Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

Vasily Grossman - Nhà văn chiến trường (P3)

Vasily Grossman - Nhà văn chiến trường
(Sách viết về người phóng viên Soviet đi cùng Hồng quân trong suốt WW2, từ năm 1941 đến 1945).

Biên dịch: Antony Beevor (Tác giả cuốn “Stalingrad”) và
Luba Vinogradova

Phần Ba
Giành lại những vùng tạm chiếm
1943

18
Sau trận chiến

Trong tháng 12/1942, trận chiến Stalingrad giảm dần cường độ trong khu vực thành phố. Chiến sự ác liệt chỉ còn diễn ra bên ngoài trên những thảo nguyên băng giá giữa 2 con sông Volga và Don, tại đây 7 Tập đoàn quân Soviet bao vây đang cố đập tan sự chống cự ngoan cố của Tập đoàn quân 6 và bỏ đói chúng. Nhưng quân Đức (Wehrmacht) trong vòng vây vẫn còn mạnh. Trong thành phố, có cảm giác các bên đều chống lại việc đẩy mạnh chiến sự xuất phát từ sự pha trộn giữa những suy nghĩ muốn xả hơi, nghỉ ngơi và nỗi buồn vì những tổn thất khủng khiếp. Grossman đã xúc động sâu sắc khi phát hiện ra mộ của người cháu họ hôm 29/12.

Mộ của Yura Benash nằm bên sở chỉ huy của Mikhailov - bạn phải leo ra đằng sau nó. Sở chỉ huy nằm trên vách đá cao, 4 ngôi mộ nằm ngay sau vách đá đó.

Ông viết về chuyện này cho vợ ngay sau khi trở lại bờ đông.

Lyusenka yêu quý nhất của anh, anh vừa từ thành phố về đây, anh định viết vài câu chuyện mà. Anh vượt sông bằng cách đi bộ trên mặt băng. Chuyến đi vừa rồi gây cho anh xúc động sâu sắc. Tưởng tượng xem, người yêu của anh, anh đã thấy mộ của Yura Benash, con trai của Vadya, nằm trên vách đá nhìn xuống sông Volga. Anh đã tìm gặp trung đoàn trưởng của cậu ấy và ông đã kể chi tiết về trường hợp của Yura. Yura là 1 tiểu đoàn trưởng, cậu ấy đã chiến đấu như 1 người anh hùng. Đại đội chống tăng của cậu ấy đã bắn hạ 16 xe tăng địch. Cậu ấy đã dẫn đầu nhiều cuộc xung phong, mọi người đều nói về cậu ấy với sự khâm phục. Cậu ấy biết anh đang ở đây và đã cố tìm gặp anh thông qua bộ phận tiền phương của tòa soạn, cậu ấy còn viết nhiều thư cho anh nữa nhưng anh không hề nhận được 1 bức nào trong số đó. Vậy đấy, giờ thì anh đã tìm thấy cậu ta.
...Lyusenka, quá nhiều điều đã diễn ra trước mắt anh, quá nhiều điều nặng nề mà tâm hồn, con tim, khối óc của anh phải vượt qua, trí nhớ của anh phải ghi lại và chúng vẫn còn tiếp tục. Anh cảm thấy mình đã ngập đến tận cổ giữa những thứ đó... Ngày mai anh sẽ thử ngồi viết 1 bài thật dài.

Cùng lúc ông cũng viết 1 bức thư tương tự cho cha, cho biết Yura đã được nhận Huân chương Sao Đỏ và hy sinh trong 1 vụ nổ 1 tháng trước đây.

Chẳng ai khóc cho cậu ấy - cả mẹ và bà... Con đã đi lang thang suốt mấy ngày vừa rồi, nhìn thấy nhiều điều thú vị, giờ con sẽ ngồi xuống và viết. Con muốn biết 1 cái gì đó dài và nghiêm túc... Con chưa biết sẽ viết về cái gì, có quá nhiều suy nghĩ và cảm xúc, con chưa biết bắt đầu từ đâu. Khi nào gặp cha con sẽ ngồi trên cái sa lông đỏ mà nói chuyện chán chê mê mỏi.

Sau trận đánh quyết định và ác liệt Stalingrad, Grossman nhận ra 1 điều rất khó chấp nhận rằng số phận có thể thay đổi theo cách hoàn toàn khác, rằng sự chia ly có thể diễn ra rất nhanh chóng và bất thần chỉ trong những khoảnh khắc ngắn ngủi.

Một trung đoàn trưởng rời khỏi trung đoàn của mình. Chẳng có lời chia tay nào: “Điền vào đây”. “Đúng, đúng”. Rồi đi cuống cuồng. Vậy mà người đàn ông này đã trải qua tất cả những thử thách gay go nhất của trận chiến Stalingrad.

Cuộc chia tay của chính Grossman với mảnh đất này được viết thành bài báo tiêu đề “Hôm nay ở Stalingrad”, đăng trên tờ Krasnaya Zvezda.

Mặt trời mùa đông mọc trên những nấm mộ tập thể, trên những hầm mộ do đồng đội tự làm ngay tại nơi những người hy sinh ngã xuống vì cuộc tấn công tổng lực của kẻ thù. Có những xác chết vẫn còn nằm trong đống đổ nát của các nhà máy, dưới những con hào và trong những balka. Giờ họ đang say ngủ ngay tại nơi họ từng chiến đấu khi còn sống. Những ngôi mộ nằm ngay bên chiến hào, boongke, tường đá trổ lỗ châu mai, họ đã không bao giờ đầu hàng, đó là biểu tượng vĩ đại mà bình thường nhất của lòng trung thành với Tổ quốc, lòng trung thành được tưới bằng máu.
Mảnh đất linh thiêng! Ai cũng muốn giữ lại nơi đây một chỗ tưởng niệm để thành phố mới sau này sẽ nhắc nhở mọi người về chiến thắng của tự do. Một thành phố sẽ mọc lên từ đống đổ nát sẽ mang trong mình nó tất cả ký ức - những căn hầm ngầm, những đường giao liên chằng chịt, những khẩu cối hạng nặng thò nòng lên khỏi những boongke và hầm trú ẩn, hàng trăm người khoác áo jacket và áo choàng trần bông, đội mũ ushanka làm ngày làm đêm không nghỉ để phục vụ chiến tranh, cắp nách những quả mìn như cắp một ổ bánh mì, gọt khoai tây bằng đầu nòng pháo, cãi vã, hát hỏng trong tiếng thì thào, nói chuyện về những trận chiến bằng lựu đạn suốt đêm. Họ đã biểu hiện chủ nghĩa anh hùng thật vĩ đại mà cũng thật đơn giản.

Grossman cảm thấy ngạc nhiên và uất ức khi Ortenberg lệnh cho ông rời Stalingrad chuyển sang Phương diện quân Nam.

Chúng tôi rời Stalingrad vào ngày đầu Năm Mới, chuyển tới Phương diện quân Nam. Thật buồn! Có cảm giác nơi đây đã trở thành 1 phần cuộc đời tôi, trong suốt cuộc chiến này tôi chưa bao giờ có cảm giác đó.

Ortenberg đã quyết định thay Grossman bằng Konstantin Simonov, người sẽ được bao bọc trong vinh quang của chiến thắng cuối cùng. Simonov đã tới thăm Stalingrad cùng Ortenberg trong tháng 9 (nơi họ đã ngủ quên trong boongke của Yeremenko và Khrushchev đặt trên bờ tây và khi tỉnh dậy mới phát hiện ra toàn bộ sở chỉ huy Phương diện quân đã biến mất trong đêm để chuyển sang bờ đông). Grossman là phóng viên tờ Krasnaya Zvezda đã bám trụ trong thành phố lâu nhất, Ilya Ehrenburg là 1 trong những người cho rằng quyết định này là bất công và phi lý. “Tại sao tướng Ortenberg lại lệnh cho Grossman tới Elista và gửi Simonov tới thay? Tại sao không để Grossman chứng kiến thời điểm kết thúc trận đánh? Đó là điều tôi vẫn không thể hiểu nổi. Những ngày tháng ở Stalingrad đã in đậm trong tâm trí Grossman thành 1 phần quan trọng nhất, không thể tách rời”.
Grossman viết cho cha ngay trước khi rời Stalingrad.

Vậy đấy, cha ạ, con sẽ nói lời chia tay với Stalingrad vào ngày mai và đi Kotelnikovo, tiếp sau đó là Elista. Con đi mà thấy buồn, cha biết đấy - như thể con phải xa lìa 1 người con yêu quý với rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc. Những cảm giác thất vọng, có ý nghĩa, kiệt sức, không thể quên đã hòa quyện với thành phố này, thành phố với con đã trở nên như 1 con người. Cha, tình hình mặt trận đang tốt đẹp lên, và tinh thần con giờ đã tốt hơn.

Phương diện quân Nam phụ trách 1 vùng đất trải rộng qua Kalmykia, từ vùng thảo nguyên trơ trụi phía nam Stalingrad cho tới bắc Caucasus, nơi Thống chế Von Manstein đã phải cùng Cụm Tập đoàn quân A rút chạy tóe khói. Cuộc tổng phản công thứ 2 của quân Soviet trong nửa cuối tháng 12, Chiến dịch Sao Thổ Nhỏ, đã đe dọa đường lui của quân Đức qua biển Azov. Cuộc lui binh vội vã này đã cho Grossman thấy được cuộc sống dưới ách chiếm đóng của bọn Đức, đặc biệt là tại Elista, thủ phủ vùng này, cách Astrakhan khoảng 300km về phía tây.

Thảo nguyên Kalmykia. Tuyết và bụi vàng quyện với nhau thành 1 thứ tuyết màu vàng trắng bị gió cuốn tung trên mặt đường. Không có nhà cửa gì cả, tất cả đều im lặng, không nơi nào có sự tĩnh lặng tuyệt đối như ở đây. Các con đường đều đã bị đặt mìn. “Các anh đi trước đi”, mọi người đùa: “Chúng tôi còn hút thuốc và ăn sáng chút”. “Và chúng tôi còn phải đổ thêm ít xăng vào bình!”. “Và chúng tôi còn phải đun chút tuyết để đổ đầy bộ tản nhiệt”. Thật là 1 con đường lắm mìn kinh khủng. 1 chiếc thiết giáp, 1 chiếc xe tải, lại 1 xe tải nữa, tiếp theo là 1 chiếc xe con, tất cả đều bị phá hủy vì mìn. Những xác chết bị thổi bay khỏi xe vì sức nổ. Xác những con ngựa với cái bụng vỡ toác nằm sát nhau y như lúc chúng vẫn còn đang kéo xe. Lại 1 chiếc xe tải nữa. Những trái mìn thật đáng sợ.
Im lặng và hoang vắng. 1 con chó đang chạy dọc con đường, miệng cắn 1 khúc xương người. 1 con chó khác chạy theo sau, đuôi quặp giữa 2 chân sau. Các làng mạc - đàn ông đã đi sạch... Trong 1 căn nhà kiểu Nga, Đoàn viên Komsomol Bulgakova sống cùng đứa con nhỏ. Cô là người duy nhất trong cả vùng này vẫn còn giữ thẻ Đoàn viên giấu dưới đống kizyak*.
*[Phân khô ép thành bánh dùng làm nhiên liệu đốt lò].
Có tiếng máy hát, sự ấm cúng và cả sợ hãi nơi đây. Có nhiều kẻ cướp trong vùng. 1 người đàn ông trở về từ trại tù binh chiến tranh. Anh là ai? 1 tên gián điệp hay 1 người đáng tin cậy? Đó là điều bí mật, 1 thứ bóng đen bao quanh anh, anh là 1 ẩn số. Anh nói anh đã đi bộ 4.000km, đã trốn trại 3 lần. Cái chết chưa bao giờ thôi bám riết lấy anh nhưng lại chỉ lượn sát qua khiến anh đau khổ tột cùng: anh đã bị địch bắt gần Smolensk, và thoát khỏi trại tù binh gần Elista. Không 1 ai tin anh ta, nhưng cũng không ai có thể không tin anh ta hẳn. 1 nhân vật bi kịch.
Không có 1 con gà trống nào trong làng: cánh phụ nữ giết sạch chúng vì nếu không bọn Romania sẽ phát hiện ra chỗ giấu gia cầm qua tiếng kêu của mấy chú trống choai. Trên thảo nguyên bằng phẳng cuộn lên những đợt sóng của cỏ dại, bụi, tuyết, sương muối, cây ngải đắng (sagebrush) đóng băng như những người cưỡi ngựa trên cánh đồng.
Elista. Bọn Đức đã đốt sạch Elista, và 1 lần nữa, giống như 15 năm trước đây, Elista lại chỉ còn là 1 ngôi làng, chẳng còn thị trấn nào ở đây nữa... Sĩ quan chỉ huy tại thị trấn Elista là Thiếu tá Ritter.

Grossman phỏng vấn 1 giáo viên đã tiếp tục dạy học trong thời kỳ Đức chiếm đóng. “Tôi đã bị dằn vặt bởi cảm giác mình đã sai khi làm việc cho chúng”, người giáo viên nói.
Lực lượng NKVD của Lavrenty Beria đã đến Kalmykia ngay sau đó để truy tìm những kẻ phản quốc, và họ đã làm việc 1 cách không thương xót. Grossman đã nhắc đến tên người giáo viên trong bài viết (xem dưới đây) là Klara Frantsevna nhưng chúng tôi không rõ đây có phải là tên thật của bà hay không. Những người Kalmyk đã chịu nhiều đau khổ vì chính sách thanh trừng thời chiến của những người Stalinist chống lại những người quốc gia chủ nghĩa miền nam, dù vẫn còn lâu mới tệ hại bằng những gì người Chechen và Crimean Tatar phải chịu nhưng nhiều người Kalmyk đã chào đón quân Đức như những người giải phóng và tự hào khoác lên mình bộ đồng phục xanh lá cây của lực lượng cảnh sát Kalmyk.

Trường học.
Môn lịch sử bị lược bỏ khỏi chương trình giảng dạy, địa lý Liên Xô bị thay bằng địa lý tự nhiên Châu Âu như 1 phần trong địa lý thế giới (không có các quốc gia). Chỉ có vị trí, biên giới, các biển bao quanh Châu Âu, các đảo, bán đảo, điều kiện thời tiết, núi non, đồng bằng.
Môn tiếng Nga: bọn Đức không cấp cho chúng tôi sách giáo khoa mới mà chỉ sửa sách cũ bằng cách xé bỏ tất cả các trang nhắc đến nền chính trị Liên Xô. Người Đức yêu cầu bọn trẻ tự xé bỏ tất cả các trang đó trong sách của chúng, nói chuyện với lũ trẻ là 1 sĩ quan Đức từng học tập tại Odessa và vốn là thầy dạy Hóa ở cấp trung học.
Môn tập đọc: Sách tập đọc bị cấm (vì “Gorky không phải là 1 nhà văn mà là 1 tên bịp bợm”)*.
*[Gorky chính là người đã giúp đỡ Grossman khởi đầu sự nghiệp viết văn]
Chúng giới thiệu 1 cuốn sách có tựa đề “Điều gì sẽ xảy ra?” và cuốn tạp chí “Hitler - người giải phóng” đăng bài viết “Trong hang ổ của các Chính trị viên” của Albrecht*.

*[Đây là 1 bài viết dài do Đảng viên phản bội Karl Albrecht viết trong cuốn “Der verratene Sozialismus” xuất bản năm 1941 dưới thời Đức Quốc xã]

Toán: chúng bỏ hết khỏi sách giáo khoa những đoạn nói tới thành tựu của chế độ Soviet, thay vào đó là nhưng câu hỏi đại loại như: Vậy số lượng máy bay Soviet bị bắn hạ là bao nhiêu?
Môn tiếng Đức được đưa vào chương trình. Một sĩ quan kiểm tra cặp học sinh xem còn trang nào chúng chưa xé hay không. Một cuốn sách do Lenin viết được tìm thấy trong cặp của một bé gái, cô bé bị quát mắng thậm tệ, nhưng không bị đuổi học.
Môn khoa học tự nhiên: chương cuối “Nguồn gốc loài người” bị cấm chỉ.
Bọn trẻ phải học 2h mỗi tuần với giáo viên người Đức. Việc trừng phạt học sinh được tả như sau: “Có khi bạn thậm chí phải đánh lũ trẻ”.
Học hát: các bài dân ca Nga, bài “Táo chín”, bài “Các con, hãy sẵn sàng đến trường”.
Ngôi trường này không phải là điển hình ở những vùng tạm chiếm - bọn Đức còn bận bịu thực thi quyền lực của chúng. “1 tên Đức đã hỏi tôi: “Bọn trẻ đã đọc cuốn “Chiến tranh và Hòa bình” chưa?”*. Tôi trả lời: “Chúng còn quá bé để đọc cuốn đó”.

*[Có lẽ bọn Đức muốn biết Tolstoy có bị Nhà nước Soviet xem là 1 nhà văn phong kiến không]

Thư viện. Tất cả sách chính trị đều bị bỏ kể cả sách của Heine, sách của tất cả các nhà văn Soviet cũng vậy.
Metise (người gốc Đức) được nhận khẩu phần ăn như người Đức. Có 1 cáo thị như sau: “Tất cả người Metise phải được đưa vào các cơ quan quản lý, đó là đặc quyền của họ”. Người Metise được cấp những con bò thuần chủng giá hàng ngàn rúp, sô cô la, bột mì, bánh kẹo. 1 số người Nga cũng được coi như người Metise.
1 tên lính Đức vào nhà tôi tìm đường, hắn lấy 1 viên đường mút mút. Tôi chỉ vào đứa con nhỏ, hắn cười và bỏ đi. Chúng thích những thứ ngọt ngào, lúc nào chúng cũng ngậm đường”*.

*[Những đội quy tập hài cốt có lẽ cũng sớm biết cách phân biệt 1 cái sọ Đức với 1 cái sọ Soviet chỉ đơn giản bằng cách xem răng. Những hộp sọ lính Soviet đều mang những chiếc răng chắc khỏe và không có vết hàn]

Dòng chữ trước cửa WC: “Lối vào, cấm người Nga”.
Bọn Đức ở Elista. Hồi tháng 8, chúng mặc quần đùi mà đi lại hay phóng xe máy ngoài đường*.

*[Lính mô tô Đức cũng thường mặc quần soóc, 1 kiểu trang phục ít thấy ở những vùng hẻo lánh].

Grossman cũng được nghe về những hành động tàn bạo chống lại người Do Thái, có lẽ chúng được thực hiện bởi lực lượng yểu mệnh SS Sonderkommando, thành lập tháng 10/1942 và bị giải thể vào tháng 12, ngay sau khi mặt trận vỡ. Mặc dù có tên như vậy nhưng lực lượng Sonderkommando có trụ sở chính tại Elista này.

93 gia đình người Do Thái đã bị giết. Bọn Đức đã bôi thuốc độc lên môi những đứa bé.

Khó mà biết được chính xác Grossman có ý gì khi viết về cái chết của những đứa trẻ, đây là 1 điều cấm kỵ với người Nga. Việc nhắc đến nó xem ra liên quan đến việc bọn SS đang thử nghiệm 1 loại chất độc mới.
Grossman cũng phỏng vấn 1 cô giáo từng bị 1 sĩ quan Đức hiếp.

Phỏng vấn 1 nữ giáo viên (tôi quyết định không hỏi tên cô). Một đêm, 1 tên sĩ quan được hỗ trợ bởi nhiệm vụ mà hắn đang thi hành đã hiếp cô. Cô đang bế đứa con 6 tháng tuổi thì hắn bắn vào cánh cửa và dọa giết đứa bé. Kẻ đang thừa hành nhiệm vụ khóa cửa lại. Vài tù binh quân ta đang bị nhốt ở phòng bên, cô đã cố kêu cứu nhưng chỉ có sự im lặng chết chóc đáp lại.

Sử dụng những ghi chép từ các cuộc phỏng vấn ở Elista, Grossman cố dựng lại những gì đã diễn ra tại các vùng Đức chiếm đóng. Thật khó tưởng tượng là Grossman có thể phổ biến chúng nếu xét đến việc các chủ đề liên quan tới sự cộng tác với địch là chuyện cấm kỵ.

Một ông giáo già... Ngày 5/6/1942, ông đang ngồi trong sân thì lũ chó, chúng đã có kinh nghiệm sau nhiều cuộc không kích, lao xuống hào theo sau những người phụ nữ, đuôi kẹp giữa 2 chân sau. Đám phụ nữ đá chúng và hét: “Không có chúng mày bọn tao đã mệt lắm rồi! Chúng mày nghĩ bọn tao muốn chúng mày ở đây cùng lũ bọ chó của chúng mày sao? Cút ra, quân mắc dịch!”. Nhưng lũ chó vòng sang bên cạnh họ mà không chịu nhảy ra khỏi hào.
Voronenko kể bọn Đức đã thả 1 trái bom 200kg, và những khẩu pháo phòng không đã bắn trượt mục tiêu ở khoảng cách khoảng 500m. Bà già Mikhailyuk tuyên bố dứt khoát: “Chỉ hy vọng bọn Đức đến sớm thì mới chấm dứt được cơn ác mộng này. Cả ngày hôm qua còi báo động cứ kêu riết làm tôi bị hỏng cả nồi xúp củ cải đỏ trên bếp lò”.
Đám trẻ em trai ló ra đầu tiên, chúng chạy tới mang theo những thông tin chính xác: “1 quả bom rơi ngay đối diện nhà Rabinovichka, con dê nhà Zabolotsy chết, cụ Miroshenko bị cụt chân, họ đã mang bà ấy đến bệnh viện bằng xe ngựa nhưng bà đã chết trên đường đi, con gái bà ấy khóc mẹ to đến mức người ta có thể nghe thấy tiếng cô ta từ cách xa 4 khối nhà”.
“Có 1 điều tôi sợ nhất”, ông giáo nói, “đó là những người mà tôi đã sống bên họ cả đời, yêu quý họ, tin tưởng họ, vậy mà họ lại bán mình cho bọn xấu xa, hèn hạ”.
Chỉ 1 lần vào buổi trưa có bọn lính mô tô Đức xuất hiện, chúng đội mũ vải, mặc quần soóc và đi giầy thể thao, da chúng sạm đen, vài tên tay đeo đồng hồ. 1 bà già nhìn chúng và nói: “A, lạy Chúa, chúng thật không biết xấu hổ, cởi truồng giữa đường. Quân vô đạo!”.
Đám mô tô luồn quanh những ngôi nhà, bắt đi con gà tây của cha xứ lúc đó đang bới 1 đống phân ngựa, xơi sạch 2 cân rưỡi kẹo ở nhà trưởng làng, uống hết 1 xô sữa rồi bỏ đi, hứa rằng 1 viên sĩ quan chỉ huy sẽ tới đây sau khoảng 2h nữa.
Trong suốt những ngày đó, 2 người bạn của Yashka, những kẻ đào ngũ, tới thăm anh ta. Tất cả cùng uống và hát: “3 người lính tăng, 3 người bạn vui nhộn”. Có lẽ họ đã hát 1 bài hát Đức nếu biết. Một nhà nông học đi lại quanh sân, ngoác miệng cười và hỏi han cánh phụ nữ: “Thế đám Do Thái ở đâu? Cả ngày nay tôi chả thấy ai kể cả trẻ con và người già, như thể họ chưa bao giờ tồn tại vậy. Vậy mà hôm qua họ còn mang 5 pút giỏ đan ra chợ bán”.
Ngày qua ngày, tay “nhà nông học” phân chia trách nhiệm cho mọi người. Yashka làm cảnh sát, cô gái đẹp nhất thị trấn chơi piano tại quán café dành cho sĩ quan và sống cùng tay sĩ quan được phân công chỉ huy thị trấn. Phụ nữ đi các làng trao đổi đồ đạc để lấy lúa mì, khoai tây và hạt kê, họ nguyền rủa đám lái xe Đức đã bắt họ trả mức phí vận chuyển khủng khiếp. Phòng lao động gửi đi hàng trăm giấy gọi, và lũ trẻ trai gái phải khoác balô ra ga lên các toa tàu hàng. Một rạp chiếu phim Đức, một nhà thổ dành cho sĩ quan và một nhà thổ dành cho lính được lập trong thị trấn. Một WC lớn bằng gạch được xây ngay giữa quảng trường trung tâm thị trấn, ghi dòng chữ “Chỉ dành cho người Đức” bằng tiếng Nga và tiếng Ý. Ở trường, cô giáo Klara Frantsevna ra bài tập cho các học sinh lớp vỡ lòng: “2 chiếc Messerschmitt bắn rơi 8 chiếc tiêm kích của bọn Đỏ và 12 máy bay ném bom. 1 khẩu pháo phòng không cũng bắn rơi 11 máy bay cường kích mặt đất Bolshevik. Hỏi tổng cộng số máy bay của bọn Đỏ bị bắn hạ là bao nhiêu?”. Tù binh bị giải qua thị trấn, họ đều rách rưới và đi xiêu vẹo vì đói. Những người phụ nữ chạy theo họ, đưa họ chút bánh mì hay khoai tây luộc. Các tù binh đánh nhau để giành thức ăn và bọn lính canh đánh họ để thiết lập lại trật tự.
Yashka nói với vẻ bí mật nhạo báng: “Bạn sẽ sớm có nhiều chỗ để sống, tôi đã thấy các thị trấn bị quét sạch hoàn toàn... cuối cùng chỉ còn 1 nhóm nhỏ dân bám trụ lại”.
Bà cụ Weisman bật khóc với đứa cháu gái: “Dasha”, bà nói, “Bà sẽ đưa cái nhẫn cưới này cho cháu, cháu có thể thu được độ 15 pút khoai tây từ vườn nhà cùng 1 ít bí ngô và củ cải đường. Nhờ đó cháu có thể nuôi được đám phụ nữ chúng ta cho tới mùa xuân. Bà cũng còn 1 bọc áo khoác phụ nữ, cháu có thể đổi nó lấy bánh mì”. Bà cụ ăn rất ít, bà nói bà không muốn ăn.

Ngày 17/2, Grossman viết thư cho vợ kể về niềm khao khát trở lại trung tâm các sự kiện sau thời gian phí phạm ở Kalmykia.

Anh đang rất nóng lòng đợi chuyến bay... Những sự kiện vĩ đại đang diễn ra, anh đã mất vụ Kharkov, anh vẫn còn ở đây trong khi các cuộc tấn công đang diễn ra... Các bài viết của anh về Stalingrad đã thu được thành công lớn.

Grossman vẫn không ý thức được rằng cái nhìn quá lạc quan về cuộc tiến công tiếp theo Chiến dịch Sao Thổ Nhỏ là 1 sự lặp lại sai lầm của Stalin trong tháng 1 năm ngoái, sau khi thành công ở quanh Moscow quân Soviet đã vội vàng chuyển sang tổng phản công. Ở phía nam, Hồng quân đang phải đối mặt với tài năng ngoại hạng của Thống chế Von Manstein, người đang chuẩn bị cho 1 cuộc phản công tái chiếm Kharkov. Tuy vậy Grossman cũng có những nỗi thất vọng riêng như ông đã giải thích trong bức thư gửi vợ.

Anh đang rất khó chịu và cảm thấy bị xúc phạm về vụ giải thưởng. Dù sao nó cũng không làm giảm sự tôn trọng đối với anh của giới văn học và đông đảo độc giả. Thôi chẳng xới lại vụ đó nữa, giờ tất cả đã qua.

Những người được giao trách nhiệm bình chọn người thắng Giải thưởng Stalin năm 1942 đã nhất trí bầu tác phẩm “Nhân dân bất diệt”, nhưng Stalin đã gạch bỏ tên Grossman. Có lẽ vấn đề nằm ở chủ đề tác phẩm liên quan đến thảm họa năm 1941, 1 chủ đề không mấy dễ chịu với Người Cầm lái Vĩ đại, người đã phạm những sai lầm thảm khốc trong giai đoạn này. Người thắng giải sau khi có sự can thiệp của Stalin là Ilya Ehrenburg với tác phẩm “Paris thất thủ”. Tháng 12/1944, trong cuộc viếng thăm Moscow của De Gaulle, Stalin đã tinh quái yêu cầu Ehrenburg tặng người đứng đầu nước Pháp 1 bản.
Bản thân Egrenburg cũng có vẻ không dễ chịu gì với vận may của mình và vận rủi của Grossman trong mùa đông năm đó ở Stalingrad. “Mọi người nói rằng có 1 số kẻ sinh ra dưới 1 ngôi sao may mắn”, ông viết. “Nhưng ngôi sao mà Grossman sinh ra dưới đó thì dứt khoát là 1 ngôi sao xấu. Tôi phải nói rằng chính Stalin đã gạch tên cuốn sách của anh ấy, cuốn “Nhân dân bất diệt”, ra khỏi danh sách đề cử giải thưởng”.
Grossman đã có được sự quý mến cao độ của những người quản lý về mặt chính trị đời sống văn học Soviet. Ortenberg viết như sau vào mùa hè năm 1942: “Chúng tôi nhận được 1 bức thư từ Vasily Grossman, cậu ta yêu cầu tôi “cung cấp chỗ trú chân” cho bạn cậu ta là Andrey Platonov*. “Anh ấy không có ai bảo vệ và chưa có chỗ ổn định”. Đó là 1 nhiệm vụ khó khăn. Platonov lúc đó là 1 “persona non grata” (người không được chấp nhận) trong văn giới”. Nhưng Grossman vẫn làm theo cách của cậu ta, và Platonov đã được nhận vào làm cho tờ Krasnaya Zvezda.

*[Andrey Platonovich Platonov (1899 - 1951, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình văn học, là phóng viên đặc biệt của tờ Krasnaya Zvezda từ tháng 10/1942 đến hết chiến tranh]

19
Chiến thắng quay lại với quân ta

Niềm tin sai lầm của Stalin rằng quân Đức đang sụp đổ ở khắp nơi sau trận Stalingrad đã dẫn tới việc mở rộng quá mức các cuộc tiến công của Hồng quân, nhưng niềm tin đó đã bị đảo lộn nhanh chóng. Thống chế Von Manstein đã tính toán không chê vào đâu được, hắn tổ chức phản công đúng lúc các mũi thiết giáp Soviet kiệt sức và cạn nhiên liệu. Quân đoàn Xe tăng 25 Soviet đã phải bỏ lại toàn bộ phương tiện gần Zaporozhe để rút chạy bằng chân qua vùng tuyết phủ.
Tuy nhiên, kế hoạch của Manstein đã gặp phải 1 thất bại quan trọng vào đầu tháng 3 khi tướng Paul Hauser đã chống lệnh hắn để ném các quân đoàn thiết giáp SS vào trận đánh sau này được biết đến với tên gọi Trận Kharkov lần thứ 3, 1 trận đánh vội vàng và tai hại nhằm tái chiếm thành phố này. Nửa sau tháng 3, sau khi Manstein xoay chuyển hướng chiến dịch nhằm ngăn ngừa thảm họa, lờ đi hầu hết các mệnh lệnh của Hitler, 2 bên đều quay về tình trạng phòng ngự các vùng đất đã thu được và tái tổ chức lực lượng. Có lẽ kết quả quan trọng nhất của những cuộc tấn công qua lại liên tục này là tạo ra mấu lồi lớn Kursk, 1 vòng cung khổng lồ rộng hơn 80 mile vuông đất Soviet đâm vào chiến tuyến Đức. Nó trở thành nỗi ám ảnh của Hitler trong nhiều tháng tiếp theo và kết quả là dẫn tới thất bại định mệnh cho lực lượng thiết giáp của hắn.
Grossman được trở về với mảnh đất quen thuộc của mình, vùng Starobelsk ở đông Ukraina, ngay phía bắc sông Donet. Ortenberg ghi chép lại việc Grossman đã thích nghi với đời sống quân đội như thế nào. “Chiến tranh diễn ra tháng này qua tháng khác, và Grossman, 1 người dân hết sức bình thường, chưa bao giờ phải lo về chuyện sẽ bị gọi nhập ngũ vì tình trạng sức khỏe, đã biến chiến trận thành ngôi nhà của mình. Vẻ bề ngoài của cậu ta không thay đổi mấy ngoại trừ việc cậu ta mặc quân phục thường xuyên hơn và chiếc áo khoác co lại 1 chút vì mưa và tuyết. Giọng cậu ta cũng không có vẻ trầm bổng đặc trưng của các vị chỉ huy dù đã mang quân hàm trung tá”.
Grossman được giao theo sát Tập đoàn quân Cận vệ 3 ở bắc Donbass, ông đã nhận rõ tình hình quân sự diễn ra giống y như năm ngoái. Trong cuốn sổ ghi chép, ông viết: “Đầu mùa xuân, mặt trận hoàn toàn yên tĩnh”.
Ở Starobelsk, ông đã đối mặt với những thông tin lạ lùng dội lại từ quá khứ trước cách mạng.

Tôi cho 1 cha xứ đi nhờ xe tải cùng con gái và cháu gái ông, với toàn bộ tư trang của họ nữa. Họ đã chào đón tôi tại nhà của họ như thể tôi là 1 hoàng thân với bữa tối có vodka. Cha xứ nói với tôi rằng binh lính và sĩ quan Hồng quân đều từng đến gặp ông để cầu nguyện và nói chuyện. 1 đại úy vừa mới tới thăm ông cách đây không lâu.
Câu chuyện về Kseniya, em gái Sa hoàng sống ở Starobelsk. Bà đã bảo vệ những người dân Soviet trước bọn Đức. Mọi người nói bà đã từ hải ngoại trở về được 1 thời gian theo sự cho phép của Dzerzhinsky để tìm đứa con trai*.

*[Feliks Dzherzhinsky (1877 - 1926), con trai 1 địa chủ Ba Lan, tháng 12/1917 trở thành Dân ủy Nội vụ và lãnh đạo Cheka, Ủy ban Đặc biệt toàn Nga về chống phản cách mạng và phá hoại, sau trở thành GPU (Gosudarstvennoye Politicheskoye Upravlenie - Государственное Политическое Управление - Đặc vụ) vào năm 1922]

Đó thực sự là 1 huyền thoại hư cấu. Nữ Đại Công tước này đã rời Crưm năm 1919 cùng Công chúa kế vị và các thành viên gia đình hoàng tộc trên boong chiến hạm HMS Marlborough và chưa từng trở lại nước Nga. Trong WW2 bà sống tại Balmoral chứ không phải là Starobelsk.

Định đi câu cá nhưng 1 chiếc Messer bất thần tấn công và bắn vào chúng tôi.
Chính phủ Ukraina đã được tái lập trên 1 mảnh đất Ukraina nhỏ vừa được giải phóng, thị trấn nhỏ Starobelsk, trong 1 căn nhà cũng nhỏ tí màu trắng. Nói chuyện với Bazhan*, ông ta phàn nàn về sức ỳ ghê gớm của chủ nghĩa sô vanh trong chúng tôi. 1 lính canh đứng trước cửa có khuôn mặt đáng sợ đến mức có thể khiến người ta lùi bước ngay lập tức nếu là trong thời bình.

*[Mykola Platonovich Bazhan (1904 - 1983), nhà thơ, nhà phê bình và sau này là thành viên Viện Hàn lâm khoa học Ukraina. Sau WW2 ông từng bị nhà cầm quyền Soviet gây sức ép để buộc ông rút khỏi danh sách đề cử giải Nobel].

Một phóng viên chiến tranh, nhà văn Levada* người Ukraina, đã tỏ ra hết sức khó chịu vì nhận được 1 huy chương thay vì 1 huân chương. Sau khi nhận được nó, cậu ta trở về izba của mình. Đứa con gái nhỏ kêu lên khi nhìn thấy tấm huy chương: “1 đồng kopeck!”. Thằng con trai sửa lại: “Đó không phải là 1 kopeck, đồ ngu, đó là 1 cái dây đeo cổ”. Đối với Levada, huy chương là thứ vô dụng nhất trên đời.

*[Aleksandr Stepanovich Levada (1909 - ?), nhà văn và nhà thơ Ukraina].

Starobelsk từng bị phần còn lại của Tập đoàn quân 8 Italy đóng giữ. Tập đoàn quân này đã bị đánh te tua trong Chiến dịch Sao Thổ Nhỏ vào cuối tháng 12.

Mọi người nhất là phụ nữ có thể nói chuyện dễ dàng với bọn Ý. “Chúng hát, chúng chơi đùa, chúng hót “O mia donna!” với các bà các cô”. Nhưng ai nấy đều không thể chấp nhận chuyện chúng ăn thịt cả ếch nhái.
Khổ sở làm sao, đáng lo làm sao khi mặt trận tạm yên! Đã có bụi đóng trên mặt đường.

Mùa bùn lầy (Rasputitsa - diễn ra 2 lần 1 năm ở Nga và Ukraina) đã qua, đã thấy có bụi, điều đó có nghĩa là mặt đất đã đủ chắc cho mọi loại xe, nhưng vẫn chưa có gì xảy ra.
Grossman phỏng vấn tướng Belov*.

*[Có ít nhất 11 viên tướng tên là Belov trong Hồng quân thời WW2, vì thế thật khó biết người được phỏng vấn chính xác là ai, nhưng có lẽ Grossman đang nhắc tới tướng (sau này lên tới cấp Đại tướng) P. A. Belov vừa trở thành chỉ huy Tập đoàn quân 61].

“Khu vực trách nhiệm của 1 sư đoàn Đức có chiều sâu 8km. Vì vậy nếu chúng tôi thọc sâu được 8km vào chiều sâu phòng ngự địch, chúng tôi sẽ làm náo loạn 30km chiều sâu mặt trận. Nếu chúng tôi thọc sâu được 30km, chúng tôi sẽ gây chấn động 100km. Nếu chúng tôi thọc sâu được 100km, hệ thống chỉ huy trên toàn mặt trận sẽ rối loạn.
Chúng tôi mắc phải 1 sai lầm ở sông Đông: Tôi đã nói rằng quân ta đã mệt, tôi mất 2h để cho họ nghỉ, và Luftwaffe đã có cơ hội tấn công còn quân Đức dưới đất thì có thời gian tập trung lực lượng dự bị. Nếu không có quãng thời gian nghỉ đó quân ta đã có thể chọc thủng chiến tuyến Đức, đáng lẽ ra nên đánh bài liều. Nhưng nếu cứ chất chứa những sai lầm đó lên vai mình thì bạn sẽ bị đè bẹp mất.
“Có những viên chỉ huy khoác lác thế này: “Tôi đang phải đối mặt với hỏa lực địch, tôi đã lùi lại và đang cho trinh sát”. Thật hết nói! Anh có thể đối mặt với cái gì khác nữa chứ? Đương nhiên là địch sẽ sử dụng hỏa lực rồi, không nhẽ chúng nhặt táo ném anh, hay thứ gì đó tương tự? Anh phải thọc sâu hơn nữa và làm câm họng hỏa lực địch, càng thọc sâu thì quân địch sẽ càng yếu và rối loạn hơn... Trong trận đánh này cũng như trong cả chiến dịch chưa có lúc nào tôi dám nghĩ mọi thứ đã qua, dù là khi đang xung phong ào ạt, ném mọi lực lượng dự bị vào trận chiến, hoặc ngược lại khi dừng lại. Các chỉ huy của tôi thường chỉ thích ra lệnh: “Tiến lên, tiến lên!”.
“Có lúc buộc phải tạm ngừng các hoạt động, sau khoảng 5 ngày, khi bạn đã hết sạch đạn, các đơn vị hậu tuyến còn ở tít sau, các binh sĩ đã quá mệt mỏi và không thể thực hiện nhiệm vụ được nữa. Họ ngã lăn ra tuyết và ngủ ngay lập tức. Tôi đã từng thấy 1 lính pháo binh buồn ngủ tới mức ra khỏi hỏa điểm đúng 2 bước là lăn ra ngủ, tôi đã dẫm lên người mà anh ta cũng không tỉnh dậy. Họ cần nghỉ, 24h, hay 8h thôi cũng tốt rồi. Để đại đội trinh sát tiến lên thôi.
“Có 1 đại đội mà lính tráng đã buồn ngủ tới mức bọn Đức chọc lưỡi lê vào người cũng không buồn dậy. Đại đội trưởng vẫn còn thức và đã đánh đuổi được bọn Đức với khẩu tiểu liên của anh ta. Đó là lý do khi sự việc đã qua không ai dám bắt những người lính phải cố gắng gì thêm, sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp nếu làm vậy.
“Ai cũng phải xác định rõ ràng, nghiêm túc việc cần làm với kẻ địch: đánh bại chúng, hoặc chí ít là đẩy lùi chúng. Đừng có nói bạn đã đánh bại quân thù, chúng mới chỉ lùi bước 1 chút và sẽ nện giữa mặt bạn ngay sau đó thôi.
“Tôi có thể thấy rằng quân địch còn mạnh, các đơn vị hậu tuyến đã tụt lại sau thế mà bộ chỉ huy tiền phương vẫn nói với tôi: “Tiến lên! Tiến lên!”. Thật là 1 sai lầm nghiêm trọng. Điều đó đã từng xảy ra với Popov”*.

*[“Binh đoàn cơ động mũi nhọn” của tướng M. M. Popov đã được lệnh của tướng Vatutin tiếp tục tiến công về hướng Stalino và Mariupol dù đã mất hầu hết số xe tăng và thiếu nhiên liệu. Trong khi đó Quân đoàn 25 Xe tăng, cũng đang cạn nhiên liệu, vẫn còn cách Zaporozhe 50 mile vào ngày 19/2, ngay sau khi Hitler rời sở chỉ huy của Manstein đặt tại đó. Chính trong cuộc gặp này những điểm chính của kế hoạch Citadel, chiến dịch tấn công vòng cung Kursk, đã hình thành]

“Chúng tôi không thực sự biết rõ về đối phương, và thỉnh thoảng trinh sát còn đưa ra nhận định sai lạc*. Địch đang ở đâu, làm gì, bố trí lực lượng dự bị thế nào, định đi tới đâu. Chúng tôi phải chiến đấu như người mù vì chẳng có chút thông tin nào”.

*[Hồng quân sử dụng thuật ngữ “reconnaissance” (trinh sát) gộp chung cho trinh sát và tình báo, 2 bộ phận tách rời trong quân đội các nước phương Tây]

“Rắc rối chính với các chỉ huy cao cấp là họ thường nghĩ đối phương yếu hơn thực tế, trong khi đó thì tôi, chính tôi biết rõ sức mạnh thực sự của chúng. Có lần quân của tôi đang phải đối mặt với 15 khẩu súng máy nhưng bị người ta quát: “Tiến lên!”. Tôi biết có 15 khẩu súng máy ở đó và vì vậy tôi buộc phải dừng lệnh đó. Nhưng cũng có trường hợp 1 chỉ huy hét: “Tôi đang phải chống lại tới 30 chiếc tăng”, trong khi thực ra có mỗi 1 chiếc. Đó là lý do tôi luôn phải nghi ngờ.
“Có những chỉ huy trẻ chưa từng biết điều gì khác ngoài tấn công,* vì thế khi họ phải thiết lập các vị trí phòng ngự, họ không biết là phải đào hào như thế nào hay thậm chí là tại sao phải đào hào hay thiết lập các hỏa điểm, v.v... Chúng tôi cũng gặp phải 1 kiểu chỉ huy khác - những người lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm phòng thủ và rất sợ tiến lên”.

*[Ý Belov nói tới những người xuất hiện kể từ ngày 19/11/1942 trở đi, khi Chiến dịch Sao Thổ đã giúp Hồng quân giành lại ưu thế trước quân Đức]

“1 điều tồi tệ trong các trận đánh phòng ngự là người ta mất dần niềm tin vào sức mạnh của bản thân và trở nên nản lòng. Khi phòng thủ, niềm tin vào thắng lợi sẽ giảm đi cũng như niềm tin vào sức mạnh của mình. Trong phòng thủ, binh sĩ cần được tăng cường sức mạnh tinh thần, trong khi đó lúc tiến công cần nhiều sức mạnh thể chất hơn còn tinh thần tự nó cao rồi...”.
“Việc đầu tiên là đào hào, quân ta đã quen với việc bị xe tăng Đức tấn công. Anh biết đấy, khi ngồi trong hào nếu có lúc nào đó tôi cảm thấy muốn bỏ chạy thì cũng không có chỗ nào để chạy đi cả. Mỗi đoạn hào có 3 hoặc 4 người cùng canh, những người nghỉ ngơi thì ở trong zemlyanka, tiếng lóng là “lều cỏ của Lenin”*. Nếu quân địch tới quấy rối, tôi sẽ báo động và mọi người sẽ nhảy ra”.

*[Zemlyanka có nghĩa là hầm đào xuống đất, thường được gia cố bằng những thanh xà gỗ và đắp đất phía trên. Nó cũng đồng thời là tên 1 trong những bài hát được ưa thích nhất thời chiến, bài hát kể về 1 người lính ngồi trong zemlyanka phủ ngập tuyết nhớ về người yêu].

Sự cần thiết phải chống lại cảm giác sợ xe tăng là vấn đề sống còn tại Mặt trận Phía Đông. Người Đức thậm chí còn đặt tên riêng cho hiện tượng tâm lý này là Panzerschreck. Trước khi những người lính Sibêri vượt sông Volga để bảo vệ các khu công nghiệp tại Stalingrad, tướng Gurtyev đã bắt họ tập đào hào trên bờ đông và ngồi dưới đó, sau đó lệnh cho xe tăng chạy qua. Xe tăng chạy qua hào được gọi là “là ủi”. Bài học sống còn ở đây là phải đào cho sâu, như thế hào sẽ không bị sập đổ, và những người lính qua đó giữ được tinh thần. Có rất nhiều câu chuyện liên quan tới việc này.

Một chiếc xe tăng địch ủi qua đoạn hào của xạ thủ súng máy Turiev nhưng anh ta lập tức bắn tiếp vào những kẽ hở của chiếc tăng và sau đó là vào bọn bộ binh tùng thiết, buộc chúng phải nằm dán xuống đất. Khi bọn lính lái tăng phát hiện ra điều đó chúng đã lái chiếc tăng quay lại, trườn qua hào của Turiev lần nữa. Người lính dũng cảm ôm khẩu súng máy bò theo đằng sau chiếc tăng, đặt súng bên 1 đống cỏ khô và lại tiếp tục bắn hạ bọn Đức như phát cỏ. Người anh hùng Turiev đã chiến đấu như thế cho đến chết, bị chiếc xe tăng nghiền nát.

Grossman cũng đã nói chuyện với 1 chỉ huy cấp dưới của Belov tên là Martinyuk.

“Một lần tôi tí nữa bắn Zorkin khi trung đoàn của anh ta bắt đầu bỏ chạy và anh ta mất kiểm soát, mất cả tư duy và không có biện pháp gì để xử lý tình huống đang diễn ra cả. Zorkin bị thuyên chuyển vào tháng 12. Giờ người ta gọi anh ta là “giáo sư”, anh ta chỉ toàn ngồi bên bản đồ suy nghĩ trong khi xe tăng Đức đang xông tới. Hiện sau trận tấn công phần lớn các chỉ huy từ cấp trung đội trở xuống đều là lính trơn và hạ sĩ quan đôn lên.
“Các chỉ huy trưởng giờ có thể gạt sang 1 bên các nhiệm vụ chính trị, đã có chỉ huy phó (tức chính ủy) chăm lo toàn bộ việc đó”.

Đây là 1 cách nói khác về các vấn đề được nêu trong Mệnh lệnh số 307 của Stalin ban hành ngày 9/10/1942, Mệnh lệnh này tái lập chế độ 1 thủ trưởng và giảm quyền lực của các Chính trị viên xuống vai trò cố vấn và “giáo dục tư tưởng”. Cánh Chính trị viên đã rúng động khi nhận ra trong nhiều trường hợp vô số sĩ quan Hồng quân đã tỏ ra ghê tởm và khinh bỉ họ. Ví dụ Cục Chính trị Phương diện quân Stalingrad đã phải chua chát phàn nàn với Aleksandr Shcherbakov, người đứng đầu GLAVPURRKA, Tổng Cục Chính trị của Hồng quân, về tình trạng “thái độ hoàn toàn sai lầm” đang trở nên phổ biến.

“Đang có sự thiếu quan tâm săn sóc đối với các binh sĩ Hồng quân; mặt khác, các chỉ huy của chúng ta không bị buộc phải làm việc đó 1 cách thích đáng. Điều này phát sinh từ việc thiếu văn hóa. Tại sao các binh sĩ Hồng quân yêu mến trung úy Kuznetsov? Vì anh ta chăm lo cho họ; anh ta sống cùng với họ. Họ đến với anh cùng những bức thư nhà cả xấu lẫn tốt, anh khích lệ mọi người, anh viết về những người lính của mình rồi gửi đăng báo. Anh chưa bao giờ trừng phạt binh lính 1 cách cẩu thả, không bao giờ bỏ sót 1 dấu hiệu của sự lơ đễnh dù là nhỏ nhặt nhất: 1 chiếc cúc đứt, 1 người ho khi đi trinh sát. Quan tâm cũng có nghĩa là kiểm tra: đồng chí đã có đủ các băng đạn chưa, đã có xà cạp khô chưa? Đó là những thiếu sót thường xảy ra có thể dẫn tới giảm hiệu quả công việc thậm chí là mất người và không hoàn thành nhiệm vụ.
“Những binh lính được thăng lên sĩ quan hoàn thành nhiệm vụ rất tốt và rất ân cần với thuộc cấp của mình. Họ quan tâm đến cuộc sống binh sĩ từng ngày, các sĩ quan trưởng thành từ lính chiến bao giờ cũng là điển hình về sự chính trực. Tại các đơn vị hậu tuyến, các hạ sĩ quan, sĩ quan liên lạc của các trung đoàn trưởng, sĩ quan hậu cần cấp trung và tiểu đoàn - đó là những người dễ bị thoái hóa về mặt đạo đức nhất.
“Kiểu ra lệnh - “Nếu các anh không tiến lên ngay, ĐM, tôi bắn” - phát sinh từ sự thiếu ý chí. Cách ra lệnh này chẳng thuyết phục được ai, nó chỉ thể hiện sự yếu đuối. Chúng ta đang cố gắng giảm thiểu lối ra lệnh này và nó đang ngày 1 ít đi. Tuy nhiên nó rất dễ dàng tăng trở lại.
“Vấn đề dân tộc là rất tốt. Trong 1 số trường hợp đơn lẻ có biểu hiện thiếu tốt đẹp trong quan hệ giữa các dân tộc nhưng đó chỉ là cá biệt”.

Đây là 1 cái nhìn quá lạc quan về các vấn đề dân tộc, nói theo cách nhẹ nhàng nhất. Đôi khi việc tỏ thái độ khinh thường các dân tộc thiểu số đã xuất hiện trong Hồng quân, đặc biệt là với những người lính gốc Trung Á, khiến cho khái niệm “tình anh em Soviet” nghe có vẻ rất sai lầm. Mặc dù không có số liệu nào có thể chứng minh nhưng tỷ lệ đào ngũ và tự gây thương tích trong lính Trung Á là cao hơn mức chung rất nhiều. Giải pháp duy nhất của các Chính trị viên là: “Tuyên truyền giáo dục cho các binh lính và sĩ quan ngoài dân tộc Nga về mục tiêu cao cả nhất của mọi người dân Liên Xô, giảng giải cho họ về lời thề quân đội và quy định trừng phạt bất kỳ hành vi phản bội Tổ quốc nào”.

“Có rất nhiều người đến với chúng tôi từ các vùng tạm chiếm; họ tin vào sức mạnh của Hồng quân và Hồng quân đã dùng họ làm nhân chứng hoặc đưa vào những trung đoàn đồn trú”.

Mỗi khi quân Đức rút lui, nhiều kẻ tụt lại sau và thường dân từ các vùng tạm chiếm đã hỗ trợ Hồng quân. Họ thực sự có ích cho các Chính trị viên khi xuất hiện trong các buổi tuyên truyền được gọi là để trả thù cho những kẻ gây tội ác với Tổ quốc, nhưng nhiều người đã bị NKVD hoặc SMERSh bắt vì đào ngũ hoặc nghi ngờ phản bội.

Cuộc họp mặt của các tay bắn tỉa tại sở chỉ huy quân đoàn.
Solodkikh: “Thực tế tôi đến từ Voroshilovgrad. Tôi đã trở thành 1 lính bắn tỉa thay vì 1 nông dân nông trang tập thể”.
Belugin: “Tôi đến từ vùng tạm chiếm, trước đây tôi chẳng là gì nhưng giờ đây, trong trận phòng thủ này tôi không còn như vậy nữa. Tôi đang ngồi và quan sát thì Strizhik nói với tôi: “Không nói nhiều, đúng chứ?”. Trung đoàn trưởng, 1 người tài giỏi, bảo: “Tóm lấy 1 cái lưỡi. Sẽ không tốt đẹp gì khi phải báo cáo lên ban chỉ huy sư đoàn mà không có 1 cái lưỡi”. Cho dù có cả trăm tên Đức chống lại 1 mình tôi, tôi vẫn sẽ chiến đấu theo cùng 1 kiểu, tức là giết chúng đến mức nhiều nhất. Tôi đã từng sống dở chết dở trong trại tù binh suốt 10 tháng, tôi nhảy khỏi tàu khi nó đang chạy hết tốc lực để mong trở về với người của ta. Con trai tôi đã bị giết chỉ vì tên nó là Vladimir Ilich”*.

*[Vladimir Ilich đương nhiên là họ và tên lót của Lenin, chúng thường chỉ được viết tắt rồi đến tên ví dụ như Lemar, Lenin hay Marx. Đặt cho con cái tên mang hơi hướng chính trị rõ ràng như vậy là dấu hiệu bày tỏ sự trung thành với ĐCS nhưng do đó cũng trở thành mục tiêu của bọn phát xít nhiệt thành chống Bolshevik].

Khalikov: “Tôi đã giết 67 mạng người. Tôi đến với mặt trận khi còn chưa nói được từ tiếng Nga nào. Bạn tôi, Burov, đã dạy tôi tiếng Nga còn tôi dạy lại anh ta tiếng Uzbek. Có 1 lần, không ai muốn đi diệt 1 ổ súng máy, tôi bèn bảo tôi sẽ hạ nó. Tôi nhận thấy có tất cả 12 tên quanh ụ súng, tất cả đều là “Đức thuần chủng”. Tôi ngụy trang kỹ và tim tôi đập bình thường. Tôi đã hạ tất cả 12 tên Đức đó. Tôi không bao giờ vội vã, nếu tim tôi đập nhanh như 1 cái chân vịt tàu thủy, tôi sẽ không bắn. Chỉ khi nào tôi trấn tĩnh được tôi mới bắn. Nếu tôi bắn trượt chúng sẽ bắn hạ tôi ngay. Tôi đã lấy 1 cái ống nhòm từ cổ 1 tên sĩ quan Đức bị hạ và báo cáo với politruk (Chính trị viên): “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà đồng chí giao và tôi mang về cho đồng chí 1 món quà”.
Bulatov: “Tôi thích săn bọn gà gô đen. Tôi thường nằm mơ thấy vẻ luýnh quýnh của chúng cả ngày lẫn đêm”. (Khi quân đoàn trưởng giới thiệu Bulatov và khẩu súng bắn tỉa của anh ta, Bulatov đã vã mồ hôi như tắm và trở nên cáu bẳn)
Dmitry Yakovlevich Ivanov đến từ Yaroslavl: “Tôi đã bị lạc đội hình 18 ngày trong vòng vây quân địch. 5 ngày không có thức ăn và 3 ngày không có nước uống. Chúng tôi đã bơi qua sông Đông, tìm gặp được quân ta và họ giao cho chúng tôi đi trinh sát. (Anh ta nháy mắt với quân đoàn trưởng và cười).
Romanov người nhỏ thó, miệng rộng: “Tôi đã hạ 135 tên. Xin hãy đặt bản ghi thành tích của tôi lên bàn, tôi sẽ kể cho các bạn về từng trường hợp”.
Sư 50 Bộ binh Cận vệ*. Phỏng vấn các binh sĩ về việc phòng thủ.
“Chỉ huy bảo chúng tôi: “Sẵn sàng nào, chúng ta chuẩn bị tiến lên!”. Thế mà chúng tôi đã định trồng vài cây thuốc lá ở đây cơ đấy”.

*[Sư 50 Bộ binh Cận vệ đã sát cánh cùng Tập đoàn quân 5 Xe tăng trong Chiến dịch Sao Thổ bao vây Tập đoàn quân 6 Đức tại Stalingrad. Từ tháng 12/1942 đến tháng 4/1943 sư đoàn nằm trong đội hình Tập đoàn quân 3 Cận vệ tân lập]

Lính Hồng quân Dmitry Yakovlevich Ostapenko. Anh đã từng bị bắt ở Caucasus, sau đó vượt ngục và đi bộ về làng của cha mình gần Voroshilovgrad. Đột nhiên anh đọc được trên báo là mình đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì thành tích diệt xe tăng Đức, nhưng anh không choáng váng lắm với bài báo. Bố anh ngay sau khi xem bài báo đã đến gặp trung đoàn trưởng: “Anh biết không, các đồng chí ấy đã lấy sạch lúa mạch của tôi, thật là tai họa”. Trung đoàn trưởng Petukhov trả lời: “Ôi, cứt thật, đừng nói với ai là chúng tôi đã lấy lúa mạch đấy. Tôi sẽ trả ông 10 xe”.
Buổi mít tinh của các binh sĩ trung đoàn. Đề tài: “Hồng quân - đội quân của những người báo thù”.
Khi lính Hồng quân Prokhin kể về những cô gái bị bắt đưa sang Đức ở ga Millerovo và tiếng kêu khóc của các cô khi cửa toa bị khóa: “Mẹ ơi, mẹ ơi, cứu con!”, các binh sĩ bắt đầu khóc. “Chúng ta phải xóa sổ bọn Hitler ra khỏi Trái Đất này”*.

*[Những cô gái bất hạnh này tuy thế đã tỏ ra không vui vẻ gì trước sự thương cảm của những người lính Hồng quân dành cho họ khi quân đội Soviet tiến vào nước Đức. Nhiều người trong số họ đã bị Hồng quân hãm hiếp như chính Grossman đã nhận thấy vào năm 1945].

Grossman tới Krasnodon, 1 thị trấn mỏ lớn của bể than Donets vùng cực đông Ukraina.

Điều kiện làm việc của các công nhân mỏ dưới sự chiếm đóng của quân Đức. Những người làm việc dưới hầm mỏ được nhận 600g bánh mì thứ phẩm, người làm việc trên mặt đất được 300g. Người nào không thấy xuất hiện tại nơi làm việc có nghĩa là đã bị tống vào trại tập trung. “Dưới ách chiếm đóng của bọn Đức, chỉ có 1 căng tin, nơi ai cũng có thể nhìn thấy Berlin dưới đáy mỗi đĩa súp”. (Nghĩa là đĩa súp trong vắt không có 1 tí mỡ nào cả). Chúng đánh mọi người bằng roi khi họ làm việc.
1 thợ mỏ được phỏng vấn nói:
“Khi bọn Đức tiến vào thành phố, chúng tôi rời khỏi mỏ. Tôi chạy về nhà, lấy 1 cái bánh mì, từ bỏ gia đình ra đi. Ai mà không lo lắng về gia đình mình được cơ chứ? Nhưng chúng tôi còn nỗi lo về mỏ nữa. Nếu mỏ còn thì chúng tôi còn”.
1 phụ nữ kể cho anh hay là bọn Đức đóng ngay trong nhà anh. Anh nhận được 1 bức thư và khóc. Vợ và các con anh đã chết vì bom. Những người khác lấy harmonica ra chơi bản: “Volga, Volga, người mẹ hiền của tôi”.
“Tôi đã gặp được 8 người lính. “Cởi quần áo ra, tắm đi!”. 1 trong số họ đưa tôi đồ lót sạch của anh ta. Họ nói với tôi: “Chúng tôi đến cứu anh cũng như đến cứu cha mẹ chúng tôi vậy”.

Grossman đi tiếp tới Voroshilovgrad, nay được gọi là Lugansk, cách đó 100km về phía tây bắc.

Trung đội trưởng Vasilenko đã hi sinh. Công việc của chi bộ Đảng được giao lại cho các Đảng viên khác ngay trong quá trình hành tiến. Vasilenko đã được kết nạp Đảng ngay tại trận địa pháo trong 1 trận đánh gần Stolskoe.

Grossman đã rất ấn tượng vì sự thay đổi tinh thần binh sĩ trong giai đoạn vài tháng sau chiến thắng Stalingrad.

1 sĩ quan pháo binh kể lại kinh nghiệm của anh: “Quân địch tấn công chúng tôi 2 - 3 lần mỗi ngày với khoảng 10 - 15 xe tăng. Chúng tôi đảm nhiệm việc phòng thủ chung. Chúng tôi có 20 khẩu dã pháo. Chúng tôi luôn bình tĩnh và có tinh thần tốt”. (Cứ tưởng tượng những gì đã diễn ra hồi năm 1941 rồi so sánh thì biết).
“Các pháo đội toàn đặt ngay trên mặt tuyết. Chẳng có rừng, cũng không có thời gian đào hầm. Băng giá, gió rét, chúng tôi vượt qua hết. Điều duy nhất những chiến sĩ của tôi muốn là: Tiến lên!”.
Những người hi sinh. Lính thông tin Tupitsin hi sinh. Anh thường kéo cáp chạy tới các vị trí quan sát tiền tiêu vốn thay đổi liên tục theo bước chân những người lính bộ binh. 1 tay anh cầm cuộn cáp còn tay kia cầm lựu đạn. Anh thường nói: “Mặc dù tôi hơi già nhưng đôi chân này còn đủ sức mang tôi tới Voroshilovgrad”. Vậy mà anh đã không bao giờ tới được đó.
Tiến quân xuyên qua bùn lầy, điều đó có ưu nhược điểm của nó. Bọn Đức viết: “Người Nga chưa khởi sự tấn công vì thời tiết vẫn còn tốt”*.

*[Lính tiền tuyến Đức trên Mặt trận phía Đông tin chắc rằng Hồng quân bao giờ cũng chờ đến lúc thời tiết xấu mới tấn công. Như đã nói, chúng gọi đó là “thời tiết dành cho người Nga”].

Tuy nhiên, bọn Đức không được chuẩn bị tốt cho các hoạt động cần nhiều sức mạnh thể chất, chúng trở nên “trần truồng” khi phải đối mặt với tự nhiên. Người Nga được nuôi dưỡng trong môi trường gian khổ và giành chiến thắng 1 cách khó khăn. Người Đức, ngược lại, được giáo dục về những chiến thắng dễ dàng nhờ sự vượt trội về mặt công nghệ, vậy mà chúng lại bị đưa vào nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Đại tướng Bùn lầy và Đại tướng Giá rét đã giúp đỡ phe Nga. (Nhưng thực ra chỉ những người mạnh mẽ mới có thể khiến tự nhiên làm việc cho mình còn những kẻ yếu đuối thì phó mặc cho tự nhiên).

Grossman phát nản vì thiếu các hoạt động quân sự ở vùng Donbass và vì Tổng biên tập không chịu cho ông có thời gian để viết lách. Ông kể lại điều đó trong bức thư gửi cha ngày 20/3.

Người ta vẫn giữ lời hứa cho con thời gian để viết 1 cuốn tiểu thuyết, nhưng đó vẫn mới chỉ là lời nói suốt từ 3 tháng nay. Con vẫn khỏe. Thực ra là con có chút vấn đề về tim nhưng giờ thì ổn rồi.
Con mơ thấy mẹ trong 1 đêm đi trên đường. Mẹ trông có vẻ ổn và đầy sức sống. Cả ngày hôm sau con thấy trong người rất kỳ lạ. Không, con không tin là mẹ còn sống. Con đã đi khắp các vùng mới giải phóng, và con đã thấy rõ bọn quỷ dữ đáng nguyền rủa đã làm gì với trẻ em và người già. Mà mẹ lại còn là người Do Thái nữa chứ. Càng ngày con càng muốn đổi cây bút này lấy 1 khẩu súng.

Grossman viết lần nữa cho Ortenberg.

Đồng chí Tổng biên tập... Trong giai đoạn này, tôi thiết nghĩ việc tiếp tục ở trong nhóm của Bukovskoi là không cần thiết và không thích hợp. Do đó tôi rất mong được đồng chí triệu hồi.

Lời yêu cầu của Grossman khiến tình hình còn tệ hơn. Ông bị giao 1 nhiệm vụ khác vào tháng 4 khiến ông tức điên lên như ông kể cho cha thế này:

Đúng như con nghĩ, chuyến đi của con thật vô dụng. Chiến sự hoàn toàn yên tĩnh vì đang mùa xuân tuyết tan, sông ngòi gây ngập lụt khắp vùng, thế là chẳng thể đi đâu được nữa. Con vẫn chẳng thu thập được gì để viết báo. Thật khó khăn khi viết về những vấn đề hàng ngày sau trận Stalingrad... Cha hãy mang thư đến chỗ Đại úy Tikhomirov ở tờ Krasnaya Zvezda để anh ta nhờ ai đó chuyển giúp khi đến chỗ con hay tốt hơn là chuyển qua đường thư mật.

20
Trận Kursk

Ngày 1/5/1943, Grossman được quay lại với những hoạt động lớn khi 1 lần nữa gặp lại Tập đoàn quân của Chuikov, đơn vị ông từng biết rất rõ và nay đang là lực lượng dự bị cho Phương diện quân Steppe (Thảo nguyên) đóng phía sau vòng cung Kursk. Cuộc gặp gỡ tuy thế đã khiến Grossman bị shock.

Tôi đã tới chỗ Tập đoàn quân 62 Stalingrad hiện đang đóng trong 1 khu công viên lớn đang mùa trổ hoa - 1 nơi tuyệt vời với những vườn hoa violet và bãi cỏ xanh. Thật là yên bình. Tiếng chim chiền chiện hót líu lo. Tôi đã rất hưng phấn khi đang trên đường đến đây, tôi rất muốn được gặp những người mà với họ tôi đã có biết bao nhiêu kỷ niệm.
Gặp và ăn tối với Chuikov ngoài hiên 1 căn nhà kiểu nông thôn. Xung quanh là vườn cây. Chuikov, Krylov, Vasilyev, 2 viên đại tá thành viên hội đồng quân sự.
Buổi gặp gỡ diễn ra tại 1 nơi lạnh lẽo nhưng những người tham gia thì ai cũng sôi sục. Ai cũng tỏ ra không thỏa mãn, đầy tham vọng, cảm thấy thiếu các danh hiệu và căm ghét bất cứ kẻ nào nhận được những phần thưởng lớn hơn mình, căm ghét luôn cả giới truyền thông. Họ nói về bộ phim “Stalingrad” và nguyền rủa nó*. Những con người vĩ đại này đã gây ấn tượng mạnh nhưng xấu. Không 1 từ nào nói về những người đã ngã xuống, về những kỷ niệm, về ký ức bất diệt dành cho những người không bao giờ trở về. Ai nấy đều chỉ nói về bản thân và những thành tích của mình.

*[Đây là bộ phim thuộc thể loại thời sự - tài liệu tái hiện sự kiện ngay sau khi nó diễn ra. Bộ phim được nhiệt tình đón xem trên khắp Liên Xô nhưng 1 số cảnh đã bị dàn dựng quá lố. Bản phim được lưu giữ cho thấy nhiều ví dụ về những cảnh bị cắt xén trong đó những người lính ngồi dậy sau khi bị bắn và lại tiếp tục đi lại trong phim]

Bữa sáng với Gurtyev. 1 bức tranh tương tự.
Không có 1 biểu hiện khiêm tốn nào. “Tôi làm đấy, tôi, tôi, tôi, tôi, tôi...”. Họ nói về các chỉ huy khác mà không có 1 chút tôn trọng nào, kể những chuyện lố bịch tầm phào: “Tôi xin nói rằng Rodimtsev đã nói thế này...”. Ý chính thực ra là: “Tất cả chiến công này là của chúng tôi, Tập đoàn quân 62. Và trong Tập đoàn quân 62 chỉ có mình tôi còn tất cả những người khác đều không quan trọng”. Đúng là phù phiếm của phù phiếm.

1 cách nào đó, Grossman đã chuẩn bị trước cho điều này. Từ lúc còn ở Stalingrad ông đã gặp gỡ nhiều chỉ huy cao cấp, nhất là Yeremenko, người đã tỏ ra xem thường các thuộc cấp trong các buổi nói chuyện với ông, 1 nhà báo. Yeremenko đã có những gợi ý như này: “Sư đoàn của Rodimtsev đáng ra đã có thể chiến đấu tốt hơn”; “Tôi thường phải khiển trách Gurtyev”; “Chính tôi đã cho chuyển (sở chỉ huy của) Chuikov tới đường hầm Tsaritsa”; “Những người lính Hồng quân tỏ ra có ấn tượng tốt với tôi hơn là các chỉ huy khác. Họ thiếu sức mạnh niềm tin vì ngu dốt”.
Có lẽ 1 trong những lý do Chuikov tỏ ra hết sức cay đắng và căm ghét Nguyên soái Zhukov - sự oán hận này đã 1 lần nữa trào dâng ngay trước trận Berlin - là vì Chuikov đã không được ai cho biết về kế hoạch Chiến dịch Sao Thổ cho đến tận giờ phút cuối cùng. Có lẽ Chuikov cho rằng ông và Tập đoàn quân 62 của ông thay vì được trở thành những người anh hùng nổi bật nhất trong trận Stalingrad thì lại bị buộc phải biến thành con dê mồi trong khi các tập đoàn quân thuộc Phương diện quân Sông Đông của tướng Rokossovsky đóng vai người đi săn bao vây con hổ - Tập đoàn quân 6 Đức*.

*[Nguyên soái Konstantin Konstantinovich Rokossovsky (1896 - 1968), con trai 1 sỹ quan kỵ binh Ba Lan và luôn bị Stalin nghi ngờ. Ông đã bị bắt năm 1937 trong thời kỳ thanh trừng Hồng quân và bị NKVD tra tấn. Ông được trả tự do sau chiến tranh Xô-Phần và chỉ huy Quân đoàn Cơ giới 9 khi quân Đức xâm lược năm 1941. Ông đóng vai trò quan trọng trong trận Moscow với tư cách là chỉ huy Tập đoàn quân 16. Năm 1942, ông chỉ huy Phương diện quân Sông Đông trong giai đoạn then chốt của trận Stalingrad. Ông là người chỉ huy chính trong trận Kursk năm 1943 và sau đó chỉ huy Phương diện quân Belorussia 1 trong Chiến dịch Bagration và cuộc tiến công vào Warsaw. Cuối năm 1944, Stalin thiên chuyển ông tới chỉ huy Phương diện quân Belorussia 2 vì không muốn 1 người Ba Lan hưởng vinh quang đánh chiếm Berlin. Vinh dự này được dành cho 1 người bạn đồng thời cũng là đối thủ của ông, Nguyên soái Zhukov. Sau chiến tranh, ông làm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan].

Grossman có lẽ không biết được rằng mối băn khoăn của ông về sự thiếu các hoạt động quân sự trong tháng 4 và 5/1943 phản ánh 1 cuộc tranh luận tại cấp tối cao. Stalin muốn mở thêm các cuộc tấn công mới, có lẽ ông không thể hoàn toàn chấp nhận ý kiến rằng chiến tranh sẽ còn phải trải qua nhiều giai đoạn và không thể kết thúc chỉ với 1 nỗ lực kịch tính duy nhất. Nguyên soái Zhukov, Nguyên soái Vasilevsky và Tướng A. I. Antonov, những người đứng đầu bộ Tổng tham mưu Stavka, đã phải trải qua 1 quãng thời gian rất khó khăn để thuyết phục Stalin rằng Hồng quân cần phải giữ thế phòng ngự, sẵn sàng đối phó với những cuộc tấn công dữ dội mà quân Đức đang chuẩn bị. Trong thời gian chờ đợi đó, họ có thể chuẩn bị 1 lực lượng dự bị chiến lược hùng hậu cho cuộc tổng tiến công mùa hè sắp tới, điều mà Hồng quân chưa bao giờ thử. Stalin đã rất miễn cưỡng chấp nhận đề nghị này trong 1 cuộc họp mang tính quyết định tại điện Kremlin ngày 12/4.
Cuộc tấn công chính mùa hè được người Đức gọi là Chiến dịch Zitadelle có lẽ ít gây được bất ngờ nhất so với tất cả các cuộc tấn công khác trong toàn cuộc chiến. Kế hoạch tấn công của người Đức có lẽ theo 1 kiểu duy nhất, với các mũi nhọn thiết giáp nhắm vào trung tâm mấu lồi Kursk, 1 từ hướng bắc và 1 từ hướng nam. Hitler bố trí 50 sư đoàn trong đó có 19 sư thiết giáp với 2.700 xe tăng và pháo tự hành. Toàn bộ chiến dịch được yểm trợ bởi hơn 2.600 máy bay.
Chi tiết về sự chuẩn bị của người Đức và các lý do dẫn đến việc chậm mở chiến dịch đã được những người cánh tả chống chính phủ quốc xã chuyển cho phía Liên Xô theo nhiều cách. Thông tin còn đến từ nhiều nguồn khác như các cuộc trinh sát đường không hay mạng lưới tình báo của du kích tại các vùng tạm chiếm. Kết quả là Stavka đã có thể tập trung hơn 1 triệu quân để phòng thủ khu vực này (tức là vượt trội đối phương 2 lần về quân số) và dựng nên 1 tuyến phòng ngự kiên cố chưa từng thấy trên Mặt trận phía Đông. Thêm vào đó là nửa triệu quân dự bị được biết tới dưới cái tên “Phương diện quân Steppe” được tập hợp và bố trí tại hậu tuyến để sẵn sàng cho cuộc phản công.
Ở phía bên kia, Hitler tin rằng những chiếc xe tăng Mark VI Tiger mới được trang bị sẽ là bất khả chiến bại. Trận Kursk vì vậy đã trở thành cuộc đụng độ nổi tiếng nhất và vĩ đại nhất của các lực lượng thiết giáp trong lịch sử nhân loại, nhưng kèm theo đó cũng nên quan tâm đến những hoạt động quan trọng khác của các lực lượng còn lại. Công binh Soviet đã bố trí 1 hệ thống bãi mìn khổng lồ, pháo binh Hồng quân, đặc biệt là hàng trăm pháo đội chống tăng mới là người đóng vai trò chính, kèm theo đó là những chiếc Shturmovik cường kích mặt đất đã tập trung pháo và phóng bom xuyên giáp vào những chiếc xe tăng Đức.
Grossman đã tới mặt trận ngay trước khi trận đánh bắt đầu và phỏng vấn các sĩ quan tình báo tại Sở chỉ huy Phương diện quân Trung tâm do Nguyên soái Rokossovsky chỉ huy. Những ghi chép ngắn của ông sau đó đã phản ánh sự ngoan cố của người Đức khi tấn công vào 1 khu vực phòng thủ cực kỳ kiên cố ở cánh bắc mấu lồi Kursk. Hướng tấn công này xuất phát từ nam Orel và tỏ ra kém may mắn hơn so với hướng kia, nó được Hồng quân gọi là “trục Orel”.

Gánh nặng khổng lồ đặt lên vai quân Đức tại trục Orel khi những viên phi công thông báo cho chúng biết tuyến phòng ngự quân ta mạnh đến mức nào. (Chúng không có quyền lựa chọn và đều đã bị nhồi sọ).
Đánh giá thấp đối thủ và sức mạnh của đối thủ là bệnh thường gặp của quân Đức. Đó là do những thành công của chúng trong các năm trước.
Thiếu thông tin về nguy hiểm đang đến gần dẫn tới các cuộc tranh luận xem đâu là sự thật. Sự tập trung của Luftwaffe đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giải mã các sự kiện*.
Có thông báo về sự xuất hiện của các tướng lĩnh và thống chế địch.

*[Không rõ là Grossman viết thế có ý gì. Xét trên việc Hồng quân luôn ưa thích việc giữ bí mật thì thật đáng ngạc nhiên khi 1 phóng viên tờ Krasnaya Zvezda bình thường có thể nói bất cứ điều gì về chuyện giải mã, và ông cũng chưa từng có lưu ý nào cho thấy ông biết về kinh nghiệm giải mã của người Anh. Luftwaffe đã thiếu quan tâm đến việc giữ bí mật điện đàm, nhờ đó người Anh đã bẻ khóa thành công mật mã của họ].

1 công binh Đức bị bắt đêm 4/7, hắn tiết lộ cuộc tấn công sắp bắt đầu và đã có lệnh gỡ hết mìn. Ơn trời là điều đó đã cho phép quân ta có thể giáng lên đầu địch 1 trận pháo phản chuẩn bị kéo dài 2h vào mờ sáng ngày 5/7.
Thông thường, các sĩ quan tham mưu chiến dịch có vẻ xem thường cánh trinh sát (và tình báo - 2 khái niệm này được ghép làm 1 trong quân đội Nga).
Chúng tôi tiến vào làng Kuban* đầy khói bụi giữa 1 hàng xe cộ hàng nghìn chiếc. Làm sao mà tìm nổi 1 người bạn giữa đống hỗn độn này? Đột nhiên tôi nhìn thấy 1 chiếc xe con với những cái lốp rất mới đỗ trong 1 ngôi nhà. Tôi đoán: “Xe mà có lốp mới phi thường như vậy thì nếu không phải của chỉ huy Phương diện quân Rokossovsky thì chỉ có thể là của Đại úy Lopavsky, phóng viên TASS”. Chúng tôi vào nhà, 1 người lính đang ăn súp củ cải đỏ trên bàn. “Ai đang ở nhà này thế?”. Chú lính trả lời: “Đại úy Lopavsky, phóng viên TASS”. Ai nấy đều quay nhìn tôi, tôi đã có cảm giác mình hiểu được Newton cảm thấy gì khi phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn.

*[Cách Orel gần 100km về phía đông nam và cách Kursk khoảng 130km về phía bắc-đông bắc]

Grossman tới Ponyri phỏng vấn các pháo thủ chống tăng đã làm hết sức mình để đẩy lui cuộc tấn công ồ ạt của quân Đức. Ga Ponyri nằm cách Kursk khoảng 100km về phía bắc, tại đây ngay từ ngày 6/7, ngày thứ 2 của trận chiến, Rokossovsky đã mở cuộc phản công dữ dội đầu tiên bằng Tập đoàn quân 2 Xe tăng. Trong vòng chưa đầy 1 tuần, Phương diện quân Trung tâm của ông đã chặn đứng được mũi thọc sâu của Tập đoàn quân 9 Đức.

Tới thăm Ponyri. Trung đoàn của Shevernozhuk. Những câu chuyện về các pháo đội 45mm nã đạn vào những chiếc Tiger*. Viên đạn bắn trúng nó nhưng bật ra như 1 quả đậu. Đã có những trường hợp pháo thủ hóa điên sau khi nhìn thấy cảnh đó.

*[Grossman giống như phần lớn Hồng quân thường nói đến những chiếc xe tăng T-6 theo cách gọi của phe Soviet đối với các loại xe thiết giáp, thực tế đây chính là chiếc Mark VI Tiger. Để cho đơn giản, chúng tôi đã thay từ “Tiger” vào từ “T-6” đặt trong ngoặc kép ở bản gốc. 1 số bản phỏng vấn của Grossman cũng dùng từ “Tiger”, khi đó chúng tôi để nguyên].

Sau khi đến thăm khu vực phía bắc, Grossman tới khu vực phía nam quan trọng hơn. Cuộc tấn công của quân Đức tại đây cũng được bắt đầu vào ngày 5/7 và do Tập đoàn quân Thiết giáp 4 của tướng Hoth đảm nhiệm. Đơn vị này tập trung những lực lượng thiện chiến của quân đội phát xít, bao gồm Sư đoàn cơ giới Grossdeutschland (Đại Đức) và Quân đoàn 2 Thiết giáp SS với 3 sư SS: Leibstandarte Adolf Hitler, Totenkopf và Das Reich. Sử dụng những chiếc Tiger làm quả đấm tiến công, các lực lượng của Hoth đã chọc thủng được tuyến phòng ngự thứ 3 nhưng sau đó bị Tập đoàn quân Xe tăng 1 của Katukov phản công. Thời điểm quyết định trận chiến đến sau 1 tuần đánh nhau, 1 lực lượng lớn xe tăng của Quân đoàn 2 Thiết giáp SS đã phá vỡ điểm đầu mối đường sắt Prokhorovka. Tướng Vatutin chỉ huy Phương diện quân Voronezh phụ trách khu vực này đã ngay lập tức liên lạc với Nguyên soái Zhukov và được Zhukov đồng ý cho mở 1 cuộc phản công tức thì với 5 tập đoàn quân trong đó có 2 lấy từ Phương diện quân Steppe dự bị. Cuộc phản công diễn ra vào ngày 12/7 do Tập đoàn quân 5 Xe tăng Cận vệ dẫn đầu, đây là đơn vị đã đóng vai trò chính trong cuộc bao vây Tập đoàn quân 6 Đức ở Stalingrad tháng 11 trước đó.
Pháo 88m của những chiếc Tiger mạnh hơn hẳn khiến những lính tăng Soviet buộc phải liều mạng vượt qua đồng trống mới tiếp cận được đủ gần để hạ chúng, 1 số thậm chí phải đâm thẳng vào xe tăng địch. Tại Prokhorovka đã có trên 1.200 xe tăng tham chiến, lực lượng thiết giáp Soviet đã hứng chịu 1 tổn thất lên tới trên 50% nhưng điều đó là đủ để đập tan nỗ lực cuối cùng của lực lượng thiết giáp Wehrmacht. Bãi chiến trường phủ khắp nơi những xác xe tăng cháy, những người chứng kiến so sánh nó với 1 nghĩa địa dành cho loài voi. Trong vòng 6 ngày sau đó, những lực lượng còn lại của người Đức chỉ còn chiến đấu để rút lui. Cuộc đổ bộ của quân Anh - Mỹ vào Sicily đã buộc Hitler rút các đơn vị then chốt khỏi trận đánh, ném chúng sang phía tây đề phòng các mối đe dọa mới ở khu vực Nam Âu. Có lẽ Hitler qua trận đánh này muốn tìm 1 lối thoát cho cuộc chiến tai hại của hắn bằng 1 chiến thắng quyết định của Wehrmacht, nhưng Hồng quân đã 1 lần nữa chứng minh sự trưởng thành vượt bậc về khả năng chỉ huy, tinh thần binh sĩ và hiệu quả của cách bố trí lực lượng*.

*[1 số nhà sử học thậm chí cho rằng trận Kursk chính là điểm bước ngoặt của cuộc chiến, nhưng như đã được khẳng định, trận phòng thủ Moscow mới là điểm bước ngoặt về mặt địa Ctrị còn trận Stalingrad là điểm bước ngoặt về mặt tâm lý].

Grossman đã tới chỗ 1 lữ đoàn pháo chống tăng đang bảo vệ 1 vị trí then chốt của trận chiến. Như Ortenberg sau này viết: “Lữ đoàn này phải đương đầu với bọn Đức đang cố gắng thọc từ nam tới bắc về hướng Belgorod theo tuyến đường cao tốc Belgorod - Kursk. Vasily Grossman đã được tận mắt nhìn chiến địa, cậu ấy nhìn thấy cả những thiết bị chiến tranh của địch bị phá hủy lẫn những xe tăng và pháo tự hành ta bị bắn cháy. Cậu ấy đã quan sát những chiến sĩ ta cả khi rút lui lẫn lúc tiến công”.

Trục Belgorod. Lữ đoàn chống tăng, chỉ huy Nikofor Dmitrievich Chevola. “Tôi không thích làm việc tại chỉ huy sở”, ông nói. “Tôi đang cầu nguyện được miễn cho việc đó. Nếu có đánh nhau tôi sẽ lao ra ngay”. Chevola có 4 anh em trai: Aleksandr, pháo binh - đã hi sinh; Mikhail, chỉ huy 1 trung đoàn pháo hạng nặng; Vasily, giáo viên triết và nay đang làm Chính trị viên; Pavel, chỉ huy 1 tiểu đoàn súng máy. Em gái ông, Matryona, trước chiến tranh là 1 cô giáo, tham gia quân đội rồi được giải ngũ sau khi bị nhiều vết thương. Cháu gái ông đang học lái máy bay.
“Luftwaffe đang ném bom quân ta. Chúng tôi đang chìm trong khói lửa nhưng người của tôi chưa đến nỗi rối loạn. Họ vẫn tiếp tục bắn chẳng quản bom đạn. Tôi đã bị thương 7 lần. Xe tăng Đức mở cửa và bộ binh của chúng xung phong.
“Bom đạn nổ liên miên, mặt đất rung chuyển, lửa cháy khắp nơi, chúng tôi phải gào lên. Trên điện đài, bọn Đức cố gắng đánh lừa chúng tôi. Chúng hét trong điện đài: “Tôi là Nekrasov, tôi là Nekrasov”. Tôi quát trả: “Cứt chó! Mày không phải Nekrasov, cút đi”. Chúng gây nhiễu điện đài quân ta bằng những tiếng rít. Đám Messer quần đảo trên đầu, thượng sĩ Urbisupov bắn hạ được 1 chiếc bằng tiểu liên khi nó bổ nhào vào anh ta. Bọn Messer oanh tạc các tuyến hào, hết dọc lại đến ngang, vì vậy mọi người phải ẩn núp trong những khúc ngoặt.
“Chúng tôi đã không ngủ 5 đêm rồi, mà yên tĩnh thì chỉ tổ căng thẳng thêm. Chúng tôi cảm thấy ổn hơn khi có đánh nhau, sau đó người ta cảm thấy buồn ngủ. Chúng tôi ăn khi có thể và chẳng bao giờ đủ thời gian. Thức ăn trở nên đen nhẻm vì bụi đất và dầu mỡ. Khi chúng tôi được rút ra nghỉ, tất cả chui vào 1 kho thóc và ngủ ngay lập tức”.
Nikolai Efimovich Plysyuk, chỉ huy trung đoàn 1: “Chẳng có lính bộ binh nào bố trí trước các khẩu pháo của chúng tôi. Chỉ có chúng tôi đối mặt trực diện với Thần Chết. Chúng tôi được cấp đúng 1 chiếc jeep Willy vào ngày cuối cùng của trận đánh. Tôi muốn thưởng cho nó 1 ngôi Sao Vàng Anh Hùng vì nó đã cứu cả trung đoàn tôi. Những người lính đã phải kéo pháo đi 6km bằng tay trong khi tất cả họ đều đã bị thương, ai nấy đều quấn băng”.
Pháo thủ Trofim Karpovich Teplenko: “Đây là trận đánh đầu tiên của tôi. Lúc đó trời chạng vạng tối, chúng tôi nạp đạn vạch đường và bắn trúng chiếc tăng ngay phát đầu, nó chưa đủ là mối đe dọa với cánh pháo binh. Chỉ có bọn bộ binh và lính tiểu liên địch mới gây rắc rối cho chúng tôi. Tất nhiên là rất vui khi bắn trúng 1 chiếc Tiger, viên đạn đầu tiên của tôi bắn trúng trước mặt nó, ngay dưới tháp pháo... và chiếc tăng dừng lại ngay lập tức. Sau đó tôi bắn tiếp nó liền 3 phát. Đám bộ binh bố trí trước tôi hô: “Ura!”, tung mũ sắt và pilotka (mũ vải) lên trời, nhảy lên khỏi hào ăn mừng.
“Đó là 1 trận đánh mặt đối mặt. Giống như 1 cuộc quyết đấu tay đôi pháo chống tăng đấu với xe tăng. Đầu và chân của trung sĩ Smirnov bị thổi bay, chúng tôi đi tìm đầu của anh ấy mang về, cả 2 chân nữa, bỏ tất cả xuống 1 lỗ huyệt nhỏ và lấp đất. Sau trận đánh, quân đoàn trưởng đứng bên con đường đầy bụi đất, ông vẫy tay với những người lính chống tăng và chia thuốc lá cho họ... 1 khẩu pháo chống tăng sau 1 trận đánh giống như 1 người sống và từng trải. Lốp te tua và rất nhiều bộ phận hỏng vì trúng mảnh đạn”.

Lời kể của Teplenko rằng pháo chống tăng 45mm có thể hạ những chiếc Tiger Đức dễ dàng xuất hiện trong nhiều trích đoạn lạc quan mà Grossman chép lại từ nhật ký chiến trường của lữ đoàn.

1 pháo thủ bắn trực xạ vào 1 chiếc Tiger bằng pháo chống tăng 45mm. Các viên đạn đều nảy bật ra. Pháo thủ mất trí và lao mình vào chiếc Tiger.
1 trung úy bị thương vào chân và cụt 1 tay vẫn chỉ huy pháo đội chống trả cuộc tấn công của xe tăng địch. Sau khi quân địch rút lui, anh ta đã tự sát vì không muốn sống trong cảnh tàn phế*.

*[Viễn cảnh trở thành người tàn phế lúc nào cũng đáng sợ với những người lính Soviet hơn cái chết rất nhiều. Trong đó tất nhiên có cả niềm tin rằng 1 người phụ nữ sẽ không bao giờ muốn nhìn thấy lại họ trong tình trạng như vậy. Đó là 1 cơn ác mộng đáng sợ đối với đàn ông, nhưng điều tồi tệ thật sự chỉ đến với họ sau chiến tranh khi những thương phế binh Hồng quân bị nhà cầm quyền Soviet đối xử nhẫn tâm đến mức không thể tin nổi. Họ như những thân cây bị đẵn gốc và bị gọi là samovar. Sau chiến tranh họ bị tập hợp lại và gửi tới các thị trấn miền cực bắc để thủ đô Soviet không trở nên khó coi vì những cựu binh tàn phế]

Grossman đã ở cùng lữ đoàn chống tăng của Chevola gần ga Ponyri trong phần lớn thời gian diễn ra trận đánh hào hùng này.

Trận đánh đã kéo dài 3 ngày 3 đêm... Khói đen bốc mù trời, khuôn mặt mọi người cũng đen nhẻm. Giọng nói trở nên khàn đục vì trong tiếng động rầm rĩ của chiến trận phải gào lên người ta mới nghe thấy. Mọi người tận dụng từng phút để ăn, và những miếng mỡ lợn trắng lập tức biến thành mầu đen vì khói bụi. Không ai nghĩ đến chuyện ngủ, nhưng nếu ai đó có được 1 phút nghỉ ngơi họ thường ngủ nguyên cả ngày, giữa tiếng gầm rú của trận đánh, ngay trên mặt đất rung bần bật và kể cả là giữa 1 trận động đất. Đêm xuống, sự im lặng trở nên đáng sợ, thần kinh căng thẳng và nỗi sợ sự im lặng khiến không ai dám ngủ. Chỉ ban ngày người ta mới cảm thấy ổn hơn trong sự hỗn loạn đã trở thành chuyện thường ngày.

Những bài viết của Grossman mang “sự thật trần trụi của chiến tranh” tất nhiên không làm cho các biên tập viên tờ Krasnaya Zvezda cảm thấy dễ chịu, nhưng Ortenberg rất tôn trọng ông như chính ông ta viết: “Grossman luôn viết đúng thực tế. Ở Stalingrad, Vasily Semyonovich đã ngày đêm viết ra những bài viết đặc sắc nhất giữa chiến trận nóng bỏng. Cậu ta lại làm thế ở vòng cung Kursk. Những dòng sau đây chứng minh điều đó: “Tôi đã tới thăm đơn vị hứng chịu đòn đánh chủ yếu của địch...”. “Chúng tôi đang nằm dưới hào nghe pháo quân ta bắn và đạn của bọn Đức nổ...”. Cậu ấy đã nhìn thấy những người lính Soviet chết và bị thương, cậu ấy nghĩ thật nhục nhã nếu không viết gì về họ. Với nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn bám sát sự thật trong các bài viết của cậu ấy được đăng tải: “Pháo đội trưởng Ketselman đã bị thương. Anh đang nằm trong vũng máu đen sậm...”. Cơ quan kiểm duyệt Soviet muốn cắt bỏ những hình ảnh tàn bạo như vậy nhưng ít ra trong trường hợp này, Ortenberg đã thuyết phục được họ để nguyên bài viết của Grossman. Đây là 1 phần bài viết:

Không ai trên khắp thế giới vào lúc này xứng đáng được nghỉ ngơi như những người lính Hồng quân đang ngủ bên những vũng nước mưa này. Con hào nơi đất và cành lá ngụy trang rung lên vì đạn bắn và những tiếng nổ này với họ giống như vùng hậu phương xa xôi, đại khái giống Sverdlovsk hay Alma-Ata. Bầu trời đầy lửa đạn và khói trắng từ những khẩu cao xạ đang khai hỏa chống lại 26 chiếc máy bay ném bom bổ nhào Đức đang đánh vào ga tàu hỏa đối với họ thật là quang đãng, yên bình. Họ nằm đây, ngủ ngay trên cỏ ướt, bên những khóm hoa và gối đầu lên đám lá ngưu bàng mềm mại...
Một sĩ quan phụ trách 1 cánh của lữ đoàn đã định rút lui khiến cả lữ đoàn có nguy cơ phải rút theo. Nhưng lữ đoàn trưởng, người có thể nhận rõ hậu quả của cuộc rút lui, đã trả lời: “Chúng ta không rút, chúng ta sẽ ở đây đến chết!”. Viên sĩ quan đã chấp nhận và thực hiện lệnh đó.
Sáng sớm, xe tăng Đức bắt đầu tấn công. Cùng lúc máy bay địch oanh tạc khiến cả ngôi làng bốc cháy...
Pháo đội trưởng Ketselman bị thương. Anh đang nằm trong vũng máu đen sậm; bộ phận pháo binh tiền tiêu đã tan vỡ. 1 phát đạn bắn thẳng thổi bay đầu và 1 cánh tay của 1 pháo thủ. Thượng sĩ Melekhin, chỉ huy khẩu đội, 1 người vui tính, cực kỳ nhanh nhẹn đến mức thỉnh thoảng có thể ra những quyết định sống còn chỉ trong 1/10 giây, đang nằm lăn dưới đất vì bị sức ép, nhìn khẩu pháo với ánh mắt dữ dội và tối tăm. Khẩu pháo làm ta liên tưởng đến 1 người cùng khổ rách rưới, những mảnh cao su treo lủng lẳng trên bánh xe, lốp nổ tung...
Chỉ còn mỗi người vác đạn Davydov là còn đứng được trên 2 chân, và bọn Đực đã đến rất gần. Chúng đã “sờ vào nòng pháo” như cách nói của dân pháo binh. Đúng lúc đó thì chỉ huy khẩu đội bên cạnh Mikhail Vasiliev nhận ra tình thế. Đây là những lời anh ta nói: “Các anh em, chết chẳng có gì đáng tiếc, thậm chí những người thông minh hơn chúng ta cũng vẫn chết”. Và anh ta lệnh cho lính khai hỏa vào bọn bộ binh Đức bằng đạn ghém. Sau khi hết đạn sát thương, họ bắt đầu bắn vào những tên lính tiểu liên Đức ở tầm trực xạ bằng đạn xuyên giáp. Thật là 1 cảnh tượng ghê rợn.

Grossman cũng gặp được cả Sư 13 Bộ binh Cận vệ, đơn vị từng do tướng Rodimtsev chỉ huy ở Stalingrad. Ông chụp lấy cơ hội này để phỏng vấn viên chỉ huy mới về trận đánh.

Cuộc gặp gỡ với Sư 13 Bộ binh Cận vệ của Rodimtsev tại vòng cung Kursk, giờ nó do tướng Baklanov chỉ huy, ông ta còn trẻ và khi chiến tranh bắt đầu mới là đại úy, vốn là vận động viên điền kinh ở Moscow.
“Sovinformburo (Thông tấn xã Liên Xô) đã viết từ hồi chiến tranh mới bắt đầu rằng “nhiều lô cốt của bọn Đức bị tiêu diệt”, nhưng tôi chưa từng thấy 1 lô cốt Đức nào hết. Chúng chỉ có hào thôi. Các chiến sĩ ta giờ đã biết chiến đấu 1 cách thông minh, không còn lóng ngóng nữa. Họ chiến đấu như thể đó là 1 công việc vậy.
“Những biểu hiện yếu kém trong trận chiến. Các đơn vị bổ sung di chuyển đến vị trí mới, họ không có thời gian làm quen với tình thế. 1 số chỉ huy không biết cỡ nòng và tầm bắn của những khẩu pháo họ có. Họ không biết tính số lượng mìn, dây kẽm gai trên mỗi km, mức độ hỏa lực cần thiết để ghìm đầu quân phòng ngự địch xuống. “Cần bắn về đằng kia!”, và họ phất tay.
“Thỉnh thoảng các trung đoàn trưởng báo cáo láo về trận đánh. Tôi thường phải đi từ 2h trước mỗi trận tấn công để kiểm tra các thông tin, trong khi đó 1 viên trung đoàn trưởng có thể chỉ rời sở chỉ huy 10 phút trước trận đánh và rồi báo cáo với tôi: “Mọi thứ đã sẵn sàng, tôi đã biết rõ mọi điều”. Mối nguy hiểm lớn nhất chính là tính kiêu căng tự phụ.
“Có nhiều chỉ huy không quan tâm tới đồ ăn thức uống và đời sống hàng ngày của binh lính, họ không thử tìm hiểu tâm tư người lính. Các chỉ huy thỉnh thoảng tỏ ra rất hắc, nhưng khi có thời gian tạm nghỉ giữa trận đánh họ lại không đến với người của mình, nói chuyện và hỏi han họ. Thường đó là bởi các chỉ huy còn quá trẻ. Thỉnh thoảng có trường hợp lính có con lớn tuổi hơn cả chỉ huy.
“Những lời hô hào “Tiến lên, tiến lên!” nếu không phải là kết quả của sự ngu dốt thì chỉ là do sự sợ hãi của các cấp chỉ huy mà thôi. Đó là lý do khiến rất nhiều máu đã đổ vô ích”.

Lại 1 lần nữa Grossman nhận ra rằng sau tất cả những biện pháp tăng cường khả năng chỉ huy trong các năm vừa qua, nhiều đơn vị vẫn phải tiếp tục chịu đựng các chỉ huy Hồng quân bất tài và các sĩ quan tham mưu chỉ nghĩ đến chuyện né tránh trách nhiệm.

Đại tá Vavilov, Sư đoàn phó phụ trách chính trị. “Chúng tôi được đặt trong tình trạng báo động vào nửa đêm mồng 8 rạng ngày 9/7. Mệnh lệnh đề ra là các trung đoàn phải sẵn sàng vào sáng sớm. Chúng tôi hành quân suốt cả ngày 9/7, đó là 1 ngày nóng khủng khiếp, tại 1 trung đoàn đã có 70 người bị gục ngã vì say nắng. Quân ta còn phải mang theo súng máy, cối và đạn dược mà. Đêm ngày 9/7 chúng tôi chỉ được nghỉ đúng 3h. Đến khu vực Oboyan, chúng tôi bắt đầu bố trí phòng thủ và đào hào. Rồi lại có 1 mệnh lệnh khác đưa tới, chúng tôi phải phụ trách 1 vị trí khác cách đó 25km. Mờ sáng ngày 12 chúng tôi tới điểm xuất phát tấn công và ngay lập tức xung trận khi mới chỉ có 2 trung đoàn có mặt. Chẳng phải Tướng Zhukov đã nói: “Đừng bực mình khi phải rút lui 5-6km, điều đó còn tốt hơn là ném những người lính mệt mỏi và chưa được trang bị đạn dược vào trận chiến!”.

Mặt khác, Grossman lần đầu tiên thấy rõ rằng 1 số vấn đề đã được cải thiện khá hơn hẳn.

Theo quan điểm của cánh pháo binh, hoạt động ở Kursk phức tạp hơn Stalingrad nhiều. Tại Stalingrad lũ thú vật đã bị nhốt trong rọ, còn ở Kursk pháo binh vừa là tấm lá chắn chống lại đòn tấn công của địch vừa là mũi kiếm nghiền nát chúng trong cuộc phản công*.

*[Bản gốc của Grossman thực ra ghi là “tiến công” như cách nói của Hồng quân, trong khi đó quân đội các nước phương Tây dùng từ “tấn công” hoặc “công kích”, hay trong trường hợp này “tiến công” có nghĩa là cuộc tổng phản công].

Grossman cũng phỏng vấn 1 số phi công tại 1 trung đoàn máy bay cường kích Shturmovik được giao yểm trợ các hoạt động tấn công dưới mặt đất, chủ yếu là để diệt tăng*. Các trung đoàn Shturmovik báo cáo họ đã gây thiệt hại đáng kể cho các sư đoàn 3, 9 và 17 Thiết giáp Đức trong trận đánh này. Những chiếc Shturmovik thường chỉ bay cách mặt đất chưa tới 20m, có vẻ như các phi công hơi khoác lác, và ngược lại thiệt hại của họ cũng rất nặng nề.

*[Ilyushin - 2M “Shturmovik” là loại máy bay cường kích mạnh mẽ, được bọc giáp tốt chống lại hỏa lực phòng không và là 1 trong số ít loại máy bay Soviet hoạt động hiệu quả trong WW2. Nó được trang bị 2 pháo 23mm cùng với rocket hoặc bom chống tăng. Tổ lái bao gồm 1 lái và 1 xạ thủ súng máy đuôi kiêm liên lạc viên radio].

Nikolai Vladimirovich Shalygin, dân Saratov, thiếu tá, phi công của 1 trong các trung đoàn Shturmovik: “Aleksukhin đang bay rất thấp tấn công đoàn xe địch, thực ra là quá thấp khiến cho khi trở về người ta thấy đầu mút những cánh quạt máy bay của anh ta cong vẹo đi. Tôi thì đang lượn vòng và phát hiện 1 chiếc tăng trên cánh đồng lúa mạch, tháp pháo của nó đã bay mất.
“Phi công Yuryev quay về với máu chảy đầy mặt. “Tôi xin báo cáo”. Anh ta báo cáo xong rồi ngã gục xuống bất tỉnh nhân sự. Xạ thủ kiêm điện đài viên đã trèo ra trước, máu me đầy mình.
“Kích động như trong 1 cuộc đi săn, tôi cảm thấy mình giống 1 con diều hâu chứ không phải người. Chẳng ai nghĩ đến chuyện nhân đạo hết. Không, không có những suy nghĩ kiểu đó. Chúng tôi quét sạch con lộ. Thật tốt đẹp khi con lộ đã bị dọn sạch và mọi thứ chìm trong lửa”.

Con lộ này thậm chí còn bị dọn sạch hơn trong cuộc tổng phản công của quân Soviet, nó là sự phát triển của cuộc phản công tại Prokhorovka ngày 12/7. Chiến dịch Kutuzov mở màn cùng ngày trên cánh bắc nhằm chống lại quân Đức đang chiếm đóng khu vực nằm giữa vòng cung Kursk và thành phố Orel. Người Đức đã không lường được 1 phản ứng quá nhanh chóng như vậy. Đối với Grossman đây là lúc vui mừng tột độ vì ông đã có những kỷ niệm chua xót tại đây khi thành phố bị quân Đức đánh chiếm mùa thu năm 1941.
Ortenberg, vẫn còn nhớ những gì Grossman trải qua khi đó, đã làm mọi việc để chắc chắn rằng Grossman sẽ chính là người phóng viên đưa tin về cuộc giải phóng Orel. “Tôi xin nói là tôi không bao giờ quên vụ đó, và trong những ngày tháng 7 ấy khi mà việc giải phóng Orel là không còn nghi ngờ gì nữa tôi đã nói với Grossman: “Vasily Smyonovich, Orel là nỗi đau của anh, vậy tôi xin anh hãy ở đó vào ngày thành phố được giải phóng, chắc anh sẽ nhớ đến cái ngày anh phải rời khỏi nó”. Grossman đã ở Orel hôm thành phố được giải phóng và viết 1 bài về những ngày bi kịch sợ hãi khi thành phố thất thủ năm 1941... Khi tôi đọc bài viết, tôi hiểu Grossman đã trải qua những gì trong tháng 10 năm 1941 đó. Tôi gặp cậu ta 1 năm sau trận Kursk, khi ấy tôi cũng đang ở ngoài mặt trận*. Trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với nhau tôi có nhắc cậu ấy về quãng thời gian bất hạnh đó để cậu ấy hiểu tôi cảm thấy mình đã không phải với cậu ấy. Cậu ấy mỉm cười và nói 1 cách chân thành: “Tôi không giận ông”. Rồi cậu ta thêm: “Thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện đó cơ chứ”.

*[Ortenberg thôi làm Tổng biên tập tờ Krasnaya Zvezda để trở thành “Ủy viên Hội đồng quân sự” 1 tập đoàn quân, thực ra là Chính ủy tập đoàn quân đó. Như đã đề cập, Ortenberg cũng là 1 người Do Thái nên khi tư tưởng bài Do Thái dâng cao trong các Đảng viên Stalinist, ông bị thuyên chuyển khỏi 1 vị trí vốn rất có ảnh hưởng.

Chúng tôi tới Orel chiều ngày 5/8 theo đường cao tốc Moscow, phóng xe qua Tula tưng bừng và sầm uất, qua Plavsk, Chern. Trên đường chúng tôi đi thấy rõ những vết thương mà bọn Đức đã gây ra trên đất nước ta.
Ở Mtsensk, cỏ mọc trong những căn nhà đổ, có thể nhìn thấy bầu trời xanh qua những ô cửa sổ trống hoác của những ngôi nhà tốc mái. Hầu như mọi làng mạc nằm giữa Mtsensk và Orel đều bị cháy trụi, những izba đổ nát vẫn còn bốc khói. Người già và trẻ em đang đào bới những đống gạch vụn để tìm những gì còn sót lại: nồi niêu xoong chảo, những khung giường thép méo mó vì lửa, máy khâu. Cảnh tượng thật đau đớn mà thân thương làm sao!
1 tấm bảng trắng đẽo sơ sài ghi “Orel” được đóng cạnh chỗ giao cắt đường tàu... có mùi khét trong không khí, những làn khói nhẹ bốc lên từ những đám cháy đang tắt dần...
1 dàn đồng ca đang hát bài Quốc tế ca trên quảng trường. Poster và biểu ngữ đang được dán trên những bức tường, tờ rơi được phát cho dân chúng. Những cô gái má hồng điều khiển giao thông đứng trên tất cả các ngã tư, vẫy nhanh những lá cờ nhỏ màu xanh và đỏ. 1 rồi 2 ngày đã trôi qua, và Orel đã bắt đầu trở lại với cuộc sống thường nhật, với công việc và học hành...
Tôi nhớ tới thành phố Orel mà tôi đã thấy chính xác là 22 tháng trước, trong những ngày tháng 10/1941 khi mà những cỗ xe tăng Đức xông vào thành phố từ phía đường cao tốc Kromsk. Tôi nhớ đêm cuối cùng ở Orel, 1 đêm khủng khiếp và ghê rợn, tiếng gầm rú của những cỗ xe chạy loạn, tiếng kêu khóc của những người phụ nữ chạy theo đoàn quân rút lui, gương mặt âu sầu của mọi người như thể đang trách móc tôi với đầy vẻ lo lắng và đau khổ. Tôi nhớ buổi sáng cuối cùng của Orel, cả thành phố kêu khóc và chạy trốn với sự hoảng loạn bao trùm. Thành phố khi đó vẫn còn nguyên vẻ đẹp, chưa có 1 ô cửa sổ nào vỡ nhưng nó tạo ra 1 ấn tượng ghê rợn giống như 1 người đã bị kết án tử.
Lắng nghe lời 1 đại tá xe tăng, ông đang đứng trên nóc 1 chiếc xe tăng phủ đầy bụi đất nhìn xác những binh lính và sĩ quan hy sinh trong trận đánh vì Orel, nghe lời vĩnh biệt lắp bắp nhát gừng của ông vang vọng trong những căn nhà cháy, tôi đã hiểu ra. Cuộc gặp gỡ hôm nay và và cuộc chia ly đau đớn buổi sáng tháng 10/1941 đó đã hòa hợp làm một.

Chiến sự tại cánh nam vòng cung Kursk đã dẫn tới việc tái chiếm Belgorod và cả Kharkov ngày 28/8. Người Đức gọi trận đánh này là Trận Kharkov lần thứ tư, như thế đủ hiểu chỉ còn rất ít nhà cửa công trình của thành phố còn sót lại. Khi các trận đánh tại cánh bên kia (cánh nam) của vòng cung Kursk đang diễn ra, Grossman viết cho cha hôm 28/7.

Cha kính yêu, con đã đi qua biết bao nhiêu con đường trong 3 tuần vừa qua, y hệt như 1 người Di gan. Đi vào mùa hè thế này thì tốt hơn đi vào mùa đông nhiều, không còn phải lo lắng về việc tìm chỗ ngủ, mặt trời rực rỡ, ngay cả mưa cũng vẫn ấm, những đồng cỏ phủ đầy hoa sặc sỡ. Nhưng thường là những đồng cỏ đó không có mùi thơm của hoa mà là 1 thứ mùi khác, đáng sợ.

Grossman bắt đầu tin rằng còn có 1 thứ mùi đáng sợ khác nữa đang bao phủ khắp Liên Xô - sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái. Ilya Ehrenburg với khả năng thính nhạy về các vấn đề chính trị đã cảm nhận được điều đó trước anh chàng Grossman duy tâm. Từ đầu chiến tranh Ehrenburg đã được biết về phản hồi của Kremlin với Henry Shapiro, lãnh đạo văn phòng đại diện Reuter tại Moscow. Ehrenburg đã biết Shapiro từ trước chiến tranh, nói chuyện với ông ta nhiều lần tại khách sạn Metropol và Moskva để chia sẻ về tình yêu đối với Paris. Shapiro đã cho Ehrenburg biết 1 điều rằng trong khi Stalin sẵn sàng nói chuyện với Henry Cassidy của hãng Associated Press (AP), nhà lãnh đạo này lại không bao giờ nhận lời với ông. “Với cái tên của anh”, Ehrenburg trả lời, “anh sẽ không bao giờ có được 1 câu trả lời”.
Tháng 11/1941, Ehrenburg đã nghe được giọng điệu bài Do Thái của Mikhail Sholokhov, tác giả cuốn Sông Đông êm đềm*. “Các anh đang chiến đấu”, Sholokhov nói với Ehrenburg, “nhưng Abram thì đang làm ăn tại Tashkent”. Ehrenburg tức điên và gọi Sholokhov là “đồ con buôn tàn sát người Do Thái”. Grossman khi nghe được chuyện đó đã viết thư gửi Ehrenburg kể về tất cả những người lính Do Thái ông gặp tại mặt trận.

*[Mikhail Aleksandrovich Sholokhov (1905 - 1984), giành giải thưởng Stalin năm 1941 và giải Nobel năm 1965. Ông đã bị Solzhenitsyn và 1 số người khác tố cáo là đạo văn của Fyodor Krukov, 1 nhà văn cô dắc chống Bolshevik, tuy nhiên các nghiên cứu sau này đã xác nhận rằng các tác phẩm văn học của Sholokhov đều là do tự ông viết ra].

Tôi nghĩ về lời vu khống mang tính bài Do Thái của Sholokhov với 1 sự chua xót và khinh bỉ. Nơi đây tại Phương diện quân Đông Nam này có hàng ngàn, hàng vạn người Do Thái. Họ hành quân bộ với súng máy nặng vai dưới bão tuyết, xung phong vào các khu dân cư bọn Đức đang chiếm giữ, ngã xuống trong chiến đấu. Tôi đã nhìn thấy tất cả họ, tôi đã nhìn thấy Kogan, vị chỉ huy lẫy lừng của Sư đoàn 1 Cận vệ, nhìn thấy những sĩ quan xe tăng và những lính trinh sát. Nếu Sholokhov ở Kuibyshev, hãy để anh ta biết rằng các đồng chí tại mặt trận biết những gì anh ta nói, cho anh ta biết thế nào là xấu mặt.

Nhưng rõ ràng là Grossman chỉ coi là Sholokhov đã có 1 phút lầm lạc khi đó.
Đầu năm 1943, Ehrenburg phát hiện ra rằng những bài viết của ông liên quan tới các nạn nhân Do Thái đã bị kiểm duyệt. Ông phàn nàn với Aleksandr Shcherbakov, lãnh đạo Tổng Cục Chính trị Hồng quân, nhưng bị Shcherbakov vặn lại: “Binh lính muốn nghe về Suvorov nhưng anh toàn trích dẫn Heine”.
Ehrenburg và Grossman trước đây đã từng bất đồng sâu sắc trong các vấn đề văn học giờ lại thành gần gũi với nhau. “Vasily Semyonovich Grossman về Moscow trong thời gian ngắn”, Ehrenburg viết, “và chúng tôi ngồi với nhau đến tận 3h sáng. Cậu ta kể cho tôi về mặt trận, và chúng tôi đồn đoán cuộc sống sẽ ra sao sau chiến thắng. Grossman bảo: “Giờ tôi có rất nhiều nghi ngờ, nhưng tôi không nghi ngờ gì về chiến thắng, đó chắc chắn là điều quan trọng nhất”.
Nhờ sự thúc giục của Ehrenburg, Grossman đã gia nhập Ủy ban Do Thái chống phát xít, 1 trong những thành viên đứng đầu của nó là diễn viên Solomon Mikhoels*.

*[Solomon Mikhoels, tên khai sinh là Solomon Vovsi (1890 - 1948), người sáng lập Nhà hát Do Thái Quốc gia Moscow, lãnh đạo Ủy ban Do Thái chống phát xít, bị KGB ám sát tại Minsk].

Cuối năm 1942, Albert Einstein và 1 số thành viên khác của Ủy hội các nhà văn, nghệ sĩ và nhà khoa học Do Thái tại Mỹ đã đặt quan hệ với Ủy ban Do Thái chống phát xít Liên Xô để đề nghị Ủy ban này lập 1 báo cáo về tội ác của bọn Nazi. Mikhoels đã rất nhiệt tình với đề xuất này và ban đầu nó được nhà cầm quyền Soviet chấp thuận, do đó Ehrenburg bắt đầu tổ chức 1 nhóm nhà văn. Mùa thu năm 1943 ông thu nạp Grossman vào nhóm. Grossman, người đã nhìn thấy những nơi mới giải phóng khỏi ách phát xít nhiều hơn bất kỳ ai khác, đã đóng góp những bằng chứng quan trọng nhất. Cuối năm 1944, Ehrenburg đã cảm nhận rất chính xác rằng nhà cầm quyền Stalinist đang ngăn chặn công việc của mình và tỏ ra thất vọng. Ông bỏ Ủy ban Do Thái chống phát xít. Grossman, nhân chứng số 1 về các tội ác tại Majdanek và Treblinka, đã từ chối bỏ ngang và vẫn tiếp tục công việc.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét