Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

Nhân Dân Bất Diệt - Chương 3

Nhân Dân Bất Diệt

Tác giả: Vasily Grossman
Người dịch: Trần Mai Chính
NXB Quân Đội Nhân Dân - Năm 1963

Thành Phố Trong Buổi Hoàng Hôn

Trước chiến tranh, Xê-mi-ôn I-nha-chi-ép, chiến sĩ thuộc đại đội bộ binh I, một gã trai vóc người chắc nịch, sống ở một nông trang tập thể vùng Tula. Một đêm anh ta đang ngủ trong nhà chứa rơm thì người ta đưa lệnh động viên tới. Cũng đúng giờ ấy, một tin điện thoại báo cho Bô-ga-rép biết ngày hôm sau anh phải có mặt ở Tổng cục Chính trị Hồng quân. I-nha-chi-ép thường ưa nhắc lại những kỷ niệm ấy với chúng bạn:
- Chà, thật là tiễn ra tiễn! Buổi tối, ba anh trai tớ làm việc ở nhà máy chế tạo súng máy đều cùng với vợ đến tiễn tớ, cả tay tổ trưởng thợ máy ở trạm máy kéo nữa. Chúng tớ đã uống một chầu rượu ra trò và hát.
Giờ đây nhớ lại, anh ta thấy cuộc tiễn đưa ấy đến là vui vẻ, linh đình, nhưng thật ra khi từ biệt nhau, phải nhìn mẹ anh khóc lóc và cha già của anh cố làm ra vẻ bình tĩnh thì đâu có phải là chuyện dễ chịu.
- Xê-mi-ôn, nhìn đây, - ông cụ nói. - đây là hai chiếc huân chương Thánh Ghê-oóc-ghi bằng bạc. Trước, tao còn hai chiếc khác bằng vàng nữa kia, tao đã đem cúng vào kỳ mua công trái “vì tự do” rồi. Mày hãy nhìn tao đi, nhìn bố mày đi; lão công binh già này đã từng giật đổ một chiếc cầu với cả một trung đoàn Đức ở trên ấy đấy.
Tuy ông cụ cố làm ra vẻ bình tĩnh nhưng trong thâm tâm ông, ông vẫn muốn khóc cùng với đám phụ nữ trong nhà. Trong năm người con trai, Xê-mi-ôn là đứa vui tính, dễ thương, được ông yêu nhất.
Xê-mi-ôn muốn lấy Ma-ru-xi-a Pê-xô-si-na, con gái ông chủ tịch nông trang tập thể. Cô ta theo học lớp kế toán ở thành phố Ô-đô-i-ép, tới ngày mồng Một tháng Bảy cô ta sẽ trở về nhà. Chị em bạn và nhất là mẹ cô đã nhiều lần bảo cô dè chừng. Họ thấy Xê-mi-ôn I-nha-chi-ép là một người đàn ông ít đứng đắn và quá vui. Gã mê hát, nhảy, thích rượu, thích chơi đùa. Người ta bảo gã không thể nào yêu chân thành và chung thủy được. Ma-ru-xi-a bèn trả lời:
- Mặc kệ, các bạn ạ; tôi đã yêu anh ta đến nỗi hễ cứ nom thấy anh là chân tay tôi đã bủn rủn rồi. Anh ta đã làm cho tôi mê như điếu đổ.
Chiến tranh vừa bùng nổ, Ma-ru-xi-a xin phép trên cho nghỉ hai ngày. Cô đi ba mươi cây số chỉ trong một đêm để về nhìn lại người chồng chưa cưới. Tảng sáng về tới nhà, cô được biết những người có lệnh động viên đã được chuyển tới ga xe lửa từ hôm trước. Thế là, không nghỉ gì hết, cô lại đi mười tám cây số tới nhà ga, nơi bộ đội tập hợp. Đến đây, cô được biết đoàn tàu đã chạy đi hướng nào không rõ. Một trung úy bảo cô: “Bí mật quân sự”. Cô bỗng thấy bủn rủn, chỉ còn đủ sức bước tới nhà một bà người quen làm việc ở phòng ghi nhận hành lý. Buổi chiều, bố Ma-ru-xi-a phải tới tìm cô để đưa cô về nhà.
Chẳng mấy chốc, I-nha-chi-ép đã được anh em trong đại đội chú ý. Mọi người đều biết anh chàng tráng kiện, vui tính, không biết mệt ấy. Đó là một tay lao động cừ, biết sử dụng thành thạo bất cứ một dụng cụ nào. Anh làm việc dễ dàng và mải mê đến nỗi chỉ nhìn anh cũng đã cảm thấy muốn nắm lấy chiếc rìu, chiếc cưa, chiếc xẻng để làm theo anh rồi. Giọng anh hát hay và anh biết nhiều bài hát cổ học được của mụ Bô-gát-si-kha. Mụ là một người rất ít giao du, cấm cửa không cho ai lạ vào nhà. Có hồi mụ hãm mình trong im lặng như vậy tới suốt một tháng. Đến nỗi đêm đến mụ mới dám ra giếng lấy nước để khỏi phải trả lời những tràng câu hỏi của những bà người làng. Bà con đều lấy làm lạ không hiểu vì sao chỉ riêng có mình I-nha-chi-ép là được mụ đối xử khác với mọi người, mụ kể chuyện cho anh nghe, dạy cho anh hát.
Một thời gian, I-nha-chi-ép đã từng làm việc với mấy người anh ở xí nghiệp Tu-la nổi tiếng, nhưng chỉ được ít lâu anh lại bỏ việc trở về nông thôn. “Tôi không thể không sống ở ngoài trời được. - Anh nói - Được bước trên đất của chúng ta đối với tôi là một nhu cầu, chẳng khác gì nhu cầu ăn bánh uống nước. Thế mà đất ở trên Tu-la lại bị lát đá kín mất cả”.
Anh thường đi dạo qua cánh đồng, xuyên rừng, dọc theo bờ sông. Anh đem theo một chiếc cần câu hoặc một khẩu súng săn cà khổ, nhưng chỉ là để cho có hình thức, cho mọi người khỏi chế. Thường thường anh đi nhanh. Đôi lúc anh dừng chân nghe chim hót, lắc lắc đầu, rồi thở dài, xong lại đi. Hoặc giả anh trèo lên một ngọn đồi cao sừng sững bên sông, phủ kín cây dẻ, rồi cất tiếng hát. Và mắt anh cứ long lanh như say rượu. Giá ở làng thì anh đã bị coi là một tay lập dị, và nếu anh không có sức khỏe và cái tài khéo léo nhất mực khiến chung quanh đều phải mến phục thì hẳn là mọi người sẽ chế nhạo anh, khi họ nhìn thấy anh cứ khoác cây súng trên vai mà đi chơi như vậy. Anh có thể lập mẹo trêu người khác để mua vui, có thể uống rượu thùng bất chi thình mà vẫn không say, có thể kể một sự tích thú vị hoặc một câu chuyện nhỏ pha chút ít ranh ma: anh chưa bao giờ tỏ ra bủn xỉn vể khoản thuốc mời người nào ngồi chuyện trò cùng anh. Vừa về đại đội, anh đã thu hút ngay được cảm tình của mọi người và Moóc-vi-nốp, tay thượng sĩ lầm lì ít nói, đã phải bảo anh, vừa ra vẻ mến phục vừa thoáng chút chê trách:
-  Ồ, mà quả là cậu có một tâm hồn rất là Nga, I-nha-chi-ép ạ.
Anh thân nhất với hai người đổng đội: Xê-đốp, thợ nguội ở Mát-xcơ-va, và Rô-đim-xép, xã viên nông trang tập thể vùng Ri-a-dan, thuộc thế hệ 1905, người mập, mặt rám nắng. Rô-đim-xép đã để vợ và bốn con ở nhà.
Thời gian gần đây, đơn vị của họ làm nhiệm vụ dự bị, đóng tại ngoại thành. Một số anh em bộ đội đã vào trú trong những căn nhà không người ở. Thành phố hiện có nhiều loại nhà ấy lắm. Trong số 14 vạn dân, hơn mười vạn đã tản cư vào sâu trong hậu phương. Người ta đã di chuyển nhà máy nông cụ, các xưởng sửa chữa toa tàu và một nhà máy diêm lớn. Một không khí ảm đạm bao trùm lên tất cả: những tòa nhà bỗng nhiên im ắng như tờ trong các xí nghiệp, những ống khói không còn nhả khói, những đường phố vắng ngắt trong khu công nhân, những quán hàng màu xanh da trời nơi vừa bán kem mới đây. Anh lính giữ trật tự giao thông, tay nắm bó cờ ngũ sắc, thường vào một trong những ngôi quán này để trú mưa. Qua cửa sổ các căn nhà bị bỏ trống, còn thấy những chậu trồng những nhánh hoa đã phai màu: hoa sung lá nặng chĩu, hoa tử dương và hoa giáp trúc đào đã vàng úa. Những chiếc cam-nhông quân sự ẩn dưới bóng cây quen thuộc viền lấy đường phố; những xe bọc sắt sơn xanh vàng nham nhở chạy qua các vườn trẻ vắng tanh còn điểm những đống cát vàng nhạt; tiếng còi xe nghe giống tiếng chim săn mồi the thé. Vùng ngoại thành đã bị thiệt hại nặng vì các trận bom. Người nào đến gần thành phố cũng đều thấy những bức tường của một nhà kho bị thiêu hủy, còn mang một hàng chữ lớn đen những khói: “dễ cháy”.
Các hiệu ăn, một nhà máy nước ngọt nhỏ, các hàng thợ cạo vẫn tiếp tục hoạt động trong thành phố. Sau cơn mưa, nước long lanh trên lá cây, nước óng ánh trong các vũng dưới đường, khí trời dìu dịu, trong trẻo. Ngươi ta có cảm tưởng, một cảm tưởng chỉ thoáng qua rồi lại mất, rằng không phải là đất nước đang gặp cơn tai họa khủng khiếp, không phải là kẻ địch đang chỉ còn cách nhà người ta ở có năm mươi cây số. Các cô gái và các chiến sĩ Hồng quân nhìn nhau; các ông già ngồi rên trên ghế ở các khoảnh vườn nhỏ; trẻ em thì chơi với cát phòng bom cháy.
Được ở cái thành phố xanh um và gần như bỏ trống này, I-nha-chi-ép rất thú. Anh đâu có cảm thấy nỗi buồn ủ rũ của những người dân còn ở lại. Anh không để ý thấy những đôi mắt ảo não, lo lắng hướng vào khuôn mặt của mỗi quân nhân đi ngang qua. Anh không nghe thấy các bà già khóc thút thít; anh không biết các ông cụ ban đêm bị mất ngủ. Đứng bên cửa sổ, các cụ dõi con mắt ướt át nhìn vào đêm tối. Môi các cụ nhợt nhạt lẩm nhẩm cầu nguyện. Các cụ lại bên các con gái của mình đang khóc và rú lên trong giấc ngủ thảng thốt, lại bên các đứa cháu đang quẫy cựa, kêu rên. Rồi các cụ lại quay ra cửa số, lo lắng muốn biết những chiếc cam-nhông của ta biến đi trong đêm về hướng nào.
10 giờ đêm, đơn vị được lệnh báo động. Các chiến sĩ lái xe mở máy kêu ì ì. Nhân dân kéo ra đứng ở các ngưỡng cửa, im lặng nhìn bộ đội chuẩn bị lên đường. Một bà cụ người Do-thái, nom giống một con bé gầy guộc, đầu và vai phủ một tấm khăn len dày, hỏi các chiến sĩ:
- Các đồng chí ơi, chúng tôi nên ở lại hay là cũng nên đi nốt?
- Mẹ muốn đi đâu kia mẹ? - Anh chàng Gia-vê-lép vui tính hỏi. - Với cái tuổi chín mươi của mẹ, mẹ chẳng cuốc bộ được bao xa đâu!
Bà cụ ngán ngẩm gật đầu. Cụ đứng gần một chiếc cam-nhông sáng lên trong một ánh đèn pha xanh. Cụ lấy một đầu tấm khăn san chùi cho cái chắn bùn của chiếc xe, nhè nhẹ như thể sờ vào bát đĩa thờ vậy. I-nha-chi-ép để ý thấy cử chỉ của bà cụ. Và đột nhiên lòng anh chứa chan thương hại. Như đoán được niềm trắc ẩn ấy, bà cụ òa khóc.
- Làm thế nào bây giờ, làm thế nào bây giờ? Các đồng chí đi đấy có phải không?
Tiếng súng nổ át tiếng kêu yếu ớt của cụ, và cụ khẽ nói tiếp, không ai nghe thấy cả:
- Chồng tôi bị bại liệt; ba con trai tôi ở bộ đội; hôm qua, lại đến đứa út đi gia nhập dân quân. Các con dâu tôi tản cư theo nhà máy. Tôi biết làm gì bây giờ, các đồng chí?
Trong sân, một trung úy gọi I-nha-chi-ép:
- I-nha-chi-ép, ba người sẽ ở lại tới sáng để đi theo chính ủy. Trong số đó có đồng chí.
- Báo. cáo trung úy, rõ. - I-nha-chi-ép vui vẻ trả lời.
Anh không mong gì hơn là được ở lại thành phố đêm nay. Chả là anh rất ưa cô gái tản cư Vê-ra. Nàng làm công vụ ở trụ sở ban biên tập tờ báo địa phương. Quá 11 giờ đêm, nàng từ nơi làm việc trở về nhà, những khi ấy I-nha-chi-ép thường đợi nàng ở trong sân. Anh thích ngồi trên một chiếc ghế, bên cô gái dong dỏng, có đôi mắt đen và tấm thân đầy đặn ấy, nghe nàng nói tiếng nói êm dịu miền U-cơ-ren. Nàng không ngớt thở dài mà kể cho anh nghe nàng đã sống ở Pơ-rốt-xcu-rốp trước chiến tranh như thế nào, nàng đã trốn bọn Đức ra đi giữa ban đêm như thế nào, chỉ mang theo có một chiếc áo dài và một túi nhỏ bánh bít-cốt. Nàng để cha mẹ già và em trai nhỏ ở lại nhà; khi nàng qua cầu sông Xô với một đoàn người tản cư, cầu đã bị ném bom dữ dội. Nàng chỉ nói chuyện chiến tranh, chuyện những người bị giết trên các nẻo đường, những trẻ em bị chết, những đám cháy ở các xóm làng. Một nỗi buồn vô hạn đọng trong đôi mắt đen của nàng. Khi I-nha-chi-ép ôm lấy người nàng, nàng gạt tay anh chàng ra mà nói:
- Sao lại làm thế? Ngày mai anh đi một ngả, em đi một ngả, anh sẽ không nghĩ tới em nữa, còn em rồi cũng sẽ quên anh thôi,
- Thế thì có sao? - Gã nói. - Rất có thể anh sẽ không quên em đâu.
- Có chứ, anh sẽ quên em. Chao ôi! Giá như anh biết em từ trước, anh sẽ được nghe em hát biết bao nhiêu là bài hát hay. Giờ thì bụng dạ em lại để cả vào chuyện khác mất rồi.
Và nàng tiếp tục gạt tay I-nha-chi~ép. Tuy nhiên, anh chàng vẫn thích ngồi gần nàng, anh hy vọng cuối cùng nàng sẽ đổi ý và sẽ không khước từ mối tình của anh. Hồi này, anh chỉ còn thỉnh thoảng mới nghĩ tới Ma-ru-xi-a Pê-xô-si-na, và anh thấy hình như một khi anh đã đi chiến đấu mà lại đâm mê một cô gái đẹp nào đó thì cũng chẳng phải là tội to gì lắm. Khi Vê-ra cất tiếng nói, anh chỉ nghe lơ đãng, anh bị hút vào đôi mày đen màu huyền và đôi mắt xinh của cô gái, anh hít lấy mùi hương của thân nàng.
Cam-nhông chuyển bánh từng chiếc một, hướng về đường đi Séc-ni-gốp. Chúng chạy thành một hàng dài trước chiếc ghế I-nha-chi-ép đang ngồi, và bốn bề đột nhiên tích mịch, Đêm tối đen, không một vật động đậy. Chỉ có những chòm râu trắng của các ông già và những mái tóc bạc của các bà lão in thành những vệt sáng trên các khung cửa sổ.
Trời sao toát lên một vẻ bình yên bất tận. Chốc lát, lại một vì sao đổi ngôi lóe sáng, và những con người của chiến trận có cảm giác nó đã bị một máy bay chiến đấu nào bắn rơi.
Cuối cùng, Vê-ra đã đến. I-nha-chi-ép cố khuyên nàng ngồi xuống ghế, cạnh minh.
- Em mệt lắm. - Nàng nói.
- Thì em cứ ngồi lại một chút đã nào. - Anh chàng van. -  Mai anh đi.
Nàng ngồi. Qua bóng đêm, anh ngắm kỹ khuôn mặt nàng. Nàng đẹp và đáng thèm ước đến nỗi anh không thể nào không cất lên một tiếng than thở. Nàng đẹp, sự thật quả là như thế.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét