Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

Và Nơi Đây Bình Minh Yên Tĩnh - Chương 1

Và Nơi Đây Bình Minh Yên Tĩnh
(А зори здесь тихие)

Tác giả: Boris Vasilyev.
Người dịch Lê Đức Mẫn
Nhà xuất bản Cầu vồng (Moskva) - 1985

“Bạn thân mến!
Ở đó bạn phải tất bật với công việc, còn chúng tôi lại ung dung đi câu cá ở một nơi thanh bình không vẩn một hạt bụi. Thực ra, tụi muỗi chết tiệt cũng có đốt, nhưng cuộc sống vẫn một màu tiên cảnh!...
...Bình minh nơi đây thật là yên tĩnh, mãi hôm nay tôi mới nhìn ngắm kỹ càng”.

Chương 1

Khu trạm tránh tàu số 171 chỉ còn lại mười hai nóc nhà, một kho cứu hỏa và một kho hàng dài lùn tịt, xây cất từ những năm đầu thế kỷ này bằng đá phiến. Trong trận ném bom gần đây cái tháp nước đã bị đổ và tàu hỏa không đỗ ở đây nữa. Bọn Đức cũng thôi oanh tạc, nhưng hằng ngày vẫn bay lượn trên khu trạm và ban chỉ huy cẩn thận vẫn để lại hai khẩu đội pháo.
Tháng 5 năm 1942, ở phía tây, hai bên, cả ta lẫn địch, đều phải rúc dưới hào sâu đến hai mét và mắc kẹt trong cuộc chiến tranh giành giật trận địa (những đêm ẩm ướt người ta vẫn nghe tiếng pháo vang rền bên ấy); về hướng đông, bọn Đức ngày đêm ném bom kênh đào và con đường Murmanxk; về hướng bắc, hai bên vẫn chiến đấu ác liệt giành giật những tuyến đường biển; về hướng nam, thành phố Lêningrát bị bao vây đang tiếp tục chiến đấu quyết liệt.
Còn ở đây đúng là một nơi nghỉ mát. Vì tĩnh mịch và nhàn hạ các chiến sĩ lúc nào cũng ngật ngưỡng như đi tắm hơi, và mười hai ngôi nhà đó vẫn đủ những cô chưa chồng và góa có thể nấu rượu khéo tay hết chỗ chê. Suốt ba ngày qua, chiến sĩ ăn ngủ, ngắm trời đất thoải mái; đến ngày thứ tư có người ăn mừng sinh nhật và cả bầu không khí khu trạm lại ngào ngạt mùi rượu ngang hảo hạng.



Chỉ huy trạm là chuẩn úy Phêđô Epgraphôvích Vaxkốp lúc nào cũng cau có, thỉnh thoảng lại ngồi viết báo cáo, cứ bao giờ đến cái báo cáo thứ mười thì y như rằng cấp trên lại gửi xuống cho Vaxkốp một quyết định kỷ luật và lại phải thay cho anh nửa trung đội lính đã phát phì vì ăn chơi vui thú. Khoảng một tuần lễ sau đó anh còn đủ sức tự đối phó, nhưng rồi mọi việc đâu lại vào đấy, đến nỗi cuối cùng chuẩn úy quyết định chỉ cần chép lại những báo cáo cũ, chỉ sửa đổi lại ngày tháng và họ tên mà thôi.
- Sao anh vớ vẩn như thế! - Đồng chí thiếu tá gầm lên khi phải đến tận nơi vì những cái báo cáo cuối cùng của anh. - Anh chỉ viết tầm bậy! Anh là nhà văn chứ đâu phải là người chỉ huy nữa!
- Xin đồng chí cử cho chúng tôi những người không uống rượu ấy. - Vaxkốp khăng khăng nhắc lại: anh sợ những người chỉ huy to tiếng, nhưng anh vẫn giữ nguyên ý kiến. - Những người không uống rượu ấy... để đỡ... Và cả cái khoản đàn bà ấy nữa.
- Thế thì cho anh những hoạn quan nhé, được không?
- Tùy đồng chí thôi. - chuẩn úy thận trọng nói.
- Thôi được, đồng chí Vaxkốp ạ! - Thiếu tá bớt giận nói. - Đồng chí sẽ có những người không uống rượu. Và về cái khoản đàn bà ấy đồng chí sẽ toại nguyện. Nhưng hãy coi chừng, nếu đồng chí không trị được họ thì…
- Rõ. - chuẩn úy đồng ý cứng nhắc.
Thiếu tá mang đi những pháo thủ không chịu nổi cám dỗ, lúc chia tay lại hứa với Vaxkốp một lần nữa rằng sẽ cử đến những người hễ trông thấy váy đàn bà và rượu ngọt thì còn ngoành mặt đi, hơn cả chuẩn úy. Tuy nhiên, thực hiện lời hứa ấy không đơn giản, bởi vì ba ngày sau không thấy có ai về cả.
- Nan giải đấy chứ?! - Chuẩn úy giải thích cho chị chủ nhà Maria Nikiphôrốpna. - Hai tiểu đội - Tức là gần hai mươi con người không rượu chè. Cái đó thì chọn khắp mặt trận tôi cũng không dám chắc…
Tuy vậy, những nghi hoặc của anh không có cơ sở, bởi vì sáng hôm sau chị chủ nhà bảo anh rằng pháo thủ đã về. Giọng chị có gì khó chịu, nhưng chuẩn úy còn ngái ngủ chưa để ý đến, anh chỉ hỏi cái điều anh sợ:
- Có ai chỉ huy họ không?
- Theo tôi không có người chỉ huy.
- Lạy Chúa, may quá! - Chuẩn úy là người lo nhiều đến vị trí lãnh đạo của mình. - Chia quyền lãnh đạo là điều tồi tệ hơn cả.
- Đừng có mừng vội! - Chị cười bí ẩn.
- Chiến tranh xong chúng ta sẽ mừng! - Chuẩn úy Vaxkốp nói một câu đầy lý trí, đội mũ bước ra.


Nhưng anh sững sờ cả người: trước cửa nhà là hai hàng con gái mắt còn mơ ngủ. Chuẩn
úy lại tưởng mình mới ngủ dậy nhìn nhầm, anh chớp mắt một cái, nhưng trên người họ những chiếc áo lính vẫn ngang nhiên phồng lên những chỗ mà điều lệnh quân đội không hề nói đến và xung quanh mũ là những món tóc đủ màu đủ kiểu thả ra.
- Báo cáo đồng chí chuẩn úy, Tiểu đội 1 và 2 thuộc Trung đội 3, Đại đội 5, Tiểu đoàn cao xạ “Độc lập” đến nhận nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu. - Cô gái có cấp bậc cao hơn nói với giọng khàn khàn. - Tôi, trung đội phó, trung sĩ Kirianôva báo cáo hết.
- Thế đấy! - Chuẩn úy nói sai hẳn phong cách điều lệnh. - Không rượu chè là như thế đấy...
Suốt ngày hôm ấy anh khua rìu ầm ĩ: làm phản cho chị em trong kho cứu hỏa, vì chị em không đồng ý đến đóng quân nhờ các bà chủ nhà. Các cô thì đi khiêng các tấm gỗ và giữ một bên khi anh ra lệnh và léo nhéo luôn miệng như bầy chim ác là. Chuẩn úy đành cau có im lặng: anh muốn giữ gìn uy tín.
- Bất kỳ việc gì không có lệnh của tôi, không được tự tiện! - Anh tuyên bố khi mọi việc đã làm xong.
- Đi hái quả rừng cũng không được à? - Cô tóc hung ngang tàng hỏi. Vaxkốp từ lâu đã lưu ý đến cô này.
- Bây giờ chưa có quả gì cả! - Anh nói.
- Thế đi hái lá chút chít được không? - Kirianôva thắc mắc. - Chúng em mà không nấu ăn thêm thì chết. Đói lắm, đồng chí chuẩn úy ạ.
Vaxkốp nghi ngờ đưa mắt nhìn những nếp áo căng thẳng của họ, nhưng cũng cho phép:
- Không được đi quá bờ sông. Cây chút chít trên bãi sông nhiều lắm.

Cuộc đời êm đẹp hạnh phúc đến với khu trạm tránh tàu, nhưng chuẩn úy không thấy mình nhẹ hơn, mấy cô này ồn ào và hay sinh sự quá, khiến lúc nào chuẩn úy cũng cảm thấy như mình là chủ mà hóa ra khách lạ: anh sợ nói hớ một câu, sợ làm một điều vô ý. Còn cái chuyện vào nhà không gõ cửa thì khỏi phải nói, giá anh có lúc nào quên thì một tiếng rú báo động đã lập tức hất anh về vị trí cũ ngay. Vaxkốp sợ nhất là những lời bóng gió, đùa cợt về chuyện trai gái, vì thế anh đi đâu là mặt cúi gằm xuống đất, tựa hồ vừa đánh mất tiền lương tháng.
- Đừng có buồn, anh Vaxkốp ạ! - Chị chủ nhà nói khi thấy quan hệ khó khăn giữa anh và các chiến sĩ. - Các cô ấy nói chuyện với nhau vẫn tôn anh là ông già, thế nên anh cũng đối xử với họ cho xứng như vậy chứ sao.
Mùa xuân năm nay Vaxkốp mới tròn 32 tuổi, nên anh không muốn xem mình là một ông già. Nhưng suy đi tính lại, anh đi đến kết luận rằng đó cũng là biện pháp của chị chủ để giữ vị trí của chị: dù sao thì chị cũng đã từng đốt tan băng giá trong trái tim chuẩn úy vào một đêm xuân và bây giờ tất yếu là chị phải quyết giữ gìn trận địa đã chiếm được.
Đêm đêm các cô pháo thủ vẫn nã cả tám khẩu súng vào bọn máy bay Đức đi qua, còn ban ngày thì họ giặt giũ, phơi phóng từ sáng đến chiều: xung quanh nhà kho cứu hoả lúc nào cũng thấy chăng ngang dọc đủ các thứ gì gì của họ. Cái lối trang trí như thế chuẩn úy cho là không được, anh liền thông báo ngắn gọn cho trung sĩ Kirianôva:
- Bỏ ngụy trang!
- Nhưng có lệnh rồi ạ. - Cô nói không cần suy nghĩ.
- Lệnh nào?
- Lệnh về chuyện đó ấy. Lệnh nói rằng nữ chiến sĩ được phép phơi đồ lót khắp trận địa.
Chuẩn úy im lặng: thôi thì mặc xác cái bọn con gái! Chỉ đụng đến là chúng nó cười đến Tết!
Thời tiết bây giờ ấm áp, lặng gió, nhưng muỗi nhiều đến nỗi không cầm cành lá trong tay là không dám bước đi đâu được, nhưng chỉ huy như anh mà đi đâu cũng phải đằng hắng như một ông già thật, thì không thể nào chịu được.

Câu chuyện bắt đầu từ một ngày tháng Năm nóng bức. Anh bước ra đằng sau kho hàng và bỗng chết lặng người đi: trước mắt anh là những tấm thân trắng nõn ngồn ngộn, đến nỗi anh nóng bừng cả hai tai lên, cả tiểu đội 1 dưới quyền hạ sĩ Ôxianina đang phơi nắng trên tấm vải bạt, trên người không một tấc vải. Giá họ rú lên cho anh biết mà giữ gìn lịch sự thì đâu đến nỗi, đằng này không thế, họ cứ rúc mũi xuống tấm bạt mà trốn khiến Vaxkốp phải giật lùi trở lại như một chú nhóc trót chui vào vườn hàng xóm. Từ hôm đó, đi đâu một bước anh cũng phải húng hắng ho như người lao phổi vậy.
Ôxianina từ lâu anh đã nhận thấy là đặc biệt vì cô rất nghiêm. Cô không bao giờ cười đùa, thỉnh thoảng mới nhếch miệng, nhưng đôi mắt cứ nghiêm nghị. Ôxianina lạ lùng thật, vì thế Vaxkốp đành phải thận trọng dò hỏi qua chị chủ nhà dù biết rằng chị chẳng ưa gì công việc ấy cả.
- Cô ấy góa chồng. - Chị Maria Nikiphôrốpna một ngày sau kể lại, đôi môi hơi mím. - Cô ấy bây giờ là người đàn bà hoàn toàn tự do, anh có thể bắt mối được đấy.
Chuẩn úy nín thinh: đối với đàn bà thì không thể chứng minh được. Anh vớ cái rìu ra sân. Muốn suy nghĩ thì không gì tốt hơn là bổ củi, mà suy nghĩ thì anh có nhiều lắm, bây giờ phải sắp xếp chúng lại cho có trình tự.
Tất nhiên, trước hết là vấn đề kỷ luật, thì cũng được đi, các chiến sĩ không uống rượu, không đưa đẩy với đám nữ dân chúng, kể ra thì như vậy đấy. Nhưng trong nội bộ thì lại chả có kỷ cương gì cả: “Liuđa, Vêra, Kachia đi gác! Kachia làm toán trưởng nghe chưa?”.
Phát lệnh mà lại như thế à? Cử gác là phải rất nghiêm, quân lệnh như sơn chứ. Đằng này thì cười đùa ầm ĩ. Việc này cần phải phê phán, nhưng phê phán như thế nào? Anh thử một lần nói với Kirianôva về điều này, nhưng cô chỉ trả lời một câu:
- Chúng tôi được phép như thế, đồng chí chuẩn úy ạ. Cấp trên cho đấy. Đích thân tư lệnh trưởng bảo tôi mà.
Bọn họ còn cười, quỷ sứ thế đấy...

- Anh đang phấn đấu à, anh Vaxkốp?
Anh quay lại. Cô hàng xóm Pôlina Êgôrôva nhìn sang. Một cô gái bạt mạng nhất khu: riêng tháng trước cô đã bốn lần tổ chức sinh nhật.
- Đừng bận tâm quá làm gì, anh Vaxkốp. Bây giờ cả xóm chỉ còn mình anh làm giống thôi đấy.
Rồi cô cười vang. Khuy cổ áo không thèm cài lại, để lộ ra những nét tròn mẩy như những chiếc bánh mì mới ra lò.
 - Anh cứ đi lần lượt và ở mỗi nhà vài ngày cũng đủ rồi. Tuần này nhà này, tuần sau nhà khác. Chị em chúng tôi ở đây đã thỏa thuận vậy mà.
- Pôlina Êgôrôva, cô phải có lương tâm chứ. Cô là vợ lính hay là loại đàn bà nào đấy? Phải biết giữ mình cho phải, nghe chưa?
- Anh Vaxkốp, chiến tranh ấy mà, nó sẽ xóa bỏ hết mọi chuyện. Lính cũng thế mà vợ lính cũng vậy.
Cái dây thòng lọng đáng sợ chưa! Phải cắt bỏ ngay, nhưng cắt thế nào đây? Chính quyền địa phương đâu rồi?
Cô này có chịu phục tùng anh đâu: anh đi bàn với ông thiếu tá quát oang oang hôm nọ.
Đúng thế, những suy nghĩ của anh hầu như không có học thức. Anh cũng biết đọc, biết viết, biết làm tính trong phạm vi chương trình lớp bốn, bởi vì đúng đến năm cuối lớp bốn thì cha anh bị con gấu tát chết. Bọn mấy cô mà biết chuyện con gấu thì họ cười đau ruột! Thà là chết hơi độc trong đại chiến thế giới, chết vì mũi kiếm trong nội chiến, chết vì bàn tay tàn bo của cu-lắc, đằng này lại chết bất đắc kỳ tử - gấu tát! Nhưng bọn họ chỉ nhìn thấy con gấu ấy trong vườn bách thú thôi...
Từ trong cái xó rừng u tịch ấy Vaxkốp đã lên dần đến cấp chỉ huy. Nhưng còn họ, tuy là lính trơn, nhưng lại có khoa học: nào góc ngắm đón, góc nghiêng, nào độ lệch. Người lớp bảy, kẻ lớp mười, nghe họ nói với nhau là đủ hiểu, chín lớp trừ bốn lớp còn năm lớp. Thế hoá ra là số lớp anh kém họ vẫn nhiều hơn là số lớp anh đã đi qua...
Những ý nghĩ ấy toàn không vui cả, và cũng vì thế anh bổ củi với lòng căm phẫn đặc biệt. Nhưng mà lỗi tại ai? Chẳng lẽ là tại con gấu bất nhã kia ư?
Lạ thật: trước đây anh cho rằng cuộc đời anh thế là may mắn. Tất nhiên không phải mọi sự đều là như ý, nhưng anh không phải phàn nàn điều gì.
Dù sao, với cái lớp bốn không trọn vẹn anh cũng đã qua được Trường Huấn luyện Trung đoàn và đã phục vụ ở đó mười năm trước khi lên chuẩn úy. Trên chặng đường đó anh vẫn giữ được mình nguyên vẹn mặc dù số phận đã có lúc dồn anh đến chân tường, mà anh vẫn đứng vững. Vẫn đương đầu được...
Trước cuộc chiến tranh Phần Lan ít lâu anh lấy một cô hộ lý bệnh viện dã chiến. Một cô gái thật sôi động: lúc nào cô ấy cũng có thể hát múa và uống rượu được. Rồi cô cũng cho anh một đứa con trai, đặt tên là Igo, Igo Phêđôtôvích Vaxkốp. Cuộc chiến tranh Phần Lan bùng nổ. Vaxkốp ra mặt trận, lúc về có hai huy chương, và lần đầu tiên anh bị choáng váng: trong lúc anh còng lưng trên tuyết trắng, thì vợ anh đã quấn quít với một chàng bác sĩ thú y ở Trung đoàn và đã vỗ cánh bay về phương nam rồi. Vaxkốp lập tức li dị, anh nhờ Tòa án đòi được đứa con đem gửi về quê cho mẹ. Một năm sau thằng bé qua đời. Từ đó Vaxkốp chỉ mỉm cười cả thảy có ba lần: một lần với vị tướng trao Huân chương cho anh, một lần với ông bác sĩ phẫu thuật gắp cho anh mảnh đạn nơi vai và một lần với chị chủ nhà Maria vì tài đoán trúng tâm lý của chị.
Chính vì mảnh đạn ấy mà anh có địa vị chỉ huy ở đây hôm nay. Trong kho còn chút ít tài sản, tuy không cắt đặt lính canh nhưng đã sinh ra cái chức chỉ huy, người ta giao cho anh quản lý luôn kho. Ba ngày một lần anh đi vòng quanh mục tiêu kiểm tra các ổ khoá, tự mình ghi sổ theo dõi, và bao giờ cũng chỉ một câu: “Đã kiểm tra. Không có suy chuyển”. Tất nhiên, dưới có ghi ngày giờ.
Chuẩn úy Vaxkốp đã làm việc yên ổn. Yên ổn hầu như được đến ngày hôm nay. Còn bây giờ...
Chuẩn úy thở dài.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét