Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

Nhân Dân Bất Diệt - Chương 21

Nhân Dân Bất Diệt

Tác giả: Vasily Grossman
Người dịch: Trần Mai Chính
NXB Quân Đội Nhân Dân - Năm 1963

Tại Bộ Tham Mưu Của Bơ-ru-smuy-le

Đại tá Bơ-ru-smuy-le, chỉ huy trưởng một đơn vị quân Đức chuẩn bị công kích phòng tuyến bờ sông, đương tiếp đại tá Gơ-ruyn, đại diện của Bộ Tổng tư lệnh mới tới chiều hôm trước.
Buổi sáng cái hôm quân Nga đột ngột phản công, họ ăn sáng với nhau và ngồi uống cà-phê ở bộ tham mưu đóng trong một ngôi trường học. Bơ-ru-smuy-le và Gơ-ruyn, quen nhau từ lâu, đã trò chuyện đến tận khuya về tình hình chiến sự và tình hình trong nước; Ở mặt trận, Gơ-ruyn giữ một cương vị cao hơn viên đại tá kia, nhưng hắn vẫn tôn trọng người chủ tiếp mình. Trong quân đội Đức quốc xã, Bơ-ru-smuy-le có tiếng là một sĩ quan tài năng, một bậc thầy trong những trận đánh bằng pháo binh. Tướng Bơ-rô-sít một hôm đã nói về hắn: “Cái lão Bơ-ru-smuy-le cũng không hổ với cái danh của mình”. Có lẽ hắn ta muốn ám chỉ đến cái tiếng trứ danh, đồng âm với tên của lão đại tá đã trở thành nổi tiếng về cái nghệ thuật của hắn sử dụng trọng pháo tập trung bắn phá dày đặc trước khi mở cuộc tấn công trên mặt trận Tây, trong chiến dịch năm 1914. Và, phớt cả hệ thống quan cách rắc rối của quân đội chỉ cho phép chuyện trò tâm sự với những người cùng cấp, lão Gơ-ruyn gầy nhom đã tin cậy kể hết cho tên đại tá béo hói đầu biết về tâm trạng của những sĩ quan cao cấp trên bộ tổng tham mưu, cũng như về tình hình nội trị của nước Đức. Những tin tức đó đã làm cho Bơ-ru-smuy-le rất đỗi hoang mang và buồn bã.
- Phải, - hắn nói với một vẻ bình dị làm cho Gơ-ruyn thấy chướng. - trong khi ở đây chúng ta đương chiến đấu, thì ở đó họ xâu xé lẫn nhau. Rốt cuộc những kẻ mưu đồ ấy - các ông kỹ nghệ gia, các đảng viên quốc xã, các tướng tá của bè này phái kia - sẽ làm cho tình hình trờ nên rắc rối. Cần phải nói dứt khoát: nước Đức tức là quân đội; quân đội chiến đấu tức là nước Đức. Phải là chúng ta, chứ không phải bất cứ ai khác, được quyết định mọi việc, giải quyết mọi việc.
- Không, - Gơ-ruyn đối đáp lại. - mai tôi sẽ nói cho anh nghe những chuyện không kém gì quan trọng so với những thắng lợi quân sự và nó càng ngày càng thêm nghiêm trọng, càng ngày càng làm cho các ngài sĩ quan cao cấp không thể chịu đựng được nổi. Có lúc, tình hình thật là ngược đời.
Nhưng sớm hôm sau, hắn không tiếp tục được câu chuyện, vì quân Nga đã đột ngột mở cuộc tấn công và hai viên đại tá đã phải tập trung chú ý vào những việc xảy ra trong ngày.
Liên lạc giữ được rất đều. Ngồi ở vị trí tham mưu của mình, Bơ-ru-smuy-le hoàn toàn nắm được diễn biến của trận đánh: cứ năm hoặc mười phút một, điện đài và điện thoại lại báo cáo về kết quả tác chiến.
- Thông thường, quân Nga dàn đều lực lượng khắp phòng tuyến, đánh vỗ mặt. Đó là cái mà họ gọi là “tấn công chính diện”. - Gơ-ruyn nhìn bản đồ nói. - Có lẽ tự họ cũng nhận thấy đánh như thế là không hiệu quả. Trong những nhật lệnh của họ, họ nhắc đến vấn đề ấy luôn. Nhưng nhật lệnh thì vẫn cứ nằm trên giấy. Chính trong cái chiến thuật ấy thể hiện tính dân tộc của người Nga.
- Ồ, dân tộc tính, - Bơ-ru-smuy-le trả lời. - cái người Nga, dân tộc tính của họ mới quái gở. Nhưng này, tôi chưa bao giờ nắm được đặc tính của tên chỉ huy địch đấy. Cái đặc tính ấy lờ mờ quá, chẳng rõ nét tý nào. Tôi không làm sao hiểu được nó thích cái gì, nó ưa loại vũ khí nào. Điều đó chẳng làm cho tôi thích thú, vì tính tôi không ưa những cái gì mù mịt.
- Ồ, không thể mong gì ở đây được. - Gơ-ruyn nói. -  Chúng ta đã đặt họ đứng trước tất cả những cái phức tạp của chiến tranh hiện đại. Máy bay, chiến xa, nhảy dù, hành quân, hiệp đồng công kích, vận động chiến trên ba chiều.
- Tuy thế hiện nay ở mặt trận chúng tôi, họ được trang bị một số lượng khổng lồ những chiến xa hạng nặng và máy bay kiểu mới. Nhưng đáng chú ý đặc biệt, là những máy bay có thiết giáp của họ, những cái máy bay đen trùi trũi mà binh lính ta mệnh danh là “Thần chết áo đen”.
- Phải, nhưng chúng cũng chẳng làm được gì nên chuyện. Trông đây thì biết. - Gơ-ruyn chỉ vào bản thông báo tình hình mà người thư ký vừa đánh máy.
Bơ-ru-smuy-le mỉm cười.
- Chúng ta hãy nói thẳng với nhau, - hắn nói. - tình hình ở đây diễn ra theo một chiều hướng mà anh hay tôi, vấp phải một hệ thống phòng ngự như vậy cũng đành chịu thất vọng thôi.
Và tì bộ ngực rộng của hắn vào mép bàn, hắn bắt đầu trình bày rất sôi nổi về cái chiến thuật chỉ huy xạ kích của hẳn.
- Điều đó làm tôi lại nhớ tới thứ đồ chơi mà thằng bé nhà tôi vẫn chơi, - Hắn nói. - đó là một cái vòng trong đó lồng một cái vòng khác và trong vòng thứ hai này lại lồng một cái thứ ba, ngoắc vào cái thứ nhất. Đố ai đoán được tháo tung chúng ra như thế nào. Không thể đập gẫy được, nó bằng thép. Ấy thế mà bí quyết chính là chúng tự tách rời ra ở cái chỗ người ta tưởng là chắc nhất, dày nhất.
Điện thoại và điện đài đưa lại những tin tức khả quan của tiểu đoàn, của các đại đội, các khẩu đội: đợt xung phong của quân Nga đương yếu dần.
- Không biết làm thế nào mà quân Nga có thể tiến được tám trăm mét. Không thể phủ nhận được tinh thần dũng cảm của họ. - Gơ-ruyn châm một điếu thuốc, nói.
Rồi hắn hỏi:
- Anh định bao giờ thì chọc qua sông?
- Ba ngày nữa, - Bơ-ru-smuy-le trả lời. - tôi đã có lệnh.
Tự nhiên hắn khoái chí đưa tay lên xoa bụng.
- Ăn khỏe như tôi mà lại ở Đức thì không biết rồi sẽ làm như thế nào? Chắc chắn là chết đói mất. Gớm thế, tôi đã thấy đói rồi đấy, - hắn tuyên bố. - ở đây tôi tổ chức khéo lắm. Tôi đánh nhau từ ngày mồng 1 tháng Chín năm 1939. Xin lấy danh dự mà nói tôi có thể làm được đầu bếp ở một khách sạn quốc tế to nhất. Tôi đã đặt ra cho mình một nguyên tắc: phải chén những món ăn dân tộc của những nước mà tôi đánh nhau ở đấy. Tôi theo chủ nghĩa thế giới trong vấn đề ăn uống.
Hắn đưa mắt nhìn Gơ-ruyn: một con người gầy nhom chỉ uống cà-phê đen, chỉ gọi món xúp cùi bánh và thịt gà luộc mà nghe những chuyện này thl biết gì là thú vị? Có lẽ cái tính phàm ăn mà mình khoe khoang làm cho Gơ-ruyn khó chịu chăng?
Nhưng tên này ngồi nghe cứ mỉm cười: câu chuyện sinh động về những bữa ăn của tên đại tá vừa kể cho hắn, hắn nghe cũng khá thích, về Bá-linh kể lại chuyện ấy thì cũng lý thú đấy.
Và Bơ-ru-smuy-le, phởn lên, tiếp tục:
- Ở Ba-lan, tỏi đã ăn cái món dơ-ra-du và phờ-lác. Ngon tuyệt; ăn bánh bột viên, món cơ-nút-sơ, món ma-duyếc-ca tẩm đường, uống rượu stác-ca. Ở bên Pháp thì ăn đủ các loại ra-gu, rau, ác-ti-sô, gà vịt non quay và nhấm nháp các thứ rượu thực đế vương. Ở Hy-lạp, mồm tôi sặc những mùi tỏi như một mụ tiểu thương già và tôi ăn hồ tiêu nhiều không thể tả được, tưởng đến cháy cả ruột gan, Và ở đây, lợn sữa, ngỗng, gà tây ăn thì mê lắm; món va-rê-ni-ki là cái món bột trắng luộc nhồi anh đào, phó-mát trắng và tưới kem mới đánh lên. Hôm nay thế nào anh cũng phải nếm thử một tý cho biết mùi.
- Ồ, không, không! - Gơ-ruyn cười nói và đưa tay ra như muốn chổng đỡ một cái gì nguy hiểm. - Tôi còn muốn về được Bá Linh, trông thấy vợ thấy con.
Vừa lúc đó, người sĩ quan phụ tá tới báo tin rằng bộ đội thiết giáp xô-viết đương rút lui, dùng hỏa lực yểm hộ cho bộ binh rút; rằng không quân đỏ không còn thấy bay lượn trên trận địa bộ binh nữa;  rằng pháo các cỡ đã ngừng bắn.
- Đó, cái mà anh gọi là mù mịt đấy! - Gơ-ruyn nói.
- Không, không phải thế đâu. - Bơ-ru-smuy-le cau mày đáp. - Tôi biết tính anh chàng I-van dai như đỉa.
- Anh vẫn cứ tin vào cái mù mịt ấy ư? - Gơ-ruyn hỏi với vẻ chế giễu.
- Tôi tin vào vũ khí của chúng ta. - Bơ-ru-smuy-le trả lời. - Quân Nga có thể là đã mất sức rồi và cũng có thể là không. Không thì đúng hơn, Nhưng điều quan trọng đối với tôi là cái này...
Hắn ngửa bàn tay vỗ xuống tấm bản đồ.
Trên tấm bản đồ đó, giữa những chỗ màu xanh lá cây của những khu rừng và màu lam của sông nước, có vẽ những vòng tròn bằng chì đỏ đánh dấu những trận địa pháo và súng cối Đức.
- Đấy, tôi tin là tin vào cái này. - Bơ-ru-smuy-le nhắc lại.
Hắn nói những câu đó với một giọng chậm rãi có ngụ ý. Và Gơ-ruyn thấy hình như Bơ-ru-smuy-le muốn ám chỉ không phải chỉ là sự cố gắng đeo đuổi chiến tranh của quân Nga, mà còn đến cả vấn đề trong câu chuyện hôm trước.
Mười lăm phút sau, có tin điện thoại báo cáo là quân Nga lại hoạt động trở lại.
Đợt tấn công đầu tiên của máy bay oanh tạc nhằm vào những khẩu trọng pháo. Ngay lát sau, có tin xe thiết giáp hạng nặng xô-viết đã phát hiện được các vị trí súng cối của tiểu đoàn và đã dùng hỏa lực pháo 75 ly nã vào đó. Rồi đến lưọt thiếu tá Svan-be báo cáo với một giọng bình tĩnh rằng hắn cùng với các khẩu 105 của chúng đương nằm dưới hỏa lực dữ dội của trọng pháo xô-viết.
Bơ-ru-smuy-le hiểu ngay rằng lực lượng quân Nga không còn phân tán bình quân trên khắp chính diện nữa mà đã tập trung vào một mục tiêu rõ rệt. Và hắn cảm thấy đau nhói, hầu như có một mũi gươm nhọn đang lăm le đâm vào hắn. Sự liên lạc giữa hắn với các đơn vị đã quá chặt chẽ, và hắn quen như thế đến nỗi nó đã trở thành một mối quan hệ về thể xác. Tự dưng hắn đưa tay lên ngực như muốn xoa dịu cái cảm giác lo ngay ngáy đương đè nặng lên hắn, nhưng vô hiệu.
Máy bay oanh tạc Nga chỉ vừa đi khuất thì máy bay tiêm kích đã xuất hiện trên đầu trận địa pháo. Các khẩu đội trưởng báo cáo là pháo không tài nào bắn được vì các pháo thủ đã trốn hết vào trong hầm.
- Tiếp tục bắn bằng được với mật độ dày đặc nhất. - Tên đại tá ra lệnh.
Hắn đã tập trung tinh thần với một sự cố gắng tuyệt vọng. Hắn tên là Bơ-ru-smuy-le, hẳn nổi tiếng và được tín nhiệm trong quân đội, thì đó không phải là chuyện xuông. Thực ra, hắn ta là một con nhà võ có kinh nghiệm, kiên quyết và khôn khéo. Ngay từ ở trường võ bị, các giáo viên đã biểu dương hắn là một người tiêu biểu cho hàng ngũ những sĩ quan ưu tú của quân đội Đức quốc xã.
Tất cả những ổ răng cưa của guồng máy tham mưu hoàn toàn tốt, dầu mỡ đầy đủ và chạy rất đều, như rùng mình dưới cái quyết tâm của hắn đang bốc lên, và lập tức bắt đầu quay. Các chuông điện thoại vang lên; người cần vụ và các sĩ quan sơ cấp tíu tít đi lại như con thoi giữa nơi đặt các điện đài dã chiến và phòng của viên đại tá, các máy phát vô tuyến điện lách tách không lúc nào ngơi; các liên lạc viên mô-tô, sau khi tợp vài hớp rượu snáp Nga, nắn lại mũ ca-lô, rời khỏi sân trường trong một đám bụi mù và lao đi trên các con đường lớn, nhỏ.
Bơ-ru-smuy-le đích thân gọi dây nói cho các khẩu đội trưởng.
Máy bay tiêm kích xô-viết vừa đi khuất thì máy bay oanh tạc lại bay lượn trên đầu trận địa pháo binh một lần nữa. Lúc này Bơ-ru-smuy-le mới nhận ra rằng viên chỉ huy quân Nga đã tự đề ra cho mình nhiệm vụ phá hủy và tiêu diệt những phương tiện hỏa lực chủ yếu của Đức. Hai khẩu súng cối cùng pháo thủ đã bị tiêu diệt. Quân Nga tuần tự nhằm bắn hết vị trí hỏa lực này đến vị trí khác.
Bơ-ru-smuy-le gọi đến tiều đoàn bộ binh dự bị, nhưng một lát sau, người ta báo cáo cho hắn rằng những máy bay cường kích màu đen của Nga đã sà xuống bắn phá đoàn xe cam-nhông đang trên đường tiến ra tiền duyên, tưới bom và xả súng máy xuống đoàn xe. Bơ-ru-smuy-le hạ lệnh bỏ xe đấy, xuống đi bộ. Một việc không thể thực hiện được, vì quân Nga đã tập trung hỏa lực bắn phá đường làm cho đường sá không còn dùng được nữa.
Lần đầu tiên trong đời, viên đại tá cảm thấy bị chọc gậy bánh xe. Một ý chí bên ngoài làm tê liệt sự chủ động của hắn, gây rối loạn cho những mệnh lệnh của hắn. Cái cảm giác bị một nhà quân sự ở phía bên kia mặt trận chiếm mất ưu thế, dù chỉ là trong chốc lát, đã làm cho hắn không thể chịu nổi.
Hắn bỗng nhớ lại một lần, cách đây một năm, khi còn ở bên Pháp, hắn cứ muốn dự vào một cuộc mổ xẻ cực kỳ phức tạp của một giáo sư nổi tiếng trên thế giới, một chuyên gia về đục xương vừa mới tới mặt trận. Nhà bác học thò vào mũi của bệnh nhân đang ngủ một dụng cụ kỳ quặc, dài và dễ uốn, một cái gọi là cái kim hay con dao cũng được. Những ngón tay thoăn thoắt của ông ta thọc cái dụng cụ bóng loáng ấy sâu mãi vào trong mũi người bệnh. Người ta giải thích cho Bơ-ru-smuy-le rằng chỗ giải phẫu ở khoảng phía trên hậu chẩm, và nhà giáo sư luồn cái dụng cụ mềm uốn của ông ta vào chỗ bị đau ở giữa sọ và óc. Bơ-ru-smuy-le xem giải phẫu mà phát khiếp. Và lúc này, hắn cảm thấy hỉnh như địch thủ của hắn cũng có cái bộ mặt xương xẩu và chăm chú, có những ngón tay thoăn thoắt như người thầy thuốc kia đã thò chiếc dụng cụ bằng thép của mình vào khoảng giữa những trung tâm thần kinh mỏng manh tinh xảo và những đám mao mạch nhằng nhịt.
Lộn ruột, viên đại tá gọi người sĩ quan phụ tá.
- Tại sao anh còn ở đây? Anh không phải là một pháo thủ, một sĩ quan hay sao? Chính mồm anh đã báo cáo cho tôi tin về ba khẩu đội trưởng bị hy sinh và về cái chết anh dũng của thiếu tá Svan-be, người bạn chiến đấu tốt nhất của tôi. Nhiệm vụ con nhà binh của anh đòi hỏi anh phải tự mình xin được cử ra tiền duyên. Có lẽ anh tưởng nghĩa vụ quân sự của anh chỉ là bắn chết những bà già và trẻ con bị tình nghi là ủng hộ quân du kích hay sao?
- Thưa ngài đại tá, - tên sĩ quan bị sỉ nhục nhìn Bơ-ru-smuy-le, nói. - thưa ngài đại tá, tôi xin hân hạnh đề nghị ngài cử tôi ra tiền duyên.
- Đi đi. - Bơ-ru-smuy-le nói.
- Cái gì thế vậy? - Gơ-ruyn hỏi.
- Cái thằng người Nga thế là đã để lộ ra đặc tính của nó chứ còn cái gì.
Hắn lại cúi xuống bản đồ. Kẻ địch vẫn bình tĩnh tiến hành công việc của mình. Bơ-ru-smuy-le giờ đây đã thấy bộ mặt của kẻ ấy.
“Bộ binh Nga xung phong vào trận địa pháo binh của ta”, băng điện tín dã chiến báo cáo lên như vậy. Vừa lúc đó, một tên sĩ quan chạy tới:
- Thưa ngài đại tá, trọng pháo Nga tập kích vào sườn quân ta.
- Không, dù sao ta cũng sẽ thắng. - Bơ-ru-smuy-le suy tưởng nói. - Hắn không thể ăn đứt ta được.
Gió xô cửa sổ đập thình thình và những cánh cửa ra vào kêu cót két; gió rung một tấm bảng thông cáo treo trên tường. Nghiêng trên một tờ giấy bị gió thổi phần phật, cái đầu hung hung, bù xù, rũ rượi của một thủy tổ loài người như đang trệu trạo nhai hai hàm răng một cách bướng bỉnh.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét