Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

Nhân Dân Bất Diệt - Chương 16

Nhân Dân Bất Diệt.

Tác giả: Vasily Grossman
Người dịch: Trần Mai Chính
NXB Quân Đội Nhân Dân - Năm 1963

Người Chủ Của Đất Này.

Chiến sĩ trong tiểu đoàn không còn nhiều lắm. Những khẩu pháo ngụy trang dưới cành lá chĩa cả về hướng đường cái. Phân đội trinh sát đặt dưới sự chỉ huy của trung úy pháo binh Cơ-lê-nốp-kin, một người trẻ tuổi vóc to lớn có cái tật chốc chốc lại xem đồng hồ một cách không cẩn thiết. Phân đội trinh sát đại bộ phận là chiến sĩ pháo binh, bộ binh chỉ có I-nha-chi-ép, Gia-vê-lép và Rô-đim-xép.
Bô-ga-rép cho gọi Cơ-lê-nốp-kin và bảo:
- Đồng chí làm trinh sát, nhưng cũng phụ trách cả quân lương nữa đấy. Bánh mì dự trữ của chúng ta sắp cạn rồi.
Và anh nói tiếp, vẻ nghĩ ngợi:
- Chúng ta có thuốc men đấy nhưng biết xoay đâu cho thương binh ăn bây giờ? Phải có chế độ đặc biệt, có bột quả và nước giải khát cho họ.
Cơ-lê-nốp-kin, muốn thử thách những trinh sát viên mới của mình, ủy thác nhiệm vụ trinh sát đầu tiên cho Rô-đim-xép và các bạn.
Anh bảo họ:
- Đúng, ngoài ra còn phải xoay bánh mì cho anh em, thịt đông và nước quả cho thương binh. Cấp dưỡng đã có bột khoai tây để nấu với thịt đông rồi.
Gia-vê-lép ngạc nhiên:
- Báo cáo trung úy, đặt vấn đề thịt đông lúc này có được không? Bốn phía là rừng mà xe tăng Đức thì chặn hết đường sá.
Cơ-lê-nốp-kin mỉm cười, bản thân anh cũng, thấy cuộc nói chuyện giữa anh với chính ủy hơi kỳ quặc.
- Được rồi, sau sẽ hay. Lên đường! - I-nha-chi-ép nói luôn.
Anh chàng nóng lòng muốn được đi lượn một vòng trong rừng. Họ len lỏi giữa đám người đang nằm dưới gốc cây. Một người, cánh tay đút vào trong băng treo, ngước khuôn mặt tái xanh lên nói bằng một giọng cáu kỉnh:
- Khe khẽ chứ nào! Làm gì mà ồn lên thế? Gấu quá.
Một người khác khẽ hỏi:
- Thế nào, các cậu, quay về nhà à?
Mấy trinh sát viên đi sâu vào trong rừng. Và Rô-đim-xép, rất ngạc nhiên, nói suốt dọc đường đi:
- Lạ thật, mấy thằng cha ấy đến là buồn cười! Lúc phòng ngự, thì hai trăm xe tăng cũng chẳng hốt, thế mà bây giờ nằm đó, mới hai ngày trong rừng đã lo lắng phờ râu tôm.
- Không có việc gì làm, - Gia-vê-lép nói. - nằm khàn thì bao giờ mà chẳng thế.
- Không, lạ thật đấy. - Rô-đim-xép nói.
Sau đó một lát, họ chui vào một khoảng rừng trống. Suốt hơn hai tiếng đồng hồ, họ nằm im trong một cái hố bên đường cái, theo dõi hành động của quân thù. Lính mô-tô liên lạc qua lại trước mặt họ. Một tên dừng ngay cạnh đó, nhồi thuốc lá vào tẩu rồi lại tiếp tục bước. Sáu xe tăng hạng nặng diễu qua. Nhưng thường là những cam-nhông vận tải lương thực. Quân Đức trò chuyện với nhau, phanh cổ áo ra, hẳn muốn phơi nắng. Trên một chiếc xe trong đoàn có bọn lính đang ca hát. Cam-nhông chạy dưới một cái cây có nhiều cành rủ xuống và hầu như xe nào qua cũng có một bàn tay giơ lên bứt vài chiếc lá.
Sau đó, mấy trinh sát viên phân tán ra. Rô-đim-xép và Gia-vê-lép thọc vào rừng tiến đến quãng con đường nhỏ vắt ngang qua đường cái lớn trong lúc I-nha-chi-ép, sau khi vượt hết đường, đã theo lòng khe tìm vào cái làng có quân Đức chiếm đóng.
Núp giữa những cây gai thân cao, anh quan sát rất lâu. Lính xe tăng và bộ binh địch đóng trong làng. Chắc hẳn chúng đang nghỉ ngơi sau một chặng hành quân. Một số tên trong bọn đang tắm rửa dưới ao hoặc đang sưởi nắng, người trần như nhộng. Ngoài vườn, tụi sĩ quan ăn uống dưới một gốc cây. Chúng uống bằng những cái cốc kim khí bóng loáng dưới ánh mặt trời. Sau bữa ăn, một tên khác đùa với một con chó; một tên nữa ngồi viết ở đằng xa. Có những tên lính ngồi trên bậu cửa vá quần áo, nhiều tên khác, khăn quấn cổ đang cạo râu bằng dao cạo máy; nhiều tên khác đứng lay những cây táo trong các vườn quả hoặc chọc những cành lê cao. Một số nằm dài trên bãi cỏ đọc báo.
Cái thị trấn này gợi cho I-nha-chi-ép nhớ tới làng anh, và khoảng rừng thưa thì hệt như khoảng rừng mà xưa kia anh thích chạy chơi hết giờ này sang giờ khác. Cả con sông nữa cũng giống như con sông mà hồi còn nhỏ, anh vẫn thường câu cá bống và những con cá chép con gầy guộc. Còn thửa vườn, nơi bọn sĩ quan địch ăn uống và mở máy hát, lại càng làm cho anh nhớ tới thửa vườn của Ma-ru-xi-a Pê-xô-si-na quá. Anh đã sống bao nhiêu giờ phút êm đềm trong đêm tối cùng với Ma-ru-xi-a ở trong vườn! Anh nhớ tới buổi chiều, qua đám lá cây sẫm màu có thể nhìn thấy những quả táo lưa thưa, anh ngỡ như lại được nghe thấy những tiếng thở dài và tiếng cười êm ái của Ma-ru-xi-a giống như tiếng thỏ thẻ dịu dàng của một con chim non. Và lòng anh nóng ran lên trước sự hồi tưởng đó.
Trên thềm một căn nhà nhỏ, một cô gái trẻ mảnh khảnh hiện ra, chân đi đất, đầu buộc một cái khăn tay trắng. Một tên Đức nói một câu gì với cô ta rất to và ra hiệu bằng tay... Cô gái bước vào trong nhà rồi lại ra ngay mang theo một vò nước... Một nỗi đau khổ ghê gớm, buồn bã và căm thù dâng lên trong tâm hồn I-nha-chi-ép, Chưa bao giờ, cả trong cái đêm quân Đức đốt cháy thành phố lẫn khi anh nhìn thấy những thôn làng bị tàn phá hoặc trong trận tử chiến, chưa bao giờ I-nha-chi-ép có cái cảm giác giống như bây giờ, trong cái ngày sáng sủa và yên tĩnh này. Những tên Đức đang nghỉ ngơi trong cái làng xô-viết ấy, chúng ghê gớm hơn nhiều so với những tên Đức mà anh phải chiến đấu ngoài bãi chiến trường. I-nha-chi-ép đi khắp trong rừng, lưng còng xuống, mồm nói khẽ, mắt nhìn quanh. Những khu rừng xanh um ấy, những cây sến ấy, những cây trăn ấy, những cây bạch dương ấy, những cây phong ấy, anh thuộc chúng lắm, anh thuộc chúng chẳng khác gì chính ngôi nhà chôn rau cắt rốn của anh. Những cánh rừng ấy, anh đã đi qua khắp, vừa đi vừa hát rống lên những bài ca mà cụ Bô-gát-chi-ca đã dạy anh. Nằm dài trên đám lá khô loạt soạt, trước kia anh đã nhìn trời, lắng nghe chim kêu ríu rít, anh đã ngắm nghía những thân cây phủ đầy rêu, anh biết những chỗ nào là chỗ có nhiều quả “be” và nấm nhất, biết những hang cầy, những hốc cây sóc làm tổ, những truông hoang dại vào buổi hoàng hôn thỏ thường đến nhảy nhót giữa đám cỏ cao vút. Hôm nay, bọn Đức ngồi hút thuốc trong những khu rừng ấy. Còn I-nha-chi-ép thì náu mình trong hố phủ đầy bụi rậm, dõi mắt nhìn theo chúng. Một sợi dây cáp đen, do một nhân viên thông tin của Đức chăng, chạy qua giữa đám cây biết bao yêu quý đối với lòng anh. Bất lực, những cây thanh lương trà và bạch dương phải để những cành mảnh dẻ của chúng đỡ lấy sợi dây, sợi dây truyền đi những tiếng Đức qua rừng Nga. Ở những chỗ không cây cối, quân Đức cắm những thân bạch dương non và đóng lên đó những tấm bảng nhỏ chỉ đường. Và những cây bạch dương, với những chiếc lá vàng nhỏ xíu, giống như những đồng tiền nhỏ bằng đồng, như thiếu sinh khí, vẫn vươn lên đỡ lấy sợi dây cáp ô nhục.
Ngày hôm đó, đúng trong phút đó, bằng tất cả tâm hồn, I-nha-chi-ép hiểu rõ tình hình đang diễn ra trên đất nước, anh hiểu rằng nhân dân cần cù đang chiến đấu vì quyền sống và hơi thở.
Nhìn quân Đức đang nghỉ ngơi, anh thấy rợn cả người: anh tưởng tượng trong giây lát thấy chiến tranh đã chấm dứt, thấy quân Đức tắm rửa như anh nhìn thấy chúng hiện giờ, thấy chúng nghe họa mi hót trong đêm, đi dạo chơi giữa những khoảng rừng thưa, hái những quả phúc bồn, những quả dâu, nhặt những giỏ nấm, uống nước chè trong những ngôi nhà nhỏ, vặn máy hát dưới những cây táo và gọi những người con gái đến bên chúng. Trong giây lát đó, I-nha-chi-ép, con người lĩnh trách nhiệm nặng nề trong những trận chiến đấu ấy, con người đã từng náu mình dưới hố nhìn xe tăng Đức chạy trên đầu mình; con người đã từng đi hàng ngàn cây số trong bụi cát nóng bỏng trên những con đường chiến trận; I-nha-chi-ép, con người đã từng chạm trán hàng ngày với cái chết và tiến thẳng đến trước cái chết, I-nha-chi-ép hiểu bằng tất cả lòng mình rằng cuộc chiến tranh này còn phải kéo dài chừng nào mà quân thù chưa tiêu hủy được sự tồn tại của anh trên đất nước xô-viết. Ngọn lửa của những đám cháy, tiếng mìn nổ inh tai nhức óc, những trận không chiến; tất cả những cái đó. không thấm vào đâu so với cảnh an dưỡng nghỉ ngơi này của quân Đức trong một cái làng U-cơ-ren bị chúng chiếm đóng. Cái yên ổn, cái bình tĩnh của quân thù, nhìn mà phát sợ. Đột nhiên, không nghĩ ngợi, I-nha-chi-ép đưa tay lên báng khẩu tiểu liên, nắn nắn quả lựu đạn để tin chắc vào sức mạnh của mình và cảm thấy sẵn sàng chiến đấu. Anh, một người lính bình thường, sắp dốc hết sức lực của mình ra để đọ sức với quân thù trong cuộc chiến tranh.
Ố! Không phải cuộc chiến tranh 1914 mà người anh cả của anh đã kể cho anh nghe, một cuộc chiến tranh đã bị binh sĩ nguyền rủa và không mang lại lợi ích gì cho nhân dân.
Tất cả những cái đó, I-nha-chi-ép đã cảm thấy trong tâm hồn, trong trí óc và trái tim mình, vào cái ngày đẹp trời chan hòa ánh nắng ấy, trong cái buổi trưa tưởng như yên lành, khi anh nhìn thấy quân Đức đang nghỉ.
“Đúng, đồng chí chính ủy nói đúng”, anh vừa nghĩ vừa nhớ tới câu chuyện anh trao đổi với đồng chí ấy trong một thành phố bốc cháy.
Anh trở về địa điểm đã quy định, các bạn anh đang chờ anh.
- Có gì khác trên đường cái không? - Anh hỏi.
- Hết đoàn xe nọ đến đoàn xe kia. - Gia-vê-lép nói với giọng dửng dưng. - Ngỗng, gà kêu quang quác; chúng nó chở súc vật trên xe cam-nhông.
Trên khuôn mặt nhợt nhạt của anh, không còn nụ cười ranh mãnh. Hẳn một nỗi buồn sâu sắc đã xâm chiếm lòng anh trước cảnh hậu phương của quân thù.
-  Thế nào, quay về chăng? - Rô-đim-xép hỏi.
Anh vẫn giữ vẻ bình tĩnh thường ngày, vẻ bình tĩnh mà các bạn anh đã thấy lúc anh chờ những xe tăng Đức, vẻ bình tĩnh anh vẫn giữ khi anh thong thả phân phát những khẩu phẩn bánh mì cho bữa tối.
- Bắt lấy một thằng tù binh để hỏi tình hình, tin tức, phải như vậy. - Gia-vê-lép gợi ý.
- Làm được đấy. - I-nha-chi-ép hăm hở đáp. - Tôi đã có cách.
Và anh trình bày kế hoạch rất đơn giản của anh với các bạn.
Lòng I-nha-chi-ép khát khao hành động. Anh thấy mình phải chiến đấu ngày đêm, không nên để lãng phí một phút. Anh đã chẳng từng làm cho những người chế tạo vũ khí ở Tu-la phải phục lăn vì trí thông minh và sức khỏe không chế ngự nổi của anh trong công tác đó sao? Ngay ở trong làng, anh cũng đã nổi tiếng là thợ cắt cỏ ưu tú.
Họ báo cáo vơi trung úy kết quả của cuộc trinh sát. Trung úy cử I-nha-chi-ép đi tìm chính ủy. Bô-ga-rép đang ngồi dưới một gốc cây.
- À! Đồng chí I-nha-chi-ép, - Anh mỉm cười nói, - thế cái ghi-ta của đồng chí còn đấy chứ?
- Dĩ nhiên, thưa đồng chí chính ủy, hôm qua tôi vừa chơi cho anh em nghe. Tôi chằng hiểu làm sao tự nhiên anh em lại buồn thỉu buồn thiu, nói năng thì cứ thì thầm.
Anh chăm chú nhìn mặt chính ủy và nói:
- Báo cáo chính ủy, xin đồng chí giao cho tôi một việc gì cho ra việc để chúng nó biết tay chúng ta. Cứ nghĩ đến quân Đức vặn máy hát, qua lại trong rừng rậm của chúng ta là tôi lại phát điên lên.
- Khối việc phải làm. - Bô-ga-rép nói. - Chẳng thiếu đâu. Nhưng có một số việc đáng lo hơn cả: chuyện bánh mì, chuyện cho thương binh ăn khá hơn một chút, chuyện bắt một thằng tù binh. Sẽ có đủ việc cho các đồng chí.
- Đồng chí chính ủy, - I-nha-chi-ép năn nỉ đề nghị. -  đồng chí giao cho tôi một tổ năm người thôi, từ giờ đến chiều tôi xin hoàn thành mọi việc đó.
- Không nói khoác chứ? - Bô-ga-rép hỏi.
- Khoác hay không, xin để tự đồng chí xét sau.
- Nếu sai lời, đồng chí sẽ biết tôi đấy!
- Báo cáo chính ủy, rõ!
Bô-ga-rép ra lệnh cho Cơ-lê-nốp-kin tổ chức một tổ xung phong. Mười lăm phút sau, I-nha-chi-ép dẫn họ vào rừng, cạnh đường cái.
Nhiệm vụ đầu tiên chỉ mất ít thời gian. Anh đã nhìn thấy nhiều cánh rừng thưa đầy những quả “be” đỏ.
- Này, các cô em! - Anh gọi các chiến sĩ của anh. - xắn váy lên rồi bắt tay vào hái quả đi!
Ai nấy đều cười ha hả trước những câu bông đùa của anh, vừa cười thắt ruột vừa nghe anh kể hết chuyện nọ đến chuyện kia.
- Nhiều quá, nhiều “be” quá! Y như một tấm thảm đỏ dưới chân chúng ta! - Rô-đim-xép nói.
- Để dâu riêng ra, việt quất riêng ra, phúc bồn riêng ra; lấy lá mà ngăn. - I-nha-chi-ép dặn.
Bốn mươi lăm phút sau, tất cả gà-mèn và mũ đều đẩy ắp quả be.
- Đấy! Thật là đơn giản! - I-nha-chi-ép phấn khởi giải thích. - Ta sẽ nấu việt quất cho những anh đau dạ dày, nấu phúc bồn cho những anh sốt. Nước dâu chua, sẽ dành cho những người bị thương; các cậu ấy luôn mồm đòi uống.
Anh đã nhanh chóng tìm ra cách vắt quả lấy nước và để cho được thật trong, anh lọc qua một mảnh gạc gập làm đôi, lấy trong gói băng cá nhân của anh ra. Chả mấy chốc, vò nọ vò kia đầy tràn một thứ nước quả trong và sánh. Một con ruồi, không rõ từ đâu bay tới, đậu ngay lên. I-nha-chi-ép khuân tất cả vào trong những chòi cây nơi các thương binh đang rên rỉ. Người thầy thuốc già, thấy thế, nén một tiếng nức nở, chùi nước mắt và nói:
- Quân y viện cừ nhất cũng chẳng thể nào cung cấp cho thương binh cái này được, tôi tin là thế. Đồng chí cứu được khối anh em đấy, đồng chí chiến sĩ ạ, thế mà tên đồng chí tôi cũng không biết.
I-nha-chi-ép cảm động, nhìn người bác sĩ, phác một nụ cười, khoa khoa bàn tay một cái rồi bỏ đi. Sung sướng, tươi vui dào dạt trong anh.
Người chiến binh có nhiệm vụ theo dõi đường cái báo rằng có một cái xe vận tải Đức đỗ ở một khoảng rừng trống. Chắc hẳn là hỏng máy. Tụi Đức bàn bạc với nhau một lát rồi trèo sang một cái xe vận tải chạy qua, bỏ đi tất, kể cả tên tài xế.
- Thế có những gì ở trong xe? - I-nha-chi-ép sốt sắng hỏi.
- Bí mật! Vải bạt che kín mít,
- Cậu không nhìn à?
- Khó lắm! - Người lính đáp. - Xe cộ của chúng nó chạy đi chạy lại luôn, làm thế nào mà đến gần được.
- Hừ! Thôi đi, - I-nha-chi-ép kêu lên. - đồ nhát như chim sẻ.
Người kia tự ái:
- Phải! Còn anh, anh là đại bàng...
I-nha-chi-ép đi tới cái xe cam-nhông và gọi:
- Này, các cậu ơi, lại đây!
Họ kéo đến chỗ anh, ngắm nghía một cách thán phục khuôn mặt thực sự chủ nhân ông hớn hở và bận rộn của anh. Chỉ riêng mình anh là chủ những khu rừng này chứ không phải là ai khác. Anh nói bô bô, như đang ở nhà và đôi mắt hơi cười.
- Mau, mau lên! - Anh gọi. - Kéo đầu tấm vải đằng kia, giữ cho chặt! Thế. Đây là bánh mì chúng nó mang đến cho chúng ta. Các cậu thấy không, chúng nó te tái xoay xở làm hết cách để trao chúng ta bánh mới tinh, còn nóng giòn. Đến nỗi làm hỏng cả cái xe thổ tả này.
Anh bắt đầu ném hết ổ bánh này đến ổ bánh khác vào những tấm vải bạt trải rộng, mồm nói liến thoắng:
- Cái này, tụi Đức nướng quá lửa rồi; chúng không biết làm bánh theo kiểu nhà quê, phải trả lại thôi. Cái này, ngon đây! Rõ là thằng Han-xơ có để tâm vào đấy. Cái này thì lại cháy: thằng Héc-man làm hỏng bét. Cái kia xốp lắm: ngon nhất tất cả. Chính A-đôn-phơ* thân chinh thực hiện đơn đặt hàng của tớ.
*[Tức Hít-le]
Mồ hôi lấp lánh từng giọt trên vừng trán rám nắng cùa anh; mặt trời, qua đám lá cây, chiếu lấp loáng những vòng nắng sáng lên mặt anh, lên những ổ bánh ném tứ tung, lên những thành xe màu sẫm của chiếc ô-tô Đức, lên con đường cái cỏ mọc um tùm. Anh vươn cả người lên, làm xương kêu răng rắc, lau trán và nhìn rừng, nhìn trời, nhìn con đường...
Cứ y như một người đội trưởng sản xuất đứng trên đống rơm, anh nói.
- Này các cậu khuân cho tớ những cái này ra khỏi đây hai hay là ba trăm thước. Vùi tất cả vào trong bụi rồi ba chân bốn cẳng về ngay.
- Nhưng cậu cũng phải nấp đi chứ! Cậu có điên không đấy? Chúng nó đến đến nơi rồi.
- Các cậu bảo tớ đi đâu? - Anh nói với một vẻ ngạc nhiên. - Đây là khu rừng của tớ, thuộc về tớ, tớ làm chủ ở đây. Nếu tớ bỏ đi, người ta sẽ hỏi tớ: “Ông chủ ơi, ông đi đâu đấy?”.
Và anh không xuống xe. Sáo sậu, cà cưỡng hót lảnh lót trên đầu anh, tán dương lòng dũng cảm, tính vui vẻ và lòng tốt của anh. Anh bẻ vụn bánh, ném cho chim và sau cùng, chính anh cũng cất tiếng hát. Nhưng mắt anh vẫn đăm đăm nhìn không rời con đường cái thẳng tắp. Đột nhiên anh ngừng hát, dỏng tai, lim dim mắt, nghe ngóng tiếng động cơ.
Và xa xa chợt xuất hiện một đám bụi nhỏ, I-nha-chi-ep nhận ra một chiếc mô-tô.
-  Ông chủ ơi, chạy mà làm chi? - Anh tự hỏi lòng, giễu cợt.
Quả thật là: không phải với một chiếc mô-tô mà người ta có thể đến kéo đi hoặc chữa máy cho chiếc cam nhông. I-nha-chi-ép kiểm tra lại quả lựu đạn, nắm rõ chặt cái chuôi và ẩn vào trong cái hốc nơi vừa chuyển bánh mì đi. Chièc mô-tô rầm rầm lao vút qua, chẳng buồn giảm tốc độ nữa.
Một giờ sau, chiếc xe cam-nhông đã dỡ xong. Trước khi đi, I-nha-chi-ép đưa mắt thoáng nhìn vào ca-bin tài xế và thấy một chai rượu cô-nhắc thòi ra ngoài cái xà-cột treo ở thành xe. Rượu chẳng còn mấy nả. I-nha-chi-ép nhét luôn vào túi. Vừa lúc anh em khuân nốt chỗ bánh mì cuối cùng thì nghe cỏ tiếng động cơ nổ ở đằng xa.
I-nha-chi-ép chúi vào trong bụi chờ xem. Một chiếc xe giảm tốc độ lái quặt một vòng đỗ lại cạnh chiếc cam-nhông.
Bọn Đức la hét những gì I-nha-chi-ép chẳng hiểu mảy may một tiếng, nhưng chân tay chúng múa may, sắc mặt chúng và những bước đi của chúng làm cho anh không còn hồ nghi gì nữa. Thoạt tiên, chúng đưa mắt nhìn vào cái hố, nhìn xuống gầm xe cam-nhông, đoạn một thẳng hạ sĩ quan rầy la ầm ĩ một thằng cai, tên này đứng nghiêm cứng người lại. Giờ thì I-nha-chi-ép hiểu rằng tên hạ sĩ quan đang thét: “Thế nào, hả! Đồ súc sinh! Mày không thể để một đứa nào ở lại gác à? Đổ chuột ngày!”. Thằng cai, vẻ khổ sở, phác một cử chỉ: “Vì bốn xung quanh đều là rừng cả, làm thế nào mà bắt chúng ở lại được, những quân chó chết ấy?”. Thế là tên hạ sĩ quan lại thét: “Thế thì chính mày phải ở lại mới phải chứ, ngu như lợn. Bây giờ ấy à, tao sẽ tống giam hết chúng mày, đừng có mà bánh biếc gì nữa”. - “Tùy ông thôi”, tên cai thở dài đáp. và rồi tên cai lên tiếng chửi tên tài xế. I-nha-chi-ép phân biệt được trong những tiếng la mắng om xòm ấy: “Việc gì mà mày lại làm hỏng máy ở giữa rừng kia chứ! Chỉ được cái nốc rượu cả chai là giỏi!”.
Và tên tài xế, tức bực nhìn theo tên hạ sĩ quan vừa bỏ đi, trả lời tên cai bằng một giọng ngạo mạn: “Một hai ngụm rượu vang mà cũng ầm ĩ lên, lắm chuyện thế hả trời?”.
Sáo sậu nhảy nhót trên cành cây, như nhạo báng quân Đức. Một tên lính trong bọn nhặt được một đầu mẩu thuốc lá sát ngay bên chiếc cam-nhông liền đến giơ cho tên hạ sĩ quan xem. I-nha-chi-ép nhìn thấy tên hạ sĩ quan ngắm nghía mẩu giấy báo có chữ Nga. Nó hoảng hốt la lên: “Chúng nó đấy!”, và chìa mẩu thuốc lá cho bọn lính xem. Ấy thế là quân Đức như bị ma ám cả: chúng rút súng pa-ra-ben-lum ra, một số tên nắm lấy tiểu liên và bắn lên cây. Những cành mảnh dẻ và lá cây rụng xuống như mưa, trải đầy trên đường cái. I-nha-chi-ép bò tới những bụi rậm xa hơn, chỗ các bạn anh ẩn nấp cùng với bánh mì. Ở đó, anh vừa cười rộ, vừa kể cho các bạn nghe anh vừa nhìn thấy những gì. Anh rút chai rượu trong túi ra và nói:
- Còn mỗi một tẹo, chim sẻ mổ một cái là vừa cạn. Làm thế nào mà chia cho đủ sáu chúng mình đây? Có nhẽ chính mình phải uống thôi nhỉ.
Rô-đim-xép cẩn thận vặn nắp bình-toong ra và đưa cho I-nha-chi-ép cái nắp:
- Được rồi, được rồi, thôi, cậu uống đi, cầm lấy cái này.
Đến chiều, I-nha-chi-ép dẫn một tên tù binh tới chính ủy. Anh đã bắt nó một cách đơn giản lắm: cắt một sợi dây điện thoại, anh chăng một đầu dây dọc theo đường rồi cùng các bạn chui vào bụi rình. Một giờ sau, hai tên lính thông tin liên lạc đi qua tìm chỗ đứt.
Các chiến sĩ Hồng quân chồm ra khỏi chỗ ẩn. Một tên Đức định tháo chạy liền bị hạ ngay; còn tên kia, sững sờ kinh ngạc, bị bắt làm tù binh.
- Thưa chính ủy, ở trong rừng, tôi có một phương pháp rất hiệu nghiệm đối với chúng nó. - I-nha-chi-ép nói với một niềm phấn khởi vui mừng. - Muốn quật ngã những thằng đi mô-tô, tôi chăng một sợi dây cáp ngang qua đường, Đối với bộ binh, phương pháp cũng rất đơn giản: tôi buộc gà vào trong các bụi cây. Nghe tiếng gà kêu, bọn Đức ở xa tới hàng dặm cũng kéo đến.
- Làm ăn đứng đắn đấy, - Bô-ga-rép cười nói.
Trong bóng tối, Ru-mi-an-xép tập hợp các chiến sĩ bộ binh và pháo binh xếp thành hàng rồi đọc cho họ nghe một bản nhật lệnh quân đội tuyên dương người chiến sĩ trinh sát, Và từ sâu trong bóng tối, vang lên giọng nói của I-nha-chi-ép bước ra khỏi hàng quân.
-  Báo cáo đại úy, “vì Liên bang xô-viết phục vụ”.

Cứ nhớ đến cuộc rút lui khốn khổ của mình là Méc-xa-lốp thấy chán ngán, Một cảm giác nhục nhã không sao tha thứ được xâm chiếm người anh suốt cuộc rút lui ngắn ngủi, nó giống như một cuộc chạy tháo thân hơn là một cuộc rút lui của một đơn vị chính quy. Đối với anh, đau xót hơn cả là phải nhìn những con người do Mi-san-xki chỉ huy. Đại đội của anh ta đã thành mồi cho tình trạng suy sụp tinh thần; người ta cúi đầu bước, lê những đôi chân rã rời. Một số người trong bọn họ vũ khí cũng chẳng còn, Hễ có tiếng động, to hay nhỏ, họ cũng vểnh tai lên. Mắt họ lơ láo, dò xét bầu trời: có chiếc máy bay địch nào vừa lọt vào tầm mắt là họ chạy tán loạn ngay. Mi-san-xki đã cấm nổ súng lên máy bay và ra lệnh cho các binh sĩ hành quân xa đường cái nếu có thể, phải chọn những nơi nhiều cây cối và bụi rậm. Đại đội tiến lên ồn ào, hỗn tạp, kéo dài lê thê. Biết được tính do dự của các thủ trưởng, các binh sĩ thường phạm kỷ luật luôn. Ban đêm, nhiều binh sĩ quê ở vùng ngoại vi Séc-ni-gốp bỏ vũ khí và trở về làng theo một con đường nhỏ. Méc-xa-lốp ra lệnh bắt những người đó nhưng họ đã bặt tăm.
Ban ngày, những bộ phận tiền tiêu của trung đoàn đổ xuống một cánh đồng rộng, Họ nhìn thấy ở đằng xa, cách đó năm sáu cây số, vệt xanh xanh của một cánh rừng kéo dài đến tận bờ sông. Các chiến sĩ cảm thấy lòng mình lại can đảm lên. Ở đó, bên kia sông, quân ta đang đóng. Cuộc hành quân hiểm nghèo và mệt lả trong hậu phương địch sắp chấm dứt. Những con ngựa, đánh hơi thấy không khí ẩm ướt từ xa, hí lên và những người giám mã không cần phải điều khiển nữa.
Giữa lúc trung đoàn kéo dài lê thê đang cuốn tung bụi dưới hàng ngàn gót ủng, dưới những bánh xe ngựa cót két, dưới những lốp ô-tô mòn vẹt và những vòng xích rộng bè của các máy kéo thì một chiếc máy bay trinh sát của địch xuất hiện trên trời. Nó liệng một vòng rất nhanh trên con đường cái mù mịt rồi biến mất.
Méc-xa-lốp biết rằng thế nào cũng sắp chạm trán với quân thù. Dự kiến địch sẽ tấn công bằng đường không, anh ra lệnh cho các xe đẩy và cam-nhông đi trên đường phải giữ thật vững cự ly hai mươi thước, anh ra lệnh đưa những khẩu đại liên bố trí trên cam-nhông lên đầu và cuối hàng quân.
Anh tin chắc rằng trận tấn công sẽ từ trên trời ập xuống; anh nói với tham mưu trưởng bằng một giọng giận dữ:
- Đồng chí thiếu tá, trông đại đội của Mi-san-xki kìa, người nào đầu cũng ngửa lên trời. Cả Mi-san-xki cũng chăm chăm nhìn trời như một con chim ưng. Ấy thế mà trong rừng, hắn ta cứ cắm mặt xuống đất mà đi như một ông lão bảy mươi. Chẳng bao giờ hắn ngẩng đầu lên.
Lên đến đỉnh đồi, Méc-xa-lốp ngắm nhìn trời đất mênh mông bày ra trước mắt anh. Lúa bỏ không gặt nhấp nhô gợn sóng rì rào; những bông lúa vàng nặng chĩu ngả nghiêng, rạp mình dưới gió, để lộ những thân cây lúa nhợt nhạt. Tất cả cánh đồng thay màu đổi sắc, chuyển từ vàng hổ phách sang xanh lục nhạt. Đôi lúc ruộng đồng lại nhuộm một màu tái nhợt. Giống như màu xanh xao tang tóc trên một khuôn mặt hết máu. Cánh đồng nhợt nhạt hẳn, như hãi hùng vì sự ra đi của những đội quân Nga. Và ruộng lúa, trong niềm lo ngại, cúi rạp mình sát đất như cầu khẩn, lúc thì tái xám, lúc lại vươn cao những bông lúa mập, phô hết sắc đẹp phong phú tràn đầy nắng của mình.
Méc-xa-lốp ngắm nghía cánh đồng đó đây nổi bật lên những chiếc khăn tay trắng của những chị nông dân, ngắm nghía những chiếc cối xay lúa xa xa, những ngôi nhà nhỏ trong xóm làng in hình tít mãi đằng xa.
Anh nhìn bầu trời mà từ thời thơ ấu anh đã hiểu rõ xiết bao. Bầu trời mùa hạ oi bức, nhợt nhạt một màu xanh sữa, trên đó có những đám mây trôi nhanh, những đám mây nhỏ xíu, sạch bóng, với những hình dáng mơ hồ, trong suốt đến nỗi nhìn qua có thể thấy cả da trời xanh ngắt. Cánh đồng mênh mông ấy và bầu trời rộng ấy, trong nỗi lo âu vô hạn dường như van nài sự giúp đỡ của những người lính đang cuốn tung những lốc bụi trên con đường bốc lửa. Những đám mây bay từ tây sang đông, hầu như trên bầu trời Nga bị quân Đức xâm chiếm, có một bàn tay vô hình xua đuổi một đàn cừu trắng đông đảo.
Theo gót những người lính ra đi, những đám mây bay gấp tới đó, nơi chúng sẽ không bị cắt ngang vì cánh thép sắc của máy bay địch, và lúa rì rào, rạp mình chào sát đất những chiến sĩ Hồng quân, cầu khẩn mà chẳng hiểu tại sao nữa.
-  Thế này thì phát điên mất! - Méc-xa-lốp nói. -  Nhưng cần phải đổ cái gì ra, thì là máu chứ không phải nước mắt.
Một bà già, chân đi đất, một cái túi hầu như rỗng trên tấm lưng còng và một em trai nhỏ có đôi mắt to, lặng lẽ dõi theo những người lính rút lui; mắt họ nhìn, buồn bã và tối sầm, biểu lộ một sự trách móc chua chát khôn tả được. Bà già có tia mắt lờ đờ của một đứa trẻ ốm yếu; đôi mắt của đứa trẻ thì lại thất sắc vì mệt nhọc, như một ông già. Họ đứng sững ở đó, mất tăm trong cánh đồng mênh mông.
Cái ngày thật gian truân! Chẳng bao giờ Méc-xa-lốp có thể quên được nó. Anh chờ quân thù xuất hiện trên trời, nhưng nó lại đến ở dưới đất. Trong một trận tác chiến ngắn ngùi, Méc-xa-lốp mất đoàn xe cũng như đại đội của Mi-san-xki, đơn vị này đã bỏ chạy vào rừng, cả binh sĩ lẫn chỉ huy.
Trời vừa tối thì trung đoàn tới bờ sông. Cuộc hành quân mệt lả chấm dứt. Nhưng trung đoàn trưởng không lấy thế làm mừng, lòng anh bị giày vò vì bao ý nghĩ đầy chua xót.
Tham mưu trưởng đến gặp anh để trao cho anh bản báo cáo của đồng chí phụ trách công tác chính trị đại đội 2. Một chiến sĩ đã tự động ở lại trong một cái trại, sau khi tuyên bố với anh em là hắn đã quyết định yêu con nữ chủ trại góa chồng. Méc-xa-lốp ra lệnh phái một chiếc cam-nhông nhỏ đi bắt tên đào ngũ về. Đến đêm, anh em dẫn hắn đến ban tham mưu trung đoàn, hắn đã cải trang thành người nông dân đi giày rơm. Hắn đã buộc một hòn đá vào bộ quân phục và đem dìm xuống ao. Méc-xa-lốp theo dõi từ xa câu chuyện mà anh em chiến sĩ trao đổi với hắn.
- Thế cái mũ sao đỏ, cậu cũng ném xuống nước rồi à? - Đồng chí xạ thủ số 1 trong một tổ đại liên hỏi.
- Ừ, - tên đào ngũ, vẻ ủ ê, thản nhiên, đáp.
- Cả khẩu súng trường của cậu nữa? - Xạ thủ số 2 hỏi.
- Tớ còn cần gì đến nó, vì tớ ở lại trại cơ mà.
- Nó dìm cả linh hồn của nó xuống ao rồi! - Gơ-lút-scốp nói, anh là một chiến sĩ người dỏng cao, tính hay cáu kỉnh, có một người em đã tử trận trong một trận chiến đấu chống thiết giáp địch.
- Việc gì tớ phải vứt linh hồn đi? - Tên đào ngũ chạm nọc vừa hỏi lại, vừa gãi chân.
Đồng chí hạ sĩ dẫn tên đào ngũ về, nói với một nụ cười tinh tế:
- Chúng tôi đến vừa lúc hai đứa sắp đi nằm, nó với con chủ trại góa chồng. Chúng nó sửa soạn giường chiếu chu đáo lắm. Trên bàn có một cái chai đã cạn và hai chiếc cốc nhỏ. Chúng đã ngồi ăn thịt nướng với nhau.
- Phải dẫn cả cái con quạ mổ ấy đến cùng với nó và bắn chết cả hai đứa đi! - Đổng chí xạ thủ số 1 thốt lên.
- Phải dẫm bẹp nó dưới gót giày! - Người lính gày có bộ mặt mệt lử và đôi mắt long lanh vì sốt rét nói thêm.
Méc-xa-lốp đến gần tên đào ngũ. Anh hình dung thấy lại tất cả cái ngày đau đớn ấy: lúa má, đất trời, bà cụ già, đứa em bé... đều trách móc bộ đội rút lui, và, lần đầu tiên trong đời, anh thốt ra những lời tàn nhẫn, kinh hoàng:
- Đem nó ra bắn trước hàng quân!

Anh không chợp được mắt suốt đêm.
“Không, ta không quỵ, - anh tự nhủ, - ta sẽ có đủ nghị lực cho cuộc chiến tranh này”.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét