Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

Nhân Dân Bất Diệt - Chương 22

Nhân Dân Bất Diệt

Tác giả: Vasily Grossman
Người dịch: Trần Mai Chính
NXB Quân Đội Nhân Dân - Năm 1963

Cái Chết Sẽ Không Thắng

Những vọng quan sát của Ru-mi-an-xép được đặt gần ngay quân Đức. Trung úy Cơ-lê-nốp-kin nấp trong bụi rậm trông thấy hai tên sĩ quan ở trong hầm ngầm ra đương uống cà-phê và hút thuốc; anh trông thấy tên điện thoại viên chuyển báo cáo tới cho chúng, và một trong hai tên này, có lẽ là cán bộ cao cấp, hạ lệnh cho nó. Cơ-lê-nốp-kin chán ngán nhìn đồng hồ. Tiếc rằng anh đã không biết tiếng Đức, nếu không anh đã có thể nghe lỏm được câu chuyện của chúng không sót một tiếng nào. Những pháo thủ lựu pháo bố trí ở rìa rừng, cách nơi Cơ-lê-nốp-kin nấp một cây số. Bộ binh tập trung ở đó. Thương binh được đưa tới gần hơn, nằm trên cáng hoặc trong xe, sẵn sàng theo bộ binh tiến vào đột phá khẩu bất cứ lúc nào.
Điện thoại viên Mác-ti-nốp, nằm bên Cơ-lê-nốp-kin, theo dõi tên điện thoại viên Đức với vẻ chăm chú nhất. Tên Đức đồng nghiệp với anh ta làm cho anh ta vừa thích thú vừa khó chịu.
- Cái mặt thằng cha láu cá gớm, trông có vẻ dân ma men, - Mác-ti-nốp lẩm bẩm - không sao, cái thằng Đức ấy, nếu có đặt nó trước máy của chúng ta thì nó cũng chẳng hiểu mù tịt gì.
Tinh thần mọi người đều căng thẳng đến cực độ, kể từ Cơ-lê-nốp-kin phục ở cách cái hầm quân Đức không xa bao nhiêu, cho đến anh em thương binh và chú bé Lê-ô-nít đang ở trong cánh rừng tranh tối tranh sáng, chờ đợi giờ xuất phát tấn công. Họ nghe thấy tiếng đại bác nổ rền, tiếng tiểu liên và súng máy bắn, tiếng bom nổ, Những máy bay có ngôi sao đỏ trên cánh luôn luôn rú trên đầu họ bay về phía quân Đức. Họ phải cố kìm lại để khỏi vỗ tay hoan hô và reo lên vì sung sướng khi các máy bay ta bổ nhào xuống các chiến xa Đức.
Bô-ga-rép hồi hộp không kém gì các anh em khác. Anh cũng thấy rằng Ru-mi-an-xép và anh chàng Cô-xlốp gan dạ và vui tính kia chờ đợi đã nóng cả ruột. Những giai đoạn của cuộc tấn công, được quy định thống nhất từ trước, đã vượt cả rồi. Giờ quy định để tổng công kích đã qua, nhưng vẫn chẳng thấy pháo hiệu gì cả, Khi tiếng súng vang lại to hơn, các cán bộ ngừng chuyện, dỏng tai nghe, mắt chăm chú. Nhưng vẫn không thấy gì. Chẳng thấy động tĩnh gì về Méc-xa-lốp cả.
Anh em bộ đội đóng ở đằng sau lưng quân địch đã nghe thấy những tiếng động của trận đánh một cách khác thường, nói là kỳ quặc thì đúng hơn. Những tiếng đó vẳng tới với một dấu âm: những tiếng nổ là đạn đại bác Nga, còn những tràng liên thanh là của Đức. Thỉnh thoảng, một viên đạn lạc rít trên đầu họ và đó là tiếng rít của những viên đạn Nga; trong khi đó tiếng tiểu liên và những tràng liên thanh nổ rào rào nghe rất ghê rợn, đáng sợ. Và nghe những tiếng động lộn ngược như thế của trận đánh càng làm cho mọi người thêm hồi hộp.
Các chiến sĩ Hồng quân nấp sau các gốc cây, trong các bụi rậm, giữa những thân cây gai cao. Tai nghe ngóng, họ dõi nhìn khoảng không trong vắt của buổi mai đây đó đục những khói và bụi bốc từ dưới đất lên.
Chao ôi! Đất lúc này mới đẹp làm sao! Những nếp gợn nặng nề của nó, chất đất vàng của nó, những khe rãnh nhỏ um tùm cỏ gai và ngưu bàng bụi bậm của nó, những hố trong rừng của nó, đối với con người ta mới thật bao dung hào phóng làm sao! Đất bốc lên một mùi hương xiết bao thơm ngát - mùi lá mục, mùi bụi, mùi rừng ẩm, mùi nấm, mùi quả nạc héo và những cây leo lúc khô lúc ẩm. Gió từ những cánh đồng đưa tới hương ấm hiu buồn của những bông hoa đang tàn, cũng như của những ngọn cỏ úa. Trong bóng rừng chạng vạng chợt có những tia nắng xuyên qua, một tấm mạng nhện đẫm sương bỗng ánh lên những sắc cầu vồng, như do phép mầu của thanh bình và yên tĩnh.
Đây là Rô-đim-xép, đương nằm úp mặt xuống đất. Anh ta ngủ thật ư? Không. Đôi mắt anh ta đương chăm chú nhìn một cây tầm xuân ở ngay cạnh anh. Anh hít mạnh hương đất. Anh say mê và chăm chú theo dõi những cái đương diễn ra quanh bên anh: những con kiến đương theo hàng dọc chạy trên một con đường mà mắt người ta không nhìn thấy; chúng kéo những ngọn cỏ, những cành con. “Có lẽ chúng nó cũng đương chiến tranh - Rô-đim-xép nghĩ bụng - đây là những đoàn kiến bị tổng động viên đi đào hào, đào hầm hố. Hoặc là một lão chủ nào đó xây nhà mới và đây là những thợ mộc, thợ nề đương đi làm việc...”.
Rộng lớn biết bao là cái thế giới mà mắt anh đương ngắm nhìn, mà tai anh nghe thấy, mà mũi anh đương hít thở cùng với khí trời. Một thước đất ở cửa rừng, một bụi tầm xuân. Cái thước đất ấy sao mà to đến thế. Cái bụi cây tàn úa ấy sao mà phong phú đến thế. Một kẽ nứt nhỏ gợn mặt đất. Đàn kiến vượt qua bằng một cái cầu, đội hình chỉnh tề, con nọ nối đuôi con kia. Bên kia khe nứt, những con đi ngược chiều kiên nhẫn đứng đợi. Một “mụ” bọ to béo “mặc áo dài đỏ” đang tung tăng tìm lối sang. Ô kìa! Một chú chuột đồng, mắt long lanh, đứng dựng lên trên hai chân sau và, không một hai gì cả, lao thẳng vào đám cỏ. Một cơn gió nổi lên: những ngọn cỏ cong mình, ngả xuống mỗi cái một kiểu. Những ngọn này, ngoan ngoãn và nhanh nhẩu, rạp xuống đất; những ngọn khác thì cứng đầu cứng cổ rung rung và khua những thân cành mảnh dẻ của chúng, bé xíu như một con chim sẻ. Những trái tầm xuân, vàng, ửng đỏ, nung chín dưới ánh mặt trời như đất sét nung lửa, lảo đảo trên bụi cây. Tấm mạng nhện bị “chủ” bỏ từ lâu, rung rinh trước gió. Những chiếc lá khô, những mẩu vỏ cây nho nhỏ bị giắt vào đó và một góc mạng nhện chĩu xuống dưới sức nặng của một trái hạt dẻ trông như một chiếc lưới bị sóng bể đánh dạt vào sau khi người đánh cá đã chết.
Mênh mông vô tận là những đất đai và những cánh rừng kia! Cơ man nào là thước đất không thể đo xuể, ở đó cuộc sống đang trị vì! Cơ man nào là buổi bình minh còn rực rỡ hơn buổi hôm nay mà anh, Rô-đim-xép, không hề biết đến! Cơ man nào là những trận mưa rào, tiếng chim kêu, gió mát và sương đêm! Cơ man nào lao động! Ôi! Vui biết mấy là những giờ anh đi làm về, nghe vợ anh hỏi với một vẻ nghiêm nghị nhưng bên trong có chiều âu yếm: “Ăn bây giờ chứ?”. Và trong hơi ấm thanh bình của gian nhà gianh, anh ngồi ăn khoai tây nghiền tưới dầu; anh nhìn con, nhìn hai bàn tay rám nắng của vợ. Đời còn dài... Biết thế nào mà nói? Bởi vì rất có thể lát nữa, chỉ trong năm phút thôi, nó sẽ chấm dứt. Thế mà có đến hàng trăm người lính đang nằm kia, cũng như anh, nghĩ đến nhà, đến vợ, đến con; đang nằm ngắm trời, ngắm đất, ngắm cây cối, bụi cỏ; đang nằm hít thở hương thơm buổi sáng. Trên đời không có gì đẹp bằng mảnh đất này.
I-nha-chi-ép mơ màng nói với một đồng chí:
- Một lần mình đã nghe thấy hai ông trung úy cao xạ pháo nói với nhau, họ bảo: thế là chúng mình bước vào chiến tranh, vậy mà chung quanh ta là vườn tược, là chim hót, cứ hình như công việc của chúng ta không dính dáng gì đến chúng. Còn mình, mình nghĩ như thề này. Không phải như vậy. Hai cái ông trung úy ấy, họ không hiểu thực chất vấn đề. Chiến tranh đã không tha bất cứ cái gì. Này nhé, ngựa chẳng hạn, chúng nó cũng đau khổ. Hoặc là, mình còn nhớ, khi chúng ta ở Rô-ga-sép. Ở đấy, lúc còi báo động, bọn chó chẳng chạy rúc hết cả vào các hầm chứa đấy hay sao? Mình đã để ý thấy có một con chó cái đem giấu con vào một hầm trú ẩn. Hết báo động, nó lại đưa con ra ngoài. Còn gà, vịt, ngỗng nữa, chúng nó không khổ sở vì bọn Đức hay sao? Ngay ở đây, ở khắp nơi, ở trong rừng, mình để ý thấy chim muông đều hoảng hốt: mỗi lần có máy bay tới, chúng nó bay lên hàng đàn, kêu quang quác, làm nhộn lên, nhốn nháo. Biết bao nhiêu rừng đã bị phá trụi! Biết bao nhiêu vườn tược! Hoặc là vừa rồi mình nghĩ bụng như thế này: mình tác chiến trên một cánh đồng. Chúng mình cả thảy gần một nghìn người bố trí ở đấy. Thế là, mẹ kiếp, cuộc sống của loài kiến, loài muỗi kia bị một mẻ đảo điên. Và nếu tụi Đức thả hơi ngạt và chúng mình cũng ăn miếng trả miếng, thì trong rừng, ngoài đồng, tất cả sẽ lộn tùng phèo hết và chiến tranh sẽ đụng tới cả đám chuột, đám dím. Nó sẽ bóp chết cả chim muông, sâu bọ. Chúng nó trốn đâu cho thoát?
Anh nhổm dậy và nhìn các bạn, nói bằng một giọng nửa buồn nửa vui:
- Chao ôi! Đời đẹp quá, các cậu nhỉ! Phải một ngày như ngày hôm nay mới thấy được như vậy. Cứ nằm ỳ ra đây một triệu năm cũng không chán. Nằm mà thở cho đã!
Bô-ga-rép lắng nghe tiếng vang của trận đánh đang diễn ra. Những tiếng nổ bỗng dịu đi, những máy bay mang sao đỏ không bay lượn trên những vị trí quân Đức nữa. Đợt xung phong bị đánh lùi chăng? Méc-xa-lốp không chọc thủng nổi phòng tuyến Đức, để có thể hiệp đồng với Bô-ga-rép cùng công kích chăng? Lòng Bô-ga-rép thắt lại, lo lắng. Ý nghĩ về khả năng thất bại của Méc-xa-lốp đè nặng trong anh thật day dứt. Anh không trông thấy ánh sáng mặt trời nữa; anh thấy bầu trời nặng chĩu như xỉn lại, tối sầm; cánh rừng thưa bát ngát trải ra trước mắt anh bị xóa nhòa đi, cây cối, ruộng đồng, tất cả đã biến mất. Chỉ riêng còn lòng căm thù bọn Đức là tràn ngập người anh.
Ở đây, tại rìa cánh rừng này, anh hình dung thấy một cách sâu sắc cái sức mạnh đen tối đang tràn vào đất nước anh. Đất nước của nhân dân! Những mơ ước của Tô-mát Mo-rơ và những kế hoạch không tưởng của Ô-oen, những tác phẩm con đẻ tư tưởng của những nhà triết học Pháp, những ký ức của các chiến sĩ tháng Chạp, những bài báo của Bi-ê-lin-xki và Héc-den, những bức thư của Giê-li-a-bốp và Mi-khai-lốp, những lời nói của người thợ dệt A-lếch-xê-i-ép... tất cả những cái đó nói lên hoài bão muôn đời của con người mơ tưởng một xứ sở của những người bình đẳng, ở đó sự bất bình đẳng giữa những người lao động và những người chi phối lao động sẽ vĩnh viễn bị thủ tiêu. Hàng nghìn và hàng nghìn những nhà cách mạng Nga đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh. Bô-ga-rép coi họ như những người anh cả; anh đã đọc tất cả những gì viết về họ; anh biết những lời trối trăng của họ và những bức thư họ viết trước khi chết gửi cho mẹ, cho con; anh biết những trang bút ký họ ghi lại từng ngày và những buổi hội họp bí mật của họ do những đồng chí được trả lại tự do thuật lại; anh biết con đường người ta đưa họ đi đầy ở Xi-bê-ri, những chặng họ nằm nghỉ lại, những nhà lao xăng-tan ở đó họ bị xiềng xích. Bô-ga-rép yêu những con người ấy và tôn sùng họ, coi như những người rất gần gũi với mình, có nhiều người là công nhân Ki-ép, là thợ in Min-xcơ, là thợ may Vin-nô, những thành phố hiện nay bị bọn phát-xít chiếm đóng.
Mỗi hơi thở của Bô-ga-rép nói lên mối tình của anh đối với cái đất nước này giành được bằng sự nỗ lực phi thường của cuộc nội chiến, trong những khủng khiếp của nạn đói. Một đất nước đành rằng còn nghèo, sống nhờ lao động cật lực và bị chi phối bởi những quy luật ngặt nghèo.
Anh từ từ đi lách qua giữa những đám chiến sĩ nằm dán mình xuống đất, dừng chân một lát, nói vài lời, và lại đi.
“Nếu một giờ nữa - anh nghĩ bụng - vẫn không thấy pháo hiệu của Méc-xa-lốp, mình sẽ tung đơn vị ra đánh, độc lực chọc thủng phòng tuyến Đức... Một giờ đúng...”.
- Méc-xa-lốp nhất định thành công, - anh nói với Cô-xlốp. - không thể khác được, nếu không thì là tôi chưa nhìn thấy gì và cũng chưa hiểu gì cả.
Trông thấy I-nha-chi-ép và Rô-đim-xép, anh tiến về phía họ và ngồi xuống cỏ. Anh cảm thấy như, lúc này, lời lẽ và ý nghĩ của họ giống hệt của anh.
- Đương nói chuyện gì đấy? - Anh hỏi,
- Nói linh tinh ạ, nói chuyện muỗi. - I-nha-chi-ép mỉm cười ngượng ngùng, nói,
 “Thật thế ư ? - Bô-ga-rép nghĩ bụng. - Có thể nào trong một lúc như lúc này mỗi người chúng ta lại nghĩ đến những chuyện khác nhau?”.

Hàng chục người trông thấy pháo hiệu: những pháo hiệu đỏ từ phía phòng tuyến Nga bắn lên và chếch về phía phòng tuyến Đức. Lập tức những loạt lựu pháo của Ru-mi-an-xép vang lên, Hàng ngàn con người ngẩn ra trong sự chờ đợi. Tiếng gầm của lựu pháo báo hiệu cho bọn Đức có quân Nga bố trí sau lưng chúng.
Bô-ga-rép đưa mắt vui vẻ đảo nhìn qua cánh đồng, Anh bắt tay Cô-xlốp đương đi ở cánh phải và nói:
- Tin tưởng ở đồng chí.
Rồi anh hít một hơi mạnh và hô lên kéo dài:
- Các đồng chí, theo tôi, tiến!
Không một ai nằm lại trên mảnh đất ẩm yêu quý này.

Bô-ga-rép dẫn đầu đơn vị của mình. Một cảm xúc chưa hề biết tràn ngập toàn thân anh: anh đương lôi kéo các chiến sĩ theo sau mình, còn họ thì hợp với anh thành một khối thuần nhất, vĩnh viễn và không thể phá vỡ, như đương đẩy anh lên phía trước. Anh nghe thấy tiếng thở của họ, nhận thấy tiếng đập rộn ràng trong những trái tim nóng rực của họ. Đó là nhân dân đương giành lại tự do. Bô-ga-rép nghe thấy tiếng ủng của họ nện thình thịch - đó là bước chân vang động của nhân dân Nga đương lao lên tấn công. Bước chân của họ chạy nhanh dần; tiếng hô xung phong của họ vang to, bay vút lên mỗi lúc một cao, tỏa ra mỗi lúc một rộng. Các tiểu đoàn của Méc-xa-lốp, đương dùng lưỡi lê xung phong, nghe thấy tiếng họ qua bão táp của trận đánh. Bà con nông dân của một làng xa xôi bị địch chiếm đóng, nghe thấy tiếng vang vọng lại. Tiếng hô đó lọt vào tai chim muông đương bay cao trên trời.
Kẻ thù chống lại một cách ngoan cố, Chúng đã mau lẹ và khôn khéo tổ chức phòng ngự vòng tròn và cho súng máy hoạt động, Nhưng kìa, hai đợt sóng bộ binh Nga đương lao lên đối diện với nhau. Những chiến xa thép chôn ngầm dưới đất cháy bùng bùng dưới hỏa lực mãnh liệt của quân Nga. Những xe của bộ tham mưu địch bốc cháy; những đoàn xe quý giá của quân Đức chở những của cải chúng ăn cắp, biến thành sắt vụn. Thế mà, chỉ mới trước đây một lát thôi, nhiều anh em ta, nằm phục ở trong rừng, mới nghe nói to một câu đã sợ lộ, vểnh tai nghe tiếng quạ kêu mà ngỡ là tiếng quân Đức. Giờ đây, các tiểu đoàn của Méc-xa-lốp không phải chỉ nghe thấy tiếng hô xung phong đương ào tới từ phía sau lưng quân Đức; họ đã trông thấy mặt của các đồng chí mình; những bộ mặt đầy bụi và nhễ nhại mồ hôi chiến đấu; họ đã phân biệt được những người sử dụng lựu đạn và người sử dụng súng, những phù hiệu đen của anh em pháo thủ và ngôi sao đỏ trên mũ cát-két của trung úy Cô-xlốp. Tuy vậy, quân Đức vẫn còn chống cự. Chúng chống cự ngoan cố như vậy có lẽ chẳng phải vì chúng có tinh thần gan dạ, Có thể là ngay cả trong giờ phút thất bại này, chúng vẫn còn mù quáng tin vào sự bách chiến bách thắng của chúng? Có thể là những người lính, trong bảy trăm ngày liền đã quen với chiến thắng, không thể cũng như không muốn hiểu rằng cái ngày thứ bảy trăm linh một này lại trở thành ngày đại bại của mình,
Tuy vậy, chiến tuyến đã bị chọc thủng, cắt làm đôi, Những chiến sĩ đầu tiên đã gặp nhau, ôm chầm lấy nhau, Trong tiếng ầm ầm của trận đánh, nghe thấy có ai nói:
- Chú em, cho xin điếu thuốc, nhịn đã tuần lễ nay rồi.
Đây là những tên bắn sủng máy Đức đầu tiên, bị vây giơ tay hàng; một tên lính tiểu liên, mũi gồ và mặt đầy nốt tàn hương, kêu lên: “Đừng bắn tôi!” và quẳng súng xuống đất. Đã có những đoàn tù binh đầu tiên kéo đi, đầu cúi gập, không mũ ca-lô, áo quân phục cởi phanh ra từ lúc đang đánh nhau hăng, túi lật trái ra để tỏ rằng mình không có súng lục, lựu đạn gì cả. Và đây, người ta lôi từ trong cơ quan tham mưu ra những tên thư ký; những tên lính thông tin điện thoại và điện đài. Anh em chiến sĩ, người đầy bụi, nghiêm nghị và lặng lẽ nhìn cái xác to béo của một tên đại tá Đức đã tự sát, Một sĩ quan trẻ tuổi đảo mắt ước lượng số đại  bác, súng máy, xe hơi và chiến xa Đức bỏ lại trên chiến trường.
- Chính ủy đâu rồi? - Anh em chiến sĩ hỏi nhau.
- Chính ủy đâu rồi? - Ru-mi-an-xép hỏi.
- Ai trông thấy chính ủy đâu không? - Cô-xlốp lau mồ hôi trán, hỏi.
- Chính ủy lúc nãy vẫn luôn luôn đi sát chúng tôi, -  anh em chiến sĩ trả lời. - chính ủy lúc nãy đi với chúng tôi.
- Chính ủy đâu rồi? - Méc-xa-lốp đi lách qua những xác xe hơi, người lấm bê bết, đầy bụi, chiếc áo va-rơi mới bị đạn bắn thủng lỗ chỗ, lớn tiếng hỏi:
- Chính ủy đâu rồi?
Người ta trả lời anh:
- Lúc nãy chính ủy đi hàng đầu, cùng với chúng tôi.
Một chiếc xe hơi con bọc sắt sơn xanh chạy qua bãi chiến trường đã lặng dần dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, giữa những vũng máu khô đen lại vì khí trời nóng ngột ngạt; Sê-rê-nít-sen-cô từ trên xe bước xuống.
Méc-xa-lốp nói:
- Báo cáo đồng chí ủy viên Hội đồng quân sự, cháu nhỏ của đồng chí đương ở đây, đi cùng với toán quân vừa tới. Đồng chí Bô-ga-rép cùng với đơn vị đã đưa cháu về.
- Lê-ô-nít! - Sê-rê-nit-sen-cô kêu lên. - Con tôi à?... Thế còn mẹ tôi?...
Ông nhìn Méc-xa-lốp. Anh ta cúi xuống không đáp. Sê-rê-nít-sen-cô đứng lặng, mắt đăm đăm nhìn những xe vận tải đương từ trong rừng chạy ra.
- Con tôi, - ông lặp lại. - con tôi...
Và quay về phía Méc-xa-lốp, ông hỏi:
- Đồng chí chính ủy đâu rồi?
Một con gió thổi qua cánh đồng...
Từ phía ngọn lửa đương bốc lên những ánh cuối cùng có hai người đi tới.
Mọi người đều biết họ. Đó là chính ủy Bô-ga-rép và chiến sĩ I-nha-chi-ép. Máu chảy trên quần họ. Họ dìu nhau đi, bước chậm chạp và nặng nề.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét