Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

Nhân Dân Bất Diệt - Chương 7

Nhân Dân Bất Diệt

Tác giả: Vasily Grossman
Người dịch: Trần Mai Chính
NXB Quân Đội Nhân Dân - Năm 1963

Ban Đêm

Tiểu đoàn của Ba-bát-gia-nhi-an đóng quân ở giữa rừng.
Các chiến sĩ ngồi hoặc nằm dưới gốc cây, trong những lán nhỏ làm bằng cành cây có những chiếc lá xù xì lao xao trước gió.
Bô-ga-rép và Ba-bát-gia-nhi-an đi theo một lối mòn trắng lờ mờ.
- Đứng lại, giơ tay lên! - Lính gác hô.
Và bằng một giọng gấp rút:
- Một người tiến lại đâỵ, còn những người khác đứng im tại chỗ.
- Những người khác, cũng chỉ là một người thôi. - Babadzhanyan vừa nói vừa cười.
Lên đến ngang tầm người chiến sĩ cảnh vệ, anh thì thào với đồng chí đó mật khẩu ra vào.
Đoạn hai người lại tiếp tục đi. Họ dừng lại trước một cái lán, lắng tai nghe các chiến sĩ đang thì thầm nói chuyện:
- Cậu nghĩ gì thử nói mình nghe. Sau chiến tranh, liệu chúng ta có để cho nước Đức y nguyên như bây giờ không, hay là chúng ta sẽ làm một cái gì? - Một giọng bình tĩnh và trầm ngâm hỏi.
- Biết thế nào mà nói! - Tiếng người kia đáp. - Sau này sẽ rõ.
- Giữa một cuộc hành quân rút lui lớn, câu chuyện thế mới thú chứ! - Bô-ga-rép vui vẻ nói.
Babadzhanyan nhìn mặt đồng hồ đeo tay có ánh dạ quang của anh.
Ignatiev, Rodimtsev và Sedov không sao ngủ cho đã mắt được sau một đêm thức trắng trong cái thành phố bốc cháy. Đồng chí thượng sĩ, sau khi đánh thức họ dậy, cử họ đi lấy cơm chiều. Cái bếp lưu động hắt một ánh trắng nhợt vào bóng tối của khu rừng. Xung quanh, các chiến sĩ chen chúc nhau làm cho những chiếc gà-mèn va vào nhau lách cách. Họ đã biết trước sắp sửa có một trận tấn công đêm.
Ba chiến sĩ vừa khẽ khua thìa vừa múc “xúp” và nói chuyện thong thả. Rô-đim-xép, đã tham gia ba trận tấn công, ung dung nói với các bạn:
- Lần đầu tiên, dĩ nhiên là không vui thú gì. Người ta không hiểu và, mẹ kiếp, người ta sợ. Làm sao mà biết được nó từ đâu rót dầu xuống đầu mình. Bí mật! Tớ bảo cái này cho mà biết. Những người không có kinh nghiệm chiến đấu hay sợ súng tự động lắm vì nó bắn cầu âu mà. Đến khẩu đại liên cũng không bắn trực tiếp. Người ta chúi vào một cái hốc, hay đằng sau một mô đất nhỏ đoạn người ta thử chọn một gờ đất làm mục tiêu để nhảy một cái tới đó. Còn như súng cối, cái ấy quân “bô-sơ” có vẻ thạo lắm. Trời đất! những khẩu súng đến là mất dậy! Chỉ mới nghĩ đến nó, mình đã sởn gai ốc. Với những khẩu cối ấy, chỉ có mỗi một cách: tiến lên phía trước. Nằm dí xuống hay chạy trốn là có thể đi đứt tại chỗ.
I-nha-chi-ép nói:
- Tớ thương cái cô Vê-ra ấy quá! Tớ nhìn thấy cô ta như còn sống. Quả thật, cái chết của cô ta làm tớ rất đau lòng.
- Phụ nữ đẹp ấy à, tớ chẳng hoài hơi nghĩ tới họ bây giờ. - Rô-đim-xép nói. - Tớ đã mất cái thú ấy trong chiến đấu rồi. Chỉ có bọn trẻ con là tớ rất muốn gặp lại chúng, muốn được ở với chúng ít ra là một ngày. Còn chuyện phụ nữ, chà, tớ không phải là một thằng cai Đức.
- Ê, thôi đi! - I-nha-chi-ép cãi lại. - Cậu chẳng hiểu cóc gì về chuyện ấy cả. Tớ thương cô ta, có thế thôi. Cô ta đẹp là thế, dịu dàng là thế. Tại sao người ta lại giết cô ta?
- Cậu thương cô ta, phải không? - Rô-đim-xép vặn. - Thế mà trên ô-tô, cậu gảy “ghi-ta” suốt ngày?
- Cái đó không hề gì. - Anh chàng Xê-đốp người Mạc-tư-khoa nói. - Bản tính I-nha-chi-ép như thế.
Và đăm đăm nhìn bầu trời sao qua đám lá non sẫm màu, anh nói rõ một cách đĩnh đạc:
- Súc vật và cây cỏ chiến đấu vì sự tồn tại của chúng; còn bọn Đức, chúng chiến đấu vì sự thống trị của chúng.
- Đúng, Xê-đốp ạ, - Rô-đim-xép nói, anh ưa những tiếng không hiểu được hoặc khó hiểu. - rất đúng. Ở nhà, tớ sợ từ tiếng kẽo kẹt của cái cánh cổng lớn, sợ ngủ trong rừng; thế mà ở đây, tớ chẳng sợ gì hết. Làm sao lại như thế? Quen đi cả thôi! Hay có lẽ trái tim tớ đã rắn lại, nó không còn là trái tim trước kia nữa? Tớ biết có những người luôn luôn sợ hãi. Tớ ấy à, người ta có làm trời làm biển gì tớ cũng cứ trơ ra, có thế thôi. Thế mà trước kia tớ là một thằng rất thuần, chỉ ru rú trong nhà; có hề bao giờ nghĩ đến cuộc chiến tranh này đâu. Suốt đời chưa đánh nhau, kể cả thuở còn bé... Dăm ba bữa, nửa tháng, có lúc quá chén thì cũng không ưa đánh đấm, trái lại, tớ khóc vì tớ thương hại cho tất cả mọi người.
- Đó là do cậu nhìn đã quen mắt. - Sedov nói. - Chỉ cần hỏi những người tản cư, chỉ cần nom thấy một đám cháy như đám cháy ngày hôm qua là đủ bất chấp cả quỷ dữ nữa.
- Chưa chắc đâu. - Rodimtsev nói. - Dẫu sao cũng còn những người bị cái sợ hành hạ. Còn chúng ta, chúng ta theo khẩu hiệu của đồng chí tiểu đoàn trưởng của chúng ta: “Ở chỗ nào giữ vững chỗ ấy, không lùi, dù thấy tình hình đã bất lợi”.
- Đúng, thủ trưởng của chúng ta vững lắm! - Sedov nói. - Chà! đúng thế, đã bao lần tình thế rất gay go.
- Đồng chí ấy anh dũng, rõ ràng quá đi rồi. Và nữa, đồng chí ấy không đưa chúng ta đi chiến đấu một cách liều mạng mà biết tiết kiệm máu chiến sĩ. Nhưng điều chủ yếu là đồng chí ấy đã cùng chia ngọt sẻ bùi với chúng ta. Mình nhớ có một lần đồng chí ấy ốm lắm mà vẫn dầm mình đến ngực trong một vũng bùn suốt một ngày trời. Sau đó thì bị ho ra máu. Dạo đó chưa có các cậu, cái ngày mà các chiến xa tiến về phía Nô-vô-gơ-rát vô-lin-xcơ. Mình đi vào rừng phơi cho khô người. Đồng chí ấy nằm, người mệt lả. Mình lại gần và bảo: “Đổng chí đại úy, đồng chí ăn một miếng nhá? Tôi có xúc-xích và bánh đây”. Đồng chí ấy vẫn nhắm mắt mà nhận ngay ra giọng tớ. “Không! - Đồng chí ấy nói - Đồng chí Rodimtsev, cảm ơn, tôi không đói. Tôi chỉ muốn nhận được một lá thư của nhà tôi và các cháu; tôi mất liên lạc từ hồi đầu chiến tranh”. Đồng chí ấy nói bằng một giọng mà thật quả... Tớ rời đồng chí ấy và nghĩ bụng: “Quả là một con người thú vị...”.
Ignatyev đứng thẳng người lên; anh vươn vai làm xương kêu răng rắc.
- Trông nó kìa, thật khỏe như vâm. - Rô-đim-xép nói.
- Gì vậy? - I-nha-chi-ép hỏi với một giọng vừa tức vừa vui. Rồi anh lại tự trả lời:
- Chẳng có gì cả, Đó là vì “chén” tốt! Lại làm ăn ở nông thôn nữa, nên khỏe lắm.
- Ố, đúng. - Một giọng tinh quái nói. - Ngoài mặt trận, người ta không lao động nặng, nhưng một mảnh sắt nặng một ki-lô rưỡi thử văng vào phủ tạng xem, người ta hiểu nhạy lắm, ở đâu nặng nhọc hơn, ở nhà hay ở đây?
- Kìa con họa mi nó cất tiếng hót.
Và, nói với người ẩn trong bóng tối, Ignatyev hỏi:
- Cậu không lấy gì làm thích lắm khi thấy quân Đức tập bắn chứ?
- Thôi, thôi. - Người kia đáp, có vẻ bực. - Cậu, cậu thích cái đó là đủ rồi.
Sau đó giây lát, tiểu đoàn bắt đầu xuất phát. Anh em lặng lẽ bước. Chỉ nghe tiếng nói thì thầm của các thủ trưởng; đó đây, có người vấp phải một cái rễ cây bò ngang qua đường, buông một câu chửi rủa. Họ đi theo một con đường hẹp trong cánh rừng sến. Cây cối lặng tờ, cành lá không lung lay, cánh rừng vươn cao, đen sì, bất động. Đoàn quân đổ vào một khoảng rừng thưa rộng. Đột nhiên bầu trời hiện ra trên đầu họ với màu xanh thẫm, và một mối lo âu làm tim người ta se lại khi một vì sao sáng đổi ngôi rơi chói lòa trong các vực thẳm. Sau đó một lát, rừng cây lại khép lại xung quanh họ và mắt chỉ nhìn thấy một mảng nhão nhợt những ngôi sao trộn vào nhau qua những cành to của các cây sến. Con đường cát trắng mờ mờ trong bóng tối. Từ khu rừng, họ đổ ra một cánh đồng mênh mông. Họ đi xuyên qua những thửa ruộng không gặt và trong bóng tối, qua tiếng thóc rụng, qua tiếng rơm bị giẫm nát, qua tiếng loạt soạt của những thân cây lúa quặt vào áo họ, họ nhận ra đâu là lúa tiểu mạch, lõa mạch, đâu là mạch đen, kiều mạch. Cái tiếng ủng nặng nề bước trên cơ thề mềm ngọt của mùa màng, tiếng lào rào như một cơn mưa thương nhớ do những hạt lúa mà họ chạm phải, trong đêm tối, rơi xuống đất gây nên, những cái đó nói với trái tim người nông dân về chiến tranh, về cuộc ngoại xâm đẫm máu một cách mạnh mẽ và rõ rệt hơn nhiều so với những đám cháy sáng rực ở chân trời, so với những vạch đỏ của các viên đạn từ từ bay lên các vì sao, so với những luồng ánh sáng xanh lơ của các đèn pha chuyển động trên bầu trời, so với những tiếng gầm thét ầm ĩ của những quả bom đang nổ. Chiến tranh không tiền khoáng hậu: quân thù giày xéo dưới chân tất cả cuộc sống một dân tộc; nó quật đổ những cây thập tự trong các bãi tha ma chôn những người thân yêu; nó đốt sách thiếu nhi, nó giẫm nát những vườn quả, nơi những ông già đã trồng những cây táo, những cây anh đào; nó kề chân lên cổ họng những bà già kể cho các cháu nhỏ nghe chuyện con gà sống có mào đỏ; nó treo cổ những người thợ đóng thùng, những thợ rèn, những ông lão gác cổng. Xứ U-cơ-ren, xứ Bi-ê-lô-rút-xi và nước Nga chưa bao giờ nhìn thấy những cảnh tàn phá như vậy; chưa bao giờ đất nước xô-viết chứng kiến những điều kinh khủng như trong cuộc chiến tranh này.
Người ta bước đi trong đêm tối, chân giẫm lên tiểu mạch và kiều mạch của xứ sở quê hương. Họ đi tới một nông trường quốc doanh, nơi những chiếc xe tăng đen sơn hình rồng có đuôi đang đỗ giữa những túp lều nát trắng.
Và I-van Rô-đim-xép, tốt là thế, tính tình hiền là thế, cũng phải nói:
- A, cái quân “bô-sơ” không đáng được người ta thương hại.
Từ lâu lắm trước khi viên đạn ô-buy đầu tiên nổ cạnh cái hăng-ga trong đó có lính bộ binh và lính xe tăng Đức ẩn nấp, một chiến sĩ Hồng quân mà chẳng ai biết, đã vượt qua dây thép gai, đi xuyên giữa những căn nhà vào đến những thửa vườn mà không bị lộ, nhảy băng qua hàng rào ở cái quảng trường lớn rồi trườn mình bò tới những đụn cỏ khô mà quân Đức đã chất đống ở đó từ hôm trước. Lính gác gọi lại, người đó vẫn tiếp tục bò. Tên cảnh vệ sửng sốt trước sự can trường của con người đó, đứng phân vân do dự. Khi nó bắn một tràng đạn thì người chiền sĩ chỉ còn cách đụn cỏ khô vài ba thước. Anh vừa quăng xong một chai cháy thì gục xuống chết ngay. Những xe tăng Đức, ô-tô, thiết giáp của chúng và những chiến xa nhỏ đỗ trên quảng trường bị ngọn lửa vàng rực đỏ của cỏ khô bốc cháy chiếu sáng. Lập tức lựu pháo phát hỏa ở cự ly sáu trăm thước. Anh em pháo thủ trông thấy những tên lính Đức vừa chạy vừa rút ra khỏi cái hăng-ga dài.
- Trời ơi! Bộ binh đến chậm, tiếc quá đi mất, - Ru-rni-an-xép nói có vẻ tức giận với đồng chí chính ủy đơn vị pháo binh Nép-tu-lốp.
Liền sau đó một phát pháo lệnh đỏ báo hiệu tấn công. Pháo binh ngừng bắn. Những con người đương nằm rạp vội chồm dậy và qua khu rừng tối đen, qua những thửa ruộng không người gặt, vang lên một tiếng “hua-ra” dài, dịu đi và đứt quãng. Các đại đội của Babadzhanyan đã bắt đầu tấn công. Súng máy nổ liên hồi, súng trường phụt đạn ra từng viên một. Babadzhanyan cầm lấy ống nghe từ tay đồng chí điện thoại viên. Anh nghe thấy giọng đồng chí chỉ huy đại đội I:
- Tôi đang ở đầu làng, địch rút chạy.
Babadzhanyan lại gần Bô-ga-rép; chính ủy nhìn thấy nước mắt long lanh trong đôi mắt đen của người tiểu đoàn trưởng.
- Địch rút chạy, địch rút chạy, đồng chí chính ủy, -  anh vừa nói vừa hít một hơi dài. - Đáng lẽ có thể quây chặt chúng, quân khốn kiếp! - Anh nói lớn: - Méc-xa-lốp bố trí tiểu đoàn của Cốt-sê-cốp không đúng chỗ. Đáng lẽ phải tấn công vào sườn chứ không phải sau lưng.
Từ trạm quan sát, họ nhìn thấy quân Đức bỏ trốn ở rìa làng, về phía quảng trường. Nhiều tên trần như nhộng: chúng đeo vũ khí và những bọc quần áo. Cái hăng-ga dài mà địch đóng quân bốc cháy khắp nơi, những xe tăng trên quảng trường cũng vậy. Một lò lửa khổng lồ, đỏ rực, vươn cao như một cái tháp trên những chiếc xe chở xăng. Giữa đám lính, có thể nhìn thấy những tên sĩ quan cũng bỏ chạy đang lăm lăm súng lục, mồm la hét ầm ĩ.
 “Đấy, cuộc tấn công bất ngờ đấy!” - Bô-ga-rép nghĩ thầm trước sự nhốn nháo, ồn ào, lộn xộn của anh em binh sĩ giữa các ngôi nhà.
- Đại liên, tiến lên phía trước! Đại liên... - Méc-xa-lốp hô.
Và anh chạy về phía các đại đội làm đội dự bị. Anh tiến vào làng, đi đầu các chiến sĩ đại liên.
Quân Đức đã rút lui suốt dọc con đường cái lớn, theo hướng làng Mác-si-khi-na Bu-đa, cách nông trường chín cây số. Nhiều xe tăng và xe thiết giáp của chúng chạy thoát. Chúng còn mang theo được cả những tên bị thương và những xác chết.
Trời đã sáng rồi. Bô-ga-rép kiểm tra những xe cộ Đức bị thiêu hủy bốc lên một mùi sơn cháy và mùi dầu; anh sờ nắn vỏ sắt thép còn nóng hổi.
Binh sĩ Hồng quân tươi cười phấn khởi. Các sĩ quan vui đùa. Cả những anh em thương binh, môi nhợt nhạt, cũng kháo nhau về những diễn biến của trận đánh đêm.
Bô-ga-rép hiểu rõ rằng trận đánh úp vừa qua vào nông trường chỉ là một đoạn ngắn trong cuộc rút lui dài của chúng ta. Anh hình dung thấy những vùng đất đai mênh mông bị địch chiếm, thấy sự tổn thất nặng nề vì mất những thành phố quan trọng, những khu công nghiệp, thấy tấn bi kịch của hàng triệu con người rơi vào chính quyền của những tên phát-xít. Anh biết rằng, trong mấy tháng vừa qua ấy, chúng ta đã mất hàng vạn làng mạc và giờ đây mới chỉ thu hồi được mỗi một làng. Nhưng anh cảm thấy vui sướng vô cùng: có phải chính anh đã được chứng kiến tận mắt cuộc rút lui hỗn loạn của quân Đức và tai nghe thấy những tiếng la hét của bọn sĩ quan thất điên bát đảo? Anh lắng tai nghe những mẩu chuyện náo nhiệt của các chiến sĩ Hồng quân; anh bắt gặp những giọt lệ sung sướng trong cặp mắt của người thiếu tá, nguyên quán ở tận xứ Ác-mê-ni xa xôi, giữa lúc các chiến sĩ của anh chiếm lại từ trong tay quân Đức cái thôn xóm bé nhỏ trên biên giới U-cơ-ren và Bi-ê-lô-rút-xi. Đó là cái mầm nhỏ của một cây to “chiến thắng”.
Thực ra, anh là người độc nhất trong trung đoàn nắm được tình hình các đơn vị tham gia trận tấn công đêm. Lúc xuất phát, chính ủy mặt trận đã dặn dò anh:
- Phải giữ vững, dù thế nào cũng phải giữ vững.
Anh đã xem bản đồ ở Bộ tư lệnh mặt trận và anh hình dung thấy rõ nhiệm vụ của trung đoàn: giữ vững con đường cái gần nông trường và không để cho quân Đức tiến đến đường cái đằng sau hậu phương của bộ đội ta đang rút. Anh biết rằng thực hiện nhiệm vụ của trung đoàn không phải dễ.
Hồi bảy giờ sáng, quân Đức tung máy bay ném bom đến tập kích.
Đột nhiên, từ trong rừng chúng lao ra.
- Máy bay! - Anh em trinh sát hô lớn.
Các đội máy bay ném bom trong lúc bổ nhào xuống, tản ra khỏi đội hình, bay dài hàng một rồi quây tròn lại, cái bay đầu nối đuôi cái bay sau rốt, và chậm chạp, thăm dò mặt đất, chúng quay tròn như một cái guồng nước bên trên nông trường. Vòng liệng kinh khủng và đáng lo ngại ấy kéo dài một phút rưỡi. Những người ở dưới đất, như chơi trò ú tim, khom lưng chạy từ chỗ ẩn này sang chỗ nấp khác.
- Nằm xuống, không được chạy! - Các sĩ quan hét lớn.
Bất chợt, cái máy bay đi đầu bổ nhào, rồi một cái nữa, rồi một cái thứ ba, những quả bom gầm lên, ập xuống như những quả chùy gang. Không gian mù mịt khói đen, bụi và đất cát. Các chiến sĩ như dán mình xuống đất, lợi dụng từng địa hình nhỏ nhất: tưởng như là tiếng bom oàng oàng, tiếng đạn nổ rầm rầm và tiếng máy bay rú gào đã gắn chặt họ vào mặt đất.
Một chiến sĩ lom khom quỳ dậy và lia tiểu liên lên những chiếc máy bay đang bổ nhào. Đó là I-nha-chi-ép.
- Cậu làm gì thế! Khỉ ơi là khỉ, lộ tất cả bây giờ. Thôi ngay lập tức! - Mi-san-xki thét lên từ trong chỗ núp ở đoạn đường nẻ.
Nhưng người chiến sĩ, không nghe thấy, vẫn tiếp tục bắn.
- Tôi ra lệnh ngừng bắn! - Mi-san-xki hô.
Ngay sát nách anh, một khẩu tiểu liên lại nhả đạn.
- Ai đấy, con khỉ... - Anh quay lại nói tiếp.
Người bắn đó lại chính là chính ủy Bô-ga-rép.

- Trận ném bom của bọn Đức chẳng nước non gì. - Tham mưu trưởng nói. - Đồng chí coi đây: qua ba mươi lăm phút chúng trút xuống hàng năm chục quả bom. Kết quả chỉ có hai người bị thương nhẹ và một đại liên bị phá hủy.
Bô-ga-rép buông một tiếng thở dài khi anh được tin trận ném bom chẳng kết quả gì mấy.
 “Không, - anh nghĩ - không phải là chẳng kết quả gì mấy. Giờ người ta lại nói năng rất khẽ. Hết cái vui tươi lúc nãy rồi!”.
Giữa lúc đó, Cô-xlốp tới. Mặt anh gày tọp; người phủ một lớp sạm mốc như đồng hun mà những người vừa ra khỏi lò lửa của cuộc chiến đấu thường mang trên mặt. Có phải là bồ hóng của những đám cháy, khói ở những nơi đạn nổ, thứ bụi li ti bốc lên do không khí chuyển động và nó hòa vào mồ hôi chua chua trong trận chiến đấu? Nào ai biết?
Có điều chắc chắn là ra khỏi cuộc chiến đấu, mặt người ta hõm vào, sầm lại, mắt trở nên bình tĩnh và thâm trầm.
Anh báo cáo:
- Báo cáo đồng chí thiếu tá, Da-ít-xép đã đi trinh sát về. Chiến xa Đức hiện ở Mác-si-khi-na Bu-đa; đồng chí ấy đếm được một trăm cái. Đa số thuộc loại trung. Nhưng cũng có một số chiến xa loại nặng.
Méc-xa-lốp ngắm bộ mặt sa sầm của các sĩ quan:
- Các đồng chí thấy đấy, ta đã nắm được quân Đức trong tay rồi.
Và anh đi về phía quảng trường của nông trường.
Anh em đang đào hầm dọc theo đường cái, đào hố chống tăng.
Anh chàng Gia-vê-lép đẹp trai, tính hay châm chọc hỏi Rô-đim-xép rất khẽ:
- Có đúng là cậu đã vào đầu tiên trong kho quân Đức, trong ấy có một đống đồng hồ đeo tay không?
- Đúng, một đống của quý thừa đủ làm vừa lòng cháu chắt chúng ta sau này nữa. - Rô-đim-xép đáp.
- Cậu lấy một cái làm kỷ niệm chứ? - Gia-vê-lép vừa nói vừa nháy mắt.
- Cậu nói cái gì thế, hử? - Rô-đim-xép sợ hãi đáp lại. -  Lương tâm tớ không cho phép làm như thế, mó vào đồ đạc của chúng nó tớ thấy tởm. Vả chăng, để làm gì? Đó là một trận chiến đấu sống chết giữa chúng nó với tớ.
Anh nhìn xung quanh và nói:
- Thôi, hãy nhìn I-nha-chi-ép kia kìa; chúng ta bổ được một nhát cuốc, thì nó bổ được ba nhát. Cả hai đứa chúng ta mới làm được có một cái hầm, còn nó, một minh nó đào được những hai cái.
- Cũng chẳng vì thế mà nó không hát sau hai ngày mất ngủ. - Xê-đốp nói.
Tai giỏng lên, Rô-đim-xép giơ cao cái xẻng:
- Ừ, thật vậy, nó hát, - anh vui vẻ nói. - nghe mới thú chứ.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét