Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

Vasily Grossman - Nhà văn chiến trường (P1)

Vasily Grossman - Nhà văn chiến trường
(Sách viết về người phóng viên Soviet đi cùng Hồng quân trong suốt WW2, từ năm 1941 đến 1945)

Biên dịch: Antony Beevor (Tác giả cuốn “Stalingrad”) và,
Luba Vinogradova.

Vasily Semenovich Grossman (1905-1964) được xem như 1 vị anh hùng của WW2. “Cuộc đời và số phận” (Life and fate), cuốn tiểu thuyết của ông viết vào năm 1960 về trận chiến Stalingrad, đã bị tuyên bố là mối đe dọa đối với Nhà nước Soviet và bị KGB tịch thu. 20 năm sau, cuốn sách được bí mật chuyển khỏi Liên Xô bằng microfilm để xuất bản và được hoan nghênh rộng rãi ở Phương Tây.
Các tác phẩm đã được xuất bản bằng tiếng Anh của Grossman:
- Life and Fate. (Cuộc đời và Số phận)
- Forever Flowing. (Mãi nổi trôi)

Bản quyền cuốn sách này thuộc về Ekaterina Vasilievna Korotkova Grossman và Elena Fedorovna Kozhichkina.
Bản dịch tiếng Anh, lời tựa và lời nói đầu thuộc bản quyền của Antony Beevor và Luba Vinogradova.

Nhà xuất bản Vintage Book thuộc Random House, Inc. (New York) phát hành tại Mỹ tháng 3/2007.

Lời tựa

Vasily Grossman xác lập 1 chỗ đứng vững chắc trong lịch sử văn học thế giới nhờ kiệt tác “Cuộc đời và Số phận”, 1 trong những cuốn tiểu thuyết Nga hay nhất trong thế kỷ 20. Một số nhà phê bình thậm chí xếp cuốn sách này cao hơn cả cuốn “Bác sĩ Zhivago” của Pasternak hay những cuốn tiểu thuyết của Solzhenitsyn.
Cuốn sách “Vasily Grossman - Nhà văn chiến tranh” này căn cứ vào những cuốn sổ ghi chép trong thời chiến của Grossman cũng như các bài viết của ông được lưu trữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia Nga về Văn học Nghệ thuật. Chúng tôi cũng sử dụng 1 số thư từ do con gái ông và con trai riêng của vợ ông lưu giữ. Phần lớn nguyên liệu tạo nên các tác phẩm của ông nằm trong những cuốn sổ ghi chép trên cũng như các bài báo của ông. Grossman, phóng viên đặc biệt của tờ báo Hồng quân Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ), đã chứng tỏ sự am hiểu sâu sắc và đã tận mắt chứng kiến những gì diễn ra tại tiền tuyến Soviet trong khoảng thời gian từ năm 1941 đến 1945. Ông đã bỏ ra hơn 1.000 ngày trên mặt trận, sự sắc bén trong quan sát của ông, tính nhân văn và trí tuệ của ông là bài học vô giá đối với bất kỳ nhà văn hay nhà sử học nào.

Vasily Grossman sinh tại thị trấn Berdichev (Ukraina) ngày 12/12/1905. Bedichev là 1 trong những cộng đồng Do Thái lớn nhất ở Trung Âu và Grossman được hưởng 1 sự giáo dục rất tốt. Vasily vốn được đặt tên là Iosif, nhưng cũng như nhiều gia đình đã bị đồng hóa với dân bản địa khác, gia đình Grossman cũng Nga hóa tên họ. Cha của ông, tên khai sinh là Solomon Iosifovich, đã đổi tên thành Semyon Osipovich.
Cha mẹ Grossman chia tay khi ông còn nhỏ, ông đã sống tại Thụy Sỹ với mẹ trong 2 năm trước khi WW1 bùng nổ. Năm 1918, ngay sau Cách mạng Tháng 10, ông quay lại Berdichev. Đất nước Ukraina và nền nông nghiệp trù phú của nó đã bị hủy hoại trước hết bởi sự chiếm đóng của quân Đức do Thống chế Von Eichhorn chỉ huy, vùng nông thôn đã bị phá trụi*.

*[Thống chế Hermann Von Eichhorn (1848 - 1918). Theo những điều khoản Hiệp ước Brest-Litovsk mà Nga phải ký dưới sự ép buộc thô bạo của người Đức, nhiệm vụ của Eichhorn trong năm 1918 là quản lý việc thu hoạch trụi mùa màng tại Ukraina để cung cấp cho các thành phố Đức đang thiếu đói vì bị quân Anh phong tỏa. Chính sách này đương nhiên gây căm phẫn trong những người Ukraina và Eichhorn đã bị ám sát vào tháng 7/1918]

Sau đó, khi quân Đức rút đi vào tháng 11 vì Cách mạng Tháng 10 bùng nổ, cuộc Nội chiến Nga lại bắt đầu với những trận đánh giữa Bạch vệ và Hồng quân. Những người Ukraina theo chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa vô chính phủ chống lại cả 2 bên. Quân Bạch vệ và quân theo chủ nghĩa quốc gia, đôi khi cả Cận vệ Đỏ, trút lòng hận thù mù quáng vào các cuộc tàn sát người Do Thái khắp Ukraina. Một số nguồn tin nói rằng khoảng 150.000 người Do Thái, tương đương khoảng 1/3 số dân Do Thái, đã bị giết trong cuộc Nội chiến. Nạn đói diễn ra liên tục từ năm 1920 đến 1922 cũng khiến hàng trăm nghìn người chết chỉ riêng tại Ukraina.
Grossman theo học Đại học Moscow năm 1923, tại đó ông học ngành hóa học. Ngay từ lúc đó, Grossman đã thể hiện niềm đam mê đối với quân đội. “Nếu chỉ nhìn thoáng qua, cha tôi hoàn toàn là 1 người dân thường”, Ekaterina Korotkova, con gái duy nhất của ông nói. “Ai cũng có thể thấy ngay điều đó trong cái cách ông cúi lom khom hay cách ông đeo kính, tay ông cũng rất vụng về lóng ngóng. Lần đầu tiên ông thể hiện sự thích thú với quân đội là khi còn học đại học, ông đã viết trong 1 bức thư rằng nếu không bị gọi nhập ngũ ông cũng sẽ tình nguyện”.
Năm 1928, khi mới 23 tuổi và vẫn còn là sinh viên, ông cưới người bạn gái ở Kiev, Anna Petrovna Matsuk, thường gọi là Galya. Kết quả của mối quan hệ này là 1 bé gái ra đời tháng 1/1930. Họ đặt tên con là Ekaterina, hay Katya, theo tên mẹ của Grossman. Năm 1932, 10 năm sau cuộc Nội chiến là nạn đói tồi tệ do con người tạo ra, chiến dịch chống địa chủ (kulak) và tập thể hóa nông nghiệp cưỡng bức của Stalin là nguyên nhân gây ra nạn đói giết chết hơn 7 triệu người*.

*[Ước tính lớn nhất về số nạn nhân của nạn đói 1930 - 1933 là từ 7,2 đến 10,8 triệu người]

Các bậc cha mẹ phát điên vì đói đến mức ăn thịt chính con cái mình, đó là hình ảnh mang tính biểu tượng về những gì diễn ra trong nạn đói này đã được mô tả trong tác phẩm thơ đáng nhớ “Thế kỷ chó sói” (The wolfhound century) của Osip Mandelstam. Nếu Grossman không chứng kiến tận mắt hiện thực ghê sợ này thì chắc chắn cũng đã nghe về nó hoặc nhìn thấy những hậu quả, thí dụ như những người ăn xin gầy trơ xương bên các toa tàu hi vọng các hành khách nhân từ quẳng cho họ 1 mẩu bánh mì. Ông đã mô tả lại nạn đói ở Ukraina trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình, “Mãi nổi trôi” (Forever Flowing), trong đó có đoạn xử tử một phụ nữ bị tố cáo đã ăn thịt 2 đứa con.
Hậu quả chính sách tàn bạo của Stalin đối với khu vực này, theo những gì chính bản thân Grossman nhận thấy, là phần lớn người Ukraina đã vui mừng chào đón đoàn quân xâm lược Đức 1 thập kỷ sau đó. Những người theo chủ nghĩa Stalinist đã lan truyền 1 tin đồn rằng những người Do Thái chịu trách nhiệm về nạn đói này. Đó có lẽ là 1 trong những yếu tố khiến sau này những người Ukraina rất tích cực hợp tác với quân Đức trong việc thảm sát người Do Thái.
Cuộc sống gia đình của Grossman thường xuyên bị ngắt quãng bởi ông luôn phải ở Moscow nên đã không kéo dài. Galya bỏ đứa con gái cho mẹ chồng nuôi vì Kiev là trung tâm của nạn đói và đứa trẻ sẽ có cơ hội sống sót hơn khi ở 1 nơi xa xôi là Berdichev. Trong các năm sau này, Katya cũng vẫn thường quay về sống với bà nội.
Việc viết lách bắt đầu cuốn hút Grossman hơn việc học nhưng ông cần 1 việc làm. Trong năm học cuối 1930, ông tới Stalino (nay là Donetsk) ở miền đông Ukraina làm kỹ sư mỏ. Donbass, khu vực bị bao bọc bởi khúc ngoặt gấp của hạ lưu sông Don và Donets là nơi ông đã quay lại trong thời gian chiến tranh, đó là những gì được viết trong các cuốn sổ ghi chép. Năm 1932 Grossman lợi dụng việc mình bị chẩn đoán sai là mắc bệnh lao mãn tính để được chuyển khỏi Stalino về Moscow. Tại đây ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên, “Gluck auf” (Chúc may mắn), viết khi còn ở mỏ than. Tiếp sau đó là cuốn “Stepan Kolchugin”. Mặc dù cả 2 cuốn tiểu thuyết đều viết theo tư tưởng Stalinist phổ biến trong các tác phẩm thời kỳ đó nhưng văn phong hết sức thuyết phục. Truyện ngắn “Ở thị trấn Berdichev” xuất bản tháng 4/1934 đã được Mikhail Bulgakov* khen ngợi. Maxim Gorky**, bậc lão làng của văn học Soviet, mặc dù nghi ngờ khả năng của Grossman khi thấy ông đi theo chủ nghĩa xã hội hiện thực, vẫn cổ vũ cho công việc sáng tác của nhà văn trẻ này. Grossman có thần tượng là các nhà văn Chekhov và Tolstoy, không bao giờ tỏ ra là 1 tên bồi bút theo chủ nghĩa Stalinist mặc dù ban đầu ông tin rằng chỉ có chủ nghĩa cộng sản Soviet mới có thể chặn đứng hiểm họa của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa bài Do Thái.

*[Mikhail Afanasievich Bulgakov (1891 - 1940), tác giả tiểu thuyết “Bạch vệ” (The White Guard, 1924) được chuyển thể thành nhạc kịch “Thời đại của gia đình Turbin” (The Day of the Turbins, 1926) do Nhà Hát Moscow trình diễn. Thật phi lý, vở kịch mô tả 1 cách hết sức nhân văn giới sĩ quan và trí thức Nga Sa hoàng này lại trở thành 1 vở kịch được Stalin ưa thích. 1 kiệt tác khác của ông, “Giáo sư và Margarita” (The Master and Margarita), dù đã bị sửa chữa nhưng vẫn không được xuất bản ngay cả khi ông đã qua đời]

**[Gorky hay Maksim là bút danh của Aleksei Maksimovich Peshkov (1868 - 1936), nhà văn và nhà viết kịch. Gorky là người ủng hộ Cách mạng Tháng 10 và từng là bạn của Lenin, tuy vậy quan điểm độc tài của những người Bolshevik làm ông khó chịu nên đã bỏ sang Tây Âu năm 1921. Stalin bằng các thủ đoạn nịnh bợ đã khéo léo thuyết phục được ông trở về Liên Xô năm 1920, tại đây ông được tiếp đón long trọng. Thành phố Nizhni Novgorod đã được đổi tên thành Gorky để vinh danh ông. Sau khi trở về Gorky trở thành 1 công cụ của chế độ, ông tuyên truyền cổ động cho chủ nghĩa xã hội hiện thực vào tháng 10/1932. Ông là vị cha già của nền văn học Soviet cho đến khi mất]

Tháng 3/1933, người họ hàng đồng thời là người ủng hộ Grossman nhiệt thành, Nadezhda Almaz, bị bắt vì theo chủ nghĩa Trotskist. Grossman bị cơ quan mật vụ OGPU (sau này trở thành NKVD) thẩm vấn. Cả Almaz và Grossman đều có quan hệ với nhà văn Victor Serge*, người sau này bị trục xuất vào năm 1936 và trở thành 1 người cánh tả chỉ trích Stalin nhiều nhất ở Paris.

*[Victor Serge (1890 - 1947), bút danh của Viktor Kibalchich. Sinh tại Bỉ, là con trai của 1 sĩ quan đội Cận vệ Hoàng gia đã chuyển sang đi theo cách mạng, mẹ là người Bỉ. Serge là 1 người đồng thời theo chủ nghĩa vô chính phủ Pháp, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội, ông đã tới Nga năm 1918 để tham gia Cách mạng Tháng 10 nhưng cảm thấy khó chịu với chủ nghĩa độc tài Bolshevik. Ông trở nên nổi tiếng với cuốn tự truyện “Ký ức Cách mạng” (Memoirs of a Revolutionary, 1945) và các tiểu thuyết “Men in Prison”, “Birth of our Power” và “The Case of Comrade Tulayev”]

Cả 2 người đã cực kỳ may mắn. Nadya Almaz bị đi đày, nhận 1 án cải tạo ngắn nhờ đó cô thoát khỏi thời kỳ Đại Khủng bố (Great Terror) diễn ra vào cuối thập kỷ đó. Grossman cũng không bị đụng tới. Số phận ông có lẽ đã rất khác nếu các cuộc thẩm vấn diễn ra vào 3 hay 4 năm sau.
Cuộc sống của 1 nhà văn, đặc biệt là 1 nhà văn chất phác và ngây thơ về chính trị như Grossman, đã không dễ dàng gì trong mấy năm sau đó. Thật kỳ lạ là ông đã sống sót qua được các cuộc thanh lọc, 1 thứ mà sau này Ilya Ehrenburg* mô tả chẳng khác gì 1 trò xổ số.

*[Iliya Grigorievich Ehrenburg (1891 - 1967), nhà văn, nhà thơ, nhà báo viết cho tờ Krasnaya Zvezda trong thời gian WW2. Sau đó ông làm việc cùng với Grossman trong Ủy ban người Do Thái chống phát xít để viết cuốn Sách Đen về những tội ác chống người Do Thái, tuy nhiên cuốn sách đã bị chính quyền Stalin tịch thu ngay sau Đại chiến. Ehrenburg là người đặc biệt thính nhạy để thoát khỏi những mối nguy hiểm do chính sách của Stalin.]

Ehrenburg đã nhận xét về sự vụng về và chân thật tự nhiên của Grossman: “Anh ta quá tốt và hết mình vì bạn bè”, ông viết, “nhưng đôi khi có thể cợt nhả cả với những phụ nữ 50 tuổi kiểu như: “Chị có vẻ già đi nhiều so với tháng trước”. Tôi biết đặc điểm đó của anh ta và không lấy làm bực mình khi anh ta bất ngờ nhắc: “Anh có vẻ viết lách tệ hơn vì lý do nào đó thì phải”.
Năm 1935, khi cuộc hôn nhân của ông với Galya đã chấm dứt nhiều năm, Grossman bắt đầu 1 mối quan hệ mới với Olga Mikhailovna Guber, 1 phụ nữ to béo lớn hơn ông 5 tuổi. Cũng như Galya, Lyusya, như cách ông gọi bà, là người Ukraina. Boris Guber, chồng bà và cũng là bạn văn của ông, biết được vợ mình say mê Grossman nhưng không quá cố gắng chống lại việc đó. Là 1 người Nga gốc Đức sinh trưởng trong 1 gia đình nề nếp, Guber đã bị bắt và xử tử năm 1937 trong thời kỳ “Yezhovshchina”* điên loạn, tức thời kỳ thanh lọc như cách gọi sau này.

*[Đặt theo tên của người đứng đầu NKVD lúc đó là Nikolai Ivanovich Yezhov (1895 - 1939), thường được biết với cái tên “Quỷ Lùn” vì dáng người nhỏ thó và còn thọt chân. Yezhov lên thay Genrikh Yagoda (1891 - 1938) đứng đầu NKVD theo bổ nhiệm của Stalin vào tháng 9/1936. Đến tháng 12/1938 ông ta bị Lavrenty Beria thay thế và phải chịu trách nhiệm vì đã làm quá mức yêu cầu của Stalin. Giống như vị tiền nhiệm của mình là Yagoda, ông ta cũng bị kết án phản quốc và bị xử tử]

Cùng năm đó, Grossman trở thành thành viên Hội Nhà Văn, một tổ chức cung cấp một cái mác đảm bảo để những thành viên có thể ngẩng cao đầu. Tuy nhiên tháng 2/1938 thì Olga Mikhailovna bị bắt, có lẽ do đã từng là vợ của Guber. Grossman vội tới thuyết phục các nhà chức trách rằng giờ cô ta là vợ ông dù vẫn giữ tên Guber. Ông cũng nhận nuôi 2 con trai của Guber để giúp chúng khỏi bị đưa vào trại trẻ mồ côi dành cho con cái các “kẻ thù của nhân dân”. Bản thân Grossman cũng bị thẩm vấn ở Lubyanka ngày 25/02/1938. Mặc dù đã được công nhận không phải là tội phạm chính trị, ông vẫn phải chứng minh mình hoàn toàn không có quan hệ gì với Guber trong khi vẫn phải khéo léo để không phải phản bội bất cứ ai. Ông cũng chấp nhận rủi ro lớn khi viết thư cho Nikolai Yezhov, người đứng đầu NKVD, dũng cảm dẫn lời Stalin để chứng minh rằng vợ mình không hề chia sẻ bất kỳ tội lỗi nào đã bị quy cho người chồng cũ. Olga cũng được an toàn nhờ sự dũng cảm của Guber, ông đã không lôi cô vào cuộc dù đã gần như bị buộc phải làm điều đó trong những cuộc thẩm vấn tàn bạo.
Đó là khoảng thời gian các giá trị đạo đức bị làm nhục sâu sắc. Grossman cũng chẳng dám giúp ai như tất cả mọi người. Ông đã đứng trước sự lựa chọn nhưng rồi vẫn ký vào 1 bản tuyên bố ủng hộ việc đưa ra tòa về tội phản quốc những người Bolshevik cựu trào và những người “Trotskist-phát xít”. Nhưng ông không bao giờ quên được sự ghê sợ với chúng và đã bộc lộ những áp lực ghê gớm của giai đoạn này trong những đoạn văn quan trọng nhất của cuốn “Cuộc đời và số phận”.
Tình trạng khủng bố tồi tệ qua đi có vẻ như nhờ vào việc Stalin ký được hiệp ước với Hitler năm 1939. Grossman đã có thể đi nghỉ suốt mùa hè năm đó ở Biển Đen cùng vợ và các con riêng của vợ tại nhà nghỉ của Hội Nhà Văn. Họ cũng có 1 kỳ nghỉ tương tự vào tháng 5/1941 nhưng ông đã quay lại Moscow 1 tháng sau và có mặt tại Moscow vào thời điểm quân Đức xâm lược Liên Xô ngày 22/6/1941. Như phần lớn các nhà văn khác ông tình nguyện tham gia Hồng quân nhưng Grossman chưa được nhận vì mặc dù mới 35 tuổi nhưng ông hoàn toàn không đủ sức khỏe để đi lính.
Những tuần lễ tiếp theo trở nên hết sức khó chịu đối với Grossman, không chỉ bởi những chiến thắng tưng bừng của người Đức mà còn vì những lý do cá nhân. Ông sống tại Moscow cùng người vợ thứ 2 trong 1 căn hộ nhỏ, với lý do chỗ ở, bà vợ làm ông phát ngấy không dám đề nghị đưa mẹ ông rời Berdichev lên Moscow sống cùng để có 1 nơi trú ẩn an toàn hơn. 1 tuần sau, khi ông nhận thấy Berdichev đã trở nên nguy hiểm thì đã quá muộn để chuyển mẹ mình đi thoát. Trong mọi trường hợp, vợ ông không chịu ép mình dưới 1 bà già lẫn cẫn. Grossman, vì lỡ chuyến tàu để tới đưa mẹ về nhà mình, đã tự trách cứ bản thân trong suốt phần đời còn lại. Trong cuốn “Cuộc đời và số phận”, nhà vật lý Viktor Shtrum cũng bị tra tấn tinh thần vì phạm sai lầm đúng như vậy.
Những cuốn sổ bắt đầu được ghi chép từ ngày 5/8/1941 khi Grossman được tướng David Ortenberg, Tổng Biên tập báo Krasnaya Zvezda, gửi ra mặt trận. Mặc dù đó là 1 tờ báo của Hồng quân nhưng mọi người còn đọc nó say sưa hơn cả tờ Izvestia (Tin tức) trong suốt thời gian chiến tranh. Stalin khăng khăng đòi kiểm duyệt mọi trang viết trước khi in, điều đó khiến Ehrenburg, đồng sự của Grossman, thường đùa rằng nhà độc tài Soviet này chính là độc giả nhiệt thành nhất của ông.
Ortenberg rất lo rằng Grossman sẽ không thể sống sót nổi trước sự khắc nghiệt của mặt trận nên đã tìm cho ông những người đồng đội trẻ trung và có kinh nghiệm quân sự để đi cùng. Grossman thường đùa cợt về tình trạng thiếu sức khỏe để tham gia quân đội và chưa kinh qua huấn luyện quân sự của mình nhưng điều đó diễn ra không lâu. Trước sự kinh ngạc của những người đồng đội, gã tiểu thuyết gia cận thị đã giảm cân rất nhanh chóng, chịu đựng mọi gian khổ cùng họ và đánh bại họ trong 1 cuộc thi bắn súng ngắn.
Con sẽ kể cho cha về bản thân con”, ông viết cho cha mình tháng 2/1942. “Con hầu như lúc nào cũng di chuyển trong suốt 2 tháng vừa rồi. Có những hôm có khi còn nhiều hơn cả 10 năm hòa bình trước đây cộng lại. Con đã trở nên thanh mảnh, con tự cân mình trong phòng tắm hơi (banya) và thấy chỉ còn 74 kg. Bố có nhớ trọng lượng khủng khiếp của con 1 năm trước không - 91 kg? Tim con giờ tốt hơn nhiều... Con đã trở thành 1 lính tuyến đầu (frontoviki) đầy kinh nghiệm. Chỉ 1 tiếng động là con có thể nói ngay cái gì đang diễn ra và ở đâu”.
Grossman học mọi thứ về quân sự: chiến thuật, trang bị, vũ khí - và những tiếng lóng của cánh nhà binh là thứ ông đặc biệt say mê. Ông làm việc rất chăm chỉ như ông đã viết rằng ông chỉ có rất ít thời gian cho mọi thứ khác. “Trong suốt cuộc chiến”, ông viết sau này, “cuốn sách duy nhất mà tôi đọc là “Chiến tranh và Hòa bình”, tôi đã đọc nó 2 lần”. Trên tất cả, ông đã chứng minh lòng dũng cảm phi thường ngay tại mặt trận trong khi phần lớn phóng viên chiến trường đều chỉ loanh quanh tại các sở chỉ huy. Grossman, hiển nhiên là 1 thành viên người Do Thái trong giới trí thức Moscow, đã thực sự thắng lợi trong việc giành được sư khâm phục của những người lính Hồng quân bình thường nhất. Đó là 1 kỳ công đặc biệt. Ở Stalingrad ông đã được gặp Chekhov, lính bắn tỉa số 1 của Tập đoàn quân 62 và đã được anh ta chấp nhận cho đi yểm trợ, tại ổ phục kích của Chekhov ông đã được xem anh ta bắn hạ 1 tên Đức và sau đó lại 1 tên nữa.
Không giống như phần lớn nhà báo Soviet rất hăm hở dẫn lại những khẩu hiệu chính trị, Grossman bền bỉ đi theo con đường của riêng mình trong kỹ thuật phỏng vấn. Sau này ông cho biết: “Chỉ cần nói chuyện 1 cách lãnh đạm với 1 người lính trong lúc nghỉ là anh ta sẽ tuôn ra mọi thứ có trong đầu, thậm chí chẳng cần đến 1 câu hỏi”. Lính trơn bao giờ cũng chiếm số lượng đông nhất và có thể nhanh chóng tìm ra cách chăm sóc bản thân, những mẹo vặt và cả những sai lầm. Grossman chân thật với những sai lầm cũng như với những điều tốt đẹp, và những người lính kính trọng điều đó. “Tôi thích họ”, ông viết. “Tôi thích học hỏi từ cuộc sống. Đôi khi những người lính bắt tôi phải tuân lệnh. Tôi biết toàn bộ cuộc sống quân ngũ, ban đầu đó là việc rất khó khăn”.
Grossman không chỉ đóng vai trò 1 nhà quan sát vô cảm. Sức nặng trong những trang viết của ông bắt nguồn từ cảm xúc của chính ông đã có ngay từ năm 1941 đen tối. Sau này ông viết về “nỗi đau buốt nhói, những điềm gở dễ nhận thấy về thương vong sắp tới, hiện thực bi thảm rằng số phận những người mẹ, người vợ, người con đã trở nên gắn chặt với số phận những trung đoàn bị bao vây hay những đội quân đang rút lui. Làm sao có thể quên được những ngày đó - Gomel và Chernigov chìm trong lửa, Kiev sụp đổ, những đoàn xe rút chạy, những trái hỏa tiễn màu xanh lá cây chứa hơi độc bay qua những khu rừng và sông ngòi lặng câm?”. Grossman đi theo những đồng đội của mình và đã được chứng kiến Gomel bị phá hủy, sau đó họ chạy về phía nam khi Quân đoàn Thiết giáp 2 của tướng Đức Guderian tung 1 mũi tấn công theo 1 vòng tròn rộng để bao vây Kiev. Quân Đức đã bắt sống hơn 600.000 tù binh trong 1 thắng lợi giòn giã chưa từng thấy.
Đầu tháng 10, Grossman được giao đi theo sở chỉ huy Tập đoàn quân 50 của tướng Petrov.
Mô tả của ông về viên tướng này, người sẵn sàng đấm các thuộc hạ, vừa uống trà và ăn mứt mâm xôi vừa ký lệnh xử bắn, nghe như một chuyện châm biếm đáng sợ đối với Hồng quân, nhưng cực kỳ chính xác. Sự chân thật đến mức khó chịu của ông là một mối nguy hiểm. Nếu mật vụ NKVD đọc được những cuốn sổ ghi chép này ông sẽ bị tống vào chỗ giam giữ bọn Gulag. Grossman không phải là Đảng viên, điều đó lại có tác dụng làm giảm sự nghi ngờ đối với vị trí của ông.
Grossman lại một lần nữa suýt bị các đơn vị thiết giáp của Guderian bao vây khi ông tới thành phố Orel nơi sau đó Phương diện quân Bryansk bị vây. Ông đã mô tả chuyến đi đó như một câu chuyện thú vị nhất trong những lần thoát chết của mình. Grossman và các đồng sự trở lại Moscow trong tình trạng kiệt sức, chiếc xe Emka lỗ chỗ vết đạn là minh chứng cho những nguy hiểm mà họ đã phải trải qua. Nhưng Ortenberg đã lệnh cho họ quay lại mặt trận. Đêm đó, để tìm tới 1 sở chỉ huy tập đoàn quân, họ tí nữa đã lái xe vào 1 vị trí quân Đức. Là một người Do Thái, số phận của Grossman nếu vậy đã cáo chung.
Vào mùa đông năm 1941 đó, sau khi quân Đức rút lui khỏi ngoại vi Moscow, Grossman được lệnh theo dõi chiến sự xa hơn về phía nam, tại vùng đông Ukraina gần Donbass, nơi ông đã biết rất rõ trong những năm trước chiến tranh. Ông bắt đầu chuẩn bị cho 1 cuốn tiểu thuyết về năm đầu tiên của cuộc chiến, cuốn sách sau đó được đăng suốt đầu mùa hè năm 1942 trên tờ Krasnaya Zvezda dưới dạng truyện dài kỳ, (“Nhân đân bất diệt”). Mạch truyện dồn dập như đời thực của 1 frontoviki, lính tiền tuyến Hồng quân, và danh tiếng của Grossman nổi như cồn khắp Liên Xô, ông cũng nhận được sự kính trọng trong giới văn chương.
Tháng 8/1942, Tập đoàn quân 6 Đức tiến về phía Stalingrad, Grossman được lệnh tới thành phố đang bị đe dọa này. Ông đã có thời kỳ phục vụ với tư cách nhà báo lâu dài nhất tại đây, trong trận phòng thủ thành phố. Ortenberg, người có quan hệ không mấy tốt đẹp với ông, cũng công nhận tài năng phi thường của ông:

Tất cả các phóng viên tại Phương diện quân Stalingrad đều kinh ngạc với những gì Grossman đã làm với tướng Gurtiev, một viên sư trưởng thầm lặng và kín đáo người Siberi. Họ đã nói chuyện với nhau 6h liền không nghỉ, tướng Gurtiev đã nói ra tất cả những gì Grossman cần biết, trong một thời điểm ác liệt bậc nhất (của trận chiến). Tôi biết chính thói quen không bao giờ ghi chép bất kỳ điều gì trong suốt cuộc phỏng vấn đã giúp Grossman khiến mọi người bộc lộ tâm sự. Ông sẽ viết lại tất cả sau đó, khi đã quay về sở chỉ huy hoặc Izba của cánh phóng viên. Khi mọi người đã đi ngủ, Grossman dù rất mệt mỏi vẫn ngồi viết lại tỉ mỉ mọi thứ vào những cuốn sổ của ông. Tôi biết việc đó và đã từng xem vài cuốn sổ ghi chép khi tới Stalingrad. Tôi thậm chí phải nhắc ông quy định tuyệt đối cấm giữ nhật ký và dặn ông không bao giờ được viết những thông tin gì được coi là bí mật vào đó. Không chỉ đến khi ông chết tôi mới có cơ hội đọc những gì ông viết. Các ghi chép đều cực kỳ súc tích. Điểm đặc trưng của cuộc sống trong chiến tranh là có thể hiểu rõ mọi thứ chỉ trong một vài từ, giống như tấm giấy ảnh hiện lên mọi hình ảnh khi được in tráng. Trong các cuốn sổ ghi chép của ông mỗi người có thể tìm thấy nguyên vẹn sự thật”.

Đó là Stalingrad nơi mà Grossman đã mài giũa khả năng mô tả của mình: “Mùi vị thường thấy ở tuyến đầu - đó là cái mùi trộn lẫn giữa mùi của nhà xác và của lò rèn”.
Với Grossman, trận Stalingrad chắc chắn là một trong những kinh nghiệm sống quan trọng nhất. Trong cuốn “Cuộc đời và Số phận”, sông Volga là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách, nó chính là huyết mạch giao thông chính để nước Nga bơm nhựa sống cho Stalingrad. Grossman, giống như nhiều đồng chí của mình, nhiệt thành tin rằng chủ nghĩa anh hùng của các chiến sĩ Hồng quân tại Stalingrad sẽ không chỉ giúp nước Nga chiến thắng mà còn làm thay đổi xã hội Soviet mãi mãi. Chiến thắng bọn phát xít được tạo nên bởi sự đoàn kết mạnh mẽ giữa mọi người, họ tin rằng NKVD, các cuộc thanh trừng, các phiên tòa và bọn địa chủ Kulak sẽ chỉ còn là lịch sử. Các sĩ quan và binh lính trên mặt trận, với sự tự do của người không còn gì để mất, nói bất kỳ điều gì họ muốn, thoải mái phê phán cuộc tập thể hóa nông nghiệp tàn khốc, sự ngạo mạn của những vị tai to mặt lớn và sự khoác lác trơ trẽn của hệ thống tuyên truyền Soviet. Sau này Grossman mô tả chúng trong cuốn “Cuộc đời và Số phận” thông qua phản ứng của chính ủy Krymov:

Từ khi đến Stalingrad, Krymov đã có 1 cảm giác kỳ lạ. Đôi khi đó là suy nghĩ anh ta như thể đang ở trong 1 vương quốc nơi Đảng không tồn tại; đôi khi đó lại là cảm giác như thể anh ta đang hít thở bầu không khí của những ngày đầu tiên sau Cách mạng Tháng 10”.

Một số ý kiến lạc quan và khát vọng xuất hiện với sự khuyến khích ngấm ngầm của chính nhà cầm quyền Soviet, nhưng ngay sau khi chiến cuộc đã rõ ràng, Stalin bắt đầu siết chặt mọi thứ trở lại như cũ.
Nhà độc tài Soviet, người luôn giữ mối quan tâm sát sao tới giới văn sĩ, bắt đầu tỏ vẻ không thích Grossman. Ilya Ehrenburg cho rằng Stalin nghi ngờ Grossman hơi quá ngưỡng mộ chủ nghĩa quốc tế kiểu Lenin (gần với chủ nghĩa Trotskist, đó là một tội lỗi). Nhưng cũng còn lâu người đứng đầu nhà nước Soviet mới thực sự ghét Grossman vì ông không bao giờ công kích sự sùng bái cá nhân đối với nhà độc tài này. Stalin gần như không xuất hiện trong các tác phẩm Grossman viết trong quãng đời làm báo, lần duy nhất có nhắc đến ông là trong tác phẩm “Cuộc đời và Số phận”, viết sau khi nhà độc tài đã qua đời, trong đó Stalin gọi một cú điện thoại lúc nửa đêm cho nhân vật Viktor Shtrum. Đó là 1 đoạn văn đáng nhớ và đáng sợ bậc nhất trong bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào, có lẽ được lấy cảm hứng từ cú điện thoại có thật mà người đứng đầu điện Kremlin gọi cho Ehrenburg vào một đêm tháng 4/1941.
Tháng 1/1943, Grossman được lệnh rời Stalingrad. Ortenberg đã giao Konstantin Simonov theo dõi đoạn kết kịch tính của trận đánh này. Nhà báo trẻ bảnh trai Simonov là 1 đại anh hùng theo con mắt Hồng quân và phần lớn sự trọng thị đó có được là nhờ ông là tác giả bài thơ “Đợi anh về”*.

*[ Konstantin (Kyrill Mikhailovich) Simonov (1915 - 1979), nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia và nhà báo của tờ Krasnaya Zvezda. Sau này Simonov viết cuốn tiểu thuyết về trận Stalingrad mang tựa đề “Ngày và Đêm” (Days and Nights) theo phong cách Hemingway, xuất bản năm 1944. Mặc dù là 1 người dũng cảm bẩm sinh, Simonov, như những gì Grossman kể lại sau này, tỏ ra thiếu dũng khí trong các mối quan hệ với nhà cầm quyền Soviet]

Bài thơ này được viết năm 1941 ngay sau khi chiến tranh nổ ra, khi ông phải chia tay mối tình lớn của mình, nghệ sĩ Valentina Serova. Bài thơ và bài hát phổ từ lời bài thơ này trở thành thiêng liêng với nhiều người lính Hồng quân, với ý chính là chỉ có tình yêu và sự chung thủy của những người vợ hay người yêu mới có thể giữ được mạng sống cho người lính. Nhiều người đã giữ những bản chép tay bài thơ này trong nếp gấp túi ngực như 1 lá bùa may mắn.
Grossman, người đã ở Stalingrad lâu hơn bất kỳ phóng viên nào khác, cảm thấy quyết định đó như một sự phản bội. Ortenberg đã gửi ông tới Kalmykia, gần 300km về phía nam Stalingrad, nơi vừa được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của bọn Đức. Điều này trong thực tế lại cho Grossman một cơ hội nghiên cứu về vùng đất này trước khi các tiểu đoàn cảnh vệ NKVD của Lavrenty Beria tới tiến hành các hành động trả thù bằng cách trục xuất một số lượng lớn dân địa phương còn nhiều hơn cả những người được xem là trung thành với chính quyền nhân dân. Ông ghi chép lại về ách chiếm đóng của bọn Đức và mức độ cộng tác với quân địch nhiều đến mức đáng buồn của cư dân địa phương, số người bộc lộ sự chấp nhận và bị cám dỗ bởi quân địch đến mức gần như thời nội chiến.
Trong năm sau ông có mặt tại trận Kursk, trận đấu tăng lớn nhất trong lịch sử, trận đánh đã chấm dứt khả năng quân đội Đức (Wehrmacht) có thể mở một cuộc phản công lớn cho đến trận Ardennes tháng 12/1944.
Tháng 1/1944, khi đi theo Hồng quân tiến về phía tây xuyên qua Ukraina, Grossman cuối cùng đã tới Berdichev. Tại đó nỗi lo sợ của ông đối với số phận mẹ mình và những người thân thiết đã thành hiện thực. Họ đã bị giết tại một trong những vụ đại thảm sát người Do Thái đầu tiên, chỉ ngay sau vụ đại tàn sát ở hẻm núi Babi Yar, ngoại vi Kiev. Vụ tàn sát người Do Thái tại thị trấn nơi ông sinh ra và lớn lên khiến ông tự trách mình còn nhiều hơn khi không đón được mẹ năm 1941. Cú shock tăng thêm khi ông phát hiện ra chính những người hàng xóm Ukraina cũng đóng vai trò trong việc bức hại người Do Thái. Grossman đã kiên quyết tìm ra càng nhiều càng tốt những vụ thảm sát người Do Thái (Holocaust), một đề tài mà chính quyền Soviet cố gắng bưng bít. Phương châm của những người theo chủ nghĩa Stalinist là người Do Thái không được xem là một nạn nhân đặc biệt. Những tội ác chống lại họ phải được đặt trong tổng thể những tội ác chống Liên Xô.
Ngay sau khi Hồng quân tiến vào đất Ba Lan, Grossman là một trong những phóng viên đầu tiên tới trại tập trung chết chóc Majdanek gần Lublin. Sau đó ông tới lò sát sinh Treblinka, đông bắc Warsaw. Bài viết “Địa ngục mang tên Treblinka” (The Hell Called Treblinka) là một trong những tác phẩm văn học quan trọng nhất về nạn thảm sát người Do Thái và được trích dẫn trong phiên tòa Nuremberg.
Khi tiến vào Berlin năm 1945, Grossman được sắp xếp đi theo Tập đoàn quân 8 Cận vệ, tiền thân là Tập đoàn quân 62 lừng danh ở Stalingrad, và ông một lần nữa dành thời gian bên vị chỉ huy của nó, tướng Chuikov. Grossman thật sự đau đớn nhận ra mình đã ghi lại những hành động tội lỗi của Hồng quân cũng nhiều chẳng kém những hành động anh hùng, trên hết là những vụ hiếp dâm hàng loạt phụ nữ Đức. Mô tả của ông về vụ cướp bóc Schwerin đã gây tác động mạnh và sự thương tâm đối với tất cả những người chứng kiến sự việc. Tương tự, những cuốn sổ ghi chép của ông tại Berlin khi ông ở đó theo dõi cuộc chiến trong thành phố và thắng lợi cuối cùng, đáng được mọi độc giả quan tâm. Thực sự Grossman đã nhìn thấy nhiều điều về cuộc chiến tại mặt trận phía Đông hơn bất kỳ ai và những ghi chép của ông là vô giá.
Tôi nghĩ rằng ai chưa trải qua tất cả sự cay đắng của mùa hè năm 1941”, ông viết, “sẽ không bao giờ có thể đánh giá đầy đủ sự vui mừng trước chiến thắng của chúng tôi”.
Đó không phải lời khoe khoang, đó đơn giản là sự thật.
Những trang viết trong các cuốn sổ ghi chép của ông cùng với 1 số bài viết và trích đoạn trong các bức thư được trình bày trong cuốn sách này không chỉ là nguyên liệu viết văn của 1 tác giả vĩ đại. Hơn thế nữa nó còn là câu chuyện của 1 nhân chứng hàng đầu về sự ác liệt của mặt trận phía Đông, có lẽ lời đánh giá chính xác nhất về nó là câu nói của chính Grossman: “Sự thật tàn nhẫn của chiến tranh”.

Lời người dịch

Việc dịch thuật từ tiếng Nga hướng tới mục tiêu có 1 bản dịch Anh ngữ dễ đọc nên có đôi chút cô đọng hơn so với bản gốc, 1 số từ không cần thiết hoặc lặp lại có thể bị bỏ đi. Điều này đặc biệt hay gặp trong các văn bản mang tính hành chính trang trọng của quân đội Nga, nhưng chúng tôi có dịch nguyên bản đối với những đoạn Grossman rõ ràng có ý giễu cợt phong cách truyền thống để truyền đạt hết sự hấp dẫn. Chắc chắn trong các thuật ngữ của Hồng quân không có các từ như “tankist”, “artillerist”, (lái tăng, pháo thủ) trong các văn bản chính thức. Các tên riêng tiếng Nga và từ viết tắt sẽ được liệt kê trong phần Chú giải.
Khi nói về đối phương, Hồng quân thường gọi là “nó” chứ không phải là “bọn chúng”. Điều này có thể gây khó khiểu trong nhiều trường hợp, vì vậy chúng tôi tránh dịch đúng từng chữ mà thay bằng “bọn chúng” hoặc “bọn Đức”.
Chúng tôi cố gắng cung cấp thông tin đến mức chi tiết về phần lớn các nhân vật được liệt kê trong cuốn sách, tuy nhiên đã không thể tiếp cận được thông tin về các đồng sự của Grossman ở tờ Krasnaya Zvezda vì hồ sơ cá nhân của họ vẫn được bảo mật do tờ báo là 1 đơn vị trực thuộc quân đội.
Điều khó khăn nhất, đặc biệt khi phải làm việc với những đoạn viết rời rạc, là đạt được sự cân bằng giữa việc thêm thắt các đoạn viết giúp người đọc bình thường hiểu được và sự tôn trọng đối với ghi chép gốc. Chúng tôi đã cố gắng giữ lại mọi ghi chú nhưng trong 1 số trường hợp phải đưa vào trong ngoặc đơn thay vì đưa vào chú thích cuối trang.

Chú giải

- Phương diện quân: cấp tổ chức quân đội Soviet tương đương Cụm Tập đoàn quân, ví dụ Phương diện quân Trung tâm, Phương diện quân Tây hay Phương diện quân Stalingrad. Mỗi Phương diện quân ở giai đoạn cuối WW2 do 1 đại tướng hoặc nguyên soái chỉ huy và thường gồm từ 4 đến 8 tập đoàn quân.
- Frontoviki: lính Hồng quân có kinh nghiệm chiến đấu thực tế trên tuyến đầu.
- GLAVPUR (Glavnoye politicheskoye upravleniye): bộ phận phụ trách công tác chính trị trong Hồng quân, trong phần lớn thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh Vệ Quốc Vĩ đại do Aleksandr Shcherbakov đứng đầu. Đó là 1 tổ chức của Đảng cộng sản điều khiển các sĩ quan chính trị và các chi bộ - hệ thống Chính ủy đầu tiên được thiết lập trong thời kỳ Nội chiến Nga để theo dõi các cấp chỉ huy mà nhiều người trong số đó vốn là sĩ quan quân đội Nga Sa hoàng để đảm bảo rằng họ không bí mật hợp tác với quân Bạch vệ. Chính ủy hay Chính trị viên không trực thuộc NKVD nhưng làm việc với NKVD trong những trường hợp có nghi ngờ chống đối.
- Sao Vàng: cách gọi dân dã của danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
- Anh hùng Liên Xô: phần thưởng cao nhất của Liên Xô cho sự phục vụ dũng cảm và phẩm chất đặc biệt, gồm 1 cái cuống bằng vàng buộc ruy băng đỏ treo 1 ngôi sao bằng vàng.
- Izba: nhà của nông dân hoặc cabin làm bằng gỗ xúc, thường gồm 1 đến 2 phòng. Khung cửa sổ thường được trang trí bằng những hình chạm khắc.
- Komsomol: tên viết tắt của Đoàn TNCS, các thành viên có tuổi đời khoảng đôi mươi, vì vậy có rất nhiều chi đoàn Komsomol hoạt động trong Hồng quân. Trẻ em thì tham gia vào Đội Thiếu niên Tiền phong (Young Pioneers).
- Muzhik: nông dân Nga chính hiệu.       
- NKVD (Narodnyi Komissariat Vnutrennikh Del - Dân ủy Nội vụ): tiền thân là mật vụ Cheka và OGPU.
- Đặc vụ NKVD: Được đưa vào biên chế Hồng quân làm nhiệm vụ phản gián, đó là 1 tổ chức của những người theo chủ nghĩa Stalinist chuyên tìm những kẻ phản quốc và gián điệp. Công việc của họ cũng bao gồm điều tra về những hành động hèn nhát cũng như các “sự vụ bất thường” - tất tật những gì được cho là chống lại nhà nước Soviet - và đóng vai trò đội hành quyết nếu cần. Mùa xuân năm 1943 các đơn vị đặc vụ này được đổi thành lực lượng SMERSh, cách viết tắt của Stalin đối với từ Smert Shpionam - Cái chết cho bọn gián điệp.
- OBKOM: từ viết tắt của Đảng ủy 1 vùng.
- Sĩ quan chính trị hay chính trị viên, chính ủy: xem GLAVPUR.       
- RAIKOM: từ viết tắt của Đảng ủy địa phương.
- Stavka (Tổng hành dinh): hội đồng tướng lĩnh, tên này vốn dành cho các chỉ huy quân Nga Sa hoàng trong WW1 được Stalin dùng lại. Ông ta - đương nhiên - là người đứng đầu.
- Ushanka: kiểu mũ lông Nga phổ biến có vành che quanh đầu.
- Valenki: loại ủng lớn làm bằng dạ, chuyên dùng đi tuyết.

Phần Một
Cú shock của cuộc xâm lược
1941

1
Thử lửa

Cuộc xâm lược của Hitler vào Liên Xô bắt đầu vào buổi sớm ngày 22/6/1941. Stalin không thể tin rằng mình có thể bị lừa nên đã bỏ qua hơn 80 tin tức cảnh báo. Mặc dù người đứng đầu Soviet không tỏ ra suy sụp sau đó, ông đã hoàn toàn mất phương hướng khi nhìn nhận rõ sự thật, thể hiện qua giọng nói vụng về khi đọc bản thông cáo do Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov thảo trên đài phát thanh vào buổi trưa hôm đó. Những người dân Liên Xô đã tỏ ra cứng rắn hơn các nhà lãnh đạo, họ xếp hàng tình nguyện ra mặt trận.
Vasily Grossman, một người cận thị, béo phì, đi bộ phải chống gậy đã tỏ ra thất vọng khi bị trạm tuyển quân đuổi ra. Chắc ông cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên nếu xét đến tình trạng thể chất bất hợp lý của mình. Gossman mới chỉ giữa đầu băm, vậy mà các cô gái ở căn hộ bên cạnh đã gọi ông là “chú”.
Trong vài tuần tiếp theo ông đã thử xin vào làm đủ loại công việc có liên quan đến chiến tranh. Nhà chức trách Soviet lúc này thu được quá ít thông tin về những gì thực sự xảy ra ở tiền tuyến. Chẳng ai nói được gì về lực lượng Đức ngoài việc chúng có hơn 3 triệu quân, chia cắt Hồng quân bằng những mũi thiết giáp thọc sâu, sau đó bắt sống hàng trăm ngàn tù binh trong các vòng vây. Chỉ có tên những thành phố được liệt kê trong các bản tin chính thức cho biết quân địch đã tiến nhanh đến mức nào.
Grossman đã trù trừ không giục mẹ mình rời bỏ thị trấn Berdichev ở Ukraina về ở với ông. Người vợ thứ hai của ông, Olga Mikhailovna Guber, đoan chắc với ông rằng họ chẳng còn phòng nào cho bà mẹ. Sau đó, trước khi Grossman biết được chuyện gì đang thực sự xảy ra, Tập đoàn quân 6 Đức đã chiếm được Berdichev ngày 7/7. Quân địch đã tiến hơn 350km chỉ trong có hơn 2 tuần. Grossman đã không cứu được mẹ mình, điều đó đè nặng ông trong suốt phần đời còn lại, thậm chí ngay cả sau khi ông khám phá ra rằng bà đã không chịu sơ tán vì chẳng còn ai khác chăm sóc cho một đứa cháu họ. Grossman cũng vô cùng lo lắng cho số phận của Ekaterina, hay Katya, con của ông với người vợ đầu. Ông không hề biết rằng cô bé đã được đưa khỏi Berdichev để đi nghỉ hè.
Tuyệt vọng vì chẳng được ai giúp cho tham chiến, Grossman đến quấy rầy cả Tổng cục Chính trị Hồng quân, thường được biết tới với cái tên viết tắt GLAVPUR, thậm chí ngay cả khi ông không phải là Đảng viên. Tổng biên tập tương lai của ông, David Ortenberg, 1 chính ủy có hàm tương đương cấp tướng, sau này kể lại cách mà ông được nhận vào làm cho tờ Krasnaya Zvezda, tờ báo của quân đội Soviet được đọc nhiều hơn bất kỳ tờ báo nào khác trong suốt thời gian chiến tranh*:

*[David I. Ortenberg, lấy bút danh phi Do Thái là Vadimov khi viết cho tờ Krasnaya Zvezda]

Tôi còn nhớ Grossman đã gây rối khi lần đầu tiên xuất hiện ở ban biên tập. Đó là vào cuối tháng 7, tôi tạt qua Tổng cục Chính trị và được nghe kể rằng Vasily Grossman đang yêu cầu họ cho mình ra mặt trận. Tất cả những gì tôi biết về nhà văn này là ông ta đã viết tiểu thuyết “Stepan Kolchugin” về vùng Donbass.
“Vasily Grossman à?”, tôi nói. “Tôi chưa từng gặp anh ta, nhưng tôi biết Stepan Kolchugin. Hãy giao anh ta cho tờ Krasnaya Zvezda”.
“Được thôi, nhưng anh ta chưa bao giờ phục vụ trong quân đội, anh ta chẳng biết gì về quân đội cả. Liệu anh ta có phù hợp với tờ Krasnaya Zvezda không?”.
Mọi thứ sẽ đâu vào đấy”, tôi nói, tôi cố thuyết phục họ. “Anh ta hiểu biết về tâm hồn con người”.
Tôi không để họ yên cho đến khi Dân ủy phụ trách Tổng cục ký lệnh nhập ngũ cho Vasily Grossman gia nhập Hồng quân và cử anh ta về tờ báo của tôi. Đó là một vấn đề. Anh ta mới là cấp binh nhì, hoặc như Ilya Ehrenburg thường đùa về trường hợp của cả anh ta và Grossman, “binh nhì chưa được huấn luyện”. Cũng không thể thăng anh ta lên cấp sĩ quan hay chính ủy vì anh ta không phải Đảng viên. Nhưng cũng thật khó mà để anh ta mặc quân phục binh nhì vì anh ta sẽ phải dành tới 1 nửa thời gian để giao thiệp với các nhân vật cao cấp. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là xếp anh ta vào ngạch sĩ quan hậu cần. Một số nhà văn của chúng tôi như Lev Slavin, Boris Lapin và thậm chí nhiều khi là cả Konstantin Simonov cũng trong tình trạng tương tự. Cái phù hiệu màu xanh lá trên cổ áo họ thường gây nhiều rắc rối vì lính cứu thương cũng mang phù hiệu giống như vậy, điều đó luôn gây ra nhầm lẫn. Dù gì đi nữa, ngày 28/7/1941 tôi cũng đã ký lệnh: “Sỹ quan hậu cần cấp 2 Vasily Grossman được cử làm phóng viên đặc biệt của tờ Krasnaya Zvezda với mức lương 1.200 rup/tháng”.
Ngày hôm sau Grossman trình diện tại ban biên tập. Anh ta nói với tôi rằng mặc dù lệnh điều động này thật bất ngờ nhưng anh ta rất hạnh phúc về việc đó. Vài ngày sau anh ta trở lại sau khi đã được trang bị đầy đủ và vận bộ đồng phục sĩ quan. (Áo khoác của anh ta nhăn nhúm, kính đeo trễ trên mũi, và khẩu súng ngắn đeo trên chiếc thắt lưng không cài nổi trông chẳng khác gì 1 chiếc rìu).
“Tôi đã sẵn sàng khởi hành ra mặt trận ngay hôm nay”, anh ta nói.
“Hôm nay á?”, Tôi hỏi. “Nhưng anh có bắn được cái đó không?”, tôi chỉ vào khẩu súng ngắn đeo bên hông anh ta.
“Không”.
“Còn súng trường?”
“Không, tôi không biết bắn cả 2 thứ”.
“Vậy làm sao mà tôi cho anh ra mặt trận được? Mọi thứ đều có thể xảy ra ở đó. Không, anh sẽ phải ở lại ban biên tập trong vài tuần”.
Đại tá Ivan Khitrov, chuyên gia về chiến thuật và là 1 cựu sỹ quan quân đội, trở thành huấn luyện viên của Grossman. Ông ta đưa Grossman tới 1 trường bắn của 1 đơn vị quân đội đóng tại Moscow để dạy bắn.
Ngày 5/8, Ortenberg chấp thuận cho Grossman ra mặt trận. Ông sắp xếp cho Grossman đi cùng Pavel Troyanovsky, 1 phóng viên đầy kinh nghiệm, và phóng viên ảnh Oleg Knorring. Grossman miêu tả khá chi tiết về chuyến khởi hành của họ.

“Chúng tôi được lệnh đi về hướng Phương diện quân Trung tâm. Chính trị viên Troyanovsky, nhà quay phim Knorring và tôi sẽ tới Gomel. Troyanovsky có khuôn mặt đen sạm mỏng dính và cái mũi to đã từng được tặng thưởng huân chương “Vì thành tích trong chiến trận”. Anh ta đã được thấy nhiều thứ mặc dù chưa già, thực tế anh ta trẻ hơn tôi cả chục tuổi. Mới đầu tôi đã nghĩ Troyanovsky là 1 người lính thực thụ, 1 người sinh ra để chiến đấu, nhưng hóa ra anh ta mới ra trường và làm phóng viên cho tờ Pionerskaya Pravda (tờ báo của Đội Thiếu niên Tiền phong) từ cách đây chưa lâu. Tôi cũng phải nói rằng Knorring là 1 phóng viên ảnh giỏi. Anh ta cao, trẻ hơn tôi 1 tuổi. Tôi già hơn cả 2 người kia nhưng ở bên họ tôi chỉ là 1 đứa bé trong những vấn đề liên quan đến chiến tranh. Họ đã tiếp đón tôi không chê vào đâu được và cảnh báo tôi về sự kinh khủng đang chờ đón.
Chúng tôi sẽ khởi hành ngày hôm sau bằng tàu hỏa. Chúng tôi ngồi toa ghế mềm tới Bryansk rồi từ đó đi tiếp bằng bất kỳ phương tiện gì mà Chúa gửi đến cho chúng tôi. Trước chuyến đi chúng tôi được Chính ủy Lữ đoàn Ortenberg thông báo vắn tắt, ông nói chuyến đi đã được sắp đặt sẵn. Lần đầu tiên ông và tôi gặp nhau là ở GLAVPUR, Ortenberg đã phỏng vấn tôi và cuối cùng nói trước đây ông cứ tưởng tôi là một nhà văn chuyên viết sách thiếu nhi. Điều đó làm tôi rất ngạc nhiên, tôi đâu có nói là tôi đã từng viết cuốn sách nào cho thiếu nhi đâu. Khi chúng tôi tạm biệt nhau tôi bảo: “Tạm biệt, Chính ủy Boev”. Ông ta bật cười: “Tôi không phải Boev, tôi là Ortenberg”. Vâng, đó là 1 hành động trả đũa, tôi vờ nhầm ông ta với Cục trưởng Cục Xuất Bản của GLAVPUR.
Tôi nhậu nhẹt suốt ngày hôm đó như những tân binh vẫn làm trước khi lên đường ra mặt trận. Cha tôi tỏ ra bối rối, cả Kugel, Vadya, Zhenya và Veronichka nữa. Veronichka nhìn tôi bằng đôi mắt buồn rười rượi, như thể tôi là Gastello vậy*. Tôi đã rất xúc động. Cả gia đình ca hát và nói chuyện 1 cách buồn bã, đặc quánh 1 không khí u sầu. Đêm đó tôi nằm 1 mình suy nghĩ, tôi có khá nhiều thứ, nhiều người để suy nghĩ về họ.

*[Đại úy Gastello, anh hùng phi công nổi tiếng, đã từng tham gia cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, chỉ huy 1 phi đội thuộc Trung đoàn 207, Sư 42 Không quân. 1 khẩu súng phòng không Đức đã bắn vỡ bình xăng chiếc máy bay của anh ngày 26/6/1941 ở khu vực Molodechno. Chiếc máy bay bắt đầu bốc cháy, Gastello đã lao thẳng máy bay vào hàng chiến xa Đức đang chạy trên đường. Vụ nổ đó đã phá hủy hàng tá xe cộ, binh lính và xe tăng địch. Gastello được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô]

Ngày chúng tôi lên đường là một ngày thú vị, nóng và có mưa. Nắng và mưa thay thế nhau một cách đột ngột, mặt đường ướt sũng, chỗ lấp lánh chỗ xám đen lại. Không khí nóng bức, ngột ngạt và ẩm ướt. Một cô gái xinh đẹp tên là Marusya tới tiễn Troyanovsky. Cô ta làm ở ban biên tập (của tờ Krasnaya Zvezda) nhưng cô nhìn anh ta ra đi như thể anh ta đang tuột khỏi vòng tay cô chứ không phải theo lệnh của Tổng Biên tập. Knorring và tôi cố tỏ vẻ lịch sự, chúng tôi tránh không nhìn vào chỗ họ.
Sau đó chỉ còn lại 3 chúng tôi (trên sân ga). Tôi có nhiều kỷ niệm với ga xe lửa Bryansky, đó là nơi tôi xuống trong lần đầu tiên đến Moscow. Rất có thể chuyến đi từ đây ngày hôm nay sẽ là chuyến cuối cùng. Chúng tôi uống nước chanh và ăn mấy cái bánh ghê tởm trong quán cà phê ga.
Đoàn tàu rời ga. Tất cả những cái tên nhà ga dọc đường đều rất quen thuộc. Tôi đã đi qua chúng nhiều lần khi còn là sinh viên, để về với mẹ ở Berdichev hay để đi nghỉ. Lần đầu tiên sau thời gian dài tôi đã có thể ngủ ngon trên toa ghế mềm này sau những trận oanh tạc vào Moscow.
(Sau khi tới Bryansk) chúng tôi nghỉ đêm ngay tại sân ga. Chỗ nào cũng đầy lính Hồng quân, nhiều người trong số họ ăn mặc rất tồi tàn, rách rưới, rõ ràng họ đã từng “ở đó”. Những người Abkhazia trông có vẻ tệ nhất, nhiều người còn đi chân không.
Chúng tôi đã phải ngồi suốt đêm. Máy bay Đức xuất hiện trên nhà ga, gầm rú trên bầu trời, đèn pha phòng không chiếu khắp nơi. Tất cả chúng tôi lao về phía những khu đất bỏ hoang càng xa nhà ga càng tốt. May thay, bọn Đức không ném bom chúng tôi ở đây, chúng chỉ làm chúng tôi sợ hãi một phen. Sáng ra chúng tôi nghe tin tức từ Moscow qua đài phát thanh, đó là tin về một hội nghị do Lozovsky (Cục trưởng Thông tin Soviet) chủ trì. Âm thanh rất tồi, chúng tôi phải lắng nghe, Lozovsky sử dụng rất nhiều cách ngôn thành ngữ như thường lệ, nhưng chúng chẳng làm chúng tôi có cảm giác nhẹ nhàng hơn.
Chúng tôi tới khu bốc dỡ hàng hóa để tìm 1 đoàn tàu. Họ tống chúng tôi lên 1 đoàn tàu bệnh viện tới Unecha (nằm giữa Bryansk và Gomel). Chúng tôi lên tàu, nhưng ngay sau đó mọi sự bất ngờ trở nên hỗn loạn. Mọi người bắt đầu chạy, súng nổ ầm ĩ. Thì ra có 1 máy bay Đức đang nã súng máy xuống nhà ga. Tôi cũng bị nhiễm sự hoảng loạn của đám đông.
Tới Unecha, chúng tôi đi tiếp trên 1 tàu hàng. Thời tiết rất tốt nhưng những người bạn đồng hành nói thế là xấu, và tôi hiểu ra. Những hố bom đen ngòm ở khắp nơi dọc theo đường tàu, có thể thấy cả những cái cây bị nổ tung. Hàng ngàn nông dân, cả đàn ông lẫn đàn bà, đang đào hào chống tăng.
Chúng tôi lo lắng nhìn trời và quyết định sẽ nhảy khỏi tàu nếu có vấn đề gì xấu. Đoàn tàu đang chạy rất chậm. Khi tới Novozybkov lại có không kích, 1 quả bom rơi ngay trước sân ga, đoàn tàu không thể đi tiếp được nữa. Chúng tôi nằm trên cỏ chờ đợi, thích thú vì hơi ấm và cỏ xanh vây quanh nhưng vẫn quan sát bầu trời. Ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu máy bay Đức lại kéo tới bất ngờ?
Chúng tôi bật dậy vào nửa đêm, có 1 tàu bệnh viện đang trên đường tới Gomel. Chúng tôi túm tay vịn khi đoàn tàu chạy qua, nhảy lên bậc lên xuống rồi đập cửa xin đi nhờ, chí ít thì cũng xin cho ngồi nhờ trên sàn toa. Bất đồ một phụ nữ nhìn thấy và quát: “Nhảy khỏi tàu ngay! Cấm đi bằng tàu bệnh viện!”. Người phụ nữ này là một bác sĩ có nhiệm vụ làm giảm sự đau khổ của con người cơ đấy. “Thứ lỗi cho chúng tôi, nhưng đoàn tàu đang chạy hết tốc lực, làm sao chúng tôi nhảy ra được?”. Tất cả chúng tôi có 5 người đang bám vào tay vịn, tất cả đều là sĩ quan và tất cả đều năn nỉ cho lên, dù chỉ đứng trong một xó cũng được. Cô ta không nói không rằng bắt đầu đá chúng tôi thật lực với đôi ủng vĩ đại của mình, đấm chúng tôi, cố gắng làm chúng tôi tuột khỏi tay vịn. Mọi thứ có vẻ tồi tệ: nếu có ai đó tuột tay thì cả lũ đi đời. May thay chúng tôi chợt nhận ra mình không phải đang bám vào tàu điện Moscow và chuyển từ phòng ngự sang phản công. Vài giây sau một góc toa đã thuộc về chúng tôi và con mẹ chó cái với quân hàm bác sĩ vừa gào lên sợ hãi vừa bỏ chạy biến. Đó là lần đầu tiên tôi nếm mùi chiến đấu.
Chúng tôi tới được Gomel. Đoàn tàu dừng cách ga rất xa vì vậy chúng tôi phải khổ sở đi bộ dọc đường ray trong đêm. Ai nấy lê bước dưới sức nặng của đống hành lý vượt qua đường tàu. Tôi bị đập đầu vào hành lý và vấp ngã; cái vali khốn nạn trở nên nặng kinh khủng.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà ga. Nó đã bị phá hủy hoàn toàn. Chúng tôi hết thốt lên “Ah” lại đến “Oh” khi nhìn đống đổ nát. Một công nhân hỏa xa đi qua cho biết nhà ga đã bị phá hủy ngay trước cuộc xâm lược để xây một cái mới to đẹp hơn.
Gomel! Thật buồn giờ chỉ còn là một thành phố xanh ngắt im lìm, trong những công viên xinh đẹp chỉ còn những cụ già đang ngồi trên ghế đá, những cô gái xinh đẹp đi bộ dọc các con phố, trẻ em chơi trên những đống cát được để sẵn để chống bom cháy... Chỉ lát nữa thôi mây đen sẽ che lấp mặt trời, cơn bão đang tới có thể thổi tung cát bụi và cuốn đi tất cả họ. Bọn Đức chỉ còn cách đây chưa tới 50km.
Gomel chào đón chúng tôi bằng tiếng còi báo động không kích. Dân địa phương nói rằng ở đây có thói quen kéo còi báo động ngay cả khi chẳng có máy bay Đức nào và ngược lại, kéo còi báo yên đúng vào lúc bom bắt đầu rơi.
Gomel đang bị oanh tạc. Tiếng rú rít không dứt của bom, của lửa, của phụ nữ... Mùi gắt bốc ra từ một hiệu thuốc bị trúng bom trong một lúc át cả mùi lửa cháy.
Hình ảnh Gomel rực cháy có thể thấy cả trong đôi mắt những con bò bị thương.
Khói bao phủ khắp nơi, những thợ sắp chữ phải làm việc dưới ánh sáng phát ra từ những tòa nhà đang cháy.
Chúng tôi qua đêm với một nhà báo học việc. Các bài báo của anh ta sẽ chẳng bao giờ được đưa vào nơi lưu giữ các tác phẩm văn học. Tôi đã từng đọc bài của anh ta trên tờ báo của Phương diện quân. Đó toàn những thứ rác rưởi, những câu chuyện đại loại như “Ivan Pupkin đã 1 đòn chết 5 tên Đức”.
Chúng tôi tới gặp người biên tập, chính ủy cấp trung đoàn Nosov, ông ta bắt chúng tôi chờ 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi phải ngồi đợi trong một hành lang tối tăm và cuối cùng được gặp và nói chuyện với Đức Sa hoàng này trong vài phút. Tôi nhận ra một điều rằng người đồng chí này, nói một cách nhẹ nhàng, không được thông minh sáng láng cho lắm và cuộc phỏng vấn ông ta không đáng giá dù chỉ 2 phút chờ đợi”.

Sở chỉ huy Phương diện quân Trung tâm là chặng dừng chân đầu tiên của Grossman, Troyanovsky và Knorring. Phương diện quân Trung tâm, chỉ huy là tướng Andrei Yeremenko, vừa được thành lập vội vàng sau sự sụp đổ của Phương diện quân Tây vào cuối tháng 6*. Vị chỉ huy kém may mắn của Phương diện quân Tây, tướng D. G. Pavlov, trở thành bung xung hứng hộ sai lầm của Stalin trong việc từ chối chuẩn bị chiến tranh. Theo đúng phong cách thông thường của Stalin, Pavlov - chỉ huy lực lượng xe tăng Soviet trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, bị kết tội phản quốc và bị xử bắn.

*[Tướng A. I. Yeremenko (1892 - 1970) từng tham gia vào chiến dịch chia phần Ba Lan năm 1939. Sau các trận đánh quanh Gomel tháng 8/1941, ông trở thành chỉ huy Phương diện quân Briansk, mùa thu năm đó ông bị thương nặng vào chân và suýt bị các đơn bị thiết giáp của Guderian bắt sống khi chúng đánh thọc sườn lực lượng của ông. Sau này ông trở thành Tổng tư lệnh Phương diện quân Stalingrad, tại đó Grossman đã phỏng vấn ông]

“Sở chỉ huy được đặt tại Lâu đài Paskevich. Đó là 1 khu công viên tuyệt đẹp với 1 cái hồ có cả thiên nga. Rất nhiều hào ngang dọc được đào khắp nơi. Chỉ huy bộ phận Ctrị Phương diện quân, Chính ủy cấp lữ đoàn Kozlov, tiếp nhận chúng tôi. Ông nói Hội đồng Quốc phòng đang trong tình trạng báo động vì những tin tức đến vào ngày hôm qua. Quân Đức đã chiếm Roslavl và tập hợp 1 lực lượng tăng khổng lồ ở đó*. Chỉ huy của chúng là Guderian, tác giả cuốn sách “Achtung! Panzer!” (“Chú ý! Thiết giáp!”)**.

*[Roslavl cách họ khoảng 200km về phía tây bắc, do đó khu vực quanh Gomel bị hở sườn 1 cách nguy hiểm. Điều này biến Gomel trở thành 1 mấu lồi]

**[Tướng Heinz Guderian (1888 - 1953) là chỉ huy Cụm Thiết giáp số 2 (sau là Tập đoàn quân 2 Thiết giáp). Grossman đã 2 lần tí nữa bị lực lượng của ông ta bắt]

Chúng tôi đọc lướt 1 đống báo của Phương diện quân. Tôi nhìn thấy 1 dòng tít: “Quân địch bị thiệt hại nặng vẫn tiếp tục hèn nhát tiến lên”.
Chúng tôi ngủ trong phòng thư viện của câu lạc bộ “Komintern”, chân vẫn đi ủng, mặt nạ phòng độc và túi quân trang dùng làm gối. Chúng tôi đã ăn tối ở căng tin sở chỉ huy, nó nằm ngay trong công viên, trong 1 cái rạp nhiều màu vui mắt. Họ cho chúng tôi ăn ngon, như thể chúng tôi đang ở “Dom Otdykha” (nhà nghỉ Soviet) trước chiến tranh vậy. Có kem chua, phomát thậm chỉ cả kem làm món tráng miệng”.

Grossman càng ngày càng lo sợ và vỡ mộng vì nhận rõ sự thiếu chuẩn bị của Hồng quân. Ông bắt đầu nghi ngờ, mặc dù các sĩ quan im lặng trước mọi vấn đề, rằng người phải chịu trách nhiệm chính trong thảm họa này là chính Stalin.

“Khi chiến tranh bùng nổ, rất nhiều lãnh đạo cao cấp và tướng lĩnh đang đi nghỉ ở Sochi. Nhiều đơn vị thiết giáp đang lắp đặt dở động cơ mới cho xe tăng, nhiều đơn vị pháo binh không có đạn, nhiều trung đoàn Không quân không có nhiên liệu. Khi các cú điện thoại từ tiền tuyến dồn dập gọi về các sở chỉ huy cao cấp thông báo rằng chiến tranh đã bắt đầu, một số câu trả lời họ nhận được là như thế này: “Đừng có nhố nhăng!”. Thông tin này đã gây ngạc nhiên theo cách đáng sợ và xấu nhất của từ này”.

Thảm họa xảy ra trên khắp các mặt trận từ Biển Đen cho đến Biển Baltic đối với cá nhân Grossman có tầm quan trọng đặc biệt, như trong một bức thư ông viết gửi cha ngày 8/8 đã bộc lộ:

“Cha thân yêu, con đã đến nơi hôm mùng 7 (tháng 8)... Con rất tiếc là đã không đem theo cái chăn nào, đắp áo mưa mà ngủ thật chẳng hay ho gì. Con luôn luôn lo lắng cho số phận của mẹ. Mẹ đang ở đâu? Điều gì đã xảy ra cho bà? Hãy cho con biết ngay khi có tin tức gì về mẹ”.

Grossman cũng ra thăm chiến tuyến và có những ghi nhanh về những gì quan sát thấy.

“Tôi xin kể về cách mà những người mù, sau khi Minsk bị thiêu cháy, rời khỏi khu nhà dành cho người tàn tật của họ, họ đi bộ thành hàng dài dọc theo đường ô tô, người nọ buộc vào người kia bằng khăn tắm.
Một phóng viên ảnh nhắc: “Hôm qua tôi đã thấy một số người chạy loạn trong tình trạng rất tốt”.
Một người lính Hồng quân nằm trên bãi cỏ sau trận chiến, nói một mình: “Súc vật và cây cỏ tranh đấu để sinh tồn. Loài người đánh nhau vì quyền lợi”.
Phép biện chứng của chiến tranh - kỹ năng ẩn nấp giúp bảo toàn mạng sống, kỹ năng chiến đấu đem lại sự sống.
Những câu chuyện ngắt quãng. Tất cả những ai đã thoát được đều không thể ngừng kể về những vòng vây siết chặt lại như thế nào, và tất cả những câu chuyện đó đều đáng sợ.
1 phi công thoát về từ chiến tuyến địch chỉ còn mỗi bộ đồ lót trên người nhưng vẫn không rời khẩu súng ngắn.
Những con chó được huấn luyện đặc biệt đeo chai cháy chống tăng (Molotov cocktail) bị tung vào những cỗ xe tăng địch và bùng cháy*.

*[Những con chó này được huấn luyện theo nguyên lý Pavlov. Thức ăn cho chúng luôn được đặt dưới những chiếc xe tăng, vì vậy hễ thấy 1 chiếc xe thiết giáp nào là chúng lại chạy xuống dưới gầm xe. Chất nổ được buộc trên lưng chúng với 1 thanh kíp dài sẽ kích nổ khối thuốc ngay khi con chó chạm tới gầm chiếc xe mục tiêu]

Bom đang nổ. Một viên tiểu đoàn trưởng vẫn nằm trên cỏ, chẳng buồn đi tìm chỗ núp. Tay chính trị viên hét lên với anh ta: “Đồ lười. Sao anh không chí ít là tìm chỗ núp trong mấy bụi rậm đằng kia?”.
Một sở chỉ huy đặt trong một khu rừng. Máy bay lượn vòng vòng ngay trên nóc. Các sĩ quan bỏ hết mũ ra vì vành mũ phản chiếu ánh sáng và chụp báo lên đầu. Buổi sáng tiếng máy đánh chữ gõ rào rào khắp nơi. Khi chiếc máy bay xuất hiện, lính tráng chùm áo choàng xám lên những cô đánh máy vị họ toàn mặc những bộ đồ màu mè. Núp dưới những bụi cây, những nhân viên văn thư vẫn tiếp tục tranh cãi về các hồ sơ.
Một con gà của sĩ quan tham mưu nào đó vẫn đi loanh quanh trên mặt đất bị đào xới, mực dính trên cánh của nó.
Có rất nhiều nấm ăn được trong rừng - thấy nhiều đến phát chán*.

*[Ghi chép này có lẽ đã truyền cảm hứng cho Grossman viết đoạn văn sau trong cuốn “Nhân dân bất diệt” (The People Immortal): “Bogaryov thấy một bụi nấm trên cỏ. Chúng đứng đó, thân trắng mập, và anh nhớ đến cảm giác khi đi hái nấm cùng vợ một năm về trước. Họ đã sướng phát điên vì tìm được rất nhiều nấm, chưa bao giờ anh cảm thấy may mắn đến thế hồi trước chiến tranh”]

“Các chính trị viên đều đã được lệnh ra mặt trận. Có những người muốn đi và có những người không chịu đến vị trí của mình một cách dễ dàng. Một số đơn giản là tuân lệnh, một số khác tìm cách luồn lách. Tất cả giờ ngồi thành vòng tròn, mỗi người có thể nhìn thấy tất cả những người khác và những ai định luồn lách sẽ bị tất cả lật tẩy.
Trên con đường dài, xe ngựa, người đi bộ đi thành dãy. Bụi bốc thành đám vàng khè trên đường. Khuôn mặt của những người già và phụ nữ. Lái xe Ivan Kuptsov ngồi trên lưng con ngựa của anh ta chạy cách đó khoảng 100m. Khi việc rút lui bắt đầu và 1 khẩu pháo sắp bị mất vì 1 pháo đội Đức nã đạn vào họ, thay vì lao xuống vệ đường anh ta phi thẳng đến chỗ khẩu dã pháo và cứu nó khỏi bị sa lầy. Khi chính trị viên hỏi anh làm thế nào mà có can đảm đối mặt với cái chết để thực hiện kỳ công đó, anh trả lời: “Tôi có một tâm hồn bình thường, bình thường như một cây đàn balalaika. Nó không sợ chết. Chỉ những tâm hồn cao cấp mới sợ chết”.
Một người lái máy kéo khiêng tất cả những người bị thương lên xe anh ta rồi chở họ tránh sang một bên, kể cả những người bị thương nặng trịch vì mang theo vũ khí.
(Theo lời) Trung úy Yakovlev, một tiểu đoàn trưởng, bọn Đức tấn công đơn vị anh đều trong tình trạng hoàn toàn say xỉn. Những tên bị bắt đều nồng nặc mùi rượu và mắt chúng vằn máu. Tất cả các cuộc tấn công của chúng đều bị đánh bật. Binh lính muốn cáng Yakovlev đi vì anh đã bị thương nặng nhưng anh gào lên: “Tôi vẫn nói được và còn có thể ra lệnh. Tôi là một Đảng viên và tôi không thể rời trận địa”.
Một buổi sáng ngột ngạt, trời lặng gió. Một ngôi làng hoàn toàn bình yên - đẹp và bình lặng với cuộc sống làng quê - lũ trẻ chơi đùa, người già và phụ nữ ngồi trên những chiếc ghế dài. Thật tệ là chúng tôi tới đúng lúc 3 chiếc Junker xuất hiện. Bom nổ. Tiếng gào thét. Lửa đỏ cùng khói trắng và khói đen. Chúng tôi lại đi qua ngôi làng này lần nữa tối đó. Những người dân mắt thất thần, kiệt sức. Phụ nữ mang theo đồ đạc. Những cột khói bốc cao giữa khung cảnh đổ nát. Và hoa - hoa ngô và mẫu đơn - vẫn bình thản khoe sắc.
Chúng tôi đi dưới làn đạn tới gần 1 nghĩa địa. Chúng tôi trú ẩn dưới những tán cây. Một chiếc xe tải đậu ở đó, trong xe có xác 1 lính thông tin bọc trong 1 tấm vải dầu. Những người lính Hồng quân khác đang đào huyệt cho anh ta gần đó. Khi có 1 trận không tập của máy bay Messer Đức, đám lính nhảy xuống huyệt núp. Viên trung úy quát: “Cứ đào đi, nếu không chúng ta không thể xong trước khi trời tối”. Korol núp sau 1 ngôi mộ mới chôn trong khi những người khác chạy mỗi người 1 nơi. Chỉ có người lính thông tin đã chết là nằm thẳng đẵng và đạn súng máy rít trên người anh ta”.

Grossman và Knorring tới thăm Trung đoàn Không quân Chiến đấu 103 của Hồng quân đóng gần Gomel. Grossman mau chóng phát hiện ra những người lính Hồng quân trên mặt đất có cảm xúc hết sức lẫn lộn với lực lượng Không quân. Cánh Không quân đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì tấn công bất kỳ thứ gì di động, cả bạn lẫn thù. Một câu đùa phổ biến của lính tráng khi thấy máy bay quân ta là: “Quân ta! Quân ta! Mũ sắt của tôi đâu rồi?”.

“Tôi đi với Knorring tới sân bay Zyabrovsky gần Gomel. Chính ủy Chikurin của Không quân Hồng quân, một đồng chí to béo chậm chạp, đã cho chúng tôi mượn chiếc xe ZIS của ban tham mưu. Ông ta nguyền rủa bọn (phi công chiến đấu) Đức: “Chúng săn đuổi mọi xe cộ, kể cả xe tải và xe con dân sự. Thật đúng là 1 lũ hooligan, quân ô nhục!”.
Cũng tại trung đoàn này còn có 2 đồng chí khác, cả 2 đều đã được tặng thưởng huân chương. Họ đã từng bắn hạ 1 máy bay quân ta và bị trừng phạt. Sau khi lĩnh án họ bắt đầu làm việc tốt hơn để lấy công chuộc tội.
Ghi chép trong cuộc phỏng vấn 1 phi công:
“Đồng chí trung tá, tôi đã bắn hạ 1 chiếc Junker-88 vì đất mẹ Soviet”.
Về bọn Đức:
“Có những tên phi công cũng không tệ, nhưng nhìn chung chúng là lũ cứt đái. Chúng không chịu đấu tay đôi trừ phi bị dồn đến đường cùng”.
“Không có chỗ cho sự lo sợ - chỉ có căm hận. Và khi bạn nhìn thấy chúng bốc cháy, tâm hồn bạn trở nên thư thái”.
“Ai sẽ bỏ chạy? Nó hay tôi? Tôi thì không rồi. Tôi và chiếc máy bay đã nhập làm 1 đến mức không còn cảm giác tách biệt gì nữa”.
Một lính Hồng quân trẻ lắp đặt pháo sáng cho sở chỉ huy (sân bay) đã để nó bắn trúng lưng tham mưu trưởng.
Sở chỉ huy đặt trong 1 tòa nhà vốn là Cung Thiếu nhi. Một tay phi công to lớn quấn đầy người súng ngắn, bao đạn và những thứ tương tự đứng nổi bật cạnh cửa ra vào toa lét nữ.
Các tòa nhà trong sân bay đã bị bom phá hủy, sân bay cũng bị bom cày xới. Các máy bay Ilyushin và MIG được giấu dưới những tấm lưới ngụy trang. Ô tô chạy quanh sân bay để chở nhiên liệu cho máy bay. Có cả 1 xe tải chuyên chở bánh trái và 1 xe nữa chuyên chở những cái phích đựng đồ ăn. Những cô gái bận áo liền quần trắng cho các phi công ăn bữa tối. Đám phi công ăn uống rất thất thường và có vẻ miễn cưỡng. Các cô gái phải dỗ cho họ ăn. Một số máy bay được giấu trong rừng.
Thật thú vị khi Nemtsevich (chỉ huy trung đoàn Không quân) kể cho chúng tôi nghe về đêm đầu tiên của cuộc chiến, về sự kinh hoàng, bỏ chạy. Ông đã lái 1 chiếc xe tải chở vợ con các sĩ quan chạy suốt 1 ngày 1 đêm. Trong 1 ngôi nhà ông phát hiện nhiều sĩ quan đã bị đâm chết. Có lẽ họ đã bị bọn thám báo giết khi đang ngủ. Chỗ này quá gần tiền tuyến. Ông kể trong cái đêm bọn Đức bắt đầu cuộc xâm lược ông đã gọi điện cho 1 số doanh nghiệp không quan trọng và phát hiện ra rằng hệ thống thông tin không hoạt động... Khi đó ông đã bực mình nhưng không quá chú ý đến chuyện đó.
Nemtsevich nói với tôi là máy bay Đức không hề xuất hiện trên khu vực sân bay của ông từ 10 ngày nay. Ông khẳng định kết luận của mình: bọn Đức không còn nhiên liệu, bọn Đức không còn máy bay, chúng đã bị bắn hạ sạch. Tôi chưa từng nghe bài diễn văn nào như thế - thật là 1 con người lạc quan. Đặc trưng những lời ông nói là cả cái tốt lẫn cái xấu cùng 1 lúc. Nhưng dù bất cứ giá nào ông cũng không bao giờ nói về chiến lược.
Chúng tôi ăn trưa trong căng tin nhỏ ấm cúng. Có 1 cô phục vụ xinh đẹp và Nemtsevich phải rên lên vì thèm muốn mỗi khi nhìn cô. Ông nói chuyện với cô với giọng nịnh bợ, rụt rè, van xin, cô đáp lại với vẻ mỉa mai. Đó là thắng lợi ngắn ngủi của 1 người phụ nữ trước 1 người đàn ông, có lẽ chỉ trong vài ngày thậm chí vài giờ, trước khi trái tim cô gái tuyên bố “đầu hàng”. Thật kỳ lạ khi nhìn viên trung đoàn trưởng Không quân đẹp trai và nam tính trở nên rụt rè ngoan ngoãn trước quyền lực của đàn bà. Hiển nhiên đây là 1 tay săn gái vĩ đại.
Chúng tôi qua đêm trong 1 căn nhà lớn, nhiều tầng. Nó hoang vắng, tối tăm, đáng sợ và buồn. Hàng trăm phụ nữ và trẻ em đã sống ở đây chỉ trước đây 1 thời gian ngắn, đó là gia đình của các phi công. Đêm đó chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng rền trầm đục đáng sợ và chạy ra đường. Nhiều phi đội máy bay ném bom Đức đang bay về phía đông qua đầu chúng tôi, trái ngược với những lời Nemtsevich nói trong suốt ngày hôm nay rằng chúng không có xăng và đã bị tiêu diệt.
Có tiếng động cơ khởi động, bụi bốc lên, và gió - thứ gió đặc biệt do cánh quạt máy bay tạo ra, thổi trên mặt đất. Máy bay lao lên trời chiếc này nối tiếp chiếc kia, lượn 1 vòng rồi bay mất. Ngay sau đó sân bay trở nên trống rỗng và câm lặng giống như 1 lớp học mà học sinh đã bỏ học hết. Giống như trong 1 ván bài: trung đoàn trưởng ném toàn bộ thời vận của mình lên trời, trên bàn chẳng để lại gì. Ông đứng đó, 1 mình, mắt nhìn trời, và bầu trời trước mắt ông hoàn toàn trống rỗng. Ông sẽ trở thành 1 kẻ cùng khổ hoặc có được mọi thứ. Đó là 1 cuộc chơi nơi tiền đặt cược là sự sống và cái chết, thắng lợi và thất bại. Tôi luôn có cảm giác mình như đang xem 1 cuốn phim chứ không phải nhìn thực tế. Các sự kiện nghiêm trọng đến quá liên tục và nhanh chóng.
Cuối cùng, sau cuộc tấn công thành công vào đội hình bọn Đức, những chiếc máy bay chiến đấu quay về và hạ cánh. Trên chiếc máy bay dẫn đầu có 1 miếng thịt người bị kẹp vào bộ tản nhiệt. Đó là vì 1 chiếc máy bay yểm trợ cho phi đội ném bom địch bị trúng đạn nổ tung đúng lúc chiếc máy bay này bay qua. Poppe, người lái chiếc đi đầu, gỡ miếng thịt ra bằng 1 cái giũa. Mọi người gọi 1 ông bác sĩ tới, ông ta kiểm tra khối thịt nhầy nhụa máu đó 1 cách cẩn thận rồi thông báo: “Thịt Aryan!”. Mọi người cười vang. Vâng, nó thật là 1 thời kỳ tàn nhẫn - thời kỳ của sắt thép - nó đã tới!”.

2
Cuộc rút lui tồi tệ

Cảm tưởng chung trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh Xô - Đức là quân phát xít di chuyển liên tục, tiến rất nhanh và dùng lực lượng thiết giáp hợp vây từng mảng quân Nga rồi quét sạch họ. Về phía quân Soviet có những lúc họ tê liệt hoạt động, không có phát ngôn gì trước sự hỗn loạn, những lời đồn thổi mà chỉ chờ đợi trong khi các mệnh lệnh không tới được nơi cần tới hoặc bị huỷ bỏ giữa chừng. Grossman, Troyanovsky và Knorring cũng rút theo mặt trận. Grossman 1 lần nữa ghi lại mọi điều tai nghe mắt thấy vào sổ tay, 1 cuốn sổ nhỏ hình vuông giống vở làm bài tập toán của trẻ em.

“Tới mặt trận. Tiếng gầm của đại bác mỗi lúc một to. Sự lo lắng và căng thẳng tăng dần. Pháo, đạn dược và những cỗ xe ngựa kéo đi trên con đường rộng rải cát trắng, bụi bốc lên lấp lánh vàng dưới ánh hoàng hôn, hai bên đường là thông đỏ. Bộ binh đang hành quân. Một sĩ quan trẻ người đầy bụi và mồ hôi cài một bông thược dược vàng lớn đi dưới ánh nắng đang tắt dần. Tất cả đều đi về hướng tây.
Trên mặt trận, cuộc chiến tranh chiến hào đang diễn ra, mỗi buổi sáng bọn Đức lại gọi to:
“Zhuchkov, đầu hàng đi”. Zhuchkov sưng sỉa đáp: “ĐM chúng mày”.
1 lính Hồng quân râu ria lởm chởm. Sĩ quan hỏi: “Sao cậu không cạo?”. Lính trả lời: “Tôi không có dao cạo”. Sĩ quan: “Tốt thôi, anh sẽ đi trinh sát với bộ râu của anh”. Lính: “Tôi sẽ cạo râu ngay hôm nay, thưa đồng chí chỉ huy”.
Ganakovich - một người tuyệt vời - rít tẩu thuốc, truyền sự thư thái cho mọi người. Thỉnh thoảng anh ta có vẻ buồn và thích ngồi một mình, anh ngồi suy nghĩ lâu, rất lâu. Anh sử dụng một thứ ngôn ngữ đầy màu sắc: “Vậy đấy, tôi nhớ cánh kỵ binh hồi 1914. Họ ăn cắp gà và hãm hiếp phụ nữ thậm chí ở cách xa chiến tuyến tới 200km”.
Đánh nhau đêm. Đại bác nã từng loạt. Dã pháo gầm, đạn rít, đầu tiên giống tiếng còi xé tai, sau đó giống tiếng gió. Mìn nổ. Vô số vệt đạn sáng trắng. Điệu nhảy clacket của súng máy và súng trường là náo nhiệt nhất. Pháo sáng của bọn Đức màu xanh lá và trắng, thứ ánh sáng bất lương, không giống như ánh sáng ban ngày. Súng nổ loạn xạ, chẳng ai nhìn hoặc nghe thấy gì nữa. Thật là một guồng máy náo loạn.
Buổi sáng, trên chiến địa những mảnh đạn dẹt như những cái đĩa hất tung đất xung quanh. Mặt nạ hơi độc, túi đạn nhét trong những lỗ nhỏ do lính đào ngay trong trận đánh bên thành ụ súng máy hoặc cối. Sẽ là không tốt nếu đào những cái lỗ này quá gần người khác. Ai đó có thể thấy chúng có vẻ lộn xộn nhưng 2 lỗ - có nghĩa là có 2 người bạn, 5 lỗ - cả 1 tổ đang ở cùng 1 chỗ. Máu. Một người bị giết sau đống cỏ khô, tay nắm chặt, đầu ngửa ra sau như bức tượng “Thần chết trên chiến địa”. Anh ta có cả 1 cái túi nhỏ đựng markhorka (thuốc lá đen) và 1 hộp diêm.
Dưới đáy hào của bọn Đức phủ đầy rơm. Rơm giữ lại hình dáng những kẻ đã nằm trên đó. Cạnh hào có những đồ hộp rỗng, vỏ cam, chai vang và brandy, báo, tạp chí. Không có dấu vết gì của đồ ăn tại những ụ súng máy, chỉ có rất nhiều đầu mẩu thuốc lá và những gói thuốc lá nhiều màu. Ai cũng muốn chùi sạch tay sau khi chạm vào bất kỳ thứ gì của bọn Đức - báo, ảnh chụp, thư từ.
Sư trưởng, một đại tá cao và cáu bẳn, đầu đội mũ lính trơn. Ông ta nhẹ nhàng gây chú ý cho cánh phóng viên về sự sung sướng và kích động lồ lộ trên khuôn mặt những người bị thương trở về từ trận đánh, ông chỉ tay với nụ cười mỉa: “Đặc biệt là những kẻ bị thương vào tay trái”.

Binh lính thường tự bắn vào tay trái trong một cố gắng khờ dại để khỏi phải chiến đấu. Thực tế là những vết thương kiểu như vậy trong bất kỳ trường hợp nào cũng mặc nhiên bị coi là tự gây thương tích cho mình nhằm trốn tránh chiến đấu. Những người lính đó sẽ phải đối mặt với án tử hình ngay tại chỗ do bộ phận đặc vụ của NKVD thực hiện (sau đổi thành lực lượng phản gián SMERSh). Một số phẫu thuật viên của Hồng quân đã liều tìm cách cứu sống những người lính trẻ này bằng cách cắt luôn cả cánh tay trước khi bộ phận đặc vụ tới kiểm tra vết thương của mọi bệnh nhân mới.

“Một tù binh Đức được canh giữ ở bìa rừng - một tên nhóc tóc đen trông rất khổ sở. Hắn quàng cổ bằng một cái khăn màu trắng và đỏ. Hắn đã bị phát hiện khi đang định trốn. Cảm giác chung của binh lính khi đứng trước hắn là ngạc nhiên, như thể hắn là một vật kỳ lạ, hết sức kỳ lạ so với những thứ xung quanh như cây dương, cây thông hay những cánh đồng đã thu hoạch hết.
Một cảm giác nguy hiểm chợt đến. Chỗ này mới trông có vẻ rất đáng sợ nhưng rồi bạn nhớ ra rằng nó cũng an toàn chẳng kém gì một căn hộ ở Moscow.
Một bãi tha ma. Chiến sự đã di chuyển xuống dưới thung lũng, ngôi làng đã cháy rụi. 12 chiếc máy bay ném bom Đức lao vọt qua từ bên trái. Nghĩa địa vẫn im ắng. Có tiếng gà mái quang quác từ ngôi làng đang bốc khói. Chúng vẫn nằm trong ổ, Petlyura nói miệng mỉm cười tinh quái: “Tôi sẽ tìm ra vài quả trứng cho anh trong mấy giây nữa”. Ngay lúc đó 1 chiếc Messerschmitt tấn công với tiếng rít đặc trưng và Petlyura phi vào núp giữa những ngôi mộ, quên luôn những quả trứng”.

Grossman sau đó hay tin Utkin, 1 nhà thơ nổi tiếng, đã bị thương ngay gần khu vực này*.

*[Nhà thơ Iosif Utkin (1903 - 1944) tình nguyện tham gia Hồng quân tháng 6/1941 và bị thương. Sau khi lành vết thương ông quay lại mặt trận làm phóng viên quân đội. Nhiều bài thơ thời chiến của ông đã được phổ nhạc. Ông hy sinh trong 1 vụ rơi máy bay năm 1944 khi đang quay về Moscow từ mặt trận]

“Buổi sáng, chúng tôi tới bệnh viện dã chiến thăm Utkin, các ngón tay anh ta bị mảnh đạn giật phăng mất. Đó là một ngày u ám và có mưa. Có khoảng 900 thương binh trong 1 khu vực chật hẹp vốn là 1 rừng dương thưa. Khắp nơi là những mảnh quần áo rướm máu, mẩu thịt, tiếng rên rỉ, tiếng gào tắc nghẹn, hàng trăm đôi mắt đau đớn và buồn thảm. Một nữ bác sĩ trẻ tóc đỏ đã khản cả giọng - cô đã phải làm việc suốt đêm. Mặt cô trắng nhợt - như thể cô sẽ lả đi bất kỳ lúc nào. Utkin đã được xe của ban tham mưu đưa đi, cô bác sĩ cười: “Khi tôi tiến hành cuộc phẫu thuật, anh ta đã đọc 1 bài thơ cho tôi nghe”. Giọng cô chỉ vừa đủ để nghe thấy, cô phải hỗ trợ khả năng nói của mình bằng cử chỉ. Những người bị thương vẫn đang được đưa tới, họ đều ướt vì máu và nước mưa”.

Cũng giống như mọi người Nga khác, Grossman cũng đề cập đến những đứa trẻ mồ côi do chiến tranh, cuộc đời của vô số đứa trẻ vô tội đó đã bị hủy hoại.

“Khi viên đại tá hành quân từ Volkovysk, ông tìm thấy một chú bé 3 tuổi trong rừng. Ông đã ẵm nó hàng trăm km qua đầm lầy và rừng rú. Tôi nhìn thấy 2 ông cháu trong sở chỉ huy, đứa bé tóc vàng ngái ngủ ôm chặt cổ đại tá. Tóc viên đại tá màu đỏ và quần áo ông như một mớ giẻ rách*”.

*[Grossman đã sử dụng đoạn viết này trong cuốn “Nhân dân bất diệt”, khi con trai chính ủy đã được cứu theo cách tương tự]

“Vụ bắt tên tù binh Đức là một câu chuyện hài hước. Đơn giản là ai đó ra buộc chân một con ngỗng và phát hiện ra hắn. Trong thực tế lính Hồng quân thường buộc dây vào chân các loại gia cầm rồi để chúng tự chạy tìm thức ăn giữa những cái cây hoặc chui vào những bụi rậm. Tên Đức thò ra khi nghe tiếng ngỗng kêu và rơi vào bẫy”.

Trong tuần thứ 3 của tháng 8, 1 phần Cụm thiết giáp số 2 của tướng Heinz Guderian tiến về phía nam đánh thọc sườn lực lượng Soviet tại mấu lồi Gomel. Cuộc tiến công của quân Đức buộc Hồng quân phải bỏ thành phố và ngay sau đó là phần đất cuối cùng của Belorussia cũng rơi vào tay quân thù. Grossman đã bất ngờ gặp người đứng đầu Đảng CS Belorussia bên lề 1 cuộc họp giữa Uỷ ban Trung ương của ông và những sĩ quan quân đội cao cấp*. Grossman đã ghi lại sự việc này trong cuốn tiểu thuyết viết 1 năm sau đó.

*[Ortenberg viết sau này: “Ngày hôm sau (21/9) chúng tôi đã có thể đề nghị các vị lãnh đạo dành nhiều thời gian hơn cho các độc giả của báo: Vasily Grossman và Pavel Troyanovsky đã gửi một lô thứ mà họ lựa chọn được từ Gomel. Chúng bao gồm cả một bài phỏng vấn Tổng Bí thư Đảng CS Belorussia về sự can đảm của những chiến sĩ du kích”]

“Ai có thể tả được sự đau đớn trong buổi họp tổ chức tại khu rừng này, mảnh đất tự do cuối cùng của Belorussia. Tiếng gió thổi từ Belorussia tới xuyên qua hàng triệu phiến lá sồi nghe sao mà trang nghiêm và buồn bã. Các vị Dân Ủy (Bộ trưởng) và các thành viên Ủy ban Trung ương mặc quân phục mặt đầy vẻ buồn bã. Những lời họ nói đều ngắn gọn... Mọi thứ thật đen tối. Pháo binh khai hỏa. Những vệt lửa dài xuyên qua màn đêm hướng về phía tây”.

Trong cuốn sổ ghi chép gốc, Grossman viết:

“Trong phiên họp Ủy ban Trung ương Đảng CS Belorussia - trên mảnh đất tự do cuối cùng của Belorussia... Những vấn đề gai góc nhất đều được hạ quyết tâm, không một từ không cần thiết nào được nói ra... Ponomarenko* nói với chỉ huy Hồng quân: “Anh không thể dùng thứ ngôn ngữ tởm lợm như vậy khi nói về 1 thành viên Ủy ban Trung ương”. Viên tướng hoảng hồn: “Tôi không chửi ông ấy, tôi đang phê phán chung chung thôi”.

*[Panteleimon Kondratyevich Ponomarenko (1902 - 1984), Bí thư thứ nhất Đảng CS Belorussia từ năm 1938 đến năm 1947, bị quản thúc tại Moscow trong thời kỳ phát xít Đức xâm lược 1941 - 1944, tại đó ông vẫn giám sát các tổ chức du kích. Ponomarenko, một người ủng hộ nhiệt thành chủ nghĩa Stalinist, có lẽ là một fan nhạc jazz vì ông đã lập ra Nhà hát Jazz Quốc gia Belorussia tại Minsk năm 1940. Sau Đại chiến ông làm đại sứ Soviet tại nhiều nước và có quan hệ mật thiết với KGB]

Mệnh lệnh đưa ra là pháo kích Novo-Belitsa và Gomel suốt đêm đó. Bầu trời rực lửa. Cuộc nói chuyện kìm nén trong lều chỉ huy. Tiếng viên chỉ huy: “Nếu anh nhớ, đó là trong tác phẩm “Đường tới Arzrum”. Tiếng ai đó trả lời: “Những người Karaim không phải Do Thái, họ đến từ Khazar”.*

*[“2 phóng viên quân đội và 1 thợ ảnh ngồi trên 1 khúc cây đổ gần túp lều làm bằng cành cây nơi Ủy ban Quân sự đang đóng... Họ nghe thấy tiếng viên chỉ huy từ trong lều: “Nếu anh nhớ, đó là trong tác phẩm “Đường tới Arzrum”....”
“Đường tới Arzrum” là 1 bài thơ của Pushkin viết năm 1836, 1 năm trước khi ông chết trong 1 cuộc quyết đấu]

Lũ chó chạy khỏi Gomel đang bốc cháy lao qua cầu 2 bên thành xe.
Trong 1 trận bom, 1 ông già trèo lên khỏi hào để lấy lại mũ và cả đầu lẫn cổ của ông bị tiện bay.

Tin tức về thất bại ngày càng tăng của quân đội loang ra dân chúng. Grossman, Troyanovsky và Knorring phóng về phía nam tránh các mũi tấn công của lực lượng thiết giáp do Guderian chỉ huy. Chuyến đi đưa họ tới vùng cực đông bắc Ukraina. Cả nhóm thoát về phía nam theo con đường cái từ Kiev đi Chernigov, sau đó rẽ về hướng đông đến Mena. Tại cả 2 nơi đó các sĩ quan tham mưu Hồng quân đều không nhận rõ tính nghiêm trọng của tình hình như Grossman đã chứng kiến.
Tại Điện Kremlin, Stalin vẫn không chịu đối mặt với sự đe dọa thực tế. Các đơn vị thiết giáp của Guderian từ Gomel đang tấn công về phía nam, tức là có thể cắt đứt thủ đô Kiev của Ukraina từ phía bắc, đến lúc người đứng đầu Soviet thừa nhận mối nguy hiểm thì đã quá muộn. Nó trở thành thất bại lớn nhất trong lịch sử quân đội Soviet. Tại Kiev, Hồng quân đã mất hơn nửa triệu quân, hoặc chết hoặc bị bắt. Grossman và các đồng sự chỉ vừa kịp thoát khỏi cái bẫy đó trước khi các Sư 3, 4 và 17 Thiết giáp Đức phóng về phía nam từ Gomel tới đông Ukraina. Sư 3 Thiết giáp Đức đã chiếm cây cầu chủ chốt bắc qua sông Desna gần Novgorod - Seversky ngày 25/8.
Troyanovsky mô tả lại chuyến đi: “Chúng tôi đã phóng và phóng qua những đống đổ nát hoang tàn. Những đống đổ nát mang tên Chernigov, Borzna, Baturin đều còn đang âm ỉ cháy... Mỗi khi có 1 trận không kích, P. I. Kolomeitsev đều giơ khẩu súng ngắn của anh ta bắn về hướng những chiếc máy bay phát xít. Ngay cả những tay hoàn toàn dân sự như Oleg Knorring và Vasily Grossman cũng dùng súng trường của họ để bắn máy bay”. Tuy thế Grossman cũng lo lắng không kém cho tấn thảm kịch của những người xung quanh.

“Những người dân đang kêu khóc. Cả những người đang đi lẫn những người đang đứng bên hàng rào nhà họ, họ bắt đầu khóc ngay khi bắt đầu nói. Và ai nấy đều muốn khóc theo. Có quá nhiều đau khổ!
Một ngôi nhà trống. Các gia đình ở thuê đã bỏ đi một ngày trước, người chủ cũng bỏ đi nốt. Cụ già hàng xóm có gặp họ trước khi đi: “Và con cún sẽ ở lại à?”.
“Nó không muốn đi”.
Và ngôi nhà vẫn ở lại nơi nó luôn luôn đứng đó. Cà chua xanh chín dần trên nóc nhà, hoa khoe sắc trong vườn. Trong phòng có vài chiếc bình và cốc nhỏ, vài cây vả trồng trong chậu, một cây chanh và một cây cọ. Mọi nơi, mọi thứ vẫn còn cảm nhận được bàn tay chăm sóc của chủ nhân.
Bụi. Bụi trắng, bụi vàng, bụi đỏ. Bụi bốc lên theo bước chân những con cừu, lợn, ngựa, bò và theo bánh xe chở những người chạy loạn, chở lính Hồng quân, xe tải, xe con nhà binh, tăng, pháo và xe kéo pháo. Bụi bốc lên, quay cuồng, nhào lộn khắp Ukraina.
Heinkel và Junker bay suốt đêm. Chúng tung cánh giữa những vì sao như những đàn ruồi. Không khí đã đen tối lại bị bao trùm thêm bởi tiếng rít của chúng. Bom rơi. Những làng mạc bốc cháy khắp nơi. Bầu trời đêm tháng 8 như được thắp sáng. Khi các vì sao biến mất hay có tiếng sấm, mọi người mới đầu thì sợ hãi nhưng sau đó cười: “Đó là do trời, do trời thực sự”.
Một bà già nghĩ sẽ gặp được đứa con trai trong hàng người vẫn đang chậm chạp lê bước trong bụi đất mù mịt. Bà đã đứng đó đến tối rồi lại gần chúng tôi: “Các anh lính, cầm lấy mấy quả dưa chuột này, ăn đi, mời các anh”. “Các anh lính, uống sữa đi”. “Các anh lính, táo này”. “Các anh lính, pho mát nhé”. “Các anh lính, cầm lấy đi”. Và bà khóc, những người phụ nữ khác cũng khóc, mắt vẫn nhìn những chàng trai đi qua trước mặt.
Cô gái Orinka người làng Dugovaya trông thật đau khổ, ngước đôi mắt ngây thơ đen láy nhìn mọi người. Chân cô đã đen sạm, quần áo rách nát. Chúng tôi mời cô mấy quả táo lấy từ vườn nông trang tập thể của cô. Vâng, khu vườn đó chính là của cô. Ông lão coi vườn im lặng nhìn chúng tôi hái táo cho cô.
Một khẩu pháo lớn đang được kéo đi khiến bụi màu vàng sẫm bốc mù mịt. Hai lính Hồng quân ngồi trên nòng pháo, mặt họ cũng đen nhẻm những bụi. Họ đang uống nước đựng trong mũ sắt”.

Grossman chỉ rời Ukraina trước các đơn vị thiết giáp của Guderian 1 bước. Ông không còn hồ nghi gì nữa về số phận mẹ mình, bà đã rơi vào tay giặc ở Berdichev, gần 500km sau lưng ông về phía tây nam. Từ Shchors (thành phố được đặt theo tên 1 anh hùng Bolshevik thời Nội chiến), Grossman, Troyanovsky và Knorring tới Glukhov rồi theo đường cái đi về hướng đông bắc tới Orel.

“Nghĩ về những thành phố mà mình đã đến nay bị chiếm đóng cũng giống như nhớ về những người bạn đã chết. Thật vô cùng buồn. Chúng trở nên vừa xa vừa gần 1 cách đáng sợ, cuộc sống tại đó như trong “1 thế giới khác”.
Nói chuyện với dân làng, mọi loại người, từ thô lỗ đến chân thành. Hôm nay 1 phụ nữ trẻ giọng the thé đã kêu lên: “Chúng tôi làm sao có thể nghe lệnh bọn Đức? Làm sao chúng tôi chấp nhận được những điều tồi tệ này?”.
Dưa chuột. 4 người đàn ông đã lấy chúng khỏi 1 kho rau quả và mang ra sân trong 1 trận bom. Họ khóc vì sợ hãi, uống đến say rồi kể lại vào buổi tối theo kiểu hài hước rất Ukraina họ đã sợ hãi thế nào rồi lại cười đùa ra sao. Họ nhắm rượu với mật ong, salo (mỡ lợn), tỏi và cà chua. 1 người trong số họ bắt chước tiếng rít của bom rơi và tiếng nổ rất tài.
B. Korol dạy họ cách sử dụng lựu đạn. Họ nghĩ họ sẽ làm du kích khi bọn Đức chiếm đóng nhưng tôi có linh cảm từ cuộc nói chuyện này rằng họ đã sẵn sàng làm việc cho bọn Đức. 1 người trong số họ, người muốn trở thành 1 nhà nông học tại vùng này, nhìn Korol như thể anh ta là 1 thằng khờ.
Mặt mũi và thần sắc mọi người. Trong 3 ngày chúng tôi đi xuyên Belorussia, Ukraina và đến Orel. Quãng thời gian khó khăn này đã bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người.
Họ tốt và cao thượng. Đó là đặc điểm chung đối với người ở cả 3 đất nước nhưng cũng có những nét riêng rất khác biệt. Người Nga mạnh mẽ và kiên trì nhất. Gương mặt người Ukraina buồn và quý phái, họ ranh mãnh và hơi thiếu trung thực. Người Belorussia câm lặng và buồn rầu trước những đau khổ.
Orel. Lái xe trong đêm. Phanh xe chúng tôi không còn hoạt động. Chúng tôi dừng lại 1 cách khó khăn trước 1 nhóm người chạy loạn. 1 phụ nữ hét lên. Họ là những người Do Thái tị nạn.
Tới Orel, thành phố không có ánh đèn. Trước chiến tranh người ta có thể nhìn thấy ánh đèn thành phố thậm chí từ vùng nông thôn xa xôi. Bây giờ, nó tối đen. Khách sạn. Giường! Chúng tôi được tháo giày và cởi quần áo mà ngủ lần đầu tiên trong suốt chuyến đi. Có thể gọi điện nói chuyện với Moscow. Được nói chuyện thoải mái với những người bạn, gia đình và đồng nghiệp đã giúp chúng tôi thoát khỏi những dư vị buồn”.

3
Tại Phương diện quân Bryansk

Ortenberg không cho Grossman và Troyanovsky chút thời gian nghỉ ngơi nào ở Orel sau cú thoát chết của họ. Họ được lệnh quay lại làm việc tại Phương diện quân Bryansk, nơi đang phải hứng chịu toàn bộ sức mạnh của Chiến dịch Typhoon khi tướng Đức Von Bock chỉ huy Cụm Tập đoàn quân Trung tâm mở cuộc tấn công về hướng Moscow.

“Phóng xe tới mặt trận. Hai lính Hồng quân đang ở trong một khu vườn tươi tốt vô chủ, đó là một buổi sáng tĩnh lặng, chỉ có họ ở đó, những người lính truyền tin. “Các đồng chí sĩ quan, tôi sẽ rung cây táo này lấy vài quả cho các anh ngay bây giờ”. Những quả táo rụng lịch bịch trên mặt đất của khu vườn hoang. Khu nhà của chủ quét vôi trắng trông thật buồn tẻ, 2 chủ nhân mới tới cũng lại bỏ đi. Và rồi ngay sau đó lại có 1 chủ nhân khác, 1 người lính có khuôn mặt rạng rỡ nhưng bẩn thỉu, anh ta nhanh chóng nhặt cả 1 đống táo trong tay.
Một bà già nói: “Ai biết Chúa có tồn tại hay không. Tôi cầu xin Người, đó không phải việc khó, chỉ cần cúi đầu trước Người 2 - 3 lần và ai biết đâu đấy, có thể Người sẽ chấp nhận lời cầu khấn”.
Trong một izba bỏ không, mọi thứ đã được mang đi, ngoại trừ những tượng thánh. Điều này rất không giống với phong cách những người nông dân của Nekrasov*, những người luôn giữ gìn những tượng thánh mỗi khi có đám cháy, dù phải bỏ lại tất cả mọi tài sản khác trong ngọn lửa.

*[Nikolai Alekseevich Nekrasov (1821 - 1878), nhà thơ. Người mẹ Ba Lan của ông đã dạy ông về sự khốn khổ của tầng lớp nông dân Nga, nó trở thành chủ đề chính trong các tác phẩm của ông đặc biệt là các bài thơ “Trên đường”, “Quê hương” và “Rét Mũi Đỏ”.]

“Một đứa trẻ khóc suốt đêm. Nó bị 1 vết áp xe ở chân. Mẹ nó suỵt cho nó im, trấn an nó: “Con yêu, con yêu”. Và đến đêm thì trận đánh nổ ra ngay ngoài cửa sổ nhà 2 mẹ con.
Thời tiết xấu - u ám, mưa, sương mù - mọi người đều ướt và lạnh nhưng ai cũng có vẻ sung sướng. Thế này thì ko sợ máy bay Đức. Ai cũng nói với vẻ hài lòng: “Thật là 1 ngày đẹp trời”.

Việc tiến quân của bọn Đức khiến ngày càng nhiều nông dân nhận thấy cần biến những súc vật nuôi của mình thành thịt muối và xúc xích để dễ bề cất giấu.

“Những con lợn bị làm thịt. Tiếng chúng kêu nghe sởn tóc gáy.
Cuộc hỏi cung 1 kẻ phản bội diễn ra trên bãi cỏ trong 1 ngày mùa thu quang đãng, yên tĩnh dưới ánh mặt trời ấm áp. Hắn có bộ râu rậm và mặc 1 cái áo khoác rách bằng vải thô màu nâu, đầu đội 1 cái mũ nông dân lớn. Chân hắn bẩn và để trần tới bắp chân, trông hắn như 1 nông dân trẻ mắt xanh nhạt. 1 tay hắn sưng phồng, tay kia nhỏ nhắn - trông như tay phụ nữ, với những móng tay sạch sẽ. Hắn nói tiếng Ukraina, kéo dài từng từ với giọng êm ái. Hắn đến từ Chernigov, hắn đã bị lạc vài ngày trước và bị bắt trên chiến tuyến đêm qua khi định quay về phía bên kia trong bộ trang phục nông dân trông như phường tuồng. Thật tình cờ hắn bị bắt bởi chính những đồng đội cũ, những người lính cùng đại đội với hắn, giờ họ đang đứng trước mặt hắn. Bọn Đức đã mua chuộc hắn chỉ bằng 100 Mark. Hắn được bọn chúng cử quay lại phía quân ta để xác định vị trí các sở chỉ huy và các sân bay. “Nhưng chỉ được 100 Mark thôi”, hắn dài giọng. Hắn nghĩ tính khiêm tốn của con số đó sẽ giúp hắn có nhiều sự tha thứ hơn. “Việc này cũng làm tôi khó nghĩ lắm, tôi biết, tôi biết”. Hắn không còn là người nữa, tất cả mọi chuyển động, nụ cười, ánh nhìn, lời nói, hơi thở của hắn - tất cả tạo cảm giác đang ở cạnh 1 xác chết. Hắn cũng có vấn đề với trí nhớ.
“Tên vợ mày là gì?”
“Tên vợ tôi á, tôi nhớ chứ, Gorpyna”.
“Còn con mày?”
“Tôi cũng nhớ tên nó, Pyotr”. Hắn ngẫm nghĩ 1 lúc rồi thêm: “Dmitrievich. 5 tuổi”. “Tôi muốn cạo mặt 1 cái”, hắn tiếp. “Mọi người đang nhìn tôi, tôi cảm thấy ngượng”. Hắn đập đập tay vào bộ râu. Hắn bứt 1 cọng cỏ, bốc đất, bẻ vụn 1 mẩu gỗ, liên tục ngọ nguậy 1 cách nhanh nhẹn và điên dại, như thể việc luôn làm 1 cái gì đó sẽ cứu được hắn. Khi hắn nhìn những người lính với súng trường trong tay, đôi mắt hắn vằn lên như 1 con thú trong cơn sợ hãi.
Sau đó viên đại tá tát vào mặt hắn. Gầm lên mà mắt đẫm lệ: “Thực sự thì mày đã làm cái gì thế này?”. Anh lính cảnh vệ cũng quát vào mặt hắn: “Mày đã hại cả con mày rồi! Làm sao nó sống được với nỗi nhục này!”.
“Chẳng lẽ các ông không biết chính tôi cũng không hiểu tôi đã làm gì sao, các đồng chí?”. Tên phản bội nói, mặt hướng về cả viên đại tá và người cảnh vệ cứ như họ có thể đồng cảm với vấn đề của hắn. Hắn đã bị bắn ngay trước mặt đại đội nơi hắn từng phục vụ chỉ 1 thời gian ngắn trước đó.
Thiếu tá Garan đã nhận được 1 bức thư từ vợ hắn. Khi đó ông đang bận việc và đã lạnh lùng quẳng nó sang 1 bên mà không buồn mở. Sau đó ông có đọc bức thư và mỉm cười nói: “Đến tôi còn chẳng biết vợ con mình sẽ sống hay chết nữa; tôi đã chia tay gia đình ở Dvinsk. Và giờ thằng con viết thư cho tôi thế này: “Con đã trèo lên mái nhà khi bọn Đức không kích và bắn máy bay bằng 1 khẩu súng ổ quay”. Nó có 1 khẩu súng ổ quay bằng gỗ”.

Grossman viết cho cha rằng ông vẫn rất lo lắng cho mẹ và con gái Katya. Ông không biết Katya thực ra đã được gửi tới trại hè Thiếu niên Tiền phong ở miền đông.

Sức khỏe của con tốt, cảm giác dễ chịu và tinh thần lên cao. Chỉ có điều là con suốt ngày đêm lo cho mẹ và Katyusha, con cũng rất muốn được nhìn thấy mọi người thân. Có thể con sẽ được ở Moscow vài ngày trong vòng 3 tuần tới. Con sẽ được tắm rửa và ngủ tử tế mà không phải đi ủng trên giường - điều đó với con bây giờ là siêu tiện nghi.

Sau đó 1 thời gian ngắn Grossman cũng viết thư cho vợ. Bức thư này đề ngày 16/9, giống như thư của mọi người lính tiền tuyến khác, chỉ có rất ít thông tin ngoại trừ việc cho thấy người gửi nó vẫn còn sống vào ngày bức thư được gửi đi.

Lyusenka thân yêu,
Anh đang được thấy nhiều điều thú vị. Anh suốt ngày di chuyển từ địa điểm này qua địa điểm khác, cuộc sống ở mặt trận là như vậy. Em có đang viết thư cho anh không? 1 giọt dầu từ rầm nóc hầm đã rơi vào tấm thiệp khi anh đang viết.
Hãy đọc tờ Krasnaya Zvezda, anh có độ 2 - 3 bài được đăng mỗi tháng. Chúng cũng là những lời chào của anh gửi cho em.
Vasya của em.

2 ngày trước đó, tờ Krasnaya Zvezda vừa mới đăng bài viết mới nhất của ông. Bài viết mang tựa đề “Trong hầm địch - nơi ở của bọn phát xít”.

“Những chiến hào, những hỏa điểm, những boongke của binh lính và sĩ quan Đức. Quân địch đã từng ở đây. Có rượu vang và brandy Pháp; ô liu Hy Lạp; nước ép cam từ “nước đồng minh” của chúng - tên nô lệ ngoan ngoãn mang tên Italy; 1 bình mứt đóng mác Ba Lan; 1 hộp lớn hình oval cá hộp do Na Uy tiến cống; 1 xô mật ong từ Tiệp Khắc. Và những mảnh đạn của 1 viên đạn pháo Nga nằm giữa bữa tiệc của bọn phát xít.
Hầm của binh lính là 1 hình ảnh khác: ở đây người ta chẳng thể tìm thấy những hộp sô cô la rỗng hay cá sardine ăn dở. Chỉ có những hộp đậu ép và những khoanh bánh mì nặng như được đúc bằng thép. Cầm những khoanh bánh mì đó mới thấy chúng nặng, đặc và có mầu sắc hệt nhựa đường. Những chiến sĩ Hồng quân cười nói: “Thế đấy, người anh em, nó đúng là bánh mì đấy!”.

4
Với Tập đoàn quân 50

Trong thời gian làm việc tại Phương diện quân Bryansk tháng 9/1941, Grossman đã tới thăm sở chỉ huy Tập đoàn quân 50. Tập đoàn quân này có 7 sư đoàn bộ binh, chỉ huy là thiếu tướng Mikhail Petrov*. Sở chỉ huy đặt trong 1 izba.

*[Thiếu tướng Mikhail P. Petrov (1898 - 1941)]

Trong izba là thành viên Hội đồng Quân sự (tức chính ủy) Shlyapin và Tư lệnh Petrov. Petrov có cái mũi to và ngắn, khoác áo choàng cấp tướng bẩn thỉu và đeo ngôi Sao Vàng (Anh hùng Liên Xô) mà ông được nhận vì thành tích trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Ông đang dài dòng giải thích về cách làm bánh xốp, cách nhào bột và sự khác nhau giữa bánh mì làm từ lúa mì với bánh mì làm từ lúa mạch. Petrov là người rất dữ tợn và cũng rất dũng cảm. Ông kể cho chúng tôi nghe ông đã thoát khỏi vòng vây bằng cách đi bộ mà vẫn mặc nguyên quân phục và đeo Sao Vàng vì không muốn cải trang làm thường dân. Ông đã đi 1 mình, ăn mặc 1 cách phô trương và mang 1 cây gậy để đuổi lũ chó.
Ông nói với tôi: “Tôi luôn mơ được tới Châu Phi, đi 1 mình qua những khu rừng nhiệt đới với 1 cây rìu và 1 khẩu súng trường”.
Ông yêu mèo, nhất là mèo con, và hay chơi với chúng.
Chỉ huy Tập đoàn quân 50 Petrov nói với 1 phụ nữ trong 1 ngôi làng vừa được tái chiếm từ tay bọn Đức: “Vậy cô nghĩ thế nào về bọn Đức?”.
“Chúng không phải người xấu”, cô ta trả lời.
Viên tướng chửi cô ta liền.
Có 1 viên sĩ quan đang ăn chút gì đó. Người phụ nữ nói với anh ta: “Ông ấy thật thối tha”.
Người nấu bếp của viên tướng trước chiến tranh từng làm việc trong 1 nhà hàng cũng ở trong izba. Anh ta chê đồ ăn trong làng. Những phụ nữ trong làng rất tức, họ gọi anh ta là Timka thay vì Timofei. Sự xuất hiện của anh ta luôn làm họ kinh hoàng.
Timka: “Khi phải ra tiền tuyến, mỗi khi lái xe tới đó tôi thường uống 1 cốc cồn công nghiệp, thế là tôi chẳng còn quan tâm đến điều gì nữa. Đạn rít xung quanh còn tôi vẫn vừa hát vừa múc thức ăn cho binh sĩ. Oh, họ yêu tôi, lính tráng mới yêu tôi làm sao”. Timka diễn lại động tác chia thức ăn đó như múa balê, miệng hát. Trông như thể anh ta hôm nay cũng vừa làm 1 cốc vậy.
Sĩ quan tùy tùng: Sĩ quan tùy tùng của Shlyapin cao, đẹp trai, anh ta là trung úy Klenovkin. Sĩ quan tùy tùng của Petrov thì lùn như trẻ vị thành niên nhưng có bắp vai khổng lồ và tấm lưng cánh phản. Tay “trẻ vị thành niên” này có thể hất đổ cả cái izba này chỉ bằng 1 cú huých vai. Anh ta đeo đầy người những súng ngắn, tiểu liên và lựu đạn. Trong túi anh ta có kẹo ăn cắp từ bàn thiếu tướng đồng thời có hàng trăm viên đạn để bảo vệ mạng sống cho ông ta.
Petrov ngắm tay tùy tùng của mình ăn rất mau lẹ, bốc tay thay vì dùng nĩa. “Nếu anh không chịu học chút văn hóa”, viên tướng quát, “tôi sẽ tống anh ra tuyến đầu. Anh phải ăn bằng nĩa, không phải bằng tay!”.
2 sĩ quan tùy tùng của thiếu tướng và chính ủy ngồi phân loại đồ lót của 2 vị chỉ huy, định để mượn những thứ ngoại cỡ - sĩ quan tùy tùng của chính ủy lựa đồ của thiếu tướng và ngược lại. Khi vượt qua 1 con suối nhỏ, tướng quân sẽ nhảy qua, chính ủy thì cứ thế bước qua rồi lau ủng sau. Sau đó sĩ quan tùy tùng của thiếu tướng cũng nhảy qua còn sĩ quan tùy tùng của chính ủy bước qua rồi lau ủng.
Buổi tối trong ánh nến. Petrov nói năng rất cộc cằn. Ông phản ứng lại đề nghị của 1 viên sư trưởng xin hoãn cuộc tấn công vì thiếu quân: “Nói với ông ta tôi sẽ hoãn nếu ông ta chỉ còn mỗi 1 mình”. Sau đó chúng tôi chơi domino rất lâu - Petrov, Shlyapin, 1 cô y tá bầu bĩnh xinh đẹp tên là Valya, và tôi. Viên chỉ huy tập đoàn quân đập quân domino xuống mặt bàn bôm bốp và dùng bàn tay che quân bài như 1 tay cờ bạc chuyên nghiệp. Hết lần này đến lần khác 1 viên thiếu tá từ ban chỉ huy hành quân chạy sang để đưa báo cáo.
Sáng ra, khi ăn sáng Petrov tỏ ra không đói. Ông làm 1 ly vodka: “Bộ trưởng cho phép điều đó”, ông cười nói. (Tiêu chuẩn cho phép uống 100g vodka mỗi ngày).
Trước khi tới sư đoàn tiền tiêu, tướng quân chơi với lũ mèo. Đầu tiên ông tới sở chỉ huy sư đoàn, sau đó tới 1 trong các trung đoàn. Chúng tôi rời khỏi xe và đi bộ trên đất ướt, chân kẹt trong bùn. Petrov văng vài từ tiếng Tây Ban Nha, tiếng ông vang vọng khắp trời đất, khắp vùng đất ẩm ướt này*.

*[Tướng Petrov từng là 1 trong các “cố vấn” đi theo đội quân “Operatsii X” của phe Cộng hoà trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha]

Trung đoàn đang chiến đấu. Họ đã thất bại trong việc chiếm 1 ngôi làng. Tiếng súng máy và tiểu liên nổ ầm ĩ, đạn rít. Chỉ huy tập đoàn quân gay gắt khiển trách trung đoàn trưởng: “Nếu anh không chiếm được cái làng này trong 1 giờ nữa, anh sẽ phải giao chức trung đoàn trưởng cho người khác và tham gia tấn công như binh nhì”. Trung đoàn trưởng trả lời: “Rõ, thưa đồng chí chỉ huy Tập đoàn quân”. Tay trung đoàn trưởng run bần bật. Chẳng ai dám đứng thẳng mà đi ở đây cả, ai cũng phải chạy lom khom hoặc bò bằng cả 4 chân từ hố này sang hố khác. Họ sợ ăn đạn, trong khi ở đây chả có phát đạn nào bắn tới. Tất cả họ núp trong bùn lầy và những vũng nước. Shlyapin thẳng người lên đi loanh quanh như đi dạo trên đường làng và quát đám lính: “Cứ cúi xuống đi, lũ nhát gan, cứ cúi xuống đi!”.
Khi chúng tôi tới trung đoàn thứ 2, sở chỉ huy của nó chẳng có ai. Chỉ có 3 con mèo sạch sẽ trong căn nhà trống cùng nhiều vũ khí và tượng thánh.
Sau bữa tối, tay kiểm sát viên quân sự tới từ sở chỉ huy hậu cứ Tập đoàn quân 50. Tất cả chúng tôi uống trà với mứt mâm xôi trong khi kiểm sát viên báo cáo những vấn đề còn tồn tại: những người tỏ ra hèn nhát, những kẻ đào ngũ - trong số đó có Pochepa, 1 thiếu tá già - cũng như trường hợp các nông dân bị tố cáo tuyên truyền cho bọn Đức. Petrov gạt cốc sang 1 bên. Ở góc văn bản ông phê chuẩn án tử hình bằng bút đỏ với chữ ký nhỏ tý như của trẻ con.
Kiểm sát viên báo cáo 1 vụ việc khác: 1 phụ nữ đã ép những người nông dân chào đón bọn Đức bằng bánh mì và muối.
“Thế bà ta là ai?”, Petrov hỏi.
“1 bà gái già”, tay kiểm sát viên cười.
Petrov cũng cười. “Vậy à, do bà ta là 1 gái già nên tôi sẽ chuyển chỗ ở cho bà ta trong vòng 10 năm”. Và ông viết 1 bản án nữa. Sau đó ông uống thêm chút trà. Tay kiểm sát viên nói lời tạm biệt. “Nhắc họ gửi cái ấm samovar của tôi tới đây, tôi đang để nó ở sở chỉ huy”, Petrov nói với kiểm sát viên. “Tôi luôn cần có nó ở gần bên mình”.

Grossman rõ ràng kính trọng Chính ủy cấp lữ đoàn Nikolai Alekseevich Shlyapin hơn Petrov nhiều.

“Shlyapin là người thông minh, mạnh mẽ, bình tĩnh, to lớn và chậm rãi. Mọi người đều cảm nhận được sức mạnh tiềm ẩn bên trong ông”.

Cuộc viếng thăm sở chỉ huy Tập đoàn quân 50 sau này đã cung cấp nhiều điều quan trọng cho công việc của Grossman. Trong những cuộc nói chuyện dài, Shlyapin kể cho Grossman câu chuyện về những kinh nghiệm mà ông có được ở Sư 94 Bộ binh vào mùa hè thảm họa khi bọn Đức xâm lược. 1 tháng sau khi chiến tranh bùng nổ, sư đoàn của ông trở thành 1 phần của Phương diện quân Tây bị đánh tan tác, chỉ huy là tướng Pavlov. Phần còn lại của sư đoàn cố thoát khỏi vòng vây ở Belorussia rút về phía đông tới Vitebsk, tại đó họ bị Sư 20 Thiết giáp Đức tấn công vào cuối tháng 7. Họ phải rút vào rừng, sau đó chiến đấu để mở đường máu thoát ra. Miêu tả của Shlyapin chắc chắn mang màu sắc khác hẳn công thức chung Soviet lúc đó là phóng đại sức mạnh cũng như thương vong của địch trong khi những hành động thực tế và anh hùng của các viên chỉ huy cấp trên của Shlyapin thường lại bị buộc tội. Grossman đã sử dụng những ghi chép từ các cuộc nói chuyện này để viết cuốn “Nhân dân bất diệt” vào năm sau. Cái chết của Shlyapin 1 tháng sau cuộc gặp gỡ giữa 2 người đã khiến Grossman thêm quyết tâm lưu danh người chính ủy này.

Shlyapin kể cho tôi mọi thứ khi cả 2 nằm trên 1 đống cỏ trong chuồng gia súc. Xung quanh tiếng đạn trái phá gầm thét. Phía cuối chuồng gia súc cô nàng Valya* đang bật máy hát và chúng tôi cùng nghe bản “Chiếc khăn xanh nho nhỏ”**. Những cây dương mảnh dẻ run rẩy trong tiếng nổ, đường đạn vạch ngang bầu trời.

*[Valya có lẽ là “vợ ngoài mặt trận” của tướng Petrov. Grossman sau này có phun ra sự thật phổ biến trong giới sĩ quan cao cấp là họ thường chọn những cô gái xinh đẹp trong sở chỉ huy và bệnh viện dã chiến để làm vụ này]

**[“Chiếc khăn xanh nho nhỏ” là 1 bài hát nổi tiếng, nội dung bài hát là lời người yêu 1 chiến sĩ hứa không bao giờ quên anh khi anh ra mặt trận. Cô gái quàng 1 chiếc khăn xanh xinh xắn và dùng nó để vẫy chào người yêu. Nhạc G. Peterburgsky, lời Yakov Galitsky. Thật thú vị nếu xét rằng Stalin vẫn luôn công kích những người Do Thái như những “kẻ không Tổ quốc” trong khi phần lớn những bài ca yêu nước phổ biến ở Liên Xô trong thời gian WW2 lại có tác giả là người Do Thái]

Cuối tháng đó, Grossman cuối cùng cũng nhận được tin cha rằng con cái ông, Katya, vẫn an toàn.

Cha kính yêu, con đã nhận được 1 loạt bưu thiếp cùng lúc, 2 trong số đó là từ cha. Đây là lần đầu tiên con nhận được tin tức sau 2 tháng. Con rất mừng là Katya vẫn ổn, nhưng giờ nỗi lo lắng của con về mẹ lại tăng gấp đôi... Con đang rất nóng lòng gặp cha nhưng điều đó nằm ngoài khả năng của con cho đến khi các sếp triệu hồi con về.

5
Trở lại Ukraina

Ngày 20/9, Grossman và Troyanovsky quay trở về hướng nam 1 lần nữa tới Glukhov ở cực đông bắc Ukraina, đó là nơi họ đã từng đi qua khi chạy khỏi Gomel.
Việc Stalin không chịu đối mặt với nguy cơ Kiev bị vây đã tạo điều kiện cho Cụm Thiết giáp số 2 của Guderian hội quân được với Cụm Thiết giáp số 1 của Kleist gần Lokhvitsa. Phương diện quân Tây Nam của tướng Kirponos gồm các Tập đoàn quân 5, 21, 26 và 37 đã bị cắt rời. Bạn chí thân của Stalin, Nguyên soái Budyenny đã thoát được, Nikita Khrushchev và tướng Timoshenko cũng vậy. Khoảng 15.000 quân cũng thoát được khỏi vòng vây quân Đức nhưng nửa triệu quân còn lại buộc phải chịu số phận khủng khiếp là phơi mình trước cái đói, bệnh tật trong các trại tù binh của bọn Đức.
Mặc dù tình hình quân sự như vậy, phần lớn người Ukraina không muốn sơ tán về phía đông tới lưu vực sông Volga. Bản thân Grossman mặc dù sinh ra và lớn lên ở Berdichev, 1 thị trấn Ukraina, nhưng coi những nông dân Ukraina gần như người nước ngoài vì ông không hề có bất kỳ quan hệ gì với cuộc sống nông thôn.
Những người Ukraina đã trải qua cuộc nội chiến ác liệt cầy xới qua đất đai của họ, sau tất cả những cái đó lại đến nạn đói khủng khiếp gây ra bởi chính sách của Stalin tiêu diệt nông dân giàu có và địa chủ kulak, tập thể hóa nông nghiệp cưỡng bức. Vì vậy, nhiều người Ukraina đã chuẩn bị đón chào quân Đức như những người giải phóng. Grossman sau đó phát hiện ra rằng cảnh sát tình nguyện người Ukraina thậm chí còn tham gia tích cực vào việc vây bắt người Do Thái ở Berdichev, bao gồm cả mẹ ông và các bạn bè, và dự phần vào việc tàn sát họ.

“Trên mặt đất gió ù ù thổi, lạnh, có vẻ tuyết sắp rơi. Những phụ nữ khoác áo tang, vẻ mặt lạnh lùng. Họ đang làm loạn. Họ không muốn rời khỏi đây để tới nước Cộng hòa Đức tại Volga* cùng con cái mình. Vài người dắt theo dăm sáu đứa nhỏ.

*[Nước Cộng hòa Đức tại Volga (Volga German Autonomous Soviet Socialist Republic): 1 nước cộng hòa tự trị nằm ở lưu vực sông Volga trong thành phần Liên bang Soviet, tồn tại từ năm 1918 tới năm 1941 với phần lớn cư dân là người Đức di cư sang Nga từ năm 1897, (số liệu năm 1939 là 366.000 người gốc Đức, chiếm 60% dân số). Khi Đức xâm lược Nga năm 1941, người Đức bị coi là kẻ thù dân tộc nên Stalin đã ra lệnh xóa sổ nước cộng hòa này, chuyển toàn bộ người gốc Đức tới Kazakhstan và Siberia]

Những người phụ nữ giơ cao liềm. Những cái liềm phản chiếu ánh sáng đục mờ xám xịt của mùa thu. Mắt họ đẫm lệ. Một lúc sau họ lại cười và chửi rủa, rồi lại giận giữ và tỏ vẻ đau khổ. Họ kêu lên: “Thưa trung úy, một ông cụ có 2 con trai đã treo cổ hôm qua. Ông ấy không muốn tới Cộng hòa Đức tại Volga. Bọn Đức có thể cũng sẽ tống chúng tôi tới đó hay tới bất cứ đâu. Chúng tôi sẽ không đi, chúng tôi sẽ chết ở đây. Bất kỳ quân rắn độc tệ hại nào tới ép chúng tôi rời khỏi nhà sẽ phải nói chuyện với những cái liềm này”.
Lúc sau lại có người nói: “Nếu bà không có 1 người đàn ông cho mình, có thể lấy 1 con mèo mà gừ gừ với nó suốt đêm”.
“Nhìn lên trời xem, lũ sếu đang bay về phía nam. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ đi về đâu? Các đồng chí, hãy giúp chúng tôi”.
Ôi, đàn bà! Những ánh mắt phụ nữ thật đáng sợ - sống động, sôi nổi, giận dữ, ấu trĩ, bạn có thể thấy như có cả 1 tên giết người trong họ. Những phụ nữ này đã mang cả bánh cho những người đàn ông của họ ở Kursk, cách đây 200km.
Bí thư RAIKOM (Đảng ủy) địa phương nói: “Tới gặp tôi đi, các bạn. Tôi có rượu mạnh và những phụ nữ không quá già”.
Đêm thứ 2, chuông điện thoại reo vang. Mới đầu tôi nghĩ nó là dành cho tôi. Bọn Đức đã bị đẩy lui. Chúng tôi nhóm lửa trong bếp lò. Ánh lửa lò khơi lên nỗi đau của ai đó. Một cô gái xinh xắn với đôi mắt đen láy thông minh nói khẽ: “Anh đang ngồi trên chỗ của bố em đấy”.
Các cô gái, họ căm thù Hitler, kẻ đã mang những chàng trai của họ đi, cả âm nhạc, khiêu vũ và ca hát.
Binh lính hành quân trong bóng tối. Một cô gái chạy tới quan sát họ: “Để tìm xem có anh tôi không”. Trông cô như một con búp bê với gương mặt tròn, cặp mắt xanh và đôi môi xinh xắn. Cũng đôi môi đó đã nói những lời sau đấy về một bé gái mới lên một tuổi đang khóc nhè: “Giá nó chết đi thì tốt hơn. Bớt đi một miệng ăn”.
Một thương binh được mang tới đây đêm qua. Anh ta thở hổn hển và khóc. Hai người phụ nữ khóc cùng anh ta suốt đêm, họ đang cắt những cái băng dính đầy máu cho anh. Anh bắt đầu thấy đỡ hơn. Cánh đàn ông sợ phải mang anh tới bệnh viện trong đêm, vì thế anh phải nằm đây tới khi trời sáng.
Những edinolochnik (nông dân cá thể) đang sơn trắng khatas (nhà kiểu Ukraina) của họ nhìn chúng tôi với ánh mắt thách thức: “Đó là để đón lễ Phục sinh”.

Hàm ý đằng sau những dấu hiệu dị thường trong mùa thu năm đó cho thấy họ đang chuẩn bị chào đón 1 sự kiện vui mừng bậc nhất. 1 số sử gia giải thích rằng người Đức với dấu hiệu chữ thập đen sơn trên chiến xa được xem là người đem nền tự do Thiên chúa giáo tới cho người dân vốn bị chèn ép bởi chế độ Soviet vô thần. Nhiều người Ukraina đã chào đón quân Đức bằng bánh mì và muối, nhiều cô gái Ukraina đã vui vẻ làm vợ lính Đức. Thật khó để đánh giá mức độ của hiện tượng này bằng phương pháp thống kê thông thường nhưng nên lưu ý Abwehr, Cục Tình báo Quân đội Đức, đã cho biết có thể gây dựng 1 đội quân gồm hàng triệu người Ukraina nhằm chống lại Hồng quân. Tuy nhiên đề xuất này đã bị Hitler thẳng thừng bác bỏ, hắn cảm thấy ghê tởm viễn cảnh những người Slavơ sẽ chiến đấu trong bộ quân phục Đức.

“Trong làng Kamenka có 1 ngôi nhà với 3 phụ nữ làm chủ. Họ nói thứ tiếng pha trộn giữa tiếng Ukraina và tiếng Nga. Họ đi xem những lính Đức bị bắt. 1 trong số đó, tên đeo kính, là 1 họa sĩ. Tên kia là sinh viên, hắn vừa mới dậy, đùa với lũ trẻ 1 lúc rồi lại nằm xuống. Người phụ nữ già hỏi luôn mồm: “Thật sự thì người Đức tin vào Chúa chứ?”. Bên ngoài nhiều lời đồn đại về tình hình các vùng bọn Đức chiếm đóng đang lan truyền trong làng. “Các starosta* đang chia ruộng đất ra thành từng mảnh”, và nhiều tin đồn tương tự.

*[Starosta: trưởng lão. Thời Nga Sa hoàng có những starosta của nhà thờ và starosta của làng. Đó thường là những nông dân giàu nhất hoặc có uy tín nhất. Người Đức tái lập hệ thống này, dùng chức danh starosta như trưởng làng. “Chia ruộng đất thành từng mảnh” có nghĩa là phân chia lại các nông trang tập thể đáng ghét, trả ruộng đất cho người cày theo đơn vị hộ cá thể]

Chúng tôi mất cả buổi tối để giải thích cho họ bọn Đức thực sự là như thế nào. Họ nghe, thở dài, mắt láo liên nhưng ko chịu cho biết suy nghĩ thật trong đầu. 1 bà già thản nhiên nói: “Cái gì đã qua chúng tôi thấy rồi, cái gì sẽ tới chúng tôi cũng khắc thấy”.
Đầu người lái 1 chiếc xe tăng hạng nặng bị thổi bay bởi 1 phát đại bác, chiếc tăng cứ thế đi tiếp vì xác anh ta đè lên chân ga. Chiếc tăng đi xuyên qua rừng, húc đổ cây cối rồi tiến thẳng vào ngôi làng chúng tôi đang ở. Người lái tăng không đầu vẫn ngồi nguyên trong xe”.

Trong thời gian làm việc quanh khu vực Glukhov, Grossman đã được biết về Trung đoàn 395 Bộ binh do Thiếu tá Babadzhanyan chỉ huy đã liều mạng chiến đấu trên 1 vùng đất nhỏ hẹp bên bờ tây sông Kleven. “Grossman đã quyết định viết về trung đoàn anh hùng này”, Ortenberg viết, “và muốn vượt sông để gặp Babadzhanyan. Cục Chính trị không cho phép điều đó mặc cho Grossman phản đối. Sau này khi Grossman hỏi thăm về số phận Trung đoàn 395, ông được kể rằng trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ 1 cách dũng cảm nhưng chịu thiệt hại rất nặng, và trung đoàn trưởng Thiếu tá Babadzhanyan cũng nằm trong số những người hy sinh. Grossman đã mô tả lại điều này trong tác phẩm “Nhân dân bất diệt” với tên người trung đoàn trưởng được giữ nguyên”.
Grossman cũng viết về những sự kiện xảy ra ngay sau chiến tranh vì với ông, thiếu tá Babadzhanyan đã trở thành biểu tượng cho phẩm chất sẵn sàng vượt qua nghịch cảnh của người lính Hồng quân.

“Lần đầu tiên chúng tôi, những phóng viên quân đội, nghe thấy cái tên Babadzhanyan là ở Ukraina trong những ngày khó khăn tháng 9/1941, khi chúng tôi đang ở gần Glukhov. Lúa mì chín nẫu, nặng trĩu trên đồng, hoa quả rụng, cà chua thối trong vườn rau, dưa chuột và cải bắp héo rũ, những bắp ngô không được thu hoạch khô quắt lại trên thân cây. Những khoảng trống trong rừng phủ 1 thảm hoa, nấm mọc dưới gốc cây và lẫn trong cỏ.
Cuộc sống con người trở nên đáng sợ trong mùa thu Ukraina rạng rỡ này. Ban đêm bầu trời đỏ rực bởi hàng tá đám cháy khắp nơi, ban ngày tấm màn xám của khói bốc lên che khuất chân trời. Phụ nữ bồng con trong tay, người già, những bầy cừu, bò và ngựa của nông trang tập thể chìm trong màn bụi đang đi về phía đông trên những con đường tỉnh lộ, bằng xe kéo hoặc đi bộ. Những chiếc máy kéo gầm lên chói tai. Tàu hỏa chất đầy máy móc, động cơ, nồi hơi của các nhà máy đi về phía đông suốt ngày đêm.
Hàng ngàn máy bay Đức liên tục bay vù vù trên trời, mặt đất rên rỉ dưới bánh xích những cỗ chiến xa Đức. Những xích sắt đó đã bò qua đầm lầy và sông ngòi, nghiến nát mặt đất và những thân người. Bọn sĩ quan Đức được huấn luyện bài bản dẫn các tiểu đoàn và trung đoàn phát xít tiến về phía đông, xuyên qua khói bụi.
Babadzhanyan lần đầu tiên nhìn thấy lính Đức là vào mùa hè năm 1941, khi quân ta rút khỏi Smolensk. Một viên sĩ quan Đức má đỏ gay bảnh bao, vì muốn tránh bụi đất đang bốc lên dưới hàng ngàn chiếc ủng và bánh xe, đã rời khỏi con đường. Không ai nghe một tiếng súng tắc nghẹn vì tiếng bánh xe lăn, tiếng ngựa hí, tiếng gầm của động cơ xe. Viên sĩ quan Đức ngã xuống 1 bụi rậm và vài phút sau, Babadzhanyan đã cầm trong tay giấy tờ lấy từ xác hắn. Trong số giấy tờ có 1 quyển sổ bìa da mới, trang đầu là những từ tiếng Đức và lời dịch tiếng Nga: “Mày là tù binh”; “Giơ tay lên”; “Làng này tên gì?”; “Còn bao nhiêu km nữa thì tới Moscow”...
Babadzhanyan nhìn những khuôn mặt xám xịt mệt mỏi của nhóm trinh sát, nhìn những căn nhà xám xịt trong ngôi làng nhỏ bé và không có khả năng phòng vệ, nhìn dòng chảy không dứt của lính Đức, và bỗng chốc, trong đau đớn, giận dữ và lo lắng, rút mẩu bút chì đỏ trong túi ra viết những chữ lớn vào cuốn sổ: “Chúng mày sẽ không bao giờ thấy được Moscow! Một ngày kia chúng tao sẽ hỏi: “Còn bao nhiêu km nữa thì tới Berlin?”, ngày đó sẽ tới!”.

Tình hình lúc đó hết sức tuyệt vọng khiến cho mọi người, kể cả Grossman, đều sung sướng tin vào bất kỳ lời đồn đại nào về tình trạng xuống tinh thần của bọn Đức và những vấn đề chúng đang gặp phải. Phần lớn các câu chuyện đó, thường là chuyện bọn SS và Gestapo bắt lính Đức chiến đấu, đều rất thiển cận, nói chỉ để mà nói.

“Những tên Đức mà Tiểu đoàn dự bị 159 bắt được nói tâm trạng chung của lính Đức là muốn bỏ cuộc. Phần lớn xác chết của lính và cả nhiều hạ sĩ quan Đức được tìm thấy đều có truyền đơn và báo Nga trong mình. 5 tờ báo Soviet đã được tìm thấy trong người 1 unteroffizier*, tờ mới nhất là báo ngày 27/7. Bên cạnh đó còn tìm thấy 1 bản tóm tắt kết quả của 2 tháng tấn công nước Nga và những tờ báo Đức. Các con số được gạch chân bằng bút đỏ để so sánh”.

*[Unteroffizier: Cấp hạ sĩ quan trong quân đội Đức tương đương trung sĩ, thường chỉ huy 1 tổ gồm 9 - 10 người thực hiện 1 nhiệm vụ nào đó.]

“Một tiểu đoàn Đức què quặt được bổ sung bằng lính Gestapo và SS cho đủ quân số. Chúng chỉ được dùng làm đơn vị dự bị.
Trong 1 trận pháo kích bằng súng cối vào Novaya, nhiều tên Đức đã nhảy xuống 1 con suối. Hàng chục tên đã chết đuối trong đó có cả 1 sĩ quan. Lính trinh sát báo cáo đã nghe thấy nhiều tiếng rú khủng khiếp.
Hơn 1.500 tên Đức bị thương nặng đã được ghi nhận, tất cả chúng đã được đưa về Đức. Có báo cáo về những bệnh viện dã chiến lớn ở khu vực Kletnya, trong các bệnh viện này có tới hơn 4.000 thương binh Đức. Bọn Đức còn chưa kịp đem chúng đi thì đã lại có những thương binh mới đổ tới.
Nhiệm vụ trinh sát vào ngày 11. Trung sĩ Nikolaev và lính Hồng quân Dedyulya dẫn 6 người đi tóm 1 “cái lưỡi”*. Nikolaev nghe được từ dân địa phương về sự di chuyển của xe cộ trong vùng. Nhóm trinh sát tổ chức 1 cuộc mai phục trong khu rừng ven đường. Họ ném lựu đạn vào 3 tên lính mô tô đi sau cùng. Dedyulya hạ 2 tên và bắt sống tên còn lại, hắn tên là Alvin Gunt”.

*[“Cái lưỡi” là tiếng lóng của Hồng quân chỉ lính địch, thường là lính gác hoặc anh nuôi, bị 1 nhóm trinh sát bắt để thẩm vấn]

Grossman được nghe câu chuyện vui về 1 chiếc xe thiết giáp Đức bị bỏ lại bên vệ đường. 1 ông nhóc “với 1 khối vuông” (tức thiếu úy) đang ngồi trên đó.

“Anh sẽ bị bắn mất”, 1 viên trung úy cảnh báo.
“Nhưng ai bắn?”, ông nhóc trả lời. “Bọn Đức sẽ nghĩ đây là xe của chúng còn quân ta sẽ bỏ chạy khi nhìn thấy nó”. Một câu chuyện cười buồn.
Bầu trời là của bọn Đức, trong hàng tuần lễ chúng tôi chẳng nhìn thấy cái máy bay ta nào.
Thông điệp này nằm bên trong mặt dây chuyền của trung úy Miroshnikov đã hi sinh: “Nếu ai đó đủ can đảm gỡ thông điệp này khỏi mặt dây chuyền xin hảy gửi nó tới địa chỉ sau... “Các con trai của ta, bố đang ở 1 thế giới khác. Hãy gặp bố ở đó nhưng trước hết hãy trút căm thù lên đầu giặc. Tiến lên, vì chiến thắng, các con và bạn bè hãy chiến đấu cho Đất Mẹ, cho Stalin vĩ đại”.
Câu chuyện của một chính ủy lữ đoàn:
Một sĩ quan hậu cần cấp 2, người vừa thoát khỏi vòng vây bằng cách xuyên qua chiến tuyến địch, đã bất ngờ bắn chính ủy và trung đoàn trưởng của mình vì họ nghi anh ta là gián điệp. Hắn lấy tư trang và tiền của họ và chôn các xác chết trong 1 chuồng gia súc. Tay sĩ quan hậu cần này đã bị bắn trước mặt các sĩ quan sư đoàn, người bắn là viên đại tá cao tuổi nhất sư đoàn”.

Grossman không thể cưỡng lại thú vui mô tả chi tiết về con người địa phương, thậm chí cả những người chẳng có việc gì làm trong chiến tranh.

“1 bà già có 3 người con trai câm, cả 3 đều là thợ cắt tóc. “Đứa lớn nhất đã hơn 50 tuổi rồi”, bà nói. “Chúng vẫn đánh nhau như quỷ và cãi nhau như ngựa, chúng còn lấy dao phi nhau suốt”.
Những thợ quét vôi và thợ đá khi cáu ông chủ thuê họ thường giấu vào trong tường 1 quả trứng hay 1 hộp đầy gián (với chút cám để chúng ăn). Quả trứng sẽ bốc mùi còn lũ gián sẽ kêu sột soạt để làm chủ nhà phải khổ sở”.

Trong tuần cuối cùng của tháng 9, Grossman có mặt trong cuộc thẩm vấn có vẻ rất dớ dẩn và khôi hài với 1 lính lái mô tô người Áo. Viên sĩ quan quân báo đã bỏ lơ lời khoác lác của tên tù binh là có hàng trăm xe tăng Đức tại khu vực này. Chỉ sau này Grossman mới biết rằng chúng có lẽ là 1 phần của Cụm Thiết giáp 2 do Guderian chỉ huy đang tái bố trí cho cuộc tấn công tiếp theo sau khi vây Kiev. Hoàn toàn do may mắn, trong vài tuần tiếp theo Grossman và Troyanovsky đã nhiều lần đi ngay trước mũi những chiếc xe tăng của Guderian, 1 lần nữa ông lại vừa kịp thoát khỏi bị chúng bắt. Cương vị phóng viên chiến tranh sẽ không thể cứu Grossman nếu ông bị bắt, gần như chắc chắn ông sẽ bị coi là 1 “chính ủy Do Thái” và bị bắn.

Trong nhóm của Ermakov đóng tại làng Pustogorod*, tại ban chính trị có 1 cô gái Do Thái xinh đẹp, người đã thoát được khỏi vòng vây của bọn Đức, có đôi mắt sáng rực.

*[Pustogorod nằm ở vùng Sumy cách Glukhov khoảng 50km về phía bắc - đông bắc]

Tên lính mô tô phát xít bị thẩm vấn đêm trong ngôi nhà mà ban chính trị đóng. Hắn là 1 người Áo cao to đẹp trai. Mọi người ngắm nhìn chiếc áo khoác da màu ánh thép dài và mềm mại của hắn. Ai cũng sờ thử, lắc lắc gấu áo. Điều đó có nghĩa là: sao trên đời lại có thể có 1 tay chiến binh được mặc thứ áo khoác như này? Phi công lái máy bay chắc cũng chỉ có những chiếc áo khoác da như thế là cùng. Phiên dịch là 1 người Do Thái chỉ vừa đủ chữ nghĩa, anh ta đang nói bằng tiếng Yiddish*.

*[Yiddish: thứ tiếng Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu]

Tên người Áo cũng lẩm bẩm bằng thứ tiếng của hắn. Cả 2 đều cố đến vã mồ hôi để hiểu nhau nhưng mồ hôi có lẽ chỉ đem đến những kết quả hạn chế trong công việc này. Quá trình thẩm vấn diễn ra rất khó khăn. Tên người Áo loay hoay liên tục, lúc nhìn ra cửa, lúc đấm ngực kể lại rằng hắn đã thấy hàng đàn xe tăng của Guderian trong khu vực này, 1 con số khổng lồ - “500! Ở đây, ở đây, ngay gần các ông”. Hắn giơ tay làm điệu bộ về khoảng cách gần đó là đến mức nào.
“Nó nói gì thế?”, viên sĩ quan quân báo nôn nóng hỏi. Phiên dịch viên nhún vai 1 cách bối rối. “Hắn thấy 1 số lượng xe tăng lên tới 500 chiếc”.
“Ồ, quỷ quái thật. Hắn phải nói tên những địa danh đơn vị hắn đã đi qua từ Đức tới mặt trận”, viên sĩ quan quân báo to lớn vừa nói vừa xem bản câu hỏi. Ôi, những người tai to mặt lớn*.

*[Thiết lập con đường chính xác các đơn vị Đức đã đi từ biên giới Soviet là 1 ưu tiên cao trong các cuộc thẩm vấn tù binh của quân Nga. Điều này giúp thiết lập mối liên hệ giữa các đơn vị phát xít với các cuộc thảm sát mà chúng gây ra. Thông tin thu được từ các cuộc thẩm vấn này chiếm phần lớn trong các phiên tòa xét xử tướng lĩnh Đức sau chiến tranh]

Đêm trong căn nhà của các nữ giáo viên, 1 căn hộ của trí tuệ: có những cuốn sách tôi thường đọc làm gợi lên nhiều ký ức. Những cuốn sách tôi đọc thời thơ ấu và cả những vật dụng gắn với thời kỳ đó: gạt tàn làm bằng vỏ sò, giá nến, album, đồng hồ treo tường, 1 cây cọ trồng trong chậu... Suốt đêm, Kolomeitsev và tôi bất ngờ cảm thấy 1 nỗi lo lắng điên rồ. Chúng tôi bật dậy như thể có lệnh báo động, mặc quần áo chạy ra sân. Chúng tôi lắng nghe trong im lặng thật lâu, phía tây vẫn im ắng. Bọn Đức đang ở cách đây 50km.

Grossman sau đó quay lại qua Sevsk (cách Bryansk 120km về phía nam) để trở lại Orel.

Sevsk. Chúng tôi được cho biết xe bọc thép Đức đã ở đây hôm qua. 2 sĩ quan đi ra, nhìn quanh rồi đi mất. Chỗ này được xem là quá xa chiến tuyến.

Grossman và Troyanovsky vẫn chưa hoàn toàn nhận thức được mối nguy hiểm. Họ phóng xe về phía bắc tới Orel, tại đó họ dừng lại, chỉ 1 lúc thôi, cư dân địa phương hỏi tin họ.

1 cụ già hỏi: “Các anh rút từ đâu về thế?”.

6
Quân Đức chiếm Orel

Vào thời điểm Grossman và Troyanovsky trở lại Orel, tình hình đã trở nên nguy hiểm. Chiến dịch Typhoon của quân Đức nhằm hướng Moscow đã bắt đầu vào ngày 30/9 với việc lực lượng đột kích của Guderian tấn công Phương diện quân Bryansk do tướng Yeremenko chỉ huy. Tập đoàn quân 50 của tướng Petrov mà Grossman vừa mới tới thăm đã bị Tập đoàn quân 2 Đức cắt rời. Bản thân Orel cũng bị Quân đoàn Thiết giáp 24 thuộc lực lượng của Guderian đe dọa.
Lời kể của Grossman bắt đầu từ ngày 2/10 về trận đánh chiếm Orel hơi khác với kiểu tường thuật thông thường. Nó cho biết xe tăng Đức đã ào ạt xông vào thành phố với số lượng đáng ngạc nhiên vào cuối buổi chiều ngày 3/10, chèn qua cả những chiếc xe điện trên phố. Mặc dù các giới chức quân sự vẫn tỏ ra tự tin đến mức đáng kinh ngạc, mô tả của ông đã chỉ ra rằng 1 số lượng lớn thường dân đã nhận thức rõ mối nguy và cố gắng chạy thoát trước khi lực lượng thiết giáp Đức tới.

“Orel, lại là Orel. Máy bay vụt qua. Những chiếc xe tải. Người lớn bồng trẻ em trên tay. Những đứa trẻ ngồi trên những gói đồ. Tiếng gầm rú suốt đêm: cả thành phố đang trên đường di chuyển. Chúng tôi lại vào khách sạn cũ, 1 khách sạn tỉnh lẻ bình thường nhưng giờ đây nó có vẻ như 1 tòa lâu đài vì nó vẫn giữ được sự bình lặng khi tất cả đang ra đi thế này.
Có 1 tấm bản đồ Châu Âu dành cho học sinh. Chúng tôi lại xem và kinh hoàng vì khoảng cách mà quân ta đã rút. Tôi ra ngoài hành lang tới bên 1 phóng viên ảnh tên là Redkin, tôi đã từng gặp anh ta ở nhiều sở chỉ huy tiền phương, trông anh ta có vẻ kích động: “Bọn Đức đang lao thẳng về phía Orel, chúng có hàng trăm xe tăng. Tôi chỉ vừa kịp thoát dưới làn đạn. Chúng ta phải rời khỏi đây ngay nếu không sẽ bị chúng bắt sống ở đây”. Rồi anh ta kể cho chúng tôi rằng anh ta đang ngồi trong 1 góc yên tĩnh bên cạnh sở chỉ huy để ăn tối thì bất ngờ nghe thấy 1 tiếng động. Mọi người nhìn ra cửa sổ và thấy 1 sĩ quan NKVD đang chạy qua, người anh ta phủ đầy bột mì. Thì ra anh ta đang phóng xe ở cách đó chỉ mấy cây số mà không hề biết mình đã ở gần bọn Đức đến mức nào, cho đến khi bất ngờ 1 chiếc tăng quay tháp pháo và nổ súng vào chiếc xe tải mà anh ta đang dùng để chở những bao bột mì. “Xe tăng ở khắp nơi!”. Redkin lao ra xe phóng về Orel, xe tăng Đức cũng tiến theo con đường đó mà chẳng gặp sức chống cự nào. Redkin cho chúng tôi biết thông tin này 1 cách sợ hãi, hơi thở hổn hển.
Tôi vào phòng của 2 viên sĩ quan tôi biết: 1 thiếu tá rậm râu và 1 đại úy phụ trách hành quân. Tôi hỏi họ có biết gì về việc bọn Đức đã chọc thủng chiến tuyến không, họ nhìn lại tôi 1 cách đần độn, đầy vẻ tự tin ngu ngốc. “Điều đó là vô lý”, họ nói và lại tiếp tục nhậu.
Cả thành phố nhốn nháo suốt đêm, ô tô chạy không ngừng. Đến sáng thành phố đã đầy vẻ sợ hãi và thảm hại như thể đang có bệnh dịch. Tiếng kêu khóc và sự hỗn loạn lan cả vào khách sạn. Tôi cố gắng thanh toán tiền phòng, chẳng ai muốn nhận tiền, tôi phải bắt 1 phụ nữ chịu trách nhiệm ở đây cầm 7 rúp, tôi cũng chẳng biết sao mình phải làm thế. Mọi người tay xách nách mang chạy qua phố, 1 số mang theo con nhỏ. Viên thiếu tá “chiến lược gia vĩ đại” và tay đại úy cũng lao qua chỗ tôi, mặt đầy vẻ ngượng ngùng. Chúng tôi tới sở chỉ huy quân sự địa phương nhưng họ không cho vào nếu không có giấy phép. Đám văn thư và sĩ quan cấp thấp cứ trơ ra dù chúng tôi đã nói giấy phép chỉ có thể được phát sau 10h sáng. Chúng tôi phải chờ thêm 1 tiếng đồng hồ, các vị chỉ huy sẽ không tỏ ra nao núng đến trước 11h. Ôi, tôi biết quá rõ được những kẻ mặt trơ trán bóng tưởng như không gì lay chuyển nổi này, chúng chỉ là sản phẩm của sự ngu dốt và chúng có thể ngay lập tức chuyển sang sợ hãi và hoảng loạn đến điên cuồng. Tôi đã thấy tất cả những chuyện đó trước đây - ở Gomel, Bezhitsk, Shchors, Mena, Chernigov, Glukhov.
Chúng tôi chặn 1 đại tá quen lại: “Có thể tới sở chỉ huy Phương diện quân bằng đường cao tốc Bryansk không?”
“Có thể”, ông ta nói, “nhưng gần như chắc chắn xe tăng Đức đã tới chỗ đó rồi”.
Sau đó chúng tôi tới banya (nhà tắm hơi) rồi phóng ra đường cao tốc Bryansk. Không bao giờ nói tới chết chóc! Một nữ bác sĩ quân y người gốc Georgian cùng đi. Cô cũng phải tới hậu cứ sở chỉ huy Phương diện quân. Cô hát những bài tình ca suốt dọc đường bằng 1 giọng cực kỳ giả tạo. Cô ta vừa rời khỏi khu vực hậu cứ và chưa hề có chút ý niệm gì về mối nguy hiểm mà chúng tôi đang lao đầu vào. Tất cả chúng tôi, những thính giả của cô, suốt thời gian đó luôn nhìn kỹ phía trái, chú ý mọi chuyển động. Con đường trống, chẳng có cỗ xe nào, người đi bộ cũng không có, không có xe ngựa luôn, mọi thứ như đã chết! 1 không khí đáng sợ bao trùm vì con đường hoàn toàn trống không, đơn vị cuối cùng của quân ta đã rút và đơn vị địch đầu tiên có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Con đường trống không này giờ đây giống như 1 vùng cấm no-man-land nằm giữa 2 chiến tuyến.
Chúng tôi tới được rừng Bryansk an toàn, nơi đây gần như là nhà của chúng tôi. Xe tăng Đức tiến theo cùng con đường cao tốc chúng tôi vừa đi chỉ 2h sau đó. Bọn Đức tiến vào Orel vào 6h tối theo đường Kromy (từ hướng nam). Có lẽ chúng cũng tắm trong cùng banya đã hun nóng chúng tôi lúc sáng.
Trong căn nhà izba của chúng tôi đêm đó, tôi bất thần nhớ tới cuộc thẩm vấn tên người Áo mặc chiếc áo khoác da đắt tiền dưới ánh sáng đèn. Đây chính là hàng đống tăng mà hắn đã nhắc tới!”.

Vào đêm 3/10/1941 đó, Grossman vẫn chưa biết rằng 1 mũi thiết giáp của Guderian đã đánh bọc hậu cắt rời Phương diện quân Bryansk của tướng Yeremenko, vì vậy nhóm của ông trong rừng còn lâu mới an toàn. Trong vòng 2 ngày Phương diện quân Bryansk hầu như bị tiêu diệt. Yeremenko chờ gần suốt đêm 5/10 cho 1 cú phôn từ Stalin cho phép “vận động phòng thủ” - cách nói khác của rút lui. Và đến sáng sớm ngày 6/10 sở chỉ huy của ông đã nhận ra rằng mối đe dọa đã quá lớn, quân Đức đã gần như chặn được con đường thoát cuối cùng.

“Chính ủy ban tham mưu gọi chúng tôi đến bảo: “Đúng 4h sáng, không chậm 1 phút, các anh phải đi khỏi đây theo đường kia”. Ông ta không buồn cho chúng tôi lời giải thích nào, nhưng dù sao điều đó cũng chẳng cần thiết. Mọi thứ đã rõ ràng, đặc biệt là sau khi chúng tôi xem bản đồ. Sở chỉ huy quân ta đã lọt vào trong 1 cái túi. Quân Đức tiến từ bên phải tới Sukhinichi và từ bên trái tới Bolkhov từ Orel trong khi chúng tôi vẫn còn ngồi trong 1 khu rừng gần Bryansk. Chúng tôi quay về nhà và bắt đầu đóng gói đồ đạc: những tấm đệm, ghế, đèn, túi. Tay Petlyura bần tiện thậm chí còn cố mang theo 1 đống quả nam việt quất (cranbery) giấu trên gác mái. Chúng tôi chất tất cả mọi thứ lên chiếc xe tải mà tướng Yeremenko dành cho và ra đi vào đúng 4h dưới bầu trời quang đãng đầy sao và cái lạnh của mùa thu. Chúng tôi đang ở trong 1 cuộc đua, hoặc sẽ thoát khỏi cái túi trước khi nó khép miệng, hoặc bị bọn Đức nhét vào trong đó”.

Tập đoàn quân 50 mà Grossman tới thăm ngay trước đó đã cố gắng đánh mở đường ra khỏi rừng Bryansk. Chính ủy cấp lữ đoàn Shlyapin cũng giống như tướng Petrov đều lọt vào vòng vây. Xác Petrov được tìm thấy trong 1 hốc cây gẫy nằm sâu trong rừng gần Belev trong tình trạng thối rữa. Cái chết của Shlyapin đến nay vẫn còn chưa rõ ràng, không nghi ngờ gì nữa, điều đó giải thích tại sao Grossman muốn đưa ông vào tác phẩm “Nhân dân bất diệt”. Ngày 4/10, Grossman và các đồng sự khi thấy cả nhóm đang ở 1 mình tại 1 nơi rất xa mới xác định được là đã thoát.

“Tôi nghĩ mình đang thấy cảnh rút chạy, nhưng tôi chưa từng thấy điều gì giống những điều tôi đang thấy, thậm chí chưa từng tưởng tượng ra chuyện gì giống thế này. 1 cuộc thiên di! 1 cuộc thiên di như trong kinh thánh! Xe chạy thành 8 làn, hàng tá xe tải đồng loạt gầm rú 1 cách hung dữ để cố làm quay bánh xe trong những vũng bùn. Những bầy cừu và bò khổng lồ được lùa qua cánh đồng. Chúng đi theo những cỗ xe ngựa kéo, có hàng ngàn cỗ xe như vậy phủ đầy quần áo vải vóc nhiều màu, đồ gỗ, đồ hộp. Trên đó là những người đang rời bỏ Ukraina. Cũng có cả những đám đông người đi bộ mang theo túi, hòm xiểng, vali.
Đó không phải 1 con suối mà là cả 1 dòng sông đang chầm chậm đổ ra biển, 1 dòng chảy rộng hàng trăm mét. Những đứa trẻ thò đầu ra khỏi những tấm bạt phủ xe ngắm nhìn những bộ râu của những cụ già Do Thái, khăn trùm của những phụ nữ nông dân, mũ của đàn ông Ukraina và mái tóc đen của những cô gái Do Thái. Ánh mắt họ mới câm lặng làm sao, buồn mênh mang làm sao, những ánh mắt như cảm nhận được số phận đầy tai ương!
Trời tối dần, mặt trời lặn sau những tầng mây xanh, đen và xám. Những tia sáng mở rộng ra, kéo dài từ trên trời xuống đất như bức hoạ của Doré mô tả cảnh tượng khủng khiếp trong kinh thánh khi bầu trời tấn công mặt đất. Sự di chuyển của những cụ già, những phụ nữ bồng con trên tay, những đàn cừu và những chiến binh trong ánh mặt trời vàng trông thật tráng lệ và bi kịch. Có những khoảnh khắc tôi cảm thấy những hình ảnh đó thật sinh động như thời gian quay trở lại kỷ nguyên của những thảm kịch trong kinh thánh.
Ai nấy đều chú ý quan sát bầu trời, khôngo phải vì họ đang chờ đợi Messiah (*) mà là đang canh chừng những máy bay ném bom Đức. Bất đồ có tiếng thét: “Chúng đấy! Chúng đang tới, chúng hướng thẳng về phía chúng ta”.

*[Messiah: Người được lựa chọn hay Đấng tiên tri. Theo truyền thuyết Do Thái, Messiah được coi là vua tương lai của Do Thái, người sẽ dẫn dắt dân Do Thái lập ra nhà nước Israel và là tín sứ đưa họ đến với Kỷ nguyên Messianic]

Hàng tá máy bay lướt trên bầu trời 1 cách chậm rãi theo từng tốp tạo thành hình tam giác. Chúng đang tiến về phía chúng tôi. Hàng tá, rồi hàng trăm người leo ra khỏi thùng xe tải, nhảy khỏi cabin chạy vào rừng. Ai nấy đều bị lây nỗi sợ hãi, mọi người bỏ chạy thành từng đám ngày 1 lớn hơn. Sau rốt họ nghe thấy tiếng la hét của 1 phụ nữ: “Lũ nhát chết, lũ nhát chết, chúng chỉ bay qua thôi mà!”. Thật là lộn xộn.
Nghỉ đêm ở Komarichi. Vài sĩ quan tham mưu đã tới đó từ trước, 1 viên đại tá khuyên chúng tôi đừng đi ngủ mà hãy tới thăm ông ta bất cứ lúc nào. Bản thân ông ta hoàn toàn không biết gì, không có phương tiện liên lạc nào, vậy đến chỗ ông ta thì chúng tôi có được tin tức gì? Troyanovsky nói anh ta sẽ lo vụ đến thăm viên đại tá nhưng bất ngờ anh ta biến mất, tất cả chúng tôi đều điên tiết vì điều đó nhưng sau đó bắt đầu lo: ông mãnh này đã biến mất không dấu vết. Lysov và tôi đành đi gặp viên đại tá và trong những lúc tạm nghỉ chú ý nhìn qua cửa sổ tìm kiếm, tưởng tượng ra hàng tá giả thuyết về sự biến mất của Troyanovsky. Tôi đi ra sân và bất thần nghe thấy những tiếng động tắc nghẹt phát ra từ chiếc Emka của chúng tôi. Tôi mở cửa, chàng trai mất tích đang ở đó vui vẻ cùng cô cháu gái bà chủ nhà. Cả tôi và hắn đều bối rối. Tôi lôi Troyanovsky ra khỏi xe đưa vào nhà, tại đó tất cả chúng tôi tổng sỉ vả anh ta. “Anh có biết tất cả chúng ta đang ở hoàn cảnh nào không, đồ trẻ người non dạ, quân trơ trẽn!”.
Vâng, hắn hiểu mọi thứ và đồng ý với mọi điều, hắn rất xin lỗi. Tuy vậy mặt hắn đầy vẻ sung sướng và thỏa mãn, hắn lại còn ngáp và vươn vai nữa chứ. Điều đó đương nhiên làm chúng tôi tức điên lên. Chúng tôi chẳng có dù chỉ 1 nửa vụ vui vẻ của hắn. Cô cháu gái quay vào izba. Ồ, vẻ mặt cô ta thật bình thản và cam chịu. 1 khuôn mặt có thể vẽ thành bức tranh mang tựa đề “Vô tội”, “Tinh khiết” hay “Thanh xuân”. Thật là lộn ruột. Đến rạng đông chúng tôi lại ra đi.
Cuộc đua lại tiếp diễn: ai nhanh hơn, bọn Đức hay chúng tôi? Chúng tôi cho các nhân viên y tế ở bệnh viện địa phương đi nhờ xe tải. Các bác sĩ không quen đi bộ, họ đã hoàn toàn kiệt sức. Chúng tôi chở họ tới Belev, viên bác sĩ già nhất cám ơn chúng tôi thống thiết bằng những mỹ từ như thế này: “Các bạn đã cứu mạng chúng tôi”. 1 cụ già cao quý, mấy cô “bác sĩ” thậm chí còn không thèm chào từ biệt chúng tôi. Họ lấy đồ đạc rồi vội vàng chạy ra ga.
Belev, với 1 con dốc dẫn vào thị trấn, lầy lội kinh khủng, những con phố hẹp và không hẹp lắm không thể chứa nổi những đám người đổ tới từ những con đường làng. Vô số lời đồn đại điên rồ loan truyền, chúng đều lố bịch và hoàn toàn do sự sợ hãi sinh ra. Bất ngờ, 1 cơn bão đạn điên cuồng nổ ra. Thì ra ai đó đã bật đèn đường, thế là lính tráng và sĩ quan nổ súng vào những bóng đèn đó để tắt chúng đi. Giá mà họ cũng bắn như vậy vào bọn Đức. Họ chẳng cần biết việc nổ súng bừa bãi đó gây kinh hoàng ở khắp nơi, mọi người đều nghĩ bọn Đức đã tấn công đến đây. Còn có thể là điều gì khác nữa chứ?
Chúng tôi ngủ trong 1 căn phòng tồi tàn đến mức quái dị. Thật đáng sợ, cảnh tồi tàn đen đủi là thứ duy nhất ở thị trấn này, khu ổ chuột này. Bà chủ nhà, 1 con voi răng mấu thực sự với giọng nói khàn đặc, bốp chát, tục tĩu, rít lên với trẻ con và mọi thứ. Tôi đã nghĩ - tất cả chúng tôi đều nghĩ thế - bà ta thật cặn bã, đúng là quân vô lại, nhưng sau đó thấy rằng bà ta cũng tốt, rộng rãi, chu đáo. Khi chuẩn bị cái giường giẻ rách bên cửa cho chúng tôi bà ta mới lo lắng làm sao, và bữa ăn mà bà ta thết đãi chúng tôi nữa chứ!
Đến đêm, trong bóng tối tôi nghe thấy tiếng ai đó thổn thức: “Ai thế?”. Bà chủ nhà trả lời bằng giọng thì thào khàn khàn: “Là tôi. Tôi có 7 đứa con. Tôi đang khóc cho chúng nó”. Sự nghèo nàn ở nơi thành thị này về mặt nào đó còn tệ hơn kiểu nghèo ở nông thôn. Nó sâu sắc hơn và đen tối hơn, sự thiếu thốn vây chặt thậm chí cả trong không khí và ánh sáng.
Trong 1 izba, có 1 tờ báo từ trước chiến tranh dán trên tường thay cho giấy dán tường. Chúng tôi xem nó và nói: “Nhìn này, tất cả đều nói về thời bình”. Hôm sau chúng tôi thấy 1 ngôi nhà khác dán tường bằng báo thời chiến, nếu ngôi nhà sống sót được qua cuộc chiến này, 1 ngày nào đó người ta sẽ nói: “Xem này, 1 tờ báo thời chiến!”.
Chúng tôi qua đêm gần Belev, trong ngôi nhà của 1 cô giáo trẻ. Cô ta rất đẹp và rất ngốc, đúng là 1 con cừu non. 1 cô bạn gái của cô cũng nghỉ đêm ở đó. Cô ta cũng rất trẻ nhưng không xinh lắm. Các cô gái thì thào suốt đêm, tranh cãi nhau nhiệt tình. Sáng ra chúng tôi được biết cô giáo đang chuẩn bị bỏ nhà sơ tán về phía đông, trong khi đó cô bạn lại quyết định đi về phía tây để gặp người họ hàng đang sống ở bên kia Belev. Điều đó có nghĩa là sang vùng địch tạm chiếm.
Cô giáo của chúng tôi xin đi nhờ, chúng tôi đồng ý. Tôi gọi chiếc xe tải 1 tấn rưỡi của mình là Chiếc Thuyền Nô Ê. Nó đã từng cứu hàng tá người khỏi cơn lũ đang tràn tới từ phía tây. Mắt 2 cô gái đỏ hoe vì khóc suốt đêm qua. Trong những ngày đó ai cũng khóc suốt đêm và cam chịu, dửng dưng, nhẫn nại vào ban ngày. Chúng tôi gói ghém đồ đạc, và cô chủ nhà trẻ trung của chúng tôi tới bên chiếc xe tải với 1 cái túi bé xíu. Cô không muốn mang đi những gương, những rèm, những lọ nước hoa, thậm chí không mang theo cả váy áo. “Tôi chẳng cần gì hết”, cô nói. Tôi nghĩ tôi đã đánh giá thấp tinh thần và suy nghĩ của cô gái 18 tuổi này.
Chúng tôi cố thuyết phục cô bạn của cô đi cùng. Khuôn mặt cô ta lạnh băng, môi mím chặt, cô ta chẳng nói lời nào và cũng chẳng nhìn mặt chúng tôi. 2 cô gái tạm biệt nhau 1 cách lạnh lùng, thậm chí còn không vẫy tay với nhau.
“Nổ máy, đi thôi!”. Vâng, những vấn đề xảy ra đã làm cho các cô gái 18 tuổi trở nên quyết tâm, không để ý đến những thứ lặt vặt nữa. Vào phút cuối, chúng tôi trở vào căn phòng nhỏ xinh xắn của cô gái, lúc này cô ta đã ngồi sẵn trong xe tải. Giờ chẳng còn ai trong phòng. Chúng tôi đánh bóng giầy bằng kem thoa mặt và cổ áo trắng. Tôi nghĩ chúng tôi làm điều đó để làm rõ với bản thân rằng cuộc sống đã và đang bị hủy hoại.

7
Cuộc rút lui trước Moscow

Stalin không có phản ứng gì trước tình hình ngày càng nghiêm trọng của Phương diện quân Bryansk cho tới tận ngày 5/10. Hôm đó các máy bay tiêm kích tuần tiễu của không quân Hồng quân đã phát hiện 1 hàng thiết giáp Đức dài tới 12 mile tiến về Yukhno. Tổng hành dinh (Stavka) tức Bộ Tổng tham mưu Hồng quân tại Moscow, từ chối chấp nhận bản báo cáo này và các thông tin chứng thực gián tiếp khác. Beria thậm chí còn định cho bắt viên sĩ quan không quân dính líu đến việc này và kết tội anh ta phao tin chủ bại, thế nhưng Stalin đã bừng tỉnh trước mối đe dọa với Thủ đô.
Chỉ có 1 thứ duy nhất có thể làm chậm bước tiến của bọn Đức hướng về Moscow trong giai đoạn này, đó là rasputitsa, thời kỳ lầy lội trước mùa đông đang diễn ra vào thời gian này. Sau 1 trận tuyết rơi và băng giá ngắn vào ngày 6/10, tuyết đã tan nhanh vào sáng hôm sau. Grossman mô tả lại việc đó.

Tôi không nghĩ đã từng có ai thấy cảnh bùn lầy đến mức này. Trời mưa, tuyết rơi, mưa đá, tất cả biến thành 1 đầm lầy lõng bõng nước với bùn nhão đen sì được nhào trộn bởi hàng nghìn hàng vạn chiếc ủng, bánh xe, bánh xích. Và mọi người lại 1 lần nữa cảm thấy sung sướng. Bọn Đức sẽ phải sa lầy trong mùa thu địa ngục của chúng ta, cả trên trời lẫn dưới đất. Bằng bất kỳ giá nào, chúng tôi cũng phải thoát khỏi cái túi, ngày mai chúng tôi sẽ tới đường cao tốc Tula.
Ngôi làng gần Tula. Những căn nhà gạch. Đêm. Tuyết và mưa. Mọi người run cầm cập, đặc biệt là những người đang ngồi trên Chiếc Thuyền Nô Ê: Chính ủy cấp trung đoàn Konstantinov, 1 thầy giáo, và Baru, phóng viên tờ Stalinsky Sokol*.

*[Stalinsky Sokol - Con chim ưng của Stalin, tờ báo của Không quân Hồng quân]

Lysov, Troyanovsky và tôi được ấm hơn: chúng tôi đang ngồi trong chiếc Emka. Những chiếc xe đỗ giữa 1 con đường làng tối thui. Petlyura, một nhà ảo thuật thực sự vì có thể kiếm được sữa và táo ngay dưới chiến hào, biến mất trong bóng đêm. Nhưng đây là lần đầu tiên anh ta thất bại. Chúng tôi bước vào một izba tối và lạnh, như một hầm mộ. Trong izba, một bà già 70 tuổi đang ngồi trong bóng tối và cái lạnh, bà đang hát. Bà vui mừng và thiết tha chào đón chúng tôi như thể đang còn trẻ, không hề càu nhàu hay than vãn mặc dù nhìn bề ngoài bà có đủ mọi lý do để phàn nàn về số phận của mình.
Con gái bà, một công nhân, đã đưa bà tới làng này để sống cùng con trai bà, bản thân cô ta thì đã quay về Moscow. Người con trai này là chủ tịch nông trang tập thể ở đây, không thể chấp nhận để bà sống cùng nhà vì vợ ông ta không chịu. Bà vợ này cũng cấm chồng mình giúp đỡ mẹ, vì vậy bà già phải sống nhờ lòng tốt của mọi người. Thỉnh thoảng anh con trai bí mật mang cho bà một ít kê hoặc khoai tây. Người con trai út, Vanya, làm việc trong một nhà máy ở Tula rồi đi lính tình nguyện. Anh ta đang chiến đấu gần Smolensk nhưng bà không nhận được một bức thư nào của anh đã từ một tháng nay. Vanya là đứa con được bà thương yêu nhất.
Bà kể cho chúng tôi toàn bộ câu chuyện bằng giọng chân thành và bình thản, không hề có vẻ chua xót, oán thán, đau khổ hay trách móc. Với lòng rộng lượng như một bà hoàng, bà cho đám người đói rét chúng tôi tất cả: số củi cuối cùng (chừng hơn chục thanh) đủ cho bà dùng trong 1 tuần, 1 vốc muối, bà cho đi hết không giữ lại 1 chút lúa mì nào, nửa xô khoai tây. Bà chỉ giữ lại hơn chục củ để trong cái túi bện bằng rơm đặt bên gối và cái chăn rách. Bà có 1 cái đèn dầu, khi người lái xe của chúng tôi định rót vào đó chút nhiên liệu bà đã không đồng ý: “Các anh sẽ cần số xăng đó cho mình”. Và bà mang ra 1 cái chai nhỏ đựng số dầu dự trữ quý giá của mình đổ vào đèn.
Sau khi tiếp đãi chúng tôi bằng tình cảm nống ấm, cho chúng tôi ăn, cho ánh sáng và những cái giường mềm mại, bà quay lại với góc lạnh lẽo trong căn nhà izba của mình. Bà ngồi đó và lại bắt đầu hát.
Tôi tới bên bà nói: “Bà ơi, bà sẽ ngủ ở đây trong bóng tối, cái lạnh, trên tấm phản này sao?”. Bà chỉ dùng tay xua tôi đi.
“Bà sống 1 mình ở đây thế nào đây? Bà phải ngủ trong tối tăm lạnh lẽo suốt thế à?”.
“À, ừ, ta ngồi trong bóng tối, hát hay tự kể chuyện cho mình nghe”. Bà đun một nồi khoai tây, chúng tôi ăn rồi đi ngủ, bà bắt đầu hát cho chúng tôi nghe bằng giọng khàn khàn, giống giọng một ông già.
“Ồ, ta đã từng rất khỏe mạnh, y như một con ngựa giống”, bà nói với tôi. “Quỷ dữ đã đến gặp ta đêm qua và túm lấy tay ta bằng những móng vuốt của nó. Ta bắt đầu cầu Chúa: “Sáng danh Chúa, kẻ thù của Ngài hãy tan biến đi”. Và ta chẳng còn chú ý gì tới Quỷ dữ nữa. Sau đó ta bắt đầu nguyền rủa nó và nó chuồn thẳng. Vanya của ta cũng đến với ta đêm qua, nó ngồi trên ghế nhìn ra cửa sổ. Ta gọi nó: “Vanya, Vanya!”. Nhưng nó không trả lời”.
Nếu chúng ta chiến thắng được cuộc chiến khủng khiếp, tàn bạo này, đó là bởi đất nước ta có những trái tim cao quý như thế, những con người thiện lương như thế, những tâm hồn rộng lượng như thế. Những người mẹ, người vợ cao quý mà mộc mạc đó đang cho đi cả cuộc sống của mình vì đất nước giống như bà cụ Tula này đang rộng rãi trao cho chúng tôi tất cả những gì bà có. Nếu còn những người như vậy trên đất nước ta, chúng ta sẽ chiến thắng.
Sự rộng lượng cao quý của con người cùng khổ này làm tất cả chúng tôi rung động. Sáng ra chúng tôi trao cho bà tất cả đồ tiếp tế chúng tôi có, các bác tài của chúng tôi, trong 1 cơn tốt bụng đến rồ dại, đã đi cướp bóc khắp vùng vô số củi và khoai tây đủ để bà cụ dùng đến tận mùa xuân. “Ôi chao ơi bà lão này”, Petlyura nói khi chúng tôi lên đường, vừa nói vừa lắc đầu.

Ngay sau khi tới được tuyến đường Orel - Tula, Grossman tạt qua Yasnaya Polyana, điền trang của Tolstoy, cách Tula khoảng 20km về phía nam. Ông thuyết phục các đồng sự rằng họ nên qua thăm chỗ đó. Khi đến nơi mọi thứ đã thay đổi, có thể người tiếp theo mà cả nhóm viếng thăm sẽ là tướng Guderian, hắn đã quyết định biến điền trang của nhà văn thành sở chỉ huy cho cuộc tấn công vào Moscow.

Yasnaya Polyana. Tôi đề nghị mọi người tạt qua đó. Chiếc Emka rời khỏi con đường cao tốc kinh hoàng và đau khổ, Chiếc Thuyền Nô Ê theo sau. Ai đó có thể nhìn thấy những mái xanh và tường trắng của những ngôi nhà nằm giữa những khu vườn mùa thu vàng óng. Cánh cổng mà Chekhov trong lần đầu tiên tới đây đã chỉ bước tới chỗ này rồi quay về vì lo rằng ông sẽ chỉ được gặp Tolstoy trong vài phút. Ông đã đi bộ trở ra ga và quay về Moscow. Con đường dẫn tới ngôi nhà phủ đầy lá đỏ, da cam và vàng, nó thật là đẹp. Nhưng khung cảnh xung quanh càng đáng yêu bao nhiêu thì mọi người lại càng cảm thấy buồn phiền vì những gì đang xảy ra lúc này bấy nhiêu.
Có 1 vẻ lộn xộn đáng sợ như thể sắp có 1 cuộc ra đi trong ngôi nhà này. Hàng đống hòm xiểng, những bức tường trống hoác, bất đồ tôi có 1 cảm giác mãnh liệt và khủng khiếp rằng chỗ này đã hóa thành Lysye Gory, nơi này lão công tước già cả ốm yếu đang chuẩn bị đi sơ tán*.

*[Công tước Bolkonsky trong tác phẩm “Chiến tranh và Hòa bình” đã phải rời dinh thự Lysye Gory của ông vì nó nằm trên đường tiến của Đại quân Napoleon]

Mọi thứ hoàn toàn giống hệt, những sự kiện xảy ra 1 thế kỷ trước và những gì đang xảy ra hôm nay. Và những gì cuốn sách miêu tả về tình trạng sức khỏe và tính chân thật của lão công tước Bolkonsky giờ có vẻ như đang tiếp tục xảy ra với bản thân vị bá tước già Tolstoy, hiện thực và hư cấu đã hòa làm một.
Gặp Sofya Andreevna*, bà vẫn bình tĩnh nhưng có vẻ chán nản. Bà nói Bí thư Đảng ủy địa phương đã hứa giao cho bà vài toa tàu hỏa để sơ tán khu bảo tàng nhưng bà không dám chắc lời hứa này còn thực hiện được, giờ bọn Đức đã ở quá gần và đang tiến rất nhanh. Chúng tôi nói chuyện về Moscow và những người bạn đã qua đời, sau đó im lặng suy nghĩ về số phận hẩm hiu của họ. Thế rồi chúng tôi lại thảo luận về đề tài mà mọi người lúc này đều đang nói tới với sự đau đớn, hoang mang và thất vọng: cuộc rút lui.
*[Sofya Andreevna: Cháu gọi Leo Tolstoy bằng ông]
Mộ của Tolstoy. Máy bay gầm rú trên đầu, những tiếng nổ vang lên nhưng cảnh mùa thu ở đây vẫn bình yên lạ thường. Thật là khó chịu, tôi hiếm khi cảm thấy đau buồn như lúc này.
Tula như đang bị bao phủ bởi một bệnh dịch chết người, chúng tôi đã từng thấy thứ bệnh dịch đáng sợ này dày vò Gomel, Chernigov, Glukhov, Orel và Bolkhov. Điều đó thực sự cũng đang xảy ra với Tula? Mọi thứ trở nên hoàn toàn lộn xộn. Một sĩ quan phát hiện ra tôi trong căng tin quân đội ở Voentorg, anh ta đề nghị tôi tới OBKOM (Tỉnh ủy). Một đặc phái viên của Tổng hành dinh (Stavka) đang ở đó, ông ta đang muốn hỏi tôi sở chỉ huy Phương diện quân Bryansk lúc này đang ở đâu vì ông cần gửi một số đơn vị tới đó. Những mảnh vụn của các sư đoàn đang đổ về. Họ nói chỉ một phần Tập đoàn quân 50 thoát được khỏi vòng vây. Petrov và Shlyapin đang ở đâu? Valya, cô y tá đã chơi domino và bật máy hát cho chúng tôi nghe bài “Chiếc khăn xanh nho nhỏ”, đang ở đâu?
Trên các con phố đầy người, họ đi trên vỉa hè lát đá và cả dưới lòng đường, vậy mà cũng vẫn không đủ chỗ. Mọi người mang theo hòm xiểng, xô chậu, vali. Chúng tôi tìm được 1 phòng trong 1 khách sạn, tại đây chúng tôi chạm mặt với tất cả các nhóm phóng viên khác. Krylov, người đã chạy trốn cùng chúng tôi từ Phương diện quân Trung tâm, cũng ở đây. Các phóng viên đều đã tìm được chỗ trú chân trong khách sạn này, một số còn lao vào thực hiện vài phi vụ chớp nhoáng.
Chúng tôi tạm biệt người bạn đồng hành, cô giáo mà chúng tôi đã dùng kem bôi mặt và cổ áo của cô để lau ủng. Đêm đó chiếc xe tải của chúng tôi đã thực hiện sứ mệnh Chiếc Thuyền Nô Ê lần cuối: chúng tôi cho gia đình các nhân viên văn phòng báo chí Tula* đi nhờ ra ga, đem theo cả tư trang. Petlyura tỏ ra tức giận: “Đáng lẽ ta phải bắt họ trả tiền chứ”.
*[Có lẽ là chi nhánh của tờ Krasnaya Zvezda]
Nhưng Seryozha Vasiliev, tài xế Chiếc Thuyền Nô Ê, không chấp nhận điều đó. Anh ta là người cực kỳ tốt, một người đồng chí tử tế và khiêm nhường.
Đột nhiên trong đêm có một cuộc điện đàm từ Moscow trên đường dây nóng. Có lệnh quay về Moscow. Ai nấy đều vui mừng một cách quá đáng đến mức vô lý, suốt đêm không ngủ.

Trên con chiến mã Emka, chuyến đi 200km về phía bắc từ Tula đến Thủ đô Soviet có lẽ chỉ mất độ 1 ngày.

Moscow. Các công sự nằm bên vệ đường ngày càng dày đặc, đặc biệt là từ vùng ngoại ô vào đến trong thành phố.
Cả nhóm chúng tôi làm 1 việc xa xỉ là đi cạo râu tại 1 tiệm cắt tóc nằm trên Quảng trường Serpukhovskaya. Những người dân tỏ ra tốt bụng và lịch sự, họ nhường chúng tôi vào trước, hỏi han về chiến sự. Xong xuôi chúng tôi không về nhà mà đến thẳng ban biên tập (của tờ Krasnaya Zvezda).
Tổng biên tập Ortenberg tới gặp chúng tôi, ông chỉ mặt chúng tôi hỏi: “Tại sao các anh rời Sở chỉ huy Phương diện quân Bryansk?”.
“Chúng tôi được lệnh rời khỏi đó, và vì thế chúng tôi đi, sau khi tất cả các phóng viên khác đã đi hết”.
“Sao các anh không viết gì về cuộc phòng thủ anh hùng ở Orel?”
“Vì chẳng có cuộc phòng thủ nào hết”.
“Thôi được rồi, các anh có thể đi. 6h sáng mai các anh - Grossman, Troyanovsky và Lysov - sẽ quay lại mặt trận”.
Mọi người đều nói Ortenberg là một vị Tổng biên tập tốt, có lẽ thế thật. Nhưng cái con người đến từ một thị trấn tỉnh lẻ, thậm chí chưa tốt nghiệp cấp 2 này mới ngạo mạn làm sao trước mặt cấp dưới, y như một tên quý tộc La mã. Sau hàng tháng trời ở mặt trận, ông ta thậm chí không thèm hỏi đám thuộc hạ chúng tôi, dù chỉ là xã giao, xem chúng tôi cảm thấy thế nào hay chúng tôi có khỏe không.

Ortenberg sau đó cũng cảm thấy không phải với cách cư xử của mình. Đây là những gì ông viết về những sự việc xảy ra vào ngày 7/10.
“Thông báo buổi sáng và buổi tối của Thông tấn xã đều nói cùng 1 điều như từ đầu tháng tới giờ: chiến sự ác liệt với quân thù diễn ra khắp nơi. Chẳng có gì về tình hình tại các phương diện quân Tây và Bryansk. Orel thì đã thất thủ, tôi biết được điều đó từ Stavka.
Các phóng viên của chúng tôi ở Phương diện quân Bryansk, Pavel Troyanovsky và Vasily Grossman, những người vừa rời khỏi Orel cũng xác nhận điều đó. Tôi đã thấy chiếc Emka của họ - đầy những vết mảnh đạn. Các thành viên ban biên tập tụ họp quanh chiếc xe, họ xem xét nó, lắc đầu và nói thế này: “Hãy xem những gì mà các đồng chí của chúng ta đã phải vượt qua! Họ thật may mắn mới sống sót mà thoát về được”.
Sau khi đứng với đám bạn bè bên chiếc Emka, Grossman và Troyanovsky vào trình diện tôi và kể về tình trạng thảm họa tại mặt trận. Tôi chăm chú nghe những gì họ nói nhưng không thể nhịn được trước những lời khó nghe. Đương nhiên, tờ báo không thể đăng báo cáo của họ về phòng tuyến của Phương diện quân Bryansk đã bị chọc thủng và việc Orel bị chiếm trước khi có thông tin chính thức. Tuy vậy chúng tôi nghĩ rằng bất kỳ trận đánh nào, thậm chí dù là trận thua thảm hại nhất của quân ta, cũng có những hành động anh hùng hay những kỳ tích, những điều đó cần phải được viết ra!
Tôi nói thẳng với Grossman và Troyanovsky: “Chúng tôi không cần chiếc Emka đầy vết đạn của các anh. Chúng tôi cần nguyên liệu cho những bài báo. Quay lại mặt trận!”. Điều đó có lẽ không được công bằng cho lắm. Tôi không muốn bào chữa cho cách cư xử như vậy, thậm chí dù bây giờ tôi biết chắc chắn các phóng viên đặc biệt này đã phải rất dũng cảm mới có thể tiến hành 1 cuộc vượt thoát kỳ diệu khỏi vòng vây quân địch. Khi nhìn vào những khuôn mặt thất thần và lo lắng của họ, những người thực sự can đảm, lẽ ra tôi phải tìm ra vài từ đẹp đẽ hơn mới phải. Nhưng hãy nhớ lại thời gian đó, không ai được tự cho phép mình tỏ ra ủy mị!
Ngay sau đó Grossman và Troyanovsky sẽ phải tới chỗ Quân đoàn I Bộ binh của Thiếu tướng D. D. Lelyushenko, đơn vị đã cố gắng suốt cả ngày hôm đó để chặn bước tiến của địch gần Mtsensk. Sự lưu ý của tôi giờ là về chiếc Emka đầy vết đạn lúc này bắt đầu lượn vòng trước tiền sảnh tòa soạn và tất nhiên là các sĩ quan phóng viên của tôi ngoài mặt trận”.
Mặc dù Ortenberg đã ra lệnh quay lại mặt trận ngay sáng sớm ngày mai, Grossman vẫn tranh thủ tạt qua thăm cha đêm đó.

Tôi về nhà một lúc thăm Cha và Zhenni Genrikhovna*. Tôi nói với Cha về nỗi lo lớn nhất của tôi, nhưng cái này không cần phải viết ra đây. Nỗi lo lắng ấy luôn ở trong tim tôi suốt ngày đêm. Mẹ còn sống không? Không! Tôi biết, tôi cảm nhận được điều đó.

*[Zhenni Genrikhovna là bà giúp việc của gia đình, bà trở thành 1 nhân vật với tên thật giữ nguyên trong cuốn “Cuộc đời và Số phận”. Bà may mắn không bị các đặc vụ bắt ở Moscow trong những ngày điên loạn tháng 10/1941 dù vẫn nói tiếng Nga bằng giọng Đức nặng]

Một bộ phận Quân đoàn Bộ binh Cận vệ I của Lelyushenko gồm 2 sư đoàn bộ binh và 2 lữ đoàn tăng đã được không vận tới khu vực Orel theo lệnh trực tiếp từ Stalin để ngăn quân Đức chọc thủng phòng tuyến*. Mtsensk, nơi những chiếc T34 của Lữ đoàn 4 Xe tăng dưới quyền chỉ huy của Đại tá Katukov mở cuộc phản công, nằm cách Orel 50km về phía đông bắc trên con đường từ Tula đến Moscow. Cả Lelyushenko và Katukov đều trở thành các vị chỉ huy nổi tiếng của các Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ trong trận công phá Berlin 4 năm sau đó.

*[Quân đoàn Bộ binh Cận vệ 61 được thành lập ngày 27/9 thuộc lực lượng dự bị của Tổng hành dinh. Nó bao gồm Sư 5 và 6 Bộ binh Cận vệ, Lữ đoàn 2 và 4 Xe tăng. Bộ chỉ huy quân đoàn sau này trở thành nòng cốt của Tập đoàn quân 5]

Chúng tôi khởi hành vào buổi sáng trên con đường vừa mới đi hôm qua khi trở về Moscow. Mọi người ở ban biên tập đều tỏ ra phẫn nộ, phàn nàn (tất nhiên chỉ dám xì xào) về việc Tổng biên tập đã không cho chúng tôi nghỉ ngơi dù chỉ 1 ngày, và cái chính là nhiệm vụ vội vã này thật ngu xuẩn.
Chúng tôi phóng qua Serpukhov và Tula mà không dừng lại. Thời tiết thật tồi tệ. Chúng tôi nằm trên thùng xe tải trò chuyện với nhau. Đêm xuống nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc chạy đua. Ở Moscow chúng tôi đã được biết tên địa điểm đặt sở chỉ huy quân đoàn xe tăng: Starukhino. Chúng tôi cứ thế phóng và phóng không ngừng nghỉ. Bộ tản nhiệt bắt đầu sôi, vì vậy chúng tôi dừng xe. Con đường hoàn toàn vắng lặng, chúng tôi đã đi hàng chục km mà không gặp 1 chiếc xe nào.
Bất thần 1 lính Hồng quân bước ra từ sau 1 cây bulô và hỏi bằng giọng khàn khàn: “Các anh đi đâu?”.
“Tới Starukhino”, chúng tôi trả lời.
“Các anh bị ấm đầu à?”. Thì ra bọn Đức đã ở đó từ hôm qua. “Tôi là lính gác và chỗ này chính là chiến tuyến. Quay lại ngay, trước khi bọn Đức nhìn thấy các anh. Chúng có thể chỉ ở ngay quanh đây thôi”.
Tất nhiên là chúng tôi quay xe lại. Nếu bộ tản nhiệt không sôi lên chắc sự nghiệp phóng viên của chúng tôi đã kết thúc tại đây.
Chúng tôi đi tìm sở chỉ huy trong bóng tối và bùn lầy ghê sợ. Cuối cùng cũng tìm được, nó nằm trong 1 izba nhỏ, nóng bức và ngột ngạt, mù mịt khói. Sau 14 tiếng đồng hồ ngồi xe chúng tôi lập tức cảm thấy buồn ngủ khi bước vào căn phòng ấm áp, chỉ muốn nằm lăn ra. Nhưng không có thời gian, chúng tôi bắt đầu hỏi các sĩ quan, đọc báo cáo Ctrị, làm tất cả những điều đó trong tình trạng đầu óc mê mụ.
Đến gần sáng, chẳng nghỉ ngơi tí nào, chúng tôi lại trèo lên thùng xe tải quay về Moscow.
Thời hạn nộp bài thật tàn nhẫn. Chúng tôi về đến tòa soạn vào buổi tối... Cả nhóm đốt thuốc liên tục để giữ cho mình tỉnh táo, uống trà nữa. Như cánh nhà báo thường nói, chúng tôi đã có 1 câu chuyện, và nộp bài. Tổng biên tập chẳng hề đăng lấy 1 dòng.

Mặc những thất vọng trong cuộc đời làm báo, Grossman không hề giảm nhiệt huyết viết lách, dù đó là tiểu thuyết hay bài báo.

Ở một số làng ví dụ như Krasnoye, bọn Đức xây dựng các công sự bê tông bí mật trong các căn nhà. Chúng phá một bức tường nhà, đặt một khẩu đại bác trong đó và xây lên một bức tường bê tông.
Khi tiến vào một lùm cây, bọn Đức bắt đầu bằng việc bắn như điên vào đó rồi xông vào hết tốc lực.
Bọn Đức đang nã đạn. Tối tối chúng thường ra rìa một lùm cây và bắn bằng tiểu liên. Đại úy Baklan tiến lại gần, cách chúng khoảng 50m, và nằm xuống quan sát. Chúng phát hiện ra anh. Phản ứng của chúng làm anh nghĩ chúng bị điên. Chúng bắt đầu bỏ chạy, vừa chạy vừa bắn loạn xạ. Hàng chục quả rocket rít lên trên bầu trời, pháo bắn loạn xạ không mục tiêu, súng máy khạc đạn, tiểu liên cũng vậy. Bọn Đức khắp vùng đều nổ súng, và Baklan vẫn nằm đó quan sát chúng với vẻ ngạc nhiên.

Có lẽ do gặp phải một vài sự gò bó trong việc viết báo, Grossman tỏ ra muốn truyền đạt những suy nghĩ và cảm nhận của ông về cuộc chiến dưới dạng tiểu thuyết. Trong giai đoạn đất nước Soviet đang chiến đấu để sống còn này, tư tưởng của ông rất gần với đường lối của Đảng. Chỉ đến trận Stalingrad 1 năm sau đó, cái nhìn của ông về chế độ cai trị Stalinist mới bắt đầu thay đổi. Những phác thảo kể trên có lẽ đã tạo nên một phần ý chính của cuốn “Nhân dân bất diệt”, cuốn tiểu thuyết được ông viết và xuất bản vào năm sau.

Tóm tắt truyện ngắn: “Ghi chép của sĩ quan thông tin Egorov”. Ý tưởng câu truyện: 1 chàng trai Soviet trẻ trung vui nhộn tham gia cuộc chiến với đầy vẻ thích thú và hiếu kỳ. Trong khói lửa chiến tranh, chứng kiến nỗi thống khổ của con người, bản thân cũng gặp phải những mất mát và đau khổ to lớn, anh trở nên 1 chiến binh lạnh lùng, cứng rắn, lòng đầy căm thù với những kẻ áp bức dân tộc anh. Chủ đề chính của câu truyện là lòng hận thù 1 mất 1 còn. Trong câu truyện này, chúng tôi muốn giới thiệu rộng rãi về cuộc phòng thủ vĩ đại của quân đội và những người chiến sĩ, của các tướng lĩnh, sĩ quan, bính lính, nông dân, công nhân, của những thành phố và làng mạc. Hàm ý bên trong: Tinh thần sắt thép của những con người Soviet, chỉ có 1 số phận cho họ đó là giành thắng lợi, tinh thần đó được tôi luyện trong ngọn lửa của các thành phố và làng mạc bị bọn Đức thiêu cháy.

Egorov chắc chắn là nguyên mẫu cho nhân vật Ignatiev trong cuốn tiểu thuyết sau này, từ 1 anh chàng may mắn vui vẻ trở thành 1 kẻ báo thù.
“Đó là sự thật, đồng chí chính ủy ạ”, anh nói, “khi tôi trở thành 1 con người khác trong cuộc chiến này, chỉ bây giờ tôi mới biết nước Nga thực sự là gì. Thành thật mà nói, mỗi khi đi qua những dòng sông, những cánh rừng bạn đều cảm thấy tiếc thương cho chúng, con tim bạn nhức nhối... Tôi nghĩ có lẽ thực sự nên để cả những cái cây nhỏ này cũng được tiến vào nước Đức?”.
Thật khó để xác định chính xác những nơi Grossman đã đi qua trong giai đoạn này. Những chiến sĩ phòng thủ Soviet đã gặp may với thời tiết. Những đợt tuyết giá và tan băng bất chợt làm đường xá trở nên đặc quánh bùn lầy, làm chậm bước tiến của quân đội Đức. Ngày 14/10, Sư đoàn 10 Thiết giáp Đức và Sư SS Đế chế (Das Reich) đã tới được chiến trường cũ Borodino, 120km phía tây Moscow. Cùng lúc đó, Sư 1 Thiết giáp chiếm Kalinin trên sông Volga, phía tây bắc thủ đô, và tiến về phía nam nơi những cỗ xe tăng của Guderian đang bao vây Tula. Ngày 15/10, các đại sứ quán nước ngoài được thông báo chuẩn bị rời Moscow chuyển tới Kuibyshev. Sự sợ hãi bao trùm thủ đô. Grossman cũng như các phóng viên chiến tranh khác tuyệt vọng trong việc tìm ra bất kỳ ví dụ nào cho thấy sự xuống tinh thần của quân Đức để đem lại hy vọng cho người đọc thay vì thất vọng.
Những cuốn sổ ghi chép của Grossman - chỗ này chắc chắn bị mất 1, 2 trang - có ghi lại 1 chút những gì ông biết vào tháng 11, khi Tướng Georgi Zhukov bị quân Đức tấn công bầm dập nhưng vẫn chuẩn bị cho 1 cuộc tổng phản công với lực lượng mới tới từ Siberia và Viễn Đông. Stalin cuối cùng cũng tin chắc, 1 phần bởi Richard Sorge - điệp viên Soviet ở Tokyo - nhưng cái chính là nhờ những đoạn mật mã nghe trộm từ đối phương, rằng Nhật Bản đang chuẩn bị tấn công Hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng trên Thái Bình Dương chứ không phải Liên Xô.
Vào giữa tháng 11, Grossman được cho phép quay về Moscow nhưng ông đã gần phát điên khi biết cha mình đã đi mất 1 ngày trước đó. Vợ ông cùng gia đình nhiều thành viên Hội Nhà văn khác đã được sơ tán tới Chistopol.

Cha thân yêu của con, con đã vô cùng suy sụp khi về đến Moscow mà không tìm thấy cha ở đó. Con về chỉ 1 ngày sau khi cha đi Kuibyshev. Cha thân yêu, cha con ta sẽ gặp lại nhau, xin hãy nhớ điều đó. Con hy vọng và tin chắc như vậy... Lyusya đang làm việc chăm chỉ trong 1 nông trang tập thể ở Chistopol. Cô ấy đã trở nên mảnh mai như 1 đường ray tàu hỏa. Chắc là con sẽ sớm trở lại mặt trận, có lẽ là Phương diện quân Nam.

Cuối cùng Grossman cũng gặp lại cha ở Kuibyshev vì, theo lời Ilya Ehrenburg, Grossman đã ở cùng ông tại đó 1 thời gian ngắn. “Chúng tôi ở chung 1 thời gian trong 1 căn hộ vốn được phân cho Grossman và Gabrilovich. Chúng tôi nói chuyện suốt đêm và ngồi viết suốt ngày. Vasily Grossman đã ở Kuibyshev 2 tuần khi có lệnh từ Tổng biên tập tờ Krasnaya Zvezda cho cậu ta bay tới Phương diện quân Nam. Cậu ta đã kể cho tôi rất nhiều về sự hỗn loạn và các cuộc kháng cự, trong đó 1 số đơn vị đã đứng vững, và cả về mùa màng đã không được thu hoạch. Cậu ta cũng kể tôi nghe về Yasnaya Polyana. Đó là lúc sau này khi cậu ta bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết “Nhân dân bất diệt”, và khi tôi đọc nó sau đó, nhiều trang có vẻ rất quen thuộc với tôi. Cậu ta đã tự nhận ra mình là 1 nhà văn nhờ cuộc chiến. Các cuốn sách viết trước chiến tranh của cậu ấy không gì hơn là sự tìm tòi đề tài và ngôn ngữ. Cậu ta thực sự là 1 người quốc tế chủ nghĩa và thường trách móc tôi vì hay gọi là “bọn Đức” thay vì “bọn Hitler” khi mô tả những hành động tàn ác của quân chiếm đóng”. Ehrenburg tin rằng tinh thần đoàn kết quốc tế của Grossman đã làm vị lãnh tụ bài ngoại Stalin ghét ông.
Nhưng hóa ra là Grossman không đến Phương diện quân Nam mà lệch về phía bắc 1 chút, tới Tập đoàn quân 21 thuộc Phương diện quân Tây Nam. Tình hình ở phía nam cũng thay đổi như chong chóng giống khu vực xung quanh Moscow.
Ngày 19/11, Cụm Thiết giáp số 1 của Thống chế Von Kleist chọc thủng phòng tuyến quanh Rostov trên sông Đông, cửa ngõ vào Caucasus, nhưng các sư đoàn thiết giáp của hắn ngay sau đó bị đánh bật trở lại bởi các cuộc phản công của Nguyên soái Timoshenko. Tuyết rơi nặng hạt cũng làm quân Đức không củng cố và mở rộng được các tuyến tiếp vận. Hitler rất tức giận vì đây là lần đầu tiên quân Đức rút lui trong cuộc chiến. Các cơ quan thông tấn Soviet đưa tin về chiến thắng này ít đến mức đáng ngạc nhiên, có lẽ vì Stalin không muốn xác nhận rằng quân Đức đã tiến xa được tới tận Rostov.
Tại Phương diện quân Tây Nam, Grossman được cử đi theo sở chỉ huy Sư đoàn 1 Bộ binh Cận vệ do Tướng Russiyanov chỉ huy*.

*[Sư đoàn 1 Bộ binh Cận vệ được thành lập ngày 18/9 từ Sư đoàn 100 Bộ binh, đơn vị đã bị thiệt hại nặng trong cuộc rút lui từ Minsk về Smolensk và sau đó là cuộc phản công ở Elyna, trận đánh thắng lợi đã đem lại cho Sư đoàn danh hiệu Cận vệ. Trung tướng I. N. Russiyanov sau này chỉ huy Quân đoàn Cơ giới Cận vệ 1 trong Chiến dịch Sao Thổ Nhỏ tháng 12/1942, giai đoạn cuối của trận Stalingrad]

Trong các cuốn sổ ghi chép của Grossman không còn trang nào nói về chuyến đi này. Dù sao ông cũng đã để lỡ 1 trong những thời khắc kịch tính nhất trong lịch sử Moscow. Phương diện quân Kalinin ở phía bắc thành phố đã mở cuộc phản công ngày 5/12 trong điều kiện tuyết đóng dầy hơn 1m. Mặt đất đóng băng cứng như sắt và quân Đức đã phải đốt lửa dưới những cỗ chiến xa để có thể khởi động được máy xe. Phương diện quân Tây cũng tấn công ngay sau đó. Cuộc rút chạy gấp gáp đã cứu quân đội Đức khỏi thảm họa nhưng thủ đô Soviet cũng đã được an toàn.
Mặc dù khó có thể định rõ đâu là thời điểm chính xác, đây cũng là điểm bước ngoặt của cuộc chiến cho thấy quân Đức không còn khả năng chiến thắng thêm nữa. Và Mỹ, nước đã cung cấp cho Hồng quân xe tải và xe jeep khiến họ có thể tiến mỗi lúc 1 nhanh trong năm 1943 và 1944, đã thấy rằng phải tham chiến. Trong tâm trạng sung sướng do thắng lợi của cuộc phản công quanh Moscow, Grossman cảm nhận được tinh thần tươi mới trong hàng ngũ quân đội Soviet.
Grossman quay lại Moscow ngày 17/12 và 3 ngày sau Ortenberg ghi chép về phương pháp làm việc của ông: “Vasily Grossman đã trở về... Anh ta không nộp bài báo nào cho số tới và chúng tôi cũng chẳng giục anh ta nhanh lên. Chúng tôi biết cách làm việc của anh. Mặc dù anh ta đã tự học cách viết trong bất kỳ điều kiện nào, thậm chí rất tồi tệ, trong hầm với 1 cây đèn dầu, ngoài thực địa, nằm trên giường hoặc trong 1 izba đầy người, nhưng anh ta bao giờ cũng viết chậm rãi, kiên trì truyền tải đầy đủ mọi thứ trong suốt quá trình viết”.
Cũng trong ngày hôm đó, 20/12, Grossman đã có cơ hội nhận được các thư từ gửi cho ông. Ông viết cho 1 người bạn, M. M. Shkapskaya.

Vẫn còn quá sớm để cho rằng số phận của con trai anh sẽ rất đen tối, chắc là nó vẫn còn sống và khỏe mạnh. Bức thư thật quá buồn. Còn có rất nhiều người ở đây không thể gặp được gia đình. Tinh thần của tôi hiện rất tốt, tình hình tại mặt trận tốt đẹp, rất tốt đẹp ấy chứ... Tuy nhiên, rất có thể tôi lại mất khả năng liên lạc với mọi người: tôi đã từng rơi vào 1 trận không kích của 5 chiếc Junker và vừa kịp thoát khỏi nhà trước khi nó bị phá hủy bởi bom và súng máy. Đương nhiên, tôi không định viết những chuyện như thế trong thư gửi về Chistopol.

Chistopol là nơi vợ ông, Olga Mikhailovna Guber, đang sống. Ông cũng viết thư cho bà nhưng tất nhiên là bỏ qua không mô tả lần thoát chết trong trận không kích đó.

Có rất nhiều người tốt xung quanh anh, cả Tvardovsky* cũng ở đây. Hắn là 1 thằng cha tốt. Em có thể nói với vợ cậu ấy rằng cậu ấy trông cực ổn và mọi thứ với cậu ấy hoàn toàn tốt. Anh vừa ở mặt trận về 3 hôm trước và giờ viết thư cho em. Anh đã thấy rất nhiều thứ. Mọi thứ đã khác hoàn toàn so với dạo mùa hè. Có rất nhiều chiến xa Đức hỏng nằm bên đường và trên thảo nguyên, nhiều cỗ pháo bị bỏ lại, hàng trăm xác lính Đức, mũ sắt và vũ khí của chúng nằm khắp nơi. Quân ta đang tiến lên!

*[Aleksandr Trifonich Tvardovsky (1910 - 1971), nhà thơ và sau này là Tổng biên tập tạp chí văn học Novy Mir, trong ấn bản số 4 năm 1950 và số 70 năm 1958 ông đã cho in các tác phẩm “Một ngày trong cuộc đời Ivan Denisovich” (One Day in the Life of Ivan Denisovich) và “Xóm ung thư” (Cancer Ward) của Solzhenitsyn. Tvardovsky xuất thân từ 1 ngôi làng bình thường gần Smolensk. Cha ông là 1 kulak bị lưu đày dưới thời Stalin. Tuy vậy, Tvardovsky đã giành Giải thưởng Stalin với bài trường ca Strana Muraviya (Đất Muraviya) viết về 1 kulak đã thực hiện 1 chuyến đi viển vông để tìm 1 nơi nào đó trên đất nước Nga mà không có nông trang tập thể nhưng cuối cùng trở về nhà làm trong nông trang tập thể và sống hạnh phúc]

Grossman giống như nhiều người Nga lúc đó trước sự đảo chiều đột ngột của chiến cuộc vào tháng 12 đã tin rằng bọn Đức đang vô cùng khổ sở với bộ quân phục mỏng manh trong mùa đông khắc nghiệt này và đang sụp đổ trước sức mạnh của cuộc tổng tấn công do Stalin khởi xướng sau các cuộc phản công ngay ngoại vi Moscow. Bài viết cuối cùng được xuất bản năm đó của ông trên tờ Krasnaya Zvezda có cái tít chán ngắt là “Đáng nguyền rủa và khinh bỉ” (Accursed and Derided).

“Khi tiến vào những thủ đô Âu Châu, những tên lính frontoviki phát xít cố trông cho thật ấn tượng. Và cũng những tên lính đó tiến vào ngôi làng Nga này trong 1 buổi sáng. Chúng choàng những chiếc khăn trên đầu, 1 số đội mũ trùm đầu phụ nữ dưới mũ sắt và mặc quần nịt len của đàn bà. Nhiều tên kéo theo những chiếc xe trượt tuyết chất đầy chăn, ga trải giường, túi đựng đồ ăn hay những cái xô cũ.
Bọn Đức đóng trại trong căn izba này mới 6h trước. Giấy tờ, đồ đạc, mũ sắt của chúng vẫn còn trên bàn. Những izba mà chúng đốt vẫn còn âm ỉ cháy. Thân xác chúng bị vỡ nát bởi thép Nga nằm ngổn ngang trên tuyết. Và những người phụ nữ cảm thấy rằng cơn ác mộng những ngày qua cuối cùng cũng đã chấm dứt, bất thần kêu lên nức nở: “Ôi các anh thân mến, cuối cùng thì các anh cũng đã trở lại!”.
“À, là thế này (1 phụ nữ kể lại). Bọn Đức tới, chúng đập cửa, xông vào nhà và đứng bên bếp lò như lũ chó ốm, răng chúng đánh vào nhau côm cốp, chúng hơ tay lên bếp, tay chúng đỏ au như thịt tươi. “Nhóm lò đi, nhóm lò!”. Chúng gào lên trong tiếng răng va lập cập. Rồi, ngay khi bắt đầu thấy ấm hơn, chúng bắt đầu gãi. Nhìn chúng vừa thấy sợ vừa thấy buồn cười. Y như chó, chúng cũng gãi bằng những móng vuốt. Rận bắt đầu nhảy khỏi người chúng vì hơi ấm”.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét