
“Hợp tác tốt giữa các cặp đôi đảm bảo cho thành công. Bạn bay theo người dẫn đầu và anh ta ra tín hiệu khi cần tách ra... Tôi đã từng bị trúng đạn trên không bởi pháo cao xạ, máy bay cháy và tôi bị thương. Khi máy bay cháy tôi chưa cảm thấy sợ, không có thời gian để sợ”. Đức tính tốt của 1 phi công giỏi là:
1) Biết rõ cỗ máy và các thiết bị kèm theo của bạn để có thể sử dụng được chúng.
2) Tin tưởng và yêu quý cỗ máy của bạn.
3) Dũng cảm, có cái đầu lạnh và trái tim nóng.
4) Có tình đồng đội tốt.
5) Thể hiện đức tính vì người khác trong chiến đấu, hết lòng vì Đất Mẹ, và căm thù giặc.
Cuộc đụng độ đầu tiên của tôi là với 1 chiếc Heinkel. Tôi công kích nó 12 lần, nó biến thành 1 cục khói đen. Lần đầu này tôi có hơi sợ, tôi trở về với nhiều vết đạn. Khi bị trúng đầy vết đạn, tôi bay như 1 con chim cút già nua”.
Salomantin giải thích tại sao anh ta không chờ muộn hơn để tham chiến 1 trận đánh khác: “Tôi muốn là phi công chính, đó là lý do tôi lại bắt đầu tham chiến. Chẳng vinh dự gì khi tôi là người bay sau. Tôi muốn hạ bọn Đức dù phải trả giá bằng mạng sống của mình”.

Salomatin sau đó kể về Demidov, đồng đội của anh vừa hi sinh trong 1 trận không chiến. Mọi người đã tưởng nhớ anh ta trong tiệc rượu ăn mừng việc được tặng thưởng huân chương. Phong tục của Hồng quân là bỏ chiếc huân chương mới được tặng thưởng vào cốc vodka, uống 1 hơi hết chỗ rượu đó để cuối cùng là ngậm được chiếc huân chương giữa 2 hàm răng.

“Demidov, người đồng đội vừa hi sinh, thường truyền sự can đảm của anh cho mọi người. Baranov đã khóc òa lên khi chúng tôi được nhận huân chương. Cốc đầu tiên là cho Stalin, cốc thứ 2 là cho người đồng chí đã hi sinh Demidov”.
Đại úy Zapryagalov: “Ngày đầu tiên của trận chiến tại Chernovitsy, còi báo động reo vang ngay từ 4h sáng. Chúng tôi chạy vào sân bay. Tôi cất cánh khi bom đang nổ. Sau này tôi phải tiến hành các vụ cất cánh khác từ sân bay đã bị bom phá hủy”.
“Cái chính là chúng tôi tin tưởng. Chúng tôi chẳng nghi ngờ gì là sẽ được đồng đội giúp đỡ khi gặp vấn đề. Chúng tôi không phải những người bắt đầu truyền thống đó nhưng chúng tôi sẽ tuân thủ tuyệt đối nó. Đức là 1 nước rất mạnh về kỹ thuật”.
Boris Nikolayevich Eryomin, 29 tuổi: “Nguyên tắc quan trọng nhất là phải hợp tác với người cùng cặp và có tinh thần đồng đội. Chúng tôi hợp tác với nhau và biết rõ đặc điểm của người kia. Martynov, chỉ huy phó, bay cùng Korol và dạy anh ta. Cặp đôi thứ 2 gồm Balashov và Sedov. Tôi bay cùng Skotnoi.
Ai cũng có thể nhìn thấy luồng đạn lửa bắn ra từ chiếc máy bay màu đen của địch. Chiếc Messerschmitt có thân dài, trông giống như 1 cây thương. Tôi quan sát, thấy cái mũi cánh quạt màu vàng của nó thì nghiêng cánh, nhưng hơi muộn. Tôi thấy hắn khai hỏa vào tôi và ánh lửa xanh bùng lên, ngay khi đó Martynov lao vào hắn, và hắn rơi. Thật thú vị, tất nhiên, bạn sẽ thực sự say mê khi nhìn thấy cảnh đó”.
“Chúng tôi phải bảo vệ đám “mòng biển”, bên trong chúng đều là những người tốt”*.

*[Mòng biển (chaechka): cách gọi âu yếm 1 loại máy bay. Thực tế theo cuốn “Polikarpov I”, trang 15, 1 chiếc máy bay chiến đấu loại nhỏ có cánh kiểu chim mòng biển không bao giờ có cơ hội đối chọi đơn độc được với 1 chiếc Messerschmitt 109]

“Tôi cất cánh cùng Salomatin khi còi báo động kêu và hạ được 1 máy bay địch. Cảm giác thật sung sướng. Bạn chỉ toàn bay theo 1 phương pháp đó thôi: “Ah, sẽ tốt hơn nếu theo cách đó, sẽ tốt hơn nếu theo cách đó”.
“Chỉ huy giải thích điều đó với tôi, và tôi hiểu điều anh ta muốn ở tôi. Chúng tôi đã thống nhất trước từ ở dưới đất - nếu anh lắc cánh - đó có nghĩa là chuẩn bị vào công kích đi”.
Trung úy Salomatin (người bay yểm trợ cho Sedov, sinh năm 1921: “Chiếc máy bay dẫn đầu của địch tiến thẳng về phía tôi, nhưng tôi không xoay máy bay ra hướng khác. Hắn sững lại rồi xoay đi. Đâm thẳng vào hắn lúc này có thể lợi được 1 chút, nhưng chẳng đáng, chỉ khi nào 1 chọi 1 thôi. 1 người có thể sợ nếu bị cả đám máy bay địch tấn công, nhưng khi quân ta có cả 1 phi đội, bạn sẽ quên tất cả mà chỉ thực sự bị kích động bởi ý nghĩ: “Chúng đang bay đi ném bom quân ta!”.
Về đâm máy bay: “Sẽ là rất có lợi khi đổi 1 chiếc tiêm kích lấy 1 chiếc Junker nhưng tôi sẽ chẳng trao cho ai danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì 1 hành động kiểu đó. Ai mà chẳng làm thế được. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện đâm máy bay, về chuyện xé tan máy bay địch bằng cánh quạt. Nó có thể gây ra nhiều thiệt hại.
Tôi xông vào chúng và lao thẳng vào giữa đám máy bay Đức, gần như chạm cánh vào 1 chiếc trong số chúng. Tôi thoát qua hướng về phía mặt trời mà chúng không hề bắn. Tôi lại suýt nữa húc phải 1 chiếc khác và bắn hạ hắn ở khoảng cách chỉ 25m. Sau đó tôi quay lại và bắt đầu nã đạn vào bất kỳ chiếc máy bay Đức nào.
Chuyến bay thứ 2 - tên dẫn đầu chỉ cách tôi có 2m ngay dưới bụng và tôi bị luồng gió từ chiếc máy bay của hắn tạt vào. Tôi bổ nhào và thoát được khỏi 9 chiếc Messer. Tôi tăng tốc để hạ 1 chiếc Messer đang bám đuôi 1 trong những chiếc Yak của ta (Trung úy Skotnoi đang lái chiếc này), nhưng không thể làm được điều đó ngay. Máy bay của Skotnoi chao đi, nhưng tôi đã kịp đưa 2 chiếc Messer ra đi. Skotnoi hạ cánh xuống đất. Tôi lượn 2 vòng để tìm vì rõ ràng địch không giết được anh ta. Tôi thấy anh ta còn sống và giơ tay vẫy”.
Skotnoi: “Chúng tôi lao vào trận đánh mặt đối mặt. Hắn bắn thủng bộ tản nhiệt máy bay của tôi nhưng tôi đã bắn cháy hắn. Tôi tới giúp Eryomin. 1 chiếc Messerschmitt bắn trúng bình xăng và ống dẫn nhiên liệu của tôi. Lửa bùng lên trong buồng lái, khói ngập ngụa. Tôi mất độ cao. Sedov bay quanh bảo vệ tôi. Tôi không bị bỏng, chỉ có đôi ủng là bị cháy. Tôi nhảy ra, vẫy tay với Sedov (ý nói anh ta có thể đi). Chiếc máy bay của tôi cháy bùng lên”.

10
Ở Donets cùng Sư đoàn Đen
 
Grossman đi cùng Tập đoàn quân 37 đóng gần Serverrnyi Donets, cách Kharkov 40km về phía đông nam. Họ đối mặt với Tập đoàn quân 6 Đức, lực lượng do Tướng Friedrich Paulus chỉ huy, đây cũng là lực lượng mà Grossman sẽ chạm trán ở Stalingrad.

Tới thăm Sư trưởng, Đại tá Zinoviev, Anh hùng Liên Xô, sinh năm 1905 và là 1 nông dân.
“Tôi là 1 muzhik”, ông nói về bản thân như vậy. Ông gia nhập Hồng quân năm 1927 và phục vụ trong lực lượng biên phòng đóng ở Trung Á, làm đại đội trưởng trong Chiến dịch Phần Lan, đã từng trải qua 57 ngày trong vòng vây quân Đức (kỳ công mà nhờ đó ông được nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô).
“Điều đáng sợ nhất”, Zinoviev nói với tôi, “là khi chúng đang bò tới. Bạn bắn chúng bằng súng máy, cối và đại bác, bạn nghiền nát chúng, nhưng chúng cứ bò tới. Và bây giờ tôi phải cố thuyết phục binh lính của mình: “Bò đi!”. Dù đã từng học tại Học viện Quân sự Frunze nhưng ông vẫn khó nói năng được 1 cách trôi chảy. Ông tỏ ra rụt rè và hay vấp váp trong ngôn từ, ông xấu hổ vì điều đó như 1 người bình thường.
Sư đoàn gồm phần lớn là các thợ mỏ, tất cả đều đến từ Donbass. Bọn Đức gọi họ là “Sư đoàn Đen”. Các thợ mỏ không muốn rút lui. “Chúng tôi sẽ không để 1 tên Đức nào vượt qua Donets”. Họ gọi Sư trưởng của mình là “Chapaev của chúng ta”*.

*[Vassili Ivanovich Chapaev (1897 - 1919) là anh hùng của Hồng quân trong cuộc Nội chiến Nga, nổi tiếng vì đã bảo vệ được phòng tuyến sông Ural, nhưng đã chết đuối trên con sông này khi cố bơi vào bờ với 1 viên đạn găm vào vai]

Trong trận đánh đầu tiên Sư đoàn đã bị khoảng 100 xe tăng Đức tấn công. Các thợ mỏ đã chặn đứng cuộc tấn công đó. Khi bọn Đức chọc thủng 1 cánh Sư đoàn, Sư trưởng phi ngựa dọc chiến tuyến hô: “Tiến lên, những người thợ mỏ!”.
“Thợ mỏ không lùi!”. Binh lính gầm lên đáp lại.
“Họ ngủ trong rừng khi nhiệt độ là âm 35 độ C. Họ không sợ xe tăng”. “Ở trong mỏ còn đáng sợ hơn”, họ nói vậy.
Niềm tin của Sư trưởng là: “Điểm mấu chốt ở đây là chính những người lính Hồng quân. Họ ngủ trên tuyết và tự làm cho cuộc sống trở nên thoải mái. Không dễ để 1 người thỏa mãn với cuộc sống của mình. Ai cũng muốn được sống, kể cả các vị anh hùng. Uy tín đến từ các cuộc nói chuyện hàng ngày. Một người lính phải biết và hiểu rõ nhiệm vụ của mình. Cần phải nói chuyện với binh lính, hát và nhảy với họ. Uy tín không phải dễ mà có, phải rất khó khăn mới đạt được. Tôi đã học được điều đó hồi còn ở lực lượng biên phòng. Tôi biết các binh sĩ tin tôi, tôi biết họ sẽ hoàn thành mọi mệnh lệnh của tôi dù phải trả giá bằng mạng sống. Khi cần phải chiếm 1 thị trấn hoặc chặn 1 con đường, tôi biết rằng họ sẽ làm”.
Giá buốt kinh khủng, mưa tuyết gào rú, không khí băng giá đến mức mọi người phải cố kìm nén hơi thở. Lỗ mũi đặc nghẹt, răng gõ lập cập vì lạnh. Bọn Đức bị chết cóng nằm lăn lóc trên đường tiến của quân ta, xác của chúng hoàn toàn không bị đụng tới. Quân ta không giết chúng mà là cái lạnh. Trò đùa quái ác của tự nhiên đã sắp đặt chân, tay, đầu gối những tên Đức chết cóng, biến chúng thành những bức tượng kỳ quái. Có tên chết đứng với nắm đấm giơ lên, tên khác với các ngón tay xòe rộng. 1 số tên trông như đang chạy, đầu ngả lên vai. Chúng đi những đôi ủng rách rưới, khoác shinelishki (áo choàng) mỏng, chúng lót giấy trong áo nhưng điều đó cũng không giúp chúng giữ ấm được. Đêm xuống, cánh đồng phủ tuyết chuyển thành màu xanh lơ dưới ánh trăng, thân xác đen sì của những tên Đức chết cóng vẫn ở ngưyên trên tuyết xanh như tượng những tên hề.
Nhìn lại lần nữa, những xác lính Đức vẫn đứng đó. Một tên chỉ mặc mỗi áo lót và 1 cái áo len mỏng lót giấy.
Trong 1 ngôi làng vừa được giải phóng, xác của 5 lính Đức và 1 lính Hồng quân nằm trên quảng trường giữa làng. Quảng trường trống không, chẳng có ai để hỏi điều gì đã xảy ra, nhưng cũng chẳng cần hỏi ai để dựng lại tấn kịch. 1 tên Đức bị giết bằng lưỡi lê, 1 tên khác bằng báng súng, tên thứ 3 cũng bằng lê, 2 tên còn lại bị bắn. Và người lính quân ta, người đã giết tất cả chúng, bị bắn từ phía sau.

Grossman thích làm việc với chỉ vài đồng sự hoặc 1 mình, nay phải tham gia vào 1 nhóm lớn các phóng viên chiến tranh.

Trong izba có hàng tá người, thật là lộn xộn, sở chỉ huy đang được thiết lập. Một cô gái xinh đẹp khoác chiếc áo choàng quá rộng so với cô ta, đội 1 chiếc ushanka (mũ lông) to đến sụp cả xuống mắt, chân đi 1 đôi valenki (ủng dạ) khổng lồ. Nhưng có thể nhận ra nét ngọt ngào, mảnh dẻ của cô gái này dưới những thứ xấu xí toàn màu xám mà cô trùm lên người. Cô đứng đó với ánh mắt thất thần, chẳng biết ngồi vào đâu. Cô gái cầm 1 cái túi xách màu đỏ, thứ đã từng được thấy trong những ngày tốt đẹp, trông vô cùng buồn bã giữa khung cảnh xám xịt của môi trường quân đội xung quanh. Một chú lính đùa nghịch vỗ vào lưng cô 1 cái rất mạnh, cô bỗng òa khóc. “Tha lỗi cho tôi, Lidochka”, chú lính nói. “Tôi là thợ mỏ nên hơi mạnh tay”.
Nhớ hồi còn hòa bình, chúng tôi lúc nào cũng phải đi những đôi dép cao su xấu tệ bọc ngoài giầy khi vào các lâu đài. Giờ khoảng 50 phóng viên ảnh và phóng viên viết ngủ trong 1 izba, và nó suốt ngày lộn xộn - “Valenki của ai đây? Xà cạp, găng, mũ của ai đây?*. Mọi thứ trông y hệt như với những dân thường thời bình, điều này không bao giờ xảy ra với cánh lính tráng.

*[Hồng quân cũng như quân đội Nga Sa hoàng không tin tưởng vào bít tất. Binh lính quấn xà cạp và đi ủng ra ngoài. Có 1 niềm tin mãnh liệt rằng xà cạp có tác dụng ngăn giá rét tốt hơn nhiều]

Người chủ izba kể cho chúng tôi bọn Đức đã bỏ chạy khỏi làng khi bị quân ta pháo kích như thế nào. Chúng mang theo tư trang mà không kịp đóng gói; chúng đã quá sợ, 1 số tên ngã xuống tuyết và khóc rống lên.
“1 tên Đức đã ở đây, hắn mang theo 1 con mèo từ Poltava (sở chỉ huy Tập đoàn quân 6 Đức). Con mèo rất thân thiết với hắn. Khi hắn bước vào nhà, con mèo chạy tới bên hắn và cọ vào ủng của hắn. Hắn cho con mèo ăn mỡ, chỉ toàn là mỡ. Và khi quân địch bỏ chạy, hắn mang cả con mèo theo, hắn quá yêu con mèo đó”.
“Bác sĩ sư đoàn đóng ở đây. Ông ta làm việc suốt đêm, như trâu như bò. Ông ta viết rất nhiều và rồi gào vào điện thoại như 1 con quạ: “Kamyshevakha! Kamyshevakha!”. Rồi ông lại viết, chẳng cần ánh sáng. Ông ta đúng là làm như trâu, và ông cũng hay quát to khi ra lệnh: “Tại sao người Nga im lặng vậy”. Ông ta thích hỏi vậy khi tôi chẻ củi vào các buổi sáng, việc này đặc biệt giúp tôi tỉnh ngủ”.
1 phụ nữ kể với chúng tôi: “Nó là 1 con bò cái trẻ khỏe, bọn Đức bắt nó đi vì chúng muốn ăn cái gì đó giàu chất béo”.
Chỉ huy pháo binh ra lệnh: “Nhằm thẳng vào lũ đĩ đang bỏ chạy kia, bắn!”.

Đại tá Zinoviev cho Grossman xem qua nhật ký chiến trường của Sư đoàn trong mấy tháng trước đó.

Tháng 10.
Bí thư Đoàn Eretik buộc phải ném lựu đạn nhưng anh đang gần chết vì nhiều vết thương và không đủ sức. Quả lựu đạn nổ ngay trên tay anh, giết chết anh và mấy tên Đức.
1 chiếc máy bay hỏng được mấy con bò kéo đi. Binh lính mang theo viên chỉ huy bị thương của họ là Muratov đi liền 12km.
Lính Hồng quân Petrov nói: “Tại mặt trận quân ta được lãnh đạo tồi”.
1 nhóm trinh sát gồm 6 người do trung úy Drozd dẫn đầu đã không quay về. Drozd sau đó được tìm thấy với 2 vết lưỡi lê đâm. Anh ta đã chết và khẩu súng ngắn cũng đã biến mất nhưng giấy tờ và tiền vẫn còn trong người. Các binh sĩ còn lại không tìm thấy*.

*[Rõ ràng các binh sĩ đó bị nghi ngờ giết sĩ quan chỉ huy hoặc bỏ rơi anh ta]

Turilin và Likhatov xé thẻ Đảng*.

*[Thường thì lý do xé thẻ Đảng là vì sợ bị hành quyết nếu bọn Đức bắt được]

Gulyaev tuyên bố: “Tại sao phải đào hào, chúng thật vô dụng”.
Lính Hồng quân Tikhy* hiếp cô chủ nhà nơi anh ta nghỉ đêm. Sợ bị trừng phạt, Tikhy lao ra khỏi nhà, lấy súng, nhảy lên 1 con ngựa và chạy đi đâu không rõ. Việc tìm kiếm Tikhy đến giờ vẫn không mang lại kết quả gì.

*[Tikhy có nghĩa là “im lặng” trong tiếng Nga]

Binh lính phàn nàn rất nhiều vì hoàn toàn không nhận được thư từ gì.
1 tờ giấy viết tay được ném từ trên máy bay xuống thị trấn Yampol: “Trong buổi lễ sáng ở thành phố Jerusalem, người ta đã nghe thấy lời của Đấng Cứu Thế. Những ai cầu nguyện, dù chỉ 1 lần, sẽ được tai qua nạn khỏi”.
Thiếu úy Churelko quát các binh sĩ: “Lũ lợn! Chúng mày không thích tao vì tao là dân Digan!”. Sau đó anh ta nhảy lên ngựa và định phi lên tuyến đầu. Mọi người giữ anh ta lại, anh ta còn định tự bắn mình.
Lính Hồng quân Duvansky cưỡi bò và quật con bò bằng báng súng. Khi anh ta đang quất bò thì báng súng gẫy, khẩu súng bật lại làm Duvansky bị thương. Anh ta được đưa vào bệnh viện và sau đó ra tòa án binh.
Đảng viên Evseev làm mất sổ ghi chép. Mấy người lính tìm được cuốn sổ đó, bên trong kẹp 1 bài kinh cầu nguyện chép tay.
Các trinh sát Kapitonov và Deiga (có lẽ là đi trinh sát ở sau lưng địch) cải trang bằng quần áo thường dân và tham gia 1 buổi họp tại đó bọn Đức tổ chức bầu Starosta (trưởng làng tại các vùng quân Đức chiếm đóng)*. Bọn Đức quát: “Những ai không phải là người địa phương, đứng dậy!”. Họ đứng dậy và bị bắt.

*[“Trinh sát” trong Hồng quân gồm cả trinh sát quân sự như nghĩa thông thường của từ này và điệp viên tình báo quân đội ở cấp địa phương. Điều đó cho thấy các điệp viên này không được huấn luyện và thiếu sáng tạo]

Thực đơn tại 1 bếp ăn dã chiến của bọn Đức. Buổi sáng - bữa điểm tâm: cà phê, thường là không đường, và bánh mì phết mỡ lợn. Bữa chính gồm 1 món súp củ cải đỏ hoặc súp thịt. Bữa tối: cà phê và bánh mì. Bữa chính 2 món tức là thêm món thịt được cấp cho chúng mỗi tuần 1 lần.
Hưởng ứng bản báo cáo của Đồng chí Stalin, y tá Rud đã hiến 250ml máu còn y tá Tarabrina là 350ml.
Trong bữa sáng ở dãy nhà dành cho sở chỉ huy, 1 cục băng đã được tìm thấy trong súp.
Binh sĩ Nazarenko đã đưa 2 thương binh nặng khỏi hỏa tuyến và sau đó giết chết 10 tên lính phát xít, 1 hạ sĩ quan và 1 sĩ quan Đức. Khi có người bảo: “Cậu là 1 anh hùng”, anh ta trả lời: “Thế mà anh hùng á? Tới Berlin - đó mới là anh hùng!”. Anh ta thêm: “Ai cũng cảm thấy ổn khi đi cùng Chính uỷ Chernyshev trong trận chiến! Ông đã bò tới bên tôi ở nơi trận chiến đang ác liệt, cười và khích lệ tôi”.
3 tên lính tiểu liên Đức bị vây trong 1 cánh đồng với vài đụn rơm. Lúc đó là ban đêm. “Đầu hàng đi!”. Quân Soviet quát. Không có tiếng trả lời. Thì ra những kẻ đứng đó đã chết, người dựa vào những đụn rơm và đông cứng. Nhìn bề ngoài thì chắc có tay nghịch ngợm tai ác nào đó đã đặt chúng ở đấy từ ban ngày.

Grossman nhặt nhạnh những gì có thể từ những bản báo cáo chính thức, tiếp tục viết về cả các chi tiết chỉ mang tính minh họa và vụn vặt thu được trong các buổi phỏng vấn về cuộc sống quân đội.

Các vị sư trưởng thường nói: “Tôi đang ở...”, “Tôi đang trên tuyến đầu”. Câu nói thường xuyên của họ là: “Đơn vị bạn tụt lại đã kéo chúng tôi theo”. “Ôi, quân bạn, quân bạn”. “Chiến lợi phẩm đó là của tôi”. “Đó là những người lính phòng không của tôi, họ đã bắn hạ máy bay Đức nhưng nó rớt xuống khu vực của đơn vị bên cạnh, thế là đơn vị bên cạnh tuyên bố chính họ mới bắn rơi cái máy bay đó”. “Bao giờ cũng có vấn đề với các đơn vị bạn”.
Nếu 1 sư đoàn chọc thủng được chiến tuyến địch, sư trưởng của nó sẽ nói: “Đơn vị bên cạnh đã ngăn chúng tôi tiến xa hơn”. Và viên sư trưởng của sư đoàn đã rớt lại sau thì nói: “Họ nói thì dễ lắm. Trong khi tôi chịu gánh nặng chính của trận đánh thì đương nhiên họ sẽ dễ dàng đánh thốc lên”.
1 buổi sáng lạnh lẽo, các izba tỏa khói như tàu chiến vào cảng. Không có gió dù chỉ là thoảng qua. Hàng tá cột khói dựng thẳng đứng trên tuyết trắng nối giữa mặt đất và bầu trời xanh thẳm.
Ngay sau khi trận đánh kết thúc, 1 đám phụ nữ lao ra đồng, xông vào các chiến hào của bọn Đức để lấy lại chăn và gối của họ.
Trong 1 ngôi làng người Ukraina, những ngôi nhà kiểu khata vẫn được sơn trắng sau sự ra đi của bọn Đức giống như sau 1 bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm tàn phá ngôi làng.
Khi bọn Đức tiến vào 1 ngôi nhà, con mèo đã bỏ ra sống bên ngoài trong suốt 3 tháng (những câu truyện kiểu này lan truyền ở khắp các làng mạc). Có lẽ những con mèo cảm nhận được người lạ hoặc biết mùi của bọn Đức.

Đọc giữa các hàng ghi chép của Grossman có thể thấy những dân làng đã từng sống ở vùng Đức chiếm đóng tỏ ra lo lắng về việc họ sẽ bị nhà cầm quyền Soviet đối xử như thế nào. Nhiều người trong số họ đã hủy giấy tờ tùy thân và muốn được xác nhận lại rằng họ sẽ không bị trừng phạt.

Buổi sáng, Kuzma Ogloblin trở lại ngôi làng vừa được giải phóng. Ông từng là chủ tịch soviet của làng và đã đi theo du kích. Mặt ông sa sầm và lộ vẻ sắt đá, ông mặc chiếc áo khoác da cừu và vũ trang bằng 1 khẩu súng trường. Trong izba đầy người, Ogloblin nói: “Đừng sợ gì cả, hãy quay lại với đời sống. Các bạn cần giao nộp bất kỳ đôi ủng Đức nào. Ví dụ như bản thân tôi đã từng tấn công 1 chiếc ô tô Đức bằng lựu đạn, trong xe có 300 đôi ủng, và mặc dù tôi cần ủng, tôi vẫn không lấy dù chỉ 1 chiếc. Các bạn muốn giấy tờ cho cái gì? Tất cả chúng ta đều biết nhau. Đừng sợ gì cả, cứ sống thôi! Bọn Đức đã gây ra chuyện này, chúng sẽ không quay trở lại”.
Trở lại Voronezh, đêm tại bệnh viện dã chiến, chúng tôi gặp 1 nữ bác sĩ. Trời tối đen, chỉ có ánh sáng mờ phát ra từ than cháy trong bếp lò. Nữ bác sĩ tỏ ra nhiều lời, bà ta đọc thơ và giảng triết lý. “Xin lỗi, ờ, tóc chị vàng phải không?”, Rozenfeld hỏi. “Không, tóc tôi hoàn toàn trắng”, bà ta trả lời. Tất cả lặng im 1 cách bối rối.
1 người bị thương: “Đồng chí đại úy, chúng tôi vừa có 1 cuộc tranh luận kịch liệt ở đây. Tôi nói cho đồng chí nghe được không?”.
“Cái gì, cái gì?”, Đại úy gắt gỏng.
“Àh, chúng tôi tranh cãi xem nước Đức có còn tồn tại sau cuộc chiến này không?”.
Những người bị thương yêu cầu được cung cấp báo và vồ lấy chúng từ tay các hộ lý: họ cần chúng để cuốn thuốc hút.
1 đoàn tàu bệnh viện đỗ lại dọc đường, xung quanh toàn là tàu quân sự. Mỗi khi có 1 Ulyana, Galya hay Lena muốn trèo sang 1 toa hàng có sưởi (teplushka), các chú lính lập tức xuất hiện để “giúp đỡ” các cô y tá trèo vào. Những tiếng la hét và cười đùa vang lên khắp sân ga.
Chúng tôi chào tạm biệt bệnh viện dã chiến. Tôi nhớ là trên đường ra mặt trận tôi đã tạt qua thăm viên sĩ quan chỉ huy tại đây như thế nào. Tôi đang đói và được mọi người đặt trước mặt 1 phạng súp củ cải đỏ nhà làm kiểu Ukraina tuyệt vời. Ngay khi tôi vừa đưa muỗng đầu tiên lên miệng thì thì Bukovsky gào lớn: “Nhanh lên! Chạy thôi. Tàu sắp chạy”. Tôi lao theo anh ta nhưng phạng súp đó vẫn ám ảnh tôi hàng tuần lễ.
Chúng tôi chuyển sang 1 đoàn tàu dân sự. Nó đông nghẹt. 1 nhân viên soát vé nói với 1 người đàn ông mặc áo khoác đen: “Nhường ghế cho những người lính đi, hôm nay họ ở đây nhưng ngày mai họ có thể mất mạng rồi”. 1 anh lính người Uzbek đang hát ông ổng bằng tiếng Uzbek, cả toa đều nghe thấy tiếng anh ta. Thứ tiếng của anh ta với chúng tôi nghe thật buồn cười, cách phát âm cũng kỳ cục. Các chú lính Hồng quân nghe anh ta chăm chú, hơi tỏ ra ngượng nghịu vì phải cố nhịn cười.

Grossman 1 lần nữa được nghe chuyện về vùng địch tạm chiếm.

Một ông lão chờ đợi bọn Đức tới. Ông trải khăn lên bàn, bày lên đó nhiều món ngon. Bọn Đức tới và cướp sạch ngôi nhà, ông lão treo cổ tự vẫn.
Trung đoàn trưởng Kramer đã đánh nhau kịch liệt với bọn Đức. Khi ông đổ bệnh trong 1 trận đánh, sốt 40 độ C, mọi người đổ ít nước sôi vào trong 1 cái thùng, viên trung đoàn trưởng to béo trèo vào thùng và khỏe lại.

Cuộc tổng tấn công vào tháng 1 được Stalin cương quyết tiến hành trái với lời khuyên của Zhukov đã không thể tiếp tục đúng như những người có đầu óc thực tế đã lo ngại. Quân đội Đức chưa đến mức sụp đổ như những gì Stalin tuyên bố sau thành công của các cuộc phản công gần Moscow tháng 12. Grossman tình cờ ghi lại vài báo cáo chiến sự thời WW1 mang một sắc thái khó chịu nghe rất quen thuộc (với tình hình hiện nay). Những lời phê phán ẩn dưới cách trình bày về các cuộc tấn công năm xưa trong các cuốn sổ ghi chép của ông cũng nguy hiểm như ghi chép lại những ý kiến trái chiều về các “sự kiện bất thường”.

Theo lệnh của Tướng chỉ huy pháo binh Ivanov gửi cho chỉ huy các Tập đoàn quân 7, 8, 9 và 11:
“26/1/1916. Hầu như toàn bộ các cuộc tấn công của quân ta trong các trận đánh trước đều theo cùng 1 kiểu: Binh lính chọc thủng 1 vị trí trên chiến tuyến địch, buộc các lực lượng còn lại trên tuyến đầu của địch bỏ các chiến hào và công sự, đuổi theo chúng 1 cách không kiểm soát để rồi bị tấn công ngược trở lại bởi đơn vị địch bên cạnh hoặc quân dự bị của chúng, rút lui không chỉ về tuyến vừa mới chiếm được mà thường là rút về tận tuyến trước khi tấn công vì tuyến mới chiếm được không có hỏa lực yểm hộ với thiệt hại to lớn... Đó chỉ là 1 chiến thắng chiến thuật không đem lại kết quả chiến lược nào giống như 1 thứ đồ chơi đẹp và đắt giá nhưng vô dụng”.
Những quan sát của vị tướng năm xưa và những gì đang được thực hiện ở khu vực Zaliman mùa đông này giống nhau 1 cách đáng ngạc nhiên.
Thêm 1 chút về cảnh nghèo túng của nhân dân, sự bần hàn buồn nhưng đẹp đẽ. Những người bị thương được đãi 1 mẩu cá trích và 50g vodka nếu bị nhiều vết thương 1 lúc và được nằm giường có ga. Các phi công chiến đấu đang biểu diễn 1 kỳ tích - họ uống trong những chiếc cốc vốn là những chai thủy tinh bị đập gãy cổ chai 1 cách thô bạo. Những chiếc ủng da cừu (unty) của họ không có gót. 1 chính trị viên nói với 1 hạ sĩ quan quân nhu: “Đám phi công này cần được cấp những đôi ủng mới, chân họ sẽ cóng mất”.
Viên hạ sĩ quan lắc đầu: “Chúng tôi chẳng có đôi nào mà cấp”.
“Thế này là tốt rồi”, viên phi công nói. “Tôi vẫn đủ ấm”.

Việc thiếu thốn trang thiết bị phần lớn là do hậu quả của các cuộc rút chạy thảm hại năm 41, khi đó rất nhiều quân trang quân dụng và kho tàng đã bị bỏ lại trên đường rút. Chỉ có 1 cách để kiếm được đồ thay thế là đút lót vodka cho các sĩ quan quân nhu, 1 giải pháp mà lính tráng rất ghét.

11
Với Lữ đoàn tăng của Khasin

Sau khi cuộc tổng tấn công tháng 1/1942 của quân Soviet kết thúc 1 cách thảm hại, Grossman bắt đầu phản ánh tâm trạng thay đổi như chong chóng của người Nga. Họ đã đi từ sự hoài nghi thất vọng trong mùa hè khủng khiếp năm 41 đến sự sợ hãi vào mùa thu khi quân Đức tiến sát Moscow, tiếp theo đó là sự lạc quan cuồng nhiệt trong cuộc tổng phản công quanh khu vực thủ đô, và giờ đây lại là sự chán nản.

Một người Nga phải lao động cật lực, cuộc sống của anh ta cũng rất khó khăn, nhưng trong thâm tâm anh ta không nhận thức rõ sự khó khăn vất vả đó. Trong chiến tranh, tôi chỉ thấy có 2 kiểu phản ứng với những gì xảy ra xung quanh: hoặc cực kỳ lạc quan, hoặc hoàn toàn bi quan. Hai kiểu tâm trạng này thay đổi từ thái cực này sang thái cực kia 1 cách nhanh chóng, bất ngờ và dễ dàng. Không có tâm trạng trung dung giữa 2 thái cực đó. Không ai sống với suy nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kéo dài mà chỉ cố gắng hết tháng này qua tháng khác để có thể đi tới chiến thắng, thậm chí cả những người nói rằng họ rất không tin vào chiến thắng. Chỉ có 2 loại cảm nghĩ: thứ nhất - địch bị đánh bại; thứ 2 - địch không thể bị đánh bại.

Grossman bị ảnh hưởng hết sức sâu sắc bởi tinh thần hi sinh chân chính của những người lính bình thường và những sĩ quan trên tuyến đầu, ông tỏ ra hết sức xúc động khi viết về đề tài này.

Trong chiến tranh, 1 người đàn ông Nga như khoác 1 tấm áo trắng tinh. Anh ta có thể sống trong tội lỗi nhưng anh ta đã chọn chết như 1 vị thánh. Tại mặt trận chỉ có những suy nghĩ và tâm hồn trong sạch như những thầy tu khổ hạnh.
Ở hậu phương người ta sống trong những luật lệ khác và chúng có lẽ không bao giờ phù hợp được về mặt đạo đức với những gì diễn ra ở mặt trận. Luật của mặt trận là sự sống còn, là cuộc đấu tranh sinh tồn. Những người Nga chúng ta không biết làm thế nào để sống như 1 vị thánh, chúng ta chỉ biết làm thế nào để chết như 1 vị thánh. Mặt trận chứng kiến những cái chết Nga thần thánh, ở hậu phương là 1 tội lỗi đối với 1 người Nga.
Tại mặt trận có những lúc phải chịu đựng, nhẫn nhục và khuất phục trước những nghịch cảnh không thể tưởng tượng được. Đó là sự chịu đựng của những người mạnh mẽ. Đó là sự chịu đựng của 1 quân đội vĩ đại. Sự vĩ đại của tâm hồn Nga thật phi thường.

Mặt khác, Grossman tỏ ra cực kỳ khó chịu với những lời tuyên truyền cố lấp liếm sự kém cỏi của lãnh đạo quân đội Soviet trong 6 tháng vừa qua.

Huyền thoại của Kutuzov về việc vạch chiến lược cho năm 1812. Những xác chết đẫm máu của chiến tranh bị che phủ dưới 1 lớp tuyết trắng của những lời nói quy ước về tư tưởng, chiến lược và nghệ thuật chiến tranh. Có những người đã thấy cuộc rút lui khi những người khác phải nằm xuống và bị che phủ dưới bức màn giống như vậy. Đó là huyền thoại về Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại lần thứ nhất và giờ là lần thứ 2*.

*[Cuộc chiến tranh chống đạo quân xâm lược Pháp của Napoleon năm 1812 cũng từng được người Nga gọi là Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Kutuzov khi đó là chỉ huy quân Nga đã rút lui, bỏ cả Moscow]

Khi còn ở Phương diện quân Nam với Tập đoàn quân 37, Grossman đã thăm lữ đoàn tăng do Đại tá Khasin chỉ huy. Tại đây ông đã bỏ ra khá nhiều thời gian với Đại úy Kozlov, 1 sĩ quan người Do Thái.

Tại lữ đoàn tăng của Khasin. Đại úy Kozlov, chỉ huy tiểu đoàn bộ binh cơ giới, đang triết lý về cuộc sống và cái chết khi nói chuyện với tôi ban đêm. Anh ta là 1 chàng trai trẻ với hàm râu mảnh, trước chiến tranh học nhạc tại Nhạc viện Moscow. “Tôi thường tự nhủ mình có thể bị giết bất cứ lúc nào, hôm nay hay ngày mai. Khi tôi nhận thức rõ điều đó, tôi trở nên dễ sống hơn, mọi thứ trở nên đơn giản và thậm chí không hiểu sao còn rất rõ ràng rành mạch. Tâm trạng tôi rất bình thản. Tôi xung trận mà chẳng sợ gì cả vì tôi chẳng có mong chờ gì. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng 1 tay chỉ huy 1 tiểu đoàn bộ binh cơ giới sẽ phải chết, rằng hắn không thể sống sót. Nếu tôi không có niềm tin vào cái chết chắc chắn đó, tôi sẽ cảm thấy tồi tệ và có lẽ không thể cảm thấy thoải mái, bình tĩnh và can đảm trong chiến đấu”.
Kozlov kể cho tôi nghe hồi năm 1941, ban đêm anh ta thường hát những trích đoạn aria từ các vở opera trong 1 khu rừng gần Bryansk ngay trước chiến hào quân Đức. Thường thì bọn Đức cũng nghe anh ta hát 1 lúc rồi bắt đầu nã súng máy vào nơi phát ra tiếng hát. Có lẽ chúng không ưa giọng hát của anh.
Kozlov nói với tôi, theo quan điểm của anh ta, người Do Thái không chiến đấu tốt lắm. Anh bảo họ chiến đấu chỉ như những người bình thường trong khi với 1 cuộc chiến như thế này người Do Thái lẽ ra phải chiến đấu như 1 kẻ cuồng tín.
Mũi nhọn của sự thù ghét chủng tộc trực tiếp nhằm vào người Do Thái chính thống, những người thực tế cũng rất phân biệt chủng tộc và tin tưởng mù quáng vào sự thuần khiết về chủng tộc. Giờ đang có 2 thái cực: 1 bên là những kẻ phân biệt chủng tộc đang triệt hạ thế giới, bên kia là những người Do Thái thuần chủng, những người bị tập trung triệt hạ nhất trên thế giới.
1 người thường sợ những gì họ không quen, họ có thể quen với mọi thứ trừ cái chết, có lẽ vì họ chỉ chết có 1 lần.
Chiến tranh là 1 nghệ thuật, trong đó các yếu tố như toan tính, kiến thức và kinh nghiệm kết hợp với cảm hứng, may rủi và cả những điều hoàn toàn vô lí (Pesochin nói trong trận đánh ở Zaliman). Các yếu tố này tương hợp với nhau, nhưng đôi khi chúng lại trở nên xung đột nhau. Nó giống như 1 khúc nhạc biến tấu không ai nghĩ ra nổi nếu không có kỹ thuật đỉnh cao.
Trăng mọc trên bãi chiến trường phủ tuyết.

Grossman tiếp tục thu thập những chủ đề đặc sắc cùng những chi tiết minh họa khác.

Lính lái xe tăng hạng nặng Mikhail Pavlovich Krivorotov, 22 tuổi, thân hình to lớn, mắt xanh, từng lái máy liên hợp gặt đập tại 1 nông trường quốc doanh* ở Bashkiria từ khi mới 20 tuổi, nhập ngũ tháng 12/1940.

*[Mỗi nông trường quốc doanh là 1 sovetskoe khozyaistvo (nông trường Soviet), lao động sống tập trung trong những khu nhà lớn thường là 2 tầng, trong khi đó nông trang tập thể được thành lập trên cơ sở 1 làng hoặc 1 khu dân cư nhỏ]

“Trước đây tôi chưa từng nhìn thấy 1 chiếc tăng nào, và không ngờ là tôi thích chúng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những cỗ xe tăng thật là đẹp. Tôi là 1 lái xe kiêm thợ máy. Máy xe cùng với hỏa lực của nó biến nó thành 1 cỗ máy vàng, cực mạnh.
Địch có pháo và cối, quân ta vượt qua 1 con mương và xông vào làng. Tôi hét: “Pháo ở cánh trái!”. Chúng tôi tiêu diệt khẩu pháo đó và vài khẩu súng máy. Sau đó 1 phát đại bác bắn trúng sườn trái, chiếc xe tăng bốc cháy. Kíp lái nhảy khỏi xe còn tôi vẫn ở lại trong chiếc tăng đang cháy và hạ được pháo đội địch. Tôi chỉ có cảm giác hơi nóng ở lưng dù mọi thứ chìm trong lửa. Cỗ xe tăng thực sự từng là 1 cỗ máy nhanh nhất, tôi thấy tiếc vì phải bỏ nó, rất tiếc. Tôi trèo lên tháp pháo và nhảy khỏi cửa nóc như 1 mũi tên. Nhiên liệu và lớp sơn vẫn còn đang cháy”.Marusya, điện đài viên. Ai cũng tán tỉnh cô, ai cũng biết cô. Cô gọi mọi người bằng đầy đủ họ tên và mọi người đều gọi cô là: “Marusya, Marusya!”. Nhưng chưa 1 ai thấy mặt cô.
Abashidze, 1 đồng chí vui tính, đoàn viên Komsomol, tiểu đoàn trưởng và là 1 kẻ thô tục. Anh ta nói chuyện 1 cách tục tĩu, xấc láo, vô lễ với bà chủ nhà. Khi anh ta hỏi xin lửa từ 1 người đang hút thuốc, anh ta bảo: “Tôi có thể sờ đầu cái dụng cụ sung sướng của anh không?”.
Giờ mọi người không nói ai đó “bị giết” nữa mà nói “anh ấy đã đóng ván”. “Bạn của tôi đã đóng ván, anh ấy thật là 1 thằng cha tuyệt vời”*.

*[Cách nói trại đi của việc đặt ai đó vào quan tài và đóng nẹp]

Một ngày mới quang đãng và tươi đẹp. Các trận không chiến đang diễn ra trên những mái nhà trong làng. Quang cảnh khủng khiếp - những con chim sơn chữ thập màu đen và sao đỏ. Mọi nỗi sợ hãi, mọi suy nghĩ, mọi điều khủng khiếp xuất hiện trong tâm trí và trái tim con người vào những khoảng khắc cuối đời của chiếcmáy bay, khi đôi cánh của nó dường như đang thể hiện ra tất cả những cử động, những suy nghĩ trong đôi mắt, cánh tay và vầng trán người phi công ấy. Chúng bay rất thấp, ngay sát trên mái nhà. Một trong số đó đâm đầu xuống đất. Năm phút sau - lại một chiếc khác. Một người chết ngay trước mắt mọi người, một thanh niên khỏe mạnh, anh ta đã rất muốn sống sót. Anh ấy sẽ bay, sẽ rùng mình, sẽ sợ hãi ra sao nếu chiếc máy bay ấy không bị trúng đạn. Đó là những phát đạn bắn trượt vào một trái tim người đang bay phía trên cánh đồng tuyết trắng. Bản tính sói độc và cáo già của những chiếc Messer chóp mũi màu vàng.
Cánh phi công nói: “Đời chúng tôi như tấm áo của bọn trẻ con - ngắn và dính đầy cứt”*.
*[Câu nói này trở nên phổ biến cả trong binh lính Đức và Hồng quân]
Nghịch lí kỳ cục - đám Messer hầu như không được hỗ trợ khi đối đầu với những chiếc máy bay kiểu chim mòng biển quân ta vì những chiếc mòng biển quá chậm chạp.
Niềm vui của 1 nhà quay phim khi quay được tấn bi kịch trên không: “Tôi chỉ cần tút sửa lại những dấu chữ thập, thế là xong!”.
Xác viên phi công nằm suốt đêm trên 1 quả đồi đẹp đẽ phủ đầy tuyết, trời rất lạnh và sao rất sáng. Bình minh lên khiến quả đồi chuyển thành màu hồng, và người phi công vẫn nằm đó trên ngọn đồi hồng.

Không có gì ngạc nhiên, Grossman đã bị mê hoặc bởi câu chuyện lạ thường về 1 người chính trị viên đã vươn cổ ra ngăn cản 1 vụ án xử oan khủng khiếp.

Chính trị viên cao cấp Mordukhovich, 1 người Do Thái nhỏ thó đến từ Mozyr, là chính trị viên 1 tiểu đoàn pháo. 1 lính của tiểu đoàn ông vốn là 1 công nhân người Tula cao lớn, tên anh ta là Ignatiev. Anh này cực kỳ dũng cảm, 1 trong những người lính tốt nhất của tiểu đoàn. Chính trị viên có việc phải đi 1 thời gian và trong lúc ông vắng mặt, Ignatiev bị lạc lại phía sau và gia nhập 1 đơn vị khác đang chiến đấu trong 1 trận phòng thủ. Khi trận đánh tạm lắng, Ignatiev được gửi trở lại đơn vị cũ và khi đang trên đường về đơn vị anh bị đội tuần tra của NKVD chặn lại. Anh ta bị bắt như 1 kẻ đào ngũ, bị đưa ra tòa án quân sự và bị tuyên án tử hình. Lúc này, chính trị viên Mordukhovich đã quay về đơn vị và biết được số phận dành cho anh. Mordukhovich lao tới gặp chính ủy sư đoàn và nói với ông Ignatiev là 1 người lính tuyệt vời như thế nào. Chính ủy sư đoàn lấy tay ôm đầu: “Giờ tôi không thể làm gì được nữa rồi!”.
Ignatiev bị đưa đi xử bắn, nhóm hành quyết gồm 1 đặc vụ, 1 sĩ quan từ sở chỉ huy, 2 lính và chính trị viên phó. Họ dẫn anh ta tới bên 1 cái cây nhỏ, viên sĩ quan rút súng ngắn chĩa vào sau gáy Ignatiev. Súng hóc đạn. Ignatiev quay lại nhìn đằng sau, thét lớn rồi chạy vào rừng. Nhóm hành quyết bắn theo anh ta nhưng trượt, anh ta biến mất. Bọn Đức chỉ ở cách đó có 3km, Ignatiev đã lang thang 3 ngày trong rừng rồi nhân lúc không ai trông thấy quay trở lại tiểu đoàn và tới hầm của Mordukhovich.
Mordukhovich nói: “Tôi sẽ che giấu cậu, đừng lo!”. Mordukhovich đưa cho Ignatiev 1 ít thức ăn nhưng anh ta chỉ run lên và khóc như mưa chứ chẳng thể ăn được gì. Mordukhovich tới nói chuyện với chính ủy sư đoàn, lúc đó thì Mordukhovich đã che giấu Ignatiev suốt 5 ngày rồi. “Người này đã quay lại với vẻ cam chịu, anh ta nói với tôi: “Tôi thà chết trong tay người mình còn hơn chết vì tay bọn Đức”. Chính ủy sư đoàn lên gặp chính ủy quân đoàn, rồi chính ủy quân đoàn lại lên gặp chỉ huy tập đoàn quân. Bản án được bãi bỏ. Giờ Ignatiev đi theo Mordukhovich suốt ngày đêm.
“Tại sao anh cứ đi theo tôi?”
“Tôi sợ bọn Đức có thể giết ông mất, đồng chí chính trị viên ạ. Tôi phải bảo vệ ông”.

Tuy vậy, 1 số câu chuyện có lẽ hơi giống với 1 chuyện tưởng tượng ở thành phố hơn là chuyện thật ngoài mặt trận.

1 người lính bị cáo buộc đào ngũ đã thoát khỏi phiên tòa khi bọn Đức tấn công. Những người áp giải anh ta trốn vào bụi, kẻ đào ngũ chộp lấy 1 khẩu súng trường của nhóm áp giải và hạ 2 tên Đức, bắt sống tên thứ 3 và lôi hắn đi cùng đến tòa án. “Anh là ai?”. Mọi người hỏi. “Tôi đến để được xét xử”.

Những người bị kết án shtrafroty, tức là đưa vào các đại đội trừng giới, thường được gọi là smertnik (người chết), vì chẳng ai lãnh án đó mà hi vọng sống sót được. Họ được Nhà nước Soviet cho cơ hội rửa sạch tỗi lỗi bằng máu của chính mình, nhiều trường hợp đã chứng tỏ sự can đảm phi thường. 1 smertnik tên là Vladimir Karpov thậm chí còn được nhận phần thưởng cao quý nhất: danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Đương nhiên anh này không phải là  chính trị phạm vì những người phạm tội này, theo lệnh của Stalin, không bao giờ được nhận bất kỳ loại danh hiệu gì.

Đại đội của các smertnik gồm những người thay cho việc phải chấp hành bản án thì được đưa lên tuyến đầu. Chỉ huy là 1 trung úy đã bị kết án tử hình vì tự làm mình bị thương.
Những thành viên trong cái đại đội ghê sợ này người đầy lông lá, mặt mũi tê cứng và đầy những vết phát cước màu hồng vì giá lạnh âm 40 độ C. Họ mặc những áo choàng rách rưới. Họ ho như cuốc kêu, tiếng ho như thể phát ra từ đâu đó trong bụng, khàn đục, nghe như tiếng chó sủa. Ai nấy đều râu ria xồm xoàm. Sử dụng hỏa lực pháo, súng máy và cả xích xe, những người lính tăng đã chọc thủng được tuyến công sự địch và đưa được 1 phân đội xe tăng có bộ binh tùng thiết tới Volobuevka. Phân đội này do Thượng sĩ Tomilin chỉ huy. Trận đánh kết thúc sau 8 tiếng đồng hồ đánh nhau. Phân đội xe tăng - bộ binh của Tomilin đã chiếm được 12 căn nhà, bản thân Tomilin hạ được 10 tên phát xít. Nhóm của Trung sĩ Galkin hạ được 30 tên, tấn công 6 ngôi nhà và công sự bê tông, tiêu diệt sở chỉ huy tiểu đoàn địch bằng lựu đạn. Đến sáng họ hội quân với các đơn vị quân ta đang tiến tới ở ngoại vi phía nam Volobuevka. Khi dẫn các binh sĩ xung trận, Tomilin đã hét: “Cố lên nào, quân ăn cướp, tiến lên!”.

Trích từ nhật ký chiến trường của Trung đoàn Lựu pháo Cận vệ 7:

Ngày 12/1, hạ sĩ Ivanov và trinh sát Ofitserov nhìn thấy 7 người trên 1 sườn đồi. Thì ra đó là bọn phát xít, chúng đang định dìm 1 người xuống 1 lỗ băng. Bọn phát xít hoảng sợ vì những loạt đạn của các chiến sĩ ta và bỏ chạy, để lại 1 y sĩ gần đông cứng. Anh ta đã tê liệt vì sợ.
Ngày 13/1, thiếu úy Belousov được lệnh đi bắt liên lạc với cánh bộ binh. Anh phải vượt qua 1 con mương rất lớn cùng 1 khu rừng. Trong khi đang trượt tuyết xuyên rừng, anh phát hiện đường dây nối giữa 2 trạm truyền tin của bọn Đức. Trạm gần nhất không có ai canh. Belousov bỏ đồ trượt tuyết và cắt đường dây, sau đó đi vào rừng, tìm thấy 1 cuộn dây rỗng và phá hỏng 70m dây điện thoại tại đó.

Grossman tiếp tục ghi chép về các lối ăn nói và thuật ngữ kỳ lạ. Vodka được gọi là “Sản phẩm 61” vì đó là vị trí của nó trong danh sách những thứ được cấp.

Bữa ăn tại 1 Trung đoàn Lựu pháo Cận vệ 7. Từ lóng “nạp” được sử dụng liên tục. “Tôi sẽ chỉ nạp khi có bàn ghế tử tế”. “Tôi sẽ nạp ít thịt cừu”. “Tôi sẽ nạp ít bắp cải muối chua”.
1 cuộc không kích của 28 máy bay địch. Không có 1 pháo thủ nào rút lui. “Họ đã tự hàn chết mình vào pháo”.
1 chính trị viên thuộc tiểu đoàn Cận vệ 5 đã phát điên sau khi chịu 1 trận không kích và 1 trận tấn công bằng xe tăng của địch.
Những biểu tượng to tướng được vẽ trong các chiến đồ dành cho các chỉ huy tiểu đoàn.
1 chính trị viên đã cắt bỏ các vạch trên cầu vai*.

*[“Vạch” hay “tà vẹt”, như cách gọi của dân nhà binh, là biểu thị cho cấp bậc. Các hạ sĩ quan dùng phù hiệu có hình khối vuông (cube)]

Ban đêm, Đại tá Tarasov chỉ huy Trung đoàn pháo binh Cận vệ nằm trên sàn izba đọc cuốn Faust. Ông đeo 1 cái kính kẹp mũi (kính không gọng) luôn được ông lau sạch bằng 1 miếng da.
Đại tá Tarasov kể chuyện ông đã “phủi áo bọn Đức” như thế nào, câu chuyện đã cho thấy tinh thần của 1 người lính pháo binh. Bộ binh thông báo bọn Đức ăn trưa khi có 1 hiệu kèn.
Bếp dã chiến của chúng đã bị phát hiện vì có khói bốc ra. Tarasov ra lệnh: “Tập hợp số liệu, nạp đạn và thông báo khi đã sẵn sàng!”. Bọn Đức bị nã pháo bằng hỏa lực tập trung, đám pháo binh nghe thấy nhiều tiếng kêu thét.
1 tù binh Đức trên 1 tàu hỏa bệnh viện. Hắn cần được tiếp máu thì mới sống được. Hắn gào thét: “Nein, Nein!”*. (Hắn không muốn được tiếp bằng máu Slavơ). Vậy là hắn chết 3h sau đó.
*[“Nein! Nein!” - “Không! Không!” - tiếng Đức]
Binh lính bắt đầu bỏ chạy khỏi chiến trường, 1 chính trị viên tiểu đoàn 2 tay cầm 2 khẩu súng ngắn gầm lên: “Các anh định chạy đi đâu, lũ trụy lạc, đi đâu? Tiến lên, vì Đất Mẹ, vì Chúa Jesus, Đ.mẹ*! Vì Stalin, lũ trụy lạc!”. Binh lính quay trở về và chiếm lại vị trí phòng thủ cũ.
*[Bản gốc là “Motherfucker”]
1 người lính tóc quăn, không rõ họ, đã đánh xe ngựa vòng qua hậu phương quân Đức trong 12 ngày. Anh ta giấu 1 khẩu cối và đạn dưới đống rơm chất trên xe, lôi ra bắn rồi lại giấu trở lại dưới đống rơm. Khi gặp bọn Đức anh ta hát vang, chúng chưa bao giờ nghi ngờ anh. Khi đã đi xa khỏi bọn chúng anh lại lôi khẩu cối ra bắn vào chúng.
Phóng viên ảnh Ryumkin đang nguyền rủa đám pháo binh của trung đoàn pháo cận vệ vì đã khai hỏa vào sáng sớm khiến chụp họ không ăn ảnh.
Trung úy Matyushko chỉ huy 1 chi đội xung kích, nhiệm vụ của họ là tiêu diệt bọn Đức đang chiếm giữ mấy ngôi nhà. Chi đội đánh vào làng, xông vào mấy ngôi nhà đó. Matyushko nói: “Người của tôi toàn là lũ trộm cướp. Trận chiến trong những ngôi làng này giống 1 trận đánh cướp”. Đôi khi họ bóp chết bọn Đức bằng tay không.
Tiếng 1 trung sĩ vẳng ra từ trong khói lửa: “Đừng bắn vào đây, tôi đã chiếm nhà này rồi”.
1 thành viên đội xung kích vào nhà và nhìn lướt nhanh qua những người ngồi trong đó bằng ánh mắt tối sầm. Mọi người đều hiểu nó đã trở thành 1 thói quen, thói quen của 1 kẻ chuyên xông vào nhà để giết chóc. Trung úy Matyushko cũng vậy, anh vừa giải thích về cách nhìn lướt đó vừa cười: “1 mình hắn có thể giải quyết tất cả chúng ta đấy!”.
Chúng tôi tiến vào Malinovka cùng tiểu đoàn bộ binh cơ giới do đại úy Kozlov chỉ huy. Các ngôi nhà đang bốc cháy. Bọn Đức đang gào thét, chúng sắp chết. 1 trong số chúng, cả người hắn cháy sém đen thui, đang bốc khói. Những chiến sĩ ta đã không ăn uống gì 2 ngày nay, họ chỉ nhai bột kê khô cô đặc khi hành quân. Lính tráng kiểm tra 1 hầm kho đã bị phá hủy và ngay lập tức thu được 1 ít khoai tây, họ lèn chúng vào ấm cùng với tuyết rồi đặt trên than hồng tìm thấy trong 1 izba đang cháy dở.
Thế quái nào mà lại có nguyên 1 con ngựa chết trong hầm kho? Thật không thể hiểu nổi! Trong cái hầm này còn có cả 1 thùng bắp cải muối chua đã vỡ. Lính tráng đang ăn rào rào với vẻ tham lam. “Tốt cả, không có thuốc độc”. Cũng trong hầm người ta đang băng bó cho 1 phóng viên ảnh bị thương, anh ta tựa vào xác con ngựa.
“Sau đó máy bay ta oanh kích khu vực và thả bom xuống đầu chúng tôi”, (1 thành viên của tiểu đoàn bộ binh cơ giới kể). Tiểu đoàn trưởng Kozlov còn đang phải chống lại 1 cuộc tấn công của xe tăng địch. Anh ta trông có vẻ rất sung sức và say máu. Những cỗ xe tăng bị đánh lui sau 1 cuộc tấn công chớp nhoáng.
Quân đoàn Cô dắc Cận vệ 3 đang hành quân ra mặt trận. Binh lính chất các trang thiết bị của sở chỉ huy lên 1 chiếc xe tải, cuộn lại những dây thông tin. Buổi tối giá băng đẹp không thể tả được. Không khí thinh lặng và trong trẻo, củi cháy lách tách trong bếp dã chiến. Những chàng kỵ binh đang dắt ngựa đi. Giữa phố, 1 cô gái đang vừa hôn 1 anh lính Cô dắc vừa khóc, họ mới lập gia đình với nhau 3 ngày trước. Đối với người con gái làng Pogorelovo gần Kursk này, anh ta đã trở thành những gì thân thiết nhất với cô.
1 pháo thủ tuyệt vời của tiểu đoàn, người đã chiến đấu từ ngày đầu của cuộc chiến, đã hy sinh vì trúng mảnh đạn khi đang cười. Và anh đang nằm chết đằng kia, vẫn cười. Anh nằm đó suốt cả ngày, và rồi 1 ngày nữa. Không ai muốn chôn anh, mọi người đều tỏ ra lười biếng vì mặt đất đóng băng cứng như đá. Anh đã có những người đồng chí tồi, họ không muốn chôn những người chết! Họ bỏ những người chết lại mà đi, không có đội chôn cất nào, chẳng ai quan tâm vụ đó. Tôi báo cáo với sở chỉ huy tiền phương về việc này bằng 1 bức điện mã hóa. Bọn dân Châu Á đáng ghét này mới nhẫn tâm làm sao! Làm sao người ta có thể để những lính dự bị tiến ra chiến trường hay các lực lượng tăng cường đi qua những vùng chiến địa cũ giữa những xác chết không được chôn cất. Ai có thể đọc được điều gì đang diễn ra trong tâm hồn những người đang tiến lên để thay chỗ những kẻ đang nằm khắp mặt tuyết kia?
Cuộc hành quyết 1 kẻ phản bội. Khi bản án còn đang được tuyên, lính công binh đã đào cho hắn 1 cái huyệt bằng cuốc chim. Đột nhiên hắn nói: “Bước sang bên đi, các đồng chí. 1 viên đạn lạc có thể trúng vào các anh”.
“Tháo ủng ra”, họ nói với hắn. Hắn tháo chiếc ủng thứ nhất rất khéo léo bằng ngón cái chân kia, chiếc ủng còn lại hơi mất thời gian 1 chút, hắn phải nhảy lò cò mất 1 lúc.
Từ tính dị thường của khu vực Kursk là 1 vấn đề với các chi đội pháo binh và hỏa tiễn - nó làm đảo lộn la bàn và các thiết bị khác. Từ tính dị thường này đã chơi cho các pháo đội hỏa tiễn Katyusha 1 vố, khiến những dàn Katyusha chơi cho cánh bộ binh 1 trận. Chúng đã bắn trúng vào tuyến đầu quân ta.
Buổi sáng, người ta đặt 1 cái bàn trải khăn đỏ trên đường làng phủ tuyết. Lính tăng trong lữ đoàn của Khasin tập hợp thành hàng và buổi lễ trao huân chương bắt đầu. Tất cả những người được tặng thưởng huân chương đều đã chiến đấu liên tục trong thời gian dài. Họ đứng thành hàng trông như 1 hàng công nhân xưởng nấu luyện gì đó: mặc áo khoác rách rưới, quần áo bóng dầu mỡ, họ có những đôi bàn tay lao động đen nhẻm và những khuôn mặt thợ thuyền điển hình. Mọi người xếp hàng bước tới bàn nhận huân chương, tuyết rơi dày khiến bước chân họ nặng nề và lạch bạch. “Chúc mừng anh được nhận phần thưởng Nhà nước cao quý này!”.
“Phục vụ Liên Xô!”, họ trả lời bằng giọng khàn khàn của người Nga, người Ukraina, người Do Thái, người Tatar, người Gruzia. Đó chính là tinh thần Quốc tế Lao động thời chiến.
Đêm xuống chúng tôi nói chuyện trong tình trạng không được tỉnh táo lắm với Kozlov, chỉ huy tiểu đoàn bộ binh cơ giới. Anh kể tôi nghe về người anh hùng đã nhận 2 huân chương lúc sáng mà tôi đang để mắt đến, chỉ huy trinh sát lữ đoàn, theo anh thì người này chẳng phải là anh hùng gì. Điều đó làm tôi bị shock vì tôi không thể tưởng tượng còn ai anh hùng hơn người tôi vừa nhìn thấy lúc sáng trên đường làng.
Kozlov đưa cho tôi 1 cái huân chương chữ thập sắt mà anh ta đã lấy từ xác 1 tên sĩ quan Đức. Tên sĩ quan nằm đó, Kozlov kể, hắn bị thương nặng, đang lờ đờ và có cả trăm thùng đựng băng đạn tiểu liên xung quanh. Những người lính bắn hắn và tìm thấy 1 tấm bưu thiếp khiêu dâm trong túi hắn.
Sáng ra, Kozlov và Bukovsky quyết định thi bắn súng ngắn. Họ bước ra sau 1 gian nhà kho và đính tấm bia bắn lên 1 cây lê già. Họ nhìn tôi 1 cách thương hại và ban ơn - 1 kẻ thường dân chẳng có tí kinh nghiệm nào. Có lẽ hoàn toàn do ngẫu nhiên, tất cả các phát đạn của tôi đều bắn trúng hồng tâm. Những tay cựu binh - Kozlov và Bukovsky - không bắn trúng bia dù chỉ 1 phát. Điều này tôi nghĩ không phải do ngẫu nhiên.
Trong izba, Khasin đang đứng, vây quanh là ban tham mưu, đôi mắt ốc nhồi của ông tối sầm, mũi ông khoằm và 2 má xanh rì râu mới cạo. Trông ông như 1 người Ba Tư. Tay ông di trên bản đồ trông như móng vuốt của 1 loài ác điểu khổng lồ. Ông giải thích cho tôi về cuộc đột kích vừa qua của lữ đoàn tăng. Ông rất thích từ “vòng cua” và dùng từ này suốt: “Những chiếc tăng đang di chuyển theo đường vòng cua”.
Tại sở chỉ huy tiền phương tôi được nghe kể lại rằng gia đình của Khasin đã bị giết ở Kerch, tại đó bọn Đức đã tiến hành 1 vụ thảm sát thường dân. Hoàn toàn tình cờ, Khasin xem những tấm ảnh chụp các xác chết trong hố chôn tập thể và nhận ra vợ con ông. Tôi đang nghĩ xem ông có cảm giác gì khi dẫn những chiếc xe tăng vào trận đánh? Thật khó có thể đánh giá chính xác con người này vì còn có 1 nữ bác sĩ trẻ ở cùng ông trong izba của ban tham mưu, cô ta đang ra lệnh cho ông với vẻ thô tục và xấc xược. Mọi người đều nói cô ta không chỉ điều khiển viên đại tá mà còn điều khiển cả lữ đoàn tăng của ông. Cô ta xía vào mọi mệnh lệnh và thậm chí còn sửa cả bản danh sách những người xứng đáng trao huân chương gửi lên cấp trên.
Các cuộc phỏng vấn binh sĩ tiểu đoàn bộ binh cơ giới:
Mikhail Vasilievich Steklenkov, thân hình gầy gò, tóc vàng, sinh năm 1913, bỏ học năm lớp 5 để đi làm.
“Chúng tôi chẳng bao giờ cảm thấy buồn chán, chúng tôi ngồi cùng nhau ca hát, chẳng có lúc nào để buồn cả! Ai nấy quên đi bản thân khi nghĩ về quê hương. Bọn Đức đầu độc cha tôi bằng khí độc trong cuộc Chiến tranh Đế quốc (WW1). Tôi được gửi tới trường Quân - Chính ở Ivanovo hôm 23/7. Chuông báo động vang lên, các học viên xếp hàng và chúng tôi được nhận những gì chúng tôi nghĩ là mình xứng đáng, và chúng tôi lên đường.
Họ hỏi tôi: “Sao mày lúc nào cũng có vẻ sung sướng thế?”. Tại sao mà tôi phải buồn nhỉ? Bà chủ nhà hỏi: “Sao mày cứ hát mãi thế? Chúng ta đang trong thời chiến cơ mà!”. Tôi trả lời: “Nhưng giờ chính là lúc tốt nhất để hát”.
Tôi có 1 kíp pháo thủ thật là dũng cảm, họ sẽ không bao giờ rời khẩu pháo. Tôi nằm xuống và quan sát xem có máy bay ném bom không. Tôi sẵn sàng trườn đi nếu cần... Chỉ khi nào lấy thuốc lá chúng tôi mới phải chạy... Tôi phụ trách 1 khẩu 45mm chống tăng. Bắn thẳng bằng khẩu này thật thú vị...
Có cái gì còn sống được sau cuộc chiến này? Nếu tôi còn sống, tôi sẽ về nhà, còn nếu không thì cũng có gì là quá đặc biệt đâu? Tôi đã không có thời gian lấy vợ trước khi cuộc chiến bắt đầu. Khi nào chúng tôi không còn phải chiến đấu nữa tôi sẽ bắt đầu cảm thấy nhàm chán”. Anh chàng này có những vết phát cước vì lạnh ở cả tay lẫn chân nhưng không hề nói gì về điều đó.
“Tôi chẳng sợ gì những viên đạn - quỷ bắt nó đi - thậm chí nếu nó có giết chết tôi. Chúng tôi bắn, và tôi cảm thấy ổn”.
Ivan Semyonovich Kanaev, sinh năm 1905 ở ở Ryazan, đã lập gia đình và có 4 con.
“Tôi đi nghĩa vụ ngày 3/7. Tôi đang chẻ củi thì bưu tá mang lệnh động viên tới. Chúng tôi ca hát, uống rượu và tránh làm những điều gở. Tôi được huấn luyện ở Dashki để trở thành 1 lái xe. Mẹ và vợ tôi đã đến thăm tôi ở đó. Các vị chỉ huy rất tốt và chấp thuận cho tôi đi nghỉ phép. Tôi đã có 6 ngày phép.
Khi chúng tôi được đưa đến sát mặt trận thì thấy sợ. Tôi cảm thấy ổn hơn ngay khi trận đánh bắt đầu. Tôi xung trận như người ta vào việc, trong 1 nhà máy chẳng hạn. Mới đầu thì kinh thật, nhưng giờ tôi chẳng còn sợ những viên đạn nữa. Phải là 1 quả đạn cối hay bom mới quật ngã được tôi. Tôi cũng đã tham gia 1 cuộc tấn công giáp lá cà bằng lưỡi lê nhưng bọn Đức không chờ đợi điều đó. Chúng tôi hét “Ura!” và chúng bật dậy bỏ chạy.
Thật tốt nếu có được 1 đồng đội vui nhộn, anh ta khơi mào những cuộc trò chuyện hoặc hát hỏng theo cách rất buồn cười.
Khẩu súng trường này là vũ khí cá nhân của tôi, nó không bao giờ làm tôi thất vọng. Tôi đã đánh rơi nó xuống bùn ở Bogdukhanovka. Tôi nghĩ nó sẽ hỏng mất, nhưng không, ơn Chúa, nó vẫn hoạt động được.
Giờ tôi đã bớt thấy nhớ nhà, chỉ có điều tôi muốn thấy mặt lũ con, nhất là đứa út. Tôi chưa bao giờ gặp lại chúng. Thực ra thì tôi cũng nhớ quê, tôi có 1 người bạn, Selidov, chúng tôi đã nhập ngũ và chiến đấu bên nhau từ ngày đầu.
Chúng tôi đã hành quân 50km trong đúng 1 ngày. Điều này không quá khó khi chân cẳng mọi người đều tốt.
Túi đồ cá nhân của tôi: trước hết là ít bánh mì để ăn, 1 quyển sổ, 1 bộ đồ lót, xà cạp dự trữ. Chúng tôi kiếm được 1 ít chiến lợi phẩm ở Petrishchevo. Có đủ thứ, đủ cho thậm chí cả đến đời cháu chắt tôi, nhưng tôi chẳng lấy gì. Tôi cần chúng làm gì? Dù sao thì tôi cũng sẽ bị giết thôi. Tôi đã có thể chọn lấy hàng tá đồng hồ đeo tay ấy chứ. Điều đó có thể là do bản tính của tôi, tôi cảm thấy ghê tởm khi phải chạm vào những thứ tư trang của quân địch. Các đồng đội sẵn sàng sờ vào chúng nhưng cá nhân tôi sợ cầm đến những thứ đó.
Những cỗ xe tăng địch áh? Sao cơ? Tất nhiên tôi đã nhìn thấy chúng.
Trận chiến mặt đối mặt. 1 tên Đức làm tôi bị thương và tôi giết hắn. Hắn đã nhảy vọt tới và tôi nghĩ tôi muốn để hắn sống nên hô: “Halt!” (Giơ tay lên). Hắn bắn vào tôi làm tôi bị thương ở tay. Tôi ngắm bắn, hắn ngã xuống. 1 phụ nữ mang cho tôi 1 nồi sành đầy sữa. Tôi dùng nốt chỗ băng cá nhân để băng vai cho 1 cậu bé bị thương.
Đừng bao giờ bỏ chạy dưới hỏa lực súng cối. Nếu bạn bỏ chạy, đó sẽ là dấu chấm hết cho bạn! Khi 1 tên địch bắn bạn bằng súng máy, hắn thường không bắn chính xác cho lắm. Bạn có thể nằm xuống rồi chạy tới 1 vị trí khác. Khi hắn ngừng, xông lên! Nếu bạn bỏ chạy hắn sẽ hạ bạn!
Máy bay á, bạn có thể làm gì à? Tất cả sẽ tản ra. Nhưng pháo kích bằng súng cối thì tôi thấy thật đáng sợ, đó là vũ khí hiệu quả nhất của địch.
Hồi còn ở nhà tôi đã từng sợ cả tiếng cót két phát ra từ bản lề cửa, còn bây giờ tôi chẳng sợ gì nữa. Ở Petrishchevo, tôi đã hạ 1 tên lính súng máy Đức khiến hắn lộn từ trên mái nhà xuống. Chúng tôi đang xông lên thì phải nằm xuống. Tôi thấy rất lạnh và phải giãy giãy đôi chân. Aiiee, aiiee, tôi chết cóng mất. Tôi ngắm bắn bằng khẩu súng trường. Hắn câm họng tức thì. Sau đó tôi kiểm tra lại thì thấy viên đạn găm đúng chân mày hắn. Tôi đã hạ được độ 15 tên địch.
Thời tiết thực sự tốt để xung trận ở Morozovka. Địch đang rút lui và quân ta đang truy kích. Tôi có phải là kẻ đến xâm lược chúng đâu? Chúng tôi đang chiến đấu trên quê hương mình.
Đã nghe nhiều về dân địa phương chưa, thật là 1 lũ bần tiện, ai mà tha thứ cho họ được cơ chứ? 1 phụ nữ đã hỏi xin và tôi đưa cho bà ta kim chỉ của tôi. Trong 1 trận đánh tôi bị mất dây buộc áo khoác, tôi còn giữ 1 cái sơ cua nhưng chẳng có gì để khâu nó lại trong khi trong túi vẫn còn đầy cúc áo.
Chốt hạ là quân ta sẽ đi đến chiến thắng, chỉ là tôi không biết bằng cách nào. Địch đã không thắng được dạo mùa hè phải không? Chúng là những chiến binh giỏi, nhưng hèn.
Anh biết không, tôi đã từng bị thương ở chỗ khó nói, và tôi sợ sẽ có điều gì đó mất mát khi trở về với vợ. Bác sĩ khám cho tôi và bảo: “Thằng khốn này may nhá! Mọi thứ vẫn ổn!”.
Thật tốt nếu xung trận vào lúc bình minh. Nó giống như lúc bạn đi làm vậy. Trời còn hơi tối nhưng mọi người vẫn nhìn rõ mọi thứ nhờ những viên đạn vạch đường, và đến khi quân ta xông vào làng thì trời đã sáng rõ.
Tôi đã mất sự thèm muốn phụ nữ. Ah, nhưng tôi thích ngắm những đứa bé, dù chỉ 1 ngày, và sau đó tôi sẽ lại chiến đấu cho đến ngày cuối cùng.
Hồi còn ở làng chúng tôi có khi phải lao động nặng nhọc còn hơn ở đây. Chỉ khi có thử thách gay go nào đó thì cuộc sống mới khó khăn hơn hồi ở làng. Ở đây tôi đã trở thành 1 kẻ to mồm. Ai cũng phải ngủ trong tiếng đại bác và cối bắn. Ai cũng có thể ngáy ngay trên mặt đất, giữa bãi chiến trường. Tôi đã phải chịu cái rét ghê người của mùa đông năm nay.
1 người lính có những nghĩa vụ đạo đức: ai cũng từng phải lôi không chỉ người bị thương mà cả người chết trong trận đánh. Khi tôi bị điếc tai trong 1 trận đánh, 1 anh lính đồng đội đã tới giúp tôi và dẫn tôi ra khỏi chỗ đánh nhau”.
“Những viên đạn không trúng được vào những người dũng cảm”, Kanaev nói. Tất cả những người khác đã nằm xuống, nhưng anh ta vẫn đứng. “Hỡi các binh sĩ, theo tôi!”. Ở gần Bogodukhov anh ta đã dẫn đầu 1 đội xung phong. Anh ta không phải người hèn. “Đừng lo, đồng chí chính uỷ!”. Anh ta kêu lên. “Chúng tôi không có ai bị thương”.
Đối chiếu với những gì đại úy Kozlov nói:
“Cần phải rất can đảm để ngắm và bắn trong 1 trận đánh. 60% quân ta chưa từng bắn phát nào trong các trận đánh*. Chúng tôi chiến đấu nhưng phải cảm ơn những tay đại liên, tiểu đoàn cối và sự can đảm của vài người đơn lẻ. Tôi đề nghị làm sạch những khẩu súng trường trước mỗi trận đánh và kiểm tra lại sau đó. Nếu ai không bắn - hắn được xem như đào ngũ.
Tôi không ngại phải nói rằng chúng tôi chưa từng tham chiến 1 trận giáp lá cà bằng lưỡi lê nào. Chỉ nhìn là biết, chúng tôi làm gì có lưỡi lê. Thực tế tôi sợ mùa xuân hơn. Bọn Đức có thể sẽ bắt đầu thử tấn công lại khi thời tiết ấm lên”.

*[Việc Kozlov tin rằng phần lớn binh sĩ không hề bắn trong mỗi trận đánh cũng giống với học thuyết gây tranh cãi “tỷ lệ bắn” của Thống chế S. L. A. Marshall trình bày trong cuốn “Men Against Fire” (1947). Marshall cho rằng từ 75% đến 85% binh sĩ trong trận chiến không hề sử dụng vũ khí của mình để bắn vào đối phương. Các căn cứ trong nghiên cứu của Marshall đã bị Giáo sư Roger Spiller nghi ngờ trong 1 bài báo ấn hành vào mùa đông năm 1988 trên tờ RUSI Journal, nhưng cơ bản học thuyết này có lẽ vẫn rất đúng]

Nỗi lo sợ của Đại úy Kozlov là rất thực tế. Hitler đang chuẩn bị 1 cuộc tổng tấn công về phía nam nhằm chiếm vùng dầu mỏ Caucasus, trong khi đó Stalin lại tin rằng Wehrmacht sẽ tấn công Moscow lần nữa. Cuộc tấn công hè 1942 của quân Đức, vì sự cố chấp mù quáng của Hitler, đã dẫn tới trận chiến Stalingrad.

12
“Sự thật tàn nhẫn của chiến tranh”

Vasily Grossman viết cho cha đầu tháng 3 về hiệu ứng mất phương hướng trong mùa đông thời chiến.

Đôi khi con có cảm giác mình đã mất quá nhiều thời gian đi loanh quanh trên những chiếc xe tải, ngủ trong chuồng gia súc hoặc những ngôi nhà cháy dở, như thể con chưa từng sống kiểu sống nào khác thế này. Hay kiểu sống khác đó chỉ là 1 giấc mơ? Con đã đi liên miên suốt mùa đông, đã nhìn thấy quá nhiều thứ đủ cho cả 1 đời người. Con đã trở thành 1 người lính thực thụ. Con biết chắc giọng nói đã trở nên khàn đục vì makhorka và cái lạnh, và vì 1 số lý do tóc trên thái dương bên phải của con đã bạc trắng.

Hôm sau ông lại viết.

Mùa đông đã trở lại nơi chúng con đang ở, cái lạnh thật khốc liệt... Và con thèm được sưởi ấm dưới ánh nắng. Con phát mệt vì cứ phải lấy tay sờ hết mũi đến tai để xem chúng có còn ở chỗ cũ không hay rụng mất rồi. Mặt khác con đã sụt được 16kg, đó là điều rất tốt. Cha có nhớ cái bụng béo ị của con không?

Trong chuyến trở về Moscow đầu tháng 4, Grossman tới gặp Ortenberg. Ortenberg viết về cuộc nói chuyện giữa 2 người không lâu sau đó:
“Vasily Grossman tới gặp tôi và nói không rào trước đón sau: “Tôi muốn viết 1 cuốn tiểu thuyết”. Anh ta thông báo luôn trước khi tôi có cơ hội trả lời: “Tôi sẽ cần 2 tháng nghỉ phép để viết nó”. Tôi không có gì lo lắng với yêu cầu của anh ta, dù rõ ràng là anh ta chờ đợi điều đó. Lúc này đang là quãng thời gian tạm lắng ở mặt trận và tôi chấp thuận yêu cầu của anh”.
Grossman viết cho cha mình ngay sau đó.

Con đã được cho nghỉ 2 tháng để làm công việc sáng tạo, từ 10/4 đến 10/6. Con đang sướng điên người, cảm thấy mình chỉ giống như 1 cậu học trò. Chuyến trở về Moscow lần này gây cho con ấn tượng mạnh - thành phố, những phố xá và quảng trường, tất cả chúng giống như khuôn mặt những người bạn thân quen.
Con đã làm vài việc để nâng cao năng lực tài chính của mình: Con đã ký hợp đồng với 1 nhà xuất bản cho cuốn sách nhỏ về những câu chuyện ngắn và bài viết ngoài mặt trận của con. Hôm nay con sẽ gửi cha ít tiền... Căn hộ của con thật lạnh lẽo. Zhenni Genrikhovna đã quá yếu.
Con không đi bất cứ đâu trong thời gian lưu lại đây. Tổng biên tập đã chất cả đống việc lên người con và con ngồi làm việc cả ngày lẫn đêm. Thực ra điều đó cũng không tệ lắm vì những người ở ban biên tập khá nồng hậu, họ đã mời con ăn kasha tại đó. Con đã trở nên rất dị ứng với thức ăn ngoài mặt trận.
Con sẽ viết 1 cuốn tiểu thuyết trong thời gian lưu lại Chistopol. Con đang không được khỏe cho lắm, quá mệt mỏi và ho nhiều. Con bị cóng khi bay qua mặt trận trên 1 chiếc máy bay mở toang cửa.

Grossman đã không phung phí chút thời gian nào để bố trí chuyến đi tới Chistopol. Ở đó dù lại được sống bên vợ, ông vẫn làm việc nhiều giờ mỗi ngày để viết cuốn tiểu thuyết về năm 1941 thảm hoạ, cuốn sách mà ông quyết định lấy tên là “Nhân dân bất diệt”. Cuốn sách rút tỉa từ những ghi chép ngoài mặt trận của ông đã cực kỳ thành công với độc giả là những người lính Hồng quân. Grossman, 1 trí thức Do Thái đến từ 1 thế giới khác, đã không chỉ chứng minh lòng can đảm của mình ngoài mặt trận mà trên tất cả là tính chính xác và lòng nhân ái trong những quan sát của ông. Mặc dù chưa hoàn thành toàn bộ công việc viết sách vất vả đó, Grossman đã nóng lòng trở lại mặt trận. Thực tế ông đã viết cho cha từ Chistopol ngày 15/5 rằng ông sẽ đi trong tuần đầu tiên của tháng 6.

Chiến sự lại bắt đầu ngoài mặt trận, con nghe radio suốt. Mặt trận là nơi có câu trả lời cho mọi câu hỏi và mọi số phận.

3 ngày trước đó, Nguyên soái Timoshenko đã mở cuộc tấn công với 640.000 quân vào mấu lồi Barvenkovo ở phía nam Kharkov. Cuộc tấn công này đã trở thành thảm họa. Lúc này Cụm Tập đoàn quân Nam của Wehrmacht đang chuẩn bị mở Chiến dịch Fridericus, bước đệm cho cuộc tổng tấn công mùa hè mang tên Chiến dịch Blue nhằm mục tiêu là Stalingrad và hướng tới Caucasus. Kết quả là cuộc tấn công thiếu sáng tạo của quân Soviet đã đẩy bản thân họ vào vị trí giữa cái búa là Tập đoàn quân Thiết giáp 1 của Kleist và cái đe là Tập đoàn quân 6 của tướng Paulus. 2 Tập đoàn quân Soviet đã bị bao vây tiêu diệt gần như hoàn toàn trong có hơn 1 tuần. Quân Đức bắt sống gần 250.000 tù binh. Khao khát được ra mặt trận của Grossman xuất hiện nhanh và cũng tan biến nhanh chóng, ông quay lại với công việc viết tiểu thuyết.

Ở đây con đang rất tập trung vào công việc (ông viết cho cha ngày 31/5). Hình như con chưa bao giờ làm việc chăm chỉ đến thế trong đời... Hôm kia con đã đọc cho Aseev nghe những gì con viết và anh ấy rất thích nó.
Đáng tiếc là hạn phép của con sắp hết, con đang rất mệt, con đã vắt kiệt bản thân cho công việc viết lách. Tuy nhiên hoàn toàn bất ngờ, con đã nhận được 1 bức điện cực kỳ hào phóng từ tay Tổng biên tập độc ác của con, ông ta viết rằng ông ta không phiền nếu con kéo dài thời gian nghỉ phép để tiếp tục công việc tại Chistopol. Với sự cho phép này hầu như chắc chắn con sẽ ở lại đây thêm 7 - 10 ngày so với hạn phép. Con đang viết về cuộc chiến trong giai đoạn từ mùa hè đến mùa thu năm 1941.
1 điều khác nữa là con đang rất khổ sở vì thiếu tiền... con đã viết thư gửi về Moscow cho tất cả các nhà xuất bản của con, nhưng chưa 1 ai trong lũ chó má đó gửi cho con dù chỉ 1 kopeck.
Con thường nghĩ tới Katyusha. Con rất muốn nhìn thấy nó... chắc giờ nó lớn lắm rồi. Con đã nhận được 2 bức thư của nó và qua những bức thư đó con cảm thấy nó không nhớ con lắm; chúng đúng là những bức thư lạnh lùng.
Nhiều đêm con ngồi dưới gốc cây táo, lúc này nó đang trổ hoa, và nhìn những ô cửa sổ sáng đèn của những ngôi nhà. Chúng thật bình yên. Điều đó làm con ngạc nhiên. 1 viên tướng tên là Ignatiev từng nói phóng viên là những người dũng cảm nhất trong chiến tranh vì họ phải rời hậu phương để ra mặt trận rất nhiều lần, đó là khoảnh khắc khó chịu nhất, lúc mà 1 con sơn ca biến thành 1 cái máy bay.
Con nhận được 1 tấm card từ Ủy ban Di tản nói rằng Mẹ không nằm trong danh sách những người đã được sơ tán. Con đã biết trước rằng Mẹ không thoát được nhưng trái tim con vẫn co lại khi đọc những dòng chữ đó.

Cuối cùng thì Grossman đã không cần đến thời gian kéo dài phép mà Ortenberg đã chấp thuận cho ông. Ông giao bản thảo ngày 11/6 và viết cho cha ngày hôm sau:

Mọi thứ có vẻ ổn với cuốn tiểu thuyết của con. Tổng biên tập đọc nó hôm qua và nhiệt liệt tán thưởng. Đêm qua ông ấy gọi con đến và ôm chặt lấy con. Ông ấy nói rất nhiều những lời tán dương và hứa sẽ đăng trên tờ Krasnaya Zvezda mà không cắt cúp gì hết. Cuốn tiểu thuyết này rất dài... con đang lo không hiểu người đọc sẽ tiếp nhận nó như thế nào... Dù sao, việc xuất bản cuốn tiểu thuyết sẽ làm khả năng tài chính của con tăng tiến vượt bậc. Con hy vọng cha sẽ có thể tự đọc nó trong tương lai gần. Con rất vui nếu được như vậy. Cha phải cố tăng cân đi chứ gầy quá rồi đấy, ông già khốn khổ ạ.

Cùng lúc đó, Grossman viết cho vợ ở Chistopol những điều đã nói trong bức thư gửi cha nhưng kèm thêm vẻ hãnh diện:

Giờ anh đã là cây đinh của ban biên tập. Tổng biên tập cho gọi anh lên cả chục lần mỗi ngày. Anh ngủ ngay tại cơ quan, đọc các bản in thử từ 2 - 3h sáng.

Ortenberg cũng viết: “Sau đúng 2 tháng, Vasily Semyonovich giao cho tôi cuốn “Nhân dân bất diệt”, 1 bản thảo dày khoảng 200 trang. Tôi đọc nó, không còn lời gì để nói, tôi đọc mà không thể đặt nó xuống được. Không 1 tác phẩm nào thuộc thể loại này được viết kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Tôi quyết định đăng tải nó không chậm trễ. Chương đầu tiên được đưa cho người sắp chữ. Khi 1 trang gồm 3 cột đã sẵn sàng, tôi bắt đầu đọc bản in thử. Grossman đứng cạnh tôi theo dõi từng cử động với vẻ ganh tị. Anh ta sợ tôi có thể sẽ sửa chữa những đoạn không cần thiết”.
Ngày 14/7, Grossman viết cho cha trong tâm trạng hết sức kích động:

Krasnaya Zvezda đã bắt đầu đăng dài kỳ cuốn tiểu thuyết của con... con gửi điện chuyển tiền cho cha 400 rúp từ hôm kia! Con sẽ ở Moscow thêm 3 tuần hoặc 1 tháng, đó là thời gian cuốn tiểu thuyết của con sẽ được đăng nhiều kỳ trên báo.

Ngày 12/8, Ortenberg viết: “Hôm nay chúng tôi đăng chương cuối cùng cuốn tiểu thuyết “Nhân dân bất diệt” của Vasily Grossman. Cuốn truyện đã được đăng suốt 18 số báo và cứ sau mỗi số sự thích thú của độc giả lại tăng lên. Trong 18 ngày đó, thực ra là đêm, tôi đứng với tác giả tại bàn mình để đọc bản in thử từng chương sách sẽ được xuất bản tiếp theo. Không có mâu thuẫn nào với Vasily Semyonovich. Chỉ đến khi kết thúc cuốn tiểu thuyết mới nổ ra cuộc tranh luận gay gắt vì lý do nhân vật chính, I. Babadzhanyan, bị giết. Khi tôi đọc bản thảo và khi đọc bản in thử chương cuối, tôi đã hỏi tác giả chẳng lẽ không thể cải tử hoàn sinh cho nhân vật chính, người đã được độc giả hết sức yêu mến à? Vasily Semyonovich trả lời: “Tôi phải căn cứ theo sự thật tàn nhẫn của chiến tranh”.
Thực tế, Grossman đã đối mặt với vấn đề hết sức tế nhị, điều mà tất cả các tiểu thuyết gia đều ngại, thậm chí gần như không bao giờ làm, là để nhân vật chính trong tiểu thuyết giữ đúng tên nguyên mẫu. Babadzhanyan không hề bị giết như Grossman nói, nhưng người trong tương lai sẽ trở thành vị tướng xe tăng này đã tha thứ cho anh chàng tiểu thuyết gia vụ bịa ra cái chết của ông.
Trong khi đó ở Moscow, chỉ có rất ít người có vẻ đã để ý đến mối nguy đang xuất hiện ở phía nam khi các tập đoàn quân của Hitler tiến đến sông Đông và hướng thẳng về Caucasus. Bức thư của Grossman gửi vợ ngày 22/7 cho thấy ngay cả những người vừa có mặt tại khu vực đó trở về Moscow cũng chưa để ý đến nguy cơ.

Hôm qua Kostya Bukovsky trở về từ Stalingrad bằng đường không, và anh đã tổ chức 1 “lễ đón tiếp”. Bọn anh uống và ca hát... Tvarkovsky đọc 1 chương tuyệt vời trong tác phẩm mới của anh ta, “Vasily Tyorkin”. Mọi người đã rơi nước mắt*.

*[Tvardovsky được biết đến nhiều nhất với tác phẩm “Vasily Tyorkin”, câu chuyện kể về 1 người lính nông dân lạc quan đã luôn luôn tìm được cách để sống sót. Nhân vật hư cấu này bắt đầu xuất hiện trong các bài báo của Tvardovsky suốt từ thời chiến tranh Xô - Phần và trở thành người anh hùng dân gian trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, nhờ đó Tvardovsky đã thêm 1 lần nữa nhận Giải thưởng Stalin năm 1946]

Chỉ 3 tuần sau, ngày 19/8, Grossman viết cho cha như sau:

Con sẽ ra mặt trận trong vài ngày nữa. Chắc cha sẽ rất vui nếu nhìn thấy con được Hồng quân chào đón thế nào sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết. Lạy Chúa, con rất tự hào về bản thân và rất xúc động. Cuốn tiểu thuyết đã được đánh giá tốt ở mọi cấp độ, từ cấp cao nhất trong quân đội đến những người lính trơn. Cha thân yêu, tâm trạng con đang tốt hơn bao giờ hết. Con đã thành công và được thừa nhận, nhưng vẫn có 1 cảm giác hết sức, hết sức nặng nề sâu trong tâm hồn. Ước muốn lớn nhất của con là giúp đỡ được tất cả những người con yêu quý, để mọi người được đoàn tụ. Con luôn bị dằn vặt với suy nghĩ về số phận của Mẹ.
Con đã nhận được 1 bức thư của Yura, con trai Vadya. Nó đang ở mặt trận, là 1 trung úy. Nó đã đánh nhiều trận và đã từng bị thương.

Em họ của Grossman, Yura Benash, cũng sắp được chuyển tới Stalingrad, nơi Grossman cũng đang hướng tới.

13
Đường tới Stalingrad

Trong khi Grossman vẫn còn đang viết dở cuốn “Nhân dân bất diệt”, Bộ tổng tham mưu Đức đã chuẩn bị các kế hoạch cho cuộc tổng tấn công mùa hè của Hitler, Chiến dịch Blue. Trong bản kế hoạch gần giống như việc mở lại Chiến dịch Barbarossa này, Hitler tính sẽ hướng về phía Caucasus để chiếm vựa dầu ở đó. Hắn cho rằng việc kiểm soát nguồn dầu mỏ sẽ cho phép hắn cự nhau được với “Tam Cường”, giờ đều đã đứng về phe đối địch. Tuy nhiên vào ngày 12/5, 6 ngày trước khi cuộc tấn công của quân Đức dự kiến sẽ bắt đầu, Nguyên soái Timoshenko đã mở chiến dịch tấn công vào nam Kharkov như đã nói trong chương trước. Stavka (Tổng hành dinh - Bộ chỉ huy tối cao Nga) hy vọng sẽ tái chiếm được thành phố. Cuộc tấn công của quân đội Soviet tuy thế đã thất bại thảm hại. Quân Đức đang tập trung với số lượng lớn tại khu vực này đã phản ứng nhanh chóng với tình hình mới dẫn tới 1 thảm họa khác là cuộc bao vây 5 ngày sau đó khi Tập đoàn quân 6 Đức của Tướng Paulus khép miệng túi trong đó có hơn 3 Tập đoàn quân Soviet. Tin tức về thảm họa này đã gây shock, đặc biệt là với Grossman, ông đã ở khu vực này trong 1 thời gian dài và đã từng gặp nhiều người có tham gia vào trận đại bại này.
1 kết quả tuy ngoài lề nhưng quan trọng của trận đánh này là đòn đánh chính của Chiến dịch Blue bị hoãn lại đến cuối tháng 6. Các sĩ quan tham mưu Đức cùng toàn bộ các bản kế hoạch về cuộc tấn công xuống phía nam đã bị bắn hạ vì viên phi công chở họ lạc hướng sang vùng do quân Soviet kiểm soát. Nhưng Stalin không chịu tin vào các chứng cứ thu được, ông nghĩ rằng đó chỉ là 1 trò lừa đảo, giống như ông đã từng không tin vào các lời cảnh báo trước Chiến dịch Barbarossa. Stalin cho rằng Hitler sẽ 1 lần nữa đánh thẳng vào Moscow. Tuy nhiên điều này diễn ra không lâu trước khi Stalin nhận thức được sự cố chấp của mình dẫn tới cái gì. Các Phương diện quân Tây Nam và Nam của Timoshenko vừa phải nhận 1 đòn nặng nề gần Kharkov đã rút lui 1 cách thiếu tổ chức. Tập đoàn quân 6 của Paulus đã đánh vào chỗ khúc ngoặt lớn của sông Đông, đồng thời 3 Tập đoàn quân khác - Thiết giáp 1, Thiết giáp 4 và Tập đoàn quân 17 Đức - áp sát vùng hạ lưu sông Đông để tiến về Caucasus.
Stalin bắt đầu hoảng. Ngày 19/7 ông lệnh cho Ủy ban phòng thủ Stalingrad lập tức chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cho thành phố. Thật không thể tưởng tượng được là quân Đức có thể tới sông Volga, tấn công vào thành phố mang tên mình, nơi ông đã được ủng hộ và đánh bóng tên tuổi nhờ lãnh đạo cuộc phòng thủ thành phố trong thời Nội chiến, khi đó thành phố có tên cũ là Tsaritsyn.
Trong khi đó Hitler bắt đầu can thiệp vào việc lập kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu Đức.
Theo cách thông thường, nhiệm vụ của Tập đoàn quân 6 của Paulus là tiến thẳng về Stalingrad, nhưng không chiếm nó. Kế hoạch này chỉ đơn thuần nhằm mục đích bảo vệ cánh trái dọc theo sông Volga của Chiến dịch Blue trong khi mũi nhọn chính nhằm về phía nam tới Caucasus. Nhưng kế hoạch này đã nhanh chóng bị thay đổi, Tập đoàn quân 6 được 1 phần Tập đoàn quân 4 Thiết giáp hỗ trợ phải chuyển hướng khỏi Caucasus để thực hiện mệnh lệnh đánh chiếm thành phố mang tên Stalin.
Ngày 28/7, ngay sau khi quân Đức chiếm Rostov và 3 tập đoàn quân Đức vượt sông Đông hướng về Caucasus, Stalin ra mệnh lệnh nổi tiếng số 227, thường được biết với tên Mệnh lệnh “Không lùi 1 bước”. Bất cứ ai rút lui mà không có lệnh hoặc đầu hàng sẽ bị coi là “phản bội Tổ quốc”. Con gái của Grossman sau này nghe được cuộc tranh cãi sau giữa các biên tập viên của tờ Krasnaya Zvezda. “Khi mệnh lệnh nổi tiếng được ban hành cho phép xử bắn ngay tại trận, Ortenberg nói với cha tôi, Pavlenko và Aleksei Tolstoy*, 3 người lúc đó đều tình cờ có mặt tại Ban biên tập: “Ai trong các anh có thể viết 1 câu chuyện về đề tài này?”. Cha tôi trả lời ngay không suy nghĩ: “Tôi sẽ không viết bất cứ cái gì theo kiểu đó”. Điều này làm Pavlenko điên tiết, ông ta vặn vẹo người, rít lên như 1 con rắn mà nói: “Anh là đồ ngạo mạn, Vasily Semyonovich ạ, đúng là đồ kiêu căng!”. Nhưng Tolstoy, người đã chỉ đứng đó mà không tham gia vào cuộc cãi vã, đã nhanh chóng viết 1 câu chuyện về 1 tên phản bội chó má, hắn đã bỏ chạy khỏi Hồng quân, trốn vào 1 ngôi nhà và giết những đứa trẻ trong đó”.

*[Aleksei Nikolaevich Tolstoy (1882 - 1945), nhà văn và nhà viết kịch, có họ với Leo Tolstoy nhưng xa lạ với việc ỷ lại vào danh tiếng gia đình. Ông đi theo cách mạng từ trước WW1, đến năm 1923 mới trở về Liên Xô sau khi được giới chức Soviet tâng bốc và đảm bảo về mặt chính trị. Tác phẩm lớn nhất của ông là Sử thi Peter I (Piốt Đại đế), ông cũng viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Sự nghiệp và tính mạng của ông vẫn được đảm bảo trong thời kỳ Đại Khủng bố năm 1938 nhờ cuốn tiểu thuyết hèn hạ “Khleb” ca ngợi Stalin trong cuộc phòng thủ Tsaritsyn thời Nội chiến, thành phố sau này đổi tên thành Stalingrad. Trong thời gian chiến tranh ông viết cuốn “Ivan Grozny” với 2 phần cùng nhiều “bài viết yêu nước” như bài viết kể trên]

Cuộc rút lui của các tập đoàn quân Soviet diễn ra trong hỗn loạn. Hàng nghìn mạng sống đã bị phung phí trong những cuộc phản công vô ích. Nhiều người bị vây bên bờ sông Đông, 60km về phía tây Stalingrad, đã chết đuối khi cố thoát ra. Grossman sau đó phỏng vấn nhiều người đã có mặt trong thảm họa.
Đây là 1 ghi chép của Grossman thu được từ cuộc phỏng vấn Vassily Georgevich Kuliev, 1 phóng viên quân đội 28 tuổi, từng là Đoàn viên Komsomol phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong, anh này đã tự chỉ định mình làm chính trị viên của 1 nhóm.

Chúng tôi rút lui khỏi chiến trường dưới hỏa lực cối và súng máy. Đến trang trại Markovsky, chúng tôi nằm dán mình dưới 1 con hào dưới hỏa lực khủng khiếp và sau đó luồn qua vòng vây. Tôi tự chỉ định mình làm chính trị viên 1 nhóm 18 người. Chúng tôi nằm trên 1 cánh đồng lúa mì. Bọn Đức xuất hiện, 1 tên tóc đỏ quát: “Rus, uk vekh!”*. Chúng tôi nã mấy loạt tiểu liên làm 4 tên Đức ngã lộn từ trên ngựa xuống rồi đánh ra, sử dụng 1 khẩu tiểu liên và 1 khẩu súng máy. Có khoảng 25 tên Đức, 16 trong số 18 người chúng tôi đã thoát được.

*[Tiếng Nga bồi nói theo giọng Đức, có nghĩa là: “Bọn Nga, giơ tay lên!”]

Đêm xuống, chúng tôi đi bộ qua cánh đồng lúa mì. Lúa đã chín rục và kêu sột soạt khiến bọn Đức nã súng máy về phía chúng tôi... Sau đó tôi tập hợp 16 người lại và dùng la bàn định hướng tránh các con đường và làng mạc trên đường. Chúng tôi đã mất 1 đêm nằm trên bờ cao sông Đông*. Chúng tôi buộc chăn lại với nhau làm 1 sợi thừng để kéo những người bị thương qua sông, nhưng nó không đủ dài. Tôi đề nghị cả bọn bơi qua sông. Chúng tôi bỏ tất cả giấy tờ vào trong mũ và đạn vào 1 cái túi. Tôi đã bị đuối sức khi bơi được nửa đường và phải bỏ cái túi còn cuốn sổ ghi chép để trong mũ thì vẫn giữ được”.

*[Có 1 hiện tượng địa vật lý không thể giải thích được xảy ra với các con sông lớn ở Nga chảy về hướng nam, đặc biệt là sông Volga và sông Đông, theo đó chúng có bờ tây rất cao và bờ đông bằng phẳng.]

Quân Đức trước hết quét sạch các binh sĩ Soviet còn trên bờ tây sông Đông, sau đó tướng Paulus tái bố trí đội hình để chuẩn bị cho bước tiến tiếp theo. Sáng sớm ngày 21/8, bộ binh Đức dùng xuồng xung phong vượt sông Đông và chiếm nhiều đầu cầu trên bờ đông. Công binh nhanh chóng vào việc và đến trưa hôm sau nhiều cầu phao cho phép xe tăng đi qua đã được bắc qua “Sông Đông êm đềm”. Các đơn vị thiết giáp nhanh chóng vượt sông lấp đầy đầu cầu.
Chủ nhật 23/8/1942, Sư 16 Thiết giáp Đức dẫn đầu cuộc tấn công xuyên qua thảo nguyên và tới được sông Volga sát phía bắc Stalingrad chiều tối cùng ngày. Trên đầu, các máy bay ném bom của Phi đoàn Không quân 4 do tướng Wolfram von Richthofen chỉ huy nghiêng cánh chào các lực lượng dưới mặt đất. Phía sau những chiếc máy bay là Stalingrad đổ nát dưới những trận bom rải thảm chia làm nhiều đợt. Trong ngày hôm đó và 3 ngày tiếp theo, khoảng 40.000 thường dân được cho biết là đã chết trong thành phố bị đốt cháy.
Hôm đó cũng là ngày Grossman theo lệnh của Ortenberg rời thủ đô Soviet tới Stalingrad để thông tin về trận chiến đang đến gần.

Tôi rời Moscow bằng ô tô ngày 23/8. Thợ máy trưởng của garage ban biên tập đã bỏ nhiều thời gian chuẩn bị cho cỗ xe của chúng tôi vượt quãng đường cả nghìn km từ Moscow tới Stalingrad. Tuy nhiên, khi vừa rời khỏi Moscow được 3 km chúng tôi đã phải dừng lại. Cả 4 bánh xe đều xì hơi cùng lúc. Trong khi lái xe Burakov tỏ ra rất ngạc nhiên vì sự cố này và bắt đầu vá lốp 1 cách chậm rãi, cánh phóng viên chúng tôi tiến hành phỏng vấn người dân địa phương thuộc khu vực Moscow. Thật ra là 1 cô gái đang đứng bên đường. Cô ta có khuôn mặt rám nắng, mũi khoằm và đôi mắt xanh tinh nghịch.
“Em có thích các đại tá không?”.
“Sao tôi phải thích các vị đó?”.
“Thế các trung úy với những khối vuông trên cầu vai thì sao?”.
“Các trung úy không phải loại ưa thích của tôi. Tôi chỉ thích các chú lính trơn”.

Mặc dù chuyến nam du rất gấp gáp, Grossman vẫn không quên ghé thăm điền trang của Leo Tolstoy, nơi lần trước ông đã tới ngay trước khi nó bị tướng Guderian chiếm hồi tháng 10 năm ngoái.

Yasnaya Polyana. 83 tên Đức đã được chôn ngay cạnh Tolstoy. Chúng đã được chôn xuống rồi lại bị quật lên vì 1 hố bom Đức. Hoa trước nhà nở thật đẹp, giờ đang là mùa hè ấm áp. Cuộc sống trông thật ngọt ngào và bình yên.
Mộ Tolstoy. Lại hoa, ong vo ve trên những cánh hoa, những chú côn trùng có cánh này lượn khắp xung quanh mộ. Và ở Yasnaya Polyana, khu vườn lớn đã chết vì giá rét, tất cả cây cối đều chết, những cây táo đứng đó xám xịt, vô tri giác, giống như những cây thập giá trên nấm mộ.
Con đường cái màu xanh xám. Những ngôi làng giờ trở thành những vương quốc của đàn bà. Họ lái máy kéo, gác kho và chuồng ngựa, xếp hàng mua vodka. Những cô gái ngà ngà say hát ông ổng - họ đang ngắm 1 người bạn gái sắp rời làng đi lính. Những người phụ nữ mang trên vai toàn bộ gánh nặng công việc. Họ đang nắm giữ 1 khối lượng công việc khổng lồ và gửi bánh mì, máy bay, vũ khí, đạn dược ra chiến trường. Họ đang nuôi sống và trang bị cho chúng tôi. Và chúng tôi, cánh đàn ông, thực hiện phần tiếp theo của công việc. Chúng tôi chiến đấu! Nhưng chúng tôi chiến đấu không được tốt lắm. Chúng tôi đã rút về Volga. Những người phụ nữ nhìn thấy nhưng không nói gì, không 1 ánh mắt trách móc, không 1 lời sỉ vả. Họ có đang nuôi mối bất bình không? Hay họ hiểu rõ gánh nặng chiến tranh, thậm chí là 1 cuộc chiến thất bại?
Cô chủ nhà nơi chúng tôi nghỉ qua đêm là người tinh nghịch. Cô ta thích những câu đùa ngu ngốc: “A, giờ đang là chiến tranh”, cô nói. “Chiến tranh làm mọi thứ bị tịt”. Cô nhìn Burakov hau háu, mắt láo liên. Burakov là 1 anh chàng đẹp trai. Burakov ra vẻ nghiêm trang, anh đang bối rối. Rồi cô bật cười và bắt đầu “nói chuyện như những người trong gia đình”. Cô không quan tâm đến việc đổi chút bơ lấy 1 cái áo hay mua nửa lít vodka của lính tráng.
Cô chủ nhà nơi chúng tôi nghỉ đêm tiếp theo là người sạch sẽ. Cô dị ứng với bất kỳ lời tục tĩu nào. Đêm xuống, trong bóng tối cô kể cho chúng tôi nghe 1 cách thành thật về gia đình và công việc. Cô lôi đám gà qué lên cho chúng tôi xem, cười nói về chuyện chồng con và chiến tranh. Và mọi người đều khâm phục sự trong sáng của cô tự đáy lòng.
Cuộc sống của những người phụ nữ này sẽ ra sao? Ở hậu phương và tiền tuyến là 2 thái cực, 1 bên sạch sẽ và trong sáng, bên kia thì tăm tối, thế giới của lính. “A, giờ đang là chiến tranh”, người ta nói thế. Nhưng PPZh là tội lỗi lớn nhất đối với chúng tôi.

PPZh là tiếng lóng chỉ “vợ hờ ngoài mặt trận” do nếu nói đầy đủ nó là “pokhodno polevaya zhena”, hơi giống với PPSh, loại tiểu liên tiêu chuẩn của Hồng quân. Vợ hờ có thể là những y tá trẻ hoặc nữ binh sĩ tại các sở chỉ huy - thường là điện đài viên hoặc văn thư - các cô gái này thường đội 1 chiếc mũ beret lật ra sau gáy thay vì mũ pilotka đội từ trước ra sau. Hầu như tất cả họ đều buộc phải trở thành vợ hờ của các sĩ quan cao cấp. Grossman cũng ghi nguệch ngoạc vài dòng chua chát về chủ đề này, có lẽ để dùng cho những câu chuyện sau này.

Phụ nữ - PPZh. Ghi chép về Nachakho, phụ trách hành chính của đơn vị hậu cần. Cô đã khóc cả tuần rồi đến với ông ta.
“Ai kia?”.
“PPZh của tướng quân”.
“Và chính ủy cũng có 1 cô”.
Trước trận đánh, lúc đó là 3h sáng.
“Tướng quân đâu?”. Ai đó hỏi.
“Đang ngủ với ả cave của ông ta”, lính gác thì thào.
Những cô gái đó đã từng muốn trở thành 1 “Tanya”, hay Zoya Kosmodemyanskaya*.

*[Zoya Kosmodemyanskaya, 1 nữ sinh 16 tuổi người Moscow, đã chiến đấu trong 1 nhóm du kích sau lưng địch tại tỉnh Tambov, lấy bí danh là “Tanya”. Cô bị bọn Đức bắt, tra tấn và hành hình tại làng Petrishchevo ngày 29/11/1941. Trước khi bị chúng treo cổ trên đường làng, cô đã nói trong nước mắt: “Chúng mày sẽ không bao giờ treo cổ hết được chúng tao. Các đồng đội sẽ trả thù cho tao”. Cô được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Nhiều năm sau, câu chuyện về sự anh hùng của cô bị vấy bẩn vì lời kể của những người dân địa phương trách cô đã đốt nhiều ngôi nhà theo 1 mệnh lệnh tàn nhẫn của Stalin. Mệnh lệnh này nhằm phá hủy mọi chỗ trú ẩn để khiến bọn Đức chết rét, mặc dù những người dân thường phải chịu chung số phận còn nhiều hơn].

“Thế cô kia thì là PPZh của ai?”.
“Của 1 ủy viên Hội đồng Quân sự”.
Bên cạnh những cô gái đó còn hàng chục nghìn phụ nữ mặc quân phục đang làm việc hết mình mà vẫn giữ được phẩm giá.
Chuyện về 1 viên tướng đã thoát khỏi vòng vây, dắt theo 1 con dê với 1 sợi thừng. Vài sĩ quan nhận ra ông. “Ông đang đi đâu vậy, đồng chí Tướng quân?”. Họ hỏi. “Thế các anh định đi đường nào?”. Tướng Efimov cười với vẻ nhạo báng. “Con dê này sẽ cho tôi biết phải đi đường nào”.
Krasivaya Mecha - thật là 1 nơi đẹp không thể tả. Tiếng than khóc vang lên suốt đêm từ chỗ 1 con bò cái, trong ánh sáng xanh của vầng trăng vàng. Con bò đã ngã xuống 1 con hào chống tăng. Đám phụ nữ khóc lóc: “Thế là mất 4 đứa trẻ rồi”*. Trong ánh trăng xanh, 1 người đàn ông đang cầm dao chọc tiết bò. Sáng ra, 1 cái vạc lớn được đun sôi sùng sục, ai nấy đều có khuôn mặt phè phỡn, mắt đỏ ngầu và mí mắt căng mọng.

*[Thực ra họ đang than vãn cho 4 đứa trẻ sẽ bị thiếu sữa]

Những người phụ nữ gày gò đầu trùm khăn đang lao động trên đường, chất đất lên những chiếc xe cút kít gỗ, san lấp những chỗ không bằng phẳng bằng cuốc chim và xẻng.
“Các bà các cô từ đâu đến thế?”. Chúng tôi hỏi.
“Chúng tôi đến từ Gomel”.
“Chúng tôi đã có mặt trong trận đánh gần Gomel”.
Chúng tôi nhìn nhau mà chẳng nói gì thêm, rồi lại phóng xe đi. Đây có lẽ là 1 điềm báo, cuộc gặp gỡ này diễn ra gần làng Mokraya Olkhovka, chỉ cách sông Volga có 40km*.

*[ Đây là khu vực phía tây thành phố Kamyshin trên sông Volga, cách Stalingrad 200km về phía bắc theo đường quốc lộ]

Phụ nữ trong làng. Giờ đây toàn bộ gánh nặng công việc chất hết lên lưng họ. Nyushka vẫn có vẻ cứng rắn, tinh nghịch và lả lơi. “A, giờ đang là chiến tranh”, cô nói. “Tôi đã phục vụ 18 thằng đàn ông kể từ ngày chồng tôi ra đi. Chúng tôi có 1 con bò cái và 3 phụ nữ nhưng chỉ mình tôi vắt được sữa của nó. Nó chẳng chịu cho 2 mụ kia làm gì với nó cả”. Cô cười. “Bây giờ gạ gẫm 1 phụ nữ còn dễ hơn 1 con bò”. Cô ngoác miệng cười, đề nghị tặng chúng tôi tình yêu của cô theo cách thật là chân phương và dễ nghe.
Đất Mẹ chúng ta mới mênh mông làm sao. Chúng tôi đã phóng xe suốt 4 ngày. Múi giờ đã thay đổi, giờ chúng tôi đã ở múi giờ sớm hơn 1h. Thảo nguyên đã khác, những con chim cũng khác: diều hâu, cú, ưng. Đã thấy cả dưa hấu và dưa. Nhưng nỗi đau mà chúng tôi thấy ở đây cũng vẫn thế.
Làng Lebyazhye. Những ngôi nhà cao được sơn các phòng bằng sơn dầu. Chúng tôi tỉnh dậy, không gian yên ắng, buổi sáng trời u ám, rồi có mưa. Khoảng cách từ đây tới sông Volga là 15km. Sự bình thản và yên tĩnh giả tạo của ngôi làng thật đáng sợ.
Sông Volga. Vượt sông trong tiết trời trong sáng. Con sông khổng lồ chảy chậm rãi, hùng vĩ. Nói ngắn gọn, đó là Volga. Có 1 chiếc xe trên phà chất đầy bom cho máy bay. Máy bay địch đang oanh tạc. Tiếng tạch tạch của những loạt súng máy. Và sông Volga vẫn chảy chậm rãi, vô tư lự. Những đứa trẻ vẫn đang thả câu dưới chiếc phà đang bị đạn xuyên lỗ chỗ.

Có nhiều sân bay trong khu vực này, chúng trở nên quan trọng khi trận Stalingrad diễn ra. 1 trong số chúng vốn là 1 cánh đồng trồng dưa nằm bên 1 cái chợ vẫn tiếp tục được mở, mặc cho máy bay Đức bắn phá. Liên Xô đã nhận được 1 số lượng lớn trang thiết bị chiến tranh từ Mỹ theo thỏa ước Lend - Lease, bao gồm những chiếc xe Jeep Willy và máy bay Douglas DC-3 “Dakota”, người Nga gọi loại máy bay này là “Duglas”.

Đến nơi. Tiếng động cơ gầm rú hỗn loạn, nào Cobra, nào Yak, nào Hurricane, 1 chiếc Duglas to lớn xuất hiện, bay 1 cách nhẹ nhàng và êm ái. Đám chiến đấu cơ đang quần đảo điên cuồng đằng sau chiếc Duglas. Chiếc Duglas đang tìm chỗ hạ cánh, mọi người nhảy nhót khắp nơi. Chiếc Duglas hạ cánh, theo sau và xung quanh là đám chiến đấu cơ. Cảnh tượng thật là huy hoàng, như xem 1 cuốn phim (với hậu cảnh là thảo nguyên và sông Volga).
Lính tráng xem cảnh tượng này và bàn luận về nó. 1 người nói: “Trông cứ như đàn ong. Sao chúng nó (đám chiến đấu cơ) cứ bu vào thế nhỉ?”.
“Chắc để bảo vệ ruộng dưa”.
Người thứ 3 nhìn chiếc Duglas vừa mới xuất hiện nói: “Chắc hạ sĩ của đại đội ta sắp bắt kịp chúng ta”.

Hành khách trên chiếc Duglas dĩ nhiên quan trọng hơn nhiều, thậm chí có thể chính là tướng Georgi Zhukov, người đã bay tới đây ngày 28/8 theo lệnh của Stalin để giám sát công cuộc phòng thủ thành phố*. “Có vấn đề gì với họ?”, Stalin quát vào telephone với tướng Aleksandr Vasilevsky, đại diện đầu tiên của Stavka tới Stalingrad**. Ông đang rất giận dữ với các chỉ huy quân đội địa phương. “Chẳng lẽ họ không nhận thức được rằng đây không chỉ là thảm họa đối với Stalingrad? Chúng ta có thể mất con đường thủy quan trọng và ngay sau đó là dầu mỏ!”.
Grossman nghỉ đêm cuối cùng ở Zavolzhye.

*[Tướng (sau này là Nguyên soái) Georgi Konstantinovich Zhukov (1896 - 1974), trung sĩ kỵ binh trong WW1, bị thương ở Tsaritsyn (sau này là Stalingrad) năm 1919. Năm 1939, ông là người thắng trận Khalkin-Gol chống Nhật Bản trong cuộc chiến ở Viễn Đông. Năm 1941, Zhukov chịu trách nhiệm phòng thủ Leningrad và sau đó vạch kế hoạch cho trận Moscow]

**[Tướng (sau này là Nguyên soái) Aleksandr Mikhailovich Vasilevsky (1895 - 1977), con trai 1 thầy tu, từng là sĩ quan quân đội Sa Hoàng trong WW1. 1 sĩ quan tham mưu sáng chói trong việc lập kế hoạch, ông thoát khỏi cuộc thanh trừng mặc dù có xuất thân tư sản. Ông là người tham mưu cho Molotov trong cuộc viếng thăm Berlin năm 1940, 1 cố gắng bảo vệ Hiệp ước Xô-Đức nhưng thất bại. Khi quân Đức tiến về Moscow, Vasilevsky tiếp bước Zhukov trở thành 1 trong những cố vấn chính của Stalin và được chỉ định làm đại diện Stavka tại những điểm nóng như Stalingrad vào cuối tháng 8/1942]

Nghỉ đêm trong nhà của bí thư RAIKOM (Tỉnh ủy). Ông kể chuyện nông trang tập thể, chuyện những người đứng đầu nông trang đã mang lúa mạch vào sâu trong thảo nguyên và sống ở đó như những ông hoàng, xơi thịt bê, uống sữa, mua bán các kiểu. (Giá 1 con bò cái giờ lên tới 40.000 rúp).
Cánh phụ nữ đang nói chuyện trong bếp căng tin RAIKOM: “Ôi tay Hitler này, hắn đúng là quỷ Satan! Thế mà chúng ta đã từng gọi mấy anh cộng sản là Satan”*.

*[Thật là 1 ghi chép khinh suất, nếu bị 1 kẻ chỉ điểm báo cáo có thể dẫn tới nhiều năm cải tạo trong trại Gulag, giống như các báo cáo quá rõ ràng từ Ủy ban Phòng thủ Stalingrad vậy]

Đất đai vùng Volga (phía bờ đông) này thật bụi bậm, thảo nguyên có mầu nâu. Trong mùa thu khốn khổ này cỏ, lau lách và ngải đắng mọc tùm lum. Cỏ bò cả lên mặt đường như những con rắn. Thấy có cả chim hồng tước và lạc đà. Tiếng lạc đà kêu ầm ĩ. Mặt trời mọc xuyên qua lớp khói mù mịt màu xanh xám. 1 nửa bầu trời bị khói che phủ, khói từ Stalingrad.

Trận oanh tạc Stalingrad ngày 23/8 đã làm cháy kho xăng dầu trong nhiều ngày, tạo ra những cột khói đen có thể nhìn thấy từ rất xa.

“Máy bay Đức trên đầu ta!”. Ai đó kêu lên. Mọi người vẫn ngồi yên vị.
“Nó đang quay lại!”. Mọi người lao khỏi izba nhìn quanh nhớn nhác.
Ông cụ chủ izba nói: “Tôi có 4 con trai đang tham chiến và 4 con rể, 4 cháu trai nữa. 1 thằng con tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của nó, người ta đã chuyển giấy báo tử của nó cho tôi”.
Nhân dân ta mới tốt làm sao. Tôi không hiểu sao mỗi người đều đủ sức chịu đựng gánh nặng khủng khiếp này. Những ngôi làng trống rỗng 1 cách thảm thương. Các cô gái phóng đi trên những chuyến ô tô, họ vừa đi vừa khóc, mẹ của họ cũng đang khóc, vì các cô con gái của họ đang tòng quân.
1 bà già đi tuần đêm để gác kho thóc của nông trang tập thể. Bà vũ trang bằng 1 cái quai nồi, khi ai đó đến gần, bà quát: “Đứng lại! Ai đó? Tôi sẽ bắn đấy!”.

1 lần nữa, nhìn qua thảo nguyên Volga trải dài đến Kazakhstan, Grossman lại liên tưởng đến sự mênh mông của đất nước ông. Chưa bao giờ kích thước khổng lồ của Liên Xô lại được xem là công cụ phòng ngự quan trọng như lúc này.

Cuộc chiến đã lan tới biên giới Kazakhstan, hạ nguồn sông Volga, tạo nên 1 cảm giác đáng sợ về 1 mũi dao đang đâm sâu vào cơ thể đất nước. Tướng Gordov từng chiến đấu ở tây Belorussia nay lại đang chỉ huy quân đội tại Volga*. Cuộc chiến đã lan tới Volga.

*[Tướng Vasily Nikolayevich Gordov (1896 - 1950), chỉ huy Tập đoàn quân 64 trong cuộc rút lui vượt sông Đông, trở thành tổng tư lệnh Phương diện quân Stalingrad trong thời gian rất ngắn rồi được tướng Yeremenko thay thế. Bị bắt năm 1947 trong cuộc Tiểu Thanh trừng và bị hành quyết vì tội phản quốc năm 1950]

Grossman cuối cùng đã tới được điểm đến của cuộc hành trình khi Tập đoàn quân 6 và 1 phần Tập đoàn quân 4 Thiết giáp Đức đã áp sát vùng ngoại ô phía bắc, tây và nam thành phố.

Stalingrad đã bị đốt trụi. Lẽ ra tôi đã phải viết rất nhiều nếu muốn mô tả điều đó. Stalingrad đã bị thiêu trụi. Stalingrad giữa 1 đống tro tàn. Thành phố chết. Người dân phải sống trong hầm. Mọi thứ đang bốc cháy. Những bức tường nhà nóng bỏng như thân thể những người bị chết vì sốt cao chưa kịp lạnh đi.
Những tòa nhà lớn, đài tưởng niệm, công viên, biển báo ngã tư, hàng đống dây rợ, 1 chú mèo ngủ trên bậu cửa sổ, hoa và cỏ mọc trong bồn, 1 lán gỗ vốn dùng để bán nước có ga, kỳ diệu thay những thứ đó vẫn nguyên vẹn giữa hàng nghìn tòa nhà lớn đã cháy và đổ nát. Thành phố trông giống như Pompeii, chìm trong thảm họa vào 1 ngày khi mà mọi thứ vẫn đang phát triển hưng thịnh. Tàu điện và ô tô không có kính. 1 tòa nhà đã cháy trụi chỉ còn tấm biển đồng tưởng niệm: “I. V. Stalin đã nói chuyện tại đây năm 1919”*.

*[Thành phố Tsaritsyn đã được đổi tên thành Stalingrad để vinh danh cuộc phòng thủ được tô vẽ quá mức do Stalin đứng đầu chống lại các cuộc đột kích cướp phá của lực lượng Bạch Vệ trong thời kỳ Nội chiến Nga]

Tòa nhà bệnh viện nhi có bức tượng chim bằng thạch cao trên mái. 1 cánh chim đã bị gãy lìa, cánh còn lại vẫn vươn cao. Tòa nhà Cung Văn hóa cháy thâm đen lại, 2 bức tượng khỏa thân trắng muốt vẫn đứng trước mặt tiền đen sì.
Những đứa trẻ đi lang thang, nhiều đứa vừa đi vừa cười. Nhiều người dân đang trong tình trạng mất trí.
Hoàng hôn trên quảng trường. 1 vẻ đẹp ghê sợ và quái đản: ánh sáng hồng của bầu trời xuyên qua hàng trăm nghìn cửa sổ và mái nhà trống hoác. 1 tấm poster khổng lồ có màu sắc rất thiếu thẩm mĩ ghi dòng chữ: “Con đường sáng”.
1 cảm giác bình thản. Thành phố đã chết sau khi trải qua biết bao đau đớn và giờ đây nhìn giống khuôn mặt của 1 người chết sau cơn bệnh khủng khiếp nhất để rồi tìm thấy cõi bằng an vĩnh cửu. Lại bom, bom rơi xuống 1 thành phố chết.

Mặc dù phần lớn đàn ông đã bị điều động ra ngoài thành phố để phục vụ chiến tranh, số lượng thường dân tại Stalingrad vẫn phình ra vì dòng người tị nạn đến từ châu thổ sông Đông. Grossman thử phỏng vấn vài người trong số họ, trong đó có 1 bà cụ và 1 phụ nữ trẻ hơn tên là Rubtseva đến từ 1 nông trang tập thể.

“Chồng bà đâu?”.
“Không, đừng hỏi”, Seryozha, con trai bà thở dài. “Chú sẽ làm mẹ cháu đau khổ đấy”.
“Anh ấy đã hoàn thành nghĩa vụ của mình trong chiến đấu”, bà mẹ trả lời. “Anh ấy hi sinh hồi tháng 2”. Bà đã nhận được giấy báo tử. Câu chuyện của bà về những lính Hồng quân hèn nhát: “1 chiếc máy bay Đức lao tới như 1 mũi tên. Đúng lúc có thể bắn nó thì tất cả những “người hùng” quân ta lại nằm rạp xuống cỏ. Tôi chửi họ: “A, chúng mày là bọn khốn!”.
1 lần, vài người lính áp giải 1 tù binh Đức đi qua làng. Tôi hỏi hắn: “Mày tham chiến từ bao giờ?”. “Từ tháng 1”, hắn trả lời. “Rồi có phải mày đã giết chồng tao không?. Tôi giơ tay, nhưng người vệ binh không để tôi đánh hắn. “Thôi nào”, tôi bảo, “để tôi cho nó 1 trận”. Và anh cảnh vệ trả lời: “Không có luật nào cho phép điều đó”. “Cứ để tôi đánh hắn chẳng cần luật lệ gì sất, rồi tôi sẽ đi ngay”. Anh ta không chịu.
Đương nhiên ai đó vẫn có thể sống được dưới ách phát xít, nhưng đó không phải kiểu sống của tôi. Chồng tôi đã bị giết. Giờ tất cả những gì tôi còn là thằng Seryozha này. Nó sẽ trở thành 1 người vĩ đại dưới chế độ Soviet. Dưới tay bọn Đức nó có thể chết như 1 con vật.
Những người bị thương đã lấy của chúng tôi nhiều thứ, chúng tôi cũng không thể giữ chúng thêm. Họ đào sạch khoai tây, vặt hết cà chua và bí ngô, họ quét sạch cả nhà tôi - khăn choàng, khăn tắm, chăn. Họ còn thịt cả con dê nữa, nhưng ai mà chẳng phải thông cảm với họ khi thấy tình cảnh tương tự. Nếu 1 người bị thương đến với bạn và khóc, bạn sẽ cho họ bữa tối và khóc cùng họ”.
Bà già nói: “Bọn ngu độn đó đã để quân địch tiến tới được trái tim của đất nước, sông Volga. Họ đã cho chúng 1 nửa nước Nga. Thật đấy, đương nhiên là bọn Đức đã thu được vô số máy móc”.

Khi đến thăm Traktorny, nhà máy sản xuất máy kéo lớn ở phía bắc Stalingrad, Grossman đã được nghe về cuộc tấn công của Sư 16 Thiết giáp Đức hôm 23/8 qua lời của 1 viên trung tá có cái tên kỳ cục là German (tức là Đức), chỉ huy 1 trung đoàn phòng không.

Đêm 23/8, 80 xe tăng Đức tiến vào Traktorny thành 2 hàng dọc cùng với nhiều chiến xa và bộ binh. Trong trung đoàn của German có nhiều cô gái trẻ, trực tổng đài, trắc thủ, quân báo, vân vân và vân vân. 1 cuộc oanh tạc dữ dội diễn ra cùng lúc với đà tiến của xe tăng. 1 số pháo đội nhằm bắn vào xe tăng, số khác bắn máy bay. Khi những chiếc tăng tiến thẳng tới vị trí pháo đội của đại úy Skakun, anh đã nổ súng vào chúng. Pháo đội của anh sau đó bị máy bay địch tấn công, anh lệnh cho 2 khẩu pháo phòng không tiếp tục bắn tăng, 2 khẩu còn lại bắn máy bay. Sau đó không còn liên lạc gì với pháo đội này nữa. “Thế đấy, chắc là họ đã bị hạ”, trung đoàn trưởng nghĩ bụng. Sau đó ông nghe 1 tiếng súng gầm lên, rồi lại im lặng. “Thôi xong, giờ thì họ đã phải dừng lại!”, ông lại nghĩ vậy. Súng lại nổ lần nữa. Chỉ trong đêm 24/8 đó cả pháo đội đã chỉ còn lại 4 người lính trở về. Họ kéo Skakun theo bằng 1 tấm vải, anh ta bị thương rất nặng. Những cô gái đều đã hi sinh bên súng.
Pháo đội của Golfman thì chiến đấu suốt 2 ngày bằng vũ khí cướp được của địch: “Các anh là cái giống gì thế, bộ binh hay pháo binh?”.
“Chúng tôi là cả 2”.

Cả 2 phe đều đều sử dụng vũ khí và xe cộ chiến lợi phẩm, điều đó gây nên nhiều sự lộn xộn.

1 lữ đoàn tăng hạng nhẹ do trung tá Gorelik chỉ huy đã đánh vào khu vực nhà máy sản xuất máy kéo, bất thần 1 số xe tăng ta nổ tung. “Bọn Đức!”.
“Bọn Đức nào?”. Chiếc xe tăng dẫn đầu hàng quân Đức là 1 chiếc KV*.

*[Loại xe tăng Soviet tiêu chuẩn vào năm 1942 là T34, tăng hạng trung, nhưng vẫn còn 1 số tăng KV hạng nặng tham chiến. KV là viết tắt của Kliment Voroshilov, bạn chí cốt của Stalin đã từng làm Bộ trưởng Quốc phòng thời chiến tranh Xô-Phần]

1 đơn vị nhỏ phòng không được lệnh rút lui nhưng vì không thể di chuyển pháo nên nhiều người đã ở lại. Chỉ huy của họ, trung úy Trukhanov, đã đứng thay vị trí pháo thủ và bắn trực xạ vào quân địch. Anh đã hạ được 1 chiếc tăng và sau đó tự sát.
Với lữ đoàn của Gorelik. Mọi người không hình dung được tầm quan trọng của các sự kiện xảy ra trong ngày 23/8. Lữ đoàn đã bị thiệt hại vì không được cảnh báo trước. Không huân chương nào được trao sau trận đánh. Xe công vụ của chỉ huy lữ đoàn bị lấy đi vì ông ta cũng đã bị 1 cơn sốt thương hàn đánh quỵ.
Sarkisyan. Anh chàng này không tới Stalingrad hôm chủ nhật vì qua 1 phụ nữ quen được trong làng, anh ta phát hiện bia sẽ được chuyển tới đó. Anh đã tự làm mình mắc kẹt trong guồng máy quân sự Đức như 1 mẩu thép lọt vào cỗ máy. Có lẽ anh đã làm Hitler phải mất ngủ vài ngày: quân đội của hắn đã không giữ được nhịp độ tiến công! Mà tốc độ thì gần như là điều quan trọng nhất.

Chắc Grossman đang kể lại trận đánh trong 2 ngày 23 và 24/8 do đại úy Sarkisyan và các khẩu đội pháo phòng không của anh tiến hành, phần lớn pháo thủ là các cô gái trẻ vốn là học sinh sinh viên Stalingrad. Bằng sự can đảm kỳ lạ, họ đã chống trả Sư 16 Thiết giáp Đức cho đến khi toàn bộ 37 vị trí đều bị xe tăng Đức tiêu diệt. Sarkisyan cũng như đại tá German đã kể lại trận đánh cho Grossman, nhấn mạnh việc “các cô gái không chịu trốn xuống hầm”, và chiến đấu trực diện với những cỗ thiết giáp Đức. Tuy nhiên vấn đề thực sự mà tướng Von Wietersheim của Quân đoàn 14 Thiết giáp Đức phải đối mặt lại là chuyện thiếu hụt nhiên liệu.
Sử dụng phối hợp những quan sát của bản thân với lời kể của những người được phỏng vấn, Grossman sau này đã mô tả 1 cách giàu hình ảnh về cuộc rút lui cuối tháng 8 từ sông Đông về sông Volga khi các sở chỉ huy của các đơn vị rút lui thuộc tập đoàn quân 62 và 64 đã tập hợp được về Stalingrad.

Đó là những ngày khó khăn ác liệt... các tập đoàn quân đang rút lui, khuôn mặt ai nấy đều u ám. Bụi phủ lên trang phục và vũ khí, bụi chui vào nòng súng, phủ đầy trên những tấm bạt bọc thùng chứa đầy tài liệu của các sở chỉ huy, trên cổ áo đen bóng của những nhân viên đánh máy, trên hòm xiểng và những khẩu súng trường xếp lộn xộn trên những cỗ xe ngựa kéo. Bụi khô xám chui cả vào lỗ mũi và cổ họng mọi người, làm cho môi khô nẻ.
Đó là thứ bụi đáng sợ, bụi của cuộc rút lui. Nó ăn sạch niềm tin của con người, làm tiêu tan hơi ấm trong những trái tim, tạo thành 1 đám mây tối tăm trước mắt những người lính pháo thủ. Có những lúc nó làm người ta quên đi bổn phận, sức mạnh và cả vũ khí, và 1 cảm giác u tối xâm chiếm họ. Những cỗ xe tăng Đức đang gầm rú chạy trên đường. Những chiếc máy bay ném bom bổ nhào Đức vẫn đang lao xuống những cây cầu vượt sông Đông suốt ngày đêm. Bọn Messer này rít lên như những cỗ xe hàng. Khói, lửa, bụi và cái nóng khủng khiếp. Trong những ngày đó, gương mặt của những người lính đang hành quân nhợt nhạt như khuôn mặt những thương binh đang nằm trên những chiếc xe tải 1,5 tấn rung bần bật. Trong những ngày đó, người ta mang vũ khí mà đi với vẻ mặt như than như trách, trông chẳng khác gì những con bù nhìn rơm, mình quấn băng rướm máu, mong chờ những chuyến xe cứu thương mang đi. Quân đội vĩ đại của 1 đất nước vĩ đại đang rút lui.
Những đơn vị đầu tiên của các tập đoàn quân đó đã rút về tới Stalingrad. Những chiếc xe tải chở theo những người bị thương gương mặt xám xịt, những chiếc xe đi đầu thành xe nát bươm, lỗ chỗ vết đạn và mảnh đạn, những chiếc Emka công vụ thủng toác kính chắn gió, xe nào cũng mắc đầy những mẩu cỏ khô và lau sậy, phủ đầy bụi bậm và bùn đất, vượt qua những phố xá tao nhã của thành phố, vượt qua những khung của sổ sáng lấp lánh của các cửa hàng, vượt qua những kios sơn sáng màu bán nước có ga và sirô, vượt qua những hiệu sách và cửa hàng đồ chơi. Và hơi thở của chiến tranh đã đến với thành phố, xuyên thấu tim gan nó.
Cũng phải nói thành thật. Trong những ngày đầy lo lắng đó, khi tiếng nổ của các trận đánh có thể nghe được từ ngoại ô Stalingrad, khi đêm đến người ta có thể nhìn thấy rocket bay ngang qua bầu trời, ánh sáng xanh lợt của đèn phòng không cắt ngang dọc, khi những chiếc xe tải đầu tiên, biến dạng vì mảnh đạn, chở theo những người bị thương và đồ đạc của các sở chỉ huy xuất hiện trên các con phố, khi các trang đầu báo chí loan tin về mối nguy hiểm sống còn đối với đất nước, nỗi sợ hãi tìm được con đường len vào những trái tim, và nhiều con mắt dõi qua sông Volga. Có vẻ như những người này không phải là kẻ phải bảo vệ sông Volga mà là sông Volga sẽ phải bảo vệ họ. Mọi người bàn tán rất nhiều về việc sơ tán thành phố, về tình hình giao thông, về các chuyến tàu tới Saratov và Astrakhan; bề ngoài có vẻ như họ lo lắng cho số phận thành phố, trong khi thực tế họ làm cho việc phòng thủ thành phố thêm khó khăn vì những biểu hiện dù câm lặng của họ, nỗi sợ hãi và lo lắng của họ cho thấy rằng họ nghĩ Stalingrad sẽ phải đầu hàng.

14
Những trận đánh tháng 9

Thành phố Stalingrad có chiều dài khoảng 40km chạy dọc theo bờ tây con sông Volga vĩ đại. Sau cuộc đột kích bất ngờ của Quân đoàn 14 Thiết giáp Đức vào điểm cực bắc thành phố ngày 23/8, đà tiến của Tập đoàn quân 6 Đức vào thành phố chậm lại. Stavka dưới sức ép khủng khiếp của Stalin lúc này đang nóng giận cực độ, đã ra lệnh tấn công xuyên thảo nguyên về phía bắc để đánh váo sườn trái Quân đoàn 14 Thiết giáp. Cuộc tấn công vội vàng và thiếu chuẩn bị này đã dẫn tới những thiệt hại to lớn về người và trang thiết bị nhưng đã làm Paulus phải dè chừng và chuyển sự chú ý của Luftwaffe (Không quân Đức) ra khỏi thành phố, đồng thời cho Stavka có thêm thời gian để chuyển gấp các lực lượng dự bị ra mặt trận.
Trên hướng tây nam, 1 phần Tập đoàn quân 4 Thiết giáp của tướng Hoth vẫn không ngừng tiến về phía Stalingrad, mặc cho Yeremenko đã tập trung được những mảnh vụn của lực lượng do ông chỉ huy về vị trí này. “Ủy viên Hội đồng Quân sự” của Yeremenko, tức người đứng đầu các Chính trị viên là Nikita Khrushchev, người từng phụ trách việc sơ tán ngành công nghiệp Soviet khỏi Ukraina (*).

*[Nikita Sergeyevich Khrushchev (1894 - 1971), 1 chính ủy trong cuộc Nội chiến Nga, gia tăng thế lực bằng cách ủng hộ Stalin chống lại Trotsky. Ông phụ trách phần lớn công việc xây dựng đường tàu điện ngầm Moscow và đóng vai trò là 1 trong những người đứng đầu cuộc đánh trí thức Ukraina trong thời kỳ Đại Thanh trừng. Năm 1939, ông trở thành Chủ tịch ĐCS Ukraina và đến năm 1941 tổ chức cuộc sơ tán các nhà máy về phía đông khi quân Đức xâm lược. Sau chiến tranh và sau cái chết của Stalin năm 1953, ông đã đứng đầu 1 việc táo bạo là chống Beria và nắm quyền lực. Ông đã lên án Stalin tại Đại hội Đảng lần thứ 20 năm 1956 nhưng những cố gắng của ông trong việc mở rộng tự do lại trái ngược với 1 số hành động khác ví dụ như cuộc đàn áp những người Hungary nổi dậy năm 1956]

Grossman sau đó đã vượt sông Volga để gặp Yeremenko và Khrushchev tại sở chỉ huy mới của Phương diện quân Stalingrad.
Những bộ phận còn lại của Tập đoàn quân 62 và Tập đoàn quân 64 cuối cùng đã rút hết qua thảo nguyên sông Đông về đến thành phố trong tình trạng kiệt quệ và mất tinh thần. Ngày 12/9, Tập đoàn quân 62 thu hẹp vành đai phòng thủ còn 3km chiều sâu ở điểm cực nam thành phố và 15km ở ngoại ô phía bắc. Đến cuối tháng, vành đai phòng thủ thu lại chỉ còn 1 dải đất ở phần phía bắc thành phố dài khoảng 20km với chiều sâu từ 1 - 5km.
Do không có 1 thứ gì tương tự như nhật ký nên rất khó để theo sát được sự di chuyển của Grossman. Tuy nhiên có thể suy luận từ những cuốn sổ ghi chép của ông rằng ban đầu ông đã lưu trú tại Dubovka, 1 địa điểm nằm trên bờ tây sông Volga cách cực bắc Stalingrad gần 40km về phía thượng nguồn. Bờ tây con sông dốc đứng và đôi khi có những vách đá nhỏ, cao hơn bờ đông bằng phẳng rất nhiều. Tư tưởng xuyên suốt của những tên xâm lược Đức là tiến tới sông Volga, “trái tim của nước Nga”, để tạo nên tâm trạng thất bại trong nhiều người như Grossman đã gặp trong nhiều ghi chép của ông.

Giờ thì không còn chỗ nào mà rút lui nữa, mỗi bước lùi giờ đây đều có thể là 1 sai lầm vô cùng tai hại. Người dân sống trong các làng bên bờ sông Volga cảm thấy điều đó, các chiến sĩ đang phòng thủ Volga và Stalingrad cũng vậy.
Cảm giác vui sướng và đau khổ diễn ra cùng lúc khi ngắm nhìn dòng sông đẹp nhất thế giới này. Những cành cây rủ bóng xuống những dòng suối màu xanh xám, những cầu tàu đứng nhô ra, những lọn khói nhẹ bay ra từ những ống khói... Khắp mọi nơi, cả ở bờ sông nữa, là những chiến hào, boongke và hào chống tăng. Chiến tranh đã lan tới sông Volga.
Chúng tôi ở trong nhà của 1 kulak (địa chủ) đã bị trưng thu. Chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới bất ngờ bắt gặp bà chủ nhà quay lại, có Chúa mới biết là từ đâu. Bà ta theo dõi chúng tôi suốt ngày đêm nhưng không nói gì. Bà đang chờ đợi. Và chúng tôi cứ sống trong cái nhìn chòng chọc của bà ta.
1 bà già ngồi suốt đêm dưới 1 nhánh hào. Cả Dubovka này đều ngồi dưới những nhánh hào. 1 chiếc Kerosinka* đang bay trên đầu, nó lắc lư, nhấp nháy đèn** và thả vài trái bom nhỏ.

*[Kerosinka (tức là đèn dầu hay bếp dầu) là tên lóng loại máy bay 2 tầng cánh bọc vải bạt Polikarpov U-2 vốn thường chỉ dùng để bay huấn luyện hay phun thuốc trừ sâu. Chúng bị gọi là kerosinka vì có thể bắt cháy rất nhanh. Tại Stalingrad, chúng thường được lái bởi những cô gái trẻ từ 18 - 20 tuổi. Họ bay vượt qua chiến tuyến trong đêm, tắt máy rồi thả những trái bom nhỏ vào chiến tuyến Đức. Những quả bom này không có hiệu quả mấy nhưng đó là chiến thuật gây lo lắng và mất tinh thần quân Đức. Bọn Đức gọi những chiếc máy bay này là “máy xay café” và những nữ phi công trẻ là “phù thuỷ đêm”]

**[Chắc để thông báo cho các binh sĩ Hồng quân trên tiền tuyến không bắn vào họ]

“Bà già đâu?”.
“Dưới hào ấy”, 1 ông già cười nói. “Thỉnh thoảng bà ấy thò đầu lên nhìn quanh như suslik*  rồi lại thụt xuống”.
*[Suslik: chuột hay sóc sống ở thảo nguyên]
“Với chúng ta thế là hết. Thằng Hitler lừa đảo đã đến được trái tim của đất nước ta”.
1 chú lính mang cây súng trường chống tăng đang lùa 1 đàn cừu lớn xuyên qua thảo nguyên.

Trong bài viết tiếp theo, Grossman xuất hiện ở gần thành phố hơn, tại 1 địa điểm gần Rynok, ngoại ô phía bắc thành phố. Ở đây có những công viên và vườn tược đầy trái chín hiện lên trước mắt những tên lính Sư 16 Thiết giáp Đức như thể Vườn Địa Đàng, chúng đã phải vượt thảo nguyên suốt 2 tháng vừa qua dưới ánh nắng chói chang.

Máy bay gầm rú suốt đêm trên đầu chúng tôi, bầu trời vang động cả ngày lẫn đêm như thể chúng tôi đang ngồi dưới những nhịp của 1 cây cầu khổng lồ. Cây cầu này xanh sáng vào ban ngày, xanh thẫm vào ban đêm, có hình vòng cung và bao phủ bằng những vì sao - và những hàng xe tải 5 tấn đang rầm rập qua cầu.
Các hỏa điểm nằm ở bờ bên kia sông Volga, nơi trước đây là 1 viện điều dưỡng, trên 1 vách đá dựng đứng. Dòng sông màu xanh và hồng, rộng như biển. Trong những vườn nho, dưới những cây dương là các pháo đội được ngụy trang bằng lá nho. Trên những chiếc ghế dài dành cho người đi nghỉ mát, 1 trung úy đang ngồi trước 1 cái bàn nhỏ. Anh ta hô: “Pháo đội, bắn!”.
Xa xa là thảo nguyên. Không khí thổi từ sông Volga mát rượi, mang hơi ấm của thảo nguyên. Những chiếc Messer đang bay trên đó, 1 lính canh hô: “Chú ý trên không!”. Không khí trong sạch thoảng hương ngải đắng.
Những người bị thương quấn đầy băng rướm máu đang đi bộ dọc bờ sông Volga, ngay sát mép nước. Nhiều người cởi trần truồng ngồi trong ánh hoàng hôn màu hồng của Volga để bắt rận trong đồ lót. Những chiếc xe đầu kéo gầm rú, phanh ken két trên lớp sỏi bờ sông. Rồi sau đó là những ánh sao đêm. Ai nấy đều có thể nhìn thấy 1 ngôi nhà thờ màu trắng ở phía xa, trên bờ Volga.
1 buổi sáng lạnh và trong lành ở Dubovka. 1 tiếng nổ, cửa kính vỡ loảng xoảng, bụi vữa bốc mù mịt. Những tiếng gào thét và khóc than vang lên bên dòng Volga. Bọn Đức đã ném bom giết chết 7 phụ nữ và trẻ em. 1 cô gái mặc bộ áo váy màu vàng sáng hét lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi!”.
1 người đàn ông đang khóc như phụ nữ. 1 cánh tay của vợ anh đã bị tiện phăng. Vợ anh vẫn đang nói 1 cách bình tĩnh với giọng thều thào. 1 phụ nữ bị bệnh thương hàn trúng mảnh đạn vào bụng, cô vẫn chưa chết. Những cỗ xe ngựa phóng đi, máu từ chúng nhỏ tong tỏng. Và những tiếng gào khóc đang lan khắp Volga.

Grossman đã được lệnh rời bờ đông, hay bờ trái, qua thành phố đang bốc cháy bên bờ tây. Các điểm vượt sông được Sư 10 Bộ binh NKVD kiểm soát chặt chẽ để bắt những kẻ đào ngũ và cả để ngăn dân thường tháo chạy khỏi thành phố. Stalin cho rằng sự hiện diện của thường dân trong thành phố sẽ buộc binh sĩ Soviet chiến đấu quyết liệt hơn để bảo vệ nó. Grossman được Kapustyansky, 1 phóng viên khác của tờ Krasnaya Zvezda, hỗ trợ đã vượt sông Volga bất chấp nguy hiểm do Luftwaffe (Không quân Đức) liên tục tấn công các điểm vượt sông.

Cuộc vượt sông đáng sợ, thật sự là sợ. Chiếc phà chật cứng ô tô, xe ngựa và hàng trăm con người bị mắc cạn. 1 chiếc Ju-88 từ trên cao phóng bom xuống. 1 cột nước khổng lồ màu trắng và xanh dựng lên. Cảm giác thật là sợ. Chẳng có 1 khẩu súng máy nào trên phà, không 1 khẩu súng phòng không nào dù là loại nhỏ. Con sông Volga lại lặng câm, tinh sạch mà đáng sợ như 1 đoạn đầu đài.
Thành phố Stalingrad những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 và sau khi bị đốt cháy. Để vượt qua sông tới Stalingrad, việc đầu tiên là chúng tôi uống thật nhiều rượu táo trong 1 nông trang tập thể trên bờ trái để lấy dũng khí.
Những chiếc Messer đang quần thảo trên sông Volga, khói phủ mờ mặt sông, những hộp khói được đốt liên tục để ngụy trang cho các phương tiện vượt sông.
Thành phố chết, thành phố cháy. Trên quảng trường Liệt sĩ, bia tưởng niệm ghi: “Cho những người vô sản Đỏ Tsaritsyn đã chiến đấu vì tự do và hy sinh do bàn tay của bọn tay sai Wrangel năm 1919”.
Những người dân sống trong 1 ngôi nhà đã cháy trụi đang ăn shchi (súp bắp cải truyền thống Nga) trên bậc cửa, họ ngồi ăn ngay trên đống tư trang cá nhân. 1 cuốn sách tựa đề “Tội ác và Trừng phạt” nằm trên mặt đất gần đấy. Kapustyansky nói với những người đó: “Cả các anh nữa, các anh cũng đã phạm tội ác và bị trừng phạt”*.
“Chúng tôi bị trừng phạt, nhưng không phạm tội ác”, 1 cô gái trả lời.

*[Tựa gốc: “Униженные и оскорбленные” truyện của Fyodor Dostoevsky viết năm 1861, nguyên nghĩa là “Bị tổn thương và bị lăng nhục”. VN dịch là “Tội ác và Hình phạt”]

2 phóng viên đi xa về phía tây vùng ngoại ô Stalingrad nơi các quân đoàn cánh phải của Tập đoàn quân 6 Đức do Paulus chỉ huy đang hội quân với Tập đoàn quân 4 Thiết giáp của Hoth tiến từ phía tây nam tới. Ở phía này quân Đức có 9 sư đoàn, mạnh hơn hẳn 40.000 quân Soviet đã kiệt sức của các Tập đoàn quân 62 và 64 đang rút lui về thành phố.

Varapanovo, nơi đây có những chiến hào cũ đã mọc đầy cỏ dại. Những trận đánh ác liệt nhất thời Nội chiến đã từng diễn ra ở đây, và giờ 1 lần nữa kẻ địch mạnh chưa từng thấy lại tấn công trực diện vào chỗ này.

Tuy vậy, trong phần lớn thời gian lưu lại đây Grossman và Kapustyansky đã ở trong thành phố. Họ được nghe về những tiểu đoàn công nhân đầu tiên đã được lập trong nhiều nhà máy. Chúng nằm dưới sự chỉ huy của Đại tá Sarayev, Sư trưởng Sư 10 NKVD. Cú sốc của cuộc tấn công là 1 thử thách lớn với hầu hết các cấp quân đội từ trên xuống dưới, vì vậy NKVD và Đoàn Thanh niên Komsomol đã siết chặt đội ngũ để ngăn không cho ai bỏ chạy. Các Ctrị viên kể cho 2 phóng viên chuyện về quyết tâm của các binh sĩ.

1 người lính đã bắn 1 đồng đội, anh này đang kéo 1 người bị thương khỏi trận địa thì giơ tay hàng. Sau đó người lính đó đã tự mang người bị thương về. Cha của người lính này khi chia tay đã đưa cho anh chiếc khăn mà mẹ anh đã thêu khi còn con gái và 4 chiếc huân chương chữ thập mà ông có được trong WW1.
Đêm ở Stalingrad. Xe cộ chờ đợi tại điểm vượt sông. Bóng đêm bao trùm. Lửa cháy ở phía xa xa. 1 tốp quân tăng cường vừa vượt sông Volga đang từ từ di chuyển lên triền sông. 2 người lính đi bộ sau chúng tôi, tôi nghe thấy 1 người nói: “Ai thích 1 cuộc sống dễ dàng thì hãy sống gấp”*.

*[Có nghĩa là “Hãy nắm lấy mọi thứ có thể trong cuộc đời khi còn cơ hội”]

Grossman đã sử dụng 1 số ghi chép nói trên như 1 nguyên liệu cho bài viết của ông đăng trên tờ Krasnaya Zvezda số ra ngày 6/9.

Chúng tôi tới Stalingrad ngay sau 1 trận oanh kích. Lửa khói vẫn còn đây đó. 1 đồng chí người Stalingrad đi cùng chúng tôi chỉ cho xem căn nhà đã cháy của anh. “Đây là Nhà Thiếu nhi”, anh ta nói. “Còn chỗ này vốn đặt tủ sách của tôi, chỗ làm việc của tôi ở góc kia, chỗ có cái tẩu thuốc móp méo đấy. Nơi đó là bàn làm việc của tôi”. Có thể nhìn thấy khung của những cái giường trẻ con dưới đống gạch vụn. Tường nhà vẫn còn ấm giống như thân thể 1 người vừa mới chết chưa kịp lạnh đi.
Những bức tường và hàng cột của Cung Văn hóa Khoa học Tự nhiên phủ đầy bồ hóng sau vụ cháy còn 2 bức tượng khỏa thân trước tiền sảnh vẫn trắng muốt. Những con mèo Sibêri béo mượt đang ngủ trên khung cửa sổ các ngôi nhà trống. Gần bức tượng Kholzunov, mấy đứa trẻ đang thu nhặt mảnh bom và mảnh đạn pháo phòng không. Trong buổi tối yên ắng đó, hoàng hôn màu hồng tuyệt đẹp nhìn thật u buồn khi xuyên qua hàng trăm ô cửa sổ trống hoác.
Nhiều người đã sớm làm quen được với điều kiện thời chiến. Các chuyến phà chuyển quân vào thành phố thường xuyên bị máy bay địch tấn công. Các thủy thủ lái phà vừa ăn dưa hấu vừa quan sát bầu trời. 1 chú bé đang chăm chú nhìn chiếc phao của cần câu cá, chân đu đưa. 1 bà già đang ngồi trên 1 chiếc ghế dài đan bít tất trong khi súng máy và súng phòng không vẫn nổ từng loạt xung quanh.
Chúng tôi tới 1 ngôi nhà đổ. Những người sống trong nhà đang ăn tối quanh chiếc bàn làm từ những tấm gỗ đặt trên mấy cái hộp. Lũ trẻ thổi shchi (xúp bắp cải) nóng trong bát.

Đối với các nhà cầm quyền Soviet, có vẻ như cách duy nhất để cứu Stalingrad là mở các cuộc tấn công liên tục vào cánh bắc Quân đoàn 14 Thiết giáp Đức. Tuy nhiên dù có tới 3 Tập đoàn quân Bộ binh tham chiến là Cận vệ 1, 24 và 66, cơ hội của họ vẫn rất nhỏ, kể cả trong trường hợp họ có quân số vượt trội so với đối phương. Quân Soviet thiếu đạn, đặc biệt là đạn pháo, và phần lớn là sĩ quan và binh lính dự bị.
Những lệnh đốc thúc được Stalin ra trong lúc giận dữ đã dẫn tới tình trạng cực kỳ hỗn loạn. Các sư đoàn trở nên lúng túng sau khi tiến ra khỏi đầu mối đường sắt Frolovo, phía bắc khúc uốn sông Đông, vì không biết mình được phối thuộc vào Tập đoàn quân nào hay mình sẽ đi đâu. Luftwaffe tha hồ bắn phá họ trên thảo nguyên mênh mông, trong khi đó những lính tăng Đức được huấn luyện hơn hẳn đã khiến cho cuộc chiến trở nên không cân sức. Grossman đã ở Dubovka, gần với khu vực đã diễn ra những cuộc tấn công xấu số đó.

Các sư đoàn đang di chuyển, gương mặt của mọi người diễu qua, công binh, pháo binh, xe tăng. Họ đi suốt ngày đêm. Những gương mặt, lại những gương mặt, tất cả đều có vẻ nghiêm trọng, đó là gương mặt của những người bất hạnh.
Trước khi cuộc tiến quân bắt đầu, người vô sản Lyakhov, lính tiểu đoàn bộ binh cơ giới lữ đoàn tăng, viết cho các vị chỉ huy của mình: “Hãy để cho đồng chí Stalin biết rằng tôi xin hiến dâng mạng sống vì lợi ích của Đất Mẹ, và vì Stalin. Và tôi không hề hối tiếc dù chỉ 1 giây. Nếu tôi có 5 mạng sống, tôi cũng hiến dâng tất cả ko do dự. Hãy gửi lời chào tốt đẹp nhất tới đồng chí ấy hộ tôi”.

Grossman rất thích thú với những lời càu nhàu hàng ngày của cánh lính tráng. Trong trường hợp sau đây, 1 người lính đã nói về thảo nguyên rộng lớn nơi 1 phi công Luftwaffe có thể dễ dàng phát hiện 1 cái bếp dã chiến và sau đó chuyển sang 1 đề tài khác cũng rất được lính tráng quan tâm: ủng.

“Người ta chết phần lớn chỉ vì những cái bếp. Các hạ sĩ quan đã “ăn đòn đủ” lúc đang chờ thức ăn bên bếp, vì thế thường người ta chỉ xuất hiện khi đã có thức ăn sẵn sàng. Tôi cũng rất khó chịu với đôi ủng này. Tôi đã phải cuốc bộ với những vết rộp rướm máu. Tôi lấy nó từ 1 người chết vì chẳng còn cách nào khác, nhưng nó quá nhỏ so với chân tôi”.
“Cánh lính trẻ chúng tôi chẳng bao giờ nhớ nhà, thường chỉ những lính già mới vậy... Hạ sĩ Đại đội 4 là Romanov đã bỏ rơi chúng tôi ngoài chiến địa. Đám lính trẻ chúng tôi đã được dạy dỗ chu đáo, chúng tôi chịu đựng tất cả 1 cách kiên nhẫn, nhưng cánh lính già thì cảm thấy tệ hơn nhiều”.

Grossman hay đi với 1 lính Hồng quân tên là Gromov, xạ thủ súng trường chống tăng, ở tuổi 38 ông là 1 thứ đồ cổ xuất hiện giữa đám lính trẻ mới nhập ngũ. Theo lời kể của Ortenberg, Grossman đã lưu lại 1 tuần trong 1 đơn vị chống tăng. “Anh ta không hề trở thành 1 người xa lạ trong gia đình của những người lính chống tăng này”, Ortenberg viết. Ortenberg khẳng định sự tín nhiệm đối với Grossman khi viết về ông, có lẽ do nhân vật Gromov trong tác phẩm của Grossman sau này được hoan nghênh nhiệt liệt, nhất là bởi Ilya Ehrenburg. Đây là câu chuyện về Gromov trong những ghi chép của Grossman:

“Khi bạn bắn nó, bạn sẽ thấy 1 ánh chớp nhoáng lên trên chiếc thiết giáp. Phát đạn nổ inh tai, vì vậy phải mở miệng khi bắn. Tôi đang nằm thì nghe tiếng thét: “Chúng đến!”. Phát đạn thứ 2 của tôi bắn trúng chiếc tăng. Bọn Đức bắt đầu gào lên thảm thiết. Chúng tôi nghe tiếng chúng kêu rất rõ. Tôi không hề thấy sợ tí nào, tinh thần tôi dâng cao. Đầu tiên, có 1 chút khói bốc ra, rồi có tiếng lách tách và ngọn lửa bùng lên. Evtikhov cũng bắn trúng 1 chiếc ô tô, ngay giữa thân, và bọn Fritz (Đức) kêu mới khiếp chứ!”. (Đôi mắt xanh của Gromov hấp háy sáng trên khuôn mặt khắc khổ). “Số 1 mang súng trường chống tăng. Số 2 mang 30 viên đạn súng chống tăng, 100 viên đạn súng trường thường, 2 lựu đạn chống tăng và súng trường. Tiếng nổ khi bắn khẩu súng trường chống tăng thật kinh dị, mặt đất cứ rung lên”.
“Thương vong của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi phải tự đi lấy bữa sáng và bữa tối. Chúng tôi chỉ có thể đi vào ban đêm. Có nhiều vấn đề với những cái đĩa, vì vậy chúng tôi phải chứa đồ ăn vào xô”.
“Quân ta thường nằm nghỉ ban đêm và tiến quân ban ngày. Mặt đất phẳng lì như 1 cái mặt bàn”.

Những ghi chép nói trên, bao gồm cả những lời của Gromov, đã được đưa vào 1 bài báo trên tờ Krasnaya Zvezda, bài báo này đã gây ấn tượng mạnh với Ehrenburg và những người khác.

Khi hành quân, xương vai của những người lính mang súng trường chống tăng đau nhức và cánh tay họ tê dại. Với 1 khẩu súng trường chống tăng, thật khó để nhảy qua 1 chướng ngại vật hay đi bộ trên mặt đất trơn. Sức nặng của khấu súng làm bạn đi chậm lại và đảo lộn óc thăng bằng của bạn.
Những người lính sử dụng súng trường chống tăng bước từng bước nặng nhọc, trông hơi giống người bị thọt chân - 1 bên người họ bị sức nặng của khẩu súng đè xuống. Gromov lòng tràn đầy tức giận y như 1 người khó tính, người vì chiến tranh mà phải rời bỏ ruộng đồng, nhà cửa, vợ con. Đó là nỗi tức giận của anh chàng Thomas hay nghi ngờ sau khi tận mắt chứng kiến những trở ngại lớn lao đối với người của mình... Những bức tường trắng ám khói đen và bụi vàng xám dựng lên trước mặt và sau lưng những người lính súng trường chống tăng, chúng thường bị gọi là “đồ chết tiệt”... Gromov nằm dưới 1 nhánh hào, giữa 1 địa ngục ồn ã bởi hàng ngàn thứ tiếng động, ngủ lơ mơ và duỗi đôi chân mỏi mệt: đó là sự nghỉ ngơi của 1 người lính bình thường và khắc khổ.
“Tôi bắn vào chiếc tăng 1 phát nữa”, Gromov nói. “Và tôi thấy trước hết là tôi đã bắn trúng nó. Tôi thở phào. Ngọn lửa xanh phụt ra từ tấm giáp như 1 tia chớp. Tôi hiểu ngay viên đạn chống tăng của tôi đã xuyên vào trong xe và tạo ra ngọn lửa xanh đó. Rồi có 1 chút khói bốc lên. Bọn Đức trong xe bắt đầu gào thét. Tôi chưa từng nghe tiếng người nào thét lên kiểu đó, và ngay sau đó trong xe có tiếng nổ lách tách. Chiếc tăng cứ kêu lách tách, lách tách. Rồi đạn trong xe bắt đầu nổ. Và sau đó là ngọn lửa bùng lên, bốc cao lên trời. Chiếc tăng vậy là rồi đời”.
Trung đoàn trưởng Savinov, khuôn mặt tốt bụng đặc Nga, mắt xanh, da rám nắng đỏ au, trên mũ sắt có 1 vết đạn lõm sâu. “Khi viên đạn bắn trúng tôi”, Savinov nói, “tôi ngất xỉu và nằm thẳng cẳng mất 15 phút. 1 tên Đức đã làm tôi choáng”.

Ngay cả thường dân cũng bị 2 phía bắt làm 1 số việc khi 2 bên đều nhận thấy đây có thể là trận đánh then chốt của cả cuộc chiến.

Những gián điệp. 1 cậu nhóc 20 tuổi có thể báo nơi đặt sở chỉ huy quân Đức nhờ vào những đường dây thông tin, bếp và sự đi lại của các giao liên. Bọn Đức đã nói với 1 phụ nữ: “Nếu mày không đi và trở về đây, chúng tao sẽ bắn 2 con gái của mày”.

Phía Soviet tỏ ra quyết liệt hơn đối thủ khi buộc quân sĩ tham gia tấn công. Mệnh lệnh số 227 của Stalin - “Không lùi 1 bước” - chỉ thị cho mỗi chỉ huy tập đoàn quân tổ chức “từ 3 đến 5 đơn vị chặn hậu được trang bị tốt (với khoảng 200 người mỗi đơn vị) bố trí ở tuyến 2 để “chiến đấu chống lại sự hèn nhát” bằng cách bắn hạ bất cứ binh sĩ nào định bỏ chạy”. Ở khu công nghiệp phía bắc Stalingrad, Grossman đã tới gặp Đại tá S. F. Gorokhov, người sau này chỉ huy Lữ đoàn 142.

Sau cuộc xung phong thứ 7, Gorokhov nói với chỉ huy đơn vị chặn hậu: “Nào, bắn vào lưng người khác thế là đủ rồi đấy. Hãy tiến lên và tham gia xung phong”. Viên chỉ huy đơn vị chặn hậu và người của ông ta tham gia vào cuộc xung phong, và bọn Đức bị đánh bật.

Sức phòng thủ của Stalingrad được tăng cường bởi thứ kỷ luật sắt máu nhất. Khoảng 13.500 binh sĩ đã bị hành quyết trong 5 tháng chiến đấu, phần lớn là trong những ngày đầu khi nhiều đơn vị tan vỡ. Grossman được nghe về những “hành vi bất thường”, ngôn ngữ hành chính Soviet để chỉ việc “phản bội Tổ quốc”, 1 loại tội phạm có định nghĩa rất rộng.

Một hành vi bất thường. Bản án. Hành quyết. Người ta lột quần áo rồi chôn anh ta. Đến đêm anh ta trở lại đơn vị trong bộ đồ lót dính đầy máu. Anh ta lại bị bắn.

Đây có thể là 1 trường hợp khác, nhưng nó gần giống những gì xảy ra ở Sư 45 Bộ binh khi đội hành quyết gồm các đặc vụ NKVD phối thuộc vào Sư đoàn đã không giết chết 1 người đã bị kết án tử hình, có lẽ do rượu đã làm họ mất khả năng ngắm bắn*. Người lính này, giống như nhiều người khác, bị kết án tử hình vì tự gây thương tích. Sau khi bắn anh ta, đội hành quyết chôn xác vào 1 hố đạn pháo gần đó, người bị bắn sau đó đã tự chui lên và quay lại đại đội của mình chỉ để rồi lại bị xử bắn lần nữa. Thường thì những người bị kết án sẽ bị buộc cởi hết quần áo trước khi bị bắn để người khác khi được phát lại bộ quân phục này sẽ không ngã lòng trước những vết đạn lỗ chỗ.

*[Sư 45 Bộ binh chuyển thành Sư 74 Bộ binh Cận vệ ngày 1/3/1943 để tưởng thưởng cho những đóng góp của họ tại Stalingrad. Sư đoàn nằm trong đội hình Tập đoàn quân 62, sau này là Tập đoàn quân 8 Cận vệ cho đến hết chiến tranh]

1 số tướng lĩnh Soviet không ngần ngại đánh cả các thuộc cấp có địa vị cao dù tệ đánh lính của sĩ quan và hạ sĩ quan là 1 trong những đặc tính đáng ghét nhất của quân đội thời Sa hoàng.

Cuộc nói chuyện giữa Đại tá Shuba và Tarasov với chỉ huy Tập đoàn quân:
“Cái gì?”
“Xin cho tôi nói lại lần nữa...?”
“Cái gì?”
“Xin cho tôi nói lại lần nữa...?”
“Ông ấy đấm giữa mồm Shuba. Tôi (chắc là Tarasov) vẫn đứng nguyên, cố thụt lưỡi vào sâu và nghiến chặt 2 hàm răng vì tôi sợ cắn phải lưỡi hay ra khỏi đây mà không còn cái răng nào”.

Trong thời điểm khủng hoảng này của cuộc chiến, Grossman ghi lại trong các cuốn sổ nhiều câu chuyện về thói quan liêu trong quân đội và chính quyền Soviet.

Các đơn vị xe tăng ta đã bị máy bay đánh bom suốt 3 ngày, suốt thời gian đó các bức điện báo cáo về tình trạng trên còn bận di chuyển giữa các mắt xích khác nhau trong hệ thống chỉ huy.
1 sư đoàn bị bao vây, đồ tiếp tế được thả dù xuống, nhưng sĩ quan phụ trách hậu cần không muốn cấp phát thực phẩm vì không có người ký hóa đơn.
1 sĩ quan chỉ huy trinh sát không thể cho phép làm điều gì đó nếu không có nửa lít vodka hay tệ hơn là không có thứ anh ta cần là 1 tấm lụa giá 80 rúp 50 kopeck.
Thông tin được nhắc đi nhắc lại: Yêu cầu các phi vụ đánh bom.
1 chiếc máy bay bốc cháy, phi công muốn bảo toàn nó nên không chịu nhảy dù. Anh ta đưa được chiếc máy bay về sân bay. Người anh cháy sém, chiếc quần cũng cháy. Tuy vậy tay sĩ quan hậu cần từ chối cấp quần mới cho anh vì chưa đủ thời hạn ngắn nhất để được phép đổi đồ cũ lấy đồ mới. Thói quan liêu này phải vài ngày sau mới chấm dứt.
1 chiếc Yu-53 chứa đầy nhiên liệu bốc cháy trong 1 đêm quang đãng. Phi công nhảy dù.

Stalin vô cùng giận dữ khi nghe được vào ngày 3/9 rằng Stalingrad đã bị bao vây trên bờ tây Volga. Đối với tướng Yeremenko, Tư lệnh Phương diện quân Stalingrad, và Nikita Khrushchev, đại biểu Hội đồng Quốc phòng kiêm chỉ huy chính trị, câu hỏi then chốt là ai sẽ được trao trách nhiệm phòng thủ thành phố. Ứng cử viên cho trọng trách này sẽ phải tiếp quản Tập đoàn quân 62 đang trong tình trạng mất tinh thần và thiệt hại nặng, tập đoàn quân này đã bị cắt rời khỏi đơn vị bạn ở phía nam là Tập đoàn quân 64 vào ngày 10/9.
Ngày hôm sau, 11/9, sở chỉ huy của Yeremenko đặt dưới hệ thống hầm ngầm qua đèo Tsaritsa đã nằm dưới tầm hỏa lực bắn thẳng của địch. Tổng biên tập của Grossman, Ortenberg, đã cùng với nhà văn Konstantin Simonov tới sở chỉ huy này hôm đó. Họ đã nói chuyện với Khrushchev đang trong tình trạng “thảm hại” vì nhận ra rằng thật khó để châm thuốc hút dưới đường hầm này vì thiếu không khí. Khi Ortenberg và Simonov tỉnh dậy vào sáng hôm sau, họ nhận thấy sở chỉ huy đã chuyển đi nơi khác khi họ đang ngủ. Stalin, vẫn đang trong tâm trạng tức tối, đã bị buộc phải chấp thuận cho Yeremenko rút sở chỉ huy Phương diện quân Stalingrad qua bên kia sông Volga. Tướng Vasily Chuikov, 1 chỉ huy cứng rắn và không khoan nhượng, được triệu đến nắm quyền chỉ huy Tập đoàn quân 62 vẫn còn trên bờ tây*.

*[Tướng Vasily Ivanovich Chuikov (1900 - 1982) chỉ huy Tập đoàn quân 4 trong cuộc xâm lược Ba Lan năm 1939, sau đó chỉ huy Tập đoàn quân 9 trong chiến tranh Xô - Phần. Từ năm 1940 - 1942, ông là tùy viên quân sự tại Trung Quốc. Sau trận Stalingrad, Tập đoàn quân 62 do ông chỉ huy được chuyển thành Tập đoàn quân 8 Cận vệ và ông tiếp tục chỉ huy nó trên suốt các chặng đường chiến tranh cho đến thắng lợi cuối cùng tại Berlin, nơi ông đã tiếp nhận Văn bản Đầu hàng từ tướng Đức Hans Krebs. Từ năm 1949 đến 1953 ông là Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Soviet tại Đông Đức, từ 1960 - 1961 ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng]

Grossman sau này đã phỏng vấn tất cả những nhân vật liên quan nói trên.

Khrushchev - Mệt mỏi, tóc bạc trắng, béo phị. Trông hơi giống Kutuzov. Yeremenko - Đã từng bị thương 7 lần trong cuộc chiến này.

Yeremenko nhất định đòi được chọn Chuikov.

“Chính tôi đã tiến cử Chuikov. Tôi biết ông ấy, ông ta chưa hề biết sợ... Tôi biết Chuikov từ hồi còn hòa bình, tôi thường hạ ông ấy trong những cuộc thao diễn. “Tôi biết cậu dũng cảm thế nào”, tôi nói với ông ta, “nhưng tôi không cần kiểu can đảm đó. Đừng ra những quyết định vội vàng như kiểu anh vẫn làm”.

Theo lời Chuikov, cuộc nói chuyện với Yeremenko và Khrushchev đã diễn ra như sau:

“Yeremenko và Khrushchev nói với tôi:
“Anh phải bảo vệ bằng được Stalingrad. Anh cảm thấy sao?”.
“Rõ!”.
“Không, thế chưa đủ cho 1 lời tuân lệnh, anh nghĩ thế nào về lệnh này?”.
“Nó có nghĩa là chết. Theo lệnh này chúng tôi sẽ đánh đến chết”.

Trong cuốn Hồi ký viết thời Khrushchev nắm quyền, Chuikov kể lại cuộc nói chuyện này hơi khác:

“Đồng chí Chuikov”, Khrushchev nói, “đồng chí hiểu nhiệm vụ của mình như thế nào?”.
“Chúng tôi sẽ bảo vệ thành phố hoặc chết trong khi thi hành nhiệm vụ”, Chuikov trả lời.
Yeremenko và Khrushchev nhìn Chuikov và bảo ông đã hiểu nhiệm vụ của mình rất chính xác.

Như ta thấy sau này, Grossman đã trở nên vỡ mộng sau khi chứng kiến sự kiêu căng và đố kỵ của các tướng lĩnh chỉ huy Stalingrad sau trận đánh, tất cả họ đều cho rằng vai trò của mình trong trận đánh đã không được đánh giá đúng mức. Yeremenko đã công khai khoác lác về bản thân và cố gắng hạ thấp Khrushchev.

“Tôi đã từng là cai đội trong cuộc Đại chiến trước và hạ được 22 tên Đức... Có ai lại muốn chết? Chẳng ai háo hức với chuyện giết chóc... Vậy mà tôi đã phải ra những quyết định tàn nhẫn như thế này: “Xử bắn ngay tại chỗ!”.
“Khrushchev đề nghị chúng tôi nên đặt mìn thành phố. Tôi gọi điện thoại cho Stalin về việc đó. “Để làm gì?” Stalin hỏi.
“Tôi sẽ không để cho Stalingrad đầu hàng”, tôi nói. “Tôi không muốn đặt mìn thành phố”.
“Sau đấy nói với Khrushchev là cút cha hắn đi”, Stalin trả lời”. (Nguyên văn: fuck off)
“Chúng ta phải chân thành cảm ơn pháo binh và những người lính. Các pháo đài của họ thật là tệ hại”.

Sự thiếu hụt các công trình phòng thủ tại Stalingrad là vấn đề duy nhất được tất cả các chỉ huy cao cấp đồng ý. Chuikov phát hiện ra rằng các chiến lũy có thể bị xô đổ dễ dàng chỉ bằng xe tải. Gurov chỉ huy Chính trị Tập đoàn quân 62 nói rằng chẳng có 1 pháo đài nào tồn tại trong thực tế, và Tham mưu trưởng Krylov thì nói những cái được gọi là pháo đài đó thật nực cười. “Trong việc phòng thủ Stalingrad”, Chuikov sau này kể với Grossman, “các viên sư trưởng trông cậy vào máu hơn là vào dây thép gai”.
Chuikov đã trở thành người mà Grossman hiểu rất rõ trong suốt cuộc chiến, viên tướng này cũng thích giảng giải về kinh nghiệm trước đây của ông và vai trò của ông ở Stalingrad. “Tôi đã chỉ huy 1 trung đoàn khi còn ở tuổi 15”, ông kể cho Grossman về thời ông tham gia Nội chiến Nga. “Tôi cũng từng là chỉ huy nhóm cố vấn cho Tưởng Giới Thạch”, Chuikov nói thêm khi đang kể về năm 1941. Ông không đề cập đến chuyện việc ở Trung Quốc chứ không có mặt trong mùa hè thảm họa khi cuộc chiến bắt đầu là 1 may mắn lớn.
Tập đoàn quân của Chuikov không chỉ mất tinh thần và thiệt hại nặng. Chỉ còn lại dưới 20.000 người, Tập đoàn quân này yếu hơn hẳn đối phương cả về quân số lẫn trang bị tại các khu vực then chốt ở trung tâm Stalingrad. Tại đây quân Đức có 4 sư bộ binh, 2 sư thiết giáp và 1 sư cơ giới đánh từ phía tây tới nhằm hướng sông Volga. 2 mục tiêu then chốt của chúng là Mamaev Kurgan, 1 chiến lũy thời cổ của người Tartar nằm trên đồi cao 102m (thường gọi là Điểm cao 102), và bến phà qua sông Volga nằm ngay gần Quảng trường Đỏ (của Stalingrad). Chuikov tới bến phà này vào đêm 12/9 ngay sau khi được Yeremenko và Khrushchev bổ nhiệm làm chỉ huy Tập đoàn quân 62.
Nhờ ánh sáng từ những ngôi nhà đang cháy, ông tới được Mamaev Kurgan nơi sở chỉ huy Tập đoàn quân 62 vừa được thiết lập tạm thời. Tình hình đã trở nên tuyệt vọng hơn cả những gì ông từng lo sợ. “Tôi nhìn Mamaev Kurgan mà như trong mơ”, Chuikov sau này kể với Grossman như vậy.
Dưới quyền chỉ huy của ông lúc này chỉ còn 1 đơn vị duy nhất chưa bị sứt mẻ là Sư 10 Bộ binh NKVD của Đại tá Sarayev, nhưng các đơn vị của nó nằm rải rác và Sarayev, 1 sĩ quan nằm trong hệ thống ngành dọc của NKVD, không sẵn sàng đưa người của mình nằm dưới sự quản lý của Hồng quân. Gurov, chỉ huy Chính trị Tập đoàn quân của Chuikov, đã phê phán kịch liệt sư đoàn NKVD này.

“Sư đoàn của Sarayev nằm rải rác trên toàn mặt trận và vì thế trên thực tế chẳng chịu sự quản lý nào. Sư đoàn của Sarayev đã không hoàn thành nhiệm vụ. Nó chẳng bảo vệ các vị trí phòng thủ đã được giao, cũng không giữ gìn được trật tự trong thành phố”.

Trong những năm trước, chẳng viên chỉ huy quân đội nào đủ can đảm đối mặt với 1 sĩ quan của Beria. Nhưng Chuikov đang đối mặt với thảm họa rồi, ông không e ngại chuyện đó nữa. Hiển nhiên ông đã đe dọa Sarayev về cơn giận dữ của Stalin nếu thành phố thất thủ sẽ dẫn đến điều gì. Sarayev đã tuân lệnh và bố trí 1 trong các trung đoàn của mình án ngữ trước bến phà sống còn theo đúng chỉ thị.
Chỉ sau này Grossman mới phát hiện Chuikov cũng là 1 viên chỉ huy sẵn sàng nện thuộc cấp khi nổi điên. Thực ra Chuikov là người tàn nhẫn, sẵn sàng hành quyết từ 1 lữ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ đến 1 lính trơn lùi bước trong trận đánh, nhưng lòng dũng cảm của ông thì khỏi phải bàn.

“1 chỉ huy cần phải hiểu rằng thà mất đầu còn hơn cúi người tránh 1 viên đạn Đức. Binh lính sẽ ghi nhận những điều đó”.
“Nhiệm vụ đầu tiên là phải làm cho các chỉ huy dưới quyền thấm nhuần tư tưởng rằng con quỷ không quá đáng sợ như cách nó được vẽ ra”.
“Trước hết là bạn đã ở đây, và chẳng có đường nào thoát trừ phi bạn mất đầu hay mất chân... Mọi người đều biết ai quay đầu chạy sẽ bị bắn tại chỗ. Cái đó còn đáng sợ hơn bọn Đức nhiều... Vâng, cũng còn nhiệt huyết Nga nữa. Chúng tôi đã chọn 1 chiến thuật phản công. Chúng tôi tấn công lại khi chúng đã mỏi mệt vì tấn công chúng tôi”.

Trong các cuốn hồi ký của mình, Chuikov thẳng thắn thừa nhận khi bảo vệ Stalingrad ông đã tuân theo nguyên tắc “Thời gian là xương máu”. Ông phải ngăn quân Đức lại bằng mọi giá và điều đó có nghĩa là ném các trung đoàn và sư đoàn vừa mới tới vào các trận đánh ác liệt trong thành phố ngay khi họ vừa đặt chân sang bờ đông và họ phải sẵn sàng xung trận khi vẫn còn ở trên phà qua sông.
Cuộc tổng tấn công vào thành phố của Tập đoàn quân 6 Đức mở màn ngay trước bình minh ngày 13/9. Chuikov thậm chí không đủ thời gian để gặp các chỉ huy đơn vị trong đội hình Tập đoàn quân vì Sư 295 Bộ binh Đức đã tiến thẳng đến Mamaev Kurgan. 2 sư bộ binh khác nhằm hướng nhà ga trung tâm và bến phà. Chuikov có lẽ chỉ có thể quan sát những gì đang diễn ra từ dưới hào bằng kính tiềm vọng.
Tối hôm đó, Tổng hành dinh của Quốc trưởng (Führer) chúc mừng Sư 71 Bộ binh Đức đã tiến thành công vào trung tâm thành phố. Stalin tại Kremlin cũng nghe được tin này khi Yeremenko gọi điện thoại thông báo đồng thời cảnh báo rằng 1 cuộc tấn công lớn khác có lẽ sẽ được quân Đức tiếp tục tiến hành vào ngày mai. Stalin quay sang nói với tướng Vasilevsky. “Lệnh cho Sư 13 Cận vệ của Rodimtsev ngay lập tức vượt sông Volga và tìm xem còn đơn vị nào khác có thể gửi tiếp đi không”. Zhukov lúc này đang ở đó nghiền ngẫm bản đồ khu vực chiến sự cũng được lệnh bay trở lại Stalingrad ngay lập tức. Không ai còn nghi ngờ rằng thời điểm khủng hoảng đã đến.
Sở chỉ huy Tập đoàn quân của Chuikov giờ lại hóa thành nằm ngay trên tuyến đầu sau cuộc tấn công hôm trước vào Mamaev Kurgan. Vì vậy sớm hôm sau sở chỉ huy phải chuyển về phía nam, tới đường hầm qua đèo Tsaritsa nơi Yeremenko và Khrushchev vừa rời khỏi. Gurov nói với Grossman: “Khi chúng tôi rời khỏi Điểm cao 102, chúng tôi mơ hồ cảm thấy đó là điều tồi tệ nhất. Chúng tôi không rõ tất cả sẽ kết thúc như thế nào”.
Trận đánh ngày 14/9 diễn ra 1 cách tồi tệ đối với phía phòng thủ. Sư 295 Bộ binh Đức chiếm đồi Mamaev Kurgan đúng như Chuikov đã lo ngại, nhưng mối đe dọa lớn nhất đến từ trung tâm thành phố, nơi 1 trong các trung đoàn NKVD của Sarayev bị ném vào 1 cuộc phản công đánh vào nhà ga trung tâm. Trong ngày hôm đó nhà ga này đã đổi chủ nhiều lần.
1 sự kiện nổi bật tạo nên huyền thoại Stalingrad sau này là cuộc vượt sông Volga dưới làn đạn của Sư 13 Bộ binh Cận vệ do tướng Aleksandr Rodimtsev chỉ huy*. Sư đoàn này đã nhanh chóng kiệt sức bởi cuộc vận động chiến này.
Grossman mô tả lại cuộc tiến quân và cuộc đổ bộ lên bờ sông Volga qua lời kể của những người tham gia.

*[Sư 13 Bộ binh Cận vệ được thành lập ngày 19/1/1942 từ Sư 87 Bộ binh. Tướng Aleksandr Ilyich Rodimtsev (1905 - 1977) đã từng được tặng Sao Vàng Anh hùng Liên Xô cho thành tích khi làm cố vấn quân sự trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, đặc biệt là cho những đóng góp của ông trong Trận Guadalajara năm 1937, trong trận này các sư đoàn áo đen của Mussolini đã bị đánh cho thua chạy tán loạn]

Con đuờng ngoặt về hướng tây nam và chúng tôi bắt đầu gặp những cây thích và liễu. Những vườn táo trĩu quả trải ra xung quanh. Và khi sư đoàn đi về phía Volga, chúng tôi nhìn thấy những đám khói đen bốc cao. Không ai có thể nhầm lẫn nó với bụi, đám khói hung hãn, chuyển động nhanh, lấp lánh ánh lửa và đen như hỏa ngục: đó là khói từ những kho nhiên liệu đang cháy bốc lên từ khu vực phía bắc thành phố. 1 mũi tên lớn đóng trên cành cây ghi “Điểm vượt sông”, nó chỉ thẳng ra sông Volga... Sư đoàn không thể đợi tới đêm để vượt sông. Mọi người nhanh chóng tháo các bọc chứa vũ khí đạn dược, cả các bọc đường và xúc xích nữa.
Chiếc sà lan lắc lư trên sóng, các chiến sĩ sư đoàn bộ binh cảm thấy hoảng vì thấy quân địch ở khắp nơi, trên trời, bờ bên kia, trong khi họ phải đối đầu với chúng mà không có cảm giác thoải mái vì được dẫm chân lên mặt đất. Không khí trong vắt đến phát sợ, bầu trời trong xanh đến phát sợ, mặt trời sáng rực rỡ 1 cách không thương xót còn mặt nước trôi bên dưới thì có vẻ quỷ quyệt và rất thiếu tin cậy. Chẳng ai cảm thấy mừng vì không khí trong lành được, hơi mát của con sông như chọc vào lỗ mũi làm người ta phát bực, hơi thở mềm mại và ẩm ướt của Volga chạm vào làm những con mắt đỏ vằn máu. Các chiến sĩ trên các con phà, sà lan và xuồng máy đều im lặng. Ôi trời, sao lại có thứ không khí ngột ngạt và những đám rác dày đặc trên mặt sông thế này nhỉ? Tại sao thứ khói xanh từ các hộp tạo khói ngụy trang lại trong veo thế nhỉ? Mọi cái đầu đều quay hết bên này đến bên kia với vẻ lo lắng. Mọi người đều liếc nhìn lên bầu trời.
“Nó đang bổ nhào, quân chấy rận!”. Ai đó hét lên.
Bất thần, 1 cột nước cao màu xanh nhạt vọt lên cách chiếc sà lan độ 50m. Ngay sau đó là 1 cột nước nữa dựng lên rồi vỡ tan ra gần hơn nhiều, rồi cột thứ 3. Bom nổ ngay trên mặt nước, mặt sông Volga sủi ngầu bọt. Đạn bắt đầu bắn trúng thành sà lan, những người bị thương bật khóc khe khẽ dù đã cố giấu việc bị thương đó, sau đó là những phát đạn súng trường rít trên mặt nước.
1 khoảnh khắc khủng khiếp khi 1 viên đạn pháo lớn bắn trúng sườn 1 chiếc phà nhỏ. Ánh chớp lửa nhoáng lên, khói đen trùm lên chiếc phà, rồi sau đó mới nghe thấy tiếng nổ, ngay tiếp theo là tiếng thét thất thanh như thể tiếng thét đó sinh ra từ tiếng nổ vậy. Hàng nghìn người đã nhìn thấy những chiếc mũ sắt xanh của những người đang bơi quanh những mảnh gỗ vụn dập dềnh trên mặt nước.

Chuikov đã nói với Rodimtsev ai vượt được sang bờ tây trong chiều ngày 14/9 sẽ được nhận huân chương, đây là 1 hành động cực kỳ liều lĩnh vì quân của Rodimtsev sẽ phải bỏ lại toàn bộ trang thiết bị nặng, chỉ mang theo lựu đạn và vũ khí cá nhân. Rodimtsev đã kể lại chuyện này cho Grossman trong giai đoạn sau của trận đánh.

“Chúng tôi bắt đầu vượt sông vào 17h00 ngày 14/9, chuẩn bị vũ khí ngay trong lúc hành tiến. 1 chiếc sà lan bị phá hủy (vì bom) khi đang vượt sông; 41 người chết còn 20 người sống sót”.

Đã có rất nhiều bài viết về cuộc đổ bộ lên bờ sông Volga của Sư 13 Bộ binh Cận vệ, họ đã lao thẳng vào quân Đức khi chúng đã tiến chiếm được 1 đoạn bờ sông dài khoảng 200m. Nhưng Grossman còn được nghe về 1 nhiệm vụ đặc biệt giao cho 1 nhóm nhỏ gồm 6 chiến sĩ của sư đoàn.

Trung úy công binh Chermakov, các trung sĩ Dubovy và Bugaev cùng 3 lính Hồng quân Klimenko, Zhukov và Messereshvili nhận lệnh cho nổ tòa nhà kiên cố Ngân hàng Nhà nước. Mỗi người mang theo 25kg thuốc nổ, họ đã sang được bờ bên kia và cho nổ tung tòa nhà.

Chắc hẳn đã có những biểu hiện hèn nhát trong cuộc vượt sông này nhưng các báo cáo chính thức của phía Soviet luôn lấp liếm chuyện đó.

7 binh sĩ người Uzbek đã bị tuyên án tự gây thương tích cho bản thân. Tất cả đều bị bắn.

Kỳ công của Sư 13 Bộ binh Cận vệ đã thu hút sự chú ý lớn lao của giới truyền thông Soviet và cả thế giới. Rodimtsev đã khiến Chuikov ghen tức phát điên khi trở thành vị anh hùng nổi tiếng thế giới. Grossman tuy vậy lại quan tâm tới lòng dũng cảm của những người lính và sĩ quan cấp thấp hơn là những cuộc kèn cựa giữa các cấp chỉ huy. Ông đã thuyết phục được sở chỉ huy sư đoàn của Rodimtsev trao cho mình những báo cáo từ cấp dưới và ông đã mang theo chúng trong ba lô suốt cuộc chiến tranh. Ông đã trích lại các báo cáo này trong bài viết “Tsaritsyn-Stalingrad” và trong cuốn tiểu thuyết “Vì Chính Nghĩa” (For a Just Cause).

Báo cáo
Thời gian: 11h30, 20/9/1942
Gửi: Đại úy Cận vệ Fedoseev - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1.
Xin báo cáo tình hình như sau: quân địch định bao vây đại đội tôi bằng cách tung 1 số lính trang bị tiểu liên đánh vào sau lưng chúng tôi. Tuy nhiên mọi cố gắng của chúng đều thất bại mặc dù quân chúng đông hơn nhiều. Các binh lính và sĩ quan của tôi đã thể hiện lòng can đảm và chủ nghĩa anh hùng khi đối mặt với bọn chó phát xít. Bọn Fritz sẽ không bao giờ thành công chừng nào chưa dẫm được lên xác tôi. Các chiến sĩ Cận vệ không bao giờ rút lui. Nhiều binh lính và sĩ quan đã hy sinh như những người anh hùng nhưng quân địch đã không thể phá vỡ được tuyến phòng ngự quân ta. Hãy để cả nước biết rằng Đại đội 3 Bộ binh thuộc sư 13 Bộ binh Cận vệ sẽ không để 1 tên chó má nào vượt qua được chừng nào Đại đội trưởng còn sống. May ra chúng sẽ chỉ qua được khi nào Đại đội trưởng chết hay bị thương nặng. Hiện Đại đội trưởng Đại đội 3 đang bị stress, cảm thấy không được khỏe, tai điếc đặc, chóng mặt, chảy máu cam và cụt cả 2 chân. Mặc dù vậy những chiến sĩ Cận vệ, cụ thể ở đây là các Đại đội 2 và 3, sẽ không rút lui. Chúng tôi sẽ chết như những người anh hùng vì thành phố của Stalin. Hãy để đất nước Soviet hóa thành mồ chôn quân địch. Đại đội trưởng Đại đội 3 Kolaganov đã tự tay giết 2 tên lính súng máy Fritz, chiếm được khẩu súng máy và các giấy tờ mà chúng tôi trình sở chỉ huy tiểu đoàn kèm theo đây.
Kolaganov (đã ký)

Tập đoàn quân 62 trong tình trạng thua kém triền miên về mặt lực lượng so với đối phương đã cố gắng làm những gì tốt nhất có thể, họ đã đã thiết lập được 1 vành đai phòng thủ nhỏ chưa từng thấy dọc theo bờ tây Volga. Rodimtsev nói với Grossman: “Chúng tôi chiến đấu mà không có lực lượng dự bị. 1 tuyến phòng thủ mỏng dính, đó là tất cả những gì chúng tôi có”.
Yeremenko cũng nói: “Tôi đang vã mồ hôi hột đây, bọn Đức ép rất mạnh mà quân ta thì được bố trí 1 cách thật là ngu ngốc. Tôi lúc nào cũng cảm thấy nóng ran người mặc dù vốn rất khoẻ mạnh. Chúng tôi vừa mới cho quân ăn ngay trong trận đánh xong. Thế đấy”.
Gurov chỉ huy Chính trị Tập đoàn quân 62 chỉ ra 1 thực tế: “Có những ngày chúng tôi phải chuyển đi tới 2.000 - 3.000 người bị thương”.
Krylov tham mưu trưởng Tập đoàn quân 62 thì nói về phương thức điều hành trận đánh của quân Đức.

“Chúng tin rằng sử dụng hỏa lực vượt trội sẽ làm quân ta choáng váng. Những trang bị nặng của chúng tỷ lệ nghịch với khả năng của những lính bộ binh Đức bình thường. Các sĩ quan chỉ huy cấp trung của quân Đức hoàn toàn thiếu khả năng sáng tạo.
“Những ngày đầu tháng 9 đặc biệt khó khăn, mọi thứ bắt đầu trở nên hỗn loạn. Vào các buổi tối tôi có thể phải tự mình đi truyền lệnh cho các binh sĩ còn ban ngày tôi chỉ làm cái việc đếm từng phút chờ đến khi đêm xuống”.

Người Đức biết rất rõ rằng điều cần thiết duy nhất là phải phá vỡ chiến tuyến của Tập đoàn quân 62 dọc theo sông Volga, sử dụng cả pháo binh lẫn Luftwaffe. Đó là lý do dẫn tới vô số cuộc tấn công qua lại để giành giật Mamaev Kurgan, ngọn đồi mà từ đó có thể bắn thẳng tới bất kỳ vị trí nào trên mặt đất bằng phẳng xung quanh. Các binh sĩ vận tải đường sông mà trong đó rất nhiều người vốn là dân thuyền chài Volga đã phải đối mặt với nguy hiểm nhiều không kém các frontoviki (lính tuyến đầu) trên bờ tây.

Sĩ quan phụ trách bến phà, trung tá Puzyrevsky, đã ở đây từ 2 tuần nay. Người tiền nhiệm của ông, đại úy Eziev, đã hy sinh vì sà lan trúng bom. Perminov, chỉ huy quân lực, đã ở đây được 57 ngày. Tiểu đoàn phó Ilin đã được máy bay đem đi sau khi bị thương nặng. Smerechinsky là sĩ quan phụ trách bến phà trước Eziev cũng đã hy sinh. Tiểu đoàn trưởng, người đã chỉ huy việc thiết lập điểm vượt sông Volga này, hy sinh vì trúng mảnh bom. Sholom Akselrod, chỉ huy trung đội kỹ thuật, hy sinh vì sà lan trúng thủy lôi. Politruk (Chính ủy) Samotorkin bị thương vì mìn, politruk Ishkin bị 1 quả đạn pháo tiện mất 1 chân.

Đối với các đơn vị tăng cường đang được tập trung ở phía đối diện bờ tây, 1.300m nước bề rộng con sông đủ để làm bất cứ ai cũng phải kinh. Nhưng Chuikov với kiểu bông đùa quái ác đặc trưng đã chỉ ra rằng vượt sông mới chỉ là bắt đầu.

“Khi tiến vào đây, các binh sĩ thường bảo: “Ta đang vào địa ngục”. Và sau khi đã ở đây 1 - 2 ngày, họ nói: “Không, đây không phải địa ngục, đây là nơi còn tệ hơn địa ngục gấp 10 lần”. Điều đó tạo nên lòng căm thù cao độ đến mức phi nhân tính nhằm vào bọn Đức. Vài lính Hồng quân được giao áp giải 1 tù binh nhưng hắn đã không bao giờ đến được đích, tên tù binh xấu số đã chết vì sợ hãi. “Mày có muốn uống chút nước sông Volga không?”. Họ hỏi, rồi ấn mặt hắn xuống nước 10 - 12 lần”.

Sự đau khổ có vẻ đã trở thành số phận của toàn nhân loại. Cuối tháng đó, Grossman nhận được thư vợ, Olga Mikhailovna, kể về cái chết vì bom của Misha, con riêng của bà. Ông đã viết 1 bức thư trả lời vụng về hy vọng làm nhẹ bớt sự tuyệt vọng của vợ.

Vợ của anh, những gì tốt đẹp nhất của anh. Hôm nay anh đã nhận được thư em mà ai đó vừa mang từ Moscow tới, nó làm anh đau đớn sâu sắc. Đừng để tinh thần suy sụp nhé Lyusenka. Đừng tuyệt vọng nhé. Có rất nhiều điều đau khổ xung quanh ta, anh đã thấy nó rất nhiều. Anh đã từng thấy những bà mẹ mất chồng và 3 con trong cuộc chiến này. Anh đã thấy nhiều người vợ mất chồng, mất con. Anh đã thấy những phụ nữ có con nhỏ bị chết trong các trận oanh tạc, và tất cả những phụ nữ đó đều không để mình tuyệt vọng. Họ vẫn làm việc, trông đợi chiến thắng, họ không để mất tinh thần. Họ đã tiếp tục sống dù điều đó rất khó khăn. Hãy mạnh mẽ như họ, người yêu của anh, giữ vững... Em còn có anh và Fedya, em còn tình yêu và cuộc sống của em có ý nghĩa với nhiều người.
Anh đã được đề nghị tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ lần thứ 2 nhưng cũng như trước, điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Anh đã lấy 1 bức thư từ 1 người lính đã hy sinh; nó được viết bằng nét chữ trẻ con nguệch ngoạc, cuối thư là những lời sau: “Con nhớ bố rất nhiều. Hãy trở về thăm con, con mong được nhìn thấy bố làm sao, dù chỉ 1h cũng được. Con đang viết bức thư này mà nước mắt rơi. Bố, về thăm con đi”.

Grossman cũng viết cho bà vú già nói tiếng Đức của mình, Zhenni Genrikhovna Henrichson, người mà nhiều năm sau ông đã đưa vào cuốn tiểu thuyết “Cuộc đời và Số phận”.

Chắc bà đã biết về nỗi đau khủng khiếp: Misha đã chết. Tai họa đã giáng xuống gia đình ta, Zhenni Genrikhovna ạ. Hãy viết thư cho tôi theo địa chỉ mới: Binh trạm 28, Đơn vị 1, V. S. Grossman (Đừng ghi nơi tôi ở trong mục địa chỉ). Bà có nghe gì về bố tôi không? Ông đang ở đâu? Tôi không có địa chỉ để viết thư cho ông.

Grossman ở điểm này đã cho thấy ông không hề biết gì về việc người cháu trai, Yura Benash, 1 trung úy trẻ đang ở Stalingrad đã cố gắng liên lạc với ông sau khi đọc được những bài báo, đã hy sinh trong 1 trận đánh.

15
Học viện Stalingrad

Chính Chuikov là người đã nghĩ ra thành ngữ Học viện Stalingrad về Chiến tranh đường phố. Ý định của Chuikov là giữ quân Đức trong tình trạng liên tục bận rộn. Ông lệnh cho binh sĩ đào hào gần vị trí địch hết mức có thể vì điều này sẽ làm Luftwaffe, lực lượng nắm ưu thế tuyệt đối vào ban ngày, khó khăn hơn trong việc phân biệt giữa 2 đạo quân đang đối đầu nhau. Chuikov khoe với Grossman:

“Trong các trận không kích quân ta và quân Đức nhiều khi chạy lao vào nhau và ẩn núp trong cùng 1 hố. Bọn Đức không thể tấn công tuyến đầu quân ta từ trên không. Ở Nhà máy Tháng Mười Đỏ chúng đã tự hủy diệt nguyên 1 sư đoàn của chính chúng”.

Grossman nhấn mạnh phương thức đánh áp sát này trong 1 bài viết lúc gần kết thúc trận đánh.

Đôi khi các chiến hào của tiểu đoàn đào cách quân địch chỉ 20m. Người lính gác có thể nghe thấy tiếng bước chân của quân địch trong hào của chúng và tiếng chúng cãi nhau khi chia đồ ăn. Anh còn có thể nghe thấy tiếng dậm chân của tên lính gác Đức trong đôi ủng rách của hắn suốt đêm. Mọi thứ ở đây đều có thể là 1 vật chuẩn, mỗi hòn đá cũng có thể là 1 mốc giới.

Cách để tiêu hao dần quân Đức là tổ chức những đợt tấn công đêm quy mô nhỏ khiến chúng không thể ngủ được và đâm ra sợ bóng đêm, sử dụng những kỹ năng thợ săn của cánh lính gốc Sibêri. Các tay bắn tỉa cũng là 1 vũ khí tinh thần lợi hại giúp nâng cao sĩ khí của quân đội Soviet.
Chuikov có lẽ cũng là người sẵn sàng phung phí mạng sống binh sĩ như các tướng lĩnh Soviet khác, đặc biệt là trong những ngày đầu khi ông ra lệnh mở những đợt phản công nối tiếp nhau nhằm kìm hãm đà tiến của quân Đức - nhưng ông cũng nhanh chóng nhận ra lợi điểm của lối đánh áp sát, sử dụng những đơn vị nhỏ trang bị lựu đạn, tiểu liên, dao, xẻng đã được mài sắc và súng phun lửa. Phương thức chiến đấu hung hiểm này thích hợp với các cuộc đụng độ trong hầm ngầm, dưới cống rãnh và trong các đống đổ nát của các công trình, nó được người Đức gọi là Rattenkrieg (Chiến thuật Chuột cống). Sau đó Chuikov có kể với Grossman khi trận đánh vẫn còn đang diễn ra:

“Chiến đấu tại Stalingrad là 1 niềm tự hào đối với mỗi người lính Nga. Các chiến sĩ ta đã chiếm và sử dụng vũ khí đạn dược Đức, quân ta không chỉ chịu đựng các cuộc tấn công, quân ta còn phải tấn công lại. Rút lui có nghĩa là tiêu. Nếu bạn lùi lại, bạn sẽ bị bắn. Ngay cả tôi nếu làm thế, tôi cũng bị bắn... 1 người lính nếu đã qua được 3 ngày tại đây sẽ được xếp vào diện kỳ cựu. Ở đây con người ta chỉ sống từng ngày. Các vũ khí cận chiến chưa bao giờ được sử dụng như cách chúng được dùng ở Stalingrad... và người của tôi không còn sợ xe tăng tí nào nữa, họ đều trở nên cực kỳ tháo vát, ngay cả các giáo sư cũng không thể nghĩ ra nổi các mánh khóe như họ. Họ có thể đào những cái hầm tốt đến mức bạn không hề phát hiện ra là có người trong đó dù đang dẫm ngay trên đầu họ. Có khi lính của tôi ở ngay tầng trên, vài tên Đức ở tầng dưới vặn máy hát, quân ta đục 1 lỗ trên sàn rồi bắn súng phun lửa qua đó... Oh, xin báo cáo, thưa đồng chí, không hiểu gọi cái kiểu đánh này là gì nữa!”.

Grossman bị mê hoặc vì cách mà những người lính theo dõi, học hỏi và hoàn thiện các kỹ năng mới để diệt địch. Ông đặc biệt quan tâm đến những người lính bắn tỉa và đã đi đến chỗ biết rất rõ 2 ngôi sao bắn tỉa của Stalingrad. Người thứ nhất là Vasily Zaitsev được lăng xê thành ngôi sao sáng nhất của hệ thống tuyên truyền Soviet - trở thành nhân vật do Jude Law đóng trong bộ phim “Enemy at the Gates” - vốn là 1 thủy thủ Hạm đội Thái Bình Dương có căn cứ tại Vladivostok, trở thành lính Sư 284 gồm toàn dân Sibêri do tướng Nikolai Batyuk chỉ huy*.

*[Sư 284 Bộ binh trở thành Sư 79 Bộ binh Cận vệ ngày 1/3/1943 để tưởng thưởng cho những đóng góp của đơn vị này tại Stalingrad]

Người thứ 2 là Anatoly Chekhov, Grossman đã làm phụ tá cho anh trong 1 vụ bắn tỉa để quan sát công việc của anh, là lính Sư 13 Bộ binh Cận vệ do Rodimtsev chỉ huy. Có lẽ chính vì sự đố kỵ của Chuikov với Rodimtsev mà những chiến công của Chekhov đã không được báo giới nhắc đến nhiều như những chiến công của Zaitsev. Rodimtsev kể cho Grossman về Chekhov khi 2 người gặp nhau vào tháng 10. “Lính Hồng quân Chekhov đã giết được 35 tên phát xít trong chiến đấu. Tôi muốn cho anh ta nghỉ phép, anh ta đã giết được số lính Đức đủ để thưởng phép đến hết đời”. Grossman sau đó đã đi phỏng vấn Chekhov.

Anatoly Ivanovich Chekhov sinh năm 1923. “Gia đình tôi chuyển tới Kazan năm 1931, tôi đã đi học tại đó trong 7 năm. Sau đó bố tôi nghiện rượu và bỏ mẹ tôi cùng 2 người chị em gái. Tôi phải bỏ học mặc dù là học sinh đứng đầu lớp. Tôi rất thích môn địa lý, nhưng tôi vẫn phải thôi học... Có 1 thông báo xuất hiện vào ngày 29/3/1942, và tôi tình nguyện vào học trường huấn luyện bắn tỉa. Thực ra tôi chưa từng bắn cái gì khi còn nhỏ, thậm chí kể cả súng cao su. Kinh nghiệm bắn súng đầu tiên của tôi là lần bắn bằng khẩu súng trường cỡ nòng nhỏ. Tôi đạt 9/50 điểm. Viên trung úy huấn luyện tỏ ra rất giận dữ: “Mục tiêu quá dễ dàng nhưng cậu bắn quá tệ. Chúng tôi không thể làm gì với cậu”. Nhưng tôi không mất tinh thần. Tôi bắt đầu học lý thuyết và các loại vũ khí. Sau đó trước tiên tôi luyện bắn với 1 khẩu súng trường thích hợp - nhắm vào ngực và vào đầu. Rồi tôi được cho 3 viên đạn và bắn trúng mục tiêu. Từ đó tôi trở thành người bắn giỏi nhất trường. Tôi tình nguyện ra mặt trận.
“Tôi muốn chính tay mình diệt địch. Đầu tiên tôi nghĩ đến điều đó khi đọc báo, tôi muốn nổi tiếng. Tôi đã học cách phán đoán khoảng cách bằng mắt, tôi không cần 1 dụng cụ quang học nào. Cuốn sách ưa thích của tôi á? Thực ra tôi đọc không nhiều. Cha tôi nghiện rượu và ở gia đình tôi mọi thứ đều tan hoang, thậm chí đôi khi tôi còn không phải làm việc nhà. Tôi chẳng bao giờ có được góc của riêng mình.
“Tôi tham gia vào cuộc tấn công sáng ngày 15/9 đánh lên đồi Mamaev Kurgan... Tôi đã có cảm tưởng đây không phải là 1 cuộc chiến, tôi thường dạy cho tiểu đội mình môn ngụy trang trên chiến địa và bắn. Chúng tôi hét lên “Urra!” và chạy lên khoảng 200m. Sau đó súng máy địch khai hỏa nhưng không làm chúng tôi dừng lại được. Tôi trườn đi như đã được dạy và bị trượt 1 cái, tôi đã rơi vào 1 cái bẫy. Có 3 ổ súng máy và 1 chiếc xe tăng quanh tôi. Tôi đã chọn cho mình 1 mục tiêu, vì vậy tôi không quay lại nhìn phía sau, tôi biết tiểu đội sẽ không bỏ rơi tôi. Tôi bắn thẳng luôn ở khoảng cách chỉ 5m vào mấy tên lính súng máy Đức đang nằm bên sườn và hạ cả 2 tên. Sau đó 3 khẩu súng máy, 1 chiếc tăng và 1 khẩu cối bắt đầu bắn vào tôi cùng lúc. Tôi và 4 lính trong tiểu đội nằm dưới 1 hố bom từ 9h sáng tới 8h tối... Sau đó tôi được thăng chức chỉ huy 1 trung đội cối.
“Khi tôi được giao 1 khẩu súng bắn tỉa, tôi chọn vị trí trên tầng 5 của 1 tòa nhà. Có 1 bức tường và bóng của nó che chở cho tôi. Khi mặt trời lên tôi trườn xuống tầng dưới. Từ đó tôi có thể nhìn thấy ngôi nhà của bọn Đức cách đó chừng 100m, tại đó có những tên lính sử dụng tiểu liên và lính súng máy, chúng ở đó suốt cả ngày, ngồi dưới tầng hầm. Tôi bò tới đó vào 4h sáng, lúc đó trời bắt đầu hửng sáng. Tên Fritz (Đức) đầu tiên chạy ra lấy nước cho chỉ huy rửa mặt. Mặt trời lúc này đang mọc, hắn chạy phía bên sườn tôi. Tôi không nhìn nhiều vào mặt những tên Đức chạy ra mà chú ý đến quân phục. Bọn chỉ huy mặc quần, jacket, đội mũ và không đeo thắt lưng, lính trơn đi ủng.
“Tôi ngồi trên bậc cầu thang, súng trường đặt sau 1 lò nướng để khói sẽ được gió cuốn chạy dọc theo bức tường chờ đến khi chúng đi ra. Tôi hạ 9 tên trong ngày đầu tiên và 17 tên trong 2 ngày. Chúng đưa phụ nữ tới, tôi hạ luôn 2 người trong số 5 phụ nữ*. Sang ngày thứ 3 tôi nhìn thấy 1 cái lỗ châu mai! 1 tên bắn tỉa. Tôi rình và bắn, hắn ngã xuống và gào khóc bằng tiếng Đức. Bọn Đức phải dừng chuyển mìn tới và không thể đi lấy nước. Tôi đã diệt được 40 tên Đức trong 8 ngày.

*[Không có phụ nữ phục vụ trong quân đội Đức tại tiền tuyến, vì vậy chắc đó là những thường dân Nga được tuyển mộ hoặc bị bắt buộc phục vụ cho quân Đức. Theo lệnh của Stalin, họ bị coi là phản quốc kể cả do bị ép buộc mà phải phục vụ tại các hỏa điểm của quân Đức]

“Khi trời nắng, bóng của bức tường sẽ động đậy nếu tôi di chuyển, vì vậy khi đó tôi không bắn. 1 tên bắn tỉa mới xuất hiện bên 1 cửa sổ để mở... Tên bắn tỉa này đã dồn tôi đến tận chân tường, hắn đã bắn tôi 4 lần, nhưng trượt. Tất nhiên phải bỏ vị trí này thì thật là tiếc. Vậy là chúng đã không bao giờ uống nổi nước sông Volga. Chúng cần nước, tài liệu, đồ ăn và đạn dược... riêng nước là chúng phải uống thứ nước bẩn thỉu chở bằng xe lửa tới. chúng đi lấy nước bằng xô vào mỗi buổi sáng. Bắn 1 tên địch đang chạy với tôi còn dễ hơn, dễ hơn cho cả tay tôi lẫn mắt tôi, hắn đứng yên bắn còn khó hơn. Tên đầu tiên xuất hiện, hắn bước đi khoảng 5m. Tôi ngắm bắn hắn chệch 1 chút về phía trước, độ 4cm trước mũi hắn.
“Khi lần đầu tiên được giao khẩu súng bắn tỉa, tôi đã không thể thuyết phục bản thân giết 1 mạng sống: 1 tên Đức đứng yên 1 chỗ nói chuyện suốt 4 phút, và tôi đã để hắn đi thoát. Khi tôi giết tên đầu tiên, hắn ngã xuống ngay, 1 tên khác chạy ra cúi xuống tên vừa chết, tôi hạ nốt... Khi giết người lần đầu cả người tôi run lên: người đàn ông đó chỉ muốn ra lấy chút nước!... Tôi cảm thấy kinh hoàng: Mình đã giết 1 con người! Sau đó tôi nhớ ra những người đó là ai và bắt đầu giết chóc chúng không áy náy.
“Tòa nhà đối diện đã sụp đổ chỉ còn lại từ tầng 2 trở xuống. Vài tên Đức ngồi trên bậc cầu thang, số khác trên tầng 2. Đây đó có những chiếc két sắt, tất cả tiền bên trong đã bị cháy*.

*[Trong bài báo trên tờ Krasnaya Zvezda, Grossman đã thêm vào 1 số chi tiết: “Thỉnh thoảng mọi thứ bỗng trở nên câm lặng, có thể nghe thấy cả tiếng những mảnh vữa rơi trong căn nhà đối diện nơi bọn Đức đang đóng, nghe được tiếng chúng nói chuyện hoặc bước đi. Và thỉnh thoảng bom đạn nổ dữ dội đến mức phải ghé vào tai đồng đội mà gào to hết mức có thể, vậy mà đồng đội vẫn ra hiệu: “Tôi không thể nghe thấy gì hết”]

“Có vài cô gái đang sống trên đồi Kurgan. Họ đốt lửa để nấu nướng. Mấy sĩ quan Đức trông chừng họ.
“Thỉnh thoảng bạn được nhìn thấy chuyện này: 1 tên Fritz đang đi thì 1 con chó cách hắn 1 vài bước nhằm vào hắn mà sủa, hắn bèn giết chết con chó. Nếu bạn nghe thấy tiếng chó sủa trong đêm thì có nghĩa là bọn Fritz đang làm gì đó, đi lang thang chẳng hạn, và làm chó sủa.
“Tôi đã trở thành 1 thứ quái vật của loài người: Tôi giết, tôi căm thù như thể đó là những việc bình thường trong đời. Tôi đã giết bốn chục mạng người, 3 là bắn vào ngực, còn lại đều trúng đầu. Khi bạn bắn, cái đầu hắn lập tức giật ra sau hoặc sang bên, hắn buông rơi vũ khí và gục xuống... Pchelintsev cũng vậy, anh ta cũng đã rất lấy làm tiếc khi giết tên thứ nhất và thứ 2, “Tôi phải làm sao đây?”.
“Tôi đã giết 2 sĩ quan, 1 trên đồi, tên còn lại bên cạnh tòa nhà Ngân hàng Nhà nước. Hắn khoác áo trắng, tất cả đám lính Đức đều dậm chân đứng nghiêm chào hắn. Hắn đang đi kiểm tra chúng, khi hắn muốn băng qua phố tôi bắn hắn trúng giữa sọ, hắn ngã lăn ra ngay lập tức, giơ cả 2 chân đi giày sĩ quan lên.
“Thỉnh thoảng tôi rời khỏi hầm vào buổi tối, nhìn quanh và trái tim ca hát. Tôi thích đi dạo độ nửa giờ trong thành phố mà vẫn sống. Tôi đi ra và nghĩ: Sông Volga thật êm đềm, vậy sao những điều khủng khiếp này lại xảy ra ở đây. Chúng tôi có 1 người là dân Stalingrad gốc, tôi thường hỏi anh ta đâu là những câu lạc bộ, nhà hát và đi tản bộ bên bờ Volga thì thế nào”.

Ban biên tập tờ Krasnaya Zvezda có lẽ tin tưởng vào bài viết gửi theo đường điện tín nói trên hơn là bản thông cáo báo chí dài 400 trang được gửi tới từ Stavka, Bộ Tổng tham mưu trực thuộc điện Kremlin. Grossman đã thuyết phục được tổ điện báo viên của Phương diện quân Stalingrad chuyển bài viết về Moscow. Họ đồng ý với lời yêu cầu giữa trận đánh Stalingrad này vì người yêu cầu, tức là Grossman, đã chứng minh được ông quan tâm đến những gì họ làm đến thế nào. Ortenberg là người đầu tiên nhận ra hiệu quả và cả rủi ro trong các đề tài mà Grossman bỏ công viết ra. “Chắc chắn là Grossman đã theo sát Chekhov”, Ortenberg viết, “và đã chia sẻ khó khăn nguy hiểm với anh ta trong chiến đấu, Grossman đã thành công trong việc xây dựng 1 hình tượng chiến binh đầy ý nghĩa, đào sâu vào thế giới bên trong anh ta với đầy đủ suy nghĩ cũng như tình cảm”.
Những chiến công của các tay bắn tỉa được kể lại và khâm phục gần giống như với 1 cầu thủ bóng đá. Mỗi sư đoàn đều tự hào về ngôi sao của mình, và những người lính Siberi trong Sư 284 Bộ binh đều tin rằng họ có được ngôi sao sáng chói nhất, Vasily Zaitsev, trong đội hình của mình. Tuy nhiên áp lực đối với bộ máy tuyên truyền phải thổi phồng thành tích đạt được của những người dẫn đầu phong trào thi đua giết giặc trong trận chiến đô thị này khiến những kết quả họ đạt được có phần hơi đáng ngờ.

Zaitsev là thứ cần được bảo tồn, các binh sĩ sư đoàn nói về anh: “Zaitsev của chúng tôi là người khiêm tốn và cầu tiến. Anh ấy đã giết 225 tên Đức”*. Các tay bắn tỉa khác do anh đào tạo được gọi là “thỏ con”**. Batyuk nói: “Họ nghe lời anh ta ngoan ngoãn như những chú chuột nhỏ. Khi anh ta hỏi: “Tôi nói có đúng không, các đồng chí?”. Mọi người đều trả lời: “Vâng, thưa đồng chí Vasily Ivanovich”.

*[Không thể kiểm chứng được số thành tích của các lính bắn tỉa Stalingrad, đặc biệt là của Zaitsev, vì chỉ có căn cứ là báo cáo của chính họ. Zaitsev chỉ trở thành lính bắn tỉa từ ngày 21/10, hôm đó anh ta liên tiếp bắn hạ được 3 tên địch. Đại tá Batyuk kể đã nhìn thấy việc đó và ra lệnh cho anh làm lính bắn tỉa. Vì vậy làm thế nào mà Zaitsev đã đạt được thành tích to lớn đến vậy khi mà giai đoạn ác liệt nhất của trận đánh đã qua là điều rất khó nói]

**[“Zaitsev” tiếng Nga có nghĩa là thỏ rừng, vì thế các tay bắn tỉa do Zaitsev đào tạo được gọi là Zaichata, tức là Thỏ con]

Có 1 đoạn văn ấn tượng trong sổ ghi chép của Grossman dù nó khó được kiểm chứng:

Murashev và trực ban y tế Zaitsev bị kết án tử hình. Murashev vì tự bắn vào tay còn người kia vì đã bắn 1 phi công nổi tiếng khi anh ta bị rơi máy bay và phải nhảy dù. Cả 2 đều được giảm án, và giờ cả 2 đều là những tay bắn tỉa hạng nhất ở Stalingrad. (Murashev mới có 19 tuổi).

Vasily Zaitsev là tay bắn tỉa nổi tiếng duy nhất mang tên này ở Stalingrad và không có tài liệu nào khác cho biết anh ta từng là trực ban y tế hay từng bắn hạ 1 “phi công nổi tiếng” đang nhảy dù. Có lẽ Grossman là người duy nhất ghi chép lại câu chuyện này trước khi bộ máy tuyên truyền Soviet viết lại về cuộc đời của Zaitsev thành 1 huyền thoại.
Giống như những tay bắn tỉa khác, Zaitsev có vẻ tự hào khi trút hận thù lên bất kỳ phụ nữ Nga nào hợp tác với bọn Đức.

Zaitsev đã bắn hạ 1 phụ nữ và 1 sĩ quan Đức: “Chúng ngã đè lên nhau”.

Nhiều lính bắn tỉa hàng đầu tại Stalingrad, bao gồm cả Chekhov và Zaitsev, đã báo cáo về các cuộc đọ sức tay đôi với các tay bắn tỉa Đức. Không có gì ngạc nhiên là những cuộc chống bắn tỉa này được xem như bằng chứng cho biết ai là người giỏi nhất.

1 cuộc đấu 1 chọi 1 giữa Zaitsev và 1 tên bắn tỉa Đức: “Hắn đã hạ 3 người của ta. Hắn chờ đợi trong 15 phút nhưng phía chiến hào quân ta vẫn không có ai xuất hiện, vì vậy hắn nhô người lên. Tôi nhận thấy hắn vẫn để súng trên mặt đất, vì vậy tôi đứng thẳng dậy. Hắn nhìn thấy tôi và chợt hiểu. Tôi siết cò!”.

Những cuộc đọ sức ngắn ngủi nhưng chết chóc này có lẽ là 1 trong những thứ sau này được hệ thống tuyên tuyền Soviet ưa thích sử dụng. Nó được bơm thổi lên đến mức như 1 câu chuyện sử thi trong truyện dài về cuộc đấu tay đôi giữa Zaitsev và nhân vật không xác định “Thiếu tá Koenig”, người đứng đầu “Trường bắn tỉa Berlin”, 1 ngôi trường cũng chưa được xác định. Nhân vật này đã bay tới Stalingrad để truy tìm và tiêu diệt Zaitsev, tuy nhiên không có ghi chép nào tương tự như vậy từ phía Đức. Lời kể của Zaitsev rằng cả 2 người đã đứng thẳng lên cũng hết sức khó tin. Lính bắn tỉa của cả 2 bên đều đi từng cặp, và 1 lính bắn tỉa sau khi giành thắng lợi trong cuộc đối đầu mà lại tự cho phép mình có 1 cử chỉ khinh suất như vậy sẽ bị bắn hạ ngay lập tức.
Tướng Chuikov được xem là người đã đánh bóng câu chuyện này trong các cuốn hồi ký của ông, có lẽ ông là người muốn và giỏi lăng xê huyền thoại này nhất, đặc biệt là do Zaitsev thuộc sư đoàn của Batyuk chứ không phải sư của Rodimtsev. Câu chuyện đã khiến Grossman bị hấp dẫn và có 1 chút thay đổi, ông đã viết lại nó trong cuốn “Cuộc đời và Số phận” dù trong cuốn tiểu thuyết này hầu hết những gì ông viết về cuộc đụng độ giữa các tay bắn tỉa đều giống với những ghi chép thời chiến của ông trong cuộc mít tinh giữa các tay bắn tỉa. Cuộc đối đầu mà Zaitsev đã chỉ kể lại rất sơ sài trong cuộc mít tinh này cuối cùng đã được Grossman viết trong cuốn tiểu thuyết là diễn ra trong “vài ngày”. Grossman lần này đã viết theo đúng bài của hệ thống tuyên truyền.
Các cuốn hồi ký sau này của Zaitsev (đương nhiên hầu hết là viết với sự hỗ trợ của các chuyên gia tuyên truyền Soviet) cũng kể lại 1 cách hấp dẫn như thế về cuộc đấu tay đôi kéo dài nhiều ngày này, nhưng rút cục cũng thiếu sức thuyết phục. 1 chiếc máy ngắm Đức hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội tại Moscow với tấm biển ghi “Lấy được từ xác 1 thiếu tá Đức”. Tất cả chỉ là lời kể, chưa có bất cứ 1 báo cáo nào xác nhận về cuộc đấu tay đôi nổi tiếng này được gửi từ bộ phận phụ trách Ctrị Phương diện quân Stalingrad về Moscow trong thời gian trận đánh diễn ra, mặc dù mọi chi tiết về các hoạt động của lính bắn tỉa đều được báo cáo để có thể sử dụng cho mục đích tuyên truyền.

Đại tá Batyuk cũng tự hào không kém về các ngôi sao khác của ông:
“Trong sư đoàn tôi, chúng tôi có tay bắn tỉa giỏi nhất Phương diện quân Zaitsev; pháo thủ súng cối giỏi nhất Bezdidko, pháo thủ chống tăng giỏi nhất Shuklin, chỉ huy pháo đội 2, anh ta đã hạ 14 chiếc tăng chỉ bằng 1 khẩu pháo đặt trong công sự. Trường hợp Bezdidko được nhấn mạnh: “Anh ta bắn trúng mọi thứ bằng 1 khẩu cối vì anh ta cũng chỉ có mỗi 1 khẩu đó”.
“Ở đây ai cũng vui thích với tay xạ thủ cối hạng nặng “bắn tỉa” huyền thoại Bezdidko. Khi bọn Đức pháo kích bằng súng cối vào sở chỉ huy, sư trưởng bảo: “Ôi bọn chó đẻ, Bezdidko, sao ta không dạy chúng cách bắn thế nào nhỉ?”. Và Bezdidko, người không bao giờ ngắm trượt, người có khả năng bắn chính xác đến từng centimet, mỉm cười và nheo mắt ngắm. Anh chàng Bezdidko có giọng nói du dương êm ái và nụ cười láu cá đặc Ukraina này đã được ghi nhận là hạ 1.305 tên Đức trong sổ thành tích, anh ta thường trêu chọc Shuklin, viên chỉ huy gầy nhẳng của Pháo đội 2”.

Bezdidko cũng xuất hiện trong buổi mít tinh của các tay bắn tỉa được kể lại trong cuốn “Cuộc đời và Số phận” và đoạn văn tả cuộc nói chuyện này hầu như không thay đổi gì so với ghi chép gốc.

“Thưa đồng chí đại tá, tôi đã hạ được 5 tên Fritz hôm nay và dùng hết 4 quả đạn”.
“Bezdidko, nói cho mọi người nghe anh đã phá hủy cái nhà thổ dã chiến của bọn Đức như thế nào”.
“Tôi chỉ coi nó như 1 boongke”, Bezdidko khiêm tốn trả lời.

1 số cải tiến đã tỏ ra không được thành công lắm. Zaitsev đã thử lắp ống ngắm bắn tỉa cho súng trường chống tăng, nghĩ rằng có thể nhờ đó bắn trúng vào lỗ châu mai boongke địch, nhưng chất lượng đạn thiếu ổn định khiến chẳng bao giờ có 2 viên đạn bắn được vào cùng 1 mục tiêu. Grossman ghi lại 1 sáng kiến khác trong thực tế còn kém hoàn hảo hơn.

Suy nghĩ của các binh sĩ Hồng quân cuối cùng xoay sang súng trường chống tăng... dùng 1 cái bánh xe, buộc chặt vào cọc để có thể xoay 360 độ, họ đã bắn trúng 7 chiếc máy bay.
Đại úy tiểu đoàn trưởng Ilgachkin có 1 vấn đề: không bao giờ có thể bắn trúng 1 chiếc máy bay bằng súng trường thường. Anh ta bèn làm một tính toán lý thuyết dựa trên tốc độ giả định của đạn súng trường chống tăng là 1.000m/giây, lập thành bảng, bổ sung thêm thông tin về những nơi máy bay có thể bay qua, vị trí bắn và khoảng cách. Bảng làm xong anh ta lập tức bắn trúng 1 chiếc máy bay. Sau đó anh đóng 1 cái cọc xuống đất để làm trục, đặt lên đó 1 bánh xe và gắn khẩu súng trường chống tăng lên các nan bánh xe.

Batyuk cũng kể lại bọn Đức đã dùng radio để than vãn hoặc đơn giản là đùa cợt như thế nào.

“Ê Rus (bọn Nga), ăn tối chưa?... Tao đã xơi phó mát, tao cũng đã xơi cả trứng nữa, Rus ạh. Nhưng không phải là hôm nay, hôm nay tao chưa ăn gì”.
“Ê Rus, tao đang định đi lấy nước. Có bắn thì bắn vào chân tao nhé, đừng bắn vào đầu. Tao còn có con, tao còn có mẹ”.
“Ê Rus, chúng mày có muốn đổi 1 thằng Uzbek lấy 1 thằng Rumani không?”*

*[Dân Uzbek có tiếng là những người lính kém tin tưởng nhất trong Hồng quân trong khi quân Đức cũng công khai xem thường những đồng minh Rumani trong các Tập đoàn quân Rumani 1 và 3, các tập đoàn quân này giúp bảo vệ sườn tây bắc và sườn nam của Tập đoàn quân 6 Đức tại Stalingrad]

Batyuk nổi tiếng trong giới binh sĩ với biệt danh “Batyuk đạn bắn không thủng” vì là 1 trong những vị chỉ huy tỏ ra hoàn toàn không sợ nguy hiểm.

Batyuk: “Trong cái boongke này, cánh cửa thường bật vào trong và đổ ập lên bàn”. Khi bọn Đức nã pháo vào hầm chỉ huy pháo binh, Batyuk đứng ngoài cửa hầm mình vừa cười vừa giả vờ chỉnh đường đạn cho chúng: “Lệch phải chút, lệch trái chút”.

Pháo binh, như Chuikov đã nhận thấy ngay khi trận đánh bắt đầu, có lẽ là niềm hy vọng duy nhất. Khi khu vực còn giữ được trên bờ tây trở nên quá nhỏ để triển khai pháo hạng nặng giữa những tòa nhà đổ nát, Chuikov đã cho rút toàn bộ đại bác và lựu pháo trên 76mm qua bờ đông. Điểm mấu chốt là các sĩ quan tiền sát pháo của mỗi pháo đội vẫn ở lại, lẩn lút trong những tòa nhà cao y như lính bắn tỉa. Họ thay phiên nhau bám mục tiêu để gửi các thông tin chi tiết về cho pháo đội của mình bằng radio hoặc bằng đường liên lạc hữu tuyến. “Pháo binh trên mặt trận chẳng khác gì diều hâu”, tướng Yeremenko chăm chú nhìn Grossman mà nói, nhưng ông cũng không định nói láo về mối nguy hiểm thường trực do “friendly fire” (quân ta bắn quân mình). “Ở Stalingrad, khi pháo binh ta bắn trúng quân nhà họ chỉ biết cười chua chát: “Chúng tôi đã đến đây, mặt trận thứ 2 cuối cùng cũng đã mở”.
Chiến thuật chính của Chuikov để giảm sức tấn công trong các cuộc xung phong ồ ạt của người Đức là thiết lập các “tuyến đê” bằng các tòa nhà có quân phòng thủ bên trong. Các nhóm xung kích sẽ tập kích trong đêm vào mục tiêu định trước, sau đó cũng cố vị trí chiếm được.

Đánh chiếm 1 ngôi nhà. Nhóm xung kích gồm 10 người, theo sau là nhóm tăng cường, họ mang theo lương thực và đạn dược dùng cho 6 ngày. Chiếm xong họ đào hào để phòng trường hợp bị bao vây.

Tiếp tế cho các đơn vị tuyến đầu hoặc bị cô lập là vấn đề chính. Tập đoàn quân 62 thường sử dụng những chiếc máy bay 2 tầng cánh U-2, phần lớn do các nữ phi công trẻ lái. Họ thường tắt máy, lượn êm trên chiến hào Đức để thả bom hoặc trên các vị trí quân Nga để thả đồ tiếp tế.

Suốt đêm, đám U-2 thả lương thực xuống cho quân ta. Chúng tôi đánh dấu tuyến đầu bằng những cây đèn dầu mà những người lính thắp dưới đáy hào. Đại đội trưởng Khrennikov 1 lần quên làm điều đó và bất thần nghe 1 giọng khàn đục vọng xuống từ trên bầu trời đêm: “Hey, Khren!*. Mày có thắp đèn lên không thì bảo?”. Đó là tiếng viên phi công, lúc đó anh ta đang tắt máy. Khrennikov kể anh đã phát hoảng vì nghe có tiếng gọi đúng tên mình từ trên trời.

*[“Khren” trong tiếng Nga có nghĩa là cây cải ngựa nhưng nó thường bị đọc trại đi thành lời chửi gần giống với “ĐM” (nguyên văn “motherfucker”). Vì thế khi người phi công quát: “Hey, ĐM mày!”. Khrennikov cảm thấy kinh ngạc vì nghĩ tay phi công gọi đúng tên anh ta]

Tướng Rodimtsev nói với Grossman:

Sư đoàn tôi và bọn Đức đóng trong những tòa nhà liền kề nhau y như những quân cờ trên 1 bàn cờ... họ sống trong hầm, các căn phòng hay đường hào... 4 người lính đã giữ được 1 căn nhà trong 14 ngày, cứ luân phiên 2 người đi kiếm lương thực, 2 người còn lại canh giữ ngôi nhà... Việc trinh sát trở nên cực kỳ phức tạp... Mọi khẩu đội chống tăng đều chiến đấu đến khi thương vong đến người cuối cùng... Tâm trạng mọi người tuy đều mệt mỏi nhưng tinh thần vẫn cao...
Rận - chúng tôi dùng những chiếc bếp dầu hoặc bàn là để trục chúng ra. Cách này có thể giải thoát chúng tôi khỏi lũ rận.

Và 1 lần nữa, phong trào chửi bới trêu chọc lẫn nhau lại được phát động mạnh giữa các chiến hào hoặc thậm chí giữa các phòng trong cùng 1 ngôi nhà, chúng thường bắt đầu bằng câu đùa theo người Đức là rất hài hước: “Rus, đưa mũ cho tao, tao sẽ cho mày khẩu tiểu liên!”.
Grossman hơi bối rối vì “sự lo lắng kỳ lạ” của các binh lính và sĩ quan khi nói chuyện với mình. Chúng có vẻ rất khác thường nếu so sánh với những nỗi lo của người bình thường.

“Ngoài kia họ đang nói gì về ta? Họ nghĩ gì về ta? Có quá ít sự chia sẻ.

Các tướng lĩnh đặc biệt là Yeremenko thích phán về chiến tranh và đời lính nhưng họ thường lái chủ đề về bản thân họ.

“Người trẻ có ít kinh nghiệm sống, họ giống như trẻ con. Họ chết tại nơi họ được đưa tới... Những người lính thông minh nhất có độ tuổi từ 25 đến 30. Những người lính già hơn thường không khỏe mạnh và hay lo lắng dằn vặt về gia đình của họ. Tôi cũng khổ sở với cái chân này. Tôi đã bị quá sức hồi ở Smolensk, và sau đó là ở Phương diện quân Bryansk. 1 lần ở Phương diện quân Tây Nam tôi đã không ngủ suốt 5 ngày.
“Vâng, khi 2 viên tướng đánh nhau, 1 nhất định sẽ trở thành người khôn và kẻ kia hóa thành thằng ngu. Mặc dù thực ra cả 2 đều ngu”, ông vừa nói thêm vừa cười.

Chính ủy Tập đoàn quân 62 Gurov thường nói chuyện rất lôi cuốn.

“Những người lính đều giống nhau, chỉ có các chỉ huy là khác”.

Nếu có 1 nơi nào các vị chỉ huy Soviet chỉ có khả năng tác động rất nhỏ lên các hoạt động, nơi đó chính là bến phà sống còn qua sông Volga. Mọi thứ ở đây đều do các binh sĩ tiểu đoàn vận tải đường sông quyết định - phần lớn họ là dân thuyền chài và thủy thủ đến từ Yaroslavl trên sông Volga.
Tướng Rodimtsev nói cho Grossman hay quan điểm chính thống - đương nhiên là lạc quan.

“Chúng tôi đã trưng dụng tất cả tàu thuyền trên con sông này, giờ chúng tôi đã có cả 1 hạm đội: 27 tàu cá và tàu có động cơ. Chúng tôi đã kéo được 1 chiếc xuồng lớn từ dưới đáy sông Volga lên, nó bị chìm vì 1 phát đạn bắn thẳng. Sư đoàn tôi được tiếp phẩm đầy đủ: có thức ăn nóng, đồ lót, sôcôla và sữa đặc. Việc sơ tán người bị thương được tiến hành 1 cách mẫu mực. Chúng tôi có đủ nhu yếu phẩm cho 3 ngày”.

Tuy nhiên Grossman đã có đủ thời gian tiếp xúc với cánh thủy thủ, những người bị bắt lính, để vẽ nên 1 bức tranh chính xác hơn.

Sông Volga tại đây rộng 1.300m... 1 con thuyền vừa trúng đạn, nó chở theo bột mì. Binh sĩ Voronin không mất bình tĩnh. Anh đổ hết 1 bao bột mì ra, nhét vỏ bao vào 1 lỗ thủng và bịt những lỗ thủng khác bằng thứ hồ làm từ bột mì trộn với nước. Chiếc thuyền bị thủng tất cả 77 lỗ, anh lính đã trám tất cả các lỗ đó trong 1 ngày.
Mông của hạ sĩ Spiridonov đã bị xé nát, anh ta đang hỏi xin 1 ít rượu. 2 thương binh nặng Volkov và Lukyanov trốn viện, đi bộ suốt 30km thì bị bắt đưa trở lại quân y viện, khi bị đẩy lên ô tô để đưa về cả 2 đều gào lên: “Chúng tôi sẽ không bỏ tiểu đoàn”.
Khi Eziev và Ilin bị thương, lính Hồng quân Minokhodov đã kéo cả 2 ra khỏi sà lan và băng bó cho 2 người. Bản thân Minokhodov cũng bị thương vào lưng. Sau đó Minokhodov chạy trở lại 1 km, tới thê đội 2 để báo cho họ biết tiểu đoàn trưởng đã bị thương rồi ngất đi luôn. Giờ tất cả đang ở quân y viện cùng nhau.
Trung sĩ Vlasov 48 tuổi, trông già xọm, đến từ Yaroslav. Khi sà lan bị thủng vì 1 phát đại bác, ông nhờ 1 người giữ chặt 2 chân còn mình bịt lỗ thủng bằng áo mưa rồi đóng đinh xung quanh. Có 400 tấn đạn đang chở trên sà lan. Vlasov vốn là giám đốc 1 nông trang tập thể, ông có 2 con trai cũng đang ở mặt trận, vợ ông ở nhà chăm sóc 3 đứa con còn lại.
Sau khi được Chính trị viên huấn thị, Vlasov đã bắn 1 tên hèn: người lái xuồng máy Kovalchuk. Kovalchuk đã được lệnh chở các binh sĩ tới Nhà máy Tháng 10 Đỏ. Bị pháo kích dữ dội, hắn đã hoảng sợ và chở họ lên 1 hòn đảo rồi nói: “Mạng sống với tôi quan trọng hơn... Các anh có thể tống tôi đi hoặc bắn tôi, nhưng tôi vẫn sẽ không làm việc này nữa. Tôi già rồi”. Hắn đã dễ dàng hoảng sợ, và hắn chửi, hắn chửi không từ 1 ai, và hắn nói về tướng lệnh như thế này: “Bọn tướng tá xuống địa ngục hết đi!”.
Tiểu đoàn tuyên án tử hình Kovalchuk trước hàng quân. “Trong khi hàng trăm hàng nghìn chiến sĩ đang chiến đấu vì Stalingrad, hắn đã phản bội Tổ quốc”, Chính trị viên tuyên bố. “Ai sẽ bắn hắn?”. Vlasov bước lên phía trước. “Để tôi, thưa đồng chí Chính trị viên”.
Kovalchuk khuỵu xuống, hắn kêu: “Tha cho tôi, đồng chí Chính trị viên, tôi sẽ sửa chữa”. Chính trị viên ôm chặt Vlasov trước toàn thể đại đội.

Chính trị viên tiểu đoàn rõ ràng rất kính trọng Vlasov.

“Điều khủng khiếp nhất mà tôi từng trải qua là khi 1 chiếc sà lan trúng đạn, trên đó đang có khoảng 400 người. Thật đáng sợ, tiếng kêu khóc vang lên: “Chúng ta đang chìm, chúng ta sẽ chết hết!”. Rồi Vlasov đến bên tôi nói: “Nó đã sẵn sàng, đồng chí Chính trị viên”. (Có nghĩa là chiếc sà lan đã được dặm vá xong). Ngay sau đó 1 ngọn lửa bùng lên. 1 thằng lính, quân chó đẻ ấy chứ, lấy 1 chai KS* ra uống và làm nó bốc cháy. Chúng tôi dập đám cháy bằng cách trùm 1 tấm bạt lên. Bất cứ lúc nào đám lính tráng cũng có thể bắt đầu nhảy nhót trên mặt nước được! Ông lão Muromtsev kia cũng khá. Ông ấy đã phát hiện ra 2 lỗ thủng và bịt chúng lại. Ai cũng có lúc sợ, đúng không? Tôi cũng thế, mọi người đều có thể bị nỗi sợ cuốn đi, nhưng 1 số người giữ được sự sợ hãi trong tầm kiểm soát. Giờ chúng tôi đều có khả năng đó, khi đó người ta trở nên lặng lẽ và nói: “Chỉ hơi buồn tí thôi!”.

*[KS là 1 hỗn hợp công nghiệp có chứa cồn chưa tinh lọc]

Grossman đã có 1 cuộc phỏng vấn Vlasov.

Pavel Ivanovich Vlasov, 48 tuổi, đến từ Yaroslavl, gia đình có 5 người con. 1 trong các con trai ông là 1 pháo thủ súng cối cận vệ. Vlasov tham gia lực lượng dự bị động viên từ tháng 8/1941, bắt đầu với công việc gác kho.
“Chúng tôi đã ở đây, trên dòng sông Volga này từ hôm 25/8. Sà làn thì lớn, chở khoảng 400 tấn đạn. Trận pháo kích bắt đầu khi chúng tôi đang xếp hàng lên sà lan nhưng chúng tôi không quan tâm đến nó. Lúc đó tôi đang ở mũi tàu, đó là vị trí của tôi. Quân địch nổ súng, tôi thò đầu ra quan sát. Có 1 lỗ thủng trên boong và 1 lỗ nữa bên sườn tàu dưới mớn nước 1m, những tấm gỗ vỡ vụn ra. Chúng tôi nghe thấy tiếng nước tràn vào, mọi người bắt đầu kêu khóc.
Tôi vồ lấy 1 tấm bạt và lao vào trong khoang. Có ánh sáng rọi vào đủ để nhìn vì boong tàu đã vỡ. Tôi nhồi tấm bạt vào cái lỗ to rồi cởi áo mưa nhồi tiếp vào. Với những lỗ nhỏ chúng tôi bịt lại từ bên ngoài. Họ nắm chân tôi thả xuống để tôi mò tìm lỗ thủng.
Về tay lái xuồng máy hèn nhát.
“Đó là dạo đầu tháng 10, chúng tôi nhận lệnh vượt sông qua bờ bên kia (bờ tây) và sửa chữa 1 bến đỗ. Anh ta đưa chúng tôi lên 1 hòn đảo và bảo: “Với tôi, mạng sống quan trọng hơn”. Chúng tôi bắt đầu chửi anh ta bằng những lời tục tĩu nhất.
“Chính trị viên nhận được 1 bản báo cáo về chuyện này và chúng tôi được lệnh tập hợp toàn tiểu đoàn. Chính trị viên đọc lệnh và Kovalchuk đã không xử sự đúng mực. Anh ta kêu xin cho anh ta về đơn vị cũ, nhưng tại đó anh ta vốn đã bị xử tội nặng rồi: anh ta kể anh ta đã bị bỏ rơi. Tôi có cảm giác nếu có thể tôi sẽ xé xác anh ta thành từng mảnh mà chẳng cần xét xử gì hết. Sau đó Chính trị viên nói: “Ai sẽ bắn anh ta?”. Tôi bước lên khỏi hàng và Kovalchuk sụm xuống. Tôi lấy khẩu súng trường của 1 đồng đội và bắn”.
“Ông có cảm thấy tiếc cho anh ta không?”.
“Tiếc là tiếc thế nào?”.
“Tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ vào đêm 28/8/1941. Tôi không uống nhiều như mọi người thường làm, tôi không có thói quen đó. Tôi cũng không viết nhiều trong thư gửi về nhà: “Tôi vẫn còn sống”, và tôi hỏi han về việc nhà thôi. Bọn trẻ không phải đứa hư, tôi không hiểu chúng đối mặt với việc vắng tôi như thế nào, nhưng chúng đã giúp tôi vững lòng khi ở đây. Có rất nhiều việc phải làm, ai cũng phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Mùa vụ trồng lanh là thứ cần tập trung cao độ. Bạn cần phải rẫy cỏ dại, rồi lại rẫy cỏ dại, rồi nhổ lanh bằng tay, phơi khô, đánh đống, sau đó trải ra đập rồi chở đi... Nhìn chung công việc ở đây không nặng nhọc bằng ở nhà, mặc dù tôi đã từng phải 3 ngày liền không ngủ khi làm 1 cây cầu. Nếu bạn thực sự mệt mỏi bạn cứ ngủ, nếu đã không ngủ 1 đêm bạn sẽ được ngủ đêm tiếp theo.
“Súng phòng không quân ta không hoạt động tốt, cho tới giờ tôi mới chỉ thấy họ hạ được 3 máy bay địch. Họ không đáng được ca ngợi.
“Đám thanh niên tuân lệnh tôi. Đôi khi tôi hơi nghiêm khắc với chúng nhưng điều đó là cần thiết. Nếu ai đó trở thành khâu yếu thì không tốt chút nào, dù đó là ở nhà hay trong chiến tranh. Tôi không có nợ nần gì, nếu tôi bị giết, sẽ không có khoản nợ nào chưa được trả đủ... Ai nấy đều tự mang theo toàn bộ tư trang của mình: 1 cái ca, 1 cái nồi, 1 cái thìa. Tiền được gửi về cho gia đình, chẳng có gì để mua ở đây cả.
“Ở vị trí của tôi giờ chỉ còn Moshchav và Malkov, chẳng còn ai khác. Những người khác đều đã chết hoặc bị thương...
“Chúng tôi bắt cá để ăn, bọn Đức đã đánh thuốc nổ chúng giúp chúng tôi. Tôi vừa bắt được 1 con cá tầm và sau đó là 1 con cá chép đỏ. Giờ chúng tôi nấu súp”*.

*[Acipenser ruthenus, tên khoa học của cá tầm nước ngọt, và Leuciscus idus, tên khoa học của cá chép đỏ hay còn gọi là cá orfe]

“Đám chó hoang hiểu biết về máy bay rất rõ. Lũ chó hoàn toàn không tỏ dấu hiệu gì khi những chiếc máy bay bay qua, thậm chí dù chúng gầm rú ngay trên đầu. Nhưng lũ chó sẽ sủa ngay lập tức nếu máy bay Đức lượn xuống, chúng tru lên và chạy tìm chỗ núp, thậm chí khi chiếc máy bay còn đang bay rất cao”.
“Bom và đạn pháo không làm văng mảnh khi nổ dưới nước. Chỉ khi nào trúng đạn trực tiếp mới đáng sợ. Hôm qua 1 tàu cá đã trúng đạn, viên đạn xuyên tới tận đáy và làm 75 người bị thương”.

Trong bài viết “Bến phà Stalingrad”, Grossman viết:

Mặt đất quanh bến phà bị cày sới bằng thứ sắt thép của bọn quỷ dữ... Súng của bọn Đức nổ không ngừng dù chỉ 1 phút... Giữa 2 bến phà, giữa Stalingrad và bờ bên kia sông là 1.300m nước Volga. Những chiến sĩ tiểu đoàn phà nhiều lần nghe thấy trong những khoảnh khắc yên tĩnh ngắn ngủi những tiếng hô kéo dài. Tiếng hô vọng lại từ phía xa: “A-a-a...”, đó là tiếng hô bùng lên quân ta đang phản công.
Lịch làm việc của bọn Đức: Pháo bắn đến nửa đêm. Từ nửa đêm đến 2h sáng - yên lặng. Từ 2h đến 5h sáng - chúng lại bắn tiếp. Từ 5h sáng đến giữa trưa - yên lặng. Luftwaffe hoạt động từ 9h sáng đến 5h chiều đều đặn như 1 công việc thường ngày. Chúng nhắm vào bờ sông, không phí bom để ném xuống nước.
“Việc vượt sông tiến hành từ 6h tối đến 4h30 sáng... (1 người kể). Chúng tôi ngụy trang thuyền bè, giấu chúng dưới những tán cây bên bờ sông. Chiếc tàu hơi nước “Donbass” thì giấu trong 1 chiếc sà lan đã bị phá hủy... Sẽ rất khó khăn nếu có trăng, trời lúc đó thì đẹp đấy, nhưng tiên sư cái trời đẹp ấy chứ”.

1 thợ hàn ở bến phà bờ tây đã nhận thấy anh ta phải vá víu những vết thương trên chính thân thể mình còn nhiều hơn cả vá những chiếc tàu đang tham chiến kia.

Thợ hàn Kosenko là người rất tốt, các lính tiền tuyến hay đến gặp anh ta để nhờ vả, có khi là vá víu 1 khẩu Katyusha. “Anh làm tốt hơn ở ngoài mặt trận”. 2 cỗ xe tăng lao về chỗ anh từ mặt trận. “Nhanh lên, chúng tôi phải trở lại đánh tiếp”. Anh sửa lại và 2 cỗ xe quay lại chiến đấu.
Cuộc sống thường ngày. Lính vận tải tự làm bánh, banya (nhà tắm hơi) và đồ để bắt rận. Banya được đào sâu xuống đất, lính tráng khoái tới đó cầm theo mấy cành bulô nhỏ. Họ có thể ở đấy suốt nếu được. Ống khói banya đã bị nổ toác. Bánh được làm trong 1 bếp lò kiểu Nga, cũng đào xuống đất. Thứ bánh mì làm từ đây thật tuyệt vời, vẫn còn hơi ấm. Nhưng cuối cùng lò bánh cũng bị 1 quả bom đập vụn! Bếp ăn của Đại đội 2 cũng xơi 1 phát đạn ngay chóc. “Tôi có thể báo cáo điều gì đây? Bếp dã chiến đã nổ tung cùng với shchi (súp củ cải) bay tung tóe à?”.
“Cứ thế đi, rồi đi nấu bữa tối khác”.

Mặc dù Grossman chỉ là 1 phóng viên nhưng rõ ràng trong trường hợp cần thiết ông cũng hăng hái tham gia vào công việc của những người lính.

1 xe chở đạn Katyusha phát hỏa, có cả tá xe cộ xung quanh nó. Chúng tôi phải kéo nó ra xa.

Nhưng trên hết, ông rất vui mừng khi biết các bài viết của mình có ý nghĩa rất lớn với những người lính.

Tất cả họ đều rất thích bài viết nhỏ của tôi về những người lính đến từ Yaroslavl. Họ đi vênh vang như những con công: “Đó là bài viết về chúng ta!”.

16
Những trận đánh trong tháng 10

Sở chỉ huy của tướng Chuikov chỉ đóng trong đường hầm Tsaritsa chưa tới 1 tuần cho tới khi quân Đức mở 1 cuộc tấn công nữa đánh thẳng vào trung tâm Stalingrad. Chuikov và ban tham mưu phải chuyển đi khoảng 4km về phía bắc tới Nhà máy Tháng 10 Đỏ. Khu vực nhà máy ở phía bắc Stalingrad này nhanh chóng bị người Đức xem là mục tiêu của các cuộc tấn công. Cuộc tấn công lớn đầu tiên diễn ra vào ngày 27/9. Các cuộc tấn công đều được bắt đầu bằng màn oanh tạc của hàng đàn Stuka, loại máy bay được lính Hồng quân đặt tên là “máy rít” hay “nhạc công” vì tiếng rít mà chúng tạo ra khi bổ nhào xuống mục tiêu.
Chiến sự ở cánh bắc này cũng tuyệt vọng như các nơi khác vì tại đây Sư 16 Thiết giáp Đức đã chiếm Rynok, Spartakovka và đang tiến thẳng tới nhà máy sản xuất máy kéo này từ phía bắc.

Lữ đoàn 149 của Bolvinov - có lẽ là đơn vị tốt nhất - được đặt dưới quyền chỉ huy của Gorokhov (chỉ huy lữ đoàn 124), vai trò của Bolvinov bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Nhưng Bolvinov vẫn tiếp tục làm những gì cần thiết. Ông cũng trườn bò, miệng ngậm lựu đạn, từ hỏa điểm này đến hỏa điểm khác, và mọi lính Hồng quân đều yêu mến ông.

Đối với tất cả các sở chỉ huy các cấp trên bờ tây, vấn đề rắc rối chính là thông tin liên lạc. Dây thông tin đứt suốt vì mảnh đạn và cả vì bị vướng vào những người chạy qua lại. Chuikov kể lại cho Grossman cảm giác về sự bất lực và lo lắng.

“Đó là thứ cảm giác ngột ngạt nhất trên đời. Súng nổ khắp xung quanh, bạn lệnh cho những giao liên đi ra xem cái gì đang xảy ra, và họ bị giết sạch. Khi đó sự căng thẳng làm bạn run rẩy khắp người... Những lúc đáng sợ nhất là khi bạn ngồi đây như 1 thằng ngốc trong khi trận đánh diễn ra sục sôi xung quanh, vậy mà bạn chẳng thể làm được gì”.

Sự đe dọa trực tiếp nhất đến với sở chỉ huy của Chuikov vào ngày 2/10. Sở chỉ huy Tập đoàn quân 62 đặt trên triền sông Volga ngay sau những bồn chứa của 1 kho nhiên liệu mà ai nấy đều cho rằng đã rỗng. Thật là 1 nhầm lẫn tai hại. Bọn Đức đã nhắm chính xác vào những bồn chứa này và đột nhiên cả sở chỉ huy chìm trong lửa, như Chuikov sau này kể lại cho Grossman.

“Dầu chảy xuống sông Volga xuyên qua sở chỉ huy. Mặt sông bốc cháy. Chúng tôi chỉ cách mép nước độ 15m. Con đường thoát duy nhất là lao thẳng về phía quân địch... Những bồn nhiên liệu đang cháy, bốc thành những cột khói cao tới 800m. Và trên sông Volga mọi thứ đang nổi trên mặt nước đều bốc cháy rồi chìm xuống sông. Mọi người lôi tôi lên khỏi con sông đang bốc lửa và chúng tôi đứng trên mép nước cho tới sáng. 1 số người đang ngủ đã chết cháy... có tới 40 người chết chỉ riêng tại sở chỉ huy”.

Tham mưu trưởng của Chuikov kể lại câu chuyện của riêng ông.

Sau đó sở chỉ huy chuyển tới 1 đường hầm nằm cạnh nhà máy Chiến lũy (Barrikaky) và ở đó từ ngày 7 đến ngày 15/10. Tại đó chúng tôi lại phải chịu áp lực từ hướng tấn công chính của địch và buộc phải chuyển đi tiếp, tới đường hào lớn Banny. Sở chỉ huy Sư 284 Bộ binh đóng trong đường hầm sau khi chúng tôi rời đi rồi cũng phải chuyển đi nốt, ra bờ sông. Ở đây người ta thường nghe nói về đường hào lớn Banny như thế này:
“Sở chỉ huy Tập đoàn quân biến mất rồi!”.
“Biến đi đâu?”.
“Không thấy chuyển ra bờ sông, nó chuyển ra gần chiến tuyến hơn rồi”.

Ngày 6/10, tướng Đức Paulus tung 2 sư đoàn đánh vào Nhà máy Máy kéo khổng lồ nằm ở phía bắc Stalingrad. Paulus chịu áp lực nặng nề của Hitler yêu cầu phải kết liễu ngay cái túi phòng ngự của quân Soviet trên bờ tây. Cùng lúc đó, Yeremenko cũng bị Stalin giục phải mở cuộc phản công để đẩy lùi quân Đức. Chuikov từ chối thực hiện mệnh lệnh phi thực tế này. Ông chỉ vừa đủ sức giữ được những gì đang có, và đó hoàn toàn là nhờ pháo hạng nặng đặt trên bờ đông đã liên tục nã đạn câu qua đầu quân của ông vào các vị trí có thể tập trung xuất phát xung phong của quân Đức, phá hủy mọi ý định chuẩn bị tấn công của chúng.
Trận tấn công vào Nhà máy Máy kéo Stalingrad là 1 chương kịch tính của Trận Stalingrad. Những chiếc xe tăng của Sư 14 Thiết giáp Đức đã lao thẳng vào các phân xưởng như những con ác quỷ thời tiền sử, xích của chúng nghiền nát những mảnh kính vỡ rơi từ các cửa sổ trên cao xuống. Phần còn lại của Sư 112 Bộ binh Soviet và Sư 37 Bộ binh Cận vệ của Đại tá Zholudev đã không thể chặn được cuộc tấn công, thế nhưng mặc dù tuyến phòng ngự đã bị phá vỡ, họ vẫn tiếp tục chiến đấu trong những vị trí đơn lẻ*.

*[Sư 37 Bộ binh Cận vệ được thành lập từ Quân đoàn 1 Đổ bộ đường không vào tháng 8/1942, sau những thiệt hại nặng nề tại Stalingrad, sư đoàn được tái tổ chức và trở thành 1 phần của Tập đoàn quân 65]

Sư đoàn của Zholudev, chính ủy là Shcherbina. Địa điểm: Nhà máy Máy kéo. Chỉ huy sở bị chôn vùi sau 1 tiếng nổ. Mọi thứ bỗng trở nên lặng ngắt, mọi người đều ngồi đờ ra đó 1 lúc lâu, rồi họ bắt đầu hát: “Lyubo, bratsy, lyubo”. (Sự sống là điều tuyệt vời nhất). 1 trung sĩ đào bới xác những người bị vùi lấp ngay dưới lửa đạn. Anh ta đào như 1 người điên, đào cuống đào cuồng, miệng sùi cả bọt mép. 1 giờ sau anh ta cũng chết vì trúng đạn pháo. 1 tên Đức đã để cướp cò khẩu tiểu liên của hắn. Hắn chui vào 1 đường ống và để súng nổ khi nghe thấy tiếng pháo và cối bắn, thế là người ta phát hiện và lôi hắn ra. Cả người hắn đen kịt, lính tráng xé xác hắn ra thành từng mảnh.
Khi bọn Đức chiếm được 1 phân xưởng, bọn chúng còn kích cả 1 chiếc tăng hỏng lên cao để bắn qua cửa sổ.

Grossman 1 lần nữa lại vượt sông sang bờ tây ngay khi chiến sự bùng nổ trở lại với 1 cuộc tấn công nữa quân Đức. Ông viết cho Tổng biên tập tờ Krasnaya Zvezda để báo cáo về sự di chuyển của mình.

Thưa đồng chí Ortenberg, tôi khởi hành ngày 11 với Vysokoostrovsky (1 phóng viên khác của tờ Krasnaya Zvezda) và vượt sông sang Stalingrad ngay trong đêm đó. Tôi đã có các cuộc phỏng vấn chi tiết với các binh lính, sĩ quan và với tướng Rodimtsev.

Grossman tình cờ nghe được 2 người lính nói chuyện trên đường tới bến phà qua sông Volga:
“Đã lâu tôi chưa được ăn 1 bữa ăn nóng”.
“Ừ, chúng ta sẽ sớm được uống máu nóng của chính mình ngoài kia”, người kia trả lời.
Sư 13 Bộ binh Cận vệ của Rodimtsev cũng hầu như tan nát vì cuộc tấn công bất thình lình.
Ngày 1/10, 1 bộ phận Sư 295 Bộ binh Đức đã lẻn qua các đường cống thoát nước đánh vào cánh phải của Rodimtsev và gần như đã cắt đứt được sư đoàn của ông khỏi phần còn lại của Tập đoàn quân 62. Những chiến binh cận vệ của Rodimtsev đã phản ứng lại bằng những cuộc phản công ác liệt nhưng cũng chỉ vừa đủ để đẩy bọn Đức lui lại. Grossman đã ở cùng sư đoàn trong 2 ngày 12 và 13/10.

1 cuộc chôn cất diễn ra bên sông, điếu văn, chào. Bài điếu văn đọc bên mộ bắt đầu bằng việc nói rằng họ đã hy sinh và trong trường hợp nào. Việc chôn cất hoàn thành ngay trong đêm, bao giờ cũng kết thúc bằng việc bồng súng chào.

Việc bồng súng chào vĩnh biệt ở Stalingrad không có màn bắn lên trời, thay vào đó là bắn về phía bọn Đức.

Đồi Mamaev Kurgan thật đẹp và buồn - nơi đây giờ là sở chỉ huy tiểu đoàn. Lính đại đội cối bật 1 đĩa hát suốt, bài hát tên là: “Đừng, các bạn, không phải bây giờ, đừng để tôi trên chiếc giường băng giá này”.
Không đâu có nhiều âm nhạc như ở đây. Nơi đất đai bị cày xới, biến màu vì phân và máu này vẫn vang lên tiếng nhạc từ radio, máy hát và cả các “giọng ca vàng” cấp trung và đại đội.
“Chúng tôi đã tiến hành 2 buổi hòa nhạc ở đây”, Rodimtsev nói. Thợ cắt tóc Rubinchik chơi violông dưới đường cống ngầm và ai nấy đều mỉm cười khi nhớ lại những buổi hòa nhạc thật sự.

Rodimtsev cũng kể 1 chuyện gần như giai thoại phần nào đại diện cho những mối quan tâm của lính tráng.

“Ví dụ hôm nay 2 người lính tới chỗ tôi. Hóa ra họ đã chiến đấu suốt 14 ngày trong 1 ngôi nhà bị vây giữa những ngôi nhà do bọn Đức chiếm giữ. Anh biết không, 2 người này rất nhẹ nhàng yêu cầu cung cấp bánh bít cốt, đạn dược, đường, thuốc lá, nhét tất cả vào balô rồi lại đi. Họ bảo: “Còn 2 người nữa ở đó canh nhà, và họ cần vài hơi thuốc”. Trên thực tế, chiến đấu giữa các ngôi nhà quả là 1 công việc kỳ lạ”, ông cười. “Tôi không biết có nên nói ra với anh hay không, nhưng 1 vụ việc hài hước đã xảy ra hôm qua. Bọn Đức chiếm được 1 căn nhà, dưới hầm nhà có 1 thùng rượu mạnh. Các chiến sĩ cận vệ của tôi cay cú vì tưởng tượng bọn Đức đang uống thùng rượu đó, 20 người đã tấn công ngôi nhà, chiếm lại nó và lăn thùng rượu đi dù phần lớn con phố đã do bọn Đức chiếm giữ. Tất cả các hành động dũng cảm đó đều xuất phát từ những nguyên nhân rất thực tế...”.
“Tôi không sợ gì hết”, Rodimtsev nói. “Đó là cách duy nhất. Tôi nghĩ mình đã trải qua mọi thứ. 1 lần xe tăng Đức đã là phẳng sở chỉ huy của tôi và sau đó bọn lính tiểu liên quẳng lựu đạn vào, ngay lập tức tôi nhặt lựu đạn ném trả...”.

1 lần khác, Grossman cùng với Efim Gekhman cũng đã tới gặp Rodimtsev trên bờ tây. Viên tướng cận vệ nói ông hơi lo lắng với các cuộc phỏng vấn. “Các anh biết không, tôi là người mê tín. Tôi có nhớ bài viết đăng trên tờ Krasnaya Zvezda về lá cờ đầu Dovator như thế nào. Anh ta đã bị giết ngay hôm báo ra”.*

*[Thiếu tướng L. M. Dovator, chỉ huy Quân đoàn Kỵ binh Cận vệ 2 trong trận Moscow, hy sinh ngày 20/12/1941]

Grossman với bản chất tốt đẹp của mình bao giờ cũng ca ngợi lòng dũng cảm của người khác. “Gekhman là người cực kỳ dũng cảm”, Ortenberg nhớ có lần Grossman nói. “Một lần, trong một đêm tháng 10 tối đen như mực, chúng tôi phải rời đường hầm nơi Rodimtsev đóng sở chỉ huy tại Stalingrad để vượt sông Volga sang bờ bên kia bằng thuyền. Rodimtsev lắng nghe một cách lo lắng tiếng gầm của đạn pháo bên ngoài, lắc lắc đầu và bảo chúng tôi: “Các đồng chí, làm một ly trước khi đi nào, tình hình ngoài đó đang rất nóng bỏng, nhất là tại bến sông”. Gekhman nhún vai trả lời: “Không, cám ơn. Tôi thích làm một miếng xúc xích nữa hơn”. Anh ta nói một cách rất bình thản và xơi miếng xúc xích một cách thật là ngon lành khiến không ai nhịn được cười”.
Chiều tối ngày thứ 2, 14/10, Tập đoàn quân 6 Đức mở cuộc tấn công mà tướng Paulus hy vọng là cuộc tấn công cuối cùng nhằm đẩy Tập đoàn quân 62 khỏi bờ tây. Toàn bộ số máy bay Stuka có thể hoạt động của Tập đoàn quân Không quân 4 Đức do tướng Wolfram von Richthofen chỉ huy đều được sử dụng nhằm làm mềm các vị trí quân Soviet. Đó là 1 cuộc oanh tạc dữ dội chưa từng có. Chuikov có cảm giác thời điểm quyết định của trận đánh đang tới.

“Giới truyền thông* đã trêu tức Hitler vì sự thất bại của hắn trong việc chiếm Stalingrad, và chúng tôi lãnh đủ. Chúng tôi đang ngồi đây, đang hiểu, đang cảm thấy, đang tin chắc rằng Hitler đã tung các lực lượng quan trọng nhất của hắn vào đây”.

*[Giới truyền thông quốc tế có lẽ gây hiệu quả (với Hitler) cao hơn là truyền thông Soviet]

“Sau ngày 14, tôi quyết định đưa toàn bộ phụ nữ sơ tán sang bờ bên kia. Cuộc chia tay có rất nhiều nước mắt. Nhưng lòng can đảm đã lây lan ở đây, giống như sự hèn nhát đã từng lây lan ở những nơi khác. Nói cho ngay, chúng tôi chỉ sống được từng giờ, từng phút, ai cũng đợi tới lúc mình ngã xuống. Thế rồi cảm giác này lại quay lại với tất cả mỗi ngày, đến tối ai cũng nghĩ: “Ơn Chúa, 1 ngày nữa đã trôi qua, thật ngạc nhiên”. Vâng, lúc đó nếu ai bảo tôi sẽ sống tới ngày bắt đầu năm mới tôi sẽ cười vào mũi họ”.

Trong đêm 15/10, 3.500 người bị thương đã được sơ tán qua sông. Nhiều người đã phải tự bò đến bờ sông vì không đủ nhân viên y tế. Sáng sớm 16/10, đích thân tướng Yeremenko vượt sông sang bờ tây thăm Chuikov. Ông cần biết chính xác quân ta còn có thể giữ vững được không. “Yeremenko đến trong đêm*... Gurov và tôi ra gặp ông”.

*[Grossman ghi rằng cuộc gặp gỡ này xảy ra đêm 13/10 nhưng hầu hết các ghi chép khác đều cho biết cuộc viếng thăm trận địa trên bờ tây của Yeremenko diễn ra vào sáng sớm ngày 16/10]

“Lửa cháy như hỏa ngục, đang có 1 cuộc không kích”, Chuikov không nói ra ông và Gurov đã không tìm thấy Yeremenko trên bờ sông, tự Yeremenko đã lẻn vào sở chỉ huy Tập đoàn quân 62 và đợi 2 ông ở đó. Yeremenko kể cho Grossman việc ông đã chạm trán với 1 người lính bên bờ sông như thế nào: “Tôi nhận ra ông, thưa đồng chí Tổng Tư lệnh”. Anh ta kể tôi nghe anh ta đã ở đâu, chiến đấu ra sao, giết được bao nhiêu tên Đức”.
Sau khi trận Stalingrad kết thúc, Chuikov đã cố kể lại tình hình lúc đó 1 cách sáng sủa hơn là thực tế nhưng cũng không lấp liếm sự thật là trong cuộc khủng hoảng vào trung tuần tháng 10 đó, đầu cầu của Tập đoàn quân 62 đã thu hẹp lại chỉ còn chưa tới 1.000m chiều sâu và chỉ chút xíu nữa là bị bóp nghẹt.

“Các cuộc tấn công của bọn Đức: chúng nghiền nát mọi thứ trên mặt đất dưới xích xe tăng. Sau cơn hỗn loạn các chiến sĩ ta xông ra khỏi các chiến hào và cắt rời bộ binh Đức khỏi những chiếc xe tăng của chúng... Có tiếng thét: “Xe tăng địch đã vào đến sở chỉ huy!”.
“Còn bộ binh?”.
“Quân ta đã tách rời được chúng ra”.
“Thế thì mọi thứ vẫn ổn”.

Grossman hỏi Chuikov xem ông nghĩ thế nào về sự chấp hành mệnh lệnh của quân Đức. “Chúng không phải đội quân đặc biệt xuất sắc, nhưng công bằng mà nói chúng ta phải học tập tính kỷ luật của chúng. Mỗi mệnh lệnh đều là pháp luật đối với chúng”.
Tham mưu trưởng của Chuikov, Krylov, người đã trải qua trận phòng thủ Sebastopol ác liệt, đã so sánh trận đánh đó với trận Stalingrad này. “Tại đó quân ta cứ rút dần ra, trong khi ở đây lại được bổ sung thêm liên tục. Tuy nhiên giữa 2 trận đánh có rất nhiều điểm chung. Đôi khi chúng tôi có cảm giác như mình vẫn đang tiếp tục trận đánh cũ. Nhưng chúng tôi không hề cảm thấy mất tinh thần như hồi ở Sebastopol”.
Mất Nhà máy sản xuất máy kéo có nghĩa là Lữ đoàn 124 của Gorokhov ở Spartakovka bị cắt rời khỏi đội hình.

Trong cái ngày bi hùng đó, tôi nhớ đến tiểu đoàn đã vượt sông tiến về hướng khu vực quân của Gorokhov đang phòng thủ nhằm mục đích thu hút đòn đánh chính của địch chuyển hướng nhằm vào chính họ*.

*[Grossman có lẽ đang tả lại chiến sự ngày 17/10, khi toàn bộ các đầu cầu trên bờ tây đối mặt với cuộc tổng tấn công của quân Đức. Tiểu đoàn này thuộc Sư 138 của Lyudnikov, lực lượng tăng cường vừa mới tới và được Chuikov tung qua sông Volga trong thời điểm quyết định của trận đánh]

Tất cả đã hy sinh, không 1 ai sống sót. Nhưng có ai còn nhớ đến tiểu đoàn này không? Không ai còn nghĩ tới những người đã vượt sông trong đêm mưa cuối tháng 10 đó. (2 ngày sau tôi đã gặp 1 tù binh người Gruzia của tiểu đoàn này. Hắn đã đào ngũ và đầu hàng địch. Hắn nói có nhiều người khác cũng đầu hàng).
1 người Ossetia tên là Alborov đã hy sinh tại vị trí phòng ngự vì 1 trái bom. Tay anh vẫn còn nắm chặt báng súng, nòng đã bị thổi bay vì vụ nổ, mạch của anh vẫn chưa ngừng đập. Bạn anh đang thổn thức, rồi khóc: “Người đồng chí của tôi hy sinh rồi”.

Grossman bỏ nhiều thời gian ở cùng với Sư 308 Bộ binh của Đại tá Gurtiev gồm toàn dân Siberi đang bảo vệ khu vực các xưởng sản xuất silicat nằm ở phía bắc tổ hợp Nhà máy Chiến lũy*. Họ đã vượt sông Volga ngày 30/9 và lập tức xung trận. Đây là những tài liệu mà Grossman sưu tập được cho thấy những gì đã xảy ra với sư đoàn kể từ ngày cuối cùng của tháng 9, ngày họ đã vượt sông sang bờ tây.

*[Sư 308 Bộ binh sau chuyển thành Sư 120 Bộ binh Cận vệ trực thuộc Tập đoàn quân 3. Giống như hầu hết các sư đoàn đã tham chiến tại Stalingrad, sư đoàn này cũng tiếp tục chiến đấu trên mọi nẻo đường cho tới tận Berlin]

Tuyến đầu đã bị vượt qua, rồi tuyến 2, sau đó là tuyến 3. 13 đợt tấn công đã được tung ra trong ngày hôm đó. Bọn Đức tìm mọi cách tiến tới bến phà. Pháo binh ta đóng vai trò quyết định.
Ngày 1/10, 4 trung đoàn pháo và các pháo đội Katyusha bắn trong nửa giờ. Khi đó mọi hoạt động đều tê liệt. Bọn Đức rúc xuống chỗ trú ẩn. Lính ta cũng chỉ quan sát và nghe ngóng.
Bọn Đức ở ngay hàng rào nhà máy. Đó là buổi chiều ngày 2/10. 1 số tên ẩn núp, số khác bỏ chạy. 1 chiến sĩ người Kazakh đã tóm được 3 tù binh, anh ta cũng đã bị thương, vì vậy anh rút dao ra đâm chết cả 3 tù binh. 1 lính tăng thân hình to lớn, tóc đỏ, nhảy khỏi chiếc xe tăng đã trúng đạn, nhặt gạch ném bọn Đức 1 cách tuyệt vọng và mù quáng. Cuối cùng bọn Đức đã quay gót bỏ chạy.
Tinh thần binh sĩ vẫn cao, họ đã có một số kinh nghiệm chiến đấu, tuổi đời của họ là từ 23 đến 46, phần lớn là dân Siberi đến từ Omsk, Novosibirsk và Krasnoyarsk. Dân Siberi thấp đậm, kín đáo và cứng rắn hơn các sắc dân khác. Họ vốn là dân săn bắn, có kỷ luật cao và chịu lạnh hay gian khổ với họ là chuyện thường. Không hề có một trường hợp đào ngũ nào trên đường tới Stalingrad. Một người đã đánh rơi súng, anh ta nhảy xuống nhặt rồi chạy bộ đuổi theo đoàn tàu suốt 3km thì bắt kịp nó. Họ không lắm lời nhưng dí dỏm và miệng lưỡi sắc nhọn.
“Chúng tôi thường xuyên phải chịu đựng bọn “máy rít” (Stuka), thậm chí còn thấy buồn nếu không nghe tiếng rít đó của bọn Đức. Khi chúng rít lên có nghĩa là chúng sẽ không ném cái gì vào đầu chúng tôi. Chúng bắt đầu đánh vào khu nhà máy sản xuất silicat đêm hôm 2/10. Toàn bộ trung đoàn của Markelov chết hoặc bị thương hết, chỉ có 11 người thoát được. Bọn Đức chiếm được toàn bộ khu nhà máy vào tối 3/10. Mệnh lệnh dành cho chúng tôi là: không lùi 1 bước. Trung đoàn trưởng bị thương nặng, chính ủy hy sinh.
“Quân ta bắt đầu phòng thủ 1 con phố đã cháy trụi phía trước công viên điêu khắc. Không ai trở về sau trận đánh, tất cả đều hy sinh tại vị trí. Thời điểm quyết định đến vào ngày 17/10. Địch ném bom chúng tôi suốt 3 ngày đêm 17, 18 và 19/10. 2 trung đoàn Đức bắt đầu tấn công.
“Cuộc tấn công bắt đầu vào 5h sáng và chiến sự diễn ra suốt cả ngày. Chúng tấn công thọc sườn quân ta và cắt rời sở chỉ huy khỏi phần còn lại của trung đoàn. Trung đoàn chiến đấu từ nhà này sang nhà khác suốt 2 đến 3 ngày, cả các sĩ quan thuộc ban chỉ huy cũng thế. Đại đội trưởng đại đội 7 cùng 12 người nữa đã đánh bật 1 đại đội Đức khỏi chiến hào của chúng. Họ rời con hào đó trong đêm, sau đó đánh chiếm 1 ngôi nhà. Trong nhà có 20 tên Đức, 2 bên đánh nhau bằng lựu đạn giành giật từng tầng nhà, từng cầu thang, từng ban công, từng phòng.
“Phó tham mưu trưởng Kalinin đã hạ 27 tên địch và 4 xe tăng bằng súng trường chống tăng. Có 80 công nhân và 1 đại đội tự vệ bảo vệ nhà máy, chỉ còn 3 hay 4 người sống sót. Họ chưa trải qua 1 khóa huấn luyện quân sự nào. Chỉ huy của họ là 1 công nhân trẻ, 1 Đảng viên, và họ đã bị cả 1 trung đoàn Đức tấn công.
“Ngày 23/10, cuộc chiến bắt đầu lan vào bên trong nhà máy, các công xưởng bốc cháy cùng với đường sắt, đường bộ, cây cối, bụi rậm và cỏ dại. Tại sở chỉ huy, Kushnarev và tham mưu trưởng Dyatlenko ngồi dưới cống cùng 6 tay súng tiểu liên. Họ có 2 thùng lựu đạn và đã đánh lui được bọn Đức. Quân Đức cho xe tăng xông vào nhà máy. Các công xưởng đổi chủ nhiều lần. Xe tăng địch phải phá hủy các công xưởng bằng cách bắn thẳng ở cự ly gần. Máy bay địch đánh bom chúng tôi suốt ngày đêm. 1 tù binh Đức, vốn là 1 giáo viên, cho chúng tôi biết quân Đức đã nhận nghiêm lệnh phải tới được sông Volga vào ngày 27/10. Đôi bàn tay tên tù binh đen nhẻm, rận chui cả vào tóc hắn, hắn bắt đầu khóc nức nở”.
Mikhalyev, Barkovsky và tham mưu trưởng Mirokhin đã hy sinh, tất cả họ đều được truy tặng huân chương... Lính tiểu liên Kolosov bị đất vùi lấp đến ngực, anh ta mắc kẹt trong đó nhưng vẫn cười: “Nó làm tôi phát điên!”. Trung đội trưởng giao liên Khamitsky vẫn đang ngồi ngoài cửa boongke đọc sách giữa trận bom ác liệt, Sư trưởng Gurtyev tức giận hỏi:
“Anh sao thế?”.
“Tôi chẳng có việc gì khác để làm, chúng cứ ném bom thế này thì tôi đọc sách vậy”.
Mikhalyev vốn rất được mọi người yêu quý. Khi giờ đây có ai hỏi: “Mọi thứ thế nào?”. Câu trả lời là: “Hừ, nói gì đây? Giống như chúng tôi mất cha vậy. Thật tiếc cho quân ta, anh ấy luôn vị tha với mọi người”.
Sĩ quan liên lạc Batrakov, 1 nhà hóa học, tóc đen, kính trắng, phải đi bộ 10 - 15km mỗi ngày. Ông tới các sở chỉ huy, lau kính, thông báo tình hình rồi lại đi. Ông ngày nào cũng đến vào 1 giờ chính xác.
“Tình hình trở nên yên tĩnh vào các ngày 12 và 13/10, nhưng chúng tôi hiểu sự yên tĩnh đó có nghĩa gì. Ngày 14 địch bắt đầu pháo kích sở chỉ huy sư đoàn bằng Vanyusha”*.

*[Vanyusha là nickname của loại súng cối phản lực nhiều nòng Nebelwerfer của Đức. Phiên bản kém hiệu quả của Katyusha này vốn có tên nguyên thủy là Vanya, sau đó những tay hài hước tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu anh chàng Vanya nhỏ thó kết hôn với cô vợ khủng bố Katyusha nên đổi thành nickname như trên. Loại súng này cũng được gọi là “lừa kêu” vì tiếng rít của quả đạn khi bay trong không khí giống tiếng be be của lừa]

“Boongke chỉ huy trúng đạn nhưng chúng tôi đã ra được khỏi đó, mất 13 hay 14 người thương vong. Đạn của chúng tạo ra tiếng rít chói tai. Mới đầu chỉ là tiếng ken két: “Aha! Hitler bắt đầu kéo vi ô lông”, và rồi càng lúc càng to. Vladimirsky đang hấp hối vì trúng đạn khi đang đi WC. Anh ta đã bị đau bụng khi ăn 1 hộp đồ ăn của lính và đã phải nhịn từ lúc đêm xuống”.
Phân xưởng 14 bốc cháy từ bên trong. Khi Andryushenko hy sinh, trung tá chính ủy trung đoàn Kolobovnikov, người đã từng được nhận 4 huân chương và có khuôn mặt sắt đá, gọi điện cho sở chỉ huy và bắt đầu nói: “Thưa đồng chí Thiếu tướng, xin được báo cáo”. Ông dừng 1 lúc rồi nói trong tiếng nấc: “Vanya chết rồi!”.
Một lính tăng “đánh thuê” (tức là xe tăng phối thuộc cho đơn vị bộ binh): mọi người cho anh ta sô cô la, vodka, vác đạn giúp anh. Và anh đã làm việc như trâu. Ai nấy đều nghĩ anh chính là người của trung đoàn.
“Chúng tôi có lựu đạn, tiểu liên và pháo 45mm chống tăng. 30 xe tăng địch tấn công và chúng tôi đã sợ, đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp phải chuyện này! Nhưng không 1 ai bỏ chạy. Những cỗ xe tăng bò qua những chiến hào. 1 lính Hồng quân ló lên nhìn và cười: “Đào sâu đấy!”.
Các bưu tá: Makarevich để ria con kiến, xuất thân nông dân, mang theo cái túi đựng đầy thư từ, postcard, báo chí. Karnaukhov đã bị thương. Đã có 3 bưu tá bị thương, 1 chết... Khi bị thương, Kosichenko đã giật chốt lựu đạn bằng răng để cho nổ tung tất cả.

Grossman đã viết câu chuyện về cuộc tấn công vào Sư 308 Bộ binh gửi tờ Krasnaya Zvezda, bài báo được đăng 1 tháng sau với tựa đề “Cuộc tổng tấn công của quân phát xít”. Ortenberg sau đó có viết về kỹ năng phỏng vấn của Grossman. “Tất cả các phóng viên đi theo Phương diện quân Stalingrad đều kinh ngạc không hiểu Grossman đã làm thế nào mà sư trưởng, tướng Gurtiev, 1 người Siberi kín đáo và kiệm lời, đã chịu nói chuyện với anh ta 6h liền không nghỉ, nói tất cả những gì anh ta muốn biết vào 1 trong những thời điểm ác liệt nhất của trận đánh”.
Grossman có lẽ cũng bị ảnh hưởng tính mê tín của cánh frontoviki (lính tuyến đầu), kết quả của việc thường xuyên sống với sự chết chóc khó lường nhất, nhưng bản thân ông cũng là 1 nhà văn với những mê tín riêng. Tổng biên tập của ông đã rất khoái chí khi phát hiện Grossman tin rằng tự dán thư từ sẽ đem lại điềm gở. “Khi anh ta viết 1 bài báo, anh ta thường nhờ Gekhman, người thường đi cùng trong các chuyến ra mặt trận: “Efim, anh có bàn tay nhẹ nhàng. Làm ơn lấy bài viết này của tôi bỏ phong bì, dán lại và gửi bưu điện đi Moscow bằng chính tay anh được không?”.
Ortenberg, 1 nhà báo CS cứng rắn, cũng cảm thấy thích thú với cách mà Grossman kiểm tra kỹ lưỡng bản in cuối cùng các bài viết của ông. “Tôi còn nhớ anh ta đã thay đổi thế nào mỗi khi 1 tờ báo có bài của anh ta được chuyển tới. Anh ta tỏ ra rất sung sướng, đọc đi đọc lại bài viết, kiểm tra xem từ này hay từ khác đọc lên nghe như thế nào. Là 1 nhà văn kinh nghiệm, anh ta thực sự tôn thờ chữ nghĩa”. Ortenberg có lẽ cũng hơi cường điệu 1 chút khi mô tả như vậy. Grossman thường giận dữ với cách mà người ta sửa chữa hay cắt xén bài của ông. Ông đã viết 1 bức thư cho vợ, Olga Mikhailovna, hôm 22/10:

Anh đã viết 1 bức thư giận dữ gửi Tổng biên tập và giờ đang chờ trả lời mà không phải không có chút thích thú. Anh đã viết về thái độ quan liêu và những trò xỏ lá của Ban biên tập.

Thực tế, văn chương của Grossman ít động chạm hơn hầu hết các nhà báo khác. Ortenberg cởi mở thừa nhận rằng nhiều nhà báo quần chúng chịu ảnh hưởng của Grossman. Thậm chí cả những tay bồi bút CS ở Moscow cũng rất quan tâm đến những đề tài mà Grossman đưa ra về những người lính Hồng quân chứ đừng nói đến đông đảo quần chúng. Nó có tác dụng hơn nhiều những câu khẩu hiệu Stalinist đao to búa lớn.

Chỉ ở đây người ta mới hiểu chính xác 1km có ý nghĩa như thế nào. 1km bằng 1.000m, bằng 100.000cm. Những tên lính tiểu liên Drunken (Đức) vẫn điên cuồng dấn tới 1 cách ngoan cố. Giờ chẳng còn ai có thể kể trung đoàn của Markelov đã chiến đấu như thế nào nữa... Vâng, đơn giản là họ đã hy sinh hết, không còn ai trở về.
Nhiều lần trong ngày, pháo và cối Đức bất ngờ ngừng bắn, và các phi đội máy bay ném bom bổ nhào cũng biến mất, tạo ra 1 vẻ yên ả kỳ quái. Rồi có tiếng quát của lính canh: “Coi chừng!”, lính tại các vị trí tiền tiêu nắm chặt chai cháy (Molotov cocktail), lính chống tăng mở sẵn bao đạn, lính tiểu liên xoa bàn tay lên khẩu PPSh. Khoảng lặng ngắn ngủi này báo hiệu 1 cuộc tấn công.
Không lâu sau đó là tiếng của hàng trăm chiếc bánh xích rền vang cùng tiếng ro ro của động cơ cho biết đám xe tăng đang di chuyển. 1 trung úy hô: “Chú ý, các đồng chí! Lính tiểu liên sang trái!”. Đôi khi bọn Đức tiến gần tới mức những người lính Sibêri nhìn rõ cả khuôn mặt bẩn thỉu và những chiếc áo khoác tả tơi của chúng, nghe được cả thanh âm gầm gừ từ cổ họng chúng...
Giờ đây khi nhìn lại, ai cũng có thể nhận ra chủ nghĩa anh hùng đã được thể hiện trong từng khoảnh khắc sống của mỗi người lính sư đoàn. Đó là chỉ huy trung đội giao liên Khamitsky, người bình thản ngồi trên 1 mô đất đọc tiểu thuyết trong lúc cả tá Stuka bổ nhào gầm thét xung quanh. Đó là sĩ quan truyền tin Batrakov, người luôn lau kính cẩn thận, bỏ báo cáo vào túi dết rồi cuốc bộ qua 20km “vùng đất chết” như thể đó là 1 cuộc tản bộ trong công viên ngày chủ nhật*.

*[Trong bài viết cuối cùng này, chuyến đi diễn ra hàng ngày của Batrakov đã tăng từ 10 - 15km như ghi chép nguyên thủy của Grossman lên 20km/ngày]

Đó là lính tiểu liên Kolosov, người khi bị 1 vụ nổ chôn vùi đến tận ngực trong hầm đã quay nhìn chỉ huy phó Spirin mà cười. Đó là nhân viên đánh máy của sở chỉ huy Klava Kopylova, 1 cô bé má hồng béo ú dân Sibêri, người đang đánh máy chiến lệnh tại sở chỉ huy thì bị chôn vùi trong trận oanh tạc, người ta đã moi được cô lên và cô tiếp tục đánh máy trong 1 căn hầm khác. Cô lại bị chôn vùi lần nữa và lại được moi ra, cuối cùng cô đã đánh máy xong tờ lệnh trong căn hầm thứ 3 và đưa nó cho sư trưởng ký. Đó là những người đã chiến đấu chống lại cuộc tổng tấn công của quân phát xít.

Các balka, hay đường hẻm, thường bị pháo kích và là nơi nguy hiểm nếu địch tính luồn qua đó để không bị phát hiện, phần lớn chúng chạy dọc theo góc phải của bờ sông Volga.

Những balka rất có tác dụng, đặc biệt là ở đây tại Stalingrad này. Nó là đường di chuyển tốt vì hẹp và sâu. Các sở chỉ huy và khẩu đội cối cũng thường đặt tại đó. Đây là 1 balka nằm dưới tầm hỏa lực địch, nhiều người đã hy sinh ở đây. Dây thông tin chạy qua đây, đạn dược cũng được chuyển qua đây. Máy bay và súng cối địch xác định vị trí của nó căn cứ vào các mốc xung quanh. Chamov cũng từng bị vùi lấp ở đây trong 1 vụ oanh tạc, người ta đã moi được anh ra. Bọn thám báo cũng qua đây.

Grossman quan sát cuộc sống tại sở chỉ huy của Gurtiev.

Các báo cáo được viết lên giấy tờ, bao gói, bảng biểu hoặc giấy mời, v.v... tìm thấy trong nhà máy. Zoya Kalganova đã trở lại, cô bị thương lần này là lần thứ 2. Sư trưởng chào mừng cô: “Hello, bé yêu”.

Lòng dũng cảm của những nữ nhân viên y tế trẻ được tất cả mọi người khâm phục. Phần lớn các nữ binh sĩ Đại đội quân y Tập đoàn quân 62 là sinh viên hoặc học sinh cấp 3 ở Stalingrad. Sư 308 cũng lấy 1 số phụ nữ từ khắp Sibêri để làm những việc từ y tá, văn thư đến giao liên. Các y tá đi dưới làn đạn để tìm kiếm các thương binh, khiêng hoặc kéo họ vào nơi an toàn. Họ cũng ăn khẩu phần như lính tiền tuyến.

Các cô gái mang bữa sáng đến cho quân ta trong những cái phích vác trên vai. Lính tráng nói chuyện về họ với vẻ hết sức yêu quý. Các cô gái đó không bao giờ chịu trốn xuống dưới hào.

1 trong những cô gái trẻ đó sau này đã cung cấp cho Grossman danh sách thương vong của các cô gái đã đi cùng cô tới đây từ Sibêri.

“Lyolya Novikova, 1 nữ y tá vui tính không biết sợ là gì bị trúng 2 phát đạn vào đầu. Nina Lysorchuk bị thương. Katya Borodina bị vỡ nát tay phải. Antonina Yegorova hy sinh, cô là 1 y tá mới và đã đi theo trung đội mình trong 1 cuộc tấn công, 1 tay súng tiểu liên địch đã bắn xuyên qua cả 2 chân cô, cô chết vì mất máu. Tonya Arkanova đi theo hỗ trợ 1 số thương binh và được báo cáo là đã mất tích. Galya Kanysheva hy sinh vì trúng bom. Chỉ có 2 người thoát được trong số chúng tôi: Zoya và tôi... Tôi bị thương vì mảnh đạn cối khi đang ở gần 1 boongke, sau đó lại bị thương 1 lần nữa vì mảnh bom gần bến phà qua sông Volga.
“Chúng tôi từng theo học tại Trường số 13 ở Tobolsk. Các bà mẹ khóc lóc: “Các con sẽ ra sao ngoài mặt trận đây? Ở đó toàn là đàn ông mà”. Chúng tôi đã tưởng tượng về chiến tranh rất khác với những gì thực tế xảy ra. Tiểu đoàn chúng tôi nằm ở tuyến đầu trung đoàn, tham chiến vào 10h sáng. Mặc dầu rất sợ, trận chiến vẫn làm chúng tôi bị cuốn hút. Chỉ còn 13 cô gái còn sống sót sau trận đánh trong số 18 cô ban đầu.
“Tôi từng rất sợ những xác chết trong 1 thời gian dài, nhưng 1 đêm, tôi phải núp dưới 1 xác chết khi 1 tên lính tiểu liên địch bắn lia lịa. Tôi nằm ngay dưới cái xác. Hồi đầu tôi rất sợ máu, thậm chí hết muốn ăn gì luôn, nhắm mắt lại tôi cũng vẫn nhìn thấy máu.
“Chúng tôi hành quân 8 ngày liền, 120km, không ăn không ngủ. Tôi đã từng tưởng tượng chiến tranh như thế nào - đạn nổ khắp nơi, trẻ con khóc, mèo chạy lung tung, và khi chúng tôi tới Stalingrad thực tế hóa ra đúng như vậy, chỉ khác là khủng khiếp hơn rất nhiều.
“Tôi đang gọt khoai tây với anh nuôi, vừa làm vừa nói chuyện mê mải với các anh lính. Bất thần khói bốc mù mịt, anh nuôi hy sinh, vài phút sau khi trung úy tới lại có 1 quả đạn cối nữa nổ tung làm cả 2 chúng tôi bị thương.
“Thật đáng sợ khi di chuyển trong đêm mà nghe tiếng quát của bọn Đức ngay gần, rồi mọi thứ xung quanh bùng cháy. Thật khó để mang những người bị thương, chúng tôi toàn nhờ các anh lính khiêng thương binh hộ.
“Tôi đã khóc khi mình bị thương. Chúng tôi đã không thể đi gom thương binh vào ban ngày. Chỉ đúng 1 lần Kazantseva đang cõng Kanysheva thì 1 tên lính tiểu liên bất ngờ bắn trúng ngay đầu cô. Lúc đó là ban ngày, chúng tôi chỉ kéo được họ xuống 1 hố đạn pháo, phải đến tối mới mang được họ đi với sự giúp đỡ của các anh lính.
“Thỉnh thoảng có những lúc tôi đã hối hận vì tình nguyện nhập ngũ, nhưng tôi tự an ủi mình bằng cách tự nhủ ta không phải người đầu tiên, và cũng không phải người cuối cùng. Rồi Klava nói: “Những người đã hy sinh đều là người tốt, cái chết của mình chắc cũng làm thay đổi được điều gì đó”. Chúng tôi nhận được thư của các thầy cô giáo, họ tự hào vì đã dạy dỗ những đứa con gái như chúng tôi. Bạn bè ganh tỵ với chúng tôi vì chúng tôi có cơ hội được băng bó những vết thương. Bố tôi viết: “Hãy phục vụ đất nước 1 cách trung thực và trở về nhà với chiến thắng”. Còn mẹ tôi viết... Vâng, khi tôi đọc những gì mẹ viết cho tôi, nước mắt tôi rơi lã chã”.
Klava Kopylova, văn thư: “Tôi bị chôn vùi trong 1 boongke khi đang đánh máy 1 tờ lệnh. Trung úy gào to: “Còn sống không?”. Họ moi tôi ra. Tôi chuyển sang boongke bên cạnh và lại bị chôn vùi lần nữa trong đó. Họ moi tôi ra tiếp, và tôi lại đánh máy tiếp, đánh cho đến khi xong văn bản. Tôi sẽ không bao giờ quên vụ đó nếu tôi còn sống. 1 đêm có trận oanh tạc, mọi thứ bốc cháy. Người ta đánh thức tôi dậy. Tất cả các Đảng viên đều đang ở trong boongke, họ chúc mừng tôi hết sức chân thành và vui vẻ. Ngày 7/11 đó tôi đã được nhận thẻ Đảng. Người ta đã thử chụp ảnh tôi nhiều lần để dán vào thẻ Đảng nhưng lần nào cũng bị pháo kích. Trong những ngày yên ả, chúng tôi nhảy múa và hát bài “Chiếc khăn xanh nho nhỏ”*. Tôi cũng tranh thủ đọc mấy cuốn “Anna Karenina” và “Phục sinh”.

*[Bài hát “Chiếc khăn xanh nho nhỏ” có ảnh hưởng lớn tới mức 1 số binh sĩ đã thêm tiêu đề bài hát vào tiếng hô xung trận chính thức khiến nó trở thành: “Za Rodinu, za Stalina, za Siny Platochek!” - “Vì Tổ quốc, vì Stalin, vì chiếc khăn xanh!”]

Lyolya Novikova, y tá tập sự: “Bạn bè của Galya Titova kể tôi nghe lần cô ấy đang băng bó cho 1 thương binh thì có bắn nhau dữ dội, người lính hy sinh còn cô ấy bị thương. Cô ấy đứng thẳng dậy nói: “Tạm biệt các chị”, rồi ngã xuống. Chúng tôi chôn cất cô ấy... Các thương binh hầu hết đều viết cho Chính trị viên của họ...*. Mặc dù nói được tiếng Đức nhưng tôi không bao giờ nói chuyện với bọn tù binh, tôi không muốn nói chuyện với chúng.

*[1 người lính tốt khi bị thương thường sợ sẽ không được chấp thuận cho trở về đơn vị. Họ cho rằng các quan chức ở hậu phương thường chỉ tập hợp họ lại theo đợt khi tình hình chiến sự lại trở nên cấp thiết và gửi cả đám vào 1 trung đoàn bất kỳ, vì vậy họ viết thư cho Chính trị viên để xin về lại đơn vị]

“Môn học ưa thích của tôi là đại số. Tôi từng muốn theo học tại Viện Nghiên cứu Chế tạo Máy... Giờ chỉ còn có 3 chúng tôi trong số 18 cô gái lúc đầu... Chúng tôi đã chôn cất Tonya Yegorova. Sau trận đầu, chúng tôi mất 2 cô. Chúng tôi đã gặp viên hạ sĩ nói Tonya chết trên tay anh ta, cô ấy nói với anh ta: “Ay, tôi sắp chết rồi, tôi đau lắm, tôi không biết chân tôi còn hay mất rồi”. Anh ta trả lời: “Chân cô vẫn còn”. Không thể đến gần chỗ cô ấy trong 2 ngày vì có 1 chiếc tăng ở đó. Cuối cùng khi chúng tôi đến được, chúng tôi tìm thấy cô ấy nằm dười hào. Chúng tôi thay quần áo cho cô, đặt 1 chiếc khăn mùi xoa vào tay cô, che mặt cô bằng 1 chiếc áo choàng, tất cả chúng tôi đều khóc. Lúc đó có tôi, Galya Kanysheva và Klava Vasilyeva, giờ 2 người kia đều chết cả rồi. Trong quá trình chiến đấu chúng tôi không được hòa đồng lắm với cánh lính tráng, chúng tôi kiểm tra xem họ có rận không và cãi nhau với họ suốt. Vậy mà giờ các anh lính đều nói: “Chúng tôi rất biết ơn các cô”.
“Chúng tôi tham gia xung phong với trung đội của mình, bò bên cạnh họ, cho họ ăn, đưa nước cho họ, băng bó họ dưới làn đạn. Chúng tôi đã trở nên kiên cường còn hơn cả những người lính và thậm chí còn thường thúc giục họ xông lên. Thỉnh thoảng trong đêm tôi cảm thấy run lên, tôi nghĩ: “Ôi, ước gì mình đang ở nhà”.
Trung sĩ Ilya Mironovich Brysin: “Vào 1 buổi tối chúng tôi bắt đầu vác đạn pháo xuất phát từ bến phà, đi qua 6km, đầu tiên là men theo bờ sông, sau đó đi qua 1 balka, vào thành phố và cuối cùng là tới khu vực nhà máy. Mỗi lần mang được 16kg. Chúng tôi bọc đạn trong 1 tấm vải lót, 8 quả mỗi lần. Chúng tôi đi bộ dọc bờ sông dưới làn đạn cối. Không ai nhìn xuống chân cả, mọi người đều nhìn lên trời cảnh giác. Bom rơi cách chúng tôi chỉ 5m, chúng tôi để những người bị thương lại với mấy người nữa để chăm sóc cho họ, số còn lại tiếp tục đi. Trong đường hẻm (balka), súng cối và tiểu liên địch bắn vào chúng tôi. Chúng tôi đặt tên cho con hẻm này là Con hẻm Chết chóc, nó dài khoảng 400m, cứ đi chỉ độ 5 bước là lại phải nằm xuống 1 lần. 22 người mang theo 200 quả đạn, 10 người đã chết hoặc bị thương ở đây. Khi tới được 1 con phố, dù muốn dù không chúng tôi cũng phải di chuyển giữa những ngôi nhà. 1 lần chúng tôi đã phải cất giấu 300 viên đạn vì bị bọn địch tấn công với những loạt đạn bắn thẳng. Ôi, lộn ruột làm sao khi phải bắt đầu lại từ đầu.
“Chúng tôi bắn nhau suốt ngày. Bọn Đức chỉ ở cách chúng tôi độ 70m. Nhóm gồm có tôi, Dudnikov, Kayukov, Pavlov, Glushakov và Pinikov. Trước buổi sáng ngày 28 có 1 trung uý đã bò đến chỗ tôi nhưng mắt của anh ta đã bị thương vì mảnh đạn cối. Tôi phải cho anh ta đi, giao Pavlov tháp tùng anh ta. Vậy là chúng tôi chỉ còn 4 người. Bọn Đức tiến lên theo hàng 1, thẳng lưng mà đi.
“Chúng tôi đã đánh bật được chúng ngày hôm đó. Pavlov gọi tôi: “Tấn công thôi”. Tôi hỏi: “Cậu có bao nhiêu người?”. “10, còn cậu?”. “4”. “Tốt, tấn công đi!”. Và bên kia là cả trăm tên Đức, 2 đại đội SS*. Thế đấy, chúng tôi vẫn tấn công chúng.

*[Phần lớn các báo cáo của lính Hồng quân tại Stalingrad đều nói họ chiến đấu với lính SS nhưng thực tế tại đây không có đơn vị SS nào. Đây chỉ là kiểu nói để chỉ lính Đức được trang bị tốt và có kỷ luật tốt]

“Tôi nhảy ra và chạy thẳng về phía trước. “Theo tôi! Ura!”. Khi tôi chạy tới căn nhà thứ 2 thì thấy có mỗi 1 mình, bọn Đức chỉ cách 15m. Xung quanh yên lặng, bình minh đang ló rạng. Tôi thấy hơi sợ, tôi lao luôn vào trong nhà và nghe ngóng. Bọn Đức đang bắn từ sau bức tường, chỗ trong góc. Tôi quẳng lựu đạn vào góc qua cửa sổ, 1 quả nữa qua cửa chính. Thật khó nói cảm giác của tôi lúc đó. Tôi muốn lại gần bọn Đức hơn nhưng chúng đã biến mất sau 1 bức tường đất và tôi ko thể bắt kịp chúng.
“Tôi trèo lên tầng 2 qua 1 bức tường vỡ. Tôi đã giấu 8 quả lựu đạn ở đó từ chiều hôm qua. Chúng tôi gọi nó là “xúc xích”*. Tôi đã đứng đó như đứng sau xong sắt nhà tù, súng lăm lăm trong tay nhưng không có tên nào ló ra khỏi bức tường. Tôi ném tất 8 quả lựu đạn vào chúng. Chúng bắt đầu bắn vào tôi bằng 2 khẩu súng máy và 1 khẩu cối. Tôi thực sự không sợ tí nào nữa. Tôi buộc 2 tấm thảm lại với nhau, buộc 1 đầu vào xà ngang rồi trượt theo đó xuống tầng trệt qua 1 lỗ đạn pháo, sau đó bò về với người của mình trong ngôi nhà thứ nhất. Tôi bảo: “Kayukov đã bị thương nặng”.

*[Loại lựu đạn tiêu chuẩn do Soviet sản xuất được gọi là “xúc xích”. Lựu đạn Mỹ được cung cấp qua Thỏa ước Lend - Lease được gọi là “quả dứa”]

“Đại đội trưởng gọi tôi lên: “Cậu có thể đi trinh sát đống xỉ than sau đường tàu hỏa không? Có 1 căn nhà gỗ ở đó”. Tôi bảo: “Tôi phải ăn cái đã. Và ngủ 1 chút có được không?”. “Xuống địa ngục mà ngủ!”. Trung úy đưa tôi ít bánh mì và đường, nhưng ngay lúc đó đạn pháo bắt đầu bay tới, tôi không thể ăn được nữa. Thế là tôi phải đi mà chưa được ăn chút gì. Vậy đấy, tôi đi... đến chỗ đống xỉ than, tôi phát hiện tại đó có 2 khẩu súng máy và 1 cối. Tôi trở lại báo cáo. “Tốt”, trung úy bảo, “anh đã phát hiện ra chúng thì tiêu diệt chúng đi”.
“Khi bọn Đức ép quân ta đến dán lưng vào bờ sông Volga, bọn lính tiểu liên của chúng hô lớn: “Bọn Nga, chết đuối chưa!”. Và quân ta đáp trả: :”Hey, lại đây, chúng mày đang khát phải không?”*.

*[Như đã nói ở chương trước, lính bắn tỉa Soviet bắn hạ mọi kẻ định đi lấy nước. Quân Đức vì vậy phải liều mạng mới lấy được nước, thậm chí phải dùng cách giơ bánh mì ra dụ những đứa trẻ Stalingrad lấy nước mang về cho chúng. Nhưng lính bắn tỉa đã được lệnh bắn hạ bất kỳ dân thường nào, kể cả trẻ em, nếu họ hợp tác với quân địch dưới bất kỳ hình thức nào]

Nhiều binh sĩ bị chết cháy trong những ngôi nhà. Thân xác cháy đen của họ được tìm thấy. Không ai trong số họ bỏ chạy khi bọn Đức đốt nhà để buộc họ ra hàng.

1 trong những bài viết được hoan nghênh nhất của Grossman đăng trên tờ Krasnaya Zvezda là bài báo có tiêu đề “Trận chiến Stalingrad”, 1 tập hợp của những lời mô tả có kèm ví dụ minh họa.

Trong ánh sáng của những quả đạn hỏa tiễn người ta có thể nhìn thấy những căn nhà bị phá hủy, mặt đất bị những đường hào rạch ngang dọc, những boongke xây trên vách đá hay dưới khe sâu, những hầm hố được chèn vỏ đồ hộp và gỗ xúc để chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt.
“Hey, nghe tôi nói không? Họ đã mang bữa tối đến chưa?”. 1 người lính hỏi, anh ta đang ngồi trước cửa hầm.
“Họ đã đi lấy đồ ăn từ lâu, và anh thấy đấy, họ vẫn chưa về”, có tiếng trả lời vọng ra từ màn đêm.
“Chắc họ đã phải ẩn náu vào đâu đó, hay họ sẽ không bao giờ trở về được không chừng. Quân địch thường bắn dữ dội vào các bếp dã chiến”.
“Quân chấy rận! Tôi thèm được ăn bữa tối quá”, người lính đang ngồi trước cửa hầm nói với giọng sầu não, rồi ngáp...
Bọn Đức cố thủ trong 1 tòa nhà quá chắc chắn đến mức người ta phải cho chúng nổ tung cùng với những bức tường dày của tòa nhà. Dưới làn đạn dữ dội của những tên Đức cố thủ đang cảm thấy cái chết đang đến gần, 6 công binh mang 10 pood* chất nổ đã thổi bay tòa nhà.

*[1 pood tương đương khoảng 16kg, vì vậy 10 pood thuốc nổ có nghĩa là 160kg, 1 lượng nổ khổng lồ].

Tôi thử tưởng tượng hình ảnh hiện ra trong giờ phút đó - trung úy công binh Chermakov, các trung sĩ Dubovy và Bugaev, các lính công binh Klimenko, Zhukhov và Messereshvili bò dưới làn đạn dọc theo những bức tường đổ, mỗi người mang theo 1,5 pood thứ hóa chất chết chóc, khi đó trước mắt tôi hiện lên hình ảnh những khuôn mặt bẩn thỉu đẫm mồ hôi, những bộ quân phục xơ xác, tôi nhớ tới tiếng hô của trung sĩ Dubov: “Hey, công binh không được sợ!”. Và Zhukhov vừa trả lời vừa chu mồm nhổ đất ra: “Giờ không có thời gian để sợ. Có sợ thì từ trước kia!”. - Tôi đã cảm thấy hết sức tự hào vì họ.
Đây là nơi mà ý nghĩa của các đơn vị đo lường bị đảo lộn, nơi 1 bước tiến chỉ vài mét cũng quan trọng ngang với nhiều km trong điều kiện chiến đấu thông thường, nơi mà khoảng cách tới vị trí địch là ngay ô cửa tiếp theo, tức là đôi khi chỉ hơn chục bước chân. Vị trí đóng sở chỉ huy các cấp theo đó cũng thay đổi, sở chỉ huy cấp sư đoàn cách địch 250m, cấp trung và tiểu đoàn gần hơn nữa với mức tương ứng. “Nếu đường dây liên lạc bị đứt, thật dễ dàng để liên lạc với các trung đoàn cấp dưới chỉ bằng cách hét to”, 1 sĩ quan sở chỉ huy sư đoàn nói 1 cách hài hước. “Bạn cứ gào lên, và họ sẽ nghe được, rồi họ chuyển các mệnh lệnh xuống cho các tiểu đoàn cũng bằng cách đó”... Và trong căn hầm chỉ huy này mọi thứ cứ lộn tùng phèo lên vì bị lắc khi bom và đạn pháo nổ. Các sĩ quan và chỉ huy ngồi phệt dưới đất quanh bản đồ. Và 1 anh giao liên, người luôn xuất hiện trong mọi bài văn về chiến tranh để kêu lên: “Trăng, có trăng kìa!”, thì ở đây ngồi khép nép trong xó, tay cầm điếu markhorka, mặt quay đi để khỏi phà khói thẳng vào mặt các vị chỉ huy.

Sau trận Stalingrad, Grossman nghe được câu chuyện về Gurtyev, sư trưởng Sư 308 Bộ binh, và Zholudev, sư trưởng Sư 37 Bộ binh Cận vệ. Họ đã sát cánh bên nhau trong trận ác chiến tại Nhà máy sản xuất máy kéo, khi những người lính cận vệ của Zholudev bị ép mạnh.

Gurtyev phôn cho Zholudev: “Can đảm lên, tôi có thể giúp anh. Giữ vững nhé!”. Khi Zholudev được lệnh chuyển sang bờ trái (tức là rút lui hoàn toàn khỏi trận đánh), ông đã nói với Gurtyev: “Giữ vững nhé, ông bạn già! Can đảm lên!”. và cả 2 cùng cười.

Ortenberg cũng kể lại 1 sự việc kỳ cục diễn ra trong 1 chuyến đi của Grossman từ Akhtuba đến Stalingrad, Akhtuba là căn cứ hậu phương trên bờ đông sông Volga. “1 lần hồi giữa tháng 10, Grossman nói với các sĩ quan phụ trách chính trị Phương diện quân rằng anh ta sẽ tới thăm tướng Rodimtsev vào ngày mai. Lúc này tại đó đang có 2 thùng quà tặng đầy ự do Hội Phụ nữ Hoa Kỳ chuyển tới qua đường bưu điện, vì vậy Grossman đề nghị mang hộ số quà tặng này cho 2 “phụ nữ can đảm nhất trong cuộc phòng thủ Stalingrad”. Ban Chính trị Phương diện quân quyết định 2 phụ nữ can đảm nhất chắc sẽ được tìm thấy ở Sư đoàn của Rodimtsev, và Grossman là người phù hợp để chuyển số quà tặng này cho họ. Mặc dù không phải là người thích các buổi lễ lạt, Vasily Semyonovich vẫn đồng ý làm việc này dù có hơi miễn cưỡng. Cậu ta vượt sông bằng xuồng máy và đến gặp Rodimtsev. Khi 2 cô gái đã đứng trước mặt họ, các cô tỏ ra rất kích động khi được 1 nhà văn nổi tiếng và 1 vị tướng người hùng trao quà tặng. Các cô cảm ơn rồi bắt đầu bóc quà luôn. Bên trong toàn là đồ bơi dành cho nữ và dép lê để đi trên bãi biển, ai nấy đều ngượng chín người. Những bộ áo tắm kiểu cách trông thật xa lạ với môi trường ở đây, giữa tiếng gầm của đại pháo trong trận chiến Stalingrad”.

17
Gió đã đổi chiều

Các trận đánh trong tháng 10 đã diễn ra liên tiếp cho đến cuối tháng thì chấm dứt do quân Đức đã cạn kiệt lực lượng và thiếu đạn dược. Pháo binh Soviet đã tái tổ chức lực lượng ở bên kia sông và giờ đây có thể giáng những đòn nặng nề vào những điểm tập trung quân Đức, pháo binh còn tỏ ra hiệu quả hơn nữa lúc quân Soviet chuyển sang phản công. Paulus dưới sức ép của Hitler vẫn còn mở các cuộc tấn công nhưng chúng đều chỉ có quy mô nhỏ để tránh pháo binh và các dàn Katyusha Soviet, ngoài ra cũng bởi các sư đoàn Đức đã thiếu hụt lực lượng. Nguy hiểm hơn cả, Paulus đã tuân lệnh Hitler sử dụng lính thiết giáp như bộ binh, điều đó có nghĩa là hắn không còn lực lượng thiết giáp dự bị trong trường hợp bị tấn công bất ngờ.
Hitler bị ám ảnh với việc chiếm Stalingrad - 1 chiến thắng phụ để lấp liếm thất bại của hắn trong kế hoạch chiếm vựa dầu mỏ Caucasus - nên vẫn không dừng việc thúc ép. Ngày 8/11, Hitler đã có bài phát biểu về vấn đề này tại Munich được phát trên đài truyền thanh. “Tôi muốn đến được Volga”, hắn tuyên bố cương quyết, “chính xác chỗ đó, chính xác thành phố đó, để thay cái tên đáng ghét của chính Stalin”. Sau đó hắn còn khoác lác rằng “thời gian bao lâu không quan trọng”.
Hitler không thể sai lầm hơn được nữa, thời gian chính là điều quan trọng nhất. Mùa đông đang đến rất gần, và đây chính là mùa của các cuộc phản công Soviet. Lính Đức gọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa đông là “thời tiết dành cho người Nga”. Grossman, không biết tí gì về các kế hoạch sắp tới, viết thư cho cha vào ngày 13/11, chỉ 1 tuần trước cuộc tổng phản công.

Con làm việc rất nhiều, làm đến stress luôn, và thấy mệt gớm chết. Con không hề có 1 chỗ trú chân ấm áp đúng nghĩa. Thư từ không đến được tay con ở đây, chỉ có 1 lần họ mang cho con cả 1 thùng thư, trong đó có 1 bức thư và 1 postcard của cha... Lúc này thời tiết ở đây thật quá lạnh lẽo.

Cả bộ chỉ huy của Hitler đặt tại Đông Phổ lẫn bộ chỉ huy Tập đoàn quân 6 Đức đều không nhận thức đầy đủ được rằng Stavka (Tổng hành dinh - Bộ chỉ huy tối cao Soviet) tại Moscow đã sử dụng Tập đoàn quân 62 như 1 miếng mồi đặt trong 1 cái bẫy khổng lồ. Quân Đức biết rằng có nguy cơ tồn tại ở các cánh của chúng - phần hậu tuyến cánh trái dọc theo sông Đông do Tập đoàn quân 3 Rumany phụ trách và phần tiền tuyến phía nam Stalingrad do Tập đoàn quân 4 Rumany trấn giữ. Việc quân Soviet tập trung tại các khu vực này đã được phát hiện, nhưng quy mô và mục đích của chiến dịch lại bị đánh giá cực kỳ sai lầm. Mọi ý kiến lo ngại rằng Hồng quân có thể bao vây quy mô lớn Tập đoàn quân 6 theo đúng cách các cụm thiết giáp Đức đã bao vây quân Soviet 1 năm trước đây đã bị coi là không thể xảy ra.
Tướng Chuikov, vẫn còn 1 mình trấn giữ Stalingrad, cũng có những vấn đề của riêng ông. Sông Volga đã bắt đầu đóng băng nhưng chưa đủ cứng. Những cơn mưa tuyết lớn đổ xuống sông có nghĩa là việc vận chuyển qua sông giờ đây trở nên cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên ngày 19/11, Chiến dịch Sao Thổ (Uranus) đã được bắt đầu ở cách Stalingrad 150km về phía tây bắc với 1 cuộc tấn công quy mô lớn vào Tập đoàn quân 3 Rumany. Sáng hôm sau, 1 cuộc tấn công nữa giáng mạnh vào Tập đoàn quân 4 Rumany ở cách Stalingrad 50km về phía nam. Đến trưa ngày 21/11 người Đức đã nhận ra rằng 300.000 người của Tập đoàn quân 6 sắp bị cắt rời mà họ chẳng thể làm gì được.
Grossman đã xin được đi theo Quân đoàn Kỵ binh 4, đơn vị bảo vệ vành ngoài sườn trái của 2 quân đoàn cơ giới đang tấn công. Theo Ortenberg, Grossman đã “chứng kiến việc khởi sự tấn công từ vị trí quan sát của 1 sư đoàn, và sau đó hành quân bộ cùng những người lính đang tiến tới, cậu ta đã mô tả 1 cách hết sức truyền cảm mọi thứ nhìn thấy dọc đường”.

1 người lính đã từng là tù binh chiến tranh trong cuộc Đại Chiến lần trước quan sát 1 chiếc máy bay đang bổ nhào: “Chỉ là 1 cuộc ném bom vớ vẩn”, ông nói.
Mọi người lao lên xung phong, bảo vệ mặt bằng xẻng công binh. Trong 1 cuộc tấn công, 1 khẩu súng trường tốt hơn là 1 khẩu tiểu liên.

Lính Rumany mặc quân phục nâu và đội mũ da cừu kiểu dân Balkan, họ thiếu các trang thiết bị hiện đại và súng chống tăng, chỉ huy tồi. Quân Rumany nhanh chóng ném những khẩu súng trường xuống đất và hô “Antonescu kaputt!”*, nhưng việc đầu hàng không cứu được họ. Hàng nghìn tù binh đã bị bắn không ai có thể kiểm soát nổi, và những con đường phủ đầy tuyết rải đầy những mảnh vụn của đạo quân thua trận.

*[Nguyên soái Ion Antonescu (1822 - 1946), nhà độc tài Rumany, đồ đệ trung thành nhất của nước Đức trong cuộc xâm lược Liên Xô. Tuy nhiên việc các đội quân trang bị yếu kém của hắn tan vỡ dễ dàng trong trận Stalingrad khiến người Đức cực kỳ oán hận kẻ đồng minh mang đến toàn vận rủi này]

Binh lính đang hành quân, tinh thần của họ giờ mỗi lúc 1 cao. “A, khi nào tới Kiev chắc sẽ rất tuyệt”. Người khác nói: “A, tôi thích tới Berlin!”.
1 hình ảnh: 1 hỏa điểm bị 1 chiếc xe tăng tiêu diệt, tại đó có 1 tên Rumani đã bị là phẳng, chiếc tăng đã chèn qua hắn, khuôn mặt hắn biến thành 1 bức phù điêu. Bên cạnh hắn là 2 lính Đức cũng đã bị nghiền nát. Còn có 1 chiến sĩ ta nằm trong hào, bị chôn vùi 1 nửa.
Mặt đất đầy vỏ đồ hộp, lựu đạn, những mảnh băng rướm máu và những trang tạp chí Đức. Quân ta ngồi lẫn lộn giữa những xác chết, cắt từng miếng thịt của 1 con ngựa chết bỏ vào vạc nấu, huơ huơ đôi bàn tay lạnh giá trước ngọn lửa.
1 xác lính Rumani nằm cạnh xác 1 lính Nga giữa chiến địa. Người lính Rumani có 1 tập giấy đầy những bức vẽ trẻ con vẽ những con thỏ hay những con tàu. Người lính Nga có 1 bức thư: “Buổi chiều tốt lành, hay có khi là buổi tối tốt lành, con chào bố...”.  Và cuối thư viết: “Về với con đi, vì khi bố không ở đây con về nhà mà thấy nó cứ như nhà thuê. Con nhớ bố nhiều. Về thăm con cũng được, con ước được nhìn thấy bố, dù chỉ 1h. Con đang viết đây mà nước mắt rơi. Con gái Nina của bố”.

Trong cuộc tiến công thần tốc, chiến tuyến trở nên không rõ ràng, Grossman đã gặp phải 1 nguy hiểm bất ngờ. Khi đó ông đang đi cùng với Aleksei Kapler, đạo diễn phim và là mối tình đầu của Svetlana Stalin. Vì đã liều mạng làm cô con gái rượu của nhà độc tài phải lòng, năm 1943 Kapler đã bị người của Beria cho ăn đòn và tống đi trại Gulag trong 10 năm. Sau khi Stalin chết, Kapler đã kể lại chuyến đi cùng với Grossman này. “Chúng tôi lang thang qua 1 căn nhà trống và quyết định ở lại đây đêm nay. Sau đó có vài binh lính xuất hiện, chúng tôi nhìn thấy bóng họ in trên trần nhà và nhận ra đó không phải quân ta vì mũ sắt không giống. Thì ra chúng là lính Rumani. May thay chúng không phát hiện ra chúng tôi và bỏ đi”.
Lính Hồng quân đã vô cùng giận dữ khi phát hiện ra đám tù binh Rumani đã từng cướp bóc nhà cửa của dân địa phương. “Khăn trùm đầu của các bà già và khuyên tai, khăn bàn, váy, tã trẻ con, áo choàng sáng màu của các cô gái. 1 tên lính có tới 22 đôi tất trong tư trang”.
Vui sướng nhất là những người dân mới đuợc giải phóng.
“Làm thế nào mà chúng tôi nhận ra quân ta tới á? Chúng tôi nghe ngóng bên cửa sổ: “Yegor, tiếng máy nổ nghe khác hẳn! Quân ta rồi!”, chúng tôi hò reo”.
Họ nhanh chóng nói rõ những việc làm ghê tởm của bọn lính Rumani, những kẻ đã học theo bọn Đức đánh đập thường dân cho đến khi họ phải khai ra chỗ cất giấu lương thực.

Bọn Rumani. 1 ông cụ gọi chúng là “bọn Thổ Nhĩ Kỳ”. Thực ra chúng là dân Digan, chúng luôn nói: “Chiến tranh thật xấu xa, chúng tôi sẽ về nhà”. Nhưng chúng đã đánh ông cụ 4 lần bằng roi, buộc ông đi thu hoạch lúa mì về rồi chúng lấy sạch không sót chút gì, đóng thùng lương thực để ăn dần.

1 số thường dân cũng gặp phiền phức vì những hoạt động của quân đội Soviet*.
1 bà cụ kể cho chúng tôi nghe việc phi công ta đã làm bà bị thương: “Hắn thả 1 trái bom, thằng chó đẻ, ĐM nó chứ”, bà nói với giọng giận dữ, sau đó nhìn thấy 1 viên chỉ huy đang tháo ủng bà vội sửa lại: “Chó đẻ, cún con ấy mà. Giờ chả còn con bò nào, không có con nào để dắt đi chăn, không có con nào để dắt về. Chúng tôi chẳng còn vật nuôi nào nữa”.

*[Những ghi chép của Grossman đã được tập hợp trong bài viết “Trên đường tiến quân” của ông viết về cuộc phản công ở nam Stalingrad]

Băng trôi trên sông Volga, những khối băng nghiến ken két, vỡ ra khi húc vào nhau, mặt sông gần như phủ đầy băng. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy được vài khoảng nước trên suốt bề rộng con sông. Volga như 1 dải băng trắng trôi giữa 2 bờ tối đen không có tuyết phủ. Lẫn trong băng là những cành cây, những xúc gỗ, 1 con quạ lớn đang đậu trên 1 mảng băng trôi. Xác 1 lính thủy Hồng quân mặc sơmi có sọc ngang đen trắng trôi qua, thủy thủ trên 1 con tàu hàng chạy bằng hơi nước vớt anh lên. Thật khó để kéo xác anh lên khỏi mặt sông băng, xác anh dính chặt vào băng mất rồi, như thể anh không muốn rời khỏi dòng sông Volga, nơi anh đã chiến đấu và hy sinh.
Những chiếc phà chở đầy tù binh Rumani vượt qua trước mặt chúng tôi. Tù binh đứng trên phà, khoác những tấm áo choàng chật chội, đội mũ trắng cao, dậm dậm chân, xoa xoa đôi bàn tay lạnh giá. “Giờ chúng đã đến được Volga”, những người lái phà nói.
1 tốp 200 tù binh thường được dẫn giải đi chỉ với 2 - 3 lính canh. Đám Rumani đi rất có tổ chức, 1 số tốp thậm chí còn sắp thành hàng và bước đều khiến những người nhìn thấy cảnh đó phải bật cười... Tù binh lũ lượt đi qua thành từng tốp, phát ra tiếng kêu lanh canh từ đồ hộp và chai lọ bẩn thỉu mà chúng đeo theo người bằng thừng hay dây thép, vai khoác những tấm chăn đủ màu. 1 phụ nữ vừa nói vừa cười: “Oh, những tên Rumani này đi trông giống hệt dân Di gan”.
Xác lính Rumani nằm dọc các con đường; những khẩu pháo bị bỏ lại ngụy trang bằng cỏ khô của thảo nguyên vẫn còn chĩa về hướng đông. Những con ngựa đi lang thang trong các balka, kéo lê phía sau những cỗ xe đã gãy hỏng, những chiếc ô tô trúng đạn pháo vẫn còn bốc khói xám xanh. Trên đường những chiếc mũ sắt trang trí huy hiệu hoàng gia Rumani vứt bừa bãi cùng hàng ngàn băng đạn, lựu đạn, súng ống. 1 hỏa điểm của quân Rumani: ngọn núi trống không, những băng đạn bám đầy bồ hóng nằm vương vãi trong những ổ súng máy, hàng tập giấy viết trắng tinh bị vứt dưới giao thông hào. Thảo nguyên mùa đông vốn có màu nâu giờ biến thành màu đỏ gạch vì máu. Những khẩu súng trường vỡ báng vì đạn Nga. Và hàng đàn tù binh vẫn diễu qua chúng tôi liên miên.
Tù binh bị khám người trước khi chuyển về hậu phương. Hàng đống tư trang của phụ nữ nông dân đã được tìm thấy trong ba lô và túi quần túi áo của bọn Rumani trông thật đáng cười và đáng khinh. Có khăn trùm đầu của các bà già, khuyên tai phụ nữ, đồ lót, váy, tã lót. Càng đi xa chúng tôi càng thấy nhiều xe cộ và súng ống bị bỏ lại. Có đủ xe tải, xe thiết giáp và xe con chở sĩ quan.
Chúng tôi tới Abganerovo, 1 bà cụ nông dân kể cho chúng tôi về 3 tháng sống dưới ách chiếm đóng. “Mọi thứ ở đây đều trở nên trống rỗng, chẳng còn 1 tiếng gà mái cục tác, 1 tiếng gà trống gáy. Không còn 1 con bò nào để dẫn đi chăn buổi sáng và dẫn về chuồng buổi tối. Bọn Rumani đã cướp đoạt mọi thứ. Chúng đánh tất cả đám già cả tụi tôi: người thì vì bị báo là không đi làm, người khác thì vì đã mó máy vào lúa mì của chính mình. Starosta (trưởng làng do bọn phát xít chỉ định ở những vùng chiếm đóng) làng Plodovitaya đã bị chúng cho ăn roi 4 lần. Chúng đã mang con trai tôi đi, nó bị què, cùng với 1 bé gái và 1 bé trai 9 tuổi. Chúng tôi kêu khóc suốt 4 ngày mong chúng trở về”.
Ga Abganerovo đầy trang thiết bị thu được của địch, bọn Đức đã thay thế đường tàu ở đây*.
*[Kích thước đường ray tàu hỏa ở Nga khác với ở Tây Âu]
Có những toa chở hàng của Pháp, Bỉ và cả của Ba Lan. Có những đoàn tàu chất đầy bột mì, ngô, mìn, đạn pháo, mỡ chứa trong thùng lớn hình vuông, những toa hàng chất đầy ủng valenki rẻ tiền có đế bằng gỗ dày, mũ da cừu, máy móc, đèn pha. Những teplushkas (toa tàu có sưởi) y tế trông thật thảm hại vì cuộc rút chạy cuống cuồng của địch đã khiến những chiếc giường phủ đầy giẻ bẩn. Lính tráng càu nhàu khi phải mang những bao bột mì ra khỏi toa hàng chất lên xe tải, mỗi bao đều có hình con đại bàng Nazi in đậm trên vỏ bao.
Khuôn mặt những người lính Hồng quân đỏ au vì những đợt gió mùa đông lạnh buốt. Chiến đấu trong điều kiện thời tiết này thật không dễ dàng gì. Trong những đêm đông dài, ngọn gió băng giá của thảo nguyên có thể xuyên qua mọi thứ. Nhưng những chiến sĩ vẫn vui vẻ hành quân, vì đây là đi đến Stalingrad. Quân đội ta lúc này có tinh thần đặc biệt cao.

Kể từ ngày 26/11, hơn 1/4 triệu quân của Tập đoàn quân 6, cấp tổ chức lớn nhất trong quân đội Wehrmacht, do Paulus chỉ huy đã bị bao vây giữa sông Volga và sông Don. Hồng quân do đánh giá thấp quy mô của lực lượng đang bị bao vây này nên đã ngay lập tức mở hàng loạt đợt tấn công nhằm đập tan vành đai phòng thủ, nhưng người Đức tin rằng Hitler sẽ không bao giờ bỏ rơi họ đã chống trả kịch liệt.

1 ngày đẹp, trời trong sáng. Pháo chuẩn bị. Katyusha. Ivan Hung đế. Gầm rú. Khói bụi mù mịt. Và thất bại. Bọn Đức đã rúc kỹ dưới hào, và quân ta không thể trục chúng ra.

Thời tiết mỗi lúc 1 xấu đi, tuyết rơi và băng đóng cứng làm giảm cơ hội đánh tháo ra của Tập đoàn quân 6. Hồng quân quen thuộc với những điều kiện thời tiết này hơn nhiều.

Trận tuyến trên thảo nguyên trong mùa đông. Hố cá nhân được trùm vải bạt, lò sưởi được làm từ mũ sắt, ống khói làm bằng vỏ đạn pháo, nhiên liệu là cỏ dại. Trên đường tiến quân, 1 người lính mang theo cả 1 ôm cỏ khô, người khác ít vỏ bào, người thứ 3 mang vỏ đạn, thứ 4 mang lò sưởi.

Đầu tháng 12, Grossman quay lại bờ đông đối diện với Stalingrad. Ông viết cho Tổng biên tập tờ Krasnaya Zvezda.

Thưa đồng chí Ortenberg, tôi đang có kế hoạch tới thành phố ngày mai, tôi muốn viết 1 bài dài*, nhưng tôi nhận thấy tôi phải trì hoãn việc này và bỏ chút thời gian thu thập tài liệu trong thành phố. Do hiện nay việc vượt sông rất phức tạp** nên chuyến đi của tôi sẽ kéo dài ít nhất 1 tuần. Đó là lý do đồng chí không nên tức giận nếu bài viết của tôi chậm gửi cho đồng chí. Tại thành phố, kế hoạch của tôi là sẽ phỏng vấn Chuikov, các sư trưởng và đến thăm các đơn vị tiền tuyến. Cũng phải nói rằng tôi rất muốn trở về Moscow vào khoảng tháng 1, tôi sẽ rất biết ơn nếu đồng chí có thể triệu hồi tôi vào lúc đó. Thực tế tôi cảm thấy hơi quá tải vì áp lực gửi bài và kiệt sức sau 3 tháng căng thẳng vừa qua ở Stalingrad. Nếu có điều gì không may bất ngờ xảy ra với tôi trong chuyến vào thành phố sắp tới, mong đồng chí giúp đỡ gia đình tôi. Vasily Grossman.

*[Tất nhiên hầu hết các bài viết của Grossman là viết về những người lính Stalingrad]

**[Sông Volga vẫn chưa đóng băng cứng, vì vậy việc vượt sông là cực kỳ nguy hiểm và không thể đoán lúc nào qua được]

Grossman đã vượt được sông và tới sở chỉ huy Tập đoàn quân 62. Mọi việc đang rất khẩn trương vì lúc này đang thiếu hụt đạn dược cũng như lương thực cho việc bao vây quân Đức. Lực lượng phòng thủ còn lại của chúng được tiếp tế hoàn toàn nhờ vào đường không qua sân bay Pitomnik nằm ở trung tâm khu vực bị bao vây. Goering đã nói với Hitler rằng hoàn toàn có thể tiếp tế cho Tập đoàn quân 6 bằng đường không mặc dù các tướng lĩnh Luftwaffe đã cảnh báo hắn rằng nhiệm vụ to lớn này là không thể thực hiện được. Binh lính Tập đoàn quân 6 được tuyên truyền để giữ vững niềm tin hão huyền rằng 1 tập đoàn quân thiết giáp SS đang tới tiếp viện. Tướng Chuikov nói với Grossman: “Có tin đồn lan truyền trong bọn Đức rằng đích thân Hitler đã tới thăm Pitomik và phát biểu tại đó như sau: “Hãy đứng vững! Tôi đang dẫn quân đội ta đến cứu các bạn”. Và hắn ăn mặc như 1 cai đội”.
Tin đồn này lan khắp mặt trận cũng giống như 1 câu chuyện bốc phét tương tự bên phe Soviet rằng trong những ngày tuyệt vọng tháng 9 đích thân Stalin đã đến thăm Stalingrad.
Chuikov nói qua tình hình Tập đoàn quân 62 của ông, thực tế tập đoàn quân cũng đang phải đối mặt với việc không thể tiếp tế qua sông Volga chưa đóng băng hẳn. Việc trao đổi thông tin với bờ đông cũng hầu như hoàn toàn phải dùng điện đài vì mọi dây liên lạc hữu tuyến đều bị băng cắt đứt. Thuận lợi lớn nhất của tập đoàn quân lúc này là đã di dời hết các điểm tập trung pháo binh bên bờ tây sang bên kia sông nên không cần quan tâm đến việc tiếp tế đạn pháo.
Grossman mô tả boongke của Chuikov trong bài viết tiêu đề “Hội đồng quân sự”.

Khi có ai bước vào boongke hay các hầm ngầm dành cho sĩ quan và binh lính, người đó sẽ cảm thấy mong ước cháy bỏng được giữ lại khoảnh khắc đặc biệt độc nhất vô nhị này trong đời. Những cái đèn và ống thông hơi làm từ vỏ đạn pháo, cốc tách cũng làm từ vỏ đạn đặt trên bàn cạnh những cặp kính. Cạnh 1 quả lựu đạn chống tăng là 1 cái gạt tàn bằng sứ trên có dòng chữ “Hỡi những bà vợ, chớ làm chồng các bà nổi giận”. Trong boongke tham mưu trưởng có 1 đống tướng đèn điện, Chuikov cười bảo: “Vâng, nó là 1 cây đèn chùm. Chúng ta đang sống trong 1 thành phố phải không?”. Có cả tiếng nhạc kịch của Sêchxpia trong nhiệm sở dưới lòng đất của tướng Gurov... Tất cả đều có ấm samova và máy hát, bát đựng đường gia đình màu xanh, gương tròn đế gỗ đặt sát những bức tường đất của mỗi căn hầm. Tất cả những thứ đó thường được thấy trong 1 căn hộ yên bình, chúng đã được cứu ra khỏi những căn nhà cháy.

Grossman mặc dù cực kỳ sung sướng với chiến thắng chắc chắn sẽ tới trước Tập đoàn quân 6 nhưng càng ngày càng bực mình với cách mà ban biên tập tờ Krasnaya Zvezda sửa chữa các bài viết của ông. Ông viết cho vợ về chuyện này hôm 5/12.

Anh làm việc rất nhiều. Em có thể nhìn thấy điều đó trên báo. Giá mà em thấy được cả việc họ đã cắt xén và xuyên tạc những bài viết của anh như thế nào, và không chỉ có thế, họ còn nhét thêm những đoạn mới vào mấy bài viết khốn khổ của anh, có lẽ em sẽ khó chịu hơn là vui sướng khi thấy các bài viết của anh toàn những điều tươi sáng. Ban biên tập đã đề ra quy định cắt bỏ phần kết của mọi bài viết, thay các dấu chấm phẩy, bỏ qua những đoạn mô tả anh đặc biệt thích, thay tiêu đề và thêm vào những đoạn như này: “Niềm tin và tình yêu này đã gần như tạo nên phép màu”. Việc biên tập vội vàng này do các biên tập viên cao cấp làm hẳn hoi, và thỉnh thoảng anh phải đọc đi đọc lại 1 đoạn mới hiểu nó có nghĩa gì. Tất cả những cái đó làm anh cực kỳ khó chịu vì anh đã viết nên chúng trong những điều kiện cực kỳ khó khăn...

Tập đoàn quân 62 của Chuikov liên tục thiếu đồ hậu cần - bao gồm cả markhorka và vodka - trong suốt thời gian băng trên sông Volga đóng chưa đủ dày. Cuối cùng, ngày 16/12 mặt sông mới đóng băng hết. Đầu tiên người ta làm 1 cái cầu bằng ván gỗ cho người đi bộ qua sông. Sau đó là làm hẳn thành 1 con đường bằng cành cây được giội nước lên để gia cố mặt băng, khi các cành cây ướt đóng băng cứng lại thì xe tải thậm chí pháo hạng nặng cũng đi qua được. “Băng đóng tốt!”. Những người lính Hồng quân viết thư về nhà như vậy 1 cách sung sướng. Được biết trong chưa đầy 2 tháng, 18.000 xe tải và 17.000 xe cộ khác đã vượt sông qua cầu băng. Grossman chào mừng sự tiến triển này qua bài viết tiêu đề “1 ngày mới”.

Tất cả những người trong cả trăm ngày qua đã trấn giữ bến phà qua sông Volga và qua lại trên dòng sông băng xám xịt đều nhìn thẳng vào đôi mắt tàn nhẫn và giảo hoạt của thần chết. Mỗi ngày lại có ai đó hát lên bài hát về những người đã vĩnh viễn ngủ say trên chiếc giường mang tên Volga...
Đêm xuống, chúng tôi có thể đi bộ qua sông Volga. Băng đã đóng được 2 ngày và không còn uốn cong dưới chân nữa. Ánh trăng soi tỏ con đường tạo bởi những vết xe trượt tuyết kéo dài mãi không dứt. 1 lính giao liên đi trước chúng tôi, nhanh nhẹn và tự tin như thể anh ta đã đi trên con đường này suốt nửa cuộc đời. Bất thần có tiếng băng nứt, người giao liên tới 1 mảng băng trống trải và rộng, dừng lại rồi nói: “Aha! Chúng ta sẽ phải đi qua 1 con đường xấu, giữ ở bên phải tôi”. Giao liên bao giờ cũng trấn an bằng những lời ngắn gọn dứt khoát, luôn đưa bạn vào những nơi an toàn.
Những chiếc sà lan bị đạn pháo bắn nát đã đóng cứng vào băng. Những sợi cáp phủ băng lấp lánh sáng xanh. Đuôi sà lan dựng ngược lên, tạo thành mái vòm che những chiếc thuyền máy đã chìm.
Chiến sự vẫn tiếp diễn ở khu vực các nhà máy... Đại bác bắn với những tiếng bang, tiếng gầm, sau đó là tiếng nổ của quả đạn dội lại khô khốc và vang vọng. Thông thường, những loạt đạn súng máy và tiểu liên có thể nghe thấy rõ, thứ âm nhạc này thường lén lút vang lên giữa những xưởng máy yên tĩnh, nghe giống như tiếng tán đinh hay tiếng búa máy nện xuống thanh thép, là phẳng nó ra. Cũng giống như thép nóng chảy và xỉ quặng tuôn vào khuôn, những tiếng nổ cũng thắp sáng dòng sông băng tinh khiết Volga trong sắc hồng rực rỡ.
Mặt trời mọc rọi sáng cạnh những hố bom lớn, đáy của những cái lỗ đáng sợ này vẫn luôn tăm tối. Ánh mặt trời sợ phải chạm đến chúng...
Mặt trời tỏa sáng trên hàng trăm đoạn đường tàu rải rác đầy những toa xi téc nằm đó như những con ngựa chết với thùng téc vỡ toác; nơi đó hàng trăm toa hàng lật ngang toa này nằm ép vào trần toa khác, chúng bị thổi tới đó vì sức ép của 1 vụ nổ, nằm túm tụm quanh đám đầu tầu lạnh lẽo như thể đám đông hoảng sợ xúm quanh những người lãnh đạo.
Chúng tôi đang đi trên mảnh đất hoang tàn đầy hố bom và đạn pháo - những tên bắn tỉa và lính canh Đức có thể nhìn khắp khu vực này dễ dàng, nhưng người lính Hồng quân gầy gò khoác áo choàng vẫn đi bên tôi 1 cách bình thản và chẳng có vẻ gì vội vã. Anh giải thích đơn giản: “Đồng chí cảm thấy tốt hơn nếu chúng không thể nhìn thấy ta à? Hừ, chúng có thể đấy. Ở đây chúng tôi thường phải bò vào ban đêm, nhưng giờ thì khác: chúng phải tiết kiệm số đạn còn lại”.
Đi qua 1 đống phế phẩm kim loại han rỉ, đi qua 1 cái gầu múc thép nóng chảy khổng lồ, đi qua những tấm thép và những bức tường đổ. Những người lính Hồng quân đã quá quen thuộc với những tàn phá ở đây đến nỗi quên cả việc chú ý đến tất cả những điều đó. Ngược lại, điều được xem là thú vị ở đây là có 1 khu nhà văn phòng điều hành của nhà máy đã bị phá hủy hoàn toàn nhưng còn 1 ô cửa sổ vẫn nguyên vẹn, 1 ống khói cao, 1 căn nhà gỗ cũng vẫn sống sót 1 cách phi thường. “Nhìn kìa, căn nhà này vẫn còn sống”, những người đi qua vừa thốt lên vừa cười.

Không có gì ngạc nhiên, đến giữa tháng 12 thì Grossman đã tỏ ra khổ sở quá mức vì tình trạng căng thẳng triền miên, ông đã viết thư cho cha 1 lần nữa.

Con nghĩ con sẽ về Moscow vào tháng 1. Con ổn nhưng rất căng thẳng thần kinh. Con đã trở nên cáu kỉnh và dễ bị kích động nên thường xuyên công kích các đồng sự. Giờ họ phát sợ con. Con không thể rời chỗ này ngay và cũng không muốn thế. Cha xem, giờ vận may đã trở lại với quân ta, không ai muốn rời khỏi đây khi đã chứng kiến qua những thời khắc khó khăn ác liệt nhất.

Khi ngày rời Stalingrad đã đến gần, Grossman trở nên càng lúc càng lơ đãng với những gì ông đã phải trải qua.

Những người lính Hồng quân tắt máy hát. “Bật đĩa hát nào tiếp theo đây?”. 1 người hỏi. Nhiều tiếng nói cất lên: “Đĩa này”. “Đĩa kia”.
Sau đó 1 điều khác lạ xảy ra. Trong khi những người lính đang chọn đĩa, tôi nghĩ: Thật tuyệt nếu được nghe bài hát ưa thích của mình trong căn nhà đổ cháy đen này. Và bất thần, trong không khí trang nghiêm, tiếng hát u buồn cất lên: “Cơn bão tuyết đang gào thét ngoài cửa sổ...”. Những người lính Hồng quân chắc cũng rất thích bài hát này, mọi người ngồi lặng im, chúng tôi nghe đi nghe lại bài hát đến cả chục lần:
Hỡi Thần Chết, chúng tôi xin người,
Xin hãy đợi ngoài kia”.
Những lời ca và bản nhạc bất hủ của Beethoven vang lên tại đây mạnh mẽ không sao tả xiết. Với tôi, đây có lẽ là khoảnh khắc xúc động nhất trong cả cuộc chiến... Và tôi nhớ tới những bức thư nhỏ bé viết bởi bàn tay trẻ con tìm thấy bên 1 người lính hy sinh trong 1 cứ điểm. “Buổi chiều tốt lành, hay có khi là buổi tối tốt lành, con chào Tyatya (bố)...”. Và tôi nhớ đến người Tyatya đã hy sinh, chắc anh đã đọc bức thư đó khi sắp chết, và tờ giấy bị vò lại nằm bên đầu anh.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét