Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm - (Chương 1)

KHI YÊU CẦN NHIỀU DŨNG CẢM

Tác giả: Chetah Bhagat
Người dịch: Nguyễn Thị Hương Thảo
NXB Hội Nhà Văn, 05-2015

Có lẽ đây là lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử của những cuốn sách:
Kính tặng đằng vợ nhà tôi.

Lời cảm ơn

Không có sự sáng tạo nào trên thế giới này là nỗ lực đơn độc. Cuốn sách này cũng vậy. Từ người làm ra các bản in từ chiếc máy Xerox đến những nhân viên phát hành đưa sách ra các hiệu sách, mỗi người đều có vai trò của mình. Đặc biệt, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới:
Độc giả của tôi, chính các bạn đã đưa tôi trở thành người như hiện tại. Lần trước tôi đã nói rằng tôi muốn trở thành nhà văn được yêu thích nhất Ấn Độ - và các bạn đã cho tôi điều đó. Cảm ơn các bạn. Xin hãy tiếp tục ủng hộ, và nếu có thể, hãy cho tôi một nơi nhỏ bé, nhưng vĩnh hằng trong tim các bạn.
Thượng đế, vì tình yêu và phước lành Người ban.
Shinie Antony, độc giả đầu tiên đồng thời là biên tập viên tất cả những cuốn sách của tôi cho tới lúc này, người đã chỉ cho tôi những gì nên hay không nên, không chỉ trong cuốn sách này, mà còn cả trong cuộc sống nữa.
Abhishek Kapoor, vì những góp ý tuyệt vời của anh ấy. Prateek Dhawan, Shambhavi Kirawant, Ratika Kaul-Haksar và Anusha Bhagat vì những nhận xét tuyệt vời đối với bản thảo.
Nhà xuất bản Rupa & Co vì đã mang những câu chuyện của tôi tới khắp mọi miền trên đất nước này.
Gia đình tôi vì sự hỗ trợ không ngừng nghỉ của họ.
Những bạn đại học, đồng nghiệp cũ của tôi ở Ngân hàng Deutsche và Goldman Sachs, những người bạn hiện thời của tôi ở Mumbai.
Những tờ báo đã xuất bản những bài viết của tôi và cho tôi có cơ hội chia sẻ quan điểm của mình về đất nước Ấn Độ mới, đang phát triển mà tôi hằng mơ đến.
Các nhà làm phim, những người đã tìm thấy cảm hứng từ những câu chuyện của tôi và đã dành ra nhiều năm để mang chúng ra đời thực.
Tôi cũng có vài điều muốn làm rõ. Thứ nhất, câu chuyện này được lấy cảm hứng từ gia đình và những trải nghiệm của chính bản thân tôi. Mặc dù vậy, nên xem cuốn sách này là một tác phẩm hư cấu. Đồng thời, để tăng tính chân thực, tôi đã sử dụng tên thật của một số địa danh, tên người và các trường đại học vì chúng biểu trưng cho văn hóa ngày nay và hỗ trợ cho việc kể chuyện. Tôi không chủ tâm ngụ ý bất cứ điều gì khác. Tôi cũng muốn nói với tất cả người Nam Ấn rằng tôi yêu họ. Một nửa tuyệt vời của tôi sẽ làm chứng cho tôi điều đó. Tôi đã mạo muội cho phép mình được đùa vui với các bạn như cách tôi đùa vui với người Punjab - chỉ bởi vì tôi xem các bạn như người của cộng đồng mình. Bạn chỉ chọc ghẹo những người bạn quan tâm mà thôi.
Với những điều đó, xin chào mừng các bạn đến với Khi Yêu Cần Nhiều Dũng Cảm.

Mở Đầu

 “Tại sao tôi lại được giới thiệu tới đây? Tôi có bị làm sao đâu”, tôi nói.
Chị ta không đáp lại. Chỉ ra hiệu cho tôi cởi giày và ngồi xuống ghế. Chị ta có một phòng khám cũng giống như phòng khám của bất cứ bác sĩ nào khác, có điều không có mùi thuốc và những dụng cụ y tế nguy hiểm, lạnh lùng.
Chị ta chờ cho tôi nói nhiều hơn. Tôi do dự rồi lại cất lời.
“Tôi dám chắc người ta đến đây với những vấn đề to tát, khó vượt qua. Các cô nàng đá đít bạn trai họ thì là chuyện cơm bữa. Cần gì phải đến gặp bác sĩ tâm thần, phải không? Tôi là ai, một kẻ thần kinh chắc?”
“Không, tôi mới thần kinh, bác sĩ thần kinh. Chính xác ra là bác sĩ tâm lý. Nếu anh không phiền thì tôi thích cách gọi đó hơn”, chị ta nói.
“Tôi xin lỗi”, tôi nói.
“Không sao”, chị ta nói và dựa người vào ghế.
Chưa quá ba mươi, chị ta dường như quá trẻ để trở thành một bác sĩ tâm thần, xin lỗi, bác sĩ tâm lý. Bằng cấp từ những trường đại học hàng đầu nước Mỹ trang điểm cho những bức tường như những cái đầu hổ treo trong nhà một thợ săn. Vâng, lại một người Nam Ấn nữa đã chinh phục thế giới học thuật. Bác sĩ Neeta Iyer, tốt nghiệp thủ khoa Đại học Vassar.
“Tôi tính tiền năm trăm rupi một giờ đấy”, chị ta nói. “Anh cứ trân trối nhìn tường hay nói chuyện, với tôi kiểu nào cũng được”.
Tôi đã xài hết mười hai phút rồi, tức là một trăm rupi, mà chẳng đi đến đâu cả. Tôi tự hỏi liệu rằng chị ta có chấp nhận trả tiền từng phần và để cho tôi đi không.
“Bác sĩ Iyer…”
“Gọi tôi Neeta được rồi”, chị ta nói.
“Được rồi, chị Neeta, tôi không nghĩ chuyện của tôi lại cần đến việc này. Tôi không biết tại sao bác sĩ Ramachandran lại giới thiệu tôi đến đây”.
Chị ta cầm quyển bệnh án của tôi trên bàn.
“Xem nào. Đây là những gì bác sĩ Ram thông tin cho tôi - bệnh nhân mắc chứng mất ngủ, đã cắt đứt liên lạc với loài người trong vòng một tuần, không chịu ăn, đã lên Google để tìm cách tự tử tốt nhất”.
Chị ta dừng lại và nhìn tôi, mày nhướng lên.
“Tôi Google tất cả mọi thứ”, tôi lẩm bẩm, “chị không làm thế à?”
“Bệnh án ghi rằng nội việc thoáng nhắc tới tên cô ấy, nơi cô ấy ở hay bất cứ mối liên hệ nào khác, chẳng hạn như món ăn yêu thích của cô ấy, cũng sẽ đưa tới những cảm xúc khó lường từ nước mắt tới giận dữ tới thất vọng”.
“Tôi vừa mới chia tay. Chị nghĩ phải thế nào?” tôi cáu kỉnh.
“Đúng rồi, với Ananya ở Mylapore. Món ăn yêu thích của cô ấy là gì nhỉ? Cơm cà ri?”
Tôi ngồi thẳng dậy. “Đừng”, tôi nói một cách yếu ớt và cảm thấy nghẹn trong cổ. Tôi cố kìm cho nước mắt khỏi tuôn ra. “Đừng”, tôi nhắc lại.
“Đừng cái gì cơ?” Neeta khích tôi. “Chẳng phải chuyện nhỏ sao?”
“Nhỏ cái con khỉ. Nó đang giết tôi đây”. Tôi đứng phắt dậy đầy kích động. “Người Nam Ấn các người có biết tình cảm là cái gì không?”
“Tôi sẽ lờ đi các nhận xét mang tính phân biệt vùng miền của anh. Anh có thể đứng mà nói, nhưng nếu đó là một câu chuyện dài thì hãy ngồi xuống ghế. Tôi muốn được nghe có đầu có đuôi”, chị ta nói.
Tôi bật khóc. “Sao chuyện này lại xảy ra với tôi?” tôi nức nở.
Chị ta đưa tôi một tờ khăn giấy.
“Tôi phải bắt đầu từ đâu đây?” tôi nói và cẩn trọng ngồi xuống ghế.
“Từ nơi tất cả những câu chuyện tình bắt đầu. Khi anh gặp cô ấy lần đầu tiên”, chị ta nói.
Chị ta kéo rèm và bật điều hòa. Tôi bắt đầu nói và bắt đầu làm cho tiền của mình có giá trị.

PHẦN 1 - AHMEDABAD

1

Cô đứng trước tôi hai chỗ, xếp hàng chờ mua bữa trưa ở căng tin IIMA [IIM: Học viện Quản lý Ấn Độ. IIMA là cơ sở tại Ahmedabad, một thành phố thuộc bang Gujarat, nằm ở phía Tây Ấn Độ]. Tôi lén nhìn cô, tự hỏi cô gái Nam Ấn này thì có gì mà người ta cứ phải nhặng xị lên thế chứ.
Mái tóc dài ngang eo cô lay lay gợn sóng khi cô lấy ngón tay gõ gõ vào cái khay sắt như một kẻ tị nạn sắp sửa chết đói. Tôi để ý thấy có ba sợi dây màu đen sau cái gáy trắng ngần của cô. Ai đó đã quyết định phải đeo phụ kiện làm đẹp trong cái trường kinh tế nặng về học thuật nhất cả nước này.
“Ananya Swaminathan - hoa khôi khóa mới”, bọn lớp trên đã kịp bình chọn cho cô trên tấm bảng tin ký túc xá. Chúng tôi chỉ có hai mươi cô gái trên tổng số hai trăm học viên toàn khóa. Những cô nàng xinh xẻo là hàng hiếm; các nàng được chọn vào trường không phải bởi vẻ bề ngoài. Các nàng vào được IIM bởi có thể giải toán nhanh hơn 99,9% dân số Ấn Độ và vượt qua được kỳ thi đầu vào. Hầu hết con gái học IIM không thèm để tâm đến những thứ hời hợt nông cạn như là trang điểm, quần áo kiểu cách, kính áp tròng, tẩy lông mặt, nước hoa và cả vẻ quyến rũ nữ tính. Những cô nàng như Ananya, nếu có vì một duyên cớ trái khoáy nào đó mà đến đây, sẽ ngay lập tức trở thành nữ hoàng ở ngôi trường dương thịnh âm suy này.
Tôi đoán rằng tuần vừa rồi cô Swaminathan đã nhận được sự chú ý từ bọn con trai nhiều hơn cả đời cộng lại. Bởi thế tôi cho rằng cô ta là kẻ đáng ghét và quyết định lờ cô ta đi.
Đám học viên cứ tự động dịch lên từng bước. Những nhân viên căng tin buồn chán chẳng thèm để tâm xem họ đang phục vụ một lũ tù nhân hay những CEO tương lai. Họ thảy một môi thứ gì đó màu vàng lần lượt lên những chiếc khay. Tất nhiên, Cô Em Hoa Khôi cần được trở thành tâm điểm.
- Đó không phải là xúp rasam. Tôi không biết nó là gì, nhưng chắc chắn không phải rasam. Còn kia là cái gì, cái màu vàng đậm ấy?
- Món hầm sambhar, - ông nhân viên căng tin làu nhàu.
- Eo, trông kinh quá! Ông nấu nó thế nào vậy? - cô nàng hỏi.
- Cô có muốn ăn hay không? - ông nhân viên hỏi, quan tâm đến việc làm cho xong bữa trưa hơn là thảo luận về công thức nấu ăn.
Trong khi chờ quý cô của chúng ta quyết định, hai cậu con trai xếp giữa chúng tôi đã dằn khay của họ lên mặt bàn. Họ lấy thức ăn mà không kèm theo một bài xã luận nào về nó và bước đi. Tôi bước lên ngay đằng sau cô. Tôi liếc xéo một cái - chắc chắn trên trung bình. Thực ra thì, trên trung bình rất nhiều. Trên thực tế, xuất chúng so với tiêu chuẩn của IIMA. Cô có đường nét khuôn mặt hoàn hảo, mắt, mũi, môi và tai không quá to cũng không quá nhỏ và ở đúng nơi đúng chỗ. Đó là tất cả những gì cần thiết để làm con người ta xinh đẹp - những bộ phận cơ thể bình thường - vậy mà tại sao tạo hóa lại làm hỏng nhiều lần đến thế? Hạt bindi [chấm màu giữa trán gần lông mày của phụ nữ Ấn Độ, để trang điểm và cũng hàm chứa quan niệm tôn giáo] xanh nhỏ xíu của cô thật hợp màu với bộ slawar kameez [một kiểu trang phục truyền thống của người Trung, Nam Ấn, kết hợp giữa quần ống thụng và áo dài chẽn eo] xanh da trời pha trắng. Cô trông giống như người chị em họ thông thái của nữ diễn viên Sridevi, nếu như Sridevi có chị em họ.
Ông nhân viên căng tin đổ ụp một đống màu vàng lên khay của tôi.
- Này ông, tôi đứng trước anh ta mà, - cô phản ứng với ông nhân viên, đóng đinh ông ta bằng đôi mắt to, tự tin của mình.
- Cô muốn gì nào? - nhân viên căng tin nói bằng giọng đặc Nam Ấn. - Rasam thì cô bảo không phải rasam. Cô nhăn mặt khi thấy món sambhar của tôi. Tôi phục vụ hàng trăm người. Họ có phàn nàn gì đâu?
- Chính vì thế ông mới không tiến bộ đấy. Đáng lẽ họ nên phàn nàn mới phải chứ, - cô nói.
Ông nhân viên căng tin thả chiếc môi xuống nồi sambhar và giơ hai tay lên.
- Cô muốn phàn nàn hả? Tới gặp quản lý căng tin mà phàn nàn… Sinh viên thời nay thế đấy, - ông nhân viên quay sang tôi tìm kiếm sự cảm thông.
Suýt nữa thì tôi gật đầu.
Cô nhìn tôi.
- Anh ăn được thứ này hả? - cô hỏi. - Thử đi.
Tôi húp một thìa sambhar đầy. Ấm và hơi mặn một chút, chẳng phải ngon lành gì, nhưng trong tình cảnh không còn lựa chọn nào khác thì nó cũng gọi là ăn được. Tôi có thể dùng nó làm bữa trưa; tôi ở trong ký túc xá được bốn năm rồi.
Nhưng mà, tôi đã nhìn thấy mặt cô, giờ đây còn xinh đẹp hơn với đôi má phớt hồng. Tôi so sánh cô với ông nhân viên căng tin năm mươi tuổi. Ông ta mặc lungi [một tấm vải quấn quanh người từ thắt lưng trở xuống thay cho quần] và đám lông màu xám lồ lộ trên ngực.
Khi bạn cảm thấy không chắc chắn, cô gái đẹp luôn luôn đúng.
- Ghê quá, - tôi nói.
- Thấy chưa, - cô nói với vẻ đắc thắng trẻ con.
Ông nhân viên căng tin nhìn tôi chòng chọc.
- Nhưng tôi vẫn có thể ăn được, - tôi nói thêm trong một cố gắng kệch cỡm hòng an ủi ông ta.
Ông ta làu bàu và ụp một môi cơm vào khay của tôi.
- Chọn món gì em thích đi, - tôi nói với cô, tránh nhìn thẳng vào mắt. Cả trường này đã nhìn cô đắm đuối mấy ngày nay rồi. Tôi phải khác một chút.
- Cho tôi món rasgulla, - cô chỉ vào món tráng miệng.
- Món đó là để sau khi xong bữa ăn, - ông nhân viên nói.
- Ông là ai? Mẹ tôi chắc? Tôi ăn xong rồi. Cho tôi hai suất tráng miệng rasgulla, - cô kiên quyết.
- Mỗi học viên chỉ được một suất thôi, - ông vừa nói vừa đặt cái bát nhỏ có một chiếc bánh lên khay của cô.
- Ô, thôi nào, món sambhar kinh khủng thì thích bao nhiêu cũng được còn món ăn được thì chỉ một suất thôi sao, - cô nói.
Hàng người chờ đợi đã dài lên phía sau chúng tôi. Các cậu con trai đứng đợi chẳng phiền gì. Họ có cơ hội để ngắm nhìn một cách hợp pháp cô gái xinh đẹp nhất khóa.
- Đưa phần của tôi cho cô ấy đi, - tôi nói và hối hận ngay lập tức. Đời nào cô ấy lại hẹn hò với mày, món rasgulla đó đổ ra sông ra biển rồi, tôi thầm mắng mình.
- Tôi đưa cho cậu, - ông nhân viên căng tin vừa nói một cách trịch thượng vừa đặt món tráng miệng đó lên khay của tôi.
Tôi chuyển bát của tôi cho cô. Cô lấy hai suất rasgulla và rời khỏi hàng.
Được rồi, anh bạn, cô gái đẹp đi đường cô ấy, kẻ bại trận không rasgulla đi đường khác. Tìm một góc mà ngồi thôi, tôi tự nhủ.
Cô quay về phía tôi. Cô không mời tôi ngồi cùng, nhưng trông cô có vẻ không phiền nếu tôi làm thế. Ngón tay út của cô trỏ tới một cái bàn, và chúng tôi tới đó ngồi đối diện nhau. Toàn bộ căng tin đổ dồn mắt nhìn chúng tôi, như đang muốn biết tôi đã có công trạng gì mà xứng ngồi với cô. Tôi đã có một sự hy sinh lớn - món tráng miệng của tôi - tôi muốn bảo với họ thế.
- Anh là Krish, - tôi nói, lấy thìa khua khoắng món sambhar.
- Em là Ananya. Tệ lắm phải không? - cô hỏi khi tôi nhăn mặt vì mùi vị của món ăn.
- Anh quen với thức ăn ký túc xá rồi, - tôi nhún vai. - Anh đã từng ăn những món tệ hơn.
- Thật khó mà hình dung được còn có thứ tệ hơn, - cô nói.
Tôi ho vì cắn phải một miếng ớt xanh. Có một bình nước bên cạnh cô. Cô nhấc nó lên, nghiêng người ra trước và rót nước cho tôi. Một loạt tiếng thở dài chạy khắp căng tin. Chúng tôi thành ra đang diễn trò trước mắt mọi người.
Bằng bốn miếng, cô giải quyết xong hai suất tráng miệng.
- Em vẫn còn đói. Em không ăn sáng.
- Chết đói hoặc ăn những món vô vị, cuộc sống ký túc xá là việc lựa chọn thứ gì dễ đương đầu hơn, - tôi nói.
- Anh muốn đi ra ngoài không? Em chắc là trong thành phố có những quán ăn ngon, - cô nói.
- Bây giờ ư?
Một giờ nữa là chúng tôi có tiết rồi. Nhưng Cô Em Hoa Khôi đã mời tôi đi ăn, dù là vì chính cái dạ dày của cô ấy thôi. Và như mọi người đều biết, bạn học nữ luôn xếp trước lớp học.
- Đừng có nói với em rằng anh khao khát dự giờ giảng đến mức đấy nhé, - cô nói và đứng phắt dậy, thách thức tôi.
Tôi xúc thêm mấy thìa cơm.
Cô giậm chân.
- Bỏ mấy thứ kinh tởm đó đi.
Bốn trăm con mắt dõi theo khi tôi bước ra khỏi căng tin cùng với tiểu thư Ananya Swaminathan, cô gái được đánh giá là xinh đẹp nhất theo kết quả bỏ phiếu chung ở IIMA.
* * *
- Anh thích ăn gà không?
Quyển thực đơn dựa vào mũi cô khi cô nói. Chúng tôi đã tới Topaz, một quán ăn tầm tầm, vô hồn nhưng có điều hòa, cách trường nửa cây số. Giống như tất cả các quán ăn Ấn Độ tầm trung khác, nó phát thứ giai điệu không lời buồn chán của các bài hát tiếng Hindi cổ và để sẵn một ít hành muối ở trên bàn.
- Anh tưởng người Ahmedabad ăn kiêng, - tôi nói.
- Thôi nào, thế thì em sẽ chết ở đây mất.
Cô quay sang người phục vụ và gọi nửa suất gà tandoori với roomali roti.
- Anh có bia không? - cô hỏi người phục vụ.
Người phục vụ lắc đầu kinh hãi và bỏ đi.
- Chúng ta đang ở Gujarat, ở đây cấm bia đó, - tôi nói.
- Tại sao?
- Nơi sinh của Gandhi, - tôi nói.
- Nhưng Gandhi đã giành tự do cho chúng ta, - cô nói, đùa nghịch với những củ hành nhỏ. - Giải phóng con người ta chỉ để sau đó ngăn cấm họ thì có ích gì chứ?
- Chuẩn đấy, - tôi nói. - Vậy em là chuyên gia về rasam và sambhar. Em là người Nam Ấn à?
- Chính xác là người Tamil. Thực ra là người Tamil Brahmin, rất khác biệt so với người Tamil. Đừng bao giờ quên điều đó. [Người Tamil Brahmin là một cộng đồng nhỏ trong cộng đồng Tamil. Thường được xem là hà khắc hơn và đôi khi được nhìn nhận là có đẳng cấp cao hơn]
Cô ngả người về phía sau khi phục vụ bàn mang bữa ăn cho chúng tôi. Cô dùng răng xé cái đùi gà.
- Chính xác thì người Tamil Brahmin khác như thế nào?
- Hừm, một trong số những điểm khác là, không thịt và không uống rượu, - cô nói và tạo hình chữ X bằng chiếc chân gà.
- Chắc chắn rồi, - tôi nói.
Cô cười.
- Em không nói là em đang tuân theo Tam Brahm [lối sống, những quy định, quy ước của cộng đồng Tamil Brahmin]. Nhưng anh nên biết rằng em được sinh ra trong gia đình thuần khiết nhất thuộc đẳng cấp trên. Còn anh thì sao, người phàm?
- Anh là người Punjab, cho dù anh chưa từng sống ở Punjab. Anh lớn lên ở Delhi. Và anh không có khái niệm gì về đẳng cấp của mình, nhưng bọn anh ăn gà. Và anh có thể tiêu hóa sambhar dở tốt hơn người Tamil Brahmin, - tôi nói.
- Anh vui tính đấy, - cô nói và vỗ vào tay tôi.
Tôi thích cái vỗ đó.
- Thế trước kia anh ở ký túc xá chỗ nào thế? - cô hỏi. - Đừng có nói là IIT nhé, cho tới lúc này anh đã làm khá tốt đấy. [IIT (Indian Institutes of Technology): Học viện công nghệ thông tin Ấn Độ]
- IIT thì làm sao nào?
- Chẳng sao cả, anh tới từ đó à?
Cô nhấp một ngụm nước.
- Đúng, từ IIT Delhi. Có vấn đề gì sao?
- Không, - cô mỉm cười, - vẫn chưa.
- Sao cơ? - tôi nói.
Sự tự mãn của cô đã đạt tới mức khó chịu.
- Chẳng sao cả, - cô nói.
Chúng tôi giữ yên lặng.
- Có chuyện gì? Có ai ở IIT từng làm tan vỡ trái tim em sao?
Cô cười.
- Không, ngược lại. Hình như em đã làm tan vỡ một vài trái tim, mà cũng chẳng phải lỗi của em.
- Giải thích rõ được không?
- Đừng nói với ai nhé, nhưng trong một tuần vừa rồi ở đây, đã có mười người ngỏ lời với em. Tất cả đều là dân IIT.
Tôi chợt thấy hối tiếc. Dự đoán của tôi đã đúng; cô nhận được rất nhiều sự chú ý. Tôi chỉ ước giá đó không phải từ dân trường tôi.
- Ngỏ lời cái gì cơ?
- Cũng bình thường thôi, đi chơi, làm bạn và kiểu kiểu như thế. Ồ, và một anh chàng từ IIT Chennai đã cầu hôn em!
- Thật ư?
- Vâng, anh ta nói tuần vừa rồi là một tuần quan trọng đối với anh ta. Anh ta vào học IIMA, và giờ anh ta đã tìm thấy người vợ của mình nơi em. Có thể em nhầm, nhưng em nghĩ anh ta có đeo một số trang sức.
Tôi vỗ trán. Không, bạn cùng trường của tôi không thể làm điều này, cho dù tuyệt vọng đến thế nào.
- Vậy giờ anh hiểu sao em lại quan tâm đến chuyện anh tới từ IIT rồi nhé, - cô nói và nhặt một miếng ức gà nữa lên.
- Ô, vậy ra đó là một phản xạ tự nhiên. Nếu tôi tới từ IIT, tôi phải ngỏ lời với em trong vòng mười phút?
- Em đâu có nói thế.
- Em ám chỉ điều đó.
- Em xin lỗi.
- Không sao. Tôi đã nghĩ em sẽ như thế này. Để tôi đoán nhé - con một, nhà giàu?
- Sai, sai. Em có một em trai. Và bố em làm việc tại Ngân hàng Baroda ở Chennai. Xin lỗi, anh nghĩ em là người như thế nào cơ?
- Có những cô gái không kiểm soát được sự chú ý. Chỉ hai ngày đã trở nên nổi tiếng và mọi anh chàng trong trường đều cúi đầu trước em.
- Điều đó không đúng. Chẳng phải em đi chơi với anh sao?
Cô bỏ gọn những chiếc xương gà đã gặm sạch sang một chiếc đĩa khác.
- Ồ, to tát đấy. Đi chơi với một kẻ bình thường như tôi. Hóa đơn bao nhiêu thế? Tôi sẽ trả phần của mình rồi biến.
Tôi đứng dậy.
- Này, - cô nói.
- Gì thế?
- Em xin lỗi. Anh ngồi xuống đi mà.
Dù sao tôi cũng đã mất hứng thú với cuộc nói chuyện này. Nếu chẳng có gì hấp dẫn bằng một cô gái đẹp, thì cũng chẳng có gì ngán ngẩm bằng một cô nàng tự phụ.
Tôi ngồi trở lại và tập trung vào thức ăn và thứ nhạc không lời khó chịu đó trong vòng mười phút tiếp theo. Tôi tảng lờ cô nàng Brahmin, kẻ đã vơ đũa cả nắm các bạn cùng trường của tôi.
- Chúng ta giờ OK rồi chứ? - cô cười lưỡng lự.
- Sao em lại đi chơi với tôi? Để ghi điểm thứ mười một sao?
- Anh thực sự muốn biết à?
- Đúng vậy.
- Em cần một vài người bạn ở đây. Và anh có vẻ là một anh chàng an toàn. Như kiểu một anh chàng có thể chỉ làm bạn với một cô gái, phải không?
Tất nhiên là không, tôi nghĩ. Làm gì có gã trai nào chỉ muốn làm bạn với một cô gái thôi chứ? Cứ như là đồng ý ở gần một cái bánh sô cô la mà chẳng bao giờ ăn nó ấy. Cứ như ngồi trên một chiếc xe đua mà chẳng lái nó đi vậy. Chỉ những kẻ bất lực mới làm thế.
- Tôi không chắc đâu, - tôi nói.
- Anh có thể kiểm soát được mà. Em nói với anh về chuyện ngỏ lời bởi vì anh có thể thấy bọn họ ngu ngốc nhường nào.
- Bọn họ không ngu ngốc. Họ là dân IIT. Họ chỉ không biết cách nói chuyện với phụ nữ thôi, - tôi nói.
- Sao cũng được. Nhưng anh thì biết. Và em thích làm bạn với anh. Chỉ là bạn thôi, OK?
Cô chìa tay ra. Tôi hững hờ bắt tay cô.
- Cưa đôi nhé, mỗi người sáu mươi rupi, - cô nói khi hóa đơn được đưa tới.
Đúng vậy, Chỉ Là Bạn thì chia sẻ hóa đơn. Tôi không muốn chỉ là bạn với cô. Và tôi không muốn trở thành tử sĩ thứ mười một.
Tôi trả phần tiền của mình và quay trở về trường. Tôi không có hứng thú gặp lại Chỉ Là Bạn của tôi sớm.
------------
Còn tiếp.

1 nhận xét:

  1. Tò mò đọc một phần cũng nhờ lời đề tặng. Chờ phần tiếp theo nhé chủ thớt.

    Trả lờiXóa