Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

Hồ Sơ ODESSA - Chương 8

Hồ Sơ ODESSA

Tác giả: Frederick Forsyth
Người dịch : Cung Khắc Dũng
Nhà xuất bản Trẻ - Năm xuất bản: 1974

Chương 8

Miller tìm ra căn nhà trong một khu vực sang trọng ở ngoại ô London.
Huân tước Russell đích thân ra mở cửa. Ông trạc sáu mươi tuổi. Miller tự giới thiệu:
- Tôi được hân hạnh dùng cơm với ông Anthony Cadbury vào trưa hôm qua, và ông Cadbury đã viết thơ giới thiệu này gởi cho Ngài. Tôi rất hy vọng sẽ được Ngài tiếp kiến!
Huân tước Russell cau mày suy nghĩ .
- Cadbury? Anthony Cadbury? Hình như tôi không nhớ...
- Ông ta là một đặc phái viên chiến trường hồi đệ nhị thế chiến! Ông ta đã ở lại Đức từ đó đến nay và đã từng theo dõi và tường thuật những vụ án như vụ Josef Kramer và Irma Greese, cùng những vụ khác liên hệ đến trại thủ tiêu Belsen. Tôi hy vọng Ngài còn nhớ đến những vụ này?
- Ồ, tưởng Cadbury nào, ai dè lại là lão phóng viên kỳ cựu. Thôi. Vô nhà, mời ông vô. Trời lạnh lắm và tôi không còn trẻ gì nữa!
Không đợi Miller trả lời, Huân tước Russell bước vô nhà. Chàng phóng viên lọt tọt theo sau.
Miller đưa lá thơ của Cadbury cho Huân tước. Vị cựu luật sư cầm lấy, xé bao thơ ra, đọc thật nhanh.
- Đi lùng một tên Nazi? Ông tìm đến gặp tôi vì vụ này?
Huân tước quan sát Miller. Trước khi chàng phóng viên có thể hé môi, Huân tước nói tiếp:
- Ngồi xuống đi! Đứng làm gì cho mỏi chân!
Huân tước ghé ngồi xuống chiếc ghế bành quen thuộc, hỏi tiếp:
- Tại sao một phóng viên Đức trẻ tuổi lại muốn bới móc dĩ vãng và truy lùng một tên Nazi?
Miller có vẻ khó chịu trước lời nhập để thẳng thừng của Huân Tước.
Chàng nói:
- Tôi nghĩ có lẽ nên kể lại đầu đuôi câu chuyện cho Ngài rõ!
- Nên lắm! - Huân tước đáp. Ông nhồi thuốc vô chiếc ống vồ, chăm chú nghe Miller.
- Hy vọng tiếng Anh của tôi không tệ lắm! - Miller nói, bào chữa cho tiếng Anh bồi của chàng!
Huân tước Russell vội trấn an:
- Khá hơn tiếng Đức của tôi nhiều! Thôi ông cứ kể đi.
- Vụ Roschmann này… - Miller nói.
- Ly kỳ lắm chớ gì? Và ông muốn tìm bắt cho được hẳn?
Câu hỏi bất chợt này làm cho Miller lúng túng.
- Thưa, đúng. Tôi có lý do riêng và cảm thấy có bổn phận phải tìm cho ra tên ác ôn này và lôi cổ hắn ra Tòa!
- Ai lại không muốn vậy? Nhưng nói thì dễ, mà biết có làm được không?
Miller đi thẳng vào vấn đề:
- Nếu tôi tìm được hắn rồi, thì tôi xin đoan chắc với ngài rằng hắn sẽ bị Tòa án xét xử, chớ không có chuyện một người nào đó chạy chọt bưng bít cho tội trạng hắn đâu!
Huân tước Russell hầu như không mấy quan tâm đến lời hứa hẹn của Miller.
- Vấn đề là Ngài còn nhớ Roschmann không?
Huân tước Russell cười mỉm:
- Nhớ chớ sao không? Nhớ rõ lắm. Rất tiếc khuôn mặt của hắn đã hơi phai mờ trong trí óc tôi!
- Mật vụ của Quân đội Hoàng gia Anh đã tóm cổ hắn tại Graz vào ngày 30 tháng 12 năm 1947. - Miller nhắc Huân tước.
Chàng móc túi đưa hai tấm ảnh sao lại của Roschmann.
- Chính hẳn đây. Không còn lạ gì. Phải, hồ sơ của hắn được gởi đến Hanover cho tôi vài ngày sau khi hắn bị tóm. Chắc Cadbury mót được tin này tại Hanover, vì lúc đó văn phòng tôi đặt tại đó!
Huân tước Russell thay đổi thế ngồi.
- Ông vừa nói Tauber gặp hắn vào ngày 3 tháng 4 năm 1945 và thấy hẳn đang ngồi trong một chiếc xe đang di chuyển về hướng Magdeburg cùng bốn năm tên SS khác?
- Thưa Ngài đúng vậy! Tauber ghi trong nhật ký như vậy đó!
- Hừ! Hai năm rưỡi trước khi chúng tôi tóm được hắn! Và ông biết trong thời gian này hắn làm gì, ở đâu không?
- Thưa Ngài không!
- Trong một trại tù binh của Quân đội Anh. Khôi hài không. Thôi được, để tôi cho ông biết những gì tôi còn nhớ!
Chiếc xe chở Roschmann và đồng bọn chạy ngang qua Magdeburg, rẽ qua phía Nam đi về miền Bavaria, trực chỉ Áo quốc. Cuối tháng 4 bọn chúng đến Munich và chia tay. Lúc đó Roschmann đội lốt một hạ sĩ Lục quân, có giấy tờ tùy thân ghi đúng tên tuổi hắn, nhưng cấp bậc lại ghi hạ sĩ Lục quân.
Ở phía Nam Munich, từng đoàn quân Hoa Kỳ đang tảo thanh và càn quét miền Bavaria, tập trung nỗ lực khám phá nơi ẩn náu của toàn bộ cấp lãnh đạo Đức Quốc Xã đã dự tính cố thủ tại một lâu đài trên dãy núi Alps, nơi dược Hitler dùng làm mật khu an toàn và được gọi là Berchtesgaden; do đó đội quân của Tướng Patton không thèm chú ý đến tàn quân Đức đang trốn chui rúc trong vùng.
Di chuyển ban đêm, và ban ngày ẩn trốn trong những căn nhà tiều phu bỏ hoang, Roschmann vượt được biên giới Đức - Áo và tiếp tục hành trình về miền Nam, đi về Graz. Hắn vững tin là khi đến được nơi sinh quán rồi, thì thể nào cũng gặp được ân nhân giúp đỡ hắn.
Hắn đi bọc qua thủ đô Vienna và gần đến đích thì bị một toán tuần tiễu Anh phát hiện vào ngày 6 tháng 5. Run sợ, hắn đâm ra mất bình tĩnh, và định bỏ chạy. Vừa kịp phóng minh xuống hồ bên đường, Roschntann đã nhận lãnh hai viên đạn đồng xuyên qua ngực. Sau khi tìm kiếm qua loa, hai tên lính Anh bỏ đi. Roschmann cố lết đến một nông trại cách đó một cây số. Vẫn còn tỉnh táo Roschmann bảo tên chủ nông trại phải tìm gặp một vị bác sĩ tại Graz. Bất chấp đêm tối và lệnh giới nghiêm, vị bác sĩ này đã đạp xe máy đến nông trại để chữa trị cho hắn.
Trong ba tháng đầu Roschmann được đồng bọn và bè bạn cũ săn sóc ngay tại nông trại, và sau đó được chuyển đến một ngôi nhà bí mật tại Graz. Thế chiến chấm dứt được ba tháng thì Roschmann bình phục trở lại. Áo quốc lúc đó bị Tứ Cường Mỹ, Anh, Pháp và Nga chiếm đóng, và Graz nằm ngay khu vực chiếm đóng của Anh. Tất cả quân nhân Đức còn sống sót đều phải “an dưỡng” trong hai năm tại những trại an dưỡng của Quân đội Tứ Cường. Roschmann suy tính và nhận biết trại an dưỡng là nơi an toàn nhất nên tự ý ra đầu thú.
Trong hai năm dài, từ tháng 8 năm 1945 đền tháng 8 năm 1947, trong khi bọn SS bị truy lùng gắt gao, Roschmann sống thật an nhàn tại trại an dưỡng. Lúc ra đầu thú, Roschmann đã dùng lý lịch giả, lý lịch của một người lính Lục quân Wehrmacht đã tử nạn tại Mặt trận Bắc Phi.
Trong giai đoạn hỗn tạp của thời hậu chiến, hàng vạn binh lính Đức đào ngũ hay bị thất lạc hềt giấy tờ tùy thân, do đó Quân đội Anh chấp nhận ngay lý lịch mới của Roschmann, không buồn thắc mắc tra cứu xem lý lịch đó có đúng hay không, vì không có thì giờ lẫn phương tiện để phối kiểm.
Vào mùa Hè năm 1947, Roschmann được phóng thích. Hắn tưởng rồi đây hẳn sẽ sống một cuộc sống an nhàn, không bận tâm lo sợ gì nữa. Nhưng hắn lầm.
Một trong những kẻ sống sót khỏi Riga, một người quê quán tại Graz, tự nguyền sẽ trả thù.
Người này lùng mò khắp đường phố Graz, chờ đợi Roschmann trở về nơi chôn nhau cắt rốn, về với cha mẹ già mà hắn đã từ vào năm 1939, và về với cô vợ mới cưới lúc nghỉ phép vào năm 1943: Hella Roschmann. Kẻ sống sót này rình rập trước nhà cha mẹ tên đồ tể hoặc trước nhà Hella Roschmann để chờ đợi ngày trở về của cựu Đại úy SS Eduard Roschmann.
Sau khi được phóng thích, Roschmann ở lại miền quê, làm nghề nông sinh sống. Vào ngày 20 tháng 12 năm 1947, hắn lén lút trở về Graz để đón lễ Giáng Sinh với gia đình. Kẻ sống sót đã chờ đợi hắn trước. Người này núp sau cột đèn, và nhìn rõ một dáng người cao ráo, gầy ốm, với mái tóc vàng và đôi mắt xanh sáng quắc nhìn láo liêng quanh quẩn hai bên đường, gõ cửa và bước vô nhà Hella Roschmann.
Một giờ sau, hai viên Trung sĩ Mật vụ Anh được kẻ sống sót hướng dẫn đến nhà Hella Roschmann. Họ tìm thấy Roschmann trốn dưới gầm giường. Nếu hắn bình tĩnh hơn, thì hắn có thể thuyết phục được hai nhân viên an ninh rằng họ nhìn lắm người, hay người điểm chỉ “trông hươu hóa vượn”! Nhưng khi đã trốn dưới gầm giường rồi, thì khác chi xác nhận tội trạng của mình? Hắn được Thiếu tá Mật vụ Hardy thẩm vấn và bị tống giam liền sau đó, trong khi chờ đợi Trung Tâm Hồ Sơ Hoa Kỳ xác nhận lý lịch. Kết quả được gởi đến Graz bốn mươi tám giờ sau đó. Và lý lịch của Roschmann phù hợp với lời tố cáo của kẻ sống sót. Trong thời gian Quân đội Anh gởi văn thư đến Postdam để yêu cầu Nga Sô cung cấp thêm dữ kiện bổ túc bản cáo trạng Roschmann, nhà cầm quyền quân sự Hoa Kỳ yêu cầu Anh quốc cho “mượn tạm” Roschmann để đem ra trình diễn tại Tòa án Nassau, nơi Hoa kỳ đang xét xử một nhóm sĩ quan SS đã dính líu vào nhiều tội ác tại những trại tập trung quanh Riga. Anh quốc bằng lòng. Vào 6 giờ sáng ngày 8 tháng Giêng năm 1948, một Trung sĩ Quân cảnh và một người khác thuộc sở Mật Vụ Hoàng Gia Anh đã hộ tống Roschmann lên xe lửa đi từ Graz đến Salzburg và Munich.
Huân tước Russell ngưng kể, trút mớ tro trong ống vố ra chiếc khay đựng tàn thuốc.
-  Rồi việc gì xảy ra sau đó? - Miller nóng lòng hỏi.
- Hắn trốn thoát! - Huân tước trả lời, thật thản nhiên.
- Ngài nói sao? - Miller kinh ngạc.
- Hắn trốn thoát. Hắn nhảy từ cửa sổ nhà cầu trên toa xe, khi con tàu đang chạy. Hắn đã than với hai nhân viên an ninh hộ tống rằng hẳn bị tiêu chảy nên họ cho phép hắn được vô nhà cầu. Lúc phá được cửa cầu tiêu ra thì Roschmann đã biến mất. Và từ đó đến nay hắn biệt tăm biệt tích luôn. Dĩ nhiên sau đó Quân đội Anh cũng đã tổ chức truy lùng hẳn, nhưng không thấy tăm hơi hắn đâu cả. Có lẽ hắn đã móc nối được với một vài tổ chức nào đó giúp hắn trốn ra hải ngoại.
Mười sáu tháng sau, tháng 5 năm 1949, Cộng Hòa Liên Bang Tây Đức chào đời và Chính quyền Quân sự Hoàng gia Anh đã trao trả tất cả hồ sơ do chúng tôi thụ lý cho quý quốc.
- Không biết từ đó đến nay hẳn có thể trốn ở đâu mà chưa bị phát hiện? - Miller hỏi, sau khi đã ghi tất cả những điểm quan trọng.
Huân tước Russell thở ra:
- Nay thì ông đã biết được quá trình hoạt động của Roschmann từ lúc mở mắt chào đời cho đến ngày 8 tháng Giêng năm 1948. Phần còn lại, theo thiển ý của tôi, chỉ có nhà cầm quyền Tây Đức mới biết được!
- Nhưng giới chức nào? - Miller hỏi, đoán biết được câu trả lời.
- Những gì xảy ra tại Riga đều do Tòa án Hamburg phụ trách.
- Tôi có đến đó!
- Họ không giúp gì ông sao?
- Không!
Huân tước Russell cười mỉa mai:
- Tôi không ngạc nhiên! À, mà ông có thử đi Ludwigsburg chưa?
- Thưa Ngài rồi. Các ủy viên trong Ủy ban Z rất tử tế nhưng họ không làm gì giúp tôi cả!
- Vậy thì hết đường điều tra theo hệ thống chính thức. Bây giờ chỉ còn lại một người duy nhất có thể giúp ông thôi! Ông có nghe nói đến tên Wiesenthal bao giờ chưa?
- Wiesenthal? Tôi biết.
- Hắn hiện đang sống tại Vienna; người Do Thái gốc Ba Lan. Bốn năm ở trong 12 trại tập trung tất cả. Hắn quyết định bỏ quãng đời còn lại để truy lùng cho hết bọn sát nhân SS. Không chủ trương dùng biện pháp mạnh. Chỉ thu thập mọi tin tức liên quan đến bọn SS, và chuyển đạt cho cảnh sát tùy nghi khai dụng. Nếu cảnh sát không hành động; Wiesenthal liền họp báo chí lại và tố cáo sự bất lực của cảnh sát trước dư luận quần chúng. Không cần phải nói, ông cũng biết là nhà cầm quyển Đức và Áo ghét cay ghét đắng Wiesenthal. Ngược lại Wieienthal cũng không mến gì họ, mà còn khinh tởm họ nữa vì hình như họ không mấy thành tâm để truy lùng bọn SS. Bọn SS đã thử thủ tiêu Wiesenthal đôi ba lần rồi, trong khi các chức sắc Đức và Áo mong muốn trong lòng Wiesenthal đi chỗ khác chơi. Nhưng cũng còn lại một số người trợ giúp và khuyến khích Wiesenthal tiếp tục công trình đáng khen do hắn vạch ra.
- Bây giờ tôi mới nhớ ra! Phải Wiesenthal đã phát hiện Adolf Eichmann không? - Miller hỏi.
Huân tước Russel gật đầu:
- Wiesenthal nhận diện ra Adolf Eichmann dưới lốt Ricardo Klement, trú quán tại Buenos Aires. Nhờ vào tin tức này mà Israel mới bẳt cóc được Eichmann đem về Tel Aviv. Ngoài vụ Eichmann này ra, Wiesenthal còn thành công trong việc phát hiện hàng trăm tay SS hạng gộc khác. Nếu có gì mới mẻ về Roschmann thì chỉ có Wiesenthal mới biết mà thôi.
- Thưa Ngài quen ông Wiesenthal này không?
Huân tước gật đầu .
- Để tôi viết thư giới thiệu ông cho hắn, tiện hơn, vì hàng ngày có đến hàng chục người đến văn phòng hắn quấy rầy hoài, nên Wiesenthal ít khi chịu tiếp ai lắm, nếu không hẹn hoặc có thơ giới thiệu.
Huân tước Russell đi lại bàn viết, hí hoáy một vài hàng trên một tờ giấy viết thư có in tên sẵn của Huân tước, xếp tờ giấy lại làm đôi, đút vô một phong bì, dán kín lại.
- Thôi! Tôi chúc ông gặp nhiều may mắn! - Huân tước nói, đưa phong thơ cho Miller và tiễn chàng phóng viên ra về.
Sáng hôm sau, Miller đáp máy bay của hãng BEA về lại Cologne. Chàng lấy chiếc Jaguar được gửi lại ga-ra trong thời gian đi vắng, và lên đường bắt đầu cuộc hành trình hai ngày qua Stuttgart, Munich, Salzburg, Lina để đến Vienna.
Chàng nghỉ đêm tại Munich, vì không thể cho xe chạy mau hơn trên xa lộ trơn trượt phủ đầy tuyết. Chàng khởi hành sáng sớm ngày hôm sau và có thể đến Vienna vào xế trưa cùng ngày, nếu không bị trì trệ tại Bad Tolz, ngay phía Nam Munich. Xa lộ xuyên qua rừng thông dày đặc bị một hàng bảng hiệu CHẬM LẠI chắn ngang lại; Một chiếc xe cảnh sát với ngọn đèn hiệu xanh quay tròn trên mui đậu tấp vào bên lề đường, và hai nhân viên cảnh sát đứng chặn ngang xa lộ, chặn hai đoàn xe đang chạy ngược chiều lại. Bên trái và phải của xa lộ, một con đường mòn băng qua rừng thông được khai phá một cách vội vã, và hai binh sĩ trong quân phục tác chiến mùa Đông, tay hờm súng, đứng gác nơi lối đi vô khu rừng, đang đứng chờ đợi một vật gì được cất giấu trong đó.
Miller bồn chồn nóng ruột. Chàng quay cửa kiếng thấp xuống, thò đẩu ra ngoài hỏi một nhân viên cảnh sát :
- Chuyện gì vậy, xếp ! Sao lại chặn chúng tôi lại ?
Nhân viên cảnh sát nói vọng về phía Miller :
- Mấy ông nhà binh. Họ đang thao dượt. Sẽ có một đoàn xe thiết giáp băng qua đây trong vài phút tới.
Mười lăm phút sau, chiếc xẹ thiết giáp đầu tiên xuất hiện, nòng súng đại bác dài chìa ra khỏi rừng thông, giống như một con voi khổng lồ đang dò dẫm đường đi nước bước. Với một tiếng gầm ghê rợn, thân hình to lớn của nó lách mình giữa từng thân cây thông, đặt xích xuống đường nhựa.
Trung sĩ Nhất Ulrich Frank quả là một người đàn ông sung sướng. Với ba mươi tuổi đời, chàng đã đạt được tham vọng lớn nhất trong đời là chỉ huy một chiếc xe thiết giáp. Chàng nhớ lại ngày tham vọng này nảy sanh trong đầu. Vào tháng Giêng năm 1945 khi còn là một đứa bé trai sống tại khu Mannheim, chàng được cha mẹ cho xem chớp bóng, và hình ảnh đầu tiên Ulrich Frank thấy là hình ảnh những đoàn thiết giáp King Tiger của Hasso von Manteuffel giao tranh vói quân Anh và Mỹ. Đứa bé Frank lúc đó nhìn không chớp mắt những khuôn mặt xạm nắng, gan lỳ, những cặp mắt sáng quắc luôn luôn hướng nhìn về phía trước của những sĩ quan đứng trên tháp chỉ huy.
Đối với Ulrich Frank, buổi chớp bóng tối hôm đó là một khúc quanh trong đời chàng ta. Khi bước ra khỏi rạp hát, Frank đã tự hứa với mình là bằng mọi giá một ngày nào đó chàng sẽ chỉ huy thiết giáp xa, một mình chàng thôi.
Chàng phải mất mười chín năm mới thấy giấc mộng trở thành sự thật. Trong những cuộc thao dượt mùa Đông tại những khu rừng quanh Bad Tolz, Trung sĩ Nhất Ulrich Frank chỉ huy thiết giáp xa đầu tiên trong đời chàng, một chiếc M-48 do Mỹ chế tạo mang mỹ danh Patton.
Đây là cuộc thao dượt chót dành cho loại thiết giáp xa Patton.
Chờ đợi sẵn tại Vũ đình trường của Trại Binh là một hàng AMX-13, mới toanh, bóng loáng, do Pháp chế tạo, sẽ được trang bị cho đơn vị của Ulrich Frank. Loại AMX-13 này nhanh và hỏa lực mạnh hơn loại Patton. Một trong số những thièt giáp xa AMX-13 này sẽ được đặt dưới quyền chỉ huy của Ulrich Frank nội trong tuần tới.
Ulrich Frank nhìn xuống dấu thập đen, biểu tượng của Lục quân Tây Đức, sơn bên sườn pháo tháp, và tên riêng do chàng đặt cho chiếc Patton, trong lòng nao nao buồn. Dù chỉ mới chỉ huy thiết giáp xa này hơn sáu tháng, nhưng nó vẫn sẽ là chiếc đầu tiên và chiếc được Ulrich Frank ưa thích nhất. Chàng đặt tên cho nó là Drachenfels - Thạch Long, dựa trên huyền thoại quanh mõm đá nhìn xuống sông Rhine, nơi Marthin Luther thường ngồi để dịch Thánh Kinh ra Đức Ngữ, và thường gặp Quỷ Satan xuất hiện quấy rẩy, nên ông tức mình mới vẫy bình mực đen lên người hắn.
Số phận dành cho Thạch Long thật bi đát, vì nó sẽ được đem ra “làm thịt” đế lấy sắt vụn đem ra bán cho Nhật Bản. Ngập ngừng trong vài giây bên lề xa lộ, chiếc Patton Thạch Long rống lên, hai bộ xích cày lên mặt đường, và khuất dạng trong đám rừng thông.
* * *
Chiều ngày 3 tháng Giêng, Miller đến Vienna. Không cần giữ phòng trước tại khách sạn, chàng cho xe quay đầu lại, chạy vô trung tâm thành phố để dò hỏi đường Rudolf Square.
Chàng tìm ra số nhà 7 không mấy khó khăn, và liếc nhìn bảng tên chủ nhà. Một tấm bảng chỉ chàng lên lầu ba để chữ Trung Tâm Hồ Sơ Và Chứng Từ. Chàng bước lên lầu và gõ một cánh cửa sơn màu xám nhạt. Có người nhìn lén chàng qua một lổ nhỏ nơi cửa, trước khi chàng nghe tiếng lách cách cùa một ổ khóa được mở ra.
Một thiều nữ tóc vàng đứng án nơi ngưỡng cửa.
- Thưa ông cần chi?
- Tôi là Peter Miller. Tôi muốn được gặp ông Wiesenthal. Tôi có thơ giới thiệu.
Chàng đưa thơ cùa Huân tước Russell ra cho thiếu nữ tóc vàng. Cô nàng nhìn lá thơ một cách áy náy, gượng cười bảo chàng đứng đợi tại đó.
Vài phút sau cô lại xuất hiện nơi cuối hành lang, ra dấu mời Miller đi theo.
Chàng phóng viên trẻ khép cửa lại sau lưng mình, và đi theo cô tóc vàng qua hành lang đến một cánh cửa hẻ mở. Một người đàn ông đứng đợi chàng trước ngưỡng cửa.
- Mời ông vô. - Simon Wiesenthal nói.
Wiesenthal to lớn hơn Miller nghĩ. Người Do Thái này đang cầm thơ của Huân Tước Russell trên tay.
- Ông bạn già Russell cùa tôi cho biết bạn đang theo vết một tên sát nhân SS nào đó phải không? - Wiesenthai vô đề ngay.
- Thưa đúng!
- Tôi biết tên nó được không?
- Roschmann! Đại úy Eduard Roschmann.
Simon Wiesenthal nheo mày thở ra.
- Ông biết hẳn? - Miller hỏi.
- Tên đố tể Riga? Một trong năm mươi tên gộc trong sổ đen cùa tôi. - Wiesenthal nói và hỏi tiếp: - Ông có thể cho tôi biết tại sao ông chú ý đến hẳn không?
- Ông nên kể rõ chi tiết hơn. - Wiesenthal nói. - bắt đầu từ lúc ông tim được cuốn nhật ký cùa Taubers.
Với người luật sư đại diện của Ủy ban Z, Anthony Cadbury và Huân tước Russell, đây là lẩn thứ tư Miller phải kể lại câu chuyện từ đầu. Mỗi lần như vậy thì câu chuyên lại thêm dài ra vì những tin tức mới được dồn dập thêm vô câu chuyện. Chàng kể cho Simon Wiesenthal nghe đến đoạn gặp Huân tước Russell.
- Và bây giờ những gì tôi cần biết là Roschmann đi về đâu, trốn ở đâu kể từ khi hắn nhẩy xuống xe lửa! - Miller kết luận.
- Ông có đem nhật ký của Tauber theo không? - Wiesenthal hỏi.
Miller mở cặp ra, lấy cuốn nhật ký của Tauber đặt lên bàn làm việc của Wiesenthal.
Mắt Wiesenthal liếc nhanh lên cuốn nhật ký, cười thật hài lòng.
- Hay lắm. Bây giờ tôi mới tin câu chuyện của ông.
- Ông còn hoài nghi điều gì nữa không?
- Trên đời này, nếu muốn sống lâu, sống vững, phải luôn luôn nghi ngờ, nghi ngờ ngay cả sự thật nữa. Câu chuyện ông vừa kể lạ lùng hết sức. Tôi vẫn chưa biết lý do và nguyên cớ nào thúc đẩy ông dấn thân vô việc này!
Miller phân trần:
- Đây là một câu chuyện hấp dẫn, và tôi là một phóng viên chuyên săn tin giật gân!
- Nhưng đây không phải loại chuyện mà bằt cứ nhà báo nào cũng chịu mua. Ông tốn công hao của, mà lợi ích không bao nhiêu. Ông có chắc là ông không có lý do riêng tư nào để truy lùng Roschmann không?
Miller gượng cười:
- Ông là người thứ hai hỏi tôi câu này. Hoffman, chủ nhiệm tờ Spiegel, cũng đã hỏi tôi một câu tương tự như ông. Tại sao lại có chuyện riêng tư, cá nhân hay không cá nhân ? Năm nay tôi chi mới hai mươi chín tuổi và vụ này xảy ra trước, thời tôi mà!
- Dĩ nhiên! - Wiesenthal nói, nhìn đồng hồ, đứng lên. - Mới đó mà năm giờ rối. Tôi phải về nhà với “mẹ” vợ già. Ông có thể đề lại cuốn nhật ký này cho tôi đọc hết tuần này được không?
- Thưa được! - Miller nói.
- Cám ơn ông nhiều lắm. Hẹn ông sáng thứ Hai trở lại đây và tôi sẽ cho ông biết những gì ông còn thiếu sót trong vụ Roschmann!
Mười giờ sáng thứ hai, Miller trở lại văn phòng Wiesenthal và bắt gặp ông này đang đọc một chồng thơ dày cộm. Wiesenthal đưa mắt nhìn lên, ra hiệu cho Miller ngồi xuống ghế đối diện.
- Tôi thức trắng đêm qua để độc cho hết cuốn nhật ký, - Wiesenthal nói, không ngước mắt lên.
- Có đoạn nào làm ông kinh ngạc không? - Miller hỏi.
- Kinh ngạc? Không. Dân tộc chúng tôi gần như hầu hết đều phải trải qua một cơn thử thách như Tauber. Lão ta có thể là một nhân chứng thật lý tưởng. Bất cứ điều gì lão ta cũng ghi nhận hết. Sự kiện này rất quan trọng nếu muốn kết án Roschmann, trước một tòa án Đức hay Áo. Nhưng bây giờ lão ta chết rồi, biết sao?
Miller ngấm nghĩ trong giây lát. Chàng nhìn ngang qua Wicsenthal, nói :
- Thưa ông, thú thật với ông, ông là người Do Thái đã trải qua không biết bao nhiêu sự thăng trầm, đau khổ, người Do Thái bất hạnh đầu tiên tôi được hân hạnh hầu chuyên. Có một điểm trong nhật ký của cụ Tauber làm tôi hết sức kinh ngạc. Cụ nói không có điều gì có thể gọi là “Tội ác cộng đồng” cả. Nhưng trong gần hai mươi năm qua, người ta vẫn kết tội dân tộc Đức chúng tôi. Ông có nghĩ rằng dân tộc chúng tôi có tội hay không?
- Không! - Wiesenthal khẳng định. - Tauber hoàn toàn có lý.
- Tại sao ông có thể cho rằng dân tộc chúng tôi vô tội khi dân tộc chúng tôi đã tàn sát hơn mười bốn triệu người!
- Vì cá nhân ông không tham dự vô cuộc tàn sát này! Ông không giết ai cả. Như Tauber viết, điều bi thảm nhất là Ngọn đuốc Công Lý đã không màng soi vô bọn sát nhân chánh hiệu!
- Bọn sát nhân là ai? Ai đã giết mười bốn triệu người này?
Simon Wiesenthal nhìn thẳng vô mặt chàng:
- Ông đã nghe nói đến những tổ chức trực thuộc SS chưa? Những tổ chức chịu trách nhiệm thủ tiêu hàng triệu người?
- Thưa ông chưa!
- Vậy tôi có bổn phận phải nói qua cho ông biết. Ông nghe nói đến Văn phòng Trung ương Quản trị Kinh tế của Đệ Tam Đức Quốc Xã chưa ? Văn phòng này được Quốc Trưởng Hitler ủy thác nhiệm vụ khai thác nạn nhân trước khi đem đi thủ tiêu.
- Tôi đã đọc qua loa vài tài liệu nói về văn phòng này. - Miller đáp.
- Công việc chính của văn phòng nầy có tính cách trung gian. Nhiệm vụ nhận dạng phạm nhân trong tập thể dân chúng, tập trung họ lại, chuyên chở đến nơi hành quyết sau khi đã khai thác và bóc lột hết tài sản của họ, nhiệm vụ nầy thuộc RSHA tức Văn phòng Trung ương An ninh Đức Quốc Xã. Danh tự An Ninh được bọn Đức Quốc Xã lạm dụng, phát sinh từ ý niệm lệch lạc của chúng cho rằng dân Do Thái là một sự nguy hại cho nền an ninh của Đệ Tam Đức Quốc Xã! RSHA cũng được giao phó nhiệm vụ truy lùng, thấm vấn, và giam giữ những kẻ thù khác của chế độ như những phần tử Cộng sản, Dân xã, Tự do, những nhà báo, những tu sĩ thường phát biểu ý kiện hoặc có tư tưởng phản động, những chiến sĩ kháng chiến trong những quốc gia bị đô hộ và sau này những sĩ quan Lục quân Wehrmacht như Thống Chế Erwin Rommel và Đô Đốc Canaris, cả hai đểu bị thủ tiêu một cách hết sức dã man vì bọn SS tinh nghi họ có khuynh hướng bài Nazi.
RSHA được tổ chức thành sáu Phòng, mỗi Phòng gọi là Amt. Phòng I tức Amt I là Phòng Quản trị nhân viên. Amt 2 lo về quân dụng và tài chánh. Amt 3 là “Bộ Óc” về An ninh và Cảnh sát, do Reinhard Heydrich cầm đầu (hắn bị ám sát tại Prague năm 1942) và sau này được Ernst Kaltenbrunner thay thế (bị quân Đồng Minh hành quyết năm 1945). Amt 3 là phòng đặt ra những cực hình để hành tội nạn nhân trong và ngoài nước Đức. Amt 4 là Gestapo do Heinrich Muller (còn tại đào) chỉ huy. Trong Amt 4 có Khối Do Thái Vụ, Khối 14 do Adolf Eichmann làm Trưởng Khối (Eichmann bị Do Thái bắt cóc khỏi Buenos Aires và bị hành quyết tại Tel Aviv). Amt 5 là Phòng Cảnh sát Tư pháp và Amt 6 là Phòng Tình báo Hải ngoại. Hai tên Trưởng Phòng 3 liên tiếp, Heydrich và Kaltenbrunner đều chỉ huy tổng quát guồng máy của RSHA, và trong suốt thời gian tại chức, chúng bổ nhiệm tên Trưởng Phòng I làm phụ tá. Tên Trưởng Phòng I là Bruno Streckenbach, Trung tướng SS, và hiện nay tên này vẫn sống một cách nhàn hạ tại Vogelweide, làm chủ một siêu thị lớn tại Hamburg. Do đó nếu muốn để cập đến tội ác một cách đích thật và chính xác, và những kẻ thực tình nhúng tay vô tội ác, thì phải kể đến và quy tội cho hai phòng 2 và 3 của RSHA, và hàng ngàn quân nhân dưới quyền chớ không thể nào trút hết tội lỗi lên đầu toàn thể dân tộc Đức được.
Quân Đội Đồng Minh để ra thuyết “Tội Ác Cộng Đồng” của sáu mươi triệu dân Đức gồm đàn bà trẻ con, bính lính Wehfmacht, Lutwaffe, không liên can gì đến Đức Quốc Xã, điều này rất hợp ý bọn SS, làm bọn chúng suy luận rằng khi nào thuyết “Tội Ác Cộng Đồng” còn đứng vững thì không bao giờ có ai đi truy lùng bọn sát nhân chánh hiệu làm gì. Lời suy luận này càng làm cho bọn SS có lý do thêm để né tránh pháp luật.
Miller nghiền ngẫm những điều Wiesenthal vừa nói. Chàng không thể nào hình dung được trong trí óc mười bốn triệu người bị tàn sát, trong đó mỗi người là một cá nhân riêng biệt.
- Chắc đây cũng là lý do tại sao cụ Tauber tự sát? Ông có nghĩ vậy không? - Miller hỏi.
- Tôi cho rằng Tauber hoàn toàn có lý khi nghĩ là không một ai sẽ chịu tin chuyện lão đã gặp mặt Roschmann trước của rạp hát. Nếu đây là điều lão tin là đúng thì tôi hoàn toàn đồng ý với lão.
Wiesenthal nhìn ngắm một con tem Phi Châu trên một phong bì.
- Lão ta cũng không thèm đi báo Cảnh sát, điều đó mới lạ. - Miller nói.
- Theo lẽ lão phải đi tố cáo với Cảnh sát. Nhưng tôi tin rồi cũng sẽ không đi đến đâu! Nhất là với Cảnh sát Hamburg.
- Cảnh sát Hamburg làm sao?
- Ông có đến văn phòng Tòa Án Hamburg chưa? - Wiesenthal hỏi ngược lại.
- Có, nhưng nơi đây không làm gì giúp tôi cả!
Wiesenthal nhìn lên.
- Văn phòng này có tiếng là thiên vị và ưa làm ra vẻ ngây thơ ngớ ngẩn lắm! Đây nhé, thử lấy trường hợp Trung tướng Bruno Streckenbach. Tôi vừa nhắc đến tên này, ông nhớ không?
- Nhớ! Hắn làm sao? - Miller ngạc nhiên hỏi.
Thay vì trả lời ngay Miller, Wiesenthal lục tìm một tờ giấy đưa cho Miker xem.
- Hắn đây, Bruno Streckenbach đó ! Được Bộ Tư Pháp Tây Đức biết qua tài liệu Mật mang ám số 141 JS, 747/61. Ông muốn biết thêm về hẳn không?
- Muốn! - Miller tươi cười.
- Trước Đệ II Thế Chiến, hẳn làm trùm Gestapo tại Hamburg. Từ đó hắn lần mò lên nắm một chức vụ quan trong trong SD và SP, tức Sở An ninh và Cảnh sát thuộc RSHA.
Năm 1939 hắn cầm đầu một tiểu đội hành quyết tại phẩn đất chiếm cứ được của Ba Lan. Cuối năm 1940 hẳn làm trùm SD và SP tại Ba Lan, lúc đó đườc biết qua cái gọi là “Chính phủ Trung ương Cracow”, và trong thời gian hắn nắm quyền sinh sát tại đây, hàng vạn người đã bị thủ tiêu trong những cuộc hành quân mang ám hiệu AB. Đầu năm 1941,hẳn trở về Berlin và được cử làm Trưởng Khối Nhân Viên và Quản Trị của SD, tức Amt 3 RSHA. Tên chỉ huy trực tiếp cua hẳn, là Reinhardt Heydrich, cử hẳn làm phụ tá. Trước khi Lục quân Wehrmacht xâm lăng Nga Sô, hắn tổ chức và giám sát những tiểu đội hành quyết tháp tùng các đơn vị tiền phương của Lục quân. Được cất nhắc lên chức Trưởng Khối Kế Hoạch cho Chương Trình tiêu diệt tại Nga Sô, hẳn tuyển mộ nhân viên cho các tiểu đội hành quyết ngay từ trong hàng ngũ SD ra.
Hắn lại được thăng cấp một lần nữa, lần này làm Trường Phòng I của cả RSHA, kiêm luôn chức phụ tá cho đến năm 1942, năm Heydrich bị kháng chiến quân Tiệp ám sát tại Prague (vụ ám sát Heydrich đưa đến vụ trả đũa tại Lidice) và khi Ernst Kaltenbrunner lên thay Heydrich, hẳn làm phụ tá luôn cho tên sau này. Với những chức vụ vừa kể, hẳn nắm tất cả nhân viên trong những tiểu đội hành quyết và những nhân viên SS khác, trong và ngoài nước, cho đến khi Thế Chiến chấm dứt.
Miller ngạc nhiên hỏi:
- Hắn chưa bị bắt giữ sao?
Wieserithal trố mắt nhìn Miller:
- Ai bắt hẳn mới được chứ?
Một lần nữa, thay vì trả lời thẳng cho Miller biết, Wiesenthal lại lụi lọi trong hộc tù và chìa ra một mảnh giấy cho Miller.  
Wiesenthal cẩn thận xếp tờ giấy lại làm hai, chỉ để cho Miller đọc những hàng tên bên trái.
- Ông nhận ra những tên này không?
Miller duyệt qua danh sách mười tên, nhăn mặt :
- Dĩ nhiên. Một tên phóng viên chịu khó sưu tầm tin tức đâu còn lạ gì những tên sĩ quan cảnh sát cao cấp này tại Hamburg, Tại sao ông lại đưa tờ giấy này cho tôi xem?.
- Mở tờ giấy ra thì biết ngay.
Miller làm theo lời Wiesenthah, chàng phóng viên bây giờ đọc tờ giấy như sau :

Tên Họ   Số thẻ đảng Nazi   Số hiệu SS   Cấp bậc   ngày tháng cấp
A                                            455.336       Đại úy       01.03.1943
B              5.451.195              429.339       Tr/úy         09.11.1940
C                                            353.004        Tr/úy        01.11.1941
D              7.039.564              421.445       Đại úy       21.06.1941
E                                            421.176        Đại úy       09.11.1942
F              7.040.308              174.902         Tr/Tá        21.06.1944
G                                           426.553         Đại úy       01.09.1944
H              3.138.798              311.870        Đại úy       30.01.1942
I               1.867.976              424.361         Tr/úy        10.04.1944
J               5.063.331              309.825         Tr/Tá        09.11.1943

Miller nhìn lên trần nhà:
- Trời!
- Bây giờ ông đã hiểu tại sao một cựu Trung tướng SS đi đứng một cách thong thả tại Hamburg, Cảnh sát không thể nào bắt giữ hắn được vì hẳn từng là xếp của họ.
Miller liếc nhìn xuống tờ giấy một lẩn nữa vói cặp mắt bán tín bán nghi:
- Bây giờ tôi mới hiểu Brandt ngụ ý gì khi nói đến sự khó chịu của Cảnh sát Hamburg mỗi khi ai xía mỏ vô chuyện riêng tư khúc mắc của họ!
- Có thể lắm, cũng giống như Văn Phòng Tòa Án Hamburg vậy. Không mấy ai chịu hăng hái làm việc cả! Mà thôi, chúng ta đã nói chuyện khá lâu rồi. Ông đi kiếm gì ăn đi, rồi chiều ghé lại tôi, chúng ta sẽ tiếp tục.
Y hẹn, sau buổi cơm trưa, Miller trở lại văn phòng của Wiesenthal. Trước mặt tên “Thợ săn SS” là một số tài liệu được bày ngổn ngang trên bàn làm việc. Miller ngồi vô chiềc.ghế khi sáng, đem sổ tay ra chuẩn bị ghi chép.
Simon Wiesenthal bắt đầu kể lại những diễn biến liên quan đến Roschmann từ ngày 8 tháng Giêng năm 1948.
Nhà cầm quyền Anh và Hoa Kỳ đã thỏa thuận cho Hoa Kỳ dẫn độ Roschmann về Dachau để đối chất trước Tòa Án Quốc Tế, sau đó giải giao hắn về lại khu vực chiếm đóng của Quân Đội Anh tại Đức, có lẽ tại Hanover, nơi bản án tử hình đang chờ đón hẳn. Ngay trong thời kỳ bị tạm giam tại Graz, Roschmann đã lập kế hoạch vượt ngục và đào thoát khỏi Lục địa Âu châu. Hắn bắt liên lạc được với một tổ chức giúp bọn Nazi đào tẩu, hoạt động tại Áo, tổ chức mệnh danh “Lục Giác Tinh”, không liên hệ gì đến biểu hiệu ngôi sao David của Do Thái, nhưng được đặt tên như vậy là vì tồ chức này bành trướng vùng hoạt dộng qua sáu thành phố lớn tại Áo quốc, phần lớn nằm trong khu vực chiếm. đóng của Anh quốc.
Sáu giờ sáng ngày 8 tháng Giêng, Roschmann được gọi dậy và đưa ra đoàn tàu đang đợi sẵn tại nhà ga Graz. Khi vừa đặt chân lên toa xe lửa, một cuộc cãi vã bùng nổ giữa viên trung sĩ quân cảnh và viên trung sĩ cảnh sát, vì một anh muốn còng tay Roschmann, còn anh kia lại muốn tháo còng ra. Roschmann dựa vào đó, kêu than đau bụng, tiêu chảy, do hậu quả ấm thực quá tệ của nhà giam Graz, và đòi đi cầu cho bằng được. Hắn được phép đi vô nhà cầu, tay được mở còng ra trong khi viên trung sĩ đứng đợi ngoài hành lang toa xe lửa. Trong suốt cuộc hành trình băng qua đồng bằng đầy tuyết, Roschmann đã xin phép đi vô nhà cầu ba lần tất cả. Hình như hắn đã thừa cơ hội này để cạy cửa thoát hơi nhỏ trong nhà cầu, chờ dịp thuận tiện để thoát thân. Roschmann biết trước hẳn phải trốn trước khi Hoa Kỳ thay thế lính gác Anh tại Salzburg. Từ thành phố này hắn sẽ được đưa về Munich bằng xe hơi.
Hết trạm này đến trạm khác, con tàu vẫn mở hết hơi không giảm tốc độ, nhưng đến Hallein thì ghé lại trong vài phút. Trong thời gian ghé ga này, viên trung sĩ cảnh sát canh chừng Roschmann để cho người bạn quân cảnh của anh xuống ga mua thức ăn. Viên trung sĩ cảnh sát quả là một tên ngốc vì đã cho phép Roschmann đi vô nhà cầu khi xe lửa còn đang đậu tại ga. Và khi con tàu từ từ rời khỏi Hallein, Roschmann đã nhảy phóc ra ngoài. Mười phút sau, hai nhân viên hộ tống hắn tông cửa vô trong lúc con tàu đã ngon trớn tiến về Salzburg.
Roschmann loạng choạng bước đi trong mưa tuyết và tạm trốn trong một nông trại bỏ hoang. Ngày hôm sau hắn vượt biên giới từ miền Thượng du Áo quốc đi vô tỉnh Salzburg, và bắt liên lạc với tổ chức Lục Giác Tinh tại đây. Tổ chức này cung cấp cho Roschmann một ngụy tích nhân công, và giới thiệu hắn vô làm việc trong một xưởng gạch trong khi chờ đợi Lục Giác Tinh liên lạc được với Odessa, để mưu tìm đường dây trốn thoát qua Ý Đại Lợi.
Vào lúc đó Odessa liên lạc mật thiết với Ban Tuyển Mộ của Đội Quân Lê Dương của Pháp, đã từng kết nạp hàng trăm cựu binh sĩ SS. Bốn ngày sau khi liên lạc được với Odessa, một chiếc xe mang số Pháp đậu trước cửa thành Ostermieting chờ đón Roschmann và bốn đồng chí SS khác. Tên tài xế lái chiếc xe này đã mang đầy đù giấy tờ cho phép xe và hành khách vượt biên giới mà không bị kiểm soát hay lục xét, đưa năm kẻ đào tẩu qua biên giới Ý đến Merano, và được tên đại diện Odessa tại đây tưởng thưởng bằng một bó tiền Mỹ kim.
Từ Merano, Roschmann được chuyển đến một trại tạm trú tại Rimini, đồng thời sử dụng tên mới là Fritz Bernd Wegener. Ít lâu sau hắn được đưa đến chủng viện Phan Xi Cô và khi giấy tờ được hợp thức hóa, hẳn mới bước xuống tàu tại hải cảng Naples để đi Buenos Aires. Trong suốt thời gian ở tại chủng viện Phan Xi Cô, Roschmann kết thân với một số đồng chí SS và đảng viên Đức Quốc Xã, và được đích thân cha Alois Hudal chăm sóc từng ly từng tý.
Tại thủ đô Á Căn Đình, Roschmann được Odessa đón tiếp niềm nở, và được ở chung với một gia đình người Đức tên Vidmar tai khu Calle Hipolito Irigoyen.
Đầu năm 1949, Quỹ Mật của Bormann tại Thụy Sĩ ứng trước cho Roschmann 20.000 Mỹ kim để dùng vàọ việc kinh doanh, xuất cảng ván ép Á Căn Đình sang Tây Âu. Cơ sở này của Roschmann lấy tên là Stemmier và Wegener (Roschmann được cải lốt thành Fritz Bernd Wegener, sanh quán tại tỉnh Tyrol, Ý Đại Lợi).
Wegener mướn một thiếu nữ Đức làm thơ ký tên là Sigrid Miller. Đầu năm 1955, Roschmann tức Wegener làm lễ thành hôn với Sigrid, dù người vợ chính thức của hắn vẫn còn sống tại Graz. Đầu năm 1955, chế độ Peron có mòi sụp đổ, và Wegener đã tiên liệu trước được điều nầy. Nếu Peron rơi đài, những kẻ kế vị Tổng Thống độc tài này có thể sẽ thay đổi lập trường với bọn cựu đảng viên Nazi và SS, cũng như sẽ vô hiệu hóa một vài đặc quyền mà Peron đã dành cho bọn này. Roschmann cùng người vợ mới cưới bỏ sang Ai Cặp.
Trong ba tháng hè năm 1955 hắn sống tại Ai Cập, nhưng đến mùa Thu cùng năm hắn sang Tây Đức. Tại quê nhà của hắn sẽ không cố ai nghi ngờ gì hẳn, nếu không có sự ghen ghét của một người đàn bà. Người vợ chánh thức thứ nhất của Roschmann, Hella Roschmann, viết thơ cho hắn từ Graz qua trung gian gia đình Vidmar tại Buenos Aires đúng vào mùa Hè Roschmann bỏ sang Ai Cấp. Vidmar không được Roschmanti thông báo địa chỉ chuyển tiếp của hẳn tại Ai Cập, đã tự động bóc thư của Hella ra và tự ý viết thư trả lời, đại ý nói rằng Roschmann đã bỏ về Tây Đức qua ngã Ai Cập, cùng đi với Roschmann có cô vợ trẻ đẹp mới cưới là Sigrid Muller.
Điên tiết vì bị phản bội, Hella mật thông báo cho cảnh sát biết lý lịch của Friz Bernd Wegener, và yêu cầu Biện Lý ra án lệnh bắt giữ Roschmann về tội song hôn, và cơ quan này đã phổ biến lệnh tầm nã Roschmann khắp nước Đức.
- Rồi tóm được hắn không?
Wiesenthai đưa mắt qua nhìn Miller lắc đầu:
- Không. Một lần nữa hắn lại biến mất! Chắc lần này hẳn được Odessa cấp lý lịch giả tạo ngay trong nội địa nước Đức. Ông thấy không? Vì vậy nên tôi mới tin chắc rằng Tauber đã chính mắt thấy Roschmann trước cửa rạp hát. Tất cả những dữ kiên của ông và tôi đều trùng họp và ăn khớp với nhau!
- Hiện nay vợ thứ nhất của hắn sống tại đâu? - Miller hỏi.
- Vẫn còn tại Graz.
- Gặp vợ hắn sẽ có thêm được một ít tin tức nào mới mẻ không?
Wiesenthal lắc đầu:
- Tôi nghi ngờ lẳm. Ngay khi biểt được Roschmann có vợ lẽ, Hella đã khai huỵch toẹt hết mọi chuyện bí mật về Roschmann. Không còn điều gì Hella biết mà chưa khai với Cảnh Sát, vì hiện nay bà ta ghét Roschrnann còn hơn c... nữa. Không cần nói ông cũng hiểu là bây giờ Roschmann không dại gì tiết lộ lý lịch mới của hắn cho Hella biết. Tôi nghĩ rằng lúc biết được sắp sửa bị lột mặt nạ, Roschmann đã phải trải qua không biết bao nhiêu là gian nan mới kiếm được một lý lịch mới, cùng với giấy tờ tùy thân. Ông đồng ý không? »
- Đúng lắm! Nhưng ai đã cung cấp giấy tờ mới ch0 hắn? - Miller hỏi.
- Odessa!
- Odessa là cái quái gì mà ông nhắc tới nhắc lui hơn bốn năm lần trong suốt buổi chỉều hôm nay?
- Ông chưa biết Odessa?
- Ông là người đầu tiên nói cho tôi nghe tên này!
Simon Wiesenthal nhìn đồng hồ:
- Mai ông trở lại đây được không? Tôi sẽ thuyết trình cho ông nghe về Odessa.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét