Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

Nhân Dân Bất Diệt - Chương 9

Nhân Dân Bất Diệt

Tác giả: Vasily Grossman
Người dịch: Trần Mai Chính
NXB Quân Đội Nhân Dân - Năm 1963

Quân Đức

Lê-ô-nít hỏi:
- Bà ơi, đi còn kịp chứ?
- Kịp, cháu ạ. - Cụ Mari Chi-mô-phê-i-ép-na đáp.
- Bà này, sao chúng ta cứ lùi mãi thế? Quân Đức mạnh hơn à?
- Ngủ đi, cháu Lê-ô-nít của bà! Sáng ra là bà cháu ta đi ngay. Cả bà cũng sắp đi nằm một lát đây rồi bà sẽ thu xếp khăn gói. Bà thở nhọc lắm, như có hòn đá đè lên ngực. Bà muốn hất nó đi nhưng không có sức.
- Người ta có giết bố cháu không hở bà ?
- Cháu nói gì thế, Lê-ô-nít! Bố cháu không để cho người ta giết; bố cháu khỏe lắm.
- Khỏe hơn Hít-le?
- Đúng, cháu ạ. Bố cháu chỉ là nông dân như ông nội, thế mà nay làm tướng. Cháu biết đấy, bố cháu rất thông minh!
- Bố cháu chẳng nói gì bao giờ bà ạ. Bố cháu đặt cháu lên đầu gối như thế này này và chẳng nói gì. Một lần, hai bố con cùng nhau hát rất nhiều bài.
- Ngủ đi, cháu, ngủ đi.
- Thế con bò cái, nó có đi với bà cháu ta không?
Cụ Ma-ri Chi-mô-phê-i-ép-na chưa bao giờ cảm thấy mình yếu đuối như thế. Ngày hôm đó, phải làm bao nhiêu là việc thế mà đột nhiên sức lực biến đi đâu mất cả. Cụ cảm thấy mình già nua quá, suy nhược quá rồi.
Cụ trải chăn bông lên một cái ghế dài, lấy gối và nằm xuống. Không khí oi bức, tại cái lò. Những chiếc bánh vừa ra lò, vàng rực như mặt trời và nóng hôi hổi, ngửi mới thơm ngon làm sao. Có thể thật thế chăng, lần này là lần cuối cùng cụ rỡ lò? Chẳng bao giờ cụ còn có dịp được ăn bánh làm bằng bột nhà nữa chăng? Bao nhiêu ý nghĩ rối tinh trong óc cụ.
Hồi còn nhỏ cụ đã từng trèo lên nằm chơi trên cái lò đốt nóng, lấy áo lông cừu dày của cha làm đệm. Từ chỗ đó, cụ ngắm nghía những ổ bánh mì ngon lành mà bà mẹ vừa kéo ở lò ra. “Ma-ri, lại nếm này!” - Ông nội cụ gọi. Giờ đây con trai cụ ở nơi nao? ít ra nó cũng còn sống chứ? Đi ra làm sao đây? Chị gái cụ gọi cụ: “Ma-ri, Ma-ri này!”. Thẳng lưng trên đôi giò gầy guộc, cụ ra đi chân không giày dép. Phải mang những bức chân dung, những tấm ảnh chụp đi. Những bông hoa hút không khí. Các cây ăn quả cũng vậy. Cũng như những ngôi mộ. Cụ đã không ra được nghĩa địa từ biệt những ngôi mộ đó như cụ đã tự hứa với mình. Rồi còn phải để con mèo lại. Các nông trường viên kể rằng chỉ độc có loài mèo là còn ở lại trong những xóm làng bị thiêu cháy. Chó theo chủ, còn mèo, quen nhà quen cửa, chẳng muốn đi đâu. Ồ! Trời nóng làm sao, khó thở quá đi mất! Hai bàn tay cụ sao mà nặng chình chịch thế! Tưởng như mãi tận bây giờ hai bàn tay ấy mới cảm thấy bị ảnh hưởng vì công việc lao động kỳ diệu mà bà lão bảy mươi đã hoàn thành đằng đẵng suốt cuộc đời. Cụ không sao giơ nổi bàn tay lên. Rồi nước mắt chảy ròng ròng. Xưa kia cụ cũng đã khóc như thế hôm cáo tha mất con ngỗng béo nhất đàn. Buổi chiều, cụ vừa về tới nhà, mẹ cụ ngậm ngùi hỏi cụ: “Ma-ri, con ngỗng của chúng ta đi đâu mất rồi?”.
Cụ đã khóc rưng rức. Ông cụ thân sinh ra cụ, nghiêm khắc và luôn luôn trầm lặng, đến vuốt ve đầu cụ, bảo: “Đừng khóc, con, con, đừng khóc!”. Và cụ tưởng như ngay lúc này cụ cũng đang khóc, lòng xúc động một cách êm ái như cảm thấy bàn tay xù xì của cha ve vuốt trên tóc mình. Trong buổi tối cuối cùng của đời cụ, thời gian như bị thủ tiêu. Và cụ hình dung thấy lại thời thơ ấu, tuổi thiếu niên, và những năm đầu tiên trong cuộc đời làm vợ sống trong ngôi nhà nhỏ mà cụ sắp phải xa rời. Cụ tưởng như nghe thấy những tiếng khóc của lũ con thơ còn bú, những tiếng thì thào vui vẻ và tinh quái của các cô bạn ngày xưa. Cụ hình dung thấy lại chồng hồi trẻ trung, cường tráng, tóc đen, đang khoản đãi khách khứa và cụ nghe thấy tiêng đĩa bát va vào nhau loảng xoảng, tiếng rin rít của những quả dưa chuột muối, chắc như những trái táo, chính bà cụ thân sinh ra cụ đã dạy cụ muối thứ dưa chuột này. Khách khứa cất tiếng hát và cô dâu cũng hòa giọng ca thanh xuân của mình vào. Cụ cảm thấy tia mắt của những người đàn ông nhìn vào người mình và chồng cụ rất tự hào về cụ. Ông lão A-pha-nát-xi lắc đầu và nói, giọng vuốt ve: “Ồ, cái cô Ma-ri!...”.
Lẽ ra thì cụ đã ngủ. Đột nhiên, cụ bừng tỉnh vì một tiếng động kỳ quái và man rợ, chưa hể nghe thấy bao giò trong cái làng chôn rau cắt rốn của mình. Lê-ô-nít cũng đã thức dậy, gọi cụ: “Bà ơi bà, mau lên, dậy đi! Bà ơi, đừng ngủ nữa!”. Bà cụ chạy ra cửa sổ,
Phải chăng chưa hết đêm hay là trời đã sáng, đầy lo ngại?
Mọi vật xung quanh đều đỏ rực tưởng như cả làng với những căn nhà nhỏ thấp lè tè, với những thân bạch dương, với những vườn cây và những hàng rào, tất cả đều bị tưới một thứ nước màu đỏ máu. Nghe có tiếng súng nổ, xe cộ chạy sình sịch, những tiếng kêu la. Quân Đức đã xuất hiện trong làng. Giặc đã tới.
Chúng tới từ phía tây, với những máy vô tuyến điện hoàn hảo của chúng toàn bằng kền, bằng thủy tinh, bằng von-phơ-ram, bằng mô-líp-đen, với những xe cộ của chúng có những chiếc lốp chế tạo trong những nhà máy cao-su tổng hợp. Và dường như chúng xấu hổ vì những cái máy hoàn hảo ấy do khoa học của châu Âu và lao động chế tạo ra bất kể đến chúng, quân phát-xít đã sơn vẽ ra ngoài những hình thù tượng trưng cho sự dã man tàn bạo của chúng: những gấu, sói, cáo, rồng, những đầu lâu người với hai khúc xương chân bắt chéo.
Cụ Ma-ri Chi-mô-phê-i-ép-na linh cảm thấy giờ tận số của mình đã tới.
- Lê-ô-nít, cháu chạy cho mau đến nhà ông lão chăn cừu Va-xi-li Các-pô-vích, ông ấy sẽ dẫn cháu đến chỗ bố cháu.
Cụ giúp nó mặc quần áo.
- Mũ nồi của cháu đâu? - Nó hỏi cụ.
- Trời bây giờ đang nóng, cháu cứ đi đi không đội mũ cũng được.
Nó hiểu một cách dễ dàng, như người lớn, tại sao lại không được mặc cái áo lính thủy đính cúc vàng chói.
- Cháu có mang được súng lục với lưỡi câu của cháu đi không? - Nó nhẹ nhàng hỏi.
- Mang đi, mang cả đi.
Cụ đưa cho nó khẩu súng lục trẻ con chơi, kéo nó vào lòng, hôn lên môi nó, đặn:
- Đi nhá, cháu Lê-ô-nit của bà, đi nhá, bao giờ gặp bố, bảo với bố là bà gửi lời chào bố. Còn cháu, hãy nghĩ đến bà, đừng quên bà nhé.
Nó chạy ra ngoài vừa vặn lúc quân Đức tiến về phía ngôi nhà.
- Đi ngang qua vườn quả ấy! - Bà cụ gọi với theo.
Nó chạy, và tưởng như những lời từ biệt của người bà nó đã mất tăm trong tâm thần rối loạn thơ bé của nó. Nó đâu ngờ rằng những tiếng ấy sẽ hiện ra trong trí nhớ của nó và nó sẽ chẳng bao giờ quên được!
Cụ Ma-ri Chi-mô-phê-i-ép-na chờ quân Đức ở thềm cửa ngoài nhà. Cụ nhìn thấy lão Cô-ten-cô đi đằng sau chúng. Ngay trong giây phút đáng sợ ấy, cụ Ma-ri Chi-mô-phê-i-ép-na vẫn sửng sốt vì tia mắt của lão già: một tia mắt thèm khát, soi mói, hòng bắt chợt sự hoang mang, kinh hãi của cụ. Một tên Đức gày lêu nghêu, mặt nhớp nhúa đầy bụi và mồ hôi, hỏi cụ bằng tiếng Nga dằn từng âm như phải nhằn từng chữ lớn viết hoa một.
- Bà là mẹ chính ủy?
Biết đã đến lúc tận số, cụ già càng vươn mình đứng thẳng lên nữa, và trả lời nửa giọng, kéo dài các tiếng:
- Tôi là mẹ ông ta.
Tên Đức từ từ nhìn thật thẳng vào mặt cụ già, ngắm nghía bức ảnh Lê-nin, đoạn nó đưa mắt ngó vào lò sưởi, vào cái giường bới lộn tung. Đằng sau nó, bọn lính đang sục sạo gian buồng, và cụ già mắt đầy vẻ khinh miệt, cố dõi theo tia mắt chúng đổ dồn về phía vò sữa đặt trên bàn, về phía những khăn tay thêu gà sống đỏ, những ổ bánh mì trắng, miếng mỡ bọc trong một mảnh vải sạch, chai rượu anh đào óng ánh như ngọc trên thành cửa sổ.
Một tên lính nói khe khẽ, vẻ nhu nhược. Những tên khác phá lên cười. Và một lần nữa, cụ Ma-ri vốn đã sẵn lòng khinh bỉ, đoán ra ngay ý nghĩ của bọn lính về những thức ăn ngon bất chợt chúng tìm thấy. Cụ rùng mình về sự thản nhiên xấu xa của quân Đức trước hoàn cảnh cụ. Mối tai vạ giáng xuống đầu bà lão bảy mươi sẵn sàng chờ chết ấy không làm cho chúng cảm động mảy may, chúng vẫn dửng dưng như không. Đối với chúng, cụ chỉ là một mụ già đứng trước số bánh mì, mỡ, khăn tay ấy, còn chúng thì đang đói và khát. Cụ chẳng làm cho chúng phải thù ghét, chẳng thấy nguy hiểm gì. Chúng nhìn cụ như người ta nhìn một con mèo, một con bê, một sinh vật vô tích sự, chẳng hiểu tại làm sao lại choán phí chỗ trong không gian sinh tồn cần thiết cho người Đức.
Thế giới chưa từng biết đến một sự thờ ơ quái đản như thế đối với một con người. Quân Đức, trong khi tiến đã vẽ lại đường đi của chúng trên những bản đồ, ghi vào nhật ký số lượng thịt chúng đã tiêu thụ; chúng viết trong đó chuyện mây, mưa, trăng, gió, chúng tả những cuộc tắm sông, những chuyện trao đổi với bạn bè. Rất ít tên viết về những vụ giết người gây ra trong biết bao làng mạc có những cái tên kỳ quái chóng quên. Đó là việc hợp pháp và chán ngắt.
- Thằng con chính ủy đâu? - Tên Đức hỏi.
- Mày đánh nhau với cả trẻ con ư, đồ quái vật xấu xa kia? - Cụ Ma-ri Chi-mô-phê-i-ép-na nói.
...Cụ ngã gục xuống ngưỡng cửa và những tên lính xe tăng Đức thận trọng bước qua vũng máu đen vừa đi đi lại lại vừa lấy các đồ đạc và chuyện trò huyên náo.
- Bánh mì vẫn còn nóng hổi.
- Mày có là bạn tốt thì hãy cho tao một cái khăn tay trong số năm cái mày lấy ấy. Thế nào? Mày nghĩ sao? Tao chả được cái nào có thêu gà sống cả.

Một cái bàn phủ khăn trắng kê ở giữa buồng. Bên trên có mật ong, kem sữa, xúc-xích kiểu U-cơ-ren rắc nhiều mỡ và tỏi, những cái vò đen, cao, đầy sữa. Một cái ấm xa-mô-va đun trên bàn.
Cô-ten-cô áo ngoài đen dính đầy những vẩy băng phiến, áo gi-lê đồng màu, áo choàng trắng thêu bằng vải nõn rất sang - tiếp các vị khách người Đức, tên thiếu tá chỉ huy phân đội thiết giáp và một sĩ quan có tuổi, da bì bì, mũi đeo cặp kính bằng vàng, tay áo đôn-man tô điểm hình một cái đầu lâu. Các sĩ quan đều xanh mét, mệt nhọc qua một cuộc hành quân đêm  dài. Tên thiếu tá uống cạn một cốc sữa hấp màu nâu sẫm, vừa nói vừa ngáp:
- Tôi thích cái thứ sữa này lắm, nó có vị sô-cô-la.
Cô-ten-cô đưa các đĩa ra nói:
- Xin mời các ngài dùng. Sao các ngài không ăn đi?
Nhưng các tên sĩ quan, mệt lử, không đói. Chúng ngáp dài, cắm dĩa vào những khoanh xúc-xích xếp trên đĩa một cách uể oải.
- Ta tống cái thằng già và con vợ nó ra cửa nhé? - Viên sĩ quan đeo kính nói. - Tôi đến chết ngạt vì cái mùi băng phiến trên áo nó; nếu không kịp thời đeo ngay mặt nạ phòng hơi độc.
Tên thiếu tá cả cười.
- Nếm thử cái mật ong này một tí xem. - Hắn nói. - Vợ tôi viết thư dặn tôi: mình ăn nhiều mật ong U-cơ-ren vào, càng nhiều càng tốt.
- Không tìm thấy thẳng nhóc à? - Tên sĩ quan đeo kính hỏi.
- Chưa thấy.
Tên thiếu tá lấy một miếng bánh con, phết bơ lên, rồi giơ thìa xúc một cục mật đóng lại như đường kính và đưa về đặt lên bánh. Nó nuốt vội và húp vài ngụm sữa.
-  Không đến nỗi dở, thật đấy.
Cô-ten-cô sốt ruột muốn hỏi xem lão phải khai với ai về “quyền sở hữu của lão đối với ngôi nhà, cái chuồng ngựa của nông trường, những tổ ong và khu vườn. Nhưng lão cảm thấy rụt rè một cách lạ lùng. Lão cứ ngỡ rằng hễ quân Đức tới là lão sẽ ung dung ngồi cùng bàn với họ, chuyện trò với họ.
Nhưng giờ đây họ lại không mời lão ngồi. Nom những khuôn mặt ngáp dài ngáp ngắn và nhạo báng của họ mới thờ ơ và chán ngán làm sao! Khi họ mở miệng hỏi lão, sự bồn chồn làm nét mặt họ dúm dó. Lão dỏng tai nghe tiếng Đức xì xồ khó hiểu hình như đang chế giễu lão cùng vợ lão cũng nên.
Mấy tên sĩ quan đứng dậy ra khỏi bàn; chúng lầm bầm, tên nào cũng nói cùng một tiếng ấy, rõ ràng là để chia tay nhau, rồi ra ngoài. Chúng đi về phía trường học; những người chạy giấy đã khuân giường ra đấy cho chúng.
Trời đã sáng. Những đám cháy sắp tàn còn đỏ lửa.
- Nào, Mô-tơ-ri-a, có ngủ đi không? - Cô-ten-cô hỏi vợ.
- Tôi không ngủ được. - Mụ đáp.
Lão cảm thấy mỗi lúc một thêm lo lắng và sợ hãi. Lão ngắm cái bàn, những đĩa thức ăn còn nguyên vẹn. Thế mà lão mơ ước mãi cái bữa tiệc vui tươi, đầy vẻ trang nghiêm với bài diễn văn quan trọng mà lão sẽ đọc nhân dịp khai mạc cuộc đời mới mẻ và sang trọng của lão.
Lão ra giường nằm duỗi dài nhưng mãi chẳng chợp được mắt. Lão nghĩ tới những đứa con lão chết trong Hồng quân, tới bà lão Sê-rê-nít-sen-cô. Lão không chứng kiến cái chết của bà cụ. Khi bà cụ vừa vung tay lên mặt tên sĩ quan, Cô-ten-cô đã vội nhảy bổ ra sân, tới sát hàng rào mới dừng lại. Lão nghe thấy một tiếng súng nổ trong nhà và răng lão va vào nhau lập cập. Tuy vậy, viên sĩ quan đi lại chỗ lão vẫn bình tĩnh và bọn lính tráng vẫn mang đồ đạc, vẫn trò chuyện với nhau với một vẻ bình thản đến nỗi lão lại vững dạ. “Cái mụ ấy dở người. -  Lão nghĩ - Quái, nghĩ thế nào mà mụ ta lại tát vào mặt một sĩ quan”. Lão rên rỉ, trở mình trên giường. Mùi băng phiến làm lão ngạt thở, váng đầu và bóp chặt hai thái dương lão. Lão rón rén đi ra chỗ cái hòm mà lão vẫn đựng quần áo ấm, lôi trong đó ra những tấm ảnh của hai đứa con lão đầu đội mũ kê-pi bộ đội, sườn đeo gươm, mà vợ lão đã giấu kín. Lão liếc nhìn những bức chân dung đó. Các con lão, với khuôn mặt có lưỡng quyển cao và mắt tròn xoe, nhìn lão chằm chằm vớỉ vẻ tò mò, Lão xé tan mấy bức ảnh ra từng mảnh nhỏ và ném cả vào lò, Đoạn, lão trở về giường, Đột nhiên lão thấy buồn bã, nhưng vẫn bình tĩnh. “Và bây giờ dù có thế nào chăng nữa thì điều ta muốn cũng sắp thành”, lão nghĩ vậy và ngủ mất.
Tỉnh dậy lúc tám giờ hơn, lão đi ra phố. Xóm làng đầy bụi. Những chiếc cam-nhông chở bộ binh tới không ngừng. Lính tráng lang thang từng lũ ngoài phố, sục vào các nhà. Gầy gò và sạm nắng, mặt chúng câng câng vẻ thâm hiểm, hồ nghi.
“Mạnh làm sao!” - Cô-ten-cô nghĩ.
Nhiều tiếng kêu vang lên ngay cạnh giếng, Lão quay lại. Han-nơ, con gái cụ Sê-rê-vít-sen-cô, đang gánh nước chạy vội về nhà. Một thằng cao lớn, chân đi giày ống vàng đế to xù, xoạc cẳng chạy theo cô. “Ối, các ông các bà ơi, nhà tôi bị cháy, quân chết tiệt chúng nó đã đốt, lại còn ngăn không cho tôi về chữa cháy”, cô gái vừa kêu la vừa than khóc. Tên lính tiến đến ngang tầm cô, bắt cô đặt thùng xuống; nó liền nói liến thoắng, nắm lấy tay cô, nhìn vào mắt cô con gái đang khóc lóc rũ rượi. Hai tên lính khác cười sằng sặc dang tay chắn lối. Trong lúc đó, mái rạ vẫn cháy bùng bùng, ngọn lửa vàng rực vui vẻ và vô tư như một tia nắng buổi sáng mùa xuân. Bụi cuốn mù mịt trong phố bám đầy mặt mũi. Một mùi khét lẹt lan tràn trong không khí; trên các đống đổ nát, khói bốc lên tửng sợi mỏng; những ống khói lò sưởi in hình dài và mảnh khảnh, chẳng khác những mộ chí, bên trên những ngôi nhà bị phá hủy. Nồi niêu và những bình vại bằng sa thạch vẫn còn lại trong các lò. Đàn bà và con trẻ, mắt đỏ hoe, bới tìm trong các đống hoang tàn lôi ra những đố dùng đã cháy thành than, những bếp lò có nắp đậy đẳng sau và bát đĩa bằng gang còn nguyên vẹn. Cô-ten-cô nhìn thấy hai tên lính đang chuẩn bị vắt sữa một con bò. Một tên chìa ra cho con bò cái những miếng khoai tây thái nhỏ. Con vật đưa mõm ướt ra ngoạm món ăn ngon với một vẻ ngờ vực và liếc trông sang phía tên Đức đang đặt một cái thùng tráng men dưới vú nó. Gần ao, có tiếng quân Đức nói ồn ào, bầy ngỗng buông những tiếng kêu gào hoảng hốt. Nhiều tên lính nhảy chồm chồm như ếch đuổi bắt gà vịt mà hai tên tóc đỏ, ngâm nửa người dưới nước, đang xua lên bờ ao. Hai tên tóc đỏ hoe ấy, trần như nhộng, đã lên bờ. Chúng tỉến về phía bà giáo già A-na Pê-tơ-rốp-na đang đi ngang qua quảng trường. Mặt nhăn nhăn nhó nhó, chúng tới múa may trước mặt bà. Nhìn cảnh tượng ấy, bầy lính cười ha hả.
Cô-ten-cô đến trường học. Ở đó, dưới cái đu mà trẻ nhỏ vẫn chơi trong các giờ nghỉ, xác đồng chí chủ tịch nông trường Gơ-rít-sen-cô treo lủng lẳng trông như đôi chân không của ông ta sắp chạm đất - đôi chân đầy chai với những ngón vặn vẹo. Bộ mặt tím bầm của ông ta bê bết máu đã đóng cục, nhìn thẳng chằm chằm vào mắt lão. Lão thốt ra một tiếng “a!” kinh hoàng. Tưởng như Gơ-rít-sen-cô chê cười lão, Mắt gồ và man dại, lưỡi thè ra, đầu nặng chịch ngả xuống một bên vai, hình như ông ta hỏi: “Thế nào, Cô-ten-cô, thế là mày đã trông thấy quân Đức, thỏa lòng chưa?”.
Đầu óc lão rối bời, lão muốn kêu lên nhưng không thể được. Lão vung hai cánh tay và bỏ đi.
“Nó đấy, chuồng ngựa của ta đấy”, lão nói rõ to, vừa chăm chú ngắm nghía những vệt đen sì trong đống vôi gạch đổ nát: những chiếc xà lồi ra, những chiếc đòn tay và cọc, Lão đi ra xem những tổ ong của lão, Lão nhìn thấy chúng từ xa, chúng bị phá phách tan hoang hết, Lão nghe thấy tiếng ong vo ve không ngớt, xem như những con ong ấy muốn che chở cho thân thể người thanh niên nuôi chúng đang nằm còng queo ở đó, dưới gốc một cây tần bì.
“Nó đấy, nhà nuôi ong của ta đấy”.
Lão đứng quan sát bầy ong đen bay liệng trên xác chết. Lão đi ra vườn quả của nông trường, Không còn lấy một quả táo, một quả lê ở trên cành, Bọn lính cưa thân những cây ăn quả, lấy rìu bổ và nguyền rủa những cây gỗ quánh.
“Gay nhất - Cô-ten-cô nghĩ. - là chặt cây lê và cây anh đào, thớ gỗ cứ xoắn tít vào nhau”.
Những xe bếp lưu động tỏa khói trong vườn quả. Bọn cấp dưỡng nhổ lông ngỗng, cạo lông tơ lợn sữa bằng dao cạo, gọt khoai tây, cà-rốt và củ cải. Ngồi dưới những gốc cây, hàng mấy chục, mấy trăm tên lính đang nhai chem chép ầm ĩ, nuốt nước ngọt của những quả táo trắng to, của những quả lê mềm và ngọt như đường. Và tiếng nhai của những hàm răng ấy, lão Cô-ten-cô thấy như nó làm cho mọi tiếng động dịu hẳn đi: tiếng còi xe cộ qua lại lũ lượt, tiếng động cơ sình sịch, những tiếng kêu la, tiếng bò cái rống kéo dài và tiếng gà vịt quang quác. Cho đến nỗi dù trời có nổ sấm, thì sấm cũng bị vùi vào trong tiếng nhai ngấu nghiến và vui vẻ của mấy trăm tên lính Đức ấy.
Tâm thần lão Cô-ten-cô mỗi lúc một thêm bối rối. Lão đi vơ vẩn trong làng, chẳng biết tại sao mà cũng chẳng rõ đi đâu. Các chị nông dân giãn ra khi lão qua; đàn ông thì ngó lão mà mắt chẳng nhìn, đầu óc để tận đâu đâu ấy; các bà già coi khinh cái chết, vung những nắm tay gầy giơ xương và chửi lão mất mặt với những câu rủa độc địa, nặng nề. Lão đi trong làng, chốc chốc lại quay đầu lại. Cái áo đen của lão đã phủ một lớp bụi dày. Mặt mũi đầy mồ hôi mồ kê, cáu ghét. Đầu lão nhức như búa bổ. Lão cảm thấy thái dương đau buốt là do cái mùi băng phiến nồng nặc xộc vào hai lỗ mũi, tai lão ù lên vì những tiếng nhai ầm ĩ của những tên lính kia.
Trong lúc đó, những chiếc xe sơn đen vẫn không ngừng chạy trong đám bụi vàng và xám; những tên lính Đức hom hem trong những đơn vị mới tới nhảy ào xuống đất qua thành cao của những chiếc xe vận tải, không chờ buông ván sau xe xuống và móc thang vào. Chúng xông vào những ngôi nhà trắng, những vườn quả, vườn hoa, những nhà để xe và sân nuôi gà vịt.
Về đến nhà, Cô-ten-cô dừng lại ở ngoài thềm. Cái bàn tiệc linh đình lão dọn ngày hôm trước đã bị người ta nôn mửa lên, nhem nhuốc hoen ố cả; những cái vỏ chai đổ nghiêng ngả nằm la liệt trên đó. Lính Đức say nhè qua lại trong các buồng. Một tên đang cầm que cời cời chọc chọc trong lòng cái lò to đen ngòm. Một tên khác, đứng lên một cái ghế đầu, lấy những chiếc khăn tay thêu còn mới tinh mà chiều hôm trước người ta vừa phủ lên những tượng thánh. Nhìn thấy Cô-ten-cô, nó nháy mắt và tuôn ra một tràng tiếng Đức. Từ dưới bếp, vọng lên tiếng nhai chem chép: bọn Đức đang ngốn mỡ, táo, bánh mì. Cô-ten-cô bước vào gian buồng ngoài. Vợ lão ngồi đó, trong bóng tối, gần cái thùng nước. Vợ lão đó, âm thầm, ngoan ngoãn và nhu mì, người vợ không bao giờ cãi lại, không bao giờ nói một câu xúc phạm đến lão.
- Mô-tơ-ri-a, Mô-tơ-ri-a khốn khổ của tôi. - Lão nói rất khẽ.
Đột nhiên, lão ngừng lời như bị thôi miên vì tia mắt nhìn trong sáng của vợ lão.
- Tôi muốn mang ảnh các con tôi đi, - mụ ta nói, giọng lạc hẳn. - nhưng đêm qua ông đã xé tan và ném vào lò cả.
Và mụ đi khỏi ngôi nhà đã bị điếm nhục.
Cô-ten-cô ở lại trong gian buồng ngoài tranh tối tranh sáng. Lão nhìn thấy tên cu-lắc người Ét-tô-ni đi ngang qua mặt lão, y mặc áo da cừu đỏ viền lông thú, miệng nhai chem chép, có vẻ thú vị khoái chá... Và lão thấy bà Ma-ri Sê-rê-nít-sen-cô cũng hiện lên chói lọi trong một vầng hào quang, với những mớ tóc xám xõa trước gió, người rực sáng vì ánh lửa của một đám cháy, và một lần nữa lão lại ghen tị với bà cụ già. Không phải vì cuộc đời của bà ta nữa, mà vì cái chết cao cả của bà ta... Trong khoảnh khắc, lão thấy mở ra trước mắt lão một cái vực thẳm, linh hồn lão đắm chìm trong đó. Lão lò mò lần tới cái thùng vẫn buộc một sợi dây thừng. Cái thùng lanh canh lên một tiếng quen thuộc, nhưng sợi dây thừng không còn ở đó nữa. Quân Đức đã lấy mang đi.
- Không được tầm bậy. - Lão lầm bầm.
Sau khi cởi cái dây lưng mỏng và chắc mà lão vẫn thắt quần, lão tết một cái nút thòng lọng và buộc chặt dây da đó vào cái móc đóng sâu trong tường, bên trên thùng nước.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét