Thứ Tư, 13 tháng 9, 2023

Nhân Dân Bất Diệt - Chương 18

Nhân Dân Bất Diệt

Tác giả: Vasily Grossman
Người dịch: Trần Mai Chính
NXB Quân Đội Nhân Dân - Năm 1963

Lê-ô-nit

Từ năm hôm nay, ông lão chăn cừu Va-xi-li Các-pô-vích và Lê-ô-nít Sê-rê-nít-sen-cô đi xuyên qua những làng bị quân Đức chiếm đóng. Thẳng bé mệt nhoài, chân bị xước toạc rớm máu. Nó hỏi ông lão:
- Chân cháu tại sao lại chảy máu như thế này? Đường chúng mình đi đất cũng mềm kia mà.
Dọc đường, họ ăn uống cũng khá, các bà các chị cho họ sữa, bánh mì và thịt mỡ đầy đủ. Đêm qua, hai ông cháu nghỉ đêm lại ở một túp nhà lá của một bà sống với hai cô con gái. Hai cô đương học lớp mười. Họ học đại số, hình học, biết nói võ vẽ tiếng Pháp. Bà mẹ cho hai cô ăn mặc rách rưới tả tơi. Mặt mũi và tay chân hai cô bê bết đất, đầu chải qua quít trông như tổ quạ. Hai cô gái thật ra cũng xinh xắn, nhưng họ ăn mặc như thế cốt để che mắt quân Đức, khỏi bị chúng chòng ghẹo. Hai cô luôn luôn soi gương và cười rũ. Đối với họ, hình như chỉ một hoặc hai ngày nữa cuộc sống man rợ và gớm khiếp này sẽ chấm dứt và bọn tề gian sẽ phải trả lại họ những cuốn sách giáo khoa về địa dư, vật lý và Pháp văn của họ bị tịch thu theo lệnh của bộ chỉ huy Đức; và cũng sẽ chấm dứt những công việc khổ sai mà bọn Đức bắt làm. Người ta đồn rằng đàn bà con gái bị kéo đi lũ lượt trên các ngả đường, đến các trại tập trung xa xôi làm lao động; rằng những chị đẹp nhất bị chọn riêng ra và biến đi đâu không ai biết; rằng trong các trại, đàn ông đàn bà bị giam riêng; rằng trong tất cả các thôn xóm ở U-cơ-ren, cấm lấy vợ lấy chồng.
Hai cô gái biết hết những chuyện ấy, nhưng trong lòng chẳng tin lấy mảy may. Những điều thiên hạ nói nghe vô lý quá. Hai cô dự định mùa thu này sẽ đi Gơ-lu-khốp, xin vào học một trường sư phạm. Hai cô đọc nhiều sách, biết giải những phương trình bậc hai có hai ẩn số, biết mặt trời là một vì tinh tú đương tắt dần và nhiệt độ ngoài bể mặt của nó lên tới chừng 6000 độ. Hai cô đã đọc An-na Ca-rê-nin và trong kỳ thi, về môn văn, hai cô có hai đầu đề để bình: “Tính chất trữ tình của thơ Léc-môn-tốp” và “Chân dung Ta-chia-na La-ri-na”. Ông bố các cô đã mất; trước kia ông là đội trưởng và kỹ sư nông học, đã phụ trách một trại thí nghiệm và đã thư từ liên lạc với Ly-xen-cô ở viện khoa học Mát-xcơ-va. Hai cô nhìn quần áo rách bươm của mình, cười và an ủi mẹ:
- Đừng khóc mẹ ạ. Như thế này không lâu đâu. Hít-le sẽ đi đời nhà ma, cũng như Na-pô-lê-ông thôi.
Biết Lê-ô-nít đã học lớp bảy tại một trường ở Ki-ép, họ đem cậu bé ra thử sát hạch chơi: hai cô ra cho nó những bài toán nhân và chia.
Cả ba người nói thì thào và cứ ngấp nghé nhìn ra cửa sổ. Đối với họ, hình như bọn Đức mà còn kia thì trẻ con trong làng không có quyển được nói đến số học. Một trong hai cô tên là Pa-sa còn xé vụn tờ giấy, trên đó Lê-ô-nít đã giải một bài toán và ném vào lửa.
Người ta thu xếp cho Lê-ô-nít ngủ dưới đất. Mặc dù mệt, chú bé không sao ngủ được. Cuộc nói chuyện về học hành đã làm cho nó bồi hồi cả người, Nó nghĩ đến Ki-ép, đến căn buồng ngổn ngang đồ chơi của nó; nó nhớ lại rằng bố nó đã dạy nó chơi cờ và thinh thoảng, vào buổi chiều, lại sang phòng nó đánh một ván. Lê-ô-nít cau mày, nhăn mũi lại và bắt chước bố, vuốt cằm. Bố nó cười và nói: “Chiếu tướng!”. Bên cạnh những kỷ niệm đó, nó còn nhớ lại những ký ức khác: đám cháy, con bé bị giết mà hai ông cháu đã trông thấy nằm chết ở một thửa ruộng, chiếc giá treo cổ dựng tại quảng trường một xóm Do-thái, tiếng máy bay rú rền rĩ. Tất cả những ký ức ấy rối như mớ bòng bong, lúc thì hình như nó chẳng có trường, chẳng có bạn học, chẳng có nó và buổi sáng trên đường phố khu Cơ-rét-sa-lích; lúc thì nó tưởng như thấy bố nó đến bên chiếc giường nhỏ của nó và vuốt tóc nó, lúc ấy, một cảm giác êm ả và hạnh phúc xâm chiếm lấy tấm thân tê dại của nó. Đối với nó, bố nó là một con người vĩ đại, với cái cảm tính rất chính xác của trẻ nhỏ, nó cảm thấy được tất cả sức mạnh tinh thần của ông bố nó. Nó trông thấy những nhà quân sự, đồng chí của ông, tín nhiệm ông; nó để ý thấy mọi người ngồi quanh bàn đều im lặng và quay đầu nhìn về phía ông, mỗi khi giọng nói chậm chạp và bình thản của ông cất lên. Và trong lòng cái thằng bé mảnh khảnh mười một tuổi đang đi lang thang vô định qua những làng bị đốt cháy hoặc ngổn ngang những toán quân Đức đương tiếp tục tấn công, niềm tin không lúc nào lung lay: bố nó lúc nào cũng vẫn kiên cường và sáng suốt như trong thời bình.
Và khi thằng bé đi qua những cánh đồng ruộng, khi nó nằm ngủ trong rừng hoặc trong một gian nhà chứa cỏ, nó biết đích xác rằng bố nó đang đi về phía nó, rằng bố nó đang tìm nó. Thiu thiu ngủ, nó nghe thấy Va-xi-li Các-pô-vích nói chuyện rì rầm với bà chủ nhà:
- Tôi đã đi qua bốn mươi thôn xóm. - Ông lão nói - Nói về chế độ, tôi đã thấy một thứ chế độ quái gở. Thật là đáng lợm giọng. Thế mà có những kẻ nghĩ bụng: “Ít ra thì ruộng đất cũng đỡ bát nháo chi khươn”. Ở một làng, chúng nó bắt vắt sữa bò theo danh sách: hai ngày một lần, bọn lính đến mang sữa đi. Đấy, cứ y như chúng cho bà con nông trường thuê bò sữa vậy. Chính những con bò ấy lại là của bà con. Ở một làng khác, chúng ra lệnh cho đàn ông đem giày ủng của mình lại. Rồi thì các nông trường viên cứ việc đi đất. Chúng nó đặt tề khắp nơi. Thế là bọn tề đi đè đầu đè cổ nhân dân, nhưng chính họ cũng chẳng làm chủ được bản thân họ. Chính họ cũng sợ bọn Đức đến mất ăn mất ngủ. Nhân dân đã cùng đường rồi; làm thế này, không được! làm thế khác, lại càng không được. Và quân Đức nói: “Về ruộng đất thì chưa có gì dứt khoát”. Tôi, tôi đã qua khối làng! Thế mà chằng thấy lấy một con gà. Chúng chẳng để sót một con; chúng đã vặn cổ sạch cả. Một ông lão bị chúng giết, vì ông ta trèo lên mái nhà ngó về phía đông để ngóng xem may ra anh em bộ đội có về không. Thế là thằng Đức bắn ông ta một phát. “Chẳng việc gì phải ngóng về phía đông”, nó bảo thế. Rồi nó dán bảng la liệt khắp nơi; nhưng ghi những gì, chẳng ai biết. Chỉ thấy toàn những mũi tên chỉ đường. Các bà thì than vãn: suốt ngày đêm chủng nó bắt các bà đốt lò, nấu, nướng. Chúng nó lại còn luôn luôn đứng ám, nói léo nhéo. Bà con lộn cả ruột: chúng xì xồ những gì, họ chẳng hiểu chi cả. Còn chúng nó thì lải nhải như những thằng nửa ngây nửa ngọng: “Này mẹ, này mẹ”. Chúng nó không biết xấu hổ trước ông già bà cả! Chúng cứ tồng ngồng đi đi lại lại. Các bà ấy bảo, đến cả mèo cũng phải phát tởm, bỏ nhà đi biệt. Một bà lão bảo tôi: “Mèo đã phải đi là chuyện không vừa”. Ấy thế mà mèo đã bỏ trốn khi thấy mặt chúng. Không cái gì có thể xua đuổi mèo bỏ đi, dù cháy nhà, dù bất cứ một sức mạnh nào trên đời. Thế mà lũ mèo ấy, chẳng ai bảo, đều chuồn ra vườn tuốt! Tôi nhìn và tôi thấy gì? Xem ra thì như đâu vào đấy cả, trật tự lắm; nhưng không, đấy là ngày tận số của chúng ta. Anh thì nghi em. Ở một làng, chúng nó tập hợp bà con nông dân lại và giải thích cho họ, bằng tiếng U-cơ-ren chính cống: “Ai áp bức các anh? - Nó nói thế - Đó là người Nga, người Do-thái. Nó bảo: - Đó, đó chính là kẻ thù của xứ U-cơ-ren”. Các ông già, bà cả đứng đó cứ nín thinh. Nhưng khi ra về, họ nói: “Điều đó thì chúng tôi biết rồi, biết là mọi người ai cũng chỉ muốn hại chúng tôi. Chỉ có người Đức là muốn điều hay cho chúng tôi thôi”. Ở một làng khác, chúng nó họp nông dân lại và bảo họ đi xây nhà xí cho một viên tướng. Thế là chúng bắt họ đi hàng năm mươi cây số lấy gạch, đề xây cho ra xây. Có một ông lão nói với tôi: “Thà bị chết treo chứ tôi không chịu nhúng tay vào cái công việc ấy”. Thiên hạ cứ thì thào, nhìn nhau nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt nữa. Không tin được ai lấy mảy may. Chúng đối xử với nông dân như đối xử với súc vật trong trại: chúng ghi số đi rồi lại ghi số lại, bắt họ xếp hàng theo cao thấp, đuổi cổ đi... Rồi lại chẳng đến lúc chúng lấy sắt nung đỏ đóng dấu vào người họ, treo lên cổ họ những tấm biển có ghi số...

Lê-ô-nít vừa thức dậy đã cất tiếng nói:
- Ông ơi, chắc đã đến giờ đi rồi đấy.
Ông lão không đáp. Lê-ô-nít đảo nhanh mắt nhìn quanh: Va-xi-li Các-pô-vích không còn ở đấy nữa. Cái bọc của ông ta nằm lăn lóc trên một tấm ghế dài. Thằng bé hỏi:
- Ông cháu đâu rồi ?
Bà chủ nhà, ngồi bên cửa sổ, nhìn hai cô con gái đang ngủ. Nước mắt chảy ròng ròng trên hai má bà.
- Chúng nó bắt ông lão đi rồi, bọn khốn kiếp, chúng nó bắt đi ban đêm. - Bà nói - Hôm nay chúng bắt ông lão, ngày mai chúng sẽ bắt đến các con gái bác. Chúng ta chết mất thôi, chết đến nơi rồi.
Thằng bé chồm lên.
- Ai bắt ông cháu? Bắt đi đâu? - Nó khóc nức lên, hỏi.
- Còn ai nữa hở cháu? - Bà chủ nhà nói.
Thế là bà nổi tam bành lên với bọn Đức:
- Ba đời nhà chúng nó chết lòi con ngươi, chết không kịp trông thấy con thấy cái, chết thổ chết tả, chết khô chết héo!
Rồi bà nói tiếp:
- Đừng khóc nữa, cháu ơi, bác không đuổi cháu đi đâu, cháu sẽ ở lại đây, bác và các chị sẽ trông nom cháu.
- Không, cháu không ở đâu. - Lê-ô-nít nói.
- Không ở thì đi đâu?
- Đi đến chỗ bố cháu.
- Khoan tí đã: ấm lò sắp sôi rồi, ngồi đây ăn qua cái gì với bác và các chị đã. Rồi sẽ tính xem cháu nên đi đâu.
Lê-ô-nít sợ bà chủ nhà sẽ không đề cho nó đi. Nó nhẹ nhàng đứng dậy và đi ra phía cửa.
- Đi đâu thế cháu? - Bà chủ nhà hỏi.
- Cháu ra đây chỉ một phút thôi, - Nó trả lời.
Vừa ra tới ngoài, nó nhìn cái cửa rồi cắm đầu chạy.
Qua phố làng, nó cứ chạy bên những chiếc xe vận tải thành xe cao tới ngang những mái nhà tranh; bên cái bếp lưu động có người cấp dưỡng đương nhóm lửa; bên những đám tù binh xô-viết mặt nhợt nhạt, chân đi đất, quần áo bẩn thỉu và bê bết máu, đương ngồi sau hàng rào chuồng ngựa nông trường, Nó chạy qua những mũi tên màu vàng kẻ trên những cái bảng ghi đầy những chữ gô-tích to màu đen. Đầu óc nó rối như bòng bong. Nó có cảm tưởng như nó đương chạy trốn bà lão già, trốn hai cô con gái của bà ta đã ra cho nó làm những bài toán số học. Nó cảm thấy hình như bà lão già, đun ấm lò xong, sẽ nhốt nó ở trong căn nhà tranh ảm đạm kia, bắt nó uống nước chè suốt từ sáng đến tối.
Tới cái cối xay gió, nó dừng lại. Đường rẽ làm hai ngả: một mũi tên màu vàng chỉ hướng đi về làng; còn mũi kia thì chỉ một con đường rộng hằn đầy những vết xe vận tải và chiến xa. Lê-ô-nít bước dấn vào một con đường nhỏ không có mũi tên Đức chỉ và đi về phía rừng mà bóng sẫm nổi lên xa xa. Đã lâu lắm chẳng có xe cộ nào chạy trên con đường ấy. Một chiếc xe bò của nông dân có lẽ đã đi qua đấy vào mùa xuân, vì bánh xe hằn sâu như một cái rãnh trên đất sét đã rắn lại. Một giờ sau, nó tới rìa rừng. Nó đói và khát nước. Nắng đã làm nó mệt lả.
Vào tới trong rừng, nó thấy sợ: lúc thì nó thấy hình như có quân Đức đương nấp sau những gốc cây và bò ra khỏi bụi rậm, rình nó; lúc thì nó tưởng như thoáng thấy những con lợn lòi đen trũi, giống như những con lợn lòi ở vườn bách thú, với những cái sừng dài và cái mõm trên hếch hếch. Nó muốn kêu gọi ầm lên, nhưng sợ bị lộ nên cứ lẳng lặng đi. Có lúc, nó kinh hoàng và thất vọng ghê gớm, không sao chịu nổi, đến nỗi nó kêu lên một tiếng và cắm đầu chạy. Nó chạy bừa chằng cần biết đến đường sá, chỉ dừng lại khi cảm thấy đã đứt hơi. Lúc đó, nó ngồi xuống thở lấy lại sức, rồi lại đi. Có những lúc nó lại hoan hỉ với một niềm tin chắc chắn. Hình như nó thấy bố nó đương tiến về phía nó với cái bước chân dài và bình thản của ông, đương chăm chú nhìn sục vào trong rừng rậm và đi gần tới nó mãi.
Ở một chỗ trong rừng, thấy có nhiều trái nạc, nó bèn hái lấy. Rồi thì nhớ đến một cuốn sách nói rằng gấu hay đến hái những trái phúc bồn ở những cánh rừng thưa, thế là nó vội đi sâu vào rừng.
Bất thình linh, nó thoáng thấy một người ở giữa đám cây. Nó dừng lại và nép vào một thân cây to, quan sát.
Người kia, súng cầm tay, đương nhìn về phía chỗ thằng bé nấp. Chắc hẳn là hắn đã nghe thấy tiếng chân của nó. Lê-ô-nít cứ nhìn, nhìn mãi - một bóng râm dày làm cho nó không trông rõ người kia. Một tiếng kêu vui mừng thét lên giữa những lùm cây. Người chiến sĩ Hồng quân tỳ súng lên vai, trong khi đó thằng bé lao về phía anh ta, kêu rầm lên:
- Đừng bắn.,. Đừng bắn... chú ơi, cháu đây, cháu đây!...
Nó chạy lao về phía người chiến sĩ Hồng quân và nức nở bám chặt hai tay vào áo va-rơi của anh ta, mạnh đến nỗi ngón tay của nó nhợt nhạt cả đi.
Anh lính xoa đầu nó, nói:
- Cháu chạy đi đâu mà sứt chân, bật máu ra thế kia? Kìa, đừng bíu lấy chú như thế; chú có đuổi cháu vào rừng đâu?
Anh ta thở dài và nói tiếp:
- Có lẽ thằng con chú cũng đương lang thang trong rừng như thế này. Bọn Đức có bắn chết chú hai lần đi nữa, chú cũng không chịu nằm yên dưới đất, nếu chúng còn làm chủ ở đây. Chú sẽ vùng dậy.

Lát sau, Lê-ô-nít đã nằm dài trên một lớp đệm lá. Nó đã ăn uống no say, hai chân đã rửa sạch. Nó đeo một chiếc dây lưng có cái túi da thật, trong đó nó đựng khẩu súng lục bằng sắt tây của nó. Có những sĩ quan ngồi quây bên nó và nó nói chuyện quân Đức cho họ nghe.
Thấy Bô-ga-rép đi tới, mọi người đứng dậy.
- Này, chú thiếu sinh quân, - Bô-ga-rép nói. - chú sẽ được gặp bố ngay thôi. Ngay ngày mai cũng nên. Thôi, để cho nhà du lịch của chúng ta nghỉ ngơi một chút, các đồng chí ạ.
- Cháu chẳng muốn nghỉ tý nào. - Thằng bé nói. - Lát nữa cháu sẽ chơi cờ với chú đại úy.
- Thế là đồng chí đã tìm được một ông bạn cờ mới rồi đấy, phải không, đồng chí Ru-mi-an-xép? - Bô-ga-rép mỉm cười, hỏi.
- Vâng, hai chú cháu tôi sẽ làm một ván. - Ru-mi-an- xép trả lời.
Họ bày quân cờ ra. Ru-mi-an-xép bỗng sa sầm nét mặt, đăm đăm nhìn bàn cờ. Những phút dài dằng dặc trôi qua.
- Sao chú không chơi nữa? - Thằng bé hỏi. Ru-mi-an-xép đứng phắt dậy. Anh phác một cử chỉ mệt mỏi và bước thật dài về phía rừng.
- Chú bé đừng bực mình. - Một hạ sĩ quan pháo binh ngồi bên thằng bé nói. - Đại úy nhớ tới đồng chí chính trị viên của mình đấy: hai người vẫn thường đánh cờ với nhau.
Trong khi đó, Ru-mi-an-xép vẫn đi không ngoảnh lại. Anh lầm bầm:
- Xéc-giơ ơi, không bao giờ mình còn được đánh cờ với cậu nữa, không bao giờ, cho tới ngày thế giới tận số.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét