Nhân Dân Bất Diệt
Tác giả: Vasily
Grossman
Người dịch: Trần
Mai Chính
NXB Quân Đội Nhân
Dân - Năm 1963
Ngày Mai Tiểu Đoàn
Sẽ Chiến Đấu
Doanh trại đóng
giữa rừng như nằm ỳ trong yên lặng.
Nhưng có lẽ suốt
đời, không bao giờ Bô-ga-rép mệt như trong những ngày chuẩn bị chọc thủng phòng
tuyến quân Đức này. Ban đêm, hầu như anh không chợp được mắt, trí óc và nghị
lực của anh căng thẳng đến tột độ. Và sự căng thẳng ấy truyền sang mọi người:
sang các sĩ quan và sang binh lính. Bô-ga-rép lên lớp nói chuyện với các chiến
sĩ Hồng quân; các sĩ quan thì chăm lo đến việc luyện tập quân sự. Liên lạc điện
thoại đã được đặt giữa các bộ phận. Sáng sáng, người báo vụ vô tuyến điện thu
những bản thông cáo của thông tấn xã Liên xô phát đi; người ta đánh máy ra
nhiều bản và một chiến sĩ thông tin cưỡi luôn một chiếc mô-tô cướp được của
Đức, phóng xuyên rừng đem phát cho các chiến đấu viên. Buổi sáng, nhiều tổ nhỏ
đi tuần tiễu. Họ theo dõi quân Đức, thu thập tin tức vận chuyển quân và các
đoàn xe của chúng. Trang bị của chiến sĩ đã được chấn chỉnh lại; kỷ luật càng
nghiêm hơn bao giờ hết. Ai không chào chỉ huy của mình đều bị phạt. Báo cáo có
làm đúng theo điều lệnh mới được nhận. Nhưng, đi đôi với kỷ luật nghiêm ngặt áp
dụng một cách triệt để, không ai được vi phạm, tình đồng chí giữa sĩ quan và
binh lính vẫn mỗi ngày một tăng cường. Những người chưa dày dạn và nhút nhát
nhất dần dần được làm quen với nguy hiểm: họ được giao nhiệm vụ đánh những tên
Đức đi mô-tô, bắt những lính liên lạc, tiêu diệt những xe vận tải đi lẻ. Lúc
đầu, họ có những trinh sát viên dày dạn kinh nghiệm đi kèm, tiến tới họ được
hành động độc lập, tùy theo sức của bản thân mình và thành bại là tùy ở chính
mình. Buổi chiều, Bô-ga-rép lại thông báo cho các sĩ quan tinh hình chiến sự.
Lòng tin tưởng của anh vào thắng lợi sắp tới, một lòng tin tưởng được củng cố
trong sự đánh giá chính xác những thử thách lớn lao của những tháng chiến tranh
đầu tiên, có sức mạnh thuyết phục lòng người.
- Tôi cứ lộn cả
tiết khi nghe bọn Đức nói lải nhải mãi: chiến tranh chớp nhoáng. - Ru-mi-an-xép
nói. - Chúng nó quy định những thời hạn ngắn ngủi: ba mươi nhăm ngày để đánh
chiếm Mát-xcơ-va, bảy mươi ngày đề kết thúc chiến tranh. Thành ra vô tình, mỗi
buổi sáng khi thức dậy, chúng ta lại đếm: đánh nhau đã được năm mươi ba ngày
rồi đấy, và rồi đã đến ngày thứ sáu mươi mốt, sáu mươi hai, bảy mươi mốt. Chúng
nó ắt phải tự nhủ thầm: “Nếu không phải là ngày thứ bảy mươi, thì sẽ là ngày
thứ một trăm bảy mươi. Thì đã làm sao! Ngày giờ có quan trọng gì”.
- Có chứ, cái quan
trọng chính là ngày giờ. - Bô-ga-rép nói. - Kinh nghiệm của tất cả các cuộc
chiến tranh nước Đức đã tiến hành chứng tỏ rằng nước Đức không thể chiến thắng
trong một cuộc chiến tranh dài hơi. Cứ nhìn vào bản đồ là đủ hiểu vì sao bọn
Đức lúc nào cũng chỉ luôn mồm cái tiếng “chiến tranh chớp nhoáng” ấy. Đối với
chúng, chiến tranh chớp nhoáng là thắng lợi. Một cuộc chiến tranh kéo dài là
thất bại nắm chắc.
Bô-ga-rép nhìn các
sĩ quan và nói:
- Các đồng chí,
đồng chí chiến sĩ mà tôi phái đi vượt qua mặt trận để bắt liên lạc với bộ tham
mưu tập đoàn quân đã trở về hôm nay. Tôi nghĩ rằng ngày mai, chúng ta cần phải
xuất kích.
Anh ở lại một mình
với Ru-mi-an-xép. Nằm bên nhau trên bãi cỏ, họ xem bản đồ. Công tác trinh sát
tiến hành ngày đêm đã cung cấp cho họ dồi dào tin tức.
Ru-mi-an-xép vạch
ra rất chính xác điểm yếu nhất trong phòng tuyến Đức.
- Nếu chủng ta đi
lối rừng thì thuận lợi cho việc tập trung bộ đội. Ta cứ theo đường rừng ra tận
bờ sông. Như vậy, tôi cho rằng nếu ta đi đêm, nắm chắc sẽ có thể sang được tới
bờ sông bên kia. Đơn vị sẽ bí mật qua được sông.
- Sao, thế nào? -
Bô-ga-rép nói. - Đồng chí Ru-mi-an-xép, đồng chí là một sĩ quan xô-viết xuất
sắc, một cán bộ pháo binh thông minh và có trình độ, tại sao đồng chí lại có
thể phạm một sai lầm ngớ ngẩn như vậy?
- Ngớ ngẩn? - Ru-mi-an-xép
sửng sốt nói. - Tôi đảm bảo với đồng chí là qua sông ban đêm thì sẽ giữ được bí
mật. Ở quãng này, binh lực của địch thưa thớt. Tôi đã đích thân đi điều tra.
- Đấy, đấy, chính
đấy là chỗ sai lầm ngớ ngẩn của đồng chí.
- Sao lại thế,
đồng chí chính ủy?
- Còn sao nữa? Đây
là một đơn vị chính quy bố trí ở sau lưng quân địch, thế mà đồng chí lại xui
người ta lợi dụng đêm tối chuồn đi, không bắn một phát súng! Bỏ lỡ một cơ hội
tốt như thế này! Không, không bao giờ. Chúng ta không cần tìm hiểu đâu là chỗ
trống trong phòng tuyến quân Đức. Ngược lại, phải chớp được điểm nào tập trung
nhiều phương tiện khí tài nhất để quật cho nó một đòn tập hậu. Chúng ta sẽ đè
bẹp kẻ địch và sẽ rút ra một cách chiến thắng, gây cho chúng những tổn thất
chua cay. Không thể khác được!
Ru-mi-an-xép nhìn
Bô-ga-rép một rất lâu. Anh nói:
- Xin lỗi đồng
chí. Đúng, chúng ta có thể giáng một đòn chứ không phải chỉ chuồn một cách êm
thấm.
- Ồ, không sao,
không sao. - Bô-ga-rép tư lự nói. - Trong chiến tranh, bản năng tự vệ thường
hay chơi xỏ người ta. Không bao giờ được quên rằng chúng ta có mặt ở đây là để
tiến hành một cuộc đấu tranh một mất một còn, đào chiến hào là để nấp bắn chứ
không phải để rúc chết ở đấy, ẩn nấp trong hố là để bảo vệ mình cho một cuộc
tấn công quyết liệt sẽ tiến hành một giờ sau. Thế mà có lúc người ta lại tưởng
rằng hầm hố làm ra cốt để chui rúc vào đó, không có mục đích nào khác... Triết
lý đó có thể nói một cách thật đơn giản: chúng ta ở sau lưng quân địch là để
tấn công bất thần, chứ không phải để lẩn trốn trong rừng. Có đúng thế không?
- Đúng thế, rất
đúng.
Trung úy
Cơ-lê-nốp-kin tiến đến.
- Xin lỗi đồng chí
chính ủy, - Anh nói và theo thói quen, nhìn vào đồng hồ. - chúng ta có khách.
- Ai vậy? -
Bô-ga-rép hỏi và đưa mắt nhìn người cán bộ quân sự đứng bên Cơ-lê-nốp-kin.
Rồi anh reo lên:
- Ồ, đồng chí
Cô-xlốp, người đại đội trưởng trinh sát cừ khôi của chúng ta đây mà!
- Theo lệnh của
thiếu tá Méc-xa-lốp, trung đoàn trưởng trung đoàn 3, thượng úy Cô-xlốp đến nhận
công tác dưới quyền đồng chí. - Người kia lớn tiếng báo cáo, dằn từng tiếng một
cách quá đáng.
Đôi mắt nâu linh
lợi của anh ta tươi cười như khi họ gặp nhau lần đầu tiên.
- Nói “tôi đến” là
không đúng chữ. “Tôi bò sấp” thì đúng hơn. - Cô-xlốp nói nhỏ với Ru-mi-an-xép.
Ngồi bên
Bô-ga-rép, anh trình bày cặn kẽ kế hoạch phối hợp tấn công do Méc-xa-lốp thảo
ra. Anh giải thích bản kế hoạch tinh vi ấy từng điểm một. Thời gian tập kết và
phát hỏa, hệ thống pháo hiệu hiệp đồng tác chiến, tất cả đã được dự tính, cho
tới từng chi tiết nhỏ. Anh chỉ rõ địa bàn hoạt động của xe tăng ta, và những
điểm mà hỏa lực pháo binh, súng cối ta sẽ bắn vào. Anh cho biết đường cái sẽ bị
cắt đứt ra sao, quân Đức sẽ cố đưa đội dự bị lên theo đường nào, và pháo binh
sư đoàn sẽ bắn phá con đường địch có thế rút như thế nào. Anh trao cho
Bô-ga-rép một chiếc đồng hồ vàng và nói:
- Đồng chí
Méc-xa-lốp bảo tôi trao cho đồng chí chiếc đồng hồ của đồng chí ấy; đồng chí ấy
đã có một cái khác mạ kền. Cả hai đồng hồ đã điều chỉnh khớp từng giây.
Bô-ga-rép cầm
chiếc đồng hồ quả quýt, lật đi lật lại trong tay, rồi đem so với đồng hồ đeo
tay của mình: chiếc đồng hồ quả quýt chậm hơn bốn phút.
- Tốt! - Anh nói,
Anh cười và nghĩ
bụng: “Mình đã thốt ra với Méc-xa-lốp một lô những lời lẽ không lấy gì làm êm
ái lắm, như vậy cũng có lẽ không nên, Anh ta quả là một sự bí ẩn lớn”.
- Đồng chí sẽ chỉ
huy tiểu đoàn ta, - Anh nói với Cô-xlốp. - Còn đồng chí, đồng chí Ru-mi-an-xép,
đồng chí phải xuất phát khi chập tối. Pháo nặng đi trong rừng gay đấy.
- Không có trở
ngại gì dọc đường cả; chúng tôi đã cho sửa đường bằng cách lót cành. -
Ru-mi-an-xép trả lời. Với anh ta, mọi việc bao giờ cũng được chuẩn bị sẵn sàng
từ trước.
- Tốt lắm! -
Bô-ga-rép nói. - Chỉ còn một điều không ổn: chẳng có gì hút cả. Có thuốc lá
không, đồng chí Cô-xlốp?
- Thưa đồng chí
chính ủy, tôi không hút. - Cô-xlốp lúng túng trả lời. - Chắc đồng chí giận tôi
đến chết được nếu đồng chí biết là Méc-xa-lốp đã giục mãi tôi mang hai gói
thuốc cho đồng chí. Tôi đã từ chối, bảo rằng: “Các đồng chí ấy có rồi, có rồi”.
- Trời, lại thế
nữa! - Ru-mi-an-xép chán ngán nói. - Có
biết đâu ở đây chủng tôi cứ phải hút lá cỏ dại hoài.
- Phải, đồng chí
tử tế với chúng tôi quá! - Bô-ga-rép nói. - Thế Méc-xa-lốp đưa cho đồng chí
thuốc gì ?
- Một bao xanh vẽ
hình núi trắng và một người kỵ sĩ. Thuốc “Ca-dơ-bếch” thì phải.
- Tất nhiên là
thuốc “Ca-dơ-bếch” rồi. - Bô-ga-rép nói. - Thuốc ấy xóc lắm nhỉ, đồng chí
Ru-mi-an-xép?
- Đúng là đen thật.
- Ru-mi-an-xép cười, nói. - Cậu có lẽ là người sĩ quan trinh sát độc nhất trong
quân đoàn không biết hút thuốc. Số phận rủi ro nào lại gắn bó cậu với chúng tôi
thế không biết?
- Thôi, các đồng
chí, chia tay thôi! - Bô-ga-rép nói. - Còn khối việc phải làm.
Đi được mấy bước,
Cô-xlốp hỏi nhỏ:
- Mi-san-xki dạo
này cậu ấy ra sao rồi?
Ru-mi-an-xép kể
cho anh biết tình hình.
- Cũng kỳ! -
Cô-xlốp mơ màng nói. - Tôi biết Mi-san-xki đã lâu, từ hồi còn hòa bình. Hồi đó,
cậu ấy làm công nhân. Người ta không ưa cậu ấy vì cứ làm ra bộ lạc quan. Cậu ta
chỉ hô khẩu hiệu xuông. Với mọi kẻ thù, hắn cho là cứ nuốt chửng. Rồi đến khi
gặp thử thách, hắn đã dao động.
- Điều đó cũng dễ
hiểu, - Ru-mi-an-xép nói. - đó là thứ lạc quan tếu. Đồng chí chính ủy của chúng
ta bảo: hắn đã chuyển sang mặt đối lập của hắn.
- Còn chính ủy thì
sao? - Cô-xlốp hỏi.
- Ồ, chính ủy, tay
cừ đấy! - Ru-mi-an-xép thở dài nói. - Còn Xê-ri-ô-gia Nép-tu-lốp của mình thì
không còn nữa! Hy sinh rồi!
- Mình biết.
Nép-tu-lốp, cậu ấy tốt đấy. “Rụng” rồi, khổ thân thằng cha.
Một lát sau, các
chiến sĩ được thông báo sẽ hành quân đêm. Mọi người tiến hành chuẩn bị. Cũng
như mọi lần trước khi bắt tay vào một công việc gay go, các bộ mặt đăm chiêu sa
sầm xuống. Trong bóng tranh tối tranh sáng của cây cối và chiều tà, những bộ
mặt ấy càng thêm lầm lỳ, khắc khổ và kiên cường.
Đối với mọi người,
cánh rừng này giống như một khu nhà đã ở lâu; họ đã quen với mọi vật xung
quanh: quen với những thân cây mà họ đã từng ngồi dưới gốc trò chuyện dông dài,
quen với những cái hốc đầy rêu nằm ngủ ở đấy rất khoái; quen với tiếng cành khô
gẫy răng rắc và tiếng lá sào sạc; quen với tiếng hô của những người lính gác
đặt vọng tiêu đằng sau những cây hạt dẻ; quen với những cây phúc bồn, cây nấm,
với tiếng mõ của chim gõ kiến và với tiếng hót của chim cưu. Đến sáng, có thể
các chiến sĩ sẽ rời khỏi khu rừng này, Khi mặt trời mọc, nhiều người trong bọn
họ có thể sẽ tìm thấy cái chết trên cánh đồng.
- Này, cầm lấy hộp
thuốc lá của tớ mai mà hút. Nếu tớ bị hy sinh thì cậu giữ lấy mà dùng. Để mất
thì thật hoài, cái hộp đẹp quá. - Một người nói với người đồng hương của mình.
- Cái hộp của tớ bằng cao-su, có thể đựng được một gói rưỡi thuốc, lại không sợ
nước, sợ ẩm.
- Thì tớ cũng có
thể bị chúng nó bắn chết chứ. - Anh kia tự ái trả lời.
- Ừ, nhưng cậu là
tải thương, còn tớ, tớ là một trong những người giáp trận đầu tiên. Tớ có nhiều
khả năng bị “củ” hơn.
- Thế thì đưa nó
đây.
- Nhưng nếu tớ
thoát, cậu trả lại tớ chứ? Tớ sẽ đưa cho cậu có người làm chứng.
Những người đứng
gần đấy phá ra cười.
- Làm một hơi cũng
khoái đấy chứ, nhỉ ? - Nhiều giọng đồng thanh nói.
Bô-ga-rép dạo
quanh một lượt. Anh dừng lại, lắng tai nghe anh em chuyện trò, rồi lại đi, lại
nghe.
Và anh ngạc nhiên
trước sức mạnh, trước ý chí bình thản và kiên nghị của quần chúng quyết tâm
đương đầu với cái chết.
Ánh chiều tà chiếu
xuyên qua rừng rậm rọi sáng trong chốc lát những bộ mặt rám nắng, những nòng
súng đen sì, những cuộn băng của anh em thương binh; nó phản chiếu trên vỏ
những viên đạn đồng mà một người thượng sĩ đương phân phát. Bỗng nhiên, một bài
ca cất lên, như vang ra từ trong ánh hoàng hôn. Đó là I-nha-chi-ép vừa lên
tiếng hát. Một giọng hát thứ hai hòa vào, rồi một giọng thứ ba, thứ tư. Cây cối
che khuất những người đang hát, cơ hồ như chính rừng cây đương hòa vang bài ca
trầm buồn ấy.
Chiến sĩ
Rô-đim-xép tiến đến gần Bô-ga-rép:
- Thưa đồng chí
chính ủy, anh em cử tôi đến gặp đồng chí. - Anh vừa nói vừa đưa ra một túi đựng
thuốc lá bằng vải đỏ thêu mũi chữ thập bằng chỉ xanh.
- Cái gì thế này?
- Bô-ga-rép hỏi.
- Ở đây mọi người
chúng ta đều khổ vì thiếu thuốc cả, - Rô-đim-xép trả lời. - cho nên anh em đã
quyết định tập trung một ít thuốc lá biếu đồng chí chính ủy.
- Chết, sao lại
thế? - Bô-ga-rép nói, giọng run run. -
Đây là tý thuốc cuối cùng của anh em mà lại làm thế. Tôi không lấy đâu,
tôi là dân nghiện, tôi hiểu tý thuốc cuối cùng là như thế nào.
Rô-đim-xép nói rất
nhỏ:
- Thưa đồng chí chính
ủy, anh em thành tâm biếu đồng chí. Đồng chí từ chối anh em sẽ phiền lòng.
Bô-ga-rép nhìn
gương mặt nghiêm nghị và trang trọng, của Rô-đim-xép rồi không nói không rằng,
cầm lấy túi thuốc.
- Chúng tôi vét
mãi chỉ còn được có nửa cốc. Bọn Đức đã thả một quả bom cháy vào đúng chiếc xe
chở thuốc lá, như người ta nói là vào đúng chỗ hiểm. Chà! Chúng nó nhằm khéo
gớm. Anh em bàn với nhau: “Đồng chí chính ủy của chúng ta đêm nào cũng ngồi
thức xem bản đồ. Phải có thuốc cho đồng chí ấy hút mới được chứ nhỉ”.
Bô-ga-rép muốn nói
mấy lời cảm ơn nhưng tự nhiên anh cảm thấy cổ họng thắt lại vì cảm động. Lần
đầu tiên từ khi nổ ra chiến tranh, nước mắt anh rưng rưng.
Bài hát buồn và
chậm vút lên, mỗi lúc một chói lọi như được ánh hồng của buổi chiều tà khơi
rực.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét