Và Nơi Đây Bình Minh Yên Tĩnh
(А зори здесь тихие)
Tác giả: Boris Vasilyev
Người dịch Lê Đức Mẫn
Nhà xuất bản Cầu vồng (Moskva) - 1985
Chương 3
Họ bắn súng tiễn đưa trên
mộ, sau đó chính ủy gọi riêng Rita mà bảo: Phải bổ sung thêm người cho đơn vị, Rita im lặng.
- Tập thể của cô mạnh đấy,
cô Rita ạ. Các cô cũng biết rằng, phụ nữ ngoài mặt trận là một đối tượng như
người ta nói, rất đáng chú ý. Cũng có những trường hợp các cô không chịu đựng
được.
Rita vẫn im lặng. Chính ủy giậm dịch đôi chân, lấy thuốc ra hút rồi trầm giọng nói:
- Có một đồng chí trong
ban Tham mưu có gia đình rồi, nhưng cũng có, nói thể nào nhỉ, một cô bạn gái. Một
đồng chí ở Hội đồng quân sự biết chuyện đã sửa cho đồng chí đại tá ấy một trận
và ra lệnh cho tôi phải giải quyết cái cô bạn ấy. Phải đưa vào một tập thể tốt.
- Xin cứ đưa về đây! - Rita nói.
Sáng hôm sau cô đã được
nhìn thấy và ngây ra mà ngắm: cô gái dong dỏng cao, tóc hung, da trắng bóc. Đôi
mắt thì như trẻ thơ: xanh xanh, tròn như hai cái đĩa con.
- Chiến sĩ Epghênina
Kômenkôva xin nhận nhiệm vụ...
Hôm đó là ngày tắm giặt,
lúc đến lượt họ, các cô gái trong phòng thay quần áo ngắm nhìn cô bạn mới, như
nhìn báu vật:
- Epghênina, cậu là một
nàng tiên cá đấy!
- Epghênina, da cậu như
pha lê ấy!
- Epghênina, cậu đứng làm
mẫu tượng được đấy!
- Epghenina, cậu cần gì
phải mặc áo nịt nữa!
- Ôi, Epghênina, phải đưa
cậu vào bảo tàng thôi! Cậu phải nằm trong hòm nhung lắp kính cho mọi người ngắm!
- Tội nghiệp! - Kirianôva
thở dài. -
người thế kia mà phải đóng khung quân phục - thà chết còn hơn.
- Đẹp quá. - Rita thận trọng bổ sung. - người đẹp mấy ai hạnh
phúc.
- Cô tự nói mình đấy à? - Kirianôva mỉm cười.
Rita lại im: cô không thể
kết bạn được với Kirianôva. Không thể nào được.
- Thế nghĩa là cậu cũng
đã có món nợ riêng rồi đấy.
Cái giọng của cô khiến
cho Rita, dù đã biết rất rõ về đại tá đi nữa, cũng phải cất tiếng hỏi:
- Thế cậu cũng có chứ?
- Mình chỉ còn có một thân một
mình mà thôi. Mẹ mình, em gái mình và em trai mình đã ngã xuống vì súng máy rồi.
- Chúng càn quét à?
- Xử tử đấy. Chúng bắt hết
các gia đình của những người chỉ huy rồi quạt súng máy. Còn mình thì được một
bà người Extôni giấu vào một ngôi nhà trước bãi bắn nên nhìn thấy tất cả. Đúng
là tất cả! Em gái mình ngã xuống cuối cùng, chúng lại còn bồi thêm...
- Epghênina, cậu nghe
này, thế còn đại tá? - Rita thầm hỏi. -Epghênina, làm sao cậu lại có thể...
- Có thể đấy! - Epghenina
lắc mạnh mái tóc hung như thách thức. - Cậu định giáo dục mình từ bây giờ hay là để bao
giờ báo yên đã!
Số phận Epghênina đã làm
cho Rita không còn là ngoại lệ nữa, và thật kỳ lạ! - Trái tim cô đã có phần
chai lạnh trước đau khổ, cô đã bắt đầu mềm lòng hơn trước. Thậm chí cô còn cười
đùa, thỉnh thoảng lại còn ca hát với các cô gái, nhưng cô chỉ đúng là cô khi ngồi
một mình với Epghênina mà thôi.
Kômenkôva tóc hung, bất
chấp mọi chuyện bi thảm, vẫn là cô gái lắm bạn nhất và nghịch ngợm nhất. Có
khi, để làm vui lòng cả đơn vị, cô đã trêu một chàng trung úy đến nỗi chàng ấy phải
ngây ngẩn ra, có lúc giữa giờ giải lao, trong tiếng hát làm nhịp của bạn, cô đã
nhảy một điệu Digan như gió lốc; có lúc đột nhiên cô ngồi kể lại cả một cuốn tiểu
thuyết - cứ là phải ngây người ra mà nghe.
- Epghênina, cậu phải lên
sân khấu mới đúng! - Kirianôva và thở dài. - Người thế này mà uổng phí.
Thế là nỗi cô đơn bấy lâu
Rita gắng công giữ gìn đã hết: Epghênina đã lay đổ tất cả. Cả tiểu đội chỉ có một
người kém hấp dẫn, đó là Galia Chetvêrtak. Cô ấy gầy gò, mũi nhọn, hai bím tóc
nhỏ dài, thẳng tắp và có bộ ngực phẳng như của nam giới. Ở buồng tắm Epghênina
kỳ cọ cho cô, tết tóc cho cô, mặc áo cho cô, khiến Galia trông rực rỡ hẳn lên.
Đôi mắt cô bỗng trở nên long lanh, nụ cười hiện ra trên môi và đôi bầu ngực non
như hai cây nấm hằn trên ngực áo. Từ đấy Galia không rời Epghênina nửa bước và
nhóm bạn này có ba người: Rita, Epghênina và Galia.
Cái tin đơn vị bị chuyển
từ hỏa tuyến
về giữ mục tiêu khu trạm khiến chị em chống lại quyết liệt. Chỉ có Rita là im lặng:
cô chạy lên ban Tham mưu xem bản đồ rồi nói:
- Các đồng chí cử tiểu đội
tôi đi cũng được.
Chị em lấy làm ngạc
nhiên. Epghênina cự lại kịch liệt, nhưng đến sáng hôm sau cô bỗng đổi ý và bắt
đầu tuyên truyền rằng phải bảo vệ khu trạm ấy. Vì sao như thế và để làm gì thì
chẳng ai hiểu cả, tuy nhiên mọi người vẫn im lặng: người ta tin Epghênina và
như thế nghĩa là việc ấy nên làm. Mọi chuyện bàn lập tức lắng đi và bắt đầu chuẩn
bị lên đường. Lúc mọi người vừa đặt chân đến trạm thì Rita, Epghênina và Galia
bắt đầu uống chè suông, không có đường.
Được ba đêm, đến đêm thứ
tư Rita biến mất. Cô trườn ra khỏi kho cứu hỏa và, như một cái bóng, cô vượt qua khu ga còn đang
chìm trong giấc ngủ rồi tan biến vào trong rừng cây trăn lúc ấy còn đẫm sương lạnh.
Theo con đường heo hút, cô tìm ra đến đường cái và vẫy được một chiếc xe tải vừa
mới trông thấy:
- Còn đi xa hả, người đẹp? - Ông chuẩn úy rậm râu hỏi. - Ban đêm các xe tải vẫn thường về tuyến sau chở quân nhu và áp tải xe thường
là những người xa lạ với quân ngũ và điều lệnh.
- Đến thành phố các anh
cho xuống, được không?
Từ trong thùng xe hai
cánh tay vươn ra. Không chờ lệnh, Rita trèo lên bánh xe và nháy mắt cô đã lên
được. Người ta vứt cho cô một tấm bạt để nằm và một áo bông để đắp:
- Ngủ đi, cô em, độ một
tiếng thì dậy...
Sáng hôm sau cô đã có mặt
ở đơn vị.
- Liđa, Raia - đi làm nhiệm
vụ?
Không ai biết, trừ
Kirianôva, vì có người báo cho cô. Nhưng cô không nói gì mà chỉ cười thầm:
- Lại kiếm được một chàng
nào rồi, giỏi thật. Thôi, may ra nó vui lên thì tốt...
Cả với Vaxkốp cô cũng
không nói câu gì. Hơn nữa, trong số con gái chẳng ai sợ Vaxkốp, Rita lại càng
không sợ. Thì đấy, anh ta cứ lang thang khắp trạm như một chàng ngốc, trong bụng
có vài chục chữ để nói mà lại toàn là những điều lệnh cả. Ai mà nói chuyện với
anh ta được?
Nhưng kỷ luật là kỷ luật,
mà trong quân đội lại càng phải thế. Kỷ luật ấy đòi hỏi rằng ngoài Epghênina và
Galia không ai được biết chuyện Rita đi chơi đêm cả.
Đường, bích-cốt, lương
khô, đôi khi cả những hộp cá nữa được chuyển về cái thị trấn bé nhỏ. Sung sướng
như điên dại với những thành công của mình, Rita cứ đi đi lại lại, mỗi tuần đến
hai ba đêm, vì thế cô đen sạm đi và gầy hốc hác. Epghênina trách móc ghé tai bảo
nhỏ:
- Quá lắm rồi đấy, mẹ trẻ
ạ! Quân cảnh nó vớ được, quan trên đụng đến là chết cháy.
- Im đi, Epghênina, số
mình bao giờ cũng may cả, lo gì!
Mắt cô sáng rực lên vì hạnh
phúc. Với một người như thế thì khó khuyên can được nghiêm chỉnh. Epghênina lấy
làm buồn lắm:
- Ôi, Rita, cẩn thận đấy nhé!
Kirianôva biết những chuyến
đi ấy. Điều đó Rita cũng đoán ngay được khi nhìn thấy khóe mắt, nụ cười của
Kirianôva, nụ cười ấy đốt cháy tâm can cô tựa hồ như bảo rằng chính cô là kẻ phản
bội thượng úy của mình. Cô thấy nghẹn cổ, muốn bảo thẳng rằng đừng có mà cười như thế nữa,
nhưng Epghênina không cho, Epghênina kéo cô ra chỗ vắng bảo:
- Rita ạ, đừng như thế, cứ
để cô ấy muốn nghĩ thế nào thì nghĩ.
Rita trấn tĩnh lại và thấy
là phải. Cô ấy muốn nghĩ trăm điều xấu xa cũng được, miễn là cô ấy im lặng, đừng
có phá ngang và đừng có cho Vaxkốp biết. Anh ta sẽ làm tình làm tội, không mở mắt
ra được. Thì đã có gương tày liếp rồi đấy: hai cô Tiểu đội 1 bị chuẩn úy vớ được bên kia sông.
Suốt bốn giờ liền từ trưa đến tối ông ấy cho một bài học luân lý: ông ấy trích
dẫn từng câu từng chữ trong điều lệnh, chỉ thị, nội qui. Bọn con gái khóc hết
nước mắt. Sau đó, sang sông thì bị cấm đã đành, mà ra khỏi cửa cũng bị cấm nốt.
Nhưng Kirianôva vẫn im lặng.
Dạo ấy đang là những đêm
lặng gió - Những đêm dải sáng lờ mờ từ hoàng hôn kéo đến tận rạng đông tỏa ngát
một mùi hương cỏ mật đơm hoa ngào ngạt, và chị em ngồi hát đến tận gà gáy lần
thứ hai bên kho cứu hỏa. Rita bây giờ chỉ giấu một mình Vaxkốp mà thôi. Cách hai đêm một lần, ăn
cơm chiều xong cô lại trốn đi suốt đêm và lại trở về đơn vị trước lúc mọi người
ngủ dậy.
Những lần trở về như thế
Rita lấy làm thích lắm. Nỗi lo sợ bị quân cảnh bắt gặp không còn nữa và lúc đó
cô có thể ung dung tháo giày buộc ra sau lưng và đi chân không trên mặt đường đẫm
sương tê buốt. Cô cứ thế lê bước mà
nghĩ, lo toan cho đêm sau trốn tiếp. Cuộc hẹn hò tiếp sau có thể hoạch định một
mình, hoàn toàn không hoặc hầu như không phụ thuộc vào ý chí của người khác. Cứ
nghĩ như thế Rita thấy mình thật là hạnh phúc.
Nhưng chiến tranh đã chi
phối cuộc sống con người theo phép tắc riêng của nó, buộc các số phận đan kết
vào nhau một cách kỳ lạ thậm chí là không hiểu được. Và, trong lúc lừa dối người chỉ
huy khu trạm số 171 yên tĩnh này thì hạ sĩ Rita Ôxianina vẫn không biết gì rằng
chỉ thị của Cục an ninh Đế chế Đức số X 219/702 với hàng chữ “DÀNH RIÊNG CHO CHỈ
HUY” đã được ký và thực hiện.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét