Nhân Dân Bất Diệt
Tác giả: Vasily
Grossman
Người dịch: Trần
Mai Chính
NXB Quân Đội Nhân
Dân - Năm 1963
Mác-si-khi-na
Bu-đa
Bà mẹ đẻ của chính
ủy mặt trận, cụ Ma-ri Chi-mô-phê-i-ép-na Sê-rê-nít-sen-cô, một bà lão bảy mươi
tuổi, mặt rám nắng, rời nơi chôn rau cắt rốn ra đi. Xóm giềng mời cụ cùng đi
với họ từ ban ngày nhưng cụ đang dở nướng bánh đem đi ăn đường, mẻ bánh phải
đến tối mới xong. Thấy ông chủ tịch nông trường sớm hôm sau mới lên đường, cụ
quyết định cùng đi với ông ta. Đứa cháu trai Lê-ô-nít, mười một tuổi vừa hết
năm học tại một trường ở Ki-ép đã về nghỉ hè với cụ, chừng ba tuần lễ trước
chiến tranh. Từ khi mới bắt đầu đánh nhau đến nay, cụ không hề nhận được thư
của con trai nên cụ định mang cậu cháu nội sang bên ông bà ngoại nó, mẹ nó đã
mất từ ba năm trước. Chính ủy mặt trận đã nhiều lần vật nài mời cụ đến ở với
ông tại Ki-ép; ở đó, nhà cửa rộng rãi, sống dễ chịu hơn. Hàng năm cụ có đến
chơi với ông nhưng thường thường không ở quá một tháng. Ông đưa cụ đi xe hơi
dạo chơi thành phố, hai lần dẫn cụ đến thăm nhà Bảo tàng lịch sử. Bà cụ thích
đi xem hát. Công chúng ngắm nghía một cách thú vị, tỏ ý tôn kính bà lão nông
dân có vóc người cao lớn và đôi bàn tay nhăn nheo vì lao động, ngồi trên hàng
đầu dãy ghế bành ngoại hạng. Ông con, đã thành thói quen, mãi tới trước màn
cuối mới đến rạp, vì khuya lắm, ông mới xong công việc. Hai người đi bên nhau
qua suốt rạp hát và mọi người đều nhường bước cho bà cụ già lưng còn thẳng,
nghiêm nghị, choàng một tấm khăn đen trên vai và người quân nhân đeo cấp hiệu
cao là chính ủy mặt trận, từ nước da xạm đến khuôn mặt đều giống hệt bà cụ. Các
bà phụ nữ vừa quay đầu vừa thì thầm với nhau: “Đúng là hai mẹ con”.
Năm 1940, bà cụ ốm
không lên chơi với con được; hồi tháng Bảy ông về thăm cụ được hai hôm. Lần này
nữa, khi đi diễn tập, ông lại khẩn khoản mời cụ lên ở với ông tại Ki-ép. Vợ ông
đã qua đời; ông cảm thấy cô đơn và ngại cho thằng Lê-ô-nít lớn lên mà không
được hưởng sự chăm sóc âu yếm của mẹ. Điều làm ông khổ tâm hơn nữa là tuy đã
bảy chục tuồi đầu mà bà cụ vẫn cứ lao động ở nông trường, đi kéo lấy nước
giếng, vai vẫn phải gánh, tự tay chẻ lấy củi. Cụ lắng nghe những lý lẽ của ông,
pha nước trà cho ông uống ờ ngoài vườn dưới cây táo mà cha ông xưa kia đã trồng
trước mặt ông. Đến chiều cụ dẫn ông ra nghĩa địa, tới mộ cha ông và bảo:
- Quả thật mẹ
không thể nào rời quê được. Có chết mẹ cũng chết ở đây. Đừng giận mẹ, con ạ.
Ấy thế mà giờ đây
cụ sắp phải xa quê hương. Trước ngày ra đi, cụ cùng với cháu tìm đến chơi nhà
một bà lão quen cũ. Khi đến túp nhà nhỏ, hai bà cháu nhìn thấy cái cổng lớn mở
toang cả hai cánh, và ở giữa sân, một ông già chột, cụ Va-xi-li Các-pô-vích,
người chăn cừu của nông trường. Con chó lông đỏ hoe của bà chủ nhà cứ chạy
quanh ông lão, đuôi cúp xuống.
- Ôi thôi, cụ ấy
đi rồi. - Va-xi-li Các-pô-vích nói. - Cụ ấy cứ ngỡ là cụ đi từ sáng hôm nay.
- Mai chúng tôi
mới đi. - Lê-ô-nít nói. - Ông chủ tịch đã giúp chúng tôi ngựa rồi.
Mặt trời lặn chiếu
sáng những quả cà chua xanh đang bắt đầu hồng do bàn tay chăm sóc của bà chủ
nhà đã xếp lên thành cửa sổ; mặt trời chiếu sáng cả những bông hoa lộng lẫy như
đang mỉm cười trong mảnh vườn con, chiếu sáng cả những cây ăn quả còn non, thân
quét vôi trắng và các cành cây được những người chăm sóc buộc que chống đỡ. Một
cái chốt gỗ, gọt cẩn thận dùng để đóng cổng, nằm trên gióng ngang ở hàng rào.
Trong vườn rau, những quả bí ngô là những mảng màu vàng giữa đám lá xanh, giữa
những bắp ngô chín, những vỏ đậu và đậu hòa lan. Hoa hướng dương đang nhìn xung
quanh với con mắt đen láy.
Cụ Ma-ri
Chi-mô-phê-i-ép-na bước vào căn nhà vắng chủ. Mọi vật bên trong vẫn giữ nguyên
dấu vết một cuộc sống thanh bình của những người chủ ưa sạch sẽ và yêu hoa.
Dưới thành cửa sổ, những bông hồng cánh xoăn; trong một góc nhà, một cây vả lớn
lá sẫm; trên nóc cái tủ có ngăn kéo, một cây chanh con và hai cái chậu trồng
những cành chà là non mảnh dẻ. Mọi vật trong căn nhà này - từ cái bàn bếp, nồi
nóng đặt lên còn để lại những vết nhọ đen tròn, từ cái chậu rửa mặt nhỏ gắn vào
tường với những bông hoa cúc cánh trắng vẽ trên nền xanh, từ cái tủ buýp-phê
nhỏ đựng tách chén chưa ai uống tới cho đến những bức tranh âm u treo trên
tường - tất cả gợi lại cuộc sống lâu dài của căn nhà nhỏ bỏ trống đó, gợi lại
hình ảnh người ông, người bà và các trẻ nhỏ đã bỏ quên trên bàn một cuốn sách
quốc văn, gợi lại những buổi tối hè, tối đông êm ả. Hàng vạn những căn nhà nhỏ
trắng của xứ U-cơ-ren, giống hệt như căn nhà này, đã vắng người ở. Những người
chủ đã xây nên chúng và trồng cây cối khắp xung quanh đang bước đi với vẻ ủ rũ,
đôi ủng của họ cuốn bụi trên những con đường dẫn tới phía đông.
- Ông ơi, họ để
con chó lại à? - Lê-ô-nít hỏi.
- Họ không muốn
đem nó đi theo; vì thế tôi phải nuôỉ nó! - Õng lão trả lời, nước mắt rưng rưng.
- Làm sao mà khóc?
- Cụ Ma-ri hỏi.
- Làm sao, làm sao
ư? - Ông lão vừa nói, vừa khoa tay có vẻ chán chường. Cái cử chỉ nặng nề của
bàn tay ông lão có những cái móng đen biến dạng vì lao động đã biểu lộ rõ sự
sụp đổ của cả một cuộc đời.
Cụ Ma-ri
Chi-mô-phê-i-ép-na rảo bước quay về nhà. Chú Lê-ô-nít xanh mướt và gầy guộc
theo khướt mới kịp cụ.
Cụ già cảm thấy
biết bao nhiêu là nhớ thương cay đắng khi bước đi trong cái phố thôn dã ấy!
Chính qua dãy phố này người ta đã dẫn cụ tới nhà thờ làm lễ cưới. Chính qua dãy
phố này cụ đã theo sau linh cữu cha, mẹ và chồng. Vậy mà, mai đây, cụ sẽ phải
leo lên một cái xe nhỏ, giữa những bọc quần áo thường dùng nhặt nhạnh vội vã;
cụ sẽ phải bỏ lại ngôi nhà cụ đã làm chủ từ năm mươi năm nay và là nơi cụ đã
nuôi con cái lớn khôn, nơi thằng cháu nhỏ đến thăm cụ, nó mới vồn vã, thông
minh và tốt làm sao.
Trong thôn xóm còn
được những tia nắng ấm buổi hoàng hôn chiếu sáng, trong những căn nhà trắng
xinh xinh có những luống hoa và các vườn nhỏ đáng yêu bao bọc xung quanh, người
ta thì thầm thuật lại rằng: từ đấy ra cho đến sông, không có bộ đội Hồng quân;
và lão Cô-ten-cô trước đây, hồi tập thể hóa nông thôn, đã bỏ đi ra miền mỏ
Đô-nét sau đó lại trở về làng, nay vừa sai mụ vợ lấy vôi quét trắng hết các
tường nhà, như chuẩn bị cho ngày lễ Phục sinh, Bà lão góa Gu-len-xcai-a, ra kéo
nước giếng, nói với tất cả mọi người:
- Hình như “nó”
chia đất ra thành nhiều lô. Hình như “nó” tin vào Chúa.
Những tin dữ,
những tin thê thảm đồn đại trong làng, Các cụ già ra ngoài phố nhìn về phía mà
chiều chiều, đàn cừu từ đồng cỏ thường trở về tung một đám bụi pha hồng dưới
nắng chiều gay gắt; chính từ phía ấy quân Đức sẽ kéo tới, sẽ đổ ra từ khoảng
rừng sến nhỏ, sau khi đã xuyên qua cánh rừng rộng, Các bà nông dân vừa khóc lóc
nức nở, vừa đào hố trong vườn và dưới nền nhà, cất giấu vào đó hàng đống những
áo quần khốn khổ mà họ thường dùng: chăn, ủng bằng da, bát đĩa, Họ đưa mắt nhìn
về hướng đông. Hướng đông vẫn bình yên và trong trẻo!
Gơ-rít-sen-cô, chủ
tịch nông trường đến gặp lão Cô-ten-cô đòi lại bốn cái bị mà anh cho lão mượn
cách đây một tháng.
- Chào cụ! -
Gơ-rít-sen-cô nói. - Tôi đến lấy mấy cái bị của tôi.
Cô-ten-cô vẻ giảo
hoạt:
- Anh chủ tịch
nông trường, anh chuẩn bị để lên đường đấy à ?
- Kìa! Phải đi
chứ, - Gơ-rít-sen-cô đáp, và đưa con mắt khó chịu nhìn chòng chọc vào lão già.
Từ mấy hôm nay lão
ta như phấn chấn hẳn lên. Lão nói bằng một giọng đĩnh đạc, mỉa mai, gọi
Gơ-rít-sen-cô bằng anh.
- Phải, phải, cần
phải đi. Anh không thể nào làm khác được: chủ tịch xô-viết đi rồi, người ở văn
phòng đi rồi, kế toán đi rồi, người của các anh đã đi gần hết, cho đến cả anh
phát thư và các tổ trưởng của nông trường.
Và lão phá lên
cười.
- Đấy, tình thế
chúng ta hiện nay là thế đấy. Còn chuyện mấy cái bị ấy à, tôi chưa thể trả anh
được. Anh xem, thằng rể tôi nó mang đựng thóc đem đến Bê-lu Cô-lô-đết rồi, ngày
kia nó mới về.
Lão rất muốn giải
thích lý do. Nhưng vốn thận trọng, thâm hiểm, quen thói kín như bưng, lão thấy
sợ phải nói quá dài về chuyện đó. “Biết đâu đấy, - lão nghĩ. - khéo nó lại
tương cho mình một phát”. Niềm vui làm cho lão chếnh choáng và tuy chưa có
chuyện gì xảy ra ờ đằng phía tây, đồng chí chủ tịch nông trường vẫn còn đi kiểm
tra công việc như thường, nhưng lão vẫn cứ ngứa ngáy muốn nói ngay lập tức nỗi
lòng của lão, nói những điểu lão nghiền ngẫm ròng rã bao đêm đông, những điều
lão giữ kín không dám thổ lộ ngay cả với mụ vợ lão. Xưa kia, cách đây chừng bốn
mươi năm, lão có đến thăm một người chú làm tá điển trong nhà một tên cu-lắc
người Ét-tô-ni giàu sụ. Lão ghi nhớ mãi mãi trong lòng hình ảnh cái sân nuôi gà
vịt rộng thênh thang, cái cối xay chạy bằng hơi nước, nhớ đến cả người chủ trại
nữa, một lão già cường tráng và râu ria mặc một tấm áo da cừu viền lông thú.
Lúc đi tuần trong rừng, nơi những người làm công nhật cưa gỗ, người chủ trại
rút một cái lọ trong túi ra mở nút tu một hớp rượu mạnh ngâm những trái “be”
màu hồng nâu nâu. Đó không phải là một thương gia hoặc một nhà quý tộc. Không,
đó chỉ là một nông dân, một người nông dân sang trọng và phong lưu. Từ đó, mơ
ước của Cô-ten-cô là được trở thành một người chủ trại giàu sụ, có những con bò
cái hung hung béo tốt, một đàn cừu, hàng trăm con lợn hồng to, một cái trại ở
đó hắn sẽ thuê hàng chục người làm công lực lưỡng và dễ bảo. Tàn ác và kiên
nhẫn, lão đã đi tới đích. Năm 1915, lão có sáu mươi héc-ta đất, và một cái cối
xay lúa. Cách mạng đã tước đoạt hết của lão. Hai người con trai lão gia nhập
Hồng quân và đã tử trận hồi nội chiến. Cô-ten-cô cấm vợ không được treo ảnh
chúng trên tường. Lão hy vọng, chờ đợi. Năm 1931, lão bỏ đi tới vùng Đô-nét tám
năm, vào làm việc trong một hầm mỏ. Nhưng giấc mơ được sống cuộc đời của một
tên cu-lắc, lão vẫn không đoạn tuyệt bao giờ.
Giờ đây lão thấy
hình như đã có thời cơ thực hiện ảo vọng của lão.
Ròng rã suốt những
năm tháng ấy, bà già Sê-rê-nít-sen-cô đã kính thích lòng thèm muốn của lão. Lão
nhận thấy là sự kính nể mà lão ước ao được hưởng dưới thời Sa hoàng, người phụ
nữ ấy đã giành được sau cách mạng bằng một cuộc đời lao động gay go gian khổ.
Người ta mời bà ra thành phố, ở đó bà đọc những bài diễn văn trong rạp hát.
Cô-ten-cô không thể nào nhìn mà không bực tức, ảnh chụp bà ta in trên tờ báo
huyện: người phụ nữ già nua có đôi môi mỏng, vai choàng một tấm khăn đen, nhìn
lão với cặp mắt nghiêm khắc và thông minh. Lão có cảm giác là bà ta khinh rẻ
lão. Lão thấy hình như bức ảnh nói với lão: “Này, Cô-ten-cô, anh sống không có
đạo đức”. Và lão đem lòng căm ghét bà khi nhác thấy bà bình thản đi qua cánh
đồng hoặc khi lão nghe thấy xóm giềng kể: “Cụ Chi-mô-phê-i-ép-na ra Ki-ép chơi
với con trai. Một đồng chí trung úy đem xe hơi màu xanh da trời về đón cụ ấy”.
Giờ đây, Cô-ten-cô
biết rằng mình không uổng công chờ đợi, chính lão thắng chứ không phải
Chi-mô-phê-i-ép-na. Không phải không có lý do mà lão đã để một bộ râu kiểu
cu-lắc Ét-tô-ni. Lão không uổng công chờ đợi và hy vọng. Thấy chủ tịch nông
trường nhìn lão chòng chọc, lão nén lòng, tìm cách làm cho mình vững dạ và cố
trấn tĩnh không xúc động.
“Hãy chờ, chờ một tý nữa, lão nghĩ bụng, mày
đã nhẫn nhục lâu hơn thế nhiều rồi; chỉ còn có một ngày, có mỗi một ngày nữa
thôi”.
- Ai biết, - lão
vừa nói vừa ngáp. - ai biết được. Tự nhiên bà lão nhà tôi cứ khăng khăng quét
vôi lại nhà giữa thời buổi này kia chứ. Đàn bà họ đã muốn mà khuyên ngăn lại
thì... anh thử tính hộ xem.
Tiễn chân đồng chí
chủ tịch nông trường rồi, lão đứng rất lâu ngắm nghía con đường hoang vắng,
đồng thời những ý nghĩ sướng vui quẫy lộn trong đầu óc lão đang xúc động: “Sê-rê-nít-sen-cô
xây nhà trên đất của ta, vậy thì nhà đó sẽ thuộc về ta. Hoặc giả
Sê-rê-nít-sen-cô muốn giữ nhà thì mụ cứ việc trả tiền thuê đất cho ta... Chuồng
ngựa của nông trường nằm trên đất của ta; vậy thì nó sẽ về ta... Vườn quả của
nông trường trồng trên đất của ta, vậy thì những cây anh đào và những cây táo
ấy cũng sẽ về ta... Rồi cả cái nhà nuôi ong của nông trường nữa. Ta sẽ tạo ra
bằng chứng là người ta đã chiếm đoạt những tổ ong ấy của ta hồi cách mạng...”.
Con đường cái yên
tĩnh, hoang vắng, không bụi bậm. Không một chút gió lay động cây cối hai bên
đường. Mặt trời đỏ ửng, thanh bình và hùng tráng ngả xuống mặt đất. Cô-ten-cô
nghĩ: “Tóm lại, giờ đây đến lượt ta”.
------------
Còn
tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét