Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

Nhân Dân Bất Diệt - Chương 15

Nhân Dân Bất Diệt

Tác giả: Vasily Grossman
Người dịch: Trần Mai Chính
NXB Quân Đội Nhân Dân - Năm 1963

Vị Tướng

Trung tướng Xa-ma-rin, chỉ huy một quân đoàn, ngoài rất nhiều những nhiệm vụ khác còn có nhiệm vụ giữ những bến vượt sông. Cơ quan tham mưu, những bộ phận hậu phương, tòa soạn tờ báo của quân đoàn - cả thê đội một và thê đội hai - đều ở trên bờ phía tây con sông.
Xa-ma-rin đã cho di chuyển chỉ huy sở tiền phương sang bờ đông, trong một cái làng nhỏ ở rìa một cánh đồng rộng bỏ không người gặt.
Giúp việc ông chỉ có thiếu tá Ma-ran thuộc phòng tác chiến cơ quan tham mưu, tư lệnh pháo binh, đại tá Na-ba-sít-dê, tóc đã hoa râm. Ông có trong tay một máy vô tuyến điện, một máy điện báo và những máy nói dã chiến thường dùng để liên lạc với thủ trưởng các đơn vị.
Xa-ma-rin đóng trong một căn nhà nhỏ, rộng rãi và đầy đủ ánh sáng. Ông làm việc, tiếp các sĩ quan, ăn cơm ở đó. Ban đêm, không chịu nổi cái nóng ngột ngạt, ông bỏ ra ngoài nằm trên cái bục chứa cỏ khô.
Ngủ trong nhà, trên các tấm phản, có đồng chí sĩ quan phụ tá của Xa-ma-rin, Li-a-đốp với cái mũi sư tử, cặp mắt đen như huyền và đôi má đỏ rực; anh chàng cấp dưỡng rầu rĩ trước khi ngủ thường khe khẽ hát bài “Cái khăn tay xanh nhỏ bé” và nhũn nhặn và cuối cùng là anh tài xế lái cái xe dã chiến sơn xanh; từ ngày đầu tiên nổ ra chiến tranh cho đến nay, anh ta luôn mang theo trong người cuốn tiểu thuyết của Dickens: “David Copperfield”. Ngày 22 tháng Sáu, anh mới đọc được mười bốn trang, thế mà sau một tháng chiến tranh, anh vẫn chẳng đọc thêm được trang nào vì anh rất ít thời gian rỗi.
Có lần, đồng chí cấp dưỡng hỏi xem quyền sách dày cộp của anh có hay không? Khô-li-u-khin đáp:
-  Hay lắm! Sách nói về cuộc đời của những người Do Thái.
Sớm tinh sương, Xa-ma-rin bước từ trên bục cỏ khô xuống và Li-a-đốp đến gặp ông, mang theo một cái vò và một khăn mặt. Anh đổ nước lạnh vào cái cổ đầy lông tơ hoe hoe đỏ của vị tướng và hỏi:
- Đồng chỉ ngủ có ngon không, thưa trung tướng? Đêm qua, quân Đức có bắn pháo hiệu.
Xa-ma-rin bẩm tính ít cởi mở và khắc khổ. Trong chiến tranh ông không biết sợ và thường làm cho Li-a-đốp khốn đốn vì ông hay xông xáo vào những khu vực nguy hiềm nhất. Ông qua lại các chiến trường với lòng tin cậy bình thản của người làm chủ, xuất hiện giữa các chỉ huy sở trung đoàn và tiểu đoàn trong những phút gay go nhất của các trận đánh. Ông đi giữa những tiếng mìn và đạn đại bác nổ, đeo trên ngực tất cả huân chương cùng với huy chương Sao vàng. Tới một trung đoàn đang chiến đấu, ông nhận ra ngay lập tức đặc điểm của tình hình, giữa súng ran đạn nổ, giữa khói lửa mịt mù của những ngôi nhà và vựa thóc bốc cháy, giữa sự rối loạn của những cuộc di chuyển, giữa sự vận động của những chiến xa bạn và thù.
Các đồng chí sư đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng đểu biết rất rõ giọng nói nhát gừng của ông; khuôn mặt ông, với cái mũi dài, không biết mỉm cười và thường tỏ vẻ ủ ê, thiếu niềm nở. Ông có mặt ở trung đoàn là người ta quên phắt tiếng gầm thét của những loạt pháo lớn và khói lửa của những đám cháy; ông thu hút vào người ông tất cả sự mãnh liệt của trận đánh. Ông không hay nấn ná ở chỉ huy sở nhưng ông xuất hiện ra là để lại dấu vết trên toàn bộ sự tiến triển của những trận tác chiến; dường như tia mắt bình thản và lạnh lùng của người thủ trưởng quân đoàn nhìn chằm chằm vào mặt các sĩ quan. Nếu ông nhận thấy các cán bộ chỉ huy trận đánh không tốt, ông không ngần ngại thay ngay những người chỉ huy khác.
Một hôm ông đã cử một thiếu tá trung đoàn trưởng lên tấn công như một chiến sĩ thường để phạt anh ta vì đã thiếu quyết tâm, ngại lao mình vào nơi nguy hiểm, do dự không dám quyết định vì sợ trách nhiệm. Những kẻ nhát gan, ông xử tử hình không thương tiếc, ngay ngoài mặt trận.
Lòng căm thù và ghê tởm kẻ địch của ông thì thật không bờ bến. Khi ông đi ngang qua những dãy phố mịt mù khói lửa trong những làng xóm bị quân Đức đốt cháy, mặt ông trông đến khủng khiếp. Nhiều chiến sĩ kể lại rằng có lần Xa-ma-rin đang ngồi ô-tô bọc sắt chạy giữa một đám cháy lớn, ông nhìn thấy một chiến sĩ Hồng quân bị thương thế là ông đặt đồng chí đó ngồi vào chỗ ông, còn ông thì xuống đi bộ theo ô-tô, dưới làn đạn địch bắn như mưa.
Người ta thuật lại rằng ông đã nhặt một khẩu súng trường bê bết bùn hôi thối mà một chiến sĩ vừa quẳng đi. Trước cả đại đội xếp hàng ngang, ông đã lau chùi khẩu súng rất cẩn thận và trìu mến, đoạn chẳng nói chẳng rằng ông trao lại cho người lính đứng đực ra vì hổ thẹn. Và những người đã chiến đấu với ông rất tin tưởng vào thủ trưởng của mình, họ sẵn sàng châm chước cái tính khí khắc nghiệt và tàn nhẫn của ông.
Li-a-đốp hiểu rất kỹ về vị tướng của anh. Nhiều phen, lên đến tuyến một, Li-a-đốp hỏi thăm đường các sĩ quan anh gặp. Rồi quay về xe, anh báo cáo:
- Báo cáo trung tướng xe không thể nào qua được, không ai bén mảng tới chỗ ấy cả. Con đường nằm dưới hỏa lực súng cối và người ta cho biết là có nhiều súng máy phục kích trong khu rừng nhỏ. Phải tìm một lối rẽ.
Xa-ma-rin quấn một điếu thuốc lá to tướng và, sau khi châm hút, ông nói:
- Súng máy à? Kệ, cứ đi đi.
Và Li-a-đốp ngồi đằng sau vị tướng của anh, lo mất mật. Như nhiều kẻ nhát gan khác, Li-a-đốp cho rằng trang bị đến tận răng là thượng sách: anh ta đeo một khẩu tiểu liên, một mô-de, một súng lục hộ vệ, một khẩu bơ-rô-ninh, lại còn đút trong túi thêm một khẩu mô-de khác và một khẩu pa-ra-ben-lum lấy được của địch. Một hôm, anh được trung tướng giao cho công tác trở về hậu phượng. Những câu chuyện anh thuật lại và vẻ thượng võ của anh đã làm cho các bà phụ nữ trên xe lửa và những nhân viên nhà ga phục lăn lông lốc. Nhưng hình như chưa bao giờ anh dùng tới những khẩu súng lục to, nhỏ ấy.
Xa-ma-rin ở ngoài tuyến một suốt cả ngày. Trên tất cả các khu vực, quân Đức đều đánh mỗi lúc một mạnh. Những trận chiến đấu diễn ra suốt ngày đêm. Bị cái nóng nung người hành hạ, các chiến sĩ thường từ chối những món ăn nóng mang ra tận chiến hào.
Xa-ma-rin về đến chỉ huy sở, gọi dây nói lên Ê-rê-min để xin rút về phía tây bờ sông. Ê-rê-min từ chối phắt. Cuộc đàm thoại với tướng Ê-rê-min làm cho ông bực dọc. Khi thiếu tá Ma-ran đưa cho ông bản thông báo cuối cùng, Xa-ma-rin chẳng thèm ngó mắt qua, dửng dưng nói:
- Không có thông báo của đồng chí, tôi cũng nắm được tình hình.
Và, hướng về phía đồng chí cấp dưỡng, ông hỏi, chẳng có vẻ hài lòng:
- Thế nào, tôi đã sắp được ăn chưa đấy?
- Báo cáo, cơm đã dọn xong. - Đổng chí cấp dưỡng đáp.
Anh dập hai gót chân và quay về phía bên phải một cách hăm hở quá khiến chiếc áo choàng trắng bay phần phật. Bà cụ chủ nhà, người nữ nông trường viên On-ga Đi-mi-tơ-ri-ép-na Goóc-ba-sê-va, thoáng mỉm nụ cười dè bỉu. Cụ vẫn bực anh chàng cấp dưỡng hay chế giễu cách nấu nướng ở nông thôn:
- Này cụ Đi-mi-tơ-ri-ép-na này, nấu món sườn gà hay xào khoai tây, cụ làm thế nào hả cụ?
- Anh xéo đâu thì xéo đi! - Cụ trả miếng ngay - Muốn học xào khoai tây thì đi hỏi ai chứ đừng hỏi đến cái thứ bà già như tôi.
- Không phải lối nấu nhà quê đâu, mà tỏi đã từng nấu những món đó rồi, hồi trước chiến tranh, trong một tiệm ăn. Cụ hãy tưởng tượng là nếu trung tướng bảo cụ nấu, cụ sẽ bảo sao?
Phi-rô-xi-a, người con dâu và đứa cháu trai ốm yếu của cụ dỏng tai nghe cuộc bàn cãi kéo dài đã từ bao ngày rồi. Cụ già bực nỗi không biết làm những món ăn có những cái tên ngớ ngẩn ấy, cụ không ngờ cái anh chàng cấp dưỡng to lớn chậm chạp kia trong việc bếp nước lại khéo hơn cả cụ.
“Tim-ca, đúng là Tim-ca”, cụ nói thế vì cụ hiểu đồng chí cấp dưỡng không thích người ta gọi mình bằng cái tên thân mật trong nhà và chỉ mỉm cười khi người ta gọi chỉnh tên “Ti-mô-phây Mác-cô-vích”. Li-a-đốp đã gọi anh ta như thế khi muốn chén một miếng gì đó trước khi trung tướng ngồi vào bàn ăn. Xa-ma-rin tỏ vẻ hài lòng về đồng chí cấp dưỡng của mình và chưa hề bực bội với anh bao giờ cả. Nhưng giờ đây, ngồi vào ăn bữa chiều, ông nói với anh ta:
- Đồng chí cấp dưỡng, phải nhắc bao nhiêu lần người ta mới mang cái ấm xa-mô-va ở chỉ huy sở tới đây?
- Báo cáo trung tướng, phòng hành chính của hậu cần chiều nay sẽ đem tới.
- Thế còn món “trường kỳ”, đồng chí lại vẫn làm thịt cừu à? - Xa-ma-rin hỏi. - Tôi đã hai lần bảo đồng chí rán cá kia mà, sông thì kề ngay bên, thời gian xoay xở cũng có thiếu đâu?
Cụ già đưa mắt tinh quái nhìn người cầp dưỡng tưng hửng và nói:
- Chế giễu một bà già thì giỏi lắm, đến lúc ông tướng ôn tồn hỏi thì lại hóa ra mít đặc. Chẳng thế lại là Tìm-ca.
- Cậu ấy chế giễu cụ có phải không? - Xa-ma-rin hỏi.
- Đúng là cậu ấy chế giễu tôi! Cậu ấy bảo: “Này, bà lão, chỉ nói món sườn gà thôi, bà lão có biết làm không hả?”. Cái cậu Tim-ca ấy, tôi chán lắm...
Xa-ma-rin mỉm cười:
- Không sao, để tôi chê cho cậu ta một mẻ. Đồng chí cấp dưỡng này, nhào bột làm bánh bích-quy như thế nào nhỉ?
- Cái đó, báo cáo trung tướng, tôi không biết.
- Được. Thế làm thế nào cho bột tiểu mạch nở? Bằng xút hay bằng men? Thử nói nghe xem nào?
- Báo cáo, trước kia tôi không làm việc ở hiệu bánh ngọt.
Ai nấy đều cười anh chàng cấp dưỡng lúng túng.
Sau bữa cơm, trung tướng dùng nước chè và mời chủ nhà đến bàn cùng uống. Cụ già ung dung chùi tay vào cái tạp dề, phủi bụi trên ghế đẩu và ngồi xuống. Cụ uống nước chè đựng trong đĩa rồi lau cái trán nhăn ròng ròng mồ hôi.
- Mời cụ lấy đường đi! - Xa-ma-rin nói.
Rồi ông hỏi:
- Còn thằng cháu nhà ta thế nào, đêm vẫn không ngủ được à?
- Chân cháu sưng to, gặp vận đen, cháu đau làm chúng tôi cũng buồn.
- Đồng chí cấp dưỡng, lấy mứt cho cháu nhỏ.
- Vâng, tôi sẽ lấy đưa cho chú ấy.
- Vẫn đánh nhau ở Ri-a-khô-vít-si đấy chứ ạ? - Cụ già quan tâm hỏi.
- Vẫn đánh.
- Nhân dân ở đấy tha hồ mà khổ! - Cụ già vừa nói vừa làm dấu thánh,
- Không còn ai ở đấy nữa đâu, - Trung tướng nói. -  người ta tản cư hết rồi. Nhà cửa trống không. Của cải đã mang đi hết.

Bức điện mật mã của Bô-ga-rép được đưa tới báo cáo chi tiết về sự tan rã của quân đoàn thiết giáp Đức.
Li-a-đốp thuộc rõ tâm tính trung tướng lắm. Anh biết rằng trước khi xông pha vào những nơi nguy hiểm, trung tướng thường tỏ vẻ vui mừng nhất. Anh biết rằng tình hình càng gay go, tướng Xa-ma-rin càng bình tĩnh, Anh biết cả cái nhược điểm kỳ lạ của con người phũ phàng ấy. Mỗi lần bước vào ngôi nhà hoang có những con mèo trung thành chẳng chịu bỏ đi, Xa-ma-rin lại rút túi lấy ra những miếng bánh chuẩn bị sẵn và gọi con mèo đực đói meo hoặc con mèo cái với đàn con quây quần xung quanh đến, rồi ông ngồi xổm xuống tự đặt cho mình nhiệm vụ phải cho chúng nó ăn. Một hôm, ông nói với Li-a-đốp, vẻ đăm chiêu:
- Cậu có biết tại sao mèo ở nhà quê không nô giỡn với giấy trắng vo tròn không? Nó không quen giấy trắng, nhưng nếu là giấy màu thi nó chồm đến ngay lập tức, ngỡ có chuyện với chuột nhắt.
Sau khi nói chuyện với cụ già và nhận bức điện, Xa-ma- rin cảm thấy tâm trí khoan khoái, nhẹ nhàng.
- Báo cáo trung tướng, - Li-a-đốp nói. - thiếu tá Méc-xa-lốp mà đồng chí cho gọi tới, đang chờ lệnh của đồng chí,
Xa-ma-rin chau mày và một lần nữa, giơ ngón tay dọa con mèo con.
- Đồng chí vừa bảo gì nhỉ?
- Tôi vừa báo cáo với trung tướng là trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 3 mà đồng chí cho gọi tới, đang chờ lệnh đồng chí.
- Thế à! Được. Cho vào.
Và ông nói với bà cụ già vừa đứng dậy:
- Cụ cứ ngồi. Mời cụ xơi nước chè đi, đừng ngại gì cả.
Méc-xa-lốp ra đi từ lúc rạng đông, qua một con đường làng và đã về tới sư đoàn. Mũi phá vây của anh không thắng lợi, Anh để mất ở dọc đường một bộ phận pháo binh nằm ỳ trong một cánh rừng lầy. Đoàn xe pháo của trung đoàn lạc lối vì người chỉ huy không thuộc đường, Cuối cùng trung đoàn đang hành quân phải đánh bật một trận đột kích của đại liên Đức; đại đội của Mi-san-xki làm đội hậu vệ đáng lẽ phải mở đường để về sáp nhập với chủ lực lại chần chừ nấn ná; đại đội trưởng không dám mạo hiểm đi trên địa hình lộ thiên đã đưa quân rẽ ngoặt vào rừng...
Ban sáng, Xa-ma-rin nghe Méc-xa-lốp báo cáo, chỉ hỏi anh có một câu: Để lại cho Bô-ga-rép bao nhiêu đạn dược? Và ông nói:
- Mười bảy giờ đồng chí lên gặp tôi.
Méc-xa-lốp hiểu rằng lần nói chuyện thứ hai sẽ ngắn hơn lần thứ nhất và nó chẳng hứa hẹn một điểm tốt lành nào. Vì thế anh ngạc nhiên và rất khoan khoái khi trung tướng bảo anh:
- Tôi tạo cơ hội cho đồng chí chuộc tội: đồng chí hãy nối liên lạc với Bô-ga-rép, hai người hãy hiệp đồng tác chiến, bảo đảm cho đồng chí ấy thoát vòng vây và thu hồi binh khí khí tài mà đồng chí đã bỏ lại. Đồng chí có thể ra.
Méc-xa-lốp biết rõ là nhiệm vụ phải hoàn thành thật vô củng khó khăn gian khổ. Nhưng anh không hề sợ. Anh chỉ ngại nhất cơn thịnh nộ của thủ trưởng mình.
Bô-ga-rẻp đã qua hai ngày bị vây ở trong rừng cùng với tiểu đoàn của anh.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét