Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Phi Vụ Cuối - Chương 16

Phi Vụ Cuối
(Nguyên tác: Hit and Run)

Tác giả: Lawrence Block
Người dịch: Hồng Thanh
Nhà Xuất Bản Văn Học - 2011

Chương 16

Tờ báo mà Keller đọc mỗi buổi sáng được chia thành bốn phần nhưng ấn bản của tờ Thời báo phát hành ngoài vùng trung tâm New York này thì lại chỉ có hai phần. Có một bài báo về một vụ ám sát ở trang đầu và kèm theo đó là một số phân tích những hậu quả về mặt chính trị ẩn chứa đằng sau vụ ám sát đó cũng như một bài báo khác nói về việc truy tìm thủ phạm của vụ giết người, theo đó hắn có thể đã chạy trốn theo nhiều hướng khác nhau nhưng có vẻ như cho đến nay mọi việc tìm kiếm cũng chỉ như đãi cát tìm vàng.
Không có một thông tin nào về vụ Miller Remsen, và Keller không lấy gì làm ngạc nhiên về điều này; thậm chí là nếu họ có thể phát hiện ra xác chết đó đi chăng nữa, tất nhiên tại thời điểm này có lẽ việc đó vẫn chưa thể xảy ra, thì chắc là cách duy nhất để sự việc đó thu hút được sự chú ý của những người không phải dân vùng Indiana là hắn phải để lại một lời nhắn bằng son môi trên tấm gương rằng Hãy bắt tao trước khi tao giết thêm vài ngài nghị sĩ đáng kính nữa.
Gần như hắn đã suýt bỏ qua bài báo quan trọng nhất.
Nó nằm ở trang ba trong mục thứ hai. Cố ý gây hỏa hoạn, một người bị giết được tìm thấy trong đám cháy ở White Plains, bài báo giật một cái tít như vậy, và chính cụm từ White Plains đã làm hắn phải chú ý. Nếu như nó không chi tiết đến như vậy mà chỉ nói là Westchester thôi thì có lẽ là hắn đã bỏ qua bài báo đó, nhưng hắn đã đến White Plains không biết bao nhiêu lần, lần đầu tiên là để gặp Ông già, và những lần sau là để gặp Dot. Hắn thường bắt chuyến tàu từ Grand Central tới đó rồi đi tắc xi từ ga đến chỗ họ, và hắn vẫn thường xuyên ngồi uống trà đá ở hiên trước nhà có hàng rào bao quanh, hoặc là trong căn bếp ấm cúng dễ chịu của ngôi nhà đồ sộ và cũ kỹ ở Taunton Place. Vì vậy hắn đọc thêm bài báo về vụ hỏa hoạn ở White Plains và nhanh chóng hiểu ra rằng hắn đã không thể quay về đó được nữa, bởi vì đã không còn ngôi nhà nào, không còn mái hiên nào, và không còn nhà bếp nào cho hắn đến nữa. Cũng không còn Dot ở đó.
Rõ ràng là đã có một bài báo viết trước đó, có thể là vào ngày hôm qua mà hắn không được đọc. Nhưng cũng có thể là sớm hơn - thứ Hai, hắn nghĩ, mặc dù cũng có thể là thứ Bảy, chẳng có gì chắc chắn được cả - chỉ biết là trước đó, hắn đọc, một ngọn lửa đã bùng cháy vào lúc sáng sớm trong suốt vài giờ đồng hồ và người ta đã không thể dập tắt nó cho đến khi lực lượng cứu hỏa đến làm việc, và đưa ra kết luận rằng toàn bộ tòa nhà cổ kính với tuổi đời lên đến cả thế kỷ này đã hoàn toàn cháy rụi đến tận móng.
Ngọn lửa bắt đầu từ trong nhà bếp, đó cũng là nơi họ tìm thấy cái xác đã cháy thành than của người chủ ngôi nhà và cũng là người duy nhất sống ở đó, theo như hàng xóm cho biết thì cô ta tên là Dorothea Harbison. Các nhân viên điều tra đã ngay lập tức điều tra vụ hỏa hoạn và đưa ra kết luận rằng ngọn lửa bùng phát dữ dội đã thiêu rụi tất cả này bắt nguồn sâu xa từ việc người ta sử dụng rộng rãi chất xúc tác làm đẩy nhanh tốc độ của các phản ứng hóa học trong vùng. Tuy nhiên nguyên nhân ban đầu có vẻ như là chính cô Harbison đã tự châm lửa, vì theo lời kể của những người hàng xóm thì cô ta là một người phụ nữ sống bình lặng và lánh đời, thậm chí họ nghĩ rằng mấy tháng gần đây cô còn có biểu hiện trầm uất, bi quan.
Keller rất muốn được bác bỏ lại những ý kiến đó, bất kể họ là ai hắn cũng muốn được tranh luận với họ. Lánh đời ẩn dật ư? Cô ấy không thể chịu được những chuyện tầm phào và ngu ngốc, cũng không để cho thế giới xung quanh biết rõ những việc cá nhân của mình, nhưng điều đó không có nghĩa cô ấy thuộc loại phụ nữ lập dị dở hơi vẫn cứ mặc mãi một cái quần ngủ bằng vải flanen cũ kỹ cho đến khi nó rách tơi tả mới thôi mà thiên hạ vẫn thường chê bai. Biểu hiện trầm uất, bi quan? Biểu hiện như thế nào mới được? Cô ấy không phải loại người cứ đi đây đó buôn chuyện cười đùa, nhưng hắn không bao giờ thấy cô ấy tỏ ra thực sự trầm uất hay bi quan lúc nào cả, và có lẽ là cô ấy sẽ muốn tự sát theo kiểu như Mary “Fucking” Poppins ấy chứ.
Nhưng khả năng tự sát đã bị loại bỏ, hắn đọc tiếp, bởi vì giám định pháp y cho biết người phụ nữ đó đã bị bắn hai phát vào đầu bằng một khẩu súng ngắn tự động cỡ nhỏ. Những vết thương đó không thể là do tự sát - thật ngớ ngẩn, Keller nghĩ - và người ta cũng không tìm thấy khẩu súng ở hiện trường, điều đó buộc các nhân viên điều tra phải kết luận rằng người phụ nữ đó đã bị bắn chết rồi sau đó một vụ hỏa hoạn được dàn dựng lên nhằm che giấu hành vi tội ác.
Nhưng nó đã không thành công, đúng vậy?”, Keller nói một mình, bật lên thành tiếng rất to. “Đúng là một thằng đại ngốc”.
Hắn cố đọc nốt đoạn cuối của bài báo. Theo như tờ Thời báo thì động cơ của vụ giết người chưa được làm sáng tỏ, và cảnh sát cũng vẫn chưa thực sự kết luận được đây là một vụ giết người cướp của hay không? Theo một nguồn tin không chính thức của cảnh sát thì người ta biết được rằng Dorothea Harbison chính là người cộng sự trước đây và cũng là người chăm sóc cho ngài Giuseppe Ragone hay còn gọi là Joe the Dragon đã quá cố trong suốt những năm tháng cuối đời của ông ta kể từ khi ông ta rút lui khỏi thế giới ngầm của các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Và theo như Keller biết thì chẳng có ai ngoài các tờ tin tức gọi ông già đó bằng cái tên Joe the Dragon. Cũng có những người gọi ông ta như thế, tất nhiên là không dám gọi trước mặt, bằng cái tên Joey Rags (giẻ rách) hoặc the Ragman (người đàn ông giẻ rách), bởi vì họ của ông ta - Ragons (giẻ rách) lại vô tình trùng với công việc mà ông ta đã làm một thời gian trong ngành vận tải hàng may mặc của khu vực. Keller thì chẳng bao giờ nghĩ đến hoặc dùng một cái tên nào khác để gọi ông ta ngoài cụm từ Ông già.
Và thực sự thì Ông già chưa bao giờ nghỉ ngơi. Ông ta vẫn tận hưởng rất nhiều thú vui của riêng mình cho đến cuối đời nhưng ông ta cũng vẫn thường xuyên giao dịch công việc và cử Keller đi làm chúng thay ông ta cho đến khi giải quyết sạch mới thôi.
Là cộng sự của Joe the Dragon lúc còn sống và cũng được coi là bạn gái tâm tình của ông ta lúc về già”, nguồn thông tin không chính thức đó tiếp tục đánh giá, “Harbison có thể sẽ biết được rất nhiều thông tin O.C. bí mật. Và có thể là một ai đó lo sợ rằng cô ta sẽ nói ra những gì cô biết. Ragons thì đã ra đi lâu rồi, nhưng họ nói gì? Chẳng sớm thì muộn cũng sẽ lại có những chú gà con tìm về chuồng và tìm cách đứng lên thống trị”.
Việc này cũng vô ích như mọi việc khác hắn có thể làm, nhưng hắn vẫn không thể không thử làm thế. Hắn bỏ những đồng xu vào máy điện thoại công cộng và quay số của Dot.
Tút tút tút...
Số điện thoại không tồn tại. Ôi, đó là sự thật, có thật như vậy không? Đốt một cái nhà cháy trụi đến tận móng và bạn chắc chắn phải lường trước được rằng đường dây điện thoại sẽ không còn hoạt động nữa.
Hắn nhận lại những đồng xu và dùng chúng để gọi vào chính số điện thoại của hắn, hắn có một chút hi vọng rằng nó cũng sẽ kêu những tiếng tút tút như vậy và hắn cũng sẽ nhận được câu trả lời như vậy. Nhưng thay vào đó hắn lại nghe tiếng đổ chuông. Máy điện thoại của hắn được cài đặt sẵn để tự động ngắt sau hai hồi chuông nếu có ai đó để lại lời nhắn cho hắn, và sẽ ngắt sau bốn hồi chuông nếu không có tin nhắn, như thế hắn có thể kiểm soát chúng từ xa đồng thời tránh lãng phí vô ích khi không có tin nhắn lưu trữ nào cần đọc. Nhưng lần này hắn thực sự ngạc nhiên khi thấy chuông reo đến hồi thứ ba, hắn đã nghĩ là phải có tin nhắn sau quãng thời gian vắng nhà lâu như vậy, và hắn thậm chí còn ngạc nhiên hơn khi thấy chuông tiếp tục reo đến hồi thứ tư, thứ năm rồi thứ sáu, và có vẻ như là nó sẽ còn reo mãi nếu như hắn không chịu cúp máy.
Tại sao nó lại trở nên như vậy? Hắn không hề cài chế độ Chờ cuộc gọi, vì thế nên không thể nào có chuyện máy điện thoại của hắn đang nhận một cuộc gọi khác vào lúc đó. Mà nếu có thế thì hắn sẽ phải nhận được tín hiệu máy bận.
Hắn tự hỏi không biết mình còn quan tâm đến việc lấy lại những đồng xu rơi ra từ máng trượt trả lại tiền làm gì nữa. Hắn làm gì còn cơ hội để gọi điện cho ai khác?
Mọi thứ đã kết thúc, hắn đã nhìn thấy điều đó. Đó chính là thứ luôn chập chờn hiện ra trong óc hắn, là những suy nghĩ tuyệt vọng đáng ghê sợ mà hắn luôn cố tránh xa. Và cái ý nghĩ viển vông vẫn luôn đeo bám hắn suốt quãng đường từ Iowa trở về, cái ước vọng điên rồ rằng mọi thứ sẽ lại vẫn rất tuyệt vời và ngọt ngào ngay khi hắn được trở lại căn phòng của chính mình bây giờ rõ ràng là đã trở thành không tưởng, hắn tự hỏi không hiểu tại sao hắn lại có thể khờ khạo đến mức đã luôn tự động viên mình bằng cái suy nghĩ đó, thậm chí còn lấy nó ra làm cái đích cuối cùng của hắn.
Không hiểu vì sao hắn luôn tạo cho bản thân một cảm giác rằng New York là một thiên đường, một nơi an toàn và bất khả xâm phạm. Bao nhiêu năm nay hắn vẫn luôn giữ cho mình một nguyên tắc là không bao giờ nhận các vụ làm ăn trong thành phố này, và mặc dù đôi khi hắn vẫn phải phá lệ nhưng về cơ bản hầu hết các vụ làm ăn của hắn đều tuân theo nguyên tắc đó. Địa bàn làm việc của hắn là khắp các vùng khác trên cả nước, và trong suốt thời gian làm việc hắn gần như đã đi hết đất nước. Còn New York, nhà của hắn, là nơi hắn trở về sau khi làm xong việc.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì rất nhiều người, cả những người dân thành phố và những người vùng khác, vẫn chỉ coi New York như là một phần của nước Mỹ. Những người dân New York vẫn xem cùng một bản tin thời sự, vẫn đọc cùng một nội dung trên báo như những người Mỹ khác. Họ có thể tốt hơn những người khác trong việc định hình công việc làm ăn của chính mình và cũng sẽ chẳng có gì là lạ nếu như những người dân cùng sống trong một khu chung cư lại không thể nhớ ra tên những người hàng xóm của mình. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là họ hoàn toàn điếc và mù đối với mọi thứ xung quanh.
Tấm hình của hắn được phát trên khắp các kênh truyền hình và mọi tờ báo của nước Mỹ, may ra thì chỉ có tờ tạp chí chuyên về tem Linn’s Stamp News là không có. (Mà biết đâu nó cũng xuất hiện ở đó, và nếu như James McCue lại cũng cố gắng để nhớ ra xem đó là ai, ai đã mua những con tem Thụy Sĩ đó của ông ta thì sao?). Có bao nhiêu người sống xung quanh hắn, ở một hay hai tòa nhà cạnh đấy? Có bao nhiêu người biết hắn sống trong tòa nhà đó, hoặc đã từng chạm mặt hắn ở quán ăn ngon, ở nhà thể thao, hoặc ở bất cứ nơi nào trong những nơi thuộc về cuộc sống tiện nghi lý tưởng đã được sắp đặt sẵn cho hắn mà hắn vừa mới vẽ ra chỉ cách đó vài phút?
Cái cuộc sống mà hắn đã không bao giờ có thể quay trở lại.
Hắn đọc lại tờ báo, lần này hắn đọc kỹ hơn, và trong một bài báo mà hắn đã đọc lướt lúc trước, hắn đã tìm thấy một bằng chứng về việc một trong những người hàng xóm của Keller đã nhận ra sự giống nhau giữa hắn và đối tượng bị truy nã trong bức ảnh. Tiếp tục bình luận về những đặc điểm giống nhau trong việc nhận diện đối tượng tình nghi, tác giả bài báo còn lờ mờ ám chỉ đến việc một công dân không tiện nêu tên ở Vịnh Con Rùa (Turtle Bay) đã trở thành đối tượng điều tra của cảnh sát “chỉ vì một vài điều bất bình thường nhưng khá rõ ràng liên quan đến bản chất công việc của anh ta và những chuyến đi ra khỏi thành phố một cách khá thường xuyên”.
Như vậy là đủ để có một lệnh khám nhà. Liệu họ có thể tìm được thứ gì đó được coi là bằng chứng phạm tội trong căn hộ của hắn?
Hắn không thể nghĩ được điều gì. Họ sẽ tìm thấy chiếc máy tính xách tay của hắn, và họ sẽ tháo ổ cứng của nó ra và tìm cách lấy mọi thông tin có trong đó, họ sẽ thấy các giao dịch mua bán tem trên eBay của hắn, và cả những cuộc đấu giá. Hắn cũng đã xem qua các trang web của các hãng hàng không để kiểm tra thông tin chuyến bay trước khi đi Des Moines, nhưng hắn không mua vé trên mạng bởi vì hắn định bay với cái tên Holden Blankenship. Vì vậy mà hắn đặt trước vé máy bay qua điện thoại, và tất nhiên là sẽ chẳng có một dữ liệu thu âm nào về cuộc điện thoại đó trong máy tính của hắn.
Liệu họ có thể điều tra ra là hắn đã vào những trang web nào và hắn làm việc đó khi nào không? Hắn không chắc lắm về điều đó nhưng hắn đoán rằng trong trường hợp này nguyên tắc cơ bản của hắn có thể áp dụng - với sự tiến bộ của khoa học công nghệ ngày nay thì người ta có thể làm được bất kể thứ gì mà họ muốn. Một việc mà có thể chắc chắn là họ sẽ lấy được các cuộc điện thoại ghi âm trong máy và biết được rằng hắn đã gọi cho một hãng hàng không một hoặc hai ngày trước khi Holden Blankenship bay tới Des Moines, nhưng tại thời điểm này thì cũng chưa có gì đáng lo, cũng không có gì cần quan tâm, bởi vì đằng nào họ cũng phải chú ý đến hắn, và tất cả chỉ có thế. Cho đến nay, hắn vẫn luôn luôn cố gắng sống một cuộc sống không có gì nổi bật, nhưng bây giờ hắn lại đang nổi bật giữa công chúng, và thế là hết.
Đã đến hồi kết thúc của John Paul Keller. Nếu hắn vẫn còn sống, nếu hắn vẫn còn sống - một điều thực sự không có gì chắc chắn - thì đó cũng sẽ là một cuộc sống ở một nơi khác, và với một cái tên khác. Hắn sẽ không mấy nhớ tiếc hai từ đầu tiên trong tên gọi của hắn, chẳng mấy ai dùng nó để gọi hắn cả, tất cả mọi người đều gọi hắn là Keller từ khi hắn còn là một đứa trẻ. Và đó chính là hắn, là tên của hắn, còn khi phải điền một cái gì đó có cả tên đầy đủ thì hai chữ đầu viết tắt đôi khi được hắn nghĩ thành Just Plain Keller.
Hắn sẽ không còn có thể là Keller được nữa. Keller đã kết thúc, đã hết thật rồi - và khi hắn nghĩ về điều đó, hắn nhận ra rằng mọi thứ trong cuộc đời của Keller cũng đã kết thúc, một cái tên bị biến mất sẽ kéo theo những gì?
Tiền bạc, chắc chắn là thứ đó. Hắn đã có, theo như bản báo cáo cuối cùng, một con số lên đến hơn hai triệu và năm trăm nghìn đô la đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu, tất cả số tiền đó nằm trong một tài khoản trên mạng Ameritrade do Dot lập ra và quản lý. Số tiền đó thì sẽ vẫn ở đó, nó không thể biến mất cùng với cái chết của Dot, nhưng hắn cũng không thể sử dụng nó. Hắn không biết Dot đã dùng cái tên nào để mở tài khoản hoặc là người ta phải làm thế nào để có thể tiếp cận vào tài khoản đó.
Tất nhiên là hắn còn có tài khoản tại ngân hàng, cả tài khoản tiền gửi tiết kiệm và séc thanh toán. Có lẽ là tiền gửi tiết kiệm lên tới mười lăm nghìn đô la, cộng với khoảng chừng một ngàn đô tiền séc thanh toán. Nhưng giờ này chắc họ đã phong tỏa tài khoản của hắn, và đang đợi để chụp được vài bức hình nữa của hắn trong lúc hắn cố gắng dùng thẻ ATM để rút tiền. Dù sao thì hắn cũng không thể dùng thẻ ATM lúc này, bởi vì hắn không mang theo nó, còn bây giờ, có lẽ nó đã bị tịch thu và sung công.
Vậy là hắn sẽ không có tiền. Và cũng không có một căn hộ để ở. Bao nhiêu năm nay hắn đã sống ở tòa nhà Art Deco trên đại lộ số một First Avenue này, hắn đã mua nó với một cái giá khá hợp lý nhờ có tay trong chỉ đường khi tòa nhà bị hợp tác hóa, và tiền bảo trì hàng tháng cũng không phải quá đắt. Hắn đã nghĩ sẽ dành toàn bộ những ngày cuối đời ở đây cho đến khi họ phải đưa hắn ra ngoài theo tư thế chân ra trước. Đó vẫn luôn là nơi trú ẩn yên bình của hắn, nhưng giờ thì hắn thậm chí không dám quay lại đó nữa. Nó đã nằm ngoài tầm tay của hắn, mãi mãi, cùng với chiếc tivi màn ảnh rộng có cả đầu thu phát lại các chương trình truyền hình, cùng với chiếc ghế bành thoải mái, cùng với phòng tắm có vòi phun êm ái, cùng với chiếc bàn mà hắn vẫn thường làm việc và...
Ôi Chúa ơi. Những con tem của hắn.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét