Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

Vasily Grossman - Nhà văn chiến trường (P4)

Vasily Grossman - Nhà văn chiến trường
(Sách viết về người phóng viên Soviet đi cùng Hồng quân trong suốt WW2, từ năm 1941 đến 1945).

Biên dịch: Antony Beevor (Tác giả cuốn “Stalingrad”) và
Luba Vinogradova

Phần Bốn
Từ Dnepr đến Vistula
1944

21
Vùng đất chết Berdichev

Sau chiến thắng Kursk, Stalin và các nguyên soái của ông mở cuộc tổng tấn công trong suốt nửa cuối mùa hè năm 1943 với hy vọng đẩy người Đức về tuyến sông Dnepr. Hitler mới đầu chấp nhận sự cần thiết phải rút lui và đồng ý sông Dnepr với bờ tây cao hơn hẳn là tuyến phỏng thủ tốt nhất. Bỏ lại sau lưng những vùng đất bị tàn phá trơ trụi, các đơn vị Đức chạy đua với Hồng quân cũng đang kiệt sức và trải rộng quá mức. Smolensk được tái chiếm cuối tháng 9 và Kiev được giải phóng vào ngày 6/11. Trên bước đường tiến công này, Grossman đi theo sở chỉ huy Sư 95 Bộ binh của tướng Gorishny, đơn vị đã từng chiến đấu tại Stalingrad*.

*[Sư 95 Bộ binh sau này trở thành Sư 75 Bộ binh Cận vệ].

Báo cáo. 1 cô gái thuộc tiểu đoàn quân y tên là Galya Chabannaya đã hi sinh. Cả Gorishny và sư đoàn phó, đại tá Vlasenko, đều khóc rống lên*. “Ôi, Chúa ơi”, Gorishny nói. “Khi chúng tôi rời Stalingrad sau chiến thắng, chúng tôi đã nhảy ra khỏi toa tàu ở mỗi ga và nhặt tuyết ném nhau. Tôi còn nhớ chúng tôi đã lăn tròn cô bé trên tuyết như thế nào, và cô ấy cười to đến mức cả đoàn tàu đều nghe tiếng. Không ai trong toàn sư đoàn cười to và thoải mái như cô ấy”.

*[Thiếu tướng (sau này là trung tướng) Vasily A. Gorishny (1903 - 1962) và đại tá (sau này là thiếu tướng) Aleksei M. Vlasenko].

Tiểu đoàn phó, trung úy Surkov, trở về sở chỉ huy. Anh ta đã không ngủ 6 đêm liền, râu ria lởm chởm đầy mặt, ai cũng có thể thấy vẻ mệt mỏi của anh nhưng anh vẫn còn rất hăng máu. Độ nửa tiếng nữa anh sẽ lăn ra ngủ gối đầu lên ba lô và sẽ chẳng ai đánh thức anh dậy nổi, nhưng bây giờ mắt anh đang bừng sáng và giọng nói chát chúa đầy kích động. Anh chàng này trước chiến tranh từng là 1 giáo viên dạy sử, nay có vẻ như mang trong mình toàn bộ sức nóng của trận chiến Dnepr. Anh kể cho tôi về những cuộc phản công của bọn Đức, về những cuộc tấn công của quân ta, về tay giao liên mà anh đã phải moi lên khỏi hào 3 lần vốn 1 anh lính cùng quê và từng là học sinh của anh. Surkov từng dạy anh lính này lịch sử, giờ cả 2 đã trở thành 1 phần của sự kiện lịch sử sẽ được các giáo viên dạy cho học sinh hàng trăm năm sau.
Khi tới bờ sông Dnepr, những người lính không muốn chờ phà hay những phương tiện vượt sông khác tới. Họ vượt dòng sông rộng chảy siết bằng bè, bằng thuyền câu, bằng phao kết từ thùng phi và gỗ súc. Họ vượt sông dưới làn đạn pháo và súng cối dữ dội của quân thù, dưới những đợt oanh tạc của máy bay ném bom và cường kích địch. Có những trường hợp binh lính chuyển được cả pháo cấp trung đoàn qua sông và những trường hợp cả nhóm lính Hồng quân vượt sông bằng những tấm mảng kết từ lau sậy.

Giải phóng Ukraina là 1 chặng đường xúc động, đặc biệt là với những người đã từng trải qua nỗi đau mùa hè năm 1941 như Grossman.

Những cụ già khi nghe thấy những người lính nói tiếng Nga đã lặng lẽ khóc, không thốt lên nổi 1 lời. 1 bà cụ nông dân nói khẽ trong ngạc nhiên: “Chúng tôi đã nghĩ khi gặp được quân ta chúng tôi sẽ hát và cười, nhưng đã có quá nhiều nỗi đau chất chứa trong tim khiến nước mắt cứ trào ra”.
Khi quân ta tiến vào 1 ngôi làng trong tiếng đại bác chỉ có lũ ngỗng chạy ra, đập cánh bay lên các mái nhà. Người dân sau đó mới ló ra từ những khu rừng, từ các đống cỏ khô, từ trong những đám lau sậy.
Mỗi người lính, mỗi sỹ quan, mỗi vị tướng Hồng quân đều đã được thấy Ukraina chìm trong máu và lửa, đều đã được nghe những câu chuyện có thật xảy ra tại Ukraina trong 2 năm sống dưới ách phát xít, đều hiểu tận đáy lòng rằng những người dân chỉ có 2 từ thiêng liêng để nói với họ. Từ thứ nhất là “tình yêu” và từ còn lại là “trả thù”.
Tại những ngôi làng này, bọn Đức thường phóng uế ngay trên đồi hoặc trên bậc cửa ra vào, ngay trước những khu vườn hay cửa sổ mà chẳng thèm xấu hổ trước các bà các cô. Khi ăn uống chúng gây ồn ào, cười nói hô hố, thò tay vào đĩa của người khác và xé thịt bằng những ngón tay. Chúng trần truồng mà đi quanh các ngôi nhà, không hề tỏ ra ngượng ngùng trước mặt những người nông dân, đánh chửi nhau vì đủ thứ vớ vẩn. Chúng phàm ăn, chúng có thể xơi 20 quả trứng 1 lúc, hay cả 1 kg đường, hay cả 1 bát lớn smetana (váng sữa). Chúng trêu trọc và coi khinh những người nông dân...
Bọn Đức tụ tập ở cuối làng, chúng mò tìm thức ăn từ sáng đến đêm. Chúng ăn, uống rượu và chơi bài. Theo những gì các tù binh kể lại và những gì được viết trong các bức thư lấy được trên xác bọn Đức, chúng tự coi mình là đại diện của 1 chủng tộc thượng đẳng bị buộc phải sống trong những ngôi làng mọi rợ. Chúng nghĩ rằng mỗi bước đi xa hơn về phía đông là có thể quẳng bớt đi thêm 1 chút văn hóa. “Ôi, đấy mới thật là văn minh chứ”, tôi đã nghe nhiều người nói vậy. “Vậy mà chúng tôi đã từng nghĩ người Đức là 1 dân tộc có học thức”.
1 buổi sáng trời u ám và có gió, chúng tôi gặp 1 cậu bé bên rìa làng Tarasevichi, gần sông Dnepr. Chú bé độ 13 - 14 tuổi, cực kỳ gầy, lớp da vàng bủng dính trên gò má, 1 cục u sưng phồng trên đầu, đôi môi khô nẻ tái xám vừa giống người chết vừa giống người vừa bị ngã đập mặt xuống đất. Đôi mắt cậu bé đầy vẻ mệt mỏi, chẳng vui cũng chẳng buồn mà chỉ có vẻ vô cùng sợ sệt. 1 đôi mắt trẻ em đờ đẫn, vô hồn và mệt mỏi.
“Cha em đâu?”.
“Chết rồi”, cậu bé trả lời.
“Còn mẹ em?”.
“Cũng chết rồi”.
“Em có anh chị em nào không?”.
“1 chị, bị bắt sang Đức rồi”.
“Em còn người thân thích nào không?”.
“Không, họ bị thiêu chết hết cả làng vì theo du kích rồi”.
Rồi cậu bé bước vào 1 ruộng khoai tây, đôi chân trần đen nhẻm vì bùn, dáng liêu xiêu như 1 con bù nhìn khoác chiếc sơmi rách tả tơi.

Không lâu sau Grossman còn nghe được những chuyện ghê rợn hơn nhiều mà bọn Đức đã làm tại các vùng tạm chiếm.

Những người trở về từ Kiev cho tôi biết bọn Đức đã lập 1 vòng lính vây quanh 1 nấm mộ tập thể khổng lồ chôn xác 50.000 người Do Thái bị giết tại Kiev mùa thu năm 1941. Chúng đã đào vội những cái xác lên, chất lên xe tải chở về phía tây. Chúng đã thử đốt 1 số xác ngay tại chỗ.

Theo lời Grossman, ngay từ trước khi Kiev thất thủ đã bắt đầu xuất hiện 1 số báo cáo về việc tàn sát người Do Thái, 1 Gross-Aktion (việc lớn) được thực hiện bởi SS Sonderkommanko, đơn vị thành lập từ Einsatzgruppe C (Đội đặc nhiệm C, SS có 4 đội như vậy) và 2 tiểu đoàn quân cảnh. Chúng bố trí tại Babi Yar cuối tháng 9/1941. Việc bố ráp người Do Thái tại Kiev được bọn SS tổ chức, lấy người từ các sĩ quan tham mưu và sở chỉ huy Tập đoàn quân 6, sau đó do Thống chế phát xít Von Reichenau chỉ huy.
Kế hoạch hành động để thực hiện Gross-Aktion này bắt đầu vào ngày 27/9/1941. Quân đồn trú tại các khu dân cư dán poster lệnh cho người Do Thái tại Kiev chuẩn bị “di tản”. Đây vốn chỉ được xem là 1 phép thử thận trọng che giấu số phận dành cho người Do Thái. “Bạn hãy mang theo chứng minh thư, tiền và tài sản cũng như quần áo ấm”, chúng nói vậy. Những người Do Thái Soviet chưa từng nghe nói đến chủ nghĩa bài Do Thái Nazi, 1 phần cũng do tin vào Hiệp ước Xô-Đức, đã tập hợp theo lệnh với ý tưởng rất mù mờ về số phận đang chờ đợi họ. Bọn SS Sonderkommando, vốn tưởng rằng sẽ chỉ có độ 5 - 6.000 người tập trung, đã rất ngạc nhiên khi có tới 33.771 người Do Thái xuất hiện, chiếm hơn phân nửa dân Do Thái Kiev. Đám đông quá lớn khiến chúng phải điều thêm lính của Tập đoàn quân 6 tới giúp đỡ vận chuyển người Do Thái tới hẻm núi Babi Yar, nơi các nhóm sát thủ đang chờ bên miệng vực.
Người Do Thái Kiev trước hết bị buộc phải giao nộp hết tài sản, sau đó cởi hết quần áo rồi bị bắn. Cuộc tàn sát tại đây kéo dài 2 ngày. Nơi này sau đó còn được dùng cho nhiều cuộc tàn sát khác đối với người Do thái, người Digan, du kích và các Đảng viên CS. Tổng cộng khoảng 100.000 người đã chết tại đây. Các báo cáo phỏng vấn thường dân Soviet đã vượt qua chiến tuyến tháng 10/1943 cho biết bọn Đức đã lập vành đai bao quanh khu vực này để cố phi tang dấu vết của các cuộc thảm sát bằng cách đốt những xác chết đang thối rữa.
Grossman đi theo sở chỉ huy Phương diện quân Ukraina 1 của tướng Vatutin và đã được nghe về các báo cáo này. Nỗi lo sợ của ông về số phận người Do Thái Ukraina đã được chứng minh là còn ghê gớm hơn. Mức độ thảm sát khiến ông chết lặng. Mùa thu năm 1943 ông đã viết 1 bài mang tựa đề “Ukraina không có người Do Thái”, bài viết đã bị tờ Krasnaya Zvezda từ chối nhưng được đăng trên tờ Einikeit, tờ báo của Ủy ban Do Thái chống phát xít.

Không còn 1 người Do Thái nào ở Ukraina. Poltava, Kharkov, Kremenchug, Borispol, Yagotin - không 1 nơi nào. Không ở đâu trong các thành phố đó và hàng trăm đô thị, hàng nghìn làng mạc khác bạn còn nhìn thấy những đôi mắt đen đẫm nước mắt của những cô gái nhỏ; còn nghe thấy tiếng kêu sợ hãi của các bà cụ già; bạn cũng không còn thấy những gương mặt u ám của những đứa trẻ đang đói. Tất cả chỉ còn là sự im lặng. Mọi thứ vẫn còn đây nhưng tất cả họ đã bị thảm sát 1 cách tàn bạo.

Vấn đề sớm trở nên rõ ràng với Grossman khi những bản báo cáo của ông về nạn thảm sát người Do Thái (sau này được gọi là Holocaust) không được giới chức Soviet chào đón. Tư tưởng Stalinist không chấp nhận bất kỳ 1 loại nạn nhân đặc biệt nào, mọi nạn nhân của chủ nghĩa phát xít trên đất Soviet đều chỉ được xem là “công dân Liên Xô” mà không có sự phân loại. Các báo cáo chính thức về những việc làm tàn bạo này, kể cả các báo cáo mô tả các xác chết đều đeo ngôi sao Do Thái, bị cấm nhắc tới từ “Do Thái”. Cuối năm 1943, Grossman tham gia nhóm của Ilya Ehrenburg có nhiệm vụ thu thập các bằng chứng chi tiết về tội ác của quân Đức cho Ủy ban người Do Thái chống phát xít, 1 tổ chức sau này bị giới chức Stalinist nghi ngờ. Ehrenburg và Grossman dự định xuất bản 1 cuốn “Sách Đen” tập hợp tất cả các chứng cứ thu thập được nhưng nó đã bị tịch thu sau chiến tranh, 1 phần vì quan điểm Stalinist về những nạn nhân Soviet là “Không được phân biệt những người đã chết” và 1 phần vì sự dính líu của dân Ukraina vào hoạt động tàn sát người Do Thái làm nhà cầm quyền lúng túng. Đề tài về những người hợp tác với địch trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại gần như bị ém nhẹm hoàn toàn cho đến tận sau khi chế độ CS sụp đổ.
Grossman quyết tâm nêu bật những bi kịch của con người trong tội ác lớn lao này. 1 cách bản năng, ông cảm thấy ghê sợ trước mức độ mất nhân tính và số lượng nạn nhân. Vì vậy ông bao giờ cũng tìm kiếm tên họ và các chi tiết cá nhân để cá biệt hóa vấn đề.

Không 1 ai thoát được khỏi Kazary để tố cáo, để nói, để khóc. Sự im lặng bao trùm lên những thân xác chôn vùi dưới những căn nhà cháy giờ đã mọc đầy lau lách. Sự im lặng còn đáng sợ hơn cả nước mắt và những lời nguyền rủa.
Người già và phụ nữ đều đã chết, kể cả những người có chuyên môn: thợ cạo, thợ giày, thợ nguội, thợ kim hoàn, thợ sơn, thợ rèn, thợ in, công nhân, người giao hàng, thợ mộc, thợ lò, diễn viên hài, người làm đồ mỹ nghệ, người gánh nước, người xay bột, thợ làm bánh và đầu bếp; người chết còn là bác sĩ, thày tế, bác sĩ giải phẫu, bác sĩ phụ khoa, nhà khoa học - vi khuẩn học, sinh hóa học, hiệu trưởng trường đại học y khoa - giáo viên sử học, đại số, lượng giác. Người chết cũng là giáo sư, giảng viên đại học, nhà nghiên cứu khoa học, kỹ sư, kiến trúc sư. Người chết là nhà nông học, công nhân nông trường, kế toán, văn thư, bán hàng, đại lý cung tiêu, thư ký, gác đêm, người chết là giáo viên, người chết là các bà cụ vẫn đan bít tất và làm những chiếc bánh nhân nho ngon lành, nấu canh thịt và làm bánh ngọt bằng táo và hạnh nhân; người chết là những phụ nữ chung thủy lẫn đàng điếm, tất cả đều chết, các cô gái xinh đẹp, các cậu sinh viên và các cô bé học sinh vui nhộn, cả các cô gái xấu xí ngu độn và những bà gù cũng chết, người chết là ca sĩ, người chết là kẻ đui mù hay câm điếc, người chết là nghệ sĩ violon hay piano, người chết là những em bé 2 - 3 tuổi, người chết là cụ ông 80 tuổi và cụ bà mắt đã mờ đục, với những ngón tay lạnh giá và mái tóc bạc trắng; người chết là những em bé mới sinh vẫn còn sục tìm vú mẹ cho đến giờ phút cuối cùng.
Những cái chết trong chiến tranh này khác với những người chết với vũ khí trong tay, những người trước khi chết đã lên đường đi chiến đấu bỏ lại sau lưng nhà cửa, gia đình, ruộng đồng, âm nhạc, phong tục và những câu chuyện kể. Đây là những cái chết do 1 vụ tàn sát chỉ có trong những câu chuyện thời cổ đại, diễn ra cùng lúc với hàng ngàn gia đình từ ông cho tới cháu, 1 vụ tàn sát thiên cổ, tàn sát luôn cả âm nhạc, thi ca, cuộc sống, niềm hạnh phúc và sự đau khổ, nó là sự phá hủy con tim và linh hồn, là cái chết của cả 1 dân tộc đã từng tồn tại bên những người Ukraina trong hàng trăm năm...
Khristya Chunyak, 1 bà nông dân 40 tuổi sống ở làng Krasilovka, huyện Brovarsky ngoại thành Kiev, kể lại bọn Đức đã điệu ông bác sỹ Do Thái tên là Feldman đi hành quyết như thế nào. Vị bác sĩ này là 1 ông già độc thân đã nhận nuôi 2 đứa trẻ mồ côi, dân địa phương rất yêu quý ông. Cả 1 đám đông phụ nữ nông dân đã tới đồn lính Đức kêu khóc xin cho Feldman được sống. Tên sĩ quan chỉ huy cuối cùng lùi bước trước những lời cầu khẩn của cánh phụ nữ, đó là vào mùa thu năm 1941. Feldman được sống và tiếp tục ở lại chữa bệnh cho những người nông dân địa phương nhưng cuối cùng vẫn bị hành quyết vào mùa xuân vừa qua. Khristya Chunyak thút thít rồi cuối cùng òa khóc khi kể cho tôi nghe đến đoạn ông cụ bác sĩ đã bị buộc phải tự đào huyệt cho mình như thế nào. Ông phải chết 1 mình vì chẳng còn người Do Thái nào còn sống đến mùa xuân năm 1943.

Các tập đoàn quân của tướng Vatutin đã thiết lập được nhiều đầu cầu bên kia sông Dnepr sau đó phát triển về phía nam Kiev hướng về Berdichev, quê hương Grossman. Thống chế Von Manstein phản công liên tiếp trong suốt tháng 12, cố gắng đẩy bật Vatutin về bờ phải nhưng vào ngày Lễ Giáng sinh ông ta đã phải ngạc nhiên khi người Nga đã ngụy trang rất tốt rồi mở 1 cuộc tấn công gần Brusilov.
Đầu năm 1944, các lãnh đạo Wehrmacht đối mặt với sự thật đau đớn rằng mặc dù phải chịu rất nhiều thương vong, Hồng quân đã trở thành 1 bộ máy chiến tranh ghê gớm chỉ sau có hơn 1 năm. Các sư đoàn Đức bị hao hụt nặng nề và các tân binh mới bổ sung chưa được huấn luyện đầy đủ. Các sư đoàn thiết giáp đã không thể có lại sức mạnh như trước kể từ sau trận Kursk, trong khi đó lực lượng thiết giáp Soviet vẫn được cung cấp liên tục những chiếc xe tăng mới từ vùng công nghiệp khổng lồ Chelyabinsk và xa hơn nữa là Ural. Các đơn vị Hồng quân cũng được tăng cường mạnh mẽ khả năng cơ động nhờ những chuyến hàng chở xe tải Dodge và Studebaker vẫn đều đặn đến từ nước Mỹ. Hồng quân đã có thể tiến rất nhanh qua vùng Trung Âu nhờ sự giúp đỡ to lớn của người Mỹ, điều này mỉa mai thay đã không được các sử gia Nga thừa nhận.
Trong cuộc tấn công mùa đông bắt đầu vào cuối tháng 12/1943, Hồng quân đã tấn công về phía Bắc đẩy quân Đức về phía Leningrad. Tại phía nam, 4 phương diện quân Ukraina cùng mở đợt tấn công từ Kiev tới tận Biển Đen. Công việc của Vatutin tại Phương diện quân Ukraina 1 là ngày 24/12 mở cuộc tấn công từ 1 đầu cầu nằm sát Kiev về phía nam, quân của ông chiếm được Zitomir vào ngày 1/1. Kazatin cách đó 70km về phía nam cũng được chiếm lại và thị trấn Berdichev nằm giữa 2 nơi đó cuối cùng đã sạch bóng quân thù ngày 5/1/1944 sau 1 trận ác chiến với sự tham gia của Tập đoàn quân 18 và Tập đoàn quân Xe tăng 1.
Grossman có lý do rất riêng để được có mặt tại Ukraina. Ông nhất định phải tìm ra điều gì đã xảy ra tại Berdichev, nơi ông sợ rằng mẹ mình và những người thân đã bị tàn sát. Ông viết cho vợ ngay khi đến gần Berdichev.

Lyusenka yêu quý nhất của anh, hôm nay anh sẽ tới nơi cần tới vì mai anh phải đi Kiev. Thật khó diễn tả những gì anh đã cảm nhận và trải qua trong mấy tiếng đồng hồ đi qua những nơi quen thuộc. Chỉ có toàn những ngôi mộ và xác chết. Anh sẽ tới Berdichev trong hôm nay. Các đồng đội của anh đã ở đó, họ nói thị trấn hoàn toàn vắng lặng, có lẽ chỉ còn độ mươi người sống sót trong số hàng ngàn hàng vạn người Do Thái đã từng sống ở đây. Anh không hy vọng tìm thấy mẹ còn sống. Điều duy nhất anh mong là biết được về những giờ phút cuối cùng và về cái chết của bà... Ở đây anh đã hiểu thế nào là tình thân giữa 1 nhúm người sống sót.

Ông cũng viết thư cho cha, chắc là trong cùng 1 ngày tháng 1 đó, để kể về cái chết của 1 người bạn tại Kiev.

Con sẽ đi Berdichev hôm nay. Người ta nói toàn bộ dân Do Thái đã bị giết hết, thị trấn gần như bị phá hủy hoàn toàn và không còn ai. Ôm hôn cha, người con yêu quý. Con đang có những cảm xúc thật là mãnh liệt. Vasya của cha.

Grossman đã tới bãi hành quyết nằm trên 1 khu đất trống và khu vực mà dân Do Thái ở Berdichev đã bị tập trung vào đó. Ông hỏi han những nhân chứng 1 cách không mệt mỏi, cả số ít người Do Thái sống sót và những người Ukraina địa phương. Với ông, điều gây shock nhất là ông phát hiện ra dân Ukraina địa phương đã đóng vai trò quan trọng trong tấn thảm kịch này. Nhiều người đã được nhà cầm quyền Đức tuyển vào lực lượng cảnh sát địa phương, phát súng, đồng phục gồm mũ lưỡi trai và băng tay trắng. Chúng khuyến khích họ hành hạ người Do Thái, sau đó hỗ trợ chúng bố ráp và hành quyết họ.
Grossman khi còn trẻ đã được dạy là nên tránh tiếp xúc với những người Do Thái tại Berdichev nên giờ ông cảm thấy nặng nề gấp đôi vì tội lỗi này. Trong số hơn 60.000 dân cư Berdichev có hơn 30.000 người Do Thái, khoảng 20 - 30.000 người trong số đó đã bị giết ngay trong cuộc tàn sát quy mô lớn đầu tiên tại Ukraina. Grossman thừa nhận nhiều người Ukraina làm vậy là để trả thù chính sách đàn áp và nạn đói những năm 20 - 30 mà những người Stalinist đã gây nên và đẩy người Do Thái ra làm vật tế thần. Họ cũng không hề hổ thẹn với việc cướp bóc tài sản của dân Do Thái trong thị trấn. Tuy nhiên Grossman cũng ghi nhận 1 thực tế là hầu hết những người Do Thái còn sống sót đều là nhờ được những người Nga hoặc Ukraina bảo bọc. Những ghi chép từ những cuộc phỏng vấn này đã được ông đưa vào cuốn Sách Đen.

Khoảng 30.000 người Do Thái đã bị giết tại Berdichev. 2 anh em nhà Pekilis, Mikhel và Wulf, sống sót. Nhiều người dân thị trấn quen biết gia đình Pekilis, họ là những thợ xây đá nổi tiếng, gồm cha và 5 con trai. Họ đã xây nhà cửa ở Berdichev, xây nhà máy ở Kiev và thậm chí đã tham gia xây dựng 1 số công trình ngầm ở Moscow. Khi bọn Đức tới, Mikhel và Wulf thoát được. 2 anh em đang xây 1 cái bếp lò đẹp cho 1 gia đình nông dân và đã trốn luôn trong bếp, sau đó họ đào 1 cái lỗ dưới 1 công trình của người Đức trên phố Sverdlovskaya và ngồi trong đó suốt 145 ngày. 1 kỹ sư người Nga tên là Evgeny Osipovich đã tiếp tế cho họ. Sau đó họ trốn ra trong 1 chiếc quan tài và tìm gặp du kích, Mikhel và Wulf Pekilis đã tham gia vào trận đánh giải phóng Berdichev.
Một đứa trẻ Berdichev nói: “Người ta gọi tôi là Mitya Ostapchuk nhưng tên thật của tôi là Khaim Roitman. Tôi là người Berdichev, năm nay 13 tuổi. Bọn Đức đã giết cả bố lẫn mẹ tôi. Tôi có 1 đứa em trai tên là Borya, 1 tên Đức đã giết nó bằng tiểu liên ngay trước mặt tôi... Cảm giác lúc đó thật kỳ lạ, mặt đất như chuyển động! Tôi đã đứng bên miệng hố chờ đợi bọn chúng bắn tôi (tôi nghĩ thế). 1 tên Đức lại gần tôi, nghiêng người xem xét. Tôi chỉ tay: “Nhìn đi, đằng kia có 1 cái đồng hồ!”. Thực ra ở đó chỉ có 1 mảnh kính đang lấp lánh sáng. Tên Đức đi lại phía đó để nhặt và tôi vùng chạy nhanh nhất có thể. Hắn chạy đuổi theo tôi và bắn, viên đạn xuyên thủng 1 lỗ trên mũ. Tôi cứ thế chạy và chạy rồi cuối cùng vấp ngã. Tôi không nhớ điều gì xảy ra tiếp theo cho tới khi 1 ông cụ, Gerasim Prokofievich Ostapchuk, nâng tôi dậy và nói: “Giờ cháu là Mitya, con trai ta”. Ông ấy đã có 7 đứa con, tôi trở thành đứa thứ 8.
“Một lần có mấy tên Đức đến, tất cả chúng đều đang xỉn. Chúng bắt đầu quát lác khi phát hiện ra tôi có màu da sẫm hơn. Chúng hỏi Gerasim Prokofievich: “Thằng này con ai?”. Và ông trả lời: “Con tôi”. Chúng nạt ông, bảo ông nói láo vì da tôi có màu sẫm, và biết không, ông đã trả lời cực kỳ bình tĩnh: “Nó là con tôi với bà vợ trước. Bà ấy là người Di gan”.
“Khi Berdichev được giải phóng, tôi trở về thị trấn. Tôi gặp anh trai Yasha, anh ấy cũng còn sống. Yasha là người cao lớn, anh ấy 16 tuổi và tham gia chiến đấu. Khi bọn Đức tháo lui, Yasha đã tìm ra thằng con lợn đã giết mẹ tôi và bắn chết hắn”.

Bài viết “Cuộc tàn sát người Do Thái ở Berdichev” của Grossman đã bị nhà cầm quyền Soviet kiểm duyệt vì 2 lý do, 1 là họ không muốn nhấn mạnh nguồn gốc Do Thái của các nạn nhân và 2 là họ muốn che giấu sự hợp tác của những người Ukraina trong tội ác này.

Bọn Đức đã thình lình đánh chiếm Berdichev. Các đơn vị xe tăng Đức lao xuyên qua thị trấn. Chỉ có 1/3 dân cư chạy kịp vào lúc đó. Quân Đức tiến vào thị trấn vào 7h tối thứ Hai, ngày 7/7/1941. Những tên lính ngồi trên xe tải hô to: “Jude kaputt!” (bọn Do Thái phải chết) và vẫy vẫy tay. Chúng biết rằng phần lớn dân Do Thái vẫn còn ở trong thị trấn.
Thợ mộc Girsh Giterman đã trốn khỏi Berdichev vào ngày thứ 6 kể từ cuộc chiếm đóng kể về những tội ác đầu tiên của bọn Đức gây ra với người Do Thái. Lính Đức buộc nhiều người ra khỏi căn hộ của họ ở các phố Bolshaya Zhitomirskaya, Malaya Zhitomirskaya và Shteinovskaya, những con phố nằm gần 1 nhà máy sản xuất đồ da. Mọi người sau đó bị đưa vào đội thuộc da của nhà máy và bị buộc phải nhảy trong những hố khổng lồ chứa đầy catechu* để làm se da. Những người chống cự đều bị bắn và xác họ cũng bị ném luôn xuống hố. Bọn Đức nghĩ rằng việc hành quyết này sẽ rất vui nhộn: chúng đang thuộc da dân Do Thái.
*[Catechu là 1 chất dùng cho thuộc da chiết xuất từ cây Accacia catechu].
1 cuộc tàn sát như thế này đã được tiến hành trong khu phố cổ: bọn Đức lệnh cho các cụ ông trùm tallit và mang tefillin* tập trung tại giáo đường cổ của dân Do Thái để cầu xin Chúa tha thứ vì tội chống lại người Đức. Sau đó chúng khóa cửa giáo đường rồi châm lửa đốt. Vụ tàn sát thứ 3 được tiến hành gần 1 cối xay chạy bằng sức nước. Chúng bắt vài chục phụ nữ, lệnh cho họ cởi quần áo rồi thông báo với họ ai bơi được sang bờ bên kia sẽ được sống. Đoạn sông này rất rộng vì bị 1 con đập ngăn lại, vì vậy hầu hết số phụ nữ đã chết đuối trước khi sang được bờ bên kia. Những người bơi được sang bờ tây lập tức bị bắt bơi quay trở lại và chết đuối hết.

*[Tallit là khăn trùm đầu và Tefillin là hộp bọc da đen chứa kinh thánh cầm ở tay khi hành lễ].

1 thí dụ khác về “thú vui” Đức là câu chuyện về cái chết của 1 cụ già. Tên ông là Aron Mazor, người chuyên tẩy uế súc vật rồi làm thịt chúng (theo phong tục của người Do Thái súc vật phải được tẩy uế rồi mới giết thịt ăn). 1 tên sĩ quan Đức chiếm căn hộ của Mazor và lệnh cho bọn lính mang những đồ đạc mà Mazor chọn ra, bản thân hắn đứng đằng sau cùng 2 tên lính để xem cho vui. Khi nhìn thấy con dao lớn của Mazor và biết được nghề nghiệp của ông, hắn nói: “Cho tao xem mày làm việc thế nào”, và lệnh cho lính lôi đến 3 đứa trẻ con nhà hàng xóm.
Hàng nghìn hàng vạn con người đó đã không thể hiểu nổi sự thật trần trụi và khủng khiếp này, rằng chính quyền ủng hộ và tán thành những vụ tàn sát “không cần phê chuẩn”, rằng người Do Thái bị đặt ngoài vòng pháp luật và là đối tượng tự nhiên nhất cho việc tra tấn, bạo hành và giết chóc. Tuy nhiên, không 1 ai trong số những người bị đưa vào các khu tập trung dân Do Thái có thể tưởng tượng được rằng đây chỉ là bước đầu tiên dẫn tới cuộc tàn sát đã được chuẩn bị kỹ càng cho toàn bộ 20.000 người Do Thái*.

*[Sau này số lượng thực tế được xác nhận là 30.000, con số đã được nói đến từ trước đó, khi toàn bộ quy mô của cuộc tàn sát đã được làm rõ].

Một kế toán viên người Berdichev đã đến thăm gia đình người bạn là kỹ sư Nuzhny trong khu tập trung đã kể cho tôi nghe vợ Nuzhny đã khóc lóc và lo lắng đến thế nào khi cậu con Garik 10 tuổi không thể đi học tiếp vào mùa thu tới.
Những bác sĩ già ở Berdichev đã sống với niềm hy vọng rằng Hồng quân sẽ trở lại. Có những lúc họ an ủi nhau bằng những tin tức mà ai đó nghe được trên radio rằng chính phủ Đức đã nhận được 1 văn bản yêu cầu họ ngừng xúc phạm người Do Thái. Tuy nhiên cũng vào lúc đó những tù binh Soviet bị quân Đức bắt tại Lysaya Gora đã bắt đầu đào 5 tuyến hào sâu gần sân bay, chỗ cuối phố Gorodskaya và là nơi bắt đầu con đường lát gạch dẫn vào làng Romanovka.
Ngày 4/9, 1 tuần sau khi khu tập trung Do Thái được thiết lập, 1.500 nam thanh niên được lệnh chuẩn bị dụng cụ làm nông. Đám thanh niên mang theo gói nhỏ đựng đồ ăn, tạm biệt cha mẹ ra đi. Cùng ngày toàn bộ 1.500 cậu trai đó đã bị bắn chết ở khu vực giữa Lysaya Gora và làng Khazhina. Những tên giết người đã rất khôn khéo tạo ấn tượng cho các nạn nhân rằng chẳng có gì đáng sợ và họ đã không nghi ngờ gì về cuộc giết chóc sắp tới cho đến tận phút cuối cùng. Thậm chí chúng còn gợi ý rằng sau khi công việc hoàn thành đám thanh niên sẽ được cho phép mang 1 ít khoai tây về cho những người còn trong khu tập trung. Trong những ngày tiếp theo, những người tại khu tập trung không hề biết gì về số phận của đám thanh niên, cuộc tàn sát đã lấy đi của họ hầu như tất cả những thanh niên trẻ, những người có khả năng chống cự lớn nhất.
Bước chuẩn bị cho công việc đã hoàn thành. Những cái hố đã đào xong ở cuối phố Brodskaya. Các đơn vị thuộc 1 trung đoàn SS đã tới Berdichev ngày 14/9 và quân cảnh trong thành phố đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng. Toàn bộ khu vực tập trung dân Do Thái bị bao vây vào đêm 14/9. 4h sáng ngày 15/9, tín hiệu được truyền đi và bọn SS cùng quân cảnh bắt đầu lùa mọi người ra bãi chợ. Cách đối xử của chúng khiến mọi người hiểu ra giờ phút cuối cùng của họ đã đến. Những tên sát nhân giết luôn những ai không thể đi, những cụ già và người tàn tật, trong nhà. Cả thị trấn bừng tỉnh vì tiếng hét khủng khiếp của phụ nữ và tiếng khóc của trẻ con. Trong phút chốc trên bãi chợ đầy những người, hàng nghìn người.
400 người được lựa ra, bao gồm mấy vị bác sĩ già Tsugovar, Baraban, Liberman, nữ bác sĩ Blank, thợ điện Epelfeld, thợ ảnh Nuzhny, thợ giày Milmeister, ông thợ đá già Pekelis cùng 2 con trai Mikhel và Wulf, các thợ cạo, thợ giày, thợ nguội và rất nhiều thợ cắt tóc. Những người có chuyên môn này được chấp thuận cho mang theo gia đình.
Nhiều người trong số họ đã không thể tìm thấy vợ con lạc trong đám đông. Các nhân chứng kể về cảnh tượng gây shock mà họ đã thấy: mọi người gào to tên vợ con, cố gắng gào to hơn đám đông đang hoảng loạn, hàng trăm bà mẹ khốn khổ cố gắng giữ những đứa con trong tay, trấn an chúng bằng cách nói với chúng rằng họ vẫn đây và sẽ bảo vệ chúng khỏi cái chết. “Bạn không có cách nào tìm thấy người thân trong 1 đám đông như vậy”.
Loạt tiểu liên đầu tiên vang lên, tôi không hiểu bọn Đức làm thế để làm gì. Nơi thảm sát chỉ nằm cách con đường chừng 50 - 60m, đám đông hoảng sợ đang bị lùa đến đó, hàng người bước tới “đoạn đầu đài” và hàng ngàn cặp mắt đã nhìn thấy cái chết đang đổ ập xuống... Mọi người bị đưa vào trong những nhà để máy bay để đợi tới lượt mình, sau đó họ bị lùa quay lại, lần này là tới chỗ chết.
Cuộc thảm sát những người vô tội và không có khả năng kháng cự này diễn ra suốt ngày hôm đó. Máu họ chảy đầy mặt đất, những cái hố ngập đầy máu, đất không thấm kịp, máu tràn cả ra ngoài hố thành từng vũng lớn. Máu chảy thành dòng rồi tụ lại ở những chỗ trũng... ủng của những tên sát nhân đều đẫm máu.

Grossman không bao giờ viết trong bất kỳ bài báo nào hoặc trong cuốn Sách Đen về số phận của mẹ mình. Chỉ trong cuốn tiểu thuyết Cuộc đời và Số phận, mẹ ông mới hóa thân vào nhân vật Anna Shtrum, bà là 1 trong hàng nghìn nạn nhân của cuộc thảm sát cạnh sân bay đó. Cảm giác hối hận và đau khổ của Grossman có lẽ được thể hiện rõ nhất trong 2 bức thư gửi mẹ mà ông viết sau chiến tranh. Bức thứ nhất viết năm 1950.

Mẹ kính yêu,
Con được biết về cái chết của mẹ vào mùa đông năm 1944. Con đã tới Berdichev, vào ngôi nhà mà mẹ từng sống, nơi cô Anyuta, chú David và Natasha đã đi khỏi, và con cảm nhận được rằng mẹ đã mất. Nhưng rất lâu trước đó, vào tháng 9/1941 trái tim con đã mách bảo rằng mẹ không còn nữa. 1 đêm trên mặt trận con đã mơ thấy mình bước vào phòng mẹ. Con biết chắc đó chính là phòng mẹ, và con thấy chiếc ghế bành nơi mẹ thường ngả lưng trống rỗng, tấm khăn mẹ thường dùng để ủ chân vắt trên đó. Con cứ nhìn chăm chăm 1 lúc lâu, và khi con tỉnh giấc con biết rằng trong đời sẽ không bao giờ còn gặp mẹ nữa. Nhưng lúc đó con không biết cái chết khủng khiếp mà mẹ phải chịu diễn ra như thế nào, chỉ đến khi tới Berdichev, nói chuyện với những người có mặt tại cuộc thảm sát ngày 15/9/1941 đó con mới biết được phần nào. Con đã cố thử nhiều lần, hàng chục, thậm trí hàng trăm lần, tưởng tượng xem mẹ đã chết như thế nào, mẹ đã bước tới trước mặt thần chết ra sao. Con cố tưởng tượng ra kẻ đã giết mẹ, chắc hắn là người cuối cùng nhìn thấy mẹ. Con biết mẹ vẫn nghĩ tới con trong suốt thời gian đó.
Đã hơn 9 năm qua con không viết thư cho mẹ, kể cho mẹ về cuộc sống và công việc của con. Bao nhiêu điều đã tích tụ trong tâm hồn con suốt 9 năm đó khiến giờ đây con lại viết thư cho mẹ, để kể cho mẹ, và tất nhiên, để than thở với mẹ nữa, rằng không còn ai chia sẻ với con sự mất mát này. Mẹ là người duy nhất sẵn sàng làm điều đó.
Đến hôm nay con vẫn có thể cảm thấy như mẹ vẫn còn sống bên con, giống hệt như lần cuối cùng con gặp mẹ, giống hệt như khi đọc sách cho con nghe lúc con còn là 1 đứa trẻ. Và nỗi đau của con vẫn nguyên vẹn như cái ngày người hàng xóm ở Uchilishchnaya nói rằng mẹ đã mất. Không có hy vọng gì tìm thấy mẹ còn sống, và con nghĩ tình yêu của con dành cho mẹ và nỗi đau ghê gớm đó sẽ không thay đổi cho đến ngày con chết.

Ông viết lần nữa vào năm 1961 trong ngày giỗ lần thứ 20 của bà.

Mẹ thân yêu, 20 năm đã qua kể từ ngày mẹ mất. Con yêu mẹ, con nhớ mẹ từng ngày và nỗi đau đã không bao giờ rời bỏ con suốt 20 năm đó.
Lần cuối con viết cho mẹ cách đây đã 10 năm, và hình ảnh mẹ vẫn ghi khắc trong tim con không hề thay đổi giống như 20 năm về trước... Như thể mẹ đã hòa vào con vậy, con càng sống lâu thì mẹ cũng sẽ càng sống lâu theo. Và khi con chết mẹ vẫn sẽ sống trong cuốn sách con dành tặng cho riêng mẹ, với nhân vật có số phận giống y như mẹ*. Và hình như giờ đây tình yêu của con dành cho mẹ còn lớn hơn vì chưa có gì rời khỏi trái tim con kể từ lúc mẹ còn sống. Con đã nhớ về mẹ suốt 10 năm viết cuốn sách này...

*[Grossman tất nhiên đang nhắc tới cuốn Cuộc đời và Số phận. Lý do có bức thư này chính là để trả lời cho bức thư cuối cùng mà nhân vật Anna Shtrum trong cuốn tiểu thuyết viết cho con trai, bức thư mà Grossman cảm thấy mẹ mình đã không bao giờ kịp viết cho ông].

Hôm nay con đang đọc lại mấy bức thư còn giữ được trong hàng trăm bức mẹ đã viết cho con nhiều năm về trước. Con cũng đọc lại thư mẹ gửi cho bố, và hôm nay 1 lần nữa con lại khóc khi đọc thư mẹ. Con khóc khi đọc đến đoạn: “Zema, tôi cũng không nghĩ là mình sẽ sống lâu*. Tôi cứ lo lắng suốt là mình sẽ mắc 1 bệnh gì đó. Tôi sợ mình sẽ bị ốm nặng trong 1 thời gian dài. Thằng con khốn khổ của chúng ta sẽ ra sao sau đó? Nó quá vất vả”.
*[Zema là cách gọi âu yếm của mẹ đối với cha của Grossman, ông Semyon Osipovich Grossman (1870 - 1956)]
Con đã khóc khi biết mẹ dù rất cô đơn và giấc mơ duy nhất là được sống cùng với con nhưng vẫn viết cho bố: “Chắc tôi sẽ thoải mái hơn nếu anh đến sống với Vasya khi nó kiếm được 1 căn hộ. Tôi nói chuyện này lần nữa vì giờ tôi đang khỏe và anh không cần lo lắng về đời sống tinh thần của tôi, tôi biết bảo vệ thế giới riêng của mình trước các tác động bên ngoài”. Con đã khóc trước những bức thư vì mẹ như vẫn hiện diện ở đó: đầy tình thương, sự thanh khiết, cam chịu, lương thiện, rộng lượng, tình yêu của mẹ dành cho con, sự chăm lo của mẹ dành cho mọi người, tâm hồn mẹ thật tuyệt vời. Con không sợ gì cả vì đã có tình yêu của mẹ và vì con yêu mẹ mãi mãi.

22
Vượt qua Ukraina tới Odessa

Đầu tháng 3, Grossman đi theo sở chỉ huy Phương diện quân Ukraina 3. Quân Đức vẫn đang đóng giữ ven bờ Biển Đen dù bị Phương diện quân Ukraina 1 thọc sườn từ phía bắc.
Trong tuần đầu tháng 3, Nguyên soái Zhukhov thay thế Vatutin bị thương nặng ngày 29/2 trong cuộc phục kích của du kích UPA người Ukraina*. Zhukhov trực tiếp chỉ huy 1 cuộc tấn công mới về hướng Ternopol.

*[UPA - Ukrainska Povstanska Armiia - Quân khởi nghĩa Ukraina, tổ chức dân tộc chủ nghĩa và chống cộng cực đoan từng cộng tác với Đức nhưng quay lại tấn công chúng khi quân Nazi đối xử tàn nhẫn với người Ukraina tại các vùng tạm chiếm].

Cũng trong tuần đầu tháng 3 đó, Phương diện quân Ukraina 2 của Nguyên soái Konev tấn công về hướng Uman, dọc đường đã đánh chiếm được 1 số lượng lớn kho tàng của đối phương. Sau 5 ngày tiến công, tính đến ngày 10/3, 200 xe tăng, 600 pháo và hàng nghìn xe cộ Đức bị sa lầy dọc đường và phải bỏ lại đã rơi vào tay quân Nga trên đường hành tiến.
Lính Hồng quân nguyền rủa thứ bùn lầy mùa xuân có cái tên rasputitsa này, nhưng người Đức còn khổ sở vì nó hơn nhiều. Các mũi nhọn thiết giáp của Konev đã sốc tới trước chiếm nhiều đầu cầu vượt sang phía nam sông Bug. Họ chỉ còn cách biên giới Moldovia và sông Dnestr chưa đến 100km, con sông này cũng bị vượt qua vào ngày 17/3, 12 ngày sau khi cuộc tấn công bắt đầu. Các sư đoàn Đức, giờ chỉ còn 1 phần nhỏ sức mạnh bình thường, đã phải chiến đấu để thoát khỏi bị bao vây và bỏ chạy thật nhanh, luồn lách qua quân Soviet. Trong nhiều trường hợp, chỉ nhờ được Luftwaffe tiếp tế bằng dù chúng mới có thể chạy tiếp. Tuy nhiên mong muốn chạy thoát của quân Đức là rất cao, không người Đức nào muốn chịu chung số phận với Tập đoàn quân 6 của Paulus tại Stalingrad.
Cùng lúc đó, trong nhiều cuộc tấn công phối hợp với nhau, Phương diện quân Ukraina 3 của Malinovsky xuất phát từ Ingulets đã vượt liền 2 con sông và sắp cắt rời 7 sư đoàn Đức. Cuộc tiến công đã gặp nhiều yếu tố thuận lợi.

Trước cuộc tấn công, Hội đồng Quân sự Phương diện quân đã phải tính tới mọi điều kiện thời tiết, chăm chú theo dõi phong vũ biểu. 1 chuyên gia thời tiết được triệu tập tới, đó là 1 ông cụ nắm rõ thời tiết địa phương và có thể dự báo bằng cách quan sát 1 số dấu hiệu mà không ai khác ngoài cụ biết. Các sĩ quan đều quan tâm đặc biệt đến tình hình thời tiết.
Ngày 6/3, Phương diện quân Ukraina 3 của tướng Rodion I. Malinovsky mở cuộc tấn công dọc theo bờ Biển Đen nhằm chiếm Odessa. Đối phương là Tập đoàn quân 6 Đức - đơn vị được tái lập sau khi tiền thân của nó bị tiêu diệt ở Stalingrad theo lệnh của Hitler nhằm lấp liếm thất bại. Mũi nhọn là lực lượng kỵ binh của trung tướng I. A. Pliev gồm Quân đoàn 4 Kỵ binh Cận vệ và Quân đoàn 4 Cơ giới. Kỵ binh tỏ ra rất hữu hiệu trong tình trạng bùn lầy nặng.
Sở chỉ huy tiền phương đóng tại làng Novaya Odessa, cách Odessa khoảng 90km. Bùn lầy khủng khiếp. Nếu không được Rudnyi giúp chắc tôi không thể mang nổi vali từ sân bay đến sở chỉ huy.
Tiến quân trong bùn cần những nỗ lực to lớn. Lượng nhiên liệu vốn đủ để chạy xe hàng trăm km giờ chỉ chạy được vài trăm mét. Các đội cơ động đang cắt dây thông tin, các tuyến hậu cần và giao liên của địch. Thỉnh thoảng có trường hợp bọn Đức tháo chạy tán loạn.
Khắp thảo nguyên ngập trong tiếng gầm của xe cộ và máy kéo các loại đang cố băng qua bùn lầy. Các “con đường” có thể rộng tới hàng trăm mét.

Grossman đã mô tả rất chi tiết cuộc tiến công này trong 1 bài báo đăng trên tờ Krasnaya Zvezda.

Cuối cùng thì thời tiết cũng nóng dần lên, 1 đám mây bụi bắt đầu xuất hiện bay quanh những chiếc xe tải. 1 viên đại úy gầy gò đen nhẻm với áo khoác phủ đầy bụi nâu đỏ sung sướng hít sâu thứ không khí đầy bụi: “Ôi, cứ tưởng tượng đến thứ bùn lầy tồi tệ trước kia là tôi thấy đám bụi này còn đẹp hơn tất cả những bông hoa xuân. Đối với chúng tôi thứ mùi bụi bậm này thật là tốt đẹp”.
Vài ngày trước, tiếng gầm chói tai của những chiếc xe tải 1.5 tấn, xe Yaz 5 tấn*, máy kéo, xe xích kéo, Dodge và Studebaker vang không ngừng trên khắp thảo nguyên. Những cỗ xe gầm lên giận dữ cố thoát khỏi đám bùn bám chặt khiến những người lính không thể ngủ nổi.

*[Yaz 210G là loại xe tải đáng tin cậy của Hồng quân, trọng tải 5 tấn, có chắn bùn cả 6 bánh. Các tài xế Soviet khoái xe Mỹ được cung cấp theo Thỏa ước Lend - Lease hơn, nhưng mặt khác lại ghét tất cả các loại xe tăng Mỹ viện trợ ở điểm là chúng chạy bằng xăng, dễ bắt cháy nếu trúng đạn hơn các loại chạy bằng diesel như T34].

Những bánh xe quay tít 1 cách vô dụng, chỉ làm bắn lên từng đám bùn, lún sâu thành từng vết trên mặt đường nhầy nhụa. Hàng nghìn người lính gầy gò, mồ hôi đầm đìa nghiến răng nghiến lợi đẩy đằng sau mỗi chiếc xe hoặc vét bùn ra khỏi bánh xe suốt ngày đêm dưới những cơn mưa không dứt. 3 lần đáng nguyền rủa cái mùa tuyết tan ướt át này...
Ai sẽ kể lại kỳ công của những con người này? Ai sẽ tái hiện thiên anh hùng ca về cuộc tiến công vô tiền khoáng hậu này, cuộc tiến công ko ngừng nghỉ suốt ngày và đêm? Những người lính hành quân bộ mang theo gấp rưỡi cơ số đạn*, áo choàng ướt đẫm và nặng như chì.

*[Cơ số đạn tiêu chuẩn được tăng thêm 50% trong cuộc tiến công vì vấn đề hậu cần trở nên quá khó dự đoán do không biết đâu sẽ là điểm dừng để chuyển sang phòng ngự].

Những cơn gió bắc độc địa rú rít quanh họ, làm áo choàng của họ đóng băng cứng ngắc như 1 tấm thép. Ủng của họ kẹt xuống lớp bùn như thể chúng nặng cả pút. Có khi người ta chỉ đi được 1km/giờ 1 cách vô cùng khó khăn trên con đường này. Khắp nhiều km quanh đây không có 1 khoảnh đất khô ráo nào, binh lính ngồi ngay xuống bùn mà nghỉ hoặc tháo ủng ra quấn lại xà cạp. Lính cối theo sau lính súng trường, mỗi người đều đeo theo 6 quả đạn buộc bằng dây thành 1 băng vòng từ sau lưng ra trước ngực.
“Cũng ổn thôi”, họ nói. “Bọn Đức còn khó khăn hơn nhiều, giờ đây thời tiết này là cái chết cho chúng...”.
Không có việc gì đáng sợ hơn việc bắc cầu qua sông Nam Bug. Công binh chỉ lập được 1 đầu cầu bé tí trên bờ tây, quân địch tấn công mạnh và những người lính công binh bắc cầu không chỉ dưới hỏa lực Đức mà là ngay giữa luồng đạn bắn thẳng vào mình. Đầm lầy như 1 nồi bột nhão không có đáy: 1 súc gỗ được ném xuống thử đã chìm sâu 11m*.

*[Ngày 11/3/1944, các bộ phận của Tập đoàn quân Xe tăng 2 của Bogdanov và Xe tăng 6 của Kravchenko đã chiếm được 1 số đầu cầu qua sông Nam Bug].

Các tập đoàn quân của Malinovsky đã chiếm được thành phố Nikolayev nằm ở cửa sông Nam Bug, con đường tới Odessa đã mở ra trước họ. Nguyên soái Konev quyết định tung 1 số đơn vị về hướng nam nhằm bao vây các Tập đoàn quân 6 và 8 Đức cũng như Tập đoàn quân 3 Rumany xấu số giữa các lực lượng của ông và các tập đoàn quân của Malinovsky.

Lãnh đạo quân đội Đức đã đưa chỉ huy Sư 16 Cơ giới* ra tòa án binh. Đây là lời trần tình của hắn: “Không có xe cộ, lính của tôi còn yếu hơn 1 sư đoàn bộ binh”.

*[Ở đây đang nhắc tới Sư 16 Panzergrenadier, chỉ huy là Thiếu tướng Gunther Von Manteuffel, sau này sư đoàn được tái lập với tên Sư 116 Thiết giáp].

Quân địch rất sợ bị bao vây. Chúng không tin rằng tuyến phòng thủ của chúng đủ mạnh vì các chỉ huy đã lừa chúng quá nhiều.
1 sĩ quan tiêu biểu của quân ta trong thời kỳ mới là: (1) Ý chí; (2) Tin cậy; (3) Coi khinh quân địch; (4) Có khả năng tổ chức chiến đấu với tăng và pháo chứ bộ binh cần ít thôi; (5) Có khả năng đảm bảo đạn dược trong 1 trận chiến lớn mà lượng dự trữ lại rất yếu kém; (6) Biết cách thúc giục cấp dưới nhưng không phải bằng những câu khẩu hiệu, điều đó chỉ tổ tốn máu vô ích. Họ thúc giục binh sĩ vượt các con sông vì thà dùng bè cây còn nhanh hơn chờ hàng ngày trời thiết bị vượt sông. Càng tiến nhanh quân địch sẽ càng phải chạy nhanh.

Odessa đứng vững được tới ngày 10/4, nó chủ yếu được phòng ngự bởi Tập đoàn quân 3 Rumany. Quân Rumany chiếm đóng vùng tây nam Ukraina tỏ ra dễ chịu hơn nhiều nếu so sánh với cách cư xử của quân Đức đối với dân cư vùng tạm chiếm. Grossman tham gia vào đoàn quân giải phóng và đã đi xem xét khắp Peresyp, 1 quận của Odessa.

Trong ngày Odessa được giải phóng, khu cảng trống rỗng, khói bốc cuồn cuộn, tiếng gầm của xe pháo vang khắp thành phố. Từng đám người đổ ra. Những xác chết cháy đen được đưa ra khỏi tòa nhà của bọn Gestapo. Xác 1 cô gái đã cháy thành than mà mớ tóc vàng rất đẹp vẫn còn nguyên.
Dòng chữ trên căng tin của lính Rumany: “Lối vào cấm người Đức”.
Cuộc họp đầu tiên của Thành ủy Odessa, bí thư Thành ủy mời tôi tham dự. Đây là lần đầu tiên 1 người ngoài Đảng như tôi được mời vào 1 cuộc họp như vậy.
Có rất nhiều đồ ăn - đường, bánh, bột mì. Những người dân địa phương chửi rủa người Rumany 1 cách miễn cưỡng, như thể chỉ để cho phải phép.

Viễn cảnh kết thúc chiến tranh thúc đẩy tinh thần lạc quan trong nhiều người dân cũng như Hồng quân. Với sự thất bại của chủ nghĩa phát xít, người ta bảo nhau rằng có lẽ Stalin sẽ giải tán lực lượng đặc vụ NKVD và các trại cải tạo Gulag. Grossman cũng nghe được những lời như vậy trong các chiến hào Stalingrad và chia sẻ niềm hy vọng này. Tuy nhiên giờ đây ông đã cảm thấy những người Stalinist sẽ chẳng thay đổi gì hết.

Những cụ già Odessa trên đại lộ, nói chuyện oang oang về việc tái tổ chức chính quyền Soviet sau chiến tranh.
1 nhà thơ đã có tác phẩm được xuất bản trong 1 cuốn thơ tiếng Rumany nhan đề “Hôm nay tôi hát” nói chuyện với tôi. Ông ta là 1 người cực kỳ khó ưa. Đột nhiên tôi nhìn thấy mẹ ông ta đứng dưới cửa sổ bên ngoài, đôi mắt bà ta nhìn ông con với vẻ đầy sợ hãi.
Aisenshtadt Simon, con trai 1 giáo sĩ Do Thái nổi tiếng ở thị trấn nhỏ Ostrovet (Thị trấn này nằm cách Odessa khoảng 270km về phía bắc) đã được 1 cô gái Nga cứu. Cô đã giấu anh trong phòng mình hơn 1 năm. Câu chuyện của anh về ghetto (khu tập trung Do Thái) tại Warsaw, về cuộc nổi dậy, về những người Ba Lan đã tuồn vũ khí vào. Người Do Thái Ba Lan phải đeo băng tay trắng, người Do Thái Bỉ và Pháp đeo băng vàng. Treblinka gần Warsaw là trại hủy diệt người Do Thái, trong đó có 1 phòng lắp những con dao di động đặt trong tầng hầm, dưới 1 banya (nhà tắm hơi). Những thân người sẽ bị cắt thành từng mảnh rồi đem đốt. Có hàng núi tro cao từ 20 - 25m. Tại 1 chỗ khác người Do thái bị đẩy xuống 1 cái hồ đầy acid, tiếng thét của họ khủng khiếp tới mức nông dân địa phương phải bỏ nhà mà đi. 58.000 người Do thái Odessa đã bị thiêu sống ở Berezovka*. 1 số bị đốt chết trong các toa tàu hỏa, những người khác bị đưa tới 1 bãi trống nơi bọn Đức phun xăng lên người họ rồi châm lửa đốt.

*[Berezovka hay Berozovka nằm cách Odessa khoảng 80km về phía bắc trên tuyến đường sắt chạy từ Cherkassy đến Nikolayev].

Lời kể của Bí thư Thành ủy Ryasentsev. Domanevka* là nơi người Do thái bị hành quyết. Chính bọn cảnh sát người Ukraina tiến hành cuộc hành quyết này. Một mình tên cảnh sát trưởng Domanevka đã tự tay giết 12.000 người.

*[Domanevka là 1 thị trấn khác cách Berezovka 40km về phía bắc - đông bắc].

Tháng 11/1942, Antonescu ban hành luật trao quyền cho người Do Thái*, các cuộc thảm sát vốn đã diễn ra trong suốt năm 1942 bị cấm chỉ. Cảnh sát trưởng Domanevka và 8 tay chân thân tín nhất bị người Rumany bắt đưa đi Tiraspol** để xét xử. Phiên tòa đã xử hắn 3 tháng cải tạo lao động vì những hành động bất hợp pháp với người Do thái.

*[Thống chế Ion Antonescu, nhà độc tài Rumany chống cộng nhưng không chia sẻ với đồng minh Đức chủ nghĩa bài Do thái. Nhà cầm quyền Rumany đã được chính phủ Đức công nhận cho 1 khu bán tự trị tại khu vực Odessa].

**[Tiraspol là 1 thị trấn lớn nằm bên sông Dnestr thuộc Moldovia mà người Rumany đã đòi lại sau khi nó bị Stalin chiếm năm 1940. Ngay sau khi Hồng quân tái chiếm nó đã bị sáp nhập lại vào Liên Xô].

Bản án bất công này là tác phẩm của tay ủy viên công tố Domanevka, một luật sư người Nga sống ở Odessa, hắn là kẻ đã giết 8 - 9 người mỗi ngày chỉ để cho vui. Hắn gọi thế là “đi săn”, hắn thường giết người bằng cách rút thăm. Trẻ con bị hắn thiêu sống bằng cách ném xuống hố rải rơm đang cháy.
Vào lúc lệnh của Antonescu được ban hành, còn khảng 380 người Do thái ở Odessa sống sót và độ 40 đứa trẻ trong 1 trường mẫu giáo, họ không còn ngay cả quần áo giầy dép. Tổng số người Do Thái Odessa bị thảm sát là khoảng 90.000. Những người sống sót được nhận viện trợ từ Ủy hội người Do Thái Rumany. Những người Do Thái Rumany cũng bị hành quyết như người Do Thái Odessa, họ bị lừa tới Domanevka. Đây là cách mà 1 trong những triệu phú giầu nhất Rumany bị giết. Ông ta được đưa tới Domanevka với lý do là để thiết lập 1 khu mỏ khai thác đất sét dành cho công nghiệp làm đồ gốm tại địa phương. Có 3 người Do Thái khác đã tham gia vào việc tra tấn và hành quyết ông, cả 3 đều đã bị bắt.
Tại Odessa, chúng đã bố ráp người Do Thái và sau đó đến ngày 10/1/1942 lùa họ tới khu ghetto ở Slobodka. Lúc đó rất lạnh, khi bị lùa lên tàu đã có hàng trăm xác chết của những người già, trẻ em và phụ nữ bị vứt lại trên phố.

Ngoài việc nhận thấy rằng rất nhiều người quen biết mình giờ đã chết, Grossman cũng có 1 kinh nghiệm trái ngược trong mùa xuân năm đó, cách Berdichev không xa. Ông đến thăm lữ đoàn tăng của Phương diện quân Ukraina 1 đang được tái trang bị tại Vinnitsa, đây vốn là nơi đặt sở chỉ huy của Hitler, mật danh Wehrwolf. Ông đã ăn tối với lữ đoàn trưởng, “1 người thấp bé, bình tĩnh và bản chất tốt”, như Ortenberg mô tả trong 1 bài viết. “Trong bữa tối, khi nói chuyện về ngày giờ và địa điểm các trận chiến, Grossman đã nhận thấy người này rất giống nhân vật Babadzhanyan chỉ huy trung đoàn 395 mà ông đã biến thành người hùng trong tiểu thuyết “Nhân dân bất diệt”. “Phải, là tôi đấy”, Babadzhanyan xác nhận. “Nhưng anh đã cho tôi chết rồi còn đâu”.
“Tôi đã giết anh”, Grossman trả lời, “nhưng tôi cũng có thể cải tử hoàn sinh cho anh”.

23
Chiến dịch Bagration

Sau khi giải tỏa hoàn toàn Leningrad và chiếm lại Ukraina 1 cách nhanh chóng, Stalin tiếp tục được các tướng lĩnh của Stavka tư vấn. Họ bao gồm Zhukov, phó tổng chỉ huy tối cao; Vasilevsky, tổng tham mưu trưởng; tướng Antonov*, phó tổng tham mưu trưởng; tướng Shtemenko**, chỉ huy hành quân.

*[Tướng Aleksei I. Antonov (1896 - 1962) được xem là sĩ quan tham mưu giỏi nhất của Hồng quân trong cuộc chiến, ông trở thành Tổng tham mưu trưởng năm 1945].

**[Tướng Sergei M. Shtemenko (1907 - 1976) là chỉ huy hành quân và lên thay Antonov khi ông này thăng chức năm 1945. Shtemenko không phải trải qua cuộc thanh trừng mà Stalin tiến hành với nhiều tướng lĩnh Soviet kỳ cựu ngay trước chiến tranh. Ông trở thành Tổng tham mưu trưởng năm 1948].

Sau khi quân Đức thất bại tại mặt trận phía nam và bị đẩy bật về Rumany, Grossman chuyển sang hướng bắc, tới biên giới phía đông Belorussia, vùng lãnh thổ Soviet cuối cùng còn nằm dưới ách chiếm đóng của bọn Nazi. Ông nhận thấy giờ đây mình còn ở gần nơi chiến tranh bắt đầu hơn cả 3 năm về trước. Đông Belorussia là điểm xuất phát của những chiến dịch tham vọng nhất trong cuộc chiến Nazi - Soviet.
Stavka đã được người Mỹ và người Anh thông báo Chiến dịch Overlord sẽ bắt đầu vào cuối tháng 5. Kế hoạch tấn công mấu lồi khổng lồ Belorussia (Ban công Belorussia) được vạch ra với những quy định nghiêm ngặt về bảo mật. Ngoài Stalin, chỉ có 5 người nữa biết được bí mật của kế hoạch. Họ biết rằng họ phải đánh lừa được người Đức về hướng tấn công chính. Các tập đoàn quân xe tăng tại phía nam vẫn giữ nguyên vị trí và tập trung lại với nhau làm ra vẻ đang chuẩn bị 1 cuộc tổng tấn công nữa về hướng nam vùng đầm lầy Pripet. Liên lạc điện đài bị buộc phải ngừng tại 3 phương diện quân Ukraina giống như trước mỗi cuộc tấn công và tin đồn về hải quân đang đổ bộ lên bờ biển Đen thuộc Rumany được lan truyền. Người Đức đã thua trong cuộc đấu trí này, họ tăng cường các đơn vị tại phía nam đặc biệt là quanh khu vực Lvov.
Kế hoạch Soviet với 1.250.000 quân tham chiến được lên xong ngày 20/5. Cùng lúc đó, những đơn vị xe tăng mới được tăng cường bí mật di chuyển tới biên giới phía đông Belorussia. Đích thân Stalin đặt mật danh cho chiến dịch là Bagration, viên tướng vĩ đại người Gruzia đã bị trọng thương trong trận Borodino. Rokossovsky, 1 người Ba Lan từng bị bắt trước chiến tranh và bị các đặc vụ NKVD của Beria tra tấn, đã đối đầu với Stalin trong 1 cuộc tranh luận ác liệt về giai đoạn khởi đầu chiến dịch, ông muốn chia quân thành 2 cánh tấn công về hướng Vitebsk và Bobruisk, thọc vào 2 bên sườn “Ban công Belorussia” để bao vây Minsk. Cả Molotov và Malenkov đều cố gàn Rokossovsky đừng đấu với Vozhd - Lãnh tụ. “Anh có biết anh đang cãi nhau với ai không?”, họ nói. Nhưng Stalin đã tỏ ra khâm phục dũng khí của Rokossovsky và chấp nhận quan điểm của ông.
Các lực lượng đồng minh phương Tây đổ bộ lên Normandy ngày 6/6 trong khi Hồng quân vẫn còn phải sốt ruột chờ đợi những thiết bị mới đang tới mà hệ thống đường sắt thì đã bị quá tải nặng nề. Grossman ghi lại phản ứng về những sự kiện tại Normandy.

Đề tài Mặt trận thứ 2 đã mở được mọi người nhiệt tình hưởng ứng ngay từ ngày đầu tiên. Các cuộc hội họp, bắn súng ăn mừng được tổ chức nhưng sau đó niềm hứng khởi giảm rất nhanh.
1 câu nói tiêu biểu: 1 người nói trên tàu hỏa khi nghe được tin Đồng minh tấn công: “Vậy đấy, giờ thì có lẽ họ sẽ thậm chí không xuống tàu với chúng ta”.

1 số binh lính hoặc thậm chí sĩ quan chưa bao giờ có cơ hội biết về cuộc sống bên ngoài đơn vị nên đã dội bom 1 người ngoài như Grossman bằng những câu hỏi.

Các sĩ quan và binh lính rất hay hỏi về tình hình thế giới, và rất nhiều người hỏi. Họ hỏi về Mặt trận thứ 2, tình hình Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và cả trăm vấn đề khác. Các câu hỏi về vấn đề ngoại giao ít hơn 1 chút. Khi hỏi, người ta có vẻ muốn tìm hiểu về diễn biến và thời gian chiến tranh.

Grossman đi theo Tập đoàn quân 65 của tướng Batov, 1 bộ phận của Phương diện quân Belorussia 1 do Rokossovsky chỉ huy, vào thời điểm diễn ra cuộc tổng tấn công. Sau nhiều trì hoãn, cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 22/6, đúng ngày kỷ niệm 3 năm cuộc xâm lược của bọn Nazi. 2 ngày sau, 3 tập đoàn quân của Rokossovsky - Tập đoàn quân 3 của Gorbatov, 48 của Romanenko và 65 của Batov - đã vượt qua vùng rừng ngập nước phía bắc đầm lầy Pripet để tấn công Tập đoàn quân 9 Đức quanh Bobruisk trên sông Beresina. Ngày 27/6, quân phòng thủ Đức - khoảng 5.000 người thuộc Sư 383 Bộ binh - đã chặn được những đợt tấn công ồ ạt đầu tiên vào thành phố nhưng sau đó chúng nhận ra rằng chúng đã bị bao vây. Viên Sư trưởng, tướng Hamann*, đã cố gắng đánh mở đường về phía bắc thành phố nhưng lối thoát đó đã bị Tập đoàn quân 3 của Gorbatov cắt đứt. Grossman mô tả lại những gì nhìn thấy tại Bobruisk khác với phần lớn phóng viên Soviet khác chỉ toàn ca ngợi sức mạnh tập thể của Hồng quân. Ông luôn thích cá nhân hóa những con người đang ở giữa cảnh chém giết tàn bạo của chiến trường.

*[Trung tướng Hamann bị bắt sống, sau đó bị xử tử nào năm 1945 vì tội ác chiến tranh]

Đôi khi bạn phát run lên vì những gì nhìn thấy, máu trong tim trào sôi, và bạn biết rằng hình ảnh này sẽ ám ảnh suốt cuộc đời bạn. Thật kỳ lạ khi bạn ngồi viết về nó, bạn không thể viết được hết ra trên mặt giấy. Bạn đang viết về 1 quân đoàn tăng, về pháo binh nặng, nhưng bất giác lại nhớ về những đàn ong bay vù vù trong 1 ngôi làng cháy rực, 1 cụ già người Belorussia chân trần trèo lên khỏi con hào nơi cụ náu mình trước những quả đạn pháo và xua đàn ong đi bằng 1 cành cây, những người lính nhìn cụ và, lạy Chúa, ai nấy đều có thể đọc được biết bao điều trong đôi mắt thâm trầm và u uất của cụ. Trong cặp mắt nhỏ bé đó chứa đựng tất cả tâm hồn của con người đã chịu đựng và vượt qua cuộc chiến với chiến thắng...
Làm cách nào để nhận ra những người quen cũ ở Stalingrad* giữa khói bụi, tiếng gầm của động cơ, tiếng nghiến của xích xe tăng vào pháo tự hành cùng tiếng rít của những hàng dài xe ngựa kéo đang đi về hướng tây, cùng với đó là hàng đoàn phụ nữ chân đất đầu đội khăn và trẻ em đi về phía đông, trở về nhà?

*[Ở đây chắc Grossman đang nhắc tới Sư 308 Bộ binh cũ do tướng Gurtiev chỉ huy tại Stalingrad, đơn vị được chuyển thành Sư 120 Bộ binh Cận vệ vào tháng 9/1943. Sư đoàn gồm phần lớn là dân Siberi này đã bảo vệ nhà máy Barrikady (Chiến Lũy) trong trận Stalingrad. Trong chiến dịch Bagration sư đoàn là 1 bộ phận của Tập đoàn quân 3].

Vài người tốt bụng chỉ cho chúng tôi cách nhận biết nhờ biểu tượng nổi tiếng của sư đoàn cho đỡ phải dừng xe và hỏi han không cần thiết, đó là chú lạc đà Kuznechik (Châu chấu) trong đơn vị hậu cần của trung đoàn pháo. Chú lạc đà này đến từ Kazakhstan và đã đi cùng sư đoàn trên mọi nẻo đường từ Stalingrad đến Beresina. Các sĩ quan liên lạc thường tìm Kuznechik của đội hậu cần chứ không cần hỏi để tìm xem sở chỉ huy ở đâu dù sở chỉ huy có luôn di chuyển suốt ngày đêm. Chúng tôi ghi nhận lời chỉ bảo kỳ cục này 1 cách vui vẻ và lên đường.
Thứ đầu tiên chúng tôi nhìn thấy khi quay lại với đám đông ầm ĩ và bụi mù mịt trên con đường chính là 1 chú lạc đà màu nâu đang kéo 1 cỗ xe. Nó gần như trọc, không còn tí lông nào trên đầu, đích thị đây là Kuznechik nổi tiếng rồi. 1 đám tù binh Đức đang đi bên kia đường, chú lạc đà quay cái đầu xấu xí về hướng chúng, môi dưới trề ra với vẻ khinh bỉ. Chắc là màu sắc khác thường của quân phục đám tù binh hoặc thứ mùi kỳ quái phát ra từ chúng đã thu hút sự chú ý của nó. Tay đánh xe lạc đà nói với đám lính áp giải tù binh với giọng tỏ ra rất nghiêm túc: “Đưa mấy tên Đức cho chúng tôi luôn đi, Kuznechik đang muốn ăn chúng!”. Và ngay sau đó chúng tôi được biết tiểu sử của chú lạc đà. Nó thường trốn giữa những thùng đạn pháo khi có pháo kích, từng bị 3 vết thương nhẹ và đã được trao huy chương “Vì đã bảo vệ Stalingrad”. Chỉ huy trung đoàn pháo Kapramanyan đã hứa thưởng huân chương cho tay đánh xe nếu cậu ta đến được Berlin cùng Kuznechik*. Chúng tôi đi theo hướng Kuznechik chỉ và tìm thấy sư đoàn.

*[Chú lạc đà Kuznechik còn nổi tiếng hơn nữa vào năm sau khi chú đến được Berlin và được cậu đánh xe dẫn đi xuyên qua thành phố đến nhổ nước bọt vào tòa nhà Reichstag].

Tôi không tìm thấy nhiều người quen cũ tại sư đoàn của Gurtiev, tôi nhớ rất rõ họ dù chỉ qua những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi. Bản thân Gurtiev đã hy sinh trong trận đánh giải phóng Orel khi 1 quả đạn pháo bắn trúng điểm quan sát, ông đã lấy thân mình che cho tướng Gorbatov. Máu của viên-tướng-của-những-người-lính này dính cả vào mũ của Gorbatov.
Khi chúng tôi đến Bobruisk, vài ngôi nhà vẫn còn cháy đùng đùng, số khác chỉ còn là đống đổ nát. Hãy để Bobruisk dẫn lối con đường báo thù! Với nhiều khó khăn, chiếc xe của chúng tôi len lỏi giữa những đống đổ nát và những chiếc xe tăng, pháo tự hành Đức móp méo. Binh lính bước qua xác những tên Đức. Hàng trăm, hàng ngàn cái xác phủ khăp mặt đường, trong những con hào, dưới những gốc cây, trên những cánh đồng lúa mạch xanh non. Ở vài chỗ xe phải cán qua những xác chết nằm dày đặc trên mặt đất. Mọi người đang hết sức bận rộn với việc chôn chúng, nhưng chúng quá nhiều đến mức việc này không thể hoàn tất chỉ trong 1 ngày. Hôm nay trời vẫn nóng phát ngốt và người ta phải đi bộ hay lái xe với khăn tay bịt mũi. Nơi đây đã biến thành cái vạc dầu của thần chết do những người báo thù thực hiện - cuộc báo thù ghê rợn, không thương xót dành cho tất cả những kẻ không chịu hạ vũ khí mà định đào thoát về phía tây.
Một tên lính Đức bị thương vào chân đang ngồi bên bờ sông Beresina, cạnh con đường dẫn vào thành phố Bobruisk rực cháy đã bị tàn phá. Hắn ngẩng đầu nhìn đoàn tăng pháo đang đi qua cầu. 1 người lính Hồng quân lại gần hắn, múc ít nước sông vào cà mèn đưa cho hắn uống. Tôi không thể không nghĩ đến chuyện tên Đức này đã làm gì vào mùa hè năm 1941, khi những đoàn thiết giáp và binh lính Đức tiến về phía đông cũng trên cây cầu này, không biết hắn sẽ làm gì nếu thấy 1 người lính ta bị thương vào chân ngồi bên bờ cát.

Grossman được chấp thuận cho phỏng vấn các tướng lĩnh Đức bị bắt làm tù binh. Trung tướng Von Lutzov*, chỉ huy Quân đoàn 35, dân Phổ, 52 tuổi, bị bắt gần Bobruisk trong 1 vòng vây khác. Theo hầu hết các báo cáo, viên tướng này đã suy sụp vì căng thẳng khi phải phòng thủ 1 vị trí không còn có thể phòng thủ mà Hitler lại từ chối đề nghị cho hắn được rút quân.

*[Trung tướng Kurt Jurgen Freiherr Henning von Lutzov, sinh năm 1892 tại Marienwerder, bị xét xử tại Moscow ngày 29/6/1950 vì tội ác chiến tranh với mức án 25 năm tù (mức án này được áp dụng cho nhiều tướng lĩnh Đức khi Chiến tranh Lạnh đang leo thang). Được phóng thích và cho hồi hương tháng 1 năm 1956].

(Nguyên) Trung tướng Lutzov không ca ngợi quân ta có điều gì đặc biệt giỏi giang. Theo hắn binh lính ta không có sự sáng tạo, nếu không có người chỉ huy họ sẽ không biết làm gì trên trận địa. Pháo binh ta thì mạnh nhưng máy bay Soviet bỏ bom mà chẳng ngắm gì cả.
Lutzov phàn nàn về việc hắn hoàn toàn thiếu tự do hành động. Ví dụ, hắn cần được bộ chỉ huy tập đoàn quân chấp thuận cho bỏ vị trí, tập đoàn quân lại cần chấp thuận của Cụm tập đoàn quân, Cụm tập đoàn quân lại cần chấp thuận của Bộ Tổng tham mưu*. Lutzov chỉ nhận được lệnh chấp thuận cho rút khi vòng vây quanh Quân đoàn 35 đã khép kín.

*[OKH (Oberkommanko des Heeres), Bộ Tổng tham mưu, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trên Mặt trận phía Đông. OKW (Oberkommando des Wehrmacht) chịu trách nhiệm về mọi hoạt động ở các nơi khác].

(Nguyên) Tướng SS Heyne nói về bản thân: “Tôi là 1 Frontschwein”*.

*[Trung tướng Hans Walter Heyne chỉ huy Sư 6 Bộ binh cũng bị bắt tại khu vực Bobruisk. Heyne thực ra không phải là thành viên SS, đây chỉ là form mà nhiều báo cáo Soviet sử dụng bừa bãi. “Frontschwein” chắc là 1 câu đùa của Heyne, thành ngữ thường được dùng hơn là “Fronthase”, dịch nghĩa là “thỏ mặt trận”. Heyne lúc đó 50 tuổi, dân Hanover, bị xử án 25 năm, phần lớn thời gian thụ án ở Vorkuta, được phóng thích và cho hồi hương tháng 12/1955]

Hầu hết tướng lĩnh, sĩ quan và binh lính Đức bị bắt trong Chiến dịch Bagration đều bị áp giải về Moscow để đưa đi diễu trong buổi diễu binh mừng chiến thắng ngày 17/7. Truyền thông Soviet đã tô vẽ thêm là nhiều đứa trẻ Nga đã chờ đợi ngày này để xem những con quỷ bị báo thù chứ không phải là những người lính bại trận. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần nhấn mạnh thất bại to lớn này của quân đội Đức, Wehrmacht đã mất khoảng 1/3 triệu quân, còn nặng nề hơn cả trận Stalingrad.
Báo cáo từ các sĩ quan tình báo Soviet cũng cho Grossman biết đôi nét về những giấy tờ tịch thu được và các cuộc thẩm vấn tù binh.

Tịch thu được 1 tấm bản đồ của bọn Đức. Các chi tiết hoàn toàn giống với bản đồ mà bộ phận tình báo của ta vẽ, không chỉ vị trí các sư đoàn mà cả các đơn vị dự bị, các điểm tập trung quân, v.v..., giống tất.
1 sĩ quan tù binh Đức nói các sĩ quan Đức cãi nhau suốt về đòn tấn công tiếp theo của người Nga. Số ít cho rằng quân Nga sẽ đánh trên toàn tuyến, số khác, nhiều hơn, nói về cái bẫy chuột khổng lồ có tên “Belorussia”.
(Trước cuộc tấn công của quân Soviet) Thống chế Bush đi thăm các đơn vị tiền tuyến để “xem niềm lạc quan và sự kiên định” của họ. Người Đức đã định rút bớt 1 số đơn vị từ tiền tuyến về sâu trong nội địa, có lẽ tin này liên quan tới cuộc tấn công của lực lượng Đồng Minh.

Trên đường tiến công tới Minsk ở phía tây bắc, Grossman lại nhập vào Tập đoàn quân 65 của tướng Batov. Chỉ trong có hơn 1 tuần, tuyến phòng thủ của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm đã bị phá vỡ. Quân Đức mất 200.000 người và 900 xe tăng, nhưng thương vong của phía Soviet cũng khá lớn ở nhiều vị trí. Thậm chí các tướng lĩnh Hồng quân còn tỏ ra chai sạn trước những cuộc tàn sát đẫm máu. Ngay cả khi chiến dịch đã bắt đầu, Hitler và Bộ chỉ huy tối cao Đức vẫn còn chưa mường tượng được kế hoạch của người Nga là đánh vào 2 cánh như 1 cái càng cua, bên trong đó vây trọn Minsk và toàn bộ Cụm tập đoàn quân Trung tâm.
Ngày 3/7, xe tăng Soviet đã tới vùng ngoại ô Minsk. Thêm 100.000 quân Đức nữa rơi vào rọ, gần 1/2 số đó bị giết. Ghi chép của Grossman về giai đoạn này khá tùy tiện, vừa có vẻ tàn bạo, ham muốn trả thù, vừa là những mô tả thực tế. Lính Ý, những kẻ cũng từng gây tội ác trên nước Nga vì lý tưởng phát xít mà phần lớn chúng bản thân chẳng hề tin theo, sau đó nhận ra mình chỉ là tù binh hay nô lệ cho người Đức. Grossman cũng nghe được chuyện 1 số trường hợp cựu binh Hồng quân phục vụ trong quân Đức đã bị xử tử.

Lính Ý bị người của Vlasov hành quyết*. Tù binh Hồng quân bị tàn sát vào đêm 12 rạng ngày 13/2/1944, đến sáng suốt chiều dài phố Sovyetskaya chất đống hàng nghìn xác chết.

*[Khó mà chắc được họ có phải thành viên của Quân đội Giải phóng nước Nga (ROA) do tướng Vlasov chỉ huy hay không. Các đơn vị ROA đã bị chuyển sang Mặt trận phía Tây. Từ “người của Vlasov” thường bị Hồng quân sử dụng bừa bãi cho bất kỳ ai là “cựu công dân Soviet” mặc quân phục Wehrmacht. Thậm chí cả các Hiwis hay Hilfsfreiwillige, những người bị bắt buộc làm lính canh trong các trại tù binh hay trại lao động cũng bị gọi như vậy]

Lửa cháy tại các khu dân cư ven sông; hàng trăm nghìn người đã mất mọi thứ trong lửa đang ngồi trên những gì còn lại: ghế tựa, tranh ảnh, sừng hươu; những cô gái cầm theo bếp.
Tù binh Đức đang đi; trông chúng thật ảm đạm. 1 tên vuốt phẳng quần áo và chào mỗi khi gặp 1 chiếc xe.

1 phiên bản khác của câu chuyện này cho biết tù binh Đức đang trong giai đoạn khủng hoảng.
Các cuộc giết chóc trả thù được xem là bình thường sau cuộc chiến chống du kích kinh hoàng diễn ra trên khắp Belorussia mà người Đức và những kẻ giúp sức cho chúng đã làm, những kẻ mà Hồng quân thường quy tất là Vlasovtsy (người của Vlasov).

1 du kích nhỏ thó đã giết chết 2 tên Đức bằng 1 cây cọc hàng rào. Anh ta đã cãi nhau với người lính áp giải hàng tù binh để đòi cho được 2 tên Đức đó, anh khẳng định 2 tên này chính là những kẻ đã giết con gái Olya và 2 con trai anh. Anh ta dần nhừ tử 2 tên Đức rồi đập vỡ sọ chúng, vừa đánh vừa gào khóc: “Cú này cho con - Olya! Cú này cho con - Kolya!”. Khi chúng đã chết rồi anh vẫn còn dựng xác chúng tựa vào 1 gốc cây để đánh tiếp.
Những người của Vlasov đang bị hành quyết. Đồng bào giết nhau, 1 người Orel giết 1 người Orel, 1 người Uzbek giết 1 người Uzbek.
Không còn 1 sân bay Đức nào phía trước, những chiến đấu cơ quân ta sải cánh trên đất đai ta. Tổ quốc ta sẽ không phải bừng cháy lâu nữa.
Có tiếng harmonica. Ai đó đã lấy được 1 chiếc kèn harmonica Đức. Đó đúng là thứ nhạc cụ dành cho lính tráng vì nó là thứ duy nhất có thể chơi dễ dàng ở bất cứ đâu, thậm chí ngay cả khi ngồi trên thùng xe xóc nảy.
Binh lính sư đoàn thuộc 14 dân tộc*.

*[Không rõ Grossman có còn đi cùng Sư 120 Bộ binh Cận vệ trong giai đoạn này hay không. Dân tộc được ghi trong chứng minh thư mỗi người Liên Xô - người Nga, người Ukraina, người Kazakh, v.v... Ngay cả người Do Thái cũng được xem là 1 dân tộc riêng trong nhiều giấy tờ và bảng thống kê của Hồng quân].

Vì quá khó tìm giấy cuốn thuốc lá nên đã có nhiều trường hợp người ta dùng cả giấy chứng thương và các giấy tờ quan trọng khác để vấn thuốc hút.
Điện đài viên Skvortsov là người nhỏ thó và chất phác. Anh có 3 cô vợ chưa cưới. 1 cô đã gửi ảnh cho anh, nhưng đó không phải ảnh cô ta. Cô thứ 2 may cho anh 1 cái áo sơmi cỡ 48 trong khi anh mặc cỡ 46. Anh quát các cô gái ở bộ phận chính trị: “Tất cả chúng ta đều phục vụ ở đây. Tại sao bạn không được trao ngôi sao hay quân hàm? Khi chiến tranh kết thúc, bạn sẽ chẳng được gì”.
Pháo thủ Konkov, trung sĩ cận vệ, là người duy nhất sống sót. Anh bèn buộc 40 tên tù binh Đức kéo khẩu lựu pháo ra, dọa dẫm chúng bằng cây tiểu liên để buộc chúng bắn trực xạ vào quân địch.

Grossman rất được tướng Batov hâm mộ, ông là chỉ huy Tập đoàn quân 65, đơn vị được Rokossovsky giao dẫn đầu mũi nhọn tiến về phía tây, hướng tới Warsaw.

Batov không có vẻ là 1 người Nga lạc quan, ghét các thủ tục kể cả việc vinh danh chiến công.

Và giống như các chỉ huy giỏi nhất tại Stalingrad, Batov tin tưởng vào các bài tập thực tế giống như Gurtiev đã bắt lính đào hào, núp dưới đó rồi cho xe tăng chạy qua.

Huấn luyện trước 1 cuộc tấn công. “Nếu có 1 vũng nước sâu tới ngực thì phải tiến hành tập luyện trong vũng nước đó. Nếu có 1 con mương - tập dưới mương”.
Nói chuyện với 1 tham mưu trưởng pháo binh về pháo binh Nga, súng Nga. Kiệt tác của pháo binh Nga là cây lựu pháo 152mm, nó vừa là dã pháo vừa là lựu pháo.
Pháo binh thừa hưởng tinh thần Nga. Tiền sát pháo là 1 lính bộ binh, anh ta mang tới cho khẩu pháo nhiệt tình và sự táo bạo của người lính chiến. Hỏa lực góp vào đó sức mạnh. Người Đức bắt đầu cuộc chiến với óc tôn thờ kỹ thuật thì nay phải trở về với việc tôn trọng bộ binh, còn chúng ta bắt đầu cuộc chiến với những người lính bộ binh và càng ngày càng tìm ra nhiều cách hỗ trợ bộ binh bằng kỹ thuật.
Lính trinh sát Đức rất tồi. Chúng khai hỏa bừa bãi, bỏ súng dễ dàng. Chúng bỏ chạy thậm chí còn trước cả bộ binh, còn bộ binh thì thường bỏ chạy trước cả pháo binh.
Mặc dù thuốc phóng của pháo Đức là nitroglycerine, mạnh hơn pyroxylin của ta, nhưng dã pháo Đức thường mỏng mảnh và không dài bằng pháo ta.

Ngày 13/7, thêm 1 đòn đánh nữa giáng xuống quân Đức. Phương diện quân Ukraina 1, giờ chỉ huy là Nguyên soái Konev, tấn công vào Lvov, cuộc tấn công mà người Đức đã tưởng là sẽ diễn ra trước Chiến dịch Bagration. Đây là giai đoạn đầu của cuộc tiến công sẽ mang các tập đoàn quân của Konev thẳng tới Vistula, tại đó Hồng quân đã chiếm được đầu cầu Sandomierz trên bờ tây chỉ sau 2 tuần tiến công, đầu cầu này chỉ cách Warsaw chưa đến 200km về phía nam. Cùng lúc, Phương diện quân Belorussia 1 của Rokossovsky cũng tấn công về phía tây nhằm hướng Vistula cả ở phía bắc và nam Warsaw.
Khi Tập đoàn quân 65 đang tiến như vũ bão trên đất Ba Lan, những người lính Soviet có những cảm giác lẫn lộn về những người dân địa phương. Điều này đặc biệt đúng với những người biết rõ nhà nước Liên Xô đã làm những gì tại Ba Lan vào năm 1939, đó là đâm sau lưng họ như 1 phần của Thỏa ước Molotov - Ribbentrop. Người Ba Lan trở thành những kẻ thù tự nhiên, phần lớn họ tỏ ra chống cộng và là những kẻ phản động trong con mắt Soviet. Tuy nhiên họ cũng chống Đức rất dữ dội và đã kháng cự 1 cách quả cảm. Giờ đây họ lại phải chịu cảnh bị cướp bóc và hãm hiếp do bàn tay của những người đến giúp giải phóng cho họ. Grossman, không hề nghi ngờ gì về thói bài Do Thái đã đến mức nổi tiếng của người Ba Lan, có lẽ cũng có những cảm giác lẫn lộn như vậy khi ghi lại những dòng tốc ký mà ông có nhắc đến sau này. “Về người Ba Lan. Theo Thiên Chúa giáo. Chia thành những trung đội gồm toàn tín đồ và những trung đội vô thần, trung đội cha cố, giáo chức”.
Ông viết 1 bài chào mừng giải phóng Ba Lan. Grossman không đề cập gì đến sự kinh sợ mà những người dân Đông Ba Lan đã trải qua trong cuộc xâm lược của Hồng quân năm 1939, khi đất nước họ bị bọn Nazi Đức và Liên Xô chia nhau. Rất nhiều bần nông đã trông đợi cuộc cải cách ruộng đất mà chính phủ bù nhìn cộng sản Ba Lan đóng tại Lublin hứa. Việc chăm lo cho giáo dục lại trở thành lý do khiến người ta sợ đây chỉ là chính sách của những người Stalinist muốn nhổ bỏ văn hóa gốc để áp đặt quyền lãnh đạo cộng sản.

Từ những cánh rừng đang mùa rụng lá, từ những lùm cây bụi cỏ, hàng nghìn nông dân Ba Lan đang đổ ra những con đường làng phủ đầy cát, đi bộ hay xe kéo. Họ mang về làng những tài sản đã giấu được khi bọn Đức chiếm đóng. Họ cưỡi bò hay ngựa. Từng đám đông nông dân đội mũ phớt và mặc áo jacket, đi bộ, những phụ nữ nông dân đầu đội khăn và đeo tạp dề, vác theo quần áo rét, chăn gối, gương, thảm tự làm, đi theo những đơn vị xe tăng, bộ binh, kỵ binh ta. Đây thực sự là biểu hiện rõ ràng nhất cho tình hữu nghị và niềm tin của những người nông dân Ba Lan vào Hồng quân. Những người nông dân Ba Lan quay về làng mang theo lương thực và tài sản giấu trong rừng ngay khi pháo Soviet vẫn còn gầm chứng tỏ người nông dân Ba Lan hiểu rõ đạo đức và bản lĩnh chính trị của quân đội ta.
Tôi hỏi nhiều người đang chào đón Hồng quân, họ nói những lời mà tôi đã nghe nhiều lần:
“Chúng tôi chờ đợi như chờ Chúa tới!”.
Chỉ có đúng 1 lời phàn nàn là tôi không nghe được điều gì từ 1 loại người, nhìn thấy nước mắt của 1 loại người ở Ba Lan: người Do Thái. Không còn người Do Thái nào ở Ba Lan, họ đã bị giết sạch, từ cụ già cho đến trẻ mới sinh. Thân xác họ bị đốt trong những lò thiêu. Và tại Lublin, thành phố Ba Lan với cộng đồng người Do Thái lớn nhất, hơn 40.000 người Do Thái đã sống tại đây trước chiến tranh, tôi không tìm thấy dù chỉ 1 đứa trẻ, 1 phụ nữ, 1 cụ già nào có thể nói thứ ngôn ngữ mà ông bà tôi nói.

1 thời gian ngắn sau đó Grossman đã tìm ra sự thật khi ông tiếp tục tìm hiểu về hoạt động thảm sát người Do thái tại Trung Âu. Người Ba Lan dù phần lớn chống cộng nhưng hoàn toàn không giống người Ukraina, chỉ có rất ít người cộng tác với bọn Nazi.

24
Treblinka

Tháng 7/1944, Grossman 1 lần nữa cùng với Troyanovsky trở lại hàng ngũ Tập đoàn quân Stalingrad, lúc này đã được đổi tên là Tập đoàn quân Cận vệ 8 của tướng Chuikov. Troyanovsky mô tả lại con đường đến thành phố Lublin, đông Ba Lan:
“Tuyến đường đến Lublin chật ních binh sĩ theo đúng nghĩa đen. Không quân 2 bên đều tích cực hoạt động. Phóng viên Vasily Grossman và tôi luân phiên nhau theo dõi bầu trời. Lúc này đang có mưa. Nước ngập các đường hào, hố bom và pháo nhưng chúng tôi vẫn thường phải nhảy xuống đó để trốn những chiếc Messerschmitt địch”.
Troyanovsky cũng kể lại cuộc gặp của họ với tướng Chuikov. Grossman đã không tốn nhiều thời gian để phỏng vấn vị tướng, 2 tay ông đều đang phải băng bó.

“Lublin thế nào?”, Grossman hỏi.
“Lublin sẽ được giải phóng. Đó là việc sẽ xảy ra trong ít giờ nữa nhưng có 1 vài điều khác làm tôi lo lắng”. Chúng tôi im lặng 1 lúc. “Nhìn xem, giờ quân ta hầu như đã có thể sờ thấy Berlin, nhưng tôi sợ các vị lãnh đạo Tổng hành dinh (Stavka) có thể đổi ý và chuyển Tập đoàn quân của tôi sang hướng khác. Điều này đã xảy ra vài lần trước đây. Từ trước đến nay điều tuyệt vời nhất theo cảm nghĩ thông thường và logic của chúng tôi chỉ là: Những chiến sĩ Stalingrad (Stalingradtsy) sẽ tiến vào Berlin!”.

Trong khi Chuikov cáu kỉnh vì Tập đoàn quân của ông có thể mất quyền tiến vào Berlin thì những binh sĩ của ông chợt phát hiện 1 cái trại ở Majdanek, phía bên kia thành phố Lublin.
Các mũi thọc sâu của Hồng quân vào Ba Lan trong mùa hè năm 1944 đã làm phát lộ nhiều sự thật khủng khiếp còn hơn cả những vụ thảm sát ở Babi Yar, Berdichev và Odessa. Majdanek, trại tù binh chiến tranh dành cho các binh sĩ Hồng quân bị bắt, đã bị biến thành trại tập trung và lò sát sinh. Các tù nhân từ Sở chỉ huy Gestapo tại Lublin bị hành quyết trong trại ngay cả khi chiến sự vẫn tiếp diễn trong thành phố. Ngày 24/7, lò thiêu người của trại bị đốt cháy nhằm che đậy những tội ác đã diễn ra tại đây, chỉ ngay trước khi quân đội Soviet tới được trại.
Cho dù Grossman đã có mặt ở đó nhưng đối thủ cạnh tranh của ông là Konstantin Simonov, người thay chỗ ông ở Stalingrad, vẫn tới trại để viết về các tội ác của bọn Nazi cho tờ Krasnaya Zvezda. Simonov, 1 người được quý mến tại trung đoàn, đã tránh nhấn mạnh đến nguồn gốc Do Thái của những nạn nhân trong bài viết của mình. Ban Tuyên huấn Hồng quân cũng gửi tới đây những nhà báo phương tây từ Moscow, và Kremlin lập 1 ủy ban đặc biệt để điều tra những tội ác do bọn Đức gây ra tại Trại Tập trung Majdanek. Vì có nhiều người Ba Lan không phải Do Thái và tù nhân Nga cũng bị đưa vào Majdanek nên nhà cầm quyền Soviet thấy có thể sử dụng trại này cho mục đích tuyên truyền của mình.
Trại Treblinka nằm xa hơn về phía bắc do 1 đơn vị khác của Phương diện quân Belorussia 1 chiếm giữ gần như cùng lúc với Majdanek. Đó là loại trại kiêm lò sát sinh Aktion - Reihard đầu tiên bị chiếm nhưng lực lượng SS, lực lượng do Himmler trực tiếp chỉ huy, đã phá hủy hầu như mọi dấu vết về sự tồn tại của nó*.

*[Treblinka là 1 địa điểm nhỏ nằm cách thị trấn Ostrow Mazowiecka 25km về phía đông bắc, thị trấn này nằm ở tây bắc Warsaw trên con đường tới Bialystok. Trại nằm cách sông Bug khoảng 6km. 2 trại Aktion - Reinhard khác là Sobibor và Belzec].

Hồng quân chỉ phát hiện tại đây khoảng 40 người còn sống sót thoát khỏi trại - 1 số trong đó là nhờ trốn vào khu rừng thông vây quanh trại. Grossman được chấp thuận cho đến đó và đã không bỏ lỡ chút thời gian nào để phỏng vấn những người còn sống sót và cả các nông dân Ba Lan địa phương. Tính toán của ông, được xây dựng cẩn thận dựa trên các cuộc phỏng vấn những người đã từng ở trong trại, là 800.000 nạn nhân, thường được xem là phần có giá trị nhất trong các bài viết của ông. 1 cách bản năng, Grossman có vẻ như đã nhận ra ý nghĩa chính của câu chuyện. Làm thế nào mà 1 đội quản trại với khoảng 25 tên SS thô lỗ được hỗ trợ bởi chừng 100 người Ukraina Wachmanner có thể giết được quá nhiều người như vậy? Ông sớm phát hiện ra rằng chúng thực hiện được việc đó là nhờ các thủ đoạn lừa đảo, theo đó chúng đánh lạc hướng suy nghĩ của nạn nhân rồi đưa họ tới tình trạng khiếp sợ tuyệt đối. Bài viết này được đăng tải trên tạp chí Znamya số tháng 11 dưới tiêu đề “Địa ngục mang tên Treblinka”, sau đó được đăng lại trong văn bản của Tòa án Quân sự Quốc tế Nuremberg.

Tiết kiệm, cẩn thận và sạch sẽ - đó là những phẩm chất tốt thường có ở nhiều người Đức, chúng chứng tỏ hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Nhưng Hitler đã sử dụng những phẩm chất này trong tính cách Đức để làm những tội ác chống loài người. Tại các trại lao động ở Ba Lan, bọn SS xử sự với con người như thể họ là súp lơ hay khoai tây.
Khu trại được chia thành những ô hình chữ nhật. Các trại dành cho lính được xây thành hàng thẳng tắp. Cây bulô được trồng dọc theo những con đường rải cát, cúc tây và thược dược mọc trên mặt đất màu mỡ. Có những hồ nhỏ láng bê tông dành cho các loài thủy cầm và cả hồ nước có bậc lên xuống thuận tiện dành cho việc giặt giũ, các khu nhà phụ dành cho người Đức, 1 tiệm bánh, 1 tiệm cắt tóc, garage, trạm xăng và các kho. Trại Majdanek ở Lublin và hàng tá trại lao động khác được bọn Gestapo lập ra để hoạt động lâu dài và được quản lý chặt chẽ, được tổ chức theo cùng 1 kiểu với những khu vườn nhỏ, vòi phun nước và đường láng bê tông.
Trại No. 1 tồn tại từ mùa xuân năm 1941 đến 23/7/1944. Những tù nhân còn sống bị thủ tiêu khi họ đã có thể nghe thấy tiếng ì ầm từ xa vọng tới của pháo Soviet. Sáng sớm ngày 23/7, lính gác và lính SS uống 1 chút rượu schnapp để lấy dũng khí rồi bắt đầu tiến hành xóa sổ khu trại. Đến tối, tất cả tù nhân đã bị giết và chôn xong.
1 thợ mộc từ Warsaw, Max Levit, đã sống sót. Anh ta bị thương và nằm dưới các xác chết của bạn tù đến đêm rồi bò vào rừng. Anh ta kể cho chúng tôi mọi chuyện diễn ra như thế nào, khi đó anh ta vẫn nằm dưới 1 con hào và nghe thấy 1 nhóm 30 trẻ em trai là tù nhân trong trại hát bài “Đất Mẹ bao la của tôi” ngay trước khi bị hành quyết. Anh ta còn nghe thấy 1 đứa trẻ thét lên: “Stalin sẽ báo thù cho chúng tao!”. Anh ta cũng nghe thấy thủ lĩnh nhóm trẻ, Leib Tóc Đỏ, 1 chú bé được cả trại yêu quý, khi ngã xuống hào sau loạt đạn còn chồm lên 1 chút và nói: “Cha thằng cảnh vệ, mày bắn trượt rồi. Bắn lại đi, 1 lần nữa xem nào!”.
Giờ chúng tôi đã biết được toàn bộ câu chuyện về “Trật tự Đức” (Ordnung) trong trại lao động này... Chúng tôi biết về công việc tại khu khai thác cát, về những người không thực hiện đúng quy định đã bị ném xuống hầm từ trên vách đá. Chúng tôi biết được khẩu phần ăn: 170g bánh mì và nửa lít nước bẩn mà chúng gọi là súp. Chúng tôi biết thế nào là chết đói, về những người bị phù thũng được đưa ra ngoài hàng rào thép gai bằng xe cút kít để bắn. Chúng tôi biết về các cuộc truy hoan quái đản của bọn Đức, tại đó chúng hãm hiếp các cô gái rồi bắn họ ngay sau đó, những tên Đức say xỉn cắt vú phụ nữ bằng dao và ném nhiều người từ trên cửa sổ tầng thượng cao 6m xuống đất, đám khách khứa cũng say xỉn đem 10 - 15 tù nhân vào khu nhà của lính để thực hành các kiểu giết người 1 cách chậm rãi trong suốt đêm: bắn vào tim, sau gáy, mắt, mồm, thái dương... Chúng tôi biết về viên trưởng trại, 1 tên Đức gốc Hà Lan tên là Zan Eilen*, 1 kẻ giết người, yêu thích những con ngựa tốt, tay lái lụa và phóng đãng.

*[Ở đây Grossman vẫn đang nói về Treblinka I. Viên sĩ quan chỉ huy đầu tiên của Treblinka II là Obersturmfuhrer (cấp bậc trong các lực lượng bán vũ trang phát xít như SS, SA, Gestapo... thấp hơn đại đội trưởng nhưng cao hơn trung đội trưởng, đôi khi được dùng để chỉ trung đội trưởng SS Waffen) Imfried Eberl, đến tháng 8/1942 Obersturmfuhrer Franz Stangl thay thế, chỉ huy phó là Kurt Franz]

Chúng tôi biết về Stumpfe, kẻ mà mỗi khi giết 1 tù nhân hoặc chứng kiến 1 vụ hành quyết lại nổi hứng cười phá lên. Hắn được đặt biệt danh là “Tiếng cười chết chóc”... Chúng tôi biết về tên Đức 1 mắt đến từ Odessa, Svidersky, biệt danh “Thầy giáo búa”. Hắn được xem là chuyên gia giết người máu lạnh, là kẻ trong vài phút đã giết 15 đứa trẻ từ 8 đến 13 tuổi bị kết tội không hoàn thành công việc. Chúng tôi biết về tên SS gầy còm Preie trông giống 1 người Digan biệt danh “Lão già”. Hắn luôn có vẻ buồn rầu và trầm lặng. Hắn giải buồn bằng cách ngồi bên hố rác của trại rình các tù nhân trốn tới đây để nhặt vỏ khoai tây ăn. Hắn bắt họ mở mồm ra rồi bắn vào đó. Chúng tôi biết tên của những tay chuyên gia giết người Schwarz và Ledeke, trò giải trí của chúng là bắn vào những tù nhân đang đi bộ về khi ngày làm việc kết thúc lúc trời nhá nhem tối. Tất cả bọn chúng không còn 1 chút tính người nào. Đầu óc, trái tim, tâm hồn, ngôn từ, hành động và những thói quen của chúng đều méo mó như 1 bức tranh đả kích nhưng vẫn làm chúng ta nhớ lại những đặc điểm, suy nghĩ, tình cảm và thói quen thông thường của người Đức.
Quy định của trại, giấy tờ của những tên sát nhân, những trò đùa quái đản đôi khi lại được 1 tên Đức say xỉn thực hiện, những bài ca được hát lên giữa vũng máu, những lời chúng luôn nói với những người tù bất hạnh, những lời giảng đạo, những câu kinh được in ngay ngắn trên những mảnh giấy đặc biệt - tất cả là những quái thai đáng khinh bỉ của truyền thống sôvanh Đức; của tính kiêu ngạo, ích kỷ, tự phụ, cứng nhắc Đức; của sự lạnh lùng sắt đá, lãnh đạm trước số phận của mọi sinh vật trên Trái Đất xuất phát từ niềm tin độc ác rằng âm nhạc, thơ ca, ngôn ngữ, luật pháp, hố xí, bầu trời, nhà cửa... Đức đều là thứ cao cấp nhất trong Hoàn Vũ.
Tuy nhiên những người sống ở Trại No. 1 đều biết rõ rằng còn có những thứ khủng khiếp hơn khu trại này hàng trăm lần. Tháng 5/1942, người Đức bắt đầu xây dựng 1 trại khác, thực chất là 1 cái lò sát sinh.
Quá trình xây dựng diễn ra nhanh chóng. Hơn 1.000 công nhân đã được sử dụng. Theo kế hoạch của Himmler, việc xây dựng khu trại này phải được giữ bí mật tuyệt đối và không 1 ai có cơ may sống sót mà ra khỏi trại... Bọn lính canh nổ súng mà không báo trước cả những người vì rủi ro nào đó mà đi gần trại ở khoảng cách dưới 1km... các nạn nhân được đưa lên tàu hỏa rồi tới 1 tuyến đường ray đặc biệt mà không hề biết rằng số phận mình đã đến lúc cáo chung. Thậm chí ngay cả lính áp tải trên tàu cũng bị cấm đến gần khu vực hàng rào thứ 2 của trại...
Khi các nạn nhân đã xuống hết khỏi các toa tàu để bị đưa vào lò sát sinh, viên trưởng trại sẽ gọi điện để 1 chuyến tàu mới có thể đến, đoàn tàu rỗng thì chạy tiếp 1 đoạn đến khu mỏ khai thác cát để chất đầy cát cho chuyến về. Lợi thế của Treblinka là rất rõ ràng, vị trí này thuận tiện để tiếp nhận các chuyến tàu chở đầy nạn nhân đến từ khắp nơi: phía bắc, phía nam, phía đông hay phía tây.
Các chuyến tàu đã qua lại đây suốt 13 tháng. Mỗi chuyến tàu có 60 toa và trên mỗi toa có đánh số: 150, 180 hoặc 200. Đó là số người được chở trên mỗi toa. Các công nhân hỏa xa và nông dân địa phương đã bí mật đếm số lượng các chuyến tàu đó. Những nông dân làng Wulka (làng gần khu trại nhất)... đã nói với tôi rằng có những hôm 6 chuyến tàu đã đi qua tuyến đường sắt Sedletz này và gần như không ngày nào không có ít nhất 1 đoàn tàu qua đây. Sedletz là tuyến đường sắt để phục vụ duy nhất cho trại Treblinka.
Bản thân khu trại với hàng rào bao quanh, các kho chứa đồ của những nạn nhân đã bị hành quyết, ga tàu hỏa và các nhà phụ chỉ chiếm 1 diện tích rất nhỏ chiều rộng 80m và chiều dài 600m. Nếu ai đó có chút nghi ngờ dù là nhỏ nhất về số phận của hàng triệu người* đã bị đưa đến đây thì chỉ cần nghĩ xem nếu họ không bị bọn Đức giết ngay sau khi tới nơi thì họ có thể ở đâu? Số người này có thể tương đương dân số 1 nước nhỏ hoặc 1 thủ đô Châu Âu.

*[Grossman, trên cơ sở những ước lượng của ông về số lượng các đoàn tàu và sức chở của chúng mà ông nghe được, đã tính rằng có khoảng 3 triệu người đã bị giết tại đây. Nghiên cứu sau này đã cho ra con số từ 750.000 đến 880.000 nạn nhân. Lý do con số ước lượng của Grossman quá lớn so với thực tế rất đơn giản: Ông đã đúng về số lượng toa là 60 cho mỗi đoàn tàu nhưng có vẻ đã không phát hiện ra chiều dài nhà ga trong trại quá ngắn cho chúng. Các đoàn tàu đã phải dừng ở vài chỗ để cắt lại 1 số toa và mỗi lần chỉ có 1 phần đi vào ga. Tức là không phải có 5 đoàn tàu với 60 toa đến trại mỗi ngày mà thường mỗi đoàn tàu đều được chia làm 5 phần].

Diện tích trại cũng quá nhỏ ngay cả là để những người bị đưa tới đây chỉ sống thêm vài ngày sau khi tới nơi. Không có đủ phòng trong vòng rào kẽm gai cho dòng người đổ đến từ khắp Châu Âu, từ Ba Lan và Belorussia. Trong 13 tháng đó, tức là 396 ngày, các đoàn tàu rời trại chỉ chở theo cát hoặc để không, không có bất cứ 1 ai trong những người đã đến Trại No. 2 quay về... Hỡi những tên sát nhân, họ ở đâu, những người mà chúng mày đã mang đến đây ấy?
Mùa hè năm 1942, giai đoạn quân đội phát xít có nhiều thắng lợi lớn, được xem là thời điểm thuận lợi để tiến hành giai đoạn 2 của kế hoạch diệt chủng. Vào tháng 7, những chuyến tàu đầu tiên bắt đầu đến Treblinka từ Warsaw và Chenstohova. Chúng nói với mọi người rằng họ được đưa tới Ukraine để làm nông. Mỗi người được phép mang theo 20kg hành lý và lương thực. Trong nhiều trường hợp, bọn Đức đã buộc các nạn nhân mua vé tàu tới ga Ober - Maidan, đó là cái tên được nhà chức trách Đức dùng làm vỏ bọc cho Treblinka. Lý do phải đặt cho Treblinka cái tên mới vì đã bắt đầu có tin đồn lan truyền khắp Ba Lan về địa điểm khủng khiếp này, bọn SS cũng dừng sử dụng từ Treblinka khi buộc mọi người lên tàu. Tuy nhiên, cách mà mọi người được đối xử trên tàu đã khiến họ mất đi mọi hy vọng về số phận tương lai. Tối thiểu là 150 nhưng thường là từ 180 đến 200 người bị tống lên mỗi toa hàng. Trong suốt hành trình, đôi khi chỉ kết thúc sau 2 - 3 ngày, các tù nhân không hề được cung cấp nước. Mọi người khổ vì khát tới mức phải uống cả nước tiểu của chính mình. Lính canh bán nước uống với giá 100 zloty mỗi hớp và thường là chỉ nhận tiền của mọi người nhưng không hề đưa lại nước. Mọi người bị nhồi nhét đè cả vào nhau và có khi phải đứng suốt quãng đường. Những người có vấn đề về tim thường chết trước khi hành trình kết thúc, đặc biệt là trong những ngày hè nóng nực. Do cửa bị chốt trong suốt thời gian tàu chạy cho đến khi hành trình kết thúc nên các xác chết bắt đầu thối rữa làm bốc mùi khắp toa... Nếu 1 hành khách bật diêm trong đêm, lính canh sẽ bắn vào thành toa xe.
Các đoàn tàu đến Treblinka từ các nước châu Âu khác mang phong cách khác hẳn*.

*[Theo ước tính của Trung tâm Simon Wiesenthal có khoảng 876.000 người đã bị giết tại Treblinka. Con số này bao gồm 738.000 người Do Thái từ General Gouvernement (phần đất Ba Lan bị Đức chiếm từ tháng 9/1939, đến tháng 8/1941 mở rộng ra toàn Ba Lan), trước hết là từ các khu người Do Thái ở Warsaw; 107.000 người từ Bialystok; 29.000 người Do Thái từ các nơi khác của châu Âu; và 2.000 người Digan].

Mọi người trên tàu không hề được nghe gì về Treblinka và đến phút cuối vẫn tin rằng họ được đưa đi làm việc... Các đoàn tàu đến từ các nước châu Âu khác không cần lính gác mà chỉ có các nhân viên hỏa xa bình thường, chúng có cả các toa giường nằm và toa ăn. Hành khách mang theo cả hòm xiểng, vali và cũng được cho ăn uống đầy đủ. Con cái họ chạy nhảy lung tung tại các ga mà đoàn tàu dừng lại, hỏi xem còn bao xa nữa mới tới Ober-Maidan.
Thật khó nói bị đưa đến cái lò sát sinh này theo cách nào thì đỡ kinh khủng hơn: Biết rằng mình đang đến mỗi lúc 1 gần cái chết? Hay hoàn toàn không biết gì, chỉ liếc nhìn từ khung cửa sổ 1 toa hành khách tiện nghi khi những kẻ trên sân ga Treblinka đang gọi điện thoại về trại thông báo chi tiết về chuyến tàu vừa tới và số lượng người trong đó.
Bề ngoài, để lừa được đến cùng những người đến từ các nước châu Âu khác, điểm đến chết chóc này được ngụy trang như 1 ga tàu khách. Trên sân ga vốn có sẵn chừng hai chục toa tàu có vẻ như đang được bốc dỡ có hẳn 1 tòa nhà ga với đầy đủ quầy bán vé, nơi gửi hành lý và quán ăn. Có cả mũi tên chỉ đường ở mọi nơi, trên đó ghi “Đi Bialystok”, “Đi Baranovichi”, hay “Đi Volokovysk” v.v... Thậm chí còn có cả ban nhạc chơi trong nhà ga khi có tàu tới và tất cả các nhạc công đều ăn vận bảnh chọe. Nhân viên mặc đồng phục đường sắt thu vé của các hành khách và đưa họ xuống sân ga.
3 - 4.000 con người tay xách nách mang đi xuống ga, có cả người già và người ốm, các bà mẹ bồng con nhỏ trên tay, những đứa trẻ lớn hơn thì được giữ gần bố mẹ, tất cả tò mò nhìn sân ga. Có gì đó như là điềm gở trong sân ga này khi mặt đất có vẻ như đã bị dẫm đạp bởi hàng triệu người. Ánh mắt lo lắng của mọi người nhanh chóng nhận ra có điều gì đó đáng sợ. Có vài đồ vật bị bỏ lại trên mặt đất, hình như sân ga vừa được quét dọn vội vàng chỉ vài phút trước khi các hành khách xuất hiện - 1 bọc quần áo, 1 chiếc hộp mở toang, 1 bàn chải cạo râu, vài cái chảo tráng men. Sao chúng lại bị bỏ ở đây? Và tại sao nhà ga này lại là điểm cuối tuyến đường vì chẳng còn đường sắt dẫn đi đâu nữa, bên ngoài hàng rào thép gai cao 3m chỉ có những bụi cỏ vàng ệch. Những tuyến đường sắt dẫn đi Bialystok, đi Sedlez, đi Warsaw, Volokovysk ở đâu? Và rồi bỗng xuất hiện những tay lính gác vừa cười đểu cáng vừa nhìn như muốn đo đạc đánh giá từng người: những người đàn ông đang chỉnh lại cà vạt, những bà già gọn gàng sạch sẽ, những chú bé mặc sơ mi lính thủy, những cô gái mảnh khảnh đã cố giữ cho quần áo phẳng phiu trong suốt cuộc hành trình dài, những bà mẹ trẻ đang âu yếm chỉnh lại lớp chăn bọc quanh những đứa con, những chú nhóc đang nhăn mặt...
Cái gì sau bức tường đồ sộ cao 6m được che phủ dày đặc bởi những cành thông vàng và chăn đệm kia? Ngay những tấm chăn đó cũng là những tín hiệu cảnh báo: chúng có đủ màu sắc, được nhồi bông và làm từ lụa hay satin. Chúng làm những người mới đến nhớ đến những tấm chăn lông vịt mang theo. Sao những chăn đệm đó lại có ở đây? Ai đã mang chúng đến? Và chủ nhân những tấm chăn đó đâu? Tại sao họ lại không cần đến chúng nữa? Rồi cả những người đeo băng xanh kia là ai? Mỗi người nhớ lại những ý nghĩ vừa chợt xuất hiện trong đầu, những nỗi sợ hãi, những lời xì xào đồn đại. Không, không, đó không thể là sự thật! Mọi người cố thoát khỏi những suy nghĩ ghê sợ. Những người mới tới cũng không có nhiều thời gian để sợ hãi khi tất cả mau chóng được xếp vào hàng. Tất nhiên lúc nào cũng có chút chậm trễ. Trên mỗi chuyến tàu đều có những người tàn tật, ốm yếu, già cả chỉ có thể lê bước 1 cách khó khăn. Nhưng cuối cùng tất cả đã ở trong sân ga.
1 hạ sĩ quan SS giải thích to và rõ ràng rằng những người mới tới phải bỏ hành lý lại sân ga rồi vào khu nhà tắm; chỉ được mang theo giấy tờ cá nhân, tài sản có giá trị và 1 túi nhỏ đồ dùng khi đi tắm. Hàng tá câu hỏi lập tức xuất hiện trong đầu những người đang đứng trên sân ga: liệu họ có thể mang theo đồ lót sạch, liệu những hành lý đang chất đống trong sân ga có bị lẫn lộn hay mất mát? Thế nhưng 1 lực đẩy kỳ lạ đã khiến họ bước đi, vội vàng nhưng lặng lẽ, không hỏi han, không nhìn lại đằng sau, tới thẳng chiếc cổng trên bức tường thép gai cao 6m được ngụy trang bằng những cành cây.
Họ đi qua những chướng ngại vật chống tăng, 1 hàng rào thép gai cao gấp 3 chiều cao 1 người bình thường, 1 con hào chống tăng rộng 3m. Rồi thêm 1 hàng rào thép gai nữa, lần này là loại dây thép gai nhỏ hơn được quấn thành vòng thả trên mặt đất, chúng có tác dụng làm mắc kẹt chân người nào định chạy qua giống như chân ruồi trong mạng nhện. Rồi lại thêm 1 bức tường có chăng dây thép gai cao nhiều mét nữa. Và càng ngày cảm giác khủng khiếp và hoàn toàn tuyệt vọng càng xâm chiếm suy nghĩ của những người bất hạnh: không thể chạy trốn, quay lui hay chống cự. Những họng súng máy đang chĩa vào họ từ các chòi canh. Gọi người khác giúp đỡ? Nhưng xung quanh chỉ có những tên SS và lính gác cầm tiểu liên, lựu đạn và súng ngắn. Chúng là sức mạnh. Trong tay chúng là xe tăng, máy bay, đất đai, thành phố, bầu trời, đường tàu hỏa, luật pháp, báo chí, truyền thông. Cả 1 thế giới câm lặng, bị đàn áp, bị biến thành nô lệ bởi 1 lũ kẻ cướp mặc áo nâu nắm giữ quyền lực. London đã im lặng và New York cũng vậy. Chỉ có ở đâu đó bên bờ sông Volga, cách đây nhiều nghìn km, những cỗ pháo Soviet đang nhả đạn.
Cùng lúc đó, trên sân ga, 1 nhóm công nhân tay đeo băng xanh đang lặng lẽ và thành thạo mở các vali và bao gói. Tư trang của những người mới tới được phân loại và đánh giá. Chúng ném xuống đất những bộ đồ khâu được sắp xếp cẩn thận của ai đó, những cuộn chỉ, những bộ đồ lót trẻ em, áo lót, khăn trải giường, quần áo trẻ em, dao ăn, đồ cạo râu, thư từ, ảnh chụp, nước hoa, gương, mũ, áo valenki trần bông dùng khi trời lạnh, giày phụ nữ, bít tất, dây đăng ten, áo ngủ, những gói bơ, cafe, những lọ ca cao, khăn trùm đầu, giá nến, sách, bánh bít cốt, đàn viôlông, nôi trẻ con. Những công nhân này cần kỹ năng để có thể phân loại hàng nghìn đồ vật trong vài phút và định giá chúng. 1 số thứ được chọn ra để gửi về Đức. Số khác - những thứ đồ hạng hai, cũ hoặc đã bị sửa chữa - sẽ phải đốt đi. Công nhân nào làm sai, ví dụ để 1 chiếc vali giả da cũ vào đống đồ đa được chọn để gửi đi Đức, hay ném 1 đôi tất Paris còn nguyên tem nhà sản xuất vào đống bít tất đàn ông cũ, sẽ gặp phải nhiều rắc rối. Mỗi công nhân chỉ có thế nhầm lẫn 1 lần.
40 tên SS và 60 Wachmanner làm công việc “vận chuyển” này*.

*[Phần lớn các báo cáo cho rằng công việc tại Treblinka được tiến hành bởi khoảng 25 tên SS và 100 lính gác Wachmanner người Ukraina, tuy vậy 1 số báo cáo khác như bản báo cáo này của Grossman có lẽ đã tính luôn số lính gác trên tàu hỏa không thuộc biên chế trại Treblinka. Grossman có lẽ đã không phát hiện ra sự thật rằng lính Wachmanner đều là người Ukraina, vì vậy ông gọi là “lính SS” và “cảnh sát”. Các công nhân được chọn từ các tù nhân Do Thái đến từ trước chỉ được sống thêm vài tuần rồi cũng bị giết nốt]

Đó là những gì chúng làm trong giai đoạn đầu mà tôi vừa mô tả: đón tàu, đưa mọi người xuống “nhà ga”, theo dõi các công nhân phân loại và đánh giá hành lý. Khi làm việc này, các công nhân thường bí mật bỏ mồm những miếng bánh mì, đường hay kẹo tìm thấy trong các gói thức ăn. Điều đó không được phép. Tuy nhiên việc rửa tay và mặt bằng nước hoa sau khi kết thúc công việc thì lại được phép vì thiếu nước và chỉ có bọn Đức là lính gác được dùng nước để rửa ráy. Và khi các nạn nhân, lúc này vẫn còn sống, chuẩn bị vào nhà tắm thì hành lý của họ đã bị phân loại, những thứ có giá trị được cất vào kho. Còn lại hàng đống thư từ, ảnh chụp trẻ con mới sinh, anh em, chồng chưa cưới, lễ kỷ niệm đám cưới vàng, tất tật hàng ngàn thứ quý báu, vô cùng quan trọng với người sở hữu chúng nhưng chỉ là rác rưởi với những kẻ sở hữu Treblinka, sẽ được chất đống và chở đi đổ trong những hố rác khổng lồ, nơi đã có sẵn hàng trăm ngàn thư từ, bưu thiếp, danh thiếp, ảnh, những mảnh giấy đầy nét vẽ trẻ con nguệch ngoạc tương tự. Sân ga được quét qua loa và lại sẵn sàng đón nhận 1 chuyến hàng mới gồm những con người đã bị kết án tử.
Nhưng mọi việc không phải bao giờ cũng diễn ra suôn sẻ như tôi vừa tả. Các cuộc nổi loạn thỉnh thoảng cũng nổ ra khi các nạn nhân biết được điểm đến của họ là gì. 1 nông dân địa phương tên là Skrzeminski đã 2 lần thấy mọi người xông ra khỏi tàu, quật ngã lính canh và chạy về phía rừng. Tất cả họ đều bị giết đến người cuối cùng. Trong 1 lần như vậy, 1 người đàn ông cắp theo 4 đứa trẻ tuổi từ 4 đến 6 và tất cả đều bị giết. 1 bà nông dân tên là Maria Kobus cũng kể về nhiều vụ nổi loạn tương tự. 1 lần như vậy có 60 người đã chạy được tới rừng nhưng vẫn bị giết.
Nhưng nếu không có gì xảy ra mỗi đợt tù nhân mới chuyển tới sẽ được đưa vào bãi thứ 2 nằm bên trong hàng rào trại. 1 đồn lính lớn nằm ngay giữa bãi, và 3 cái khác nằm bên tay phải. 2 trong số đó đồng thời là kho quần áo, cái thứ 3 là kho chứa giày dép. Xa hơn nữa, phía tây trại là nhà cho bọn SS, lính gác, kho lương thực và sân trại. Ô tô và xe thiết giáp đậu trong sân. Tất cả trông như những trại thông thường khác, giống như Trại No. 1.
Ở góc đông nam sân trại có 1 hàng rào thưa làm bằng cành cây cắm xuống đất, bên trên cắm 1 chiếc ủng ghi chữ “Viện điều dưỡng”. Tất cả những người yếu ớt và bệnh tật sẽ được lựa ra từ trong đám đông và đưa vào đây. 1 viên bác sĩ đeo tạp dề trắng và băng chữ thập đỏ trên tay trái tới gặp họ. Tôi sẽ nói sau về những gì diễn ra tại cái “viện điều dưỡng” này. Tiếp đó, bọn Đức dùng những khẩu súng ngắn tự động Walther để giải thoát cho những người già cả khỏi phải chịu thêm những gánh nặng của cuộc đời.
Điểm mấu chốt trong giai đoạn 2 của việc chuyển giao những người mới đến này là trấn áp ý chí họ bằng cách liên tục ra các mệnh lệnh ngắn và nhanh. Bọn chỉ huy ra lệnh bằng giọng mà Quân đội Đức rất tự hào: giọng nói đó chứng minh dân tộc Đức là thượng đẳng. Âm “r” được phát mạnh ra từ cổ họng nghe giống tiếng roi quất, những tiếng quát “Achtung!”* vang khắp đám đông. Trong sự im lặng nặng nề, tiếng những tên Scharfuhrer** vang lên to, rõ ràng, dằn từng tiếng. Những tiếng đó bọn chúng đã tự học và nhắc lại nhiều lần mỗi ngày, trong nhiều tháng: “Đàn ông ở đây! Phụ nữ và trẻ em cởi quần áo trong doanh trại bên trái!”.

*[Achtung!: Chú ý! (tiếng Đức)]
**[Cấp hạ sĩ quan SS tương tự như thượng sĩ].

Theo lời các nhân chứng, đó thường là lúc những cảnh tượng khủng khiếp bắt đầu. Những cảm nhận về tình mẫu tử, nghĩa vợ chồng, lòng hiếu thảo nói với mọi người rằng họ đang nhìn thấy nhau lần cuối. Những cái nắm tay, những nụ hôn, lời cầu phúc, nước mắt, những lời ngắn gọn mà dưới lớp vỏ ngôn ngữ người ta gửi cho nhau toàn bộ tình yêu, sự đau khổ, xúc động, tuyệt vọng. Những tay chuyên gia tâm lý SS biết cách cắt đứt những cảm giác đó ngay lập tức, dập tắt chúng. Những nhà tâm lý học tử thần đó biết những quy luật thông thường đã được chứng minh là đúng trong tất cả các lò sát sinh trên thế giới. Thời điểm cha mẹ lìa con, ông bà lìa cháu, vợ lìa chồng này chính là lúc mấu chốt, ngay lúc đó những tiếng quát “Achtung! Achtung!” lại vang khắp đám đông. Đó chính là thời điểm thích hợp để làm rối trí mọi người 1 lần nữa, reo rắc hy vọng cho họ, nói với họ những quy định chết chóc có thể cho họ giữ được mạng sống. Từng từ được nói ra nghe như tiếng kèn trumpet:
“Phụ nữ và trẻ em phải cởi giầy dép khi vào doanh trại. Bít tất bỏ vào trong giầy. Bít tất trẻ con bỏ trong sandal, ủng hay giầy. Giữ gọn gàng!”. Và ngay sau đó là mệnh lệnh tiếp theo:
“Vào nhà tắm, chỉ được mang theo giấy tờ tùy thân, tiền bạc, 1 khăn tắm và xà phòng. Tôi nhắc lại...”.
Trong doanh trại nơi phụ nữ cởi quần áo đã có những thợ cắt tóc. Những người phụ nữ trần truồng bị cắt trụi tóc bằng tông đơ. Tóc giả bị gỡ khỏi đầu các bà già. 1 hiện tượng tâm lý khủng khiếp diễn ra: theo các thợ cắt tóc, đối với phụ nữ, việc cắt tóc chết chóc này là bằng chứng rõ rệt nhất cho việc họ chuẩn bị được tắm hơi (banya). Các cô gái dùng tay phủi tóc xuống và đôi khi hỏi: “Lần sau bạn có cắt tóc ở đây nữa không? Bạn cắt tóc không bằng phẳng lắm”. Phụ nữ thường cảm thấy thoải mái sau khi được cắt tóc, và hầu như tất cả những gì có trong doanh trại là xà phòng và những tấm khăn tắm. 1 số cô gái trẻ bật khóc tiếc thương cho những bím tóc dài và đẹp của mình. Việc cắt tóc đó là để làm gì? Nhằm mục đích đánh lừa những phụ nữ đó? Không, nước Đức cần số tóc đó. Tóc là 1 thứ nguyên liệu.
Tôi đã hỏi nhiều người, người Đức làm gì với hàng đống tóc được cắt từ mái đầu của những xác chết còn sống đó? Mọi lời chứng đều cho biết những đống tóc khổng lồ đủ kiểu đen, vàng, quăn, tết bím đó đều được tẩy sạch, bỏ vào túi và gửi về Đức. Mọi nhân chứng đều xác nhận đúng là tóc được đóng trong túi gửi về Đức. Chúng được dùng làm gì? Không ai trả lời được câu hỏi đó. Chỉ khi viên trưởng trại nêu trong bản cung của hắn rằng tóc được dùng trong hải quân để nhồi đệm hoặc bện dây cáp cho tàu ngầm, tôi nghĩ mọi việc mới trở nên sáng tỏ.
Đàn ông cởi đồ ngay trên sân. Thông thường, bọn Đức chọn 150 - 300 người khỏe mạnh trong chuyến tàu đến đầu tiên buổi sáng. Họ sẽ được sử dụng để chôn các xác chết và thường sẽ bị giết vào hôm sau. Đàn ông phải cởi quần áo thật nhanh gọn, cởi giầy và tất theo hiệu lệnh, gấp gọn áo lót, áo khoác và quần dài. Quần áo và giày dép được nhóm công nhân thứ 2 phân loại, họ mang băng tay đỏ để phân biệt với những công nhân làm công việc “vận chuyển”.
Quần áo giày dép phù hợp để chuyển về Đức lập tức được đưa vào kho. Mọi nhãn mác bằng kim loại hay vải sẽ phải được gỡ bỏ cẩn thận. Những thứ còn lại sẽ bị đốt hoặc chôn lấp. Cảm giác lo lắng tăng lên từng phút. Có mùi gì kỳ lạ và đáng lo ngại lúc này vẫn còn bị át đi bởi mùi khí chlorine. Số lượng khổng lồ của lũ ruồi quấy nhiễu mọi người cũng thật kỳ lạ. Tất cả chúng đến từ đâu, ngay tại đây, từ rừng thông vây quanh hay từ dưới mặt đất bị dẫm đạp này? Mọi người thở hổn hển, sợ hãi, run rẩy, nhìn chăm chú vào từng thứ dù là nhỏ nhất hy vọng chúng có thể cho họ lời giải đáp, giúp họ hiểu, vén lên 1 chút bức màn bí mật về những gì đang chờ đợi họ. Và tại sao lại có tiếng máy xúc hạng nặng gầm rú ở phía nam?
Tiếp đó 1 thủ tục nữa bắt đầu. Mọi người trong tình trạng trần truồng bị dẫn tới quầy thu tiền mặt và trình các giấy tờ tùy thân, tài sản có giá trị theo yêu cầu. Và 1 lần nữa, những tiếng quát khủng khiếp, như thôi miên vang lên: “Achtung! Achtung!”... Che dấu tài sản sẽ bị trừng trị bằng cái chết... “Achtung! Achtung!”. 1 Scharfuhrer ngồi trong 1 căn lán nhỏ đập đập 1 thanh gỗ, lính SS và Wachmanner đứng sau hắn, cạnh lán là những thùng gỗ, các tài sản có giá trị được ném vào đó: 1 thùng tiền giấy, 1 thùng tiền xu, 1 thùng chứa đồng hồ, nhẫn, khuyên tai, trâm cài tóc, vòng tay. Các giấy tờ tùy thân, những thứ chẳng ai trên thế giới này còn cần đến nữa, bị vứt xuống đất - đó là những giấy tờ của những thân xác trần truồng sẽ nằm dưới đất đen trong vòng 1h nữa. Vàng và các tài sản giá trị mới là thứ chủ yếu cần được phân loại cẩn thận - hàng tá thợ kim hoàn xác định độ nguyên chất của các loại quý kim, giá trị của các đồ trang sức, độ trong suốt của kim cương. Thật kỳ lạ là những kẻ ghê tởm này cần dùng tới đủ mọi thứ, thậm chí cả giấy và vải - bất kỳ thứ gì có thể được bất kỳ ai cần tới, đều có thể là quan trọng và cần thiết đối với chúng. Chỉ có thứ quý giá nhất trên thế giới, cuộc sống con người, là bị chúng chà đạp dưới gót giày.
Chính tại đây, trong quầy thu tiền này, thời khắc bước ngoặt đã điểm. Việc làm khổ các nạn nhân bằng những lời dối trá chấm dứt; trong vài phút các nạn nhân đi từ hy vọng đến tuyệt vọng, từ ảo tưởng được sống đến nhìn thấy cái chết. Đến giai đoạn cuối cùng này, giai đoạn cướp bóc những xác chết còn đang sống, bọn Đức chuyển sang đối xử với các nạn nhân 1 cách hết sức thô bạo. Chúng giật những chiếc nhẫn khỏi ngón tay của các nạn nhân, giật khuyên tai ra khỏi tai. Chính vào lúc đó, dây chuyền giết người này cần tới phương pháp mới để thực hiện công việc 1 cách hiệu quả. Đó là lý do những tiếng quát “Achtung!” được thay bằng tiếng rít: “Schneller! Schneller! Schneller!” Nhanh, nhanh lên! Chạy tới chỗ chết đi!
Chúng tôi được biết thực tế tàn khốc trong những năm đó là khi các nạn nhân rơi vào tình trạng trần truồng họ mất hoàn toàn sức chống cự, khả năng đấu tranh với hoàn cảnh. Khi cơ thể trở nên trần trụi, người ta ngay lập tức mất hết sức sống và chấp nhận số phận. Ngay cả những người vốn hết sức khao khát được sống cũng trở nên thụ động. Nhưng để cho chắc, những tên SS còn áp dụng thêm vào giai đoạn cuối của dây chuyền giết người này 1 phương pháp tàn ác nữa để đẩy những nạn nhân vào tình trạng u mê, 1 trạng thái shock tâm lý hoàn toàn. Chúng làm như thế nào? Bằng những hành động tàn ác đến mức phi lý, điên loạn được thực hiện bất thình lình. Những nạn nhân trần truồng đã mất tất cả mọi thứ nhưng vẫn còn đông hơn những con quái vật bận đồng phục SS hàng ngàn lần và vẫn còn thở, nhìn, suy nghĩ, tim họ vẫn còn đập. Những tên lính gác quật cho những bánh xà phòng và khăn tắm rơi khỏi tay các nạn nhân, xếp họ vào hàng, 5 người 1 hàng. Vừa làm chúng vừa quát:
“Hande hoch! Marsch! Schneller! Schneller! Schneller!”.
Họ bước xuống 1 con đường thẳng với hoa và cây linh sam trồng 2 bên. Con đường này dài 120m, rộng 2m và dẫn tới lò sát sinh. Dây thép gai chăng 2 bên đường, lính gác áo đen và bọn SS mặc áo nâu đứng đó vai chạm vai. Con đường được rải cát trắng và các nạn nhân phải đi trên đó với 2 tay giơ sau đầu, họ có thể nhìn thấy dấu chân còn mới trên mặt cát mềm: vết chân nhỏ nhắn của phụ nữ, nhỏ hơn nữa của trẻ em, vết chân vụng về của các cụ già. Những vết chân phù du trên mặt cát của hàng ngàn người đã bước qua đây, giống như 4.000 người đang bước lúc này, giống như hàng ngàn người khác sẽ lại bước qua sau 2h nữa, những người lúc này đang chờ đoàn tàu rẽ vào tuyến đường sắt dẫn vào rừng. Những người đang để lại vết chân nơi đây bước đi cũng giống như những người đã đi hôm qua, 10 hôm trước, 100 ngày trước, cũng giống những người sẽ đi ngày mai, 50 ngày sau, giống như mọi người đã đi trong suốt 13 tháng tồn tại của địa ngục Treblinka.
Bọn Đức gọi lối đi này là “Con đường có đi không về”. 1 tên dáng người nhỏ thó có họ là Sukhomil theo dõi mọi người trong suốt thời gian họ đi, hắn vừa nhăn nhở vừa kêu: “Các bé, các bé! Schneller! Schneller! Nước trong nhà tắm lạnh đấy. Schneller, Kinder, Schneller!”. Và hắn phá lên cười, đứng lên ngồi xuống, nhảy nhót. Mọi người, 2 tay vẫn phải giơ lên, bước trong im lặng giữa 2 hàng lính gác, dưới những cây gậy, những họng súng, những chiếc dùi cui cao su. Trẻ con phải chạy để theo kịp người lớn. Nói về giai đoạn cuối cùng này, con đường đau khổ này, mọi nhân chứng đều nhắc tới sự hung bạo của 1 con quái vật đội lốt người có tên Zepf, 1 tên SS, chuyên gia giết trẻ con. Tên quái vật này có thân hình đồ sộ và rất khỏe, hắn thường bất ngờ túm lấy 1 đứa bé nhấc khỏi hàng rồi đập đầu xuống đất như thể đứa bé là 1 cây gậy hoặc xé đứa bé ra làm đôi.
Công việc của Zepf rất quan trọng. Nó làm tăng sự kinh hoàng cho các nạn nhân khốn khổ và cho họ thấy sự tàn ác đến mức phi lý khiến ý chí và tinh thần của họ bị đè bẹp. Hắn là 1 cái đinh vít cần thiết trong cỗ máy vĩ đại của nước Đức phát xít.
Và tất cả chúng tôi đều cảm thấy hết sức ghê sợ, không phải bởi tự nhiên đã sinh ra những con quái vật này. Có nhiều loại quái vật trên đời - ví dụ như Cyclop, quái vật 2 đầu, cũng như đủ loại quái vật thần thoại và kẻ ác đáng sợ tương tự. Thứ làm chúng tôi ghê sợ là những con quái vật này thay vì phải bị giam giữ riêng biệt và nghiên cứu như 1 hiện tượng tha hóa tâm lý lại sống bình thường trên đất nước này, thậm chí được coi là 1 công dân tích cực và cần thiết.
Quãng đường đi từ “quầy thu tiền” đến lò sát sinh mất khoảng 60 - 70 giây. Các nạn nhân, được hối thúc bởi những cú đánh và những tiếng quát inh tai “Schneller! Schneller!”, đến bãi thứ 3 và dừng lại đó 1 lúc trong hoảng hốt. Trước mặt họ là 1 căn nhà đẹp xây bằng đá có những phần trang trí bằng gỗ trông giống 1 tòa lâu đài cổ. 5 bậc đá rộng dẫn tới 1 cái cổng thấp nhưng rất rộng, chắc chắn và được trang trí đẹp, bên lối vào có cả hoa trồng trong các chậu. Tuy nhiên ngoài việc đó ra tất cả mọi thứ xung quanh đều hỗn độn, người ta có thể thấy những đống đất mới đào ở mọi nơi. 1 chiếc máy xúc khổng lồ ném ra hàng tấn đất cát vàng trong tiếng nghiến ken két của những răng thép làm bụi bốc mù trời. Chiếc máy xúc này đào suốt từ sáng đến tối để tạo nên những hố chôn tập thể khổng lồ, tiếng gầm của nó trộn lẫn với tiếng sủa điên cuồng của hàng tá becgiê Đức.
2 tuyến đường ray khổ hẹp chạy 2 bên tòa nhà chết chóc đó, dọc theo đường ray những người đàn ông mặc áo khoác rộng thùng thình đang mang gì đó chất lên thùng những chiếc xe tải tự đổ. Cánh cổng rộng của tòa nhà chết chóc từ từ mở ra và 2 phụ tá của sếp Schmidth xuất hiện trên lối vào. Chúng đều là những kẻ tàn bạo và điên loạn, 1 tên cao, khoảng 30 tuổi, vai rộng, có gương mặt ngăm đen dữ dằn và tóc đen, tên kia trẻ hơn, lùn, tóc nâu vuốt keo, da mặt vàng vọt. Chúng tôi biết tên họ của những kẻ chống loài người đó. Tên cao cầm 1 đoạn ống dẫn gas to tướng dài độ 1m, tên kia vũ trang 1 thanh kiếm.
Ngay lúc đó, bọn SS thả lũ chó đã được huấn luyện ra. Lũ chó xông thẳng vào đoàn người, xé toạc cổ họng họ bằng hàm răng sắc nhọn. Bọn SS thì nện các nạn nhân bằng báng súng tiểu liên, xô đẩy những phụ nữ đang sợ chết khiếp và hét lên man rợ: “Schneller! Schneller!”. 2 tên phụ tá của Schmidth đứng bên lối vào tòa nhà lùa các nạn nhân qua cánh cửa mở để vào phòng hơi ngạt.
Vào lúc đó 1 trong những sĩ quan chỉ huy Treblinka là Kurt Franz xuất hiện bên tòa nhà, dắt theo con chó của hắn tên Barry. Hắn đặc biệt huấn luyện con chó này khả năng lao vào các nạn nhân để xé tan đám đông, khiến họ chạy tán loạn mỗi người 1 phương. Kurt Franz đã có 1 công việc tốt ở trại này. Khởi nghiệp từ 1 hạ sĩ quan SS, hắn đã thăng tiến dần lên cấp sĩ quan khá cao là Untersturmfuher*.

*[Untersturmfuher là cấp sĩ quan SS tương đương trung úy trong quân đội. Kurt thực tế là phó của Stangl].

Câu chuyện về những xác chết còn sống ở Treblinka, những người cho đến phút cuối cùng chỉ còn giữ được hình ảnh về những con người nhưng không hề có tí tâm hồn người nào, làm rung động đến tận đáy con tim người nghe, khiến họ không thể nào ngủ được. Đó là câu chuyện về những phụ nữ đã cố bảo vệ những đứa con bằng cách truyền cho chúng lòng can đảm trước cái chết, đó là câu chuyện về những người mẹ trẻ đã che chở những đứa bé bằng chính da thịt mình. Tôi đã được nghe câu chuyện về 1 cô bé 10 tuổi đã an ủi cha mẹ đang khóc than bằng những lời lẽ từng trải đến kỳ lạ, về 1 chú bé đã kêu lớn khi bước vào phòng hơi ngạt: “Mẹ ơi, đừng khóc! Nước Nga sẽ trả thù cho chúng ta!”.
Tôi đã được nghe kể về hàng tá trường hợp những nạn nhân trước tình cảnh này bắt đầu phản kháng. Tôi được nghe về 1 người đàn ông trẻ đã đâm 1 sĩ quan SS bằng dao. Về 1 thanh niên khác bị đưa tới đây từ 1 khu Do Thái nổi dậy ở Warsaw đã làm được 1 điều kỳ diệu là giấu được 1 quả lựu đạn lấy được của bọn Đức ngay cả khi anh ta đã hoàn toàn trần truồng và ném nó vào đám đông những tên sát nhân. Chúng tôi cũng được nghe kể về trận chiến giữa nhóm những người nổi dậy với bọn lính gác và SS kéo dài suốt đêm. Những tiếng súng và lựu đạn nổ đến tận sáng và khi mặt trời lên, cả bãi đất phủ đầy xác những người nổi dậy... Chúng tôi được nghe kể về 1 cô gái cao lớn đã giằng lấy khẩu carbine từ tay 1 tên Wachmann trên “Con đường có đi không có về” để đánh lại hắn. Cô đã bị tra tấn và hành quyết rất dã man, tên của cô không bao giờ được biết và không ai được phép tỏ ra tôn trọng hành động đó.
Dân làng Wulka, làng gần Treblinka nhất, kể rằng thỉnh thoảng tiếng thét của những phụ nữ bị giết nghe quá khủng khiếp đến mức làm cả làng mất trí và bỏ chạy vào rừng để thoát khỏi những tiếng rú chói tai xuyên qua những vòm cây, qua bầu trời, qua mặt đất. Rồi đột nhiên tiếng rú im bặt, im lặng 1 lúc rồi lại tiếp tục hàng loạt tiếng rú mới thê thảm không kém, chuyển thành tiếng rít ghê rợn thấu xương làm bủn rủn tâm hồn những người phải nghe chúng. Điều này xảy ra 3 - 4 lần mỗi ngày.
Tôi đã hỏi 1 tên đồ tể bị bắt tên là Sh. về những tiếng thét đó, hắn giải thích phụ nữ bắt đầu thét lên từ khi lũ chó được thả ra và cả đám tù nhân bị lùa vào lò sát sinh. “Họ có thể nhìn thấy cái chết đang đến gần, và đến với cả 1 đám đông lớn bọn họ. Họ bị đánh rất tàn bạo và lũ chó xé xác họ ra”.
Sự im lặng đột ngột diễn ra khi cánh cửa phòng hơi ngạt đóng lại và tiếng thét lại nổi lên khi 1 nhóm tù nhân mới bị đưa tới tòa nhà chết chóc. Điều đó xảy ra 2, 3, 4 và đôi khi là 5 lần mỗi ngày. Đó là 1 dây chuyền đặc biệt của cỗ máy giết người này.
Cũng phải bỏ chút thời gian để trình bày về công nghệ giết người phức tạp ở Treblinka, tôi xin trình bày ngay. Nó đã phát triển từ từ và vẫn đang mọc lên những phân xưởng mới. Đầu tiên, 3 phòng hơi ngạt nhỏ đã được xây dựng. Khi việc xây dựng vẫn còn đang tiến hành đã có nhiều chuyến tàu chở tù nhân tới, chúng buộc phải giết họ bằng vũ khí lạnh - rìu, búa và dùi cui - khi phòng hơi ngạt chưa sẵn sàng, bọn SS không muốn nổ súng vì tiếng súng có thể tiết lộ mục đích của Treblinka. 3 phòng hơi ngạt đầu tiên được xây bằng bêtông, rộng 5m x 5m và cao 190cm. Mỗi phòng có 2 cửa: 1 để đưa các nạn nhân vào và cái kia để lôi các xác chết ra. Cửa lôi xác ra này rất rộng, tới 2,5m. 3 phòng hơi ngạt được xây liền nhau thành 1 khối.
Tuy nhiên 3 phòng hơi ngạt này không đủ công suất để thỏa mãn ý muốn của Berlin. Ngay sau khi 3 phòng này bắt đầu vận hành, chúng đã khởi công xây dựng tòa nhà tôi vừa mô tả ở trên. Các chỉ huy Treblinka rất thỏa mãn và tự hào vì đã bỏ xa kỷ lục về công suất của mọi “nhà máy giết người” của Gestapo. 700 tù nhân làm việc trong 5 tuần để xây dựng nhà máy giết người mới này. Khi việc xây dựng hoàn thành, 1 chuyên gia cùng với nhóm giúp việc từ Berlin tới lắp đặt hệ thống thiết bị cho các phòng hơi ngạt. 10 phòng hơi ngạt mới được đặt đối xứng 2 bên 1 hành lang rộng xây bằng bêtông... mỗi phòng có 2 cửa... các cửa để lôi xác mở ra 1 nhà ga đặc biệt được xây dựng ở cả 2 bên tòa nhà, những tuyến đường ray khổ hẹp chạy trong nhà ga này. Các xác chết bị chất đống trong ga rồi nhanh chóng được bốc lên các xe ô tô chạy trên loại đường ray này và được chở tới những hố chôn tập thể khổng lồ vẫn được những chiếc máy xúc khổng lồ đào suốt ngày đêm. Sàn phòng hơi ngạt dốc từ hành lang đổ về phía nhà ga, chúng làm công việc lấy các xác chết ra được nhanh chóng (các xác chết được mang ra khỏi các phòng hơi ngạt cũ theo cách cổ điển: khiêng cáng hoặc túm lấy mà kéo). Các phòng hơi ngạt mới rộng mỗi chiều 7 - 8m. Tổng diện tích sàn các phòng hơi ngạt mới bây giờ lên tới 460m vuông và tổng diện tích tất cả các phòng hơi ngạt tại Treblinka là 635m vuông.

Trong đoạn này, Grossman viết dựa trên tính toán của ông về số lượng người bị giết trên mỗi chuyến tàu và theo đó dẫn tới con số ước lượng 3 triệu người đã bị giết trong 10 tháng.

Không hiểu chúng tôi có đủ can đảm để mô tả lại những gì các nạn nhân cảm thấy, những gì họ phải trải qua trong những giờ khắc cuối cùng trong phòng hơi ngạt? Chúng tôi biết rằng họ đã câm lặng... Trong tình trạng bị nhồi nhét khủng khiếp đến gãy xương, đến ngạt thở, họ đứng người nọ ép vào người kia. Cuối cùng khi làn hơi chết chóc nhớp nhúa phun xuống họ vẫn đứng nguyên đó như 1 khối thống nhất.
Hình ảnh nào lóe lên trong những cặp mắt đờ đẫn trước cái chết đó? Thời thơ ấu của họ, những ngày tháng thanh bình hạnh phúc, hay chuyến đi tàn khốc mới rồi? Hay vẻ mặt tươi cười của những tên lính SS trên sân ga? “Thì ra đây là lý do chúng cười”. Ý thức họ mất dần, phút đau đớn khủng khiếp cuối cùng đã tới... Không, điều đó không thể tưởng tượng được ... Các xác chết vẫn đứng, lạnh dần đi. Các nhân chứng nói rằng trẻ em có thể thở được lâu hơn người lớn. Các phụ tá của Schmidt quan sát qua 1 lỗ nhỏ khoảng 20 - 25 phút sau đó, đó là lúc phải mở cửa phòng hơi ngạt thông ra sân ga dành cho xe chạy trên đường ray khổ hẹp. Các tù nhân trong bộ áo liền quần bắt đầu công việc “bốc dỡ”. Do sàn phòng hơi ngạt dốc ra phía sân ga nên các xác chết tự đổ ra phía đó. Những người đã từng chứng kiến việc “bốc dỡ” phòng hơi ngạt cho tôi biết mặt các nạn nhân đều rất vàng, 1 chút máu rỉ ra từ mũi và miệng của khoảng 70% người trong số họ. Các nhà sinh lý học sẽ giải thích hiện tượng đó.
Các xác chết được bọn SS kiểm tra. Nếu ai đó bị phát hiện còn sống, rên rỉ hoặc cử động, họ sẽ bị bắn bằng súng ngắn. Sau đó 1 nhóm trang bị kẹp nha sĩ sẽ vặn những chiếc răng vàng và platin khỏi miệng các xác chết. Những chiếc răng này sau đó được phân loại theo giá trị, đóng vào hộp và gửi về Đức. Có vẻ như lý do là vặn răng người chết thì dễ dàng hơn là khi họ còn sống.
Các xác chết được chất lên xe tải đưa tới những hố chôn tập thể khổng lồ. Tại đó chúng bị đặt thành hàng sát nhau, hết lớp này đến lớp khác. Các hố chôn đó sẽ được để nguyên đấy không lấp đất, chờ đến khi đầy mới lấp... Và trong khi đó, khi các công nhân chỉ mới bắt đầu “bốc dỡ” phòng hơi ngạt, viên Scharfuhrer phụ trách “vận chuyển” đã nhận được 1 mệnh lệnh ngắn gọn bằng điện thoại. Viên Scharfuhrer lập tức thổi 1 hồi còi, đó là tín hiệu cho tay lái tàu, và 1 đoàn tàu 20 toa khác lại từ từ vào nhà ga được núp dưới tên gọi “Ga Ober - Maidan”... Những chiếc máy xúc vẫn làm việc, gầm rú, đào suốt ngày đêm những hố chôn người mới dài hàng trăm mét. Những hố chôn có trước vẫn được để nguyên không lấp để chờ đến khi đầy, chúng sẽ không phải chờ đợi lâu.
Himmler đã đến thăm Treblinka đầu năm 1943 vào thời điểm cuối mùa đông. Hắn kiểm tra khu trại và 1 người đã nhìn thấy hắn tại đó kể rằng hắn đã tới bên 1 hố chôn tập thể và nhìn xuống rất lâu mà không nói gì. Viên Tổng chỉ huy (Reichsfuhrer) SS bay đi ngay trong ngày bằng máy bay riêng, trước khi đi, Himmler ra 1 mệnh lệnh cho các chỉ huy trại làm bối rối tất cả mọi người: Đại úy (Hauptsturmfuhrer) Baron von Perein cùng cấp phó là Korol và trung úy Franz phải ngay lập tức thiêu hủy toàn bộ các xác chết, mang tro than ra khỏi trại và rải trên các cánh đồng và đường xá. Lúc đó đã có hàng triệu xác chết và nhiệm vụ này có thế nói là quá khó khăn và phức tạp. Nhiệm vụ này cũng có nghĩa là không được chôn người chết nữa mà phải đốt. Tại sao Himmler lại bay tới đây kiểm tra và ra 1 mệnh lệnh cá nhân rõ ràng như vậy? Chỉ có thể có 1 lời giải thích: chiến thắng của Hồng quân tại Stalingrad.
Mới đầu, việc đốt xác không được thuận lợi lắm, những cái xác không chịu cháy. Tuy nhiên người ta nhận ra rằng xác phụ nữ cháy tốt hơn xác đàn ông nên các công nhân - tù nhân thử dùng xác phụ nữ làm mồi để xác đàn ông dễ cháy hơn. 1 lượng lớn xăng dầu đã được dùng để đốt xác nhưng như thế quá lãng phí và cũng không có tác dụng tốt lắm. Mọi thứ dường như đi vào ngõ cụt. Nhưng 1 giải pháp đã sớm được tìm ra, 1 gã đàn ông mập lùn khoảng 50 tuổi đã tới, đó là 1 chuyên gia.
Các lò thiêu bắt đầu được xây dựng dưới sự hướng dẫn của tay chuyên gia. Các lò thiêu này có kiểu dáng đặc biệt. Máy xúc đào 1 con hào dài 250 - 300m, rộng 20 - 25m và sâu 5m. Các rầm bằng bêtông cốt sắt được đặt dưới đáy thành 3 hàng cách đều nhau, bên trên chúng đặt các thanh thép thành 1 lớp sàn vắt ngang hố, sau đó chúng lại đặt tiếp các thanh ray lên trên các thanh thép, mỗi thanh ray cách nhau khoảng 5 - 7cm. Đó là 1 kết cấu khổng lồ tạo nên lò thiêu quái quỷ này. 1 tuyến đường ray khổ hẹp mới được xây dựng dẫn từ các hố chôn tập thể tới hố đốt xác. 1 hố đốt xác khác cũng được xây dựng ngay sau đó và tiếp theo là cái thứ 3 với cùng kích cỡ. Trong mỗi cái lò nướng này có thể đốt được 3.500 - 4.000 xác 1 lúc.
Những người đã từng làm việc tại khu đốt xác kể rằng các lò đốt này làm họ liên tưởng tới những ngọn núi lửa. Hơi nóng khủng khiếp làm cháy xém cả mặt các công nhân, ngọn lửa bốc cao tới 8 - 10m, những cột khói dầy đặc có mùi mỡ cháy bay lên trời tạo thành những đám mây nặng nề đứng im phía trên khu trại. Vào buổi đêm, dân địa phương tại các làng xung quanh có thể nhìn thấy ngọn lửa từ bất cứ đâu trong khoảng cách 40km. Chúng bốc cao hơn cả những ngọn thông bao bọc khu trại. Mùi thịt người cháy phủ kín khu vực xung quanh. Khi gió thổi về hướng trang trại của người Ba Lan cách đó 3km ai nấy đều cảm thấy như nghẹt thở trước cái mùi ghê rợn đó. Khoảng 800 tù nhân phải làm công việc đốt xác này. Công việc quái đản đó diễn ra suốt ngày đêm trong 8 tháng mà vẫn không thể đốt hết hàng triệu xác chết vì các chuyến tàu vẫn liên tục đổ tới các nạn nhân mới.
Các chuyến tàu đến từ Bulgaria luôn làm bọn SS và Wachmanner vui sướng 1 cách quỷ quyệt, các nạn nhân không hề có ý niệm gì về số phận đang chờ đợi họ, mang theo nhiều tài sản có giá trị, nhiều thứ ngon lành trong đó có bánh mì trắng. Tiếp sau đó là các chuyến tàu đến từ Grodno và Bialystok, sau nữa là từ các khu Do Thái Warsaw nổi loạn. 1 nhóm dân Digan đến từ Bessarabia, khoảng 200 đàn ông cùng 800 phụ nữ và trẻ em. Những người Digan đi bộ tới với 1 dãy xe ngựa kéo theo sau. Đó là những người vốn rất ranh mãnh. Họ tới dưới sự áp giải của chỉ 2 lính gác, cả 2 hoàn toàn không biết rằng họ đang dẫn những người này tới chỗ chết. Các nhân chứng nói rằng những phụ nữ Digan đã vỗ tay khi nhìn thấy tòa nhà đẹp đẽ, nơi đặt các phòng hơi ngạt, và không hề nghi ngờ gì về số phận đang chờ đợi họ. Bọn Đức đã được 1 cuộc vui đặc biệt trong vụ đó.
Phải chịu đựng những nỗi đau khủng khiếp nhất là các nạn nhân đến từ các khu Do Thái.
Phụ nữ và trẻ em bị tách khỏi đám đông và đưa thẳng đến lò thiêu thay vì đưa vào phòng hơi ngạt trước. Các bà mẹ trở nên điên loạn khi bị dồn cùng những đứa con vào lò thiêu đang rực cháy, nơi hàng ngàn xác chết cũng đang chìm trong khói lửa. Những xác chết quằn quại, giẫy giụa trong lò lửa như thể chúng đang sống lại vậy, có cả những xác phụ nữ đang mang thai nổ tung bụng vì sức nóng và những hài nhi chưa kịp sinh ra bị thiêu cháy ngay trước ổ bụng vỡ toác của người mẹ. Những cảnh tượng đó có thể làm cả những người mạnh mẽ nhất trở nên hoàn toàn mất trí.
Quả là rất khó khăn khi đọc câu chuyện này. Xin độc giả hãy tin tôi, viết nó ra cũng khó khăn không kém. Ai đó chắc sẽ hỏi: “Tại sao phải viết nó ra, nhớ đến nó làm gì?”. Đó là trách nhiệm của người viết, phải nói ra sự thật khủng khiếp này, đó cũng là trách nhiệm công dân của người đọc, phải nhớ lấy nó. Tất cả những ai quay lưng bịt mắt với sự thật này là những kẻ lăng mạ vong linh những người đã chết. Tất cả những ai không biết về sự thât này sẽ không bao giờ hiểu được kẻ thù là hạng quỷ dữ nào mà Hồng quân của chúng ta phải chiến đấu để tiêu diệt đến cùng.
Bọn SS ở Treblinka bắt đầu cảm thấy nhàm chán. Quy trình đưa các nạn nhân vào phòng hơi ngạt đã từng làm chúng hưng phấn nay đã trở thành việc thường ngày. Khi việc đốt xác bắt đầu, bọn SS dành nhiều thời gian bên các lò thiêu, lấy việc xem cảnh tượng mới này làm trò giải trí. Tay chuyên gia đến từ Đức đi lại giữa các lò thiêu từ sáng đến tối, nói rất nhiều và luôn trong trạng thái kích động. Người ta kể rằng chưa từng có ai thấy hắn tỏ ra lo lắng hay thậm chí là nghiêm nghị, nụ cười không bao giờ rời khỏi khuôn mặt hắn. Khi các xác chết rơi xuống các thanh thép, hắn thường nói: “Đồ ngốc, đồ ngốc”. Đó là câu ưa thích của hắn.
Thỉnh thoảng bọn SS tổ chức 1 thứ tương tự như picnic bên các lò thiêu; chúng ngồi bên những tường chắn gió uống rượu, ăn nhậu và ngắm ngọn lửa. Những người ốm yếu cũng bị xử lý tại đây. 1 con hào tròn được đào rồi đặt các giàn thiêu dưới đáy, các xác chết bị đốt tại đó. Những chiếc ghế dài thấp và nhỏ đặt quanh hào như thế đó là 1 sân vận động. Những chiếc ghế này nằm sát bờ hào khiến người ngồi trên đó gần như ngồi ngay trước lò thiêu. Những người ốm yếu già cả được đưa tới, sau đó tên “y sĩ” buộc họ ngồi trên những chiếc ghế đó đối diện với ngọn lửa bốc lên từ những thân người. Khi họ đã có vẻ không thể chịu đựng được thêm, những kẻ ăn thịt đồng loại bắn vào những mái đầu hoa râm của họ và đẩy vào lưng họ. Cả người chết lẫn chưa chết hẳn đều rơi vào ngọn lửa.
Chúng tôi vốn không bao giờ quá quan tâm đến những trò vui thô tục Đức nhưng chắc chắn là hầu như không ai trên hành tinh này có thể tưởng tượng được những trò vui của bọn SS ở Treblinka. Chúng đã tổ chức các cuộc đấu bóng cho các nạn nhân, dàn đồng ca của các nạn nhân, các cuộc khiêu vũ cho các nạn nhân... Thậm chí có cả 1 bài thánh ca đặc biệt tên là “Treblinka” được chúng viết cho các nạn nhân, nó có lời lẽ như sau:
Fur uns gibt heute nur Treblinka
Die unser Schiksal ist...” *

*[“Chỗ dành cho chúng tôi giờ đây chỉ là Treblinka
Đó là số phận của chúng tôi ...”].

Những người đang bị thương cũng bị bắt phải học những bài tình ca Đức ngu ngốc chỉ ít phút trước khi họ bị giết:
Ich bruch das Blumelein
und schenkte is dem schonste
geliebste Madelein...” **

*[“Tôi hái 1 bông hoa nhỏ
và trao nó cho người đáng yêu nhất
người con gái được yêu thích nhất...”].

Tên chỉ huy trại chọn vài đứa bé từ 1 trong các chuyến tàu, giết hết bố mẹ chúng, mặc cho chúng những bộ quần áo đẹp nhất, cho chúng rất nhiều kẹo, chơi với chúng, và sau đó ra lệnh giết chúng chỉ vài ngày sau khi hắn đã chán với trò chơi này. 1 trong các trò giải trí chính là các cuộc hãm hiếp và hành hạ những cô gái trẻ đẹp vào ban đêm, các cô gái này đã được chọn sẵn từ mỗi chuyến tàu chở nạn nhân. Đến sáng, chính những tên hiếp dâm lại dẫn họ đến phòng hơi ngạt.
Tất cả các nhân chứng đều nhớ 1 đặc trưng thường gặp ở bọn SS tại Treblinka: chúng đều yêu thích lý thuyết về xây dựng và triết học. Tất cả chúng đều tự cho phép mình thuyết giảng trước các tù nhân. Chúng khoác lác và giảng giải về ý nghĩa vĩ đại của Treblinka đối với tương lai. Tất cả chúng đều tin tưởng chân thành và sâu sắc về tầm quan trọng và tính đúng đắn trong công việc của chúng.
Chúng cũng tập luyện thể thao - chúng chăm chút nhiệt tình cho sức khỏe bản thân và sự tiện nghi trong cuộc sống của chúng từng ngày. Chúng làm vườn và trồng hoa xung quanh khu nhà ở dành cho lính. Chúng đi nghỉ phép ở Đức vài lần mỗi năm vì bọn chỉ huy nghĩ rằng công việc của chúng rất không tốt cho sức khỏe và muốn bảo đảm cho bọn chúng. Khi về đến nhà, chúng đi loanh quanh đầu ngẩng cao, đầy tự hào.
Mùa hè năm 1943 là thời kỳ nóng bất thường tại khu vực này. Trời không mưa, không mây, không có gió trong nhiều tuần. Công việc đốt xác được đẩy lên cao độ. Các lò thiêu rực sáng suốt ngày đêm trong 6 tháng nhưng mới chỉ đốt được độ hơn nửa số xác chết. Các tù nhân làm công việc đốt xác có lẽ đã không thể đứng vững trước việc làm trái đạo lý khủng khiếp này nên đã có từ 15 - 20 người tự sát mỗi ngày. Nhiều người trong số họ chọn cái chết như 1 cách vi phạm quy định có tính toán.
“Ăn 1 viên đạn quả là 1 kết cục xa xỉ”, Kosezky, 1 bác sỹ đã thoát khỏi khu trại nói. Mọi người bảo tôi rằng sống ở Treblinka còn khủng khiếp hơn là chết nhiều lần. Tro than của người chết được chất lên tàu hỏa mang ra khỏi hàng rào trại. Các nông dân làng Wulka bị bọn Đức cưỡng bách phục vụ cho chúng chuyển tro than sang xe ngựa kéo và đem rải dọc con đường dẫn từ khu trại chết chóc này tới khu trại giam giữ người Ba Lan. các tù nhân trẻ em dùng xẻng rải tro thậm chí ngay trên mặt đường. Thỉnh thoảng chúng còn tìm thấy 1 đồng xu hay 1 chiếc răng vàng. Những đứa trẻ này được gọi là “Lũ trẻ từ con đường đen”.
Con đường trở nên đen nhẻm vì tro than cứ như được trải nhựa. Bánh xe nghiến lên chúng phát ra tiếng lạo xạo đặc biệt, khi tôi lái xe trên đó tôi đã nghe thấy tiếng lạo xạo thê lương đó, chúng vang nhẹ như 1 tiếng than...
Trong bài hát “Treblinka” mà bọn Đức bắt 800 tù nhân làm công việc đốt xác phải hát trong khi làm việc, có những lời van vỉ của các tù nhân rằng họ sẽ ngoan, hy vọng rằng họ sẽ được thêm “1chút xíu, 1 chút xíu niềm vui, dù rằng đó chỉ là được nhìn cuộc đời thêm 1 phút”.
Có 1 ngày hạnh phúc ở địa ngục Treblinka... Các tù nhân lập kế hoạch nổi dậy. Họ chẳng có gì để mất, tất cả họ đã bị tuyên án tử. Mỗi ngày họ tồn tại giờ đây là 1 ngày chịu sự hành hạ, tra tấn. Bọn Đức tất nhiên chẳng bao giờ cám ơn họ, những nhân chứng của 1 tội ác khủng khiếp. Tất cả họ rồi sẽ có kết cục trong phòng hơi ngạt và sẽ có người khác thay thế. Chỉ vài chục người sống sót ở Treblinka qua vài tuần hay vài tháng, còn lại thì chỉ vài ngày. Đó là những người có chuyên môn - thợ mộc, thợ đục đá, thợ may, thợ cắt tóc. Họ chính là những người lập ra ủy ban nổi dậy. Họ không muốn trốn thoát cho đến khi họ phá hủy được Treblinka.
1 đợt nóng ngột ngạt đến vào cuối tháng 7. Khi mở các hố chôn tập thể, hơi bốc lên như thể đó là 1 nồi nước sôi khổng lồ. Mùi hôi thối khủng khiếp và sức nóng đủ để làm chết người - những tù nhân gày gò vác các xác chết đi thỉnh thoảng cũng rơi luôn vào lò thiêu mà chết. Hàng tỉ con nhặng béo múp vì có quá nhiều thứ để ăn bò lúc nhúc trên mặt đất và bay vù vù trên trời.
Quyết định khởi nghĩa sẽ bắt đầu vào ngày 2/8. Tín hiệu là 1 phát súng*.

*[Người tổ chức chính của cuộc nổi dậy là Zelo Bloch, 1 trung úy người Do Thái trong quân đội Czech. Cuộc nổi dậy đã phải bắt đầu sớm vì 1 tên lính gác SS đã nghi ngờ. Hắn đã bị bắn nhưng việc này làm cuộc nổi dậy bắt đầu khi chưa kịp chuyển phần lớn số vũ khí ra khỏi kho vũ khí mà những người nổi dậy đã chiếm được bằng cách đánh 1 chìa khóa phụ].

Những ngọn lửa mới đã bốc lên nhưng lần này không phải là ngọn lửa nhớp nhúa từ những xác chết bị đốt mà là ngọn lửa rực rỡ, hừng hực, hung bạo phát ra từ nòng súng. Các tòa nhà trong trại bị đốt... Tiếng súng nổ như sấm dậy, súng máy khạc đạn từ các tháp canh bị những người nổi dậy chiếm. Không khí trở nên náo loạn với những tiếng huyên náo và đổ vỡ, tiếng đạn rít át cả tiếng vù vù của lũ nhặng nhơ bẩn. Những tên phát xít nhuốm đầy máu hiện lên trong đám lửa.
Vào ngày 2/8, máu của bọn quỷ dữ SS đã đổ xuống mảnh đất địa ngục Treblinka... Tất cả chúng đều hoảng loạn, quên tiệt mất rằng hệ thống phòng thủ của Treblinka đã được chuẩn bị rất tốt, quên rằng những loạt đạn chết chóc đã được bố trí hướng vào các lối ra, quên cả lấy vũ khí của chính chúng.
Trong khi Treblinka bốc cháy, những người nổi dậy phá vỡ các hàng rào, mặc niệm nắm tro tàn của các nạn nhân, bọn SS và cảnh sát đổ tới từ khắp nơi để săn lùng họ. Hàng trăm con chó cảnh sát đã được đưa tới sau đó. Máy bay Đức cũng được huy động. Cuộc chiến tiếp tục trong rừng và đầm lầy. Chỉ có rất ít người nổi dậy sống sót, nhưng điều khác biệt mà họ làm được ở đây là gì? Họ đã chiến đấu, với vũ khí trong tay*.

*[Có khoảng 750 tù nhân đã thoát khỏi những vòng rào thép gai nhưng chỉ có 70 người sống được tới ngày nhìn thấy tự do 1 năm sau đó].

Treblinka ngừng tồn tại sau ngày 2/8. Bọn Đức thôi không đốt những xác chết còn lại, phá hủy luôn tòa nhà bằng đá, dỡ bỏ hàng rào thép gai, đốt các trại lính bằng gỗ còn chưa bị những người nổi dậy đốt. Các thiết bị lắp đặt nên cái nhà máy giết người này bị cho nổ hoặc tháo dỡ chất lên tàu hỏa đem đi. Các máy xúc cũng được cho nổ hoặc đem đi. Vô số hố chôn người tập thể được lấp đất lại, sân ga bị phá hủy cho đến viên gạch cuối cùng, đường ray và tà vẹt cũng bị tháo dỡ hết. Đậu được trồng trên nền cũ của khu trại và Streben, 1 dân khai hoang, dựng 1 ngôi nhà nhỏ ở đó. Giờ đây, ngay cả ngôi nhà đó cũng không còn tồn tại, nó cũng bị đốt nốt*.

*[Gia đình Streben đã làm khu vực này trông giống như 1 trang trại của người Ukraina].

Bọn Đức có ý định gì khi xóa bỏ hoàn toàn mọi thứ ở đây? Để che đậy tội ác giết người?
Nhưng sao lại chỉ những thứ nằm trên mặt đất? Himmler đã không còn quyền lực đối với những kẻ tòng phạm: chúng cúi đầu, những ngón tay chúng run rẩy mân mê tà áo, nghẹn ngào từng tiếng kể lại câu chuyện về tội ác của chúng, những lời kể nghe thật điên loạn, mê sảng, không thể tin được. 1 sỹ quan Soviet mang dải băng xanh được tặng thưởng vì chiến công tại Stalingrad viết lại tất cả lời khai của những tên giết người, hết trang này đến trang khác. 1 anh lính gác đứng bên cửa ra vào, môi mím chặt. Anh ta cũng có huân chương vì Stalingrad trên ngực và khuôn mặt anh ta cũng tối sầm lại lạnh lùng.
Chúng tôi đi vào trại và bước trên mảnh đất Treblinka. Những quả đậu nhỏ bé mở tung khi chỉ cần chạm rất nhẹ hoặc thậm chí tự mở khi có rung động nhẹ; hàng triệu hạt đậu rơi đầy mặt đất. Tiếng những hạt đậu rơi xuống đất, tiếng lách tách của những quả đậu vỡ ra pha trộn vào nhau thành 1 bản nhạc buồn bã nhẹ nhàng, nghe giống như tiếng những chiếc chuông nhỏ dùng trong đám tang ngân lên từ sâu dưới lòng đất, vừa đủ để nghe thấy, thê lương, mênh mang, êm đềm.
Mặt đất ném ra những khúc xương gãy, răng, quần áo, giấy tờ. Trái đất không muốn giữ những bí mật đó. Các bằng chứng tự trồi lên khỏi mặt đất như những khối ung nhọt tự vỡ ra. Chúng nằm đây, trong tình trạng mục nát là những tấm váy của những nạn nhân đã bị giết, quần áo giầy dép của họ, những hộp xì gà đã phủ rêu xanh, những bánh xe đồng hồ, dao gọt bút chì, bàn cạo râu, giá nến, 1 chiếc giày trẻ con đính ngù lông đỏ, khăn tắm thêu kiểu Ukraina, đăng ten đồ lót, kéo, đê khâu, áo ngực phụ nữ, những dải băng. Cách đó 1 chút là hàng đống mảnh bát đĩa rải thành 1 con đường trên mặt đất. Xa hơn nữa - như thể có bàn tay ai đó đã đưa chúng ra ánh sáng từ những hố sâu dưới lòng đất - lòi ra những thứ mà bọn Đức đã cố chôn chặt: hộ chiếu Soviet, những cuốn vở có chữ viết bằng tiếng Bulgaria, ảnh chụp những đứa trẻ từ Warsaw và Vienna, những bức thư trẻ con nguệch ngoạc, 1 quyển thơ, 1 câu kinh thánh in trên mảnh giấy ngả vàng, hộp đựng thức ăn kiểu Đức... Và khắp nơi là hàng trăm chai dầu thơm đủ mầu xanh, hồng, xanh lơ... 1 mùi thối rữa khủng khiếp phủ lên mọi thứ, cái mùi không gì có thể xua tan được dù là lửa, mặt trời, mưa, gió hay tuyết. Hàng trăm đám ruồi nhặng bò lổm ngổm trên những thứ đã thối rữa 1 nửa đó, kể cả giấy tờ và các bức ảnh.
Chúng tôi bước loạng choạng hết chỗ này qua chỗ khác trên địa ngục không đáy Treblinka, và rồi đột nhiên dừng lại. 1 mớ tóc vàng gợn sóng, sáng màu và đẹp, rực rỡ như đồng thau bị dẫm đạp trên mặt đất, cạnh đó là 1 lọn tóc vàng nữa, tiếp đó lại có những bím tóc đen dày và nặng hiện lên trên mặt cát, và nữa... và nữa... Dường như chúng là những thứ đựng trong 1 - chỉ 1 túi đựng tóc - đã từng được đưa đi. Tất cả đều là thật. Rốt cuộc thì hy vọng rồ dại rằng tất cả mọi thứ chỉ là 1 giấc mơ đã tiêu tan. Những quả đậu vẫn vỡ lách tách, lách tách, những hạt đậu rơi xuống như tiếng chuông nguyện hồn ngân lên từ sâu trong lòng đất. Và ai nấy đều cảm thấy nếu như tim mình có thể ngừng đập ngay bây giờ mới có thể cảm nhận được từng lời than, từng nỗi thống khổ mà loài người có lẽ không bao giờ có lại.

Không có gì ngạc nhiên là Grossman đã rất khó đứng vững trước những gì bản thân ông tìm thấy. Ông đã sụp đổ vì căng thẳng thần kinh, stress và kinh tởm trong chuyến trở về Moscow vào tháng 8. Ehrenburg đã phải qua nhà báo Pháp Jean Cathala nhờ ông chuyển chi tiết những gì phát lộ khi giải phóng Majdanek và Treblinka. Grossman có lẽ đã quá phát ốm để có thể rời khỏi giường mà gặp mọi người.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét